Tuy Phước: Tôm chết trên diện rộng
Nguồn tin: Binhđinh, 28/3/2005
Ngày cập nhật: 28/3/2005
Trong khoảng hai tuần gần đây, tại vùng nuôi tôm thuộc thôn Huỳnh Giảng, xã Phước Hòa đã có ít nhất là 12,6ha hồ tôm bị thiệt hại nặng nề do tôm (từ 10-30 ngày tuổi) chết hàng loạt.
Hiện cán bộ khuyến ngư của huyện và xã đang phối hợp kiểm tra thực tế tại các hồ tôm, tìm hiểu nguyên nhân để phòng bệnh và chống lây lan. Điều đáng lo ngại là trên diện tích 160 ha hồ tôm ở Huỳnh Giảng hầu hết tôm giống đưa vào thả nuôi đều chưa qua kiểm dịch. Do đó nguy cơ tái diễn dịch bệnh là rất cao.
Văn Thân
Anolyte & Catholyte thay thế kháng sinh và hóa chất nuôi tôm thương phẩm
Nguồn tin: KHPT, 25/3/2005
Ngày cập nhật: 27/3/2005
Sở Thủy sản tỉnh Phú Yên vừa thử nghiệm thành công sản phẩm Anolyte & Catholyte trong công nghệ hoạt hóa điện hóa thay thế kháng sinh và hóa chất trong nuôi tôm sú thương phẩm. KS Nguyễn Minh Phát, người thực hiện thí nghiệm cho biết, Anolyte & Catholyte là sản phẩm từ công nghệ hoạt hóa điện hóa bằng máy ECAWA mà trước đây một số nước đã thành công trong chế biến sản phẩm đông lạnh, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vì chúng phân hủy trong khoảng thời gian từ 48-50 giờ.
Hai sản phẩm này đã được ứng dụng thành công trong sản xuất tôm giống và bước đầu thành công trong nuôi tôm thương phẩm. Trong suốt quá trình nuôi sử dụng Anolyte & Catholyte không sử dụng thêm thuốc kháng sinh gì khác ngoài bổ sung vitamin.
Anolyte & Catholyte phối hợp trộn với thức ăn nuôi tôm, cứ 7 ngày phối trộn với liều lượng 0,7 lít/10kg thức ăn, liên tục 4 lần/ ngày trong một tháng đầu và tăng lên 1 lít/10kg thức ăn trong các tháng còn lại. Các chỉ tiêu về độ mặn, pH vẫn áp dụng như các ao nuôi thông thường. Tôm có tỷ lệ sống cao, khoảng 90%, màu sắc đẹp, và đặc biệt không để lại dư lượng thuốc trên tôm.
T. Tâm
Triệu phú cá rô đồng
Nguồn tin: KHPT, 25/3/2005
Ngày cập nhật: 27/3/2005
Là một nông dân nhạy bén, anh Lê Hồng Dũng (ấp Lân Thạnh 2, xã Trung Kiên, Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã tranh thủ đất ruộng sau mỗi mùa lúa đông xuân nuôi cá rô đồng tăng thêm thu nhập. Anh Dũng cho biết, lợi nhuận từ sản xuất vụ hè thu không cao nên chuyển sang nuôi cá xen với một vụ lúa. Mỗi năm nuôi một vụ chính, từ thành công ban đầu nuôi cá rô trên 6 công ruộng (6000m vuông) lời gần 20 triệu đồng, đến nay anh Dũng đã mở rộng nuôi trên 16 công. Năm 2004, sau khi trừ chi phí anh lời khoảng 200 triệu đồng. Mô hình nuôi cá rô đồng trên ruộng lúa của anh Dũng được chọn là điển hình ở Cần Thơ và được báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về nuôi trồng thủy sản do Bộ Thủy sản tổ chức.
