An Giang: Hội nghị về sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra và cá ba sa
Nguồn tin: WAG, 13/4/2005
Ngày cập nhật: 13/4/2005
Ngày 12-4-2005, CLB thủy sản Nam Việt - Công ty TNHH Nam Việt tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị về sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra và cá ba sa. Tham dự hội nghị có đại diện Hiệp hội chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (Vasep), hơn 100 bà con là ngư dân nuôi cá tra và cá ba sa tại An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Tại hội nghị các đại biểu đã báo động tình trạng sử dụng chất Malachite Green trong nuôi trồng thủy sản dẫn đến nhiều lô hàng xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam bị EU trả về. Theo kết quả điều tra mới đây của Công ty TNHH Nam Việt, trong tổng số 379 mẫu cá được lấy từ các hộ nuôi cá tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ thì đã có 151 mẫu bị nhiễm malachite green. Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Phó tổng thư ký Vasep yêu cầu người nuôi thủy sản không sử dụng chất Malachite Green trong chăn nuôi đồng thời cho biết đối với các trường hợp đã nhiễm hiệp hội sẽ liên hệ với các nhà khoa học để có hướng giải quyết. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp buôn bán chất Malachite Green để bảo vệ nghề nuôi thủy sản của cả nước.
Theo BĐTCT
Nuôi cá bè trên sông phải được phép của cơ quan quản lý đường sông
Nguồn tin: WAG, 13/4/2005
Ngày cập nhật: 13/4/2005
An Giang hiện có 3.504 lồng bè và 1.982 ha diện tích mặt nước nuôi tôm, cá. Tuy nhiên, hoạt động này đã ảnh hưởng xấu đến môi trường nước, trật tự ATGT đường thuỷ nội địa và tạo sự bồi lắng trái quy luật tự nhiên... UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cá nhân nuôi cá trong lồng, bè phải có bản đồ neo đậu các bè theo đúng quy định. Cụ thể lồng bè không được neo đậu trong phạm vi luồng chạy tàu; trong hành lang bảo vệ luồng, tuỳ theo từng vị trí và điều kiện cụ thể có thể cấp phép nhưng phải có ý kiến của các cơ quan quản lý luồng hoặc Sở GTVT. Tuyệt đối không cấp phép neo đậu cá bè tại nơi giao cắt luồng, nơi cua cong, tầm nhìn hạn chế và neo đậu nhiều tầng...
Về lâu dài, UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường sông VN hỗ trợ kinh phí cho Đoạn Quản lý Đường sông số 13 thực hiện việc thả phao tìm luồng...
Theo Bạn Đường
Tháng hạn, đi chợ quê tìm cá đồng !
Nguồn tin: WAG, 13/4/2005
Ngày cập nhật: 13/4/2005
Các loại cá biển chiếm ưu thế ở chợ Ba Thê trong mùa khô hạn Xuôi theo kênh Long Xuyên - núi Sập, kênh Mặc Cần Dưng có rất nhiều chợ quê sung túc, người mua bán tấp nập, không khí nhộn nhịp diễn ra suốt ngày. Do thuận tiện cả đường bộ lẫn đường sông, các chợ không chỉ phân phối hàng hóa về khu vực lân cận mà còn thu gom các loài thủy sản nước ngọt do nông dân chăn nuôi và đánh bắt được đưa về. Thế nhưng, thiên nhiên vùng tứ giác Long Xuyên không còn ưu đãi như xưa, sản lượng khai thác sụt giảm, các loài đặc sản như: Rắn, rùa, lươn, cá lóc loại lớn… cũng hiếm thấy bày bán ở chợ, nhất là trong mùa hạn như bây giờ. Tại chợ núi Sập có khoảng 30 lô, sạp bán cá đồng và cá biển, bình quân mỗi người bán 20 kg/ngày, chủ yếu là cá biển, còn cá đồng thì tổng cộng cỡ 100kg/ngày.
Núi Sập có 3 chợ lớn nhỏ, trong đó chợ kênh F và Tây Sơn chi phối 2 đầu ngoại ô thị trấn, thu hút mạnh nông dân vùng giáp ranh Cần Thơ và Kiên Giang, sản lượng cá qua chợ có thể hơn 1.000kg/ngày. Tham khảo các buổi chợ cho thấy, thịt heo khoảng 35.000đ/kg và cá biển trung bình 15.000đ/kg; trong khi đó, cá lóc đồng loại 500g bán 35.000đ/kg, cá nuôi hầm cỡ 25.000đ/kg, cá chạch 20.000đ/kg và các loại cá trắng thông thường cũng không dưới 20.000đ/kg; sản lượng cá đồng ít và giá tăng là lẽ đương nhiên, nhưng đằng này người đi chợ chẳng mấy gì mặn mà với con cá nuôi hầm. Ông năm Hưởng ở kênh Ông Cò (xã Vĩnh Khánh) bảo rằng: “Mình ăn con cá đồng quen rồi, thịt nó chắc và ngon. Bây giờ, mắc quá phải ăn cá biển cho đỡ tốn tiền, khi nào nhà có khách hay đám tiệc mới mua cá lóc nuôi”. Cũng theo nông dân quanh vùng Phú Hòa, Phú Thuận, Ba Bần, Vĩnh Nhuận… con cá đồng đưa về chợ hiện nay, hầu hết là do người dân bắt bằng điện, chớ giăng câu lưới tháng hạn thì khó mà tìm ra, vì kênh mương đều cạn kiệt và nguồn lợi thủy sản nước ngọt vùng tứ giác Long Xuyên không còn như trước.
Vài năm gần đây, chợ Ba Thê trở nên sung túc hơn, đóng vai trò là chợ trung tâm tứ giác Long Xuyên, chi phối phía các xã lân cận như Tân Hội (huyện Tân Hiệp), Mỹ Hiệp Sơn và Nam Thái Sơn (huyện Hòn Ðất), với sản lượng hàng hóa qua đây từ 15 đến 20 tấn/ngày, trị giá trên 53 triệu đồng. Chợ có 55 lô, sạp bán cá đồng và khả năng tiêu thụ mỗi người khoảng 25kg/ngày; số lượng mua bán và sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 40% so với mùa nước nổi. Giải thích trường hợp này, anh Hoàng Việt - Phó ban Quản lý chợ Ba Thê nói, do vào thời vụ sản xuất, công việc đánh bắt khó khăn và cá đồng trở nên khan hiếm; các loài đặc sản nước ngọt khác cũng vắng bóng hẳn; chợ chỉ còn phổ biến cá nuôi và cá biển. Các chủ vựa lớn tổ chức thu gom thường xuyên, cung ứng về Long Xuyên, Cần Thơ, Sài Gòn và khắp vùng ÐBSCL. Chính vì thế, nhiều người dân hay nói vui với nhau: “Cá đồng bây giờ … xuất khẩu mạnh lắm. Thậm chí con cua, con ốc, tép rong cũng “xuất khẩu”. Và, ngay trong tháng hạn này, đi chợ quê mua được con cá đồng vừa ngon lại vừa với túi tiền quả là điều khó !
T.A
Sản xuất tôm sú giống bị thua lỗ
Nguồn tin: 13/4/2005
Ngày cập nhật: 13/4/2005
Hiện nay, hầu hết các trại sản xuất tôm sú post giống trong tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn, bị thua lỗ. Nguyên nhân do ảnh hưởng thời tiết và dịch bệnh tôm lây lan vao đầu vụ nuôi năm nay, nên đa số bà con chưa mua tôm gống thả nuôi hoặc bỏ hoang ao đìa. Trong khi đó, nguồn giống bố mẹ khan hiếm, giá cao, giá tôm post quá rẻ bình quân chỉ 20 đồng/con và tiêu thụ rất chậm.
Theo Sở Thủy sản Phú Yên, mùa tôm chính vụ năm nay các trại đã sản xuất được 410 triệu con tôm post sú và thẻ chân trắng, chỉ đạt 34,2% kế hoạch. Hiện có khoảng 70% trại giống (trong tổng số 164 trại) hoạt động cầm chừng, trong đó khu sản xuất giống tôm sú lớn nhất của tỉnh ở Bình Kiến (TP Tuy Hòa) chỉ có hơn 40% số trại đang sản xuất giống.
Báo Phú Yên, Số 1809
Nha Trang : Nuôi thử nghiệm cá chình bông
Nguồn tin: SGGP, 13/4/2005
Ngày cập nhật: 13/4/2005
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã áp dụng phương pháp nuôi cá chình bông trong nước ngọt và nước lợ, bằng cách thả cá con kích cỡ từ 10-15cm vào khu vực ao đã được xử lý nguồn nước. Quy trình nuôi bằng cách cho cá chình ăn các loại cá tạp. Qua nuôi thử nghiệm bằng nguồn giống do viện cung cấp, cá phát triển nặng 90 gran/ con sau 8 tháng. Nuôi cá chình bông ít tốn kém, lại có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, mô hình nuôi cá chình bông đang được nhân rộng trong dân. Được biết, giá thị trường bán tại các nhà hàng là 120.000 đồng/ký
K.V.T
Tìm lối ra cho nông sản ĐBSCL?
Nguồn tin: BCT, 13/4/2005
Ngày cập nhật: 13/4/2005
Cuối tháng 3 đầu tháng 4-2005, giá mía nguyên liệu cuối vụ ở Sóc Trăng đã lên mức kỷ lục 420đ/kg, cao gấp 2 lần so với đầu vụ. Tình trạng giá cả leo thang cũng xảy ra tương tự ở mặt hàng tôm sú khi rơi vào cuối vụ. Trong khi đó, giá cá ba sa, cá tra, trái cây lên xuống thất thường. Đây là căn bệnh trầm kha trong nhiều năm qua ở ĐBSCL, nguyên nhân chủ yếu là do vùng nguyên liệu chưa gắn kết với nhà sản xuất và thị trường...
Những yếu kém trầm kha…!
Người ta thường nói nhiều về tiềm năng trù phú của vùng đất ĐBSCL. Điều đó hoàn toàn đúng. Hằng năm vùng đất này làm ra 50% lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, 65% lượng thủy sản và 70% lượng trái cây của cả nước. Song, nếu nhìn tổng thể đầu ra cho các sản phẩm chủ lực này vẫn còn mang tính “thời vụ bấp bênh”, chưa có một chiến lược gắn kết cụ thể giữa vùng nguyên liệu, nhà thu mua, công nghiệp chế biến... Trước tiên hãy lý giải những yếu kém của vùng đất này.
Khi tiếp cận hệ thống ở cấp độ vùng cho chúng ta thấy, sự phát triển vừa qua của ĐBSCL ở thế khá biệt lập, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, trực tiếp với các vùng khác của đất nước và quốc tế. Mặt khác bản thân sự phát triển đã bộc lộ tính thiếu đồng bộ, không tương xứng giữa các ngành nghề, các lĩnh vực và giữa các tỉnh, thành trong nội bộ vùng. Trên thực tế, ĐBSCL chưa có một quy hoạch phát triển tổng thể và hệ thống của toàn vùng; trong đó chưa có sự nhất quán về mục tiêu, nội dung và giải pháp phát triển. Áp lực cao của hoạt động mưu sinh cho một qui mô dân số lớn trên toàn vùng (khoảng 17 triệu người) và yêu cầu chung của cả nước về an toàn lương thực, cộng với những hạn chế về nguồn lực từ kỹ thuật công nghệ, từ quản lý, nhất là hạn chế về kiến thức sinh thái học, môi trường học đã đưa nền kinh tế ĐBSCL vào phát triển nặng về chiều rộng, chạy theo số lượng nên chất lượng, hiệu quả kinh tế không cao, dẫn đến nhiều hiểm họa về môi trường. Mở rộng diện tích trồng hai vụ lúa – thậm chí ba vụ/năm ở diện rộng vùng lũ. Theo đó, đã hình thành một hệ thống đê bao gây cản lũ, làm nghiêm trọng thêm lũ. Nghiêm trọng hơn là hệ thống đê bao cố chống lũ triệt để để làm 3 vụ/năm ở nhiều khu vực ngập sâu đã gây ép lũ đồng ra sông, đẩy lũ sang các vùng khác làm nghiêm trọng thêm lũ. Tăng vụ và thâm canh tăng năng suất nuôi tôm trên một qui mô diện tích ngày càng lớn, không có những biện pháp xử lý môi trường, đã làm gia tăng lượng chất thải vào môi trường nước. Hàng chục ngàn bè cá và ao hồ trên và ven sông Hậu, sông Tiền thiếu biện pháp xử lý... đã làm ô nhiễm môi trường nước của 2 con sông này.
Từ năm 1996 đến năm 2001 giá tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL liên tục giảm gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng lúa. Gần đây, biến động của thị trường thế giới nên giá bán lúa gạo của nông dân có được cải thiện. Trong khi đó, giá máy móc, vật tư nông nghiệp luôn tăng, tạo nên mối quan hệ tỷ giá bất lợi cho người trồng lúa. Kết quả điều tra và tính toán của nhiều nghiên cứu cho thấy phần thu nhập (tiền công và lợi nhuận) của người trồng lúa trong tổng giá trị sản xuất lúa gạo giảm dần từ 58,05% năm 1993 xuống 49,9% năm 1997, và đến năm 2000-2001 chỉ còn 41%. Nhiều mặt hàng trái cây, thủy sản, gia súc, gia cầm cũng có tình trạng tương tự. Đây là thách thức lớn nhất cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp ĐBSCL.
Quan hệ “bốn nhà” quá… lỏng lẻo !?
Mặt khác, chất lượng sản phẩm thủy sản và lúa gạo, trái cây tuy đã được nâng lên, nhưng chưa được kiểm soát, việc tăng thị phần và giá trị xuất khẩu bị ảnh hưởng. Trong nuôi trồng, chất lượng giống (nhất là tôm) kém, ô nhiễm môi trường xuất hiện đã dẫn đến tôm chết, cá chết ở một số địa phương. Chất lượng và vệ sinh thực phẩm nâng lên không đáng kể, người nuôi chỉ mới chú ý đến số lượng mà ít chú ý nhiều đến chất lượng. Tỷ lệ thủy sản xuất khẩu ở dạng chế biến sâu – giá trị gia tăng và xuất khẩu tới thị trường trực tiếp vẫn chưa cao.
Hệ thống lưu thông phân phối còn nhiều bất cập, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Việc thực hiện hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nông dân đạt mức thấp và chậm so với mong muốn của tinh thần Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản. Theo Sở NN&PTNT An Giang, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các hợp đồng bao tiêu bị đình trệ là do giá lúa tăng cao, các điều kiện về lực lượng và phương tiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu việc thu mua của doanh nghiệp. Đây có thể nói là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá cả hàng hóa nông sản bấp bênh. Vào chính vụ thu hoạch thì giá mía, giá tôm, giá cá tra, ba sa ở ĐBSCL chựng lại hoặc tụt dốc thảm hại, song khi cuối vụ thì giá leo thang. Đây cũng là hệ lụy tất yếu khi các nhà thu mua chưa gắn kết với nông dân vùng tạo ra nguyên liệu. Nhiều khi xảy ra tranh chấp thu mua nguyên liệu ở thời điểm khan hiếm gay gắt – như thu mua mía hiện nay. Nông dân luôn “chạy theo đuôi thị trường”: cây – con gì có giá thì ồ ạt phát triển, kết quả năm sau rơi vào “khủng hoảng thừa” giá lại rớt.
Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tương thích với thị trường
Tại Hội thảo “Vì sự phát triển ĐBSCL” được tổ chức tại Cần Thơ hồi cuối năm 2004, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng: Trước nhất, ĐBSCL cần có giải pháp quy hoạch hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển hệ thống công nghệ sau thu hoạch, phối hợp tối ưu các khâu từ sản xuất – mua gom – chế biến – tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Thực hiện đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tăng cường công tác dự báo thị trường. Xây dựng trung tâm thông tin, kiểm tra chất lượng... Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản chủ lực. Nghiên cứu và tìm cơ hội liên kết kinh doanh quốc tế với các doanh nghiệp của các nước có cùng sản phẩm cạnh tranh để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường. Đồng thời, có chiến lược phát triển thị trường nội địa với kênh phân phối bài bản.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, cần điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế theo hướng hợp sinh thái, công nghệ cao và tương thích với thị trường. Điều này hoàn toàn hợp lý với bối cảnh hiện nay. Sau tình trạng tôm sú bơm chích tạp chất tràn lan, dư lượng kháng sinh còn nhiều, nay lại đến mặt hàng cá tra, cá ba sa gặp khó khăn do người nuôi cá sử dụng các hóa chất cấm. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta Sóc Trăng), Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: Sự quản lý lỏng lẻo về chất lượng tôm nguyên liệu và việc chậm trễ của cơ quan chức năng trong việc đánh số vùng nuôi để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một khó khăn. Cái khó này làm giảm uy tín chất lượng sản phẩm và giảm sức cạnh tranh, thuyết phục với người tiêu dùng. Theo ông Lực, cơ quan chức năng phải vạch được chiến lược phát triển và các biện pháp quản lý chặt chẽ để ngư dân biết cách nuôi, tạo ra sản phẩm sạch và qui mô nuôi phù hợp từng giai đoạn không gây ứ đọng sản phẩm, các giám đốc phải đặt nặng hơn ý thức quản lý chất lượng sản phẩm, tạo uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam nói chung. Đồng thời, tích cực nâng cấp các điều kiện sản xuất để tăng sức cạnh tranh ở sản phẩm tinh chế. Sự chuyển biến từ “chất” sẽ là lời thuyết phục khách hàng, mở rộng thị trường. Trong khi đó, ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Agifish (An Giang) cho rằng: Nuôi trồng thủy sản hiện nay chưa có giải pháp đồng bộ, phát triển căn cơ. Cần có giải pháp liên kết cộng đồng nuôi cá tra, ba sa với doanh nghiệp để tìm lối ra và sự phát triển bền vững.
Nhìn toàn cục, sản xuất nông nghiệp, thủy sản phải được điều chỉnh lại và cơ cấu sản xuất phải gắn với chế biến, bảo quản và vận chuyển bằng kỹ thuật và công nghệ cao. Trước mắt là gắn vùng nguyên liệu với thị trường, gắn liên kết và hợp tác với trong và ngoài vùng. Điều quan trọng là khẳng định vai trò của kinh tế hộ gia đình, nhất là hộ gia đình nông dân nhưng phải khuyến khích tạo điều kiện để kinh tế nông hộ chuyển nhanh từ sang kinh tế hộ theo mô hình trang trại, gắn với liên kết dưới hình thức hợp tác và gắn với hệ thống các kênh thương mại dịch vụ vốn đã được hình thành và phát triển rõ nét với vai trò tích cực của “bốn nhà”. Đây là những biện pháp căn cơ nhằm tạo ra sự ổn định cho hàng hóa nông sản ĐBSCL.
Vĩnh Tường
An Giang: Hội nghị về sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra và cá ba sa
Nguồn tin: BCT, 13/4/2005
Ngày cập nhật: 13/4/2005
Ngày 12-4-2005, CLB thủy sản Nam Việt - Công ty TNHH Nam Việt tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị về sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra và cá ba sa. Tham dự hội nghị có đại diện Hiệp hội chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (Vasep), hơn 100 bà con là ngư dân nuôi cá tra và cá ba sa tại An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Tại hội nghị các đại biểu đã báo động tình trạng sử dụng chất Malachite Green trong nuôi trồng thủy sản dẫn đến nhiều lô hàng xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam bị EU trả về. Theo kết quả điều tra mới đây của Công ty TNHH Nam Việt, trong tổng số 379 mẫu cá được lấy từ các hộ nuôi cá tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ thì đã có 151 mẫu bị nhiễm malachite green. Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Phó tổng thư ký Vasep yêu cầu người nuôi thủy sản không sử dụng chất Malachite Green trong chăn nuôi đồng thời cho biết đối với các trường hợp đã nhiễm hiệp hội sẽ liên hệ với các nhà khoa học để có hướng giải quyết. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp buôn bán chất Malachite Green để bảo vệ nghề nuôi thủy sản của cả nước.
BÌNH NGUYÊN
Mặt hàng cá da trơn đang đối diện vớn những thách thức mới
Nguồn tin: BCT, 13/4/2005
Ngày cập nhật: 13/4/2005
Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong 3 tháng đầu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (KNXKTS) của thành phố đạt trên 20 triệu USD, bằng 100,88% so với cùng kỳ năm 2004. Trong đó, sản phẩm cá đông lạnh (phi-lê cá tra, cá ba sa) chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng xuất khẩu; tỷ trọng kim ngạch xấp xỉ 50% tổng KNXKTS của thành phố. Trước những đòi hỏi hết sức khắt khe về chất lượng sản phẩm do đối tác đặt ra và những cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra trên thương trường quốc tế, mặt hàng cá da trơn XK đang đứng trước những thách thức mới…
Sau sự kiện về giá và những đòi hỏi khắt khe của các đối tác nước ngoài về dư lượng kháng sinh đối với mặt hàng tôm đông xuất khẩu của Việt Nam, hiện nay các sản phẩm phi-lê cá tra, ba sa lại đối mặt với không ít thách thức.
Khách hàng khó tính nhất vẫn thuộc thị trường Mỹ và châu Âu. Bù lại, đây là những thị trường tiêu thụ mạnh với giá cả hấp dẫn. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản cho rằng đây là một thách thức mới, đồng thời lại là cơ hội tốt để họ vững vàng hơn trong hội nhập. Một DN hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này khẳng định: “Có thể cho rằng các đối tác khó tính đã giúp DN tự kiểm tra nghiêm qui trình thẩm định chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, giữ uy tín thương hiệu. Dĩ nhiên, bên cạnh đó họ còn có mục đích riêng. Nếu không có những đòi hỏi cao này, sản lượng và KNXKTS những tháng đầu năm nay sẽ tăng gấp nhiều lần. Vấn đề đang đặt ra là làm thế nào để giữ vững thương hiệu cho cá da trơn Việt Nam”? Tuy nhiên, DN này cũng lo lắng khi biết có một số DN vì lợi ích trước mắt cạnh tranh không lành mạnh như hạ giá, cho đối tác nợ cùng lúc nhiều lô hàng. Điều này đã gây bất lợi cho các DN khác trong quá trình khai thác thị trường, xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, để thực hiện tốt những yêu cầu của đối tác, các DN đang đối đầu với không ít khó khăn. Chẳng hạn, phí kiểm nghiệm sản phẩm trước khi đưa vào chế biến có thể đội giá thành lên đôi, ba lần; nhưng nếu thực hiện không nghiêm, thiệt hại về kinh tế và hậu quả của nó sẽ khó lường. Đó là chưa nói đến những yêu cầu cơ bản về màu sắc của thịt cá. Một trong những yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm phi-lê là thịt trắng chiếm ưu thế, điều này góp phần quyết định giá trị kim ngạch xuất khẩu. Lâu nay, các loại cá thịt trắng do các DN mua vào luôn đứng đầu, có giá cao hơn các loại khác 1.000 - 2.000 đồng/kg. Từ đó đã khuyến khích người nuôi đầu tư mạnh vào chất lượng. Tuy nhiên, với mức giá chênh lệch như hiện nay, so với chi phí đầu tư của từng loại, chưa thật sư hấp dẫn người nuôi cá, nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc. Đầu năm nay, tổng vốn tăng thêm của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn thành phố hầu hết tập trung đầu tư nuôi cá tra. Trước đó, các HTX này đã liên hệ làm ăn với các đơn vị xuất khẩu thủy sản.
Đối mặt với những đòi hỏi khắt khe của thị trường xuất khẩu, DN cũng như người nuôi cá tra, cá ba sa lại một lần nữa phải chọn lựa.
Trong các DN xuất khẩu thủy sản hiện đang hình thành 2 quan điểm trái ngược nhau. Một quan điểm cho rằng, nguồn cung nguyên liệu so với năng lực xuất khẩu của các DN như hiện nay đã đủ; không nên phát triển ồ ạt vùng nguyên liệu khi thị trường xuất khẩu mặt hàng cá tra, cá ba sa còn lắm nhiêu khê. Quan điểm khác lại khẳng định, nguồn nguyên liệu đang đủ nhưng sẽ thiếu nếu nhu cầu thị trường tăng; phải tăng diện tích nuôi vì tiềm năng thị trường thế giới vẫn còn rất lớn.
Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ nhận xét: “Sự phối hợp giữa người nuôi cá với các DN và các nhà khoa học trong thời gian qua đã góp phần làm tăng giá trị chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển lâu dài, nhất là phải đối mặt với những khắt khe của thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các hộ nuôi riêng lẻ phải liên kết lại để tạo được môi trường tốt, chất lượng đồng đều hơn, đồng thời giảm chi phí sản xuất”. Liên kết không chỉ riêng mô hình HTX, mà các hộ nuôi nhỏ, lẻ trong khu vực nên liên kết lại để xử lý tốt môi trường nuôi, tạo sản phẩm có chất lượng đồng đều, đem lại giá trị lợi nhuận cao. Trên thực tế, nơi nào thực hiện liên kết, ở đó người nuôi luôn bán được cá với giá cao hơn. Ở huyện Thốt Nốt, trong lúc nhiều hộ đã thả nuôi cá đợt mới được 2 – 3 tháng, vẫn còn “rớt” lại một vài hộ “lao đao” vì chưa bán được cá của đợt trước đã hơn 10 tháng tuổi. Do phải “neo” cá lại, các chi phí bơm nước, nhân công và tiền thức ăn cho cá mỗi ngày một tăng, làm họ nản lòng. Nguyên nhân chủ yếu do các hộ này nuôi với số lượng ít, không tập trung, ở xa trục giao thông thủy bộ. Được biết, hiện nay những hộ nuôi cá thu hoạch vài chục tấn rất khó bán, phải từ 100 tấn cá trở lên mới dễ tìm “mối”. Bà Nguyễn Thị Chính, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản MeKong cho biết: “Hiện nay, trong các sản phẩm của Công ty, phi-lê cá tra chiếm đến 60-70% so với cá phi-lê cá ba sa. Điều đáng mừng là chất lượng cá nuôi trong hộ dân ngày được nâng cao, tỷ lệ cá thịt trắng được nâng lên ngày một nhiều hơn, độ đồng đều ngày càng phổ biến. Đạt được các tiêu chuẩn này, nhờ người dân đã phối hợp tốt với các nhà khoa học áp dụng cải tiến kỹ thuật nuôi. Tuy nhiên, để mặt hàng cá da trơn Việt Nam phát triển bền vững trên thương trường quốc tế, cần chú trọng nhiều hơn ở khâu chăn nuôi. Bên cạnh tập trung thành vùng nuôi, rất cần các ngành chức năng vào cuộc hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các khâu: xử lý thuốc, thức ăn, nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh trong thịt cá. Nhà nước nên nghiêm cấm bán các loại thuốc có khả năng ảnh hưởng đến các vấn đề vốn rất nhạy cảm này…”.
Sắp tới, Sở Thương mại TP Cần Thơ sẽ phối hợp với các Sở, ngành hữu quan khảo sát các mô hình nuôi thủy sản, đặc biệt là vùng nguyên liệu cá tra. Đồng thời, hỗ trợ DN tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu tại các nước châu Á. Theo Sở Thương mại, mặc dù hộ nuôi cá tra ở thành phố đang tăng nhanh, nhưng sẽ không thừa nguyên liệu nếu các DN biết mở rộng thị trường xuất khẩu.
XUÂN QUYÊN
Nuôi tôm mùa nghịch phát triển mạnh ở các địa phương trong tỉnh
Nguồn tin: WAG, 12/4/2005
Ngày cập nhật: 12/4/2005
Hiện nay do giá tôm thương phẩm đang ở mức cao từ 100 - 120 ngàn đồng/kg đã kích thích cho nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm mùa nghịch. Cụ thể đến thời điểm này toàn tỉnh đã có gần 200 hecta mặt nước thả nuôi tôm mùa nghịch. Gia đình ông Phạm Văn Chệch, ở ấp Hưng Thới, xã Bình Phú, huyện Châu Phú là một điển hình. Năm 2004, ông Chệch thả nuôi tôm mùa nghịch trên diện tích 1 hecta mặt nước. Đầu tháng 1 dương lịch là thời điểm ông thả tôm nuôi. Sau 6 tháng chăm sóc, ông thu hoạch được 1 tấn/ha. Chính do yếu tố nghịch mùa nên tôm thu hoạch bán được giá cao bình quân từ 100 - 110 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi được 40 triệu đồng.
Hiện nay phong trào nuôi tôm mùa nghịch trong tỉnh đang phát triển mạnh ở các huyện : Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành. Năm nay tuy thời tiết nóng nhưng rất thuận lợi cho sự tăng trưởng của tôm, chính vì vậy mà vụ tôm năm nay hứa hẹn một mùa thu hoạch bội thu.
Minh Hiển
Mô hình lúa-tôm càng xanh - Dấu ấn của khoa học kỹ thuật
Nguồn tin: BCT, 9/4/2005
Ngày cập nhật: 12/4/2005
Khi nói về sự phát triển của mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trên rộng lúa, Thạc sĩ Lê Ngọc Diện, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Cần Thơ, tóm tắt rất ngắn gọn: Diện tích mỗi năm mỗi mở rộng, năng suất, sản lượng mỗi năm mỗi tăng. Năm 2004, TP Cần Thơ có trên 320 ha áp dụng mô hình lúa- tôm càng xanh, có nơi năng suất lên đến khoảng 2tấn/ha. Mùa tôm càng xanh năm 2005 đã khởi động, các nơi bắt đầu thả con post, ấp ủ một mùa đầy hứa hẹn khi người dân ngày càng quan tâm, học hỏi, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật.
“Nhất kỹ, nhì cần”:
Vừa thấy các thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nuôi trồng thủy sản thị trấn Thới Lai, anh Lê Tấn Bửu, ở ấp Thới Hiệp A, thị trấn Thới Lai, thở than: “Từ hồi mang mấy con post về đến giờ, y như có con nhỏ, chẳng dám đi đâu xa cả”. Nói như vậy nhưng anh Bửu rất phấn khởi. Nhìn nước da sạm nắng của anh cũng đủ biết anh gắn bó với vườn ruộng, ao vuông như thế nào. Đứng trước vuông tôm 2ha của anh, các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB tấm tắc: “Nhìn vuông ông Bửu thấy mê quá, mùa tôm này bội thu à nghen!”. Trong ao ương của anh là 80.000 con post trong thời kỳ dưỡng trước khi cho ra vuông. Anh Bửu thiết kế hệ thống cung cấp ôxy, gồm máy bơm nối liền với hệ thống ống nước được đục lỗ để phun nước tưới xuống ao. Đây là sáng kiến do anh mày mò chế tạo, giúp giảm nhiệt cho ao, đồng thời cung cấp ô-xy cho tôm, với giá thành khoảng 400.000 đồng, tiện lợi và rẻ hơn so với sử dụng máy sục khí.
Qua cách anh Bửu làm ao ương, cải tạo vuông, nói chuyện chăm sóc tôm, cứ ngỡ anh là thành viên nuôi tôm kỳ cựu. Thật ra, anh chỉ mới gia nhập CLB năm 2005 và đây là vụ tôm đầu tiên của anh. Nhưng, để chuẩn bị cho vụ tôm này, cả năm nay, anh Bửu tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, tham quan các mô hình điểm học hỏi kinh nghiệm... Anh nói: “Trước đây, tôi trồng 2 vụ lúa nhưng mê hiệu quả của mô hình 1 lúa - 1 tôm, nên vụ này quyết tâm chuyển sang nuôi tôm. Mấy chú, mấy anh trong CLB rất quan tâm, thường xuyên đến hướng dẫn tôi từ kỹ thuật cải tạo ao đến cách chọn con giống, thức ăn và tôi còn được hỗ trợ 40% con giống”.
Phong trào nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa khởi phát ở huyện Cờ Đỏ từ năm 2001. Tuy nhiên, những năm đầu, diện tích nuôi còn nhỏ, năng suất không cao, chỉ khoảng 300 - 400kg/ha. Rút kinh nghiệm qua các vụ nuôi cộng với nắm bắt và ứng dụng tốt kỹ thuật, năng suất tăng dần, đến năm 2004, năng suất bình quân lên đến 700kg/ha, cá biệt có hộ thu hoạch đạt 1,8 tấn/ha. Anh Nguyễn Ngọc Hỷ, cán bộ kỹ thuật phụ trách nuôi trồng thủy sản, Trạm khuyến nông huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Năng suất tăng lên do nông dân đã có kinh nghiệm, thả dày - thu tỉa (thả với mật độ 5 con post/m2 và thu hoạch dần lúc tôm mang trứng). Bà con tích cực tham gia tập huấn, tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật...”. Năm nay, dự kiến huyện Cờ Đỏ có 1 00ha mô hình lúa - tôm càng xanh, tăng 30 ha so với năm 2004.
Tuân thủ đúng các qui trình kỹ thuật là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công khi nuôi tôm càng xanh. Theo kỹ sư Lê Ngọc Diện, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Cần Thơ: Trước đây, người dân quan niệm giai đoạn nuôi mới quan trọng nên cải tạo ao rất sơ sài. Trong quá trình nuôi, thường cho tôm ăn thức ăn tươi là khoai, dừa nên rất dễ hư nước. Với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nông dân đã quan tâm đúng mức đến việc cải tạo ao, dùng lưới hoặc vải mịn để lược nước, loại địch hại; chú trọng đến các loại thức ăn tươi như ốc bươu vàng, cá tạp... Thạc sĩ Lê Ngọc Diện cho biết: “Đối với những hộ mới nuôi, cán bộ kỹ thuật gần như “cầm tay chỉ việc “. Ngoài giúp người dân theo dõi môi trường nước, theo dõi sự phát triển của tôm hàng tuần, hàng tháng, khi có sự cố, chỉ cần điện thoại báo là cán bộ kỹ thuật có mặt ngay để giúp dân giai quyết”. Thông thường, các lớp tập huấn được tổ chức ở 2 giai đoạn: kết thúc vụ đông- xuân, chuẩn bị ao vuông để nuôi tôm; trong giai đoạn tôm đang phát triển.
Hiệu quả 3 trong 1:
Chú Lê Văn Phú, Phó Chủ nhiệm CLB Nuôi trồng thủy sản thị trấn Thới Lai, phấn khởi ra mặt khi nhắc đến vụ tôm càng xanh 2004. Năm 2004, CLB chỉ có 23 thành viên với diện tích nuôi tôm càng xanh là 23,5 ha, năng suất dự kiến chỉ 550kg/ha, nhưng khi thu hoạch, năng suất bình quân lên đến 720 kg/ha. Năm nay, CLB có thêm 21 thành viên mới gia nhập, diện tích nuôi lên đến 40ha và dự kiến năng suất bình quân là 850 kg/ha. Chú Hai Phú cười nói: “Năm rồi, CLB có 5 thành viên mua được xe gắn máy, 2 thành viên cất nhà mới. Hầu hết các thành viên nuôi tôm càng xanh, khi làm vụ lúa đông- xuân đều làm lúa chất lượng cao”. Trong 2 thành viên cất nhà mới, có ông Liêu Biên, trước đây là hộ nghèo ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai. Năm 2004, ông Liêu Biên được hỗ trợ vay 6 triệu đồng từ vốn điều lệ của CLB và ông cũng được CLB đứng ra giúp vay ngân hàng 15 triệu đồng để đầu tư nuôi 1 ha tôm. Sau vụ tôm 2004 không những ông Liêu Biên thoát nghèo mà còn xây được ngôi nhà tường khang trang. Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản thị trấn Thới Lai trong một buổi trao đổi kinh nghiệm.
Riêng với bản thân mình, trải qua các mô hình nuôi trồng thủy sản, chú Hai Phú càng mạnh dạn khẳng định hiệu quả của mô hình lúa - tôm càng xanh. Chú kể: “Năm 2001, tôi thử nghiệm mô hình “con tôm ôm gốc lúa” nhưng không có hiệu quả. Sang năm 2002, tôi làm 2 vụ lúa - 1 vụ tôm, chi phí ban đầu cao mà hiệu quả của tôm thấp. Sang năm 2003, tôi làm theo mô hình 1 lúa - 1 tôm: lúa trúng, tôm đạt năng suất cao, chi phí làm đất lại nhẹ hơn”. Năm 2004, với 1 ha nuôi tôm càng xanh, chú Hai Phú thu hoạch trên 900 kg tôm.
Kết quả thực hiện dự án “ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình “Lúa - Tôm càng xanh “ tại xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ chủ trì cũng đã khẳng định hiệu quả kinh tế của mô hình này. Tổng thu nhập bình quân từ mô hình lúa - tôm càng xanh là 52,7 triệu đồng/ha; trong đó, lợi nhuận thu được là 24,2 triệu đồng/ha. So với mô hình sản xuất 3 vụ lúa, lợi nhuận của mô hình lúa - tôm càng xanh cao hơn gấp 2,5 lần. Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án cũng khẳng định hiệu quả xã hội của mô hình lúa - tôm càng xanh khi tạo việc làm cho các lao động gián tiếp, như: bắt ốc bươu vàng, cá tạp... bán làm thức ăn cho tôm, góp phần tăng thu nhập. Đồng thời, mô hình sản xuất này thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm cho xã hội. . . Đặc biệt, mô hình lúa - tôm càng xanh còn là giải pháp sử dụng tài nguyên đất một cách hợp lý, bền vững khi trong thời gian gần đây, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng suy thoái đất do khai thác triệt để 3 vụ lúa/năm. Mô hình này góp phần giảm sử dụng nông dược trên đồng ruộng trong vụ sản xuất lúa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nông dược gây ra và tăng tính bền vững, ổn định trong sản xuất.
***
Phải hẹn, tìm mấy lần, tôi mới gặp được Thạc sĩ Lê Ngọc Diện, anh Nguyễn Ngọc Hỷ và các thành viên của Ban Chủ nhiệm CLB Nuôi trồng thủy sản thị trấn Thới Lai. Đang vào vụ thả tôm, ai cũng bận rộn, hết chuẩn bị tài liệu tập huấn cho nông dân, đến chạy tìm nguồn vốn cung cấp cho bà con. Từ nhà anh Lê Tấn Bửu trở ra thị trấn, trời đã quá trưa nhưng anh Hỷ, chú Hai Phú và các thành viên CLB vẫn tiếp tục đi đến các hộ chuẩn bị thả tôm để kiểm tra kỹ thuật cải tạo ao, hẹn ngày nhận con post... Những cán bộ kỹ thuật nhiệt tình cộng với sự chuyển biến trong nhận thức của bà con về học hỏi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất là nền tảng cho những vụ tôm bội thu, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sử dụng tài nguyên đất hợp lý và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
SỸ HUIÊN
Sóc Trăng: thả nuôi được khoảng 1,2 tỉ con giống
Nguồn tin: SGGP, 11/4/2005
Ngày cập nhật: 12/4/2005
Theo Sở Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 8-4, tỉnh này đã thả giống được gần 16.000 ha tôm sú với khoảng 1.2 tỉ con tôm post. Những huyện có diện tích thả nuôi nhiều nhất là: Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Long Phú ... chiếm khoảng 70% diện tích, trong đó có gần 350 ha bị thiệt hại do các bệnh như: đỏ thân, đốm trắng ... Do người nuôi tôm đang tiến hành thả giống ồ ạt nên giá con giống cũng tăng dần từ 30 đồng/con lên 45-50 đồng/con , riêng tôm giống số 1 của Bạc Liêu có giá 90 đồng/con. Theo kế hoạch, đợt nuôi tôm chính vụ này toàn tỉnh Sóc Trăng sẽ thả nuôi 45.000 ha tôm sú với nhu cầu con giống khoảng 5 tỉ con.
Hồng Dân
Vĩnh Long: Tư nhân đầu tư 7 tỷ đồng mở trang trại nuôi cá sấu
Nguồn tin: Vasep, 11/4/2005
Ngày cập nhật: 11/4/2005
Đó là trang trại của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Cửu Long (thị xã Vĩnh Long). Thành lập tháng 6/2004, mới đây Công ty này đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá sấu nước ngọt tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ. Trang trại hiện có 3.000 con cá sấu từ vài tháng tuổi đến trên 6 năm tuổi. Đây hiện là nơi cung cấp cá sấu lớn trong khu vực ĐBSCL.
(TN) Lao động, 11/4/2005
An Giang: 3 tháng đầu năm sản lượng cá nuôi đạt 90.000 tấn
Nguồn tin: Vasep, 11/4/2005
Ngày cập nhật: 11/4/2005
Tỉnh An Giang hiện đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm, cá nước ngọt, ba tháng đầu năm, sản lượng cá nuôi đạt 90.000 tấn, tăng 20.000 tấn, sản lượng tôm càng xanh nuôi đạt 180 tấn, tăng 160 tấn so với cùng kỳ năm 2004.
(TN) Nhân dân, 10/4/2005
An Giang: Kiệt nước, cá bè chết nhiều
Nguồn tin: Vasep, 11/4/2005
Ngày cập nhật: 11/4/2005
Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều hộ nuôi cá bè trên sông Hậu đoạn từ Đa Phước đến Quốc Thái, huyện An Phú đã bị thiệt hại đáng kể khi cá tra, basa sắp đến kỳ thu hoạch bị chết. Nhiều hộ nuôi cá tra, basa trên sông Tiền, sông Hậu phía hạ lưu, thuộc các huyện Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú cũng bị thiệt hại nhưng mức độ ít hơn. Bước đầu cơ quan chuyên môn đã xác định do nguồn nước cạn kiệt, các loại tảo (ngư dân thường gọi là trứng nước) phát triển mạnh, đã bám vào mang cá, làm cá bệnh chết. Hiện tượng này thường xuất hiện vào mùa kiệt nước.
Thanh niên,11/4/2005
ĐBSCL: Có 13 nghìn trang trại nuôi trồng thuỷ sản
Nguồn tin: Vasep, 11/4/2005
Ngày cập nhật: 11/4/2005
Theo Bộ Thuỷ sản, các tỉnh ĐBSCL hiện có 13 nghìn trang trại nuôi trồng thuỷ sản, chiếm 70% tổng số trang trại nuôi trồng thuỷ sản trên cả nước. Hầu hết các trang trại nuôi trồng thuỷ sản đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm, cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa.
(TN) Nhân dân, 9/4/2005
Long An: Dịch bệnh đốm trắng lan rộng; Bến Tre: 13,8 tỉ xdựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm công nghiệp
Nguồn tin: BCT, 11/4/2005
Ngày cập nhật: 11/4/2005
Tại Long An, theo báo cáo của Chi cục bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, hiện có trên 830 ha tôm sú tại các huyện Cần Guộc, Cần Đước, Châu Thành, Tâm Trụ bị mất trắng do bệnh đốm trắng. Hiện tại dịch bệnh này đang tiếp tục lan rộng sang vùng phụ cận và các địa phương khác. UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, thủy sản, chính quyền các huyện khuyến cáo nông dân chỉ nuôi một vụ tôm trong năm. Địa phương nào không tuân thủ, để xảy ra dịch bệnh gây ảnh hưởng, thiệt hại đến các địa phương khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
*Bến Tre: Đầu tư gần 13,8 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm công nghiệp
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre vừa ban hành quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công - tổng dự toán công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật 2 vùng nuôi tôm công nghiệp. Vùng thứ nhất ở Cánh Đồng Bé xã Thạnh Phước huyện Bình Đại có diện tích 360 ha. Vùng thứ 2 nằm ở khu vực giáp ranh xã Đại Hòa Lộc và xã Thạnh Trị huyện Bình Đại có diện tích 400 ha. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 2 vùng nuôi gần 13,8 tỉ đồng. PV & CTV
Giá tôm nguyên liệu giảm từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg
Nguồn tin: BCT, 11/4/2005
Ngày cập nhật: 11/4/2005
Trong vòng một tuần qua, dù các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL đang trong cảnh khan hiếm nguyên liệu, nhưng giá tôm các loại bắt đầu giảm từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng tôm loại 20 con/kg hiện ở mức giá 145.000 đến 150.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá từ 110 đến 120.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 80.000 đồng/kg, 50 con 68.000 đồng/kg... nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm nguyên liệu xuống giá là do các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về đầu ra tại thị trường Mỹ sau vụ kiện tôm. Các nhà nhập khẩu tôm từ các nước bị kiện phải nộp trước một khoản thuế tương ứng mức thuế phán quyết với giá trị nhập khẩu tôm hồi năm 2004. Từ đó các nhà nhập khẩu bị khó khăn về tài chính dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng. Một nguyên nhân khác là do nhiều ngày qua tình trạng tôm bị dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, chất lượng không cao, không đồng đều, chưa đủ tháng tuổi, người nuôi tranh thủ bán để thu hồi vốn nên làm cho giá tôm giảm sút.
P.V
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.