• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những khó khăn trong đầu tư tôm sú tại TP. Hồ Chí minh

Nguồn tin: KHPT, 19/8/2005
Ngày cập nhật: 23/8/2005

Cuối tháng 7/2005, Gám đốc Sở Nông nghiệp PTNT TP. HCM Nguyễn Phước Thảo đã có một báo cáo dày 10 trang để thuyết phục UBND TP. HCM chuyển đổi đất trồng lúa một vụ năng suất thấp sang nuôi tôm sú đến năm 2010 và Thành phố đã định hướng: biến đất nông nghiệp có năng suất lúa thấp sang các cây trồng vật nuôi khác.

Một số chuyên gia, các cán bộ thủy sản, kỹ sư thủy sản lâu năm, từng giúp bà con Nhà Bè - Cần Giờ khởi nghiệp nuôi tôm từ năm 2001 tỏ ý dè dặt, vì tình hình nuôi tôm sú ở hai huyện phía đông TP. HCM, sau mấy năm giúp đời sống bà con ở địa phương khá lên, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khó khăn.

Thứ nhất, về con giống: Xã Long Hòa (Cần Giờ) hiện có 8/11 cơ sở sản xuất giống tôm sú do nông dân tự đầu tư, vốn đầu tư từ 150 triệu đến 600 triệu đồng một cơ sở. Năm 2004, cung ứng chỉ 140 triệu con giống cho khu vực Cần Giờ - Nhà Bè, con số chưa thấm vào đâu đối với nhu cầu bà con. Vì vậy, đã co 48 trại thuần dưỡng giống tôm sú (Cần Giờ chiếm 39 trạỉơ Bình Khánh, An Phú Đông) với nguồn tôm sú mua về thuần dưỡng từ nhiều tỉnh từ Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu. Mùa rộ, sự cạnh tranh mua gay gắt, mua cả tôm post 10, post 9, thậm chí post 8,5; hình thức mua cũng đa dạng: hợp đồng, liên kết, cung ứng ... Có doanh nghiệp như Cholimex đầu tư tại Ninh Thuận trại tôm sú rồi cung ứng vào. Hoàn cảnh như thế, con giống không đạt yêu cầu là rất tự nhiên, khi bị hút hàng, mua giống giá vừa cao, vừa kém phẩm, kém chuẩn.

Thứ hai, dịch vụ phục vụ nuôi tôm: có 67 cửa hàng đại lý kinh doanh dịch vụ thủy sản, phần lớn ở Cần Giờ,có 30% số cử hàng có kỹ sư thủy sản tham gia hướng dẫn có cả hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm. Hóa chất, chế phẩm sinh học, hữu cơ, thuốc thú y bán trên địa bàn Nhà Bè, Cần Giờ có từ nhiều nguồn sản xuất, nhiều chủng loại, khiến nông dân vô cùng lúng túng, cả cán bộ kỹ thuật lâu năm cũng không biết hết, nhớ hết. Thí dụ: thức ăn có 35 chủng loại sản xuất trong nước và nhập từ Thái Lan, Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc. Người dân chuộng hàng ngoại, nhưng không phải hàng ngoại nào cũng tốt. Hóa chất có 500 sản phẩm thương mại dùng cải ạo môi trường nước, phòng trị bệnh, kích thích tăng trưởng, bổ sung dinh dưỡng. Nguyên liệu nhập, phối chế trong nước, đóng gói ...rất phức tạp đến nổi các cơ quan chức năng cũng khó mà kiểm tra, kiểm soát chất lượng ...

Thứ ba, những công trình thủy lợi phục vụ nuôi tôm: Thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khác với dùng trong nông nghiệp.

Năm 2003 huyện Nhà Bè xây dựng 4 dự án đầu tư thủy lợi phục vụ 532 ha mặt nước nuôi tôm trên tổng diện tích 847ha. Tổng kinh phí dự án lên đến 65 tỷ, trong đó phần thủy lợi 13 tỷ. Đáng lẻ dự án khởi công tháng 4/2003 và cuối năm nay kết thúc, nhưng đến tháng 7/2005 này, dự án thủy lợi không thể thực hiện vì vướng việc đền bù cho bà con. tại huyện Cần Giờ, chủ yếu 4 xã phía Bắc, kế hoạch có 20 công trình thủy lợi phục vụ gần 1.600 ha mặt nước/ 2.300 ha tự nhiên, kinh phí 11,7 tỷ đồng. Cần Giờ xây dựng thêm 19 dự án công trình thủy lợi phục vụ hơn 3.600ha với kinh phí hơn 50 tỷ đồng, nhưng công trình thực sự chỉ là nạo vét các kênh rạch tự nhiên, chỉ là những công trình trên công trình thủy lợi có sẵn phục vụ cho nông nghiệp trước đây. Ông Nguyễn Phức Thảo hy vọng: Trong năm 2005 này, dự kiến hoàn thành 7 công trình với vốn 28,7 tỷ đồng. Thế nhưng nay là tháng 8/2005, lại vào mùa mưa, các công trình chưa thật sự đáp ứng đúng "thủy lợi nuôi tôm" !.

Vấn đề còn lại mà nhiều chuyên viên nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, Khoa Thủy sản trường Đại học Nông Lâm, các chuyên gia nước ngoài lo ngại. Đó là: tôm sú là loại nhạy cảm với môi trường xung quanh trong khi Nhà Bè, Cần Giờ có nguy cơ ô nhiễm cao do nước thải từ nội thành TP. HCM, Đồng Nai và nạn tràn dầu sông Lòng Tàu là mối đe dọa. Mặt khác, do lợi nhuận cao, nhiều bà con nuôi tôm sú nhiều, khai thác quá mức thời vụ nuôi ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên, kể cả lúa 1 vụ.

Như vậy, tuy con tôm sú ở phía đông thành phố là một vật nuôi đã "xóa đói - giảm nghèo" cho bà con nông dân, nhưng đến nay, có lẽ cần cân nhắc thật kỹ để tìm ra giải pháp hoặc chuyển sang hướng sản xuất khác cho phù hợp hơn.

Số hộ nuôi tôm tại TP. HCM năm 2000 là 1.235 hộ, năm 2004 là 4.103 hộ (Cần Giờ 3.361 hộ). Sản lượng tôm năm 2000 là 762,6 tấn, năm 2004 là 7.720 tấn/ năm. Năng suất tôm nuôi công nghiệp đạt 4 tấn/ha/ vụ, bán công nghiệp 2,2 tấn/ha/vụ, nuôi ruộng 1,2 tấn/ha/vụ.

Trần Anh Tài

 


Một số loài cá cảnh không xuất được sang EU

Nguồn tin: SGGP, 23/8/2005
Ngày cập nhật: 23/8/2005

Theo Công ty cổ phần Sài Gòn cá kiểng (Sai Gon Aquarium Corp.) các công ty trong nước đang gặp khó khăn trong xuất khẩu một số loại cá cảnh do năm nay EU thay đổi thủ tịch kiểm dịch. Theo đó, đầu năm 2005, trong nội dung kiểm dịch có danh mục Code Origin (code của nước xuất khẩu do EU cung cấp). Việt Nam chưa được EU cấp code này nên toàn bộ hàng cá chép và cá Tàu không được phép nhập vào thị trường EU. Chính vì vậy, không chỉ doanh nghiệp mà người nuôi cá cảnh cũng bị thiệt hại. Doanh số xuất khẩu hai mặt hàng cá cảnh này giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2004.

C.P.

 


Tỷ phú ngao, sò thành Nam

Nguồn tin: VNN, 23/08/2005
Ngày cập nhật: 23/8/2005

Dắt lưng không một đồng vốn, giờ anh Nguyễn Văn Cửu có trong tay bạc tỷ. Anh nông dân lam lũ ngày nào, nay được bà con xã Giao Xuân, Giao Thủy (Nam Định) gọi là tỷ phú. Tất cả đều nhờ sự chịu khó, quyết tâm đổi đời từ ngao, sò.

Rời quân ngũ, anh Nguyễn Văn Cửu băn khoăn không biết sẽ làm gì để khai thác và tận dụng nguồn lợi sẵn có, đa dạng trên vùng bãi triều quê hương. Không bằng lòng đi theo lối cũ, với cách làm đơn giản mang nặng tính tự cung tự cấp, manh mún, bấp bênh, ít hiệu quả, anh Cửu quyết định chọn con ngao, đối tượng nuôi tiềm năng. Anh bảo, ngao dễ nuôi, ít bệnh, không cần đầu tư nhiều mà đem lại hiệu quả cao. Trước khi nuôi, anh đã 3 lần lặn lội sang các vùng phía đông nam Trung Quốc, như Đông Hưng, Kỳ Xá, Vạn Mỹ... để tìm thị trường xuất khẩu ngao, với kết quả khả quan. Đó là những năm 1991-1992.

Ngao Bến Tre, sò Kiên Giang bén duyên đất Nam Định

Tìm được đầu ra, nhưng anh nông dân Nguyễn Văn Cửu lại trăn trở nỗi lo: lấy đâu ra sản lượng lớn để xuất khẩu? Mà để có sản lượng lớn, thì phải có nguồn giống và giống ngao này phải phù hợp với bãi triều Giao Thủy. Gom được chút kinh phí, anh tất tả ngược xuôi từ Bắc vào Nam, lần thì đặt chân ở Cà Mau, lúc lại có mặt tại Bạc Liêu, Kiên Giang. Nghe nói xứ Bến Tre cũng nuôi ngao, anh vòng qua nơi ấy xem sao! Và anh phát hiện, giống ngao ở đây có sức tăng trưởng nhanh, rất phù hợp với vùng đất quê mình. Vui sướng, anh quyết định cho ngao Bến Tre "nhập gia" Nam Định.

Từ bỏ cách làm mò mẫm, ăn đong hồi những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, anh chính thức cắm vây, nuôi ngao. Dưới sự khuyến khích, giúp đỡ của Trung tâm Khuyến ngư TW, trực tiếp là Trung tâm Khuyến ngư Nam Định, anh được hướng dẫn và cấp các tài liệu khoa học kỹ thuật về con ngao, được tham dự các buổi tập huấn, tham quan các mô hình nuôi ngao ở Bến Tre, Kiên Giang và ở Trung Quốc.

Nhờ đó, tay nghề nuôi ngao của anh khá dần, trình độ kỹ thuật, quản lý nâng lên một bước và gia đình có thu nhập cao. Năm 2004, anh nuôi 42 ha ngao, 7 ha sò, cho thu hoạch 800 tấn, doanh thu trên 6 tỷ đồng, lãi ròng trên 1 tỷ đồng. Năm nay, anh dự định đầu tư thêm 10 tỷ đồng (vốn tự có) trong đó xây dựng cơ bản 3,5 tỷ, còn lại để nuôi nghêu, sò và con giống.

Tâm sự với PV.VietNamNet, anh Cửu cũng không ngờ con ngao Bến Tre về tới Nam Định lại phù hợp đến vậy. "Không đâu nuôi ngao tốt như vùng bãi triều Giao Thủy, nơi có lượng lớn phù sa sông Hồng bồi đắp. Nuôi tại Nam Định, cứ 10,5kg ngao cho 1kg ruột, trong khi tỷ lệ này ở Thanh Hóa là 11,5/1, Nghệ An và Quảng Bình là 12,5/1. Rõ ràng là ngao Nam Định béo hơn và chất lượng hơn rồi", anh Cửu nói.

Ngao Bến Tre giờ đã bén duyên tại Nam Định.

Giờ anh đã trở thành người nuôi ngao chuyên nghiệp ở Nam Định và các tỉnh phía Bắc. Cơ sở của anh sản xuất theo quy trình khép kín, từ nguồn giống, ương nuôi, khai thác, tiếp thị đến tiêu thụ (cả thành phẩm và con giống) trên thị trường trong và ngoài nước (chủ yếu là Trung Quốc).

Không chỉ nuôi ngao tốt, huyện Giao Thủy của Nam Định cũng là quê hương của con sò. Song, do nhiều biến cố về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu... nên từ những năm 1970-1998, con sò gần như ít xuất hiện. Trong khi đó, sò lại được nuôi mạnh tại các tỉnh lân cận có điều kiện môi trường tương tự.

Thấy sò huyết có thị trường tiêu thụ, giá bán thương phẩm lại cao gấp 3-5 lần con ngao, năm 2001, anh Cửu lại lặn lội vào Kiên Giang mua một tấn sò huyết giống về nuôi thử ở các vùng bãi triều sâu (nơi không nuôi được ngao). Một lần nữa, nuôi sò huyết lại cho kết quả tốt. Năm đó anh thu được 18 tấn sò huyết thương phẩm, trị giá 450 triệu đồng. Từ đó đến nay, diện tích sò huyết không ngừng tăng lên với cả chục hécta. Anh còn giúp đỡ cho 20 hộ ở huyện Giao Thủy cùng nuôi sò huyết. Đến thời điểm này, phong trào nuôi sò huyết ở huyện khá phát triển, sản lượng bình quân hàng năm đạt 700 tấn.

Vẫn nỗi lo con giống và tiêu thụ

Anh Cửu cho biết, vấn đề con giống luôn là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi ngao. Thực tế tại Nam Định, do thiếu con giống, mật độ thả ngao thưa, làm giảm tới 50% sản lượng và năng suất hàng năm. Thiếu giống cũng là nguyên nhân làm cho việc nuôi ngao sẽ không bền vững. Do vậy, việc sinh sản nhân tạo giống ngao phục vụ sản xuất là yêu cầu rất bức xúc. Năm ngoái, nhờ tham gia Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ngao M.meretrix thương phẩm từ nguồn giống sinh sản nhân tạo tại Nam Định”, anh Cửu được cấp 19 ha đất bãi làm cơ sở sản xuất giống, với sự hướng dẫn kỹ thuật của Phòng Nuôi trồng hải sản - Viện nghiên cứu NTTS I. Qua đó, đã cho đẻ được 3,5 triệu ngao giống M.meretrix, loại ngao tấm.

