• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng tôm tự quản ở Vinh Thanh

Nguồn tin: KHPT, 16/9/2005
Ngày cập nhật: 16/9/2005

Phía đông cầu Trường Hà (dài gần 900m) nối đôi bờ phá Tam Giang, trên tầm cao nhìn xuống, xã biển Vinh Thanh (Phú Vang TT. Huế) hiện ra trước chúng tôi san sát những đồng tôm như bàn cờ. Vinh Thanh khác hẵn những xã ngư nghiệp lân cận, người dân nơi đây từ thế hệ này sang thế hệ khác, rất giỏi làm ruộng vườn, cần cù biến đất cát trắng bạc màu trở thành xanh tươi cây trái. Vinh Thanh không chỉ cung cấp đủ loại rau quả cho các chợ sầm uất vùng biển (Thuận An, Cự Lại, Hà Thanh, Mỹ Lợi, Tư Hiền), rau quả Vinh Thanh còn theo tàu buôn lên đến thành phố Huế (các chợ An Cựu, Bến Ngự, Đông Ba). Ruộng vườn đã thu hút hầu hết thời gian, công sức của người lao động, vì vậy Vinh Thanh đến với nghề nuôi tôm chậm chân hơn các xã Vinh Hưng, Vinh An, Phú Diên, Phú Thuận. Nhưng thật đáng nói là anh lính mới Vinh Thanh từ những năm nhảy vào nghề nuôi tôm, tuy đi sau nhưng lại thu được hiệu quả tốt, độ an toàn cao, trong khi đàn anh đi trước lao đao công nợ vì dịch bệnh.

Chủ tịch Hội nông dân phấn khởi kể: Không đâu xa, trong năm 2004 vừa qua, nhiều hộ nuôi tôm già dặn kinh nghiệm ở Phú Vang (Phú An, Phú Diên) phải trắng tay, lâm cảnh nợ nần, thì 84 hộ nuôi tôm ở Vinh Thanh lại thu vào 6 tỷ đồng. 35 ha hồ nuôi tôm khiêm tốn cho họ lãi ròng hơn 2,7 tỷ ! Các đàn anh trong nghề nuôi tôm ở xã Phú Diên, Phú An, Phú Xuân khá bất ngờ thừa nhận với chúng tôi: Trước con số 76 tấn tôm/35 ha của Vinh Thanh, bình quân đạt 2,1 tấn/ha/năm là hy vọng của mọi chủ hồ. Đáng nể nhất là cả năm, nhà nào không lãi lớn cũng hòa vốn, nên nhớ hòa vốn cũng bằng việc trồng trọt ruộng vườn xưa kia đấy ! Vinh Thanh lính trẻ còn chơi trội, dám nuôi tôm cưỡng vụ.

Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh - Nguyễn Thanh Liêm nói: Điều hành việc nuôi tôm của xã là tôi, nhưng lúc xuống hồ tôm của cá nhân mình, tôi phải nghe lời ông quản lý. Ông quản lý không ai xa lạ là một chủ hồ được mọi người tín nhiệm bầu công khai bằng cách giơ tay, theo tiêu chí: có kinh nghiệm, có uy tín và biết tổ chức kế hoạch ...

Mỗi vùng nuôi tôm theo địa giới tự nhiên họp bàn, bầu lên một ông quản lý như thế. Không có khoản thù lao nào cho cái chức trưởng ban quản lý, nhưng rất có uy vì không chủ hồ nào dám trái lệnh của ông ! Phải biết xác định vì lợi chung gắn với lợi riêng, ông trưởng ban lo ngay ngáy trước các đồng nghiệp. Ông Xuân - trưởng ban, ngày nào cũng giương mắt kính lão đọc báo, đêm nghe đài đến khuya, để nắm tình hình dịch bệnh, thời tiết. Ông Yên thì bỏ tiền túi nhảy tàu lửa vào Quảng Nam học thêm nghề ương tôm giống về giúp bà con. Ông Vinh sáng nào cũng sục sạo từng hồ xem nước nôi, nước bẩn một tí là ông lên tiếng.

Cách làm của người dân Vinh Thanh kể ra rất đơn giản. Khi nghe tin có dịch bệnh ở vùng tôm nào, lập tức trưởng ban báo động cho đóng các hồ, chặn nước bên ngoài vào. Hồ nhiễm bệnh được lệnh phải vét hồ ngay, phun thuốc, không để dịch bệnh lây lan sang hồ khác. Ngay từ khâu chọn mua tôm giống, ở các xã khác dân hay ham rẻ, mua tôm giống ngoài thị trường trôi nổi. Các ông quản lý ở Vinh Thanh cấm bà con triệt để không được nghe dụ khị, mua tôm chưa qua kiểm dịch trên thị trường. Ba năm gần đây, Vinh Thanh cũng thành công trong việc ương tôm giống đủ cung ứng cho các hồ trong xã.

Việc làm tự quản ở VinhThanh là lời giải đúng cho khâu khó nhất mà các cán bộ Trung tâm bảo vệ và phòng chống dịch bệnh nuôi trồng thủy sản vẫn than thở: Dân trốn kiểm dịch để đở tốn tiền giống, ham rẽ mua tôm giống không rõ xuất xứ, tháo nước hồ lung tung gây lây lan dịch bệnh ...

Còn việc học tập kinh nghiệm, kiến thức nuôi tôm thì gặp chăng hay chớ, đâu có tổ chức thường xuyên trà đàm (nói chuyện uống trà) như ở Vinh Thanh. Dịch bệnh - trắng tay - nợ nần ... song người nuôi tôm lâu nay vẫn mua con giống không qua kiểm dịch, nuôi thả không có kế hoạch, tháo đóng nguồn nước tùy tiện, dẫn đến lây lan dịch bệnh ở diện rộng ! Vì vậy, mô hình tổ tự quản ở Vinh Thanh có cách phòng dịch, chọn giống, ương giống, nuôi tôm trái vụ ... rất hiệu quả, đáng được nhân rộng để người nuôi tôm các nơi khác học tập.

Thuận Hóa

 


 

Cà Mau: Nhân nuôi nghêu giống ở bãi biển Khai Long

Nguồn tin: BCT, 16/9/2005
Ngày cập nhật: 16/9/2005

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đang phối hợp với Khoa thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thí điểm nhân nuôi nghêu giống ở bãi biển Khai Long trên diện tích 100 ha, vốn đầu tư 400 triệu đồng.

Bãi biển Khai Long thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đoạn từ cửa biển Rạch Rô đến vàm Xoáy - Rạch Tàu dài 15km có vùng bãi cát vươn ra biển hơn 1,5 km. Qua nhiều năm theo dõi của ngành thủy sản Cà Mau, nguồn lợi thủy sản ở đây phong phú về thành phần giống loài tôm, cá và nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Ngoài loài nghêu là đối tượng nhuyễn thể chính còn có sò huyết, vòm, điệp... Việc quy hoạch và quản lý nguồn nghêu giống nhằm phát triển nghề nuôi nghêu trong vùng vừa khai thác hợp lý tài nguyên đất đai, mặt nước, góp phần giữ gìn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, mở ra các mô hình nuôi trồng thủy sản ven biển trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Lê Huy Hải

 


 

Giúp nông dân kiểm dịch con giống cá bống tượng

Nguồn tin: ND, 15/9/2005
Ngày cập nhật: 16/9/2005

Hiện có khoảng 500 hộ dân nuôi cá bống tượng tại các huyện vùng tây sông Hậu gặp khó khăn vì thiếu con giống do con giống mua không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được mầm bệnh, cho nên cá nuôi bị chết nhiều.

Những năm gần đây, loại hình nuôi cá bống tượng lồng bè phát triển mạnh tại các huyện vùng tây sông Hậu. Tại huyện Giồng Riềng và Gò Quao (Kiên Giang) có hơn 3 nghìn hộ nuôi cá bống tượng bằng lồng bè dọc theo triền sông Cái Bé. Cá bống tượng là loại thủy sản có thịt thơm ngon được thực khách ưa chuộng, giá từ 140.000 đến 170.000 đồng/kg, thuận lợi cho các hộ dân tận dụng mặt nước ven sông để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, theo ước tính, hiện có khoảng 500 hộ dân nuôi cá bống tượng gặp khó khăn vì thiếu con giống do con giống mua không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được mầm bệnh, cho nên cá nuôi bị chết nhiều. Ðề nghị Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Chi cục bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có biện pháp nghiệp vụ kiểm soát xuất xứ con giống trước khi bán cho người nuôi; đồng thời cơ quan khuyến ngư có hướng dẫn kỹ thuật, chỉ ra những cách thức và mô hình nuôi cá bống tượng bằng lồng bè tiết kiệm chi phí mà sản lượng cao nhất.

TƯ KIÊN


Cá ngựa... lừa

Nguồn tin: NLD, 15/09/2005
Ngày cập nhật: 16/9/2005

Từ lâu, cá ngựa được dân Việt sử dụng như một thứ “Viagra dân gian” để phục hồi lại phong độ đàn ông cho những người yếu sinh lý. Phân bổ sinh cảnh của cá ngựa chủ yếu là ở vùng biển miền Trung, đặc biệt nhiều ở Nha Trang. Thế nhưng ngay cả ở “thủ phủ cá ngựa” này vẫn đầy rẫy hàng rởm...

Chiều bãi biển Nha Trang nóng sực, lơ thơ vài cây phi lao, cây dừa, ngọn, lá héo rũ trong nắng hè. Một đoàn xe du lịch trờ tới, cửa xe vừa xịch mở thì ở đâu mấy người bán dạo vác tòng teng trên vai, trên tay những bọc ni lông cá ngựa, sao biển, hải long khô đã sán lại, ngọt nhạt: "Cô ơi, mua thứ ông uống bà khen, ông mệt, bà sướng đi...”; “Bác ơi, mua cá ngựa về bồi dưỡng đi, hiệu nghiệm lắm, chỉ một tuần uống rượu cá ngựa là biết hà. Máu cứ rần rật, sung chẳng kém thời trẻ là mấy đâu". Tôi cũng bị vây quanh bởi mấy anh, chị bán cá ngựa dạo. Một người bán hàng tên "Tám béo" cứ nắm lấy vạt áo tôi, dí tận mặt mấy đùm cá ngựa, sao biển, hải long khô mà chèo kéo: "Trông bộ dạng của chú thì biết là khỏe rồi, khỏi cần tẩm bổ nhưng chú nên mua cá ngựa về biếu sếp. Các sếp vào tuổi này là yếu rồi. Cá ngựa ở đây là thứ xịn đấy chứ những chỗ khác toàn là hàng rởm không hà. Chú nhìn đây, sờ vào vây thấy nó mềm, da nhám thì đích thị là cá tốt. Chú lấy, anh để cho mỗi cặp 50.000 đồng. Mua 4 cặp tặng một cặp sao biển. Loại này khô rồi nên về ngâm vài ngày là uống được ngay, chiêm nghiệm hiệu quả ngay. Không khéo được sếp khen quá mà... tăng lương ấy chứ. Tám vừa ba hoa tiếp thị vừa nháy mắt một cách đầy ranh mãnh, mời mọc...

Dường như những lời tiếp thị ngọt ngào đã "ngấm” mấy chị sồn sồn trong đoàn khách du lịch người Bắc lại là người hào hứng mua cá ngựa nhất. Bất chấp cơn nóng hầm hập như thiêu như đốt, các chị vừa lóe xóe mặc cả vừa nhanh tay bóc những túi cá ngựa khô, bới, chọn những con... to nhất rồi tự ghép lại thành cặp. Mỗi cặp như thế giá 35.000 - 40.000 đồng, mua càng nhiều càng giảm giá. Mồ hôi chảy ròng ròng trên những khuôn mặt đỏ hồng như tôm luộc của các chị nhưng xem ra ai nấy đều hỉ hả, mãn nguyện lắm thì phải. Có chị mua được 4 cặp cá ngựa khô rồi mà khi nghe lời rỉ tai của người bán rong "Muốn công hiệu ngay thì mua loại đã ngâm rượu về chỉ việc cho chồng uống, tiện lắm” thì hốt luôn đôi bình cá ngâm, nhỏ bằng hũ Milo, giá mỗi bình 120.000 đồng. Chẳng ai hỏi nhưng chị vẫn ngượng ngập thanh minh với anh em trong đoàn về sự mua quá nhiều cá ngựa của mình rằng: “Tôi mua để biếu... ông thông gia”. Sau khi cầm tiền, đám người bán cá ngựa dạo lại tất tả chạy đến hướng một chiếc xe du lịch khác đang đi chầm chậm. Mấy chị khi nãy vừa mua xong mấy thứ “ông uống, bà khen” nay vẫn đứng lại ngắm nghía đống “chiến lợi phẩm”. Có chị còn cẩn thận tháo dây thun của gói cá ngựa ra, lôi từng con ra mà sờ, mà ngửi rồi bỗng nhiên thốt lên đầy hoảng hốt: “Hình như có mùi nhựa, khét khét là các chị ạ”. Mấy người còn lại mới hoảng hốt, giở túi cá ngựa mình vừa mua ra kiểm tra. Một anh nhanh tay lấy con dao Thái Lan mang theo gọt hoa quả, bổ đôi con cá ngựa ấy ra rồi bật lửa thử đốt. Con cá từ từ cháy, có mùi khét rồi co lại thành một nhúm nâu nâu, có thể kéo ra thành sợi được. "Nhựa, cá ngựa nhựa rồi các bà ạ".

Đem chuyện này kể với Tân - một tài xế chuyên chạy xe đường dài - thì hắn ôm bụng mà cười, cười đến chảy nước mắt: "Các bố mua cá ngựa dạo thì chỉ dính loại bã cá đã ngâm rượu rồi của quán nhậu nó thải ra hoặc cá nhựa thôi. Muốn mua cá xịn phải ra đường Cầu Đá mà lựa". Cả một buổi chiều hôm sau, tôi tách đoàn lẽo đẽo theo Tân đi mua cá ngựa. Lang thang khắp chợ Đầm, đường Cầu Đá, thấy chỗ nào cũng có những cửa hàng treo vắt vẻo, thèo thẽo những dây cá ngựa khô dài cả mét. Một bà chủ dáng to béo ở đường Cầu Đá hỉ hả: "Các chú tìm đến đây là đúng địa chỉ rồi. Chú mua cá khô hay cá ướp đá? Cá khô 30.000 đồng/cặp, cá ướp đá 50.000 đồng/cặp. Cửa hàng có sẵn rượu tốt để ngâm luôn". Tôi cùng Tân lúi húi chọn, sờ ngửi túm cá ngựa khô. Một hồi, Tân bảo giọng ngám ngẩm: "Sờ vào con nào cũng gai gai, cũng nhám nhám, cũng màu trắng ngà. Chịu, chả biết thế nào mà phân biệt nổi cá chưa ngâm với cá ngâm, cá thật với cá nhựa". Lần lữa mãi, cuối cùng bí thế, hắn khuyên tôi: "Ông cứ mua những con còn đang bơi trong bể kính kia kìa. Tuy đắt hơn vài chục ngàn một cặp nhưng là cá thật đấy. Đố ai làm giả được".

Theo NNVN

 


Hướng mới của ngành nuôi trồng thủy sản Cà Mau

Nguồn tin: BCT, 16/9/2005,
Ngày cập nhật: 16/9/2005

Quá ngán ngẩm trước tình trạng tôm nuôi cứ chết liên tục, nhiều nông dân Cà Mau đã nảy ra sáng kiến nuôi xen các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Thế là các loài: cá kèo, cá chim, cá chẽm, cá chình… được đưa vào sống chung với tôm, với lúa. Và chỉ sau gần 1 năm trải nghiệm đã mở ra một hướng đi mới có triển vọng cho ngành nuôi trồng thủy sản Cà Mau.

SỐNG LẠI PHƯƠNG CHÂM: “MUỐN GIÀU NUÔI CÁ”!

Đến mùa nuôi tôm thứ 3 vào cuối năm 2002, ông Ba Ép, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đã thấy rõ sự rủi ro lớn của con tôm nuôi. Cứ sau đúng 2 tháng rưỡi, con tôm lại chết đến đỏ đầm. Ông đã chạy “hết thuốc, hết thầy”, nhưng đều vô ích. Thấy trên đài Cà Mau nói về chuyện một vài người nông dân ở Trần Văn Thời, ở Tân Thành (TP Cà Mau)... đã nuôi cá làm giàu, ông quyết định chuyển hướng làm ăn. Ông liền nuôi cá chẽm và cua và cũng không quên thả thêm vài ngàn con tôm sú giống, nhưng chỉ với ý định nuôi cho có với người ta. Sau gần 8 tháng kể từ khi ông thả mẻ cá chẽm đầu tiên, người dân quanh vùng bất ngờ khi thấy ông chở một xuồng cá chẽm, con nào con nấy to đến 2-3 kg ra chợ Cái Tàu (xã Khánh An, U Minh) bán. Với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, ông thu được gần 20 triệu đồng. Tính ra thì không lớn, vì đất ông rộng đến 2 ha, nhưng ai cũng mừng, vì đã chớm phát hiện ra được một cách làm ăn mới cho vùng quê này.

Nhiều người bắt đầu đi theo con đường mới đầy triển vọng mà ông Ba Ép vừa mở ra. Thế là chẳng những các anh, em, con rể của ông, mà cả xóm rủ rê cùng làm và lan dài ra miệt Cái Tàu, xã Khánh An... Đầu năm 2005, tức sau 2 mùa trúng cua, trúng cá, nhiều hộ dân ở Nguyễn Phích, Khánh An đi thêm bước mới trong việc chuyển hướng sản xuất của mình. Các loại cá giá trị cao như cá chình, cá bống tượng được sưu tầm về nuôi. Hôm chúng tôi đến, bầy cá chình cả ngàn con của ông Ba Ép đã to bằng bắp tay, không dưới 1kg/con, hứa hẹn một vụ thu hoạch với số tiền lên đến bạc trăm triệu đồng. Ông còn khoe, từ ngày nuôi cá xen canh, con tôm nuôi không còn chết trắng như trước, dù năng suất đạt được không cao, song bảo đảm không bao giờ lỗ vốn như trước.

Thực ra, nông dân xã Tân Thành, TP Cà Mau gần một chục năm qua đã có kinh nghiệm nuôi cá đặc sản. Từ một vùng quê nghèo vì đất phèn mặn và lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã phất lên nhờ vào phong trào nuôi cá bống tượng rồi cá chình. Với những ao cá bống tượng rộng chỉ vài chục đến một trăm mét vuông, nhưng thu nhập luôn đạt từ 20 đến 40 triệu đồng/năm, người dân Tân Thành đã đổi đời, trở thành những người nông dân giàu trong tỉnh, xóm làng đổi mới, khang trang. Anh Hận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành mỗi lần nói chuyện với anh em chúng tôi đều không quên nhắc câu “muốn giàu nuôi cá”. Hiện nông dân Tân Thành ai cũng có ao cá, hứa hẹn những vụ thu hoạch bạc chục, bạc trăm triệu đồng/năm. Anh Tiền, chủ vựa cá ở ấp 2 -Tân Thành, khoe: “Từ mấy tháng nay, nông dân ở đây đã bước vào thu hoạch cá chình. Hiện, mỗi ngày, tôi thu mua không dưới 100 ký cá chình. Số vốn mà tôi dùng để mua cá chình, bống tượng của bà con nông dân nơi đây đã lên đến bốn, năm chục triệu mỗi ngày”. Mà trong toàn xã, hiện có gần một chục vựa cá như anh.

Cùng lúc này, ở nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là vùng chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm trước đây như Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân... phong trào xen canh các loài cá giá trị cao đã phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo của Sở Thủy sản Cà Mau, từ đầu năm đến nay sản lượng thu hoạch cá nuôi của bà con nông dân toàn tỉnh liên tục tăng lên, từ 1.000 đến 1.500 tấn/tháng. Riêng hai tháng 7 và 8 vừa qua, con số này đã lên đến 2.000 tấn mỗi tháng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Phong trào nuôi chung các loại cá giá trị cao tại Cà Mau đã đẩy thị trường cá giống phát triển theo. Ông Minh Đức, chủ trại cá giống ở phường 8, TP Cà Mau, cho biết: “Nhu cầu nuôi cá của nông dân tăng lên rất mạnh trong vòng hơn 1 năm qua. Từ chỗ chỉ bán được vài trăm ký cá chình giống trong tháng, nay có ngày chúng tôi bán trên trăm ký cá chình, chưa kể các loại cá khác như chẽm, chim, trê, mè, trôi, chép...”. Gần đó, trại giống Quách Chương, Mười Đắc và nhiều trại không tên khác cũng nườm nượp khách mua suốt ngày...

THÁCH THỨC TỪ KHÓ KHĂN CŨ

Nuôi chung các loại tôm - cá giá trị cao vào vuông tôm đang là một cơ hội mới cho nông dân Cà Mau. Nó được thực tiễn chứng minh rằng chẳng những là cách để vươn lên làm giàu, mà còn là một giải pháp giúp sản xuất bền vững hơn, an toàn hơn nhờ góp phần trả cho môi trường sự cân bằng sinh thái theo những quy luật tự nhiên vốn có. Rất nhiều hộ đã vượt qua khó khăn về kinh tế từ việc nuôi cá, nuôi cua chung trong vuông tôm. Và cũng không ít trường hợp nhờ kiểu làm này mà người nông dân đã trị được căn bệnh tôm chết triền miên trong vuông tôm của mình. Thế nhưng sẽ không dễ nắm bắt cơ hội này nếu không vượt qua được những thách thức mà thực tiễn đang đặt ra.

Những thách thức lớn trước mắt là đồng vốn, kỹ thuật và vấn đề thị trường. Hiện trên 95% nông dân ở vùng chuyển dịch kinh tế từ trồng lúa sang nuôi tôm trước đây đều mắc nợ ngân hàng. Bên cạnh đó là vấn đề kỹ thuật: phong trào xen canh các loại cây con khác nhau trên cùng một diện tích nuôi tại Cà Mau hiện nay được khởi xướng chủ yếu từ sự tự phát của dân. Đương nhiên vẫn có một số địa phương phát triển phong trào này từ các chủ trương, nghị quyết, như ở các địa bàn huyện Ngọc Hiển, Năm Căn. Song hầu hết đều chỉ mới dừng lại ở mức độ là chủ trương chung, chưa có những giải pháp cụ thể, cũng như những kế hoạch chi tiết về giống, vốn, cây trồng vật nuôi và vấn đề thị trường. Từ đó, khiến cho con đường xen canh trong nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau hiện đang đứng trong tình cảnh mạo hiểm và nguy cơ gặp rủi ro cũng rất cao. Đã có một số nông dân thất bại khi chưa nắm vững kỹ thuật mà vội vàng mua về một lô cá giống giá trị cao. Hồi giữa tháng 8 rồi, tại xã Tân Thành đột nhiên đồng loạt các thương lái ngưng mua cá chình làm các hộ nuôi xôn xao. Ông Hai Việt, một hộ nuôi cá thâm niên ở đây kể: “Trong mấy ngày liền, khi biết các chủ vựa không mua cá chình vì nghe đâu phía Đài Loan không ăn hàng nữa, tôi mất ăn, mất ngủ mấy ngày liền. Cứ tưởng phá sản kiểu con trăn hồi đó chứ”. Rất may là sau đó thị trường đã ổn định trở lại. Thế nhưng vụ việc đã để lại một dấu ấn không tốt cho người nuôi cá trước vấn đề chưa ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Từ đó cho thấy, để nắm bắt được cơ hội thực hiện các mô hình xen canh hiệu quả cao, người nông dân Cà Mau đang rất cần sự trợ giúp về vốn, kỹ thuật và cả vấn đề được bảo hộ đầu ra của sản phẩm. Giúp người dân nắm bắt tốt cơ hội này đồng nghĩa với việc tạo bước đột phá cho ngành nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau.

Trần Vũ

 


Tín hiệu vui về đầu ra cho cá tra, cá basa

Nguồn tin: TTXVN, 15/9/2005
Ngày cập nhật: 15/9/2005

 


Giúp nông dân kiểm dịch con giống cá bống tượng

Nguồn tin: ND, 15/9/2005
Ngày cập nhật: 15/9/2005

Hiện có khoảng 500 hộ dân nuôi cá bống tượng tại các huyện vùng tây sông Hậu gặp khó khăn vì thiếu con giống do con giống mua không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được mầm bệnh, cho nên cá nuôi bị chết nhiều.

Những năm gần đây, loại hình nuôi cá bống tượng lồng bè phát triển mạnh tại các huyện vùng tây sông Hậu. Tại huyện Giồng Riềng và Gò Quao (Kiên Giang) có hơn 3 nghìn hộ nuôi cá bống tượng bằng lồng bè dọc theo triền sông Cái Bé. Cá bống tượng là loại thủy sản có thịt thơm ngon được thực khách ưa chuộng, giá từ 140.000 đến 170.000 đồng/kg, thuận lợi cho các hộ dân tận dụng mặt nước ven sông để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, theo ước tính, hiện có khoảng 500 hộ dân nuôi cá bống tượng gặp khó khăn vì thiếu con giống do con giống mua không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được mầm bệnh, cho nên cá nuôi bị chết nhiều. Ðề nghị Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Chi cục bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có biện pháp nghiệp vụ kiểm soát xuất xứ con giống trước khi bán cho người nuôi; đồng thời cơ quan khuyến ngư có hướng dẫn kỹ thuật, chỉ ra những cách thức và mô hình nuôi cá bống tượng bằng lồng bè tiết kiệm chi phí mà sản lượng cao nhất.

TƯ KIÊN


Phải liên kết thành tập đoàn để ổn định đầu ra cho cá tra, cá ba sa

Nguồn tin: BCT, 15/9/2005
Ngày cập nhật: 15/9/2005

 


Để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững

Nguồn tin: QĐND, 12/9/2005
Ngày cập nhật: 14/9/2005

 


Nhơn Hưng, An Giang : 55 hộ nuôi cá trong mùa lũ

Nguồn tin: AG, 13/9/2005
Ngày cập nhật: 14/9/2005

Tận dụng thời gian nông nhàn và nguồn cá tạp dồi dào trong mùa lũ, hiện nay ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên có gần 55 hộ nuôi cá trong vèo và mùng lưới với số lượng trên 22 ngàn con, phần lớn là cá lóc tập trung nhiều nhất ở ấp Đông Hưng (nằm dọc theo tuyến kênh Vĩnh Tế), bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 4.000 con. Trong số đó có gia đình anh Phạm Văn Mộng ở ấp Đông Hưng đang thả nuôi 4.200 con cá lóc đến nay đã gần 50 ngày tuổi và đang tăng trọng nhanh, dự kiến hơn 1 tháng rưỡi nữa sẽ thu hoạch. Năm 2004 anh cũng thả nuôi trên 4.000 con cá lóc nhưng do giá cả ở mức thấp nên thu lãi không cao. Năm nay, qua thăm dò thị trường giá cả có phần ổn định hơn nên anh hy vọng sẽ thu lãi cao.

Qua tìm hiểu của Hội nông dân địa phương, phần đông người nuôi cá ở đây đều cần đến nguồn vốn để mở rộng quy mô nuôi. Mặt khác, vào thời điểm hiện nay cá lóc thường bị bệnh loét lưỡi, ăn không được dẫn đến chết, mong muốn ngành chuyên môn sớm hướng dẫn biện pháp phòng trừ thích hợp và mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cá.

Luân Đôn

 


Tìm sinh kế lâu dài cho cư dân ven đầm

Nguồn tin: BĐ, 14/9/2005
Ngày cập nhật: 14/9/2005

Nhằm phục hồi nguồn lợi trong đầm, tháng 11-2004, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án "Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại". Hiện nay, Sở Thủy sản tỉnh đang nỗ lực triển khai dự án. Xin giới thiệu một số nét cơ bản của dự án này.

* Vài thông số cơ bản

Chủ đầu tư của dự án là Sở Thủy sản Bình Định, với sự tư vấn, hỗ trợ của Viện Hải dương học Nha Trang. Diện tích vùng dự án ước tính khoảng 480 ha, bao gồm: Cồn Chim, Cồn Trạng, Cồn Giá và một phần thủy vực tự nhiên ở phía nam và tây nam Cồn Chim, thuộc các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận - huyện Tuy Phước (gọi chung là vùng Cồn Chim).

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng trên 1,6 tỉ đồng từ vốn ngân sách. Mục tiêu dài hạn của dự án là duy trì tính ổn định sinh thái ở đầm Thị Nại và góp phần phát triển kinh tế bền vững, trên cơ sở sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên. Mục tiêu trước mắt là thiết lập một khu phục hồi sinh thái, bảo tồn nguồn lợi ở Cồn Chim và vùng lân cận. Trong đó, các hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển được phục hồi và bảo vệ; các nguồn lợi được bảo tồn và khai thác sử dụng hợp lý theo quan điểm kinh tế - sinh thái.

Tổng diện tích trong vùng dự án được chia thành các vùng chức năng như sau: Khu vực trồng rừng ngập mặn tập trung (39,6 ha). Khu vực nuôi sinh thái kết hợp với trồng rừng ngập mặn (16,8 ha, trong đó trồng rừng 12 ha). Khu vực bảo tồn thảm cỏ biển và nguồn lợi (13 ha). Khu vực sân chim và trụ sở làm việc (9,5 ha). Khu vực nuôi động vật thân mềm (16 ha). Khu vực trồng rừng phân tán (5 ha dọc theo các bờ đìa). Khu vực nghiên cứu thực nghiệm và phục hồi nguồn lợi thủy sản (25,8 ha). Khu vực triển khai ứng dụng các mô hình nuôi tôm bền vững cho cộng đồng (33,4 ha). Khu vực khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản (321 ha).

Như vậy, khu vực rộng lớn nhất trong vùng dự án là 321 ha sẽ duy trì hoạt động khai thác bình thường của người dân sống trong khu vực. Tuy nhiên, các phương thức khai thác mang tính hủy diệt sẽ được ngăn chặn triệt để, nhằm bảo đảm khai thác hợp lý và duy trì nguồn lợi cho sử dụng lâu bền.

* Hiệu quả của dự án

Dự án được triển khai thành công sẽ mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt. Hệ sinh thái được phục hồi sẽ đảm bảo cân bằng sinh thái, phục hồi đa dạng sinh học, tái tạo nguồn lợi thủy sản, xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan xanh, đẹp cho toàn khu vực. Nguồn giống thủy sản được bảo toàn trong vùng dự án và phát tán ra đầm cho ngư dân khai thác. Các kết quả thử nghiệm của dự án là cơ sở để mở rộng, phát triển nuôi trồng hiệu quả và bền vững hơn.

Môi trường rừng ngập mặn còn là nơi người dân có thể hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế như nuôi ong, khai thác nguồn lợi tự nhiên. Cảnh quan được hình thành trong quá trình thực hiện dự án sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch, mà còn cho cộng đồng địa phương với những hoạt động dịch vụ đi kèm. Lịch sử và thiên nhiên Cồn Chim sẽ là phương tiện giáo dục trực quan về nhiều mặt cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Đây cũng sẽ là khu vực lý tưởng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, làm tiền đề cho việc phục hồi các vùng đầm phá khác.

Quản lý và sử dụng hợp lý khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại còn thể hiện sự hòa nhập tích cực của Bình Định trong hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, là một lĩnh vực đang được ưu tiên của quốc gia và toàn cầu.

. B.L

Kết quả khảo sát từ năm 2002 đến 2003 cho thấy tính đa dạng cao của các loài sinh vật ở vùng Cồn Chim. Đã xác định được 25 loài cây ngập mặn, trong đó có 18 loài cây ngập mặn chủ yếu và 7 loài cây tham gia rừng ngập mặn. Đã xác định 5 loài cỏ biển phân bố ở vùng nước xung quanh Cồn Chim, tạo thành các thảm cỏ biển với diện tích 50 ha.

Kết quả điều tra ở vùng Cồn Chim cũng đã xác định được 64 loài động vật phù du, 76 loài cá thuộc 40 hộ của 12 bộ, trong đó bộ cá vược có số loài nhiều nhất với 23 họ, 45 loài. Đã xác định 35 loài giáp xác, 30 loài thân mềm, 31 loài giun và 1 loài da gai. Đã xác định được 33 loài chim, trong đó có 23 loài chim thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loài thuộc nhóm chim rừng.

(Nguồn: Sở Thủy sản Bình Định)

Cấp thiết phải phục hồi hệ sinh thái đầm Thị Nại

Dự án "Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại" (gọi tắt là "Dự án Cồn Chim") là một công trình đầy tâm huyết của ngành Thủy sản Bình Định, với sự quan tâm ủng hộ và hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và các địa phương ven đầm. Chúng tôi đã trao đổi với kỹ sư Trần Thị Thu Hà - Giám đốc Sở Thủy sản - một số vấn đề về dự án nói trên.

* Xin bà cho biết lý do phải thực hiện "Dự án Cồn Chim" ?

- Đầm Thị Nại với diện tích 5.060 ha, đã được xem là một trong những điểm quan trọng trong kế hoạch "Hành động đa dạng sinh học quốc gia" nhằm quản lý các đầm phá của nước ta. Trước đây, rừng ngập mặn rất phong phú ở đầm Thị Nại, với diện tích có thể lên tới 1.000 ha. Thảm cỏ biển cũng chiếm diện tích khoảng trên 200 ha. Những hệ sinh thái này bảo đảm cho tính đa dạng sinh học cao, cung cấp điều kiện thuận lợi cho sự giàu có của các nguồn lợi thủy sinh và duy trì sự ổn định về môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là trước sức ép về phát triển dân cư, công nghiệp, khai thác và nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch… đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái và vai trò kinh tế của đầm Thị Nại. Chẳng hạn, đã có những ghi nhận về hiện tượng nông hóa đáy đầm, làm cạn các luồng lạch. Dịch bệnh cũng xảy ra nhiều hơn, thường xuyên hơn trong nuôi trồng thủy sản. Cảnh quan bị tàn phá, nguồn lợi thủy sản bị xâm hại, chim chóc bỏ đi… đã làm mất tiềm năng phát triển du lịch ở khu vực này.

Có thể thấy rằng, những vấn đề về sinh thái và kinh tế đều đòi hỏi phải tìm kiếm những giải pháp khả thi nhằm khôi phục lại từng phần chức năng của thiên nhiên, để vừa mang lại lợi ích kinh tế lâu dài, vừa bảo tồn và phát triển được những tài nguyên quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho đầm Thị Nại. "Dự án Cồn Chim" là một trong những giải pháp theo định hướng này.

* Nếu dự án được triển khai thành công, sẽ mở ra những triển vọng gì, thưa bà?

- Khi dự án triển khai có hiệu quả, vùng Cồn Chim sẽ trở thành một khu vực với rừng ngập mặn được phục hồi ở những nơi có thể; các loài thủy sinh vật và chim được bảo tồn để có điều kiện ngày càng dồi dào hơn. Một phần diện tích ở vùng dự án sẽ được sử dụng cho nuôi trồng thủy sản theo quan điểm sinh thái - kinh tế.

Nơi đây cũng sẽ trở thành một điểm du lịch lý tưởng và đầy hấp dẫn. Hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển được phục hồi sẽ đảm bảo duy trì cân bằng về môi trường, xử lý ô nhiễm cho đầm Thị Nại, góp phần giảm thiểu những rủi ro trong nuôi trồng và khai thác thủy sản. Rừng ngập mặn còn là "lá phổi xanh" cho TP Quy Nhơn và các vùng lân cận.

Điều đáng nói là khu sinh thái Cồn Chim được triển khai thành công sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở Khu kinh tế Nhơn Hội thông qua các chức năng của hệ sinh thái và tạo cảnh quan…

* Bà đánh giá như thế nào về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai?

- Tháng 7-2002, một đề tài nghiên cứu khoa học làm tiền đề của dự án, làm điểm trình diễn cho việc phục hồi hệ sinh thái đầm Thị Nại, được UBND tỉnh phê duyệt và cho triển khai. Trong quá trình thực hiện đề tài, cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 2 năm từ đề tài đến dự án là rất nhanh, rất đáng phấn khởi. Bây giờ là lúc chúng tôi bắt tay vào thực hiện các nội dung cụ thể.

Trước mắt là kết hợp với một số địa phương thuộc huyện Tuy Phước triển khai trồng rừng ngập mặn, diện tích khoảng gần 40 ha ở một số nơi thuộc vùng dự án. Thời gian qua, tại khu sinh thái Cồn Chim, một số đề tài nghiên cứu của Trung ương và địa phương đã được triển khai có hiệu quả như: nuôi tôm dưới tán rừng, nuôi hàu thương phẩm, nuôi vẹm xanh và một số loài cá… Đây là tiền đề cho các bước tiếp theo.

Chúng tôi tin rằng, người dân trong vùng dự án rồi sẽ hiểu hơn, ủng hộ hơn, bởi công việc này có mục đích lớn nhất là vì lợi ích lâu dài của bà con. Xin được nói thêm rằng, thực hiện một công trình khoa học cần phải có thời gian, chứ không thể "một chóng một chầy" là được. Tôi mong các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn nữa về mục đích tốt đẹp của dự án.

. Thúy Vi (thực hiện)

 


Hậu Giang: Cá thát lát cườm cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Vasep, 14/9/2005
Ngày cập nhật: 14/9/2005

Cá thát lát cườm là loại cá dễ nuôi, thức ăn pha trộn chủ yếu từ các loại cá tạp đánh bắt tự nhiên nên chi phí không nhiều. Chăm sóc khoảng 10 đến 12 tháng, trọng lượng mỗi con có thể đạt hơn 1 kg. Cá thịt hiện đang được thương lái đến mua tận nơi với giá 50.000 đồng/kg.

Được biết, Hậu Giang đang xúc tiến đăng ký thương hiệu cho loài thủy đặc sản này, đồng thời có kế hoạch đầu tư thủy lợi hợp lý để bảo đảm vệ sinh vùng nuôi, duy trì hiệu quả lâu dài mô hình canh tác mới.

 


Tin ngắn thủy sản các tỉnh: Vĩnh Long, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An

Nguồn tin: Vasep, 12/9/2005
Ngày cập nhật: 13/9/2005

Nghệ An: Quy hoạch thêm 3 vùng nuôi cá bằng lồng trên biển

Tỉnh Nghệ An vừa hoàn thành quy hoạch thêm ba vùng nuôi cá bằng lồng trên biển là: vùng ven đảo Hòn Ngư (thị xã Cửa Lò), vùng phụ cận đảo Mắt (Cửa Lò) và vùng biển xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu). Đây là những nơi hội đủ những điều kiện cần thiết để nuôi cá lồng bè, như: biển ít sóng, môi trường trong lành, gần thị trường tiêu thụ.

Thừa Thiên - Huế: Mở rộng diện tích nuôi tôm

Tỉnh Thừa Thiên - Huế tận dụng diện tích mặt nước vùng phá Tam Giang - Cầu Hai, phát triển diện tích nuôi tôm lên 4.500 ha, tăng 2,5 lần so với năm 2000; năng suất tôm nuôi bình quân tăng 2,9 lần. Sản lượng tôm thu hoạch đạt 4.800 tấn, tăng 7,4 lần. Bình quân mỗi ha nuôi trồng thuỷ sản đạt giá trị thu nhập 57 triệu đồng.

Vĩnh Long: Thành lập 18 tổ hợp tác nuôi cá trên ruộng lúa

Từ đầu năm đến nay, ngành thuỷ sản Vĩnh Long và các phòng nông nghiệp huyện, tỉnh đã thành lập 18 tổ hợp tác nuôi cá trên ruộng lúa, thu hút hơn 400 hộ tham gia, mở rộng diện tích nuôi cá trên ruộng lúa thêm 200 ha. Đây là một mô hình tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả đang được nông dân hưởng ứng tích cực.

 


Cá mú giống xuất hiện trái vụ

Nguồn tin: BBD, 12/9/ 2005
Ngày cập nhật: 12/9/2005

Từ đầu tháng 9 đến nay, đột nhiên cá mú giống xuất hiện rất nhiều ở đầm Đề Gi.

Bình thường, cá mú giống chỉ xuất hiện ở đầm Đề Gi từ tháng 4 - 6 hàng năm, nhưng năm nay lại xuất hiện trái vụ vào tháng 9, điểm đặc biệt là cá giống xuất hiện dày đặc với số lượng lớn hơn bình thường rất nhiều.

Hiện nay, hàng ngày trên vùng đầm này có trên 200 người chuyên vớt cá mú giống và khoảng 10 tư thương chuyên thu gom cá cung cấp cho các hộ có nhu cầu con giống.

Chị Lê Thị Bích Ngọc - một người mua gom cá mú giống cho biết: "Trung bình mỗi ngày, ngư dân khai thác và bán ra chừng 8.000 con cá mú giống, giá 2.500 đồng/con. Bình quân mỗi ngư dân bán khoảng 30 con".

Văn Thý

 


Phòng bệnh cho tôm bằng tỏi

Nguồn tin: BCT, 11/9/2005
Ngày cập nhật: 12/9/2005

Mới đây, một nông dân ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, đã dùng tỏi - một vị thuốc dân gian để phòng bệnh cho tôm và đem lại hiệu quả cao.

Vụ nuôi tôm đầu tiên của năm nay, gần như 100% tôm đã thả nuôi của xã Vinh Xuân đều bị chết, với tổng diện tích hơn 100 ha tôm mất trắng. Nguyên nhân là do dịch bệnh lây lan nhanh qua nguồn nước, nên tất cả các hộ đều thiệt hại. Thường thì các hộ nuôi dùng các loại kháng sinh có sẵn trên thị trường để phòng và trị bệnh cho tôm, nhưng hiệu quả không cao, hàng năm vẫn thua lỗ hàng chục tỉ đồng.

Riêng gần 1 ha hồ tôm của gia đình ông Lê Đức Xuân vẫn cho năng suất cao, trừ chi phí lãi hơn 23 triệu đồng. Đến vụ 2, tình hình lặp lại tương tự. Điều này đã trở thành 1 kỳ tích đối với các hộ cùng làm nghề. Chuyện lạ đó bắt đầu từ việc ông Xuân nảy sinh ý tưởng dùng tỏi để phòng bệnh cho tôm. Nói về sáng kiến của mình, ông Lê Đức Xuân cho biết: “Cái gì trong dân gian trị được cho người thì cũng có thể dùng được cho vật nuôi, xuất phát từ ý tưởng đó tôi nghiên cứu và bắt đầu bỏ không cho tôm ăn thuốc, vì thuốc có lợi trước mắt nhưng có hại về sau, mà tôi cho ăn tỏi. Thời gian tôi ở trong rừng mỗi lần bị cảm cúm đều ăn tỏi để trị cảm cúm, trị môi trường nước non, nên lần này tôi làm thử”.

Khi tôm bị bệnh, gia đình ông Xuân đã thử làm thuốc kháng sinh bằng tỏi cho tôm ăn. Khâu chế biến cũng không phức tạp lắm, củ tỏi được bóc sạch vỏ, giã nhuyễn, đem chưng vàng với dầu thực vật, theo tỷ lệ: 1 kg tỏi cộng với 1 lít dầu ăn, rồi đem trộn với 15 kg thức ăn của tôm, để một thời gian nhất định cho hợp chất trên ngấm đều, sau đó cho tôm ăn cách quãng trong 5 bữa. Thường thì, chỉ cho tôm ăn thức ăn có trộn tỏi trong khoảng từ 7 đến 10 hôm, là tạm nghỉ với thời gian tương đương, sau đó lại tiếp tục. Cứ như thế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Xuân đã tự lập được pháp đồ phòng và trị bệnh cho tôm bằng tỏi. Phòng bệnh cho tôm bằng tỏi có chi phí thấp hơn nhiều so với dùng thuốc.

Ông Lê Đức Xuân cho biết, bình quân trước đây 1 vụ, gia đình ông dùng thuốc bán sẵn trên thị trường chi phí từ 2 đến 3 triệu, vụ vừa rồi chỉ dùng tỏi, chi phí giảm còn khoảng 300.000 đồng. Rõ ràng tỏi đã tăng sức đề kháng cho tôm, nhưng dù như vậy thì cũng phải hết sức cẩn thận trong việc lấy nước vào, bởi nước ô nhiễm luôn mang theo nguồn bệnh, đó là kinh nghiệm của ông Xuân.

Một số hộ cũng đã làm theo ông Xuân, nhưng do không kiên trì làm từ đầu đến cuối, lại chủ quan trong việc lấy nước, nên tôm vẫn dịch bệnh. Tuy nhiên, để bài thuốc trên của ông Xuân có thể sử dụng một cách phổ biến, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm, nghiên cứu và kiểm chứng, bởi rất có thể từ ý tưởng của người nông dân này lại là giải pháp hữu hiệu cho tình trạng dịch bệnh tôm chết tràn lan như hiện nay.

(Theo VTV)

 


Sản xuất thức ăn công nghiệp dạng viên cho nuôi thuỷ sản

Nguồn tin: TT, 12/09/2005
Ngày cập nhật: 12/9/2005

Sau hơn 2 năm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 Trung ương tại Nha Trang (Khánh Hòa) vừa sản xuất thành công loại thức ăn công nghiệp dạng viên dành cho ốc hương.

Đây là loại thức ăn gồm các thành phần bột cá, vỏ sò và một số vitamin có sẵn. Loại thức ăn này đã được đưa vào sử dụng thử nghiệm ở một số địa phương nuôi ốc hương thuộc huyện Vạn Ninh và thành phố Nha Trang cho thấy hiệu quả hơn hẳn thức ăn tươi sống theo cách nuôi truyền thống. Ốc hương tăng trưởng nhanh và ít bệnh.

Đặc biệt, loại thức ăn viên công nghiệp này ít làm ô nhiễm môi trường biển nhờ có chất kết dính không làm cho thức ăn tan rã trong nước.

Thành công này đã giúp cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 có cơ sở để tiếp tục nghiên cứu thêm các loại thức ăn viên tổng hợp phục vụ cho việc nuôi trồng các loại thủy sản khác như tôm, cua, ghẹ, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, hạn chế dịch bệnh có các sinh vật nuôi.

Theo TTXVN

 


Kiên Giang - Sẽ có trung tâm giống thuỷ sản quy mô lớn tại đảo Phú Quốc

Nguồn tin: LĐ, 10/9/2005
Ngày cập nhật: 11/9/2005

Trung tâm trên sản xuất khoảng 3 tỉ con giống/năm, dự kiến sẽ được xây dựng trên diện tích 40ha tại huyện đảo Phú Quốc, do Cty đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đầu tư. Khi dự án hoàn chỉnh vào năm 2007, trung tâm sẽ tiến hành sinh sản nhân tạo cá mú và nhiều loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao.

L.V.S

 


Cá tra, ba sa ở ĐBSCL ứ đọng - Khẩn cấp cứu giúp người nuôi cá!

Nguồn tin: SGGP, 10/9/2005
Ngày cập nhật: 11/9/2005

Giá cá tra, cá ba sa tiếp tục sụt đến mức không thể thấp hơn được nữa. Trong khi đó, lượng cá quá lứa ngày càng tăng theo cấp số nhân. Người nuôi cá đang đứng bên bờ vực phá sản, nhưng doanh nghiệp thì vẫn không mấy “mặn mà” trong việc thu mua nguyên liệu. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao giải quyết hàng chục ngàn tấn cá tồn đọng, cứu người nuôi trong tình cảnh khốn đốn hiện nay.

Cá tồn đọng ngày càng nhiều

Chiều 9-9, cá tra, cá ba sa thịt trắng tuột giá chỉ còn 9.400-9.700đ/kg; cá thịt vàng khoảng 7.500đ/kg… tính bình quân đều thấp hơn chi phí giá thành 1.000-2.000đ/kg. Như vậy, hàng chục ngàn hộ nuôi cá ở ĐBSCL chạy đường “trời” cũng lỗ trắng tay.

Ông Nguyễn Minh Tâm, một “đại gia” nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) chua chát nói: “Mỗi ngày, giá cá diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho người nuôi. Cá quá lứa càng nhiều, người cần bán rất đông nhưng doanh nghiệp không ai thèm đoái hoài tới”.

Năm nay, ông Tâm đầu tư khoảng 20 tỷ đồng nuôi cá tra, cá ba sa, với sản lượng 4.000-6.000 tấn cá. Giá cá như hiện nay chắc chắn không lời. Hiện tại, dưới hầm còn trên 1.000 tấn quá lứa nhưng kêu bán không ai mua.

Dọc theo sông Bồ Ót, chúng tôi tìm đến ấp Thới Bình A, xã Thới Thuận huyện Thốt Nốt. Hàng trăm hầm cá đầy ắp chạy ngút ngàn, đa số đã quá lứa thu hoạch từ vài tháng nay. Anh Hồ Văn Lễ chỉ hầm cá 160 tấn cạnh nhà than thở: “Con nào con nấy đã vượt “chỉ tiêu” chế biến, cả tháng nay tui chầu chực hết nhà máy này đến nhà máy khác. Họ tới bắt lên vài con mổ ra xem… rồi bỏ về. Nóng lòng điện hỏi, họ chỉ trả giá 8.000đ/kg; trong khi giá thành đã là 10.000đ/kg! Cuối cùng kêu bán thì họ hổng mua?!”.

Mỗi ngày ra nhìn hầm cá đầy ắp, vợ chồng anh Lễ rơm rớm nước mắt. Tiền nhà, tiền vay ngân hàng, nợ “nóng”… trên 1 tỷ đồng đổ xuống hầm cá, giờ chịu lỗ te tua. Cá không bán được, vậy mà mỗi ngày anh phải tốn trên 10 triệu đồng mua thức ăn. “Giờ vay ngân hàng không cho, vay nóng cũng chẳng được. Khắp xã này, dân nuôi cá đi đến đâu ai cũng sợ… mượn tiền. Tình hình này kéo dài, cá bị đói sẽ chết dần chết mòn hoặc bị nhiễm bệnh hết. Anh Lễ nói mà như khóc.

Hàng ngàn hộ nuôi cá khác ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… cũng “mất ăn mất ngủ” khi giá liên tục sụt giảm, còn đầu ra thì bế tắc.

Khẩn cấp “cứu” người nuôi cá!

Đến thời điểm này, Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL chưa thể thống kê được sản lượng cá tra, cá ba sa tồn đọng bao nhiêu. Nhưng số lượng cá quá lứa trong dân là rất lớn. Ông Phan Văn Danh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang thừa nhận: “Do diện tích nuôi tự phát nhiều và không kiểm soát được. Đặc biệt, phần lớn nuôi tự phát nên chất lượng cá không cao, từ đó khiến việc tìm thị trường tiêu thụ rất khó khăn”. Đồng quan điểm trên, ông Bửu Huy, Giám đốc Nhà máy chế biến thủy sản Afiex – An Giang nói: “Chúng tôi vẫn duy trì mua 50- 60 tấn/ngày giúp bà con. Tuy nhiên, cái khó là lượng cá còn nhiều, nhưng chất lượng kém nên không thể mua đại trà được”.

Giải pháp cấp bách lúc này được các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… đưa ra là đề nghị các ngân hàng gia hạn nợ cho bà con. Một số ngân hàng đã đồng ý. Đối với những hầm cá quá lớn, khuyến cáo người nuôi giảm bớt cho ăn, thường xuyên xử lý nguồn nước tránh nhiễm bệnh. Tiếp tục vận động doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cá chia sẻ khó khăn cùng người nuôi.

Tại An Giang, hàng trăm thương lái “nhỏ” cũng vào cuộc mua cá tra, cá ba sa mang đi tiêu thụ nội địa ở TPHCM, miền Đông, các tỉnh Bán đảo Cà Mau… Song song đó, các cơ sở sản xuất cá tra phồng xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia… cũng “ra tay” tiếp sức tháo gỡ đầu ra. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ giải quyết được một ít hầm cá nhỏ lẻ, còn phần đông hộ nuôi lớn thì… đành chịu.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 9-9, ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang nói: “An Giang đang điều tra sản lượng tồn đọng bao nhiêu để tìm hướng giải quyết cụ thể. Về lâu dài, chúng tôi kiên quyết khống chế nuôi tự phát ngoài quy hoạch. Hướng tới vùng nuôi an toàn và chất lượng, đảm bảo sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có như vậy, nghề nuôi cá mới tồn tại lâu dài được”.

Có thể nói, lần khủng hoảng này là cơ hội để các tỉnh ĐBSCL củng cố lại nghề nuôi cá theo hướng “liên kết” cùng có lợi giữa nông dân và doanh nghiệp. Ông Huỳnh Thế Năng cho biết thêm một tin vui: Mới đây, 5 tập đoàn nhập khẩu cá da trơn của Mỹ gợi ý sẵn sàng mua cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL với số lượng lớn và chịu luôn khoản thuế chống phá giá. Vấn đề là cá phải tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn. Điều này cho thấy, thị trường tiêu thụ không thiếu, cái thiếu là người nuôi có mạnh dạn bỏ cách làm cũ và đầu tư nuôi cá chất lượng hay không.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

 


Tình hình thực nghiệm ương nuôi cá hồi vân tại Lào Cai

Nguồn tin: Fistenet, 9/2005
Ngày cập nhật: 10/9/2005

Cá Hồi được phát hiện tại khu vực Bắc Mỹ cách đây hơn 100 năm và ngày nay đã nhanh chóng trở thành đối tượng nuôi trên thế giới, và tiếp tục được giới thiệu thành công ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Nêpan, Ấn Độ, Pakistan, Butan. Tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thủy sản nỗ lực đầu tiên để đưa cá Hồi vân (còn gọi là cá hồi ráng) vào nuôi ở Việt Nam đã thành công với sự tài trợ của sứ quán Phần Lan, và sự ủng hộ tích cực của tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lào Cai. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản chịu trách nhiệm thực hiện dự án này.

Sản xuất cá Hồi giống tại Sapa được tiến hành như sau:

Đợt 1: Nhập 25.000 trứng điểm mút vào ngày 21/1/2005 sau 4-7 ngày trứng nở với tỷ lệ trên 90%, cá bột được ương thành cá giống cỡ 31g/con, vào ngày lấy mẫu 7/6/2005 đạt số lượng 12.800 con.

Đợt 2: Nhập 25.000 trứng vào ngày 08/02/2005 và đạt tỷ lệ nở lớn hơn đợt 1 là 97% do đã rút được kinh nghiệm trong quá trình vận chuyển trứng từ Phần Lan vào Việt Nam (tăng khung đá trong hộp xốp). Cá bột được ương thành cá giống đạt 21,46g/con, vào ngày lấy mẫu 7/6/2005 đạt số lượng hơn 16.600 con, nâng tổng số con giống đến nay khoảng 29.400 con. Kỹ thuật nuôi cá Hồi vân dựa trên công nghệ chuyển giao của Phần Lan và có tính đến điều kiện của Việt Nam.

Việc nhập những loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế vào Việt Nam mở đầu cho sự phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, trong tương lai sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương. Ngoài ra, có thể phối hợp mở các dịch vụ du lịch câu cá tại các suối nước lạnh.

1. TÌNH HÌNH ƯƠNG CÁ HỒI VÂN

Vào các ngày 21/01 và 8/02 năm 2005, Công ty Samon Tainam của Phần Lan đã chuyển 50.000 trứng điểm mút cho trang trại nuôi cá Hồi thử nghiệm tại thác Bạc, Sapa. Hơn 95% trứng điểm mút đã được vận chuyển cho nở thành công và được ương trong điều kiện nhiệt độ nước thay đổi từ 10-150C. Trứng được nở hoàn toàn sau một tuần. Cá được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp mua từ Phần Lan. Cá được ương nuôi theo công nghệ Phần Lan. Hiện tại cá đang trong điều kiện sức khoẻ tốt, chưa có dấu hiệu bệnh tật.

Trại thử nghiệm cá Hồi thác Bạc Sapa nằm ở độ cao hơn 1.700m cách thị trấn Sapa 12km. Điều kiện khí hậu ở đây có thể rơi xuống 00C vào mùa đông, nhưng mùa hè nước ao có thể lên tới 24-250C, trong các suối nhiệt độ lên tới 200C, nước cấp cho trang trại được lấy một phần từ thác Bạc và suối nhỏ gần kề. Tốc độ dòng chảy khoảng 30l/s trong mùa khô và trên 120l/s trong mùa mưa. Các điều kiện của trại thử nghiệm cá Hồi vân rất phù hợp cho việc ấp trứng vào mùa đông, ương và nuôi cá thịt vào thời gian còn lại trong năm.

Cá Hồi được nuôi nước chảy và cho ăn thức ăn viên khô (35-65% đạm) và được trộn thêm vitamin C và vitamin B1, tỷ lệ cho ăn là 3,5% - 5% khối lượng cá trong bể, phụ thuộc vào nhiệt độ nước và mức ôxy hoà tan. Muối cũng được cấp lấy định kỳ vào bể để cung cấp thêm các ion kim loại cần thiết (khi nước bị đục).

Bệnh cá: Cho đến nay chưa phát hiện được bất kỳ một loại bệnh nào, mặc dù đã tìm thấy ký sinh trùng và nấm trong môi trowngf nước với số lượng ít. Tuy vậy, công tác vệ sinh bể nuôi, bể cấp nước luôn được coi trọng, dụng cụ cho ăn được phơi nắng, hạn chế người lạ vào khu vực sản xuất.

Vào những ngày nắng gắt, khi nhiệt độ nước đạt 19 – 200C hoặc sau mỗi đợt mưa nhiệt, nước bị đục thì bổ sung nước muối loãng.

2. MỘT SỐ THẤT BẠI TRONG THỜI GIAN QUA

Lần 1: Vào khoảng tháng 2 năm 2005 có khoảng vài trăm cá mới nở bị chết ngạt do chưa có nhà xưởng để ương. Khi đặt xô vào bể để lọc nước do cá có sở thích vào bóng tối, nên cá chui vào dưới đáy xô và bị chết ngạt.

Lần 2: Vào ngày 23/04/2005 có khoảng 17.000 cá giống cỡ từ 3 – 7g bị chết do thiếu ôxy. Nguyên nhân là do trời mưa to, các lá cây làm tắc đường ống.

Tất cả các nguyên nhân trên đều bắt nguồn trực tiếp hay gián tiếp từ việc thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho trại nuôi.

3. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

Do quá trình khảo sát điều tra trước khi xây dựng dự án được thực hiện một cách nghiêm túc, nên tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng, sức khoẻ của cá khá cao.

Tuy nhiên, do thiếu các phương tiện sản xuất nên cá bị nuôi ở mật độ quá cao dẫn đến tăng trưởng chậm (cá đợt 1 đạt 31 g/con, cá đợt 2 đạt 21g/con). Ngoài ra, do số lượng cá giống nhiều hơn so với dự kiến nên lượng thức ăn được dự án cấp chỉ đủ để sản xuất 6,5 tấn cá, tương đương khoảng 9.000 cá giống. Trong khi đó, cá tầm cũng đang dần dần sử dụng thức ăn của cá Hồi khiến tình trạng thiếu thức ăn là điều không tránh khỏi. Do không có nguồn tài chính để xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu (thi công đường ống, làm bể chứa nước, hệ thống lọc rác, bể muối) nên gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn trong mùa mưa bão hoặc cá thành phẩm phải bán sớm.

Mặt khác, do trại không chủ động được điện lưới, phải sử dụng điện máy phát nên điện áp thay đổi làm ảnh hưởng tới quá trình sục khí nhất là vào thời gian mùa hè, nhiệt độ nước cao trên 18 độ C (ôxy bão hoà chỉ đạt 7,4 – 7,7%. Khi nhiệt độ nước là 11 – 13% thì mức ôxy bão hoà đạt 9,8 – 10,3%mg/l).

KẾT LUẬN

Cá Hồi vân được đưa vào Việt Nam đẻ nuôi ở các nguồn nước lạnh từ các suối bước đầu cho hiệu quả cao tạo nên một nguồn cung cấp tiềm năng thay thế dần lượng cá Hồi nhập khẩu, cũng như để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch nói chung và Sapa nói riêng./.

Theo Báo cáo tại Hội nghị Bàn biện pháp phát triển NTTS miền núi phía Bắc 5/2005


Đi rập cua

Nguồn tin: SGGP, 9/9/2005
Ngày cập nhật: 10/9/2005

Phía trước chiếc xuồng nhỏ đi rập cua của anh Tám là vùng đất cuối sông thuộc huyện biển Thạnh Phú (Bến Tre) với mạng sông rạch, vàm, khém cắt chẻ như bàn cờ. Ở đó, dưới những dòng sông rạch chằng chịt kia, nguồn thủy sản vô cùng dồi dào phong phú do thiên nhiên ban tặng đã nuôi sống nhiều thế hệ con người. Hiện nay, dù phải trải qua bao thăng trầm nhưng xem ra con cua vẫn có giá.

Đi rập cua ngoài cửa biển.

Chạy vội ra bờ sông Băng Cung, tôi gọi réo xuống dòng sông: “Ơ… anh Tám, anh cho tôi theo anh một chuyến…”. Nhận ra tôi là người bà con bên vợ của anh, anh trở tay chèo, đưa mũi chiếc xuồng nhỏ quay lại vào bờ.

Ngồi trên chiếc xuồng 7 lá chuẩn bị đi rập cua, anh Tám ngước nhìn lên bầu trời chiều với nhiều cụm mây đen ve vãn, giọng anh lừng khừng trước tôi: “Chú em nhà báo có biết lội sông hôn? Mùa này đi trên sông nước nguy hiểm lắm!..”. Tôi liền đáp: “Tàm tạm, nhưng mà anh Tám hãy yên tâm đi, có gì thì còn… cái thùng nhựa của anh Tám”. Anh Tám cười gượng: “Hừ! Mà đi khuya lắm mới về hà…”.

Chiếc xuồng nhỏ chở chúng tôi chèo về hướng rạch Cừ, nơi giáp ranh giữa xã An Thạnh và An Điền. Xa xa phía trước, dòng Băng Cung càng nở rộng và chẻ ra thêm rất nhiều nhánh trước khi đổ vào sông lớn Hàm Luông, rẽ qua Eo Lói đổ vào sông lớn Cổ Chiên. Đó là một mạng sông rạch chằng chịt thuộc vùng ven biển Thạnh Phú (Bến Tre) với nhiều địa danh nghe lạ lẫm nhưng đầy ấn tượng: rạch Bà Hương, rạch Ngát, Láng Cháy, Heo Què, Rều, Giồng Bãi, Vàm Rỗng…

Xuồng chúng tôi khi chèo gần đến rạch Cừ thì bỗng xuất hiện nhiều cơn gió mạnh kéo đến, gió làm nổi sóng trên sông, mây đen làm trời tối sầm nhanh chóng.

Chiếc xuồng đi rập cua chòng chành, lắc lư dữ dội. Với kinh nghiệm mấy mươi năm sống nghề sông nước, anh Tám đoán chắc là dông sẽ ập đến hoặc cũng có thể là gió lốc, con trốt sẽ đánh vật con sông này ngay trước buổi hoàng hôn.

Nhanh như thoi, anh mộp người xuống, căng lực vào tay chèo, đưa ngay chiếc xuồng vào trốn bên một vạt rừng bần ven sông. Quả vậy, không phải dông, mà đó là một cơn lốc… chết người bất thần kéo qua nơi cuối sông Băng Cung, cách chỗ chiếc xuồng chúng tôi đang ẩn trốn thần gió không xa. Chỉ tay về hướng con lốc xoáy vừa cuốn qua, anh Tám thì thào: “Nếu đang thả rập cua ở đó, lớ ngớ chắc là bà Thủy kêu...”.

Rồi như màn ảo thuật của ông Trời, sau lốc xoáy chừng mười phút, không gian trên sông nước lại quang đãng với ráng chiều rựng đỏ phía chân trời. Trên xuồng, anh Tám lần lượt móc mồi chình vào các chiếc rập cua và chuẩn bị thả rập xuống lòng sông. “Ô kìa… gì vậy ta?” - tôi thốt lên khi thấy một đoàn xuồng mấy chục chiếc nối đuôi nhau dài thườn thượt đang tiến gần về phía xuồng chúng tôi.

Kéo đoàn xuồng kia là một ghe máy khá lớn. Tôi thấy ngộ nhưng với anh Tám thì không lạ gì, anh nói: “Thì họ cũng đi rập cua như mình. Cái khác là mình đánh “du kích” còn họ thì đi hành quân xa - anh giải thích. Du kích là trong ngày, canh theo con nước để thả rập bắt cua, thả xong lại về.

Còn đi rập cua theo đoàn như họ là hành quân xa vì họ đi ba bốn bữa hoặc có khi cả tuần lễ mới về. Khi đi, họ phải chuẩn bị đủ thứ để có thể sống và thao tác nghề dài hơi trên một chiếc xuồng 7 lá chật hẹp như chiếc của mình đang đi.

Họ đi xa hàng chục cây số tính từ điểm xuất phát. Thay vì phải chèo bằng tay, để tiết kiệm sức, họ cùng chịu tiền dầu mỡ nhờ một chiếc ghe máy kéo theo hết cả đoàn xuồng đi rập cua của họ. Chiếc ghe máy kia lại một công hai việc: vừa đi rập cua ven biển, vừa có người hùn vô tiền dầu… Gần đây, xăng dầu lên quá mạng, dân đi rập cua xa và cả những chủ ghe máy đều than như bọng…”.

Dụng cụ rập cua? Đây cũng là một cách sáng tạo của ngư dân vùng ven biển ĐBSCL. Rập cua được làm bằng hai thanh tre buộc xéo nhau thành hình chữ X. Dưới hai thanh tre đã uốn cong là khoảng lưới hình vuông, cạnh khoảng 45cm và để rập cua có đủ sức nặng khi thả chìm xuống đáy sông, người ta buộc thêm hai cục gạch cân bằng ở phía trên cái rập.

Chính giữa hai gọng tre là chỗ để móc mồi. Ngư dân từ trên xuồng điều khiển (kéo lên, thả xuống) chiếc rập dưới nước nhờ vào một sợi dây buộc chắc vào cái rập. Dấu hiệu của một rập cua vừa được thả xuống đáy sông là một chiếc phao nhỏ nổi lều bều trên mặt nước.

Cách bắt cua từ chiếc rập? Thông thường các chú cua túa ra đi tìm mồi, ăn mồi vào lúc con nước vừa đổ lớn và lúc nước vừa giựt ròng, bởi vậy để mai phục chúng, dân ngư chọn lúc nước đứng là thời điểm thả những chiếc rập cua xuống đáy sông.

Khi ấy, thật đơn giản, cua ham mồi, vào rập ăn mồi thì bất thần ngư dân ở trên xuồng giựt mạnh chiếc rập lên. Khi giựt rập lên, cua… giựt mình rơi xuống lưới. Rơi xuống lưới rồi nếu cua vùng vẫy thì càng rối vào lưới…

“Tại sao rập cua phải là mồi chình?” - tôi hỏi anh Tám. Anh Tám tặc lưỡi: “Nghĩ cũng ngộ, con chình cũng giống như lươn, nhưng mà câu cua bằng mồi lươn thì đố ai câu được. Chúng chẳng bao giờ ăn… mồi lươn. Phải chăng chính mùi tanh của máu con chình là điều quyến rũ chúng (?)”.

Đêm đó, anh Tám thả 20 chiếc rập cua, đến khuya, anh lần lượt kéo rập lên bắt gần 4kg cua, trong đó có 2 chú cua gạch điều cân ngoài 1kg. Cua gạch điều đang giá 65.000 đồng/kg. Như vậy, qua một đêm đi rập, giá chót anh Tám cũng kiếm được 150.000 đồng. Anh Tám khẽ khàng: “Đến Tết Trung thu có khi cua gạch điều ngoài 80.000 đồng/kg chú ơi…”.

“Bệnh viện cua” giữa biển

Ông Nguyễn Văn Hoanh ở Cống Đá, xã An Thạnh, người đã sống với nghề rập cua gần nửa thế kỷ qua tâm sự: “Nghề hạ bạc này thuộc nghề cha truyền con nối, thường tập trung thành một xóm giữa những vùng dân cư sống bằng nhiều nghề khác nhau.

Đầu tư cho một xuồng đi rập cua không lớn: một chiếc xuồng 7 lá mua khoảng 300.000 đồng, 30 cái rập cua tự tạo, chỉ tốn tiền mua lưới; cộng tất cả chưa ngoài 500.000 đồng là có thể… làm nghề. Tuy vậy, do cua biển luôn có giá nên làm nghề rập cua trên sông có thu nhập hơn gấp 5 lần làm ruộng - ông Hai Hoanh tiếp lời - Còn những ai khá hơn thì họ sắm ghe tàu lớn đi rập cua ngoài cửa biển.

Đi rập cua ngoài ven biển, nếu may gặp những “bệnh viện cua” ở ngoài đó coi như vô sâu...”. “Bệnh viện cua” ở ngoài biển?” - tôi thắc mắc hỏi vặn ông Hai Hoanh.

Ông Hai cười: “Anh em sống nghề nói vậy cho hình tượng chớ thật ra đó là những hầm cua, tức nơi dưới đáy biển tự nhiên có rất nhiều cua tựu lại rồi chúng giành ăn, “giành cái” với nhau, cắn nhau sứt tay gãy gọng nên khi đi rập cua trúng chỗ đó, vui lắm, cứ kéo lên là gặp… cua què (gãy càng).

Nhưng nói đó là “bệnh viện cua” xem ra cũng có lý. Phải chăng ở đó là nơi có điều kiện thiên nhiên lý tưởng để cua tề tựu lại sinh sống, dưỡng sức sau cuộc chiến đấu với kẻ thù hoặc với tình địch nào đó trong thế giới của loài cua (?)”.

Vài năm gần đây, cua con sinh sản trong thiên nhiên xuất hiện nhiều vô số kể ngoài cửa sông Hàm Luông, cửa sông Cổ Chiên, rồi cua con theo thủy triều tiến quân vào các sông rạch trong đất liền. Vậy là ngư dân đi rập cua có thêm công việc mới: rập cua con, là cua giống bán cho người nuôi cua. Đi rập bắt cua gạch, cua xô (gọi chung là cua lớn) từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch, còn đi rập bắt cua con thường từ sau tháng 11 cho đến ra giêng.

Rập cua lớn, ngư dân dùng mồi chình, rập cua con ngư dân dùng mồi ruốc sống. Một chiếc rập cua con khi kéo lên, cơ man nào là cua, loại cua còn nhỏ cỡ đầu đũa hay cỡ ngón tay út. Cứ đếm từng con mà bán. Con nhỏ cỡ đầu đũa thì 500 đồng/con, cỡ ngón tay út 1.000 đồng/con, còn lớn hơn nữa là 2.000 đồng/con…

Anh Tư Nghĩa, người đi rập cua sống ở xã Mỹ Hưng, sau một chuyến đi rập, anh xách một thùng thiếc cua con đem bán cho một chủ vuông nuôi cua. Cua nhỏ bò lích nhích, không sao đếm xuể nên chủ vuông đề nghị mua mão cho anh tất cả là 500.000 đồng. Chẳng do dự chi, anh đưa trao hết cho chủ vuông cua chiếc thùng thiếc và khi vừa nhận tiền xong, anh Tư trở ngay lại với dòng sông để tiếp tục đi rập cua… nhí.

Đa dạng hóa trong nuôi thủy sản, tại sao không?

Nuôi tôm sú có lợi nhuận cao nhưng phải đầu tư lớn và lắm rủi ro, không ít người đang lao đao. Hiện nay, khi nuôi tôm vẫn là chuyện bấp bênh nên nhân dân vùng ven biển trở lại với nuôi cua. Nuôi cua tuy lợi nhuận không cao như nuôi tôm nhưng lợi thế là không phải đầu tư lớn, ngay cả người dân nghèo có ít đất vẫn tận dụng được để nuôi cua.

Một ao nhỏ sau nhà thả nuôi chừng trăm con cua, sau bốn tháng, ngày cứ lai rai xách ra chợ xã bán một hai ký cua cũng dư tiền chợ búa. Đó là chưa kể nuôi cua vỗ béo, nuôi cua tạo gạch với thời gian ngắn nhưng vẫn cho lợi nhuận khá.

Cua con đang sinh sản nhiều trong thiên nhiên là tín hiệu lành đối với môi trường sống quanh ta và cũng từ nguồn cua giống dồi dào này, hy vọng nghề nuôi cua sẽ được vực dậy để lấp vào khoảng trống ủ rủ của nhiều vùng tôm. Có thể lắm chứ…

PHAN LỮ HOÀNG HÀ


Việt Nam nuôi thử nghiệm thành công cá hồi

Nguồn tin: VNN, 10/09/2005
Ngày cập nhật: 10/9/2005

Hai đợt đưa trứng cá hồi vân (còn gọi là cá hồi ráng) giống Phần Lan vào nuôi thí nghiệm tại Sa Pa (Lào Cai) đầu năm đến nay đã cho kết quả khả quan, có thể đưa vào nuôi để thay thế việc nhập khẩu.

Theo Sở NN-PNTT Lào Cai, đợt 1, Sở đã nhập 25.000 trứng vào ngày 21/1 từ Công ty Samon Tainam (Phần Lan), sau 4-7 ngày trứng nở với tỷ lệ trên 90%. Đợt 2, Lào Cai nhập tiếp 25.000 trứng vào 8/2, cho tỷ lệ nở cao hơn là 97% do đã rút được kinh nghiệm trong quá trình vận chuyển trứng từ Phần Lan vào Việt Nam.

Cá bột ươm thành cá giống, với tổng số khoảng 29.400 con, nuôi tại Thác Bạc (Sa Pa). Kỹ thuật nuôi cá Hồi vân dựa trên công nghệ chuyển giao của Phần Lan và có tính đến điều kiện của Việt Nam. Cá được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, cũng mua từ Phần Lan. Hiện tại, đàn cá đang trong điều kiện sức khoẻ tốt, chưa có dấu hiệu bệnh tật.

Trại thử nghiệm cá hồi tại thác Bạc nằm ở độ cao hơn 1.700m, cách thị trấn Sapa 12km. Điều kiện khí hậu ở đây có thể xuống 0oC vào mùa đông, song, vào mùa hè nước ao có thể lên tới 24-25oC. Nước cấp cho trang trại được lấy một phần từ thác Bạc và suối nhỏ gần kề. Tốc độ dòng chảy khoảng 30l/s trong mùa khô và trên 120l/s trong mùa mưa. Các điều kiện của trại thử nghiệm cá Hồi vân rất phù hợp cho việc ấp trứng vào mùa đông, ươm và nuôi cá thịt vào thời gian còn lại trong năm.

Loài cá này được nuôi trong môi trường nước chảy và cho ăn thức ăn viên khô (35-65% đạm), được trộn thêm vitamin C và vitamin B1, tỷ lệ cho ăn là 3,5-5% khối lượng cá trong bể, phụ thuộc vào nhiệt độ nước và mức ôxy hoà tan. Muối cũng được cấp lấy định kỳ vào bể để cung cấp thêm các ion kim loại cần thiết (khi nước bị đục).

Tuy nhiên, do thiếu các phương tiện sản xuất nên cá bị nuôi ở mật độ quá cao dẫn đến tăng trưởng chậm. Ngoài ra, do số lượng cá giống nhiều hơn so với dự kiến nên lượng thức ăn được dự án cấp chỉ đủ để sản xuất 6,5 tấn cá, tương đương khoảng 9.000 cá giống. Trong khi đó, cá tầm cũng đang dần dần sử dụng thức ăn của cá hồi dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn.

Bên cạnh đó, do không có nguồn tài chính để xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu (thi công đường ống, làm bể chứa nước, hệ thống lọc rác, bể muối) nên gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn trong mùa mưa bão hoặc cá thành phẩm phải bán sớm.

Tuy nhiên, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản nhận định, việc nhập những loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế vào Việt Nam mở đầu cho sự phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, trong tương lai sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương. Ngoài ra, có thể phối hợp mở các dịch vụ du lịch câu cá tại các suối nước lạnh.

Cá hồi được phát hiện tại khu vực Bắc Mỹ cách đây hơn 100 năm và ngày nay đã nhanh chóng trở thành đối tượng nuôi trên thế giới và tiếp tục được giới thiệu thành công ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Nêpan, Ấn Độ, Pakistan và Butan. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên cá hồi vân được đưa vào nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, đạt thành công ngoài dự kiến.

Hà Yên

 


1.730 tấn là sản lượng thu hoạch các loại thuỷ sản nuôi ở Phú Yên trong 8 tháng qua

Nguồn tin: PY, 9/9/2005
Ngày cập nhật: 9/9/2005

1.730 tấn là sản lượng thu hoạch các loại thuỷ sản nuôi ở Phú Yên trong 8 tháng qua bằng 74,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 705 tấn, tôm thẻ 185 tấn, tôm hùm 445 tấn, rong biển 245 tấn, cá nước ngọt 123 tấn... Hiện nay, nhờ hơn 14.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm đang vào mùa thu hoạch với giá cả cao trên 430.000 đồng/kg loại 1, nên bà con thu lãi cao.

(Theo N.Lưu, Báo Phú Yên 1873)

 


 

Bến Tre: Tạm ngưng toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm sú giống

Nguồn tin: BCT, 9/9/2005
Ngày cập nhật: 9/9/2005

Nhằm cách ly môi trường dịch bệnh trên tôm sú nuôi, tránh gây thiệt hại cho người nuôi tôm từ nay đến cuối năm 2005 và vụ nuôi chính năm 2006, UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành chỉ thị về việc áp dụng biện pháp cắt vụ để phòng ngừa dịch bệnh. Theo chỉ thị này, kể từ ngày 20 - 9 - 2005, tạm ngưng toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm sú giống trên địa bàn tỉnh; tạm ngưng việc di nhập tôm sú giống từ ngoài vào tỉnh với bất cứ mục đích gì; tạm ngưng thả tôm sú để nuôi dưới mọi hình thức cho đến khi có chỉ thị mới. Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc bị xử phạt hành chính còn phải bị tiêu hủy toàn bộ tang vật và phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu hủy.

Theo kết quả quan trắc môi trường của ngành chức năng, thì hầu hết các điểm lấy mẫu giáp xác ngoài kinh rạch ở 3 huyện vùng ven biển là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đều bị nhiễm mầm bệnh đốm trắng; môi trường nước bị ô nhiễm hữu cơ ở mức cao...

C.D

 


CÀ MAU: ĐƯA HƠN 4.000 HA VÀO NUÔI TÔM SINH THÁI

Nguồn tin: SGTT, 08/09/2005
Ngày cập nhật: 8/9/2005

Sau một thời gian chuẩn bị các điều kiện như ao đầm, trồng cây phân tán theo đúng tỷ lệ rừng - tôm... tỉnh Cà Mau vừa đưa vào sản xuất mới trên 4.000 ha nuôi tôm sinh thái (NTST) tại Lâm ngư trường Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi), nâng tổng diện tích NTST toàn tỉnh lên hơn 10.000 ha.

Qua gần 5 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau đạt hơn 240.000 ha và là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước. Các hộ nuôi tôm được bố trí theo các mô hình sản xuất bền vững như: chuyên tôm dạng sinh thái, rừng - tôm, lúa - tôm , tôm - vườn...

Theo kết quả điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau đến năm 2010: đối với vùng đất ngập mặn ven biển, để phát triển hài hòa giữa rừng và tôm nên lựa chọn loại hình sản xuất ít tác động đến hệ sinh thái thực vật, mà NTST là một điển hình. Ưu điểm của mô hình này là làm trong sạch môi trường nước, cải thiện điều kiện tự nhiên, đây là yếu tố quan trọng quyết định cho sự sinh trưởng con tôm. Thời gian qua tỉnh Cà Mau đã áp dụng đưa vào sản xuất thành công gần 6.500 ha NTST tại Lâm ngư trường 184 huyện Năm Căn. Đến nay, 100% hộ sống trên lâm phần đăng ký sản xuất theo mô hình này, bình quân cho năng suất từ 200 đến 400 kg/ha/năm.

Anh Phạm Thành Bính một ngư dân, phấn khởi nói: “Tôi nhận khóan của Lâm ngư trường 200 ha đất rừng, thời gian đầu nuôi theo kiểu quảng canh nên thường xảy ra dịch bệnh, thất bát liên miên. Xét thấy với cách bố trí sản xuất này chưa hợp lý nên được sự giúp đỡ của Ban lãnh đạo Lâm ngư trường, anh em trên lâm phần thống nhất chuyển sang sản xuất theo NTST. Với diện tích 200 ha, trong đó 60% diện tích rừng, 40% diện tích mặt nước, áp dụng nuôi theo mô hình NTST, trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hơn nữa, đối với hộ sản xuất theo mô hình này được hưởng lợi thêm 20% giá trị kinh tế đầu ra so với tôm nuôi bình thường, bình quân hơn 1.000 hộ NTST hằng năm được lợi thuận thêm khoảng 2 tỷ đồng từ nguồn sản phẩm tôm sạch bệnh. Hiện nay, nhu cầu của khách hàng đối với tôm, cá nuôi sinh thái khá lớn, nhất là xuất khẩu sang các nước châu Âu...”

Theo điều chỉnh quy họach phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2010, tỉnh Cà Mau mở rộng diện tích NTST từ 100.000 ha đến 110.000 ha. Để đạt được mục tiêu này, trước mắt tỉnh Cà Mau quy hoạch sắp xếp lại các loại hình sản xuất gắn với tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Tiếp đó, quy hoạch tổng thể lại diện tích sản xuất, lựa chọn các loại hình sản xuất phù hợp theo từng địa bàn, hộ gia đình. Việc mở rộng diện tích NTST là một giải pháp phát triển phù hợp, đảm bảo tính bền vững phát triển lâu dài của hệ sinh thái rừng ngặp mặn Cà Mau. Trong khi xu thế nhiều người chạy theo các mô hình sản xuất cải tiến, nuôi tôm công nghịêp, bán công nghiệp, quảng canh cải tiến thì mô hình NTST đang chiếm ưu thế, nhất là tạo sự cân bằng môi trường sinh thái, điều kiện khí hậu tự nhiên. Hơn nữa, việc áp dụng sản xuất theo loại hình này người dân có ý thức trồng và bảo vệ rừng nghiêm ngặt, đúng theo tỷ lệ rừng - tôm đã quy định, người nuôi tôm ở Cà Mau không còn thấp thỏm trước nạn tôm chết bất thường do môi trường bất lợi gây ra, đặt biệt là hạn chế được nạn phá rừng, đào ao đầm nuôi tôm tự phát./.

(Theo TTXVN)

 


CFA đề nghị xét lại việc xuất khẩu cá da trơn của VN

Nguồn tin: TTXVN, 08/09/2005
Ngày cập nhật: 8/9/2005

Hà Nội (TTXVN) - Hiệp hội Chủ trại Cá nheo Mỹ (CFA) đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại việc xuất khẩu cá tra, basa sang Mỹ của 29 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong năm thứ hai, tính từ 1/8/2004 đến 31/7/2005.

Sau khi tiến hành đánh giá, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tính toán lại mức thuế chống bán phá giá cho các công ty trên.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trước đó Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định sơ bộ về việc xem xét lại mức thuế chống bán phá giá trong năm đầu tiên cho Công ty Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ và Công ty TNHH Vĩnh Hoàn.

Tuy nhiên, việc tính toán để giảm thuế cho Công ty nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ vẫn còn nhiều điểm chưa chính xác. Vào tháng 10 tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ điều tra chi tiết tại Việt Nam và công bố quyết định cuối cùng về việc giảm thuế này./.

 


Hội thảo chuyển giao kỹ thuật mô hình xen canh lúa + cá

Nguồn tin: WPY, 7/9/2005
Ngày cập nhật: 8/9/2005

Hội thảo chuyển giao kỹ thuật mô hình xen canh lúa + cá vừa được huyện Phú Hoà tổ chức. 30 nông dân tham gia hội thảo đã được cán bộ phụ trách mô hình hướng dẫn các quy trình kỹ thuật như cách làm ruộng vừa nuôi cá; xây dựng theo thiết kế hình chữ U hoặc chữ T; xây dựng hệ thống cấp thoát nước; thời gian thả cá nuôi sau khi sạ từ 10 đến 15 ngày; mật độ thả cá nuôi từ 7 đến 10 con/m2 và cách chăm sóc, thực phẩm cho cá ăn theo từng giai đoạn.

(Theo T.Lê, báo Phú yên 1872)

 


Phú Yên sản xuất được 850 triệu con tôm giống

Nguồn tin: WPY, 7/9/2005
Ngày cập nhật: 8/9/2005

850 triệu con tôm giống được sản xuất trong 8 tháng qua ở Phú Yên, đạt 70,8% kế hoạch và bằng 94,4% so với năm trước. Nguyên nhân lượng tôm giống sản xuất giảm là do vụ tôm năm nay các hồ tôm nuôi bị bỏ trống khá nhiều do dịch bệnh, lượng tôm giống xuất bán ra các tỉnh ngoài rất hạn chế khiến 138 trại tôm giống ở Phú Yên chỉ sản xuất cầm chừng.

(Theo M.Huy, báo Phú Yên 1872)

 


Cà Mau: Giá cua gạch giảm mạnh

Nguồn tin: BCT, 8/9/2005
Ngày cập nhật: 8/9/2005

Từ hơn 2 tháng nay giá cua gạch ở Cà Mau đã giảm và đứng lại ở mức thấp. Tại thành phố Cà Mau, cua gạch loại nhất giá mua vào tại các vựa là 70.000-80.000 đ, bán ra 100.000 đ/kg. So với năm 2004 và đầu năm 2005 thì nay đã giảm đi phân nửa. Theo các chủ vựa do một số nguyên nhân: bạn hàng mua cua xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc giảm; cua gạch đang vào mùa vụ thu hoạch và tháng 7 âm lịch vừa qua là tháng ăn chay nên lượng tiêu thụ trong nhân dân cũng ít đi.

Các năm trước, cua cũng giảm giá vào thời điểm này, nhưng không hạ giá nhiều như năm nay. Giá cua gạch và cua thường (cua y) giảm ảnh hưởng tới thu nhập của nhiều hộ nuôi cua chuyên canh và nuôi thả lan...

PHẠM ANH HOAN

 

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang