Tiền Giang: Sân nghêu bỏ trống vì thiếu con giống
Nguồn tin: Vasep, 29/4/2005
Ngày cập nhật: 30/4/2005
Từ lâu vùng đất bãi bồi ven biển, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang đã nổi tiếng với nghề nuôi nghêu. Mỗi năm, các sân nghêu ở đây có thể cung cấp hơn 25.000 tấn nghêu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thuỷ sản. Thế nhưng từ đầu năm nay, do khan hiếm nguồn nghêu giống, diện tích nuôi nghêu của Gò Công Đông sụt giảm chỉ còn 1/10 so với trước đây. Giá nghêu giống hiện nay là 10.000 đ/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với trước. Tình trạng khan hiếm nghêu giống đã diễn ra từ giữa năm 2004 đến nay, có lúc nghêu cám lên đến 600 triệu đ/tấn.
Do vậy, giá nghêu thịt đang ở mức cao, hơn 10.000 đ/kg, thế nhưng trong tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay cùng với việc giá con giống tăng cao, người nuôi nghêu ở Tân Thành không dám mạnh dạn đầu tư.
Trước tình hình trên, dự báo là nghêu nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu sẽ không đạt yêu cầu như những năm vừa qua. Bà con đang trông chờ vào ngành thuỷ sản Tiền Giang trong việc liên hệ nguồn giống từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tp.HCM giúp người nuôi có được nguồn con giống tốt giá cả hợp lý để duy trì nghề nuôi nghêu truyền thống của Gò Công.
(TN) Thương mại, 29/4/2005
Bình Định: Sẽ xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc
Nguồn tin: TN, 29/4/2005
Ngày cập nhật: 29/4/2005
Ngày 28/4, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Bộ Thủy sản về việc đăng ký thực hiện dự án thí điểm xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc. Việc xuất khẩu loại cá này nhằm tận dụng nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu rủi ro, ngộ độc cá nóc và thu lợi cho dân thông qua xuất khẩu.
Hiện nay, sản lượng cá nóc khai thác ở Bình Định ước đạt 1.300 tấn/năm, mùa vụ từ tháng 4 đến tháng 12, gồm các loài cá nóc xanh, nóc vàng (Lagocephalus wheeleri); cá nóc răng mỏ chim (Lagocephalus inermis); cá nóc đầu thỏ mắt to (Lagocephalus luranis); cá nóc thu (Pleuranacanthus sceleratus); cá nóc gai/nóc bông (Arothron immaculatus).
Thúc Giáp
Tôm nguyên liệu rớt giá nhanh chóng
Nguồn tin: BCT, 29/4/2005
Ngày cập nhật: 29/4/2005
Tại ĐBSCL giá tôm nguyên liệu tiếp tục sụt giảm mạnh. Doanh nghiệp, thương lái và nông dân nhận định: đây là đợt rớt giá nhanh nhất từ trước đến nay. Trong vòng chưa đầy 3 tuần, giá tôm nguyên liệu các loại giảm từ 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Đến chiều ngày 28-4-2005, tôm loại 20 con/kg tại Cà Mau chỉ còn 127.000 đồng/kg, tại Trà Vinh là 120.000 đồng đến 125.000 đồng/kg, tại Kiên Giang là 120.000 đồng/kg. Loại 30 con/kg giá dao động từ 87.000 đồng đến 92.000 đồng/kg. Loại 40 con/kg chỉ còn 65.000 đồng đến 70.000 đồng/kg... Dự báo trong vài ngày tới, giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL sẽ tiếp tục giảm làm cho hàng chục ngàn nông dân nuôi tôm đang lo lắng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm cũng gặp rất nhiều khó khăn vì hải quan Mỹ áp dụng biện pháp đặc cọc trước một khoảng thuế rất lớn, tương đương giá trị xuất khẩu trong vòng một năm với mức thuế tương ứng nếu muốn xuất khẩu qua thị trường này. Từ đó việc xuất khẩu tôm sang Mỹ bị đình đốn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm nguyên liệu rớt giá ngay trong mùa khan hiếm nguyên liệu. Ngoài ra còn một nguyên nhân khác là do chất lượng tôm trong mùa nghịch này chưa cao, không đồng đều.
Trước tình trạng này các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm ở ĐBSCL quay sang chú trọng đầu tư khai thác thị trường EU và Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp đã ký thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu sang hai thị trường này ngay vào đầu tháng 5.
NHÓM PVĐB
ĐBSCL: Chuyển gần 500.000 ha đất lúa sang nuôi tôm, trồng cây ăn trái...
Nguồn tin: NLĐ, 28/04/2005
Ngày cập nhật: 28/4/2005
Ngày 27-4, tại TP Cần Thơ, Bộ NN-PTNT và Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức diễn đàn “Chuyển giao khoa học - công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL”.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập trung thảo luận các đề tài liên quan đến việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, như: ứng dụng công nghệ đập sà lan di động, đập trụ đỡ để xây dựng cống ngăn sông vùng triều; ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; các giải pháp phục hồi rừng sau cháy... Đặc biệt, tại diễn đàn, Vụ Khoa học - Công nghệ (thuộc Bộ NN-PTNT) đã đề xuất hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL đến năm 2010. Theo đó, cần phải chuyển đổi gần 500.000 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả ở hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực sang nuôi tôm, trồng cây ăn trái và các loại hoa màu khác.
B. Dũng
Sóc Trăng: Giá tôm sú giống chỉ từ 30 – 35 đồng/con
Nguồn tin: BCT, 27/4/2005
Ngày cập nhật: 27/4/2005
Tại Sóc Trăng, hiện nay giá tôm sú giống dao động từ 30 – 35 đồng/con, thấp nhiều so với cùng kỳ. Theo trung tâm khuyến ngư Sóc Trăng, mức giá này sẽ không biến động trong thời gian tới bởi người dân tiến hành thả tôm rải vụ, không đồng loạt. Mặt khác, nhiều cơ sở tôm giống tại Sóc Trăng có cơ sở nhân giống ở miền Trung nên chủ động hơn trong vấn đề con giống. Đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm trên 22.000 ha, thấp hơn 2.000 ha so với cùng kỳ. Hiện nay, Sóc Trăng đã có trên 1.600 ha nuôi tôm bị thiệt hại, trong đó Mỹ Xuyên khoảng 760 ha, Vĩnh Châu khoảng 760 ha… Phần lớn diện tích bị thiệt hại chủ yếu do bà con thả nuôi sớm, chọn giống giá rẻ (chỉ từ 20 – 25 đồng/con) không qua kiểm dịch.
Đông Triều
Thừa Thiên - Huế: Vùng đầm phá Tam Giang bị ô nhiễm nặng
Nguồn tin: NLĐ, 21/04/2005
Ngày cập nhật: 27/4/2005
Theo Dự án Quản lý tổng hợp vùng ven bờ Thừa Thiên-Huế và ngành thủy sản tỉnh, nguồn nước tự nhiên trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (rộng 220 km2, được xác định là lớn nhất Đông Nam Á), và khu vực nuôi trồng thủy sản nói riêng đang bị ô nhiễm nặng, xuất hiện các loài rong, tảo độc hủy diệt thảm thực vật tầng đáy.
Nguồn nước ô nhiễm kết hợp nồng độ mặn tăng đột ngột đã làm hơn 135 ha ao hồ nuôi tôm toàn tỉnh bị chết; dịch bệnh tôm xuất hiện sớm. Sự gia tăng không có quy hoạch diện tích nuôi tôm gây ứ đọng chất bẩn đã làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia môi trường kiến nghị, để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên trên vùng đầm phá và ngăn chặn tình trạng sinh vật có thể bị mất đi môi trường sống, cần phải có biện pháp ngăn chặn việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản một cách ồ ạt.
PV
Khánh Hoà: Đưa giống tu hài vào nuôi thử nghiệm
Nguồn tin: Vasep, 26/4/2005
Ngày cập nhật: 26/4/2005
Ban quản lý dự án thí điểm Khu bảo tồn biển Hòn Mun đang tiến hành nuôi thử nghiệm loài động vật thủy sản thân mềm có tên: tu hài tại Khu bảo tồn biển.
Theo các nhà khoa học việc đưa tu hài vào thử nghiệm trong khu bảo tồn biển là hết sức cần thiết vì đặc điểm sinh trưởng của loài động vật thân mềm này là sống dưới đáy nước với thức ăn chính là rêu tảo. Do đó chúng có lợi ích làm sạch môi trường, phù hợp với các tiêu chí bảo tồn biển. Hiện việc sản xuất thử nghiệm giống tu hài được thực hiện ở 3 điểm trong vùng dự án đó là: Khóm Vũng Ngán, Bích Dầm và Đầm Già thuộc Khu bảo tồn vịnh Nha Trang. Mới qua 3 tháng thả nuôi, tu hài đã phát triển rất tốt chứng tỏ vùng biển Khánh Hòa có độ mặn và nguồn dinh dưỡng phong phú cho tu hài sinh trưởng. Khả năng trọng lượng của tu hài còn tăng nữa bởi thời gian sinh trưởng đến kỳ thu hoạch kéo dài 12 tháng. Được biết, giá tu hài hiện nay là 150 đến 200 ngàn đ/kg, trong khi đó vẹm xanh chỉ có 4 đến 5 ngàn đ/kg. Điều đó cho thấy giống tu hài đang sắp có triển vọng là đối tượng nuôi mới của Khu bảo tồn biển, một mặt làm tăng khả năng bảo vệ môi trường, một mặt đem lại lợi ích thiết thực cho người nuôi trồng thủy sản ở vịnh Nha Trang.
Theo Báo Thương mại
Đầu tư 7 tỷ đồng để phát triển nuôi trồng thủy sản
Nguồn tin: Binh Dinh, 24/04/2005
Ngày cập nhật: 25/4/2005
Trong cuộc gặp mặt giới báo chí mới đây, ông Trịnh Hồng Anh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: Trong năm nay, tỉnh sẽ đầu tư 7 tỷ đồng để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, sẽ có từ 1 đến 2 dự án thủy sản mang tầm quyết định cho sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh được triển khai. Ngành Thủy sản tỉnh sẽ mở rộng mô hình nuôi tôm cộng đồng ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn và lựa chọn các đơn vị của tỉnh chuẩn bị liên doanh với nhà đầu tư của Trung Quốc triển khai dự án tôm giống sạch theo quy trình công nghệ Trung Quốc.
Dự kiến vào cuối tháng 4 này, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đến Bình Định tìm hiểu đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản.
Xuân Nguyên
Các trang trại thủy sản đạt 369 triệu đồng/ ha
Nguồn tin: WAG, 22/04/2005
Ngày cập nhật: 25/4/2005
Toàn tỉnh An Giang hiện có 8.349 trang trại, trong đó có 5.977 trang trại trồng cây hằng năm, 24 trang trại lâm nghiệp, 3.100 trang trại có quy mô sử dụng đất và đạt giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ bình quân hàng năm từ 100 triệu đồng trở lên. Về giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ, cao nhất là các trang trại thủy sản, bình quân 369 triệu đồng/ ha, thấp nhất là các trang trại trồng cây lâu năm, chỉ đạt bình quân 38 triệu đồng/ ha. Các trang trại đã sử dụng 55.885 lao động, trong đó lao động gia đình chiếm 40%, thuê lao động thường xuyên 25,7%, còn lại là thuê lao động theo thời vụ.
N.R
Người nuôi cá tra đang gặp khốn khó
Nguồn tin: WAG, 22/04/2005
Ngày cập nhật: 25/4/2005
Hiện nay giá cá tra đang thấp ở mức kỷ lục 8.000-11.000đ/kg. Không những thế nắng hạn còn đang làm cho cá tra bị vàng thịt làm cho cá không thể bán được, phải phơi khô.
Chị Nguyễn Thị Nhã, xã Phú Vĩnh, Tân Châu là một trong những người được dự án Bắc Vàm Nao chọn để triển khai mô hình nuôi cá tra sạch trong ao hầm. Theo đó, người nuôi được dự án hỗ trợ một phần con giống và tiền thức ăn. Tuy nhiên, hiện nay giá thành 1kg cá nuôi sạch chỉ được trả 8.000 đồng, thấp bằng cá nuôi hầm cầu trong khi nuôi sạch phải thả nuôi với mật độ thưa hơn 1/2 so với nuôi thông thường. Thức ăn cho cá cũng phải sạch và hiện kênh rạch không còn đủ nước thay đổi trong ao hầm nên thịt cá bị vàng.
Ông Bửu Huy, Giám đốc Xí nghiệp Đông lạnh AFIEX cho biết: Công ty chỉ mua cá của các thành viên trong CLB, bây giờ cá của các thành viên cũng bị vàng thịt. Thậm chí còn có hiện tượng dùng hoá chất Machalite Green tắm cho cá trắng...
Không những thế, nhiều mẫu tôm, cá trước khi xuất khẩu đều gửi đến các trung tâm kiểm tra an toàn thực phẩm chi nhánh Cần Thơ để kiểm định mất hơn 1 tuần chờ đợi, giá lại cao. Do các công ty đều đổ về đây kiểm tra nên nhiều DN đã xuất hàng đi rồi mới kiểm định, nếu lô hàng đó nhiễm các chất độc hại thì phải đưa về. Một số DN đã mua máy kiểm tra chất Machalite Green nhưng chỉ để kiểm tra lúc mua cá của ngư dân.
Ông Bửu Huy nhận định: xu hướng của thị trường thế giới đang chuyển qua ăn các sản phẩm sinh thái. Nếu hợp đồng được đầu ra ổn định, công ty sẽ đầu tư nuôi sinh thái để ngư dân bớt khổ.
(Nông Nghiệp VN)
Con tôm khó "vượt rào" vào Mỹ
Nguồn tin: VNECONOMY, 25/04/2005
Ngày cập nhật: 25/4/2005
Cá chết hàng loạt do ô nhiễm ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ Ðông
Nguồn tin: ND, 24/04/2005
Ngày cập nhật: 24/4/2005
Sông Vàm Cỏ Ðông, một trong những con sông từng nổi tiếng trong lành, đang bị ô nhiễm nặng. Chất thải từ các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản xả xuống dòng sông, đe dọa đời sống của hàng nghìn hộ dân hai bên bờ vốn sống nhờ nghề nuôi cá lồng bè.
Chúng tôi đến đầu nguồn sông Vàm Cỏ Ðông, đoạn thuộc khu vực cầu Bến Sỏi (Châu Thành, Tây Ninh). Ở đây có nhiều bè nuôi các loại cá lồng ven bờ như hồng vện (một loại cá cảnh xuất khẩu), diêu hồng, bống tượng... Mới sáng mà cá con trong lồng trên sông đã châu đầu vào nhau vì thiếu ô-xi. Trên sông, lục bình trôi dày đặc, mầu nước bắt đầu đen dần. Ðến trưa, nước đã bốc mùi hôi. Cá ngoài sông nổi lên ngớp ngớp rồi lật ngửa bụng trắng phếu.
Anh Phan Văn Nam, người nuôi hai lồng cá trên sông đã không vớt lên kịp, bị chết khoảng 8.000 con điêu hồng gần tới ngày xuất thịt, tương đương 3 tấn cá. Cá chết anh chỉ bán được 7.000 đồng/kg, trong khi giá bình thường là 25.000 đồng/kg, lỗ hơn 50 triệu đồng. Hiện các chủ cá phải trực 24/24 giờ để lo đối phó khi con nước ô nhiễm tràn về.
Tại cầu Rỗng Tượng bắc ngang qua suối Dộp, xã Trí Bình, huyện Châu Thành, chúng tôi thấy nước suối mang mầu xám xịt. Anh Nguyễn Văn Mai, một người dân địa phương, cho biết, suối Dộp đã bị ô nhiễm vài năm nay. Cá trong suối hầu như đã không còn nữa.
Nuôi cá lồng bè trên sông hiện mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân. Những người nuôi cá cho biết, trước đây, cá giống hồng vện (cá bột) dân đánh bắt ngay tại sông Vàm Cỏ Ðông về nuôi. Cá bột rất nhỏ, cỡ bằng đầu kim và đếm từng con, mỗi con giá 8.000 đồng. Ước lượng tiền giống mà người dân bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi năm. Khi cá lớn, mối lái từ TP Hồ Chí Minh lên thu mua xuất khẩu, cá dài từ 8 đến 10 cm có giá bán từ 60-70.000 đồng/con. Tính ra, một bè cá hồng vện trung bình 1.000 con sẽ thu 60-70 triệu đồng. Thường mỗi hộ nuôi từ 2 đến 4 lồng, cho nên nguồn sống chủ lực là ở đây. Nếu đầu nguồn sông Vàm Cỏ Ðông còn tiếp tục ô nhiễm lâu dài, coi như nghề nuôi cá sẽ triệt tiêu, mất đi một nguồn lợi to lớn, ảnh hưởng đời sống của hàng nghìn hộ dân sống nhờ vào đánh bắt thủy sản.
Tuy chưa có số liệu điều tra chính thức của tỉnh về nguồn gốc gây ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Ðông, nhưng người dân nghi ngờ là do các cơ sở chế biến nông sản ở khu vực phía trên gây ra. Sự buông lỏng quản lý về môi trường tác hại to lớn và lâu dài, mà cụ thể là sông Vàm Cỏ Ðông đang bị ô nhiễm nặng. Nên chăng, tỉnh cần gom lại các cơ sở chế biến về khu tập trung, cách xa dân cư và nguồn sông, suối để có hướng xử lý chất thải triệt để, bảo vệ được môi trường.
VĂN CÔNG CẢNH
Nuôi cá tra, basa xuất khẩu: Chấp nhận rủi ro
Nguồn tin: VNECONOMY, 22/04/2005
Ngày cập nhật: 22/4/2005
Nuôi cá tra, cá basa xuất khẩu: Nơm nớp đầu ra
“Mấy năm gần đây nuôi cá xuất khẩu rất có ăn, nhưng năm nay giá cả bấp bênh làm cho giới chăn nuôi không dám đầu tư mạnh. Có nhiều chủ bè đã nghỉ nuôi hoặc họ chuyển sang nuôi các loại cá bán nội địa, vì theo họ thị trường nội địa giá cả tương đối ổn định, không quá lệ thuộc vào các nhà xuất khẩu”, một nông dân 7 năm trong nghề cho biết
Giữa trưa nắng tháng tư oi bức, ngột ngạt, chúng tôi đến thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, "cái nôi" của nghề nuôi bè cá tra, basa xuất khẩu. Được người quen hướng dẫn, chúng tôi thuê chiếc đò đi thăm làng bè trên sông Hậu. Chủ đò cho biết, hôm nay bè của ông Lương Văn Quang đang "gạn cá" bán. Ông là một "đại gia" ở làng cá bè xuất khẩu, đã sáu năm trong nghề.
Những người đàn ông khoẻ mạnh dùng lưới kéo vô số những con cá tra to mập đang vùng vẫy dưới lồng bè, gom chúng lại. Họ dùng những cái giỏ tre xúc từng giỏ một móc vào một cây cân treo gần bên để cân từng giỏ, nhằm xác định xem sản lượng cá trong bè có bao nhiêu tấn cá. Khi cân xong, những giỏ cá được chuyển sang một chiếc ghe chài đang đậu cặp chiếc bè và loại ra những con cá chưa đúng kích cỡ. Sau đó cá được đổ xuống ghe ông Quang cho người chở đến Công ty Afiex An Giang bán với giá 11.800 đồng/kg.
Năm tệ hại chưa từng thấy trong nghề
Công ty mua cá tại bè giá 11.500 đồng/kg nhưng cá phải đạt quy cách từ 1,2kg/con mới được công ty nhận mua. Trong những giỏ cá, ngoài những con cá tra to khoẻ, chúng tôi nhận thấy có lẫn những loại cá như: mè dinh, mè hôi, cá he và trắm cỏ. Những loại cá này chủ bè thả vào để ăn thức ăn thừa của cá tra. Đây là cách giúp chủ bè tăng thêm thu nhập và làm sạch môi trường. Lồng bè này ông Quang ước đạt 60 tấn, đây là mức sản lượng thấp so với yêu cầu và là một trong số sáu lồng bè mà ông Quang hiện có.
Với sáu lồng bè, cách hai tháng ông luân phiên thu hoạch cá một lần vào những thời điểm khác nhau sẽ tránh tình trạng cá của ông rớt giá đồng loạt. Để đầu tư cho lồng bè 60 tấn này, ông phải đầu tư 300 triệu tiền đóng bè, ngoài ra còn tiền mua cá giống, khi thả cá giống có kích thước 3 cm giá 1.800đồng/con, mật độ thả nuôi 80 con/m3 nước lồng bè vào mùa nước rong, mùa nước nổi thì 120 con/m3 nước lồng bè. Chiếc bè này ông đã thả nuôi 90.000 con cá giống, để có 1kg cá thịt cần 2,5kg thức ăn. Thức ăn cho cá là cám gạo trộn với cá biển nấu chín. Mỗi lồng bè cần 2 công nhân chăm sóc với mức lương trung bình 600.000 đồng/người/tháng.
Theo ông Quang, với giá cám hiện nay là 2.200đồng/kg và giá cá biển 4.000 đồng/kg, cá từ khi thả vào cho đến khi bán tỉ lệ hao hụt 30%. Thời gian thả nuôi 8 tháng ông đã đầu tư vào đây gần 830 triệu đồng. Lồng bè này ông dự đoán sẽ lỗ gần 150 triệu đồng, nếu các lồng bè còn lại cũng với tình trạng như thế này ông sẽ lỗ gần 1 tỉ đồng. Năm nay có lẽ là năm tệ hại nhất đối với nghề nuôi cá tra xuất khẩu.
Giải thích nguyên nhân lỗ, ông nói: "Công ty cho biết, sở dĩ giá cá nằm ở mức 11.800đồng/kg, mà phải chở tới công ty giao là do nguồn tin cá Việt Nam xuất khẩu bị nhiễm chất Malachite green và dư lượng chất kháng sinh cao nên thị trường xuất khẩu bị trì trệ. Trước khi quyết định mua cá của bè nào, công ty cho người tới bè lấy mẫu cá về xét nghiệm. Nếu không có chất Malachite green và dư lượng kháng sinh không quá quy định cho phép họ mới mua.
Từ ngày lấy mẫu đến khi có kết quả xét nghiệm và định ngày cân cá cũng mất hơn nửa tháng, làm kéo dài thêm thời gian cho ăn và chi phí phát sinh. Vấn đề mà chúng tôi quan tâm là giá cá trên thị trường, nhưng ngoài công ty ra chúng tôi không có một kênh thông tin nào khác".
Chấp nhận rủi ro khó lường
Hiện nay tình hình nuôi cá tra bè trên sông Hậu thuộc địa phận thị xã Châu Đốc và xã Đa Phước, huyện An Phú số người nghỉ, giảm nuôi hoặc chuyển sang nuôi loại cá khác chiếm tỉ lệ 70%, một con số quả thật không nhỏ. Theo họ thì vốn đầu tư nuôi cá quá lớn mà hệ số rủi ro cao nên không còn hấp dẫn người nuôi.
Rời thị xã Châu Đốc, chúng tôi tới ấp Long Châu, thị trấn Tân Châu nơi có số lượng bè cá nhiều nhất huyện. Tình trạng nơi đây cũng không khác gì so với Châu Đốc. Chúng tôi tới bè cá của ông Phan Văn Bình, người đã có 7 năm tuổi nghề. Hiện ông có hai lồng bè cá đang "vô ký", nhưng tình hình giá cá hiện nay làm ông ngán ngại.
Với hai lồng bè có sản lượng 60 tấn và 80 tấn/lồng, giá 11.500 đồng/kg như bây giờ, ông dự đoán sẽ lỗ rất nặng. Ông cho biết: "Mấy năm gần đây nuôi cá xuất khẩu rất có ăn, nhưng năm nay giá cả bấp bênh làm cho giới chăn nuôi không dám đầu tư mạnh. Có nhiều chủ bè đã nghỉ nuôi hoặc họ chuyển sang nuôi các loại cá bán nội địa, vì theo họ thị trường nội địa giá cả tương đối ổn định, không quá lệ thuộc vào các nhà xuất khẩu".
Ấp Long Hưng II, xã Long Sơn, huyện Phú Tân là điểm đến cuối cùng. Làng bè nơi đây cũng thuộc vào dạng nhiều nhất nhì huyện. Chiếc bè cá của anh Thống người ở Tp.HCM và anh Huột (Việt kiều Mỹ) hùn nuôi. Quang cảnh thật vắng vẻ, bè cá đã bán cách nay hai tuần. Không tính tiền đóng bè và các chi phí khác, chỉ tiền mua con giống, thức ăn và tiền thuê công nhân chăm sóc cá và những phí linh tinh, hai anh đã lỗ 200 triệu.
Hai ông chủ bè, người quay về Mỹ, người trở lại thành phố. Để lý giải việc lỗ nặng, anh Vinh (người bà con của anh Thống) cho biết: "Họ mới ra nuôi năm đầu chưa có kinh nghiệm nên tỉ lệ hao hụt cá khá cao, lại không thả cá trắng để ăn thức ăn thừa của cá tra, những phí linh tinh của họ cũng cao hơn các chủ bè khác".
Tiếp chuyện với chúng tôi có cô út của anh Vinh, người chuyên bỏ mối cá biển cho các chủ bè cá. Cô nói: "Nuôi lỗ thì chỉ có những người nuôi cá bè bị lỗ vì tỉ lệ hao hụt của họ lên tới 30%, cá sống dưới lồng bè thiếu ánh sáng thường bị bệnh phải dùng thuốc.
Vào mùa thu hoạch lúa, nông dân khai nước ra mương rồi chảy xuống sông làm nguồn nước bị nhiễm thuốc trừ sâu nên cá chết nhiều. Riêng nuôi cá trong ao hầm tỉ lệ hao hụt chỉ 10%, được thay nước thường xuyên và đầy đủ ánh sáng nên cá ít bệnh sẽ giảm chi phí đầu tư".
Mới đây, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Việt (An Giang) đã có cam kết với các chủ bè cá: Công ty sẽ mua cá của bà con với giá thấp nhất là 11.800đ/kg. Giá này đối với các chủ bè có nhiều kinh nghiệm nuôi, tỉ lệ hao hụt và các chi phí khác thấp, họ sẽ có lời ít chứ không phải lỗ. Lời nói này của ông Tới đã làm cho bà con an tâm vì họ không phải lo trong tương lai giá cá sẽ còn rớt dài dài.
Nguyễn Huyền
Cà Mau: Nuôi cá đồng trong vùng dự án đạt năng suất 500kg/ha
Nguồn tin: BCT, 21/4/2005
Ngày cập nhật: 22/4/2005
Những ao cá cuối cùng trong dự án khôi phục cá đồng huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vừa được thu hoạch dứt điểm, với năng suất bình quân đạt 500kg/ha. Năng suất này cùng với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg cá lóc, 30.000 đồng/kg cá rô, 59.000 đồng/kg cá bổi... người nuôi cá có mức thu nhập từ cao hơn trước gấp 3 lần và cao hơn những vùng nuôi cá đồng ngoài dự án hiện nay trên 2 lần. Ban quản lý dự án cho biết, với những kết quả khả quan qua 2 năm thực hiện dự án khôi phục cá đồng, mùa vụ cá đồng 2005- 2006 sẽ vượt kế hoạch (kế hoạch khôi phục trong 3 năm 2003, 2004, 2005 là 1.450ha). Tuy nhiên, hiện nay tại vùng dự án, nạn trộm cắp cá đã bùng phát trở lại, với mức độ khá nghiêm trọng, trong khi nhiều xóm, ấp chưa hoàn thiện kịp những quy ước, hương ước bảo vệ sản xuất cho bà con nông dân.
TRẦN VŨ
Trà Vinh: Nông dân nuôi tôm sú bị thiệt hại trên 36 tỉ đồng
Nguồn tin: BCT, 22/4/2005
Ngày cập nhật: 22/4/2005
Theo Sở Thủy sản Trà Vinh, hiện nay tình hình nuôi tôm sú ở các địa bàn ven biển trong tỉnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài làm cho môi trường tự nhiên có nhiều biến đổi, nên đã có hơn 5.600 hộ nuôi tôm bị hơn 425 triệu con giống, chiếm 67,5% tổng số con giống đã nuôi năm nay. Ước mức thiệt hại về giá trị con giống và chi phí thức ăn trên 36 tỉ đồng. Hiện nay, ngành Thủy sản Trà Vinh đang tiếp tục điều tra mức độ thiệt hại của tôm nuôi và khuyến cáo nông dân nên kéo dài thời gian thả nuôi. Tập trung cải tạo ao nuôi tôm bị thiệt hại đúng kỹ thuật và thả nuôi con giống với mật độ từ 15 - 20/m2 ( nuôi công nghiệp), giảm hệ số thức ăn cho tôm để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nước do thời tiết nắng nóng.
LÊ LONG
Chuyện nuôi cá rô phi xuất khẩu
Nguồn tin: Nhân dân, 21/4/2005
Ngày cập nhật: 22/4/2005
Từ năm 2002, Bộ Thủy sản khởi động phong trào nuôi cá rô phi xuất khẩu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Nhưng thực tế, nông dân có nuôi được cá rô phi bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu hay không? Các tỉnh có nên mở rộng diện tích nuôi loại cá này?
Khởi động chương trình nuôi cá rô phi xuất khẩu
Tại hội nghị bàn biện pháp sản xuất cá rô phi xuất khẩu khu vực phía bắc do Bộ Thủy sản tổ chức ở Bắc Ninh năm 2002, đại biểu các sở, ban, ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm đề án phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2010 do Thứ trưởng Thủy sản Nguyễn Việt Thắng trình bày. Theo đề án này, bộ xác định cá rô phi là đối tượng chiến lược trong nuôi trồng thủy sản và đề ra chương trình phát triển nuôi cá rô phi thương phẩm phục vụ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2010 đạt 300 nghìn tấn. Hưởng ứng đề án trên, đến ngày 12-9-2002, Hội Nghề cá, Trung tâm Khuyến ngư trung ương, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, Công ty xuất khẩu thủy sản 2 Quảng Ninh ký bản cam kết thực hiện nuôi cá rô phi đơn tính xuất khẩu khu vực phía bắc, với các nội dung chính: Tổ chức, chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân, nông dân nuôi cá rô phi đơn tính bảo đảm chất lượng sạch phục vụ chế biến xuất khẩu; bảo đảm thu mua với giá hợp lý sản lượng cá rô phi thương phẩm.
Hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Hồng đều xây dựng chương trình nuôi cá rô phi xuất khẩu, nhưng đều gặp khó khăn về sản xuất con giống tại chỗ. Lượng con giống do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, trung tâm thủy sản, cơ sở sản xuất giống thủy sản các tỉnh sản xuất đáp ứng không đáng kể so với nhu cầu thả nuôi. Đồng chí Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh, khẳng định: Phần lớn người nuôi cá rô phi đơn tính phải mua cá giống của tư nhân cung cấp. Có nơi xảy ra tình trạng chất lượng cá giống không bảo đảm. Đồng chí Đặng Minh Ngọc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, cũng bức xúc: Thời điểm đầu tháng 4 rất thuận lợi cho thả nuôi cá rô phi đơn tính vì thời tiết ấm, nhưng đến nay người dân vẫn chưa có con giống để thả, vì phụ thuộc lượng con giống do tư nhân cung ứng, nên chúng tôi vẫn phải chờ.
Nuôi cá rô phi đến khi nào xuất khẩu?
Năm 2004, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 triển khai đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình công nghệ sản xuất và tiêu thụ cá rô phi xuất khẩu tại Hải Dương". Đây là một nhánh trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước thuộc Chương trình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực (KC.06). Đề tài được triển khai tại Hải Dương trong hai năm (2004-2005) với mục tiêu: Tạo được mô hình công nghệ sản xuất từ giống đến nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho vùng nuôi tập trung; hình thành nghề nuôi cá rô phi xuất khẩu, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại Hải Dương và vùng đồng bằng sông Hồng. Năm đầu thực hiện đề tài, 223 hộ dân tại sáu xã của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) nuôi 30,82 ha cá rô phi đơn tính. Các nhà khoa học tổ chức tập huấn, trực tiếp hướng dẫn, giám sát các hộ dân nuôi cá đúng kỹ thuật. Nông dân tham gia đề tài được hỗ trợ 50% giá giống và 20% giá mua thức ăn cho cá. Người dân Tứ Kỳ đặt nhiều hy vọng vào con cá rô phi sẽ giúp họ làm giàu. Theo đánh giá của đồng chí Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương, thì kết quả đề tài có sức thuyết phục cao, tạo được niềm tin cho nông dân. Nhưng khi trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính-Thương mại-Khoa học và công nghệ UBND huyện Tứ Kỳ, lại cho rằng: Sau gần bảy tháng thả nuôi, trọng lượng cá rô phi trung bình đạt 500 g/con, năng suất bình quân đạt 11,52 tấn/ha. Sản lượng cá nuôi của 223 hộ đạt hơn 355 tấn. Khi cá nuôi đạt trọng lượng chế biến xuất khẩu lại không được các doanh nghiệp chế biến thủy sản đến thu mua. Khi đó, người dân hết sức lo lắng vì sản lượng cá rô phi thương phẩm không có đầu ra. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ Nguyễn Thế Phương kể: "Bà con bức xúc lắm, ngày nào cũng lên UBND xã hỏi xem cá tiêu thụ thế nào. Bà con lo lắng cũng phải thôi vì họ bỏ ra bao công sức, đầu tư vốn lớn vào nuôi cá rô phi nhưng cá nuôi lại không bán được". Anh Nguyễn Công Xô, nông dân thôn Liên Khê, xã Tân Kỳ phàn nàn: "Hồi đầu tham gia đề tài, chúng tôi lo thị trường tiêu thụ lắm, nhưng các anh ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 nói rằng sẽ có doanh nghiệp đến thu mua khi cá nuôi đạt trọng lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhưng đến lúc thu hoạch cá, chúng tôi chờ các doanh nghiệp đến hết cả hơi". Khi người nuôi cá rô phi ở Tứ Kỳ, chính quyền các cấp ở Hải Dương không đủ kiên nhẫn đã có công văn gửi Bộ Thuỷ sản, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị có biện pháp tiêu thụ cá rô phi thương phẩm giúp nông dân. Cuối cùng cả hai bộ này đều không lo được và người dân phải tự bán cá rô phi thương phẩm ra ngoài thị trường. Anh Minh cho biết thêm: Rất may là người dân vẫn bán được cá với giá cao (bình quân hơn 15 nghìn đồng/kg). Người nuôi cá vẫn có lãi, nhưng tính thuyết phục của đề tài chưa cao.
Vấn đề thị trường tiêu thụ cá rô phi đã trở thành vấn đề rất bức xúc hiện nay ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Khi đề cập vấn đề này, nhiều đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đều khẳng định đầu ra cho con cá rô phi mới quyết định hiệu quả kinh tế, mới có tính bền vững cao. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phùng Quang Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, cho biết: Khi các doanh nghiệp về thu mua cá rô phi thương phẩm đề ra tiêu chuẩn quá cao trong khi thực tế người dân không thể nuôi 100% con cá có kích cỡ như nhau. Cho nên, chúng tôi nghĩ người dân khó có thể nuôi cá rô phi xuất khẩu.
Cần xây dựng mối liên kết bốn nhà
Bà Nguyễn Thái Phương, Giám đốc Trung tâm thông tin Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản khẳng định: Các doanh nghiệp cho rằng, nông dân nuôi cá rô phi không bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu về kích cỡ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp không dại gì mà đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng dây chuyền chế biến cá rô phi xuất khẩu mà chỉ hoạt động trong vài tháng, vì cá rô phi thường thu hoạch rộ trước mùa đông. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Vụ trưởng Nuôi trồng thủy sản, đã nêu lên mâu thuẫn hiện nay giữa người nuôi và doanh nghiệp thu mua cá rô phi xuất khẩu: Nông dân nuôi cá theo phương thức tận dụng chất thải chăn nuôi là chính, chưa dám đầu tư nuôi theo quy mô công nghiệp vì giá thành cao. Vì thế các doanh nghiệp chế biến cho rằng người dân nuôi cá rô phi không bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu về kích cỡ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn người nuôi cá lại cho rằng, với giá thu mua của các doanh nghiệp đưa ra, người nuôi cá không có lãi, trong khi đó giá cá bán cho tư thương thường cao hơn giá doanh nghiệp thu mua. Vì thế khi giá thị trường trong nước xuống thấp thì nông dân đổ xô bán cá cho doanh nghiệp, nhưng khi giá thị trường tự do lên cao thì dân lại bán cho tư thương.
Theo Thứ trưởng Thủy sản Nguyễn Việt Thắng, để giải quyết mâu thuẫn này, doanh nghiệp và người dân cần ngồi lại với nhau cùng tháo gỡ khó khăn. Đến nay, Bộ Thủy sản mới chỉ khởi động chương trình nuôi cá rô phi xuất khẩu. Những vướng mắc, nhất là thị trường tiêu thụ cá rô phi ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng sẽ sớm được giải quyết.
Phong trào nuôi cá rô phi đơn tính đang được phát triển mạnh ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Hầu hết các tỉnh đều có chủ trương mở rộng diện tích nuôi cá này trong những năm tới. Thực tế sản xuất cá rô phi thương phẩm ở các địa phương đã đặt ra nhiều vấn đề cần được các bộ, ngành, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Các địa phương có nên mở rộng diện tích nuôi cá rô phi xuất khẩu khi mà các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc thu mua cá thương phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu? Có ý kiến cho rằng, hiện nay nhu cầu về hàng thủy sản trong nước vẫn rất cao. Cho nên việc mở rộng diện tích nuôi cá rô phi sẽ không lo thị trường tiêu thụ. Nhưng lại có ý kiến khác cho rằng, đến thời điểm nào đó, có thể chỉ 3-5 năm nữa, khi diện tích nuôi, sản lượng cá rô phi quá lớn thì thị trường trong nước sẽ xảy ra tình trạng cung vượt cầu và người nuôi cá sẽ gặp bất lợi nhiều nhất. Thực tế trong sản xuất thủy sản cũng như nông nghiệp đã phải trả giá quá đắt khi vấn đề quy hoạch và dự báo thị trường còn yếu kém. Vì vậy, theo chúng tôi, để phát triển sản xuất cá rô phi xuất khẩu bền vững, cần phải giải quyết tốt các vấn đề như: chất lượng con giống, quy trình kỹ thuật nuôi sạch, đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến hiện đại, đẩy mạnh xúc tiến thương mại... Điều quan trọng nhất là cần xây dựng mối liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá rô phi.
TẠ QUANG DŨNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.