Năm nay, dự án sẽ kết thúc để từ đó rút ra những điểm thành công cũng như hạn chế. Số ngao giống sinh sản nhân tạo được anh đưa ra nuôi thử nghiệm trên 1 ha bãi triều, bước đầu cho kết quả khả quan. Anh nhận xét, nếu dự án thành công sẽ góp phần giải quyết nhu cầu lớn về giống trên địa bàn; đồng thời, còn để bán cho các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, anh Cửu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lượng ngao giống tự nhiên thiếu hụt là do Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chính của ngao Giao Thủy, thường thu mua trước mùa ngao sinh nở. Do vậy, lượng ngao bố mẹ trở nên khan hiếm. Không những thế, việc bán ngao thương phẩm sang Trung Quốc thường bị ép giá và họ chỉ thu mua theo mùa vụ.

Để tháo gỡ thế khó này, anh Cửu lại lên đường tìm đầu ra cho con ngao tại ngay "sân nhà". Rất may, sau khi chương trình “Người đương thời” của Đài TH Việt Nam phát sóng về cơ sở nuôi ngao của anh, nhiều nơi đã biết đến ngao Giao Thủy.

Từ chỗ làm quen, ăn thử, đến nay ngao đã là món thực phẩm khá quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của nhiều gia đình. Đơn đặt hàng tới tấp đến cơ sở nuôi ngao Cửu Dung. Việc tiêu thụ cũng bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đến nay, 1/4 sản lượng ngao của anh được tiêu thụ tại thị trường nội địa, mà nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Anh Cửu yên tâm nhất là nguồn giống tự nhiên được bảo toàn. Nhờ vậy mà năm ngoái, anh đã bán được 200-300 tấn giống ngao tự nhiên, lãi 2-3 tỷ đồng.

"Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu về con giống nhằm hạ giá thành sản xuất. Tôi cũng đang xây dựng trang web để quảng bá mạnh hơn hình ảnh con ngao Giao Thủy tới người tiêu dùng trong nước và đặc biệt, để tiếp thị ra thị trường thế giới", anh Cửu tiết lộ.

Mai Phương - Hà Yên

 


Tỷ phú đất phèn

Nguồn tin: SGGP, 22/8/2005
Ngày cập nhật: 23/8/2005

Vùng đất ngập mặn Cà Mau có một hệ động thực vật phong phú và giàu có vào loại bậc nhất của nước ta. Những năm gần đây, nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện môi trường, thổ nhưỡng nên vùng đất hoang hóa trước kia đã thành đất trang trại. Nhiều hộ nông dân nghèo quanh năm thiếu trước hụt sau nay đã có hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ.

Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo

Mãi gần 5 giờ chiều, chúng tôi mới tìm được đến nhà anh Trần Minh Thiệm - một chủ trang trại làm ăn có hiệu quả ở ấp 3 xã Tân Thạnh, TP Cà Mau. Trong cái nắng vàng óng như tơ của buổi chiều đầu tháng 8, ông chủ Ba Thiệm vẫn đang đánh trần, say sưa với công việc của một “lão nông tri điền”.

Không khách sáo, anh ngồi bệt ngay tại bờ cỏ ao nuôi cá để tiếp chuyện. Trong khu vườn rộng 2 ha, chúng tôi thấy không có một vạt đất nào bỏ trống. Hàng chục ao cá hình chữ nhật, nối tiếp nhau. Trên phần đất xen giữa các ao cá là những luống rau xanh mơn mởn, trông thật mát mắt.

Nhìn các loại cá đang tranh nhau ăn mồi, khuôn mặt anh như giãn ra, tươi tỉnh. Anh Ba Thiệm đủng đỉnh: Cũng diện tích đất này nhưng trước kia chỉ để cho cỏ mọc, siêng lắm thì trồng được mớ rau vừa lấy cái ăn vừa để phụ nuôi heo. Đã từ lâu, Ba Thiệm luôn ấp ủ câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”.

Nhưng mãi đến năm 2002, được sự khuyến khích của địa phương, anh mới bắt tay vào thực hiện mơ ước của mình. Anh cũng là người đầu tiên của xã Tân Thạnh làm trang trại một cách có hệ thống và bài bản. Lúc đầu, anh chỉ nuôi cá diêu hồng và cá bống tượng.

Sau này, anh tự mày mò nghiên cứu nuôi thêm cá chình, cá sấu. Không chỉ nuôi cá thịt, anh còn nuôi cá diêu hồng giống để cung cấp cho bà con trong vùng. Hiện nay, mỗi năm anh xuất trên 100.000 con cá diêu hồng giống với giá 300đ/con. Có đến trên 40% hộ nuôi cá tại TP Cà Mau mua cá giống của anh.

Tuy chưa thật lớn nhưng trang trại của anh hiện có 4 ao 5.000m2 nuôi cá diêu hồng giống; 30 cao (100m2/ao) nuôi cá bống tượng và cá chình. Ngoài ra, mỗi năm anh còn xuất không dưới 100 con heo thịt. Theo anh, nuôi cá cũng khó như nuôi tôm. Phải thường xuyên theo dõi, điều chỉnh độ pH hợp lý.

Mỗi khi vào mùa, nhiều đêm phải thức trắng để chăm sóc cá. Mỗi ao 100m2, anh chỉ thả đúng 100 con cá bống tượng hoặc cá chình. Theo kinh nghiệm của anh, các loại ao nuôi cùng một thứ cá nên có ống nước thông với nhau. Không chỉ giúp làm mát nước mà còn để cá tận dụng được hết nguồn thức ăn.

Vì là vùng có nhiều muỗi nên các chuồng heo đều phải mắc mùng (màn). Phân heo được dẫn xuống ao làm thức ăn chính cho cá diêu hồng. Theo thời giá hiện tại, một ký lô cá diêu hồng từ 30 - 40 ngàn. Cá bống tượng giá 280.000đ, cá chình 240.000đ/kg.

Từ 30 triệu đồng vay mượn đầu tư ban đầu, đến nay, mỗi năm gia đình anh Ba Thiệm đã có nguồn thu trên 500 triệu đồng từ chăn nuôi. Điều đặc biệt là với một khối lượng công việc lớn như thế nhưng phần lớn đều do một tay anh quán xuyến. Anh tâm sự rất thật: Làm nông phải chịu khó, lấy công làm lãi. Nuôi cá cũng như đánh bạc, lơi là một tí là sạt nghiệp như chơi.

Trước kia, anh chỉ học hết cấp 2 nên ngoài việc đầu tư tái sản xuất, vợ chồng anh dồn hết tiền bạc cho các con ăn học. Trong số 7 người con, có 3 người đã tốt nghiệp đại học, 3 người tốt nghiệp cao đẳng và đều đã có việc làm ổn định.

Kỹ sư chân đất

Bác Phan Văn Hóa, 60 tuổi, chỉ học tới lớp 5 trường làng nhưng lại được bà con trong vùng gọi thân mật là “kỹ sư chân đất”. Năm 1980, rời quân ngũ về quê với 13 công vườn tạp, làm quần quật nhưng cuộc sống của gia đình bác Bảy Hóa vẫn thiếu trước hụt sau.

Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, bác ngẫm ra một điều là vùng trọng điểm sản xuất lúa nhưng vùng quê Lợi An, huyện Trần Văn Thời của bác đang sống lại không có giống lúa năng suất cao. Bản chất cần cù chịu khó của người lính lại trỗi dậy. Bác cất công mày mò, bỏ thời gian nghiên cứu tài liệu để gầy dựng giống lúa cao sản cho địa phương.

Từ năm 1991 đến năm 1995, từ 3kg lúa IR42 tuyển chọn, bác Bảy đã nhân ra được 60 tấn giống lúa mới cao sản cung cấp cho bà con nông dân trong và ngoài huyện. Năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Bà con đã đặt tên cho giống lúa mới này là “giống lúa Bảy Hóa”.

Chưa hết, năm 2001, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phần lớn các hộ nông dân đã chuyển đổi một phần lớn diện tích trồng lúa sang nuôi tôm nhưng do chưa có kinh nghiệm nuôi nên tôm chết hàng loạt, bà con lại thêm một lần nữa lao đao, lâm vào cảnh túng thiếu.

Vậy là một lần nữa người đảng viên thương binh Bảy Hóa lại “xuất chiêu”. Không quản nắng mưa, đêm tối, bác khăn gói đến nhiều nơi trong tỉnh với quyết tâm tìm giải pháp nuôi tôm. Chìa khóa của câu hỏi này chính là: Phá thế độc canh con tôm. Với vùng nước và đặc điểm thổ nhưỡng quê bác, nuôi kiểu này con tôm dễ bị bệnh, khi gặp rủi ro dễ bị mất trắng.

Mô hình đầu tư hiệu quả nhất là lúa + tôm. Từ thành công theo mô hình này, bác Bảy phổ biến rộng rãi cho bà con cùng làm theo. Từ đó đến nay, các hộ sản xuất trong xã và quanh vùng trúng mùa liên tục, cuộc sống đi lên trông thấy. Ngoài nuôi tôm, gia đình bác Bảy còn trồng cây ăn trái, rau màu và nuôi thêm các loại cá lóc, trê phi.

Từ chỗ phải vay vốn của ngân hàng, đến nay gia đình bác Bảy Hóa đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Không chỉ làm ăn giỏi, bác còn tích cực tham gia công tác xã hội. Bác mạnh dạn cho 7 hộ nghèo vay hàng chục triệu đồng để chuộc đất. Trực tiếp giúp 8 hộ xóa nghèo.

Vận động quyên góp 16 triệu đồng cất một căn nhà tình thương và bắc một cây cầu. Bác còn góp vào quỹ hội 20 triệu đồng cho các hộ nghèo vay vốn làm ăn và tham mưu với chính quyền địa phương tạo việc làm cho trên 100 lao động.

Làm giàu trên đất phèn nhiễm mặn

Từ huyện Trần Văn Thời, chúng tôi lại “khăn gói quả mướp” lặn lội sang xã Tân Hưng huyện Cái Nước tìm anh Ngô Văn Sól, một điển hình làm kinh tế giỏi của huyện. Từ một gia đình nghèo nhưng nhờ có ý chí, nghị lực, anh đã biến gần 50.000m2 đất biền ven sông xì xọp phèn mặn thành một trang trại nuôi tôm có thu nhập hàng tỷ đồng.

Trước kia, do một năm chỉ làm được một vụ lúa, hiệu quả thấp nên cuộc sống của gia đình anh nói riêng và bà con trong vùng nói chung lúc nào cũng khó khăn chật vật. Vốn là một người chuyên đi làm thuê cho các chủ vựa nuôi tôm, Sól đã biết tích lũy kinh nghiệm để mạnh dạn áp dụng vào việc phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2000, anh cải tiến 5.400m2 ao để áp dụng mô hình nuôi tôm theo kiểu công nghiệp. Số ao còn lại nuôi theo kiểu quảng canh cải tiến theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Từ thắng lợi của vụ đầu tiên (lãi ròng 125 triệu) trên diện tích 5.400m2, anh mở rộng thêm 12 ao nữa.

Chỉ trong vòng hai năm, trừ mọi chi phí, anh thu lãi 2,9 tỷ đồng. Từ việc áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghiệp của anh, nhiều bà con tìm tới học hỏi kinh nghiệm và áp dụng trên diện rộng. Được sự chỉ bảo tận tình của anh, bà con trong xã và vùng lân cận đã làm ăn và thu nhiều kết quả khả quan.

Không chỉ làm ăn giỏi, anh Sól còn tích cực tham gia vào công tác xã hội ở địa phương. Hàng chục triệu đồng đã được anh chuyển tới các gia đình khó khăn thông qua Hội Nông dân tập thể. Anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động trong ấp.

Mong muốn của anh Sól hiện nay là chính quyền địa phương sớm thành lập HTX nuôi tôm công nghiệp của xã. Nếu được, anh sẽ tự nguyện phụ trách khâu kỹ thuật để góp phần phổ biến kinh nghiệm cho bà con.

Từ những mảnh đất phèn chua nhiễm mặn, bằng ý chí và bàn tay con người, được sự quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn, nhiều hộ nông dân ở Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc đã trở lên giàu có, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

ĐĂNG BẢY

 


Trung Quốc: Thủy sản nhiễm độc hàng loạt

Nguồn tin: SGGP, 23/8/2005
Ngày cập nhật: 23/8/2005

 


Bộ Thuỷ sản cấm sử dụng kháng sinh Fluoroquinilones

Nguồn tin: VNN, 19/08/2005
Ngày cập nhật: 22/8/2005

Bộ Thuỷ sản Việt Nam đã chính thức ban hành quyết định đưa Fluoroquinilones vào Danh mục các hoá chất bị cấm trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Thông tin trên do các quan chức Bộ này xác nhận ngày 18/8.

Ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (NAFIQAVED), cho biết, vấn đề hoá chất, kháng sinh có hại sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đã được Chính phủ Việt Nam và Bộ Thuỷ sản nghiêm cấm từ lâu. Ngay từ năm 2002, Chính phủ đã có Chỉ thị 07 cấm sử dụng các chất kháng sinh có hại trong NTTS. Năm 2005, Bộ Thuỷ sản đã công bố Danh mục 17 hoá chất cấm sử dụng, trong đó có 10 hoá chất mà EU cấm, 11 hóa chất mà Mỹ cấm (có một số hoá chất trùng nhau). Đồng thời, Bộ cũng ban hành 34 chất quy định sử dụng giới hạn có tối đa trong NTTS (tương đương với các quy định của EU, Mỹ).