Anh Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá rô đồng thành công của mình: Cá rô đồng rất kén môi trường đẻ trong khi ruộng lúa rất lý tưởng với chúng. Thời điểm nuôi thuận tiện nhất bắt đầu từ giữa tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Nguồn cá giống ban đầu có thể mua ở chợ dưỡng trong ao đến khi cá khoảng một năm tuổi sẽ trở thành cá bố mẹ thì chuẩn bị thả xuống ruộng.
Chuẩn bị ao nuôi cá bố mẹ: Theo kinh nghiệm của anh Dũng, trên mỗi khoảnh ruộng anh dành một góc đất làm ao, đào sâu xuống mặt ruộng khoảng 1,5m, làm bờ bao cao xung quanh (vừa để chứa nước cung cấp cho ruộng lúa khi vào vụ vừa tận dụng nuôi dưỡng cá bố mẹ), thả cá bộ mẹ vào nuôi. Ao nuôi phải được xử lý bằng cách tát cạn, bón vôi với lượng 10kg/100m vuông để sát trùng và diệt cá tạp. Trước khi thả cá bố mẹ xuống ao phải xử lý bằng 20 lít nước hòa tan với một nắm muối cục và một muỗng cà phê oxytetra, ngâm cá khoảng 10 phút.
Chuẩn bị ruộng nuôi: Sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân cũng là thời điểm chuẩn bị thả cá tốt nhất, rải rơm đốt rạ cho lúa chét lên, khi lúa lên được 15 ngày, kết hợp bón phân gà 7-10kg/100m vuông, sau đó 3 ngày cho nước lên ruộng, có vải moussalin lọc nước (khoảng 20cm nước) và bắt đầu thả cá bố mẹ (mật độ khoảng 50 con/100m vuông). Do cá rô nuôi trong ao ít đẻ nên phải thả lên ruộng, nguồn cá con đẻ ra sẽ là nguồn cá giống thương phẩm.
Thả cá bố mẹ xuống ruộng một ngày, tiếp tục bơm nước vào ruộng, (vẫn có vải moussalin lọc nước) lưu ý không nên bơm nước ngập lúa chét vì đây là nơi cá đẻ trứng và làm mát mặt ruộng. Thả cá vài ngày sau thì cá bắt đầu đẻ. Cá nở 3 ngày cho ăn trứng vịt với bột đậu nành, cho ăn khoảng 10 ngày, mỗi ngày 4 lần. Từ ngày thứ 11 đến ngày 30, cho ăn 3 lần/ ngày, thức ăn là cá bột, cá lạt 50% và cám 50%. Ngày thứ 31 đến 45, cho cá ăn thức ăn công nghiệp (3 lần/ ngày). Khi cá 45 ngày tuổi, bắt đầu lọc lòng để chọn cá đồng cỡ nuôi tiếp; từ ngày 46-60 cho ăn thức ăn công nghiệp dạng 0,7 ly, đạm 35% và vẫn 3 lần/ ngày. Cá từ 2 tháng tuổi đến 75 ngày chuyển sang ăn thức ăn công nghiệp dạng 1-1,2ly, đạm 28% và ăn 2 lần/ ngày.
Từ ngày thứ 76 đến khi thu hoạch, tức khoảng 6 tháng tính từ lúc ương cá bột, cho cá ăn thức ăn công nghiệp đạm 24-28% hoặc thức ăn chế biến gồm bột cá, cám mịn, đậu nành, men tiêu hóa và bột kết dính sao cho hàm lượng vẫn đảm bảo 25-28%, cho ăn ngày 2 lần.
Theo anh Dũng sở dĩ cho cá ăn tính từng giai đoạn và thức ăn như vậy vì cá rô hơi khó tính, nếu cho ăn không đúng và hợp, cá dễ bị chai chậm lớn.
Phòng trị bệnh cho cá: Trong 45 ngày đầu ương cá không cần thay nước, sau đó thay nước từ từ. Trong thời gian cho cá ăn thức ăn chế biến phải thay nước thường xuyên hơn lúc cho ăn thức ăn công nghiệp. Sau mỗi lần thay nước dùng vôi sát trùng với lượng 2-4kg/100 m khối nước, bằng cách hòa lấy nước rồi tát đều mặt ruộng. Bổ sung thêm vitamin B1, B2, B12 vào thức ăn 5-7 ngày /lần. Nếu cá bệnh, có thể nhờ cơ quan chuyên môn hướng dẫn phòng trị, đây lá cách tránh rủi ro tốt nhất.
Do thiết kế ao ngay trên ruộng nên việc thu hoạch rất thuận tiện, chỉ cần tháo nước cho cá xuống ao và dùng lưới kéo.
Thanh Tâm
Đồng bằng sông Cửu Long: Tôm lại chết!
Nguồn tin: SGGP, 25/03/2005
Ngày cập nhật: 25/3/2005
ĐBSCL đang vào vụ tôm 2005, nhưng tình hình dịch bệnh ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… đã làm cho hàng chục ngàn hécta tôm chết trắng. Nhiều nông dân thấp thỏm trước thực trạng tôm chết trên diện rộng.
*Tôm đầu vụ chết hàng loạt
Ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, những ngày này, nhiều nông dân bối rối trước tình trạng tôm chết tràn lan. Ông Đỗ Văn Mép, chủ vuông tôm rộng 15 công lắc đầu: “Hồi đầu năm, nghe dự báo hạn nặng tôi sợ thiếu nước nên xuống giống sớm. Lúc đầu tôm phát triển rất tốt, nguồn nước ra vào êm ru. Nhưng gần đây, mực nước kém dần do gặp hạn, ruộng tôm bị rò rỉ, bốc hơi nhanh và tôm bị bệnh.
Nặng nhất là khoảng một tuần nay, nhiều con tôm lũi đầu vào mé, đỏ thân, đốm trắng chết hàng loạt. Chữa trị nhiều loại thuốc nhưng không hết. Thả 100 ngàn con giống, đến nay chết trên 70%”. Cùng cảnh ngộ trên, ông Tư Cần lo lắng: “Mấy ngày nay, thời tiết thay đổi thất thường, ban ngày nắng gắt, tối rất lạnh.
Nhiệt độ biến đổi nhanh như vậy sẽ gây bất lợi cho tôm”. Vuông tôm của ông thả 150 ngàn con giống, chết lai rai gần hết. Tôm của nhiều hộ khác cũng vậy. Trạm Khuyến ngư huyện Mỹ Xuyên cho biết, riêng 3 xã Gia Hòa 1, Gia Hòa 2 và Thạnh Phú thiệt hại ít nhất 145 ha tôm 15 – 60 ngày tuổi.
Ông Phạm Hữu Lai, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Sóc Trăng nói: “Toàn tỉnh có hơn 1.500 ha tôm bị bệnh, nhiều nơi tỷ lệ thiệt hại cao. Ngay ban đầu chúng tôi đã khuyến cáo giữa tháng 3 trở đi mới được xuống giống, nhưng thấy tôm có giá nên bà con không nghe, bất chấp khuyến cáo, ai cũng thả sớm”.
Trong khi đó, tại Cà Mau, tình trạng khô hạn làm nhiều đầm tôm thiếu nước, khiến người nuôi đối phó rất vất vả. Tại Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang đã xuất hiện hàng loạt vuông tôm bệnh chết. Đáng lo ngại là năm nay không chỉ tôm quảng canh bị bệnh, mà tôm công nghiệp cũng chết hàng loạt.
*Đồng tôm bị xuống cấp
Trước tình hình trên, Sở Thủy sản các tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Khuyến ngư, chính quyền địa phương… khẩn trương tìm cách ngăn chặn dịch bệnh lây lan như khoanh vùng nơi bị bệnh nặng, xử lý mầm bệnh và yêu cầu người dân vệ sinh ao tôm, phơi đất khoảng 2 tháng sau mới thả lại.
Vụ tôm năm nay, Cà Mau thả nuôi khoảng 202.000 ha, Bạc Liêu 122.000 ha, Sóc Trăng 45.000 ha… Nhiều nơi đang thả giống cao điểm. Ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản Bạc Liêu lo lắng: “Thời tiết gần đây diễn biến thất thường, cộng thêm hạn nặng nên không thể xem nhẹ. Vấn đề đau đầu là tôm vẫn chết, nhưng đến nay chưa tìm ra giải pháp căn cơ phòng trị”.
Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang lao đao vì ruộng tôm khô hạn.
Tại Sóc Trăng nếu như năm 2003 thiệt hại 16.346 ha, chiếm 40% diện tích tôm; sang năm 2004 thiệt hại tăng lên 18.231 ha. Ở Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Long An…, tình hình cũng tương tự. Có hộ, thả vụ đầu thất bại, thả lại vụ 2, vụ 3… tôm vẫn chết. Các nhà chuyên môn cho rằng, nhiều đồng tôm ở ĐBSCL đã bị xuống cấp. Sự khai thác tràn lan lâu ngày, nhưng thiếu cải tạo, tu bổ, dẫn đến “lão hóa”.
Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ phân tích: “Phần lớn bà con thả mật độ quá dày, trong khi ruộng nuôi không được cải thiện, môi trường nước ô nhiễm. Bờ bao nhỏ và bị rò rỉ không đảm bảo nguồn nước. Nhiều hộ nuôi không làm ao lắng, không có kênh lấy nước và thoát nước riêng biệt. Như vậy, khi môi trường biến động sẽ làm cho tôm bị sốc và chết”. Ngoài ra, nguồn giống trôi nổi, không được kiểm tra, có tỷ lệ mang mầm bệnh cao cũng là tác nhân làm chết tôm.
Thực tế, mỗi năm Bạc Liêu cần khoảng 10 tỷ con giống, Sóc Trăng 5 tỷ, Cà Mau 12 tỷ con giống… nhưng các cơ sở sản xuất tại chỗ đáp ứng chưa được 30% lượng giống, 70% còn lại phải mua về từ những nơi khác. Hiện đang vào giai đoạn nuôi cao điểm, khó tránh khỏi tình trạng giống dỏm bán tràn lan.
Mặt khác, hầu hết hệ thống thủy lợi nuôi tôm từng được sử dụng vào việc trồng lúa – vốn đang xuống cấp và không đồng bộ. Nhiều nơi, hộ trước thải nước ô nhiễm ra kênh thì hộ sau lấy vào ruộng và mầm bệnh phát tán tràn lan. Các nhà chuyên môn khuyến cáo: Các tỉnh cần có biện pháp buộc người dân tuân thủ lịch thời vụ, chỉ nên nuôi 1 vụ tôm/năm với mật độ thấp và làm ao lắng trữ nước. Tăng cường quản lý giống và có biện pháp điều tiết nước khi vào giai đoạn hạn nặng. Cải tạo ao đầm và tìm mô hình nuôi tôm đạt năng suất đang trở nên cấp thiết đối với nông dân ĐBSCL.
HUỲNH PHƯỚC LỢI
Quý 1: Xuất khẩu thủy sản vào Nhật và EU tăng 50-70%
Nguồn tin: VietNamNet, 23/3/2005
Ngày cập nhật: 23/3/2005
Đối mặt với nắng hạn gay gắt, cần tăng cường bảo vệ nguồn lợi cá đồng
Nguồn tin: BCT, 23/3/2005
Ngày cập nhật: 23/3/2005
Hiện nay nhiều nơi ở Bán đảo Cà Mau, tình hình khô hạn gay gắt đang gây hại các đối tượng cây trồng vật nuôi rất đáng lo ngại. Đặc biệt tại các vùng ngọt hóa, các loại cá đồng còn sót lại trong các ao mương vườn có nguy cơ bị khai thác đến cạn kiệt. Nếu các địa phương, ngành chức năng không động viên nhân dân tăng cường bảo vệ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi cá đồng trong những năm tiếp theo sau.
Bởi, nguồn lợi cá đồng hiện nay không còn như xưa, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao do chất lượng thương phẩm ngon và sản lượng lớn như cá sặc rằn, cá lóc, cá trê... đã giảm đáng kể. Năm qua do dịch bệnh cúm gia cầm tác động, giá cá đồng tăng khá hấp dẫn nên nhân dân cũng khai thác nhiều để bán nhằm xở gỡ khó khăn. Và hiện nay do tình hình nắng hạn kéo dài một bộ phận lớn dân cư trong vùng có cá đồng lại gặp khó khăn, nhất là đối với những hộ không nuôi cá đồng thì khó khăn càng gay gắt hơn, vì thế họ càng gia tăng săn bắt cá tự nhiên và cũng không ngần ngại xâm hại cả nguồn cá giống của những hộ nuôi cá chừa lại, từ đó làm cho các hộ này không an tâm dẫn đến tình trạng nhiều hộ đã phải thu hoạch luôn cá giống, vừa để xở gỡ khó khăn về kinh tế, về nguồn nước duy trì cho cá và cũng vừa vì sợ không giữ nổi trước tình hình kẻ trộm quá lộng hành.
Thật là đáng tiếc! Cà Mau từng nổi tiếng cả nước nhờ nguồn cá đồng và năm qua vừa mới nhen nhóm lại huyền thoại cũ thì lại mắc phải đại hạn quái ác như hiện nay. Không lẽ ước mơ khôi phục lại nghề nuôi cá đồng truyền thống của người dân Cà Mau lại qua đi nhanh chóng và đành trôi theo dòng nước mặn vào ruộng vườn để chuyển dịch nuôi tôm sú? Các loài cá đồng đang rất cần một chốn nương thân an toàn. Xin đừng tận diệt chúng và hãy ngăn cản mọi sự săn bắt bằng các hình thức từ câu lưới, đến đâm chĩa, xuyệt điện...! Hãy bảo vệ cá đồng, đừng lạm sát nó, vì đó là nồi cơm của bà con nông dân!
Hiện nay đang giữa mùa khô hạn gay gắt, hầu như tất cả các kinh mương ao đìa trong tỉnh có cá đồng đều đã khô cạn, chúng phải sống tập trung nên rất dễ bị đánh bắt. Vì thế các ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân có ý thức bảo vệ chúng thì mới mong không bị ảnh hưởng đến nguồn lợi cá đồng cho năm sau và những năm tiếp theo .
Để tích cực bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng, chúng tôi thấy rằng ngay từ bây giờ nhân dân và các ngành chức năng có liên quan cần khẩn trương tiến hành các công việc sau đây:
- Cần tuyên truyền động viên nhau cố gắng bảo vệ nguồn cá đồng còn sót lại ít ỏi trong các ao đìa đang bị khô kiệt tại từng hộ, có thể tổ chức thu gom khu trú chúng lại gần các cây nước cho dễ cấp nước và dễ bảo vệ. Xin đừng thu hoạch tiêu dùng hay để chết khô đến những con cuối cùng ấy, hãy chuyển chúng đến nơi an toàn cho qua mùa khô hạn để chúng được sống sót và sinh sản bầy đàn cho đồng ruộng có thêm sức sống và nông dân sẽ còn được cái ăn vào mùa giáp hạt.
- Các lâm ngư trường, các hộ dân, trong quá trình khai thác đánh bắt cần chú ý chừa lại nguồn cá giống theo một tỷ lệ nhất định đủ sức tái tạo lại nguồn lợi cho năm sau và những năm tiếp theo, đảm bảo cho nguồn lợi quý giá này được duy trì và phát triển bền vững.
- Các địa phương, ngành chức năng và nhân dân nên phối hợp với viện trường tiếp nhận các công nghệ sản xuất con giống, kỹ thuật ương, nuôi thâm canh, bán thâm canh cá thương phẩm... để tăng năng suất, sản lượng và phẩm chất. Trước mắt cần hình thành hệ thống các trại cung cấp giống cá đạt tiêu chuẩn, các cơ sở ương đảm bảo chất lượng đủ sức đáp ứng nhu cầu thả nuôi của người dân.
- Các địa phương và nhân dân cần nghiên cứu hình thành những tổ, hội nuôi cá đồng để trợ giúp nhau về kỹ thuật, về hợp tác bảo vệ chung... và phát động “ngày hội thả cá giống” các loại vào thời điểm thích hợp trong năm, để phát triển giống tự nhiên và qua đó giáo dục ý thức giữ giống trong cộng đồng.
Chính quyền các cấp cần sớm nghiên cứu ban hành các biện pháp chế tài cần thiết và hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn việc săn bắt cá giống đầu mùa sinh sản dưới mọi hình thức như: nhấp vịt, đặt lờ, lú, đâm, xuyệt điện, kéo lưới mành... để bảo vệ hữu hiệu cả cá bố mẹ lẫn cá con và cả lợi ích chính đáng của người dân nuôi cá.
Nguồn lợi cá đồng cũng là một loại tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, nên trong tình hình nắng hạn quá gay gắt như năm nay mọi người cần phải tuyên truyền động viên nhau bảo vệ ngay từ bây giờ trước khi quá muộn, khi ăn, khi khai thác, kinh doanh nên có ý thức bảo vệ, không nên lạm sát để nó được phát triển phong phú thêm.
Ks. NGUYỄN VĂN THƯỚC
Khuyến khích sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản
Nguồn tin: KH, 22/03/2005
Ngày cập nhật: 22/3/2005
Ngành thủy sản đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước liên doanh với các tổ chức cá nhân nước ngoài (kể cả các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đáp ứng nhu cầu từ 450.000 đến 500.000 tấn thức ăn mỗi năm.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản đang tập trung nâng cấp một số cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản công nghiệp có công suất từ 5.000 đến 10.000 tấn/năm.
Bộ đang từng bước thí điểm nuôi cá biển, tôm hùm bằng thức ăn nhân tạo, tiến tới dùng hoàn toàn thức ăn công nghiệp để giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường các biện pháp quản lý, chống đưa kháng sinh và hóa chất bị cấm vào thức ăn chế biến; xây dựng các tiêu chuẩn các loại thức ăn, từng bước lập lại trật tự trong sản xuất và kinh doanh thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học phục vụ cho nuôi trồng thủy sản tạo sản phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo TTXVN
Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Thuận tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa
Nguồn tin: NT, 22/03/2005
Ngày cập nhật: 22/3/2005
Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vừa tổ chức Hội nghị quản lý chất lượng hàng hóa thủy sản năm 2005. Hội nghị đã thông qua chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nuôi tôm năm 2005 chỉ thị về việc thực hiện Đề án nuôi tôm bền vững tại Ninh Thuận. Quy định nêu rõ: Các tổ chức, cá nhân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh nghiêm chỉnh chấp hành việc nuôi tôm theo đúng quy hoạch đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện thả giống nuôi theo đúng kế hoạch mùa vụ nuôi tôm của ngành Thủy sản; tiến hành kiểm dịch con giống trước khi thả nuôi, thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật nuôi, giảm mật độ nuôi giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực nuôi theo hướng dẫn của ngành Thủy sản để giảm thiểu dịch bệnh lây lan từ vụ nuôi tôm trước. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Về Đề án nuôi tôm bền vững cần phát triển theo hướng đa dạng đối tượng nuôi ở các thủy vực mặn, lợ, ngọt, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm đúng tiêu chuẩn quy định và quản lý nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch, từng bước thực hiện sản xuất kinh doanh có điều kiện.
Chi cục BVNL Thủy sản đã triển khai kế hoạch cụ thể nhằm quản lý chất lượng tôm giống năm 2005 đến từng đối tượng nuôi tôm bằng các giải pháp như: Kiểm soát đầu vào bằng các biện pháp kiểm dịch và kiểm tra chất lượng tôm bố mẹ; kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản; kiểm soát việc sử dụng thuốc hoá chất, kháng sinh trong các trại giống; kiểm tra vệ sinh thú y; công bố chất lượng hàng hóa và ghi nhãn mác hàng hóa; quan trắc cảnh báo môi trường một số khu vực tập trung trại tôm giống; tổ chức lớp đào tạo kỹ thuật viên về lĩnh vực sản xuất tôm giống cho các trại tôm; tăng cường tuần tra kiểm soát, ngăn chặn tình trạng trốn tránh kiểm dịch đến mức độ thấp nhất; khuyến cáo kiểm tra tôm giống bằng phương pháp PCR. Ngoài ra các đối tượng tham dự còn được tìm hiểu về một số tiêu chuẩn của ngành về tôm biển, tôm sú bố mẹ và các yêu cầu kỹ thuật chăm sóc.
Báo Ninh Thuận
Lập làng cá cảnh đầu tiên tại Việt Nam
Nguồn tin: TN, 22/03/2005
Ngày cập nhật: 22/3/2005
Chỉ sau 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt của UBND TP.HCM, dự án xây dựng Khu trang trại kinh tế nhà vườn và làng nghề cá cảnh, hoa lan, cây kiểng tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã bước vào giai đoạn xây dựng nước rút. Những người “thai nghén” ý tưởng độc đáo này đang ngày đêm dồn hết tâm huyết để biến khát vọng đưa cá cảnh Việt Nam đến thị trường thế giới, làm giàu cho nông dân trở thành hiện thực.
"Doanh số giao dịch cá cảnh trên toàn thế giới là 4 tỉ USD/năm mà nguồn cung cấp chủ yếu là khu vực châu Á, trong đó chỉ riêng Singapore đã chiếm 300 triệu USD dù dân số chỉ khoảng 3,5 triệu người. Việt Nam ta tiềm năng không thiếu, thậm chí còn thuận lợi hơn rất nhiều mà chỉ xuất khẩu được khoảng 8-9 triệu USD/năm là điều không thể chấp nhận được" - ông Nguyễn Văn Lãng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cá cảnh TP.HCM trăn trở. Ông nói tiếp: "Cá Việt Nam không thua bất cứ nước nào, tôi đã đi nhiều nơi, học hỏi nhiều chỗ, việc lai tạo được loài cá đẹp thực sự không khó, giá thành sản xuất của Việt Nam cũng hoàn toàn cạnh tranh được với Thái Lan, Indonesia... nhưng chúng ta đành cam phận "chiếu dưới" là do phong trào nuôi cá cảnh hiện nay còn quá nhỏ, tự phát và manh mún. Quy mô sản xuất của các nước khác đã tiến rất xa trong khi nghề nuôi cá ở nước ta lại chủ yếu "cha truyền con nối". Thế nên cần phải tập trung nhân lực và chất xám, cùng nhau nghiên cứu thì mới đuổi kịp các nước trong khu vực".
"Chỉ xuất khẩu cá cảnh 8-9 triệu USD mỗi năm là điều không thể chấp nhận!"
Ý tưởng xây dựng một làng nghề cá cảnh của ông đã trở thành dự án cụ thể và được UBND thành phố phê duyệt vào cuối tháng 11/2004. Khu trang trại kinh tế nhà vườn và làng nghề cá cảnh, hoa lan, cây kiểng có diện tích 30 ha, nằm trên địa bàn hai xã Phú Hòa Đông và Trung An (huyện Củ Chi - TP Hồ Chí Minh); được quy hoạch hoàn chỉnh về đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước và các dịch vụ hạ tầng khác. Trang trại được chia làm 180 lô đất, mỗi lô 1.000m2 bố trí cho các hội viên, xã viên định cư sản xuất. Làng nghề cá cảnh sẽ huy động nhiều nghệ nhân cùng đầu tư vào để phát triển nuôi cá xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Lãng cho biết: "Làng nghề cá cảnh sẽ được hoàn thành giai đoạn 1 ngay trước dịp lễ 30/4. Khu làng nghề cá cảnh được xây dựng theo mô hình làng nghề xưa Nam Bộ, vị trí sát bên khu du lịch sinh thái làm phong phú thêm các điểm tham quan. Trong vườn còn có thể trồng xen rau quả, hoa kiểng, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân. Chúng tôi đang chú trọng đến hình mẫu thiết kế chiếc cổng vào làng vì đây vừa là biểu tượng, vừa là mấu chốt thể hiện nét riêng của làng nghề. Vì thế chúng tôi đã treo giải thưởng trị giá 7 triệu đồng cho giải nhất (giải nhì 5 triệu đồng) cho các nghệ nhân thiết kế (Mẫu thiết kế gửi về CLB Cá cảnh TP.HCM, số 120B Sương Nguyệt Anh, Q.1, TP.HCM; ĐT:08-8330519, hạn chót 15/4/2005)".
Ngay khi có quyết định chấp thuận dự án, Hợp tác xã Hà Quang và Câu lạc bộ Cá cảnh TP.HCM đã bắt tay ngay vào việc đầu tư xây dựng. Ông Nguyễn Văn Lãng hồ hởi kể: "Đất ở 2 xã Phú Hòa Đông và Trung An hầu hết là đất xấu nên dân bỏ trống nhiều lắm. Khi biết thông tin làng nghề cá cảnh được xây dựng tại đây, nhiều người đã đồng thuận chuyển đổi nghề, góp đất tham gia dự án. Tại Củ Chi, gần 100 hộ đã tự nguyện chuyển sang nuôi cá, ai không tham gia thì cũng được thỏa thuận để bồi hoàn chi phí. 30 ha không phải ít, vậy mà chỉ trong vài tháng chúng tôi đã giải phóng xong mặt bằng, hiện nay đã bắt đầu xây những mô hình nuôi phân lô đầu tiên". Ông Lãng nhẩm tính: "Với mỗi 1.000m2 dành cho 1 xã viên, 500m2 đất sẽ dành cho trồng trọt, 500m2 còn lại sẽ bố trí hồ kiếng nuôi cá giống, cá con và các hồ nuôi cá lớn. Với 1 triệu con cá sản xuất mỗi năm, doanh thu trên 1 tỉ đồng, nếu nuôi lớn thì thu nhập sẽ cao gấp 10 lần. Trước mắt khu làng nghề có 180 hộ, như vậy sẽ cho tổng doanh thu cao nhất là 1.800 tỉ đồng/năm và thấp nhất là 180 tỉ đồng/năm tùy mức độ sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 900 người (bình quân 5 người/hộ). Ngoài ra làng nghề còn tạo giá trị gia tăng phát triển cho các ngành dịch vụ phụ trợ như cung ứng giống - thức ăn - thuốc thú y, du lịch...". Ông Lãng khẳng định: "Điểm yếu của cá cảnh Việt Nam là con giống đã lạc hậu trong khi yêu cầu xuất khẩu là phải đổi mới liên tục. Các xã viên khi vào làng nghề chỉ lo sản xuất theo một quy trình thống nhất, còn giống sẽ được câu lạc bộ cung cấp, kể cả những giống quý hiếm để tạo ra sản phẩm của Việt Nam".
Quang Thuần
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.