• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Noel: nhu cầu cá tra, basa phi lê, tôm xuất khẩu sẽ tăng

Nguồn tin: SGTT, 14/11/2005
Ngày cập nhật: 15/11/2005

 


Ghi ở mỏ cá Tam Nông

Nguồn tin: SGTT, 13/11/2005
Ngày cập nhật: 15/11/2005

Cái ao ước một lần được vào trong túi nước, túi cá của Đồng Tháp, được ăn con cá linh bắt lên từ ruộng cùng với bông điên điển trong mùa nước nổi của tôi đã thành hiện thực. Trước mặt là một cái lẩu mắm thơm lựng, là cơ man nào các loại rau đồng và một đĩa bông điên điển vàng ươm…

Trên cơm dưới cá

Vinh, cô gái trông chỉ độ 20, nhưng đã là mẹ của hai đứa con. Cô than thở mà miệng vẫn cười cười: “Khổ lắm các chú ơi, sống bữa nào thì biết bữa nấy thôi chứ ngày mai không biết sống chết ra sao nữa. Sóng gió đêm hôm bất chợt mà nổi lên thì có khi chạy vô bờ không kịp…”

Anh Nguyễn Văn Khôi, phó chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện Tam Nông, đánh giá cái lẩu mà anh đãi, có giá phải vài trăm ngàn ở Sài Gòn. Cũng đáng giá lắm vì nước lẩu sóng sánh chứ không lõng bõng như ở các quán lẩu, rất ngọt vị mắm chứ không phải vị đường. Là cây nhà lá vườn cả, do anh cũng là chủ lò mắm cá linh mà. Trong lẩu lớp cá linh, lớp lươn, cá lăng… ken đặc.

Nhà anh nằm ở mặt kênh gần chợ Tràm Chim. Đang là mùa cá nên cả nhà rất tất bật, người làm cá, người dậm cá, vô khạp… Anh nói bà con ở đây chỉ cần có vài trăm thước lưới là mỗi ngày đã có thể mang bán cho vợ anh khoảng 100kg cá linh, mỗi ký 3.000-4.000đ. “Năm nay nước không loãng, cá dữ dằn”. Người nào nhiều vốn như gia đình anh thì sắm lưới cào, lưới giật, khai thác theo sông. Ít vốn hơn thì lên đồng xây nò, đăng quầng đăng lọp, giăng lưới…

Từ tháng 9 cho đến tháng 11 âm lịch, vào những ngày 10 và 25 là đúng con nước, dịp để có thể thu hoạch cá nhiều nhất. Anh nói: “Tới con nước là cá đi “đại hội” luôn. Cứ sáng 6 giờ là cá mè vinh “chào cờ” đi trước, rồi sau đó mới tới cá linh đầu nhím, cá linh đầu vồ. Đúng con nước, hai chiếc ghe chạy dọc theo bờ sông chỉ cần kéo lưới một đoạn khoảng 100-200m là đã có thể kéo lên 10-15 thùng, mỗi thùng khoảng 10 ký! Cá linh thường đi theo bầy, có những con đầu đàn hẳn hoi, nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận biết”.

Anh Khôi có vẻ rất tự hào về cơ sở mắm của nhà. Mỗi năm anh làm đến 5-7 tấn mắm. Khi cá linh nguyên liệu hết mùa, anh lên tận Châu Đốc mua mắm về để chế biến lại, rồi mới bán cho mối lái. Anh làm cả nước mắm cá linh. Mắm cá chốt là món mà anh mô tả là khi kẹp ăn kèm với bắp là ngon đến mức “trời cứu”. Mới đây, anh còn nghĩ ra món cá linh kho như dạng cá mòi đóng hộp, có thể để cả tháng vẫn ăn được.

...

 


Hải Phòng: Thả 12 vạn cá giống các loại ra sông

Nguồn tin: TM, 15/11/2005
Ngày cập nhật: 15/11/2005

12 vạn con cá giống nước ngọt các loại gồm: cá rô phi, cá trôi, cá mè, cá chép, cá trắm... vừa được ngành thuỷ sản Hải Phòng thả trên sông Đa Độ và hồ sông Giá nhằm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên sông. Được biết, toàn bộ số cá giống này trước khi thả ra sông đã được Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Hải Phòng kiểm định về chất lượng, đảm bảo sạch bệnh.

Bùi Hạnh

 


Tôm nguyên liệu tăng giá

Nguồn tin: TBKTVN, 15/11/2005
Ngày cập nhật: 15/11/2005

Trung tâm thông tin thương mại cho biết, giá tôm nguyên liệu đang có xu hướng tăng vào những tháng cuối năm. Tại vùng tôm nguyên liệu Cà Mau, tôm sú loại 20 con/kg là 140.000 đ/kg, loại 30 con/kg khoảng 95.000 đ/kg, loại 40 con/kg là 72.000 đ/kg, tăng bình quân từ 1.000 - 5.000 đ/kg so với tuần trước. Theo quy luật, những tháng cuối năm, nguồn nguyên liệu tôm sẽ giảm do đã hết vụ nuôi tôm chính. Trong khi đó, hai tháng cuối năm, các doanh nghiệp kinh doanh XNK thuỷ sản sẽ tăng cường thu mua tôm nguyên liệu để hoàn thành các hợp đồng XK dẫn đến giá tôm thịt sẽ tăng.

Lê Phong

 


Cà Mau: sản lượng nuôi thủy sản đạt 100.500 tấn

Nguồn tin: SGGP, 15/11/2005
Ngày cập nhật: 15/11/2005

Từ đầu năm đến nay, sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh Cà Mau được 100.500 tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ, đạt 78,5% kế hoạch năm, trong đó tôm 75.000 tấn và còn lại là những chủng loài thủy sản khác khoảng 25.500 tấn.

Hiện nay, hầu hết hộ nuôi thủy sản trong tỉnh cải tạo xong ao đầm, một số vùng bắt đầu thả giống sản xuất vụ mùa mới. Nuôi tôm công nghiệp đang phát triển tốt, nhiều đầm nuôi đã cho thu hoạch với sản lượng khá, năng suất bình quân trên dưới 5 tấn/ha, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến xuất khẩu. Ngoài việc bảo vệ phát triển nguồn giống tự nhiên, ngành thủy sản tỉnh cà Mau triển khai thực hiện nhiều dự án, mô hình giống thủy sản bước đầu chủ động được nguồn giống nuôi cho bà con, cho sinh sản và xuất được 24.000 cá bống tượng, 50.000 con cá trê vàng; xây dựng hệ thống bể nuôi vỗ tôm sú bố mẹ cho đẻ nhân tạo; mở hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, hướng dẫn chuyển giao công nghệ sinh sản giống thủy sản cho nông dân.

L.H.H

 


Dấu vết buồn của con tôm trên cát: Vùng nuôi tôm: vắng, người nuôi tôm: đau

Nguồn tin: TT, 15/11/2005
Ngày cập nhật: 15/11/2005

Cả một dải cát ven biển miền Trung bỗng chuyển mình bởi sự ồ ạt của những dự án nuôi tôm trên cát.

Những giấc mơ đổi đời của người dân nơi vùng đất nghèo khó bay lên... Nhưng rồi cái hồ hồ hởi hởi cũng nhanh chóng qua đi. Từ năm 2002, mất mùa, tôm bệnh, tôm chết... liên tiếp diễn ra để lại bao nhiêu điều cay nghiệt cho vùng cát trắng miền Trung.

Đâu đâu cũng thấy hoang vắng

Chúng tôi tìm đến các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Phong Hải (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), nơi từng có nhiều người thực hiện giấc mơ đổi đời nhờ nuôi tôm. Phần lớn ao tôm trên cát ở đây đều nằm trước phần đồi dương hoặc sát ngay phần đồi, ao được gắn với các ống dẫn nước thẳng ra phía biển.

Vùng biển ở đây còn khá nguyên sơ, đứng từ đồi cao nhìn xuống các ao nuôi tôm trông rất đẹp, phẳng lặng và xanh trong. Một vài gốc dương còn sót lại bên những hồ nuôi tôm cho thấy nơi đây cũng đã từng là đồi dương.

Ông Hồ Cậy, bí thư xã Quảng Công, cho biết trong xã chỉ còn mỗi ao của ông Lê Văn Tốc (thôn Hải Thành) là chưa bỏ trống, nhưng cũng không còn nuôi tôm sú mà đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông nói: “Hễ nhà nào nuôi tôm là có nợ, người nuôi tôm dọc theo vùng đầm phá Tam Giang này nhà nào còn giữ được sổ đỏ trong nhà coi bộ hơi hiếm. Người ta đem cầm nợ cho ngân hàng cả rồi”.

Trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều tỉnh duyên hải miền Trung, con tôm được xem như là “con mũi nhọn” để làm giàu cho một vùng đất.

Nhiều tỉnh đã coi đây như là một biện pháp hữu hiệu để làm giàu cho tỉnh. Trong hầu hết chiến lược phát triển của các tỉnh ven biển miền Trung, nuôi tôm trên cát được nhắc đến rất nhiều.

Ở Quảng Bình, qui hoạch nuôi tôm trên cát do tỉnh đứng ra làm. “Mở rộng diện tích, tăng vốn đầu tư cho các dự án nuôi tôm trên cát” được đưa vào nghị quyết của tỉnh.

Các chiến lược phát triển trên đã được sự ủng hộ tích cực của Viện Kinh tế và qui hoạch của Bộ Thủy sản. Theo tính toán mà viện này đưa ra, vùng cát của các tỉnh ven biển miền Trung thuộc vùng bãi ngang, đều hoang sơ chưa có vết tích của sản xuất công nghiệp nên môi trường nước biển rất sạch, lý tưởng cho việc nuôi tôm.

Không riêng gì Thừa Thiên - Huế. Khi tìm về các vùng đất cát thuộc các tỉnh ven biển miền Trung, chúng tôi đã thấy rất nhiều vùng nuôi tôm trên cát giờ đây trở nên hoang tàn.

Xã Phước Dinh (tỉnh Ninh Thuận) là nơi có 250ha nuôi tôm trên cát. Ninh Thuận có diện tích nhỏ nhất trong số các tỉnh duyên hải miền Trung, song nơi đây từng một thời được mệnh danh là “vùng đất hứa” của nuôi tôm trên cát do nuôi được ba vụ/năm, với năng suất lên đến 8-10 tấn/ha/vụ.

Ấy vậy nhưng giờ đây chúng tôi thấy vết tích còn lại chỉ là một vùng đồi cát nhấp nhô và trơ trụi, không một bóng cây. Dưới cái nắng gắt như rang, từng cơn gió cuốn bụi mù mịt. Phần lớn các ao đều bỏ không, trơ đáy. Các tấm bạt lót bằng nilông đang nứt ra và dần bị cát che phủ.

Các lớp mùn thải đen ngòm ở đáy ao đang bốc mùi hôi tanh, một vài dụng cụ nuôi tôm như quạt nước, ống dẫn nước còn bỏ sót cạnh hồ. Thẳng góc với các ao là các rãnh nhỏ dẫn chất thải ra biển.

Loanh quanh suốt một buổi sáng cạnh khu vực hồ, chúng tôi dường như chẳng nhìn thấy người nào. Hỏi thăm mãi chúng tôi mới tìm được đường đến thôn Bàu Ngứ, nơi có nhiều hộ từng làm nghề nuôi tôm. Ông Võ Bảy, từng là chủ hộ nuôi tôm, cho biết ở xã này nhà nào cũng nợ, nhiều hộ trắng tay đã bỏ đi làm ăn xa hết rồi!

Chúng tôi đến Quảng Bình vào đầu tháng mười, đường về các xã được xây dựng khá đẹp đẽ, khang trang. Anh Võ Hậu, người dân xã Hải Ninh, khoe: “Nhờ nuôi tôm trên cát mà đường về xã được xây dựng đẹp như ri”. Thế nhưng, dọc con đường trải dài từ Hải Ninh về đến Nhơn Trạch, một bên là biển, bên còn lại là các hàng rào trải dài bao quanh các ao nuôi tôm.

Anh Hậu cho hay mấy năm trước Hải Ninh chỉ là một xã đảo, cây cối mọc um tùm hoang sơ. Khi phong trào nuôi tôm trên cát nổi lên, cả một vùng trồng dương 200ha đã bị đào trốc hết. Song “sự hi sinh” chỉ được một thời gian thì dần dần các vùng đất nuôi tôm đi vào hoang vắng!

Chúng tôi gọi điện cho ông Lê Văn Sỹ, chủ của hơn 10ha nuôi tôm trên cát ở Bảo Ninh (Quảng Bình), xin được vào thăm hồ. Ông Sỹ tỏ ngay thái độ bực bội: “Nghỉ nuôi hơn bốn tháng nay rồi. Nuôi lỗ lút đầu, có gì hay đâu mà phỏng với vấn”.

Tại Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản xuất khẩu Bảo Ninh có diện tích nuôi trồng lên đến 31ha, ông Đinh Xuân Quang, giám đốc xí nghiệp, cũng than vắn thở dài về chuyên tôm bệnh, tôm chết. Ông Quang cho hay một số ao trên cát của công ty phải chuyển sang nuôi cá xen kẽ với nuôi tôm. Thế nhưng kết quả cũng thất thường, nhiều khi gần đến ngày thu hoạch cá đột nhiên chết nguyên ao.

Về Tuy Phước, huyện được xem là có diện tích nuôi tôm trên cát lớn nhất tỉnh Bình Định với diện tích nuôi là 1.000ha, chúng tôi gặp cảnh vắng lặng lạ lùng. Các ao tôm ở đây san sát nhau, nằm sát biển, từ ao ra đến biển chỉ cách năm ba mét. Đi từ xa, chúng tôi đã nghe bốc lên mùi thức ăn của tôm. vÔng Trần Biểu, ngư dân nuôi tôm dạn dày kinh nghiệm, cho biết hiện đã vào vụ nhưng chỉ có 1/3 diện tích được thả. Ông than: “Nuôi tôm dạo này kiệt lắm, giá rớt, giống tôm không đảm bảo. Làm nghề cứ thấy bấp bênh, nhiều người đã lỗ trắng tay rồi!”.

Giấc mơ đổi đời… và nợ

Ông Nguyễn Viết Từ, phó chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), nói: “Hồi đó chúng tôi nằm mơ cũng không nghĩ đến được chuyện đời sống người dân có thể thay da đổi thịt nhanh đến vậy. Chỉ mới mấy năm trước, tôm sú được xem là cứu cánh cho người dân ven biển thoát nghèo. Không chỉ có dân lao vào nuôi tôm, cán bộ xã hầu như người nào cũng nuôi. Thế nhưng ba năm trở lại đây của cải của nhiều nhà cũng từ đó đội nón mà đi. Dân mang nợ mà cán bộ xã cũng mang nợ, nợ đầm đìa”.

Anh Nguyễn Minh Tâm, cán bộ khuyến ngư của xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định), cho hay hầu như người dân ở vùng nuôi tôm tại đây đều nợ ngân hàng. Chỉ riêng xã Phước Hòa, dân nợ ngân hàng lên đến 20 tỉ đồng, nhiều hộ không còn khả năng để trả nợ.

Theo Ngân hàng đầu tư và phát triển tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có khoảng 1.000 hộ nuôi tôm đang nợ với tổng số tiền lên đến cả trăm tỉ đồng.

Theo UBND xã Hòa Hiệp Nam (huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), năm 2005 này 200 hộ nuôi tôm ở xã lại bị rớt mùa. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp nuôi tôm bị mất mùa, nợ Ngân hàng Đầu tư và phát triển tỉnh đã lên đến 4 tỉ đồng, trong đó nhiều hộ không có khả năng trả nợ. Các hộ nuôi tôm sú tại sông Bàn Thạch (Tuy Hòa) cũng nợ ngân hàng 120 tỉ đồng.

Nợ nần chồng chất nhưng nhiều người “đã phóng lao thì phải theo lao”, vẫn còn nuôi chút hi vọng... Ông Lê Văn Tốc, xã Quảng Công (Thừa Thiên - Huế), cho biết thua liên tiếp ba vụ, trong nhà còn mỗi chiếc xe máy cũng đem cầm nốt đế lấy tiền mua con giống. Ông nói: “Mỗi lần thả con giống xuống ao chỉ cầu mong ngang vốn, tôm không chết đã là may lắm rồi. Có tôm bán mới lấy tiền trả nợ ngân hàng và vay tiếp để mần ăn”.

Cứ thế, con tôm trên cát vẫn đang còn tiếp tục gây khốn đốn cho người dân chân chất với giấc mơ đổi đời...

THU THẢO

 


Miền núi làm giàu nhờ... thuỷ sản

Nguồn tin: ND, 14/11/2005
Ngày cập nhật: 14/11/2005

Với nhiều ao, hồ, sông, suối, các tỉnh miền núi phía bắc có tiềm năng không nhỏ về nuôi trồng thủy sản, với nhiều ao, hồ, sông, suối. Ðến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản khu vực này gần 60 nghìn ha, sản lượng thủy sản hằng năm đạt hơn 40 nghìn tấn.

Ði thăm rất nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ở Phú Thọ, nhưng chúng tôi thật sự bị chinh phục về cung cách làm ăn của anh Lê Văn Sáu, nông dân xã Ðoan Hạ, huyện Thanh Thủy. Vừa thấy khách đến, anh cùng vài người cùng vác lưới nhảy xuống đầm nuôi kéo cá. Anh hồ hởi:

- Các anh chờ tôi 30 phút. Tiện đây, tôi kéo cá bán luôn. Mẻ lưới này chắc không dưới một tấn cá.

Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy Nguyễn Văn An cho biết:

- Chừng ba, bốn năm, không chỉ ở Ðoan Hạ mà ở các xã Ðồng Luận, Hoàng Xá, Bảo Yên dân đều khá lên nhờ nuôi thủy sản. Nuôi cá cho thu nhập không dưới 50 triệu đồng/ha. Nhờ sớm chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản, điều kiện kinh tế và mức sống của bà con trong vùng thay đổi hẳn.

Thanh Thủy là huyện miền núi có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh Phú Thọ. Diện tích mặt nước của huyện lên đến 1.362 ha. Ðến nay, huyện đã đưa hơn 1.000 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, sản lượng hằng năm đạt hơn 1.000 tấn. Trong hai năm (2003-2004), huyện đã chuyển đổi hơn 150 ha ruộng trũng cấy lúa bấp bênh sang nuôi thủy sản; năm nay chuyển thêm 60 ha; từ năm 2006 đến năm 2010 huyện tiếp tục chuyển đổi hơn 150 ha. Mô hình nuôi cá của anh Sáu là một trong 26 hộ nuôi thủy sản theo quy mô trang trại. Không chỉ khuyến khích người dân chuyển đổi, huyện còn khuyến khích phát triển nuôi thủy sản dưới nhiều hình thức như HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân.

Mẻ lưới mà anh Sáu vừa kéo dần đến hồi kết, mọi người hồi hộp chờ đợi. Càng vào gần bờ, các chú cá mè, trôi, trắm, chép đua nhau nhảy lên mặt nước. Cầm con cá trắm đen to chừng 4-5 cân, anh Sáu khoe với đồng chí Bí thư Huyện ủy và các thành viên trong đoàn:

- Các bác có thấy không, cá nuôi tự nhiên đấy, không như cá nuôi theo kiểu công nghiệp ở xuôi đâu.

Cả vùng này rộng 80 ha, cấy một vụ lúa, nuôi một vụ cá. Từ năm 1996, thấy tiềm năng nuôi cá ở đây rất lớn, tôi thuê cả 80 ha để thả cá quanh năm, nhưng bà con chỉ cho thuê một vụ thôi (từ tháng 11 năm nay đến tháng 5 năm sau). Khi bà con thu hoạch lúa xuân vào tháng 5, tôi khoanh vùng, tôn cao bờ, ken đăng mành, thả cá. Khi gốc lúa vừa cắt nhú lộc xanh là thả cá (phải thả cá giống cỡ to). Cá ăn lộc gốc lúa và động vật phù du, không cần đầu tư thức ăn công nghiệp. Năm 2004, trừ các khoản chi phí đi tôi có lãi 150 triệu, còn năm nay chắc chắn mức lợi nhuận sẽ hơn. Lời kể của anh Sáu đến đây bị gián đoạn khi có người đến thông báo mẻ lưới vừa kéo được 1,1 tấn cá.

Phú Thọ là một trong số các tỉnh miền núi phía bắc có diện tích nuôi thủy sản lớn, với hơn 7.000 ha. Nhờ hiệu quả cao, diện tích nuôi thủy sản các tỉnh miền núi ngày càng tăng; năm 2004, diện tích nuôi thủy sản đạt 56.246 ha, tăng 3.423 ha so với năm trước; sản lượng nuôi thủy sản đạt hơn 40 nghìn tấn. Người dân miền núi không chỉ tận dụng mặt nước ao, hồ, sông, suối mà còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Ngoài các đối tượng nuôi truyền thống, nhiều địa phương mạnh dạn nuôi các giống thủy sản mới như tôm càng xanh, cá chép lai, rô phi đơn tính, ba ba gai... đạt hiệu quả kinh tế cao. Các tỉnh nuôi hơn 3.400 lồng cá, trong đó Phú Thọ có 1.700 lồng; Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, mỗi tỉnh nuôi 385-450 lồng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Vụ trưởng Nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản) cho biết: Nếu như trước đây, trong bữa cơm của bà con các dân tộc miền núi thường đạm bạc, giờ đây đã được cải thiện nhờ có tôm, cá. Chỉ cần một ao nuôi cá khoảng vài chục m2 có thể bảo đảm thực phẩm hằng ngày cho một gia đình. Vì thế, trong nhiều năm nay, Bộ Thủy sản có nhiều chính sách giúp các địa phương phát triển nuôi thủy sản miền núi, về cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, khuyến ngư, sản xuất con giống.

Năm 2004, từ nguồn ngân sách trung ương, Bộ Thủy sản hỗ trợ các tỉnh miền núi 19 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản; trong đó, tỉnh Lào Cai được hỗ trợ 2 tỷ đồng, Phú Thọ 3 tỷ đồng, Thái Nguyên 2 tỷ đồng, Hòa Bình 3 tỷ đồng, Sơn La 2 tỷ đồng... Khuyến ngư góp phần xóa đói, giảm nghèo là một trong những chương trình khuyến ngư trọng điểm.

Năm 2004, Trung tâm Khuyến ngư quốc gia tổ chức 227 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho gần 12 nghìn lượt người; xây dựng 87 mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh miền núi phía bắc. Không chỉ khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước các hồ chứa như Núi Cốc, Hòa Bình, Thác Bà, các địa phương còn tận dụng các sông, suối để nuôi thủy sản.

Từ khi Chính phủ có chủ trương chuyển diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản, người dân miền núi còn mạnh dạn nuôi các đối tượng nuôi mới. Nhiều mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá trong ruộng lúa ở Ðiện Biên đạt năng suất 0,7 tấn/ha, nuôi tôm càng xanh đạt một tấn/ha ở Hà Giang.

Ðến nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 đã thành công nuôi cá hồi vân, cá tra tại huyện Sa Pa (Lào Cai), mở ra triển vọng mới về nuôi thủy sản tại địa phương.

Ðến nay, hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc đã hoàn thành quy hoạch phát triển nuôi thủy sản, đều xác định thủy sản là một ngành kinh tế quan trọng, được thể hiện trong các nghị quyết, chủ trương của HÐND, UBND tỉnh. Nhiều tỉnh thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá giống thủy sản giúp bà con các dân tộc nuôi thủy sản; hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản miền núi.

Năm 2004, các tỉnh miền núi phía bắc chuyển 1.012 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; trong đó, tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi 500 ha, Phú Thọ 350 ha, Hòa Bình 30 ha, Lào Cai 20 ha, Yên Bái 12 ha... Năm nay, các tỉnh chuyển đổi 1.760 ha, chủ yếu diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản.

Thực tế cho thấy, các tỉnh miền núi phía bắc có tiềm năng lớn về nuôi thủy sản, nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao nhưng cũng nhiều thách thức. Ông Nguyễn Văn An, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy, cho rằng: "Các địa phương khuyến khích nuôi thủy sản nhưng cũng cần tính đến hiệu quả kinh tế. Chúng ta khuyến khích nông dân đưa cá vào nuôi nhưng khi xảy ra dịch bệnh thì nông dân biết dựa vào ai? Vì thực tế tại địa phương, cán bộ thú y thủy sản cấp huyện chưa có. Theo tôi, muốn phát triển nuôi thủy sản bền vững, chúng ta phải có kỹ thuật nuôi tốt, con giống tốt, chủ động xử lý dịch bệnh thủy sản".

 


Cá basa Việt Nam xâm nhập hệ thống Mc Donald

Nguồn tin: TN, 14/11/2005
Ngày cập nhật: 14/11/2005

 


Châu Phú: Nuôi tôm càng xanh thu lợi nhuận 30 triệu đồng/ha

Nguồn tin: WAG, 14/11/2005
Ngày cập nhật: 14/11/2005

Mô hình nuôi tôm càng xanh của huyện Châu Phú hiện cho thu nhập khá cao, nhất là mô hình chuyên canh tôm càng xanh. Toàn huyện có 48 hộ nuôi tôm càng xanh trên diện tích 120,23 ha, tăng gần 34 ha so năm trước, thả nuôi với số lượng trên 8,7 triệu con Post tập trung ở các xã: Vĩnh Thạnh Trung, Bình Phú, Bình Long, Ô Long Vĩ. Trong đó, mô hình nuôi tôm càng xanh trái vụ (diện tích 48 ha) có năng suất bình quân đạt 0,8 tấn/ha, sản lượng 38,5 tấn/ha. Theo chiết tính của ngành chức năng huyện, đa số các hộ nuôi đều có lãi từ 15-30 triệu đồng/ha.

Năm 2006, Châu Phú tiếp tục triển khai vùng quy hoạch nuôi tôm càng xanh với diện tích 430 ha, tập trung ở 3 xã: Vĩnh Thạnh Trung, Thạnh Mỹ Tây và Bình Phú.

HỒNG TRA

 


Mùa lũ theo chân dân mò hến

Nguồn tin: SGGP, 13/11/2005
Ngày cập nhật: 14/11/2005

 


Thủy sản VN cam kết tuân thủ sẽ tiêu chuẩn ATVS thực phẩm châu Âu

Nguồn tin: TP, 11/11/2005
Ngày cập nhật: 13/11/2005

 


Có thể không đáp ứng hết các đơn hàng cá tra, basa

Nguồn tin: vasep, 11/11/2005
Ngày cập nhật: 12/11/2005

 


Thủy sản ứng phó với dịch cúm gia cầm

Nguồn tin: VNECONOMY, 10/11/2005
Ngày cập nhật: 12/11/2005

 

 


Trung tâm giao dịch thuỷ sản Cần Giờ hoạt động trở lại từ ngày 15/11/2005

Nguồn tin: VNECONOMY, 10/11/2005
Ngày cập nhật: 12/11/2005

 


Giá cá tra, basa sẽ tăng 1.500 đồng/kg

Nguồn tin: VNECONOMY, 11/11/2005
Ngày cập nhật: 12/11/2005

 


Sản xuất giống thủy sản trái quy định bị phạt đến 30 triệu đồng

Nguồn tin: TT, 11/11/2005
Ngày cập nhật: 12/11/2005

Bộ Thủy sản đã bắt đầu áp dụng chế độ xử phạt đối với các vi phạm trong sản xuất thủy sản với mức phạt cao nhất có thể lên tới 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển giống thủy sản hoặc thả ra môi trường tự nhiên các loài thủy sản không có tên trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh.

Bộ sẽ xử phạt từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản nào xây dựng cơ sở không theo quy hoạch; không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường đối với ao, bể, các trang thiết bị, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải. Mức phạt này cũng sẽ áp dụng đối với các cơ sở sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất quá hạn sử dụng.

Bộ cũng sẽ phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thuộc danh mục cấm sử dụng, cấm lưu hành tại VN do Bộ Thủy sản quy định.

Theo TTXVN

 


Nghiên cứu sản xuất đại trà cua giống: Mở hướng mới phát triển thủy sản ĐBSCL

Nguồn tin: BCT, 12/11/2005
Ngày cập nhật: 12/11/2005

Cua, ghẹ là hai loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, được người nuôi quan tâm nhưng vấn đề con giống là trở ngại lớn nhất khi các nghiên cứu sản xuất con giống chỉ dừng lại ở thực nghiệm. Các kết quả nghiên cứu thành công do Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đã “cởi trói” cho nghề nuôi thủy sản nước lợ vùng ven biển...

“CỞI TRÓI” CHO NGƯỜI NUÔI

Thời gian qua, con tôm sú, mặt hàng mũi nhọn trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, liên tục gặp nhiều khó khăn về thị trường. Một số vùng nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn những mùa vụ “ăn chắc” khi nuôi tôm vì nhiều rủi ro, dịch bệnh. Theo đánh giá của các nhà khoa học ngành thủy sản, khả năng sinh tồn của cua biển rất cao, ngay cả đối với những vùng không còn nuôi được tôm sú. Bên cạnh đó, nghề nuôi cua biển lấy thịt (nuôi kết hợp với tôm, rừng...) đã được thực hiện ở nhiều nơi, lợi nhuận kinh tế cao nhưng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật. Tuy nhiên, người nuôi đành phải “bó tay” vì nguồn giống cua có hạn, phụ thuộc vào việc khai thác tự nhiên hoặc cua tự sinh sản trong vuông nuôi tôm ở các vùng nước lợ ven biển. Nhiều hộ ở Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... tận dụng nguồn cua khai thác từ thiên nhiên nuôi theo hình thức “vỗ béo” để từ cua ốp thành cua chắc hoặc nuôi cua lột, cua gạch nhằm tăng giá trị kinh tế.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hải, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản - Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, báo tin vui: “Phát triển nghề nuôi cua thịt tại các vuông nuôi thủy sản ven biển hoặc kết hợp nuôi trong các khu rừng ngập mặn là hoàn toàn khả thi. Bởi vì, con giống đã có thể sản xuất đại trà để đáp ứng nhu cầu người nuôi...”. Năm 1964, Ong Kah Sin (Malaysia) đã bắt tay vào việc nghiên cứu sản xuất giống cua biển. Ở nước ta, có nhiều công trình nghiên cứu được đưa vào ứng dụng sản xuất cua giống nhưng vẫn còn ở quy mô thực nghiệm, chưa sản xuất đại trà. Từ năm 1997, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ mới bắt tay vào việc nghiên cứu với rất nhiều thí nghiệm tìm ra một phương thức mới có thể sản xuất cua giống đại trà. Một trong các nghiên cứu trên là thí nghiệm với ba nghiệm thức ở ba mật độ 50, 75 và 100 ấu trùng cua biển/lít trong môi trường nước xanh. Nước nuôi ấu trùng cua biển có độ mặn 30%o được pha từ nước ót có độ mặn 130%o. Tiến sĩ Trần Ngọc Hải cho biết: “Các nghiệm thức đều được thực hiện trong cùng một môi trường, điều kiện khí hậu, nhiệt độ và thức ăn... Sau 14-15 ngày ương, Megalopa (một giai đoạn của ấu trùng-PV) xuất hiện ở hầu hết các nghiệm thức. Sau 24 ngày ương, hầu hết Megalopa đều chuyển sang cua con. Kết quả cho thấy, thời gian hoàn thành chu kỳ ương ấu trùng theo phương pháp này bằng hoặc ngắn hơn so với các nghiên cứu trước đó. Kết quả từ nghiệm thức 100 con/lít là tốt nhất với tỷ lệ sống trung bình gần 10%. Hiện nay, các thí nghiệm khác cũng cho kết quả tỷ lệ sống dao động trong khoảng 2-10%. Với tỷ lệ này hoàn toàn cho phép áp dụng vào sản xuất đại trà do cua có số lượng trứng rất lớn - khoảng 1 triệu trứng mỗi con cái”.

HƯỚNG MỞ THỊ TRƯỜNG

Cua biển là hải sản quý có giá trị kinh tế cao và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước trên thế giới. Nguồn lợi cua biển ở nước ta khá phong phú, phân bổ khắp các vùng biển, cửa sông, vùng vịnh. Cua biển ăn tạp từ động thực vật phù du đến rong tảo, các loài giáp xác, cá... với số lượng lớn thay đổi tùy kích thước. Vì vậy, cua có thể nhịn ăn nửa tháng mà không ảnh hưởng đến trọng lượng. Sản lượng khai thác tự nhiên loài thủy sản này tại Việt Nam bình quân khoảng 400 tấn/năm. Tại các tỉnh vùng châu thổ phía Bắc, cua biển được thả nuôi với năng suất khoảng 1 tấn/ha. Theo đánh giá của Bộ Thủy sản, sản phẩm cua lột là mặt hàng phổ biến có giá trị kinh tế cao, được chế biến thành sản phẩm cua tẩm bột chiên, các món ăn hấp dẫn quen thuộc đối với người tiêu dùng châu Á và có xu hướng mở rộng nhiều thị trường khác trên thế giới. Đặc biệt, mặt hàng cua biển tươi sống, đông lạnh hiện đang tiêu thụ mạnh trên thị trường. Năm 2004, sản lượng xuất khẩu cua biển của Việt Nam đạt khoảng 6.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD.

Các tỉnh ven biển thuộc khu vực ĐBSCL đều có thể phát triển nghề nuôi cua lấy thịt. Cua biển dễ nuôi, có thể thu hoạch trong thời gian 4 tháng/vụ. Người nuôi có thể thả nuôi theo nhiều hình thức bán thâm canh hoặc kết hợp tôm-cua-rừng... tùy theo điều kiện vùng nuôi. Song song với con cua, con ghẹ cũng được sản xuất giống thử nghiệm gần đây ở Trại thực nghiệm của Khoa Thủy sản với tỷ lệ sống đạt khoảng 10-20% và đang thử nghiệm nuôi ghẹ thịt tại Trại Thực nghiệm của Khoa ở Vĩnh Châu - Sóc Trăng với kết quả rất tốt.

Sự đa dạng vùng nuôi tạo thêm nguồn nguyên liệu dồi dào phát huy công suất sản xuất của các nhà máy chế biến thủy-hải sản sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người nuôi. Đặc biệt là hai mặt hàng cua, ghẹ có thể nuôi kết hợp với tôm hoặc bán thâm canh sẽ mở thêm hướng phát triển mới cho ngành hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, người nuôi cũng thoát khỏi tình trạng “độc canh” con tôm với nhiều rủi ro mà thời gian qua đã gặp phải...

NAM QUỐC

 


Giàu nhờ nuôi tôm, đi biển

Nguồn tin: LĐ, 11/11/2005
Ngày cập nhật: 11/11/2005

Năm 2000 trở về trước, đời sống gia đình anh Trần Huệ (ảnh) với 6 nhân khẩu ở Mỹ Thành, Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi rất khó khăn, túng quẫn.

Anh Trần Huệ kể: "Năm 1991, phát hiện vùng đất ven sông Đá Bia có thể nuôi tôm sú, tôi cùng người anh ruột bỏ vốn liếng, công sức để xây dựng hồ nuôi. Buổi đầu thiếu kinh nghiệm, quy mô nhỏ nên 10 năm nuôi tôm mà kết quả không cao; có vụ được mùa, có vụ mất...".

Không nản chí, anh tìm tòi, học hỏi và đầu tư vốn mở rộng diện tích, mua sắm thiết bị phục vụ cho việc nuôi tôm bán thâm canh. Diện tích nuôi tôm của gia đình anh hiện là 8.500m2.

Từ năm 2000 - 2004, bình quân mỗi năm, gia đình anh thu 50 - 60 triệu đồng trở lên. Vụ tôm sú đầu năm 2005, anh thu hơn 90 triệu đồng.

Đời sống vật chất lẫn tinh thần của gia đình anh Trần Huệ đang sung túc dần lên, hoàn thành nghĩa vụ thuế, tích cực đóng góp các nguồn quỹ ở địa phương, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt...

Anh Huệ đã được công nhận là điển hình nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi của huyện Bình Sơn giai đoạn 2000 - 2005.

Tuấn Kiệt


Giá tôm hùm thương phẩm tiếp tục tăng cao

Nguồn tin: PY, 11/11/2005
Ngày cập nhật: 11/11/2005

Giá tôm hùm thương phẩm đang tiếp tục tăng cao. Đến hôm qua, giá mỗi kg tôm hùm ở huyện Sông Cầu là 500.000 đồng, tăng 100.000 đồng/kg so với thời điểm thu hoạch rộ. Trong khi đó giá cá mú cũng tăng cao ở mức 145.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước. Với giá này người nuôi đều có lãi nên rất phấn khởi.

(Theo K.Ba, Báo Phú Yên 1900)

 


Khi con tôm càng trở lại

Nguồn tin: BCT, 10/11/2005
Ngày cập nhật: 11/11/2005

Giống như nhiều nơi ở Cà Mau, trước năm 2000, nhiều nông dân trong vùng ngọt hóa Mỹ Hưng (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đã tự ý bửa đê, dẫn nước mặn vào nuôi tôm sú. Nhưng giấc mơ “trúng độc đắc” từ con tôm sú không thành, nhiều người sau đó đã trắng tay! May thay, con tôm càng xanh đã trở lại, hồi sinh cho vùng nuôi tôm sú.

ẢO VỌNG TÔM SÚ!

Dãy đất cuối của cù lao Minh thuộc huyện biển Thạnh Phú được chia ra thành hai vùng khá rõ rệt: vùng ngọt hóa (các xã cánh trên)- chủ yếu sản xuất nông nghiệp (cây lúa) và vùng nuôi thủy sản (các xã cánh dưới, gần biển). Xã Mỹ Hưng, huyện biển Thạnh Phú là xã nằm cuối trong vùng ngọt hóa (dự án 418), có diện tích trồng lúa 835 ha, nhân dân sống chủ yếu dựa vào cây lúa. Chỉ độc canh cây lúa nên nhiều năm trước, tỷ lệ hộ nghèo ở đây thường rất cao so với các xã khác trong huyện...

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hưng, Trần Văn Hữu, kể: “Trước năm 2000, thấy một số xã sát bên như: Mỹ An, An Thạnh..., nằm ngoài dự án ngọt hóa 418, nuôi tôm sú đem lại hiệu quả rất cao so với làm ruộng nên nhiều nông dân trong xã Mỹ Hưng tìm cách bổ đê, dẫn nước mặn vào ruộng lúa của mình để nuôi tôm sú. Thoạt đầu, nhiều hộ nuôi tôm sú khá trúng, có hộ chỉ thả nuôi chơi chơi 1.000- 2.000 m2 mặt nước nhưng thu lãi hàng chục triệu đồng chỉ sau một vụ nuôi. Thấy vậy, năm sau, có thêm nhiều nông hộ khác tìm cách dẫn nước mặn vào nuôi tôm sú, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền địa phương. Thế nhưng... Giấc mơ “trúng độc đắc” từ tôm sú bất thành. Sau vài vụ trúng, đến 2002, con tôm sú nuôi ở Mỹ Hưng bắt đầu bị bệnh chết hàng loạt, hầu hết người nuôi đều bị lỗ nặng. Đáng quan ngại hơn là môi trường nuôi trồng, sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng!”.

Làm gì để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân trên vùng đất giờ nhiều nơi đã thành “mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt” này trở thành nỗi trăn trở lớn nhất của lãnh đạo và nhiều người dân ở xã Mỹ Hưng, sau hồi lao đao vì con tôm sú.

SỨC SỐNG TÔM CÀNG

Một trong những người mạnh dạn đưa con tôm càng xanh xuống ruộng lúa Mỹ Hưng là Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Hưng, Lê Văn Chiến, năm nay tròn 30 tuổi.

Ngoài công tác ấp, anh là một nông dân cần cù, năng nổ, luôn tiên phong trong nhiều phong trào sản xuất tại xã nhà. Anh Chiến tâm sự: “Nhà nước không có chủ trương cho... mặn hóa đất Mỹ Hưng, vậy sao mình không nuôi con tôm càng xanh- một loại thủy sản thích hợp cả với nước ngọt và nước lợ? Với lại, ngay tại xã, việc sản xuất và ươm giống tôm càng xanh cũng đã thành công. Đó là cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống Cô Sương ở ấp Thạnh Hưng. Hàng tháng, cơ sở này cho “ra lò” trên 3 triệu con giống tôm càng xanh từ các tôm bố mẹ trong thiên nhiên tại địa phương, đủ con giống tôm càng xanh để bà con có thể thả nuôi với diện tích lớn. Con giống được sản xuất, ươm ngay tại xã nhà nên khỏe mạnh, lớn nhanh. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã”

Năm 2004, anh Chiến thả nuôi 30.000 ngàn con giống tôm càng xanh trên diện tích 1,5 ha ruộng lúa của mình. Sau khoảng 4 tháng nuôi, anh thu hoạch. Khi thu hoạch, anh lựa ra: tôm càng xanh cái bán đi, tôm càng xanh con đực để lại nuôi tiếp. Tổng cộng, năm 2004 anh lời 65 triệu đồng. Năm nay, khi tôi đến ấp Thạnh Hưng tìm hiểu phong trào nuôi tôm càng xanh, anh Chiến cho biết anh thả nuôi 45.000 con giống tôm càng xanh và đang chờ thu hoạch. Anh cho biết: Nuôi tôm càng tháng đầu cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp. Từ tháng thứ hai trở đi cho ăn bằng thức ăn gia súc nấu trộn với con ruốc. Chân nền cây lúa cũng là nguồn thức ăn dồi dào cho tôm và ngược lại, thức ăn cho tôm thải xuống ao đã giúp cây lúa phát triển nhanh, tươi tốt. Cây lúa còn tạo cho nước trong ao nuôi không quá nóng, là môi trường thích hợp giúp con tôm càng xanh chóng lớn.

Những năm gần đây, giá tôm càng luôn ở mức 80.000-100.000 đồng/kg (loại 20 con 1 kg), lắm khi hút hàng, giá tôm càng vọt lên 120.000-130.000 đồng/kg. Với giá trên so ra tôm càng còn gác cạnh hơn cả tôm sú... Không riêng gì anh Chiến, năm 2003, toàn xã Mỹ Hưng chuyển sang nuôi tôm càng xanh trên 300 ha với trên 350 hộ nuôi. Những hộ như: Trần Văn Vạn, Trần Văn Tươi, Nguyễn Văn Thống... thả nuôi từ 30.000 – 50.000 giống đều lời 30-50 triệu đồng sau 6 tháng nuôi. Anh Nguyễn Văn Á, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng, phấn khởi nói: “Năm 2004, diện tích nuôi tôm càng xanh tại xã trên 350 ha; năm 2005, tăng lên trên 420 ha. Số nông hộ nuôi tôm càng gần như đều khắp cả 4 ấp của xã. Mỹ Hưng cũng là xã phát triển nuôi tôm càng mạnh nhất và có hiệu quả nhất của huyện Thạnh Phú.”

Tôi đến cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống Cô Sương ở đầu trên ấp Thạnh Hưng, cạnh bên dòng Băng Cung. Điều tôi không khỏi bất ngờ là cơ sở này có quy mô sản xuất tôm giống rất lớn với tổng cộng 90 hồ ươm giống, mỗi hồ (trị giá tương đương 30 triệu đồng khi đang sản xuất) chứa 30 khối nước cho... tôm con bơi. Thì ra, cơ sở Cô Sương không chỉ cung cấp giống tôm càng cho xã Mỹ Hưng, nhiều địa phương trong tỉnh Bến Tre, nhiều tỉnh khác tại ĐBSCL cũng đến đây đặt hàng và mua con giống tôm càng. Anh Nguyễn Văn Á, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng, cho biết: Tuy chưa tiến lên doanh nghiệp tư nhân nhưng nhìn cơ ngơi, hệ thống sản xuất và khách hàng đến đây mua con giống, nhiều người nhận định cơ sở tôm giống Cô Sương đang được rất nhiều người nuôi tôm tín nhiệm. Sức phát triển của cơ sở này còn rất lớn...”.

Chị Nguyễn Thị Sương, chủ cơ sở Cô Sương, tâm sự: “Năm 1998, khi nhiều người dân Mỹ Hưng còn mê nuôi con tôm sú (dù đất sản xuất của mình nằm trong vùng ngọt hóa, đã khép kín) thì ông xã tôi (anh Hồ Văn Bù) đã tìm mua giống tôm càng xanh ngoài tỉnh về cung cấp lại cho nông dân và hướng dẫn bà con nuôi tôm càng xanh. Nhờ đó, nhiều người nuôi tôm càng thu hoạch khá rồi hướng dẫn lại cho nhiều người khác cùng nuôi. Diện tích “con tôm ôm cây lúa” ở Mỹ Hưng ngày càng mở rộng, mở ra triển vọng mới về kinh tế cho những nông dân hồi nào tới giờ chỉ biết trông cậy vào cây lúa...” Cũng theo lời chị Sương, sau năm 1998, cơ sở Cô Sương đã nghiên cứu và sản xuất thành công giống tôm càng tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và chủ động cho địa phương trong phát triển nuôi tôm càng xanh. Bởi trước đó, con giống là chuyện hết sức bức xúc đối với những người muốn nuôi tôm càng. Muốn nuôi, hầu hết người nuôi chỉ có thể thu mua con giống từ thiên nhiên với số lượng rất ít, con giống lớn nhỏ không đồng đều... Vì thế, hiệu quả nuôi thường không cao, khiến nhiều người không tin tưởng việc có thể phát triển nghề nuôi tôm đại trà ở xã Mỹ Hưng.

Chiều về trên đồng đất Mỹ Hưng. Sau những ngày “mưa rước cá” dầm dề, đất trời ướt sũng, những làn gió chướng mát rượi lại tựu về đây làm sảng khoái những người khách phương xa. Một nông dân đang lúi húi nướng tôm càng mời khách. Những chú tôm càng vừa bắt lên, lớn bằng cổ tay, búng nghe róc róc, nướng trên than miểng gáo, bốc mùi thơm phức. Tôm càng nướng mà ăn cặp với củ cải trắng lác mỏng trộn rau râm cùng nhâm nhi ly rượu nếp thì có chi bằng... Anh nông dân chép miệng: “Hồi trước, đây có đâu tôm kho tàu để mà ăn, dù là ngày thường hay ngày Tết. Còn bây giờ... cây nhà, lá vườn, cứ “vô tư”. Xin mời!”.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hưng, Trần Văn Hữu, trở lại chuyện tôm càng: Trong cơ cấu phát triển kinh tế của xã trước đây không có “mục” nuôi tôm, chỉ chủ yếu là cây lúa, nuôi gia cầm, nuôi heo, bò. Vì vậy, khi con tôm càng xanh giờ đã có đủ điều kiện hồi sinh và phát triển thì mong muốn của xã là cấp trên xem xét cho nông dân được vay thêm vốn để nuôi tôm càng xanh thay vì chỉ được vay tiền nuôi heo, nuôi bò. Phần khác, điều hết sức quan trọng cho phát triển nuôi thủy sản là nguồn cấp và thoát nước. Hiện nay, hệ thống thủy lợi nơi cuối dự án ngọt hóa 418 (tức Mỹ Hưng) chưa phải là đã hoàn chỉnh, nhiều kinh nội đồng vào mùa khô luôn tình trạng thiếu nước (do dẫn nước ngọt từ trên về quá xa). Theo Bí thư Trần Văn Hữu, có được những điều kiện đó, con tôm càng xanh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và sẽ đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhiều người dân nơi đây.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

 


Giá cá tra, cá basa sẽ tăng trở lại

Nguồn tin: SGGP, 10/11/2005
Ngày cập nhật: 10/11/2005

“Giá cá tra, cá basa sẽ tăng trở lại và đạt mức 12.000 đồng/kg” – đó là nhận định của GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang tại Hội nghị “Nông dân Hậu Giang chuẩn bị gì khi gia nhập WTO” tổ chức tại tỉnh Hậu Giang ngày 9-11.

Nguyên nhân chủ yếu do dịch cúm gia cầm đang lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới; các đơn đặt hàng cá tra, cá basa từ châu Âu đang tăng vọt. Nhiều khả năng các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng đủ các đơn đặt hàng trong thời gian tới. Lượng cá tra, cá basa cũng sẽ được kiểm tra chặt về dư lượng kháng sinh.

Hiện tại giá cá tra, cá basa ở ĐBSCL dao động ở mức 10.200 đồng -10.500 đồng/kg. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, nông dân Hậu Giang cần phát huy tính liên kết cộng đồng để hạ giá thành sản xuất trong mùa đường để chuẩn bị gia nhập WTO. Cụ thể có thể học tập phương pháp sản xuất của gần 60 nông dân trên địa bàn: trồng mía đạt năng suất 200 – 280 tấn/ha, cao gấp 3-4 lần so với năng suất bình quân ở ĐBSCL.

C.H.P.

 


Phú Yên: Cá mú và cá hồng giống nhiều chưa từng có

Nguồn tin: NLĐ, 10/11/2005
Ngày cập nhật: 10/11/2005

Nhiều ngư dân ở ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cho biết chưa khi nào ở khu vực này cá mú, cá hồng con xuất hiện nhiều như những ngày qua.

Bình quân mỗi ngày người dân đánh bắt không dưới 4.000 cá con. Nhiều tư thương đã tranh nhau mua toàn bộ số cá con bắt được để bán cho những người nuôi cá thương phẩm không chỉ ở Phú Yên mà cả Bình Định, Khánh Hòa nên giá cá con đã được đẩy lên khá cao. Hiện tại, giá cá hồng giống khoảng từ 5.000-7.000 đồng/con, cá mú giống: 10.000-12.000 đồng/con. Thu nhập mỗi ngày của người khai thác cá mú, cá hồng giống ở đầm Ô Loan đạt bình quân từ 150.000 – 200.000 đồng. Hàng chục người dân vùng ven đầm Ô Loan ở 2 xã An Cư và An Hiệp đã dùng nhiều hình thức khai thác, như: thả lưới, giăng câu, đăng chắn. Việc này đang làm cạn kiệt nguồn thủy sản được coi là đặc sản của khu đầm thắng cảnh quốc gia Ô Loan.

Q.Khương

 


Kiểm tra toàn bộ lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Bắc Mỹ

Nguồn tin: NLĐ, 9/11/2005
Ngày cập nhật: 10/11/2005

Ngày 9-11, Bộ Thủy sản ban hành quyết định về việc tăng cường kiểm tra hàng thủy sản xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Canada.

Theo đó, các doanh nghiệp (DN) phải được kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm đối với 100% số lô hàng thuộc 3 nhóm sản phẩm là cá basa, cá tra; tôm; thịt cua, ghẹ xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Canada với các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh. Xuất khẩu vào Hoa Kỳ được kiểm tra chỉ tiêu Malachite Green (MG), Leucomalachite Green (LMG) và Fluoroquinolone (Enrofloxacin, Ciprofloxacin và Flumequine) đối với cá basa, cá tra; kiểm tra Chloramphenicol (CAP), Nitrofurans (NTRs) đối với sản phẩm tôm; kiểm tra Chloramphenicol đối với thịt cua, ghẹ. Xuất khẩu vào Canada được kiểm tra chỉ tiêu Chloramphenicol; MG và LMG đối với sản phẩm cá basa, cá tra.

B. Trân

 


Châu Phú, An Giang: Ếch nội ngon hơn ếch Thái Lan

Nguồn tin: WAG, 9/11/2005
Ngày cập nhật: 9/11/2005

Sau một thời gian ếch Thái Lan được ưa chuộng tại đây, giá ếch đã bắt đầu giảm do thịt không ngon. Bà con lại quay trở về với giống ếch tự nhiên hoang dã. Huyện cũng không có kế hoạch khuyến khích bà con phát triển mô hình nuôi ếch Thái trên địa bàn vì ngại không có đầu ra.

Theo những hộ dân nuôi ếch nội, kỹ thuật nuôi ếch này không khó khăn lắm, chủ yếu là phải tạo môi trường sống sao cho giống với tự nhiên, ếch sẽ sống tốt và tỷ lệ hao hụt thấp.

Thời báo Kinh tế Việt Nam


Thủy sản Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng của EU

Nguồn tin: SGGP, 9/11/2005
Ngày cập nhật: 9/11/2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang