• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phê duyệt chiến lược xây dựng thương hiệu cho tôm xuất khẩu

Nguồn tin: VNeconomy, 9/02/2006
Ngày cập nhật: 9/2/2006

 


An Giang: Khắc phục tình trạng con giống cá tra suy giảm trầm trọng

Nguồn tin: WAG, 8/2/2006
Ngày cập nhật: 9/2/2006

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, ba sa là thế mạnh khu vực ĐBSCL, trong đó con giống là khâu quan trọng để nghề nuôi cá tra có hiệu quả và phát triển bền vững, nhưng những năm 2001 đến 2005 tình trạng chất lượng con giống giảm sút trầm trọng. Các nhà khoa học đang đưa ra nhiều giải pháp hướng dẫn các cơ sở, trang trại sản xuất nhân tạo con giống cá tra nhằm nâng cao chất lượng con giống đáp ứng cho qui trình nuôi và chế biến sạch theo tiêu chuẩn SQF 1000MC trong tiến trình hội nhập.

Quá trình sản xuất con giống cá tra.

Từ năm 1997 các nhà khoa học bộ môn thủy sản đã thực hiện thành công đề tài khoa học sinh sản nhân tạo con giống cá tra với quy trình sản xuất đơn giản và hiệu quả, với việc ương cá tra bột 24 giờ tuổi, tỉ lệ sống của con giống từ 30 đến 70%, mở ra cho nghề nuôi chế biến xuất khẩu cá tra ĐBSCL một bước ngoặc mới. Hiện nay ở An Giang, Đồng Tháp…có gần 90 cơ sở sản xuất cá tra giống sẵn sàng cung ứng đủ số lượng cá bột, cá giống cho yêu cầu phát triển chăn nuổi của xã hội.

Do giá cá tra bột và con giống cá tra sụt giảm nghiêm trọng: năm 1998 giá cá tra bột 24 giờ tuổi từ 50-70 đồng/con, người mua phải đăng ký trước hoặc phải đấu giá mới có được, những năm gần đây chỉ còn 1-3 đồng/con, chất lượng con giống cũng giảm theo. Những năm 1998 - 2000 tỉ lệ ương cá tra bột lên cá giống đạt tỉ lệ sống từ 30-70. Đáng lẽ với những kinh nghiệm ương tích lũy qua nhiều năm cùng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất thì tỉ lệ sống trong khâu ương giống phải tăng lên nhiều lần, nhưng thực tế hiện nay An Giang và Đồng Tháp chỉ có một số ít hộ ương cá tra giống đạt tỷ lệ sống từ 10 - 25%, nhưng có nhiều đợt mất trắng, chỉ còn 1 - 2%, hầu hết các cơ sở ương con giống khác đạt tỷ lệ sống “cực thấp”. Đó là chưa kể trong quá trình ương nuôi sản xuất con giống phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị bệnh hơn.

Nguyên nhân chất lượng con giống cá tra giảm

Cá bố mẹ được nuôi và chăm sóc tốt thì chất lượng con giống thế hệ sau mới cao. Do giá con giống qúa thấp nên ở các cơ sở sản xuất giống cho cá bố mẹ ăn cầm chừng, thậm chí cắt mồi không cho ăn một thời gian dài. Với giá bán con giống cá tra hiện nay trên thị trường chỉ còn 1 - 3 đồng/con. Với giá này người sản xuất chỉ đủ tiền mà thuốc kích dục tố, tiền thuê nhân công, điện nước…Vì vậy càng đầu tư nuôi vỗ cá bố mẹ nhiều thì cơ sở càng lổ nhiều.

Tóm lại: Giá bán con giống giảm → không nuôi vỗ cá bố mẹ → chất lượng con giống không tốt.

Cùng với tình trạng cận huyết trong di truyền làm giảm sức sống và giảm tỷ lệ chóng chịu môi trường bệnh tật của cá thế hệ sau…Trong sinh sản nhân tạo cá tra giống ở các cơ sở do vô tình hoặc sự hạn chế của đàn cá bố mẹ đã tạo tỷ lệ cận huyết của một quần đàn rất thường xảy ra, làm cho tỷ lệ sống cá nuôi đạt thấp. Hiện nay, tỷ lệ cá nuôi hao hụt 34 - 36%, trong quá trình nuôi cá nhiều bệnh tật, trong đó có nhiều yếu tố nhưng yếu tố con giống đóng vai trò rất quan trọng. Từ đó cho thấy di truyền chọn giống đóng một vai trò rất quan trọng để nâng cao chất lượng vật nuôi ở thế hệ sau. Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản của tỉnh có cơ sở chính tại phường Mỹ Thới TP.Long Xuyên tỉnh An Giang, đã thực hiện tốt công tác tuyển chọn giống cá bố mẹ theo khoa học nên chất lượng con giống của trại đã được “khẳng định” tốt, tính theo phương pháp thống kê tỷ lệ cá tốt 96,5% độ tin cậy trên 95% và tất nhiên là giá bán cao hơn các trại khác từ 15 - 30%. Trại đã trở thành một trong những cơ sở sản xuất cá tra bột “uy tín” hàng đầu ở ĐBSCL.

Giải pháp khắc phục

Vấn đề cấp bách hiện nay là hỗ trợ những giải pháp mang tính khoa học giúp cho cơ sở sản xuất giống cá tra nâng cao chất lượng con giống cung ứng cho người nuôi hiệu quả. Đã qua rồi cái thời chỉ cần vài trăm m2 diện tích với vài mươi bồn chứa cá bố mẹ, một hệ thống cấp, lọc nước, ấp trứng đơn giản… một trại sản xuất cá giống có thể cung cấp cho thị trường từ vài chục triệu đến một trăm triệu cá tra bột, thu về vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng/mùa sinh sản. Trong thời đại kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay thì năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm… là vấn đề sống còn của đơn vị sản xuất. Trên cơ sở khoa học về cận huyết trong di truyền chọn giống cách đơn giản nhất là tăng số lượng cá bố mẹ trong quần đàn, giải pháp thứ hai là trao đổi giống giữa các trại (đa dạng hóa nguồn gen di truyền) và giải pháp thứ ba là sử dụng tinh trùng cá đực tốt trao đổi giữa các trại hay các Trung tâm giống thủy sản…

Ngoài ra, nên tuyển chọn nghiêm ngặt lại đàn cá hiện có, loại các con cá sinh sản không tốt có nguy cơ đồng huyết và nuôi vỗ cá bố mẹ. Bên cạnh đó các trang trại nuôi cá cần mở rộng quy mô trại theo qui trình khép kín hoàn chỉnh từ sinh sản nhân tạo, ương cá giống, nuôi cá thương phẩm, để lấy ngắn nuôi dài, để giới thiệu chứng minh “thương hiệu” sản phẩm chất lượng tốt của mình.

Trại giống thủy sản của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhân tạo con giống thủy sản tỉnh An Giang với ưu thế về cơ sở vật chất và lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi chuyên môn và sáng tạo, đã thực hiện tốt công tác chọn giống trong di truyền, đặc biệt là trại của Trung tâm đang còn lưu đàn cá bố mẹ có nguồn gốc hoang dã. Đây là nguồn vốn quý để trại thực hiện công tác đa dạng hóa nguồn gen trong di truyền. Các nhà ương con giống cá tra (trại ương cá bột lên con giống) nên chọn những cơ sở sản xuất giống đảm bảo về chất lượng, đừng so đo về giá, bởi vì giá mua cá bột có tăng thêm 5 đồng/con mà tỷ lệ sống trong khâu ương tăng 5% thì cơ sở ương giống đã lãi trong sản xuất, hơn nữa cá giống chất lượng tốt thì uy tín, thương hiệu sẽ tăng theo, ngoài ra còn có những lợi ích khác cho người nuôi cá thương phẩm ( tỷ lệ cá sống cao, giảm đi tỷ lệ hao hụt trong qúa trình nuôi) và xã hội…

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất giống thủy sản tỉnh ngoài trại chính ở phường Mỹ Thạnh 10 ha lúc mới thành lập năm 1999, do nhu cầu con giống chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển ngành chăn nuôi thủy sản khu vực ĐBSCL, từng bươc Trung tâm mở rộng thêm trại Bình Thạnh ở huyện Châu Thành 9 ha và trại Tân Hòa ở Tân Trung huyện Phú Tân 5 ha. Hiện năng lực sản xuất và cung ứng cho người nuôi của Trung tâm mỗi năm 225 triệu con giống cá tra chất lượng tốt để thực hiện qui trình nuôi cá tra sạch theo tiêu chuẩn SQF 100CM./.

Tố Quyên


Ánh xuân ngọc trai Cồn Tiên (Bến Tre)

Nguồn tin: ND, 7/2/2006
Ngày cập nhật: 9/2/2006

Xuân này về Bến Tre, tôi đến Phú Khương rồi ra Cồn Tiên, xã Tiên Long. Du xuân là việc dạo chơi trại nuôi ngọc trai của công ty Bối Ngọc. Ở Bến Tre đã có người nuôi ngọc trai thử nghiệm. Nhưng đây là lần đầu có một cơ sở nuôi trai rộng 45.000m2 ở đầu Cù Lao Bảo với hơn 200.000 con trai đã được cấy miệng tạo ngọc, do chị Nguyễn Thị Thu Cúc làm giám đốc.

Nói đến thủy sản Bến Tre, ai cũng kể về tôm sú, tôm càng xanh, cua biển, nghêu, ốc gạo... nhưng nay, ở xứ dừa này lại còn có cả ngọc trai, một mặt hàng thủy sản cao cấp hay đúng hơn một mặt hàng đá quý đang phát triển: Ngọc trai hay còn gọi là trân châu.

Cơ sở nuôi ngọc trai Bối Ngọc được bắt đầu từ những người ham thích làm văn và yêu mến cái đẹp. Nhưng phải phát triển ngành nghề sao đây, chứ không chỉ vẫn theo đường mòn từ xa xưa với những bờ dừa trồng xen sầu riêng, măng cụt, bòn xon, xoài cát, quýt, cam, chôm chôm... hay cây kiểng, hoa ghép các loại. Quê ở Vĩnh Long, Thu Cúc có chồng về Thuận Ðiền, Mỏ Cày, vẫn là dân miệt vườn. Là một cán bộ kiến trúc trung cấp hành nghề suốt 18 năm trời, cũng đã có đồng vô đồng ra, nhưng cuộc đời kế tiếp sao đây, chả lẽ lại cứ dẫm chân tại chỗ?

Từ sự đổi mới tư duy ấy, một tài liệu về nuôi cấy ngọc trai vụt đến với chị. Chị hỏi thăm, tìm hiểu và được sự giới thiệu của bạn bè, đã ra miền Bắc, đến tận Quảng Ninh mua 6.000 con trai đem về nuôi trên diện tích 5.000 m2. Mọi việc bắt đầu, nhưng không suôn sẻ chút nào. Trai Quảng Ninh nuôi ở nước biển, còn nuôi ở Cồn Tiên, xa nơi tiếp giáp nước mặn của sông Hàm Luông trai nuôi trong lồng, trong rọ nên bị hà đeo bám, chết nhiều. Thua keo này bày keo khác. Chị lại đi tìm hiểu việc nuôi trai ở vài nơi khác rồi về cải tiến công việc tại cơ sở Cồn Tiên, thả trong nước ngọt, trên đất cát pha ở bãi bồi ven sông với lớp bùn không dày quá 20 cm. Ðúng là có chí thì nên, bước đầu chị đã thành đạt.

Theo chị Thu Cúc: Nuôi trai ở nước ngọt cũng không khó lắm. Thả tự nhiên, trai ăn tảo và các vi sinh trong nước, không tốn tiền thức ăn, nhưng cơ sở nuôi phải chuẩn bị tốt, nước phải thật sạch. Nuôi trai nguyên liệu thì nước phải sâu hơn 1 m, còn trai nuôi để cấy ngọc thì nước phải sâu hơn 2 m. Nuôi trai ở Cồn Tiên này tỷ lệ sống rất cao, hơn 80% nhưng khi cấy tạo ngọc thì đạt tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 10%, chỉ được một điều là hạt ngọc rất cứng, có độ dày đạt yêu cầu, không như hạt trai ở một số nước rất dễ vỡ. Nhờ chất lượng cao ở độ cứng và vỏ dày nên ngọc trai Cồn Tiên rất được khách hàng ưa chuộng. Với quy trình nuôi thích hợp và cấy miểng (vỏ) vào bên trong thân ngọc trai nên ngọc hình thành và phát triển đúng quy cách.

Chị Thu Cúc tâm sự: "Ở đây tôi nuôi ngọc trai cấy ngọc hơn 24 tháng mới lấy ngọc ra nên viên ngọc có chất lượng cao, đúng tiêu chuẩn quốc tế và có giá. Viên ngọc nhỏ nhất đường kính 5 mm giá 22 đô-la, còn viên lớn nhất, đường kính 13 mm thì trên 1.000 đô-la. Công ty Bối Ngọc hiện đã làm ra 23 sản phẩm trang sức từ ngọc trai với các mầu ngọc trắng, hồng đậm, hồng nhạt, xanh lam". Tôi đến quầy hàng trang sức ngọc trai của chị. Mọi thứ đều được tạo tác công phu, được bày trong các tủ kính sang trọng. Theo chị, qua tìm hiểu khách hàng và thị trường, thì khách hàng Mỹ rất thích ngọc trai Bối Ngọc. Nhiều người đã đăng ký mua qua mạng internet. Mới đây, Bối Ngọc có tham gia Techmart Vietnam 2005 ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm khách hàng ở Singapore, Australia, đã đến tìm hiểu và ký hợp đồng mua sản phẩm ngọc trai của công ty. Công ty hiện đang chuẩn bị sản phẩm để tham dự Hội chợ thương hiệu hàng Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và cung cấp cho một vài đại lý ở Australia, Singapore. Ngọc trai của Bối Ngọc bán ra mỗi viên đều có giấy giám định đá quý của Trung tâm nghiên cứu địa chất đá quý thuộc Tổng hội địa chất Việt Nam cấp. Công ty Bối Ngọc còn đăng ký nhãn hiệu mang tên CBN, BOINGOC Co.,Ltd PEARLIGHT do Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận bản quyền nhãn hiệu hàng hóa của mình.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng nhất là khách hàng quốc tế, do tỷ lệ tạo ngọc trong ngọc trai nuôi ở Cồn Tiên thấp, Công ty Bối Ngọc đang triển khai kế hoạch bán ngọc trai con nặng 200g cho nông dân ở địa phương và nơi khác để nuôi trai nguyên liệu với giá 1.000 đồng/con. Sau 12 tháng Công ty sẽ thu mua từ 4.000 - 5.000 đồng/con để về cấy ngọc nuôi tiếp nhằm nhân lên số lượng ngọc thu hoạch theo nhu cầu tạo tác ngọc trai trang sức đang ngày càng cao của khách hàng. Rõ ràng quyết chí làm ăn, yêu nghề và gắn bó với nghề, hành nghề đúng quy cách, có kế hoạch, luôn luôn nâng cao chất lượng và biết tìm hiểu khách hàng thì chắc chắn ánh xuân ngọc trai Bối Ngọc ở Cồn Tiên sẽ ngày càng tỏa sáng hơn nữa.

HUỲNH HÙNG LÝ

 


Quảng Ngãi: Một ngư dân trúng mẻ lưới trên 70 triệu đồng

Nguồn tin: TN, 8/02/2006
Ngày cập nhật: 9/2/2006

Ngày 8.2, UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: chỉ sau một đêm trong chuyến đi biển đầu năm Bính Tuất 2006 trên vùng biển huyện đảo Lý Sơn, ngư dân Phan Qua (ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) đã trúng một mẻ lưới cá nục, cá bạc má, cá ngân trị giá trên 70 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 40 năm làm nghề biển của mình, ông Qua trúng một mẻ lưới lớn như vậy.

Điều hiếm thấy khác nữa là trong 10 ngày đầu tháng 2 này, hơn 300 chiếc thuyền thúng của ngư dân huyện đảo Lý Sơn cũng đã trúng mùa mực ống, mực nang. Mỗi chiếc thúng câu, sau một đêm có thể câu từ 40 đến 50 kg mực, trị giá gần 3 triệu đồng.

* Tại huyện Tuy An (Phú Yên), từ trước Tết Bính Tuất đến nay, hàng ngàn ngư dân trong huyện có thêm nguồn thu nhập cao từ việc đánh bắt tôm hùm giống; bình quân một thuyền có thể bắt gần 100 con tôm hùm giống mỗi đêm; giá bán khoảng 165.000 đồng/con.

Thái Anh - Hùng Phiên

 


Trà Vinh: Rà soát lại quy hoạch để đầu tư nuôi trồng thủy sản hợp lý

Nguồn tin: BCT, 8/2/2006
Ngày cập nhật: 9/2/2006

Theo kế hoạch, năm 2006, Trà Vinh sẽ tập trung mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến 55.400 ha mặt nước, tăng hơn 6.800 ha so năm 2005; đưa tổng sản lượng thủy sản đạt 155.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm đạt 31.000 tấn, tăng hơn 2.000 tấn so với năm 2005. Trà Vinh cũng đã có kế hoạch và kiến nghị Bộ Thủy sản đầu tư cho tỉnh xây dựng cơ bản hơn 10 dự án về hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.

PHÚC SƠN


Đầu tư 10 tỉ đồng phát triển thủy sản Trà Vinh

Nguồn tin: NLĐ, 7/2/2006
Ngày cập nhật: 8/2/2006

Trong chuyến làm việc tại 6 tỉnh ĐBSCL là: Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp, sáng 7-2, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.

Sau khi nghe báo cáo tình hình phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và việc thực hiện các dự án phát triển ngành thủy sản đến năm 2010. Ông cho biết Bộ Thủy sản sẽ đầu tư 10 tỉ đồng để phát triển thủy sản Trà Vinh trong năm 2006.

X. Thạnh

 


Cá da trơn đã có đơn đặt hàng đến hết quý 1

Nguồn tin: TTXVN, 7/02/2006
Ngày cập nhật: 8/2/2006

 


Con tôm càng xanh qua 5 năm hiện diện ở An Giang

Nguồn tin: WAG, 87/2/2006
Ngày cập nhật: 8/2/2006

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi nhằm đa dạng hoá trong sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện để bà con nông dân tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Năm 2000, từ mô hình nuôi tôm càng xanh thí điểm vài ha được tỉnh ta tổng kết nhân rộng, đến nay diện tích nuôi tôm càng xanh tăng lên gần 600 ha, đưa giá trị sản xuất một ha đất trồng lúa từ 20 triệu đồng/ năm tăng lên 100 triệu đồng năm. Trong đó mô hình trồng 1 vụ lúa và 1 vụ nuôi tôm mùa nước nổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã mở ra hướng chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp vùng lũ hiện nay của tỉnh An Giang.

Người đầu tiên đưa con tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa thời ấy đó là ông Trần Văn Săn, ngụ ở ấp Phú Tây xã Phú Hoà, nay là xã Phú Thuận huyện Thoại Sơn. Học hỏi, tham quan nhiều nơi nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa thành công, ông Trần Văn Săn đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng. Với diện tích 3,5 ha, ông phải tìm mua giống tôm đặt chà từ các nơi về thả nuôi, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong mùa nước nổi như cua, ốc, cá tạp xây nhuyễn cho tôm ăn và chúng phát triển tốt. Và những khó khăn vất vả buổi đầu của mô hình nuôi tôm mùa nước nổi đã đáp lại sự thành công đó là vụ nuôi tôm năm 2.000 ông Trần Văn Săn đã thu lợi nhuận trên 160 triệu đồng, bình quân 1 ha đạt từ 600 đến 700 ký tôm thương phẩm. Hiện nay, từ 3, 5 ha nuôi tôm đầu tiên của ông Trần Văn Săn đạt hiệu qủa mỗi năm ông tích luỹ dần nay đã phát triển lên 12 ha. Mô hình trồng 1 vụ lúa đông xuân và nuôi 1 vụ tôm mùa nước nổi đang được đông đảo bà con nông dân trong vùng hưởng ứng. Nhiều bà con nông dân còn dám đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi tôm, không ngần ngại giảm bớt 1 vụ lúa để nuôi tôm, không những góp phần tăng thu nhập cho kinh tế gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Từ những kết quả trên Ngành nông nghiệp phối hợp cùng với xã vận động các hộ nông dân có đất có vốn mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi và đã có 40 hộ đăng ký nuôi trên 90 ha, và từ đó con tôm càng xanh bắt đầu hiện diện trên vùng đất xã Phú Thuận với mô hình chính là 1 vụ lúa và 1 vụ nuôi tôm cho đến nay. Bây giờ, nhắc lại quá trình hình thành của con tôm càng xanh trên ruộng lúa, các đồng chí lãnh đạo xã Phú Thuận vẫn không quên thời gian đầu đưa mô hình chuyển dịch đầy khó khăn thử thách.

Ngay năm đầu chuyển đổi mô hình nuôi tôm càng xanh, Sở nông nghiệp & PTNT lúc bấy giờ do anh Vương Bình Thạnh làm giám đốc phải tổ chức đoàn đi tham khảo mô hình nuôi tôm tận Thái Lan, học tập rút kinh nghiệm về tổ chức phát động ở tỉnh nhà. Buổi đầu khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều người cho rằng Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo mô hình không thực tế, bởi từ trước đến nay có ai nuôi được đối tượng tôm càng xanh loài “ăn dơ ở sạch” này. Rồi phong trào nuôi tôm phát triển trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu giống để cung ứng cho người nuôi, Ngành nông nghiệp tỉnh phải đặt tôm giống ở Hải Phòng, Thái Lan, và đặt nền móng cho việc nuôi dưỡng, sản xuất giống tôm nhân tạo tại Trung tâm giống thuỷ sản tỉnh. Thất bại buổi đầu là do giống các nơi cung cấp kém chất lượng, bà con nông dân chưa biết kỹ thuật nuôi dưỡng tôm giống nhân tạo, nhưng thành công thì lớn hơn là mô hình nuôi tôm vẫn tiếp tục phát triển tăng dần theo từng năm, đến nay mô hình nuôi tôm càng xanh đang trở thành mô hình đưa giá trị đất sản xuất nông nghiệp tăng từ 4 đến 5 lần so với canh tác 2 vụ lúa.

Hiện nay xã Phú Thuận huyện Thoại Sơn đã quy hoạch phát triển mô hình nuôi tôm, trước mắt là đầu tư hàng tỷ đồng để nạo vét các công trình thuỷ lợi và sau đó sẽ đầu tư đường giao thông kéo điện phục vụ sản xuất, đưa diện tích nuôi tôm năm 2.005 từ 380 ha tăng lên 470 ha vào năm nay. Nuôi tôm càng xanh tuy mới phát triển 5 năm trở lại đây, những thăng trầm thời kỳ đầu đã khép lại và mở ra nhiều hứa hẹn cho mô hình sản xuất mới đó là 1 vụ lúa và 1 vụ nuôi tôm và mô hình nuôi tôm đăng quầng ở tỉnh ta. Công nghệ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật mới cũng được Ngành thuỷ sản tỉnh đầu tư mở rộng theo hướng chuyên nghiệp hơn nhất là công nghệ sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm. Một điều khẳng định rằng cho đến nay chưa có mô hình nào có thể đưa giá trị đất trồng lúa tăng bằng mô hình nuôi tôm càng xanh hiện nay.

Theo Sở nông nghiệp & PTNT cho biết với 900 ha nuôi tôm năm nay ước sản lượng khoảng 1.000 tấn và đến năm 2.010 diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là khoảng 3.000 ha, sản lượng khoảng 4.000 tấn chưa phải là số lượng lớn so với tiềm năng suất khẩu của tỉnh. Do vậy, nếu nuôi tôm càng xanh bà con nông dân tập hợp thành tổ nhóm, được đào tạo kỹ thuật tốt, nuôi theo quy hoạch của tỉnh, hy vọng đây sẽ là mô hình có nhiều triển vọng đưa thu nhập cho bà con nông dân tiếp tục tăng cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Trung Liêm

 


Cà Mau: người nuôi cá lóc lỗ nặng

Nguồn tin: Tuổi trẻ, 7/2/2006
Ngày cập nhật: 8/2/2006

Những ngày qua giá cá lóc tại Cà Mau giảm từ 35.000 – 40.000 đ/kg (cá loại trên 0,5 kg/con) xuống còn 20.000 – 25.000 đ/kg. Với mức giá này người nuôi cá lóc ở Cà Mau lỗ khoảng 20% trên vốn đầu tư.

Các thương lái cho biết giá cá đồng giảm là do sau Tết một lượng lớn hàng thuỷ sản được các doanh nghiệp tung ra thị trường, trong khi nhiều vùng nước ngọt Cà Mau nông dân đang vào mùa thu hoạch rộ cá đồng.

Như Ý

 


Phú Yên: Tôm hùm giống xuất hiện nhiều chưa từng có

Nguồn tin: TTO, 7/2/2005
Ngày cập nhật: 8/2/2006

Trong những ngày qua, tôm hùm giống xuất hiện với mật độ dày chưa từng có tại vùng biển ven các huyện Sông Cầu, Tuy An (Phú Yên). Theo các ngư dân lớn tuổi, đây là một hiện tượng lạ, hiếm khi tôm hùm giống xuất hiện với số lượng nhiều ngay từ đầu năm như vậy.

Hiện nay, hàng trăm tàu thuyền đánh cá chuyển sang đánh bắt tôm hùm giống, trung bình mỗi đêm một tàu có thể đánh bắt 70 - 120 con. Giá tôm hùm giống hiện được bán với mức 160.000-170.000 đồng/con nên chỉ sau một đêm ra khơi một tàu có thể thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Theo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Phú Yên, chỉ trong vài ngày qua, lượng tôm hùm giống do ngư dân bắt được đã bằng gấp đôi so với các năm trước. Cơ quan này nhận định do biển động mạnh và sự thay đổi đột ngột của khí hậu đã khiến lượng tôm hùm giống dạt về vùng biển miền Trung nhiều hơn mọi năm và có khuynh hướng bơi vào gần bờ.

TẤN LỘC


Tôm hùm giống xuất hiện nhiều trên vùng biển Phú Yên

Nguồn tin: TT, 06/02/2006
Ngày cập nhật: 7/2/2006

Từ ngày 1-2 (mùng 4 tết Bính Tuất) đến nay, tại vùng biển Mỹ Quang thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, tôm hùm giống đã xuất hiện khá nhiều.

Trung bình mỗi tàu của ngư dân ở đây bắt được từ 20 đến 30 con mỗi ngày, bán với giá từ 150.000-200.000 đồng/con.

Giá tôm hùm thương phẩm bán tại thị trường nước ngoài hiện lên đến khoảng 600.000 đồng/kg, và đã xuất hiện tình trạng thiếu hàng.

Ở Việt Nam hiện vẫn chưa sản xuất thành công tôm hùm giống trong môi trường nhân tạo mà còn phụ thuộc vào tự nhiên.

Theo TTXVN

 


Thụy Sĩ "khóai" tôm nuôi của VN

Nguồn tin: TT, 06/02/2006
Ngày cập nhật: 7/2/2006

Tin từ Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP) cho biết, siêu thị Coop Volketswill (Thuỵ Sỹ) - một địa chỉ thường xuyên tiêu thụ sản phẩm tôm của VN - đang có kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái ở tỉnh Cà Mau trong năm nay.

Ông G.Zurlutter, Giám đốc bán hàng của Volketswill và các đồng sự đã thường xuyên tới thăm nơi nuôi tôm lớn nhất VN này để kiểm tra mật độ trong các đầm nuôi tôm, chất lượng nước, phương pháp nuôi và khảo sát điều kiện khác cho việc mở rộng diện tích nuôi tôm.

VASEP cũng cho biết, siêu thị Coop Volketswill đã nhập khẩu tôm VN từ năm 2001, sau khi VN bắt đầu áp dụng các kỹ thuật nuôi tôm sinh thái nghiêm ngặt để cải thiện chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các sản phẩm tuy được bán dưới thương hiệu của Coop Volketswill nhưng trên nhãn có ghi chú rằng tôm được nuôi tự nhiên tại Việt Nam. Ông Markus Stern - Giám đốc Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thuỵ Sĩ cho biết, người tiêu dùng châu Âu rất thích tôm của VN vì chất lượng ngon hơn của nhiều nước khác.

Tuy nhiên, ông Markus Stern cũng cho rằng VN nên dành ưu tiên hơn nữa cho việc phát triển thương hiệu sản phẩm bởi vì "Thương hiệu chính là chìa khoá để thúc đẩy xuất khẩu".

Theo TTXVN

 


Thủy sản ĐBSCL: Đầu năm bàn chuyện quy hoạch, phát triển

Nguồn tin: SGGP, 7/2/2006
Ngày cập nhật: 7/2/2006

 


Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang: Triển khai kế hoạch sản xuất và xuất khẩu cá tra, ba sa năm 2006

Nguồn tin: 6/2/2006
Ngày cập nhật: 6/2/2006

 


Phú Yên: Tôm hùm giống xuất hiện nhiều ở ven biển

Nguồn tin: LĐ, 6/2/2006
Ngày cập nhật: 6/2/2006

Phòng NNPTNT huyện Tuy An, ngày 5.2 cho biết, trong 5 ngày gần đây, tôm hùm giống màu trắng và nhỏ như que tăm xuất hiện nhiều ở vùng biển xã An Chấn, Tuy An. Mỗi ngày đêm, mỗi tàu của ngư dân ở đây đã giăng mành đánh bắt được từ 30 con - 100 con, bán với giá khoảng 160.000 đồng/con cho người nuôi ở địa phương và các tỉnh lân cận Khánh Hoà, Bình Định...

Lưu Phong

 


Nuôi cá cảnh ở Việt Nam: Lợi nhuận cao

Nguồn tin: SGGP, 5/2/2006
Ngày cập nhật: 6/2/2006

Theo Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh, từ năm 2001, hoạt động xuất khẩu cá cảnh ở nước ta bắt đầu phát triển mạnh. Riêng năm 2004, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá cảnh cả nước đã đạt gần 10 triệu USD so với 2 năm trước đó là 5 triệu USD. Bộ Thủy sản đánh giá, cá cảnh sẽ là sản phẩm có thể đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2006 và nhiều năm tới.

Tiềm năng nhiều, lợi thế lớn

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay hầu như các loại cá cảnh trên thế giới đều đã có ở Việt Nam với tổng số hơn 100 loài. Hầu như cả nước đều có người nuôi cá cảnh. Những trung tâm cá cảnh lớn là Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu… Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Thủy sản, nơi dẫn đầu trong phong trào nuôi và kinh doanh cá cảnh vẫn là TPHCM.

Người nuôi cá cảnh mỗi năm thu nhập 70-80 triệu đồng.

Ở TPHCM, hiện đã thành lập được câu lạc bộ tập hợp những người nuôi và kinh doanh cá cảnh, quy tụ được hơn 200 hội viên, nuôi hơn 15-17 triệu con cá cảnh các loại. Vùng nuôi cá cảnh hiện đã lan tỏa khắp các quận, huyện của TP như quận 2, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… Tổng diện tích nuôi ước khoảng 20ha mặt nước ao, 33.000m2 bể xi măng và bể kính. Ngoài ra, trên khắp địa bàn TP còn khoảng 110 cơ sở chuyên kinh doanh cá cảnh.

Sở NN-PTNT TPHCM khẳng định hiện nay phong trào nuôi cá cảnh của TP ngày càng lớn mạnh. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Trong đó, cá cảnh mang thương hiệu Việt Nam đã hiện diện ở khá nhiều nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Âu, châu Á và Mỹ như Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Canada, Mỹ, Brazil, lãnh thổ Đài Loan, lãnh thổ Hồng Công, Nhật Bản… EU là thị trường nhập khẩu cá cảnh lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh cả nước.

Các loại cá đang được xuất khẩu gồm: dĩa, bảy màu, chép Nhật, thủy tinh, nóc beo, cánh buồm, hồng kim… Trong đó, cá dĩa và bảy màu là 2 loài được ưa chuộng nhất hiện nay. Theo Sở NN-PTNT TP, có thời điểm thị trường hút hàng, cá bảy màu không đủ hàng để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản) đánh giá, nước ta hiện có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để nuôi cá cảnh xuất khẩu. Trong đó, đặc biệt là về nguồn nước và khí hậu, nhiệt độ rất phù hợp cho sự sinh sản và phát triển của loài cá cảnh nhiệt đới. Ngoài ra, nước ta còn có lợi thế về nguồn cá cảnh giá rẻ, cá khỏe và đẹp…

Còn theo ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cá cảnh TPHCM, thị trường thế giới đánh giá rất cao chất lượng cũng như chủng loại cá cảnh Việt Nam. Việt Nam được coi là 1 trong 3 khu vực có cá cảnh đẹp của thế giới, gồm Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á. Hơn nữa, nước ta lại có nhiều loại cá cảnh phù hợp với nhiều loại môi trường nước (mặn-lợ-ngọt) và thời tiết (nóng-lạnh). Riêng khu vực TPHCM còn có lợi thế về nguồn thức ăn cho cá cảnh dồi dào nhờ nhiều kênh rạch.

Mở rộng đầu tư

Bộ Thủy sản và UBND TPHCM đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu cá cảnh của riêng TPHCM phải đạt 10 triệu USD. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của người nuôi cá vẫn là chủ động nguồn giống. Theo ông Nguyễn Văn Lãng, từ trước tới nay, người nuôi thường phải nhập cá giống về từ nước ngoài, chịu mức thuế suất khá cao, tới 30%.

Bởi vậy, hiện Sở NN-PTNT TPHCM đang cùng các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn tiến hành nghiên cứu, nhằm chủ động cung cấp giống cá cảnh cho bà con. UBND TPHCM cũng có chủ trương xây một trung tâm nhân giống cá cảnh rộng hơn 20 ha tại xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) nhằm đưa hoạt động nuôi và kinh doanh cá cảnh trở nên chuyên nghiệp và công nghiệp hơn. HTX Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Hà Quang cùng Câu lạc bộ cá cảnh đang chuẩn bị triển khai dự án trên.

Đồng thời, UBND TP cũng đã phê duyệt dự án xuất khẩu hoa kiểng, cá cảnh đến năm 2010 với tổng trị giá 14,2 tỉ đồng, trong đó xác định phải đưa xuất khẩu cá cảnh trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành thủy sản. Theo đó, trong giai đoạn sắp tới, người nuôi cá ở TP sẽ được hỗ trợ lãi suất vay vốn và được miễn thuế nhập khẩu cá giống. Đây là một động lực lớn tiếp sức cho phong trào nuôi cá cảnh ở TPHCM và cả nước nói chung.

Văn Phúc - Ngọc Thủy

Ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cá cảnh TPHCM, vừa trở về từ Malaysia và mang theo 130 con cá cảnh giống được mua từ đảo Palau, vui mừng cho hay, nếu tính cả số cá cảnh giống nhập từ Thái Lan, Indonesia thì từ đầu năm 2005 đến nay, câu lạc bộ của ông đã nhập về TPHCM 530 con cá dĩa các loại. Tất cả số cá giống này được coi là những “con cá vàng” để lai tạo và đưa về các cơ sở nuôi cá cảnh của hội viên, sau đó nhân ra với số lượng lớn để nuôi xuất khẩu. Nuôi cá cảnh, doanh thu trung bình khoảng 70-80 triệu đồng/năm. Trong đó, lãi suất đạt khoảng 50%-70%. Cá cảnh còn là vật nuôi siêu lợi nhuận. Theo ông, mỗi con cá được bán với giá vài chục ngàn đô-la là bình thường. Đặc biệt, có những con cá có giá tới vài trăm ngàn đô-la. Cá biệt, tại TPHCM đã từng có con cá cảnh được bán với giá 1 triệu USD.


ĐBSCL: Khan hiếm tôm nguyên liệu trầm trọng

Nguồn tin: SGGP, 5/2/2006
Ngày cập nhật: 6/2/2006

 


Săn lùng cua biển giống !

Nguồn tin: BCT, 4/2/2006
Ngày cập nhật: 6/2/2006

Gần 3 tháng nay, xứ biển Mỹ Long Nam của huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) sôi động hẳn lên với cái nghề đi bắt cua biển giống. Hơn 500 con người là dân bản xứ và từ nơi khác đã đổ xô về đây. Họ không quản ngại ngày đêm, bất chấp cái giá lạnh của miền biển và muỗi mòng như tạt trấu bám vào người để săn lùng loài hải sản mà biển và rừng đã ban tặng.

Hội đẩy xiệp

Mới 5 giờ sáng, anh Phạm Văn Hải, Tổ trưởng Tổ quản lý và bảo vệ rừng số I của Trạm kiểm lâm Mỹ Long Nam, đã dựng tôi dậy để kịp tháp tùng theo nhóm của anh Phạm Văn Quắn ở ấp tư đi đẩy xiệp bắt cua biển giống. Tiết trời của những ngày cận tết vẫn chưa gia giảm cái lạnh. Buổi sớm mai không khí ở xứ biển Mỹ Long Nam lại càng lạnh hơn nhiều. Gió từ ngoài khơi cứ từng cơn mang cái lạnh quất vào da thịt... Vậy mà nhóm người của anh Quắn đã thức dậy từ rất sớm và chuẩn bị xong tất cả những vật dụng cần thiết để chờ tôi xuất phát. Mỗi người một gọng xiệp, một cái keo nhựa đựng mớ cỏ nước mặn, một hộp lon cơm và một bình nước uống. Tất cả “đồ nghề” để đi xiệp cua biển giống chỉ bấy nhiêu đó và cả nhóm nhắm về phía rừng bần trực chỉ. Cả nhóm người của chúng tôi phải mất hơn nửa giờ, lội sình lầy ngập đến gối để vượt qua gần 1km chiều dài của rừng bần từ chân đê ra đến tận biển.

Khi cả nhóm ra đến mép biển thì nước thủy triều đã dâng cao. Cả một bãi bồi dày đặc rễ bần như một bàn chông khổng lồ giờ đã mênh mông nước. Lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến tận mắt “ngày hội đẩy xiệp”. Hơn 500 con người lớn có, nhỏ có, trước, sau đến 4, 5 hàng và nối dài với nhau hơn 6km dọc theo cánh rừng bần. Bao nhiêu con người là bấy nhiêu gọng xiệp, cứ hướng vào rừng bần mà đẩy. Tất cả cứ lầm lũi mà đi tới khoảng 10m rồi lại cất xiệp lên cao để thăm dò kết quả. Phải mất qua 3 lần đẩy xiệp anh Phạm Văn Quắn mới thu được “chiến lợi phẩm” cho mình là 3 con cua biển con nhỏ... bằng hạt đậu phộng! Nhẹ nhàng bắt mấy con cua bỏ vào bình nhựa, anh Quắn quay sang tôi vừa cười vừa lắc đầu mà nói: “Đông người quần mấy tháng trời nên bây giờ gần như chỉ còn lại đám cua út tiêu mà thôi”. Nhìn những con cua biển nhỏ xíu xiu, tôi nghĩ không biết liệu chúng có sống được không với cuộc hành trình dài từ biển lên bờ rồi vào các điểm thu mua. Rồi từ đây chúng được đưa lên xe để đi đến tận các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng... Cuối cùng là đến ao hồ của những người nông dân nuôi cua biển. Sống chết không biết thế nào, nhưng theo lời của anh Quắn thì: “Lớn, nhỏ gì bạn hàng ở đây cũng mua hết. Cua lớn từ bằng ngón tay cái trở lên giá 2.000 – 3.000 đồng/con. Nhỏ hơn một chút thì 1.000 đồng /con. Còn thứ cua út tiêu vầy cũng bán được 500 đồng một con”.

Cùng đẩy xiệp một bên, anh Trần Văn Thêm cùng nhóm cũng vừa cất xiệp bắt được đến 6 con cua biển con. Nghe Quắn nói chuyện, anh Thêm phụ họa vào: “Nếu tính từ hôm khởi vụ bắt cua biển giống đến giờ, tôi dám chắc đã có vài chục triệu con đã bị bắt. Đông người như vầy, có lẽ không bao nhiêu bữa nữa chắc phải đỏ con mắt mà đi kiếm cua con để bắt”. Lời nói của anh Thêm là rất hợp tình. Cứ nhìn gần 500 gọng xiệp được sử dụng bằng lưới bung đến con muỗi còn chui qua không lọt. Hết người trước rồi đến người sau, hết đẩy xiệp qua trái thì sang phải. Màu xanh của nước biển liên tục bị trộn lẫn với bùn non đến xám xịt. Với sự săn lùng như thế thì có còn được mấy con cua con chạy thoát. Một ngày theo hai con nước lớn của thủy triều, bất chấp vào ban ngày hay lúc ban đêm là bấy nhiêu con người ấy đi đẩy xiệp để bắt cua biển giống. Anh Phạm Văn Quắn cho biết bình quân mỗi ngày một người đi đẩy xiệp theo hai con nước lớn bắt được từ 80 – 100 con cua biển giống. Số tiền kiếm được của một người ít nhất là 100.000 đồng. Một khoản thu nhập mà đối với người dân quê Mỹ Long Nam và người ở vùng nông thôn không có mấy người kiếm được. Một tuần làm được cả tháng ăn của gia đình. Nguồn lợi của biển và rừng ban tặng quá hấp dẫn như vậy nên dù có giá lạnh đến thấu xương, bị muỗi mồng cắn chích đến thâm tím, nhưng chẳng ai quản ngại.

Hơn 4 giờ đồng hồ trôi qua, nước thủy triều cũng đã rút cạn để trơ lại những rễ bần ngả nghiêng vì sau một trận tra tấn dữ dội của hơn 500 gọng xiệp. Đoàn người đi bắt cua biển giống lần lượt rời khỏi rừng bần. Nhóm người của anh Quắn cũng quay về chân đê với kết quả thu hoạch được của mỗi người từ 40 – 50 con cua biển giống. Cơm nước xong, họ nghỉ ngơi tạm bợ dưới những tán cây bần ven chân đê. Họ lại chờ nước con thủy triều lớn vào lúc đứng buổi trưa để tiếp tục cuộc hội đẩy xiệp bắt cua biển giống.

Cần giữ gìn nguồn lợi vô giá!

Chia tay với nhóm người của anh Phạm Văn Quắn, tôi trở lại Trạm kiểm lâm Mỹ Long Nam mang theo một tâm trạng vừa mừng vui mà cũng vừa bồn chồn. Vui vì thấy người dân xứ biển Long Nam được một mùa thu hoạch cua biển giống thật lớn. Chỉ nhẩm tính thôi thì gần 3 tháng nay nguồn cua biển đã đem đến cho người dân có đến vài tỉ đồng. Nhà nào cũng có thêm thu nhập, đỡ phần vất vả trong cuộc sống. Còn bồn chồn lo ngại là với tình hình khai thác cua biển đến tận tuyệt như thế liệu nguồn lợi thủy sản này sẽ còn lâu bền? Tôi nghĩ kết cuộc của nó sẽ đúng như lời của anh Trần Văn Thêm đã nói với tôi khi ở giữa rừng bần đẩy xiệp là: “Không bao nhiêu bữa nữa chắc phải đỏ con mắt mà đi kiếm cua con để bắt”. Không phải chỉ có anh Thêm mà tất cả người dân Mỹ Long Nam đều lường trước hậu quả. Ai cũng đều biết nhưng vẫn làm. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương và các cơ quan chức trách vẫn chưa “đánh tiếng” trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản theo đúng quy định. Anh Dương Văn Điện, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Mỹ Long Nam, nói với tôi trong tâm trạng thật bức xúc: “Mười mấy năm trời tốn kém bao nhiêu công lao và tiền bạc mới có được cánh rừng bần ven biển như hôm nay. Có rừng các loài hải sản mới kéo nhau về trú ngụ. Trong 3 năm vừa qua, rừng bần không chỉ có cua biển mà có cả các loài đặc sản khác như sò huyết, vọp, chem chép... Nhưng cũng vì cái cảnh khai thác tự do vô hậu, những loài hải sản này gần như không còn. Tôi thấy thật tiếc vô cùng. Chúng tôi chỉ là những người giữ rừng, không chức trách về mặt quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản. Việc chúng tôi làm được là góp ý kiến của mình và chờ đợi động thái của cơ quan hữu trách. Thế nhưng 3 năm đã qua, chuyện bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở rừng bần để người dân được khai thác lâu dài vẫn là việc còn chờ đợi”.

Việc khai thác thủy sản bằng các phương tiện đánh bắt tận tuyệt vốn đã bị nghiêm cấm. Tôi nghĩ chuyện quản lý đánh bắt cua biển giống ở rừng bần Mỹ Long Nam đâu phải là việc khó đến không thể làm. Nói theo lời của anh Phạm Văn Hải, Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng số I: “Không phải người dân Mỹ Long Nam làm càn. Chỉ vì chính quyền xã, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa có sự can thiệp, nên chẳng ai đành làm người tốt đứng nhìn những người khác tự do khai thác”. Không nghiêm cấm dân khai thác, nhưng cần qui định cho người dân sử dụng phương tiện đánh bắt hợp lý để bảo vệ nguồn lợi lâu dài. Sự ràng buộc này vì tính bền vững có lợi cho dân. Được như thế, tin rằng không có mấy ai đứng ngoài cuộc để làm việc vi phạm pháp luật.

PHÚC SƠN

 


Làm gì để ĐBSCL cất cánh? Gắn kết khoa học công nghệ và thị trường để phát triển thủy sản bền vững

Nguồn tin: BCT, 4/2/2006
Ngày cập nhật: 5/2/2006

 


Xuất khẩu thủy sản 2006 - Tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu

Nguồn tin: SGGP, 4/2/2006
Ngày cập nhật: 5/2/2006

 


Phú Yên: xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần cá ngừ đại dương

Nguồn tin: TT, 34/2/2006
Ngày cập nhật: 4/2/2006

Ngày 3-2, Sở Thủy sản Phú Yên cho biết Bộ Thủy sản vừa quyết định đầu tư dự án xây dựng Trung tâm thu mua và hệ thống dịch vụ hậu cần cá ngừ đại dương đầu tiên của VN tại Phú Yên.

Theo đó, trung tâm này được xây dựng trên diện tích 10.000m2 tại cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa với hệ thống nhà xưởng, khu tiếp nhận, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ của Nhật Bản, nhằm phục vụ hoạt động xuất khẩu mặt hàng thủy sản có giá trị kinh tế cao này. Dự án có tổng kinh phí đầu tư 5 triệu USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và được triển khai xây dựng trong năm nay.

T.L.


Giá cá tra, ba sa tiếp tục tăng

Nguồn tin: TT, 4/2/2006
Ngày cập nhật: 4/2/2006

Hiện giá cá nguyên liệu đang được các doanh nghiệp ở ĐBSCL mua vào loại T1: 12.500 đồng/kg, T2: 11.000-11.500 đồng/kg (tăng hơn 1.000 đồng/kg so với giữa tháng 1-2006). Cá ba sa cũng đang được thị trường nội địa tiêu thụ mạnh với giá 15.000 đồng/kg.

Hiện đang thiếu loại cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu qua châu Âu. Xuất khẩu thuận lợi, các doanh nghiệp có thêm nhiều hợp đồng đặt hàng mới đã đẩy giá cá nguyên liệu tăng trở lại. Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhận định giá cá tra nguyên liệu có thể lên tới 14.000 đồng/kg.

ĐỨC VỊNH - NGỌC DIÊN - H.ĐĂNG

 


Các nhà máy chế biến thủy sản có thể thiếu nguyên liệu

Nguồn tin: SGGP, 3/2/2006
Ngày cập nhật: 3/2/2006

 


Doanh nghiệp Hungary tìm đối tác kinh doanh cá cảnh

Nguồn tin: NLĐ, 19/1/2006
Ngày cập nhật: 3/2/2006

 


Ngày Tết, nói chuyện cá...

Nguồn tin: WBTre, 26/01/2006
Ngày cập nhật: 1/2/2006

 


Đam mê học hỏi và làm giàu từ sản xuất cá rô phi Gift

Nguồn tin: WBTre, 26/01/2006
Ngày cập nhật: 1/2/2006

Con đường rợp mát và thoang thoảng hương mật mía đưa chúng tôi tới trại cá của anh Thái Văn Mười vào một ngày trung tuần tháng Chạp năm 2005. Trước mắt chúng tôi là một ao cá giống xinh xắn được bao bọc bởi bốn bờ đất và những hàng chuối xanh tốt, mặt nước xanh hiện rõ từng đàn cá con đang tung tăng bơi lội…

Thấy vắng chủ nhà, tôi tỏ ý tiếc vì sợ mình lỡ mất dịp thì được anh Nguyễn Công Nghĩa – Trưởng ấp 2 (Châu Bình), cho biết: “Đừng nản, ông chủ chắc đi đâu đó thôi!”. Chúng tôi chẳng phải chờ lâu vì chủ nhà đã về, chưa kịp thay chiếc áo thun đã lem luốt vì bị mủ chuối “ăn”, anh nói: “Khác với bà con nơi đây chuyên trồng mía, nếu một ha đất mỗi năm trồng mía kiếm được khoảng hai mươi mấy triệu. Riêng tôi, trồng chuối xiêm thì mỗi năm cũng kiếm ngoài hai chục triệu, ít tốn công và chi phí bỏ ra ít hơn… đặc biệt là tận dụng được mương vườn để nuôi cá”. Mười chỉ về phía vuông cá giống trước nhà, câu chuyện của chúng tôi cũng bén dần bên tách trà nóng.

Thái Văn Mười sinh năm 1967, nhà nghèo nên học hết lớp 6 anh phải ở nhà phụ giúp cha mẹ việc ruộng đồng. Ngay từ lúc còn nhỏ, Mười đã có niềm đam mê nuôi cá nên anh thường bắt cá đồng về “ép trứng” và đã có được một số ít kinh nghiệm… Năm 1989, thực hiện nghĩa vụ quân sự xong, anh về làm ruộng. Khi công trình cống đập Ba Lai hoàn thành và đưa vào sử dụng, bấy giờ vùng đất Châu Bình đã ngọt hóa cũng chính là lúc anh có điều kiện để thực hiện ước mơ của mình. Lúc đầu, cũng như nhiều người dân ở đây anh trồng mía nhưng giá cả mía thì lại thăng trầm thất thường, ý định trồng chuối để có mương thả cá nuôi đến với Mười và anh thử nghiệm ngay. Năm 2003, Mười kêu thêm người phụ đắp một bờ bao để làm một “ao nổi” ngay trước cửa nhà với diện tích nền 1,2 công, chiều cao khoảng 1,5 mét. Sau khi làm nền cho thật dẽ kín, anh lót vải mủ xung quanh bờ thật kỹ rồi rải vôi phơi nền, xong bơm nước sông vào và rải phân Urê, ADP… để tạo môi trường sống cho cá. Từ 2.000 cá rô phi Gift giống mua của Trung tâm khuyến ngư tỉnh, anh thả chung với một số cá khác như tai tượng, mè hoa, sặc rằn, tra… và ngày đêm chịu khó theo dõi tiến độ phát triển của nó, Mười rút ra kinh nghiệm là vùng đất của anh thích hợp nhất để nuôi cá rô phi Gift và cá mè hoa. Từ đó, anh học hỏi thêm qua tài liệu, báo đài – và nhất là từ kinh nghiệm thực tế, anh Mười đã sản xuất được cá giống rô phi Gift, tai tượng… Phấn khởi trước kết quả đạt được, anh đầu tư thêm và đã thắng lợi. Đến nay, ngoài “ao nổi” diện tích 1,2 công chuyên sản xuất cá giống rô phi Gift (đã xuất bán hơn 5 tấn cá con, giá bình quân 40.000 đồng/ kg), anh đã có thêm một “ao nổi” với diện tích 3.000 mét vuông đang nuôi 16.000 cá rô phi Gift thịt được 1,5 tháng tuổi, đang phát triển tốt và hơn 2.000 mét vuông (diện tích mặt nước mương vườn) nuôi cá tai tượng. Anh Mười cho biết kinh nghiệm: “Ngoài việc xử lý nền ao cho kỹ lưỡng, đặt cống để tháo nước xả cho tốt ra… thì nguồn thức ăn cũng rất quan trọng. Tôi sử dụng thức ăn Mỹ Tường là chính, bắt thêm ốc gạo, ốc lác sẵn có tại mương vườn rồi đâm nát, nấu chính trộn lẫn cùng nhau… cá rất thích và mau lớn”. Trung bình, mỗi năm anh Mười sản xuất xuất được 5 ao cá giống, mỗi ao lãi khoảng 16 triệu đồng. Thị trường cá giống đắt nhất là từ tháng 2 đến tháng 7 dương lịch…

Nhờ ham học hỏi và cần cù lao động, nông dân Thái Văn Mười đã sản xuất thành công giống cá rô phi Gift với huy mô lớn. Anh đã làm giàu cho chính mình với lợi nhuận hơn 150 triệu/ năm và góp phần cung cấp một lượng lớn cá giống cho bà con nông dân ở những vùng lân cận. Hiện mô hình của anh đang được một số nông dân tại xã Châu Bình học hỏi và làm theo.

Đức Chính


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang