Làm giàu bằng nuôi sò
Nguồn tin: QĐND, 31/03/2005
Ngày cập nhật: 31/3/2005
Anh Phạm Đình Thuận ở thôn Liên Thành, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được nhận 2 ha ở bãi Cồn Hương. Anh đã vào các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang học hỏi và mua sò giống về thả. Do chưa nắm được kiến thức, chọn con giống, kỹ thuật nuôi và thời gian thả nên 2 vụ nuôi sò năm 2001, 2002 thất bại. Không nản chí, năm 2003, anh Thuận tiếp tục trở lại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre tìm hiểu kỹ thuật nuôi ở các trại nuôi sò và được sự giúp đỡ kỹ thuật của phòng thủy sản huyện Cẩm Xuyên. Từ thực tế, anh Thuận nhận thấy việc nuôi sò trơn, sò vàng, sò trắng và sò bù rất phù hợp vùng đất bãi Cồn Hương quê anh. Vụ sò năm 2004, anh đã nuôi sò trên 2 ha mặt nước. Sau 10 tháng nuôi thả, bình quân mỗi kg sò giống anh thu hoạch 40 kg sò thịt, sản lượng ước đạt 5 tấn, trị giá gần 80 triệu đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi 35 triệu đồng. Nhận ra hướng làm ăn mới có hiệu quả, đầu năm 2005 đoàn viên Phạm Đình Thuận thả gần 2 tấn sò giống với số vốn đầu tư gần 30 triệu đồng, hiện tại lứa sò này đang sinh trưởng bình thường, hứa hẹn một vụ sò bội thu.
Không chỉ biết làm giàu cho mình, anh còn giúp đỡ các đoàn viên và bà con ngư dân ở thôn Liên Thành về con giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi để nhân rộng mô hình nuôi giống sò.
Viết Hùng
Phú Yên: Chế tạo hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước hồ nuôi tôm
Nguồn tin: Vasep, 31/3/2005
Ngày cập nhật: 31/3/2005
Anh Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1971), một thợ cửa sắt, ở phường 4, Tp. Tuy Hoà (Phú Yên), vừa hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước hồ nuôi tôm bằng tia cực tím do anh tự nghiên cứu và chế tạo trước đây. Hệ thống mới này được chế tạo theo nguyên tắc kết hợp giữa điện phân và tia cực tím, có công suất lọc 1.200m3 nước/giờ với hiệu quả diệt hơn 95% các loại vi khuẩn và ấu trùng (theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên), làm nước không còn ô nhiễm và tiêu diệt các mầm bệnh cho tôm. Hệ thống trước đây cũng chính do anh Huy chế tạo nhưng chỉ có công suất lọc 120m3/giờ và diệt được 85% các loại vi khuẩn.
Vừa qua, khi áp dụng để cung cấp nước cho 50.000m2 hồ nuôi tôm tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà), hệ thống xử lý nước của anh Huy đã giúp chủ nhân của đìa tôm này thu lãi gần 500 triệu đồng, trong khi nhiều hồ nuôi tôm xung quanh đều thua lỗ do tôm bị dịch bệnh.
Bạc Liêu: Thả nuôi cá bống tượng chung với các loại cá khác
Nguồn tin: Thương mại, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 31/3/2005
Sau nửa năm thả nuôi, cá bống tượng đạt trọng lượng khoảng 100g/con nên người dân có thể thu hoạch cùng lúc với các loại cá nuôi chung...
Thời gian qua nhiều hộ dân ở các huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai, Phước Long (Bạc Liêu) đã thả nuôi cá bống tượng chung với cá điêu hồng, cá tra, cá lóc... với diện tích 120 ha. Sau nửa năm thả nuôi, cá bống tượng đạt trọng lượng khoảng 100g/con nên người dân có thể thu hoạch cùng lúc với các loại cá nuôi chung. Hiện giá cá bống tượng trên thị trường từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lời hơn 30 triệu đồng/ha.
Sóc Trăng: trồng tràm kết hợp nuôi cá sặt rằn
Nguồn tin: Thương mại, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 31/3/2005
Vài năm gần đây, từ vùng đất trũng phèn mặn thuộc hai huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị (Sóc Trăng) sản xuất lúa kém hiệu quả, bà con nông dân đã chuyển sang mô hình trồng tràm kết hợp nuôi cá sặt rằn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ vài ha ban đầu, đến nay Sóc Trăng đã có hơn 900 ha, với mô hình trên đã cho nông dân có thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng/ha/năm. Trong đó cá sặt rằn cho thu nhập từ 18 - 25 triệu đồng/ha/năm, còn lại là từ tràm bán giống, tràm thu tỉa.
Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng thủy sản
Nguồn tin: KH, 31/03/2005
Ngày cập nhật: 31/3/2005
Tận dụng phụ phẩm cá tra, cá ba sa để chế biến thức ăn cho cá
Nguồn tin: BCT, 31/3/2005
Ngày cập nhật: 31/3/2005
3 tháng đầu năm nay, Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại- Xuất nhập khẩu Phú Quý (phường Phước Thới, quận Ô Môn) đã chế biến 1.800 tấn nguyên liệu phụ phẩm cá tra, ba sa thành 600 tấn thức ăn dạng bột để cung ứng cho các cơ sở nuôi cá nước ngọt ở một số địa phương ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Công ty cũng đã đầu tư gần 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải công nghiệp có công suất 20m3/ngày/đêm bảo đảm vệ sinh môi trường trong sản xuất. Hiện nay, mỗi ngày công ty có khả năng chế biến khoảng 20 tấn phụ phẩm cá tra, cá ba sa.
ĐỖ CHÍ THIỆN
Một làng cá cảnh tầm cỡ quốc tế đang hiện hình
Nguồn tin: TN, 31/3/2005
Ngày cập nhật: 31/3/2005
Nhìn những con cá cảnh đủ mọi màu sắc lượn lờ trong các bể kiếng, "người thường" chỉ thấy vui mắt chứ ít ai biết được những bí ẩn của nó.
Trong thiên ký sự về Người nuôi chó số 1 Sài Gòn Nguyễn Văn Lãng đăng trên Thanh Niên gần đây, tôi cũng đã có dịp chứng minh ông cũng là người chơi cá cảnh số 1. Bởi vậy khi nghe tin ông Lãng, hiện là Chủ tịch CLB Cá cảnh TP.HCM, cùng với HTX Hà Quang triển khai xây dựng làng cá cảnh đầu tiên ở Việt Nam tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, tôi lập tức bị cuốn hút.
“Mê”, “cuồng” và siêu lợi nhuận
Bạn đọc nào theo dõi câu chuyện của ông Lãng hẳn còn nhớ ông đã từng đem 500 lượng vàng để mua 40 con cá, rồi một người mê cá khác đã đem đúng 500 lượng vàng đưa cho ông để lấy 1/2 số cá kia, rồi một người "cuồng" cá hơn đã đem cả một cái nhà lầu để đổi lấy 3 con cá bé tí xíu... Đó là câu chuyện hơn 30 năm trước. Nhưng giờ đây, thế giới của những người mê cá vẫn không thiếu những điều kỳ lạ. Một con cá bán vài ba chục ngàn đô la Mỹ đã là chuyện "bình thường", một con cá bán vài ba trăm ngàn đô la cũng không còn là chuyện hiếm. Thậm chí có con cá được bán với cái giá không thể tưởng tượng nổi, con cá đó được dân chơi cá châu Á đặt cho cái tên rất "kiếm hiệp": Hạc Đỉnh Hồng, là một con cá chép màu trắng trên đầu có một vòng tròn màu đỏ tươi, chỉ thế thôi mà có người mua với cái giá... 1 triệu đô la Mỹ. Cá cảnh, đó không chỉ là những con cá. Đó là sản phẩm được tạo ra từ những điều kỳ diệu của thiên nhiên kết hợp với lòng say mê, óc sáng tạo, sự hiếu thắng và đôi khi là tính ngông cuồng kỳ dị của con người. Và bởi vậy, kinh doanh cá cảnh đã trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Doanh số bán lẻ cá cảnh trên thế giới hiện đã lên tới 7 tỉ đô la mỗi năm, khoảng 80% được tiêu thụ tại thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Ưu thế tuyệt đối
Trở lại cái làng cá cảnh đang hình thành. Dường như ông Lãng và những người khởi xướng đặt vào đây rất nhiều tham vọng. Tôi hỏi ông, rằng cái làng này có thể trở thành một nơi nuôi cá cảnh số 1 thế giới không, ông Lãng cười, nhưng giọng lại chắc như đinh đóng cột: "Hoàn toàn có thể được". Cái ông già này thật là kiêu ngạo. Chắc chắn tôi sẽ không hỏi cái câu ngớ ngẩn đó và cũng không tin vào những điều ông nói nếu như không biết rằng ông là người đầu tiên xuất khẩu cá cảnh, là người đầu tiên xuất khẩu thực phẩm đông lạnh bằng một phương pháp độc nhất vô nhị, là người khai sinh ra ngành công nghiệp chế biến hạt điều hiệu quả nhất thế giới trong khi ông chưa từng nhìn thấy người ta chế biến hạt điều. Tôi biết tham vọng "nhất thế giới" về cá cảnh của ông không chỉ là một niềm mơ ước. Ông có cơ sở thực tế.
Mỹ, châu Âu và Nhật là những nước chơi cá cảnh rất mạnh, nhưng vì là xứ lạnh nên họ không nuôi được một cách bình thường. Để cá có thể sinh sản và phát triển, họ phải can thiệp nhân tạo rất tốn kém, giá thành quá cao, bởi vậy nên họ phải nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông, Đài Loan... Mỗi năm Singapore xuất hơn 300 triệu USD cá cảnh, các nước và vùng lãnh thổ khác mỗi năm xuất trên dưới 200 triệu USD. Còn Việt Nam ? Hiện nay mỗi năm chúng ta chỉ xuất được 4-5 triệu USD, trong khi chúng ta lại có "ưu thế tuyệt đối" so với thế giới về nuôi cá cảnh.
"Ưu thế tuyệt đối" đó là gì? Theo ông Lãng trước hết là khí hậu. Nhiệt độ ngoài trời tối ưu cho cá cảnh là từ 27-300C. Ở TP.HCM, trong 1 năm, chúng ta có 10 tháng nhiệt độ thuận lợi như vậy để nuôi cá, 2 tháng còn lại tuy có lạnh nhưng không đáng kể. Còn các nước khác thuận lợi tối đa là 6 tháng, thời gian còn lại là 6 tháng lạnh. Ưu thế thứ hai là nguồn nước. Thái Lan sử dụng nước sông Chao Phraya để nuôi cá, được coi là sạch, nhưng vẫn bị ô nhiễm ở một mức độ nhất định, việc xử lý tuy không khó nhưng tốn kém. Còn chúng ta thì sử dụng nước đầu nguồn sông Sài Gòn, không bị ô nhiễm, là nguồn nước cho cá cảnh "không chê vào đâu được". Để chứng minh hiệu quả tạo ra từ hai lợi thế tự nhiên đó, ông Lãng nói: "Cá dĩa trên thế giới bình thường chỉ đẻ được từ 20-100 con, mức kỷ lục cũng chỉ đến 150 con, còn cá dĩa Việt Nam đẻ 300-400 con là phổ biến, kỷ lục lên tới 500 con".
Bài học thất bại
Đề cập đến ưu thế của Việt Nam, không thể không kể đến một sự kiện gây chấn động giới cá cảnh thế giới, khi Việt Nam giật một lúc 7 giải trong tổng số 13 giải thưởng tại Cuộc thi cá cảnh quốc tế Aquarama '95 tại Singapore. 4 con cá dĩa của một cơ sở tại TP.HCM đoạt một lúc 5 giải, trong đó 1 con đoạt giải đặc biệt (là giải thưởng lớn nhất của cuộc thi) kiêm giải nhất, 3 con kia đoạt giải nhất, nhì, ba. Cũng tại cuộc thi này, 2 con cá của một người Singapore cũng đoạt 2 giải thưởng, người này đã công khai loan báo 2 con cá này cũng được mua của Việt Nam. Hồi đó, ông Lãng đã đến cái trại cá có những con cá đoạt giải để mua hết những con còn lại với giá 1.500 USD một cặp. Ông biết những con cá được giải quốc tế "giá chót" cũng lên tới hàng chục ngàn USD, nên ông tính mua về để nhân giống, hy vọng sẽ bán 15 USD 1 con cá con. Nhưng lần này ông chỉ thu được một bài học... thất bại. Ông bế tắc, không thể gây ra hàng loạt giống cá đó được. "Cá của mình tuy đoạt giải cao nhưng không phát triển được. Cha mẹ thì đẹp nhưng đẻ con ra lại rất xấu", ông nhớ lại. Là bởi cá cảnh của Việt Nam được nuôi "hỗn giao", không được theo dõi "lý lịch", không tạo ra được một dòng cá. Trong khi một con cá quý bán ra từ các trại cá nổi tiếng trên thế giới đều có "lý lịch", thậm chí được gắn một con "chip" để theo dõi, do đó cá của họ đẻ ra hơn 90% giống bố mẹ, còn cá của ta thì giống bố mẹ chỉ có 3-5%.
Thương hiệu
"Chúng ta dứt khoát phải gầy cho được những dòng cá. Trên thế giới có con gì chúng ta cũng sẽ có con đó", ông Lãng quả quyết. Ông cùng các thành viên CLB của mình đang khắc phục những nhược điểm của cá cảnh Việt Nam. Mấy năm nay ông Lãng đã lặn lội nhiều nơi trên thế giới để tìm cá quý và đã tạo được một "ngân hàng cá" cho tương lại. Sắp tới, ông sẽ sang Brazil, đến tận rừng Amazone, nơi xuất thân của nhiều loại cá quý, để tìm những con cá quý nhất. "Làm sao mà tạo được những con cá nổi tiếng, chẳng hạn như con cá 1 triệu USD?", tôi hỏi. Ông Lãng cười: "Con cá 1 triệu USD có hình lá cờ của nước Nhật nên mới mắc tiền như vậy. Có được một con cá có màu sắc hoặc hình dáng đặc biệt là một cơ may, cơ may đó phụ thuộc vào nỗ lực và niềm say mê của người nuôi cá. Những người nuôi cá bao giờ cũng hướng tới, cũng tìm mọi cách để tạo cho được những con cá nổi tiếng. Những con cá đó thường có giá hàng chục, hàng trăm ngàn đô la. Tạo được chúng là tạo được một thương hiệu". Ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện ngóc ngách của nghề chơi cá cảnh và những bí quyết của nghề này, ông bảo những bí quyết đó sẽ được truyền lại và phát triển trong làng cá cảnh. Những người trong làng nghề sẽ là các “truyền nhân” của ông Lãng. Ông tin chắc cái làng này sẽ là một thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Ông Lãng còn cho biết, Câu lạc bộ Cá cảnh của ông đang được nâng lên thành một hiệp hội. Sắp tới, cùng với việc hình thành cái làng này, hiệp hội sẽ ra một tờ tạp chí chuyên về cá cảnh để hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến các "bí quyết", cung cấp thông tin về thị trường cho những người nuôi cá cảnh trong cả nước. Ước tính trong cả nước có khoảng 1 triệu người chơi cá cảnh và có khoảng 10% trong số đó là dân chơi cá chuyên nghiệp.
Vừa phác thảo vừa định hình
Cuối tuần qua tôi đã đến khu vực sẽ xây cái làng đó, đã xem phác thảo mô hình của nó. Có thể nói đây là nơi sạch nhất của Sài Gòn. Xung quanh là dòng sông trong xanh. Vẫn nghe được tiếng cu gù trong không khí tươi mát. Chủ nhiệm HTX Hà Quang - đơn vị liên kết với Câu lạc bộ Cá cảnh xây dựng cái làng này - là một người đàn ông còn trẻ. Anh khiêm tốn, biết chắc những gì mình đang làm và có khuôn mặt hồn hậu đáng tin cậy. Anh kể cho tôi nghe quá khứ, hiện tại và tương lai của vùng đất này. Anh đã về Củ Chi lập nghiệp, đầu tiên là lập một trang trại 20 ha nuôi cá, anh đã nuôi thành công cá rô phi Giồng Gift và cá diêu hồng, cung cấp giống cho những người nuôi cá ven sông Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Nhưng nuôi "cá thường" thì hiệu quả không cao. Anh đã lập một công ty, nhận 20 ha đất xây dựng khu du lịch sinh thái. Tháng 8.2004 vừa rồi, huyện lập HTX Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, anh được cử làm chủ nhiệm. HTX đang khai thác các thế mạnh của vùng đất này để biến nó thành một trung tâm nghỉ ngơi - du lịch sinh thái. Để bảo vệ môi trường dài lâu ở đây, HTX dứt khoát không nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm. Làng cá cảnh sẽ nằm trong và gắn với khu du lịch sinh thái này. Cả cái làng và từng ngôi nhà trong đó sẽ được thiết kế đẹp một cách thanh thoát và giản dị, vừa mang tính dân tộc vừa hiện đại, không lạc hậu với thời gian. Từng căn nhà sẽ vừa nuôi cá cảnh, vừa trồng hoa, vừa có thể đón khách du lịch đến ở lại.
Đến thời điểm này, việc giải phóng mặt bằng về cơ bản đã thực hiện xong cho 30 ha của dự án. Tuy nhiên, vì số người đăng ký tham gia quá đông nên HTX và CLB đang kiến nghị thành phố cho phép mở rộng làng ra 110 ha. Trong vòng 60 ngày nữa, những con đường chính sẽ được hình thành. Đường vào làng sẽ là một đường tráng nhựa rộng 20m, song song hai bên sẽ có lối đi dành cho xe ngựa phục vụ khách du lịch muốn tìm lại cảm giác cổ xưa. Trong làng sẽ có những đường nội bộ rộng 8m. Sẽ có các nhà máy nước riêng phục vụ các cư dân trong làng. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sẽ được tối ưu hóa. Công trình công cộng được xây dựng đầy đủ, gồm bưu điện, trường học, trạm xá và các điểm vui chơi giải trí. Làng sẽ có một công viên sinh thái rộng 18 ha để bảo tồn các loài thực vật quý hiếm. Trong tương lai gần, sẽ có một siêu thị cá cảnh độc đáo để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Đó không phải là một viễn cảnh xa vời mà là một sự thực đang hiện hình từng ngày một để chào mừng 30 năm ngày Sài Gòn được giải phóng. Và đây cũng là một trong những điểm nhấn để TP Hồ Chí Minh bước vào tương lai.
Tôi tin vào sự kỳ diệu của cái làng đó, bởi nó đang được xây dựng bằng lòng say mê của những con người vừa thạo việc vừa lãng mạn...
Hoàng Hải Vân
Nuôi cá mú-tiềm năng kinh tế ở đảo Phú Quý
Nguồn tin: Bình Thuận, 30/3/2005
Ngày cập nhật: 31/3/2005
Hiện đảo Phú Quý có trên 46 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó có 13 cơ sở nuôi trồng trên cát các loại như tôm sú, ba ba, ốc, cá nước ngọt, theo báo cáo của Hội nông dân huyện thì các cơ sở này làm ăn hầu hết bị thua lỗ, chỉ có mô hình nuôi cá mú là thắng lớn.
Cá mú có nguồn gốc tự nhiên, sống ở môi trường nước mặn, được chia thành hai loại chính: cá mú đỏ và cá mú cọp trong đó cá mú đỏ lại chia thành hai loại nữa là mú chấm nhỏ và mú chấm lớn. Đặc trưng của cá mú là xương, thịt đều có màu trắng trong, thịt thơm, béo, dai vừa phải, phù hợp chế biến các món đặc sản như: Mú hấp, mú nấu cháo, mú gỏi chấm bồ tạt rất được ưa chuộng vì ngon, vị đặc trưng.
Vì là đặc sản nên cá mú có giá khá cao so với các loại cá khác và được tiêu thụ trong cả nước, xuất khẩu ra nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan… nguồn giống cá mú (cá mú cọp) phải nhập từ Đài Loan, còn mú đỏ phụ thuộc vào thiên nhiên (thu mua lại cá con từ ngư dân đánh bắt) với giá 70.000 đồng/con. Cá mú con được nuôi sau gần năm, cân nặng từ 1 kg trở lên được xuất bè với giá từ 350.000đ - 357.000đ/kg (cá mú đỏ), từ 170.000đ-200.000đ/kg (cá mú cọp).
Cá mú có đặc điểm sinh trưởng là dễ nuôi, ít bệnh, chóng lớn, thức ăn chủ yếu là các loại cá nhỏ khác; đặc biệt cá mú từ khi xuất bè cho đến tay người tiêu thụ phải là cá còn sống, không bị trầy xước mới được mua với giá trị cao, do đó công nghệ bảo quản cá phải luôn được chú trọng.
Phú Quý có lợi thế về việc nuôi trồng hải sản nước mặn do vùng biển quanh đảo có nhiều eo, trũng êm sóng, thuận lợi cho việc xây dựng các lồng, bè trên biển. Năm 2004, toàn huyện có khoảng 33 bè, 1.650 lồng, hơn 121 phần hùn, trung bình mỗi phần hùn có giá trị 60 triệu đồng, tổng sản lượng ước đạt 50 tấn, doanh thu hơn 10 tỷ đồng (bình quân một phần hùn mỗi năm lãi ròng khoảng 20-30 triệu đồng).
Nhận thấy được lợi thế đó, Huyện ủy, UBND huyện Phú Quý quan tâm đặc biệt với nghề nuôi trồng hải sản nói chung và cá mú nói riêng, do đó năm 2004 đã khảo sát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng mặt nước hợp lý; áp dụng chính sách miễn, giảm thuế thuê mặt nước nhằm khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển nghề nuôi trồng hải sản. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần thiết phải có sự quan tâm từ phía nhà nước về các vấn đề sau:
Cá mú giống, hiện nay là vấn đề bức xúc do còn phải phụ thuộc từ bên ngoài (mú đỏ phụ thuộc vào thiên nhiên, mú cọp phải nhập từ Đài Loan), điều đó làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng, chất lượng, giá cả của sản phẩm đầu ra. Vì vậy để giải quyết triệt để vấn đề này, Trạm Khuyến ngư huyện cần phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư tỉnh nghiên cứu lai tạo, sản xuất giống nhằm chủ động, cung ứng nguồn con giống cho bà con sản xuất, nuôi trồng.
Sớm có quy hoạch chi tiết mặt nước nuôi trồng hải sản, tiếp tục có chính sách miễn, giảm thuế thích hợp, đồng thời có quy chế hoạt động, sử dụng mặt nước nhằm bảo vệ môi trường biển.
Tìm kiếm đầu ra sản phẩm bằng cách xây dựng, đăng ký thương hiệu cho đặc sản cá mú Phú Quý nhằm quảng bá rộng rãi trong nước và thế giới; điều này đáp ứng xu thế thương mại thế giới, phù hợp quy luật trong thời kinh tế thị trường, hơn nữa việc đăng ký thương hiệu có ý nghĩa lớn trong việc khẳng định giá trị, nâng cao uy tín, chất lượng của đặc sản;
Cần quan tâm hướng việc đầu tư theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, vì hiện nay bà con sản xuất theo lối tự phát, manh mún, vốn ít…
Nếu được quan tâm đúng mức, chắc chắn trong tương lai cá mú là thương hiệu đặc sản của huyện Phú Quý.
THÁI BÌNH
Thị trường thủy sản hướng nội
Nguồn tin: NLĐ, 29/3/2005
Ngày cập nhật: 30/3/2005
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.