Thương hiệu cho nghêu
Nguồn tin: WBtre, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 31/12/2005
Trong nuôi thuỷ sản, con nghêu đang mang lại lợi nhuận kinh tế cao so với các vật nuôi khác, đặc biệt nghêu thịt đươc đánh giá cao về dinh dưỡng, về an toàn vệ sinh thưc phẩm. Hiện tại, con nghêu xuất xứ từ Bến Tre có uy tín và chiếm lĩnh nhiều thị trường ở châu Âu, châu Á. Song để con nghêu Bến Tre trở thành thương hiệu mạnh, bền vững, cốt lõi của vấn đề vẫn là làm sao có được môi trường sinh thái trong lành để con nghêu quần cư sinh sản, phát triển.
Bến Tre – “thủ phủ” của loài nghêu.
Bến Tre có trên 65km bờ biển với 4 cửa sông lớn đổ ra biển Đông là cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên; theo chế độ bán nhật triều, chính dòng triều ra vào từ 4 con sông lớn trên đã tạo thành hàng chục ngàn ha bãi triều dọc theo bờ biển Bến Tre. Điều kiện tự nhiên ưu đãi hợp cùng vời vùng ven biển nhiệt đới gió mùa đã tạo ra nhiều lợi để phát triển kinh tế biển, trong đó nguồn lợi từ con nghêu quần cư ở các bãi triều ven biển là một tiềm năng kinh tế vô cùng lớn của Bến Tre. Con nghêu hiện đóng góp tích cực và quan trọng vào tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá của tỉnh. Và cũng từ con nghêu, những năm gần đây, đã góp phần làm tăng lợi ích cộng đồng, cơ sở hạ tầng của các xã ven biển Bến Tre được nâng cấp và cải thiện.
Hiện tại, diện tích bãi nghêu trên toàn tỉnh Bến Tre là trên 15.000 ha, trong đó huyện Bình Đại (Thới Thuận, Thừa Đức) có diện tích lớn nhất là 5.400 ha, Ba Tri (Bảo Thuận, An Thuỷ) gần 5.000 ha, Thạnh Phú (Thạnh Phong, Thạnh Hải) trên 3.700 ha. Diện tích bãi nghêu bố/mẹ (nằm ở cửa sông Ba Lai) 389 ha. Sản lượng nghêu hiện từ 100.000 – 150.000 tấn/năm. Đây được xem là “mỏ nghêu” lớn nhất trong cả nước…
Qua khảo sát của những nhà làm “Luận chứng khoa học của một số giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi nghêu, sò huyết ở bãi triều ven biển tỉnh Bến Tre’’(Đồng chủ nhiệm đề tài: KS. Trần Thị Thu Nga (Phó Giám đốc Sở Thuỷ Sản Bến Tre) và PGS.TSKH. Nguyễn Tác An (Viện Trưởng Viện Hải Dương Học) cho thấy: Chế độ dòng chảy vùng triều ven biển Bến Tre là sự kết hợp động lực của quá trình mưa lũ và thuỷ triều. Cấu trúc dòng chảy khá phức tạp ở vùng giao thoa giữa sông và biển, đã tạo nên vùng giáp nước có đặc trưng riêng về động lực. Vùng giáp nước thường có cấu trúc dòng biến đổi theo độ sâu, dòng chảy giảm dần từ mặt xuống và có hướng ngược với tầng mặt. Hiện tượng này tạo ra cho vùng giáp nước là nơi tích tụ vật chất từ sông đưa ra và từ biển đưa vào. Đó cũng chính là sự hình thành các bãi nghêu ven biển Bến Tre. Các bãi nghêu thuộc loại bãi triều cát mịn-trung (chiếm trên 87%), môi trường địa hoá mang tính chủ yếu và rất ít sunfua…Diện tích bãi thường biến đổi từ vài trăm ha đến hàng ngàn ha. Chiều dài bãi từ vài trăm mét đến hàng chục ngàn mét. Chiều rộng bãi từ vài chục mét đến 5.000 mét. Nghêu là loài nhuyễn thể ăn lọc, thành phần thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ. Thành phần thức ăn không biến đổi lớn theo kích thước cá thể, nhưng nghêu biến đổi khá rõ theo mùa khí hậu. Nghêu ở vùng ven biển Bến Tre sinh sản hầu như quanh năm, nhưng mùa đẻ tập trung vào tháng 3 đến tháng 6-7 hàng năm. Chất lượng môi trường sống và sản phẩm nghêu ven biển Bến Tre vẫn đang ở trạng thái sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, bãi nghêu Bình Đại và Thạnh Phú (Bến Tre) là một trong 7 điểm của cả nước được Bộ Thuỷ Sản chọn làm thí điểm về chất lượng môi trường và Bến Tre cũng là đơn vị có đủ tiêu chuẩn về quản lý chất lượng để xuất khẩu con nghêu vào thị trường châu Âu (HACCP).
Thương hiệu nghêu Bến Tre – tại sao không?
- Nghêu đông lạnh xuất khẩu
Những năm trước đây, nghêu chở đến các chợ, đổ đầy đàng đấy đống, bán ra chỉ giá 2.000 - 3.000 đồng/kg (nghêu vỏ). Còn hiện nay, tại các sân nghêu, giá nghêu luôn ở mức 10.000 -11.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng bán hết. Theo Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi thuỷ sản Rạng Đông, Nguyễn Quốc Dũng, chỉ riêng HTX này hàng năm đã khai thác trên 8.000 tấn nghêu thịt lẫn nghêu giống và hiện nay, trữ lượng nghêu trên toàn tỉnh xem ra sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa. Nguyên do? Ông Dũng cho rằng: “Đất lành…nghêu tựu”.
Giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Bến Tre (BESEACO) Bùi Văn Kính cho biết: “Nghêu thịt đông lạnh đang xuất khẩu mạnh vào thị trường châu Âu, kể cả Nhật, Trung Quốc, Đài Loan….Thị trường châu Âu thì thích nghêu cỡ loại 500 – 800 – 1.000 -1.000 up/con. Năm 2002, khi nhhêu bắt đầu xuất khẩu mạnh, một tấn nghêu thịt đông lạnh thành phẩm xuất khẩu giá 1.800 – 1.900 USD, còn hiện nay: 3.200 – 3.500 USD/tấn. Các công ty đông lạnh thủy sản xuất khẩu chủ lực ở Bến Tre như FAQUIMEX (Công ty xuất nhập khẩu Lâm Thủy sản Bến Tre), AQUATEX (Công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Bến Tre) và công ty của chúng tôi (BESEACO) sản xuất bấy nhiêu đều xuất hết bấy nhiêu. Với thị trường châu Âu, khách hàng thích con nghêu trắng (nghêu ở vùng biển Bến Tre) hơn con nghêu lụa (nghêu màu hồng, có nhiều ở vùng biển Bình Thuận). Bởi thế, hiện giá xuất khẩu nghêu trắng luôn cao hơn nghêu lụa…’’.
Tại Công ty cổ phần xuất khẩu thuỷ sản Bến Tre (Aquatex), mặt hàng xuất khẩu chủ yếu hiện nay cũng là nghêu. Giám đốc AQUATEX Đặng Kiết Tường cho biết: “Để đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn HACCP, Công ty đã đưa vào hoạt động băng chuyền đông rời (IQF) để tăng năng suất và bảo đảm chất lượng nghêu đông lạnh xuất khẩu - Ông Tường nhấn mạnh. Để giữ thị trường, nhất là thị trường “khó tính’’ như châu Âu, khâu thành phẩm được Công ty kiểm tra nghiêm ngặt và luôn được khách hàng đánh giá cao…’’. Và với Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu - Ba Lai (FAQUIMEX), công ty đầu tư hệ thống nhà xưởng, dây chuyền trang thiết bị chế biến hiện đại để làm hàng tôm và nghêu xuất khẩu như hệ thống băng chuyền cấp đông siêu tốc IQF thẳng 500 kg/giờ, hệ thống băng chuyền cấp đông siêu tốc IQF xoắn 500 kg/giờ, cả hai hệ thống trên đều cùng hiệu Frigoscandia (Thuỵ Điển) sản xuất năm 2003. Cùng với chất lượng tốt của con nghêu Bến Tre, việc tỉnh nhà mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại trong chế biến thủy sản đông lạnh đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, số lượng sản phẩm nghêu xuất khẩu theo yêu cầu “khó tính” của các thị trường nước ngoài.
Phó giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre Trần Thị Thu Nga cho hay: “Trên thực tế, trữ lượng nghêu của toàn tỉnh Bến Tre ước tính khoảng 216.000 -456.000 tấn, khả năng khai thác là 150.000 – 312.000 tấn/năm, trong đó sản lượng chủ yếu là khai thác tự nhiên, còn sản lượng nuôi chỉ khoảng 20.000 – 50.000 tấn/năm. Rõ ràng, việc khai thác tự nhiên và qui hoạch nuôi chưa hợp lý đã làm giảm tiềm năng thực tế ở các bãi nghêu’’. Vì vậy, theo bà Nga, phương thức quản lý thích hợp hiện nay cho các bãi nghêu là khoán diện tích mặt bằng và quản lý cộng đồng. Xin nêu một hiệu quả về phương thức quản lý cộng đồng như sau: Sự sinh trưởng của con nghêu trong năm đầu nhanh hơn những năm tiếp theo. Khi nghêu đạt trên 3 năm tuổi, mức sinh trưởng rất chậm (tuổi thọ nghêu khoảng 11 năm, tương ứng với chiều dài thân 85 mm). Với quản lý cộng đồng, các HTX sẽ thu hoạch nghêu thịt theo lịch qua theo dõi tiến trình sinh trưởng của nghêu tại các bãi do HTX quản lý, tránh tình trạng khai thác nghêu vô tội vạ lúc nghêu đang tăng trưởng nhanh và ngược lại. Ngoài ra, quản lý cộng đồng còn là phương thức tối ưu để tạo công bằng trong ăn chia sản phẩm nghêu, giải quyết lao động và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương thông qua công sức của họ đóng góp vào công việc quản lý HTX hoặc khai thác nghêu; và với sức mạnh tập thể, đó là thế trận hữu hiệu nhất để bảo vệ các bãi nghêu trước nạn trộm cắp vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là với nguồn nghêu giống quí giá của địa phương.
Đến cuối năm 2005, Bến Tre hiện có 10 HTX nuôi nghêu: huyện Thạnh Phú 5 HTX, Ba Tri 3 HTX và Bình Đại 2 HTX, trong đó 2 HTX ở Bình Đại là Rạng Đông (Thới Thuận), Đồng Tâm (Thừa Đức) là nơi làm ăn có hiệu quả nhất với gần 100% sản lượng nghêu sinh sản được quản lý và khai thác tốt. Với HTX Rạng Đông và Đồng Tâm, cách thức quản lý tập thể theo nguyên tắc: quản lý dân chủ - bình đẳng - cùng có lợi, đã giúp cho các xã viên thể hiện rõ quyền làm chủ tập thể; góp phần cùng chính quyền địa phương tại các xã ven biển Bến Tre thực hiện tốt các chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giải quyết phần lớn việc làm cho nhân dân lao động, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển rõ rệt.
Để con nghêu Bến Tre càng đi xa, phát triển bền vững, mới đây, Sở Thủy sản Bến Tre phối hợp với hội đồng quản lý hải sản Nhật (MSC) xây dựng thương hiệu cho con nghêu Bến Tre. Hiện tại phái đoàn MSC đang tiếp tục quá trình điều tra, khảo sát, tổ chức hội thảo, định hướng các bước còn lại để tiến đến chứng nhận thương hiệu. “Thương hiệu nghêu Bến Tre” – tại sao không?
Tác giả: Phan Lữ Hoàng Hà
Đầu tư nuôi ghẹ thương phẩm ở đầm Nại
Nguồn tin: WNT, 30/12/2005
Ngày cập nhật: 31/12/2005
Trước sự sa sút của nghề nuôi tôm sú, một phần do thời tiết khắc nghiệt, một phần do dịch bệnh tôm chưa được khắác phục nên một số hộ dân đã chuyển sang đầu tư nuôi ghẹ thương phẩm, chủ yếu ở khu vực Đầm Nại. Đến nay đã có khoảng 20 ha được đưa vào nuôi với 2 hình thức: nuôi trong lồng luới và nuôi trong ao, trong đó hình thức nuôi trong ao đạt hiệu quả cao hơn. Với giá bán từ 45.000 –50.000đồng/kg ghẹ thương phẩm, bước đầu nhiều hộ nuôi đã thu lợi nhuận khá cao. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến ngư, nuôi ghẹ có thuận lợi là tận dụng được diện tích đìa không nuôi trong vụ đông, tận dụng được con giống khai thác tự nhiên, thời gian nuôi ngắn, giá trị thương phẩm cao. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là thiếu chủ động con giống, kích cỡ giống khi thả nuôi không đồng đều nên tỷ lệ hao hụt lớn. Mặt khác, thức ăn cho ghẹ chủ yếu là cá tươi nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường nuôi.
H.H,Báo Ninh Thuận
Hiệp hội Nghề nuôi & Chế biến Thuỷ sản An Giang Tổng kết hoạt động năm 2005, bàn các giải pháp thực hiện năm 2006
Nguồn tin: WAG, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 30/12/2005
Sáng ngày 28/12/2005, tại hội trường UBND tỉnh An Giang Hiệp hội Nghề nuôi & Chế biến Thuỷ sản tổ chức Hội nghị BCH Hội Thuỷ sản An Giang lần VI nhiệm kỳ I, tổng kết công tác hoạt động năm 2005 và đề ra kế hoạch năm 2006. Đ/c Nguyễn Hữu Khánh chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ngành: Khoa học và công nghệ; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Trung tâm xúc tiến thương mại – du lịch, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang; Chi cục thống kê tỉnh cùng đại diện 11 chi hội nghề cá tỉnh An Giang đã đến tham dự hội nghị.
Năm 2005 là năm ngành thuỷ sản của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xảy ra trong một thời gian dài và có tính chất rất phức tạp. Một phần do rào cản kỹ thuật của thị trường nước ngoài, sự phát triển quá nhanh về số lượng mà ít chú ý chất lượng đầu ra của sản phẩm, thiếu sự kết hợp đồng bộ của các doanh nghiệp, cạnh tranh lẫn nhau bán giá thấp làm cho tình hình xuất khẩu thuỷ sản không ổn định. Giá cả nguyên liệu xuất khẩu giảm mạnh trong thời gian dài, người nuôi thua lỗ nặng. Trước những thách thức trên, nhưng với quyết tâm cao của Ban chấp hành hiệp hội, bằng nhiều giải pháp hợp lý, chủ động trong công tác tuyên truyền vận động hội viên và người nuôi trồng thuỷ sản cố gắng khắc phục vượt qua những khó khăn ổn định sản xuất nâng cao sản lượng thuỷ sản. Theo số liệu của Cục Thống kê, trong năm 2005 sản lượng nuôi ước đạt 150.000 tấn (tăng khoảng 20%); , xuất khẩu và tiêu thụ khoảng 60.000 tấn fillet, tăng 31% so cùng kỳ; đã xây dựng thêm 4 nhà máy chế biến (Afasco, Việt An, Cửu Long, An Xuyên), một số nhà máy mở rộng thêm diện tích và công suất cũng tăng lên từ 600 – 700 tấn/ngày (chiếm khoảng 50% số lượng cá chế biến của các nhà máy ở đồng bằng sông Cửu Long); thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng.
Nhằm đáp ứng tốt những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, một số Cty như Agifish, Cty Nam Việt đã cho ra đời Liên hợp nuôi cá sạch và Hội nuôi cá sạch, tạo vùng nguyên liệu chất lượng cung cấp cho nhà máy. Doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp, liên kết với người nuôi tạo nên một thị trường thống nhất bền vững.Cũng trong năm 2005, Hiệp hội đã vận động phát triển thêm 02 Chi hội mới gồm 74 hội viên, nâng tổng số tổ chức cơ sở trong toàn tỉnh là: 21 Chi hội, 6 HTX, 10 doanh nghiệp chế biến với tổng số trên 870 hội viên. Công tác tập huấn kỹ thuật để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho người nuôi trồng cũng được Hội quan tâm thường xuyên phối kết hợp với các sở ban ngành và các viện, trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang tổ chức gần 20 lớp huấn luyện và hội thảo chuyên đề về nuôi cá cá tra, cá basa, cá Rôphi, cá Chẽm đạt hiệu quả cao, phòng bệnh và cách sử dụng các loại hóa chất kháng sinh trong danh mục cho phép của Bộ Thủy sản cho gần 1300 lượt hội viên. Trong năm 2006 trên cơ sở khắc phục những mặt hạn chế, thực hiện đạt kết quả cao trong công tác thu mua, chế biến xuất khẩu. hiệp hội thủy sản An Giang đã đề ra những mục tiệu, giải pháp thực hiện cụ thể sau: Tăng cường tốt công tác hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ về mặt kỹ thuật; vận động các doanh chủ động gắn kết với người nuôi ứng dụng tốt kỹ thuật nuôi sạch để có nguồn nguyên liệu đạt chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng; tăng cường nối liên kết trong các doanh nghiệp trên từng khâu, từng lĩnh vực nhằm tạo ra sự thống nhất trong việc xác định giá mua nguyên liệu, giá bán thành phẩm trong và ngoài nước. Khẩn trương xây dựng phương án tổ chức các doanh nghiệp chế biến nhỏ thành lập công ty dịch vụ Thủy sản nhằm xúc tiến thương mại và thiết lập kênh tiêu thụ thủy sản, tạo một sự chuyển biến về chất lượng cá nguyên liệu và chế biến theo một qui trình khép kín từ con giống đến cá thương phẩm cho vùng nguyên liệu của từng nhà máy, làm nền tảng cho các doanh nghiệp chế biến xây dựng một thương hiệu theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường hiện nay.
Ngọc Minh
Xã Núi Voi: Xóa nghèo nhờ nuôi cá lóc
Nguồn tin: WAG, 30/12/2005
Ngày cập nhật: 30/12/2005
Anh Võ Văn Phụng, nông dân ngụ ấp Voi 1, xã Núi Voi (Tịnh Biên) vừa thu hoạch xong đợt cá lóc thả 4.000 con, sau khi trừ mọi chi phí còn lời trên 10 triệu đồng, anh phấn khởi: Năm nay, nhiều nông dân ở đây trúng mùa cá lóc, vậy là xóa nghèo được rồi.
Cá lóc ở xã Núi Voi được nuôi trong một chiếc lồng tre đặt dưới lòng sông theo dòng nước chảy, nhưng chỉ nuôi trong mùa nước nổi. Ðầu tháng 7 âm lịch hàng năm, khi con nước đổ về từ dòng kênh Trà Sư, thì người dân nơi đây cũng hoàn tất công việc chuẩn bị cho vụ mùa chăn nuôi mới. Chiếc lồng tre có diện tích trung bình từ 6-9 mét vuông được gia cố chắc chắn đặt xuống lòng sông với mực nước sâu gần 3 mét. Từ ngày thả cá lóc giống đến thu hoạch là 3,5 tháng.
Xã Núi Voi có tổng số 18 hộ nuôi cá lóc trong lồng, tập trung tại ấp Voi 1. Hầu hết là hộ nghèo và một số có mức sống trung bình, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, mỗi năm đến mùa nước nổi họ nuôi cá kiếm thêm thu nhập. Nhưng khoảng 2 năm nay nghề nuôi cá lóc ở đây mới mang lại hiệu quả khá khả quan. Anh Quách Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Núi Voi cho biết, thấy nghề nuôi cá lóc bắt đầu có hiệu quả, nhiều người có nhu cầu chăn nuôi để hy vọng thoát nghèo, nên chúng tôi đã thành lập tổ vay vốn hỗ trợ chăn nuôi và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tịnh Biên chấp thuận. Vụ vừa qua, có 8 hộ được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian ngắn (chỉ vay khoảng 4 tháng), mỗi hộ được vay 4 triệu đồng, sau khi thu hoạch hoàn trả vốn lẫn lãi. Mặc dù nguồn vốn vay và thời gian vay còn hạn chế, nhưng vẫn được người dân đồng tình, vì đã giải quyết được phần nào khó khăn trong lúc cần thiết. Chẳng hạn như anh Võ Văn Nhẫn, thả nuôi 2.000 con, mấy tháng đầu vừa cất công đi giăng lưới, kéo lưới để kiếm cá mồi cho cá lóc ăn, bớt đi phần nào chi phí, vừa phải mua, vậy mà gần tới thời điểm thu hoạch, vét hết trong nhà cũng không còn một đồng… tưởng công việc chăn nuôi gặp bế tắc, vợ chồng buồn bã. May nhờ được xã xét giải quyết cho vay vốn, nên cái khó đã qua. Thu hoạch được trên 800 kg cá thịt, với giá 17.000/kg, trừ hết chi phí, trả vốn Nhà nước anh còn lời hơn 6 triệu đồng.
Còn anh Tuấn, nhà ở thị trấn Chi Lăng, nhiều năm làm nghề mua bán cá ở chợ, năm nào anh cũng cân cá ở đây đem ra chợ bán lại, riết rồi mê, anh gặp anh tư Phụng… học nghề nuôi cá. Năm nay, vừa nuôi cá, nhưng vẫn mua bán cá ở chợ, trông vẻ rất xông xáo, anh cho biết: Tôi thả 3.700 con nuôi thử, thấy anh em thu hoạch hết rồi, năng suất rất khá, nên nôn nao trong bụng. Chỉ vài ngày thôi tôi cũng cân luôn. Anh Cường cho biết thêm, địa phương rất khuyến khích bà con tham gia mô hình chăn nuôi cá lóc để giảm bớt cái nghèo. Chúng tôi đang đề nghị được hỗ trợ vốn vay nhiều hơn và thời gian dài hơn, với hy vọng sẽ hết nghèo nhờ con cá lóc.
QUỐC DŨNG
Vietnam: Thuỷ sản vượt kế hoạch toàn diện
Nguồn tin: VNECONOMY, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 30/12/2005
Khi chỉ tiêu 2,5 tỷ USD được hoàn thành, nhiều chuyên gia đã đánh giá là “thành công ngoài sự kỳ vọng”.
Bộ Thủy sản ước tính kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản trong năm 2005 đạt khoảng 2,65 tỷ USD, tức là vượt chỉ tiêu kế hoạch tới 150 triệu USD (số liệu theo Tổng cục thống kê là 2,74 tỷ USD, vượt 240 triệu USD).
Cùng với xuất khẩu, ngành thủy sản cũng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, trong đó đáng chú ý là tổng sản lượng ước đạt trên 3,3 triệu tấn, tăng hơn 7,2% so với năm 2004.
Vào ngày 5/12, khi chỉ tiêu 2,5 tỷ USD được hoàn thành, nhiều chuyên gia đã đánh giá là “thành công ngoài sự kỳ vọng”, vì lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản bước vào năm 2005 với nhiều khó khăn lớn: những yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường thế giới, đặc biệt là về dư lượng kháng sinh và hóa chất trong sản phẩm thủy sản (Chloramphenicol, Nitrofurans, Machelite Green...); ảnh hưởng của vụ kiện bán phá giá cá tra, ba sa, vụ kiện tôm và quy định đóng ký quỹ (đóng “bond”) của Hải quan Hoa Kỳ đã gây khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Điều hành kịp thời trước biến động
Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm đã khiến không ít người lo ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu 2,5 tỷ USD: tháng 1 chỉ đạt 144,6 triệu USD, tháng 2: 170 triệu USD, 4 tháng tiếp theo đạt trung bình 170 triệu USD/tháng... trong khi yêu cầu phải đạt mức bình quân 210 triệu USD/tháng. Phải đến tháng 7, hy vọng về khả năng hoàn thành chỉ tiêu mới hé mở, khi kim ngạch lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 triệu USD; và nhất là khi con số được nâng lên tới 270 triệu USD vào tháng 8, 9 và 10.
Để có được thành công “ngoài kỳ vọng” này, nguyên nhân quan trọng nhất, theo nhận định, là do có sự chỉ đạo điều hành kịp thời của Bộ thủy sản. Ngay từ đầu năm, Bộ thủy sản đã thường xuyên nắm bắt tình hình xuất khẩu, kịp thời tổ chức các cuộc họp với các bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn ách tắc về dư lượng kháng sinh, về ghi nhãn mác sản phẩm cá tra, ba sa xuất khẩu vào thị trường Mỹ; chủ động tìm phương thức bán hàng vào thị trường này trước quy định đóng ký quỹ bond; chủ động chuẩn bị xem xét lại (review) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ.
Điều đáng ghi nhận là Bộ đã chỉ đạo chủ động chuẩn bị các điều kiện để thu mua hết tôm nuôi của dân kể cả lúc thu hoạch rộ (có văn bản chỉ đạo các địa phương thường xuyên thu thập số liệu về sản lượng tôm, cá tra, ba sa dự kiến thu hoạch và tình hình sử dụng kho lạnh trong từng thời điểm tương ứng để có biện pháp điều phối về sử dụng kho lạnh bảo quản khi cần thiết, đồng thời hướng dẫn ngư dân dãn thời gian thu hoạch tôm để có cỡ tôm thu hoạch lớn, hạn chế việc giá thu mua tôm, cá nguyên liệu giảm xuống vào thời điểm thu hoạch rộ như đã diễn ra trong các năm trước), nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và góp phần ổn định đời sống nông ngư dân.
Nhờ có các biện pháp chỉ đạo kịp thời, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển mạnh cả về nuôi nước ngọt và mặn lợ: diện tích nuôi đạt trên 1 triệu ha, sản lượng đạt 1,36 triệu tấn (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2004).
Trước tình hình giá xăng dầu tăng (gần 60%), Bộ cũng đã đề xuất với Thủ tướng các giải pháp về thuế, tín dụng và giá cả, đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp trước mắt và lâu dài về tiết kiệm nhiên liệu cho hoạt động khai thác trên biển, thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp khai thác sang những nghề sử dụng ít nhiên liệu và chú trọng về bảo quản, nâng cao chất lượng nguyên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần giữ vững sản lượng từ lĩnh vực này ở mức 1,94 triệu tấn.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng
Chủ động điều tiết thị trường do tác động bất lợi của thị trường Mỹ, Bộ thủy sản đã kịp thời điều chỉnh kinh phí xúc tiến thương mại và tổ chức các sự kiện thủy sản Việt Nam tại một số thị trường như EU (Bỉ), Dubai, Nga, Belarut, Vân Nam (Trung Quốc), góp phần thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường này tăng trưởng mạnh: 9 tháng đầu năm, thị trường Mỹ giảm 1,78%, nhưng xuất khẩu vào Bỉ tăng 56,5% so với cùng kỳ, vào Italia tăng 87%, Đức tăng 62,27%, Pháp tăng 58%, UEA tăng 99%...
Bộ cũng đã chủ trương xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm thủy sản chủ đạo của Việt Nam, trước mắt là thương hiệu “Top Quality Pangasius of Vietnam” - quảng bá và phát triển thường hiệu này ra nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường lớn và tiềm năng.
Về dư lượng hoá chất, kháng sinh – vấn đề quyết định đến uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam, Bộ đã liên tục ban hành những văn bản pháp quy về kiểm tra, kiểm soát: Quyết định 07 ban hành Danh mục hoá chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản (ngày 24/2), Chỉ thị 03 về việc tăng cường kiểm soát dư lượng, hoá chất, kháng sinh có hại trong hoạt động thủy sản (ngày 7/3), báo cáo Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 37/2005/CT- TTg về một số biện pháp tăng cường quản lý hoá chất, kháng sinh dùng cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đặc biệt, trước các khó khăn về xuất khẩu vào Mỹ dịp cuối năm, Bộ thủy sản đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cử đoàn công tác sang làm việc với Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), đề ra các biện pháp khẩn cấp để xuất khẩu vào thị trường này (ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Thủy sản đã có Quyết định số 29/2005/QĐ- BTS về việc tăng cường kiểm tra hàng thủy sản xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Canada, trong đó có nội dung quan trọng là kiểm soát 100% các lô hàng thuộc 3 nhóm sản phẩm thịt cua, ghẹ, tôm và cá da trơn với 4 chỉ tiêu kháng sinh, thời gian tối thiểu 3 tháng)...
Chính vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chế biến được công nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường lớn: 171 doanh nghiệp được xếp vào Danh sách 1 xuất khẩu vào EU, 300 doanh nghiệp áp dụng quy trình HACCP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, 222 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, 295 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Trung Quốc...
Dự kiến trong năm 2006 tới, với chỉ tiêu 2,67 tỷ USD (tổng sản lượng: 3,44 triệu tấn, trong đó từ nuôi trồng là 1,488 triệu tấn), diện tích nuôi: 1,1 triệu ha (tăng gần 100.000 ha), ngành thủy sản hoàn toàn có khả năng thực hiện vượt mức, nếu như một số tồn tại trong điều hành xuất khẩu năm 2005 được khắc phục nhanh chóng: thực hiện yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đánh số vùng nuôi, có biện pháp hữu hiệu và mô hình để xây dựng thương hiệu hàng thủy sản uy tín và chất lượng trên cơ sở chất lượng sản phẩm và quy hoạch phát triển ngành...
Đức Nguyễn
2005: Một năm ngành thuỷ sản Mỹ muốn lãng quên!
Nguồn tin: Vasep, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 30/12/2005
Hầu hết mọi người trong ngành thuỷ sản Mỹ hy vọng sẽ không bao giờ phải lặp lại một năm như năm 2005. Nhưng thực sự, việc ngành thuỷ sản đã phấn đấu đi qua một năm “tai ương” như vừa qua là một minh chứng cho sức sống và tiềm lực của ngành.
Sự kiện mở đầu và kết thúc của năm 2005 đều là những trận thiên tai: đầu năm là sóng thần ở Châu Á, và cuối năm là bão Katrina và Rita. Gác qua một bên những con số thiệt hại khủng khiếp, phải nhận thấy rằng cả hai thảm hoạ trên đều đã bị những sai lầm của con người và sự can thiệp của chính phủ làm cho tệ hại thêm.
Ngành thuỷ sản thường phải điều chỉnh theo những diễn biến của thị trường, nhưng tác động của nhiều diễn biến thị trường trong năm nay đã bị các chính sách và sự can thiệp của chính phủ làm cho trầm trọng hơn.
Sau đây là tóm lược một số diễn biến của ngành thuỷ trong năm vừa qua:
Thị trường cua sụp đổ
Trong tháng 1/2005, mặt hàng cua tuyết Alaska được bán với giá trên 4,5 USD/pao, và các ngư dân Canađa, mặc dù hơi lo ngại về nguồn hàng dự trữ, nhưng vẫn kỳ vọng vụ cua năm nay cũng giống như những năm trước, tức là giá bán dao động trong khoảng 3,8 - 4,2 USD/pao. Đến tháng 3, tại hội chợ thuỷ sản quốc tế Boston, giá cua đứng ở mức 3,75 USD/pao.
Xu hướng bắt đầu từ năm 2004 lại tiếp tục diễn ra trong năm 2005, đó là việc nhiều nhà nhập khẩu tránh xa những mặt hàng cua có giá bán cao. Với nguồn cung cấp dồi dào cua Dungeness và các sản phẩm thay thế khác, các quán ăn buffet ở châu Á và nhiều nhà nhập khẩu lớn khác đã cắt giảm dần khối lượng thu mua cua tuyết.
Các nhà bán lẻ và các cơ sở kinh doanh ăn uống, như chuỗi nhà hàng Darden, cũng giảm mạnh các chiến dịch khuyến mại, trong khi thị trường cua Nhật Bản tỏ ra trầm lắng. Kết quả là giá cua tuyết giảm xuống còn 3,25 USD/pao trong giai đoạn mùa hè. Ngành cua ở Newfoundland ước tính bị thiệt hại tới 200 triệu USD.
Cũng trong tháng 1, thời điểm vụ khai thác chính cua opilio ở Alaska mở cửa, giá đưa ra trong các cuộc thương lượng dao động quanh mức 3 USD/pao (FOB).
Điểm sáng duy nhất là mặc dù tất cả các thị trường cua chính trong năm 2005 đều suy sụp, nhưng trong năm tới (2006) doanh số tiêu thụ được dự đoán sẽ bình ổn hơn.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy sụp của thị trường cua tuyết là do định giá quá cao. Cua tuyết không phải là một mặt hàng xa xỉ, nó chỉ là một món ăn thông thường trong các quán buffet, sòng bài, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Khi định giá cua tuyết như một mặt hàng xa xỉ, người mua sẽ giảm hứng thú mua hàng.
Hành động của chính phủ [Mỹ] nhằm điều tiết thị trường cua khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, đó là việc cố gắng đặt ra hạn ngạch sản xuất cho các nhà máy ở Newfoundland. Các kế hoạch hợp lý hoá ngành cua ở Newfoundland và Alaska không dẫn đến tình trạng sụp đổ giá cua, nhưng chúng khiến thị trường cua trong những năm sa sút như năm 2005 càng thêm phức tạp và gây khó khăn cho các ngư dân trong việc điều chỉnh theo những thay đổi này.
Tôm
Vấn đề chính của ngành tôm trong năm 2005 là những diễn biến xoay quanh thuế chống bán phá giá. Vấn đề này không chỉ đơn thuần liên quan đến các mức thuế, mà còn liên quan đến yêu cầu đóng ký quỹ mới của Hải quan Mỹ, buộc các nhà nhập khẩu phải đóng hàng triệu đôla ký quỹ không cần biết họ có dự định tiếp tục làm ăn với các đối tác thương mại cũ hay không.
Kết quả có thể dễ dàng tiên đoán được là: thứ nhất, sản lượng tôm nuôi ở các nước không bị áp thuế hay bị áp thuế thấp tăng mạnh, góp phần làm tăng nguồn cung cấp nói chung. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu và nhập khẩu lớn có điều kiện tăng cường sức mạnh của mình trên thị trường, trong khi đa số các nhà nhập khẩu khác bị thua thiệt. Một số nhà xuất khẩu đã cho thành lập các chi nhánh thu mua hàng của mình ngay tại Mỹ, còn những nhà nhập khẩu lớn với nguồn tài chính dồi dào nghiễm nhiên trở thành các “diễn viên chính” trên thị trường tôm Mỹ.
Thứ hai, ngành tôm nội địa Mỹ, mặc dù nhẹ bớt được khó khăn do giá tôm đã nhích lên, nhưng cũng nhận thấy rằng giá cao không thực sự bền vững. Hơn thế nữa, ngành tôm nội địa đã bị tàn phá bởi các cơn bão Katrina và Rita, khiến nhiều tàu thuyền và năng lực chế biến bị phá huỷ.
Trong bức tranh nhiều màu xám đó, có hai điểm sáng đáng chú ý là: thứ nhất, Tu chính án Byrd sẽ bị xoá bỏ sau 2 năm nữa. Điều này sẽ làm giảm đáng kể động lực khuyến khích các vụ kiện tụng bán phá giá, và có thể dẫn đến một triển vọng ổn định hơn cho hoạt động thương mại thủy sản thế giới; thứ hai, nhu cầu tôm của thị trường Nhật và EU đang tăng lên. Việt Nam đã vươn lên trở thành nước cung cấp tôm số 1 cho thị trường Nhật, trong khi Braxin đang tích cực nhắm đến thị trường EU. Thói quen sử dụng tôm nước ấm ở châu Âu đang gia tăng chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều nhu cầu mới, và sẽ đẩy giá tôm lên cao hơn so với điều kiện bình thường. Thật không may, do những biện pháp bóp méo thương mại của chính phủ, mà nhiều công ty Mỹ sẽ không được hưởng lợi từ việc giá tôm tăng lên.
Tôm bao bột của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục chiếm lĩnh thị phần, do sản phẩm này không bị áp thuế chống bán phá giá. Nhưng đây cũng là một trong những lĩnh vực sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đối với công ăn việc làm ở Mỹ, bởi vì các công ty chế biến tôm bao bột của Mỹ sẽ nhận thấy rằng phải chuyển hoạt động ra nước ngoài (nơi có chi phí sản xuất rẻ hơn) để duy trì khả năng cạnh tranh.
Cá thịt trắng
Đây là một câu chuyện thành công trong ngành thuỷ sản trong năm qua. Nhu cầu cao và nguồn cung cấp ổn định đã nâng giá của một số loại cá thịt trắng như: cá minh thái Alaska, cá tuyết blốc và philê, lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Tuy nhiên có một số dấu hiệu đe doạ thị trường cá thịt trắng, đó là tình trạng cạnh tranh thu mua cá thịt trắng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến ở Trung Quốc.
Tình trạng dư thừa năng lực chế biến ở Trung Quốc gây ra những tác động tương tự như ở các nơi khác. Nó buộc các nhà chế biến phải từ bỏ lợi nhuận, hay chấp nhận lỗ, để tiếp tục kinh doanh. Do sức ép từ phía những ngân hàng cấp vốn mong muốn được nhìn thấy dòng nguyên liệu đưa vào sản xuất để chứng tỏ rằng số vốn đó đang được sử dụng, nên các nhà chế biến luôn trong một trạng thái là phải sản xuất gần như bằng mọi giá.
Sự cạnh tranh để giành nguồn nguyên liệu đang đẩy giá cá thịt trắng philê/blốc lên cao quá mức có thể chấp nhận.
Một điểm sáng đối với cá minh thái là việc trữ lượng nguồn lợi ở Nga cuối cùng cũng đang phục hồi, và hoạt động khai thác có vẻ đang được quản lý tốt hơn so với trước đây. Điều này sẽ giúp duy trì ổn định nguồn cung cấp các sản phẩm cá minh thái như: surimi, philê và trứng cá.
Cá hồi
Năm 2005, giá cá hồi có xu hướng tăng, nên lợi nhuận của các nhà sản xuất khá cao. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng cá hồi nuôi ở Chilê tăng chậm hơn so với mong đợi.
Nhu cầu đối với cá hồi tự nhiên Alaska tăng đáng kể nhờ có các bài báo ủng hộ cá hồi tự nhiên so với cá hồi nuôi.
Doanh số tiêu thụ của cá hồi philê đông lạnh, và cá hồi đỏ đồ hộp cũng tăng mạnh.
Nhìn chung, năm 2005 là một năm tuyệt vời đối với những người khai thác và chế biến cá hồi nuôi, sau nhiều năm liên tiếp gặp khó khăn.
Cá ngừ
Doanh số tiêu thụ cá ngừ trong năm 2005 bị giảm do những vấn đề liên quan đến thuỷ ngân. Sau khi FDA ban hành một tuyên bố mới về vấn đề lây nhiễm thuỷ ngân, và khuyến cáo người tiêu dùng nên hạn chế ăn cá ngừ albacore và chỉ nên ăn 2 bữa cá ngừ thịt nhẹ mỗi tuần, doanh số cá ngừ đồ hộp đã bị giảm khoảng 10% trong vòng 6 tháng đầu năm 2005.
Mặc dù sau đó doanh số cá ngừ có phục hồi đôi chút, nhưng ngành cá ngừ lại rơi vào trạng thái bị đề phòng, nên phải bắt đầu triển khai một chiến dịch quảng cáo nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng, hoặc ít nhất là giữ nhu cầu ở mức ổn định.
Kết luận
Như đã nói lúc đầu, rất nhiều người trong ngành thuỷ sản Mỹ sẽ muốn lãng quên năm 2005.
Mỗi khi bắt đầu một năm mới, chúng ta đều có quyền nhìn về phía trước, và hy vọng rằng năm 2006 sẽ là một năm tốt lành hơn cho ngành thuỷ sản.
(QTT) (Seafood, 29/12/2005)
Khánh Hoà: Xây dựng trại thực nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thủy sản
Nguồn tin: Vasep, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 30/12/2005
Bộ Thủy sản vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trại thực nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thủy sản với mức đầu tư 18,7 tỷ đồng tại xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh (Khánh Hoà), do trường Đại học Thuỷ sản làm chủ đầu tư.
Dự án nhằm bổ sung hoàn thiện cơ sở thực nghiệm kết hợp nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho trường Đại học Thủy sản; tạo cơ sở cho học sinh thực tập…
(TN) (Econet, 28/12/2005)
Cà Mau: Cua thịt tăng giá kỷ lục
Nguồn tin: vasep, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 29/12/2005
Giá cua thịt tại Cà Mau đang tăng mạnh tới 25.000 – 50.000 đ/kg so với tháng trước. Cua gạch son tăng lên 200.000 – 210.000 đ/kg, cua y nhất đứng ở mức 100.000 – 105.000 đ/kg, cua xô 90.000- 100.000 đ/kg. Nguyên nhân là do vụ thu hoạch cua đang ở giai đoạn cuối, diện tích và sản lượng giảm khiến nguồn cung giảm sút, trong khi nhu cầu người dân tăng cao. Dự báo, giá cua thịt sẽ tăng mạnh trong dịp Tết dương lịch và khan hàng vào Tết nguyên đán.
(TN) (Econet, 28/12/2005)
Trà Vinh: Đầu tư 1,4 tỷ đồng cho dự án nuôi nghêu, sò huyết
Nguồn tin: NNVN, 28/12/2005
Ngày cập nhật: 29/12/2005
UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng cho dự án nuôi nghêu, sò huyết xuất khẩu tại 2 xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang), Hiệp Thạnh (Duyên Hải) với quy mô 1.500 ha đất bãi bồi ven biển. Dự án sẽ đầu tư mua ghe máy bảo vệ khu vực nuôi nghêu, đầu tư trại thực nghiệm; tập huấn chuyển giao công nghệ… Theo kế hoạch, dự án được thực hiện từ nay đến cuối năm 2007 sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 1.500 lao động nghèo không có đất sản xuất vùng ven biển và lực lượng khai thác hải sản ven bờ được chuyển sang nuôi thủy sản.
(TN) (Nông nghiệp Việt Nam, 28/12/2005)
Vẫn chưa thể xuất khẩu tôm vào Indonesia trong 6 tháng nữa
Nguồn tin: VNECONOMY, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 29/12/2005
Phú Yên: Ngư dân "kêu trời" vì tôm hùm chết hàng loạt
Nguồn tin: TTO, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 29/12/2005
Trong khi nông dân Phú Yên đang lâm vào cảnh khốn đốn vì hàng ngàn con bò bị chết hàng loạt thì ngư dân các vùng ven biển của tỉnh này phải ngửa mặt kêu trời vì tôm hùm giống cũng bị chết hàng loạt.
Đến ngày 29-12, toàn huyện Sông Cầu- vùng nuôi tôm hùm lớn nhất ở duyên hải miền Trung- đã có hơn 100.000 con tôm hùm giống bị chết. Đây là số tôm hùm giống đã nuôi từ 2-3 tháng tuổi, hiện có giá trị 150.000-200.000 đồng mỗi con.
Theo sở Thủy sản Phú Yên, nguyên nhân của tình trạng này là do đợt mưa lũ vừa qua đã làm xáo trộn các tầng nước và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng ở các đầm vịnh. Tình trạng này đã khiến hàng trăm hộ nuôi tôm hùm giống bị mất trắng vốn đầu tư.
Hiện ngành thủy sản Phú Yên đang đề nghị ngành ngân hàng khoanh nợ cũ cho người nuôi tôm, đồng thời xem xét cho vay mới để có điều kiện tiếp tục sản xuất.
TẤN LỘC
An Giang: Năm 2006, huấn luyện 3.600 nông dân kỹ năng nuôi thủy sản an toàn, chất lượng
Nguồn tin: BCT, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 29/12/2005
Hiệp hội nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA) đã chọn năm 2006 làm năm chất lượng. Theo đó, năm tới tỉnh phấn đấu 100% cán bộ thủy sản của tỉnh đều qua khóa huấn luyện HACCP và SQF, đồng thời sẽ huấn luyện cho 3.600 ngư dân kỹ năng nuôi thủy sản an toàn và chất lượng theo tiêu chuẩn SQF 1000. Tất cả các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh đều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng SQF 2000 và có vùng nguyên liệu cá sạch đáp ứng ít nhất 20% nhu cầu của các nhà máy. An Giang phấn đấu đến năm 2010, tất cả nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu đều được chứng nhận đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế SQF 1000.
BÌNH NGUYÊN
Giá cá tra, ba sa tăng thêm 300-700 đồng/kg
Nguồn tin: BCT, 29/12/2005
Ngày cập nhật: 29/12/2005
Giá cá tra, ba sa nguyên liệu tại ĐBSCL đang tăng thêm 300-700 đồng/kg so với thời điểm trung tuần tháng 12-2005. Cụ thể cá tra nuôi hầm, đăng quầng thịt trắng giá từ 10.500-11.000 đồng/kg (tăng 100-300 đồng/kg), cá tra thịt vàng từ 9.500-9.700 đồng/kg (tăng 700 đồng/kg) và cá nuôi bè 10.200-10.600 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg). Riêng cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng SQF 1000 đang được các doanh nghiệp mua khá cao, từ 11.300-11.500 đồng/kg. Giá cá tăng nhưng do vào cuối vụ, các loại cá đúng kích cỡ theo tiêu chuẩn xuất khẩu không còn nhiều nên rất nhiều ngư dân tại Cần Thơ, An Giang vẫn chưa bán vội và đang chờ giá tiếp tục nhích lên.
BÌNH NGUYÊN
Cà Mau: Phát triển loại hình nuôi tôm sinh thái
Nguồn tin: Vasep, 26/12/2005
Ngày cập nhật: 28/12/2005
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 6.000 ha nuôi tôm sinh thái tập trung ở Lâm ngư trường 184 theo tiêu chuẩn của Đức, năng suất bình quân 300 kg/ha/vụ. Từ nay đến 2010, Sở Thủy sản tỉnh phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức nuôi tôm sinh thái từ 10.000 – 15.000 ha trên lâm phần rừng đước đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện tôm sinh thái Cà Mau đã đứng vững ở thị trường Châu Âu. (Econet, 26/12/2005)
Bạc Liêu: Phát triển mạnh nghề nuôi cá kèo trên ruộng muối
Nguồn tin: Vasep, 24/12/2005
Ngày cập nhật: 28/12/2005
1ha cá kèo nuôi trúng sẽ cho thu nhập từ 35 – 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 15 - 20 triệu đồng…
Nhiều diện tích đất làm muối đang được nông dân vùng biển Đông Hải (Bạc Liêu) chuyển sang nuôi cá kèo thương phẩm. Từ vài chục ha nuôi thử nghiệm ban đầu thành công, đến nay, diện tích cá kèo trên ruộng muối tăng lên đến 740ha.
Theo Phòng Kinh tế huyện Đông Hải, cá kèo đang là món ăn đặc sản của các nhà hàng, giá bình quân 30.000 – 40.000đ/kg, thị trường tiêu thụ rộng. 1ha cá kèo nuôi trúng sẽ cho thu nhập từ 35 – 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 15 - 20 triệu đồng… cao gấp nhiều lần so với làm muối.
(Sài Gòn Giải phóng, 24/12/2005)
Hà Giang: Đưa tôm càng xanh lên núi cao
Nguồn tin: Vasep, 25/12/2005
Ngày cập nhật: 28/12/2005
Trung tâm giống thủy sản tỉnh đang thử nghiệm đề tài nuôi tôm càng xanh vùng cao, bước đầu xây dựng được quy trình kỹ thuật và tiến hành nuôi ở những vùng khác nhau đạt năng suất từ 900 - 1.000 kg/ha. Năm nay, Trung tâm đã nhập 6 vạn con tôm giống cung cấp cho các huyện, thị xã phát triển nuôi tôm càng xanh.
Ngoài ra, Trung tâm giống thủy sản tỉnh còn thành công đề tài cá bông sinh sản nhân tạo và sản xuất từ 8-10 vạn con/năm. Cá bông đã trở thành sản phẩm hàng hoá của tỉnh.
Nguy cơ từ Tu chính án Byrd: Còn phải “lựa” thêm 21 tháng
Nguồn tin: VNECONOMY, 28/12/2005
Ngày cập nhật: 28/12/2005
Mỹ bãi bỏ Tu chính án Byrd - tin vui cho xuất khẩu VN
Nguồn tin: TN, 28/12/2005
Ngày cập nhật: 28/12/2005
Trong một cuộc bỏ phiếu hiếm hoi tại Thượng viện Mỹ cuối tuần qua (23/12), Tu chính án Byrd, hay còn được biết đến là Luật đền bù và trợ cấp của Chính phủ Mỹ cho các doanh nghiệp Mỹ, đã chính thức bị các thượng nghị sĩ bỏ phiếu bãi bỏ. Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra hết sức gay gắt và căng thẳng, toàn bộ 100 thượng nghị sĩ Mỹ đã tham gia cuộc bỏ phiếu này và kết quả là 50 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ và 50 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống.
Theo hiến pháp Mỹ, đích thân Phó tổng thống tức Chủ tịch Thượng viện đã phải tham gia cuộc bỏ phiếu để đưa ra quyết định cuối cùng. Cuối cùng, Phó tổng thống Dick Cheney đã bỏ phiếu chống lại Tu chính án này. Với số phiếu 51/50, Thượng viện Mỹ đã chính thức cáo chung cho Tu chính án từng bị phản đối mạnh mẽ này tại Mỹ cũng như các đối tác thương mại Mỹ. Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu hủy bỏ Tu chính án này. Dự kiến trong vài ngày tới, Tổng thống Bush sẽ chính thức ký vào dự luật hủy bỏ Tu chính án Byrd.
Theo các chuyên gia luật pháp tại Việt Nam, việc Tu chính án Byrd bị hủy bỏ là một tin vui đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam vì từ nay, một trong những động lực mạnh mẽ nhất để các công ty Mỹ đi kiện chống bán phá giá sẽ không còn.
X.Danh
Nuôi cá trong mùng lưới ở ĐBSCL: Chậm mà chắc
Nguồn tin: SGGP, 27/12/2005
Ngày cập nhật: 28/12/2005
Hiện nay, nhiều tỉnh ở khu vực ĐBSCL như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang... đang phát triển rầm rộ phong trào nuôi cá lóc, cá trê trong mùng lưới. Mặc dù mức lãi bình quân của mỗi mùng cá lóc chỉ dao động từ 10 đến 15 triệu đồng và cá trê là 2 triệu đồng/mùng nhưng người nuôi rất an tâm, không sợ lỗ hay đối mặt với việc giá cả thường xuyên trồi sụt.
Tận dụng lợi thế của vùng nước ngọt ổn định quanh năm, hàng trăm hộ ở huyện Ngã Năm (Sóc Trăng), Phước Long, Hồng Dân (Bạc Liêu) và huyện Long Mỹ (Hậu Giang)... đã dùng lưới cước may thành hàng ngàn cái mùng thả xuống sông nuôi cá. Thuận lợi đầu tiên đối với người nuôi cá là không tốn chi phí đầu tư cải tạo hoặc đào mới ao, đìa mà chỉ cần khoảng 100.000 – 150.000 đồng là may được một cái mùng rộng từ 9 đến 12m2 để thả xuống sông nuôi 3.000 – 4.000 con cá lóc/mùng.
Anh Trần Hòa Thoại ở ấp 7 – thị trấn Ngã Năm (huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) – cho biết: “Sau 4 tháng thả nuôi bằng nguồn thức ăn chủ yếu là cá tạp, cá vụn hoặc ốc bươu vàng... cá lóc nuôi trong mùng đạt trọng lượng thấp nhất là 0,6kg/con và cao nhất là 1,4kg/con. Do mới nuôi vài vụ đầu tiên, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc nên tỷ lệ hao hụt còn đến 30%, vậy mà bình quân một mùng lưới cũng thu hoạch được 1,5 tấn cá lóc thương phẩm”. Theo tính toán của anh Thoại, trừ chi phí con giống (350 đồng/con) và tiền thức ăn thì số lãi ròng của anh thu được khoảng 15 triệu đồng/mùng bởi giá cá lóc loại 2 con/kg thấp nhất ngoài thị trường hiện nay cũng là 22.000 đồng/kg.
Cũng may mùng thả xuống sông nuôi cá lóc như anh Thoại nhưng ông Tám Hòa ở xã Ninh Qưới A của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) lấy công làm lời để tăng thêm lãi ròng bằng cách đi bắt ốc bươu vàng hoặc kéo cá tạp ngoài đồng về nuôi cá lóc. Với cách làm này, mỗi mùng cá lóc lợi nhuận được tăng thêm 2-3 triệu đồng.
Từ thành công của mô hình nuôi cá lóc, hàng trăm hộ nghèo ở ĐBSCL bắt đầu nuôi cá trê trong mùng lưới để góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây là mô hình rất thuận lợi cho những người nghèo, ít vốn - bởi chi phí không cao. Ông Út Lâm ở ấp Tân Bình xã Long Bình huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) cho biết mỗi mùng lưới rộng 9m2 thả được 5kg cá trê giống (khoảng 2.000 con) chỉ tốn khoảng 300.000 đồng chi phí ban đầu vì giá cá trê giống chỉ có 40.000 đồng/kg.
Cá lóc nuôi đến 4 tháng và chi phí đầu tư thức ăn tương đối cao, còn con cá trê sống trong mùng chỉ cần 2 tháng là có thể thu hoạch bởi lúc này cá đã đạt trọng lượng 8-10 con/kg. Do tỷ lệ hao hụt thấp hơn cá lóc (khoảng 10%) nên một mùng cá trê người nuôi thu hoạch được 160-180 kg cá thương phẩm bán với giá 15.000 – 17.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi ròng khoảng 2 triệu đồng/mùng.
Tuy vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại xung quanh việc đảm bảo an toàn môi trường của hình thức nuôi này nhưng dẫu sao, đây vẫn là một hướng đi mới trong việc nuôi trồng thủy hải sản ở ĐBSCL.
Hồng Dân
Công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu: Thế mạnh Sóc Trăng
Nguồn tin: BCT, 26/12/2005
Ngày cập nhật: 27/12/2005
Mục tiêu của tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn 2005-2010 là đến năm 2010 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD, trong đó xuất khẩu thủy sản 680 triệu USD. Nhưng hiện nay, Sóc Trăng mới đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 300 triệu USD. Vậy làm thế nào để địa phương đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản như đã đề ra?
LỢI THẾ VÀ TIỀM NĂNG...
Từ khi chia tách tỉnh đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng liên tục tăng trưởng, trở thành một trong những tỉnh xuất khẩu hàng đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm 1992, Sóc Trăng chỉ mới đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 25,3 triệu USD, nhưng đến năm 2005 tăng lên hơn 306 triệu USD, gấp 12 lần so với 13 năm trước, khi tỉnh mới thành lập. Đây là nỗ lực lớn trong chiến lược phát triển xuất khẩu của Sóc Trăng.
Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cảnh bức tranh xuất khẩu của Sóc Trăng, thì còn đơn điệu, thiếu những gam màu phong phú. Mặc dù Sóc Trăng đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 300 triệu USD, nhưng mặt hàng chủ lực chỉ là thủy sản. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 297 triệu USD, chiếm hơn 99% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Trong khi đó, xuất khẩu gạo chỉ hơn 1,4 triệu USD, chiếm hơn 0,46% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu so với tổng sản lượng lúa hiện tại hơn 1,5 triệu tấn, thì lượng gạo xuất khẩu còn quá nhỏ bé. Trong khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục tăng còn xuất khẩu gạo lại tuột dốc. Năm 1999, Sóc Trăng đã xuất khẩu hơn 320 ngàn tấn gạo và đã có thời đứng thứ ba trong khu vực ĐBSCLvề xuất khẩu mặt hàng này, nhưng hiện nay trở thành những tỉnh xuất khẩu gạo ít nhất. Một trong những nguyên nhân xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là từ khi chuyển dịch cơ cấu kinh te, Sóc Trăng đã phát huy lợi thế vùng ven biển, ven sông Hậu đẩy mạnh đầu tư nuôi trồng và chế biến. Năm 2005, diện tích nuôi trồng thủy sản của Sóc Trăng lên đến 66.302 ha, trong đó nuôi tôm sú 52.909 ha. Tổng sản lượng thủy, hải sản 100.934 tấn, đồng thời chế biến xuất khẩu được 35.794 tấn tôm, đạt giá trị 300 triệu USD. Hiện nay, diện tích nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp đạt 17.428 ha, chiếm 33% so với diện tích nuôi tôm sú toàn tỉnh. Với nguồn nguyên liệu thủy sản dồi dào, đã tạo ra lợi thế phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản. Hơn 10 năm trước, Sóc Trăng chỉ có 2 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với công suất không lớn, thiết bị máy móc lạc hậu. Hiện nay, Sóc Trăng có đến 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền sản xuất hiện đại, sản phẩm giá trị gia tăng cao ngày nhiều hơn. Các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Sóc Trăng đã được chứng nhận HACCP và Code của châu Âu. Với lợi thế và năng lực cạnh tranh như vậy đã làm cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản Sóc Trăng tăng vọt, lên ngôi, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo.
...
QUANG HẢI
Thanh Hoá: Sản xuất thành công cua biển giống
Nguồn tin: Vasep, 26/12/2005
Ngày cập nhật: 27/12/2005
Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống hải sản Thanh Hoá (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hoá) vừa nghiên cứu và sản xuất thành công cua biển giống chất lượng cao bằng phương pháp nhân tạo. Đây là lần đầu tiên trung tâm sản xuất được cua biển giống cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Qui trình sản xuất cua giống tại trung tâm là chọn lọc được nguồn cua mẹ tại vùng biển Thanh Hoá rồi đưa về nuôi, chăm sóc và cho sinh sản nhân tạo. Trung tâm có khả năng sản xuất được 400.000 con cua biển giống chất lượng cao/năm.
Hà Đông (TT, 26/12/2005)
Thực phẩm xuất sang Mỹ phải ghi cảnh báo dị ứng
Nguồn tin: VNN, 24/12/2005
Ngày cập nhật: 26/12/2005
Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, thực hiện quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng và ghi nhãn dị ứng thực phẩm 2004 (FALCPA), kể từ 1/1/2006, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ tại Mỹ phải ghi nhãn cảnh báo dị ứng.
Các nhà sản xuất phải ghi rõ (bằng tiếng Anh, đơn giản, dễ hiểu) trên nhãn các loại thực phẩm chứa protein có nguồn gốc từ 8 loại thực phẩm gây dị ứng như sữa, trứng, cá, thuỷ sản giáp xác (cua, tôm, tôm hùm), các hạt cây (almon, pecan, walnut), lạc, lúa mì, và đỗ tương.
...
DN có thể tham khảo thêm về quy định mới này và những hướng dẫn cụ thể cách ghi nhãn trên trang web của FDA (http://www.cfsan.fda.gov/~dms/wh-alrgy.html).
Hà Yên
ĐBSCL: nuôi thủy sản sạch
Nguồn tin: NLĐ, 26/12/2005
Ngày cập nhật: 26/12/2005
Công ty TNHH Nam Việt (Navico) và một số hộ nông dân An Giang cùng hợp tác nuôi cá tra sách theo tiêu chuẩn quốc tế. Người nuôi sẽ được đào tạo, tập huấn, hoàn thiện về qui trình nuôi qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Công ty Navico, công ty Greenfeed, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang; sau đó được cấp giấy chứng nhận và áp dụngnuôi thủy sản an tòan theo tiêu chuẩn SQF cho trang trại của mình.
Trước đó công ty Agifish cũng đã liên kết với nông dân nuôi cá theo tiêu chuẩn quốc tế SQF. Ông Nguyễn Hữu Khánh - chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang - cho biết trong năm 2006, tám doanh nghiệp chế biến XK thủy sản của An Giang cũng sẽ áp dụng, nhân rộng mô hình nuôi cá sạch này.
Đức Vịnh
Giá cá tra nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng nhẹ
Nguồn tin: TTXVN, 26/12/2005
Ngày cập nhật: 26/12/2005
Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) dự báo, giá cá tra nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong tuần tới do nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh đang tăng mạnh.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản An Giang hiện đang có rất nhiều đơn đặt hàng từ EU, Nhật Bản, Mỹ và Bỉ với thời hạn giao hàng đến hết quý I/2006.
Hiện tại An Giang, giá cá tra nguyên liệu thịt trắng loại I là 10.700 đồng/kg cao hơn 200-300 đồng/kg so với tuần trước. Tính đến 20/12, các doanh nghiệp đã tiêu thụ được gần 160.000 tấn cá nguyên liệu.
Trước đây do giá cá tra nguyên liệu sụt giảm nên nhiều hộ nghỉ nuôi cá tra hoặc chuyển sang nuôi các loài cá khác, do đó theo dự báo, quý I/2006, các nhà máy chế biến có thể sẽ bị thiếu nguyên liệu trầm trọng./.
Nuôi trồng thủy sản: "Cái khó ló cái khôn"
Nguồn tin: BNT, 26/12/2005
Ngày cập nhật: 26/12/2005
Do hậu quả của việc phát triển nuôi tôm tự phát và ảnh hưởng đợt mưa lũ từ chối năm 2003, môi trường nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bị ô nhiễm, chưa được khắc phục. Bước sang 2004-2005, do hạn hán kéo dài làm cho các vùng nuôi tôm trong tỉnh bị cạn kiệt nguồn nước ngọt... Vậy làm thế nào để ngành Thủy sản hoàn thành vượt mức kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2001-2005 và vượt chỉ tiêu sản lượng về nuôi trồng thủy sản của kế hoạch năm 2005?
Đ/c Phó Giám đốc Sở Thủy sản-Nguyễn Tấn Tùng cho biết: Ngành Thủy sản đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; phối hợp với địa phương chỉ đạo điều chỉnh thời vụ và đối tượng nuôi phù hợp. Ngành đã khuyến cáo bà con về lịch thời vụ, mật độ thả giống cho từng vùng nuôi gắn với việc tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho nông, ngư dân...
Theo kế quả điều tra của Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận, tuy diện tích thả nuôi tôm sú năm 2005 trên địa bàn chỉ đạt 474 ha diện tích đất canh tác, chiếm 31,6% diện tích hiện có với 620 ha lượt diện tích thả giống (trong đó có 146 ha thả giống vụ 2), nhưng sản lượng có thể đạt từ 1.950 đến 2.050 tấn tôm thương phẩm, năng suất bình quân 3,31 tấn/ha. Ngoại trừ số diện tích bị khô hạn phải bỏ hoang, còn lại phần lớn các gia đình tận dụng được nguồn nước ngọt thả nuôi tôm trong năm nay đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ ở xã Phước Dinh như: Ông Võ Văn Sơn đạt 13 tấn/ha, ông Nguyễn Thành Phong đạt 8,7 tấn/ha, ông Phạm Văn Nên 4,4 tấn/ha... Trong thời gian này, các địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai trồng rong sụn, nuôi tôm hùm, vẹm xanh, ốc hương, cá măng trên diện tích hiện có và chuyển đổi một phần diện tích nuôi tôm bị ô nhiễm sang nuôi trồng rong sụn... Riêng bà con nông ngư dân ở khu vực Vĩnh Hy, Bình Tiên, Đông Hải và Mỹ Tân tiếp tục duy trì được 160 lồng tôm hùm thương phẩm, sản lượng thu hoạch năm 2005 đạt hơn 45 tấn, giá bán bình quân 480.000 đồng/kg. Tại vùng Sơn Hải, Phước Diêm, Nhơn Hải và trong khu vực Đầm Nại, bà con phát triển mạnh nghề trồng rong sụn tạo thêm việc làm cho 900 gia đình và tại các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, thị xã Phan Rang-Tháp Chàm nông dân còn phát triển nuôi như cá chép, rô phi, bông lau với hơn 300ha, sản lượng ước đạt hơn 100 tấn.
Ngành Thủy sản cũng đã tăng cường kiểm tra chất lượng các loại con giống, tổ chức lại nghề sản xuất giống theo hướng những cơ sở có điều kiện về vốn, kỹ thuật và thị trường tiếp tục sản xuất, các cơ sở không dủ điều kiện phải tạm ngừng sản xuất, tránh thiệt hại về kinh tế của gia đình và ảnh hưởng xấu cho môi trường sản xuất tôm sú giống của tỉnh... Nhờ vậy, từ đầu năm 2005 đến nay, các doanh nghiệp và bà con nông ngư dân trong tỉnh đã duy trì được 684 trại sản xuất, chiếm 58% năng lực hiện có trong toàn tỉnh, sản lượng sản xuất tiêu thụ cả năm hơn 5,15 tỷ con, đạt 103% kế hoạch năm, tăng 17% so cùng kỳ năm trước. Trong thời gian này, nhân dân tại khu vực Đông Hải, Mỹ Tân và Vĩnh Hy cũng đã đầu tư phát triển hơn 150 lồng ương tôm hùm giống, sản lượng ước đạt hơn 30.000 con. Công ty Khang Thạnh (Sơn Hải) hình thành và ổn định nghề sản xuất ốc hương có quy mô hơn 30 triệu con/ năm 2005. Ngành Thủy sản cũng đã tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và tổ chức cho bà con nông, ngư dân trong tỉnh sản xuất được hơn 12 triệu con giống bào ngư, cá lăng vàng, cá chim trắng, trê lai, rô phi, chép...
Nhờ sáng tạo, năng động trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng ngành Thủy sản đã tổ chức sản xuất nuôi trồng và thu hoạch được hơn 11.190 tấn hải đặc sản các loại, đạt 124,3% kế hoạch năm 2005, tăng 48,2% so năm trước. Theo dự báo tình hình nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú thương phẩm trên địa bàn tỉnh, trong năm 2006 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, do đó ngành Thủy sản tỉnh tiếp tục đưa ra các biện pháp xây dựng vùng nuôi linh hoạt với nhiều đối tượng phù hợp và mùa vụ đan xen; thực hiện triển khai đề án nuôi tôm bền vững, ổn định diện tích nuôi 1.500 ha, sản lượng đạt hơn 2.630 tấn tôm nuôi và 5,2 tỷ con tôm post giống trong năm 2006.
Để thực hiện chỉ tiêu này, tỉnh thực hiện chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm thâm canh tại các vùng dự án An Hải, Sơn Hải; xây dựng các trạm quan trắc môi trường cảnh báo nguồn nước tại các vùng nuôi tôm tập trung; hỗ trợ kỹ thuật, giống, đào tạo nghề... Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần trong và ngoài tỉnh di chuyển các trại sản xuất tôm sú giống từ Bình Sơn sang đầu tư tại vùng dự án giống thủy sản tập trung chất lượng cao An Hải; tăng cường các hoạt động sản xuất các loài giống khác như: Ương tôm hùm lồng, giống ốc hương, giống rong sụn, các loài cá nước ngọt và chuyển giao sản xuất giống bào ngư, giống cá lăng vàng...
Nguyễn Đức Ánh, Báo Ninh Thuận
An Giang - Đồng Tháp: Chú trọng phát triển các mô hình nuôi, chế biến thủy sản sạch
Nguồn tin: BCT, 25/12/2005
Ngày cập nhật: 25/12/2005
Ông Phan Văn Danh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA), cho biết: AFA đang xúc tiến thành lập phòng kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu và sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn quốc tế với vốn đầu tư khoảng 8-10 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ theo hình thức cho vay ưu đãi 3 tỉ đồng, còn lại là vốn vận động từ các doanh nghiệp chế biến, hội viên. Riêng khâu kỹ thuật sẽ được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
AFA còn chuẩn bị thành lập Công ty dịch vụ thủy sản nhằm phát triển mô hình nuôi cá sinh thái và cá sạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Công ty sẽ là nơi cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản đảm bảo chất lượng và làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Ngoài ra, AFA sẽ xúc tiến nhanh việc tiếp tục thành lập Quỹ hỗ trợ thủy sản để hỗ trợ người nuôi về vốn và kỹ thuật, đảm bảo cho nghề nuôi cá tra, ba sa phát triển bền vững trong tương lai.
l Xí nghiệp Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Sa Đéc, nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Minh Quân (khu công nghiệp Sa Đéc) và một số công ty sản xuất thuốc thủy sản vừa đến khảo sát thực tế vùng nuôi cá tra tại huyện Lấp Vò, Cao Lãnh và Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Cuộc khảo sát này nhằm kiểm tra chất lượng cá, nguồn nước, thức ăn, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Qua đó, đoàn khảo sát hướng dẫn nông dân về quy trình kỹ thuật sản xuất cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: cải tạo xử lý ao nuôi, nguồn nước, chăm sóc, thức ăn, không sử dụng những loại thuốc kháng sinh nằm trong danh mục cấm...
BÌNH NGUYÊN-TRANG NHÃ
Nông nghiệp TPHCM giai đoạn 2001-2005: Thủy sản - Chăn nuôi vượt trồng trọt
Nguồn tin: SGGP, 23/12/2005
Ngày cập nhật: 25/12/2005
Giai đoạn 2001-2005 giá trị sản xuất nông nghiệp TPHCM tăng bình quân 5,8%. Chính sự điều chỉnh về cơ cấu của ngành nông nghiệp trước đó đã tạo nên hiệu quả chuyển dịch giai đoạn hiện nay.
Thủy sản - Chăn nuôi vượt trồng trọt
Có thể nói, 2001-2005 là thời kỳ trổi dậy mạnh mẽ của thủy sản TPHCM. Đây là lĩnh vực có tính đột phá cao và ngoạn mục nhất của ngành nông nghiệp TP, đóng vai trò đầu tàu trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp TP 5 năm qua. Phát triển thủy sản, chủ yếu là con tôm sú, nghêu… với mức tăng bình quân 22,7%/năm, tập trung nhiều ở huyện Nhà Bè và nhất là huyện Cần Giờ.
Giúp 2 huyện này từ vùng sản xuất lúa độc canh và độc vụ năng suất thấp, khi chuyển qua nuôi trồng thủy sản mới làm bật dậy tiềm năng vùng đất này. Diện tích nuôi tôm sú năm 2005 là 6.165ha. Như vậy, bình quân mỗi năm tăng 7,6%, trong đó diện tích nuôi công nghiệp tăng 53,3%/năm.
Sản lượng thu hoạch năm 2005 là 8.300 tấn, tăng bình quân 61%/năm. Các hoạt động dịch vụ thủy sản tăng 27%/năm. Hiện nay huyện Cần Giờ đang chuẩn bị nuôi tôm theo mô hình GAP (tạm dịch: Thực hành nông nghiệp tốt) và tận dụng mặt nước trên sông rạch để triển khai nuôi nhiều mô hình khác có giá trị như hàu, cá bống mú…
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.