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc:

Bộ Thuỷ sản Việt Nam đang tiến hành điều tra cụ thể trước thông tin về việc một số bang của Mỹ ngừng nhập khẩu cá tra, basa của Việt Nam, từ đó, có những quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Thuỷ sản là sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về dư lượng kháng sinh của thị trường, với nguyên tắc: bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng Việt Nam cũng như người tiêu dùng các nước.

Vì vậy, nếu Mỹ không chấp nhận nhóm chất Fluoroquinilones trong thuỷ sản thì Việt Nam sẽ ngay lập tức điều chỉnh. Bộ Thuỷ sản cũng sẽ phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao để nhanh chóng giải quyết vấn đề này, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng như người nuôi cá và các DN Việt Nam.

Song, như VietNamNet đã đưa tin, trong Danh mục này lại chưa có chất kháng sinh mà Hoa Kỳ vừa cho rằng có trong cá da trơn Việt Nam, đó là Fluoroquinilones. Trả lời câu hỏi này, ông Cương giải thích, hoá chất này đã có trong danh sách hoá chất bị hạn chế sử dụng. Tại thời điểm Bộ Thuỷ sản Việt Nam ban hành Danh mục đó, Mỹ cũng không cấm sử dụng Fluoroquinilones.

Theo ông Nguyễn Tử Cương, gần đây, qua việc nghiên cứu các tác động của hoá chất đối với sức khoẻ người tiêu dùng, Mỹ đã chuyển hóa chất này từ danh sách các chất bị hạn chế sử dụng sang danh sách các chất bị cấm sử dụng trong thuỷ sản.

Tại Việt Nam, Bộ Thuỷ sản đã giao cho NAFIQAVED thường xuyên cập nhật các quy định mới, nhất là về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm của các thị trường xuất khẩu. "Về nguyên tắc, chúng ta phải tuân thủ quy định của thị trường. Đây là một hoạt động hết sức bình thường trong hoạt động XNK", ông Cương nói.

Vì vậy, khi Mỹ đưa chất Fluoroquinilones vào Danh mục cấm, nhất là mấy ngày qua một số bang ở Mỹ không cho lưu hành cá da trơn Việt Nam trên thị trường vì nghi nhiễm Fluoroquinilones, ngày 18/8, Bộ Thuỷ sản Việt Nam đã ban hành quyết định đưa chất kháng sinh này vào Danh mục các hoá chất bị cấm trong NTTS.

"Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) để đàm phán. Dự kiến hôm nay (19/8), Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ có thông báo chính thức về việc này", ông Cương cho biết.

Bộ Thuỷ sản Việt Nam đã và đang tăng cường các hoạt động kiểm soát gắt gao dư lượng kháng sinh trong sản xuất, chế biến hàng thuỷ sản. Đặc biệt, chúng ta tuân thủ nghiêm mọi quy định về dư lượng kháng sinh của EU, Mỹ - những thị trường nhập khẩu thuỷ sản khó tính nhất.

Trước đó, 3 bang Louisiana, Alabama, Missisippi của Mỹ đã yêu cầu ngưng cung cấp cá da trơn Việt Nam ra thị trường để kiểm tra một loại chất kháng sinh có trong cá (trị bệnh than - có thể có trong thức ăn). Đây là loại kháng sinh mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không chấp nhận cho thực phẩm, nằm trong nhóm Fluoroquinilones. Thông tin này cũng được một số trang web nước ngoài đưa tin trong mấy ngày qua, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động xuất khẩu thuỷ sản.

Do vậy, ngày 16/8, Bộ Thủy sản đã có công văn khẩn gửi các Sở Thủy sản và Sở NN-PTNT, các cơ quan và tổ chức trong ngành thủy sản tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc cấm, cũng như ngăn chặn sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh đã bị cấm trong tất cả các khâu từ NTTS, bảo quản đến chế biến xuất khẩu.

Hà Yên

 


Bạc Liêu: Xả lũ, tôm cá chết hàng loạt

Nguồn tin: NLĐ, 21/08/2005
Ngày cập nhật: 22/8/2005

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của lũ và triều cường nên diện tích lúa hè thu ở khu vực Bắc Quốc lộ 1A thuộc địa bàn tỉnh Bạc Liêu bị ngập úng khá nghiêm trọng.

Tính đến ngày 21-8, đã có gần 500 ha lúa gieo sạ trễ bị mất trắng. Để kịp thời cứu lúa và chống úng, tỉnh Bạc Liêu cho mở 6 cống ngăn mặn nằm dọc theo Quốc lộ 1A (mở một chiều tháo nước ra) trên sông Bạc Liêu. Chính việc làm này đã làm cho cá, tôm trên sông Bạc Liêu– Cà Mau chết hàng loạt, nặng nhất là đoạn sông Láng Tròn–Xóm Lung – Giá Rai. Tại ngã ba sông Láng Tròn, mỗi ngày người dân vớt được hàng trăm kg cá, tôm chết trên sông. Các ao nuôi tôm ở khu vực lân cận cũng bị thiệt hại nặng do người dân không biết nguồn nước bị bẩn.

N.Huy

 


Việt Nam hoàn toàn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu EU và Hoa Kỳ

Nguồn tin: MOFA, 19/08/2005
Ngày cập nhật: 22/8/2005

Chỉ thị số 07/2002/CT-TTg ngày 25/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật” đã nghiêm cấm sử dụng các loại kháng sinh có hại cho sức khỏe con người trong sản xuất và kinh doanh thủy sản. Chính phủ giao cho các Bộ, trong đó có Bộ Thủy sản, chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực hiện chỉ thị này trong sản xuất kinh doanh thủy sản. Bộ Thủy sản đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc kiểm soát các kháng sinh có hại trong nuôi trồng và sản xuất thủy sản, đối với các sản phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm tiêu thụ nội địa.

Tháng 2/2005, Bộ Thủy sản đã có Quyết định 07/2005/QĐ-BTS quy định danh mục 17 loại kháng sinh cấm sử dụng, tương đương với 10 loại bị cấm sử dụng ở Châu Âu và 11 loại bị cấm ở Hoa Kỳ; và danh mục 34 loại hạn chế sử dụng trong đó có Flouroqinolones, tương đương với danh mục các kháng sinh bị hạn chế sử dụng ở châu Âu và Hoa Kỳ. Tháng 3/2005, Bộ trưởng Bộ Thủy sản có Chỉ thị số 03/2005/CT-BTS "Về việc tăng cường kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh có hại trong hoạt động thủy sản” với các biện pháp quản lý từ các tỉnh, thành phố đến các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh nhằm bảo đảm uy tín cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Ngày 18/8/2005, trên cơ sở cập nhật thông tin về các loại kháng sinh do Hoa Kỳ bổ sung vào danh mục cấm sử dụng, Bộ Thủy sản đã ban hành quyết định số 26/2005/QĐ-BTS công bố danh mục 11 loại kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Bắc Mỹ.

 


Cá basa Việt Nam có nguy cơ bị cấm trên toàn nước Mỹ

Nguồn tin: TN, 22/08/2005
Ngày cập nhật: 22/8/2005

Theo hãng tin AP, Cục Quản lý và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang đi gần đến quyết định cấm sản phẩm cá basa của Việt Nam trên toàn nước Mỹ, mà trước đó đã có hiệu lực tại 3 bang miền Nam là Alabama, Louisiana và Missisippi.

 


Ninh Thuận: Sơn Hải mùa rong sụn

Nguồn tin: eNT, 15/08/2005
Ngày cập nhật: 21/8/2005

Chúng tôi về làng biển Sơn Hải gặp ngư dân đang vào mùa thu hoạch rong sụn. Tiếng cười nói trên bến dưới thuyền xôn xao chật kín bãi bờ. Rong phơi khô ngổn ngang trong bóng nắng chiều ngã màu vàng sẫm. Cả vùng biển từ Sơn Hải đến giáp mũi Dinh giăng trắng phau dây nuôi rong sụn.

Anh Nguyễn Văn Hùng, 29 tuổi ngừng tay giũ rong khô phấn khởi nói trong tiếng sóng biển: Rong sụn là loài cây cho bà con ngư dân có thu nhập ổn định bền vững ở làng biển Sơn Hải. Mấy năm nay nhờ trồng rong sụn mà gia đình em cũng như bà con trong làng có cuộc sống khá giả hẳn lên. Vụ mùa năm 2004, vợ chồng em trồng 4 sào rong mà thu hoạch tới 2, 5 tấn rong khô cân bán được 20 triệu đồng, giá 8.000 đồng/kg. Em chỉ đầu tư hơn 2 triệu đồng mua dây nylon, cọc tre, rong giống. Năm nay trời nắng gắt, cây rong trúng mùa hơn năm ngoái. Trồng rong sụn ăn chắc, một vốn bốn năm lời. Bà con làng biển Sơn Hải mỗi năm trồng thu hoạch vụ rong chính từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch đạt sản lượng trung bình 5 tạ rong khô/sào. Kể từ khi thả giống rong sụn xuống biển đến 60 ngày sau là thu hoạch. Trồng rong không sợ sâu bệnh hại và không tốn tiền đầu tư phân bón.

Theo dấu chân của những người vận chuyển rong sụn, chúng tôi tìm đến nhà chị Hồ Thị Tám, 30 tuổi là một trong ba chủ vựa thu mua rong sụn ở Sơn Hải. Những người làm công cho chị Tám tất bật đóng rong khô vào bao chuẩn bị giao cho doanh nghiệp thu mua từ Nha Trang vào nhận 25 tấn hàng vận chuyển ra Bắc. Chị Tám đang thu mua rong sụn khô của ngư dân địa phương với giá 9.300 đồng/kg. Từ người trồng rong sụn rồi trở thành đại lý thu mua ủy thác hưởng hoa hồng, cuộc sống gia đình chị Tám ngày càng đi lên cùng với hiệu quả kinh tế của cây rong sụn trên vùng biển Sơn Hải. Chị Tám cho biết cây rong sụn được thị trường Trung Quốc thu mua làm thực phẩm và chế biến dược phẩm cao cấp.

Từ 5 kg giống rong sụn do Trung tâm Khuyến ngư đưa về Sơn Hải trồng thử nghiệm trên diện tích 1000 m2 mặt nước giữa năm 1993 đến nay đã phát triển lên 150 ha với trên 200 hộ trồng. Sản lượng rong sụn khô thu hoạch ở Sơn Hải năm nay dự kiến đạt trên 1.000 tấn, trị giá gần 10 tỉ đồng. Tính riêng từ đầu năm 2005 bà con trồng rong đã thu hoạch được 500 tấn rong khô. Rong thu hoạch đến đâu được đại lý thu mua trả tiền ngay đến đó, bà con ngư dân yên tâm gắn bó lâu bền với cây rong sụn trên vùng biển Sơn Hải.

Sơn Ngọc,Theo Báo Ninh Thuận

 


Ninh Thuận: Sơn Hải mùa rong sụn

Nguồn tin: eNT, 15/08/2005
Ngày cập nhật: 21/8/2005

Chúng tôi về làng biển Sơn Hải gặp ngư dân đang vào mùa thu hoạch rong sụn. Tiếng cười nói trên bến dưới thuyền xôn xao chật kín bãi bờ. Rong phơi khô ngổn ngang trong bóng nắng chiều ngã màu vàng sẫm. Cả vùng biển từ Sơn Hải đến giáp mũi Dinh giăng trắng phau dây nuôi rong sụn.

Anh Nguyễn Văn Hùng, 29 tuổi ngừng tay giũ rong khô phấn khởi nói trong tiếng sóng biển: Rong sụn là loài cây cho bà con ngư dân có thu nhập ổn định bền vững ở làng biển Sơn Hải. Mấy năm nay nhờ trồng rong sụn mà gia đình em cũng như bà con trong làng có cuộc sống khá giả hẳn lên. Vụ mùa năm 2004, vợ chồng em trồng 4 sào rong mà thu hoạch tới 2, 5 tấn rong khô cân bán được 20 triệu đồng, giá 8.000 đồng/kg. Em chỉ đầu tư hơn 2 triệu đồng mua dây nylon, cọc tre, rong giống. Năm nay trời nắng gắt, cây rong trúng mùa hơn năm ngoái. Trồng rong sụn ăn chắc, một vốn bốn năm lời. Bà con làng biển Sơn Hải mỗi năm trồng thu hoạch vụ rong chính từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch đạt sản lượng trung bình 5 tạ rong khô/sào. Kể từ khi thả giống rong sụn xuống biển đến 60 ngày sau là thu hoạch. Trồng rong không sợ sâu bệnh hại và không tốn tiền đầu tư phân bón.

Theo dấu chân của những người vận chuyển rong sụn, chúng tôi tìm đến nhà chị Hồ Thị Tám, 30 tuổi là một trong ba chủ vựa thu mua rong sụn ở Sơn Hải. Những người làm công cho chị Tám tất bật đóng rong khô vào bao chuẩn bị giao cho doanh nghiệp thu mua từ Nha Trang vào nhận 25 tấn hàng vận chuyển ra Bắc. Chị Tám đang thu mua rong sụn khô của ngư dân địa phương với giá 9.300 đồng/kg. Từ người trồng rong sụn rồi trở thành đại lý thu mua ủy thác hưởng hoa hồng, cuộc sống gia đình chị Tám ngày càng đi lên cùng với hiệu quả kinh tế của cây rong sụn trên vùng biển Sơn Hải. Chị Tám cho biết cây rong sụn được thị trường Trung Quốc thu mua làm thực phẩm và chế biến dược phẩm cao cấp.

Từ 5 kg giống rong sụn do Trung tâm Khuyến ngư đưa về Sơn Hải trồng thử nghiệm trên diện tích 1000 m2 mặt nước giữa năm 1993 đến nay đã phát triển lên 150 ha với trên 200 hộ trồng. Sản lượng rong sụn khô thu hoạch ở Sơn Hải năm nay dự kiến đạt trên 1.000 tấn, trị giá gần 10 tỉ đồng. Tính riêng từ đầu năm 2005 bà con trồng rong đã thu hoạch được 500 tấn rong khô. Rong thu hoạch đến đâu được đại lý thu mua trả tiền ngay đến đó, bà con ngư dân yên tâm gắn bó lâu bền với cây rong sụn trên vùng biển Sơn Hải.

Sơn Ngọc,Theo Báo Ninh Thuận

 


Giải pháp xây dựng hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản bền vững

Nguồn tin: ND, 20/8/2005
Ngày cập nhật: 21/8/2005

Thủy lợi cũng là khâu quan trọng hàng đầu để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Ðến nay, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, người sản xuất vẫn "năm được, năm mất", "phập phồng" trước tài sản hàng tỷ đồng bỏ ra. Cho nên cần một hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước có hơn 900 nghìn ha, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt nội địa đã đạt tới 1,34 triệu tấn; tăng gần gấp hai lần so với năm 1988, là thời điểm trước khi có Quyết định 224/1999/QÐ-TTg ngày 8-12-1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 15-6-2000 của Chính phủ về "một số chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp"; nhiều địa phương trong cả nước đã tiến hành quy hoạch đất đai, bố trí lại cây trồng, con nuôi, thực hiện các biện pháp kỹ thuật và đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, nhất là chuyển đất lúa năng suất thấp, bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản.

Nhờ vậy, nuôi trồng thủy sản đã phát triển khá mạnh về quy mô, năng suất và chất lượng, bước đầu đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa. Phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản đã áp dụng các mô hình, phương thức nuôi đa dạng, phong phú và đều cho thu nhập cao, giá trị sản xuất nuôi tôm bình quân đạt 150 - 340 triệu đồng/ha/năm, một số mô hình đã đạt tới 700 - 800 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá, tôm trên chân ruộng lúa ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Ðịnh, An Giang, Ðồng Tháp,... thu nhập bình quân cũng gấp hai đến năm lần so với trồng lúa. Số hộ thu nhập từ nuôi trồng thủy sản cũng tăng lên đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng cho hàng vạn hộ nông dân ở các vùng miền.

Tuy nhiên, tình trạng nuôi trồng thủy sản còn phát triển tự phát theo "phong trào", trong khi chưa điều chỉnh quy hoạch, việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, phá rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm trên cát, hoặc đưa nước mặn vào vùng đã quy hoạch "ngọt hóa" để nuôi tôm, nuôi cá vẫn còn xảy ra dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, tôm, cá chết, người sản xuất thiệt hại nặng. Ngoài ra, còn tác động trực tiếp đến sự mất ổn định của sản xuất nguyên liệu, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu trên các thị trường có xu hướng ngày càng khắt khe, nguy cơ không bảo đảm mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản ngay trong năm 2005 và đến 2010 sẽ xuất hiện rõ nếu không có biện pháp kịp thời.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên vừa qua, trước hết do chưa có một quy hoạch tổng thể sản xuất và thủy lợi một cách hợp lý và ổn định, thiếu hệ thống thủy lợi riêng cho nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, việc bảo đảm các dịch vụ về thủy lợi, giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,... không theo kịp với tình hình phát triển thực tế. Mặt khác, vốn dành cho đầu tư các công trình thủy lợi cho thủy sản còn nhiều khó khăn, sự phối hợp giữa các ngành và địa phương trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất chưa chặt chẽ, ngành thủy sản lại không có chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi, nên việc đề ra giải pháp về kỹ thuật và giải quyết nước cho từng vùng nuôi, từng công trình cụ thể rất nan giải.

Yêu cầu cơ bản của hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản trước hết phải bảo đảm có nguồn nước sạch, có hệ thống xử lý và điều tiết cung cấp nước theo yêu cầu cho từng vùng nuôi, từng đối tượng nuôi với các tiêu chuẩn và chỉ số biểu thị thích hợp; có hệ thống thoát nước chủ động và được kiểm soát, cảnh báo môi trường nước theo một quy trình khắt khe...

Tất cả những yêu cầu trên phải thiết kế và xây dựng thành một hệ thống hoàn chỉnh, chủ động trong điều tiết và kiểm soát; có như vậy mới bảo đảm biện pháp nước là hàng đầu để nuôi trồng thủy sản ổn định và bền vững.

Thời gian qua, công tác quy hoạch, thiết kế và thi công xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở một số nơi đã có những tiến bộ, tiếp cận và đề ra được quy trình kiểm soát nước thích hợp. Một số vùng nuôi trồng thủy sản đã được đầu tư khá lớn hệ thống cấp, xử lý và thoát nước, góp phần tăng năng suất, sản lượng.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch và xây dựng thủy lợi cho thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế, nổi lên là: thiếu quy hoạch, thiết kế chi tiết phù hợp từng đối tượng và vùng nuôi trồng thủy sản; không được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, tình trạng sử dụng chung một đường cấp nước và tiêu nước, xen kẽ giữa vùng nuôi trồng thủy sản với trồng cây nông nghiệp, giữa nuôi trồng thủy sản nước mặn với vùng nuôi nước ngọt, hoặc mặn lợ,...

Các hạ tầng khác đi theo (như điện, giao thông nội vùng, đê bao) và công tác kiểm soát, cảnh báo mức độ ô nhiễm nguồn nước,... chưa được quan tâm đúng mức; việc xây dựng quy hoạch, thiết kế công trình và thẩm định còn kém chất lượng. Mặt khác, việc thi công các công trình thủy lợi phục vụ thủy sản chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách, sự đóng góp của cả người nuôi và các doanh nghiệp ở nhiều nơi còn rất khiêm tốn; do vậy, hầu hết các công trình thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản đều thiếu nguồn vốn đầu tư, thi công kéo dài, không đồng bộ và chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của từng đối tượng nuôi, vùng nuôi.

Ðể bảo đảm phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ không chỉ trong xây dựng và thi công hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho từng vùng nuôi, mà bằng cả các giải pháp quản lý vĩ mô từ quy hoạch đến thi công và tổ chức quản lý thủy lợi một cách căn cơ trong từng địa phương, từng tiểu vùng. Những giải pháp quan trọng cần được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Một là, sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp, nói chung và đất nuôi trồng thủy sản nói riêng theo tinh thần các nghị quyết trung ương về phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền và Quyết định số 150/2005/QÐ-TTg ngày 20-5-2005 về "phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020" (trong đó, quy hoạch đất dành cho nuôi trồng thủy sản là 1,44 triệu ha).

Việc điều chỉnh quy hoạch phải dựa trên cơ sở: điều tra, phân tích và tổng hợp đánh giá tiềm năng và hiện trạng sử dụng đất; xác định rõ phương hướng, mục tiêu và phân bổ hợp lý quỹ đất đai cho nhu cầu phát triển từng ngành, lĩnh vực và ổn định thời hạn quy hoạch sử dụng đất theo Nghị định số 68/2001/NÐ-CP ngày 1-10-2001 của Chính phủ về "quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai" và tinh thần Nghị quyết 09/2000/NQ-CP của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Tránh tối đa việc thay đổi mục tiêu và thời hạn quy định về quy hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến quy hoạch và thi công các công trình thủy lợi ở các ngành.

Hai là, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến hành điều chỉnh quy hoạch, thiết kế thủy lợi phù hợp mục tiêu sử dụng đất của từng địa phương, trong đó có quy hoạch riêng về hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Trong quy hoạch, thiết kế thủy lợi cho các vùng nuôi trồng thủy sản, cần tận dụng tối đa các công trình đã xây dựng, bổ sung và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cung cấp nước, tiêu nước và các công trình khác có liên quan phù hợp từng đối tượng và vùng nuôi. Giải quyết những bất hợp lý và không để xảy ra tình trạng xen kẽ giữa nuôi trồng thủy sản với cây trồng nông nghiệp, giữa vùng nuôi nước ngọt, hoặc mặn lợ; sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước.

Ba là, nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch, thiết kế và thẩm định theo hướng gắn trách nhiệm lâu dài của các cơ quan quy hoạch, thiết kế và thi công hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng như các công trình, dự án khác. Chính phủ có quy định rõ về phân công, phối hợp các ngành và địa phương quản lý nhà nước về công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Bốn là, có kế hoạch huy động vốn để thi công đồng bộ, dứt điểm từng công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng mở rộng xã hội hóa; dành nguồn vốn ngân sách cao hơn để thi công và hỗ trợ các thành phần kinh tế xây dựng công trình thủy lợi theo phân cấp; ưu tiên vốn để điều tra cơ bản, xây dựng quy hoạch và thiết kế hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Xây dựng quy chế quản lý vùng nuôi trồng thủy sản sau đầu tư.

Năm là, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong nuôi trồng và công nghệ sau thu hoạch; kết hợp chặt chẽ với tổ chức sản xuất, hình thành các mô hình sản xuất, nhất là các HTX. Có chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp, nhất là ngành thủy sản trong việc sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và quản lý trong các vùng nuôi. Quan tâm đặc biệt các biện pháp sử dụng, bảo vệ, cải tạo đất, nước và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

TRẦN CÔNG KHÍCH (Ban Kinh tế T.Ư)


Nuôi ếch Thái Lan: Nhiều rủi ro khi chạy theo phong

Nguồn tin: SGGP, 19/8/2005
Ngày cập nhật: 20/8/2005

Gần 2 năm nay, dịch cúm gia cầm lặp đi lặp lại làm nhiều gia đình phá sản, khi TPHCM không cho nuôi vịt ở ngoại thành và không nuôi gia cầm nói chung ở nội thành và các quận ven, vấn đề đặt ra là phải tìm nghề khác, giúp cho hàng chục ngàn hộ chuyển đổi sản xuất.

Đến thời điểm này có thể nói, nuôi ếch Thái Lan dạng công nghiệp là phù hợp và thuận lợi nhất. Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu KHKT và khuyến nông TPHCM Trần Viết Mỹ, nuôi ếch vốn đầu tư thấp, diện tích không đòi hỏi quá lớn nên phù hợp với nhiều hộ dân.

Nuôi ếch Thái Lan đang là phong trào

Đang có sự gia tăng đột biến về lượng nhập khẩu ếch Thái Lan, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng các cơ sở nuôi tại TP đã nhập về gần 700.000 ếch các loại (đường hàng không), bao gồm trên 7.400 con ếch giống bố mẹ, 1.000 con ếch hậu bị và trên 677.000 ếch con thương phẩm (khoảng 125 con/kg).

Chi cục trưởng Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCL-BVNLTS) TPHCM, Đặng Ái Việt cho biết, số lượng ếch giống nhập khẩu đặc biệt tăng mạnh từ tháng 7 đến nay.

Trường Đại học Nông Lâm TP là nơi khởi nguồn về nuôi ếch Thái Lan (nhập về và nuôi thử từ năm 2001-2002). Theo Tiến sĩ Lê Thanh Hùng, Phó khoa Thủy sản ĐH Nông Lâm TP, ưu điểm của loại ếch này là tăng trọng nhanh, sau 3 tháng tăng trọng khoảng 200g/con (ếch trong nước chỉ 60-70g/con), có thể nuôi bằng thức ăn tĩnh (thức ăn viên - chế biến hoặc dùng ốc bươu vàng, còng...), trong khi ếch trong nước chỉ ăn thức ăn động (mồi sống-côn trùng).

Ếch giống Thái Lan thương phẩm khi mua về khoảng 125 con/kg, sau khi nuôi 3 đến 3 tháng rưỡi tăng trọng còn khoảng 5 con/kg, đang được nhiều nơi nuôi do lợi nhuận khá cao (10m2 nuôi 1.000 con, sau 3 tháng lời khoảng 1,5 triệu đồng).

Hiện nay, TPHCM có trên 11 đơn vị nhập khẩu nuôi và cung cấp con giống cho người nuôi ở TP và các tỉnh trong khu vực, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Từ Hóc Môn, Củ Chi, nay nuôi ếch Thái Lan đã lan ra Bình Chánh và hầu hết các huyện khác của TPHCM.

Theo số liệu khảo sát của Trung tâm NCKHKT-KNTP, đầu năm nay, ở TP mới có khoảng 60 - 70 hộ nuôi ếch Thái Lan, tập trung ở Củ Chi và Hóc Môn, nhưng con số này hiện nay trên 250 hộ (tăng lên hàng tuần), như Củ Chi từ 40 hộ lên 150 hộ, Bình Chánh 80 hộ, Hóc Môn trên 20 hộ... Phong trào nuôi ếch Thái Lan cũng đã lan về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang...

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Tiến sĩ Lê Thanh Hùng tỏ ra e ngại khi biết ếch Thái Lan hiện nay được nuôi với tốc độ phát triển mở rộng chóng mặt, tạo ra những lo ngại khó tránh khỏi từ sự bùng phát này. Theo khảo sát của Trung tâm NCKHKT-KN TP, thị trường tiêu thụ ngay trong nước còn khá lớn, với giá bán của bà con nông dân hiện nay lên đến 30.000 - 35.000 đồng/kg, chưa nói đến việc xuất khẩu.

Nhưng, với việc phát triển nuôi theo cấp số nhân hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thị trường, con giống, dịch bệnh... Bài học chuyển dịch con tôm sú cho thấy do phát triển quá nhanh nên đầu tư hạ tầng kỹ thuật không theo kịp, hậu quả là nhiều người nuôi bị trắng tay.

Tiến sĩ Lê Thanh Hùng cho rằng không nên quá nôn nóng và đơn giản trong tính toán, khi cho rằng, 10m2 nuôi 3-4 tháng lời khoảng 1,5 triệu đồng, cứ thế mà nhân lên là con số quá hấp dẫn, để vay vốn, xây dựng chuồng trại, tăng mật độ nuôi... Mức lợi nhuận này sẽ không thể đứng mãi mà sẽ giảm xuống khi số hộ nuôi tăng lên, lượng cung cấp nhiều hơn.

Trước hết phải nuôi số lượng vừa phải (khoảng 1.000 con), nhằm nắm vững khâu kỹ thuật, cách phòng trừ dịch bệnh. Nuôi ếch Thái Lan dạng công nghiệp dễ phát sinh dịch bệnh, cho dù những loại bệnh này đều có thuốc điều trị, nhưng nắm không vững sẽ làm cho tỷ lệ thất thoát tăng lên. Nếu nuôi với tỷ lệ sống 60%-65% là đạt, nhưng hiện nay không ít hộ nuôi tỷ lệ này chỉ có 30%-40%.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, mua với giá hiện nay để xuất khẩu sẽ không có lời, vì mua nguyên con nhưng chỉ xuất khẩu cặp đùi, giá sẽ phải giảm xuống mới có thể tính tới chuyện xuất khẩu. Muốn vậy, người nuôi phải nâng tỷ lệ sống cao lên và tuân thủ các quy định về chất kháng sinh và các tồn dư hóa chất ở các nước.

Vì vậy, để nuôi ếch Thái Lan được ổn định, lâu dài, ngoài khâu kỹ thuật mà Trường ĐH Nông Lâm TP và ngành khuyến nông TP đang làm, còn phải tính tới yếu tố thị trường, xuất khẩu mà tự thân người nông dân không thể làm được. Nhưng người nuôi phải nghĩ đến chuyện hình thành những khu vực nuôi tập trung để có lượng hàng hóa lớn và không mải mê chạy theo lợi nhuận trước mắt, bất chấp những quy định chung, dẫn đến thất bại, thậm chí phá sản.

Từ giữa 7-2005 đến nay, nhiều nông dân ở huyện Bình Chánh vỡ nợ vì ếch Thái Lan chết hàng loạt. Theo kỹ sư Dương Đức Trọng, Phó Trưởng trạm Khuyến nông Bình Chánh, nhiều nông dân ở các xã Bình Chánh, Hưng Long, Quy Đức, Bình Hưng, Lê Minh Xuân, thị trấn Tân Túc... đã vay vốn nuôi ếch Thái Lan. Những hộ chăn nuôi ếch trên địa bàn huyện đều tự phát, mua con giống trôi nổi, nên chất lượng giống kém, con giống yếu, không đều. Mặt khác, do nông dân chưa am hiểu kỹ thuật, trong khi một số chủ cơ sở sản xuất và cung ứng giống tại TPHCM lợi dụng lúc giống ếch không đủ cung cấp, đã tận dụng ếch thương phẩm làm giống để cung ứng giống cho nông dân, nên con giống không còn những ưu điểm ban đầu.

CÔNG PHIÊN – MINH TÂM


Lượng ếch Thái Lan nhập khẩu tăng đột biến

Nguồn tin: SGGP, 19/8/2005
Ngày cập nhật: 20/8/2005

Theo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. HCM, đang có sự gia tăng đột biến về lượng ếch Thái Lan nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng các cơ sở nuôi tại TP đã nhập về gần 700.000 ếch các loại (đường hàng không). Theo Chi cục trưởng Đặng Ái Việt, số lượng ếch giống nhập khẩu đặc biệt tăng mạnh từ tháng 7 đến nay do lợi nhuận khá cao (10 m vuông nuôi 1.000 con, sau 3 tháng lời 2-2,5 triệu đồng). Hiện nay, TP. HCM có trên 10 đơn vị nhập khẩu nuôi và cung cấp con giống cho người nuôi ở TP và các tỉnh trong khu vực, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi. Tuy nhiện, được biết, tại xã Quy Đức, thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) đang có hiện tượng ếch nuôi bị chết khá nhiều chưa rõ nguyên nhân.

Đ.C.P

 


Khi nhà khoa học, nhà nông bắt tay

Nguồn tin: BCT, 19/8/2005
Ngày cập nhật: 20/8/2005

Vụ sản xuất hè thu năm 2005, ngành NN-PTNT TP Cần Thơ khuyến cáo bà con nông dân hạn chế trồng lúa để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, tăng hiệu quả thu nhập trên đồng ruộng của từng nông hộ. Hỗ trợ người nông dân cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các nhà khoa học cũng tích cực vào cuộc…

Theo đánh giá của ngành thuy sản TP Cần Thơ, hàng năm diện tích nuôi cá, tôm trên đồng ruộng đều tăng từ 10-20%. Trong đó, các loại cá được nuôi nhiều nhất và cho năng suất cao là cá chép, mè vinh, mè trắng. Sau khi nuôi cá, đất được cải tạo, mùa vụ sản xuất lúa tiếp theo đều cho năng suất cao, chi phí sản suất giảm. Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trưởng Bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Nhiều năm nay, mô hình nuôi thủy sản trên đồng ruộng vừa đem lại lợi nhuận cao vừa cung cấp dinh dưỡng cho đất. Đặc biệt, những côn trùng trong đất gây hại cho lúa đều bị cá ăn đã tạo nên môi trường sạch bệnh cho vụ lúa đông xuân (vụ canh tác sau cá, tôm) phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con chú ý đến kỹ thuật chăm sóc để tránh cá, tôm bị bệnh; số lượng thủy sản thả nuôi phù hợp với diện tích đồng ruộng…”.

Cũng theo tiến sĩ Dương Nhựt Long, lợi nhuận thu được từ nuôi trồng thủy sản trong vụ hè thu tăng gấp 3 đến 4 lần so với sản xuất lúa. Nhưng, để tránh tình trạng “rớt giá, dội hàng” khi nguồn thủy sản thu hoạch rộ, bà con nuôi cá trên đồng ruộng nên đào ao cặp theo bờ đất của ruộng lúa để khi thu hoạch lúa hoặc đến mùa sản xuất vụ lúa tiếp theo, cá sẽ sống dưới ao và có thể dự trữ chờ giá. Đồng thời, người nuôi cá nên chú ý nuôi một số loại cá khác nhau, có giá trị kinh tế cao như: cá bống tượng, cá lóc, sặt rằn,… để tránh tình trạng nuôi cùng loại đến khi thu hoạch rộ dẫn đến rớt giá. Các loại cá này đang được Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ nhân giống và đủ khả năng cung cấp cho bà con trong khu vực ĐBSCL.

Để hỗ trợ người dân tăng thu nhập trong mùa nước lũ, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ đang thực hiện mô hình nuôi cá rô phi trong lồng bè. Mô hình này được thực hiện thử nghiệm tại một số xã thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Mỗi lồng bè có diện tích 4m3, được thả nuôi cá rô phi, với số lượng 40 con/m3; thời gian nuôi 4 tháng; thức ăn cho cá là ốc bươu vàng…. Đây là mô hình nuôi cá trong mùa lũ, trên đồng ruộng. Hiện nay, cá rô phi phát triển rất tốt. Sau khi thu hoạch có hiệu quả, mô hình này sẽ được nhân rộng trong cả khu vực ĐBCSL.

Mô hình “Thích hợp từ nuôi bò, heo, cá” tại trại chăn nuôi gia súc, thủy sản của các hộ dân thuộc xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cũng đang được các kỹ sư Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ sát cánh cùng với người dân thực hiện với phương thức: Người dân được hỗ trợ con giống như bò, trùng quế, cá và cỏ dinh dưỡng cung cấp thức ăn cho bò. Mô hình này được thực hiện theo hình thức kết nối. Nghĩa là nuôi bò lấy phân làm thức ăn cho trùng quế và chất thải của trùng quế được làm thức ăn cho cá. Người dân còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo, xây dựng túi ủ bioga chứa phân dùng làm chất đốt, chất thả của heo từ túi bioga được dùng làm thức ăn cho cá. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Mô hình này đang phát triển tốt ở các hộ được chọn nuôi thử nghiệm. Hiện nay, đàn bò đã bước vào giai đoạn sinh sản, cá và heo đã cho thu hoạch đem lại lợi nhuận rất cao. Sắp tới, mô hình này sẽ được nhân rộng trong các tỉnh ĐBSCL.

Ngoài ra, các trung tâm sản xuất giống nông nghiệp của TP Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL… cũng hỗ trợ bà con nông dân rất nhiều trong chuyển giao kỹ thuật canh tác và nuôi trồng thủy sản. Trên 50 cơ sở ương và bán cá, tôm giống tại TP Cần Thơ đều được hỗ trợ kỹ thuật và sẵn sàng tư vấn giúp người nuôi có được giống tôm, cá sạch bệnh. Anh Trần Văn Lâm ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, muốn nuôi cá hay tôm càng xanh không phải dễ vì con giống chủ yếu được bà con nông dân thu gom trong tự nhiên rồi bán lại nên giá khá cao và chất lượng kém. Hiện nay, nhiều nơi sản xuất con giống sạch bệnh, chất lượng cao lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật bà con an tâm nuôi cá và diện tích nuôi trồng cũng tăng lên từ đó”.

* Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng thủy sản

TP Cần Thơ hiện có tổng diện tích nuôi thủy sản trên đồng ruộng gần 7.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm càng xanh trên 258 ha, diện tích nuôi cá 5.984 ha. So với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi tôm, cá trên đồng ruộng tăng gần 20%. Theo đánh giá của ngành thủy sản TP Cần Thơ, 2 loại thủy sản này đang phát triển rất tốt trên đồng ruộng.

Cờ Đỏ là một trong những huyện có diện tích nuôi cá trên đồng ruộng lớn nhất của thành phố: trên 5.200 ha và có nhiều nông dân đã biết áp dụng kỹ thuật tiến bộ về nuôi trồng thủy sản. Đồng chí Đào Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Huyện Cờ Đỏ khuyến khích bà con nông dân hạn chế sạ lúa trong vụ hè thu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng hình thức chuyên canh nuôi thủy sản. Để nông dân an tâm thực hiện, ngành nông nghiệp huyện cử cán bộ khuyến nông thường xuyên thăm đồng, tập huấn kỹ thuật nuôi, phòng ngừa bệnh cho cá. Ở Cờ Đỏ diện tích nuôi trồng thủy sản đang phát triển mạnh ở các xã vùng sâu. Cá nuôi lớn rất nhanh và sạch bệnh”.

Sau khi được câu lạc bộ kỹ thuật nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, ương giống thủy sản, ông Phạm Xuân Trường ở huyện Cờ Đỏ còn rút ra kinh nghiệm nuôi trồng từ thực tế trên đồng ruộng. Ông Phạm Xuân Trường cho biết: Ông tìm đọc rất nhiều tài liệu, kỹ thuật nuôi thủy sản và thường xuyên đến Viện Lúa ĐBSCL nhờ các nhà khoa học giải đáp thắc mắc về kỹ thuật ương cá giống. Nhờ đó, ông có thêm nghề ương cá giống. Hiện nay, trung bình mỗi năm ông ương trên 5 tấn cá giống các loại, cung cấp cho bà con trong huyện nuôi. Hàng năm, gia đình ông thu lợi nhuận từ cá trên 100 triệu đồng/năm. Ông Trường nói: “Để giúp bà con, tôi vừa bán cá thu tiền chậm, thậm chí thu tiền sau khi thu hoạch, vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con”.

Khi “hai nhà” bắt chặt tay với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc áp dụng khoa học kỹ thuật canh tác, nuôi trồng thủy sản trên đồng ruộng thời gian qua đã đem lại kết quả khả quan. Những thành quả mà các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi thủy sản đạt được sẽ là bằng chứng tốt nhất để thúc đẩy bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo đà phát triển kinh tế gia đình.

HÀ VĂN

 


Người nuôi cá tra, cá basa kêu cứu

Nguồn tin: SGGP, 19/8/2005
Ngày cập nhật: 20/8/2005

Ngày 18-8, giá cá tra, cá basa ở ĐBSCL chỉ còn 8.200đ-10.200đ/kg trong khi vào tháng 5-2005, mức giá cá là 13.000đ-15.000đ/kg. Sau 3 tháng chịu đựng, người dân nuôi cá tra, cá basa ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ đang “kêu trời”. Ban Điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa Việt Nam (được Bộ Thủy sản quyết định thành lập) đã ra mắt, nhưng 1 tháng qua vẫn chưa thấy hoạt động gì.

Chiều 18-8, tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Phước Thành (ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang) nói như mếu: “Giờ chỉ biết sản xuất cá giống cầm chừng, giữ khách. Nếu giá cá rớt thêm một tháng nữa phải phá sản thôi”. Hiện giá cá giống loại 1cm chỉ còn 90đ/con, giảm 210đ/con so với tháng 4-2004.

Cá basa ế, người dân xẻ làm khô.

Trong khi đó, tỉ lệ ương cá bột lên 1cm, chỉ đạt 40%, tính ra giá thành sản xuất cá giống lên 100đ-105đ/con, lỗ 10đ-15đ/con. Nghĩa là bán 1 triệu con cá giống cơ sở của anh Thành phải lỗ 10 triệu đồng. Tình trạng này đang làm nản lòng các nhà sản xuất giống chủ lực ở Đồng Tháp và An Giang.

Anh Tư Nhân (ở Châu Phú, An Giang) vừa bán gần 1 tấn cá tra nuôi ao chỉ có 8.200đ/kg. Anh nói: “Bán giá này lỗ ít nhất 1.500đ/kg. Nhưng phải bán vì cá đã quá lớn, nếu để, tiền thức ăn một ngày cả triệu đồng chịu sao nổi?”.

Còn anh Trần Văn Hùng, “vua” nuôi cá tra ở Đồng Tháp, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi thủy sản huyện Hồng Ngự, bức xúc: “Thời điểm cá tra đạt ngưỡng giá cao gần 15.000đ/kg, nhiều doanh nghiệp ở An Giang đã kiến nghị với UBND tỉnh hiệp thương cùng nông dân hạ giá mua đầu vào để đôi bên cùng có lợi, nông dân đã chấp nhận hạ giá cá nguyên liệu. Còn hiện nay, khi một vài doanh nghiệp phá giá, đẩy giá cá tụt giảm, nhiều nông dân hoang mang chấp nhận bán giá thấp và bán cá chịu cho doanh nghiệp 2-3 tháng, càng làm cho giá cá giảm trầm trọng”.

Xuất khẩu cá tra, cá basa tăng nhanh, phong trào nuôi mở rộng từ An Giang trải dài đến các tỉnh lân cận ĐBSCL, làng bè mọc lên như nấm ven sông Tiền và sông Hậu. Nghề nuôi được cải tiến với rất nhiều hình thức phong phú như: ao, quầng, bè...

Song nói như ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản Việt Nam: “Sự phát triển vô tổ chức vừa qua đã tạo ra cái khó lớn nhất là số lượng không ổn định, dẫn đến khi thừa khi thiếu, giá cả bấp bênh, môi trường bị ô nhiễm và chất lượng cũng bị ảnh hưởng, làm thiệt hại cho người nuôi cá và cả doanh nghiệp chế biến”. Chúng ta phải thừa nhận rằng năng lực quản lý không theo kịp sự phát triển. Đây là một bài học lớn của những người làm công tác lãnh đạo, quản lý.

ĐBSCL có trên 26 nhà máy trực tiếp sản xuất chế biến với công suất trên 1.100 tấn cá nguyên liệu/ngày. Ngoài ra, còn khá nhiều doanh nghiệp thuần túy kinh doanh các mặt hàng thủy sản khác cũng tham gia vào hoạt động xuất khẩu cá tra-basa; đưa sản phẩm từ cá tra-basa của Việt Nam đến gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm hơn nhưng chưa có sự đầu tư đúng mức, chưa thiết lập được kênh phân phối. Thị trường tiêu thụ nội địa còn bỏ ngỏ, chưa phát huy hết khả năng (chỉ chiếm 10% – 15%) trong khi thị trường này rất phong phú... Đây là vấn đề yếu kém trong biện pháp và chính sách của Nhà nước làm cho ta đã và sẽ “thua ngay trên sân nhà”.

Quá bức xúc trước những lời ta thán của người nuôi cá, ông Nguyễn Hữu Khánh đề xuất: Ban Điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra - basa Việt Nam cần nhanh chóng triển khai công việc. Trước mắt, thực hiện thông tin chính thống từ các doanh nghiệp chế biến, các sở, ngành nhằm có những thông tin nhanh và trung thực.

Ban điều hành cần sớm hoạt động, xử lý những vấn đề trước mắt vừa làm cơ sở để khẳng định một mô hình thích hợp đúng nghĩa là một tổ chức điều hành, là trung tâm thông tin, trung tâm chỉ huy với biện pháp mạnh mẽ và xử lý được các vấn đề trên cơ sở lợi ích và luật pháp cho phép.

CAO PHONG

 


Những phản ứng sau bài báo “Làm tiền người nuôi cá ba sa”

Nguồn tin: WAG, 18/8/2005
Ngày cập nhật: 19/8/2005

Sau bài báo này, Bộ Thủy sản đã gửi công văn cho chủ tịch VASEP và Chủ tịch Uỷ ban cá nước ngọt thuộc VASEP đề nghị kiểm tra hiện tượng bài báo nêu.

Ngay sau đó, Chủ tịch VASEP ông Hồ Quốc Lực đã gửi công văn báo cáo và đề nghị Bộ Thủy sản và các tỉnh cần đầu tư thêm trang thiết bị phân tích. Còn các vụ việc khác, theo ông Lực không liên quan trực tiếp đến trách nhiệm và chức năng của VASEP và đề nghị Bộ chỉ đạo Sở NN&PTNT An Giang phối hợp với các cơ quan địa phương cùng DN giải quyết.

Ông Doãn Tới, Giám đốc Cty Nam Việt đã đình chỉ việc làm của một số nhân viên thu mua sai phạm, chấm dứt ngay tình trạng nhũng nhiễu dân. Ông Tới còn cho biết, Cty quyết định không “lấy mẫu – thu tiền” như trước mà chỉ thu 300.000 đồng đối với ao đã bán cá cho Cty để hỗ trợ chi phí kiểm nghiệm. Một số DN đã có động thái tích cực, tranh thủ trả tiền sớm cho nông dân và xin lỗi về sự chậm trễ này.

(Tuổi trẻ Chủ nhật)

 

 


Sản xuất giống, nuôi tôm hùm khép kín

Nguồn tin: TBKTVN, 18/8/2005
Ngày cập nhật: 19/8/2005

Từ kết quả sản xuất thí điểm tôm hùm giống nhân tạo, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III tại Nha Trang đã được Tập đoàn nuôi tôm hùm quốc tế Hoa Kỳ thoả thuận hợp tác triển khai dự án “Sản xuất giống và nuôi tôm hùm thương phẩm trong hệ thống bể tuần hoàn”. Dự án được thực hiện tại Trung tâm sản xuất giống thuỷ sản Xuân Hải, kế cận vùng nuôi tôm hùm tập trung ở huyện Xuân Cầu tỉnh Phú Yên. Giai đoạn đầu, dự án sản xuất 300.000 - 1 triệu con giống cung cấp cho người nuôi tôm hùm và phổ biến kỹ thuật xây dựng trại nuôi, quản lý nguồn nước sạch nuôi tôm hùm trên bờ.

 


Hạn chế tình trạng thu hoạch tôm ào ạt

Nguồn tin: Tuổi trẻ, 18/8/2005
Ngày cập nhật: 19/8/2005

Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - vừa lên tiếng khuyến cáo về việc nông dân tập trung thu hoạch tôm sú ào ạt.

Tình trạng này đã gây ứ đọng tôm nguyên liệu tại các nhà máy, dẫn đến việc giá tôm sú bị giảm và đứng ở mức thấp như hiện nay.

Theo ông Lực, thay vì tập trung thu hoạch tôm quá nhiều vào thời điểm con nước rong theo tự nhiên (lúc tôm cứng vỏ), người nuôi tôm nên thực hiện các biện pháp giúp tôm cứng vỏ vào thời điểm nước kém để có thể thu hoạch tôm vào tất cả các ngày.

H.ĐĂNG

 


“Bí mật” ở chòi tôm!

Nguồn tin: NLĐ, 19/08/2005
Ngày cập nhật: 19/8/2005

Đêm đã khuya. Đang lơ mơ ngủ thì Hai Tuấn vén mùng tôi: “Dậy, dậy! Ra chòi tôm với anh!”. Tôi cự lại: “Vuông anh có còn con tôm nào mà giữ. Hồi chiều anh xổ nước phơi vuông rồi mà”. Tuấn đưa tay lên miệng ra dấu bảo tôi nói nhỏ, cặp mắt dáo dác sợ vợ thức giấc: “Hổng còn tôm cũng phải đi. Cái thằng...”

Thấy tôi càu nhàu, Hai Tuấn kề miệng nói nhỏ: “Rửa mặt đi, lát nữa ra ngoải vui lắm...”. Vừa lần mò trong đêm Hai Tuấn vừa rù rì kể: Từ ngày xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau) được Nhà nước cho phép nuôi tôm, xóm nhỏ này lắm chuyện vui. Đêm đêm, mấy ông chủ vuông chờ cho vợ ngủ say mới lén ra chòi bày cuộc nhậu với các “chiến hữu”. Nhậu chỉ là cái cớ bởi mồi màng không cần thiết, chỉ cần có một vài “em” tâm sự vui vẻ là được. Mấy năm nuôi tôm, anh Tuấn nợ ngập đầu nhưng tên với số điện thoại mấy em thì anh “rành sáu câu”. “Quán K. có em Hương rất nhiệt tình. Quán T. thì có Lan đẹp nhưng chảnh. Lát nữa, anh gọi cho mày một em”.

Giữ chòi là chuyện... phụ

Chẳng mấy chốc, tôi và Tuấn đặt chân đến cái chòi nhỏ xíu chỉ đủ để một cái giường tre. Anh Tuấn đốt cây đèn dầu rồi... móc điện thoại di động, gọi: “Đứa nào vậy? Lan à, còn gì nhậu không em? Cái gì cũng được miễn có 2 em ra chòi với anh nha. Yên tâm đi, vợ anh ngủ ngáy khò khò rồi. Nhanh nhanh nha, anh có khách”. Rồi anh “hun” cái chụt vào điện thoại, nhìn tôi cười khà khà.

Lúc mới thả tôm vụ đầu, người dân đâu có ai cất chòi ngủ ngoài vuông để canh trộm. Nhưng rồi tôm chết, nhiều người nợ ngập đầu. “Bần cùng sanh đạo tặc”, hộ nào sơ ý sáng ra ao vuông bị vét không còn một con. Thế là nhà nhà thi nhau cất chòi ở giữa đồng giữ tôm. Ngay lúc ấy, các “chị em” hàng dạt ở TP Cà Mau cũng “mại hơi” về dựng chòi mở quán, sẵn sàng chiều chuộng mấy anh “hai tôm” tới bến. Vậy là, chuyện canh giữ tôm dưới ao chỉ là chuyện phụ, chuyện chính của mấy anh “hai tôm” là đêm đêm dối vợ ra chòi giữ mấy em gà móng đỏ.

Trả “nợ tình” bằng tôm sú

Ít phút sau, hai em một tay cầm đèn pin, tay lỉnh kỉnh mang rượu, mồi ra tới. Dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, tôi vẫn đủ nhận thấy các “em” mà anh Tuấn gọi đều đã đứng tuổi. Tôi đang phân vân chưa kịp xưng hô sao cho phải thì một “em” sặc mùi nước hoa rẻ tiền đã cặp luôn lấy cổ tôi: “Sao buồn vậy anh! Để tụi em làm cho anh vui nha...”. Phía sau, Tuấn loay hoay kiếm chén dĩa nhưng tay cặp cổ một “em ruột” cứng ngắc, cười ngả ngớn. Rượu được bày ra. Một đĩa khổ qua xào thịt bò lạnh ngắt kèm theo ca trà đá và một lít rượu. “Em” tên Lan ngồi với Tuấn ực từng ngụm ngọt xớt. Tuấn cũng không vừa, miệng uống rượu, tay cặp cổ các em không ngớt nói cười. Chợt, Lan hỏi: “Tôm có chưa vậy anh?” Tuấn cười: “Cả tháng nữa mới xổ”. Lan than thở: “Gần đây quán em ế quá trời. Định hỏi anh tới con nước tháng này tính cho tụi em chút đỉnh để làm vốn”. Tuấn trợn mắt tròn xoe ngờ vực: “Bộ nhiều lắm sao mà tính chút đỉnh làm vốn?” Như đoán trước, Lan móc túi quần lấy ra tờ giấy học trò nhàu nát, “Để em tính cho coi. Đêm ngày 10–3, ba lít rượu, một con gà hấp rượu, một gói con mèo, tiền cho 2 em ăn sáng, tiền Lan ngủ lại chòi anh còn nợ... 3 kg tôm sú nhứt (loại 25 con/kg/160.000 đồng - NV). Ngày 15-3, 1 kg tôm sú nhứt. Khuya 21-3, anh nợ Lan 1 kg tôm sú... Tổng cộng 10 kg tôm sú nhứt nha anh”. Tuấn càu nhàu chỉ một khoản ghi “cọt kẹt” 2 kg tôm: “Vậy còn tiền này là tiền gì?”. Lan cự “Thì tiền cái đêm anh cọt kẹt với em trong chòi tôm đó...”.

“Cảnh sát vợ” ra tay

Chưa đầy một giờ đồng hồ, lít rượu hết veo. Tôi đòi vô nhà ngủ thì Tuấn cười cười, mời mọc: “Không kẹt kẹt sao, anh mày “lo” mà?”. Tôi cương quyết xách đèn pin quay vào nhà nhưng chợt phát hiện: Giữa đêm khuya thanh vắng, các chòi tôm lại xôn xao tiếng nói cười của các em.

Sáng hôm sau, khi hỏi thăm nhiều chủ vuông tôm khác, tôi mới tá hỏa bởi không riêng gì xã Lương Thế Trân mà hầu như chỗ nào có vuông nuôi tôm thì chỗ đó có “chị em” mở quán “làm ăn”. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần kiểm tra nhưng không tài nào bắt được quả tang, đành lắc đầu chịu trận. Chỉ tội cho cánh “hai tôm” tập tành lối chơi trác táng nên không ít người trở thành kẻ trộm – mà trộm tích cực – ngay trong vuông tôm của mình. Nhắc đến anh Tư S. ở thị trấn Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau), không ít người cười ra nước mắt. Lúc đầu nuôi tôm vụ nào vuông của S. cũng trúng đậm. Cách đây mấy tháng, sau con nước, S. lắc đầu than thở: “Vuông thất quá trời có trúng gì đâu”. Có lúc, Tư S. đổ thừa bị trộm, có khi chửi bọn bán tôm sú giống ầm cả lên. Nhưng, S. không qua mắt được “cảnh sát vợ”. Con nước vừa rồi, S. đợi mọi người ngủ say bèn lén lén ra vuông mình đặt lú bắt tôm. Sau nhiều ngày âm thầm theo dõi, vợ anh đã biết tỏng tòng tong mọi chuyện nên bám sát từng bước chân của S. Chờ cho S. thuê xe ôm ra TP Cà Mau bán tôm, vô quán bia ôm B.T thăm bồ cũ thì chị vợ ập vào, một trận đánh ghen kinh hoàng nổ ra mà bây giờ nhắc lại S. còn xanh mặt.

Minh Hải

 


Trả giá môi trường!

Nguồn tin: NLĐ, 16/8/2005
Ngày cập nhật: 18/8/2005

Tình trạng cá tra, ba sa liên tục rớt giá, hàng chục ngàn người nuôi cá ở ĐBSCL đang ngồi trên chảo lửa vì thua lỗ do không có đầu ra. Ngược lại, các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu lại than không có nguyên liệu để sản xuất. Nghịch lý này đang là vấn đề tranh cãi giữa người nuôi và DN.

gười nuôi cá cho rằng DN ép giá, làm tiền nông dân, còn DN đưa ra lý do là không tìm được nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng.

Đúng sai không bàn đến. Tuy nhiên, xét dưới góc độ môi trường, đây là hậu quả tất yếu mà hiện nay người nuôi cá đang phải trả giá.

Còn nhớ ở thời điểm năm 2003, khi Mỹ chưa kiện VN bán phá giá mặt hàng này, sản lượng cá tra, ba sa của toàn khu vực ĐBSCL chỉ xấp xỉ 150.000 tấn, nhưng hiện nay con số này đã là 300.000 tấn, tăng 100%, một tốc độ khó có mặt hàng nào theo kịp. Sự phát triển quá nóng nhưng lại không có quy hoạch, định hướng. Người nuôi cá tận dụng triệt để thời gian, diện tích ao nuôi, để làm sao sản xuất được càng nhiều càng tốt. Kết quả, môi trường nuôi bị ô nhiễm, giá thành sản xuất tăng vọt, lợi nhuận “teo” lại. Tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN cho thấy, trước đây tỉ lệ hao hụt trong nuôi cá ba sa từ khi thả con giống đến thu hoạch, chỉ chiếm 5%, giờ đã là 25%-30%. Chưa hết, người nuôi cá còn phải gánh thêm 10% chi phí sử dụng thuốc để chữa bệnh cho cá, thay vì trước đây chỉ là 1%. Tồi tệ hơn, do lạm dụng thuốc vô tội vạ, không kiểm soát, nên sản phẩm làm ra bị nhiễm kháng sinh chiếm tỉ lệ quá cao (trên 50%), ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu. Canada được coi là thị trường mới và tiềm năng cho sản phẩm này, nhưng từ đầu năm đến nay lượng xuất khẩu sang nước này giảm sút nghiêm trọng do số container hàng bị trả về ngày càng nhiều.

Sự trả giá cho môi trường quá đắt. Bài học này không mới mẻ gì, bởi trước đây ngành công nghiệp tôm cũng đã vấp phải, nhưng không ai cảnh báo hoặc quy hoạch cho người nuôi. Hội nhập, hàng rào thuế quan được xóa bỏ, nhưng bù lại là hàng rào về kỹ thuật, an toàn thực phẩm được tăng cường, và xu hướng người tiêu dùng ngày càng hướng đến thực phẩm... sạch. Nếu không bắt tay vào xây dựng chiến lược tiêu chuẩn chất lượng cho con cá ba sa ngay từ bây giờ, hậu quả không chỉ dừng lại ở sự “cãi nhau” giữa người nuôi và nhà chế biến, mà là sự tẩy chay của khách hàng đối với sản phẩm thủy sản thế mạnh của VN.

Lê Cường


Tăng cường kiểm tra việc sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản

Nguồn tin: NLĐ, 18/8/2005
Ngày cập nhật: 18/8/2005

Ngay sau khi có thông tin về lô hàng cá da trơn nhập vào thị trường Mỹ bị nghi nhiễm một loại kháng sinh trị bệnh than, ngày 16-8 Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã có công văn khẩn số 1868/TS-VP gửi các Sở Thủy sản, Sở NN-PTNT, Cục Quản lý chất lượng vệ sinh và thú y thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra hóa chất và kháng sinh từ khâu nuôi, bảo quản đến chế biến các loại thủy, hải sản.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin về lô hàng cá da trơn bị nghi nhiễm kháng sinh cần được kiểm chứng lại, nhiều khả năng cho thấy đây là thông tin có dụng ý không tốt của các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong lĩnh vực buôn bán sản phẩm cá da trơn.

H.Anh

 


ĐBSCL: cung ứng được 37% giống tôm sú thả nuôi

Nguồn tin: TT, 18/08/2005
Ngày cập nhật: 18/8/2005

Theo sở thủy sản các tỉnh ĐBSCL, trong tám tháng đầu năm 2005 các tỉnh này tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm sú lên hơn 472.000ha mặt nước nuôi tôm sú.

Để chủ động nguồn tôm giống, các tỉnh này đã đầu tư nâng cấp và xây dựng được hơn 1.612 trại sản xuất tôm giống và sản xuất được hơn 8,13 tỉ con tôm giống, chiếm 37% so với nhu cầu thả nuôi toàn vùng (22 tỉ con), số còn lại sẽ được nhập từ Bà Rịa-Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng.

TR.VINH

 


Sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản: VN vẫn kiểm soát chặt

Nguồn tin: TT, 18/8/2005
Ngày cập nhật: 18/8/2005

Ngày 17-8, Bộ Thủy sản phát thông báo khẳng định ngành thủy sản VN đã và đang kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản.

Thông báo khẳng định lâu nay chủ trương của Chính phủ là nghiêm cấm việc lưu thông và sử dụng trong nuôi trồng thủy sản các loại hóa chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, phù hợp với danh mục thuốc và hóa chất bị cấm tại các thị trường nhập khẩu khác.

Thông báo trên cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thủy sản địa phương và đặc biệt là Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản phải tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc và hóa chất từ khâu nuôi, bảo quản đến chế biến thủy sản.

Hai tiểu bang Louisiana và Mississippi (hai bang nuôi cá da trơn lớn nhất nước Mỹ) vừa ra lệnh ngưng bán các mặt hàng thủy sản VN với lý do các cơ quan chức năng đã phát hiện trong cá nhập từ VN có dư lượng loại kháng sinh thuộc dòng flouroquinolones - một loại kháng sinh vừa bị cấm trong thực phẩm của Mỹ.

Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi có được, trong số các lô hàng cá nhập vào Louisiana chỉ có hai lô của hai doanh nghiệp VN bị nghi ngờ có dư lượng flouroquinolones, hiện vẫn đang được giữ lại để kiểm tra.

H.ĐĂNG

 


Đồng Tháp: Xây dựng thêm 5 nhà máy chế biến cá tra, cá ba sa xuất khẩu

Nguồn tin: BCT, 17/8/2005
Ngày cập nhật: 18/8/2005

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 5 nhà máy chế biến cá tra, cá ba sa xuất khẩu với tổng công suất 35.000 tấn cá thành phẩm mỗi năm, có khả năng tiêu thụ khoảng 105.000 tấn cá nguyên liệu. Tuy nhiên, thời gian qua do sản phẩm cá tra và ba sa xuất khẩu bị giảm nên tỉnh hiện còn tồn khoảng 10.000 tấn cá chưa tiêu thụ được.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng xuất khẩu của mặt hàng này còn rất lớn. Điều cốt lõi là phải mở rộng thị trường xuất khẩu, qui hoạch vùng nuôi và thời gian thu hoạch, cũng chưa tuân thủ các nguyên tắc trong chăn nuôi sản phẩm đạt chất lượng cao.

Trên cơ sở đó, tỉnh Đồng Tháp đang đề ra kế hoạch từ đây đến năm 2010 sẽ phát triển thêm 5 nhà máy chế biến với sức tiêu thụ nguyên liệu cá tra, ba sa tăng gấp đôi so với hiện nay. Để thực hiện được kế hoạch trên, tỉnh đang đẩy nhanh đầu tư hạ tầng các vùng nuôi thủy sản, nhân rộng các vùng nuôi thí điểm đạt hiệu quả cao; triển khai vùng nuôi an toàn vệ sinh thủy sản và tăng cường quản lý chất lượng cá nuôi.

TRANG NHÃ


Sóc Trăng: Nuôi ếch Thái Lan thu lãi cao

Nguồn tin: BCT, 17/8/2005
Ngày cập nhật: 18/8/2005

Một trong những mô hình phát triển kinh tế nông hộ đang được các huyện, thị trong tỉnh Sóc Trăng đánh giá đạt hiệu quả cao là nuôi ếch Thái Lan. Toàn tỉnh hiện có khoảng 90 hộ ở huyện Thạnh Trị, Ngã Năm, thị xã Sóc Trăng… nuôi ếch Thái Lan theo mô hình thâm canh trong các ao, bể gần nhà. Nhiều hộ nuôi ếch ở huyện Thạnh Trị cho biết, chỉ cần một cái ao rộng 15-18 m2, sâu 30 cm bao lưới phía trên là có thể thả nuôi khoảng 1.000 con. Sau từ 3-4 tháng ếch sẽ đạt trọng lượng từ 4-5 con/kg.

Với giá bán 25.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí người nuôi thu lãi từ 12.000 – 15.000 đồng/kg.

SONG NGUYỄN


Inspectors Comb the State for Vietnamese Seafood

Nguồn tin: ldaf, 15/8/2005
Ngày cập nhật: 17/8/2005

PRESS RELEASE

http://www.ldaf.state.la.us; August 15, 2005

Since Friday, the Department of Agriculture and Forestry has stopped the sale of nearly 700,000 pounds of Vietnamese seafood that could be adulterated, Commissioner of Agriculture and Forestry Bob Odom said this afternoon.

“We’re going from location to location making sure we find it all,” Odom said. “We’re not trying to disrupt business or treat anyone unfairly, we are enforcing the law. There is a reason the FDA has a zero-tolerance for this antibiotic and it’s to protect you and me and our children and grandchildren.”

Odom introduced an emergency declaration Friday stopping the sale of all Vietnamese seafood after the FDA found fluoroquinolones, a class of antibiotics, in basa fish imported from the Asian country. The seafood must be tested and found clean before it can be released for sale.

“I’ve said this before and I will say it again, we must all play by the same rules. If we can’t use these substances in U.S. food production, then countries we do business with shouldn’t use them either. We all have to abide by the same rules,” Odom said.

Inspectors are going to cold storage facilities, seafood markets, restaurants, grocery stores and other retail establishments to locate all of the Vietnamese product in the state. Odom said the inspectors have found basa, crab meat and other seafood from the country.

“When families sit down to eat, I want them to enjoy their meal and feel confident that it is safe for them to eat. As Commissioner, I feel it is my duty to ensure that people know what they are getting and that it meets all of the federal requirements,” Odom said. “I want people to continue eating seafood, beef, poultry, produce and all the other great foods we have out there without worry.”

Vietnamese basa used to be sold in Louisiana as catfish until the state Legislature in 2004, at the urging of catfish farmers and Odom, forced distributors and retailers to use the proper name for the fish. Vietnamese basa is not from the same family and does not look anything like U.S. catfish in the wild. It had always been known as basa or tra in Vietnam.

-30-

 


Cá da trơn Việt Nam bị kiểm tra ở Mỹ

Nguồn tin: SGGP, 17/8/2005
Ngày cập nhật: 17/8/2005

 


Giá tôm sú lại đột ngột giảm mạnh

Nguồn tin: VNeconomy, 15/08/2005
Ngày cập nhật: 17/8/2005

Bên cạnh hiện tượng tôm nguyên liệu giảm giá, thì tình hình tiêu thụ tôm sú cũng gặp nhiều khó khăn.

Từ đầu tháng 8/2005, giá tôm sú tại khu vực ĐBSCL lại đột ngột giảm mạnh từ 10.000-12.000 đồng/kg.

Theo nhiều hộ nuôi tôm sú tại Bến Tre, loại tôm cỡ 40 con/kg hiện nay chỉ còn 60.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng/kg so với cuối tháng trước; loại tôm cỡ 30 con/kg hiện có giá 80.000 đồng/kg giảm 7.000 đ đến 8.000 đồng/kg.

Bên cạnh hiện tượng tôm nguyên liệu giảm giá, thì tình hình tiêu thụ tôm sú cũng gặp nhiều khó khăn. Một chủ trang trại tôm ở huyện Bình Đại Bến Tre cho biết: “Số tôm vừa thu hoạch của gia đình chỉ bán được giá gần 56.000 đồng/kg với loại cỡ khoảng 45 con /kg, giá này đã rẻ nhưng còn bị thương lái chê lên, chê xuống”.

K.Dũng

 


DECLARATION OF EMERGENCY: Fluoroquinolones in Seafood

Nguồn tin: DNT, 16/8/2005
Ngày cập nhật: 17/8/2005

Ghi chu :

Odom la ten cua Uy vien Nong Nghiep va Lam Nghiep tieu bang Louisiana.

Fluoroquinolones la nhom khang sinh co cac type nhu : Ciprofloxacin , Enrofloxacin .....

LSU : Louisiana State University

----------------------------------------------------------

Odom Issues Stop Sale on Vietnamese Seafood

August 12, 2005

The Department of Agriculture and Forestry is placing a stop sale on all Vietnamese seafood products until they can be tested for an outlawed substance, Commissioner of Agriculture and Forestry Bob Odom said.

The FDA notified the Department of Agriculture and Forestry of the presence of the substance in some fish and asked the department for assistance.

“Some of the basa contains an antibiotic that FDA has established a zero-tolerance policy for in food,” Odom said. “Our Agro-Consumer Services inspectors are locating all of the product now and will put a stop sale on it until the companies can have it tested in an approved laboratory showing it is free from contamination.”

The department will conduct regulatory sampling and testing in its Baton Rouge lab on the LSU campus.

The FDA has a zero-tolerance policy in place on a class of antibiotics known as fluoroquinolones which were found in the imported basa from Vietnam.

“When a zero-tolerance policy is there, it has to be enforced and that’s what we’re doing,” Odom said. “The health of our consumers is critical to food producers in the United States and it needs to be that way in countries who expect us to buy and eat their food. We cannot put regulations and constraints on our producers and then allow imported food to violate those regulations. I am glad the FDA is taking action and we’ll work with them until all of the affected product is identified and taken off the market.”

Officials believe the affected fish are not only in Louisiana. Odom said his department is also working with Mississippi and Alabama on this issue.

“The Mississippi and Louisiana departments are working closely with FDA in surveillance efforts to detect Vietnamese fish that may have been adulterated,” Dr. Lester Spell, Mississippi commissioner of agriculture and commerce, said. “Bob Odom and the Department of Agriculture and Forestry have always worked closely with us in helping protect consumer interests. This is another example of state agencies working together for a common goal.”

Odom said his inspectors will also sample and test other Vietnamese seafood products for fluoroquinolones.

Vietnamese basa used to be sold in Louisiana as catfish until the state Legislature in 2004, at the urging of catfish farmers and Odom, forced distributors and retailers to use the proper name for the fish. Vietnamese basa is not from the same family and does not look anything like U.S. catfish in the wild. It had always been known as basa or tra in Vietnam until they began shipping it to the United States and the name was changed from basa to catfish.

Basa and catfish were in the news recently as groups performed “taste test” research in Mississippi and Baton Rouge.

“We are concerned and disappointed to see the basa fish used in a taste test in Baton Rouge last weekend could have contained a chemical banned by the federal government for use in food-producing animals,” Odom said.

-----------

Toàn văn bản báo cáo của ông BOB ODOM:

Declaration of Emergency - Fluoroquinolones

August 12, 2005

DECLARATION OF EMERGENCY

Department of Agriculture and Forestry

Office of the Commissioner

Fluoroquinolones in Seafood

(LAC 7:XXXV. Chapter 1)

The Commissioner of Agriculture and Forestry hereby adopts the following emergency rules governing the testing and sale of seafood in Louisiana. These rules are being adopted in accordance with R.S. 3:2A, 3:3B, R.S. 3:4608 and the emergency rule provisions of R.S. 49:953 B of the Administrative Procedure Act.

The Commissioner has promulgated these rules and regulations to implement standards relating to Fluoroquinolones in seafood that are consistent with standards adopted by the United States Food and Drug Administration, (FDA), regarding Fluoroquinolones in foods. All seafood sold in Louisiana must meet the standards set out in these regulations prior to distribution and sale of seafood in Louisiana.

Fluoroquinolones is a broad-spectrum antibiotic that has been restricted by the FDA for use in humans only. The FDA banned the extra label use of Fluoroquinolones in food producing animals in 1997 after determining that such use presented a risk to the public health. That ban is still in effect, see (21 CFR 530.41). “Extralabel use” means “actual use or intended use of a drug in an animal in a manner that is not in accordance with the approved labeling,” see 21 CFR 530.3(a).

Since, the FDA has not established a safe level, tolerance level or safe concentration for Fluoroquinolones there is a zero tolerance level for Fluoroquinolones. Therefore, foods in which Fluoroquinolones are found are adulterated foods under the United States and Louisiana Food, Drug, and Cosmetics Acts.

Fluoroquinolones have been known to cause hypersensitivity or allergic reactions, toxicity-related reactions, and to an increased prevalence of infections due to antibiotic-resistant microorganisms. Hypersensitivity reactions can include life-threatening anaphylaxis, as well as urticaria, dermatitis, vomiting, and diarrhea. There is a significant chance that these reactions may be attributed to other factors, thereby causing a misdiagnosis, and subsequent mistreatment of a person’s medical condition.

Toxicity can affect multiple organ systems and include peripheral neuropathies, seizures, phototoxicity, tendon rupture, fatal drug interactions and arthropathies in children. Fluoroquinolones should not be taken by pregnant and lactating women due to concern over the potential effect on a developing fetus.

The sale in Louisiana of seafood adulterated with Fluoroquinolones will expose Louisiana’s citizens, including unborn children and nursing infants, to Fluoroquinolones and to the potential risks cited above, thereby presenting an imminent peril to the public’s health, safety and welfare.

The Commissioner of Agriculture and Forestry has, therefore, determined that these emergency rules are necessary to immediately implement testing of seafood for Fluoroquinolones, to provide for the sale of seafood and any products containing seafood that are not contaminated with Fluoroquinolones. These rules become effective upon signature and will remain in effect 120 days, unless renewed by the Commissioner or until permanent rules are promulgated.

Title 7

Agriculture and Animals

Part XXXV Agro-Consumer Services

Chapter 1. Weights and Measures

§147. Fluoroquinolones in seafood prohibited; testing and sale of

A. Definitions.

1. “Food producing animals” means both animals that are produced or used for food and animals that produce material used as food.

2.“Geographic area” means a country, province, state, or territory or definable geographic region.

3.“Seafood” means any edible freshwater or saltwater fish or shellfish, whether whole, portioned, processed and any product containing Seafood.

B. No seafood may be held, offered or exposed for sale, or sold in Louisiana if such seafood contains Fluoroquinolones.

C. No seafood that is harvested from or produced, processed or packed in a geographic area, that the Commissioner declares to be a location where Fluoroquinolones is being used on or found in food producing animals or in products from such animals, may be held, offered or exposed for sale, or sold in Louisiana without first meeting the requirements of Subsection E. No seafood from any such geographic area may be used, as an ingredient in any food held, offered or exposed for sale, or sold in Louisiana without first meeting the requirements of Subsection E.

D. The Commissioner may declare a geographic area to be a location where Fluoroquinolones is being used on or found in food producing animals or in products from such animals, based upon information that would lead a reasonable person to believe that Fluoroquinolones is being used on or found in food producing animals, or in products from such animals, in that geographic area.

1.Any such declaration shall be subject to promulgation in accordance with the provisions of the Administrative Procedure Act.

2.The Commissioner may release any such geographic area from a previous declaration that Fluoroquinolones is being used on food producing animals in that location. Any such release shall be subject to promulgation in accordance with the Administrative Procedure Act.

E. Seafood that comes from a geographic area declared by the Commissioner to be a location where Fluoroquinolones is being used on, or is found in food producing animals or in products from such animals, must meet the following requirements for sampling, identification, sample preparation, testing and analysis before being held, offered or exposed for sale, or sold in Louisiana.

1. Each sample shall consist of a case per lot of seafood.

2. Each sample shall be identified as follows:

a. Any package label;

b. Any lot or batch numbers;

c. The country, province and city of origin;

d. The name and address of the importing company;

e. Unique sample number identifying the group or batch sample and subsample extension number for each subsample.

3. Sample Preparation:

a. The laboratory shall randomly selects 12 filets of fish from the case, remove any skin, and cut each filet in half. Use half of the sample for the original analysis portion and retain the other half of the sample in a freezer as a reserve. Thoroughly blend the halves of the filets to be tested.

b. For all other seafood take samples from 12 randomly selected areas of each case in an amount to equal approximately one pound. Remove any skin or shell and thoroughly blend the meat. After the sample is blended, split the sample in half, setting aside one-half for testing and reserving the other half in a freezer.

4. Sample Analysis:

a. Remove for testing, approximately 2 grams from the portion of the sample being tested.

b. The sample is initially tested using liquid chromatography with florescent detection. Samples that test positive are to be retested for confirmation of the initial test result using liquid chromatography with electrospray mass spectroscopy.

c. The initial test shall conform to the test method authored by Roybal et al in the Journal of AOAC International, Volume 85, Number 6, 2002, page 1293, or current FDA methods. The confirmation testing shall conform to FDA LIB 4108 or current FDA methods.

d. Other methods for sampling, identification, sample preparation, testing and analysis may be used if expressly approved in writing by the Commissioner.

5. Any qualified laboratory may perform the testing and analysis of the samples unless the laboratory is located in any geographic area that the Commissioner has declared to be a location where Fluoroquinolones is being used on or found in food producing animals, or in products from such animals. The Commissioner shall resolve any questions about whether a laboratory is qualified to perform the testing and analysis.

6. The laboratory that tests and analyzes a sample or samples for Fluoroquinolones shall certify the test results in writing.

7. A copy of the certified test results along with the written documentation necessary to show the methodology used for the sampling, identification, sample preparation, testing and analysis of each sample shall be sent to and actually received by the Department prior to the seafood being held for sale, offered or exposed for sale, or sold in Louisiana.

a. The test results and accompanying documentation must contain a test reference number.

b.The certified test results and the accompanying documentation must be in English and contain the name and address of the laboratory and the name and address of a person who may be contacted at the laboratory regarding the testing of the seafood.

8. Upon actual receipt by the Department of a copy of the certified test results and written documentation required to accompany the certified test results then the seafood may be held, offered or exposed for sale, or sold in Louisiana, unless a written stop-sale, hold or removal order is issued by the Commissioner.

9. A copy of the test results, including the test reference number, shall either accompany every shipment and be attached to the documentation submitted with every shipment of such seafood sent to each location in Louisiana or shall be immediately accessible to the Department, upon request, from any such location.

H. Any person who is seeking to bring seafood that is required to be sampled and tested under this Section, into Louisiana, or who holds, offers or exposes for sale, or sells such seafood in Louisiana shall be responsible for having such seafood sampled and tested in accordance with Subsection E. Any such person must, at all times, be in full and complete compliance with all the provisions of this Section.

I. The Commissioner may reject the test results for any seafood if the Commissioner determines that the methodology used in sampling, identifying, sample preparation, testing or analyzing any sample is scientifically deficient so as to render the certified test results unreliable, or if such methodology was not utilized in accordance with, or does not otherwise meet the requirements of this Section.

J. In the event that any certified test results are rejected by the Commissioner then any person shipping or holding the seafood will be notified immediately of such rejection and issued a stop-sale, hold or removal order by the Commissioner. Thereafter, it will be the duty of any such person to abide by such order until the Commissioner lifts the order in writing. Any such person may have the seafood retested in accordance with this Section and apply for a lifting of the Commissioner’s order upon a showing that the provisions of this Section have been complied with and that the seafood are certified as being free of Fluoroquinolones.

K. The Department may inspect, and take samples for testing, any seafood, of whatever origin, being held, offered or exposed for sale, or sold in Louisiana.

L. A stop-sale, hold or removal order, including a prohibition on disposal, may be placed on any seafood that does not meet the requirements of this Section. Any such order shall remain in place until lifted in writing by the Commissioner.

M. The Department may take physical possession and control of any seafood that violate the requirements of this Section if the Commissioner finds that the seafood presents an imminent peril to the public health, safety and welfare and that issuance of a stop-sale, hold or removal order will not adequately protect the public health, safety and welfare.

N. The Commissioner declares that he has information that would lead a reasonable person to believe that Fluoroquinolones is being used on or found in food producing animals or in products from such animals, in the following geographic area(s):

1.The geographic area or areas are:

a.The country of Vietnam.

1.All seafood harvested from or produced, processed or packed in any of the above listed geographic areas is hereby declared to be subject to all the provisions of this Section, including sampling and testing provisions.

O. All records and information regarding the distribution, purchase and sale of seafood or any food containing seafood from the listed geographic areas shall be maintained for two years and shall be open to inspection by the Department.

P. Penalties for any violation of this Section shall be the same as and assessed in accordance with R. S. 3:4624.

Q. The effective date of this Section is August 12, 2005.

AUTHORITY NOTE: Promulgated in accordance with R.S. 3:2, 3:3, & 3:4608.

HISTORICAL NOTE: Promulgated by the Department of Agriculture & Forestry, Office of the Commissioner, LR ( ).

SIGNED AND ATTESTED TO on August 12, 2005 at Baton Rouge, LA.

BOB ODOM, COMMISSIONER

Nguon tin: Duong Minh Tri

Mekong Seafood Consultant Pte.

 

 


Mỹ hỗ trợ tôm Bangladesh, đe doạ xuất khẩu tôm VN!

Nguồn tin: VNN, 16/08/2005
Ngày cập nhật: 17/8/2005

 


Thủy sản VN có nguy cơ bị cấm nhập vào Lousiana

Nguồn tin: VNN, 17/08/2005
Ngày cập nhật: 17/8/2005

 


Tiêu thụ cá basa tăng mạnh

Nguồn tin: WAG, 15/8/2005
Ngày cập nhật: 16/8/2005

 


Châu Thành: Nuôi lươn Một vốn, mười lời

Nguồn tin: WAG, 16/8/2005
Ngày cập nhật: 16/8/2005

Anh Võ Văn Măng ở tuyến dân cư Thanh Niên thuộc xã Vĩnh Bình (Châu Thành) nuôi 13kg lươn giống trong ao đất lót ni-lông 9m2, chi phí đầu tư 380.000 đồng. Sau 4 tháng nuôi thu hoạch được 130kg lươn thịt, bán giá 65.000 đồng/kg, lời gấp 10 lần vốn đầu tư. Sở Khoa học- Công nghệ và Trung tâm Khuyến nông An Giang đang tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi theo mô hình này cho nông dân. Hiện nay, ở các xã Cần Ðăng, Vĩnh An, Vĩnh Bình… có tới vài trăm hộ nuôi lươn.

CAO TÂM


Phú Yên: Lần đầu tiên giao diện tích mặt nước cho ngư dân làm chủ

Nguồn tin: Vasep, 15/8/2005
Ngày cập nhật: 16/8/2005

Lần đầu tiên ngư dân Phú Yên được giao toàn quyền làm chủ quản lý diện tích mặt nước để chủ động khai thác có hiệu quả và tự giác bảo vệ môi trường vùng biển. Mô hình này vừa được thực hiện thí điểm tại đầm Cù Mông, huyện Sông Cầu - vùng biển vốn rất phức tạp lâu nay về tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng và khai thác huỷ diệt.

Bước đầu, UBND huyện Sông Cầu tiến hành giao hơn 90ha diện tích mặt nước cho ngư dân 3 thôn Hoà Hiệp, Phú Dương và Vịnh Hoá thuộc xã Xuân Thịnh. Hiện người dân đang cùng chính quyền xây dựng quy chế quản lý, khai thác và bảo vệ vùng biển do mình quản lý lâu dài cũng như thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước.

(TN) Tuổi trẻ, 13/8/2005


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang