• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình một lúa một tôm giảm chi phí trong sản xuất

Nguồn tin: WAG, 7/11/2005
Ngày cập nhật: 8/11/2005

Nông dân xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ tôm mùa nước nổi là vụ nuôi tôm chính vụ trong năm. Vụ này , tòan xã có 203 hộ thả nuôi với diện tích 375 ha, các hộ đã thu hoạch tôm xong đạt sản lượng bình quân 1,2 tấn/ha, Với giá bán 1 kg tôm 85 ngàn đồng, sau khi trừ chí phí nông dân nuôi tôm còn lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.

Anh Võ Thanh My, diện tích 1,2 ha, thả nuôi 2 triệu con tôm giống đến nay được 5 tháng và đã thu hoạch được đợt một bán với 85.000 đồng/kg đã thu đủ nguồn vốn đầu tư, số tôm còn lại theo tính toán của anh sẽ bán được trên 20 triệu đồng là phần lãi của vụ tôm năm nay. Anh My cho biết sau khi thu hoạch tôm sẽ xuống giống lúa vụ Đông xuân, với lượng phân hữu cơ tồn trữ trong đất từ thức ăn và phân tôm sẽ giúp anh giảm chi phí phân bón mỗi ha gần một triệu đồng. Đây là mô hình một lúa một tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được chính quyền xã Phú Thuận khuyến khích nông dân phát triển.

Nguyễn Hậu

 


Thực hiện dự án nuôi cá lóc trong vèo ở xã Tân lập bước đầu mang lại hiệu quả cao

Nguồn tin: WAG, 7/11/2005
Ngày cập nhật: 8/11/2005

Anh Võ Văn Sơn ngụ ở ấp Tân Bình, xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên quanh năm đi làm mướn nuôi 6 miệng ăn trong gia đình. Nhờ tổ chức Code II cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi nên mùa lũ năm nay anh tổ chức nuôi cá lóc trong vèo để phát triển kinh tế gia đình. Qua 4 tháng nuôi với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông,sau khi trừ chi phí mua cá lóc giống, làm vèo, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh và lãi suất tín dụng, anh Võ Văn Sơn thực lãi ở vụ cá này 10 triệu đồng. Theo anh Sơn thì việc chọn mua con giống cũng như kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo cũng đơn giản, chỉ cần áp dụng đúng quy trình thì năng suất cá sẽ cao, tỷ lệ hao hụt thấp. Anh Sơn và đông đảo người dân ở ấp Tân Bình, xã Tân Lập mong muốn dự án đầu tư thêm vốn để mở rộng mô hình nuôi cá lóc trong vèo trong mùa nước nổi.

Văn Kinh

 


Triển khai thí điểm dự án chế biến cá nóc xuất khẩu

Nguồn tin: BĐ, 4/11/2005
Ngày cập nhật: 8/11/2005

Ngày 3-11-2005, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có công văn gửi UBND các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, TP Quy Nhơn và các sở: Thủy sản, Y tế, Thương mại và Du lịch về việc triển khai thí điểm dự án chế biến cá nóc xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh Bình Định đã được Bộ Thủy sản chọn thực hiện dự án thí điểm thu mua, bảo quản và xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc. Để triển khai thực hiện dự án có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thủy sản phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản (Bộ Thủy sản) và cơ quan chức năng của Hàn Quốc tổ chức triển khai thực hiện dự án thí điểm thu mua, bảo quản và xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc đạt hiệu quả, kiểm soát việc khai thác, bảo quản và chế biến cá nóc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Công văn còn nêu rõ: các sở, ban liên quan của tỉnh có trách nhiệm tạo điều kiện, giúp đỡ Sở Thủy sản triển khai thực hiện dự án này theo quy định.

Bảo Huy

 


Hoạt động Trung tâm nghiên cứu sản xuất giống An Giang

Nguồn tin: WAG, 8/11/2005
Ngày cập nhật: 8/11/2005

Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung tân nghiên cứu và sản xuất giống An Giang sản xuất được trên 60 triệu con giống các loại, bao gồm tôm giống, ếch giống, cá rô phi gift đơn tính, cá tra giống... để cung cấp cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh.

Ngoài việc sản xuất và cung cấp con giống thủy sản các loại, Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống An Giang còn tiến hành hướng dẫn các hộ nghèo trong tỉnh nuôi trồng thủy sản, các hộ nuôi khảo nghiệm ếch thịt, các mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh tại xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn và hướng dẫn mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại thành phố Long Xuyên và huyện An Phú theo chương trình khuyến ngư quốc gia. Hiện nay để đáp ứng nhu cầu ếch giống Thái Lan cho nhân dân nuôi, Trung tân nghiên cứu và sản xuất giống An Giang đã nhập bổ sung thêm 3.200 con ếch bố mẹ và ếch hậu bị để chuẩn bị sản xuất ếch giống.

Ngọc Thăng

 


Lòng hồ Trị An (Đồng Nai): Báo động nuôi cá bằng phân gà.

Nguồn tin: LĐ, 7/11/2005
Ngày cập nhật: 7/11/2005

Tại khu vực bán ngập lòng hồ Trị An, người ta vẫn vô tư... tống vô số tấn phân gia súc, gia cầm... xuống nhiều hồ ao để nuôi cá. Tình trạng này xảy ra rất nguy hiểm khi mà nước hồ Trị An, đổ ra sông Đồng Nai, là nguồn nước sinh hoạt cung cấp chủ yếu cho hàng triệu người dân TPHCM và miền Đông Nam Bộ...

Hàng tấn phân gà tống thẳng xuống lòng hồ

Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 30.9, chiếc xe tải 60L-4811 đỗ xịch gần nhà ông Võ Hạnh Phúc - Trưởng Công an ấp 7, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Phú Ngọc (Định Quán, Đồng Nai). Mùi hôi thối từ chiếc xe bốc ra nồng nặc. Ông Phúc yêu cầu 3 thanh niên trong xe phải đến công an lập biên bản vì gây ô nhiễm môi trường.

Đến lúc Phòng vệ sinh - môi trường và các cơ quan chức năng lập biên bản, mọi người mới biết chiếc xe 60L-4811 chở gần 6 tấn phân gà từ huyện Vĩnh Cửu về đây cho vợ chồng bà Đinh Thị Thu làm thức ăn cho cá.

