• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

ĐBSCL: Khan hiếm tôm nguyên liệu

Nguồn tin: TN, 14/03/2006
Ngày cập nhật: 15/3/2006

 


Về tính thuế chống bán phá giá tôm: Mỹ phải bỏ phương pháp tính "triệt tiêu"

Nguồn tin: LĐ, 14/3/2006
Ngày cập nhật: 15/3/2006

 


Trồng 1,7 ha rong sụn

Nguồn tin: BBD, 14/3/2006
Ngày cập nhật: 15/3/2006

UBND huyện Phù Mỹ đã trích ngân sách 36 triệu đồng để đầu tư xây dựng mô hình trồng rong sụn trên diện tích 1,7 ha (trong đó 1,3 ha trên đầm Đề Gi để tạo rong thương phẩm xuất khẩu; 0,4 ha 2 ao nuôi tạo giống tại chỗ). Theo đó, huyện hỗ trợ cho 8 hộ dân tại thôn Vĩnh Lợi - xã Mỹ Thành 8,5 tấn rong sụn giống, Trung tâm khuyến ngư tỉnh Bình Định hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và duy trì mô hình.

Trồng rong sụn cần ít vốn đầu tư, dễ trồng, có thể thu hoạch sau 70-85 ngày trồng.

Xuân Lộc

 


Bình Định: Chế biến thủy sản xuất khẩu lặp lại "điệp khúc" đói nguyên liệu

Nguồn tin: BBD, 15/3/2006
Ngày cập nhật: 15/3/2006

 


Cua biển hồi sinh

Nguồn tin: BBT, 14/03/2006
Ngày cập nhật: 15/3/2006

Trước năm 1995, phong trào nuôi cua biển nổi lên khá rầm rộ tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Thế nhưng sau đó, nuôi cua bị lấn áp bởi làn sóng nuôi tôm sú vì nuôi tôm sú lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần so nuôi cua. Có điều, “ước mơ vàng” từ con tôm sú vẫn cứ là…ước mơ, nhiều người đã, đang lận đận cũng từ con tôm sú! May mà có cua biển đã kịp thời “tái xuất giang hồ”…

Biển lành...cua hội

Gia đình bên vợ tôi bán tiệm tạp hóa sát bên sông Băng Cung (xã An Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre) nên chuyện tôi hội nhập vào những người đi rập cua, cào cua trên sông nước ở đây không khó gì. Chẳng là, mỗi chuyến đi bắt cua giống đôi ba ngày, rất đông ngư dân chèo xuồng đến trước tiệm nhà tôi để mua gạo, mua nhiều thứ cần thiết khác cho một chuyến đi…Tôi bắt chuyện với anh Nguyễn Văn Tài (Tư Tài), một người đi cào cua trên sông Băng Cung, đoạn con sông chảy qua xã Mỹ Hưng, Tư Tài xởi lởi: “Nào giờ chỉ có đi rập cua. Còn đi “cào cua” là từ mới xuất hiện trong năm nay – anh giải thích ngọn ngành – Đi rập cua là để bắt những con cua biển lớn cỡ nắm tay trở lên. Rập cua làm bằng hai thanh tre uốn cong, buộc xéo nhau thành hình chữ X, và phía dưới là khoảng lưới vuông vức khoảng 3 gang tay. Chính giữa chữ X, tôi treo mồi chình (con chình) vì cua rất thích… mùi tanh của chình. Khi thả cái rập cua xuống đáy sông, đánh hơi gặp mùi chình, thế là các chú cua xông tới giành mồi. Trên xuồng, bất thần, mình giựt cái rập và kéo lên, cua “hết hồn” rơi xuống lưới, thế là ta tóm đầu cua. Còn đi cào cua là bắt cua giống ở các bãi, bờ ven sông. Chẳng là, một hai năm gần đây, cua con được sinh sản nhiều vô số kể ngoài của biển rồi theo con nước lớn, cua con tràn rất sâu vào các sông trong vùng nước mặn ở ven biển ĐBSCL; cua con quếnh thành từng về đeo bám vào các bập lá dừa nước ven sông. Để dễ bắt loại cua giống này, ta cứ chèo xuồng thả men theo hai bên bờ sông, chờ lúc nước ròng, người đi bắt chỉ cần khoảng lưới dài chừng thước tây, thế là cào bắt cua con ở những bập lá hay nơi những bãi triền ven sông. Hiện nay, có người mỗi ngày đi cào cua giống bán đôi ba trăm ngàn đồng. Của trời cho, ham lắm…”.

Tôi xuống xuồng anh Lê Văn Thơm (Sáu Thơm) đi thử một chuyến rập cho biết. Sáu Thơm nhắc khéo: “Có mang theo…nước không?” Thì ra, tôi hiểu ngay: “nước mắt quen hương!”. Sáu Thơm chép miệng: “Tối, luộc cua, tôi ông lai rai chớ…Đêm trên sông nước…lạnh lắm ông ơi!”.

Tháng ba, bầu trời xanh cao trong vắt, gió chướng muộn nườm nượp kéo về thổi thông thống trên sông Băng Cung. Trên sông Băng Cung nước đã mặn lè, một hoạt cảnh vô cùng sống động với từng đoàn xuồng kéo nhau đi rập cua. Một đoàn xuồng đi rập cua khoảng 30 chiếc, mà theo Sáu Thơm cho biết, để tiết kiệm sức chèo, tất cả hùn tiền lại rồi mướn một chiếc ghe máy làm đầu tàu để kéo hết đoàn xuồng đi hết từ điểm này đến điểm khác…săn cua. Xuồng chúng tôi ra đến vàm Ông Lễ trên sông Hàm Luông thì dừng lại ở đó, Sáu Thơm chọn địa điểm “ngon ăn” rồi lần lượt thả rập cua xuống sông. Tất cả đã mai phục sẵn sàng, chỉ còn chờ con nước lớn. Giọng Sáu Thơm khẽ khàng: “Nước sông bắt đầu lớn hoặc sắp giựt ròng, tức nước chảy, thì cua mới đi ăn mồi.”

Hoàng hôn buông nhanh nơi cửa sông Hàm Luông, con nước trên sông cũng bắt đầu nhửng lớn. Sáu Thơm chèo xuồng đến một chiếc phao trắng nổi sóng sánh trên mặt sông-những chiếc phao làm dấu cho cái rập cua đã thả xuống nước. Trên xuồng, Sáu Thơm chồm người xuống, tay vớ lấy sợi dây từ cái rập rồi giựt mạnh lên. Sáu Thơm cười đắc chí: “Vô mánh. Con cua này chắc chừng nửa ký lô…”.

Giờ đã tới màn lai rai. Đứng trên xuồng, Sáu Thơm gọi í ới qua những xuồng bạn đang rập cua gần đó: “Tựu, tựu…mấy cha ơi…”. Trong lúc lúi húi luộc cua, Sáu Thơm tâm sự: “Ở vùng này bây giờ ai cũng nuôi tôm, ruộng lúa cứ biến mất dần, mất dần. Nhưng ngặt nỗi, nuôi tôm như…mua vé số và tôi cũng là một người muốn…chết giấc vì tôm(!) – Sáu Thơm tiếp lời – Thế nhưng may thay: Trước đây giống cua biển rất hiếm, muốn có con giống để nuôi mua giá mắc thấy mồ. Với các nhà khoa học cũng vậy, họ nặn đầu để cho cua đẻ nhân tạo nhưng rồi cua đẻ nhân tạo cũng đâu đủ cung cấp cho người nuôi. Còn bây giờ, bỗng dưng…”. “Không bỗng dưng đâu anh Sáu à. Chắc là biển lành… cua mới tựu về, sinh sản như rươi”-tôi đinh ninh với anh Sáu như vậy.

Trước nguồn cua giống xuất hiện nhiều vô kể, thời gian gần đây, những người đi rập cua biển (cua lớn) tiện thể làm luôn rập cua giống. Chiếc rập cua giống chẳng khác gì chiếc rập cua lớn, chỉ có phần lưới dưới rập là dùng lưới có khoảng hở nhỏ hơn. Còn mồi để “dụ” cua giống, thay vì cua lớn là mồi chình thì cua giống là con ruốc…Sáu Thơm khấp khởi: “Cua giống cỡ đầu đũa tôi bán cho người nuôi 500 đồng/con, bằng cỡ ngón tay 1000 đồng/con, mỗi chuyến đi rập cua tôi bán cho họ cả thùng thiếc. Đỡ lắm…”.

Chờ cho đến Trung thu

Hai năm qua, diện tích nuôi cua không chỉ ở Bến Tre mà nhiều nơi khác như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau đều tăng nhanh. Hiện nay, ở những vùng ven biển nói trên, có thể nói: “nhà nhà nuôi cua”. Hai nguyên nhân chủ yếu khiến diện tích nuôi cua tăng mạnh đó là nguồn cua giống từ thiên nhiên rất dồi dào, giá rẻ, và một nguyên nhân không mong muốn là nuôi tôm sú bị chết tràn lan nên nông dân trở bộ sang nuôi cua với hy vọng gỡ gạt. Vả lại, chẳng lẽ bỏ đất trống không(?)…So với trước đây (lúc phong trào nuôi cua trong vuông rộ lên ở ĐBSCL, khoảng năm 1993), môi trường nuôi cua trong vuông bây giờ đã được cải thiện hơn trước rất nhiều, nhất là hệ thống cấp-thoát nước vào vuông nuôi cua-sự thường hưởng từ hệ thống thủy lợi mặn nuôi tôm sú. Đây là điều kiện tốt giúp con cua phát triển nhanh, ít bệnh hoạn bởi những người nuôi cua bật mí, con vật bò ngang này vốn ăn tạp nhưng khi ở, thì chúng chọn chỗ ở “rất sang” (sạch). Nuôi cua từ con giống còn nhỏ cỡ đầu đũa, hình thức nuôi rất thoáng. Thoạt đầu, trên một vuông nuôi cua, người ta khỏi cần vừng vách lá hay lưới bao quanh vuông, cứ thả nuôi, cho cua ăn mồi, cho cua tự do cư trú, bao giờ cua chớm lớn thì mới vừng lưới quanh vuông để giữ chân cua. Một hình thức nuôi khác, đó là thả cua nuôi xen trong ao nuôi tôm sú quảng canh hay bán công nghiệp. Về thức ăn, thức ăn cho cua nhẹ hơn gấp nhiều lần so với thức ăn dành cho tôm sú, thường cua rất thích ăn mồi con ruốc tươi hoặc ruốc khô. Cua cũng rất thích ăn mồi…cá biển ươn thối. Song người nuôi ngại cho cua ăn những thứ trên vì nước trong vuông nuôi bị ô nhiễm. Cua giống từ nhỏ cỡ đầu ngón tay, nuôi chừng 6 tháng sẽ trở thành cua Y (cua vô hạng để bán, con khoảng ½ kg), nuôi khoảng 8 tháng cua sẽ có gạch điều, và theo chu kỳ sinh sản của cua, đến dịp Tết Trung thu là thời điểm chín muồi cua có gạch điều, cua bán có giá nhất trong năm…Anh Tám Em, một gia đình nuôi thủy sản tại xã An Thạnh, thổ lộ: “Năm 2005, khi nuôi tôm sú, mấy đứa em gái tôi thả thêm cua giống xuống ao tôm. Kết quả: “tôm chai” (nuôi lâu lớn và chết!), còn con cua thì lại về ngược. Lúc thu hoạch cua, vài ba bữa đã thấy em nó mang ra chợ một hai bao cua, bán 1-2 triệu đồng, cứ vậy mà tụi nó bắt cua lên dài dài, bán lai rai đôi ba tháng. Bạc chục triệu như chơi…”. Và Tám Em thốt lên: “May mà có… con cua…, vậy chớ chẳng lẽ trên vùng đất này, nuôi tôm cứ chết hoài, nay quay trở lại…làm ruộng!” Quả vậy, “cái khó ló cái khôn”, trong lặng lẽ, rất nhiều người nuôi thủy sản ở ven biển ĐBSCL đã “gỡ gạt” lại những mùa tôm thất bát từ con cua biển và hiện nay, họ rất hy vọng vào vụ thu hoạch cua 2006 sắp đến. Mừng quả là có mừng. Song đến đây, tôi và anh Tám Em lại gặp nhau ở một mối lo, tôi nói: “Cha…nhà nhà nuôi cua, cung nhiều hơn cầu là cái chắc. Bởi lẽ, cua đang xuất khẩu là cua sống, nguyên con (nhưng số lượng cũng hạn chế), chớ hàng cua chế biến xuất khẩu để tạo đầu ra lớn, giá trị kinh tế cao, thì chưa nghe nói đến nhiều…”Tám Em tư lự: “Sau Tết Trung thu 2005, cua gạch điều có lúc lên trên 100.000 đồng/kg. Thôi thì hãy chờ đến Tết Trung thu năm nay coi sao, hén ông bạn…”.

Phan Lữ Hoàng Hà


Những ngày tới: Rét ở miền Trung, miền Bắc; triều cường ở miền Nam

Nguồn tin: TN, 14/03/2006
Ngày cập nhật: 14/3/2006

 


Nhiều tỉnh bị nước mặn xâm nhập sâu nội đồng

Nguồn tin: BCT, 13/3/2006
Ngày cập nhật: 14/3/2006

 


Mùa cá bông lau Sông Hậu

Nguồn tin: BCT, 14/3/2006
Ngày cập nhật: 14/3/2006

 


Ninh Thuận: rong sụn giống đắt như tôm tươi

Nguồn tin: NNVN, 9/3/2006
Ngày cập nhật: 13/3/2006

Trên 700 hộ dân vùng ven biển Ninh Hải, Ninh Phước, Phan Rang chuyên trồng rong sụn đang trúng khi giá rong sụn giống tại đây vọt lên mức 4.000 đ/kg, tăng gần gấp đôi cùng thời điểm năm ngoái. Rong mọc đến đâu liền được tìm mua ngay đến đó. Với giá cả hiện tại, riêng tiền bán giống của các hộ dân đã cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng/ha.

 


Bình Định: Phát triển diện tích rong sụn

Nguồn tin: BĐ, 10/3/2006
Ngày cập nhật: 13/3/2006

Năm 2005, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bình Định triển khai thí điểm mô hình trồng rong sụn trên đầm Đề Gi (xã Cát Khánh - Phù Cát) với diện tích 0,5 ha, kết quả đem lại rất khả quan, rong sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt hơn 40 tấn/ha.

Từ kết quả trên, năm nay Trung tâm tiếp tục hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật để phát triển diện tích rong sụn lên cao hơn. Hiện nay, người dân ở quanh đầm Đề Gi chuẩn bị xong cọc và dây treo, đang tiến hành xuống giống với diện tích khoảng 4 ha và sẽ tiếp tục nhân rộng ra trong thời gian đến. Được biết, mấy năm gần đây phong trào trồng rong sụn phát triển mạnh ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… trung bình 1 ha cho thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng/năm.

Ngọc Thái

 


Bạc Liêu: Sẽ bổ sung nguồn vốn cho thủy lợi phục vụ vùng nuôi tôm

Nguồn tin: LĐ, 13/3/2006
Ngày cập nhật: 13/3/2006

 


Bức xúc từ Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Kiên Giang): Tôm doạ... cỏ và sanh sự với sếu

Nguồn tin: LĐ, 13/3/2006
Ngày cập nhật: 13/3/2006

Có hai dự án (DA) mà các nhà khoa học VN và Hội Sếu quốc tế đầu tư nhiều tâm huyết, đó là: Bảo vệ sếu đầu đỏ ở xã Bình An và Bảo tồn đồng cỏ bàng ở xã biên giới Phú Mỹ thuộc huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Nhưng vì cái lợi trước mắt - con tôm - DA Bảo vệ Sếu đầu đỏ đã bị địa phương bác, sau khi các nhà khoa học bỏ công nghiên cứu mấy năm. Không nản lòng, các nhà khoa học lại thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh phí thực hiện DA bảo tồn đồng cỏ bàng. DA đang diễn tiến thuận lợi, thì đùng một cái, con tôm lại xuất hiện và " sanh sự"...

Cỏ ta đi... Tây

DA Bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ, huyện biên giới Kiên Lương (Kiên Giang) do Tập đoàn tài chính thế giới và Hội Sếu quốc tế tài trợ, thực hiện từ tháng 12.2004 trên diện tích 2.900ha, trong đó đất rừng tràm tái sinh 535ha, đất cỏ bàng 1.025,7ha... Chỉ mới hơn một năm, nhờ DA mà trên 350 hộ dân nơi đây đời sống khá hẳn lên.

Ông Huỳnh Ngọc Đức, điều phối viên DA cho biết: "Ngoài hỗ trợ kinh phí tập huấn nghề, ứng vốn trước để sản xuất, chúng tôi còn tổ chức thu mua sản phẩm tận nhà nên người dân rất yên tâm...".

DA hiện sản xuất các dòng sản phẩm chính từ cây cỏ bàng: Giỏ xách, nón, đệm, chiếu. Ông Nguyễn Văn Dạn, người chuyên thiết kế mẫu mã, tìm đầu ra cho các sản phẩm của DA phấn khởi nói: Sản phẩm làm ra từ cỏ bàng Phú Mỹ đang được thị trường trong, ngoài nước biết đến. Chỉ riêng đệm bàng sản xuất không đủ cung (mỗi tháng tiêu thụ 5-8 ngàn tấm). Trung bình mỗi người có thể thu nhập từ 25-40 ngàn đồng.

Theo lời em Thị Mol: "So với trước đây, chưa kể công đi nhổ cỏ bàng để có nguyên liệu đan đệm, thu nhập mỗi ngày của em tăng gấp 4 lần".

Hiện nay, trên 300 lao động của 250 hộ dân trong xã Phú Mỹ đã hợp đồng cung cấp đệm đan quanh năm với BQLDA. Còn chiếu có 16 lao động đang làm việc tại xưởng, mỗi ngày sản xuất từ 80-100 chiếc. Về giỏ xách, hiện mới có 10 công nhân trực tiếp sản xuất, mỗi người may trung bình 5-6 giỏ/ngày, thu nhập 25-30 ngàn đồng/người. Riêng về tay nghề, hầu hết công nhân "Hai Lúa" ở vùng quê này đã may thành thạo hơn 20 loại.

Ông Dạn bảo: "Năm 2005, mặt hàng giỏ chưa tiêu thụ được nhiều, nhưng đầu năm nay phải sản xuất nước rút để kịp xuất lô hàng đầu tiên sang Nhật gồm 1.200 chiếc loại lớn, giá 46.500 đồng/chiếc. Nhật cũng đặt hàng thêm 1.200 chiếc, giao hàng trong tháng này".

Theo tính toán của nhà đầu tư, nếu trồng 20ha cỏ bàng, sau 5 năm lợi nhuận thu được tương đương 400 triệu đồng - cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay các loại cây khác... Một cơ hội đổi đời cho người dân biên giới Kiên Lương (thu nhập bình quân của mỗi người dân, chủ yếu đồng bào dân tộc Khmer từ 8.000 đồng/ngày trước khi có DA, nay tăng lên 30.000 đồng/ngày).

Tôm lại... dọa sếu

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu gần đây không xuất hiện một con kênh dẫn nước để nuôi tôm đang đe dọa đến vùng DA. Tiến sĩ Trần Triết, Hội Sếu quốc tế bức xúc nói: "Hiện Công ty Hạ Long đang tiến hành đào một con kênh trong vùng DA Bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ để lấy nước phục vụ nuôi tôm. Con kênh này đi ngang qua khu vực bảo vệ trung tâm, nơi có đàn sếu đầu đỏ - loài thú cực quý hiếm có tên trong Sách đỏ quốc tế - trên 40 con đang sinh sống. Việc đào kênh ảnh hưởng đến công tác bảo tồn môi trường tự nhiên của khu vực DA và trực tiếp tác động đến năng suất đồng cỏ bàng".

Theo tiến sĩ Triết, không chỉ mang lại thu nhập cho người nông dân biên giới, cái lớn hơn của DA là bảo tồn được môi trường tự nhiên, bằng chứng rõ nét là sau một năm được bảo vệ, đồng cỏ ở Phú Mỹ đã "giữ chân" trên 40 con sếu đầu đỏ về sinh sống trong mùa khô.

Đáng tiếc là con kênh đang được đào ngang qua khu vực đất của DA (nơi đàn sếu đầu đỏ sinh sống) để phục vụ nuôi tôm. Khi con kênh này đang trong giai đoạn thiết kế, BQLDA đã có ý kiến đến UBND tỉnh Kiên Giang.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã triệu tập ngay cuộc họp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Văn Hà Phong có ý kiến kết luận con kênh sẽ được đào cách kênh Hồ nước 70m (Thông báo số 152/TB-VP ký ngày 18.3.2005).

Ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh đã thỏa mãn yêu cầu của các bên có liên quan: Công ty Hạ Long có nước cho sản xuất, đồng thời tác động tiêu cực đến DA được giới hạn ở mức thấp. Tuy nhiên, chẳng hiểu thế nào mà chỉ đúng 10 ngày sau (Thông báo số 186/TB-VP ngày 28.3.2005), UBND tỉnh Kiên Giang lại thay đổi ý kiến cho phép đào con kênh này cách kênh Hồ nước 500m chứ không phải cách 70m như thông báo trước.

"Một cách giải quyết tiền hậu bất nhất, đáng nói hơn là việc cho phép đào con kênh này trái với nội dung quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thành lập DA, trong đó nêu rõ nghiêm cấm chuyển đổi hình thức sử dụng đất trong khu vực DA và giao quyền quản lý khu vực đất đồng cỏ tự nhiên cho BQLDA. Việc đào kênh ở vị trí hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn sếu đầu đỏ và tính đa dạng sinh học nói chung của khu vực DA, ảnh hưởng đến sự phát triển của đồng cỏ bàng, làm cho việc quản lý vùng lõi của DA thêm khó khăn. Việc đào kênh còn ảnh hưởng đến cam kết của chính quyền địa phương với phía đầu tư nước ngoài về việc thực hiện DA" - tiến sĩ Triết nói.

Tiến sĩ Triết có một đề nghị duy nhất: UBND tỉnh Kiên Giang sớm chỉ đạo dừng ngay việc đào kênh ở vị trí hiện nay và yêu cầu việc đào kênh được thực hiện ở vị trí cách kênh Hồ nước 70m đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh trong Thông báo số 152/TB-VP. Việc đào kênh trong vùng DA như đang diễn ra hiện nay là một việc đáng tiếc, làm tổn thương rất nhiều đến môi trường tự nhiên của khu vực DA cũng như niềm tin của các nhà đầu tư.

Hải Văn

 


Thủy sản ĐBSCL: Bao giờ hết cảnh “đưa củi về rừng”?

Nguồn tin: SGGP, 13/3/2006
Ngày cập nhật: 13/3/2006

Gần 100.000 ha nuôi tôm sú đầu vụ bị thiệt hại. Nguồn tôm nguyên liệu cạn kiệt, các nhà máy chế biến chỉ hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, chu kỳ “khủng hoảng”: thiếu nguyên liệu cá tra, cá basa lại tái diễn, đẩy giá cá tra, cá basa vượt qua ngưỡng 13.500 đồng/kg.

Nông dân sản xuất quy mô nhỏ bị đào thải?

Nguồn tôm nguyên liệu đang khan hiếm ở ĐBSCL.

Mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản đặt ra trong năm 2006 là 2,8 tỷ USD, tăng khoảng 150 triệu USD so với năm 2005. Liệu có thể đạt được mục tiêu này, khi có lúc ngành thủy sản đã “hụt hơi” trước sóng gió thương trường trong thời gian qua. GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang chỉ ra rằng: Phần lớn các doanh nghiệp ở ĐBSCL thích mua hàng trôi nổi, tìm ai bán rẻ nhất thì mua. Nông dân lại thích bán hàng cho thương lái hơn là bán cho doanh nghiệp. Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam mất lòng tin nên ít gắn bó nhau.

Thị trường trong xu hướng hội nhập sẽ là hàng hóa chất lượng cao và đồng nhất; khối lượng lớn; giao hàng cùng một thời điểm; giá cạnh tranh nhất. Nhiều thách thức mà nông dân Việt Nam phải đối diện. Nhiều qui định và điều lệ mới về đăng ký gia nhập và kiểm soát sản phẩm sẽ được áp dụng trong khi nông dân chưa sẵn sàng. Luật Chống khủng bố sinh học có thể làm tăng chi phí điều hành cho các sản phẩm xuất vào Mỹ...

GS.TS. Võ Tòng Xuân cho rằng: Cần phải cải cách cơ chế: quyền sở hữu đất, cấp tín dụng nông thôn, chuyển giao kỹ thuật, kiểm định chất lượng và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, điều tiết sự cạnh tranh và tự do mậu dịch. Làm sao cho nông dân tham gia vào hệ thống sản xuất lớn, có thể trụ vững lâu dài; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nào muốn tham gia. Có phương án tháo lui cho những nông dân sản xuất quy mô nhỏ không trụ được trong hệ thống. Trong quá độ sẽ có nhiều nông dân sản xuất quy mô nhỏ bị đào thải. Muốn đứng vững trong giai đoạn mới, nông dân sản xuất quy mô nhỏ cần có khả năng thích nghi với hệ thống hiện đại.

Chiến lược thị trường và chiến thuật cho kênh phân phối

Câu hỏi được đặt ra: các cấp lãnh đạo ở ĐBSCL cần hành động gì? Cần gắn kết “nhà doanh nghiệp với nhà nông” một cách chặt chẽ để đảm bảo: nhà nông có đầu ra ổn định, nhà doanh nghiệp có nguyên liệu thật đúng chất lượng và ổn định cho kế hoạch sản xuất của mình!

An Giang đã đẩy mạnh hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp để sản xuất cá tra sạch, cá tra sinh thái trên cơ sở đầu tư kỹ thuật và giám sát chất lượng để từ đó truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết. Hiện nay, tình trạng khan hiếm tôm sú nguyên liệu ở ĐBSCL ngày càng gay gắt. Nhiều doanh nghiệp phải nhập tôm sú nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến lại. Cách làm “đưa củi về rừng” này đã bộc lộ những yếu kém về nguyên liệu. ĐBSCL với gần 600.000 ha nuôi tôm có thể nói là nguồn nguyên liệu rất dồi dào, nhưng lại nảy sinh khan hiếm nguyên liệu cục bộ vào thời điểm giáp vụ.

Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam phải có chiến lược phát triển thị trường căn cơ. Cụ thể là nghiên cứu sở thích của người tiêu dùng đối với các sản phẩm an toàn vệ sinh. Theo dõi giá cả cạnh tranh trên thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Thiết kế mẫu mã bao bì và giàn máy sản xuất sản phẩm; quảng cáo và khuyến mãi sản phẩm có chất lượng. Chiến lược này phải gắn chặt với chiến thuật phân phối. Cần bóc tách các sản phẩm từ vùng qui hoạch khỏi các sản phẩm khác trên các quầy hàng siêu thị. Dựng lên những trung tâm phân phối gần vùng sản xuất để tiện ích cho nông dân mang sản phẩm đến. Rút ngắn thời gian từ đồng ruộng đến bàn ăn.

Theo Bộ Thủy sản, mối quan tâm hàng đầu được đặt ra trong năm 2006 là vấn đề cải thiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nếu không làm được điều này thì nguy cơ đe dọa đến sự phát triển bền vững của thủy sản Việt Nam càng gia tăng

Cao Phong

 


Làm giàu không cho riêng mình

Nguồn tin: BCT, 9/3/2006
Ngày cập nhật: 12/3/2006

Gần 30 năm làm cuộc hành trình vượt qua nghèo khó, chị Trịnh Thị Nguyệt ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã tảo tần bằng đủ mọi nghề với không ít cam go trắc trở... Giờ đây gia đình chị trở thành tỉ phú với mô hình ăn nên làm ra có tiếng trong vùng.

NĂM THÁNG LẬN ĐẬN

Con đường từ chợ Rạch Gòi đến nhà chị Tư Nguyệt gồ ghề lởm chởm, cây còng già trước bến nhà chị rũ lá soi mình xuống dòng sông. Cảnh vật đó không mấy gì thay đổi so với 10 năm trước. Nhưng điều làm tôi bất ngờ chính là những đổi thay từ gia đình chị Nguyệt. Căn nhà lá ọp ẹp ngày nào đã biến mất, nhường chỗ cho ngôi nhà tường khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng, với đầy đủ tiện nghi. Cầm tấm ảnh tôi chụp tặng chị thuở hàn vi, chị lặng đi như cố ôn lại ký ức một chặng đường gian nan mà mình đã vượt qua...

Gần 30 năm làm cuộc hành trình vượt qua nghèo khó, chị Trịnh Thị Nguyệt ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã tảo tần bằng đủ mọi nghề với không ít cam go trắc trở... Giờ đây gia đình chị trở thành tỉ phú với mô hình ăn nên làm ra có tiếng trong vùng.

Hơn 31 năm trước, chị là một thôn nữ vừa tròn đôi mươi, đẹp người đẹp nết. Nhiều mối đến dạm hỏi, chị Tư Nguyệt đều lắc đầu bởi đã hứa hôn cùng một du kích ấp. Sau ngày hòa bình, anh du kích ấp Cù Văn Bảy trở về với thương tật 2/4. Một số người không tốt bụng trong xóm được phen xì xầm: “Lấy chồng một giò làm ăn được gì”. Bỏ ngoài tai lời đàm tiếu, chị vẫn nhận lời cầu hôn của anh Bảy. “Làm người sống phải có thủy có chung. Lấy chồng thương tật là thiệt thòi nhưng có trách thì trách chiến tranh, chứ cuộc đời ai muốn mình phải chịu thương tật như vậy”-chị tâm sự.

Mối tình đẹp, cảm động nhưng hạnh phúc ngắn ngủi. Khi vợ chồng chị có một mặt con thì nảy sinh những bất đồng. Hai người không ai nhường ai, vậy là phải chia tay. Xa chồng, chị phải đối diện với chuỗi ngày tháng gập ghềnh; ngày thui thủi ngoài đồng, đêm về lạnh lẽo với nỗi tủi thân. Rồi từ 3 công đất cha mẹ chia phần, chị học theo bà con lập vườn. Trong lúc chờ cây cho trái, chị tảo tần mua gánh bán bưng, rồi nấu rượu nuôi heo; chắt mót từng đồng lo cái ăn, cái mặc cho con. Nhắc chuyện xưa, chị không nén được xúc động: “Trong lúc túng quẫn thằng nhỏ lại bị sốt viêm não. Một tháng nằm viện hết hai chục ngày, một mình tôi chạy vay cùng xóm. Cha nó tới lui thăm, nhưng nhà nghèo cũng không giúp được gì. Xóm giềng đùm bọc, nó mới qua khỏi”.

Vườn quýt cho trái một mùa rồi vàng lá chết dần... Không bó tay, chị chuyển sang trồng rẫy, rồi đi mua lúa chà gạo bán, tối về lại nấu rượu nuôi heo. Những năm 89-90 thấy nhiều người nuôi trăn thu nhập cũng khá, chị tích cóp mua 4 con trăn nái về nuôi, giáp năm trăn đẻ nhưng gặp lúc dội chợ, đành phải bán tháo lấy vốn...

KHỞI SỰ TỪ CON BA BA

Đã nghe nhiều người khẳng định về hiệu quả con ba ba, nhưng chị Tư Nguyệt vẫn phải nhiều phen “tầm sư học đạo”. Khi thấy chắc chắn, chị quyết định dùng hết số vốn sẵn có và vay thêm 3 chỉ vàng để xây hồ, mua 100 con ba ba giống hoa Đài Loan về nuôi. Nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật, nên mới ít hôm đã có 30 con lăn ra chết. Bà con trong xóm thấy vậy cũng xót, một số người thì bảo chị chuyên làm chuyện... tầm phào! Không nản chí, chị khăn gói chạy tìm thuốc chữa bệnh cho ba ba. “Nhờ phước chủ may thầy” mà đàn ba ba đã “nghỉ chết”. Sau hơn một năm chăm sóc, đàn ba ba đạt trọng lượng hơn 1kg/con. Chị Tư Nguyệt tuyển bớt con đực bán lấy tiền chăm sóc cho 14 con cái đẻ. Lứa đầu, chị thu được hơn 300 trứng. Chị mừng như mở cờ trong bụng, nhưng muốn ấp cho ra con thì lại bí về kỹ thuật. Nghe một vài người mách bảo, chị đóng thùng đổ cát cho trứng vào ấp. Ngày thăm, đêm thăm chờ mãi ba ba con không thấy, chỉ thấy trứng ngày một ố vàng, cả 3 lần đều như thế. Tiếp tục đi tìm “thầy” học hỏi nhưng chưa đủ, chị Tư Nguyệt quay về kiếm sách học thêm... Đến một ngày khi mới hửng sáng, đứa con chị chạy ù vào báo tin vui: đàn ba ba con bò lỉnh nghỉnh. “Hồi đó thì vậy, chứ bây giờ nếu trứng ba ba rạ tôi cho nở không dưới 80%” - chị Tư Nguyệt nói đầy tự tin.

Do ba ba là vật nuôi mới, ít ai cho ấp nở thành công, nên lúc ấy giá con giống vài ngày tuổi gần 20.000 đồng/con, ba ba thịt 160.000 đồng/kg. Một tháng ba ba đẻ hai lứa, mỗi lứa một con đẻ đến vài chục trứng. Chỉ có 14 con cái giống mà trong năm đó chị bán hơn 7.000 con ba ba con. Có thu nhập kha khá, chị tiếp tục đầu tư xây hồ, phát triển đàn ba ba. Đến nay, cơ sở của chị có giá trị cả tỉ đồng với 46 cái hồ nuôi; ba ba cái được 500 con, ba ba thịt gần xuất bán 400 con và hơn mười ngàn ba ba loại nhỏ. Mỗi năm, chị bán ra thị trường hơn 10.000 con giống. Ngoài ra, chị còn nuôi 100 con cua đinh, trong đó có 10 con nặng từ 15- 30 kg. Dưới mương vườn, chị cũng đã thả nuôi 5.000 con cá thác lác...

Ở Phụng Hiệp, mấy năm trước phong trào nuôi ba ba phát triển mạnh có lúc lên đến hàng trăm hộ nuôi với số lượng hơn 150.000 con, giá cả bắt đầu thất thường... Thấy được điều này, năm 2001, chị Tư Nguyệt đã lên tận TP Hồ Chí Minh vận động hơn 30 nhà có khuôn viên rộng xây hồ nuôi ba ba. Chị lo cung cấp con giống kỹ thuật nuôi, sản phẩm cung cấp cho thị trường thành phố. Thế là tổ hợp tác nuôi ba ba số 8/8 bis Nguyễn Văn Quỳ, khu vực 1, phường Phú Thứ, quận 7 (TPHCM) ra đời. Từ đó, chị tìm được rất nhiều bạn hàng lớn. Ngoài ra, chị còn thu gom ba ba thương phẩm của bà con trong huyện đưa lên thành phố tiêu thụ...

Chị Tư Nguyệt cho hay: “Bây giờ, đầu ra không có gì phải lo, chỉ sợ ba ba đẻ không kịp, lớn không kịp bán. Mới đây, có một thương lái từ Nhật tìm đến đặt hàng với số lượng hang chục tấn một năm mà tôi không dám nhận, vì không đủ năng lực”. Những người hàng xóm lâu năm như chú Bảy Bụng, ông Năm Tài không tiếc lời khen: “Tư Nguyệt rất tốt bụng. Vừa bán con giống vừa chỉ dẫn kỹ thuật không giấu điều gì. Mỗi khi có xe lấy hàng, nó đi thông báo cho bà con chuẩn bị. Ở đây, biết nuôi ba ba đều nhờ Tư Nguyệt”.

Chị Tư Nguyệt tâm sự: “Mình học nghề chua chát bao nhiêu thì thấu hiểu tâm lý bà con nông dân bấy nhiêu. Biết thì chỉ cho bà con mình cùng làm, chứ giấu giếm mà làm gì, mang tội!”. Ông Tiêu Thanh Long–Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hòa, nhận xét: “Nhiều năm liền chị Tư Nguyệt đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi. Đây là một tấm gương tiêu biểu về ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu và chia sẻ với người khác mà chúng tôi luôn nêu lên trong các cuộc sinh hoạt ở khu dân cư để bà con học hỏi, phấn đấu...”.

HUỲNH VĂN

 


Tiền Giang: Làm giàu từ dây thuốc cá

Nguồn tin: BCT, 10/3/2006
Ngày cập nhật: 12/3/2006

Khoảng 10 năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm sú phát triển mạnh tại các xã ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang, nhất là các xã cù lao như: Phú Tân, Phú Đông, Phú Thạnh (huyện Gò Công Đông). Vì thế, nhu cầu diệt cá tạp trong đầm tôm trước khi xuống giống trở nên rất cấp thiết. Nhiều hộ nuôi tôm ở đây đã diệt cá bằng dây thuốc cá vừa hiệu quả, vừa không ảnh hưởng đến môi trường nước.

Anh Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết: Hiện nay toàn xã có gần 50 hộ trồng cây thuốc cá với diện tích trên dưới 50ha. Anh Nguyễn Văn Bắc ở ấp Bà Từ, thuê đất trồng dây thuốc cá. Năm qua, với diện tích trồng 1,5ha anh thu trên 100 triệu đồng. Giá rễ dây thuốc cá từ 15.000 đồng những năm trước hiện đã tăng lên 30.000đ/kg.

Nguyễn Thanh

 


Hậu Giang: Đầu tư 240 tỉ đồng xây dựng vùng nuôi cá thác lác thương phẩm

Nguồn tin: BCT, 10/3/2006
Ngày cập nhật: 12/3/2006

Ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang vừa hoàn chỉnh đề án xây dựng vùng nuôi cá thác lác thương phẩm chuyên canh trên diện tích 500 ha ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ và TX Vị Thanh với tổng vốn đầu tư từ năm 2006-2010 là 240 tỉ đồng. Theo đó, Hậu Giang sẽ triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi, quy hoạch vùng nuôi cá thương phẩm, hình thành các điểm trình diễn; đầu tư giống, vốn và kỹ thuật cho nông dân.

Theo phân tích của các nhà khoa học: Cá thác lác Hậu Giang có độ thịt dai và chất lượng ngon hơn các vùng khác. Đến nay, tỉnh đã xây dựng xong thương hiệu “cá thác lác Hậu Giang” và phát động nông dân mở rộng diện tích thả nuôi cá thương phẩm được trên 10 ha, bước đầu đạt hiệu quả rất cao.

Ngọc Thiện


Nông trường nuôi tôm Giá Rai phát hiện hơn 100 con rái cá

Nguồn tin: BCT, 12/3/2006
Ngày cập nhật: 12/3/2006

Nông trường nuôi tôm Giá Rai trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu, tọa lạc tại ấp Lam Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, vừa phát hiện ở khu rừng đước này một đàn rái cá có hơn 100 con đang cư trú và sinh sản bầy đàn. Anh Nguyễn Thắng Lợi, phó Giám đốc Nông trường cho biết: Thời gian qua, khi cán bộ nông trường đi kiểm tra rừng thì thường xuyên gặp đàn rái cá này bắt cá, tôm dưới các trục kinh mương. Rái cá trong đàn lớn nhất khoảng 7,8 kg, có hai loại lông xám và đen. Đặc biệt đàn rái cá này thường tìm đến các vuông tôm của các hộ dân lân cận nông trường để săn mồi và có lần tấn công cắn chết một con chó của nông trường. Được biết, do nông trường giữ được hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn nên không chỉ có rái cá đến sinh sản mà rất nhiều rắn hổ đước, mỗi con vài ký trú ngụ dưới tán rừng cùng các loài chim như: chim sen, diệc, chàng bè.

N.H

 


Tỷ phú tôm... trái vụ

Nguồn tin: KHPT, 10/03/2006
Ngày cập nhật: 12/3/2006

Không phải ngẫu nhiên mà người dân Sóc Trăng gọi ông là “Vua tôm”. Giữa lúc người nuôi tôm lao đao, nợ nần đến phá sản thì ông vẫn thu hàng trăm tấn tôm, lời vài tỷ đồng mỗi năm. Điều kỳ diệu hơn nữa là ngay cả thời điểm nghịch vụ được khuyến cáo không nuôi nhưng ông vẫn nuôi thành công. “Công nghệ” ấy ông sẵn sàng chia sẻ với mọi người.

Nuôi 30 hecta, thu 30 tỷ đồng

Cảnh trắng tay, nợ chồng chất rồi bỏ đầm hoang tìm đất mới mưu sinh của những người nuôi tôm cứ diễn ra. Trước bao nỗi buồn chưa nguôi vì con tôm, thì ở Sóc Trăng ông Sáu Cần (Đinh Thiên Cần, ấp Đại Nôn, xã Liễu Tú, Long Phú, Sóc Trăng) vẫn luôn là người thắng lớn với con tôm sú như có “phép lạ” khiến nhiều người nể phục. Với 30 ha đầm nuôi, năm 2005, ông bán trên 280 tấn tôm thu về gần 30 tỷ đồng. Trừ hết chi phí, ông còn lời 7 tỷ đồng. Năm 2000 trở lại đây, vụ tôm nào ông cũng thắng. Đáng nể ông “vua tôm” này là luôn có tôm thu hoạch trong vụ nghịch. Ở thời điểm người dân đang rải vôi, phơi đáy chuẩn bị thả tôm thì con tôm trong đầm của ông bắt đầu được thu hoạch.

Khoảng tháng 3 này, ông Sáu thu hoạch trên 100 tấn tôm thương phẩm, với giá tôm nghịch vụ hiện nay, ông lời chắc vài tỷ đồng. Ông Sáu thành công với con tôm liên tục 5 năm qua. Năm 2000, thả nuôi 6 đầm, thu 32 tấn lời 4,1 tỷ đồng. Ông quyết định tái đầu tư vào cơ sở nuôi tôm theo đúng ý của mình: từ lối đi, bờ ao, mặt đáy đến đầm lắng, hệ thống điện… Và “bí quyết” quan trọng để thành công chính là kinh nghiệm. Bằng kinh nghiệm ấy, ông “vô tư” thả tôm nghịch vụ. Ông Sáu Cần cho biết: “Để có tôm thu hoạch vào khoảng tháng 3, tôi phải thả tôm vào cuối tháng 10 (Âl). Nhiều người sợ vì thời tiết lạnh rủi ro rất cao nhưng biết ý con tôm thì chẳng sợ gì. Tôi không thả tôm theo mùa vụ gì hết mà nuôi được quanh năm”.

Ông Sáu Cần nuôi tôm theo quy mô công nghiệp, thời vụ ông Sáu chọn thả tôm giống là từ 30/10 Âl đến hết tháng 3 năm sau. Khó khăn nhất khi thả vào thời điểm cuối tháng 10 Âl là thời tiết lạnh, không thích ứng với tôm. Với kinh nghiệm của mình, ông Sáu cho rằng, dù thời tiết lạnh nhưng nhiệt độ không thấp. Cách mà ông áp dụng là oxy đáy, kết hợp với lấy nước sâu (tăng mặt nước lên 1,8 m), như vậy độ lạnh ít ảnh hưởng đến con tôm. Bên cạnh đó là chú ý quản lý tốt môi trường, có tình huống lạ giải quyết ngay. Con giống tốt, khỏe cũng là yếu tố để thành công. Ông Sáu phân tích: “Giải quyết tốt nhiệt độ, môi trường, con giống là cơ sở thành công trong vụ nghịch. Đầu tư cho vụ nghịch không cao so với chính vụ nhưng được giá hơn. Nếu rủi ro thất bại 50% vẫn lời hoặc huề chứ không lỗ so với chính vụ. Mặt khác, nếu trái vụ thất bại thì vẫn còn thời gian cải tạo chuẩn bị cho chính vụ”.

Đoạn trường trên đầm Cầm Trâu

Đầm Cầm Trâu hoang vắng và hiu hắt không bóng người. Chỉ có rừng chà là gai, không trồng được lúa nên chẳng ai bám trụ. Đến những năm 1990, Sóc Trăng phát động nuôi tôm, tiền của bỏ ra nhiều nhưng vẫn không hiệu quả. Khi ấy ông Sáu Cần là Bí thư huyện Long Phú, ông trăn trở rồi xung phong vào nuôi tôm với dân nhưng vẫn thất bại. Thua liên tiếp nhưng ông Sáu vẫn khăng khăng là con tôm sú thành công vì hồi nhỏ chính ông từng thấy tôm sú và bắt được nhiều trên vùng đất này.

Ông lặn lội ra tới miền Trung rồi ngược xuống Bạc Liêu, Cà Mau học tập mô hình nhưng ông vẫn chưa ưng ý. Đến năm 1999, ông học được kinh nghiệm của người Thái Lan rồi thử nghiệm ngay trên đất nhà. Vụ tôm đầu chết gần hết, ông thả vụ tiếp nhưng cũng mất trắng. Gia sản của vị Bí thư huyện không có gì giá trị ngoài căn nhà vách gỗ và ao tôm giữa đồng hoang. Ấy vậy mà ông vẫn chưa từ bỏ ý định, tiếp tục thả nuôi nhỏ. Cái tính “sắc đá” của ông khiến vợ muốn bỏ mặc nhưng không thể không ủng hộ vì ông quá nhiệt tình với con tôm.

Ông Sáu nhớ lại: “Đem con tôm về đầm hoang này tôi hiểu đoạn trường phải qua nhưng là lãnh đạo mình phải tiên phong để dân tin. Nuôi thất bại hoài, nhiều lần trong nhà hết tiền đong gạo. Tôi ngồi rơi nước mắt khi anh đại lý bán thức ăn không dám bán thiếu cho nhà tôi vì sợ không tiền trả dù lúc ấy tôi là bí thư của huyện”. Bầm dập với con tôm từ vụ này sang vụ khác, cuối cùng ông quyết định thế chấp nhà đất nuôi lứa cuối vào năm 2000. Đó là lần ông thành công với 8 tấn tôm bán được 1,1 tỷ đồng. Nhận ra quy trình của mình đúng, ông quyết định cải tạo ao nuôi tiếp, rồi lại thắng đậm. Theo quy trình đó, từ năm 2000 đến nay ông Sáu Cần luôn thành công với doanh thu hàng năm không dưới 20 tỷ đồng.

Là người duy nhất trên đất Cầm Trâu nuôi tôm thắng lợi, ông bắt đầu chỉ dẫn và chia sẻ kinh nghiệm ấy cho người dân trong vùng. Ông nói vui, “nhiều lúc chỉ dân nuôi tôm mà về nhà ngủ không được. Chỉ hết mình nhưng sợ dân nuôi sơ suất thất bại thì có lỗi lớn”. Đích thân ông và cho người qua hướng dẫn kỹ thuật để dân làm theo, nhiều người tin tưởng nên thắng lớn. Ngay trên mảnh đất Cầm Trâu này, ông đã giúp đào ao, đưa thức ăn, con giống cho gần 40 gia đình nghèo nuôi tôm trị giá hàng tỷ đồng. Nhiều hộ vươn lên làm giàu và đầu tư theo nghề tôm khiến đầm Cầm Trâu mênh mông hoang vắng giờ đây thành vùng nuôi tôm công nghiệp lớn. Về Sóc Trăng ai cũng biết “vua tôm” Sáu Cần nuôi tôm theo ý muốn. Điều đáng quý hơn cả là ông Sáu Cần sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quý giá đó cho những ai muốn nuôi tôm.

THANH TÂM

 


Thuỷ sản và nông nghiệp phối hợp... nuôi cá song

Nguồn tin: LD, 11/3/2006
Ngày cập nhật: 11/3/2006

Đây là nội dung của Chương trình phối hợp hoạt động năm 2006 giữa Bộ Thuỷ sản và Hội Nông dân VN, được ký kết ngày 10.3.

Với chương trình này, ngành thuỷ sản sẽ tạo điều kiện cho Hội Nông dân VN tham gia vào chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2010 như xây dựng mô hình nuôi cá song thương phẩm trong các eo vịnh trên biển, chuyển giao công nghệ sản xuất cua giống quy mô hộ tại các tỉnh ven biển và nuôi cá rô phi thương phẩm trong lồng bè tại các tỉnh trung du, miền núi phía bắc.

Bình Nguyên

 


Những “xóm nhà giàu” ngày ấy...

Nguồn tin: NLĐ, 8/3/2006
Ngày cập nhật: 11/3/2006

8 ha vuông tôm đang bỏ hoang của bà Nguyễn Thị Nam (ấp Vĩnh Thành, Vĩnh Mỹ A) Sau khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa, mía sang nuôi tôm, vùng bán đảo Cà Mau xuất hiện những “xóm nhà giàu” mới, nhưng bây giờ những xóm ấy rất tiêu điều

Chủ tịch UBND xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau, ông Lương Vinh Quang, có trí nhớ kỳ lạ, nói chuyện sản xuất thao thao không cần giở sổ sách. Nhắc đến vụ phá mía nuôi tôm, ông Quang giận dữ: “Vùng này chuyên trồng mía, đâu có ai cho nuôi tôm. Nhưng cuối năm 2005, khi đi điều tra 3.318 ha đất trồng mía, lúa của xã thì có tới hơn 1.200 ha đã biến thành vuông tôm”.

Nghèo vì nuôi tôm quảng canh

Trí Phải là một trong những xã điển hình nuôi tôm quảng canh nhưng nghèo mạt của tỉnh Cà Mau. Sau 5 năm phá mía nuôi tôm, hiện nay dân xã Trí Phải nợ các ngân hàng... 60 tỉ đồng, đó là chưa kể những khoản nợ từ các nguồn quỹ của đoàn thể trong khi ngân sách xã thu mỗi năm chưa được 1,2 tỉ đồng. Ông La Trung Trực, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, ngán ngẩm: “ Ở xã này 10 nhà như một. Đêm đặt lú (một dụng cụ bắt tôm) xuống vuông, sáng bắt được vài ký tôm mang ra chợ bán được vài trăm ngàn đồng là ăn xài, mua sắm xả láng. Mới nhìn vào tưởng mức sống họ cao nhưng thực tế nợ gốc không thể thanh toán nổi”. Không riêng gì Trí Phải mà ở bất kỳ đâu trên bán đảo Cà Mau, nơi nào có nuôi tôm quảng canh là nơi đó có cảnh sáng sáng những anh “hai tôm” bán tôm nhậu xả láng trong khi nợ ngân hàng còn nguyên không trả được một đồng. Ở ấp 6, xã Trí Phải, nhiều nông dân ngồi buồn hiu chờ thời bên những đầm tôm nuôi quảng canh, nơi cách đây mấy năm còn là ruộng mía. Kéo mấy chiếc lú đặt dưới đầm lên nhưng không có con tôm nào, ông Nguyễn Út Lớn cười méo xẹo: “Ba năm nay tôm thất quá, nợ ngân hàng có 20 triệu đồng mà trả không nổi”. Ông Út Lớn và những người dân ấp 6 than, vừa rồi họ muốn phá vuông tôm lên liếp trồng mía trở lại nhưng khi hỏi các nhà khoa học mới biết: Phải mất ít nhất 3 năm mới có thể tẩy rửa phần nào đất nhiễm mặn để khôi phục nghề trồng mía. Ai nấy đều lưỡng lự không biết tính sao bởi hiện nay nợ quá hạn chưa trả được, ngân hàng không tiếp tục cho vay vốn khôi phục nghề trồng mía và trong 3 năm chờ cải tạo đất nếu không có kế sinh nhai thì... đói là cái chắc.

Mạt vì nuôi tôm công nghiệp

Những ngày ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu chúng tôi nghe kể khá nhiều về những “xóm nhà giàu” nay đang nghèo mạt vì con tôm. Sóc Trăng có Gia Hòa, Hòa Tú (huyện Mỹ Xuyên); Cà Mau có Tân Duyệt, Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi), Tân Hải (huyện Phú Tân), Lương Thế Trân (huyện Cái Nước); Bạc Liêu có Vĩnh Hậu, Vĩnh Mỹ (huyện Hòa Bình)... Danh sách những “xóm nhà giàu” ngày xưa giờ lâm cảnh túng bấn hoang tàn, thanh niên trai tráng bỏ quê tha phương cầu thực khắp nơi ngày càng dài ra. Nhưng chung quy lại thì hầu như cư dân những xóm này đều được các ngân hàng phong danh hiệu “chúa Chổm”. Nhiều nơi như xã Tân Hải thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 400 triệu đồng nhưng dân trong xã nợ ngân hàng đến 22 tỉ đồng vì nuôi tôm; dân Vĩnh Hậu A ( Hòa Bình, Bạc Liêu) nợ đến 57 tỉ đồng, trong đó có hơn 14 tỉ đồng khó thu hồi...

Hôm vào ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Mỹ A ( Hòa Bình, Bạc Liêu), chúng tôi được UBND xã giới thiệu nơi đây ngày xưa là xóm nhà giàu, đời sống khá sung túc dù chỉ làm lúa mỗi năm một vụ kết hợp trồng rẫy, chăn nuôi. Nhưng bây giờ, con đường bê tông từ UBND xã vào ấp dài chừng 5 km bể nát mà trưởng ấp Phạm Văn Tâm nói rằng phải chờ UBND xã cấp kinh phí sửa chữa vì không thể vận động dân đóng góp. Sau 5 năm nuôi tôm công nghiệp, dân xã Vĩnh Mỹ A trở nên nổi tiếng toàn tỉnh Bạc Liêu vì nợ ngân hàng hơn 46 tỉ đồng và 167 hộ dân ở ấp Vĩnh Thành nợ 3,6 tỉ đồng, chưa ai trả được đồng nào. Lúc đi cùng ông Tâm vào xóm, tôi ngạc nhiên vì chỉ gặp người già và trẻ em nhưng nhà nào cũng vội vàng khép cửa khi thấy khách lạ. Hóa ra, ai cũng tưởng trưởng ấp Tâm dẫn người của ngân hàng đi đòi nợ nên tránh mặt. Ông Tâm và tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Nam, đang nợ hơn 300 triệu đồng vì nuôi 8 ha tôm, trong đó có 220 triệu đồng nợ ngân hàng. Vừa bước chân vào nhà (căn nhà trống hoác, gom hết mọi tài sản trong nhà bán chắc cũng chưa đến 1 triệu đồng), chúng tôi thoáng thấy bà Nam tái xanh mặt mày. Dẫn tôi ra xem vuông tôm, bà Nam vừa đi vừa khóc tấm tức, nói rằng bà cũng muốn trả hết nợ cho ngân hàng nhưng mấy năm nay tôm giống thả bao nhiêu chết hết bấy nhiêu, bây giờ đầm tôm của bà đang bỏ hoang. Mấy ngày Tết vừa rồi bà cùng các con phải bồng bế nhau chạy về quê ngoại ở Cây Gừa (huyện Đông Hải) để trốn nợ. Trưởng ấp Tâm không giấu sự thất vọng: “Hồi trồng lúa chưa năm nào bi đát như vầy. Nuôi tôm mới có mấy năm mà nhà nào cũng nợ ngập đầu, chạy gạo ăn từng bữa, hơn 80 % thanhniên trai tráng trong ấp phải trôi dạt lên Cần Thơ, TPHCM làm thuê làm mướn kiếm sống. Nuôi tôm công nghiệp siêu lợi nhuận đâu chẵng thấy, chỉ toàn là thấy siêu...rủi ro"

Hùng Anh

 


Chuyện ông tỉ phú giám đốc sở

Nguồn tin: NLĐ, 10/3/2006
Ngày cập nhật: 11/3/2006

Đảng viên “tỉ phú tôm” Đinh Thiên Cần: “Tui luôn ủng hộ đảng viên làm giàu chân chính”

Dưới ánh nắng chiều gay gắt, ông Sáu Cần phơi đầu trần dẫn tôi lội bộ giữa trang trại nuôi tôm, bày tỏ nỗi lòng: “Tui luôn ủng hộ chuyện đảng viên làm giàu chân chính.

Suy cho cùng, đảng viên cũng phải lo chuyện cơm áo, gạo tiền cho gia đình, vợ con. Nếu đảng viên nghèo khó, thiếu thốn thì khi đi vận động dân làm giàu, nói ai nghe?”

Năm năm trở lại đây tiếng tăm “vua tôm”, Sáu Cần (Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Sóc Trăng) vang khắp bán đảo Cà Mau.

Nói đến “vua tôm” Sáu Cần (Đinh Thiên Cần, xã Liêu Tú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là dân Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nhớ ngay đến một sự kiện: Năm 2000, khi xổ 2 ha vuông tôm, ông Sáu Cần thu hoạch hơn 8 tấn tôm thương phẩm, bán hơn 1 tỉ đồng khiến người đổ về Liêu Tú xem bắt tôm đông như trẩy hội.

“Ông già đa hệ”

Thú thật, khi đặt chân vào dinh cơ của ông Sáu Cần nằm ven Tỉnh lộ 8 (đường từ Mỹ Xuyên đi cảng Trần Đề) tôi có cảm giác ông Sáu này thích chơi nổi, phô trương: sân kiểng mênh mông đắp nổi 2 con rồng thật lớn, hồ thủy tạ, xe Toyota đời mới đen bóng đậu chình ình cạnh căn nhà to như một tòa lâu đài. Nhưng khi nói chuyện với khách, người đàn ông 55 tuổi tướng tá phương phi, chân đi cà nhắc này chẳng có vẻ gì là “nổ bốp trời” như lời thiên hạ đồn đại mà hiện nguyên hình một ông nông dân Nam Bộ phóng khoáng, chịu chơi, lòng dạ thẳng băng như ngọn lá dừa nước vươn lên giữa trời. Nhắc chuyện làm ăn, ông Sáu cười ha hả: “Người ta nói tui tham nhũng nên mới giàu có như vầy, chú em tin không? Nhưng tui nói thiệt, người nghèo tiếng nói không có trọng lượng nên tui quyết chí làm giàu. Khối tài sản này gia đình tui làm cật lực gần 20 năm nay mới có được chớ đâu phải ở trên trời rơi xuống ?”.

Dân Liêu Tú còn nhớ như in chuyện hồi những năm 1977- 1978 đầy khó khăn mà ông Sáu Cần đã dám đi vay mượn, gom góp vốn mua bò về đầu tư nuôi ăn chia: giao bò mẹ cho người nhận khoán, bò con bán chia đôi. Sau phi vụ nuôi bò, ông Sáu gom vốn nuôi hàng chục con heo nái, rồi nuôi vịt đàn hàng chục ngàn con/đợt. Cứ “lấy ngắn nuôi dài”, vợ chồng ông Sáu Cần ki cóp mua được xe ủi, máy đào đất, máy cày, xe tải tung ra đi làm thuê khắp nơi. Năm 1993, lúc giữ chức Bí thư Huyện ủy Long Phú, ông Sáu Cần học nghề nuôi tôm. Sau nhiều lần trắng tay vì con tôm sú, mãi đến năm 2000 ông Sáu Cần mới thành danh trong nghề tôm. Tuy nhiên, cho đến khi đã là “tỉ phú tôm” thì ông Sáu vẫn áp dụng giải pháp kinh doanh đa dạng: Vừa nuôi tôm vừa mở cây xăng, kinh doanh các ngành nghề liên quan đến con tôm, nhà máy nước đá, mở trang trại nuôi dê, nuôi bò... Chính vì vậy mà lâu nay dân trong vùng đặt cho ông Sáu Cần biệt danh “ ông già đa hệ”, chuyện gì cũng làm miễn là kiếm được đồng tiền một cách chính đáng.

Nhắc đến chuyện nuôi tôm, “ông già đa hệ” tự lái xe gắn máy chở tôi ra trang trại tôm của ông ở ấp Tổng Cán (xã Liêu Tú), kề bên cửa sông Mỹ Thanh.

Không thể tin cánh đồng năn Tổng Cán đầy ô rô, cóc kèn, gai chà là, dừa nước quanh năm nhiễm mặn, hoang hóa ngày xưa bây giờ lại là mảnh đất hái ra tiền với những vuông tôm san sát nhau. “Cả trang trại này người ta trả 20 tỉ đồng nhưng tui chưa bán, ông Sáu Cần rỉ rả nói. VậY MÀ CÁI TRANG TRạI TÔM Đồ Sộ CủA ÔNG CÓ VốN ĐầU TƯ BAN ĐầU CHƯA đến 30 triệu đồng. Thấy tôi hoài nghi, ông Sáu cười: “Không tin hả, để tui kể chú nghe, gian truân lắm chứ không phải chuyện chơi”.

Học nghề để trở thành “vua tôm”

Hồi đó đất vùng này rẻ như bèo, bà con bán 50.000 đồng- 100.000 đồng/1.000 m2 mà không ai mua, nên ông Sáu nghe ai kêu bán cũng hối vợ đi mua... để đó. Năm 1995, ông tập trung xe máy đào ao nuôi tôm nhưng thất bát triền miên nên hễ rảnh rỗi là ông khăn gói đi khắp nơi học nghề. Đến đầu năm 2000, vào vụ thu hoạch mọi người đều bất ngờ: Hai hecta mặt nước ông Sáu thu được 8,1 tấn tôm thương phẩm, bán với giá 180.000 đồng/kg, bỏ túi hơn 1 tỉ đồng. Ngay sau đó, ông Sáu cho cải tạo 12 ao thả tôm giống và thu hoạch được 32 tấn tôm thịt, bán 4,1 tỉ đồng. Những ngày ông Sáu thu hoạch tôm, người từ khắp nơi đổ về Liêu Tú xem đông như đi hội.

Mấy năm nay “vua tôm” Sáu Cần nổi tiếng nhờ phương pháp nuôi tôm rải vụ, lúc thiên hạ không còn con tôm nào bán trong khi giá tôm tăng vùn vụt thì ông tà tà xổ vuông, hốt bạc. Ngồi khề khà ly rượu đế với rổ tôm luộc đỏ au giữa trại tôm lộng gió bàn chuyện “thời sự” đảng viên được làm kinh tế hay không, “vua tôm” Sáu Cần nói thẳng: “Tui luôn ủng hộ chuyện đảng viên làm giàu chân chính, người đảng viên phải biết làm giàu và phải giàu có như người dân.

Nhớ hồi ông Sáu Cần làm bí thư Huyện ủy, chứng kiến cảnh đảng viên vì quá nghèo phải đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt Đảng nên bị khai trừ, đích thân ông Sáu đã đến ngân hàng dùng uy tín vay vốn tín chấp 500 triệu đồng về xét cho những đảng viên quá khó khăn vay làm kinh tế, cải thiện đời sống. Bây giờ ngồi nhớ lại những chuyện đó, ông Sáu cười khà khà: “Hồi đó vừa làm vừa run, nhưng chẳng thấy Thường vụ Tỉnh ủy nói năng gì, chắc là mình làm đúng”.

Hùng Anh


Cà Mau: Sản lượng khai thác thủy sản đạt 39.000 tấn

Nguồn tin: BCT, 10/3/2006
Ngày cập nhật: 11/3/2006

Hai tháng đầu năm nay, tỉnh Cà Mau khai thác thủy sản đạt sản lượng 39.000 tấn các loại (có 9.200 tấn tôm), tương đương so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển 23.000 tấn và nuôi trồng 16.000 tấn.

Thời tiết khá thuận lợi, giá nhiên liệu tương đối ổn định, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản biển tăng, một số cơ sở hậu cần dịch vụ phục vụ nghề cá xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động đã tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi khai thác đánh bắt đạt hiệu quả. Đối với nuôi trồng thủy sản, ngoài những khó khăn về tôm nuôi bị chết trên diện rộng do tác động bất lợi của các yếu tố môi trường và con giống, tôm nuôi công nghiệp cho thu hoạch, năng suất bình quân 2,5 - 4,6 tấn/ha, kích cỡ trên dưới 30 con/kg, góp phần cải thiện tình hình khan hiếm nguyên liệu cho nhà máy chế biến xuất khẩu.

Ngoài ra, một số địa phương vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau phát triển mạnh nuôi cá chình, bống tượng, cá thác lác, cườm, cá lóc, cá rô đồng...

LÊ HUY HẢI

 


Đồng Tháp: Mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 510 ha

Nguồn tin: BCT, 10/3/2006
Ngày cập nhật: 11/3/2006

Tôm càng xanh hiện là thế mạnh kinh tế thứ hai trong nuôi trồng thủy sản của Đồng Tháp. Hiện tỉnh đang đầu tư mạnh hạ tầng kỹ thuật giúp nông dân mở rộng diện tích phát triển nghề nuôi tôm càng xanh. Tại huyện Cao Lãnh, nông dân thu hoạch vụ tôm 2005-2006 đạt năng suất từ 1,2 đến 1,5 tấn 1ha với giá bán dao động từ 85.000 đến 90.000 đồng 1kg, sau khi trừ chi phí lãi trên 40 triệu đồng.

Ở các huyện khác như: Lấp Vò, Tam Nông, Thanh Bình mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa cũng cho thu nhập từ 30 đến 70 triệu đồng 1 ha, cao hơn từ 6 đến 10 lần so với trồng lúa.

Đồng Tháp đang có kế hoạch đầu tư sản xuất tôm giống, tập huấn kỹ thuật giúp nông dân mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh thêm 260ha, nâng tổng diện tích lên 510 ha trong năm 2006 này, góp phần đưa tỷ trọng thủy sản lên 31% trong cơ cấu nông, lâm, thủy sản của tỉnh.

TRANG NHÃ

 


Khai thác nguồn nước lạnh nuôi cá hồi vân ở Sa Pa

Nguồn tin: ND, 9/3/2006
Ngày cập nhật: 10/3/2006

Bây giờ lên Sa Pa, ngoài tận hưởng khí hậu mát mẻ, trong lành cùng với những sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, du khách còn được thưởng thức món cá hồi duy nhất có ở Việt Nam.

Con cá hồi vân vốn chỉ có ở vùng nước lạnh các nước Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy, Thụy Ðiển..., giờ đã có mặt ở Sa Pa. Thạc sĩ Nguyễn Văn Thìn, phụ trách Trại ương giống cá hồi Sa Pa cho biết: Ðầu năm 2005, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Thủy sản) nhập 50.000 trứng cá hồi Vân từ Phần Lan về khảo nghiệm tại trại cá Sa Pa, tỷ lệ trứng nở đạt 95%. Trại cá chuyển giao 14.000 con cá giống đủ tiêu chuẩn cho Công ty TNHH Thiên Hà (thành phố Lào Cai) nuôi thương phẩm tại xã Bản Khoang (Sa Pa). Sau một năm nuôi, cá đạt trọng lượng từ một đến 1,5 kg/con, giá bán tại thị trường Lào Cai từ 140.000 đến 180.000 đồng/kg. Hiện tại, Công ty Thiên Hà có khoảng 10 tấn cá hồi thương phẩm cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn ở Sa Pa và thành phố Lào Cai. Trong dịp Tết Bính Tuất vừa qua, cá hồi Vân đã có mặt ở một số siêu thị ở Hà Nội, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thịt cá hồi mầu đỏ cà-rốt, không có xương dăm, tỷ lệ thịt phi lê hơn 80%, có hàm lượng lớn chất béo, đạm và đặc biệt là a-xít béo không no (omega 3). Thịt cá hồi nạc, ngọt đậm, thơm, được người ăn ưa thích.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thìn cho biết thêm: Nuôi cá hồi rất khó, đòi hỏi điều kiện khắt khe, nguồn nước luôn ở nhiệt độ thấp dưới 20oC, phải có dòng chảy, độ ô-xy hòa tan cao. Với điều kiện tự nhiên nằm ở độ cao gần 2.000 m so với mặt biển, nguồn nước lạnh, sạch nên cá hồi Vân ở Sa Pa phát triển rất tốt, tỷ lệ chết thấp, cá lớn nhanh, chất lượng thịt ngon như giống gốc. Theo đánh giá của nhóm chuyên gia Phần Lan thì đây là một dự án thành công, một cách làm hay của ngành nông nghiệp Lào Cai trong việc khai thác lợi thế tự nhiên, tạo nên hiệu quả kinh tế cao.

Từ thành công trên, vừa qua, Bộ Thủy sản đã quyết định đầu tư 8,6 tỷ đồng để mở rộng và nâng cao năng lực ương nuôi cá giống, tiến tới cho cá hồi Vân đẻ tại chỗ, không phải nhập trứng về ương như hiện nay để giảm giá thành đầu vào. Năm 2006, trại nuôi cá nước lạnh Sa Pa sẽ nhập khoảng 110 nghìn trứng cá hồi vân từ Phần Lan để ương tạo con giống cung cấp cho các cơ sở nuôi thương phẩm trong toàn tỉnh. Hiện nay, trại đang có hơn 10 nghìn con cá hồi cái, trọng lượng hơn 1 kg/con, từ số cá này sẽ lọc ra khoảng 3.000 con tốt nhất để gây thành cá mẹ cho đẻ. Với 1.185 ha mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản, trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2005 - 2010, Lào Cai xác định cùng với cây chè, ngô, đậu tương hàng hóa và chăn nuôi gia súc thì nuôi trồng thủy sản là một mũi đột phá để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác. Trong năm năm qua (2001 - 2005), nông dân các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi hơn 200 ha ruộng trũng thành ao để nuôi cá rô phi đơn tính, tôm càng xanh, ếch Thái-lan... giúp nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn trở nên giàu có, như gia đình ông Hoàng A Sỉ, dân tộc Giáy ở Cốc San (Bát Xát), ông Vạn Quý Minh, dân tộc Dao ở xã Cốc Lầu (Bắc Hà) thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá, tôm càng xanh. Ngoài phát triển nuôi cá hồi, mở ra một hướng khai thác nguồn nước lạnh tự nhiên sẵn có ở vùng cao để góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào, tỉnh Lào Cai đã phối hợp thành phố Hải Phòng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng trại cá giống Phú Nhuận để bảo đảm cung ứng nguồn cá giống chất lượng tốt, sạch bệnh cho nhân dân vùng thấp nuôi cá thông thường, tạo nguồn thu nâng cao đời sống.

Từ thành công của con cá hồi vân ở Sa Pa, Trung tâm nghiên cứu, phát triển thủy sản Lào Cai đang xúc tiến kế hoạch nuôi cá hồi Vân tại các địa bàn vùng núi cao có khí hậu lạnh như Bát Xát, Bắc Hà..., giúp đồng bào các dân tộc vùng cao xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

QUỐC HỒNG

 


Bi kịch vùng nuôi tôm: Cứu hộ “mỏ tôm”

Nguồn tin: NLD, 9/3/2006
Ngày cập nhật: 10/3/2006

Như con bạc khát nước, càng thua càng gỡ, hễ có trong tay đồng nào là nông dân lại mua tôm giống ném xuống ao, bất chấp mọi rủi ro, thiệt hại

Hiện nay, chính quyền các xã ở bán đảo Cà Mau đang có một điểm chung: Đề nghị ngân hàng khoanh nợ, xóa nợ cho nông dân. Tuy nhiên, đó là điều không tưởng bởi “rủi ro trong nuôi tôm không thuộc trường hợp thiên tai, địch họa trên diện rộng nên Chính phủ không thể khoanh nợ, xóa nợ cho người nuôi tôm” - ông Trần Kỳ Lộc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cà Mau, khẳng định. Vậy, làm gì để cứu “mỏ tôm” Cà Mau thoát khỏi tình trạng đất đai bỏ hoang, còn người thì bồng bế nhau tha phương cầu thực để vừa kiếm miếng ăn vừa đi trốn nợ?

Nông dân hợp tác với nông dân

Có một thực tế không thể phủ nhận ở bán đảo Cà Mau: Ở nhiều nơi, dân nuôi tôm lại muốn “bỏ mặn tìm ngọt”, tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” tái diễn. Tuy nhiên, hiện nay bán đảo Cà Mau đã được Chính phủ quy hoạch thành 1 trong 5 vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước, nông dân Cà Mau không thể tùy tiện phá vỡ quy hoạch một lần nữa mà phải chấp nhận “chung sống với nước mặn” để nuôi tôm. Nhưng, mô hình nào cho cư dân bán đảo Cà Mau nuôi tôm bền vững, ít rủi ro, giảm thiểu thiệt hại? Theo sở thủy sản các tỉnh trong khu vực, mô hình tổ hợp tác nuôi tôm như ở Bình Đại, Bến Tre có vẻ phù hợp với điều kiện của bán đảo Cà Mau.

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, cho rằng ở bán đảo Cà Mau phần lớn diện tích nuôi tôm theo kiểu quảng canh nên mô hình tổ hợp tác nếu gắn kết được doanh nghiệp và vùng nguyên liệu thì có khả năng thành công. Thời gian qua, ở những vùng nuôi tôm quảng canh lớn của Cà Mau như Năm Căn, Ngọc Hiển... đã có các mô hình tổ hợp tác nuôi tôm tuy quy mô nhỏ nhưng khá thành công: Nông dân tự sản xuất trong ao, vuông của mình nhưng phải tuyệt đối tuân thủ quy trình kỹ thuật chung (GAP), thường xuyên trao đổi kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến, đồng thời tự giác kiểm soát việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm. Các doanh nghiệp sẵn sàng thu mua toàn bộ sản phẩm của các tổ hợp tác tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất tôm sạch. Ông Đức đưa ra ý tưởng: Muốn giảm thiểu thiệt hại thì phải chấm dứt ngay tình trạng nuôi tôm nối vụ, thực hiện nuôi tôm cắt vụ. Theo ông Đức, nuôi tôm cắt vụ (ngưng 4 - 5 tháng trong năm) sẽ giúp nông dân có thời gian xử lý nguồn nước, mầm bệnh tồn lưu một cách triệt để. Tuy nhiên, mô hình này có điều bất tiện là trong khoảng thời gian cắt vụ, người nuôi tôm không có nguồn thu nhập khác để sinh sống.

Tại Bạc Liêu, ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản, cho biết tỉnh đang rất chú ý mô hình hợp tác nuôi tôm và ráo riết chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai mô hình này trong dân vì đây là mô hình bền vững, mức độ rủi ro, thiệt hại thấp. Ông Giang bày tỏ: “Nhiều hộ nuôi tôm thất bại do không đầu tư đến nơi đến chốn vì thiếu vốn. Liên kết sản xuất sẽ giúp giảm chi phí, có sự hợp tác chặt chẽ trong việc kiểm soát các mầm bệnh, nguồn lây bệnh và những rủi ro”. Theo ông Giang, hiện nay các cán bộ của Sở Thủy sản Bạc Liêu đã bước đầu thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết nuôi tôm để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn.

Trong khi đó ở huyện Hòa Bình, nhiều nông dân rất muốn xây dựng mô hình hợp tác nuôi tôm nhưng lại sợ rơi vào “vết xe đổ” của phong trào HTX, tập đoàn sản xuất trước đây và quan trọng hơn là chưa có ai đứng ra làm đầu tàu.

Nông dân hợp tác với doanh nghiệp

Ở bán đảo Cà Mau, nói đến nuôi tôm sú ai cũng biết tiếng “vua tôm” Sáu Cần ở Long Phú, Sóc Trăng. Vốn mạnh, có trong tay đội ngũ kỹ sư thủy sản lành nghề nên trong lúc nhiều người thất điên bát đảo vì nuôi tôm thì ông Sáu Cần trúng tôm dài dài nhờ phương pháp nuôi rải vụ. Nhưng ông Sáu Cần nói rằng, phương pháp nuôi tôm rải vụ không dành cho người có đất ít, vốn liếng eo hẹp. Theo ông Cần, hiện nay những hộ nông dân ít đất có thể cho các doanh nghiệp thuê (hoặc nông dân lấy đất làm vốn hùn với doanh nghiệp nuôi tôm theo mô hình công ty cổ phần), người dân không mất đất mà còn có cơ hội quay trở lại làm công nhân trên vuông tôm của mình.

Ông Phạm Văn Đức cũng tán thành việc nông dân mang đất làm vốn hùn nuôi tôm với doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê lại đất. Tuy nhiên, nông dân cũng phải có thiện chí hợp tác theo kiểu đôi bên cùng có lợi thay vì bỏ đất hoang. Ông Đức dẫn chứng: Mới đây, DNTN Chế biến thủy sản Minh Phú của Cà Mau thấy nông dân nuôi tôm thất bát bỏ đất trống nên đi thuê đất của dân để xây dựng vùng nuôi tôm nguyên liệu. Nhưng điều mà doanh nghiệp này không lường được là nhiều nông dân rất “chảnh”: Thà bỏ đất hoang chứ cho doanh nghiệp thuê là phải ép giá cao. Hiện tại giá cho thuê đất nuôi tôm loại tốt ở Cà Mau khoảng 8.000 đồng/m2/năm nhưng nhiều nông dân đòi gấp 3 - 4 lần giá trị thực. Kết quả là Minh Phú phải chạy sang Kiên Giang thuê 300 ha để xây dựng vùng nuôi tôm nguyên liệu. Theo ông Đức, thái độ bất hợp tác của nông dân chính là cản ngại lớn nhất trong quá trình xúc tiến thực hiện mô hình công ty cổ phần hoặc tổ hợp tác nuôi tôm và đó cũng là trở ngại cần phá vỡ trước tiên nếu muốn thay đổi cung cách sản xuất để cứu bán đảo Cà Mau khỏi viễn cảnh “đất chết” do hoang hóa, nhiễm mặn.

Mô hình tổ hợp tác nuôi tôm ở Bến Tre hình thành từ năm 2001 ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Ban đầu chỉ có vài hộ nông dân tham gia hùn 16 ha đất nuôi tôm với các kỹ sư của Sở Thủy sản Bến Tre. Đến hết năm 2005, toàn tỉnh Bến Tre có 108 tổ hợp tác nuôi tôm trên diện tích 6.500 ha.

HÙNG ANH

 


DN đóng góp trên 500.000 USD đối phó với vụ kiện tôm

Nguồn tin: NLĐ, 9/3/2006
Ngày cập nhật: 10/3/2006

 


“Vương quốc tôm càng xanh” Thoại Sơn (An giang) chuẩn bị vụ tôm mới

Nguồn tin: WPY, 6/3/2006
Ngày cập nhật: 9/3/2006

Khi nhắc đến “Vương quốc tôm càng xanh” ai cũng biết ngay đó là xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn). Vào mùa này, nông dân Phú Thuận đang tranh thủ gặt hết những hạt lúa no tròn để bắt tay vào chuẩn bị vụ tôm mới với một tương lai đầy hứa hẹn.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Thoại Sơn, đến nay, toàn huyện đã thu hoạch dứt điểm vụ nuôi tôm càng xanh chính vụ với diện tích 480,3 ha với 320 hộ thả nuôi trên 48,2 triệu con giống, năng suất đạt từ 0,8 đến 1,2 tấn/ha. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Phú Thuận trên 375 ha với 196 hộ nuôi; Vĩnh Chánh 87 ha với 26 hộ nuôi; Phú Hòa 3,3 ha; Vĩnh Khánh 3,2 ha; Vĩnh Trạch 2,2 ha… Theo đánh giá của bà con nuôi tôm, tôm năm nay có giá so năm trước, mặc dù chi phí sản xuất cao nhưng vẫn có lãi. Trung bình 1 ha tôm nếu như năm 2004 giá chỉ 65.000 đồng/kg thì năm 2005 tăng lên 85.000 đồng/kg. Như vậy, cứ trung bình 1 ha nuôi tôm thu hoạch được 1 tấn tôm cho thu nhập 85 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân còn lãi 35 triệu đồng/ha.

Anh Trương Văn Khai, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã có 2.468 ha thì trong đó diện tích nuôi tôm càng xanh đã chiếm trên 375 ha. Nếu như trong năm 2004, diện tích nuôi tôm 315 ha do 183 hộ nuôi thì đến năm 2005 diện tích thả nuôi tăng thêm 60,1 ha, góp phần đưa diện tích nuôi tôm toàn vùng lên trên 375 ha, quy tụ 195 hộ nuôi. Đó chính là kết quả tất yếu của việc "Thừa thắng xông lên". Cũng chính từ hiệu quả đó mà nông dân biết phá thế độc canh cây lúa, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng diện tích thả nuôi. Thật vậy, nếu so sánh hiệu quả kinh tế sẽ thấy mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2004 tổng sản lượng tôm chỉ đạt 351 tấn và cho thu nhập 20,475 tỷ đồng, thì đến năm vừa qua tổng sản lượng vượt mức 375,1 tấn, tổng thu nhập tăng 31,883 tỷ đồng.

Trên địa bàn huyện hiện có 8 hộ thả nuôi tôm trái vụ 1.660.000 con giống trên diện tích 17,5 ha, trong đó có 7 nông dân Phú Thuận thả giống 1.580.000 con trên diện tích 16,3 ha, còn lại 1 hộ ở xã Vĩnh Khánh. Tại xã Phú Thuận, có 4 hộ vừa mới thu hoạch tôm trái vụ 7,3 ha đạt năng suất đến 1,2 tấn/ha, bán được giá 88.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo chủ trương của huyện, khuyến khích bà con chỉ sản xuất 1 lúa 1 tôm, cấm nuôi mùa nghịch nhằm đảm bảo nguồn nước và tránh gây thiệt hại cho bà con. Do tình hình nuôi tôm phát triển ngày càng nhiều, cần thiết nên bảo vệ tốt nguồn nước cho bà con nuôi tôm, không làm ô nhiễm thì mới đạt hiệu quả cao trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo có lời.

Hiện, nông dân đang ráo riết thu hoạch lúa vụ đông xuân và nạo vét ao hầm, chuẩn bị cho vụ tôm mới. Riêng địa phương đang mở rộng dịch vụ của Hợp tác xã thủy sản về việc tạo nguồn con giống có chất lượng tốt kết hợp thu mua tôm nguyên liệu tại chỗ và cung cấp nguồn thức ăn nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất cho người nuôi. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo nhằm đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nắm bắt kịp thời để xử lý nguồn nước, mầm móng bệnh tránh thiệt hại xảy ra...

Năm nay, toàn huyện Thoại Sơn dự kiến thả nuôi 72.800.000 con giống trên diện tích 728 ha, trong đó Phú Thuận chiếm diện tích lớn nhất với 470 ha, kế đến là Vĩnh Chánh 150 ha, Vĩnh Khánh 15 ha, Phú Hòa 50 ha, Vĩnh trạch 13,3 ha, Định Thành 26 ha, Bình Thành 3,7 ha. Tính đến thời điểm này, nông dân đã bắt tay vào chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Đồng thời đã tiến hành đăng ký 47.800.000 con giống tại địa phương. Các xã Phú Thuận đã đăng ký được 37.500.000 con giống, Vĩnh Chánh đăng ký 8.700.000 con, Vĩnh Khánh 320.000 con, Phú Hòa 1.280.000 con.

HẠNH CHÂU

 


Mỗi tháng, các nhà máy chế biến thủy sản An giang thiếu 4-5 tấn cá nguyên liệu

Nguồn tin: WPY, 6/3/2006
Ngày cập nhật: 9/3/2006

 


An Giang: Triển khai 5 dự án nuôi cá tra, basa

Nguồn tin: WPY, 8/3/2006
Ngày cập nhật: 9/3/2006

Vừa qua, các thành viên Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa Việt Nam khu vực ĐBSCL họp bàn giải pháp đóng góp kinh phí tổ chức Hội thảo quốc tế về tiêu chuẩn SQF cho thương hiệu chất lượng con cá tra, basa Việt Nam và triển khai 5 DA phục vụ cho vùng nuôi cá tra, basa ĐBSCL.

Cụ thể, 5 dự án đó là: Chất lượng – Thương hiệu, Thống kê – Thông tin thủy sản, nghiên cứu khai thác tổng hợp hai dòng sông Tiền và sông Hậu, Trung tâm Kiểm nghiệm vùng ĐBSCL và nâng cấp hoạt động của Hội Nghề cá các tỉnh ĐBSCL.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam

 


Nuôi thử nghiệm cua giống Thái Lan và Malaysia

Nguồn tin: BPY, 3/3/2006
Ngày cập nhật: 9/3/2006

Thông qua Viện Nghiên cứu thủy sản 3 (Bộ Thủy sản), Sở Thủy sản Phú Yên đã du nhập 12.000 con cua giống Thái Lan và Malaysia để nuôi mô hình thử nghiệm tại cửa sông Đà Nông, Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) với giá bình quân 1.500 đồng mỗi con.

Qua theo dõi, sau gần 1,5 tháng thả nuôi trên diện tích ao hồ 6.000m2, cua thích nghi với môi trường và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Theo Sở Thủy sản, cua nuôi 4 tháng có thể thu hoạch đạt trọng lượng từ 0,3 – 0,5kg/con.

Nếu mô hình này thành công sẽ được nhân rộng, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi có hiệu quả ở vùng Đà Nông.

LƯU PHONG

 


Mở đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất giống thủy sản

Nguồn tin: BPY, 6/3/2006
Ngày cập nhật: 9/3/2006

Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và chính quyền các địa phương trong tỉnh tiến hành kiểm tra điều kiện sản xuất và vệ sinh thú y thủy sản tại các cơ sở sản xuất giống thủy sản ở xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), Xuân Thọ 2, Xuân Hòa (huyện Sông Cầu), phường 9. phường Phú Lâm (thành phố Tuy Hòa).

Lực lượng kiểm tra đã trực tiếp rà soát sơ đồ tổng thể cơ sở sản xuất giống, kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản công bố chất lượng hàng hóa, bằng cấp chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện vệ sinh thú y thủy sản…

Đây là cơ sở đó để có biện pháp xử lý các cơ sở vi phạm Pháp lệnh thú y thủy sản, đồng thời hướng dẫn cho các chủ trại giống về các thủ tục đăng ký sản xuất kinh doanh đảm bảo chất lượng giống và vệ sinh môi trường…

NGUYÊN LƯU

 


Phú Yên: Hàng loạt trại tôm giống phải đóng cửa

Nguồn tin: LĐ, 8/3/2006
Ngày cập nhật: 9/3/2006

Phú Yên nổi tiếng sản xuất giống tôm sú post để bán cho người dân ở các tỉnh miền Nam như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Nhưng mùa này, tôm post giống rớt giá thê thảm. Hiện toàn tỉnh chỉ còn khoảng 80/160 trại tôm giống hoạt động.

Lỗ nặng

Khu sản xuất tôm sú giống lớn nhất Phú Yên ở Bình Kiến (TP.Tuy Hoà) với gần 60 trại. Mỗi trại giống đều đầu tư với quy mô hiện đại, mỗi năm sản xuất từ 10 - 100 triệu tôm sú post. Thế nhưng trong vụ sản xuất năm nay, đa số các trại tôm giống ở đây đều gặp khó khăn, bởi tôm giống bố mẹ nhiễm bệnh bị chết hoặc đẻ kém.

Thêm vào đó thời tiết, môi trường nước biến đổi xấu, gây ô nhiễm và làm tôm post chậm phát triển; giá tôm post lại "rớt" thê thảm xuống chỉ còn 12 - 15 đồng/con, thấp nhất từ trước đến nay (giá tôm post bình thường dao động từ 30 -40 đồng/con).

Ông Phạm Trọng Thịnh - "đại gia" sản xuất tôm giống ở đây - bức xúc: "Tôi thuê cơ sở trại giống này với hơn 60 bể để sản xuất sản lượng tôm post khoảng 70 - 80 triệu con/năm. Nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ mới sản xuất được 2 triệu tôm post. Con giống làm ra vừa bán, vừa cho, nên lỗ nặng".

Ở các vùng sản xuất tôm giống tập trung Gành Đỏ, Hoà An (huyện Sông Cầu), Hoà Hiệp (huyện Đông Hoà) cũng đang thật sự lao đao vì sản xuất giống bấp bênh, giá lại tôm thấp...

Anh Nguyễn Hữu Đệ - chủ trại ở Gành Đỏ, xã Xuân Thọ 2 (Sông Cầu) - nói: "Trại nào càng sản xuất tôm với số lượng lớn thì càng lỗ vốn nặng, nếu không muốn nói là bị phá sản, nợ nần chồng chất".

Theo Sở Thuỷ sản Phú Yên, toàn tỉnh có trên 160 trại giống, bình quân mỗi năm sản lượng tôm post sản xuất khoảng 1,2 tỉ con. Nhưng vụ này khả năng sản lượng tôm giống giảm chỉ còn khoảng 50%.

Khó "cứu", nếu...

Bây giờ, nhiều trại sản xuất giống tôm sú Bình Kiến đã đóng cửa im ỉm, các bể ương đều phơi đáy khô khốc trong nắng. Theo kỹ sư Nguyễn Thái Hải Anh - cán bộ Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu, toàn huyện có 67 trại giống sản xuất khoảng từ 250 - 300 triệu tôm post/năm, nhưng vụ mùa này chỉ sản xuất được 60 triệu tôm post, hiện có hơn 60% số trại đã bỏ sản xuất tôm, số còn lại hoạt động cầm chừng".

Để "cứu" các cơ sở sản xuất giống, ngành thuỷ sản quan tâm đào tạo đội ngũ kỹ sư thuỷ sản ở các trại giống để áp dụng các quy trình sản xuất giống hiện đại, có chất lượng, nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nhằm tăng lợi nhuận kinh tế, đảm bảo ổn định sản xuất lâu dài.

L.Nguyen

 


Dòng sông chết!

Nguồn tin: NLD, 2/3/2006
Ngày cập nhật: 8/3/2006

Hiện nay, sông Thị Vải như một túi thuốc độc khổng lồ, đe dọa đến cuộc sống và sinh mạng của nhiều người Hiện nay, sông Thị Vải như một túi thuốc độc khổng lồ, đe dọa đến cuộc sống và sinh mạng của nhiều người.Tôi từng nhiều lần đi trên sông Thị Vải. Khi đó nơi đây còn náo nhiệt ghe tàu. Người dân xã Thạnh An, huyện Cần Giờ - TPHCM và các địa bàn lân cận Long An, Đồng Nai đổ về đây dùng điện, đóng đáy để bắt thủy sản.

Cá chết trắng sông

Chiếc ca nô chở tôi càng tiến ra sông Thị Vải, tốc độ càng giảm. Tài công chỉ lái một tay, tay còn lại... bịt mũi. Lúc này, tôi bắt đầu hối hận vì không mang theo khẩu trang như lời cảnh báo của bạn đồng hành. Cả không gian rộng lớn xồng xộc mùi thối nồng nặc. Cái mùi khó chịu gấp trăm ngàn lần kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè trước đây. Mùi thối không phải của rác, nước thải sinh hoạt mà là sự tích tụ lâu ngày của hóa chất. Mặt nước đen kìn kịt, pha lẫn màu vàng bờn bợt. Càng đến gần khu vực Long Thành, Đồng Nai, mùi hôi thối càng nặng thêm...

Tôi bắt đầu thấy chóng mặt. Lúc này, người đồng hành mới cho biết: “Mỗi lần chạy ca nô qua con sông này, 2 - 3 ngày sau tôi phải uống thuốc vì mũi viêm, đầu nhức!”. Năn nỉ mãi, anh tài công mới chịu dừng ca nô, lấy sợi dây buộc vào cổ chai nước suối, thả xuống sông múc nước để tôi ghi hình.

Thời gian gần đây, cá tôm trên sông Thị Vải, sông Cá Quảng Bé chết hàng loạt. Theo người dân địa phương, cá chết có hiện tượng nổ mắt, miệng mở to và mang bị hoại tử. “Trên 20 năm làm nghề ở đây, chưa bao giờ tôi thấy cá tôm lại chết lạ như thế này. Chỉ có chất độc mới có thể gây cho cá nổ mắt, mang hoại tử”, ngư dân Trương Văn Ninh nói.

Bỏ nhà đi lánh nạn

Sông Thị Vải có chiều dài 76 km, chảy qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu và TPHCM. Con sông này từ bao đời đã cung cấp một lượng lớn nguồn lợi thủy sản. Theo người dân sở tại, từ khi các nhà máy công nghiệp mọc lên dọc theo dòng sông này, như Vedan, Đạm Phú Mỹ, Phân bón Con Cò... cũng là lúc cuộc sống và sức khỏe của họ bị đe dọa bởi sông Thị Vải đã trở thành túi chứa các chất thải công nghiệp độc hại.

Xã đảo Thạnh An có trên 1.500 hộ. Hầu hết người dân ở đây mưu sinh bằng nghề nuôi và đánh bắt thủy hải sản. Với tập tục nuôi quảng canh nên mỗi đầm nuôi có diện tích nhỏ nhất không dưới 100.000 m2, lớn nhất lên đến 300.000-400.000 m2. Gia đình anh Ninh canh tác đầm tôm có diện tích 250.000 m2, mỗi năm “bèo” lắm anh cũng kiếm được 130-170 triệu đồng. Giờ đây, ngày nào anh cũng bó gối trên bờ, nhìn đầm tôm trống trơn mà bần thần vì tôm không sống nổi với nguồn nước đã quá ô nhiễm. Với trên 20 năm sinh sống tại đây, anh quá rõ sự ô nhiễm của con sông này. Bằng kinh nghiệm, anh có thể canh con nước triều để lấy vào đầm khi độ độc trong nước bị pha loãng. Còn với thực tại, kinh nghiệm 20 năm của anh coi như bỏ đi. Không riêng gì anh, chỉ tính riêng khu vực sông Cá Quảng Bé, Tắc Cò, Gò Da, gần 80 đầm tôm và cá của các hộ dân cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

“Tôm chết, cá chết, tiền mất, còn hy vọng làm lại được. Sức khỏe con người mới là quan trọng”- lời khuyên của vợ một phần nào đã an ủi anh Ninh. Ngư dân Quách Trung Quân lại khác. Tiếc 40 triệu đồng đầu tư giống, khi tôm chết, dù nhiều người can ngăn, anh vẫn bất chấp lội xuống đầm để vớt xác tôm. Được chừng 5 phút, cả người anh phát ngứa, không chịu nổi đành phải leo lên bờ. Qua ngày hôm sau, anh phát hiện toàn bộ đầu ngón chân và tay đen sạm, bốc mùi hôi, còn da bàn tay và chân nhăn nheo, phồng rộp. Quá sợ hãi, anh đành cho 2 con nghỉ học, di tản sang nhà nội ở tận Đồng Nai. Nhiều ngư dân khác tại khu vực này cũng rơi vào tình cảnh giống anh Quân.

Theo người dân ở đây: Nhiều đoàn công tác của các bộ, ngành đã đến đây khảo sát. Nhưng đến rồi lại đi. Còn kết quả thế nào, xử lý ra sao không một ai biết. “Chúng tôi cần tiền, nhưng không đến mức phải đánh đổi sức khỏe, mạng sống của mình. Họ đừng nghĩ có tiền, đem chút ít bồi thường cho dân như Công ty Vedan đã làm trước đây là có thể qua chuyện. Giờ đây chúng tôi cần cái lớn hơn – sự trong sạch của dòng sông để chúng tôi mưu sinh. Con cháu không phải thấp thỏm lo sợ bệnh tật. Nhưng biết chờ đến bao giờ?” - lão ngư Nguyễn Hữu Quyết thở dài.

Lê Cường

 


Các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tiếp tục "đói" nguyên liệu

Nguồn tin: CT, 8/3/2006
Ngày cập nhật: 8/3/2006

 


Bi kịch vùng nuôi tôm: Đất đã phụ người

Nguồn tin: NLD, 7/3/2006
Ngày cập nhật: 8/3/2006

Ông Phạm Văn Tâm bên vuông tôm bỏ hoang, nứt nẻ vì hết vốn, trong khi món nợ 80 triệu đồng vẫn chưa trả được. Ảnh: T.Trình Năm 2001, lúc cả bán đảo Cà Mau trúng mùa tôm, mấy ông nuôi tôm mua sắm mịt trời. Nhưng chỉ sau 5 năm nuôi tôm, đầu năm 2006 về các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng nhắc tới con tôm sú, nhiều người cười méo xẹo.

Vỡ mộng

Tháng 3 trời nắng như đổ lửa nhưng hễ rỗi việc là ông Phạm Văn Tâm, Trưởng ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, lại ra vuông tôm. Tìm gặp ông bên bờ vuông khô nứt nẻ, tôi ái ngại hỏi: “Sao bỏ ao khô queo vậy chú?”. Ông Tâm nghèn nghẹn: “Tiền đâu thả giống nữa? Thả bao nhiêu chết bấy nhiêu, càng thả càng trắng tay. Nuôi tôm 2 năm mất trắng 80 triệu đồng thì đào đâu ra tiền nuôi tiếp?”. Ông Tâm kể, không riêng gì ông mà cả ấp này hơn 160 gia đình đang bỏ hoang trên 216 ha đất nuôi tôm vì... sạt nghiệp.

Ngồi bên căn chòi rách nát và đống quạt nước mốc meo trên bờ vuông tôm rộng 5 ha, ông Trần Văn Bác cho biết: Năm 2001, cả ấp này rùng rùng phá ruộng lúa đào ao nuôi tôm. Lúc đó chỉ có trời mới cản được người dân vì từ Sóc Trăng qua Bạc Liêu, Cà Mau, đi đến đâu cũng nghe ông này, bà nọ trúng tôm xây nhà tường, mua vàng nên ai nấy “hừng hực khí thế”. Ngay năm đầu tiên thả nuôi tôm, đất đãi người: Trúng đậm! Có những người đầu tư chưa tới 200 triệu đồng nuôi tôm công nghiệp trên diện tích 1,3 ha mà thu được gần 500 triệu đồng như ông Chín Mé (Quách Văn Mé).

Từ năm 2001, vùng bán đảo Cà Mau (gồm 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) được biết đến như một “mỏ tôm” khổng lồ. Nhiều người giàu lên nhờ con tôm. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chính con tôm sú đã biến người dân vùng này thành những con nợ khổng lồ

Say tôm, năm sau cả xóm đầu tư lớn hơn nhưng tôm bắt đầu chết hàng loạt, người lỗ ít thì 10 - 20 triệu đồng, người nhiều 40 - 50 triệu. Càng thua càng gỡ, nhà nhà xúm nhau mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay vốn để thả tôm, vay thêm bạc nóng bên ngoài 5% - 10% để đổ xuống vuông quyết ăn thua đủ. Nhưng liên tiếp 3 năm qua, tôm thả nuôi 10 thì chết

8-9, rốt cuộc đến mùa này nông dân trắng tay, đành bỏ hoang vuông dù đang vào vụ thả nuôi.

Lỗi tại ai ?

Tại Cà Mau, tính đến cuối tháng 2-2006 đã có gần 100.000 ha trong tổng số hơn 264.000 ha đất nuôi tôm xảy ra tình trạng tôm chết do dịch bệnh. Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, xác nhận tôm chết nhiều là do bị bệnh bởi thời tiết thất thường. Nhưng bi kịch của người nuôi tôm không chỉ do con tôm bệnh mà đầu dây mối nhợ còn từ nguồn nước phục vụ nuôi tôm. Ở bán đảo Cà Mau hiện nay, tìm được một con kênh đủ độ sâu, bảo đảm nguồn nước sạch để cung cấp cho các vuông tôm còn khó hơn việc tìm mua tôm giống sạch bệnh. Từ Sóc Trăng đến Cà Mau, nơi nào cũng thấy những con kênh rộng hàng chục mét nhưng sâu chưa đến 1 mét, nước đục ngầu lờ đờ chảy nhưng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các vuông tôm.

Ông Trần Nghiệp Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ A, than: “Nguồn nước phục vụ nuôi tôm mấy năm nay rất ô nhiễm, đầy mầm bệnh, dư lượng thuốc hóa học bởi vuông này bơm ra, vuông kia bơm vào; loanh quanh luẩn quẩn như vậy nên dịch bệnh lây lan trên diện rộng, tôm nào mà sống nổi?”. Ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản Bạc Liêu, thừa nhận: “Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm quá kém, mỗi năm tỉnh cần cả trăm tỉ đồng thi công nạo vét các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản nhưng không có kinh phí.

Theo ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, mỗi năm toàn tỉnh chỉ đầu tư được khoảng 30 tỉ đồng nạo vét hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong khi nhu cầu cần hơn 100 tỉ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh Bạc Liêu cần từ 1.000 tỉ đến 2.000 tỉ đồng để hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản nhưng... không có vốn.

Trong khi đó, tại Cà Mau, muốn hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ hơn 260.000 ha đất nuôi trồng thủy sản cần khoảng 2.000 tỉ đồng, nhưng mỗi năm chỉ có thể đầu tư khoảng 50 tỉ đồng.

Hùng Anh

 


Hạn chế tình trạng tôm chết ở ĐBSCL: Cần nuôi thả đúng thời vụ

Nguồn tin: SGGP, 7/3/2006
Ngày cập nhật: 8/3/2006

Bộ Thủy sản vừa cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đã có gần 98.000ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh đầu vụ, tập trung chủ yếu tại ĐBSCL (Báo SGGP ngày 6-3-2006 đã có bài phản ánh).

Bộ Thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi tôm ĐBSCL không nên thả vụ 3.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản), thực trạng tôm chết hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nhiệt độ, độ pH và độ mặn thường xuyên dao động giữa ngày và đêm.

Mặt khác, nhiều đầm nuôi tôm lại phân bố cách xa hệ thống sông, rạch, kênh thủy lợi... nên không chủ động thay đổi được nguồn nước trước nguy cơ khan hiếm nước.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Thủy sản đang triển khai một loạt dự án quy hoạch và cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng phục vụ nuôi thủy sản cho ĐBSCL song song với việc đầu tư xây dựng các khu sản xuất nguồn tôm sú giống sạch bệnh, chất lượng cao để phục vụ người nuôi trồng.

Vụ Nuôi trồng thủy sản cũng khuyến cáo người nuôi nên tập trung nuôi thả đúng thời vụ đã được hướng dẫn (cuối tháng 3, đầu tháng 4-2006) và chủ động tìm kiếm nguồn tôm giống chất lượng cao, đã qua kiểm dịch, nuôi thả với mật độ thưa. Đồng thời, các địa phương cũng cần khẩn trương cải tạo, nạo vét hệ thống thủy nông, thủy lợi để dự trữ và chủ động nguồn nước ngọt.

VĂN PHÚC

 


Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá tra, basa tăng

Nguồn tin: SGGP, 7/3/2006
Ngày cập nhật: 8/3/2006

Giá cá tra, cá basa ở đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục tăng theo hướng có lợi cho người nuôi và hiện dao động trong khoảng 13.500-13.800 đồng/kg.

Do xuất khẩu thủy sản đầu năm 2006 thuận lợi, giá xuất khẩu các mặt hàng cá tra, basa đã tăng 10-15% và nhiều nhà chuyên môncho rằng, giá nguyên liệu cá này sẽ còn tăng lên mức 14.500đồng/kg trong thời gian tới.

Nhờ giá cá tăng, nhìêu hộ nuôi trồng thu được lãi lớn với mức lãi từ 3.500-3.800 đồng/kg. Các hộ xuất hầm từ 100 tấn trở lên đều thu lời 300-350 triệu đồng.

Giá cá tăng, trong khi sản lượng nuôi trồng năm nay lại thấp do một số hộ dân bị lỗ vụ trước nên không đầu tư nuôi trồng trong vụ này, đã dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long thiếu nguyên liệu và buộc phải giảm công suất từ 15-20%.

Theo Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, nếu thời điểm này năm ngoái mỗi tháng cá đến lứa bán từ 14.000-15.000 tấn, nay chỉ còn khoảng 11.000 tấn.

V.Q (Theo TTXVN)

 


Cần tuyên chiến với nạn bơm chích tạp chất vào thủy sản

Nguồn tin: SGGP, 7/3/2006
Ngày cập nhật: 8/3/2006

Từ nhiều năm nay, nạn bơm chích tạp chất vào thủy sản luôn là chuyện “biết rồi, nói mãi”. Bộ Thủy sản có những giải pháp như thế nào để thực sự hạn chế và chấm dứt vấn nạn này? PV Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh xung quanh vấn đề nêu trên.

° PV: Thưa Thứ trưởng, cứ vào thời điểm đầu năm, khi nguồn nguyên liệu thủy sản khan hiếm thì cũng là lúc các cơ sở và đối tượng bơm chích tạp chất ở ĐBSCL hoạt động tinh vi và ráo riết hơn do có một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản dung túng thông qua buông lỏng quản lý…

° Thứ trưởng NGUYỄN THỊ HỒNG MINH: Đây là một vòng lẩn quẩn. Nhiều doanh nghiệp tham gia hiệp hội và xác định không thu mua nguyên liệu có nhiễm tạp chất. Thế nhưng sau đó, một vài doanh nghiệp vẫn thu mua loại nguyên liệu kém chất lượng. Bởi các doanh nghiệp thường cho rằng, nếu họ không mua thì doanh nghiệp khác vẫn mua.

Mặt khác, họ đã ký hợp đồng với các đối tác tiêu thụ và người thu gom. Đồng thời, nếu không thu mua thì không có nguyên liệu để chế biến, không có việc làm, công nhân bỏ đi nơi khác, khách hàng cũng bỏ rơi. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp thừa nhận họ đang vừa là nạn nhân lại vừa là tòng phạm.

Bộ Thủy sản rất bức xúc về thực trạng này. Để đưa ra những giải pháp dài hơi cho nhiều năm cũng như giải pháp trước mắt cho năm 2006, cuối tháng 3-2006, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị quan trọng về tình hình này tại ĐBSCL, cùng các chính quyền địa phương, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng như một số cơ quan chức năng thống nhất chương trình hành động, bàn thảo nội dung đổi mới cung cách quản lý và tìm kiếm những giải pháp mạnh nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả, xử lý triệt để tệ nạn bơm chích tạp chất vào thủy sản.

° Nhiều ý kiến cho rằng trong việc kiểm soát, ngăn chặn tệ nạn bơm chích tạp chất, hiện nay chúng ta mới chỉ bắt đầu từ cửa các nhà máy chế biến. Như vậy là chưa tiêu trừ tận gốc gồm các đại lý, nậu vựa, thương lái thu gom-những thủ phạm chính của nạn bơm chích tạp chất…

° Mới đây, chúng tôi đã có những cuộc khảo sát tại ĐBSCL về tình trạng bơm chích tạp chất vào nguyên liệu thủy sản. Phải khẳng định rằng đây là tình trạng đang rất nhức nhối và hiện nay vẫn đang tiếp tục âm thầm diễn ra. Nhiều nơi như ở Cà Mau, Sóc Trăng, các cơ sở ngâm, bơm hóa chất vào tôm, mực tới mức sau đó không có cách gì để loại hóa chất ra khỏi nguyên liệu.

Bởi vậy, đã đến lúc công luận cần phải nói thẳng, nói thật về thực trạng này, đưa ra ánh sáng để tìm giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, nhằm bảo vệ và duy trì uy tín của các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Trong đó, chủ trương, kế hoạch sắp tới của Bộ Thủy sản là không chỉ tiến hành ngăn chặn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu nhập vào cửa các nhà máy chế biến, mà còn tăng cường cho các địa phương kiểm tra, ngăn chặn cũng như xử lý vi phạm đối với các chủ nậu vựa, thương lái thu gom tại ĐBSCL.

Hiện nay một số địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng đã làm rất sốt sắng việc kiểm soát tạp chất ngay từ cơ sở. Họ đã đưa ra các giải pháp mạnh như triển khai, vận động đến tận chi bộ, chính quyền, đoàn thể ở địa phương tham gia chống lại tệ nạn bơm chích tạp chất. Thậm chí, nhiều nơi thuộc vùng trọng điểm còn đưa cả việc loại trừ bơm chích tạp chất vào tiêu chí “làng văn hóa”.

° Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện cho rằng, từ khi áp dụng Nghị định 128/CP ngày 11-10-2005 thay cho Nghị định 70/CP ngày 17-6-2003, thì tình trạng bơm chích tạp chất lại càng tinh vi và mạnh mẽ hơn, do mức xử lý vi phạm trong quy định mới nhẹ hơn. Cụ thể, chế tài xử phạt hiện chỉ từ 1-3 triệu đồng. Vậy thời gian tới, Bộ Thủy sản có triển khai sửa và bổ sung thêm chế tài xử lý?

° Đúng là Nghị định 128/CP có mức xử lý vi phạm nhẹ hơn quy định cũ. Bởi vậy, mặc dù trong thời gian qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã làm rất gắt gao, tích cực, nhưng việc áp dụng các mức phạt này chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn các đối tượng lén lút bơm chích tạp chất vào thủy sản, trong khi lợi nhuận từ việc bơm chích tạp chất lại rất lớn. Hiện các địa phương đang đề nghị sửa đổi lại nghị định và Bộ Thủy sản cũng đang chuẩn bị kế hoạch họp với các bộ để sửa đổi với tiêu chí nâng mức xử lý vi phạm nặng hơn nữa.

° Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Văn Phúc


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang