Lại "sự cố" cánh đồng mẫu
Nguồn tin: LĐ, 6/5/2005
Ngày cập nhật: 7/5/2005
Năm 2004, dự án xây dựng cánh đồng mẫu nuôi tôm càng xanh rộng 60ha ở ấp An Quới (xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) được đầu tư 1,3 tỉ đồng. Năm 2005, tỉnh Đồng Tháp lại hỗ trợ thêm 600 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, hạ thế điện, trạm bơm...) và tiền mua con giống (6,9 triệu đồng/ha). Ấy vậy mà năm nay cũng chỉ có 19 hộ nông dân đăng ký nuôi tôm tại đây với diện tích 20ha. Vì sao một dự án được quan tâm như thế vẫn chưa đủ sức hấp dẫn người nuôi?
Số là, năm 2004 có 18 hộ nông dân đăng ký nuôi tôm càng xanh theo dự án này với diện tích trên 17ha. Thế nhưng, vụ thu hoạch đầu tiên chỉ 3 hộ có lãi; số còn lại từ hoà vốn tới lỗ. Mấy nguyên nhân chính khiến hiệu quả kém được nêu ra là: Thả nuôi trễ; tôm giống không đồng đều kích cỡ; tôm chậm lớn do nước lên muộn - rút sớm và hợp đồng thuê đất còn "tù mù" nên nông dân thuê đất nuôi tôm theo dự án bị thiệt thòi... Loại trừ yếu tố khách quan (nước lên muộn - rút sớm), thì các nguyên nhân dẫn tới vụ nuôi đầu tiên kém hiệu quả của cánh đồng mẫu là do chưa có sự hướng dẫn sâu sát của cán bộ kỹ thuật (về chất lượng con giống, lịch thời vụ) và của chính quyền địa phương (đối với hợp đồng thuê đất).
Vụ nuôi năm nay - xuống giống cuối tháng 4 âm lịch - chuyện nhập nhằng về thuê đất đã được chính quyền địa phương giải quyết. Tuy nhiên, do vụ nuôi đầu không thành công, số hộ đăng ký thực hiện cánh đồng mẫu tại đây đang thiếu vốn, đất thuê nên cũng không có "giấy đỏ" để thế chấp vay vốn. Nghĩa là, dự án xây dựng cánh đồng mẫu này chỉ mới triển khai được khoảng 1/3 diện tích đã phát sinh bao điều nan giải.
Mọi việc không bi đát đến mức "Cánh đồng mẫu... ra toà" (báo Lao Động số ra ngày 2.4.2005), nhưng thực tế tại cánh đồng mẫu này ở Đồng Tháp một lần nữa cho thấy: Xây dựng cánh đồng mẫu mà thiếu sự quan tâm sâu sát thì khó thành công và tất nhiên rất khó nhân rộng mô hình...
Lê Như Giang
Vương quốc tôm hùm
Nguồn tin: ND, 6/5/2005
Ngày cập nhật: 7/5/2005
Với bờ biển dài 80 km, trong đó có trên 15.700 km2 diện tích mặt nước, huyện Sông Cầu (Phú Yên) có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, cho giá trị hằng năm tới 80% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Một trong những thế mạnh đó là khai thác và nuôi tôm hùm.
Nghề lặn chỉ đủ sống, nuôi tôm lồng mới phất...
Có thời, đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài là nơi tôm hùm trú ngụ, sinh sôi vô số. Ngư dân thị trấn Sông Cầu, các xã Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Phương, Xuân Thịnh... ùn ùn kéo nhau ra ngụp lặn bắt tôm hùm; người nơi khác "thèm" cũng mò đến. Lâu lâu rặt "người khôn của khó"- săn được tôm hùm làm cỡ 0,5- 1kg/con không còn là chuyện dễ. Ai tóm trúng "chú" cỡ ấy coi như bữa đó gặp hên: có bạc trăm bỏ túi.
Tôi gặp Nguyễn Quốc Mỹ, quê thị trấn Sông Cầu, một người chuyên ngụp lặn ở vịnh Xuân Đài, hỏi đùa anh rằng: "Có đất dụng võ, sao mà chỉ đủ sống"? Áp hai bàn tay lên tấm phên bết bùn rồi xoa xoa lên mặt cho hệt "khuôn" xưa, anh mới toét miệng: "Bộ coi cái vịnh Xuân Đài không bằng cái chuôm chắc... Hèn chi mấy ổng ngộ nhận dễ bắt "hùm". Tôi nè, hai bàn tay trắng; vợ con bầy đàn. Sớm mai, vợ chồng con cái rồng rắn cùng đám thanh niên làng qua vịnh ngụp lặn. Mấy anh thử tưởng tượng coi, không bỡn đâu. Vất vả, nguy hiểm nữa. Nghề lặn về "0" là chuyện cơm bữa. Bắt được vài mống tôm nhắt đưa bán giống thấy "ngon ăn" rồi. Gần 10 năm tôi đi ngụp, kiếm đủ ăn, đủ mặc nuôi mấy miệng ăn trong nhà đã là tốt lắm rồi".
Qua thôn Vũng La, xã Xuân Phương, nhìn cơ ngơi ngôi làng, nhà cao cửa rộng mọc chen nhau, người, xe nườm nượp ngỡ rằng đi giữa phố huyện. Đâu đó, tiếng hời, tiếng gọi nhau râm ran một góc phố làng. Thôn quê đổi đời từ ngày có nghề nuôi tôm hùm lồng. Tôi hỏi lão ngư có tên Võ Hòa:
- Toàn thôn có độ bao nhiêu hộ theo nghề này ?
- Vũng La ấy á, ông già cười vui vẻ - cả thảy trên 230 hộ (khoảng 1.300 nhân khẩu), hộ nào cũng nuôi tôm hùm; bao gồm 1.500 lồng ứng với cỡ 75.000 - 80.000 con. Ông bảo, các vụ nuôi vừa rồi tuy có lúc biến động về giá cả thì bà con vẫn cứ gặt hái được; hộ nuôi ít thì thu vài chục triệu đồng/vụ, hộ nuôi nhiều bỏ túi đến vài trăm triệu đồng. Lại không bù cho cái quãng ngày xưa, người dân chỉ quẩn quanh bên mấy vuông ruộng với nghề đan lưới thuê, cuộc sống hẩm hiu, nghèo túng.
Về Xuân Thịnh trong những ngày này, chúng tôi càng có cơ sở để khẳng định: Hầu hết các làng quê ở Sông Cầu đi lên từ không đến có đều nhờ chủ yếu vào các nghề nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm hùm là nghề chủ đạo. Ông Trần Văn Bút, Chủ tịch UBND xã bộc bạch: "Xuân Thịnh từng là một trong những nơi nghèo nhất huyện. Đất canh tác bình quân đầu người rất thấp, đại bộ phận nhân dân sống bằng nghề đi biển, vất vả lam lũ mà cuộc sống thì dậm chân tại chỗ. Sau năm 1990, xã thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào các nghề có thế mạnh "đánh thức tiềm năng của biển". Nghề nuôi tôm hùm lồng được bà con "cưng" nhất vì nó mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt". "Vùng này đang là một "vương quốc" tôm hùm - Anh Sơn, một thương lái người ngoại tỉnh góp vui - "Đất thơm cò đậu", người tứ phương: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, rồi TP Hồ Chí Minh... cũng kéo về đây lập nghiệp".
Tôi gặp "gã nhà giàu" Nguyễn Hiếu Hùng, qua câu chuyện mới hay, con đường trở thành tỷ phú của anh không mấy... xuôi chèo mát mái: "Thôn tôi, nhiều phen bà con long đong, lận đận. Không ít người bỏ đi làm ăn nơi khác. Tôi cũng "theo" về bên quê vợ ở mãi tận làng biển Cà Ná (Bình Thuận). Hơn 10 năm đi thuyền, khấm khá đâu không thấy, chỉ vơ thêm cái nheo nhóc... Buồn bã, ngán ngẩm. Trong lúc còn chưa biết xoay sở ra sao thì dịp may đưa đến. Dạo đó, Xuân Thịnh vừa rộ lên phong trào nuôi tôm hùm lồng, không bỏ lỡ cơ hội này, chúng tôi lại khăn đùm khăn gói mang nhau về quê làm ăn".
Xuân Thịnh hiện có 1.500 hộ thì có tới gần 1.000 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 5.330 lồng. Nuôi tôm giống thì mỗi hộ thầu 300 -1.500 con; nuôi tôm thịt thì hộ ít cũng 100 con, hộ nhiều cỡ 1.000 con. Năm ngoái, chỉ riêng nghề nuôi tôm hùm đã cho tổng thu nhập toàn xã hơn 54 tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi tôm sú đã chuyển sang nuôi tôm hùm cho lãi lớn hơn.
Alô! "Ông trợ lực" 2308...
Theo báo cáo của Sở Thủy sản Phú Yên, trong khi nghề nuôi tôm sú đang gặp khó khăn, thì nghề nuôi tôm hùm lồng ở Sông Cầu lại đang phát triển mạnh. Toàn huyện có trên 14.500 lồng, trong đó có khoảng 10.000 lồng chuyên nuôi tôm thịt thương phẩm. Không ít người đã chuyển dần từ hình thức nuôi lồng sát đáy sang nuôi bè nổi để có thể dễ dàng di chuyển, chăm sóc và giữ gìn môi trường vùng nuôi.
Từ lâu, nghề này đã mang lại sự giàu có sung túc cho bà con và họ vẫn tiếp tục đầu tư mạnh, mặc dù đồng vốn cần lớn. Có được hướng phát triển đó, không thể không nhắc tới vai trò của "ông trợ lực" 2308 (Nghị quyết liên tịch giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam). Theo đó, chỉ tính đến giữa năm 2004, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có tổng dư nợ 144 tỷ đồng thì dư nợ từ các hộ vay nuôi tôm hùm đã chiếm trên 100 tỷ đồng, bằng 70% tổng số dư nợ.
Ông Lê Tiến Dũng, cán bộ tín dụng chi nhánh ngân hàng này cho biết: 100% hộ nuôi tôm hùm có đủ điều kiện đều được vay, mức thấp nhất là 20 triệu đồng, không phải thế chấp bất kỳ thứ tài sản nào. Số tiền đó đủ để dựng một lồng có kích cỡ 3x3x1,2m, mua con giống và thức ăn trong suốt chu kỳ nuôi từ 18 - 24 tháng. Chín cán bộ tín dụng thuộc chi nhánh được phân công theo dõi chịu trách nhiệm cụ thể từng địa bàn, đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thẩm định, giải ngân kịp thời.
Vẫn còn đó những nỗi lo...
Giữa năm ngoái, tôm hùm bán thịt bỗng trở lên khan hiếm, các đầu mối xuất khẩu đổ xô mua, nhiều hộ nông dân thu hoạch sớm để bán với giá cao. Chỉ riêng các xã Xuân Thịnh, Xuân Phương ngư dân đã bán cho tư thương vài chục tấn tôm thương phẩm; giá tôm hùm loại I (mỗi con nặng trên một kg) từ 450.000- 480.000 đồng/kg; loại II khoảng 440.000 đồng/kg. Mức này còn giữ được đến tháng 7- 8 và người ta hy vọng sẽ tăng lên vào giữa vụ. Tuy nhiên, sang tháng 9 giá bán đột ngột giảm xuống, loại I chỉ còn 420.000 đồng/kg và loại II còn 380.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá thấp so với cùng thời điểm trong nhiều năm qua. Sở dĩ có tình trạng này, theo một số hộ nuôi tôm ở Sông Cầu, đó là do các đầu mối thu mua tôm hùm xuất khẩu đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía bắc ép giá. Các tư thương chỉ chọn mua tôm hùm loại II bởi loại này dễ tiêu thụ. Trong khi đó, giá thức ăn lại tăng lên, nông dân buộc phải thu hoạch nhằm tránh bị lỗ. Mặt khác, hiện nay tuy đang vào mùa chính vụ sinh sản tôm hùm, nhưng hầu hết các thuyền ngư dân chỉ khai thác được lượng giống rất ít. Mỗi đêm, mỗi tàu chỉ bắt được chừng 5-20 con tôm giống. Hiện tại, nhu cầu thả nuôi cho khoảng 15.000 lồng là rất lớn, nhưng lượng tôm giống lại đang khan hiếm nên giá liên tục tăng vọt; nếu như hồi đầu vụ giá chừng 100.000 đồng/con giống thì nay lên tới 145.000 đồng/con.
Việc tôm hùm giống cạn kiệt được xem như là một hậu quả tất yếu của tình trạng khai thác ồ ạt lâu nay.
Tại nhiều ngư trường, nhất là đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài thường xuyên diễn ra các hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất hoặc sử dụng xung điện trong vùng cấm. Còn ở các vùng biển giáp ranh với Bình Định, Tuy An, Hòn Khô - Hòa An, cửa Vịnh Hòa, cửa Vũng La... có rất nhiều đối tượng cả người địa phương lẫn người nơi khác đến chuyên đánh bắt bằng chất nổ. Những hành động vi phạm pháp luật này đã hủy diệt nguồn lợi thủy sản, làm xáo trộn tầng đáy. Bên cạnh đó, hàng loạt những tác động khác của con người như phát triển đô thị, khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, chặt phá rừng, nuôi trồng thuỷ sản tự ý ồ ạt... đã khiến cho môi trường càng ngày càng trở nên suy thoái, biến dạng làm mất cân bằng sinh thái. Điều đó không những gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cộng đồng tại 8/10 xã thị trấn ven biển, mà còn tác động lâu dài đến ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Ngư dân sống nhờ biển, nhưng đã làm được gì cho biển ngoài những cuộc triền miên khai thác? Để đến tận bây giờ khẩu hiệu hành động "hãy bảo vệ biển"; "bảo vệ nguồn lợi thủy sản" mới tạc vào "bộ nhớ" khơi dậy tiềm thức trong con người? Sự thật thì họ chỉ kịp nhận ra điều đó khi thấy rằng: Nguồn lợi thuỷ sản đang cạn kiệt, môi trường đang suy thoái nghiêm trọng và biển đang chết dần! Sau những cuộc "đại phẫu thuật": Tuyên truyền, vận động, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ, xử lý những hành vi vi phạm (bắt đầu từ tháng 3-2003) tới nay, bà con đã cùng nhau ký vào cam kết: không dùng thuốc nổ, không sử dụng giã điện, xung điện, hóa chất để khai thác thủy sản... Huyện cũng đang khẩn trương quy hoạch cơ cấu ngành nghề thủy sản phù hợp theo từng vùng, từng cụm dân cư, từng tuyến ngư trường nhằm phát huy và khai thác có chọn lọc, hiệu quả đối với các loại thuỷ sản.
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển - chính là người dân đã biết chăm lo cho cuộc sống lâu dài của mình, để có cơ hội làm giàu chính đáng ngay trên quê hương duyên hải.
Theo Nhân dân, Đại đoàn kết
Giấy phép kinh doanh, SX thủy sản không quá 12 tháng
Nguồn tin: Vasep, 6/5/2005
Ngày cập nhật: 7/5/2005
Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định các ngành nghề sản xuất, kinh doanh thủy sản phải có giấy phép và thời hạn của giấy phép không quá 12 tháng.
Một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cần giấy phép nhưng phải đảm bảo các điều kiện của pháp luật qui định như kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản; đóng mới và cải hoán tàu cá; sản xuất kinh doanh giống thủy sản, thức ăn nuôi thuỷ sản, nguyên liệu thuỷ sản dùng cho chế biến thực phẩm; nuôi trồng thuỷ sản.
Nghị định này sẽ áp dụng với các đối tượng là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thủy sản.
Riêng các tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu cá hoạt động thủy sản thì tuân thủ theo Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam./.
(TN) Thông tấn xã Việt Nam, 05/05/2005
ITC xem xét lại mức thuế với tôm nhập khẩu từ Thái Lan và Ấn Độ
Nguồn tin: NLD, 5/5/2005
Ngày cập nhật: 7/5/2005
Thấy gì khi cá đồng khan hàng, giá leo thang?
Nguồn tin: BCT, 7/5/2005
Ngày cập nhật: 7/5/2005
Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch cá đồng. Thế nhưng, có một nghịch lý đang diễn ra là nguồn cung cá đồng ở nhiều chợ ngày càng thấp đã làm cho thị trường cá đồng ở nhiều địa phương trở nên khan hàng, giá tăng mạnh trong 1-2 tuần qua.
KHAN HIẾM TỪ CHỢ QUÊ ĐẾN CHỢ THÀNH
Dọc theo kinh Long Xuyên - Núi Sập, kinh Mặc Cần Dưng… (An Giang) ngày càng mọc lên nhiều chợ quê sung túc, tấp nập người mua kẻ bán. Thế nhưng, sản lượng cá đồng về các chợ này những năm gần đây liên tục sụt giảm. Chợ Núi Sập hiện có khoảng 30 lô sạp bán cá, nhưng chủ yếu vẫn là cá biển. Lượng cá đồng có tại chợ chưa tới 100 kg/ngày mặc dù chợ phục vụ hơn chục ngàn dân. Chợ kinh F và Tây Sơn, huyện Thoại Sơn - An Giang cũng đang thu hút mạnh người tiêu dùng ở khu vực giáp ranh Cần Thơ và Kiên Giang. Sản lượng cá qua các chợ này trên 1.000 kg/ngày nhưng cá đồng chưa tới 1/3.
Chợ Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang) đang ngày càng sung túc trong vị trí là trung tâm vùng Tứ giác Long Xuyên, với sản lượng hàng hóa qua đây 20 tấn/ngày. Chợ có 55 lô sạp bán cá đồng nhưng gần đây lượng cá cũng đã giảm khoảng 25kg/sạp/ngày - giảm 40% so với trước đây. Lý giải trường hợp này, anh Hoàng Việt - Phó Ban quản lý chợ Ba Thê nói: “Khai thác quá mức nên giờ đây cá đồng trở nên khan hiếm. Các chủ vựa cá đồng ở Tứ giác Long Xuyên vẫn hoạt động cầm chừng vì giữ mối cung ứng cho các đô thị Cần Thơ, Long Xuyên, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa làm cho cá đồng khan hiếm là cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu”.
Tại các chợ này, giá cá đồng thuộc loại thực phẩm đắt đỏ nhất. Trong khi thịt heo khoảng 28.000 - 35.000 đồng/kg thì cá lóc thiên nhiên loại 300g đến 500g/con giá bán tới 40.000 - 50.000 đồng/kg; cá lóc nuôi hầm cũng 25.000 đồng/kg, cá chạch 20.000 đồng/kg. Cá trê vàng tự nhiên gần đây dường như không còn, nếu có giá tới 60.000 - 70.000 đồng/kg… Được biết, hầu hết lượng cá đồng về các chợ ở Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú (An Giang)… đều từ nguồn xuyệt điện chứ giăng câu, giăng lưới gần như không có khi nơi nào cũng làm đê bao sản xuất 3 vụ lúa, khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt tự nhiên ở vùng Tứ giác Long Xuyên ngày càng teo dần.
Cá đồng về chợ ngày càng giảm.
Không chỉ ở các chợ quê, mười ngày qua, lượng cá đồng về các chợ ở TP Cần Thơ, nơi được xem là một trong những đầu mối thu mua, cung ứng cá đồng trong khu vực ĐBSCL, đã giảm mạnh. Giá các loại cá lóc, cá trê đã tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg so với trước. Tại các chợ An Hòa, Xuân Khánh... cá lóc đồng loại 0,6 – 1kg/con đang ở mức 40.000 đồng/kg; loại hơn 1kg/con giá 45.000 đồng/kg nhưng không có hàng để bán. Riêng các loại cá nuôi như: cá rô phi, cá điêu hồng, cá chim trắng, cá mè... vẫn đứng giá. Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, bán cá ở Trung tâm Thương mại Cái Khế, cho biết: “Lượng cá lóc và cá trê đồng mua vào trong mấy ngày qua đã giảm khoảng 50% so với 2 tuần trước do không có hàng. Lượng cá đồng về các điểm thu mua cá tư nhân đã giảm mạnh. Bây giờ phải quen biết với các chủ vựa mới mua được cá”. Xí nghiệp thực phẩm 2 - Công ty Thương Nghiệp tổng hợp Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, các mối lái đem đến cho xí nghiệp khoảng 300 kg cá lóc đồng/ngày nhưng hơn tuần nay mối lái không đem xuống nữa do không có cá”. Nhiều người bán cá ở các chợ trong thành phố cũng cho biết là gần đây, lượng cá đồng từ Cà Mau về rất ít. Các chợ chủ yếu đang bán các loại cá lóc và trê đồng tại địa phương và cá từ Campuchia về.
KHÔI PHỤC VÙNG NGUYÊN LIỆU
Nắng nóng, khô hạn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung cá đồng giảm. Thêm vào đó, gần đây giá các loại thịt heo tăng mạnh, nhiều người ngán thịt heo, thịt gà vịt (vì sợ virus H5N1) chuyển sang ăn các cá đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ cá đồng, đẩy giá tăng cao. Hàng năm, tháng ba, tháng tư cũng là mùa cá biển - giá nhiều loại cá biển thường giảm do nguồn hàng dồi dào. Nhưng năm nay lại khác, đến thời điểm này giá nhiều loại cá biển không giảm mà đang ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước 3.000 - 4.000 đồng/kg. Vì thế, khả năng “cá biển cứu nguy cho cá đồng” cũng rất thấp khi mà sức tiêu thụ các loại cá biển cũng đang tăng. Xí nghiệp thực phẩm 2 - Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ - đơn vị cung ứng nguồn cá biển chính ở TP Cần Thơ và một số địa phương lân cận - cho biết đang cung ứng ra thị trường trung bình từ 10-12 tấn cá biển/ngày, tăng khoảng 3 tấn/ngày so với năm trước. Tại siêu thị Co.opMart Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kim Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Sài Gòn - Cần Thơ (Siêu thị Co.opMart Cần Thơ), cũng cho biết: “Hiện trung bình siêu thị tiêu thụ được 60 - 80 kg cá biển các loại/ngày. Lượng cá bán ra đã tăng khoảng 30% so với cách đây một tháng”. Nhiều người dự đoán nhiều loại cá đồng sẽ còn tiếp tục hút hàng ít nhất là đến khoảng tháng 6-2005, khi mưa nhiều, lượng cá đồng mới dồi dào trở lại.
Song, hiện tượng cá đồng hút hàng tăng giá gần đây còn được xem xét ở một nguyên nhân sâu xa khác: thiếu nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững. Những năm 1998-2002, cá đồng Cà Mau khủng hoảng lâm vào cơn khủng hoảng từ nguồn cung ứng đến thị trường tiêu thụ khi nguồn cá tự nhiên ngày khan hiếm trầm trọng. Lúc đó, 1kg cá lóc nuôi chỉ bán được 15.000 đồng, trong khi cá lóc tự nhiên có giá trên 35.000 đồng/kg. Thời gian này, con tôm sú, với sức hút mãnh liệt về hiệu quả kinh tế, đã đẩy con cá đồng ra khỏi nhiều ao, mương…
Năm 2003, nhiều dự án khôi phục cá đồng trên vùng ngọt hóa được triển khai với các loại cá có giá trị kinh tế cao như: sặt rằn, rô đồng, thác lác, lóc đồng... Huyện Trần Văn Thời được chọn là địa bàn trọng điểm triển khai các dự án khôi phục cá đồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2004- 2005 là năm thứ hai thực hiện dự án với diện tích khôi phục đã đạt trên 1.100 ha. Kết quả bước đầu khẳng định: sản xuất gắn với thị trường là một con đường tất yếu để cá đồng tiếp tục tồn tại và phát triển. Liên tiếp các mùa cá được thị trường chấp nhận với giá cao. Cá lóc: 20.000 - 30.000 đồng/kg; cá rô: 35.000 đồng/kg; cá sặt rằn: 59.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều hộ dân thu hoạch cá đồng lên đến trên 40 triệu đồng… Nhiều người tin rằng những mùa tới, diện tích nuôi cá đồng sẽ còn tăng mạnh. Theo đà đó, nhiều trung tâm sản xuất cá giống hệ sinh thái ngọt trong tỉnh đang tiep tục được đầu tư phát triển. Thậm chí, một vài doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đề nghị bao tiêu sản phẩm cho nông dân nuôi cá.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế hiện nay ở nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL là khả năng cung ứng cá đồng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu thị trường. Đợt hạn hán kéo dài nhiều tháng qua vẫn đang tiếp diễn làm cho hơn 41.000 ha diện tích nuôi cá nước ngọt ở Cà Mau bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều địa phương khác cũng không thoát khỏi cảnh cạn nguồn cá do kiệt nước. Thêm vào đó, nhiều loại cá nước ngọt bị cạn kiệt nguồn giống bố mẹ… Nhìn cảnh thiếu cá đồng trên thị trường hiện nay, nhiều người nghĩ đến chuyện xa hơn, căn cơ hơn: các địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nông dân cần câu tay nhau để thực hiện các dự án khôi phục vùng cá đồng trên diện rộng.
ĐÌNH KHOA-TRẦN VŨ-VĂN CÔNG
Khánh Hòa: Nhiều hộ dân bỏ hoang đìa tôm
Nguồn tin: SGGP, 5/5/2005
Ngày cập nhật: 6/5/2005
Mặc dù đã vào vụ nuôi tôm sú, nhưng rất nhiều hộ dân ở các huyện Ninh Hòa, Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang đã bỏ hoang đìa tôm, không nuôi nữa. Theo ngành thủy sản địa phương thì chỉ có 40% số hộ tiếp tục nuôi tôm. Nguyên nhân do tình trạng ô nhiễm nguồn nước, nguồn tôm giống không đảm bảo, tôm bị dịch bệnh xảy ra trong nhiều năm khiến cho nghề nuôi tôm sú không còn hấp dẫn.
K.V.T
Ninh Thuận: Trăn trở nuôi tôm mùa hạn
Nguồn tin: Báo NT, 5/5/2005
Ngày cập nhật: 6/5/2005
Nhìn toàn cảnh tỉnh ta mùa hạn hán dễ thấy rõ cả tỉnh chỉ còn nhờ vào lượng nước xả từ thủy điện Đa Nhim và khai thác nguồn nước ngầm. Nhưng hiện nay nước ngầm vùng ven biển đang có dấu hiệu nhiễm mặn, cửa sông Dinh đã bị nước biển lấn sâu vào đến vài cây số, gây nhiễm mặn giếng nước ở các phường Đông Hải, Mỹ Đông, Tấn Tài của thị xã Phan Rang- Tháp Chàm. Một thực tế không thể tránh khỏi là hạn hán cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vùng nuôi tôm ven biển.
Đến vùng nuôi tôm An Hải (Ninh Phước) vào một ngày gần cuối tháng 4, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quang cảnh yên ắng, quạnh quẽ. Cả một khu vực nuôi tôm trên cát rộng lớn với diện tích trên 400 ha, trải dài từ An Hải qua Từ Thiện, Vĩnh Trường chỉ còn là những đìa cát trắng lóa. Ghé vào Trại thực nghiệm nuôi tôm trên cát (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ), chúng tôi cảm nhận được hơi nóng hừng hực bốc lên từ 1,4 ha đìa… cát và từ con kênh bê tông dẫn nước… nay lấp đầy cát. Ông Nguyễn Văn Mười, nhân viên của trại cho biết từ tháng 6 năm ngoái đến nay ở đây không nuôi và theo lời ông dù trong mùa hạn hán nước ngầm vùng này vẫn dồi dào. Quả thật, một số chủ trại nuôi tôm trên cát cũng nói không thiếu nguồn nước ngầm, có điều nước các giếng đều nhiễm mặn. Trong kỹ thuật nuôi tôm sú thịt, nước ngọt đóng vai trò vô cùng quan trọng thế mà giờ đây nguồn nước ngầm nhiễm mặn. Anh Trần Văn Hảo, một người nuôi tôm kỳ cựu có nhiều kinh nghiệm ở vùng đất này nhận xét:” Không có nước ngọt thì không thể phát triển nuôi tôm vì tôm rất cần nước ngọt để lột xác, ảnh hưởng hạn hán đang lộ mặt, nước biển đang tăng độ mặn lên 39 phần ngàn mà nước ngầm không còn ngọt nên sắp vào vụ nuôi tôm chính vẫn thấy quang cảnh thật vắng lặng”. Theo số liệu cập nhật gần đây nhất của ngành Thủy sản, An Hải chỉ có 18 ha và Phước Dinh chỉ có 37,7 ha mặt nước thả nuôi tôm sú. Không mưa, không nguồn sông suối nào đổ nước về biển tất yếu độ mặn của biển dâng cao và xâm thực cả nguồn nước ngầm ven biển. Điểm đáng chú ý ở vùng đất này là nếu các đìa bỏ hoang không nuôi trong vòng 1 năm thì cát sẽ lấp đầy. Khi đi trên chiếc cầu bắc ngang qua con kênh bê tông, một hạng mục trong Dự án nuôi tôm trên cát An Hải có quy mô 648 ha do Nhà nước đầu tư 42,922 tỷ đồng, chúng tôi thấy cát phủ hơn một nửa dòng kênh vừa hoàn thành cơ bản vào cuối năm qua nhưng chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng. Có lẽ lo ngại cát tấn công nên một số đìa nuôi trên cát nằm xa biển nhất vẫn chứa nước trong đìa mà không thả nuôi.
Bàn về ảnh hưởng của hạn hán đối với các vùng đìa nuôi tôm, ông Nguyễn Tấn Tùng, Phó Giám đốc Sở Thủy sản xác nhận:” Hạn hán đang gây tác hại, nguồn nước cuối sông Dinh giáp biển nhiễm mặn đe dọa vùng đìa nuôi tôm Đông- Mỹ Hải, Phú Thọ; hệ thống kênh Bắc không đủ nước cho đàn gia súc thì lấy đâu ra nước ngọt về khu vực nuôi tôm đầm Nại. Còn vùng đìa nuôi tôm trên cát được coi như không còn trữ lượng nước ngầm chứ không dồi dào như người dân nghĩ, đã có chủ trương cấm khai thác nguồn nước ngầm vùng nuôi tôm An Hải, Phước Dinh. Nước đang là nỗi bức xúc của ngành thủy sản Ninh Thuận, kế hoạch mùa vụ của chúng tôi đặt ra chỉ là hy vọng đón đầu lũ tiểu mãn.” Theo kế hoạch năm nay, Ninh Thuận sẽ thả nuôi tôm sú trên diện tích 1.500 ha, thế nhưng vùng có diện tích mặt nước lớn nhất (trên 1.000 ha) là đầm Nại đang hết sức khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hạn hán. Trong 5 xã ven đầm Nại, Tri Hải không thả nuôi, 4 xã, thị trấn còn lại (Tân Hải, Hộ Hải, Khánh Hải, Phương Hải) có tổng cộng 22 ha, trong đó riêng Hộ Hải là 13,5 ha.Tính đến ngày 22/4, toàn tỉnh đã có diện tích thả nuôi tôm sú là 115 ha, trong đó có 25 ha phải thu hoạch do dịch bệnh, hiện còn 89,5 ha đìa thả tôm nuôi từ 1 đến 3 tháng. Một cán bộ xã Nhơn Hải (Ninh Hải) than thở: “Vùng nuôi tôm của xã có diện tích 30 ha nhưng nước sinh hoạt cho người còn phải đi mua ở các nơi về, ngay hồ Suối Nước Ngọt được xây dựng để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nay cũng chẳng đủ cung cấp cho dân sinh hoạt thì lấy đâu ra nước phục vụ đìa nuôi tôm”. Một thực tế dễ nhận ra, do hạn hán không có nước ngọt nên đa số các hộ nuôi tôm không thả nuôi mà chỉ chú ý cải tạo ao, đìa. Ngành Thủy sản đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai kế hoạch nuôi trồng thủy sản năm 2005, khuyến cáo ngư dân thả nuôi theo hướng giảm mật độ và đa dạng các đối tượng nuôi.
Theo chủ trương của Sở Thủy sản, đến cuối tháng 5 hoặc sang tháng 6 sẽ đánh giá chính thức việc thực hiện kế hoạch thả nuôi. Tuy nhiên hạn hán ở tỉnh ta vẫn diễn ra ngày càng khốc liệt và không thể phủ nhận thực trạng nghề nuôi tôm sú đang trăn trở. Trong những tháng tới nếu không có lũ tiểu mãn hoặc chỉ có lũ tiểu mãn nhỏ thì tình hình thiếu nước cho sinh hoạt của người dân tỉnh ta sẽ trầm trọng hơn. Nếu trước đó hình ảnh đồng khô cỏ cháy; gia súc di chuyển tìm nguồn nước uống, thức ăn làm cả tỉnh phải âu lo thì bây giờ thêm tình trạng đìa tôm bỏ hoang. Tác hại của hạn hán đang gây trở ngại cho người nuôi tôm sú ven biển.
Bạch Thương(Báo Ninh Thuận)
Phú Yên: Tăng cường kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh có hại trong hoạt động thuỷ sản
Nguồn tin: PY, 5/4/2005
Ngày cập nhật: 6/5/2005
Sở Thuỷ sản Phú Yên đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/2005/CT-BTS của Bộ thuỷ sản về việc "Tăng cường kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh có hại trong hoạt động thuỷ sản". Theo đó, Sở phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về tác hại của các loại thuốc thú y, hoá chất, kháng sinh trong danh mục hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong sản xuất thuỷ sản, đồng thời tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm dùng hoá chất cấm, đặc biệt xử lý các sản phẩm có chứa chất Malacchite Green.
Giá cá tra, ba sa giảm
Nguồn tin: WAG, 4/5/2005
Ngày cập nhật: 5/5/2005
Theo đánh giá của các đơn vị kinh doanh thủy sản trong tỉnh, giá cá tra, ba sa xuất khẩu sẽ tiếp tục sụt giảm. Hiện nay, trên thị trường giá cá nguyên liệu còn 11.800 đồng/ kg, giảm 300-500 đồng/ kg so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ phát triển mở rộng thị trường chưa đáp ứng kịp nhu cầu mở rộng nhà máy chế biến thủy sản và tốc độ nuôi trồng trong nhân dân, chất lượng thịt cá chưa cao. Từ đó phát sinh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tự giảm giá để bán được hàng.
Giá xuất cá tra, ba sa phi lê bình quân 4 tháng đầu năm 2005 là 2.439,3 USD/ tấn, thấp hơn 117,4 USD/ tấn so với cùng kỳ năm trước.
QUANG DUY
Sóc Trăng: diện tích tôm sú nuôi quảng canh cải tiến đạt 12.128 ha
Nguồn tin: Vasep, 4/5/2005
Ngày cập nhật: 5/5/2005
3 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thủy sản của toàn tỉnh Sóc Trăng đạt 9.221 tấn, bằng 10,8% so với kế hoạch năm và 93,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khai thác biển đạt 5.077 tấn trong đó 2.806 tấn cá; khai thác nội địa đạt 1.444 tấn thủy sản, còn lại 2.700 tấn thủy sản nuôi.
Đến nay, Sóc Trăng đã thả nuôi 18.307 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, bằng 32,7% kế hoạch năm và 87,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diện tích nuôi tôm sú trong tỉnh đạt 16.745 ha trong đó có 12.128 ha nuôi quảng canh cải tiến. Sản lượng tôm sú thu hoạch trong toàn tỉnh tính đến hết tháng 3 đạt 670 tấn. Năm nay, tỉnh Sóc Trăng dự kiến thu hoạch 37.485 tấn tôm sú nuôi.
(NTNT)
Rong sụn xoá đói nghèo
Nguồn tin: VNECONOMY, 4/5/2005
Ngày cập nhật: 5/5/2005
Đầu ra cho rong sụn đã thoáng hơn
Nếu trước đây, tỉnh Ninh Thuận chỉ có khoảng 15 hộ trồng rong sụn thì đến nay, con số bất ngờ lên đến 500 hộ với tổng diện tích 600 ha mặt nước. Giá cả và đầu ra hiện có nhiều tín hiệu vui cho người dân trong nghề.
Rong sụn có nguồn gốc từ Philippines, là nguyên liệu chủ yếu để chế biến Carrageenan. Con người ngày nay càng nhận ra thêm nhiều giá trị của nó. Nhiều nhà khoa học trên thế giới xếp rong sụn vào thực đơn quan trọng trong đời sống con người ở thế kỉ 21. Đây còn là loại chế phẩm được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y dược, mĩ phẩm, làm nguyên liệu keo... Chính vì vậy mà nhiều nước tại châu á như Indonesia, Philippines... đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất loài rong này.
Mỗi năm thế giới sản xuất hơn 100 ngàn tấn nguyên liệu khô từ rong sụn. Ở nước ta cũng có nhiều loài rong có thể chế biến được Carrageenan, song sản lượng khai thác tự nhiên ít, khả năng phát triển trồng bị hạn chế do tốc độ phát triển chậm và đòi hỏi môi trường khắc nghiệt. Trong khi đó, rong sụn lại có tốc độ sinh trưởng cao, có thể trồng quanh năm, trồng bằng nhiều hình thức khác nhau, kĩ thuật đơn giản lại ít vốn đầu tư.
Theo chương trình hợp tác khoa học giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, Phân viện khoa học vật liệu Nha Trang đã di nhập loại rong sụn từ năm 1993. Khởi đầu từ 5 kg rong giống, sau 8 tháng lên 30.000 kg, tăng 6.000 lần. Trung tâm khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận đã chuyển cho 50 hộ trồng tại đầm Sơn Hải.
Nhận thấy dễ trồng, mau thu hoạch, nhiều hộ dân của các nơi khác trong tỉnh trồng theo như: Mĩ Hoà, Cà Ná, đầm Khánh Hội... Hàng năm tỉnh cung cấp khoảng 300 - 400 tấn rong sụn khô cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thu nhập của các hộ dân đạt từ 15-20 triệu đồng/năm, có hộ đạt 50-60 triệu đồng/năm. Do đó, người ta còn đặt cho nó cái tên "cây xoá đói giảm nghèo" cho những hộ dân ven biển. Nó tạo công ăn việc làm cho người chưa có việc làm ổn định, nhất là ở các vùng quê ven biển, thường ngư nhàn, nông nhàn vào mùa biển động.
Từ khi cây rong sụn xuất hiện, đời sống người dân ven biển thay đổi hẳn. Ông Diệp Nghĩa Hùng, một người dân của thôn này cho biết: với 500 kg rong trên 0,5 ha mặt nước biển, sau 5 tháng ông thu lãi 10 triệu đồng. Thấy thế, thêm 70 hộ trong làng rủ nhau trồng thử. Vụ rong 2003-2004, hầu hết bà con đều có lãi. Với chi phí đầu tư 32 triệu đ/ha, có thể thu lãi 70 triệu đ/ha. Nhiều hộ dân thấy vậy đã mạnh dạn đầu tư thêm 2.000 kg rong giống, thu lãi 30 triệu đồng...
Một thuận lợi nữa là đầu ra sản phẩm không phải lo. Trước đây, Công ty rong Việt Nam bao tiêu đầu ra cho bà con với giá 8.000 đồng/kg. Còn bây giờ, trong tỉnh xuất hiện thêm nhiều thương nhân Trung Quốc thu mua thông qua các đại lý trung gian trong nước. Giá bán cũng tăng lên từ 8.000 - 8.800 đồng/kg rong khô. Riêng khả năng thu mua của Công ty rong biển Việt Nam là 1.500 tấn/tháng, nhưng thực tế 3 tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà và Tuy Hoà mới chỉ đáp ứng 1.500 tấn/năm.
Theo Trung tâm khuyến ngư Ninh Thuận, Công ty rong biển Việt Nam đặt mua với số lượng không hạn chế. Theo dự báo của Trung tâm khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận, năm nay khả năng cung ứng của tỉnh chỉ khoảng 700 tấn.
Để phát triển loài rong này, kể từ năm 2002, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra mô hình gắn kết 4 nhà. Cụ thể, nhà khoa học có nhiệm vụ tư vấn kĩ thuật trồng, nhà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhà đầu tư cho vay vốn sản xuất, chính quyền điạ phương quản lí và phân chia diện tích mặt nước cho từng hộ dân, trung tâm khuyến ngư tổ chức tập huấn và trực tiếp hướng dẫn kĩ thuật. Đối với nghề này, ai chịu khó chăm sóc thì sẽ có lãi. Tuy mức lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích không cao bằng nuôi tôm sú, nhưng lại khá chắc chắn bởi "có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu".
Khi thị trường thiếu thì bán giống tươi, khi thị trường chưa cần thì phơi khô. Hiện tại, rong sụn đã lan rộng ra các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Kiên Giang ... Đối với tỉnh Khánh Hòa, trong Chương trình hỗ trợ cộng đồng cuả Suma tại xã Vạn Thành, huyện Vạn Ninh, mô hình trồng rong sụn luân canh trong ao nuôi tôm sú cho kết quả khả quan. Nó vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa có tác dụng giải tỏa ao đìa sau khi nuôi nhờ khả năng hấp thụ cao của cây rong sụn.
Do lượng mưa ít, với mô hình nuôi kết hợp, họ có thể lưu giữ và nhân giống rong sụn trong mùa lũ. Cây rong sụn dễ trồng, chọn khu vực bằng phẳng, người nuôi dùng các loại cọc bằng cây hoặc tre mục trong môi trường nước biển, đóng sâu xuống đáy. Để giảm bớt sự gãy đổ giàn rong do sóng biển, cọc được bố trí thẳng với hướng sóng biển để cho dây căng rong song song với hướng gió.
Đối với khâu chọn giống, người trồng chọn cây màu xanh thẫm hoặc xanh nâu, có nhiều ngọn. Họ tách ra thành từng bụi nhỏ và buộc vào đoạn dây mềm được cố định sẵn trên dây căng rong. Hàng ngày, khi triều cạn, người nuôi gỡ các rong tạp, bổ sung các bụi rong bị gãy, sửa lại các cây cọc bị đổ ngã. Sau 1 tháng, các bụi rong lớn phủ đầy diện tích mặt nước. Và 2 tháng sau có thể thu hoạch. Sau 1 tháng trồng có thể nhân rong giống ra hết diện tích. Nếu ban đầu đưa xuống 5.000 kg giống/ha thì sau 2 tháng người dân có thể thu hoạch đợt 1, trời nắng tốt là 3 ngày có thể bán được.
Các kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai trồng rong sụn cho thấy: loài rong này có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ở các khu vực miền Trung nước ta. Mùa thuận lợi nhất là vào tháng 9 cuối năm đến tháng 3 năm sau.
Kim Oanh
Xuất khẩu thủy sản chưa vượt 200 triệu USD/tháng
Nguồn tin: VNECONOMY, 4/5/2005
Ngày cập nhật: 5/5/2005
Thâm canh tôm chân trắng?
Nguồn tin: VNECONOMY, 4/5/2005
Ngày cập nhật: 5/5/2005
Thủy sản thêm một loại tôm có giá trị cao
Bộ Thủy sản cho biết, cuộc hội thảo có quy mô lớn vừa được tổ chức tại Hà Nội đã đưa ra những khuyến nghị quan trọng để giúp Bộ xem xét khả năng và chủ trương phát triển nuôi tôm chân trắng trong thời gian tới, đặc biệt trong hoàn cảnh yêu cầu về phát triển bền vững, đa dạng hóa đối tượng nuôi đã được đưa lên hàng đầu.
Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Bộ Thủy sản), tôm chân trắng là loài tôm rộng muối, rộng nhiệt, lớn nhanh ở giai đoạn đầu khi tôm có khối lượng dưới 20 g, không đòi hỏi thức ăn có hàm lượng protein cao như tôm sú; hệ số thức ăn tương đối thấp, có khả năng sống tốt trong điều kiện nuôi ở mật độ cao và có thể cho năng suất tới 30 tấn/ha/vụ, cá biệt có trường hợp nuôi siêu thâm canh với năng suất 100 tấn/ha/năm.
Được nhiều nhưng thua cũng không ít
Lần đầu tiên được nhập để nuôi thử ở Bạc Liêu vào năm 2001, đến năm 2004 vừa qua, với diện tích khoảng 1.600 ha, sản lượng tôm chân trắng đã đạt khoảng 5.000 tấn.
Một số địa phương đã thu được kết quả tốt cả về năng suất và sản lượng Quảng Ninh thả nuôi 376 triệu con, có đơn vi đạt năng suất 18 tấn/ha/vụ; Quảng Ngãi nuôi tôm trên vùng đất cát ở cả 2 vụ, đạt hiệu quả kinh tế (được xem là mô hình có hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay của tỉnh), góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng bãi ngang ven biển (năng suất bình quân 9,4 tấn/ha, có hộ đạt 15 tấn/ha). Nghệ An tuy chỉ đạt bình quân 3 tấn/ha, nhưng do tôm được thả nuôi sau vụ nuôi tôm sú và mức đầu tư thấp, đã có lãi từ 20 – 30 triệu đồng/ha; Đồng Nai đạt năng suất bình quân 5 tấn/ha, lãi trên 100 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, có một số cơ sở nuôi đạt kết quả rất cao: Công ty Xuất khẩu Thủy sản II Quảng Ninh nuôi 18 ha đạt sản lượng 176 tấn; Công ty Công nghệ Việt Mỹ nuôi 2 vụ trên diện tích 346 ha, đạt năng suất 7 tấn/ha, sản lượng 2.422 tấn; Công ty Đầu tư Phát triển Hạ Long đạt năng suất 11 tấn/ha/vụ; tại Phú Yên có 30 ha của Công ty Asia Hawaii và 4,2 ha thuộc dự án của Sở Khoa học Công nghệ nuôi trên vùng đất cát ven biển, đạt năng suất bình quân 6 tấn/ha/vụ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi nuôi tôm chân trắng không đạt hiệu quả kinh tế. Tại Quảng Nam, năm 2003 có 4 hộ nuôi trên tổng diện tích 4 ha, có sản lượng thấp, cỡ tôm thu hoạch nhỏ, thậm chí chỉ ở mức 200 con/kg, năm 2004 chỉ còn 1 hộ nuôi trên 0,3 ha, cỡ tôm 165 con/kg. Phú Yên có 164 ha nuôi trong vùng nuôi tôm sú tập trung (được UBND tỉnh cho phép) đạt năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. Tại Ninh Bình, mặc dù diện tích nuôi chỉ có 2,4 ha nhưng đều phải thu hoạch sớm vì tôm bị nhiễm bệnh, sản lượng chỉ đạt 0,9 tấn/ha.
Một số địa phương, sau khi thấy kết quả nuôi đạt hiệu quả kinh tế thấp đã dừng các hoạt động nuôi loài tôm này như Ninh Bình, Cà Mau...
Dịch bệnh trên tôm chân trắng đã xảy ra ở một số nơi trong năm 2004 như ở Quảng Nam (20 ha), Bình Định (20 ha), Quảng Ngãi (80% của 20 ha tôm nuôi vụ 3 đã bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt). Người nuôi tôm cho rằng đối với vùng đã có một thời nuôi tôm sú đạt kết quả tốt, nay môi trường bị suy thoái hoặc do dịch bệnh, không còn phù hợp với nuôi tôm sú nữa thì có thể chuyển sang nuôi tôm chân trắng để đạt hiệu quả kinh tế cao. Song thực tế cho thấy, loài tôm này cũng có thể bị nhiễm những bệnh thường gặp ở tôm bản địa, chủ yếu là tôm sú. Tại Phú Yên, 49/164 ha nuôi tôm chân trắng đã bị nhiễm bệnh đốm trắng, tôm bị chết hàng loạt và gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Trên thực tế, việc nhập lậu tôm bố mẹ, tôm giống qua biên giới bằng đường bộ diễn ra rất phức tạp và khó kiểm soát (năm 2004, có tới 56,2% tôm giống chân trắng nhập từ Trung Quốc vào tỉnh Quảng Ninh không có giấy phép vận chuyển và phát tán ra nhiều tỉnh).
Việc xuất giống ra khỏi các tỉnh có trại giống (16 trại) đều chưa chấp hành đúng các văn bản hướng dẫn của Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y Thủy sản về việc thực hiện Chỉ thị 01/2004/CT-BTS của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc tăng cường quản lý tôm chân trắng ở Việt Nam, một số chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho tôm chân trắng giống xuất bán khỏi tỉnh mặc dù chủ trại giống chưa cung cấp đầy đủ thông tin về khách hàng mua tôm giống như địa điểm nuôi, sơ đồ mô tả chứng minh vùng nuôi có khả năng cách ly dịch bệnh và có xác nhận của sở thủy sản hoặc sở nông nghịêp dịa phương.
Một chuyên gia của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, nhấn mạnh: “Việt Nam khuyến khích việc nhập sinh vật lạ có giá trị kinh tế cao để nuôi trồng nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác và thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc nhập sinh vật lạ cần phải được cân nhắc thận trọng trên cơ sở khoa học nhằm đảm bảo an toàn sinh thái. Nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành nhằm ngăn chặn bệnh dịch có thể xảy ra từ việc nhập sinh vật ngoại lai cũng như để quản lý, chỉ đạo sản xuất và nhập khẩu sinh vật ngoại lai: Luật thủy sản, Pháp lệnh về giống vật nuôi, Pháp lệnh về thú y”.
Cần tiến hành những bước đi thuận trọng
Trong công tác di giống - thuần hoá cá ở nước ta, việc nhập cá mè trắng Trung Quốc được coi là chưa tốt vì cá mè trắng Việt Nam lớn nhanh, kích thước lớn, chất lượng tốt nhưng nay đã trở nên hiếm; cá Rohu nhập nội mang theo sán lá đơn chủ và 4 loài ký sinh trùng chưa hề có ở Việt Nam; ốc bươu vàng phá hoại lúa. Chính vì vậy, việc nhập tôm chân trắng vào Việt Nam để nuôi rộng rãi trong thời gian gần đây đã nổi lên là một vấn đề gây nhiều tranh luận.
Thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y Thủy sản khẳng định: Để có cơ sở cho việc định hướng phát triển tôm chân trắng tại Việt Nam trong năm 2005 và những năm tiếp theo, cần có sự trao đổi thống nhất giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhằm cập nhật đầy đủ hơn thông tin về kỹ thuật sản xuất giống, nuôi, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái cũng như hiệu quả kinh tế xã hội của việc nuôi tôm chân trắng”.
Hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Với những kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm và thực tiễn sản xuất trong thời gian qua, Vụ nuôi trồng thủy sản cho rằng cần phải xác định tôm sú vẫn phải là tôm nuôi chủ lực của Việt Nam. Để có thể từng bước đưa tôm chân trắng thành đối tượng nuôi bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các địa phương nhưng vẫn đảm bảo môi trường sinh thái bền vững cần phải thực hiện một loạt các giải pháp dưới đây:
Quy hoạch các vùng nuôi, nuôi theo phương thức bán thâm canh và thâm canh, có đủ điều kiện khống chế môi trường và đảm bảo cách ly về dịch bệnh với vùng nuôi tôm sú và các vùng nuôi tôm khác; tôm giống hoặc tôm bố mẹ nhập khẩu phải rõ xuất xứ, được xác định là tôm sạch bệnh, phải được kiểm dịch chặt chẽ; cơ sở sản xuất tôm giống và cơ sở nuôi tôm thịt đều phải xử lý nước nuôi tôm trước khi xả thải ra môi trường ngoài cơ sở sản xuất, bất kể tôm của cơ sở bị nhiễm bệnh hay chưa bị nhiễm bệnh;
Không thả tôm chân trắng vào vùng nước tự nhiên; cần tăng cường công tác quản lý thú y thủy sản, kiểm dịch, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý thú y thủy sản tại các cơ sở sản xuất tôm giống và các hoạt động nuôi tôm chân trắng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đề xuất của các chuyên gia Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I khẳng định, để đa dạng hóa sản phẩm, tôm chân trắng có thể phát triển nuôi ở Việt Nam, nhưng với điều kiện phải có công nghệ nuôi phù hợp cho từng vùng và con giống có chất lượng cao sạch bệnh; giống trước khi đưa vào nuôi cần phải kiểm dịch các bệnh virus, bệnh vi khuẩn, vật bám; các vùng nuôi tôm chân trắng cần quản lý chặt chẽ các dịch bệnh bùng phát.
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Uyên và các cộng sự ở Viện Công nghệ Sinh học kiến nghị, cần ban hành quy chế và quy trình kiểm dịch thống nhất đối với một số bệnh ở tôm chân trắng nhập khẩu, nuôi và lưu thông trên thị trường bao gồm tôm giống, tôm bố mẹ và tôm đông lạnh; người nuôi tôm chân trắng phải thực hiện chế độ kiểm dịch bắt buộc và chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Khi phát hiện có bệnh cần thông báo và khoanh vùng không để bùng phát thành dịch và lây lan sang các đối tượng tôm nuôi khác; cần tiếp tục nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng và khả năng lây nhiễm của tôm chân trắng lên các đối tượng nuôi khác (tôm, giáp xác). Sở thủy sản Bình Định đề nghị có biện pháp quản lý nguồn tôm chân trắng bố mẹ sạch bệnh, cấm sử dụng tôm chân trắng bố mẹ từ các ao nuôi thịt; phổ biến các phương pháp kiểm tra bệnh; cân đối giá tôm giống và giá thức ăn phù hợp; quy định rõ thẩm quyền quản lý giống tôm chân trắng...
Đức Nguyễn
Nuôi tôm công nghiệp mật độ dày dễ sinh bệnh
Nguồn tin: NLĐ, 4/5/2005
Ngày cập nhật: 5/5/2005
Ngày 4-5, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II phối hợp với Công ty Bayer Việt Nam tổ chức hội thảo “Những cải tiến trong kỹ thuật nuôi và dinh dưỡng cho tôm”.
Tiến sĩ S. Newman, một chuyên gia nghiên cứu thủy sản của Thái Lan, cho biết “cường quốc” tôm Thái Lan hiện đang gặp khó khăn bởi tôm nhiễm bệnh ngày càng tăng do phát triển mô hình nuôi công nghiệp quá “nóng”. Việt Nam là nước đi sau nên đã tránh được tình trạng này, nhưng cũng cần đề phòng bởi nuôi tôm công nghiệp với mật độ dày đặc sẽ là điều kiện cho dịch bệnh phát triển.
Ông Daniel F. Fegan, Chủ tịch Chi nhánh châu Á - Thái Bình dương của Hội Thủy sản Thế giới, cho biết gần đây việc đưa vào nuôi tôm chân trắng thay thế tôm sú ở các nước Đông Nam Á đã tạo cơ hội tốt cho nông dân. Ngoài việc hạn chế được dịch bệnh, nuôi tôm chân trắng còn giảm được 35% chi phí thức ăn.
L.Cường
Bạc Liêu: 28 hộ dân bị đề nghị khởi tố
Nguồn tin: NLĐ, NLD, 5/5/2005
Ngày cập nhật: 5/5/2005
Ngày 4-5, ông Nguyễn Văn Cường, quyền Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cho biết hiện có 28 hộ dân (chủ yếu là hộ nuôi trồng thủy sản) trên địa bàn huyện nợ ngân hàng trên 700 triệu đồng nhưng không có khả năng trả.
Ngân hàng đã đề nghị khởi tố số hộ này. Ngoài ra, chi nhánh ngân hàng này cũng vừa chuyển cho Ban Xử lý nợ huyện Vĩnh Lợi danh sách 129 hộ khác thuộc dạng “nợ khó đòi” với tổng số tiền vay trên 2 tỉ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến việc các hộ dân không có khả năng trả nợ ngân hàng là do tình trạng tôm chết hàng loạt trong thời gian vừa qua.
N. Huy
Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ: Nguy cơ giảm mạnh
Nguồn tin: VNN, 02/05/2005
Ngày cập nhật: 4/5/2005
Tình hình Thủy sản Bình Thuận 4/2005
Nguồn tin: Web Bình Thuận, 29/4/2005
Ngày cập nhật: 3/5/2005
Thời tiết ngư trường trong tháng không thuận lợi cho các nghề khai thác; gió đông bắc thổi mạnh và kéo dài, hạn chế hoạt động khai thác các ngành nghề nên các tàu thuyền hoạt động kém hiệu quả. Các thuyền nghề vây rút chì và các thuyền câu khơi di chuyển xuống Long Hải và vùng giàn khoan Vũng Tàu; các thuyền nghề lặn hoạt động tập trung trong vùng biển Hàm Tân và Vũng Tàu. Ước trong tháng khai thác đạt 12.946 tấn; luỹ kế 4 tháng đạt 39.007 tấn, bằng 103,3% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được duy trì thường xuyên; trong tháng đã kiểm tra phát hiện 261 vụ vi phạm, trong đó chủ yếu là khai thác hải sản không có giấy phép, khai thác hải đặc sản non và sử dụng ánh sáng vượt quá công suất quy định .
Nuôi trồng thuỷ sản: Các cơ sở nuôi tôm thịt đang gặp khó khăn do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài, tôm phát triển chậm; một số nơi chưa thả giống do thiếu nguồn nước. Một số hộ đã thu hoạch tôm nuôi trái vụ, sản lượng đạt thấp do thiếu chuẩn bị chu đáo. Ngành Thuỷ sản đã phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền nuôi đúng thời vụ, khuyến cáo các hộ nuôi thực hiện đúng yêu cầu vệ sinh ao nuôi; tăng cường công tác kiểm dịch.
Sản xuất tôm sú giống tiếp tục gặp khó khăn vì nguồn tôm bố mẹ đáp ứng không đủ cho nhu cầu sản xuất. Do ảnh hưởng thời tiết và chất lượng nguồn nước nên vừa qua đã có nhiều cơ sở phải tháo bể, không sản xuất được tôm post; giá tôm post tiếp tục tăng nhẹ (hiện ở mức 40-45 đồng/post); trong tháng đã kiểm dịch 598 triệu post giống/1.181 lượt kiểm tra; qua kiểm dịch cho thấy tỷ lệ tôm nhiễm bệnh MBV (còi tôm) khoảng 40%; tỷ lệ bệnh WSSV (đốm trắng) không đáng kể.
Nuôi tôm hùm lồng đang phát triển tại huyện Tuy Phong, hiện có khỏang 45 hộ với hơn 300 lồng, đối tượng nuôi chính là tôm hùm bong và tôm càng xanh, các chủ hộ đã bắt đầu thả giống cho vụ nuôi năm 2005
Công tác khuyến ngư tiếp tục đẩy mạnh; đã tổ chức 09 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm sú trọng điểm tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và Hàm Thuận Nam; 01 lớp kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh về thuỷ sản tại Bắc Bình; tiếp tục thực hiện chương trình chuyển giao sinh sản nhân tạo ốc hương giống, đã xuất hơn 10 vạn con giống trong giai đọan ấu trùng bò.
Nghề nuôi tôm hùm ở Vĩnh Tân
Nguồn tin: Web Bình Thuận, 30/4/2005
Ngày cập nhật: 3/5/2005
Đêm đầu tiên ở xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, tôi cùng anh Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã đi dạo chơi dọc bờ biển. Nhìn hàng chục ngọn đèn dầu lung linh, chập chờn theo từng cơn sóng biển, tôi liền hỏi: Người ta thắp đèn để làm gì hả anh ? - Anh Nam liền nói: Đèn của những người nuôi tôm hùm đó mà! Vậy họ nuôi đã lâu chưa anh? – Mới nuôi cách đây hơn hai năm. Lúc đầu chỉ có khoảng 10 hộ dân trong xã đầu tư vốn nuôi tôm hùm trên biển, nay đã tăng lên 50 hộ. Nhờ chuyển qua nuôi tôm hùm nhiều hộ đã vượt qua đói nghèo vươn lên làm ăn khá giả. Người nuôi tôm hùm nổi tiếng ở đây là anh Nguyễn Văn Giá, ở thôn Vĩnh Tiến …
Sáng hôm sau, tôi cùng anh Nam đến nhà anh Giá tìm hiểu nghề nuôi tôm hùm. Anh Giá mới cởi mở tâm sự: “Trước đây gia đình tôi chuyên làm nghề thu mua cá mú sống về nuôi ở bể để bán lại cho các công ty, nhà hàng. Thấy cá mú nuôi ở bể hay bị chết nên phải đầu tư vốn làm lồng bè đưa ra nuôi ở biển. Đến năm 2002, lồng cá mú tôi nuôi trên biển bị nhiễm tảo độc chết hàng loạt bị lỗ vốn hàng trăm triệu đồng. Tức quá, tôi đành ra Cam Ranh, Khánh Hòa học nghề nuôi tôm hùm rồi về đầu tư sửa chữa lại lồng bè và tìm mua 200 con tôm hùm bông và tôm hùm đinh nhỏ về thả nuôi thử nghiệm. Sau 14 tháng thu hoạch tôi thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, tôi mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng làm thêm một bè nổi có 10 khung, với 60 lồng thả nuôi 1.000 con tôm hùm bông nhỏ và 2.000 con tôm hùm đinh trên biển. Hàng ngày, hai vợ chồng chạy mua các loại cá tạp, cua, ghẹ, ốc để cho tôm hùm ăn 2 lần/ngày. Buổi sáng vào lúc 8 giờ tôi dùng ca nô chở thức ăn ra bè cho tôm hùm ăn, đến 4 giờ chiều lại cho ăn tiếp lần thứ hai và sau đó lặn xuống lồng bè dọn vệ sinh hốt hết thức ăn thừa và vỏ tôm mới lột. Nhìn con tôm hùm bơi lội chậm chạp nhưng hàm răng của nó rất khỏe, các loại thức ăn ốc sò thả xuống đều bị chúng cắn lủng vỏ rút ruột ra ăn. Thời điểm thả tôm hùm hàng năm tốt nhất là từ tháng 1-2 và tháng 11-12. Giá tôm hùm bông giống phải đi mua mỗi con 110.000 đồng và tôm hùm đinh 35- 40.000 đồng/con. Sau 12 –14 tháng nuôi tôm hùm bông bán được 420.000 – 440.000 đồng/kg, với tiêu chuẩn mỗi con phải nặng trên 1 kg. Riêng tôm hùm đinh chỉ nuôi 6 - 8 tháng, mỗi con nặng trên 0,3 kg sẽ bán được giá 330.000 - 350.000 đồng/ kg…”. Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi tôm hùm, gia đình anh mỗi năm đã thu lợi nhuận từ 500 – 600 triệu đồng. Có thể nói nghề nuôi tôm hùm rất chắc ăn, bởi không bị dịch bệnh, thức ăn có sẵn, bán được giá cao, thu nhiều lợi nhuận …
Chia tay với anh Giá, chúng tôi đến gia đình chị Trần Thị Sáu, ở thôn Vĩnh Tiến. Qua trao đổi về nghề nuôi tôm hùm chị thổ lộ: Thấy em trai Trần Nhãn đầu tư 15 triệu đồng làm lồng bè nuôi 78 con tôm hùm bông, thu lãi 24 triệu đồng, vợ chồng tôi đã mạnh dạn bán chiếc thuyền giã cào có công suất nhỏ 39 CV được 50 triệu đồng rồi đầu tư làm 1 bè có 13 lồng thả nuôi 1200 con tôm hùm đinh và 100 con tôm hùm bông trên biển. Hàng ngày, vợ chồng cố gắng dành dụm tiền mua các loại cá tạp, ghẹ, ốc cho tôm hùm ăn… Kỹ thuật chăm sóc tôm cũng được áp dụng giống như các hộ khác trong xã. Tuy mới nuôi vụ tôm hùm đầu tiên nhưng chị lại rất tự tin, bởi tôm hùm nuôi đều khỏe mạnh chóng lớn, giá bán lại ổn định. Đến tháng 9 năm nay, gia đình chị sẽ thu hoạch lứa tôm hùm đầu tiên, nếu trừ hết các khoản chi phí đầu tư làm lồng bè, mua thức ăn vẫn còn lãi hàng chục triệu đồng. Có nguồn vốn tích lũy trong tay, năm sau chị lại tiếp tục đầu tư nuôi. Tôi thầm nghĩ với đà này chẳng mấy chốc gia đình chị Sáu sẽ vươn lên làm ăn khá giả, trở thành tấm gương sáng cho các hộ ngư dân khác học tập noi theo…
Khi hỏi về phong trào nuôi tôm hùm, ông Nguyễn Thu, chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân không giấu được sự vui mừng nói: “Ở vùng đất khô cằn đầy nắng gió này làm nghề gì cũng khó, chỉ có nuôi tôm hùm mới thu lãi cao. Nhiều hộ nuôi tôm hùm trong xã đã chứng minh điều đó. Số hộ chuyển qua nghề nuôi tôm hùm ngày càng nhiều, đời sống nhân dân được nâng lên, nền kinh tế, văn hóa của xã thêm phát triển…”. Quả thật đó là điều hết sức vui mừng của mọi người dân và đang mở ra hướng làm ăn mới hiệu quả cho vùng đất này.
NGỌC TUẤN
Trăn trở nuôi tôm mùa hạn
Nguồn tin: Web Ninh Thuận, 3/5/2005
Ngày cập nhật: 3/5/2005
Nhìn toàn cảnh tỉnh Ninh Thuận mùa hạn hán dễ thấy rõ cả tỉnh chỉ còn nhờ vào lượng nước xả từ thủy điện Đa Nhim và khai thác nguồn nước ngầm. Nhưng hiện nay nước ngầm vùng ven biển đang có dấu hiệu nhiễm mặn, cửa sông Dinh đã bị nước biển lấn sâu vào đến vài cây số, gây nhiễm mặn giếng nước ở các phường Đông Hải, Mỹ Đông, Tấn Tài của thị xã Phan Rang- Tháp Chàm. Một thực tế không thể tránh khỏi là hạn hán cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vùng nuôi tôm ven biển.
Đến vùng nuôi tôm An Hải (Ninh Phước) vào một ngày gần cuối tháng 4, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quang cảnh yên ắng, quạnh quẽ. Cả một khu vực nuôi tôm trên cát rộng lớn với diện tích trên 400 ha, trải dài từ An Hải qua Từ Thiện, Vĩnh Trường chỉ còn là những đìa cát trắng lóa. Ghé vào Trại thực nghiệm nuôi tôm trên cát (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ), chúng tôi cảm nhận được hơi nóng hừng hực bốc lên từ 1,4 ha đìa… cát và từ con kênh bê tông dẫn nước… nay lấp đầy cát. Ông Nguyễn Văn Mười, nhân viên của trại cho biết từ tháng 6 năm ngoái đến nay ở đây không nuôi và theo lời ông dù trong mùa hạn hán nước ngầm vùng này vẫn dồi dào. Quả thật, một số chủ trại nuôi tôm trên cát cũng nói không thiếu nguồn nước ngầm, có điều nước các giếng đều nhiễm mặn. Trong kỹ thuật nuôi tôm sú thịt, nước ngọt đóng vai trò vô cùng quan trọng thế mà giờ đây nguồn nước ngầm nhiễm mặn. Anh Trần Văn Hảo, một người nuôi tôm kỳ cựu có nhiều kinh nghiệm ở vùng đất này nhận xét:” Không có nước ngọt thì không thể phát triển nuôi tôm vì tôm rất cần nước ngọt để lột xác, ảnh hưởng hạn hán đang lộ mặt, nước biển đang tăng độ mặn lên 39 phần ngàn mà nước ngầm không còn ngọt nên sắp vào vụ nuôi tôm chính vẫn thấy quang cảnh thật vắng lặng”. Theo số liệu cập nhật gần đây nhất của ngành Thủy sản, An Hải chỉ có 18 ha và Phước Dinh chỉ có 37,7 ha mặt nước thả nuôi tôm sú. Không mưa, không nguồn sông suối nào đổ nước về biển tất yếu độ mặn của biển dâng cao và xâm thực cả nguồn nước ngầm ven biển. Điểm đáng chú ý ở vùng đất này là nếu các đìa bỏ hoang không nuôi trong vòng 1 năm thì cát sẽ lấp đầy. Khi đi trên chiếc cầu bắc ngang qua con kênh bê tông, một hạng mục trong Dự án nuôi tôm trên cát An Hải có quy mô 648 ha do Nhà nước đầu tư 42,922 tỷ đồng, chúng tôi thấy cát phủ hơn một nửa dòng kênh vừa hoàn thành cơ bản vào cuối năm qua nhưng chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng. Có lẽ lo ngại cát tấn công nên một số đìa nuôi trên cát nằm xa biển nhất vẫn chứa nước trong đìa mà không thả nuôi.
Bàn về ảnh hưởng của hạn hán đối với các vùng đìa nuôi tôm, ông Nguyễn Tấn Tùng, Phó Giám đốc Sở Thủy sản xác nhận:” Hạn hán đang gây tác hại, nguồn nước cuối sông Dinh giáp biển nhiễm mặn đe dọa vùng đìa nuôi tôm Đông- Mỹ Hải, Phú Thọ; hệ thống kênh Bắc không đủ nước cho đàn gia súc thì lấy đâu ra nước ngọt về khu vực nuôi tôm đầm Nại. Còn vùng đìa nuôi tôm trên cát được coi như không còn trữ lượng nước ngầm chứ không dồi dào như người dân nghĩ, đã có chủ trương cấm khai thác nguồn nước ngầm vùng nuôi tôm An Hải, Phước Dinh. Nước đang là nỗi bức xúc của ngành thủy sản Ninh Thuận, kế hoạch mùa vụ của chúng tôi đặt ra chỉ là hy vọng đón đầu lũ tiểu mãn.” Theo kế hoạch năm nay, Ninh Thuận sẽ thả nuôi tôm sú trên diện tích 1.500 ha, thế nhưng vùng có diện tích mặt nước lớn nhất (trên 1.000 ha) là đầm Nại đang hết sức khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hạn hán. Trong 5 xã ven đầm Nại, Tri Hải không thả nuôi, 4 xã, thị trấn còn lại (Tân Hải, Hộ Hải, Khánh Hải, Phương Hải) có tổng cộng 22 ha, trong đó riêng Hộ Hải là 13,5 ha.Tính đến ngày 22/4, toàn tỉnh đã có diện tích thả nuôi tôm sú là 115 ha, trong đó có 25 ha phải thu hoạch do dịch bệnh, hiện còn 89,5 ha đìa thả tôm nuôi từ 1 đến 3 tháng. Một cán bộ xã Nhơn Hải (Ninh Hải) than thở: “Vùng nuôi tôm của xã có diện tích 30 ha nhưng nước sinh hoạt cho người còn phải đi mua ở các nơi về, ngay hồ Suối Nước Ngọt được xây dựng để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nay cũng chẳng đủ cung cấp cho dân sinh hoạt thì lấy đâu ra nước phục vụ đìa nuôi tôm”. Một thực tế dễ nhận ra, do hạn hán không có nước ngọt nên đa số các hộ nuôi tôm không thả nuôi mà chỉ chú ý cải tạo ao, đìa. Ngành Thủy sản đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai kế hoạch nuôi trồng thủy sản năm 2005, khuyến cáo ngư dân thả nuôi theo hướng giảm mật độ và đa dạng các đối tượng nuôi.
Theo chủ trương của Sở Thủy sản, đến cuối tháng 5 hoặc sang tháng 6 sẽ đánh giá chính thức việc thực hiện kế hoạch thả nuôi. Tuy nhiên hạn hán ở tỉnh ta vẫn diễn ra ngày càng khốc liệt và không thể phủ nhận thực trạng nghề nuôi tôm sú đang trăn trở. Trong những tháng tới nếu không có lũ tiểu mãn hoặc chỉ có lũ tiểu mãn nhỏ thì tình hình thiếu nước cho sinh hoạt của người dân tỉnh ta sẽ trầm trọng hơn. Nếu trước đó hình ảnh đồng khô cỏ cháy; gia súc di chuyển tìm nguồn nước uống, thức ăn làm cả tỉnh phải âu lo thì bây giờ thêm tình trạng đìa tôm bỏ hoang. Tác hại của hạn hán đang gây trở ngại cho người nuôi tôm sú ven biển.
Bạch Thương (Báo Ninh Thuận)
Xã Vĩnh Phú (Thoại Sơn): Nuôi cá rô đồng lời 200 triệu đồng/năm
Nguồn tin: WAG, 5/2/2005
Ngày cập nhật: 3/5/2005
Ông Trần Hữu Phước, ngụ ấp Trung Phú 3, xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn), nhiều năm nay nuôi cá rô đồng trên chân ruộng theo mô hình liên hoàn khép kín, thu lãi mỗi năm 200 triệu đồng. Với diện tích 8.000m2, chia thành 5 ao vuông liên hoàn, trong đó, 2 ao vuông dùng ương con giống, 3 ao còn lại nuôi cá rô bán thịt. Thời gian nuôi 5 tháng rưỡi, năng suất đạt trên 12 tấn/ vụ. Với giá bán cá rô loại I: 40.000 - 45.000 đ/kg (loại cân nặng từ 100gr trở lên); loại II: 30.000 - 35.000đ/kg( từ 55 - 99gr/con), loại III: 18.000đ/kg (loại dưới 55gr/con), mỗi vụ ông Phước lời khoảng 100 triệu đồng. Tính cả thời gian cải tạo ao vuông sau mỗi vụ thu hoạch, ông nuôi được 2 vụ/năm.
QUỐC DŨNG
Thả 60 vạn tôm giống ra biển
Nguồn tin: Ninh Thuận, 28/04/2005
Ngày cập nhật: 1/5/2005
Tại cảng cá Ninh Chữ, Sở Thủy sản đã tổ chức thả 60 vạn tôm giống ra biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản dưới sự chứng kiến đông đảo ngư dân ở địa phương. Nguồn tôm giống này được huy động từ các trại tôm giống trong tỉnh và nguồn ngân sách địa phương với kinh phí gần 30 triệu đồng. Đây là năm thứ 7 tỉnh ta tổ chức thả tôm giống ra biển để tái tạo nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho các trại tôm giống trong tỉnh. Qua đó, tuyên truyền động viên ngư dân trong tỉnh luôn chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc khai thác hải sản để bảo vệ nguồn lợi thủy sản quý giá của quốc gia.
Thiện Nhân,Báo Ninh Thuận
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.