Mặc dù bị lập biên bản vi phạm quả tang - không hiểu các cơ quan chức năng xử lý ra sao - nhưng theo lời ông Võ Hạnh Phúc, "toàn bộ 5-6 tấn phân gà đó vẫn được chở đến ao cá của vợ chồng bà Thu làm mồi cho cá tất tần tật" (?).

Có mặt tại khu vực lòng hồ Trị An sáng ngày 3.11, chúng tôi được ông Phúc cho biết: "Từ rất lâu, không ít hộ ở đây đã dùng phân heo, phân gà nuôi cá. Ba tháng gần đây, khi cúm gia cầm có nguy cơ tái phát, những hộ nuôi cá ở vùng lòng hồ Trị An càng gia tăng nuôi cá dưới hồ bằng phân gà".

Phải ngăn chặn ngay

Chúng tôi tìm đến nhiều ao hồ rộng hàng trăm hécta, trải từ xã Phú Ngọc sang xã La Ngà (thuộc huyện Định Quán). Ông Trần Huy Thơ (ngụ số 10/8 ấp 1, xã La Ngà) cho biết: "Ban đêm, không ít xe phủ bạt, chở phân từ Gia Kiệm về cung cấp cho nhiều chủ hộ nuôi cá".

Chúng tôi tận mắt trông thấy hàng trăm bao phân (vừa phân gia súc, vừa phân gia cầm), người ta vứt trôi lềnh bềnh trên mặt ao dành cho cá rỉa lâu dài. Tại 3 địa điểm ở khu vực xã Phú Ngọc, chúng tôi đã dùng mũi dao lam rạch vào các bao (trọng lượng 10kg/bao) kiểm chứng. Một thứ chất thải không rõ là phân súc vật, gia cầm nào, chảy ra, rất hôi thối.

Trên nhiều bờ ao, sau khi đã trút hết phân cho cá ăn, những chủ hộ nuôi cá đã dùng lửa đốt sạch bao chứa phân như thể... phi tang.

Tiếp cận nhiều ao hồ bên kia sông La Ngà, thuộc xã La Ngà, chúng tôi cũng chứng kiến hàng trăm bao phân dùng để nuôi cá nằm vương vãi khắp bờ bãi, bụi cây... Tại những địa điểm này, mặt nước bốc mùi, ô nhiễm nặng.

Ngày 14.10, ông Nguyễn Xuân Hạnh - Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc - đã buộc phải ra thông báo số 76/TB-UBND, xác nhận "Hiện nay, đã xảy ra tình trạng một số hộ chăn nuôi cá thường xuyên vận chuyển mua các loại phân gia súc, gia cầm gây ô nhiễm, cụ thể trên địa bàn ấp 7". Song, chính quyền nơi đây vẫn chưa có biện pháp nào hiệu quả để ngăn chặn hành vi này.

Có ai dám chắc, trong những bao phân gà tung xuống lòng hồ Trị An sẽ không tiềm ẩn cái thứ virus (H5N1) chết người? Nói như bà Trần Thị Gọn (ngụ 13/8 ấp 1, xã La Ngà): "Đó là hành vi gieo rắc tội ác, cần phải ngăn chặn".

Trần Phan - Trúc Giang


Tôm Việt Nam “rộng đường” vào thị trường Mỹ

Nguồn tin: NLĐ, 6/11/2005
Ngày cập nhật: 7/11/2005

 


Sản lượng thuỷ sản tăng gần 3 lần

Nguồn tin: VNECONOMY, 04/11/2005
Ngày cập nhật: 6/11/2005

Sau 6 năm thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) thời kỳ 1999 - 2010, sản lượng từ lĩnh vực nuôi trồng và khai thác nội địa đã tăng từ 538.000 tấn vào năm 1998 lên 1,55 triệu tấn vào năm 2005.

Chương trình này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu vào năm 2010 đưa diện tích lên 1 triệu hécta, tổng sản lượng đạt trên 2 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 2 triệu lao động. Đây cũng là những nội dung chính của Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Chương trình phát triển NTTS sẽ được Bộ thủy sản tổ chức vào đầu tháng 12 tới.

Đức Nguyễn

 


10 năm đưa cá... lên non

Nguồn tin: BĐ, 6/11/2005
Ngày cập nhật: 6/11/2005

Với 46 hồ thủy lợi, 1 hồ thủy điện, 2 con sông lớn (sông Kôn và sông Lại Giang) và hàng trăm sông suối nhỏ, hồ tự nhiên khác phân bố trên hầu hết 22 xã vùng cao, miền núi thuộc 5 huyện trong tỉnh, 10 năm qua, Bình Định đã biết khai thác lợi thế này, góp phần không nhỏ vào chương trình xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao...

10 năm trước giao thông các huyện miền núi còn cách trở, những cán bộ khuyến ngư cùng với cán bộ các ngành chức năng ở địa phương đã lặng lẽ gùi từng bọc cá giống băng rừng lội suối, vượt nhiều ngày đường để đến với từng bản làng. Rồi cũng chính họ bắt tay vào khảo sát địa hình, chọn điểm xây dựng mô hình mẫu; vận động, hướng dẫn bà con đào ao thả cá; mở hàng loạt lớp tập huấn trang bị cho bà con những kiến thức cơ bản về nuôi cá nước ngọt.

Vạn sự khởi đầu nan, họ đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Ông Hồ Phước Hoàn - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thủy sản, nhớ lại: Những ngày đầu do bà con còn lạ lẫm với chương trình, nhiều hộ từ chối trả lại cá giống. Phải kiên trì thuyết phục, giải thích. Rồi những khó khăn nảy sinh: Ao nuôi bị nhiễm bệnh, cá nuôi chậm lớn... khiến cho bà con nghi ngờ, thiếu niềm tin. Tất cả những sự "khởi đầu nan" này đều được các cán bộ của chương trình có mặt kịp thời xử lý và giải đáp đến nơi đến chốn. Tuy nhiên chỉ đến khi nhìn tận mắt và sờ tận tay những con cá mới ngày nào cán bộ gùi lên còn nhỏ như cây kim, giờ to bằng cái củ sắn trên nương trên rẫy và từ các mô hình trình diễn, mới thật sự tạo được niềm tin cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cứ thế. Ròng rã 10 năm đi qua. Hết mô hình này lại xây dựng mô hình khác và chương trình "đưa cá lên non" đã phát triển trên diện rộng. Hiện ở hầu hết 5 huyện vùng cao và miền núi của Bình Định, nghề nuôi cá nước ngọt đã và đang trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ, thu hút trên 500 hộ gia đình tham gia. Từ 39,5 ha mặt nước ban đầu được nuôi chủ yếu theo hình thức tự nhiên, đến nay toàn tỉnh đã có gần 500 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có 73,82 ha ao tự đào. Hàng năm sản lượng thu từ 1.500 - 2.000 tấn cá, góp phần cải thiện bữa ăn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, địa phương khởi nguồn dòng sông Kôn có nhiều lưu vực với diện tích mặt nước có thể khai thác đưa vào nuôi trồng thủy sản lên tới hơn 250 ha, hiện đang thu hút 94 hộ nuôi cá với diện tích nuôi lên tới 41.600 m2. Ở huyện An Lão có 48,5 ha diện tích mặt nước thì 100% diện tích đưa vào sử dụng. Bây giờ về các xã vùng cao của tỉnh, rải đều trên các bản làng, các khu tái định cư đâu đâu cũng nhìn thấy ao cá nằm trong khuôn viên vườn nhà của bà con, trên các khe suối, thung lũng... Hễ có địa thế phù hợp là có ao.

Đặc biệt có những làng như Hà Ri (Vĩnh Thạnh) có tới 67/108 hộ gia đình nuôi cá. Ở đây bà con không chỉ nuôi để cải thiện bữa ăn mà hàng năm còn có để bán ra bên ngoài, có dư để tích lũy từ 2 - 3 triệu đồng/hộ. Già làng Đinh Krăng (Bá Thạch) khoe với chúng tôi hôm đến thăm làng: Cùng với các nguồn thu khác hàng năm như trồng điều, nuôi bò, giữ rừng đến nay làng đã có 90% nhà ngói hóa, 40 chiếc xe máy, 53 cái ti vi, và chỉ còn 5 hộ đói nghèo... Đến nay, các kỹ thuật nuôi thâm canh, xen canh nhiều đối tượng dưới nhiều tầng nước khác nhau để tận dụng nguồn thức ăn trong ao; chọn thức ăn gì cho cá mau lớn, nuôi như thế nào để tăng hiệu quả kinh tế (treo điện sáng giữa lòng ao để thu hút thức ăn cho cá)..., bà con đều đã thành thục.

Từ chỗ từ chối không nhận cá giống, đến nay các hộ gia đình đồng bào ở vùng cao Bình Định đã ý thức được sự cần thiết của chương trình, đã tự bỏ vốn ra nhờ Hội Nông dân các huyện mua con giống về để nuôi mà không cần con giống của Nhà nước hỗ trợ.

Ngoài sự năng động nhiệt tình của đội ngũ cán bộ khuyến ngư từ tỉnh đến huyện, sự thành công của chương trình được bắt nguồn từ sự phối hợp tích cực của các cấp các ngành có chức năng liên quan, sự cộng tác tích cực của các già làng trưởng bản. Đặc biệt là hàng năm, Bình Định vẫn duy trì đều đặn nguồn kinh phí từ 25 - 30 triệu đồng để liên tục "hâm nóng" chương trình thông qua việc xây dựng các điểm trình diễn mới đến các bản làng vùng cao. Chỉ tính riêng con giống, trong 10 năm qua, tỉnh đã cấp phát miễn phí cho đồng bào gần 2,5 triệu con cá các loại...

Hưng Thịnh

 


An Giang: Sinh sản nhân tạo giống cá ngát thành công

Nguồn tin: BCT, 4/11/2005
Ngày cập nhật: 6/11/2005

Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản An Giang vừa nghiên cứu và cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá ngát. Đây là một loài cá da trơn có kích cỡ lớn, nuôi 2 năm tuổi đạt trọng lượng trung bình từ 2-3kg/con.

Cá ngát được xem là một loại đặc sản tại ĐBSCL với chất lượng thịt ngon và hiện có giá bán khá cao, từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Do giá trị kinh tế cao, nên cá ngát bị ngư dân đánh bắt nhiều và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Việc sản xuất thành công giống cá ngát sẽ mở ra một hướng mới trong đa dạng vật nuôi ở địa phương. Qua nghiên cứu, cá ngát có thể nuôi được trong lồng bè đặt ở những nơi có dòng chảy tốt...

B.N

 


Ương trên 182.000 con giống cá mú

Nguồn tin: PY, 4/11/2005
Ngày cập nhật: 5/11/2005

Công ty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Đài Loan - Việt Nam đặt tại thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu vừa ương được 182.200 con giống cá mú ở 48 bể ương, có thể tích gần 450m3 và thả nuôi 1 bè cá mú thịt với thể tích 729m3.

Được biết, từ đầu tháng 9/2005 đến nay, cá mú giống xuất hiện ở nhiều vùng biển trên vịnh Xuân Đài (huyện Sông Cầu). Nhờ đó, bà con đã thả nuôi được 251 lồng cá mú, tăng 52 lồng so với năm 2004. Những điểm nuôi nhiều nhất là ở vùng biển Bãi Dài (xã Xuân Thịnh), Vũng Chào (xã Xuân Phương) và Phước Lý (thị trấn Sông Cầu).

(Theo Kiều Ba, Báo Phú Yên 1897)

 


Trung tâm Giao dịch thủy sản Cần Giờ hoạt động lại: Không thể như cũ

Nguồn tin: SGGP, 4/11/2005
Ngày cập nhật: 5/11/2005

 


Tôm, cá không dễ đầy ghe

Nguồn tin: SGGP, 4/11/2005
Ngày cập nhật: 5/11/2005

Nhà Bè thích hợp với việc nuôi tôm và cá nước lợ. Khá nhiều người đang nuôi thủy sản tại đây, nhưng kiếm được đồng lời cũng đầy vất vả và may rủi.

Việc nuôi thủy sản tại Nhà Bè, chủ yếu là thủ công, từng người tự nuôi trên ruộng của mình hay trên ruộng thuê. Để có được đầm tôm, đầm cá phải đắp bờ bao, xử lý nước, chọn và mua con giống, nuôi và bảo vệ đến khi thu hoạch. Trong đó, vất vả nhất là chăm sóc và bảo vệ tôm cá từ một tháng rưỡi tuổi đến khi thu hoạch (khoảng từ 3,5 đến 4 tháng kể từ khi nuôi). Tôm hay cá 1,5 tháng trở lên ăn nhiều nên phải cho ăn nhiều lần, kể cả ban đêm.

Tôm hay cá, nếu nước hay thời tiết thay đổi, dễ mắc bệnh nên phải thường xuyên theo dõi để sớm phát hiện và xử lý kịp thời, không cho lây ra diện rộng. Nếu tôm hay cá 1,5 tháng tuổi trở lên mắc bệnh, chết hàng loạt thì người nuôi mất “cả chì lẫn chài”. Để tôm hay cá mau lớn, sớm thu hoạch, phải lựa chọn thức ăn phù hợp, cho ăn đúng giờ và lượng thức ăn hợp lý. Tôm khoảng 2 tháng tuổi trở lên có thể bán được.

Để không mất trộm, phải thường xuyên thức trắng đêm, với đèn pin (dùng bình sạc) loại lớn, tuần tra xung quanh khu vực nuôi. Có được con tôm hay con cá bán lấy tiền, người nuôi tốn nhiều công sức, tiền bạc… Khi đủ lớn, người nuôi hồi hộp theo dõi giá mua các thương nhân. Nếu giá mua hợp lý, bù đắp được chi phí và lời chút ít, người nuôi vui như “mở cờ trong bụng”. Ngược lại, nếu giá thu mua thấp, không bù đắp nổi chi phí, thì “méo mặt”.

Để người nuôi tôm hay cá thủ công yên tâm, đơn vị khuyến nông nên kết hợp với các trường đại học có đào tạo chuyên ngành nuôi trồng hải sản, sử dụng sinh viên năm cuối của chuyên ngành này trực tiếp đến các vùng có nhiều người nuôi tôm hay cá thủ công, hướng dẫn cải tạo ruộng, nước, chọn giống, chọn thức ăn, các kỹ thuật nuôi khác … Được như vậy, bên cạnh kinh nghiệm, người nuôi được bổ sung các kiến thức cần thiết về việc nuôi tôm hay cá đạt sản lượng và chất lượng cao.

Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, đầu tư con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm với giá thỏa thuận trước khi nuôi. Nếu giá thị trường tại thời điểm thu hoạch thấp hơn giá thỏa thuận trước với người nuôi, nhà nước trợ giá phần chênh lệch này cho doanh nghiệp chế biến thủy hải sản. Phối hợp thực hiện đồng bộ hai việc này, cộng với sự cần cù, chịu khó của người nuôi, chắc chắn sản lượng và chất lượng tôm và cá xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước sẽ tăng thêm nhiều và, đời sống người nông dân ổn định hơn.

TỐ NGA


ĐBSCL: Nông dân vùng lũ trúng đậm mùa tôm càng xanh

Nguồn tin: SGGP, 3/11/2005
Ngày cập nhật: 4/11/2005

Đầu tháng 11-2005, lũ ở ĐBSCL đang rút chậm. Đây cũng là thời điểm nông dân TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp thu hoạch rộ tôm càng xanh. Năng suất bình quân đạt khoảng 800 kg/ha, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 30 – 40 triệu đồng/ha.

TP Cần Thơ là một trong những địa phương dẫn đầu về diện tích nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ với 600 ha. Với mô hình lúa – tôm càng xanh, nông dân có thể đạt thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm. Đây được xem là mô hình sản xuất phù hợp với phương châm “chung sống với lũ” ở ĐBSCL.

C.H.P.

 


Kiểm tra 100% ghẹ, tôm, cá tra xuất sang Mỹ

Nguồn tin: VNN, 3/11/2005
Ngày cập nhật: 4/11/2005

 


TP.HCM: chợ thủy sản Cần Giờ sẽ hoạt động hằng ngày

Nguồn tin: TT, 4/11/2005
Ngày cập nhật: 4/11/2005

 


Mô hình cộng đồng nuôi tôm: Một cách làm có hiệu quả

Nguồn tin: BBD, 3/11/2005
Ngày cập nhật: 3/11/2005

Những năm gần đây, hiệu quả của nghề nuôi tôm ở Bình Định giảm sút nhiều do dịch bệnh tràn lan. Để nghề nuôi tôm phát triển ổn định, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến ngư (TTKN) tỉnh đã vận động xây dựng nhiều mô hình cộng đồng nuôi tôm nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Võ Đình Tâm - Giám đốc TTKN tỉnh xung quanh vấn đề này.

* Xin ông cho biết mục đích của việc tiến hành xây dựng mô hình nuôi tôm cộng đồng ?

- Qua phân tích chung từ tình hình dịch bệnh tôm ở tỉnh Bình Định, chúng tôi nhận thấy các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là: Môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm ở dạng phì dưỡng nặng, do chính nghề nuôi tôm tự phát gây ra. Chất lượng con giống thả nuôi chưa cao. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức. Trong khi đó, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh lại thiếu tính phối hợp cộng đồng trong hoạt động nuôi tôm.

Chúng ta dễ dàng hình dung được những vùng nuôi tôm sú chuyên canh đều nằm gần đầm, sông, các ao nuôi đều lấy nước và xả nước ra chung trên một con sông hay đầm. Bởi vậy, khi một ao nuôi bị dịch bệnh, chủ hộ vì một lý do nào đó (chẳng hạn sợ tốn tiền mua hóa chất xử lý nước chứa mầm bệnh) đã xả nước thẳng ra sông, ra đầm; các ao khác lấy nước mang mầm bệnh vào nên tôm trong ao cũng bị lây nhiễm bệnh. Đây là nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh tôm trên địa bàn Bình Định xảy ra ngày càng gia tăng.

Trong điều kiện như vậy, việc xây dựng mô hình nuôi tôm cộng đồng là giải pháp tốt nhất để hạn chế bớt tình trạng dịch tôm phát sinh và lây lan ra diện rộng, nhằm góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.

* Mô hình này được triển khai như thế nào và hiệu quả ra sao, thưa ông?

- Mô hình cộng đồng trong nuôi tôm được triển khai như sau: Trước tiên vận động các hộ nuôi tôm có vị trí cùng kênh lấy nước và cùng xả nước ra một vùng, nhất trí cùng tham gia vào một nhóm tạm gọi là "Nhóm những người nuôi tôm", sau đó bầu ra nhóm trưởng, xây dựng quy chế hoạt động của nhóm và đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương.

Sau khi đăng ký và được chính quyền địa phương kiểm tra, chấp nhận, TTKN sẽ hỗ trợ một ít kinh phí cho nhóm hoạt động và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn giúp đỡ. Những hộ nuôi tôm này phải có tính cộng đồng trách nhiệm với nhau trong nuôi tôm. Cả nhóm phải thống nhất với nhau về việc thả tôm theo đúng lịch thời vụ, kiểm dịch con giống trước khi thả nuôi, vệ sinh ao hồ đúng cách...

Trong quá trình nuôi, có một ao nào bị dịch bệnh, các hộ phải giúp đỡ, tìm biện pháp để xử lý triệt để mầm bệnh trước khi xả nước ra ngoài.

Ngoài ra, những hộ nuôi tôm trong chi hội phải có trách nhiệm quản lý chung môi trường nuôi bên ngoài ao của mình, không được thải các chất thải trong quá trình cải tạo ao nuôi ra mương dẫn nước hay ao, đầm… Việc làm này tạo cho môi trường xung quanh vùng nuôi luôn trong sạch, người nuôi kiểm soát được dịch bệnh và cũng đỡ thua lỗ khi gặp phải sự cố dịch bệnh.

Có thể khẳng định rằng, phần lớn mô hình nuôi tôm cộng đồng trong thời gian qua đều đem lại hiệu quả tích cực. Chẳng hạn, thời gian qua, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn tình trạng tôm nuôi bị dịch đã liên tiếp xảy ra, tuy nhiên riêng các hộ nuôi tôm theo mô hình cộng đồng thì chỉ 5% diện tích tôm bị dịch.

Hay như mô hình nuôi tôm cộng đồng ở Đông Điền (Phước Thắng - Tuy Phước), các hộ nuôi tôm trong vùng có quy định chặt chẽ, luôn thực hiện phương châm "3 cùng": cùng cải tạo ao một lúc, cùng thả giống, cùng lấy nước vào thải nước ra; vừa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật đã được tập huấn, vừa dựa vào tính cộng đồng, có sự đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ tận tình với nhau. Bởi vậy, trong thời gian qua tình hình dịch bệnh tôm xảy ra trên địa bàn huyện Tuy Phước khá nhiều, nhưng ở Đông Điền thì rất hạn chế. Riêng vụ nuôi tôm năm 2005, vùng nuôi tôm Đông Điền rất ổn định, năng suất tôm thu hoạch đạt hơn 3 tấn/ha…

* TTKN đã có kế hoạch gì để nhân rộng mô hình này ?

- Hiệu quả của các mô hình cộng đồng trong nuôi tôm thời gian qua đã rõ, mở ra một hướng mới cho nghề nuôi tôm ở Bình Định phát triển trong điều kiện tình hình dịch bệnh tôm ngày một gia tăng như hiện nay. Mô hình này rất được nhiều người nuôi tôm nhiệt liệt tán đồng.

Đến nay, tỉnh Bình Định đã xây dựng được 5 mô hình, với diện tích 55,8 ha. Kế hoạch của TTKN là vụ nuôi tôm năm 2006 sẽ nhân rộng gấp đôi số mô hình hiện có và xa hơn là sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh. Tuy nhiên, cái khó ở đây là không tìm được những người có uy tín để bắt đầu vận động người dân thành lập nhóm và nhiều người dân cũng chưa có ý thức cao trong vấn đề này.

Bởi vậy, để mô hình này được nhân rộng và đem lại hiệu quả tích cực, chính quyền địa phương cũng cần chung vai góp sức vận động tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích của mô hình và giúp đỡ họ trong quá trình tập hợp, bắt tay vào xây dựng nhóm.

Ngọc Thái (thực hiện)

 


Mỹ vẫn giữ mức thuế "trừng phạt" đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ và Thái Lan

Nguồn tin: TT, 3/11/2005
Ngày cập nhật: 3/11/2005

 


Nuôi cá sạch - lối thoát các “rào cản” xuất khẩu

Nguồn tin: TN, 2/11/2005
Ngày cập nhật: 3/11/2005

 


An Giang - Cải thiện chất lượng thịt cá tra làm lợi cho người nuôi gần 80 tỷ đồng

Nguồn tin: AG, 2/11/2005
Ngày cập nhật: 2/11/2005

Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, việc thử nghiệm thành công nuôi cá tra thịt trắng bằng phương pháp thay nước và loại bỏ thức ăn gây màu cho cá tra đã mở ra hướng nuôi cá tra trong ao đất phát triển mạnh từ sản lượng vài ngàn tấn/ năm lên trên 50 ngàn tấn/ năm và triển vọng đến 100 ngàn tấn vào năm 2006. Ước tính về giá trị tăng lên từ cải thiện chất lượng thịt cá là 2 triệu đồng/ tấn, làm lợi cho nông dân An Giang xấp xỉ 80 tỷ đồng trong năm qua và góp phần thúc đẩy thủy sản đông lạnh phát triển.

10 tháng đầu năm 2005, toàn tỉnh đã xuất khẩu được trên 41 ngàn 700 tấn thủy sản đông lạnh.

BÍCH VÂN

 


Cà Mau: Phát triển mạnh mô hình nuôi cá trên vuông tôm

Nguồn tin: BCT, 2/11/2005
Ngày cập nhật: 2/11/2005

Trong tháng 10-2005, nông dân nuôi tôm tỉnh Cà Mau lại tiếp tục thu hoạch được trên 2.500 tấn cá các loại trên vuông tôm. Như vậy từ đầu năm đến nay, nông dân Cà Mau đã thu hoạch được 25.500 tấn cá các loại từ diện tích nuôi tôm.

Từ hơn một năm qua, việc kết hợp nuôi cá, cua trên vuông tôm phát triển mạnh tại Cà Mau, nhiều hộ thậm chí bỏ tôm và chuyển hẳn sang nuôi các loại cá giá trị cao. Tại TP Cà Mau, các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời nhiều hộ dân đạt mức thu nhập từ 200 -300 triệu đồng/năm từ nuôi cá. Các loại cá đang được bà con nông dân chọn nuôi là cá chình, chẽm, bống tượng, chim trắng, chép, trê vàng lai... thị trường giống các loại cá nhờ thế đã phát triển mạnh mẽ. Ngoài số cá giống nhập tỉnh, ngành thủy sản và nhiều cơ sở tại địa phương đã cho sinh sản được nhiều loại cá giống khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại nguồn cá giống các loại vẫn không đáp ứng được nhu cầu thả nuôi kết hợp trên vuông tôm, ruộng lúa của nông dân.

TRẦN VŨ

 


Sóc Trăng: Trúng mùa khai thác cá kèo giống

Nguồn tin: BCT, 2/11/2005
Ngày cập nhật: 2/11/2005

Dọc theo hai bên bờ sông từ cửa biển Mỹ Thanh vào đến tận sông Cổ Cò thuộc xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) hiện có khoảng 600 miệng đáy chuyên đánh bắt cá kèo giống. Bình quân mỗi miệng đáy đánh bắt được 2 kg cá kèo giống theo mỗi con nước và bán được giá bình quân 600.000 đồng/kg. Nhiều phương tiện trước đây chuyên đánh bắt ruốc nay cũng chuyển sang khai thác đối tượng này, vì thu nhập cao gấp nhiều lần. Đó là chưa kể đến một lực lượng đánh bắt thủ công với hàng trăm người mỗi ngày dọc theo các bãi bồi ven rừng phòng hộ. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập hàng tỉ đồng mỗi ngày, nghề khai thác cá kèo giống còn giúp giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân nghèo sống ven sông, ven biển.

Lượng cá kèo giống này ngoài cung cấp cho các hộ nuôi trong tỉnh, còn được cung ứng cho các tỉnh khác như: Bến tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau. Do thu nhập cao không thua gì nuôi tôm sú, nên sau vụ thu hoạch tôm sú vừa qua, nông dân trong tỉnh đã tận dụng ao để thả nuôi cá kèo. Giá cá kèo thịt hiện đang được thu mua từ 40 - 45 ngàn đồng/kg, lợi nhuận từ 1 ha nuôi cá kèo trên 300 triệu đồng.


“Vua” cá thác lác xứ Tám Ngàn

Nguồn tin: SGGP, 1/11/2005
Ngày cập nhật: 2/11/2005

Sau vụ “sụp đổ” từ 25.000 con cá tra hồi năm 2001, thua lỗ nặng do giá cá rớt thê thảm - người ta gọi anh là gã “ngông”: lấy vốn liếng còn lại chơi sang, đi ẩm thực liên tục ở các nhà hàng. Mấy tháng sau, người ta thấy anh chạy khắp chợ quê và lại chơi gàn: mua cá thác lác với bất cứ giá nào để rồi 2 năm sau đó dân miệt Tám Ngàn, Hậu Giang lại phải tâm phục khẩu phục và tôn vinh là: “vua cá thác lác”!?

Đó là một người đàn ông vừa bước qua tuổi bốn mươi. Tên khai sinh của anh là Lê Văn Dũng. Dân miệt Tám Ngàn, Hậu Giang gọi anh là Tám Dũng - người độc nhất vô nhị sở hữu 10.000 con cá thác lác bố mẹ ở vùng tây Sông Hậu.

… Một ngày cuối tháng 9-2005, lần theo con đường nhựa ven sông Vị Thủy, nước lũ đã mấp mé đường quê, phải mất hơn 10 cây số từ trung tâm huyện Vị Thủy chúng tôi mới tới xã Vĩnh Tường. Vậy là đến xứ Tám Ngàn. Không khó tìm nhà anh, từ xã cứ chạy theo lộ nhựa vài cây số, bảng hiệu cá giống thác lác Tám Dũng được dựng như một cổng làng trên đường.

Tiếp chuyện chúng tôi là người đàn ông 42 tuổi, rụt rè, ốm nhách, đen nhẻm. Nhưng càng nói chuyện, anh càng thu hút người nghe. Từ trồng quýt, tiêu… thấy cây nào cũng tiêu điều… anh chuyển sang nuôi cá tra cũng không khá hơn.

Đau nhất là năm 2001, 25 ngàn con cá tra bị “treo giá” khiến anh lỗ nặng. Tám Dũng mất ngủ mấy ngày để suy nghĩ tìm cách chuyển hướng. Anh la cà ở các nhà hàng để khảo sát thực đơn ưa thích của khách và phát hiện món cá thác lác chiên gần như có mặt mọi nơi. Rời nhà hàng, Tám Dũng bắt đầu rong ruổi ở các chợ quê để mua cá thác lác tự nhiên.

Cứ nghe ở đâu có cá thác lác giống là anh tìm đến mua cho bằng được. Nhiều nông dân nói Tám Dũng chơi sang, dám mua cá thác lác đến giá 100.000đ/kg để nhậu! Anh Tám nói: “Có lẽ dáng mình gầy lại đen mun nên mọi người cứ nghĩ là dân bợm rượu”!

Nhưng anh mua đâu để ăn, nhậu. Anh cưng chúng như trứng mỏng. Khổ nỗi, cứ 10 con đem về vỗ béo lại chết 4 con. Con nào cũng bằng bàn tay, nhưng do vận chuyển, mua trôi nổi ở chợ quê nên tỷ lệ hao hụt rất lớn. Mất 2 năm, số lượng cá thác lác bố mẹ chỉ còn lại được 15 con! Nhưng cũng chỉ có 3 con lên trứng và mẻ cá đầu tiên anh thu được 1.500 con cá con.

Mặc dù thu hoạch vụ đầu ít thế nhưng anh đã nhìn thấy được khả năng to lớn của công việc mình theo đuổi. Anh quyết định đào thêm 4 vuông nuôi cá trên diện tích gần 10.000m2 của đất vườn... Anh vỗ béo đàn cá con và giờ đây chúng là thế hệ F.2 chủ lực trong số 10.000 con cá thác lác bố mẹ trong 5 vuông nuôi. Tám Dũng cho biết: “Nuôi cá thác lác cực nhất là lúc chúng đẻ, chẳng khác gì heo nái trở dạ, phải túc trực thường xuyên”.

Nhờ một người bạn là kỹ sư thủy sản làm “quân sư”, Tám Dũng đã thọ giáo nhiều chiêu độc. Độc nhất có lẽ là dùng tay vuốt buồng trứng cá cái và nhanh chóng vắt tinh cá đực để phủ tinh hiệu quả. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, Tám Dũng cắt luôn túi tinh cá đực, khiến chúng thành “hoạn” và sau đó biến thành món cá thác lác chiên phục vụ khoái khẩu hàng ngày trong bữa cơm gia đình.

Sau tự mò mẫm, anh chỉ cắt 1/3 túi tinh. Cá thác lác đực bị “thiến” kiểu nhưng vẫn làm tốt chức năng giống đực cho mùa sau. Giờ 15 con cá đầu đàn có con đã nặng tới 5 ký, số còn lại tròn trèm 2-3 ký. Cá thác lác chỉ lên trứng khi mùa mưa đông ken. Cứ 1 ký cá bố mẹ cho khoảng 800 trứng, tỉ lệ đậu khoảng 500 con giống.

Giờ đây, cái danh “vua cá thác lác” xứ Tám Ngàn lan nhanh ra các tỉnh tây Sông Hậu. Người ta đổ xô mua cá, có người đặt trước nửa tháng vẫn trễ hàng. Doanh thu của anh 1 năm bao nhiêu? Tám Dũng không tính ra tiền, mà chỉ nói: “Một con cá thác lác giống dài 3 phân bán ba ngàn đồng. Từ đầu năm 2005 đến nay, anh đã bán 200.000 con, 3 tháng còn lại của năm nay chắc cũng tròn trèm 200.000 nữa”. Tính sơ sơ, doanh thu đã vượt qua 1 tỷ bạc.

Tư Nhân, một người nuôi cá thác lác ở Vĩnh Long, khách hàng quen của Tám Dũng, nói: “Cái hấp dẫn của cá thác lác trên thị trường là khi ra chợ bán buôn sống năm chục ngàn đồng, mà chết cũng năm chục ngàn đồng một ký”. Có thị trường tiêu thụ, giá cá thịt lại khá cao khoảng 50.000-60.000đ/kg, người nuôi chẳng sợ rớt giá. Chính vì vậy, dân Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ… cứ đổ dồn về nhà Tám Dũng làm cá giống đắt đỏ. Cơ sở sản xuất giống của Tám Dũng đã trở thành một mô hình lý tưởng.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trong một lần đến thăm cơ sở của Tám Dũng đã lưu ý cán bộ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang: “Cần mở rộng mô hình sản xuất kiểu Tám Dũng”. Trại cá giống của anh hiện cũng là điểm mà nhiều nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ chọn lựa nghiên cứu.

Còn anh Đặng Ngọc Giao, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Hậu Giang, thì nhớ lại: “Hồi tháng 4-2004, tôi và gần 10 anh em ở trung tâm khuyến nông, chi cục thủy sản lặn lội khắp chợ quê gặp các tiểu thương ở 11 chợ trong tỉnh để thu thập thông tin, số lượng về cá thác lác Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy… với mục đích bàn chuyện xây dựng thương hiệu cho cá thác lác cườm Hậu Giang.

Đi đâu cũng nghe tiểu thương kể về một gã gàn ở Tám Ngàn, chơi sang dám bỏ cả trăm ngàn mua cá thác lác còn sống ở các xề về nuôi. Té ra đó là Tám Dũng”. Theo anh Giao, cá thác lác miệt Hậu Giang ngon hơn cá thác lác U Minh, Campuchia nhờ chế độ bán nhật triều… Nét nổi bật của cá thác lác ở đây là giàu đạm, xơ, béo… mà những vùng khác không có được. Đó chính là yếu tố độc đáo.

… Mùa này, cá thác lác thịt của gần 40 hộ dân như Mười Lắm, Hai Chồn, Út Gòm… ở lân cận nhà Tám Dũng đã lên bằng 3 ngón tay. Mỗi người đầu vụ hốt 1-2 ngàn con từ nhà Tám Dũng nuôi “chơi”. Giờ họ mới biết, sự lợi hại của ông hàng xóm thuở nào mình cho là chơi ngông, chơi gàn. Nhưng có lẽ sắp tới, họ sẽ được chứng kiến một cách chơi ngông nữa của Tám Dũng là nuôi cá chạch lấu – cũng một đặc sản của miền sông nước đang bị khan hiếm!

CAO HOÀNG PHONG

 


Năm 2010: Cà Mau xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD

Nguồn tin: VNECONOMY, 1/11/2005
Ngày cập nhật: 1/11/2005

Cà Mau đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất tôm giống lớn của cả nước và là nơi cung cấp giống bố mẹ cho các tỉnh.

Có thể nói Cà Mau là địa phương có ngành thủy sản phát triển sôi động nhất khu vực ĐBSCL và là điểm sáng về nuôi trồng và chế biến thủy sản của cả nước.

Toàn tỉnh hiện có diện tích nuôi thủy sản chiếm 31%, sản lượng tôm nuôi chiếm 30%, kim ngạch xuất khẩu chiếm 20% so với cả nước. Ngành nuôi tôm xuất khẩu đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa năng động, thành phong trào quần chúng rộng lớn, nhất là từ khi được chính quyền cho phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông - lâm - ngư sang ngư - nông - lâm.

Do điều kiện thiên nhiên phù hợp, nên ngay sau khi miền Nam giải phóng, tỉnh Cà Mau đã phát triển nghề nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ở các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển và Cái Nước. Mô hình nuôi chủ yếu là quảng canh với các giống loài tự nhiên như: thẻ, bạc, đất...

Chặng đường từ lúa chuyển sang tôm

Đầu những năm 1990, do nguồn lợi tôm tự nhiên giảm sút mạnh nên một số hộ nuôi tôm đã mua tôm sú giống từ miền trung về thả nuôi, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Diện tích và sản lượng tôm nuôi không ngừng tăng lên. Khoảng giữa thập kỷ 1990, 100% diện tích nuôi tôm quảng canh của Cà Mau đã cơ bản chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến, với mật độ tôm sú thả thêm 3-4 con/m2/năm.

Diện tích và sản lượng nuôi tôm trong những năm đó còn được ghi nhận: năm 1981 có 14.000 ha đạt 4.500 tấn; năm 1991 tăng lên 60.000 ha, 28.600 tấn; và năm 2000 có tới 153.373 ha với 35.700 tấn.

Đối tượng tôm nuôi là tôm sú đã cung ứng nguồn nguyên liệu có chất lượng cao cho chế biến xuất khẩu, đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 2,2 triệu USD năm 1981, lên 247 triệu USD vào năm 2000. Cùng với việc tăng nhanh diện tích, sản lượng tôm nuôi, các dịch vụ phục vụ nghề nuôi tôm cũng phát triển nhanh.

Trong đó đáng chú ý là lĩnh vực sản xuất tôm giống. Cà Mau đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất tôm giống lớn của cả nước và là nơi cung cấp giống bố mẹ cho các tỉnh trong và ngoài khu vực ĐBSCL.

Tháng 6/2000, Chính phủ có Nghị quyết 09 về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh, đặc biệt là ngành nuôi tôm.

Tăng cả diện tích, năng suất và sản lượng

Các số liệu chính thức từ Sở thủy sản Cà Mau mới công bố vào giữa tháng 9/2005 cho biết: sau 4 năm thực hiện chủ trương chuyển dịch, diện tích nuôi tôm của Cà Mau đã tăng 157.662 ha (từ 90.512 ha năm 1999, lên 248.174 ha năm 2004).

Thống kê qua các năm ghi nhận: năm 2000 có 153.373 ha; năm 2001 có 217.898 ha; năm 2002 có 239.398 ha; năm 2003 có 245.338 ha; năm 2004 có 248.174 ha. Trong diện tích nuôi năm 2004 có các loại hình nuôi chủ yếu là: tôm-rừng 46.300 ha, tôm-lúa 43.600 ha, tôm-vườn 22.000 ha, nuôi tôm công nghiệp 580 ha, còn lại là nuôi tôm dạng sinh thái. Năng suất tôm nuôi cũng tăng từ 218 kg/ha vào năm 1999 lên 323 kg/ha vào năm 2004.

Cà Mau đã vươn lên từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tôm giống du nhập, nay đã tự cung ứng được trên 50% giống cho nuôi trồng thủy sản. Một hệ thống sản xuất giống được phát triển, từ 438 trại sản xuất 1,5 tỷ con sú giống vào năm 2000; tăng lên 905 trại, sản xuất 6 tỷ con giống, đáp ứng 54,5% tổng nhu cầu tôm giống vào năm 2004.

Ngoài ra, hệ thống dịch vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng không ngừng lớn mạnh với nghề nuôi tôm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 300 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản, bước đầu cung ứng kịp thời các yêu cầu sản xuất của nông dân. Hệ thống thu mua nguyên liệu thủy sản cùng phát triển mạnh, với hơn 750 cơ sở có đăng ký và hàng trăm phương tiện thu gom, góp phần kết nối giữa người nuôi tôm với các xí nghiệp chế biến xuất khẩu.

Thống kê của Sở thủy sản cho biết: sau 4 năm thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nghề nuôi tôm sú Cà Mau đã đạt tổng sản lượng tôm nuôi 258.509 tấn, chế biến xuất khẩu 170.443 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD. Nghề nuôi tôm sú đã giúp cho nhân dân tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ gia đình đã giàu có hơn lên rất nhiều. Theo số liệu thống kê năm 2004, các hộ nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau có thu nhập cao hơn 22,3% so với các hộ làm nông nghiệp.

Định hướng phát triển thuỷ sản tới năm 2010

Theo định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2010, Cà Mau sẽ có tổng diện tích nuôi trồng 282.404 ha, trong đó 240.834 ha nuôi tôm, với các loại hình chính là: tôm-lúa 72.000-82.000 ha; tôm-vườn 8.500 ha; chuyên tôm dạng sinh thái 110.334-119.334 ha; tôm-rừng 30.000 ha; tôm công nghiệp tập trung 7.000-7.500 ha; tôm công nghiệp quy mô gia đình 3.000-3.500 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi đạt 138.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.

Ngành thủy sản Cà Mau đã luôn đồng hành và có những đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển nghề nuôi tôm của tỉnh. Từ sau khi có chủ trương chuyển dịch, công tác tập huấn khuyến ngư được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu hiểu biết về kỹ thuật sản xuất của nông dân.

Hơn 2.250 lớp tập huấn đã được tổ chức cho hơn 79.000 hộ, nâng tổng số hộ được tập huấn về nuôi tôm từ trước chuyển dịch đến nay lên gần 92.200 hộ. Chiếm 70,5% tổng số hộ nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, ngành thủy sản đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm sạch bệnh; mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô hộ gia đình; mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm...

Nhiều mô hình đã chứng minh được tính hiệu quả khá bền vững trong thực tế, nên được nhiều hộ dân lựa chọn, mạnh dạn đầu tư, như các mô hình tôm-lúa, nuôi đa canh, xen canh, thâm canh tôm…

Hiện nay hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản đã được quy hoạch xây dựng, theo hai vùng chính là Nam và Bắc Cà Mau. Vùng phía Nam được phân thành 18 tiểu vùng (đã thẩm định quy hoạch cho 12 tiểu vùng, Nhà nước và nhân dân đã đầu tư trên 300 tỷ đồng để nạo vét một số công trình bức xúc. Vùng phía Bắc có khoảng 45.000 ha được bố trí nuôi tôm sú kết hợp với trồng lúa, về cơ bản vẫn sử dụng hệ thống thủy lợi đã có trước đây.

Phùng Văn

 


Sóc Trăng: Tôm sú được mùa nhưng hiệu quả không cao

Nguồn tin: TT, 1/11/2005
Ngày cập nhật: 1/11/2005

Theo số liệu của ngành thủy sản Sóc Trăng, năm 2005 toàn tỉnh thả nuôi được 43.311ha tôm sú với tổng số con giống trên 4,55 tỉ con. So với năm trước, năm nay năng suất nuôi tôm đạt khá cao: 3,24 tấn/ha với nuôi công nghiệp, 1,63 tấn/ha nuôi bán công nghiệp (tăng 8%), 580 kg/ha nuôi quảng canh cải tiến (tăng 28%).

Tuy nhiên, thống kê cho thấy có khoảng 63,5% số hộ nuôi có lãi, 36,5% hòa vốn hoặc thua lỗ. Nguyên nhân do vẫn còn tình trạng nuôi tôm ngoài vùng qui hoạch, nuôi trước thời vụ, mua tôm giống trôi nổi không qua kiểm dịch... nên có khoảng 6.000ha bị thiệt hại. Mặc dù năm nay tôm sú trúng mùa nhưng do giá tôm xuống thấp nên hiệu quả không cao, ước tính thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

CAO XUÂN LƯƠNG

 


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang