Nuôi cá trê vàng lai ở quận Bình Thủy: Lợi bất cập hại
Nguồn tin: BCT, 13/5/2005
Ngày cập nhật: 13/5/2005
Không giống như nhiều loài thủy sản khác, đầu ra được tiêu thụ ở nội địa, môi trường nước đục hay thả nuôi mật độ cao vẫn phát triển tốt - đó chính là cá trê vàng lai. Vài năm gần đây, loài cá này phát triển mạnh ở 2 phường Trà Nóc và Thới An Đông, quận Bình Thủy. Nhưng bên cạnh những thuận lợi việc nuôi cá trê vàng lai ở đây vẫn còn bất cập. Môi trường nước thải từ những ao cá sẽ được xử lý ra sao?
Ở khu vực 2, phường Trà Nóc, nghề nuôi cá trê vàng lai đã bắt đầu phát triển từ 5 – 6 năm nay, lúc đầu bà con tận dụng ao hồ có sẵn để thả nuôi. Còn hiện nay nhiều “đại gia” ở TP Cần Thơ đến mua đất đào ao thả nuôi theo kiểu trang trại với diện tích có hộ lên tới cả héc-ta... Nguyên nhân nào khiến nhiều người đầu tư nuôi loại thủy sản này? Cá trê vàng lai có đặc tính “ăn tạp”, rất dễ nuôi, tiêu thụ nội địa ít rủi ro lợi nhuận khá và ổn định. Cách nay hơn một năm, nuôi cá trê vàng lai “một lời một”. Còn hiện nay, giá thức ăn tăng cao, chi phí xăng dầu bơm nước cũng tăng vọt, nhưng nhiều hộ vẫn giữ được mức lợi nhuận từ 30% - 50%...
Anh Nguyễn Thành Ân, ở khu vực 1, phường Trà Nóc, người đã hơn 5 năm gắn bó với con cá trê vàng lai, cho biết: “Thường xuyên thay nước thì ít khi nào cá bị bệnh, việc chữa trị cũng đơn giản, chỉ cần trộn thuốc vào thức ăn là ổn, chi phí không cao lắm. Nuôi cá trê vàng lai cũng không cần kinh nghiệm nhiều, chu kỳ thu hoạch lại ngắn (chỉ trên dưới 3 tháng/vụ), người nuôi dễ xoay vốn...”. So với nuôi cá tra hoặc cá ba sa thì cá trê vàng lai chỉ mất nửa thời gian, còn vốn đầu tư như hiện nay chỉ trên dưới 8.000đ cho một ký cá thương phẩm, trong khi giá thị trường khoảng 12.000đ/kg, người nuôi cá hoàn toàn chấp nhận được... Nuôi cá trê vàng lai ở Trà Nóc và Thới An Đông rất thuận lợi, phế phẩm đầu cá tra, cá ba sa, cá biển ở các nhà máy chế biến thủy sản khu công nghiệp Trà Nóc là nguồn thức ăn chính cho loại cá này. Nhiều chủ vựa các phế phẩm thủy sản còn cho nông dân mua gối đầu, thu hoạch xong mới trả tiền thức ăn thuận lợi cho bà con mở rộng diện tích. Theo anh Sanh, ở khu vực 1, phường Thới An Đông: “Ở đây, bà con nuôi cá không ngại đầu ra, đến chừng thu hoạch chỉ cần gọi điện thoại một tiếng là có xe đến chở ngay. Nhiều gia đình khấm khá cũng nhờ con cá này...”.
Ông Ngô Tứ Hải, Chủ tịch Hội nông dân phường Trà Nóc, cho biết: Trà Nóc đã phát triển diện tích nuôi cá trê vàng lai lên khoảng 32ha, nếu so với trồng lúa thì lợi nhuận từ việc nuôi cá cao hơn từ 10 lần trở lên. Với những thuận lợi về đầu ra, nguồn thức ăn và lợi nhuận như hiện nay chắc chắn năm tới diện tích này sẽ còn mở rộng hơn nữa...”. Phường Thới An Đông dù nằm xa khu vực cung ứng thức ăn cho cá, khó khăn trong việc đi lại, nhưng nghề nuôi cá trê vàng lai vẫn hấp dẫn nhiều nông dân, diện tích thả nuôi hiện khoảng 5 ha... Tuy nhiên, vấn đề “hậu” nuôi cá trê vàng lai đang đặt ra là đã gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng xung quanh khu vực nuôi cá này...
Không giống như nuôi tôm hay cá tra, cá ba sa, người nuôi cá trê vàng lai yên tâm về đầu ra do khách hàng dễ tính. Tuy nhiên, dư lượng kháng sinh do sử dụng thuốc trong loài cá này hay mức độ ảnh hưởng đến môi trường từ nuôi cá ít được quan tâm. Song, những người am hiểu về môi trường tại khu vực nuôi cá tỏ ra lo ngại: Vì sông Trà Nóc ăn thông ra sông Hậu, nơi có nhiều người đang thả nuôi cá tra, cá ba sa, liệu dư lượng thuốc chữa trị bệnh cho cá trê vàng lai có ảnh hưởng đến các loài thủy sản kia hay không, trong khi Bộ Thủy sản đã khuyến cáo hạn chế sử dụng nhiều loại thuốc gây ảnh hưởng đến môi trường để đáp ứng cho thị trường xuất khẩu?
Mặc dù chưa có kết quả điều tra về mức độ ảnh hưởng này, nhưng hiện tại những ai có dịp tham quan các vùng nuôi cá trê vàng lai ở Trà Nóc và Thới An Đông sẽ không khỏi đau lòng. Các con rạch thông ra sông Trà Nóc từ cầu số 1 đến cầu số 5 (đường Nguyễn Chí Thanh) gần như con rạch nào cũng đen ngòm, trầm trọng nhất là con rạch cầu số 1 và cầu số 2. Bác Ba Thương, nhà cặp con rạch cầu số 1, khu vực 1, phường Trà Nóc, bức xúc: “Từ hơn 2 năm nay, bà con nơi đây gần như không ai dám sử dụng nước sông, bởi cả con rạch này đã trở thành dòng nước đen từ khi phong trào nuôi cá trê vàng lai nở rộ. Tội nhất là những hộ nghèo quá, không có tiền làm cây nước, đành phải chịu...!”.
Gần đến ngày thu hoạch, theo chu kỳ cứ 2 đến 3 ngày phải thay nước một lần, tất cả những cặn bã, thức ăn dư thừa đều thải xuống kinh rạch một cách vô tội vạ, tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên báo động. Có hộ dân sống gần các khu vực nuôi cá còn cho biết, không ít hộ nuôi cá nhưng do nằm ở vị trí không có nguồn nước vào họ đã tự làm cây nước ngầm bơm lên cho vào ao, còn khi thải nước ra thì cứ thải vô tư(!), nguồn nước ngầm được khai thác như thế liệu có ổn hay không? Được biết chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo các hộ nuôi cá trê vàng lai cần tuân thủ quy trình đào ao riêng trồng lục bình để lắng lọc nước trước khi thải ra sông nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song, trên thực tế gần như chẳng mấy ai để ý đến quy trình này, do diện tích ao nuôi đều được tận dụng triệt để thì chuyện đào một ao riêng để lắng lọc nước càng khó hơn nhiều...!
Địa bàn 2 phường Trà Nóc, Thới An Đông có hệ thống giao thông đi lại thuận tiện, nằm gần các nhà máy chế biến thủy sản ở khu công nghiệp Trà Nóc nên việc phát triển nghề nuôi cá trê vàng lai rất thuận lợi. Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, việc phát triển này hoàn toàn tự phát, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật nuôi... Còn về vấn đề quy hoạch vùng nuôi chuyên canh, hạn chế ô nhiễm môi trường đến nay vẫn chưa được đề cập tới. Qua thực tế nuôi cá trê vàng lai ở các địa phương này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Liệu môi trường nước xung quanh khu vực nuôi cá trê vàng lai sẽ còn ô nhiễm trầm trọng đến bao giờ?
AN KHÁNH
Trà Vinh: Thành lập hợp tác xã nuôi tôm sú công nghiệp đầu tiên
Nguồn tin: BCT, 13/5/2005
Ngày cập nhật: 13/5/2005
Thắng Lợi là tên Hợp tác xã nuôi tôm sú công nghiệp đầu tiên của tỉnh Trà Vinh vừa được thành lập và đưa vào hoạt động, tọa lạc tại ấp Năm, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang. Hợp tác xã này có 25 ao nuôi diện tích 200.000 m2, thả hơn 2,2 triệu con tôm sú. Ông Nguyễn Văn Bạch-Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Hiện tại tôm nuôi phát triển tốt, việc nuôi áp dụng đúng các biện pháp khoa học kỹ thuật và lịch thời vụ. Nếu không có gì thay đổi, trong vụ này, sẽ thu hoạch trung bình 3,5 tấn tôm thương phẩm/ha mặt nước, lợi nhuận ước tính trên 800 triệu đồng.
QUỐC DŨNG
Nhập khẩu thuỷ sản của Mỹ trong quí I giảm 3%
Nguồn tin: Vasep, 12/5/2005
Ngày cập nhật: 13/5/2005
Đồng bằng sông Cửu Long: Nghêu chết hàng loạt
Nguồn tin: SGGP, 13/5/2005
Ngày cập nhật: 13/5/2005
Hiện nay, các bãi nghêu ven biển ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch. Giá nghêu thịt đang tăng rất cao, trung bình 8.000đ - 10.000đ/kg, gấp 2- 3 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra tràn lan làm nghêu bị chết trên diện rộng. Tính đến chiều 12- 5, chỉ riêng HTX nghêu Thới Thuận (Bình Đại, Bến Tre) đã có khoảng 500 tấn nghêu bị chết, chiếm gần 1/3 sản lượng cả năm.
Tại các xã An Thủy, Bảo Thuận… thuộc huyện Ba Tri thả nuôi 1.650 ha nghêu, thì nhiều nơi bị thiệt hại 40% - 80% diện tích. Ở Thạnh Phú (Bến Tre), Gò Công Đông (Tiền Giang)… nghêu bị chết rất nhiều.
Ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Theo Sở Thủy sản các tỉnh ĐBSCL: Nghêu chết là do thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường ô nhiễm, xuất hiện một số loài tảo độc… gây dịch bệnh cho nghêu.
Hiện nay, các HTX và người dân nuôi nghêu đang rất cần các ngành chức năng giúp sức tìm biện pháp khống chế và khắc phục, nhằm giảm bớt thiệt hại. Đây là năm nghêu thịt chết nhiều nhất ở ĐBSCL.
HUỲNH PHƯỚC LỢI
Bến Tre: Xây dựng Trại sản xuất tôm giống 500 triệu con/năm
Nguồn tin: Vasep, 11/5/2005
Ngày cập nhật: 12/5/2005
Công ty TNHH Tư vấn Thuỷ sản Huy Thuận vừa đưa vào hoạt động Trung tâm sản xuất tôm giống tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Tổng vốn đầu tư 7,6 tỷ đồng. Mục tiêu chính của dự án là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi có con giống chất lượng cao, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất giống để tăng năng suất, kiểm soát chất lượng và bệnh tôm trước khi cung ứng cho người nuôi.
Kế hoạch của công ty đến năm 2010 sẽ xây dựng khu công nghiệp sản xuất tập trung gồm 50 trại trên diện tích 10 ha tại Bình Đại, với tổng vốn đầu tư trên 68 tỷ đồng.
(TN)Diễn đàn doanh nghiệp
Bình Định: Hạn hán làm xuất hiện dịch bệnh tôm
Nguồn tin: SGGP, 12/5/2005
Ngày cập nhật: 12/5/2005
Ngày 8-5, Sở Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, do hạn hán kéo dài, các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh thiếu nước ngọt, độ mặn tăng, chất lượng tôm giống kém dẫn đến xuất hiện bệnh thân đỏ đốm trắng. Toàn tỉnh hiện có 277/1.800 ha mặt nước nuôi tôm bị nhiễm bệnh và đang tiếp tục gia tăng, trong đó nhiều nhất là ở TP. Qui Nhơn và huyện Tuy Phước. Hạn hán diễn ra trên diện rộng cũng đã làm cho 5.000 ha lúa hè thu của Bình Định đang thiếu nước tưới trầm trọng. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Vân Canh và TP Qui Nhơn. Theo dự báo, nếu đến tiết tiển mãn trời vẫn không mưa diện tích lúa bị hạn sẽ tiếp tục lan rộng và việc xuống giồng vụ 3 khó thực hiện.
H.M
Dự án nuôi tôm ở Phú Diên - đầu voi đuôi chuột
Nguồn tin: ND, 11/5/2005
Ngày cập nhật: 12/5/2005
Nuôi cá sinh thái
Nguồn tin: VNECONOMY, 11/05/2005
Ngày cập nhật: 12/5/2005
Nuôi cá sinh thái là mô hình nuôi cá sạch hoàn toàn, dựa theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt do phía đối tác nước ngoài đặt ra cho người nuôi. Hiện nay mô hình này được thực hiện tại xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
An Giang là tỉnh luôn đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra, cá basa nuôi ở lồng bè và ao hầm. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc áp dụng một số quy định cấm nhập cá có nhiễm chất Malachite Green và dư lượng cùng danh mục 16 chất kháng sinh đối với cá tra cá basa xuất khẩu của Việt Nam đã gây nhiều tác động tiêu cực trong lĩnh vực xu t khẩu cá, giá cá trong nước rơi xuống mức 11.500 đồng/kg và làm cho giới nuôi cá nhiều thua lỗ.
Trước nhu cầu tiêu thụ cá sạch trên thị trường thế giới ngày càng tăng, Công ty Binca Seafood của CHLB Đức đã mạnh dạng xây dựng thương hiệu "cá tra nuôi sinh thái" (Organic Pangasius) và đầu tư mô hình nuôi cá sinh thái ở An Giang. Đây là một mô hình nuôi cá hoàn toàn mới ở một nơi được xem là "cái nôi" của nghề nuôi cá tra,basa truyền thống.
Mô hình này đã triển khai từ tháng 6/2004 và đang thực hiện ở An Giang. Hợp đồng nuôi cá sinh thái được ký kết giữa chị Nguyễn Thị Dung với Công ty Binca Seafood. Tất cả các khâu trong qui trình nuôi cá sinh thái đều được các chuyên gia nước ngoài do phía đối tác cử đến trực tiếp tham gia và kiểm tra một cách nghiêm ngặt.
Trong hợp đồng nuôi cá sinh thái, người nuôi chỉ đảm nhiệm khâu con giống, vị trí đặt quần thả nuôi và bột cá, các khâu còn lại phía đối tác chịu trách nhiệm. Hiện nay chị Dung đang thả nuôi hai quần cá, dự kiến vào tháng 8 và tháng 10 chị sẽ thu hoạch với sản lượng ước đạt 200 t n. Công ty sẽ dựa vào giá thành sản phẩm, cộng thêm 15% là giá mua mà công ty áp dụng với người nuôi cá.
Theo chị Dung, để nuôi được cá sinh thái trước hết con giống phải đảm bảo tốt, khoẻ, không bệnh, thả nuôi trong đăng quần ven sông với mật độ thưa, khi thả con giống có trọng lượng 50 gr/con, thời gian thả nuôi từ 6 đến 8 tháng, cá đạt trong lượng từ 650 gr đến 1 kg/con. Để có 1 kg cá cần 2,5 kg thức ăn, mật độ thả nuôi cá sinh thái chỉ bằng 30% so với cá nuôi lối truyền thống, mật độ thả thưa sẽ giúp cá ít bệnh nên không phải dùng thuốc, và tỉ lệ hao hụt thấp.
Nếu trong quá trình nuôi có xảy ra cá bệnh phải báo với đối tác, họ sẽ cử chuyên gia đến xem xét và quyết định nên dùng thuốc hay không. Nếu dùng thuốc thì thuốc đó phải có nguồn gốc thảo dược do Công ty Nutriway cung cấp. Trong thời gian cá bệnh luôn có người của công ty giám sát tại vườn nuôi.
Quy trình nuôi cá sinh thái khâu quan trọng nhất là vị trí và địa điểm nuôi. Vị trí đặt quần nuôi ven sông phải cách xa vùng nuôi cá truyền thống, có như vậy mới tránh mầm bệnh từ các quần nuôi truyền thống có thể lây sang. Khoảng cách giữa hai quần từ 100 -200 m, chung quanh khu vực nuôi cá sinh thái không được gần nơi tập trung nuôi cá truyền thống.
Nguồn thức ăn cho cá đòi hỏi phải có nguồn gốc sinh thái như: cám, bánh dầu đậu nành, phải l y từ những nơi có nguồn gốc sinh thái và có chứng nhận của tổ chức IMO. Vùng Tri Tôn và Tịnh Biên có nơi sản xu t lúa mùa không sử dụng thuốc trừ sâu, cám của loại lúa này được phía đối tác đồng ý mua. Bánh dầu được mua từ vùng trồng đậu nành sinh thái ở Trung Quốc. Bột cá phải kiểm nghiệm đủ độ đạm và không được trộn các tạp phẩm khác. Người nuôi chỉ phụ trách khâu cá giống và bột cá, những phần còn lại công ty đầu tư sẽ cung cấp tất cả.
Theo chị Dung, nuôi cá sinh thái mới nghe qua có vẻ phức tạp, nhưng thực ra nuôi cá sinh thái khâu chăm sóc không cực hơn nuôi cá truyền thống vì con cá nuôi ở mật độ thưa ít bệnh.
Tuy nhiên, thức ăn cho cá sinh thái người nuôi phải tự chế, không được sử dụng thức ăn viên bán trên thị trường. Về hiệu quả kinh tế của việc nuôi cá sinh thái, nếu người nuôi tuân thủ những quy định do đối tác đưa ra, đầu vào kiểm tra đúng quy trình thì hiệu quả chắc chắn cao hơn nuôi cá truyền thống, vì nuôi cá sinh thái r t ổn định, người nuôi không phải lo lắng giá cá lên xuống bất thường, đầu ra của cá sinh thái đã được phía công ty đầu tư bao tiêu hết.
Mô hình nuôi cá sinh thái đang phù hợp với nhu cầu tiêu thụ cá sạch trên thị trường thế giới. Trong tương lai mô hình này sẽ phát triển mạnh. Và để thương hiệu "Cá tra nuôi sinh thái" (Organic Pangasius) có nhiều sản phẩm trên thị trường, công ty đầu tư rất muốn nhiều người cùng cộng tác với họ thực hiện mô hình nuôi này. Nếu bà con muốn tham gia mô hình nuôi cá sinh thái xin hãy liên hệ với Hiệp hội thuỷ sản An Giang (AFA).
Nguyễn Huyền
Tôm sú rớt giá kỷ lục: Nhiều hộ nuôi tôm sẽ phá sản?
Nguồn tin: VNECONOMY, 12/05/2005
Ngày cập nhật: 12/5/2005
Long An: Tôm nuôi bị chết hàng loạt do dịch bệnh
Nguồn tin: BCT, 11/5/2005
Ngày cập nhật: 12/5/2005
Đến nay, tỉnh Long An đã có 2.228 ha nuôi tôm sú từ 1 đến 2 tháng tuổi bị mất trắng, tập trung nhiều nhất ở huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Theo Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Long An, nguyên nhân chủ yếu làm tôm nuôi chết hàng loạt do bệnh đốm trắng, chất lượng con giống và một số huyện vùng hạ đang đối mặt với ô nhiễm nguồn nước từ các khu công nghiệp TPHCM. Mặt khác, lượng tôm giống thả nuôi ở Long An chủ yếu nhập từ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và một số tỉnh miền Trung phần lớn bị nhiễm bệnh. Năm 2005 Long An có kế hoạch thả nuôi 5.700 ha tôm sú, lượng giống cần khoảng 570 triệu con, trong khi nguồn giống của tỉnh chỉ cung ứng được trên dưới 35 triệu con. Hiện nay, cán bộ thủy sản, khuyến nông tuyến tỉnh đã xuống huyện kết hợp với cán bộ tại chỗ thành lập tổ tư vấn giúp người dân xử lý dịch bệnh, cải tạo ao và kiểm dịch con giống một cách chặt chẽ.
Thu Hà
Xuất khẩu tôm vào Mỹ: Cánh cửa đang khép?
Nguồn tin: TT, 11/05/2005
Ngày cập nhật: 11/5/2005
Sản phẩm tôm: Làm gì trước nguy cơ thừa hàng, dội chợ?
Nguồn tin: BCT, 11/5/2005
Ngày cập nhật: 11/5/2005
Sản xuất chất bảo quản nông sản từ vỏ tôm
Nguồn tin: KH, 10/05/2005
Ngày cập nhật: 10/5/2005
Với nguyên liệu chính là vỏ tôm, ghẹ, Trung tâm Công nghệ sinh học và Môi trường trường Đại học Thủy sản Nha Trang đã sản xuất thành công chế phẩm Kitozan và hiện đang nghiên cứu ứng dụng sản phẩm này vào thực tế.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Luyến - Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm đề tài, Kitozan đặc biệt có tác dụng trong việc bảo quản hạt giống, trái cây. Thử nghiệm nhúng cam, xoài, hành giống, cà chua… trong dung dịch Kitozan 1% đã giúp tăng thời gian lưu giữ 3 - 4 lần so với bình thường trong cùng điều kiện. Kitozan còn được sử dụng trong công nghệ xử lý nước thải sinh học, thành phần chế tạo sơn chống mốc, thấm; chế tạo vải Kitozan chống sự xâm nhập của vi sinh vật. Ngoài ra, Kitozan còn là chất sản xuất chỉ khâu y tế, kính sát tròng, da nhân tạo, thuốc chống đau khớp, chống béo… Kitozan hiện được Trung tâm sản xuất hàng loạt dưới dạng bột và dung dịch, giá bán 280.000 đ/kg bột.
NGUYỄN HUÂN
Nuôi cá sạch vấn đề cần quan tâm của ngư dân hiện nay
Nguồn tin: WAG, 10/5/2005
Ngày cập nhật: 10/5/2005
Theo báo cáo của Ngành Nông nghiệp, đến đầu năm nay diện tích nuôi trồng thuỷ sản của An Giang là 1.330 ha, tăng 373 ha so với cùng kỳ năm 2.004, trong đó diện tích nuôi cá tra là 950 ha, tăng 170 ha nhiều nhất vẫn là mô hình nuôi cá trong ao. Bên cạnh, còn có 31 ha nuôi theo hình thức đăng quầng, 3.280 bè nuôi cá các loại, ước tính tổng sản lượng cá nuôi năm nay sẽ đạt xấp xỉ 200.000 tấn, tăng 30% so năm trước. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch và thiếu kỹ thuật là vấn đề tồn tại hiện nay. Khi các nhà tiêu thụ đặt ra vấn đề giá cả đối với cá chất lượng cao thì bấy giờ ngư dân mới quan tâm đến việc nuôi cá sạch.
Nuôi cá sạch, cá đạt chất lượng cao được hiểu một cách đúng đắn là cá đó khoẻ mạnh không mắc bệnh và không có dư lượng các chất kháng sinh hạn chế sử dụng. Do nuôi trồng thuỷ sản phát triển mà thiếu quy hoạch của ngành chuyên môn nên trong quá trình nuôi cá bà con nông dân gặp phải nhiều vấn đề khó khăn nhất là dịch bệnh phát sinh nhiều, buộc lòng ngư dân phải sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh, điều này đã vô tình làm cho nhiều loại kháng sinh vẫn còn lưu tồn trong cá ảnh hưởng đến phẩm chất cá nuôi.
Đến hầm nuôi cá của chú Huỳnh Văn Khen, ngụ ở khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh thành phố Long Xuyên được chú cho chúng tôi biết. Năm 2002 chú Khen đầu tư vốn để nuôi cá tra hầm, vụ đầu chú thả 12.000 con cá giống trên diện tích ao 1.500 m2, đến thu hoạch được trên 20 tấn cá sau khi bán trừ chi phí còn lãi trên 90 triệu đồng. Thấy nuôi cá tra có hiệu quả cao nên năm rồi chú thả cá giống tăng lên 47.000 con, nhưng đến thu hoạch chỉ đạt 38 tấn cá, trừ chi phí thì phá huề. Năm nay chú Khen thả đến 70.000 con cá giống, số lượng giống thả mỗi vụ đều tăng cao, nhưng diện tích nuôi cá không đổi, mật độ cá dầy đặc trong ao nên tỷ lệ hao hụt tăng cao khiến chú rất lo lắng.
Từ những bất ổn trên, phường Mỹ Thạnh đã kêu gọi nhiều nhà chuyên môn đến hướng dẫn bà con ngư dân về kỹ thuật nuôi cá và phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp giúp bà con ngư dân khắc phục những khó khăn trong hoạt động nuôi cá hiện nay. Theo tổng kết của phường Mỹ Thạnh, hiện toàn phường có khoảng 10 ha nuôi cá với sản lượng khoảng 300 tấn, việc cung cấp những tiến bộ kỹ thuật giúp ngư dân nuôi cá sạch luôn được lãnh đạo phường quan tâm. Cuối tháng 4 này, cán bộ kỹ thuật phường Mỹ Thạnh cùng với công ty Liên doanh Anova đến các hộ ngư dân để tư vấn về kỹ thuật nuôi cá sạch. Gặp gỡ tiếp xúc với ngư dân nuôi cá, nhiều vấn đề gút mắc của bà con ngư dân cũng được cán bộ kỹ thuật giải thích hướng dẫn cách xử lý để cho mô hình nuôi cá của mình đạt chất lượng cao.
Theo khuyến cáo của giới chuyên môn muốn nuôi cá sạch điều đầu tiên bà con ngư dân phải quân tâm đến việc giữ cho môi trường cá nuôi luôn sạch sẽ, trong quá trình nuôi cá cần bổ sung vitamin giúp cá tăng sức đề kháng đồng thời cần chú ý sát trùng nền đáy ao giai đoạn cuối kỳ nuôi cá bằng các chế phẩm vi sinh tạo cho môi trường nuôi cân bằng giúp cá phát triển tốt đề kháng với các loại dịch bệnh phát sinh.
Nuôi cá sạch có ý nghĩa rất lớn trong nghề nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh hiện nay, bởi vì cá sạch sẽ được các doanh nghiệp tiêu thụ với giá cao, đồng thời đảm bảo chất lượng khi chế biến phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu. Hy vọng, vấn đề nuôi cá sạch hiện nay sẽ được nhiều bà con ngư dân quan tâm hơn nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cá nuôi.
Trung Liêm
Trà Vinh: Dân thiệt hại hàng chục tỉ đồng vì... cái đập nước
Nguồn tin: NLĐ, 8/5/2005
Ngày cập nhật: 9/5/2005
Bộ trưởng Bộ thuỷ sản Tạ Quang Ngọc - Phát triển Thuỷ sản trên cơ sở quy hoạch thống nhất
Nguồn tin: PY, 9/5/2005
Ngày cập nhật: 9/5/2005
Ngày 6/5, Bộ trưởng Bộ thuỷ sản Tạ Quang Ngọc đã làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về một số biện pháp thực hiện kế hoạch sản xuất thuỷ sản năm 2005 và định hướng kế hạch phát triển thuỷ sản địa phương trong 5 năm tới (2006-2010). Làm việc với Bộ trưởng có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đào Tấn Lộc và đại diện các sở ban ngành có liên quan.
Năm 2005, ngành thuỷ sản gặp khó khăn về nuôi trồng, phần lớn diện tích nuôi tôm sú ở các vùng bị bỏ hoang; khai thác tôm hùm giống bị mất mùa và các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá chưa được cải thiện. Tuy nhiên, ngành thuỷ sản đang phấn đấu thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra là sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 4.000 tấn; sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 32,5 ngàn tấn, tăng 3,2% so với năm 2000, trong đó cá ngừ đại dương đạt 4.500 tấn (gấp 9 lần so với năm 2000). UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Thuỷ sản và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho Phú Yên đầu tư các dự án bằng nguồn vốn CT224/TTg về phát triển nuôi trồng thuỷ sản; các dự án chương trình biển đông hải đảo, các điểm trú đậu tàu thuyền; đầu tư dịch vụ hậu cần cá ngừ tại bến cá phường 6; xây dựng các khu bảo tồn sinh vật biển Hòn Chùa, Hòn Than, Hòn Dứa (Tuy An)…
Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc đã đánh giá cao những nỗ lực phát triển thuỷ sản của Phú Yên trong 5 năm qua và ghi nhận các kiến nghị để trình Chính phủ xem xét đầu tư trong những năm tới. Theo Bộ trưởng, trong thời kỳ 2006-2010 tỉnh Phú Yên cần xem xét toàn bộ các mặt còn hạn chế, tồn tại trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, để trên cơ sở đó thống nhất các chủ trương kế hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản. Tỉnh quy hoạch lại các vùng nuôi, đầu tư thuỷ lợi đồng tôm, cải tạo môi trường, mở hướng phát triển tôm thẻ chân trắng theo quy hoạch; phát huy thế mạnh khai thác khơi, vận động ngư dân tính toán các phương pháp tiết kiệm chi phí trong khai thác. Đồng thời cần đầu tư nguồn lực, phân cấp trong quản lý thuỷ sản, thuốc thú y thuỷ sản, công tác khuyến ngư; phát triển đồng bộ từ các khâu quy hoạch sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Theo Nguyên Lưu, Báo Phú Yên cuối tuần số 382/2005)
Bình Định: Dịch bệnh tôm lan rộng trên diện tích 270 ha
Nguồn tin: BBĐ, 9/5/2005
Ngày cập nhật: 9/5/2005
Toàn tỉnh hiện đã có hơn 277/1.800 ha mặt nước nuôi tôm bị nhiễm bệnh thân đỏ đốm trắng và xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố đã thả giống. Trong đó nhiều nhất là TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Nguyên nhân chủ yếu làm cho dịch bệnh tôm tiếp tục phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định là do một số địa phương xuống giống sớm so thời vụ cộng với tình trạng hạn hán gây thiếu nước ngọt cho các vùng nuôi, khiến cho độ mặn tại các vùng này tăng lên và chất lượng tôm giống kém.
Theo Kỹ sư Trần Thu Hà, Giám đốc Sở Thủy sản Bình Định - hiện ngành Thủy sản đang triển khai các biện pháp giúp bà con ngư dân trong tỉnh phòng chống dịch bệnh tôm; tăng cường quan trắc môi trường nước để khuyến cáo bà con hạn chế thả tôm nuôi và kiên quyết không cho thả tôm nuôi lại trên các diện tích đã bị nhiễm bệnh. Dù đã được khuyến cáo thận trọng trong vụ tôm năm nay, nhưng đến nay, các địa phương trong tỉnh Bình Định đã thả tôm giống trên diện tích gần 1.800 ha mặt nước, tăng 28,7% so với cùng kỳ.
Xuân Nguyên
Thủy sản Việt Nam muốn ra “biển lớn” phải có thương hiệu!
Nguồn tin: NLĐ, 8/5/2005
Ngày cập nhật: 9/5/2005
Ông Daniel F. Fegan, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Thế giới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Thủy sản Việt Nam muốn ra “biển lớn” phải có thương hiệu!
Người tiêu dùng trên thế giới rất ấn tượng với con tôm và cá ba sa của Việt Nam
Phóng viên: Là người của Hiệp hội Thủy sản Thế giới, có điều kiện tiếp xúc với ngành thủy sản của nhiều quốc gia, ông có nhận định gì về tiềm năng của thủy sản VN?
- Ông Daniel F. Fegan: Tôi thật sự ấn tượng với tốc độ phát triển của ngành thủy sản VN, đặc biệt là hai sản phẩm cá ba sa và tôm, không riêng gì tôi mà nhiều người tiêu dùng khác trên thế giới đều biết đến. Điều này minh chứng người nuôi trồng thủy sản VN có đầy đủ khả năng nuôi trồng thủy sản thành công trên diện rộng hơn.
Tuy nhiên, để xây dựng một nền công nghiệp nuôi trồng thủy sản bền vững, VN nên tập trung thực hiện việc nuôi trồng các sản phẩm “sạch” để hạn chế sự ảnh hưởng của nạn bùng phát dịch bệnh đối với cơ nghiệp của người nuôi trồng. Về xuất khẩu, để sản phẩm vươn xa ra thị trường thế giới, đặc biệt trong thời điểm VN đang đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thủy sản VN cần phải có thương hiệu mạnh.
. Ông nói rằng VN cần xây dựng một thương hiệu mạnh cho ngành thủy sản trên thị trường thế giới, vậy để làm được điều này nhanh nhất và hiệu quả nhất, VN nên đi theo hướng nào, thưa ông?
- Xây dựng thương hiệu là vấn đề thách thức rất lớn đối với một doanh nghiệp và càng phức tạp hơn cho một quốc gia. Theo tôi, việc đầu tiên là phải xác định xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm hay thương hiệu quốc gia và mục tiêu của thương hiệu này. Ví dụ, VN muốn xây dựng thương hiệu “Con tôm VN”, sẽ có rất nhiều điểm cần lưu ý. Chẳng hạn như sự an toàn thực phẩm, chất lượng cao, phương pháp sản xuất những sản phẩm sạch, một hương vị đặc biệt hoặc là khả năng kiểm chứng tất cả các khâu tốt... Điều tiếp theo là hãy kêu gọi tất cả những người liên quan trong ngành như: nhà xuất khẩu, trại giống, người nuôi, nhà cung cấp thức ăn... cùng nhập cuộc và hợp sức để xây dựng thương hiệu này. Tuy nhiên điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Một khi đã xây dựng được thương hiệu rồi, liệu giá trị của thương hiệu có được bền vững và độ tin cậy đến đâu còn phụ thuộc vào sự quản lý nghiêm ngặt để bảo đảm sự chuẩn mực và trọn vẹn của một thương hiệu. Nếu không, người tiêu dùng sẽ giảm đi sự tin cậy và thương hiệu sẽ dễ dàng bị đánh mất.
. Ông có biết thương hiệu thủy sản VN hiện đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng thế giới ở mức độ nào và cụ thể là những sản phẩm nào?
- Không riêng gì tôi mà người tiêu dùng trên thế giới rất ấn tượng với con tôm và cá ba sa của VN. Nếu so sánh con tôm VN với con tôm các nước khác, VN có lợi thế hơn rất nhiều từ những yếu tố khác nhau của điều kiện nuôi. Đã có nhiều nhà xuất khẩu “tôm sạch” từ VN sang thị trường EU. VN có thể nuôi được tôm sú cỡ lớn dành cho những thị trường hàng đầu trong khi những quốc gia khác như Thái Lan và Indonesia đang chuyển đổi sang nuôi con tôm chân trắng.
. Hiện nay việc nuôi thủy sản “sạch” để xuất khẩu, giữ gìn môi trường, phòng chống dịch bệnh là vấn đề VN đang đặt ra. Với kinh nghiệm của mình, ông có lời khuyên gì với người nuôi trồng thủy sản VN?
- Một trong những sai phạm thường gặp nhất trong nuôi trồng thủy sản hiện nay là các quốc gia ra sức thúc đẩy số lượng “tấn” tôm hoặc cá bỏ xuống ao, mà không quan tâm đến giá cả, chất lượng hoặc tình trạng của ao. Việc gia tăng số lượng như thế sẽ không đem lại lợi nhuận mà còn dẫn đến vật nuôi bị nhiễm bệnh và môi trường bị ô nhiễm, làm giảm độ tuổi khai thác lợi nhuận của ao tôm. Bên cạnh đó, người sản xuất cũng phải thấu hiểu nhu cầu thực của thị trường để cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, sạch, an toàn và có kiểm chứng. Bởi người tiêu dùng rất sẵn sàng chi thêm tiền để có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Không nên cạnh tranh lẫn nhau
Các quốc gia nuôi tôm không nên cạnh tranh lẫn nhau. Con tôm nên cạnh tranh với những thực phẩm khác như: gà, cá, heo và bò. Nếu thị trường cho con tôm được phát triển tốt hơn thì số lượng tôm cần tiêu thụ sẽ nhiều hơn số lượng chúng ta có thể cung cấp, điều này dẫn đến giá cả sẽ tăng cao và giảm bớt sự cạnh tranh giữa những người nuôi tôm.
Lê Cường thực hiện
Xuất khẩu cá nóc?
Nguồn tin: Tuổi trẻ, 9/5/2005,
Ngày cập nhật: 9/5/2005
UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn gửi Bộ Thủy sản về việc đăng ký thực hiện dự án thí điểm xuất khẩu cá nóc (một loài cá có độc tố cao đang bị Chính phủ cấm đánh bắt, vận chuyển, chế biến...) sang Hàn Quốc. Kỹ sư Đinh Văn Tiên - phó giám đốc Sở Thủy sản Bình Định - cho biết:
- Theo các nhà nghiên cứu, trên các vùng biển của nước ta có khoảng 70 loài cá nóc, trong đó có gần 25 loài có độc tố. Hiện nay việc cấm đánh bắt, vận chuyển, chế biến từ cá nóc của Chính phủ vẫn còn hiệu lực, bởi vì cá nóc có độc tố khá cao, nếu ăn phải sẽ gây tử vong. Mặc dù vậy người dân vẫn lén lút tiêu thụ cá nóc và đã có khá nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc cá nóc.
* Thưa ông, vậy thì sao chúng ta lại xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc?
- Tập đoàn khai thác - nuôi trồng - chế biến và xuất khẩu thủy sản của Hàn Quốc do ông Kwon - chủ tịch tập đoàn - thông qua Cục Quản lý chất lượng - an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (Bộ Thủy sản) đã đi khảo sát tại ba tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận và Bình Định. Sau khi khảo sát, tập đoàn này đã chọn Bình Định là tỉnh đầu tiên hợp tác để thí điểm xuất khẩu cá nóc.
Không riêng gì Hàn Quốc mà Nhật Bản lâu nay vẫn thu mua cá nóc để chế biến thực phẩm. Và món cá nóc ở những nước này được xem là một đặc sản biển, phần lớn dành phục vụ giới thượng lưu. Kể cả cá nóc có độc tố họ vẫn chế biến được vì họ có trình độ chế biến ở kỹ thuật cao. Tất nhiên những nhà hàng kinh doanh từ cá nóc phải được phép của chính phủ nước họ.
* Vậy thì việc khai thác và xuất khẩu sẽ thực hiện như thế nào?
- Khi đã hoàn tất mọi công việc thì tỉnh phải xin phép Chính phủ mới được phép xuất khẩu cá nóc. Đồng thời, tỉnh cũng đã giới thiệu ba đơn vị tham gia là Công ty cổ phần đông lạnh Qui Nhơn, Công ty cổ phần thủy sản Hoài Nhơn, Công ty thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn.
Phía tập đoàn Hàn Quốc sẽ lựa chọn và ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị này từ việc thu mua cho đến sơ chế và đóng gói nguyên con để xuất sang Hàn Quốc. Hiện nay, dự án đang được Cục Quản lý chất lượng - an toàn vệ sinh và thú y thủy sản trình lên các cấp cao hơn để sớm thực hiện trong thời gian tới. Theo chúng tôi, xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc là cơ hội để Bình Định học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia Hàn Quốc và mở rộng hướng tận dụng nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu rủi ro, ngộ độc cá nóc và thu ngoại tệ về cho người dân.
NGUYỄN LIÊM thực hiện
Nổi trôi… nghề nuôi ba ba
Nguồn tin: KH, 04/05/2005
Ngày cập nhật: 8/5/2005
Phong trào nuôi ba ba ở Khánh Hòa bắt đầu rầm rộ từ những năm 1997, 1998. Nhiều gia đình ăn nên làm ra và phất lên từ nghề nuôi ba ba. Bởi kỹ thuật nuôi dễ, ít bị bệnh mà giá bán lại rất cao. Cứ ngỡ con ba ba sẽ trở thành vật nuôi có giá trị, giúp cho nhiều gia đình đổi đời, thế mà giờ đây con ba ba lại trở nên trôi nổi, èo uột…
° 30 con ba ba - vượt lên số phận
Nhìn ngôi nhà khang trang của anh Phạm Như Trọng (Suối Hiệp - Diên Khánh), ít ai biết rằng cách đây hơn 10 năm, vợ chồng anh là người tay trắng và sống trong một mái nhà tranh lụp xụp.
Cầm ly trà còn bốc khói trên tay trong một buổi sáng đầu mùa hè, anh trầm ngâm nhớ lại… Năm 1992, khi vợ anh sinh đứa con thứ 2 vừa tròn 3 tháng thì cả hai vợ chồng anh cùng nhận được quyết định giảm biên chế. Không nghề nghiệp, không một tấc đất cắm dùi khi phải rời xa khu tập thể của đơn vị, những ngày đó đối với anh chị thật sự khó khăn. Anh phải lăn lộn, bươn chải làm thuê đủ nghề để kiếm sống và nuôi vợ con. Cảm thông với hoàn cảnh của anh chị, bạn bè anh gom góp mỗi người một ít để anh chị mua được miếng đất nho nhỏ. Một căn nhà ọp ẹp được dựng lên trong tình cảm của anh em, bạn bè, rồi từ đó anh chị và 2 đứa con nhỏ mới có chỗ đi ra, đi vào. Thế nhưng, khó khăn lại chồng chất khó khăn khi anh được tin người cha ở quê nhà qua đời; lại gom góp, vay mượn bạn bè về quê nhà Hưng Yên để chịu tang cha. Như một định mệnh cho cuộc đời của gia đình anh sau này, lần về quê ấy anh tận mắt chứng kiền nhiều gia đình, người thân nhờ nuôi ba ba mà giàu lên nhanh chóng. Khi trở lại Khánh Hòa, trong hành trang của anh là 30 con ba ba giống mà những người thân, bạn bè từ quê nhà đã giúp đỡ anh để vào đất khách lập nghiệp.
Hồi ấy, nghề nuôi ba ba còn khá mới mẻ, kỹ thuật nuôi dễ, ít bị bệnh mà giá bán lại cao. Vừa chăm sóc 30 con ba ba mang từ quê nhà vào, anh vừa tìm mua thêm của những người đánh bắt được trên sông. Niềm hy vọng của anh đặt cả vào mấy chục con ba ba mà theo anh lúc đem vào chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay cái. Không thể nói hết niềm vui, sự kỳ vọng của anh khi nhìn đàn ba ba lớn lên từng ngày, từ 30 con, sau 2 năm anh đã có vài trăm con ba ba bố mẹ. Vừa bán ba ba thịt, anh vừa bán ba ba giống. Năm 1996, 1997 giá ba ba thịt từ 250 - 300 ngàn đồng/kg, năm 1998 lên đến 450 ngàn đồng/kg. Giá ba ba tăng cao, nhiều gia đình bắt đầu đổ xô vào nuôi ba ba. Giá ba ba giống cũng đẩy lên 45 - 50 ngàn đồng/con mới vài ba ngày tuổi. Chỉ với 2 chiếc ao nhỏ chưa đầy 200m2, hàng năm gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng khi bán được hàng ngàn con ba ba giống. Trong mấy năm (từ 1996 - 2000), gia đình anh là trung tâm cung cấp giống lớn nhất khu vực. Từ Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và cả TP. Hồ Chí Minh… cũng tìm tới gia đình anh để mua con giống. Từ chỗ tay trắng, tới năm 1997 anh đã xây được nhà, mua được xe máy và nhiều vật dụng đắt tiền khác. Anh tâm sự: “Quả thực trời không phụ lòng người. Gia đình tôi đổi đời chính là nhờ 30 con ba ba giống”.
Không nổi đình nổi đám như anh Trọng, nhưng khi về xã Cam Thành Bắc (thị xã Cam Ranh) hỏi nhà ông Nguyễn Đình Kiểm thì ai cũng biết. Vì ông là một cựu chiến binh làm ăn giỏi có tiếng ở đây. Tuy về địa phương chưa lâu, nhưng vì có vốn (trước đây ông trồng cà phê ở tỉnh Đắc Lắc) ông đã đầu tư kết hợp trồng nhãn lồng và nuôi ba ba. Căn nhà của ông như một ngôi biệt thự được dựng giữa một khu vườn trên 600 gốc nhãn đang cho trái sum suê. Khi chúng tôi đến, gia đình ông đang bắt ba ba đem về thành phố bán. “Hôm nay là ngày lễ mà, mấy nhà hàng họ gọi lên rối rít”, ông vừa bắt ba ba vừa nói như phân trần. Nhìn những con ba ba thò cái cổ dài ngọ nguậy, trông thật thích mắt. Ông Kiểm nói chắc nịch: “Tuy ba ba bây giờ không được giá như trước đây, nhưng nếu được đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật và có chỗ tiêu thụ (mặc dù chậm) mình vẫn có lời”. Năm 2003, ông Kiểm mạnh dạn đầu tư xây hồ thả nuôi 2.000 con ba ba. Sau hơn 1 năm chăm sóc, hiện số ba ba của gia đình ông có trọng lượng từ 1kg trở lên/con. Với giá như hiện nay (từ 120 - 150 ngàn đồng/kg), trừ chi phí gia đình ông có thể có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ gia đình anh Trọng, ông Kiểm mà rất nhiều gia đình khác đã đổi đời và vươn lên làm giàu nhờ nuôi ba ba.
° Về đâu nghề nuôi ba ba…
Mấy năm trở lại đây (từ khi Nhà nước cấm xuất khẩu động vật hoang dã, trong đó có ba ba), những người nuôi ba ba bắt đầu gặp khó khăn. Đầu ra không có, dẫn đến việc tiêu thụ chậm nên chi phí đầu tư chăm sóc cao lên; những người nuôi ba ba đang ít dần và số phận con ba ba đang trở nên hẩm hiu, èo uột.
Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến khu trang trại của ông Lê Ngọc Toàn ở xã Đại Lãnh, Vạn Ninh - trang trại đã một thời ăn nên làm ra cũng nhờ nuôi ba ba. Nơi đây giờ chỉ là một nơi hoang phế, những chiếc bể nuôi ba ba chỉ còn thả dăm ba chú cá rô phi nhởn nhơ như trêu ngươi mộng làm giàu của ông chủ. Đã từng được Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Khánh Hòa đưa đi học tập kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ba ba ở Hải Dương; với những kiến thức học tập được, ông Toàn đã xây dựng một trang trại vườn - ao - chuồng - rừng với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Trong đó, nguồn thu chủ yếu dựa vào ba ba. “Ở Vạn Ninh đầu tư chi phí thức ăn cho ba ba rất thấp, nhưng kẹt mỗi đầu ra; nếu chỉ trông chờ vào mấy nhà hàng ở Vạn Ninh thì…”, ông lắc đầu, bỏ lửng câu nói như cái sự nghiệp nuôi ba ba bị bể giữa chừng của mình. Không có đầu ra, giá cả hạ, ông đành lặng lẽ về phụ vợ “chăm sóc mấy chiếc máy vi tính kinh doanh dịch vụ Internet”. Thế nhưng ông vẫn không nguôi ngoai mộng làm giàu. Ông tâm sự: “Nếu sau này du lịch phát triển, đầu ra con ba ba không còn khó khăn, tôi lại nuôi ba ba cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn”.
Giống như ông Toàn, cái “sự nghiệp” nuôi ba ba của ông Lê Thanh Bang ở thôn Tân Lập, xã Cam Phước Tây (thị xã Cam Ranh) cũng thật trớ trêu. Cất công vào tận TP. Hồ Chí Minh để lấy giống, học kỹ thuật nuôi ba ba, nhưng tới khi nuôi được thì cũng là lúc ba ba hạ giá. Mặt khác, ở vùng núi nên giá thức ăn cao hơn các vùng khác, vì vậy, từ năm 2002 đến nay ông nuôi chỉ đủ chi phí chứ lời lãi chẳng đáng là bao. “Đâm lao phải theo lao, mình đã bỏ vốn đầu tư xây dựng ao hồ nên phải nuôi chứ bỏ đi thì uổng lắm”, ông nói. Để tận dụng nguồn thức ăn, ông thả chung cá rô phi với hy vọng tăng thêm thu nhập. Nhưng hy vọng của ông không mấy sáng sủa khi thỉnh thoảng mấy nhà hàng mới gọi điện đến lấy một vài ký. Nhìn những chú ba ba cứ thập thò ngoi lên rồi ngụp xuống khi có người, tôi lại liên tưởng đến sự nổi trôi của con ba ba. Thật đáng tiếc, một thời ba ba là vật nuôi “số một” vậy mà giờ đây cái nghề này đang trở nên “xưa rồi” như câu nói mà ông Bang tâm sự với tôi.
° Bao giờ lại nổi… ba ba?!
Nếu chúng ta không có một chính sách can thiệp thì nghề nuôi ba ba sẽ gặp khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hậu - Kỹ sư kinh tế Trung tâm Khuyến ngư tỉnh: Trước đây khi con ba ba còn được giá, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đã tổ chức cho một số hộ nông dân đến các địa phương như Hải Dương, Hưng Yên… học tập kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ba ba; và mỗi gia đình đăng ký nuôi được Trung tâm hỗ trợ 4 triệu đồng tiền giống và thức ăn. Nhưng bây giờ cũng đành bỏ bẵng cho người dân tự lo chứ mình biết làm sao? Một vấn đề nữa cần được đặt ra là con ba ba có nên đưa vào danh sách những động vật hoang dã cấm vận chuyển, tiêu thụ khi ba ba đã và đang được người dân nuôi một cách đại trà? Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề và có biện pháp can thiệp để những người nuôi ba ba không còn phải khốn đốn, khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Theo các nhà hàng, ba ba luôn là món ăn được các “thượng đế” ưa thích nhưng nhiều nhà hàng không dám bán công khai vì sợ bị bắt, bị phạt.
Là địa phương phát triển mạnh về du lịch, lượng khách đến Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng nhiều, các nhà hàng khách sạn cũng theo đó phát triển. Đây sẽ là thị trường tiêu thụ rất lớn nếu con ba ba không còn bị liệt vào danh sách những loài động vật hoang dã cấm vận chuyển, tiêu thụ.
Cá tra, basa-nguy cơ tiềm ẩn trong sản xuất
Nguồn tin: WAG, 5/6/2005
Ngày cập nhật: 8/5/2005
Diện tích nuôi thủy sản trong tỉnh An Giang hiện nay đã và đang có xu hướng tăng nhanh, nếu như đầu năm 2003 có 1.054 ha thì đến đầu năm 2005 này tăng lên 1.330 ha (chưa kể diện tích sản xuất giống) và số lồng bè nuôi cũng tròm trèm gần 3.300 cái. Với tình hình này thì có nhiều khả năng năm nay sản lượng nuôi ở tỉnh ta tăng lên 200 ngàn tấn, vượt mức kế hoạch (170 ngàn tấn) và là địa phương dẫn đầu sản lượng cá nuôi trong khu vực. Không thể phủ nhận đây là tín hiệu đáng mừng cho sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, nhưng cạnh đó cũng ít nhiều băn khoăn về nguy cơ khủng hoảng thừa nếu đầu ra không thuận lợi. Ðặc biệt, trong tình hình tiêu thụ cá gặp nhiều rào cản về dư lượng kháng sinh, hóa chất độc hại trong sản phẩm thì cần có giải pháp chấn chỉnh cho phù hợp với thị trường.
Có thể thấy, diện tích nuôi thủy sản ở tỉnh ta tăng cao là do nuôi cá là nghề truyền thống với nhiều kinh nghiệm truyền từ nhiều đời, và đây cũng sản phẩm chủ lực của tỉnh nên Nhà nước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để tăng tính ổn định và bền vững. Danh sách các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh tiếp tục có thêm 3 công ty (Afasco, Cửu Long, Việt An) đi vào hoạt động, nâng tổng công suất chế biến lên 500 - 600 tấn/ngày, tăng khoảng 20% so với năm trước. Hơn thế nữa, nhiều hộ nuôi cá tra đã trúng giá trong năm 2004 (có lúc gần 15 ngàn đồng/kg) và quá trình nuôi có sự cải tiến cách nuôi đạt năng suất, sản lượng cao nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thấy rõ nhất là xu hướng “bán bè lên bờ” nuôi hầm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá hầm của các doanh nghiệp chế biến. Ðược biết, các hộ đã chuyển sang nuôi hầm với mật độ dày hơn và bơm hút nước liên tục hàng ngày để tạo sự thông thoáng, như: tại ấp An Thái, xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới), ông Võ Phước An thả nuôi 3.500m2 thu hoạch 400 tấn, đạt năng suất bình quân 114,29 tấn/ha (tăng 1,73 lần so mức bình quân chung); hộ ông Nguyễn Văn Nhơn thả nuôi 2.500 m2, thu hoạch 234 tấn, năng suất đạt gần 9,5 tấn/ha (tăng 1,42 lần ), trong khi đó giá cá nuôi hầm thịt trắng cũng khá cao, từ bằng đến hơn cá bè. Các yếu tố này là cơ sở quan trọng để kích thích người nuôi đầu tư mở rộng qui mô và nhiều hộ khác cũng tập tành nuôi để tăng thu nhập.
Tuy nhiên, trong sản xuất thủy sản nói chung và cá tra nói riêng vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ có thể gây bất lợi nhiều cho sản xuất, trong đó đáng quan tâm là chưa xác định được qui mô nuôi của toàn vùng nên chưa thể đánh giá chính xác được tình trạng cung - cầu cá nguyên liệu; rồi giá cả trên thị trường cũng biến động liên tục làm ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi. Lúc có giá thì người nuôi tích cực nuôi thúc, mở rộng qui mô nuôi cũng như nôn nóng thả cá nuôi ngay bất chấp việc vệ sinh hầm, bè theo đúng kỹ thuật khuyến cáo, làm tăng giá giống, thức ăn, thuốc trị bệnh và con giống hao hụt nên giá thành tăng cao. Còn lúc cá có chiều hướng giảm giá thì người nuôi lại đổ xô xuất bán càng làm giá giảm và tình hình thêm khủng hoảng thừa. Thực tế hiện nay cho thấy, còn khá nhiều hộ nuôi có qui mô lớn (vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng, sản xuất 200 - 300 tấn cá/năm) nhưng vẫn không quan tâm đến việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, mà chủ yếu bán theo giá thỏa thuận ngay thời điểm - đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn không kiểm soát tình hình nguyên liệu. Có thể thấy, ngay đầu năm, giá cá còn đứng ở mức cao nhưng hiện nay giá cá tra có hiện tượng bị sụt giảm từ 300 - 500 đồng/kg với mức giá 11.800 đồng/kg. Giá cá tra, basa xuất khẩu cũng giảm nhẹ và hiện ở mức 2,6 - 2,7 USD/kg, giảm 0,2 - 0,3 USD/kg so với đầu năm và so với cùng kỳ thì giá xuất bình quân 4 tháng năm 2005 đã giảm gần 120 USD/tấn. Theo đánh giá của các đơn vị kinh doanh thủy sản, giá cá sẽ tiếp tục giảm, do hiện nay tốc độ phát triển mở rộng thị trường chưa đáp ứng kịp nhu cầu mở rộng nhà máy chế biến thủy sản và tốc độ nuôi trồng thủy sản trong nhân dân. Từ đó, đã phát sinh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bằng cách tự giảm giá để bán được hàng ! Song song đó, các tỉnh khu vực ÐBSCL cũng ồ ạt nuôi cá ao, hầm góp phần đẩy nhanh sản lượng toàn khu vực trong khi thị trường xuất khẩu chưa được rộng mở.
Thiết nghĩ, các tỉnh ÐBSCL cần sớm triển khai liên kết thông tin nuôi thủy sản toàn vùng để chủ động ứng phó tình huống sản xuất dư thừa và đẩy mạnh liên kết ký hợp đồng cũng như tổ chức vùng nuôi chất lượng cao, đăng ký quy mô nuôi… để bảo đảm nghề nuôi thủy sản chủ lực của khu vực phát triển ổn định và bền vững.
B.V
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.