Đường nào để ĐBSCL thoát nghèo
Kinh tế Sài Gòn, 11/1/2006
Chỉ với hơn 12% diện tích của cả nước, đồng bằng sông
Cửu Long (ĐBSCL) hàng năm cung cấp hơn 50% tổng sản lượng lúa
gạo, 90% lượng gạo xuất khẩu, khoảng 65% lượng thủy sản, hơn
60% lượng trái cây, cùng với nhiều loại nông sản khác. Nhưng đồng
bằng sông Cửu Long vẫn nghèo.
Nguồn nông sản dồi dào nói trên đã góp phần không nhỏ đưa đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng trước đổi mới, để đi lên từ nông nghiệp. Thành quả đó do công sức của những người nông dân, chiếm hơn 70% dân số trong vùng, tạo ra bằng lao động cần cù, sáng tạo để phát huy những thuận lợi vốn có, chinh phục ngoạn mục các vùng đất phèn, đất nhiễm mặn rộng lớn. Họ đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn lương thực một cách vững chắc cho đất nước, một thời còn phải nhập khẩu lương thực. Mặc dù từ năm 1975 đến nay sản lượng lúa ĐBSCL đã tăng hơn ba lần, từ gần 6 triệu tấn lên hơn 18 triệu tấn, phần lớn số người đã có đóng góp to lớn nói trên vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nếu trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc phấn đấu đạt 300 ki lô gam lúa/người/năm, thì năm 1999 tỉnh Long An đã đạt hơn 3,6 tấn lúa/người/năm, nhưng phần lớn nông dân trong tỉnh vẫn không giàu. Phải chăng đó là một nghịch lý và phải làm gì để giúp nông dân trong vùng giải quyết điều này, ngoài việc đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp và dịch vụ?
Cần một chiến lược sản xuất nông nghiệp hợp lý
Một hội nghị quốc tế về an toàn lương thực cách đây khá lâu đã gửi những khuyến cáo cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: 1. Các nước đang phát triển cần chú trọng trước tiên đến vấn đề an toàn lương thực; 2. Sản xuất lương thực là ngành sản xuất nông nghiệp có thu nhập thấp nhất; 3. Vì lý do nói trên, khi đã đạt được yêu cầu an toàn lương thực, phải chú trọng gia tăng hiệu quả bằng cách đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Liên hệ quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL với những khuyến cáo trên, có thế thấy nhiều vấn đề cần suy gẫm.
Tuy trong thời gian qua ĐBSCL đã có những bước phát triển vượt
bậc về nuôi trồng thủy hải sản, cải thiện và gia tăng diện
tích cây ăn trái, nhưng chủ yếu vẫn còn độc canh cây lúa trên
phần lớn diện tích, với mức độ gây ô nhiễm môi trường cao
do các phương thức thâm canh hiện nay. Sản xuất lúa, dù năng
suất và sản lượng tăng liên tục, tạo nên niềm tự hào là nước
xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, vẫn mang lại cho người
nông dân lợi nhuận thấp và không ổn định. Đó là nguyên nhân
dẫn đến tình trạng phần lớn nông dân trong vùng làm ra ngày càng
nhiều lúa gạo, nhưng đời sống thì chẳng được cải thiện tương
ứng với công sức mà họ bỏ ra. Tình trạng nghèo khó của phần
lớn nông dân không cho phép cứ bước đi theo lối cũ, trông chờ
quá nhiều vào sự cầu may từ giá cả lương thực trên thị trường
thế giới vốn biến động liên tục.
Trên bước đường hội nhập với thế giới, hơn lúc nào hết, cần xây dựng một chiến lược sản xuất nông nghiệp hợp lý, đạt hiệu quả cao và bền vững, giúp người nông dân giàu lên từ nông nghiệp. Trường hợp Hà Lan, nước xuất khẩu nông sản lớn thứ ba thế giới, mặc dù chỉ có diện tích tương đương với ĐBSCL, trong đó khoảng 25% đất nằm dưới mực nước biển, là một minh chứng về tiềm năng của kinh tế nông nghiệp, khi có một chiến lược phù hợp. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Hà Lan đứng đầu châu Âu. Với 1,6% diện tích đất canh tác của châu Âu, Hà Lan đã làm ra 8% giá trị sản phẩm nông nghiệp của châu lục này. Hiệu quả sản xuất trên diện tích đất của Hà Lan đạt 4.203 đô la Mỹ/héc ta. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên lao động đạt 35.831 đô la Mỹ/người (Nguồn: Farmers of the world - Bert Van Ruyven). Riêng giá trị sản phẩm trồng trọt năm 2000 của Hà Lan đã đạt được mức đáng khâm phục (tính bằng triệu euro): nấm - 300, rau ngoài đồng - 1.200, rau nhà kính - 400, hoa cắt cành - 3.500, trái cây - 300, vườn ươm giống - 500, củ hoa giống - 600, các loại cây trồng khác - 2.200 (Nguồn: LEI, CBS, 2000). Con số 9 tỉ euro nói trên (hơn một phần năm GDP của nước ta) mà chỉ riêng ngành trồng trọt của Hà Lan đã đạt được cho thấy rõ tiềm năng tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL còn lớn biết chừng nào. Ngoài trồng trọt, Hà Lan cũng nổi tiếng không kém với ngành chăn nuôi.
Hàng năm Hà Lan xuất khẩu khoảng 1 triệu con heo sống và 1 triệu tấn thịt heo. Sản lượng các loại sản phẩm sữa từ 14 công ty lớn của nước này đạt hơn 10,8 triệu tấn.
Nông dân đáng được hỗ trợ
Tuy nhiên, để phát triển bền vững bằng con đường đa dạng hóa sản xuất, có những vấn đề mà tự thân người nông dân không dễ gì vượt qua được. Mặc dù rất năng động và mạnh dạn, nhưng việc trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả cao, ổn định, luôn là bài toán quá tầm đối với người nông dân cá thể. Chính vì vậy không ít lần họ phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ trong việc mò mẫm chuyển từ cây trồng này sang cây trồng khác, vật nuôi này sang vật nuôi khác một cách tự phát. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các thất bại nói trên. Có cái do chính sự hiểu biết chưa đầy đủ về cây trồng vật nuôi mới, có cái do thiếu thông tin về thị trường và thiếu tổ chức nên thường chạy theo phong trào. Thêm vào đó cũng có không ít trường hợp là do khuyến cáo không phù hợp của các cơ quan nông nghiệp cho ĐBSCL, như đối với các cây cacao, đay, bông vải, bò sữa… Mặt khác, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, sự thiếu định hướng về thị trường nông sản cho nông dân cũng như sự thiếu chính sách hỗ trợ hữu hiệu trong việc tổ chức lại sản xuất để khắc phục tình trạng manh mún, phân tán và việc chậm xác định quy mô sản xuất lúa cỡ nào là đủ đảm bảo an toàn lương thực cho đất nước, đều là những trở ngại không nhỏ đối với ĐBSCL trong việc phát triển một nền sản xuất nông nghiệp đa dạng, hiệu quả và bền vững.
Người dân ĐBSCL hiểu rõ tầm quan trọng của an toàn lương thực đối với sự phát triển của đất nước, nên ý thức được nghĩa vụ của mình trong vấn đề này. Vì sản xuất lúa tuy có hiệu quả xã hội cao, nhưng lợi nhuận thấp, Nhà nước cần có những chính sách thích hợp bù đắp phần nào thiệt thòi nói trên của những người gánh vác trọng trách đảm bảo an toàn lương thực cho cả nước. Chẳng ai muốn dân ĐBSCL nghèo, nhưng những hỗ trợ để giúp người dân phát huy tốt tiềm năng to lớn trong vùng cần được chú trọng hơn. Trong những năm qua, việc xuất hiện ở ĐBSCL và nhiều nơi khác các mô hình sản xuất đạt hiệu quả từ 50 đến hơn 100 triệu đồng trên một héc ta cho thấy triển vọng giàu lên từ nông nghiệp của nông dân là hiện thực. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình trên ra đại trà, trước tiên cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh đa dạng hóa sản xuất, thông qua tăng cường đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng; ban hành các chính sách thúc đẩy việc tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng phân tán, manh mún; định hướng thị trường; tổ chức các chợ đầu mối; tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông để giúp nâng cao năng suất và cải thiện phẩm chất các loại nông sản chủ lực, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Để xác định những bước đi vững chắc, hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại, điều cấp thiết nhất cần làm là hoàn chỉnh chiến lược phát triển và quy hoạch tổng thể cho toàn ĐBSCL. Có lẽ đây là vấn đề cốt lõi để khắc phục những hạn chế trong việc phát huy đúng mức tiềm năng của vùng một cách bền vững. Tránh tình trạng phát triển tự phát ngoài tầm kiểm soát và giới hạn hợp lý theo cái lợi trước mắt để rồi phải trả giá đắt do cung vượt cầu, ô nhiễm môi trường, chất lượng cuộc sống giảm sút… như trường hợp phát triển nuôi thủy sản tại một số địa phương vừa qua. Cần sớm đánh giá một cách khoa học các chính sách, biện pháp cũng như cái giá phải trả cho những cái được và không được của các công trình lớn, nhất là các công trình thủy lợi, đã đầu tư cho ĐBSCL để rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh cần thiết cho bước tới.
Tiềm năng to lớn có được từ điều kiện thiên nhiên thuận lợi cùng với tính cần cù, năng động sáng tạo của người dân, nếu được bổ sung bằng những hỗ trợ thiết yếu nói trên, trước mắt là sớm thực thi nghiêm túc các quyết định được Chính phủ ban hành về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thủy lợi và giáo dục-đào tạo, nhất định người nông dân ĐBSCL từng bước có thể giàu lên từ nông nghiệp theo những mô hình đạt hiệu quả cao do chính những người nông dân trong vùng tạo ra.
Trong những năm qua, việc xuất hiện ở ĐBSCL và nhiều nơi khác các mô hình sản xuất đạt hiệu quả từ 50 đến hơn 100 triệu đồng trên một héc ta cho thấy triển vọng giàu lên từ nông nghiệp của nông dân là hiện thực.
Tiến sĩ Trần Thượng Tuấn
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 4 tỷ USD
Nguồn tin: SGGP, 14/1/2006
Ngày cập nhật: 14/1/2006
Khuyến khích chế tạo sản phẩm cơ khí thủy sản
Nguồn tin: TTXVN, 12/01/2006
Ngày cập nhật: 14/1/2006
Doanh nghiệp hợp tác với nông dân nuôi thuỷ sản
Nguồn tin: TTXVN, 12/01/2006
Ngày cập nhật: 14/1/2006
ĐBSCL có số hộ làm nghề thủy sản cao nhất nước
Nguồn tin: TTXVN, 13/01/2006
Ngày cập nhật: 14/1/2006
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có số hộ làm nghề thủy sản cao nhất cả nước, chiếm hơn 8,1% trong tổng số hộ nông thôn trong vùng.
Các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh là những địa phương chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản mạnh nhất vùng.
Hiện Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 12.000 trang trại thủy sản, chiếm hơn 72% số trang trại thủy sản của cả nước với nhiều mô hình trang trại nuôi tôm sú công nghiệp và nuôi thủy sản kết hợp với sản xuất lúa, nuôi tôm và trồng rừng./.
ĐBSCL: nghêu và cá tra đang tăng giá
Nguồn tin: TT, 14/01/2006
Ngày cập nhật: 14/1/2006
Kỹ sư Dương Tấn Lộc - phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ (CAFA) - cho biết giá cá tra bắt đầu tăng từ 10.500đ/kg lên 12.500-13.000đ/kg và đang hút hàng.
Hiện sản lượng cá tra ở huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) và các huyện đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long đang giảm 20-30%. Giá nghêu ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh đang ở mức 12.500 -13.000đ/kg, tăng 4.000-5.000đ/kg.
LÊ MỸ
Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ thêm khó khăn
Nguồn tin: SGGP, 14/01/2006
Ngày cập nhật: 14/1/2006
Tiêu điều một làng bè
Nguồn tin: SGGP, 13/1/2006
Ngày cập nhật: 14/1/2006
Vài năm trước, cù lao Tân Lộc (huyện Thốt Nốt – TP Cần Thơ) được coi là tâm điểm của phong trào nuôi cá bè. Từ năm 2003 đến năm 2005, số bè cá cứ tăng dần đến nỗi nhiều người dân địa phương kể: Nửa đêm nghe tiếng khua nước dưới bến sông, sáng dậy đã thấy vài chiếc bè từ miệt Châu Đốc – An Giang “nhập hộ” vào làng bè Tân Lộc. Thế nhưng cuối năm 2005, khi về lại vùng cù lao này, chúng tôi phải xót xa chứng kiến khung cảnh tiêu điều, nhiều bè bị bỏ phế và chạnh lòng nghe người dân than: “Treo bảng bán bè giá rẻ như bèo mà hổng ai thèm mua!…”.
Làm ăn theo phong trào
Từ tháng 10-2004, cá tra, cá ba sa liên tục bị mất giá, các chủ bè ở tỉnh An Giang, Châu Đốc bắt đầu thanh lý những chiếc bè cũ. Khi đó, ở TP Cần Thơ, cá chim trắng được giá, nên người dân Thốt Nốt “tranh thủ” tìm mua những chiếc bè cũ, giá rẻ về đầu tư nuôi cá chim trắng.
Theo kết quả điều tra của Đội kiểm tra liên ngành (CSGT thủy, Trạm thủy sản liên huyện Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh) thực hiện từ ngày 24 đến 28-10-2005 cho thấy trên địa bàn huyện Thốt Nốt có tổng cộng 378 bè cá, riêng cù lao Tân Lộc đã có đến 294 bè; lượng bè cá trên địa bàn Thốt Nốt tăng gần 70%; riêng tại xã cù lao Tân Lộc tăng trên 80%.
Kỹ sư Trương Thị Hương, cán bộ Trạm thủy sản liên huyện Thốt Nốt – Vĩnh Thạnh cho biết: “Ở An Giang, Châu Đốc nghề nuôi cá bè phát triển hàng chục năm nay, mật độ dày đặc, gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường nước, ngành thủy sản địa phương đã khuyến cáo người dân chuyển sang mô hình nuôi cá sinh thái để đạt sản lượng cao, đạt chất lượng yêu cầu xuất khẩu.
Nhiều chủ bè không chuyển đổi được mô hình sản xuất thì bán bè chuyển nghề. Cũng từ đó, người dân Tân Lộc đổ xô lên An Giang mua bè cũ, giá rẻ về nuôi cá chim trắng. Tháng 5-2005, số lượng bè cá ở Thốt Nốt tăng đột biến, tập trung neo đậu ở 2 ấp Long Châu và Lân Thạnh (thuộc làng bè Tân Lộc) với mật độ dày đặc, ảnh hưởng luồng lạch, không đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy và gây ô nhiễm môi trường nước”.
Theo số liệu từ Phòng CSGT Đường thủy - CA TP Cần Thơ: Trên địa bàn TP Cần Thơ có 462 bè cá, trong đó có 231 bè không được cấp phép (chiếm tỉ lệ 50%). Riêng huyện Thốt Nốt có đến 210 bè cá không phép. Trung tá Trần Văn Đăng, Phó Trưởng phòng CSGT Đường thủy TP Cần Thơ cho biết: “Tình hình bè cá phát triển quá nhanh ở Tân Lộc đã cản trở dòng chảy và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy, ngay cả các bè có phép cũng vi phạm luồng tuyến giao thông. Chúng tôi lập biên bản xử lý nhiều lần nhưng các hộ vẫn chưa khắc phục”.
Bà Lê Ngọc Diện, Trưởng phòng nghiệp vụ – Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho biết: “Nhiều trường hợp người dân Tân Lộc kéo bè cũ về, đến Chi cục Thủy sản đăng ký nhưng rồi khi cá rớt giá, họ không thèm đến lấy giấy phép hoạt động. Từ đó cho thấy, số lượng bè cá thực tế ở Tân Lộc hiện nay có thể nhiều hơn so với thống kê của ngành chức năng.
Bán bè mà lòng đau
Về cù lao Tân Lộc, dọc bờ sông vẫn là những dãy bè cá xếp hàng, nhưng không còn khung cảnh nhộn nhịp, mà ở đâu cũng thấy bảng rao “bán bè”. Tưởng chúng tôi đi mua bè, nhiều người í ới gọi: “Chú em ghé coi bè đi, tui bán rẻ cho!”.
Chị Trần Thị Mỹ, đón đường tôi dẫn vào nhà, vừa rao mời tôi mua bè, vừa sốt sắng tiếp thị: “Tui có 3 cái bè còn mới tinh, tính bán bớt 1 cái 4 x 8 x 3 mét, tính giá 60 triệu đồng thôi, nếu anh chịu mua tui tặng luôn cái máy nổ và 2 cối xay thức ăn”. Biết tôi là nhà báo, chị thở dài đánh sượt: “Thôi thì anh cần tìm hiểu điều gì, tôi cung cấp thông tin cho. Làng bè này rệu rã lắm rồi, có gì mà che giấu!”.
Thấy người ta nuôi cá làm giàu, vợ chồng chị Mỹ cũng tích cóp vốn liếng để sắm sửa mấy bè cá và máy móc phục vụ cho việc chăn nuôi. Chị kể: “Vợ chồng tôi bán gần 30 lượng vàng, lấy tiền đóng 3 chiếc bè (mỗi chiếc 70 triệu đồng) rồi mua phương tiện, máy móc, mới nuôi được một mùa thì cá rớt giá thê thảm, lỗ thấu xương nên đành bán bè với giá rẻ để thu hồi vốn, quay về làm ruộng”.
Ông Võ Văn Chuộng (tên thường gọi là Ba Cụi) là người có thâm niên trong nghề nuôi cá chim trắng ở cù lao Tân Lộc, cho biết: “Gia đình tui có 8 cái bè nuôi cá chim trắng, vừa rồi bán được 2 cái, còn 6 cái cũng đang kêu bán để giải nghệ luôn”. Theo ông Ba Cụi, 1 cái bè loại 6 x 12 x 3m, nuôi cá chim trắng từ 5 đến 6 tháng, thu đạt sản lượng 30 tấn cá. Tuy nhiên, mỗi ký thức ăn cho cá bình quân là 2.300 đồng, nếu bán được 10.000 đồng/kg cá thương phẩm thì người nuôi lời được 500 đồng/kg.
Nhưng hiện nay cá chỉ còn 7.200 đồng/kg, nếu càng cầm cự thì càng thua lỗ nặng”. Ông Ba Cụi chua chát nói: “Hiện giờ thương lái đang tới vớt mấy tấn cá chim trắng của tui nuôi dưới bè. Tui giao cho sắp nhỏ ở nhà bán được giá nào thì bán. Buồn chán quá nên tui bỏ đi tìm mấy người bạn đồng cảnh ngộ tâm sự…”. Còn Ông Phạm Văn Bảy, hàng xóm của ông Ba Cụi, trước đây đã bán một công đất và vay mượn thêm tiền để lên Châu Đốc mua một cái bè cũ giá mấy chục triệu đồng kéo về, nuôi cá chim trắng. Giờ kêu bán lại chiếc bè 4 triệu đồng, chẳng ai mua. Mấy tháng nay, hai vợ chồng ông cứ lục đục, cự cãi.
Ở cù lao Tân Lộc, nhiều năm trước, mô hình nuôi cá tra bè giúp nhiều gia đình đổi đời, xây nhà tường, mua sắm nhiều trang thiết bị tiêu dùng hiện đại. Chính hình ảnh này đã làm cho nhiều người dân “mê” mà không tìm hiểu kỹ những biến động thị trường về mặt hàng thủy sản nên có tình trạng ùn ùn rủ nhau tìm mua bè cá cũ đem về nuôi cá chim trắng, dẫn đến tình cảnh thua lỗ thê thảm như hiện nay.
Ông Phạm Văn My, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết: “Trước tình hình số bè cá ở xã tăng đột biến, từ tháng 6-2005, UBND huyện đã chỉ đạo xã động viên người chăn nuôi thủy sản không nên đóng mới, hay mua bè cá từ An Giang, Châu Đốc kéo về nữa nhưng nhiều hộ không nghe và địa phương cũng gặp khó trong việc kềm giữ tình trạng nuôi cá tự phát. Hiện nay, địa phương cũng không có khả năng hỗ trợ vốn cho các hộ nuôi cá bè thua lỗ”.
Bây giờ thì các hộ nuôi cá ở làng bè cù lao Tân Lộc ai cũng ao ước bán được bè để có vốn chuyển hướng sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, nhiều hộ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của việc làm ăn tự phát “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành chức năng nên kịp thời quan tâm giải quyết tình trạng khó khăn, đề xuất biện pháp hỗ trợ, tìm hướng ra, giúp các hộ chăn nuôi cá bị thua lỗ có cơ hội chuyển hướng làm ăn, cải thiện thu nhập.
NAM LÂM – CAO PHONG
Nhơn Châu: Xuất hiện nhiều tôm hùm giống
Nguồn tin: BĐ, 13/1/2006
Ngày cập nhật: 13/1/2006
Ông Phan Văn Binh, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) cho biết: Sau những đợt biển động kéo dài, tôm hùm giống xuất hiện khá nhiều ở vùng biển Nhơn Châu.
Xã đảo này hiện có 100 hộ làm nghề khai thác tôm hùm giống, hàng đêm mỗi hộ khai thác từ 5-10 con tôm hùm giống. Giá tôm hùm giống hiện nay khoảng 150 ngàn đồng/con. Trong thời gian qua, ngư dân trong xã đã khai thác được khoảng 3.000-4.000 con tôm hùm giống.
Cách đây 3 năm, tôm hùm giống cũng đã từng xuất hiện khá nhiều ở vùng biển này.
Nguyễn Phúc
Yên Bái: Cá chết, chưa hết... dự án!
Nguồn tin: TP, 12/01/2006
Ngày cập nhật: 13/1/2006
Chất lượng thủy sản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Nguồn tin: TBKTVN, 13/01/2006
Ngày cập nhật: 13/1/2006
Nuôi cá tra, ba sa ồ ạt ở ĐBSCL: Cảnh giác mối đe dọa từ môi trường
Nguồn tin: BCT, 13/1/2006
Ngày cập nhật: 13/1/2006
Trong những năm qua, trên đà phát triển chung của nghề nuôi trồng thủy sản cả nước, con cá tra, ba sa ở ĐBSCL ngày một chiếm vị trí quan trọng góp phần trong phát triển kinh tế của khu vực. Sản lượng thu được, kim ngạch xuất khẩu ngày một tăng đang hứa hẹn một hướng phát triển đầy tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, việc cá nuôi chết, tỷ lệ hao hụt ngày một tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố môi trường là chủ yếu đang đặt ra nhiều vấn đề cần sớm có giải pháp khắc phục…
NHỮNG CẢNH BÁO TỪ VÙNG NUÔI
Với sản lượng hàng năm khoảng 150.000 tấn, tăng khoảng 20%, nghề nuôi cá tra, ba sa tại An Giang đã đóng góp 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Với việc đầu tư thêm 4 nhà máy chế biến trong năm qua cho thấy tầm quan trọng của nghề nuôi cá tra, ba sa tại An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Song, chính những hiệu quả kinh tế mang lại từ con cá tra, ba sa đã tạo một làn sóng mới trong phát triển thủy sản của khu vực “nhà nhà nuôi cá, người người nuôi cá”. Lúc đầu chỉ một vài bè đã tăng lên hàng trăm, rồi hàng ngàn. Đến lúc không thể nuôi bè bà con bắt đầu đăng quầng và đào ao nuôi. Suốt những năm qua, hiệu quả trước mắt do con cá tra, ba sa mang lại thật sự rất lớn. Nhiều gia đình đã đổi đời và nuôi cá tra, ba sa là một giải pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Tuy nhiên hệ lụy từ những bước phát triển ồ ạt, thiếu định hướng bắt đầu lộ rõ.
Hơn nửa tháng qua, những hệ quả xấu từ vùng nuôi bắt đầu lan tỏa. Cá nuôi tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang bắt đầu có tỷ lệ hao hụt lên đến mức báo động. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) nhận định: “Những năm trước, khi chỉ vài hộ nuôi cá thì không hao hụt nhiều, chỉ ước chừng 5-7%. Còn bây giờ tỷ lệ chấp nhận đã dao động từ 20-30%, nguyên nhân chính là người nuôi chạy theo cái lợi trước mắt mà thả nuôi vượt mật độ cho phép. Kéo theo đó tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi ngày một tăng, nên cá ngày một hao hụt nhiều và tỷ lệ hiện đã đến mức báo động”.
Còn ông Trần Anh Dũng, Phó chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết: Mấy năm qua, cứ đến vụ đông xuân là bà con nuôi thủy sản dọc tuyến sông Tiền và sông Hậu lại phải chứng kiến nạn cá chết. Trước mắt, nguyên nhân chính do vào vụ bà con đồng loạt bơm nước từ ruộng ra để xuống giống đã đưa biết bao nhiêu chất ô nhiễm và cả mầm bệnh đều thải xuống sông. Đồng thời, sự thay đổi thời tiết do chuyển mùa cũng là một yếu tố làm cho tỷ lệ cá hao hụt tăng cao”.
Trong khi đó, theo kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, qua khảo sát từ hơn 3.300 bè nuôi trên các tuyến sông tại An Giang, hầu hết các bè đều neo đậu không đúng khoảng cách an toàn. Tại các khu vực như Đa Phước – An Phú; Vĩnh Ngươn, Vĩnh Mỹ – Châu Đốc; Mỹ Hòa Hưng – Long Xuyên; Long Sơn – Phú Tân đều là những nơi có nhiều bè cá neo đậu với mật độ rất cao, vi phạm khoảng cách neo đậu; không thu gom rác thải, đại đa số các bè đều không lắp cầu vệ sinh tự hoại. Số hộ lắp đặt cầu tiêu trên bè chỉ đạt 14%. Ngoài ra, diện tích nuôi cá ao hầm chưa có quy hoạch và tự phát đã lên đến 1.400 ha. Các hộ này không chuẩn bị đất dự phòng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải… Chính những yếu tố đó đã làm môi trường nuôi thủy sản ngày một xấu đi và là nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ cá hao hụt khi thả nuôi lên đến mức báo động như hiện nay.
Theo kết quả quan trắc trong năm 2005 của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang về chất lượng nguồn nước ở các đoạn kinh rạch nội đồng thuộc sông Tiền và sông Hậu đều bị ô nhiễm. Và nguyên nhân chính là do việc sử dụng nông dược trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và sản phẩm sau thu hoạch không được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, việc tập trung các khu đô thị và hoạt động nuôi trồng thủy sản ven sông, kinh rạch nội đồng đã góp phần làm gia tăng mức độ ô nhiễm.
Nếu so sánh với kết quả quan trắc chất lượng môi trường mùa khô năm 2004, có thể đánh giá chất lượng nước mặt các tuyến sông chính năm 2005 ô nhiễm hơn đối với các chỉ tiêu hàm lượng ô xy hóa tan và mật số vi sinh tổng coliforms. Nước có chỉ số ô xy hòa tan thấp do ô nhiễm sẽ là một trong những nguyên nhân chính tác động đến quá trình hô hấp của thủy sản, làm tăng hao hụt, giảm hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, chỉ tiêu mật đô vi sinh tổng coliforms cao vượt 100-136 lần tiêu chuẩn môi trường ở sông Hậu và các kinh rạch nội đồng làm ô nhiễm chất lượng nước mặt sinh hoạt khá nghiêm trọng.
Mới đây, kết quả khảo sát vào đầu tháng 1 – 2006 vừa qua của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, cũng kết luận những bất lợi về môi trường thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cá chết. Bên cạnh đó, việc người nuôi cá với mật độ cao gấp 2-3 lần cho phép đã làm cá dễ phát bệnh và chết. Tuy nhiên đây là một cảnh báo nếu không có những giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường thì hậu quả cho tương lai rất lớn.
HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÀO CHO TƯƠNG LAI?
Trước những nguy cơ từ nạn ô nhiễm môi trường vùng nuôi, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên -Môi trường An Giang đề xuất: “Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc cảnh báo về môi trường và dịch bệnh thủy sản cho từng vùng nuôi. Thực hiện quan trắc định kỳ chất lượng nước mặt nuôi trồng thủy sản. Các địa phương xây dựng đề án xã hội hóa thu gom rác làng bè và bến bãi có nhiều ghe tàu neo đậu. Xây dựng đề án xây nhà vệ sinh công cộng trên bờ phục vụ cho khu vực có nhiều bè nuôi cá, ghe tàu neo đậu. Ngoài ra, cần nhanh chóng sắp xếp lại các vùng nuôi cá, bè và nuôi cá ao hầm, trong đó phải tính đến yếu tố môi trường, hướng dẫn xử lý nước thải các ao hầm nuôi cá. Tăng cường kiểm tra các hộ chăn nuôi cá bè, ao hầm, đăng quầng, buộc phải thực hiện đăng ký đạt chuẩn môi trường, có hầm hoặc mương sinh học để xứ lý nước thải. Giữ nguyên hiện trạng các quầng nuôi cá không cho phát sinh thêm. Các địa phương phải có quy hoạch chi tiết về phát triển thủy sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường”. Còn ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho rằng: “Các tỉnh cần triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất sự phát triển tự phát ở khâu nuôi, qua đó sẽ dễ dàng kiểm soát khi có sự cố”.
Trước những gì đang diễn ra cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn từ nạn ô nhiễm môi trường đã hiển hiện và đe dọa cả trong tương lai. Nó không chỉ ảnh hưởng đến nghề nuôi cá tại ĐBSCL mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Có thể nói An Giang là một trong những tỉnh đi tiên phong tìm giải pháp khắc phục tình trạng xấu do môi trường mang lại. Tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II lắp đặt các hệ thống theo dõi môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời cảnh báo khả năng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, bằng những mô hình liên kết sản xuất cá sạch AGIFISH, NAVICO... các doanh nghiệp đã tập hợp được người nuôi để tạo sự hài hòa và đồng thuận trong việc phát triển nghề chăn nuôi thủy sản. Với các liên kết này sẽ đảm bảo mật độ nuôi cũng như hạn chế thấp nhất tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ như thời gian qua, đảm bảo một hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.
BÌNH NGUYÊN
Mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững: Bao giờ?
Nguồn tin: BPY, 11/1/2005
Ngày cập nhật: 13/1/2006
Nghề nuôi tôm sú ở vùng nước lợ từng phát triển mạnh, mang lại hiệu quả cao cho ngư dân. Tuy nhiên những năm gần đây, dịch bệnh liên tục gây thiệt hại nặng và ao đìa đang có nguy cơ bị bỏ hoang. Vậy chúng ta có nên độc canh con tôm hay chuyển đổi, phát triển một vụ tôm một vụ lúa, nuôi ghép tôm – cá rô phi hoặc những mô hình sản xuất thích hợp khác!
Các nhà khoa học cho rằng: Hạ tầng cho thủy sản không chỉ là thủy lợi, và đây không thể là yếu tố quyết định. Bên cạnh thủy lợi, trình độ, ý thức cộng đồng của người nuôi, hạ tầng giao thông, con giống, các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản… cũng rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Trong khi đó, hấp lực lợi nhuận từ con tôm đã khiến người nuôi hành xử thô bạo với thiên nhiên. Dịch bệnh liên tiếp là hệ quả tất yếu của việc nuôi tôm ồ ạt mà không quan tâm đến môi trường, cách phòng bệnh…
Trước sự “trở chứng” của con tôm, nhiều người dân đã tự mày mò thử nghiệm các phương thức sản xuất khác. Nhiều người thử nuôi ghẹ, cua hoặc rong sụn… trong ao tôm, nhưng mức độ thành công không cao. Còn những người trước đây chuyển ruộng lúa sang nuôi tôm, nay lại muốn chuyển đổi ao hồ nuôi tôm sang trồng một vụ lúa, nuôi một vụ tôm hoặc trồng lúa hoàn toàn. Điều này có phù hợp khi mà hầu hết các cánh đồng tôm đều nhiễm mặn và thiếu nước ngọt để tưới cho lúa? Theo các chuyên gia nông nghiệp, đất nuôi tôm đã nhiễm mặn, nên muốn chuyển từ hệ sinh thái mặn sang hệ sinh thái ngọt ít nhất cũng mất 3 năm! Bài học đắc giá của tỉnh Cà Mau, địa phương có diện tích thực hiện mô hình tôm – lúa lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long (50.000ha/kế hoạch) rất đáng được nghiền ngẫm. Năm 2004 là năm đầu tiên tỉnh này thực hiện vượt chỉ tiêu xuống giống lúa trên đất nuôi tôm, nhưng thật oái ăm, phần lớn lúa trồng ở vùng tôm bị thiệt hại, một số diện tích mất trắng.
Có một thực tế là chỉ trong thời gian ngắn, Phú Yên đã ồ ạt chuyển đổi, phát triển hàng trăm ha ao đìa nuôi tôm thẻ chân trắng. Ngoại trừ 30 ha được quy hoạch trên cát của Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures, còn lại đều tự phát nuôi xen lẫn trong các đồng tôm sú. Nhiều hộ đã nuôi thành công tôm thẻ, thu lãi cao. Song trước sự buông lỏng, thả nổi quản lý của địa phương, người dân “vô tư” nhập giống kém chất lượng, chưa được kiểm dịch từ các nơi khác để thả nuôi, xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Vụ tôm thẻ 2003 – 2004, toàn tỉnh đã có 6 hồ với diện tích trên 3 ha bị dịch bệnh, và vụ tôm năm 2005 cũng gần ngần ấy diện tích bị bệnh. Đa số hộ nuôi chưa nắm vững kỹ thuật, chưa được tham quan, học tập mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiện đại. Nếu Phú Yên không thực hiện quy hoạch, quản lý vùng nuôi, kiểm tra chất lượng giống, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh như tôm sú là khó tránh khỏi.
Nuôi ghép tôm – cá rô phi được xem là một trong những giải pháp mới nhằm cải thiện các vấn đề trong nuôi tôm và mang tính khả thi cao. Tại Phú Yên, từ cuối năm 2004, một số hộ ở Đông Tác (TP Tuy Hòa) đã nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm bằng hình thức đăng quầng. Tuy không có các nghiên cứu chính xác nhưng theo những người nuôi thì chất lượng nước trong các ao nuôi ghép tôm – cá rô phi được cải thiện đáng kể, tôm ít mắc bệnh đóng rong, vi khuẩn như trong các ao nuôi đơn tôm sú. Mặc dù vậy, các bệnh do vi rút như đốm trắng, đỏ thân vẫn xảy ra ở các ao nuôi ghép. Từ năm 2005, một số dự án và đề tài về nuôi ghép tôm – cá rô phi bắt đầu triển khai ở Phú Yên nhưng chưa có kết quả chính thức. Còn phải nghiên cứu về mật độ cá, tỉ lệ nuôi ghép, đối tượng nuôi và kỹ thuật chăm sóc, quản lý…
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc quản lý các vùng nuôi tôm ngày càng kém hiệu quả. Nuôi tôm trở thành nghề gặp rủi ro cao nhất trong lĩnh vực nông ngư nghiệp. Phú Yên đang thật sự cần lắm những mô hình sản xuất bền vững thích hợp cho từng địa bàn với các yếu tố hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh kèm theo…nhằm sớm khôi phục lại các cánh đồng tôm sú bị dịch bệnh.
LƯU PHONG
Bóng khơi -nghề có một không hai
Nguồn tin: SGGP, 11/1/2006
Ngày cập nhật: 12/1/2006
Ở hai thôn Phước Thiện và An Cường (xã Bình Hải huyện Bình Sơn Quảng Ngãi) - nơi diễn ra chiến thắng Vạn Tường ngày 18-8-1965, có nghề truyền thống đánh bắt cá mú. Đây là làng nghề có một không hai ở ven biển miền Trung, góp phần đem lại sự hồi sinh cho vùng đất anh hùng này.
Dân thôn An Cường nắm rõ đặc điểm của loài cá mú là thường chọn rạn san hô dưới lòng biển để sinh sản nên mỗi hộ ngư dân nơi đây đan từ 30 - 60 chiếc bóng bằng tre dài khoảng 2m, hình bầu dục, một phía có gắn nắp hom rồi dong thuyền ra cách bờ biển chừng 10 hải lý để thả bóng.
Để tránh tình trạng mất bóng do dòng hải lưu luân chuyển, ngư dân thường định vị bằng cách chọn hướng núi trong đất liền để thả và sau 5 - 7 ngày, bơi thuyền ra kéo bóng lên để bắt cá. Nghề bóng khơi đã gắn bó với nhiều thế hệ dân chài xã Bình Hải.
Nhất là những năm gần đây, khi cá mú có giá trên thương trường, hàng trăm hộ ngư dân thôn An Cường và Phước Thiện làm nghề lưới hai, câu mực đã chuyển sang nghề bóng khơi để đánh bắt cá mú. Giá cá mú đỏ hiện nay 120.000 đồng/kg, chỉ cần đánh được từ 3 đến 5 con là có thu nhập từ 500.000 đến 700.000 đồng. Đó là một số tiền lớn đối với dân chài vùng biển nghèo khó này.
Tuy vậy, khi thả trái bóng xuống biển phải mất từ 5 đến 7 ngày mới tiến hành thăm bóng, bắt cá nên ngư dân vùng biển này còn nghĩ cách cải tiến bóng tre thành những chiếc lồng hình chữ nhật để đánh bắt mực lá. Anh Đỗ Thanh Dũng, nhà sát mé biển nói: “Cái lồng tre đánh bắt mực hình chữ nhật dài khoảng 0,6m cũng có nắp hom. Khi đan xong lấy lá đủng đỉnh phủ lên rồi gắn trứng mực vào trong lồng. Con mực lá đang bơi đánh hơi thấy được là bơi vào đẻ mà không ra được”.
Nghề đánh mực bằng lồng tre và nghề bóng đánh bắt cá mú đã đem lại những đổi thay cho làng biển này. Những ngôi nhà tranh tre tạm bợ đã nhường chỗ cho những ngôi nhà ngói mới. Theo UBND xã Bình Hải, hiện nay, xã có 192 tàu thuyền với tổng công suất trên 4.750 CV, nhưng đa phần sống bằng nghề bóng đánh bắt cá mú và lồng tre để đánh bắt mực xuất khẩu. Nghề bóng khơi ở An Cường, Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn góp phần làm đa dạng nghề biển ở miền Trung.
VÕ QUÝ CẦU
Xuất khẩu thuỷ sản ĐBSCL năm 2006: Mở rộng vùng nguyên liệu sạch
Nguồn tin: LĐ, 11/01/2006
Ngày cập nhật: 11/1/2006
Gần 7 tỷ đồng xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương
Nguồn tin: TPO, 11/01/2006
Ngày cập nhật: 11/1/2006
Nghệ An: Người nuôi cua thắng lớn
Nguồn tin: TPO, 11/01/2006
Ngày cập nhật: 11/1/2006
Trước tình trạng bão lũ làm nhiều ao, đầm nuôi tôm cá của bà con mất trắng, UBND huyện Diễn Châu đã chỉ đạo chuyển sang nuôi cua. Không ngờ, nhiều gia đình đã thắng lớn.
Mặc cho cái lạnh thấu da thấu thịt, nhưng một số bà con vùng bãi ngang không giấu niềm vui sướng khi những đầm cua của họ được thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Kha thuộc xã Diễn Vạn tâm sự: “Sau cơn bão số 3 và số 4, diện tích nuôi tôm của anh xem như đã mất trắng. Anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư mua giống để thả xuống 1,2 ha ao, đầm nước lợ trên 6.000 con cua giống. Từ khi thả, thấy cua lớn rất nhanh mà lại không tốn công sức như nuôi tôm...”.
Vụ thu hoạch này vợ chồng anh đã có tiền lãi trên 300 triệu đồng. Anh Kha còn cho biết, không riêng gì vợ chồng anh được mùa cua, trong vùng bãi ngang còn có các xã Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Vạn, Diễn Thành, Diễn Kim... bà con cũng được mùa lớn.
Được biết, vụ thu hoạch này là cơ hội cho một số bà con lấy lại vốn, trả nợ nần sau hai lần mất trắng tôm, cá trong năm.
Ông Hoàng Minh Long - Chủ tịch UBND xã cho biết: Diễn Vạn, là vùng có diện tích nuôi cua lớn nhất của huyện Diễn Châu - Nghệ An. Năm nay sản lượng cua đạt bình quân khoảng 1,5 tấn/ha, tổng sản lượng toàn xã đạt khoảng 60 tấn và bán với giá 170.000 đồng/kg (thu khoảng hơn 10 tỷ đồng).
Đã giáp Tết mà xe ô tô vẫn nối đuôi nhau chạy vào đây mua cua chở đi nhộn nhịp. Được biết, số cua này mua xong, các tư thương lại xuất sang Trung Quốc để chế biến thành các món ăn đặc sản.
Sắp tới xã sẽ chuyển 12 ha ở cánh đồng sản xuất muối sang nuôi cua, toàn xã cố gắng mở diện tích nuôi cua trên 60 ha.
Không riêng gì xã Diễn Vạn, toàn huyện Diễn Châu mùa tới cũng sẽ đầu tư mở rộng diện tích nuôi cua cho bà con, dự kiến sẽ có trên 200 ha ao, hồ nuôi cua thâm canh.
Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Nghệ An sẽ là đơn vị triển khai phương án cung cấp giống cua tốt nhất cho bà con. đây là cơ hội tốt để bà con xóa đói giảm nghèo.
Phan Sáng
Sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trong năm 2005 giảm
Nguồn tin: WAG, 11/1/2006
Ngày cập nhật: 11/1/2006
Ươm thành công cá nước lạnh tại VN
Nguồn tin: Vasep, 10/1/2006
Ngày cập nhật: 11/1/2006
Tin từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết các nhà khoa học của viện đã ươm thành công hai giống cá nước lạnh là cá hồi và cá tầm.
Theo ông Lê Thanh Lựu, viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, thông qua dự án tài trợ của Phần Lan, viện đã nhập 5 vạn trứng cá hồi từ Phần Lan về ươm giống tại Trung tâm Nghiên cứu cá nước ngọt Lào Cai. Số trứng này sau đó đã nở được 3 vạn cá con và được nuôi thành cá thành phẩm có trọng lượng khoảng 1,5kg/con với giá bán 140.000 đồng/kg.
Đối với cá tầm, viện đã mua trứng cá tầm từ Nga về và cũng đã ươm giống thành công tại các trung tâm giống ở Hải Dương, Yên Bái, Lào Cai. Tuy nhiên, do thời gian nuôi cá tầm lâu nên dự kiến đến cuối năm nay mới có những mẻ cá tầm thành phẩm đầu tiên.
Trong thời gian tới, viện sẽ tiếp tục nhập thêm 11 vạn trứng cá hồi và 60 vạn trứng cá tầm để mở rộng phạm vi ươm giống và nuôi thử nghiệm tại Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng.
K.HƯNG
Cá tra, ba sa được giá
Nguồn tin: WAG, 11/1/2006
Ngày cập nhật: 11/1/2006
T.M
Vụ cá bè chết trên sông Tiền, sông Hậu: Cần chấn chỉnh lại nghề nuôi cá
Nguồn tin: TT, 10/01/2006
Ngày cập nhật: 10/1/2006
Vụ cá bè chết hàng loạt: Môi trường ô nhiễm cao hơn mọi năm!
Nguồn tin: TT, 10/01/2006
Ngày cập nhật: 10/1/2006
Tối 9-1, sau chuyến điều tra khảo sát tình hình cá bệnh tại ba tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp và An Giang, TS Lý Thị Thanh Loan - giám đốc Trung tâm Quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực Nam bộ (Viện Nghiên cứu nuôi thủy sản II) - cho biết cá chết một phần do điều kiện môi trường bất lợi.
Đó là lũ rút, nước từ nội đồng đổ ra (kết quả quan trắc đánh giá ô nhiễm tại các khu vực này cho thấy mức độ ô nhiễm cao hơn vào thời điểm quan trắc tháng 10-2005) và thời tiết lạnh cũng kéo dài hơn mọi năm, làm sức khỏe cá suy giảm, sức đề kháng giảm, đồng thời cũng do người nuôi thả cá với mật độ quá cao (cao gấp 2-3 lần cho phép) cá dễ bộc phát bệnh và chết.
Tuy nhiên, theo TS Loan, tình hình cá chết như vừa qua không lây lan trên diện rộng mà chỉ chết cục bộ trên một số ao hoặc bè trong khu vực khảo sát. Nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời, thiệt hại sẽ lớn hơn cho người nuôi.
* Liên quan đến tình trạng cá bè trên sông Tiền chết với số lượng lớn hơn bình thường trong thời gian gần đây, ngày 9-1, tiến sĩ Phạm Văn Khánh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản ĐBSCL - cho biết ông không quá ngạc nhiên, bởi đây chính là điều ông đã dự báo và cảnh báo từ trước.
Tiến sĩ Khánh cho biết thêm khoảng tháng 10-2005 trung tâm của ông có tổ chức khảo sát làng bè bắc cồn Tân Long (TP Mỹ Tho) và nhận thấy người dân thả bè với mật độ quá dày (hơn 300 bè) và vô số vèo, lồng san sát nhau. Mặt khác, người dân lại thả cá cũng quá dày, gấp rưỡi mức khuyến cáo với tâm lý để... trừ hao (?).
Tiến sĩ Khánh nhấn mạnh: “Nếu không chấn chỉnh ngay tình trạng nuôi cá bè ở đây, tôi cho rằng hậu quả đối với người nuôi cá sẽ rất lớn. Đó là chưa nói đến hậu quả về môi trường”.
TRẦN ĐỨC - VÂN TRƯỜNG
An Giang: Công ty Binca tiếp tục đầu tư mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn GAP
Nguồn tin: BCT, 9/1/2006
Ngày cập nhật: 9/1/2006
Theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), sau khi đầu tư nuôi thành công mô hình cá sinh thái, Công ty Binca (Cộng hòa liên bang Đức) tiếp tục đầu tư phát triển mô hình nuôi cá sạch đăng quầng và nuôi bè tại An Giang. Bước đầu mô hình sẽ được thí điểm trên một bè và một quầng, dự kiến tổng sản lượng khoảng 100 tấn khi mô hình thành công sẽ tiếp tục nhân rộng. Đây là mô hình cá sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP do Naturland chứng nhận và là mô hình cá sạch đầu tiên áp dụng trên nuôi bè tại An Giang. Dự kiến, công ty cũng sẽ hợp đồng mức lợi nhuận bình quân đối với người chăn nuôi tương đương với mô hình cá sinh thái là 2.000 - 2.500 đồng/kg. Mô hình này sẽ có khả năng nhân rộng vì chi phí đầu tư chỉ bằng 65% so với đầu tư nuôi cá sinh thái. Nếu việc nuôi cá sạch của Công ty Binca thành công sẽ góp phần khôi phục nghề nuôi cá bè tại An Giang.
BÌNH NGUYÊN
Huyện biển Thạnh Phú phát triển mạnh nghề nuôi tôm càng xanh
Nguồn tin: BCTho, 9/01/2006
Ngày cập nhật: 9/1/2006
Nhờ các công trình thủy lợi ngọt hóa, hiện nay huyện Thạnh Phú đang phát triển rất mạnh nghề nuôi tôm càng xanh, chủ yếu nuôi theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp và lúa - tôm. Từ nuôi với diện tích nhỏ lẻ, đến nay toàn huyện đã phát triển được hơn 700 ha.
Trong đó, nuôi chuyên canh khoảng 400 ha. Xã nuôi mạnh nhất là Mỹ Hưng, 450ha. Hầu hết các hộ nuôi đều lãi cao, vượt tiêu chí 50 triệu đồng/ha. Bình quân nuôi chuyên đạt 500kg/ha và nuôi xen lúa 300 kg/ha. Phong trào này đang tiếp tục nhân rộng, dự kiến trong năm 2006 sẽ phát triển lên hơn 1.000 ha.
Nguyễn Bảy
Châu Phú: Nuôi tôm càng xanh bội thu
Nguồn tin: WAG, 9/1/2005
Ngày cập nhật: 9/1/2006
Châu Phú hiện có trên 40 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh với tổng diện tích gần 130 ha, ước sản lượng 128 tấn (giá tôm xô hiện tại từ 80.000-85.000 đồng/kg), trừ mọi chi phí, bà con địa phương còn lời đến năm, bảy chục triệu đồng. Cá biệt, có một số hộ nuôi tôm lâu năm đã mở rộng thêm diện tích từ 1 ha lên 6 ha, sau thu hoạch đạt năng suất đến 2,3 tấn/ha, theo chiết tính mỗi ha cho lợi nhuận đến 90 triệu đồng – Đây là một con số khá hấp dẫn, ngày càng thu hút nhiều nông dân trên địa bàn huyện chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm. Cùng với nuôi tôm chính vụ (mô hình 1 lúa+tôm), nông dân Châu Phú còn tận dụng mùa nước nổi nuôi trái vụ (mô hình chuyên canh tôm), với diện tích 77,12 ha/2 vụ/năm, chủ yếu tập trung ở 2 xã Vĩnh Thạnh Trung và Bình Phú, được các ngành chuyên môn đánh giá cao vì mang lại lợi nhuận vượt trội. Tuy nhiên, khi sản xuất mô hình này bà con cần chú ý về lâu dài dịch bệnh dễ lây lan trên diện rộng, ô nhiễm môi trường nuôi.
Chị Huỳnh Thị Khắc Hạnh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến con tôm năm nay nuôi được thắng lợi là do hầu hết bà con đều biết chuyển sang nuôi thức ăn công nghiệp và do nước lũ rút chậm, giúp kéo dài thời gian nuôi, từ đó tăng kích cỡ và trọng lượng con tôm (cao hơn so năm 2004 là 15%). Một số hộ “có tiếng nuôi tôm thu lợi hàng trăm triệu đồng” ở Châu Phú như: Hộ của ông Nguyễn Văn Để nuôi trên diện tích 3,3 ha, vừa thu hoạch dứt điểm năng suất đạt 5 tấn; ông Nguyễn Văn Giàu nuôi trên diện tích 4 ha, đạt năng suất đến 9 tấn; anh Lê Công Danh ở ấp An Thạnh, xã Vĩnh Thạnh Trung, ngày trước vốn chuyên nghề đóng xuồng và làm ruộng mỗi năm 2 vụ lúa. Nhận thấy chú tám Giàu cùng xóm nuôi tôm “đã quá”, ước tính 1.000m2 lợi đến 3 triệu đồng, cao gấp 10 lần so trồng lúa nên chuyển đổi làm theo. Tháng 3-2005 (âm lịch), anh Danh bắt đầu thả 250.000 con Post trên 2,6 ha; đến khoảng tháng 6 mùa nước lên, bà con ngưng trồng lúa, anh mượn thêm 1,5 ha nữa để mở rộng diện tích nuôi, cho ăn thức ăn công nghiệp và óc bươu vàng, xử lý kỹ nguồn nước. Đến tháng 10 thu hoạch dần, tổng năng suất đạt trên 6 tấn, giá tôm bình quân 82.000 đồng/kg, trừ chi phí, vốn đầu tư, nhân công, còn lời 120 triệu đồng. Anh Danh nói: “Nếu tôi biết cách khai thác, cộng với kỹ thuật nuôi đúng thì tỷ lệ chắc chắn sẽ cao hơn. Ở Vĩnh Thạnh Trung này có trên 10 hộ nuôi tôm, vụ thu hoạch năm nay mọi người đều lời”. Năm 2006, Châu Phú quy hoạch mở rộng thêm vùng nuôi tôm 120 ha tại các xã: Vĩnh Thạnh Trung, Bình Phú, Thạnh Mỹ Tây. Đây là những nơi có nhiều điều kiện thuận lợi như gần nguồn nước, ít ảnh hưởng sóng gió, các hộ nuôi thuận lợi trong quản lý…
HỒNG TRANG
ĐBSCL: Cá tra, cá ba sa sạch hút hàng
Nguồn tin: SGGP, 9/1/2005
Ngày cập nhật: 9/1/2006
Đồng bằng sông Cửu Long: Cá chết do nuôi dày, nước ô nhiễm?
Nguồn tin: NLĐ, 9/1/2005
Ngày cập nhật: 9/1/2006
Đây là hiện tượng năm nào cũng xảy ra lúc thời tiết thất thường, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch cao
Hiện nay, hiện tượng cá nuôi bè, nuôi ao hầm ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chết vẫn tiếp tục diễn ra. Các cán bộ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản (NCNTTS) II đã có mặt ở những điểm nóng để tìm hiểu nguyên nhân.
Năm nào cá cũng chết
Ở khu vực xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, anh Nguyễn Văn Hào, một người nuôi cá tra xuất khẩu, cho biết: “Năm nào tới mùa này cá cũng chết chứ đâu phải mới năm nay. Tuy nhiên, năm nay cá chết nhiều hơn mọi năm nên người nuôi cá mới xót ruột lên tiếng”. Theo anh Hào, vào thời điểm này, cá chết là do thời tiết nóng lạnh thất thường, nhiệt độ giữa ngày và đêm có lúc chênh lệch nhau gần 10oC nên ảnh hưởng rất lớn đến sức đề kháng của cá và một khi sức đề kháng giảm thì cá dễ nhiễm bệnh. Hiện tượng phổ biến nhất là những con cá bị bệnh chết đều có nội tạng sưng tím.
Ngoài nguyên nhân thời tiết, nguồn nước bị ô nhiễm cũng là một tác nhân dẫn đến tình trạng cá nuôi trong bè, trong ao bị nhiễm bệnh, chết. Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết thêm một nguyên nhân làm mầm bệnh phát tán nhanh là những chủ bè, ao trên thượng nguồn khi phát hiện cá bị bệnh chết không xử lý triệt để (chôn lấp) mà ném xác cá thẳng xuống sông. Từ đó, mầm bệnh lan dần về phía hạ lưu làm lây nhiễm bệnh cho bè, ao nuôi cá khác. ông Trần Anh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, xác nhận: “Đây chỉ là hiện tượng bình thường do thời tiết, không phải bệnh dịch. Thời điểm này hàm lượng ôxy trong nước rất thấp, các chất hữu cơ trong nước cao trong khi sức đề kháng của cá yếu nên cá rất dễ bị bệnh chết”. Ở Tiền Giang, sau khi phối hợp với Viện NCNTTS II khảo sát tình hình cá chết trên sông Tiền thuộc khu vực TP Mỹ Tho, bà Ngô Kim Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (BVNLTS), cho biết: “Phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, mẫu nước của Viện NCNTTS II mới có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết”. Bà Hạnh nói rằng, hiện tượng cá chết mỗi ngày 5 - 10 con/bè là chuyện bình thường trong nuôi trồng thủy sản công nghiệp.
Phải ngăn nguồn lây bệnh
Những ngày qua, nhiều người nuôi cá đã tỏ ra rất hoang mang trước tình trạng cá chết ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những người chúng tôi tiếp xúc đều có chung nhận xét: Chủ bè (ao) có tập quán nuôi thả cá quá dày, không tuân thủ các khuyến cáo về kỹ thuật của ngành thủy sản nên cá dễ mắc bệnh. Theo anh Nguyễn Văn Hào, chỉ cần giảm mật độ nuôi thì tình trạng cá chết sẽ giảm 40% - 50%. Điều này được chứng minh: Những ao nuôi cá với mật độ dày đặc, cá chết nhiều gấp đôi những ao thả thưa. Ông Trần Anh Dũng khuyến cáo: Giảm mật độ nuôi cùng lúc với việc đưa bè ra nơi nước chảy (hoặc tăng thêm quạt nước đối với cá nuôi trong ao) để tạo thêm nguồn ôxy trong nước, kết hợp tăng cường các loại kháng sinh, vitamin C, các chất khoáng cần thiết để tăng sức đề kháng cho cá. Ông Dương Nghĩa Quốc cảnh báo: “Đã đến lúc các tỉnh nên liên kết với nhau để có các giải pháp đồng bộ trong nuôi thủy sản nhằm giảm đến mức thấp nhất tình trạng chủ bè, chủ ao ở thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp) xả chất thải, mầm bệnh xuống nguồn nước để cho các chủ bè ở hạ nguồn (Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre) lãnh đủ”. Còn theo bà Ngô Kim Hạnh, các chủ bè, chủ ao tuyệt đối không sử dụng cá chết bệnh làm thức ăn cho các loại thủy sản để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh trên diện rộng.
Hùng Anh
Xây dựng thương hiệu 4 sản phẩm thủy sản Việt Nam
Nguồn tin: SGGP, 8/1/2006
Ngày cập nhật: 8/1/2006
Xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thủy sản chủ lực gắn với truy suất nguồn gốc là một trong những mục tiêu quan trọng mà Bộ Thủy sản đã đặt ra cho chương trình xuất khẩu thủy sản từ nay đến năm 2010.
Theo Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, riêng trong năm nay, Bộ Thủy sản sẽ tổ chức nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho 4 loại thủy sản, gồm: tôm sú, cá tra, cá ba sa và cá ngừ đại dương Việt Nam.
Đồng thời, trong năm 2006, bộ sẽ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm về ghi nhãn mác, tiêu chuẩn, chất lượng... đối với các sản phẩm cá đông lạnh xuất khẩu, đặc biệt là hàng thủy sản xuất khẩu vào Mỹ và Canada, để tiếp tục nâng cao uy tín và chất lượng hàng thủy sản mang thương hiệu Việt Nam.
VĂN PHÚC
ĐBSCL: Cá không còn chết tràn lan
Nguồn tin: SGGP, 8/1/2006
Ngày cập nhật: 8/1/2006
Ngày 7- 1, thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp cho biết: “Những ngày qua, Sở NN-PTNT cùng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đã kiểm tra tình hình cá tra chết ở cù lao Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh. Kết quả cho thấy cá chết là do bị bệnh gan, thận có mủ… Xuất phát từ thời tiết quá lạnh, bà con thả nuôi mật độ dày, thiếu phòng ngừa, thiếu thông tin cho ngành chức năng biết…”.
Theo thống kê ban đầu, riêng cù lao Bình Thạnh có 75 - 100 tấn cá tra bệnh chết. Mấy ngày gần đây, nhờ điều trị quyết liệt cộng với nắng nhiều – thời tiết bớt lạnh, tình trạng cá chết ở Cần Thơ, Đồng Tháp… đã giảm đáng kể.
H Lợi – N. Phương
Kinh tế thủy sản - Những tín hiệu đáng lo
Nguồn tin: BKH, 7/1/2006
Ngày cập nhật: 8/1/2006
Rau câu Phú Quí
Nguồn tin: WBT, 8/1/2006
Ngày cập nhật: 8/1/2006
Đảo Phú Quí thật diệu kỳ, một hòn đảo nhỏ, nhưng rất trù phú. Bao bọc cù lao Thu là biển, ngoài việc khai thác hải sản đem lại nguồn lợi lớn, Phú Quí còn có một nguồn lợi khác đó là rau câu.
Mỗi buổi chiều, từ tháng giêng đến tháng bảy, tháng tám âm lịch, nước biển rút dần ra xa; những buổi sáng, từ tháng tám đến tháng chạp, nước biển cũng rút dần, mỗi tháng có hai tuần trăng để lấy rau. Khi nước cạn, những tảng đá ngầm, rạn đá ngầm lộ ra, là lúc những người phụ nữ, những cô gái gọi nhau, từng đoàn đi cào rau câu. Mỗi người một cái gùi đan bằng tre, một cái kính lặn, khi mang kính vào, ngụp xuống nước để quan sát rau, nước không vào mắt được. Dụng cụ để lấy rau là một miếng sắt mỏng vừa tay cầm, bẻ cong một đầu, đầu kia là cán, để cào rau bám trên mặt đá. Họ lom khom theo một thói quen nhấp nhô, bền bỉ, như bản chất cần cù chịu thương, chịu khó, có rất lâu đời, từ những ngày đảo mới khai sinh lập đất. Khi đàn ông đi biển xa thì những người phụ nữ biết tìm cái ăn cho cả gia đình từ những tảng đá, rạn đá ngầm này.
Rau câu (Graciria) là một loại thạch, tên khác là Quỳnh Chi, có rất nhiều ở vùng biển nước ta. Tùy theo hình dáng và nơi mọc mà gọi tên khác nhau như rau câu chân vịt (giống chân con vịt), rau câu Kỳ Lân, rau câu Đá. Rau câu có nhiều dạng, hình bán trụ, hình dẹp, có khi nhỏ như tơ, nhọn như kim và dài, bám trên đá san hô, chỗ rạn nứt. Ở đảo Phú Quí nhiều nhất là rau câu chân vịt và loại rau câu Đá, có hình dáng nhỏ dài và nhọn. Khi hái về, rửa sạch đất cát, lặt bỏ những vỏ ốc, sò còn bám vào rau, đem ngâm nước nhiều lần rửa sạch, phơi nắng cho khô để dùng.
Rau câu là thuốc chữa táo bón tốt nhất, tạo môi trường trong ruột hình thành sự cộng sinh để trực trùng phát triển, làm sự co bóp của ruột già nhẹ nhàng êm dịu, đều đặn, để tống chất bã ra ngoài dễ dàng. Rau câu là món ăn rất mát lại vừa bổ, nhất là cho người cao tuổi, khi nhu động ruột kém dần chức năng hoạt động gây táo bón. Những ngày tết, ăn uống nhiều dầu mỡ, dinh dưỡng thiếu chất xơ, ăn rau câu rất có lợi. Cách chế biến rất đơn giản, cho rau câu, đổ vừa nước vào soong nấu sôi cho tan ra, thả vào đó một ít lá me già hay lá non đều được, nấu sôi, gạn bỏ lá me, cho thêm đường vào, tắt lửa, để nguội, ta có một món ăn ngon gọi là xu xoa. Ngoài ra còn dùng làm mứt, kem…
Còn có một loại rau câu khác gọi là mơ (Sargassum), có màu nâu nhạt và có nhiều quả tròn nhỏ bằng hạt tiêu. Rau mơ dùng chữa bệnh bướu cổ, vì có nhiều I-ốt ở dạng hữu cơ, nấu nước uống hoặc hầm vớt thịt.
Lý Nam
Năm 2006 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sẽ đạt 2,8 tỷ USD
Nguồn tin: VNECONOMY, 6/01/2006
Ngày cập nhật: 7/1/2006
Năm 2006 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sẽ đạt 2,8 tỷ USD
Nguồn tin: VNECONOMY, 6/01/2006
Ngày cập nhật: 7/1/2006
Thông tin về tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Tiền và sông Hậu: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa cá chết do ô nhiễm nguồn nước
Nguồn tin: BCT, 6/1/2006
Ngày cập nhật: 7/1/2006
Ngày 5-1-2006, ông Trần Thanh Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, ở các huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ, đặc biệt là khu vực sông Hậu giáp tỉnh An Giang chưa xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông rạch, ao nuôi. Tuy nhiên, để đề phòng tình trạng này Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ kết hợp cùng Trạm Thủy sản các quận, huyện, yêu cầu các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ khẩn trương thực hiện các biện pháp: dãn khoảng cách bè nuôi cá, thu hoạch cá nuôi nhằm giảm mật độ cá trong ao, bè, lắp đặt máy quạt nước tăng cường ô-xy, pha trộn một số loại thuốc vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá, tạm ngưng lấy nước từ sông rạch vào ao để phòng ngừa dư lượng thuốc diệt ốc bươu vàng trong vụ lúa đông xuân làm ảnh hưởng đến cá... Các biện pháp này chỉ kết thúc khi các địa phương lân cận như An Giang, Tiền Giang không còn xảy ra tình trạng cá chết trên sông rạch, ao nuôi.
TP Cần Thơ hiện có 541 bè cá trên sông Hậu và trên 12.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với tổng sản lượng thu hoạch cả năm gần 109.000 tấn. So với năm 2004, diện tích này tăng gần 2.000 ha, sản lượng thu hoạch tăng gần 20.000 tấn.
* Trong những ngày qua, thông tin về tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Tiền và sông Hậu đã gây xôn xao dư luận và đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi cá tra, ba sa tại ĐBSCL. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA), cho biết: Hiệp hội đã tiến hành xác minh rõ không có tình trạng cá chết hàng loạt tại các vùng nuôi của An Giang. Hiện nay, một số nơi cá chết theo mùa và tỷ lệ chết từ 10-20% bằng với tỷ lệ hao hụt hàng năm. Sau khi cử cán bộ đến kiểm tra trực tiếp các vùng nuôi tại Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên), Châu Phú, Châu Đốc... đến chiều ngày 5-1-2006, ông Trần Anh Dũng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản An Giang khẳng định vùng nuôi tại An Giang vẫn rất an toàn. Hiện trạng cá chết một số nơi những ngày qua là chuyện xảy ra thường niên có tính chất mùa vụ rõ rệt. Chi cục đã kết hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II lắp đặt các hệ thống quan trắc môi trường tại các vùng nuôi cá trọng điểm của tỉnh để kịp thời cảnh báo khả năng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi hiện nay chưa ảnh hưởng đến nghề nuôi như những thông tin vừa qua.
H.VĂN - BÌNH NGUYÊN
Cá chết ở ĐBSCL: Giảm, nhưng còn phức tạp
Nguồn tin: TT, 7/01/2006
Ngày cập nhật: 7/1/2006
Chiều 6-1, ông Dương Nghĩa Quốc - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho biết tình hình cá chết ở khu vực xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đã giảm.
Kết quả xét nghiệm mẫu cá tra từ Đại học Cần Thơ cho thấy lượng lớn cá tra trong ao của bà Minh (chết mỗi ngày hàng ngàn con, Tuổi Trẻ 4-1) đã bị bệnh gan mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra.
Còn với kết quả xét nghiệm mẫu cá của người nuôi cá ở phường 6, thị xã Cao Lãnh gửi về Trường đại học Cần Thơ cho thấy có vi khuẩn gây bệnh gan mủ và bệnh xuất huyết phù mắt do vi khuẩn Aeromomas sobria gây ra. Diễn biến bệnh đang rất phức tạp, cần phải có thêm thông tin về mật độ nuôi, về điều kiện môi trường nước mới có hướng xử lý kịp thời và hạn chế tốn kém cho nông dân.
Ngày 6-1, giới chuyên môn cho biết nhóm thuốc kháng sinh Fluoroquinolone trị bệnh cho cá như báo nêu đã bị Bộ Thủy sản ra quyết định cấm sử dụng vào ngày 18-8-2005.
Theo thạc sĩ Từ Thanh Dung, cán bộ giảng dạy về bệnh học thủy sản Trường đại học Cần Thơ, mặc dù đến nay Bộ Thủy sản chưa công bố loại thuốc kháng sinh thay thế nhưng theo kết quả nghiên cứu của Trường đại học Cần Thơ thì vẫn có thể sử dụng thuốc Florfenicol hoặc Doxycyline (thuốc nằm trong danh mục thuốc và hóa chất hạn chế sử dụng).
Dù hai loại thuốc này có kết quả điều trị hơi chậm và đắt tiền so với thuốc Enrofloxacin nhưng khi sử dụng sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm và đảm bảo chất lượng cá xuất khẩu.
TRẦN ĐỨC
Khi thịt ếch trở thành đặc sản
Nguồn tin: WBT, 4/1/2006
Ngày cập nhật: 7/1/2006
Là một phường của thành phố, nhưng Phú Tài cũng có những vùng ruộng, ao hồ nước đọng. Tiếng ếch kêu uôm uôm vào mùa mưa đã trở thành một âm thanh không thể thiếu ở vùng này. Mùa mưa, người ta thi nhau soi đèn bắt ếch. Tiếng ếch vắng dần trong những mùa mưa sau này đã tạo cho cha con anh Nguyễn Văn Hậu- khu phố 2 nghĩ đến chuyện nuôi ếch. Bởi anh nhận thấy nhu cầu về thịt ếch khá cao, nhất là tại các nhà hàng, khách sạn nhưng ngoài tự nhiên, ếch đang cạn kiệt dần. Sẵn có chuồng nuôi ba ba trước đây, anh Hậu quyết định đầu tư vào nuôi ếch. May mắn của anh là trước đây làm nhân viên của khách sạn Đồi Dương, một lần anh tình cờ phục vụ món ếch cho một ông chủ trại nuôi ếch của thành phố Hồ Chí Minh. Thế là ý tưởng của anh đã được ông chủ này hoàn thiện từ việc hướng dẫn phương pháp chăm sóc, cung cấp giống ếch Thái Lan, vốn là một giống ếch dễ nuôi, đang thu hút nông dân vùng ven Sài Gòn và miền Tây đặt hàng. Lứa ếch đầu tiên với 6.000 con ếch thịt được anh Hậu nuôi thử nghiệm đã giúp anh thu lời hàng chục triệu đồng chỉ sau 3 tháng. Đầu đã xuôi, anh Hậu quyết định đầu tư nuôi ếch đẻ để cung cấp giống. Bởi vì thấy mô hình là lạ của anh, nhiều người ở Phong Nẫm, Hàm Hiệp, Phú Tài đã tìm đến học tập.
Hiện nay, anh Hậu có gần 1.000m2 diện tích làm ao và chuồng nuôi ếch với trên 4.000 con ếch thịt đang nuôi chờ tết và gần 1.000 con ếch đẻ. Ếch vốn dễ nuôi, ít bệnh tật so với những vật nuôi khác. Thức ăn của ếch là cám thực phẩm và ăn thêm của đồng. Thức ăn cần bỏ sẵn vào máng để ếch có thể ăn bất kỳ lúc nào nhưng không nên cho ếch ăn những thức ăn ôi thiu.
Không nên để nước ao nuôi quá bẩn dễ gây bệnh cho ếch. Cũng không nên sử dụng một hồ để nuôi số lượng ếch lớn mà nên chia thành nhiều ao hoặc lồng nhỏ. Cần theo dõi sự phát triển thường xuyên của ếch để cách ly những con ếch lớn và ếch nhỏ, để không xảy ra tình trạng con lớn ăn thịt con bé, vì chúng phát triển không đồng đều.
Cái lợi của của việc nuôi ếch, nhất là ếch giống là chúng đẻ rất nhanh và một con đẻ hàng trăm trứng trong một lần. Mỗi con ếch mẹ, khi cho một lứa trứng là giúp chủ nuôi thu lời cả trăm lần. Hiện nay, giá mỗi con ếch con được bán 1.500 đồng. Nếu nuôi thịt thì sau 3 tháng, ếch có thể đạt trọng lượng 2,5-4lạng/con. Đầu ra không phải lo vì luôn có các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh đặt sẵn với giá 45.000 đồng/kg. Mỗi con ếch thịt chỉ tốn khoảng 2-2,5 kg thức ăn trong một chu trình nuôi. Riêng ếch đẻ thì thời gian nuôi dài hơn, khoảng 6 tháng mới đẻ lứa đầu. Ếch bố và ếch mẹ được nuôi chung với nhau theo tỷ lệ 1:1. Chu trình đẻ tự nhiên của ếch thường từ 2-3 tháng. Khi ếch đẻ xong phải nhanh chóng chuyển ếch mẹ, ếch bố sang hồ khác để tránh ếch ăn lại trứng của mình.
Bây giờ, ngoài chăm sóc trại ếch của mình, anh Hậu còn có thêm nhiệm vụ truyền lại kỹ năng nuôi, chăm sóc loài vật của tự nhiên này cho những người nông dân đến học tập kinh nghiệm, đặt vấn đề mua con giống. Không còn cái cảm giác lo lắng của người duy nhất dám tiên phong mô hình mới này, cha con anh Hậu đã có được sự ủng hộ của nhiều người do bị thuyết phục trước lợi nhuận do đàn ếch mang lại. Cũng đã có một số khách hàng tận Ninh Thuận tìm vào trại ếch của anh Hậu đặt hàng với số lượng 5.000 - 6.000 con ếch giống mỗi lần.
Từ mô hình chăn nuôi mới mẻ này, trong tập đoàn con nuôi của tỉnh có thêm một con nuôi mới cho lợi nhuận thuyết phục. Trong thực đơn của các nhà hàng hiện nay, có thêm món thịt ếch. Một hướng kinh tế nữa mở ra cho người chăn nuôi bởi nuôi ếch không phức tạp, không tốn kém, chỉ cần tận dụng vườn tạp, đất thừa cộng với tính tỉ mỉ, siêng năng.
MINH HẰNG
Hộ nuôi cá tra, ba sa lỗ khoảng 200 tỷ đồng
Nguồn tin: WAG, 6/1/2006
Ngày cập nhật: 7/1/2006
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.