• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Định: Một Việt kiều lập dự án nuôi trai cấy ngọc

Nguồn tin: Vasep, 13/4/2006
Ngày cập nhật: 14/4/2006

Ông Chí Huỳnh, một Việt kiều Mỹ, đã nộp hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại tỉnh Bình Định để triển khai dự án nuôi trai cấy ngọc, vốn đầu tư khoảng 500.000 USD, diện tích mặt nước để xây dựng trang trại nuôi trai là 60 ha.

Địa điểm mà ông Chí Huỳnh đề nghị là tại Cù Lao Xanh, thuộc phía nam xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn).

Dự án nuôi ngọc trai theo công nghệ mới có tên “ Đá quý trong ngọc trai” của ông Chí Huỳnh đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Trung Quốc, Philippin… và đang xin đăng ký độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Hiện nay, UBND tỉnh đang xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 để có cơ sở xem xét cấp Giấy phép cho ông Chí Huỳnh nuôi trai cấy ngọc tại địa điểm trên.

Nguyễn Phúc

 


Nuôi tôm lời gấp 3-11 lần trồng lúa

Nguồn tin: SGGP, 14/4/2006
Ngày cập nhật: 14/4/2006

Ngày 13-4, tại Hà Nội, Bộ Thủy sản đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) giai đoạn 2000-2005. Đến cuối năm 2005, tổng diện tích NTTS đã đạt 959.945 ha- tăng 435.327 ha so với năm 1999. Nếu như năm 1999, sản lượng NTTS cả nước đạt 480.767 tấn, thì đến nay đã đạt 1.437.356 tấn…

Theo điều tra của Bộ Thủy sản, doanh thu bình quân của nông dân sau khi chuyển sang NTTS ở Hải Dương là 88 triệu đồng/ha (gấp 6,8 lần so với trồng lúa); ở Vĩnh Phúc là 85 triệu đồng (gấp 5,7 lần); ở Tây Ninh là 80 triệu đồng (gấp 4 lần). Còn ở Cà Mau, nuôi cá bống tượng: 450 - 500 triệu đồng/ha, nuôi cá chẽm: 250 -300 triệu đồng/ha, nuôi cá chình: 200 - 250 triệu đồng/ha. Còn ở Kiên Giang, lợi nhuận của 1 ha nuôi tôm cao gấp 3-11 lần trồng lúa.

V.PH.

 


Phú Yên - Vùng tôm An Cư hồi sinh

Nguồn tin: Phu Yen, 12/4/2006
Ngày cập nhật: 14/4/2006

4-5 vụ liên tục gần đây, vùng nuôi tôm trên đầm Ô Loan (xã An Cư huyện Tuy An) liên tục thất bát. Thế nhưng vụ này 100% hộ dân nơi đây đều đầu tư thả nuôi tôm. Vì sao?

Lâu lắm rồi, vùng nuôi tôm của xã An Cư nằm trên đầm Ô Loan (huyện Tuy An) mới trở nên sôi động như vụ này. Những chòi canh mọc lên san sát trên những vuông tôm, những bờ ao được đào đắp lại khá quy mô. Ai ai cũng vui vẻ, luôn “bám trụ” ở trên đồng để cải tạo ao hồ, xử lý đáy, chăm sóc, cho tôm ăn. Trên đồng tôm ở thôn Tân Long, ông Nguyễn Thở cho biết: “Năm trước, gia đình tôi thả nuôi mới được 1 tháng, thì tôm dịch chết hàng loạt, lỗ trên 10 triệu đồng. Nhưng vụ này, tôi vẫn xoay sở các nguồn vốn, đầu tư thả 2 vạn tôm ương trên diện tích 5 sào. Hiện con tôm đã 1,5 tháng tuổi và lớn rất nhanh”. Còn ông Trần Thanh cho hay người dân ở đây nuôi tôm bị lỗ nặng và đang nợ vốn vay ngân hàng rất lớn. Tuy nhiên, năm nay nhà nào cũng tiếp tục nuôi bởi thời tiết, môi trường ổn định, nguồn tôm giống rẻ. “Rút kinh nghiệm, bà con thả nuôi với mật độ thưa, vốn đầu tư ít lại. Gia đình tôi cũng đang thả tôm nuôi trên 8 sào ao hồ ở đồng thôn Tân Long”- ông Thanh nói:

Từ 4 – 5 năm nay, môi trường trên những cánh đồng tôm ở đầm Ô Loan bị ô nhiễm nghiêm trọng, tình hình dịch bệnh liên tục xảy ra, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Vụ tôm năm trước, người dân xã An Cư phải bỏ trống hàng chục ha ao đìa, hơn 50% diện tích được thả nuôi bị dịch bệnh, lỗ vốn nặng. Mùa mưa vừa qua, lũ lụt lớn ở vùng ven biển Tuy An làm rửa trôi “mầm bệnh” trong nguồn nước “tù” ở đầm Ô Loan, nhờ đó môi trường ao nuôi được cải thiện. Do vậy, vụ này bà con mạnh dạn đầu tư thả nuôi hết 120,5ha ao đìa. Theo ông Nguyễn Xuân Nghiêm, Chủ tịch UBND xã An Cư, mặc dù ngay từ đầu vụ đã có 5 hồ với diện tích 3ha bị dịch bệnh đốm trắng, nhưng bà con đã phát hiện và kịp thời khoanh vùng dập dịch, khống chế tuyệt đối bệnh lây lan ra xung quanh. Đến nay, đa số tôm nuôi được từ 1 - 2,5 tháng tuổi, phát triển tốt, nhiều ao hồ chuẩn bị thu hoạch. Đây là dấu hiệu đáng mừng, hứa hẹn một vụ mùa cho năng suất, sản lượng tôm đạt cao.

QUỐC ĐẠT


Hợp tác trong sản xuất thủy sản - Yêu cầu bức thiết hiện nay

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận, 10/04/2006
Ngày cập nhật: 14/4/2006

Trong cộng đồng xã hội dưới hình thức này hay hình thức khác đều có mối quan hệ và sự hợp tác, nhưng được thể hiện tùy thuộc đặc thù từng lĩnh vực, phạm vi, mức độ, lợi ích các bên... Thực ra, vấn đề liên kết hợp tác không phải là chuyện mới mẻ, nhưng cách thức tổ chức hợp tác như thế nào để mang lại nhiều ích lợi cho xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn đề cập đến hợp tác trong sản xuất thủy sản.

Về phát triển kinh tế hợp tác đối với ngành Thủy sản Việt Nam theo thống kê của Bộ Thủy sản đến nay toàn ngành có 9.426 Tổ hợp tác với tổng số lao động 67.695 người và có 637 Hợp tác xã thủy sản với tổng số lao động 19.000 người. Một số tỉnh đã tổ chức các Tổ hợp tác và nghiệp đoàn đánh bắt hải sản xa bờ có quy mô từ 5 - 20 tàu nhằm hỗ trợ nhau sản xuất trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá tăng hiệu quả kinh tế. Đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất như Liên hiệp sản xuất cá sạch ở An Giang, Đồng Tháp gồm các doanh nghiệp chế biến, sản xuất thức ăn, sản xuất thuốc thú y thủy sản, quản lý chất lượng sản phẩm, sản xuất giống thủy sản có sự tham gia của nhiều ngư dân. Mục đích liên hiệp là tạo sự liên kết để thực hiện tiêu chuẩn hóa sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với sản lượng lớn và ổn định để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đối với Ninh Thuận về tổ chức hình thành các mô hình hợp tác trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, tuy mới triển khai vài năm gần đây nhưng cũng có bước tiến khả quan, tích cực. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập 1 Hiệp hội giống thủy sản, còn duy trì 1 HTX Nghề cá Vĩnh Hy với 65 xã viên, xây dựng 2 Tổ hợp tác quản lý nuôi tôm ở Phương Hải và Khánh Hải; 2 Tổ khai thác thủy sản Đồng Tâm ở Vĩnh Hải và Đầm Chông Mỹ Tân ở Thanh Hải. Riêng các tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, được Chi cục BVNL Thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 9 tổ với 71 thành viên tại các địa phương quanh Đầm Nại, xã Thanh Hải, Vĩnh Hải, Phước Dinh, Phước Diêm, hiện nay các tổ này hoạt động rất có hiệu quả với việc thực hiện mục tiêu vừa bảo vệ nguồn lợi, môi trường thủy sản, vừa đảm bảo cải thiện được đời sống.

Vậy liên kết hợp tác sản xuất thủy sản sẽ được lợi như thế nào? Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy:

- Về lĩnh vực khai thác thủy sản: Xây dựng liên kết giữa chủ thuyền với nhau theo đối tượng cùng nghề, cùng ngư trường và cùng tự nguyện hợp tác gắn với nhà doanh nghiệp, chủ nậu vựa. Qua liên kết này giúp cho ngư dân được học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của nhau, cung cấp thông tin kịp thời về ngư trường, rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, tự làm khâu hậu cần cho nhau, nắm vững thị trường, chủ động tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời còn bảo vệ, hỗ trợ ứng cứu lẫn nhau khi xảy ra sự cố trên biển...

- Đối với nuôi trồng thủy sản: Xây dựng tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản quản lý các khâu từ đầu vào đến đầu ra, gồm: Nguồn nước, con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, môi trường, phòng trừ dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm sẽ tạo được sự chủ động và kiểm soát được môi trường vùng nuôi, quản lý chất lượng con giống, thức ăn, tăng khả năng phòng dịch, ổn định về năng suất nuôi, chủ động khâu tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống và duy trì được hoạt động nuôi trồng thủy sản lâu dài.

- Trong chế biến thủy sản: Để chủ động có nguồn nguyên liệu dồi dào, đảm bảo chất lượng đưa vào chế biến cũng như các sản phẩm sau chế biến được thị trường chấp nhận và thuận lợi trong việc mở rộng kênh tiêu thụ. Yêu cầu đặt ra là thành phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý... Muốn được điều đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải chủ động xây dựng mối liên kết chặt chẽ với người sản xuất ra nguyên liệu, phải tạo sự đồng bộ từ quá trình sản xuất ra nguyên liệu, sản phẩm sau thu hoạch đến nhà máy chế biến.

Để việc hợp tác trong sản xuất thủy sản ngày càng tốt hơn, hướng tới ngành Thủy sản tổ chức lại hình thức quản lý cộng đồng như sau:

- Tiếp tục hỗ trợ, tiếp sức để phát huy và nhân rộng các hình thức liên kết hợp tác trong sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện, đặc thù và trình độ của lực lượng sản xuất thủy sản.

- Xây dựng lại quan hệ sản xuất trong ngành phù hợp, hình thành nhiều loại hình tổ chức hợp tác phát triển kinh tế, đa dạng từ thấp đến cao. Triển khai hình thành các hình thức liên kết theo chiều dọc giữa các nhà sản xuất cùng một sản phẩm, liên kết theo chiều ngang giữa người sản xuất trong cùng một khâu của quá trình sản xuất.

- Hình thành, củng cố và phát triển các liên hiệp sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất, hiệp hội nghề nghiệp...

- Nội dung liên kết phải được thống nhất thực hiện theo tiêu chuẩn sản xuất, các quy chế, quy định, quy trình sản xuất, phối hợp các nguồn lực, nhân lực để hướng sản xuất thủy sản đạt tiêu chí hiệu quả, bền vững.

- Nguyên tắc hợp tác: Trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, hợp tác lâu dài, cùng có lợi, cùng trách nhiệm, tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp thực tiễn sản xuất, đảm bảo mục tiêu phong trào thủy sản ổn định, hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Đình Tuấn

 


Khoa học công nghệ ở ĐBSCL – những vấn đề đang đặt ra - Bài 4: Loay hoay với tôm, cá

Nguồn tin: SGGP, 13/04/2006
Ngày cập nhật: 14/4/2006

Việc nông dân tự chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, nuôi cá… mấy năm gần đây đã góp phần đưa vị trí ngành thủy sản ĐBSCL từ anh nhà nghèo lên ngôi đầu bảng cả nước. Thế nhưng, bên ngoài cái vỏ hào nhoáng của tỷ tiền đôla kim ngạch xuất khẩu, ít ai nhìn thấy được bên trong của cánh đồng tôm… bất tận, của những đoàn tàu đánh bắt xa bờ là gì. Không giải quyết được những vấn đề mấu chốt về công nghệ, thì ĐBSCL sẽ mãi loay hoay với con cá, con tôm mà không có hướng đi bền vững.

Nuôi tôm: Đầy bất ổn!

Những cánh đồng rộng ngút ngàn, xanh mướt năm nào giờ chỉ còn màu xám của đất và lấp lóa nước… mặn. Năm 2000, diện tích nuôi tôm của Cà Mau là 153.373 ha thì năm 2006, con số đó tròm trèm 250.000 ha. Tương tự, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… đều có diện tích nuôi tôm lớn. Hệ sinh thái mặn đã tạo cho bộ mặt “mỏ tôm” một màu xám đơn điệu.

Sau những vụ mùa bội thu, bắt đầu từ năm 2002 đến nay, tôm chết nhiều. Có mùa, cứ thả giống xuống là chết. Hơn 5 năm lao theo hấp lực mê hồn của tôm sú, không ít người đổi đời, nhưng cũng không ít người trắng tay. Một bộ phận nông dân càng khó khăn hơn vì thất bát. Bà con nói vui: “Người nuôi tôm bây giờ hiền lắm. Nắng không dám than, mưa không dám thở. Hỏi tại sao thì ai cũng bảo rằng nếu lỡ bạo mồm bạo miệng chửi… thề hay chửi… ông trời thì tôm chết ráng chịu!”. Mô hình lúa – tôm từng được xem là lý tưởng nhất của nghề tôm quảng canh, nhưng giờ đã đi vào bế tắc. Ở một số huyện của Cà Mau, mấy năm đầu chuyển dịch còn trồng được vài chục ngàn hécta lúa trên đất nuôi tôm, nhưng gần đây, năng suất lúa giảm đáng kể, có nơi chỉ đạt 1 tấn/ha.

Tôm chết có nhiều nguyên nhân: do bệnh đốm trắng, do thời tiết bất thường và đôi khi nông dân không hiểu vì sao tôm lại chết. Điều chắc chắn là môi trường đã không còn tốt như thời mới chuyển dịch. Ăn theo tôm, chế phẩm sinh học từ các công ty nước ngoài ào ạt đổ xuống đồng tôm, vuông tôm, nhưng hầu như người nuôi không thể hiểu nổi ngoài tác dụng cho tôm chóng lớn, nó còn có tác hại gì. Chỉ thấy rằng chất thải từ “tôm công nghiệp” càng ngày càng nhiều, mà hệ thống thủy lợi thì không thể “thông” nổi.

Toàn bộ hệ thống kênh mương cống bọng sử dụng cho nuôi tôm hiện nay được thừa hưởng từ quá trình ngọt hóa trồng lúa trước kia. Oái oăm, nuôi tôm lại cần một hệ thống thủy lợi khác, mà điều này thì chưa ai có kinh nghiệm. Nguyên tắc đầu - cuối trong xả nước, lấy nước vào vuông tôm cực kỳ lộn xộn do thủy lợi thiếu hoàn chỉnh. Nhà Mát, một phường giáp biển của TX Bạc Liêu mấy năm nay cũng chuyển dịch sang nuôi tôm, nhưng giờ đây, nhiều dòng kênh bồi lắng, cạn kiệt, khiến việc lấy, xả nước vô cùng trắc trở. Khu vực này, chỉ cần một hộ có tôm bị bệnh đốm trắng thì coi như xung quanh chịu chết, bởi người thì xả nước thải, ô nhiễm ra kênh, người khác lại lấy vào vuông tôm, tránh sao được rủi ro?

Cả một vùng tôm rộng lớn như thế, nhưng đến nay vẫn chưa có trại giống tập trung, và chợ tôm quy mô thế nào thì phải… nghiên cứu thêm. Trung bình mỗi năm, cả “mỏ tôm” cần từ 30-35 tỷ con giống, nhưng hơn phân nửa số này phải nhập từ miền Trung. Trong đó, hơn 50% là giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Một cán bộ ngành thủy sản chân tình nói: Như vậy đã là khá lắm rồi, mấy năm trước, phải hơn 80% lượng giống kém. Để giải quyết vấn đề này, nhiều địa phương trong vùng đã bắt đầu trang bị máy xét nghiệm bệnh tôm, chủ yếu để kiểm tra chất lượng tôm giống. Tuy nhiên, cũng dở cười dở khóc. Gần đây, có một xét nghiệm ở địa phương nọ kết luận gan con tôm giống bị… nhiễm mỡ! Nhưng như vậy đã là có tiến bộ. Con tôm sú giống chỉ lớn hơn sợi tóc một chút xíu, nhưng trước đây việc xét nghiệm bệnh tôm chủ yếu bằng… mắt thường!

Phó Giám đốc Sở Thủy sản Sóc Trăng Nguyễn Văn Lai cho rằng, công nghệ sinh học có thể giải quyết được mọi vấn đề, từ ô nhiễm môi trường đến con giống. Gen lúa đã được giải mã, nhưng bộ gen tôm, cá thì chưa. Bao giờ thì nhà khoa học và nhà nông mới gặp được nhau để đưa nghề nuôi tôm lên mức… bền vững?

Nghề cá đang “rụm” dần!

Dọc các cửa biển miền Tây bây giờ, cảnh tàu biển nằm bờ hiện ra trước mắt giống như một bức tranh ảm đạm. Sinh khí nghề cá hàng mấy chục năm nay giờ bỗng chùng xuống như một quả bóng xì hơi. Những thị trấn, thị tứ một thời sung túc và được đánh giá có bước phát triển chưa từng thấy ở vùng biển cực Nam Tổ quốc đang “rụm” dần. Quốc doanh đánh cá Kiên Giang một thời hào hùng là vậy, nhưng giờ cũng đang sống… thoi thóp. Nhiều người từng gắn bó với những địa danh Sông Đốc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm, Bảy Háp, Gành Hào, Trần Đề... nói trong niềm xót xa: “Với đà làm ăn như hiện nay thì không bao lâu nữa ngư dân nơi đây sẽ được sếp vào diện... nghèo và nợ nhiều nhất nước”.

Hiện nay vật lực phục vụ việc đánh bắt xa bờ rất hạn chế. Cả vùng biển Tây Nam chỉ có một số tàu trang bị được máy định vị, tầm ngư, còn lại là họ chỉ trang bị cho hệ thống thông tin liên lạc và tầm ngư bằng… kinh nghiệm. Chỉ tính riêng hệ thống liên lạc của các tàu cá cũng đã thấy lắm vấn đề. Hầu hết máy móc đều được mua từ nhiều nguồn, không có chủng loại gì cả. Khi cần liên lạc thì dò tần số như… dò radio. Chính vì điều này mà mỗi lần có bão, việc gọi tàu vào đất liền là một việc cực kỳ khó.

Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có trên dưới 1.043 tàu thuyền khai thác biển các loại, trong đó chỉ có 368 chiếc có khả năng đánh bắt xa bờ, chiếm 35,28%. Trong tổng số tàu thuyền này chỉ có 394 chiếc là làm nghề lưới kéo, còn lại làm lưới rê, câu mực, te, xiệp. Nguyên nhân chính là do ngư cụ khai thác biển của ngư dân đa số còn đơn nghề, thiết kế ngư cụ còn mang tính truyền thống, nhiều nhược điểm và chậm được cải tiến. Hầu hết ngư dân thiếu thông tin, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiết kế ngư cụ kém, chưa phù hợp.

Với đội tàu trên 4.500 chiếc các loại, trong đó có khoảng 1.063 chiếc đánh bắt xa bờ, Cà Mau được xếp vào hàng “anh chị” trong cả nước. Thế nhưng, thiết bị phục vụ cho việc khai thác biển chưa được quan tâm đúng mức. Không có vốn để trang bị máy móc đã đành, nhưng một phần cũng do tình hình an ninh trên biển không tốt nên ngư dân không dám mua những thiết bị phụ trợ đắt tiền. Chú Bảy Kim, một ngư phủ lâu đời tại thị trấn Sông Đốc khua tay: “Tình trạng cướp biển xảy ra liên tục trên vùng biển Tây Nam trong những năm gần đây làm cho ngư dân ngán ngại đầu tư. Máy tầm ngư, định vị… mỗi cái trên 150 triệu đồng, chưa kể tới những ngư cụ khác và vỏ tàu, nếu bị bắt một chiếc là coi như ôm nợ cả tỷ đồng. Ngư dân ở đây chẳng ai dám mua sắm, trang bị thêm máy móc. Làm bằng kinh nghiệm là chính, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu”.

Để đánh bắt xa bờ có hiệu quả, người dân có được lãi cao cần phải có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá tốt. Hiện nay mọi thứ từ nguyên vật liệu, nhiên liệu… phục vụ đánh bắt xa bờ đều biến động, trong khi giá cả lại thấp nên ngư dân đòi hỏi nhà nước làm sao hỗ trợ tốt công tác hậu cần. Thay vì sau khi đánh được cá, ngư dân phải chạy hàng trăm cây số vào bờ tiếp thêm nhiên liệu, bán cá thì nay họ cần làm việc ấy ngay trên biển.

Bao giờ thì ngư dân- ngoài kinh nghiệm đánh bắt truyền thống còn kết hợp được với kiến thức, thiết bị hiện đại và sản lượng làm ra - có chỗ tiêu thụ với giá cao, thành phẩm tinh chế, xuất ngoại như mong muốn?

B. AN – M. TRƯỜNG – C. PHONG

 


ĐBSCL: “Sốt” nghêu thương phẩm

Nguồn tin: SGGP, 11/4/ 2006
Ngày cập nhật: 13/4/2006

Tại các tỉnh duyên hải ĐBSCL, nghêu thương phẩm đang lên cơn sốt. Chiều 10- 4, thương lái ở Bến Tre tìm tận bãi mua nghêu thịt loại 30- 40 con/kg với giá kỷ lục 17.000 - 18.000 đồng/kg; nghêu loại 50 – 60 con/kg giá 15.000 – 15.600 đồng/kg… cao chưa từng có từ trước đến nay.

Hiện tại, giới thương lái tăng cường mua nghêu cung cấp cho nhà máy chế biến xuất khẩu nhưng sản lượng nghêu không nhiều. Nghêu được giá cao nên chỉ riêng quý 1 - 2006, Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông (Bến Tre) đạt doanh thu trên 12 tỷ đồng.

Hiện tại, nhu cầu nghêu thương phẩm trên thị trường rất cao, dự báo giá nghêu còn tăng trong thời gian tới.

H.P.L.


Khánh Hoà: Hơn 50% số trại tôm giống ngừng hoạt động

Nguồn tin: LĐ, 12.04.2006
Ngày cập nhật: 13/4/2006

Tỉnh Khánh Hoà có khoảng 1.200 trại nuôi tôm giống, mỗi năm bán ra thị trường 3-4 tỉ con tôm post. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, hầu hết các chủ trại tôm giống ở TP.Nha Trang đều đóng cửa, "phố" tôm giống ở Cam Ranh chỉ hoạt động cầm chừng; khoảng phân nửa trại tôm ở huyện Ninh Hoà đã thả nuôi tôm giống đều trong tình trạng thua lỗ, phải ngừng hoạt động.

Tin từ Sở Thuỷ sản Khánh Hoà ngày 10.4, đến thời điểm này toàn tỉnh chỉ sản xuất được khoảng 700 triệu con tôm giống, bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và giá bán bình quân chỉ 30 đồng/con, giảm khoảng 30%.

B.C

 


Bình Dương và Tây Ninh: Cá chết hàng loạt, dân đề nghị được bồi thường

Nguồn tin: LĐ, 12.04.2006
Ngày cập nhật: 13/4/2006

Ngày 11.4, nguồn tin từ 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh cho biết: Ít nhất, khoảng 50 hộ dân nuôi cá bè ven sông Sài Gòn đã lâm cảnh khốn khổ vì cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Từ giữa tháng 3 đến nay, khoảng 20 hộ dân nuôi cá bè thuộc xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, phát sinh hiện tượng cá chết hàng loạt. Riêng ông Nguyễn Văn Thành (thị trấn Dầu Tiếng) có 10 bè cá điêu hồng bị chết, thiệt hại gần 800 triệu đồng. Hộ ông Trương Văn Kiên cá chết thiệt hại 700 triệu đồng... Ước tính, các hộ dân ở tỉnh Bình Dương bị thiệt hạt gần 200 tấn, trị giá trên 5 tỉ đồng trong vụ cá chết trên.

Tương tự, khoảng 20 hộ dân nuôi cá thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cũng lâm cảnh cá chết hàng loạt.

Theo phản ánh của các hộ nuôi cá, nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt, có thể do chất thải từ Nhà máy chế biến tinh bột mì Mi-Won VN (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh). Hiện có khoảng 40 hộ dân thuộc 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Dương đã nộp đơn lên cơ quan bảo vệ môi trường, xin được làm rõ nguyên nhân và bồi thường thiệt hại.

Đ.A

 


Bến Tre: sốt giá tôm càng xanh giống.

Nguồn tin: Btre, 11/04/2006
Ngày cập nhật: 12/4/2006

Giá tôm càng xanh giống tại tỉnh đã tăng từ 105.000 lên 140.000 đồng/thiên (1.000 con). Nguyên nhân giá tôm giống tăng là do trước đây tôm càng xanh chỉ được nuôi ở các địa phương nước ngọt. Mùa vụ tôm sú năm 2005 rớt giá còn 60.000 – 70.000 đ/kg tôm thịt, nên các xã ở vùng lợ của huyện Thạnh phú, Bình Đại, Ba Tri chuyển đổi nuôi tôm sú sang nuôi tôm càng xanh, ít vốn đầu tư, và lãi ăn chắc.

Ngoài ra, công suất 13 trại sản xuất giống tôm càng xanh ở tỉnh chỉ đạt 20 triệu con/ năm, trong khi nhu cầu thả nuôi cao hơn gấp 3-4 lần, cũng là nguyên nhân dẫn đến con giống sốt giá.

Lư Thế Nhã


Những định hướng phát triển kinh tế thủy sản Bến Tre

Nguồn tin: BTre, 12/04/2006
Ngày cập nhật: 12/4/2006

Là vùng hạ lưu của sông Tiền, Ba Tri, Bến Tre nằm tiếp giáp với biển Đông, có 12 km bờ biển, 2 con sông lớn, 14 con rạch ăn sâu vào đất liền và 3 hệ thống kênh dẫn ngọt tạo nên một hệ sinh thái cù lao sông biển với 3 nguồn nước: ngọt, lợ, mặn, là môi trường thích hợp cho các loài thuỷ sản phát triển.

Ba Tri rất phong phú về tài nguyên biển như: Nghêu, sò, cua, mực và hàng trăm loài cá đáy, cá nổi là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. Diện tích nuôi thuỷ sản của huyện chiếm 14% diện tích. Các mô hình nuôi tôm thâm canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm xen rừng, nuôi tôm xen lúa, nuôi chuyên canh cá, nuôi xen cá lúa là điều kiện để khai thác tốt tiềm năng của địa phương, thúc đẩy kinh tế huyện phát triển. Ngư trường khai thác đánh bắt của huyện nằm trong vùng biển Đông Nam bộ là vùng biển nằm trên các cửa sông lớn nên nguồn lợi thuỷ sản dồi dào. Lượng tàu thuyền trong huyện chiếm 44% tàu thuyền của tỉnh với công suất bình quân 128CV/tàu, có 525 tàu khai thác xa bờ với máy móc thiết bị, ngư lưới cụ ngày càng được trang bị hiện đại tạo điều kiện cho nghề khai thác thuỷ sản của huyện ngày càng phát triển.

Đến hết năm 2005, diện tích nuôi nước ngọt toàn huyện là 547 ha chiếm 10%, chủ yếu là các loài cá truyền thống: sặc rằn, rô đồng, rô phi…. sản lượng khoảng 2.900 tấn. Nuôi mặn lợ phát triển khá nhanh, với diện tích 4.727ha, đặc biệt nghề nuôi tôm thâm canh phát triển khá nhanh từ 30 ha (2001) nay là 914 ha; nuôi nghêu, sò 1.605 ha. Sản lượng nuôi 20.570 tấn, trong đó tôm 4.965 tấn, nghêu, sò 15.605 tấn. Được sự hổ trợ của sở Thuỷ sản, huyện đã xây dựng quy hoạch chi tiết nuôi thuỷ sản đến năm 2010, các dự án hạ tầng kỹ thuật như: Dự án bảo tồn nuôi cá đồng Lạc Địa, dự án 872 ha nuôi tôm thâm canh xã Bảo Thuận, dự án 164 ha tôm lúa xã An Hoà Tây, dự án 180 ha tôm lúa xã Vĩnh An, dự án 350 ha tôm lúa xã An Đức, dự án 190 ha nuôi tôm càng xanh ở xã An Ngãi Trung; mở nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi; khuyến khích nhân dân xây dựng được 19 trại sản xuất tôm sú giống. Từ đó mà nghề nuôi có điều kiện phát triển. Toàn huyện có 1.250 tàu đánh bắt thuỷ sản đã đăng ký, với tổng công suất 160.333 CV. Sản lượng khai thác 35.230 tấn, trong đó có: 3.500 tấn tôm, 4.200 tấn mực, 25.380 tấn cá. Nghề khai thác thuỷ sản đã phát triển lâu đời, kinh nghiệm đã được tích luỹ qua nhiều thế hệ, kết hợp với những phương tiện máy móc hiện đại đã nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế với tổng số lao động hơn 6.700 người. Huyện có 1 cảng cá và 23 cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền phục vụ cho hậu cần nghề cá.

Để đạt được các chương trình phát triển nuôi thuỷ sản theo nghị quyết của huyện đề ra, các ngành chức năng căn cứ vào quy hoạch chi tiết để xác định việc nuôi cho phù hợp với đặc điểm từng vùng sinh thái, đa dạng hoá các đối tượng nuôi và loại hình nuôi, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm càng xanh, cá mú, cá chẻm, lươn, ếch… thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình. Đầu tư xây dựng khu sản xuất giống tôm sú tập trung tại xã Bảo Thạnh để đáp ứng nhu cầu 350 triệu con giống vào năm 2010. Xây dựng trại sản xuất: cá giống ở Phú Lễ với công suất 20 triệu con/năm, tôm càng xanh ở xã An Ngãi Trung, cua biển ở An Thuỷ. Thực hiện tốt công tác quản lý hệ thống cung ứng thuốc, thức ăn nhằm bảo đảm tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nâng cao giá trị hàng thuỷ sản. Đẩy mạnh công tác khuyến ngư song song với việc triển khai các chương trình mục tiêu phát triển nghề nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng các mô hình thực nghiệm nhằm kết hợp việc ứng dụng lý thuyết với thực tiễn, chú ý các hình thức hội thảo, tham quan học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức đội ngủ cán bộ kỹ thuật và nhân dân.

Trong chương trình khai thác thuỷ sản, mục tiêu đề ra đến năm 2010, tổng số tàu thuyền đánh bắt của huyện là 1.250 chiếc, trong đó có 575 tàu khai thác xa bờ phải đạt sản lượng 37.217 tấn bằng giải pháp nâng cao năng lực khai thác xa bờ, chuyển dần các tàu khai thác ven bờ kém hiệu quả sang khai thác tuyến khơi gắn với việc bảo vệ tốt nguồn lợi thuỷ sản. Có kế hoạch cắt giảm và hạn chế dần số tàu khai thác ven bờ, hướng dẫn và hổ trợ ngư dân chuyển nghề khai thác không hiệu quả làm giảm nguồn lợi sang các nghề sản xuất kinh doanh khác. Tăng cường bảo vệ, giáo dục người dân tự giác chấp hành các quy định bảo vệ, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đào tạo kiến thức, kỹ thuật, tay nghề cho lực lượng đánh bắt. Trang bị máy thông tin liên lạc trên biển để kịp thời đối phó với những tình huống rủi ro. Xây dựng mô hình kinh tế hợp tác trong đánh bắt thuỷ sản nhằm giảm chi phí trong khai thác. Phát triển khai thác thuỷ sản kết hợp chặt chẽ với quốc phòng an ninh, bảo vệ vùng ven bờ và lãnh hải. Tranh thủ với tỉnh sớm triển khai thục hiện dự án làng cá An Thuỷ, tạo cơ sở kết cấu hạ tầng để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Khai thác có hiệu quả cảng cá An Thuỷ thông qua việc tổ chức tốt hệ thống hậu cần dịch vụ.

Trong chương trình phát triển công nghiệp chế biến thuỷ sản, mục tiêu được đề ra là nâng cao chất lượng hoạt động của xí nghiệp chế biến Tiệm Tôm, cải tiến công tác quản lý thu mua, bảo quản và nâng cao kỹ thuật chế biến. Đa dạng hoá các loại hình chế biến nhằm tận dụng hết các nguồn nguyên liệu. Đặc biệt là việc chế biến nghêu xuất khẩu vì đây là nguồn lợi rất lớn và có giá trị kinh tế cao. Đa dạng hoá các sản phẩm chế biến phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trần Tuyến

 


Bến Tre: nuôi thành công cá mú mè

Nguồn tin: Btre, 11/04/2006
Ngày cập nhật: 12/4/2006

Trung tâm khuyến ngư tỉnh vừa thu hoạch cá mú mè (tên khoa học: Epinnphelus malabaricus – ảnh) sau 8 tháng nuôi thử nghiệm tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại với tỉ lệ sống trên 70%, cá cân nặng 0,8 kg/con. Cá được các nhà hàng ở TP.HCM thu mua tại ao với giá 110.000 đ/kg, trừ chi phí lãi từ 50.000 – 70.000 đ/kg (trong đó con giống: 20.000 đ/con).

Ông Nguyễn Xuân Quang Tuyến, Giám đốc Trung tâm khuyến ngư tỉnh cho biết: cá mú mè thích nghi nuôi ở vùng nước mặn. Mật độ thả nuôi 1m2/con. Cá có thể thả nuôi trong các ao tôm quảng canh cải tiến, trong các ao nuôi tôm công nghiệp sau vụ nuôi chính và các vùng đất nhiễm khuẩn không còn nuôi tôm được. Cá ăn tạp, thức ăn có thể là thức ăn viên công nghiệp hoặc thức ăn tự chế từ cá biển vụn. Cá nuôi ít bệnh, thịt cá trắng, chất lượng ngon được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng

 


Giá thủy sản tiếp tục tăng cao

Nguồn tin: ND, 11/4/2006
Ngày cập nhật: 12/4/2006

 


Kiên Giang: Tăng 15.000 ha diện tích nuôi tôm

Nguồn tin: Nhân dân, 11/4/2006
Ngày cập nhật: 12/4/2006

Tỉnh Kiên Giang dự kiến vụ tôm 2006 sẽ thả nuôi 84.000 ha tôm sú, tăng hơn vụ tôm năm 2005 gần 15.000 ha, trong đó nuôi tôm theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp tăng gấp đôi về diện tích so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, người dân đã mở rộng nạo vét và vệ sinh các vuông, ao để thả nuôi 52.257 ha. Các huyện thả nuôi nhiều nhất là Vĩnh Thuận với 16.000 ha, kế đến là huyện An Minh với 15.000 ha, An Biên 4.250 ha, Gò Quao 1.257 ha... Hiện nay, người dân đang khẩn trương chuẩn bị vuông ao, tôm giống để thả nuôi chính vụ trong tháng 4.

 


Hiệu quả mô hình nuôi lươn ở Châu Thành (An Giang)

Nguồn tin: WAG, 11/4/2006
Ngày cập nhật: 12/4/2006

Hiện nay, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đã và đang trở thành một nghề sản xuất mang lại hiệu qủa kinh tế cao, đặc biệt nuôi lươn đang là đối tượng khá phổ biến trong bà con nông dân. Bởi vì, Lươn là loài lưỡng tính, chúng sinh sản và phát triển mạnh trong môi trường thiên nhiên. Do đặc tính ăn tạp, các thức ăn động vật, dễ nuôi nên mùa nước nổi là mùa mà nhiều bà con nông dân chọn con lươn là đối tượng nuôi hiện nay. Tận dụng thức ăn trong thiên nhiên mùa nước nổi để nuôi lươn đã giúp nhiều bà con nông dân nghèo có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.

Theo thống kê của Ngành Thuỷ sản tỉnh An Giang đến năm 2.004 toàn tỉnh có 290 hộ nuôi lươn với diện tích 4.300 m 2 , năm nay có gần 1.000 hộ nuôi lươn với diện tích trên 30.000 m 2 tăng gấp nhiều lần so với năm trước. Riêng ở huyện Châu Thành có 466 hộ với trên 877 bồn nuôi lươn và tổng diện tích trên 20.000 m2 , đến nay đã có trên 80% số hộ thu hoạch sản lượng ước khoảng 40 tấn lươn thịt tăng gấp 5 lần so với năm trước. Để thúc đẩy phong trào nuôi lươn phát triển, Trạm khuyến nuông huyện phối hợp cùng với Hội Nông dân và các địa phương tổ chức nhiều cuộc hội thảo, chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn cho bà con nông dân, hướng dẫn hộ nuôi lươn lập dự án vay vốn mùa nước nổi, qua đó đã tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản mới mẻ này .

Ở xã Vĩnh Hanh huyện Châu Thành, trước đây nhờ đẩy mạnh công tác khuyến nông nên 46 hộ nuôi lươn của xã đều đạt hiệu qủa cao lại phù hợp với hộ nghèo, từ đó phong trào nuôi lươn phát triển ,năm 2.005 xã Vĩnh Hanh có số hộ nuôi lươn tăng gấp 5 lần so với năm trước. Để phát triển mô hình nuôi lươn ngoài việc chuyển giao kỹ thuật, xã Vĩnh Hanh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn cho 152 hộ vay 837 triệu đồng đã giúp nhiều hộ nuôi lươn đạt hiệu qủa cao. Ông Nguyễn Văn Ta, ngụ ở ấp Vĩnh Phúc xã Vĩnh Hanh là một trong số hộ nuôi lươn thành công. Sau khi được vay 5 triệu đồng ông Ta mua trên 70 ký lươn giống về nuôi, thu hoạch đợt đầu lời trên 3 triệu, số lươn nhỏ ông để lại nuôi đợt 2, mấy ngày qua ông thu hoạch được hơn 120 ký bán trên 6 triệu đồng trừ chi phí ông còn lời phân nửa. Để nuôi lươn thành công, một trong yếu tố quan trọng mà ông Nguyễn Văn Ta áp dụng đó là chọn con giống chất lượng cao và đều cở, đất trước khi cho vào bồn nuôi lươn phải được phơi và xử lý độc tố tạo môi trường tốt cho lươn nên lươn phát triển và đạt hiệu qủa.

Còn anh Mai Văn Hùng, ngụ ở ấp Vĩnh Thuận xã Vĩnh Hanh nuôi đến 7 bồn lươn với 280 ký giống. Nguồn giống do anh Hùng tự đặt trúm bắt lươn từ thiên nhiên, tận dụng cua ốc mùa nước nổi làm thức ăn cho lươn nên chi phí đầu tư thấp từ đó đạt hiệu qủa kinh tế cao. Đến nay anh Hùng đã thu hoạch 3 bồn lươn thả đợt đầu, trừ các chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng, đây là mô hình nuôi trồng thuỷ sản mà anh thu được hiệu qủa cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh những hộ nuôi lươn đạt hiệu qủa kinh tế cao, vẫn còn một số bà con nông dân do chưa nắm bắt kỹ thuật nuôi, lại thả giống với mật độ dày, nên đã nẩy sinh nhiều dịch bệnh làm lươn chết, tỷ lệ hao hụt cao và tất nhiên là hiệu qủa kinh tế không cao. Theo giới chuyên môn ngành thuỷ sản những nguyên nhân phát sinh bệnh trên lươn đó là do nguồn giống ban đầu không tốt, do trong quá trình vận chuyển bị xây xát, hoặc do nhiệt độ thay đổi đột ngột và môi trường nước ô nhiễm trong quá trình chăm sóc, nên nguồn nước nhiễm bẩn, các mầm bệnh và ký sinh trùng tồn tại gây bệnh cho lươn, phải tốn nhiều chi phí phòng trị bệnh từ đó hiệu qủa nuôi lươn không cao. Kỹ sư Lâm Trí Hùng, Cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện Châu Thành khuyến cáo lươn cần chọn giống khoẻ mạnh, đồng cở, trước khi thả giống nên tắm muối để sát trùng và loại những con yếu ra khỏi mô hình. Quá trình chăm sóc nên chú ý bổ sung Vitamin C và men vi sinh để tăng sức đề kháng giúp lươn vượt qua bệnh tật, về thức ăn cho lươn nên cho ăn ổn định ở vị trí, khi có nhu cầu thay đồi thức ăn cũng cần thay đổi từ từ thì lươn không bị Tress sẽ giúp hiệu qủa mô hình nuôi lươn thành công.

Từ đầu năm đến nay, bà con nông dân ở 4 xã như Bình Thạnh, Vĩnh Hanh, Tân Phú và xã Vĩnh An huyện Châu Thành đã thả lươn giống mới cho chu kỳ nuôi mùa nghịch với diện tích gần 2.000 m2 . Tuy lươn là đối tượng dễ nuôi, nhưng nguồn giống đánh bắt từ thiên nhiên chưa được thuần hoá, do vậy khi nuôi lươn bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi lươn như chọn giống khoẻ mạnh bằng cách tắm muối trước khi thả giống, luôn giữ môi trường nước sạch, định kỳ diệt khuẩn để loại bỏ mầm bệnh đồng thời chú ý đến chế độ thức ăn hợp lý, hy vọng đây sẽ là một trong số cách giúp bà con nông dân nuôi lươn thành công.

Trung Liêm

 


Xót xa “vựa” cá đồng!

Nguồn tin: SGGP, 11/4/2006
Ngày cập nhật: 11/4/2006

 


Quảng Ngãi: Đầu tư 6 tỷ đồng phục vụ xử lý môi trường nuôi tôm

Nguồn tin: Nhân dân, 10/4/2006
Ngày cập nhật: 11/4/2006

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi có cuộc họp về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nuôi tôm và bàn biện pháp khắc phục. Tỉnh đã quyết định đầu tư 6 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho bảy dự án nuôi tôm trong tỉnh. Đặc biệt là các vùng nuôi tôm đang gây ô nhiễm nặng sẽ được ưu tiên đầu tư sớm như: Dự án nuôi tôm trên cát xã Đức Phong, khu nuôi tôm Đức Minh (Mộ Đức), khu nuôi tôm Phổ An, Phổ Quang, Phổ Minh, Phổ Khánh (Đức Phổ) và Dự án nuôi tôm đồng Đá Bia, xã Bình Chánh (Bình Sơn). Tỉnh cho phép các chủ đầu tư được hưởng cơ chế đặc cách là vừa chuẩn bị đầu tư, đồng thời tiến hành thi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải để nhanh chóng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nuôi tôm hiện nay.

Minh Trí

 


Lao đao vì tôm chết!

Nguồn tin: TT, 11/04/2006
Ngày cập nhật: 11/4/2006

Những cánh đồng nuôi tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... đang nóng. Sức nóng không chỉ từ trên trời giội xuống, mà còn từ dưới mặt đất cằn cỗi bốc lên, từ sự sốt ruột, ê chề vì chuyện tôm chết của nông dân vùng chuyển dịch.

Càng nuôi càng lỗ

Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được trên 16.000ha tôm sú với khoảng 1,2 tỉ con giống. Tuy nhiên, diện tích tôm sú bị thiệt hại cũng tăng rất nhanh.

Tại hai huyện Mỹ Xuyên và Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vào những ngày này nhiều hộ nuôi tôm đang cải tạo lại ao đầm để nuôi tôm... “đợt hai”.

Vì sao tôm chết? Hai tháng trước anh T.V.H. đã mở rộng diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến lên 10.000m2 với số lượng tôm giống là 60.000 con. Do thấy giá tôm tăng cao, tôm lại đạt trọng lượng khoảng 100 con/kg, anh H. bắt đầu bón thúc bằng thức ăn công nghiệp để sớm thu hoạch.

Lập tức, tôm vừa lột vỏ đã lủi đầu vào mé nước chết, thân đỏ như luộc. Anh H. than thở: “Ngủ một đêm sáng dậy nhìn xuống ao tôm mà muốn... xỉu. Tôm chết nhanh lắm, không kịp trở tay”.

Tại Cà Mau, câu chuyện tôm chết cũng đang “nóng”. Ông Nguyễn Văn Sơn - phó trưởng ban nhân dân ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau) - cho biết năng suất tôm cứ giảm dần.

Thời điểm năm 2001, 2ha cho thu hoạch 40 triệu đồng/năm, sau giảm còn 30 triệu rồi 24 triệu và năm 2005 không đủ trả tiền mua giống để thả mới. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở Cà Mau.

Ông Nguyễn Thông Nhận - phó giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau - thẳng thắn nhìn nhận: “Do diện tích tôm nuôi tăng quá nhanh, năm 2000 chỉ có vài chục ngàn hecta, nay đã tăng lên trên 240.000ha, năng suất nuôi không tăng, lại đang có chiều hướng giảm rõ rệt”.

Diện tích tôm sú chết chủ yếu rơi vào những hộ nuôi theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến. Với thói quen nuôi gối vụ nên đợt tôm trước chuẩn bị thu hoạch là người dân đã tiếp tục thả giống mới để nuôi đợt tiếp theo.

Có những hộ nuôi đến... 3 vụ/năm vì cho rằng không cho tôm ăn thức ăn công nghiệp nên nguồn nước không bị... ô nhiễm (!?). Một số nông dân còn cho biết nuôi tôm trái vụ sẽ thu được lợi nhuận cao hơn do giá con giống thấp trong khi tôm bán được giá. Nhưng thực tế thì đang diễn ra ngược lại.

Vẫn trả phí cho bài học cũ

Theo thống kê chưa đầy đủ của sở thủy sản các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, diện tích tôm chết khá lớn: Cà Mau có 97.000/240.000ha tôm bị chết (với mức độ thiệt hại tùy ao, từ 20-80% số tôm thả nuôi); Kiên Giang 10.000/24.000ha tôm bị chết (thiệt hại 50-70%); Trà Vinh 1.350/11.050ha tôm bị chết (thiệt hại 50%)...

Môi trường nuôi đang giết dần vùng tôm nhưng những nỗ lực khôi phục môi trường vẫn chưa được quan tâm. Từ nhiều năm qua ở vùng nam quốc lộ 1A, nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với gần 100.000ha luôn bị thiếu nước sản xuất làm cho tôm chết hàng loạt.

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết có hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở khu vực này.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, đa số các tuyến kênh này đều bị bồi lắng, không được nạo vét thường xuyên và đặc biệt là hầu hết hệ thống kênh cấp 1 và 2 ở đây lại là những tuyến kênh phục vụ nông nghiệp trước đây.

Mặc dù các tuyến kênh này sắp trơ đáy nhưng năm 2006 này số vốn được ghi cho công tác thủy lợi toàn tỉnh chỉ có... 4 tỉ đồng, trong đó phải dành một nửa để quyết toán cho hai công trình thủy lợi của năm 2005! Nếu dành tất cả số còn lại cho vùng trọng điểm nuôi tôm của tỉnh thì chỉ vỏn vẹn có... 2 tỉ đồng!

Chưa kể nhiều qui hoạch cho vùng tôm vẫn còn nằm trên giấy. Ông Nguyễn Thông Nhận cho biết: “Để chuyển dịch trên 200.000ha đất trồng lúa sang luân canh lúa tôm, lẽ ra Cà Mau phải đầu tư 4.000 tỉ đồng để phát triển, hoàn thiện hệ thống thủy lợi.

Nhưng thực tế năm năm qua mới có 400 tỉ đồng được đầu tư vào việc làm thủy lợi”. Bên cạnh đó, người nuôi vẫn quá chủ quan, bỏ qua các yêu cầu khắt khe của qui trình nuôi. Mặc dù tỉnh đã tốn khá nhiều kinh phí để tập huấn cho bà con nhưng người nuôi vẫn làm theo cách của mình.

Cần nước thì lấy trực tiếp từ ngoài kênh thủy lợi vào. Khi tôm nuôi bị chết, nước trong đầm ô nhiễm thì vô tư bơm ra. Có khi người này đang bơm nước ô nhiễm ra sông thì ông hàng xóm lại lấy nước vào vuông tôm mình. Nguyên nhân tôm chết không mới nhưng cả nhà quản lý và người nuôi vẫn chấp nhận trả phí cho bài học đã cũ!

NHƯ Ý - NGỌC DIÊN - VIÊT SỬ

 


Sóc Trăng: Giúp người nuôi tôm thành công trong vụ sản xuất mới

Nguồn tin: Soctrang, 10/04/2006
Ngày cập nhật: 10/4/2006

Đến hạ tuần tháng 3/2006, nông dân huyện Mỹ Xuyên đã thả nuôi gần 6.000 ha nuôi tôm sú trong vụ nuôi 2006. Huyện phấn đấu nâng diện tích nuôi tôm năm 2006 lên 18.000 ha trong đó có 5.000 ha nuôi theo quy trình thâm canh còn lại nuôi dạng quản canh cải tiến với sản lượng nuôi tôm nguyên liệu ước đạt vài chục ngàn tấn đóng góp ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Hiện nay, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực về thuỷ lợi, về quản lý con giống và dịch vụ thú y thuỷ sản, quy hoạch… nhằm giúp người nuôi tôm thành công với vụ sản xuất mới. Đáng chú ý trong đó có việc huyện đầu tư gần 2,2 tỷ đồng thi công 7 công trình thuỷ lợi tạo nguồn nước tổng chiều dài trên 30.000m và khối lượng đào đất đắp gần 337.000m3 gồm các kênh : Hoà Phuông, Hoà Bình, Hoà Hinh, Hoà Thượng, Vĩnh A, Rò Rèn và Xóm Đông phục vụ vùng nuôi theo mô hình tôm - lúa 6 xã vùng huyện Mỹ Xuyên. Bên cạnh đó, huyện tăng cường kiểm tra chất lượng con giống nhập về địa phương và các dịch vụ thú y thuỷ sản đi kèm thông qua sự phối hợp giữa các ngành hữu quan, khuyến cáo lịch thời vụ cho nông dân từng tiểu cùng, từng xã, xóm ấp, tích cực chuyển giao quy trình nuôi tôm một cách rộng rãi để người nuôi nắm vững và áp dụng thành công. Ngoài ra, huyện Mỹ Xuyên cũng đang cố gắng ngăn chặn tình trạng nông dân tự phát nuôi tôm ngoài các vùng quy hoạch không chỉ gánh lấy thất bại đối với kinh tế hộ mà còn đe doạ môi trường sinh thái, phá vỡ cân bằng giữa con tôm với cây trồng vật nuôi khác làm cho cả công đồng phải chịu thiệt hại./.

Minh Trí

 


Các DN “chơi xổ số” với Bộ thương mại Mỹ

Nguồn tin: TP, 07/04/2006
Ngày cập nhật: 10/4/2006

 


ĐBSCL: Tôm sú chết - vòng quay khắc nghiệt

Nguồn tin: LĐ, 10/4/2006
Ngày cập nhật: 10/4/2006

Chết đủ kiểu, đủ cỡ, chết kéo dài và lan rộng... Đây là năm thứ ba liên tiếp, người dân ĐBSCL không làm chủ được cánh đồng tôm của mình. Mỗi năm, diện tích một nhiều thêm và danh sách người nuôi bị lún sâu vào nợ nần càng kéo dài hơn...

Mùa tôm... chết

Bác Sáu Niệm - ở kinh Láng Tượng, ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau), người được mệnh danh là lão làng trong nghề nuôi tôm sú ở Cà Mau - mở đầu câu chuyện: Dân nuôi tôm bây giờ có thêm một mùa mà không ngành nào có được: Mùa tôm chết". Theo thống kê của Sở Thuỷ sản Cà Mau, diện tích nuôi tôm 2006 chết đã lên đến gần 200.000/260.000ha của toàn tỉnh. Mức độ thiệt hại dao động từ 20-80%.

Không chỉ có Cà Mau, mà cả Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu... cũng đang đối mặt với mùa tôm chết. Tại Trà Vinh, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của phòng nông nghiệp - thuỷ sản các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, hiện có 1.708 hộ nuôi tôm sú bị thiệt hại gần 78 triệu con giống (1.697ha).

Vòng quay khắc nghiệt đến bao giờ

Ông Phạm Văn Đức - Giám đốc Sở Thuỷ sản Cà Mau - đúc kết: "Liên tiếp 3 năm qua, tôm sú ở ĐBSCL cứ lảo đảo trong cái vòng xoáy ngày càng khắc nghiệt. Hết bệnh đầu vàng, lại đến đốm trắng, đỏ thân...".

Người nuôi thì như cay cú với cơn sốt đỏ đen, sau mỗi trận thua lại quyết định đặt cược cao lên để hòng gỡ vốn, mà bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng về giải pháp kỹ thuật, lịch thời vụ, chất lượng con giống...

Một kỹ sư ở Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau cho biết: "Nhiều hộ nuôi gối vụ, nhưng lại thiếu chú ý đến vệ sinh ao nuôi nên coi như ủ sẵn mầm bệnh, đến khi nuôi lại thả với mật độ quá dày".

Thạc sĩ Trần Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Thuỷ sản Trà Vinh - xác định phần lớn tôm chết là do chất lượng con giống thấp. Theo thống kê, có chưa đầy 50% số tôm sú giống ở ĐBSCL chưa qua các khâu kiểm dịch.

Tuy nhiên, theo ngành thuỷ sản Bạc Liêu, kinh phí đầu tư nạo vét hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế.

Không ai có thể phủ nhận "giá trị vàng" của con tôm sú trong chiến lược xuất khẩu thuỷ sản, nhưng biết đến bao giờ ngành thuỷ sản Việt Nam mới chấm dứt được nghịch cảnh đánh mất vàng ngay trong tầm tay của chính mình?

Vũ Đạt Tùng

 


Ninh Thuận: Tôm hùm giống xuất hiện dày ven bờ

Nguồn tin: TT, 7/4/2006
Ngày cập nhật: 10/4/2006

Hơn hai tuần qua, tôm hùm giống bỗng xuất hiện nhiều ven bờ biển từ Mỹ Thành (Mỹ Hải) đến Bình Sơn (Văn Hải), cách trung tâm thị xã Phan Rang - Tháp Chàm chỉ khoảng 3km về hướng Đông.

Hàng trăm ngư dân ở các phường Đông Hải, Mỹ Đông, Mỹ Hải… dùng cọc nhọn đóng dày cả một vùng biển để thả giăng lưới mắt nhỏ bắt tôm bán cho thương lái. Anh Vũ Xuân Cường - ngư dân thôn Đông Giang (Đông Hải) cho biết mỗi mẻ lưới (sau khi giăng thả khoảng 1 tuần lễ) trung bình 10 - 12 con tôm hùm đá có thể kiếm 600 - 700 ngàn đồng. Nếu “trúng mánh” được thêm vài con tôm bông (giá 150 - 170 ngàn đồng/con) thì xem như có bạc triệu.

Nhiều ngư dân địa phương nói, lần đầu tiên mới thấy tôm hùm giống con xuất hiện ven bờ với mật độ dày như thế này.

L.TRƯỜNG

 


An Giang: Bước vào vụ tôm mới

Nguồn tin: AG, 07/04/2006
Ngày cập nhật: 9/4/2006

Mùa nước nổi năm nay, toàn tỉnh dự kiến nuôi trên 925 ha tôm, tập trung tại các huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và thành phố Long Xuyên, đồng thời dành trên 230 ha ươm giống phục vụ sản xuất. Tháng ba âm lịch, nông dân vùng nuôi tôm bước vào niên vụ mới, ráo riết chuẩn bị mọi mặt, đảm bảo kỹ thuật khi thả con giống vào ruộng.

Mục tiêu phát triển con tôm An Giang bền vững vẫn là kỹ thuật thả nuôi trên chân ruộng và ứng dụng mô hình "1 vụ lúa + 1 vụ tôm", trong đó chủ yếu tập trung ở Thoại Sơn, vì đây là địa phương có diện tích chiếm đến 700 ha. Để tạo ra bước đột phá này, những năm vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng giúp Thoại Sơn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng quy hoạch, đảm bảo các yếu tố cần thiết thả tôm nuôi tại Phú Thuận - điểm xuất phát phong trào nuôi tôm càng xanh đầu tiên trong tỉnh. Ông Trần Văn Khai, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đến nay mạng lưới đê bao kết hợp với giao thông nông thôn, hệ thống cống đập đã cơ bản hoàn chỉnh, điều tiết nước dẫn lưu thông trên các tuyến kênh, chế ngự được mực nước lũ hàng năm và đảm bảo cho vùng nuôi tôm an toàn. Nhờ vậy, nông dân Phú Thuận rất an tâm sản xuất, bỏ thêm chi phí đầu tư vào vuông tôm của mình; giá trị đã tăng từ 35 đến 40 triệu đồng/ha, còn xây dựng hoàn toàn mới thì chi phí cao hơn gấp nhiều lần. Vốn đầu tư lớn nhưng vẫn phát huy được hiệu quả, chính là sức thuyết phục mô hình làm ăn thật sự, chứ không phải xu hướng theo phong trào. Người nuôi tôm ở Phú Thuận đưa ra con số hấp dẫn, năm 2005, cả xã có 203 hộ thả giống nuôi 375 ha, năng suất đạt từ 1 tấn đến 1,2 tấn/ha, giá dao động khoảng 90.000đ/kg. Nếu tính rợ, mỗi héc-ta cũng lời thủ trên 50 triệu đồng, người có tay nghề kỹ thuật giỏi thì con số lời sẽ nhiều hơn. Đa số đều thừa nhận rằng, năng suất thu hoạch và mức lời không giống nhau, nhưng gọi là phá sản do thua lỗ thì chưa xảy ra ở Phú Thuận.

Mô hình "1 vụ lúa + 1 vụ tôm" cũng được Thoại Sơn nhân rộng, giai đoạn 2006 - 2010 phát triển 1.500 ha tại các xã Vĩnh Khánh, Vĩnh Chánh, Định Thành và thị trấn Phú Hòa, trong đó xã Phú Thuận vẫn giữ vai trò vùng sản xuất nguyên liệu lớn nhất huyện. Trước mắt, mùa nước nổi năm 2006 Thoại Sơn sẽ thả nuôi 700 ha, với nhu cầu 70 triệu con giống, qua cân đối năng lực sản xuất các trại giống trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu. Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, thông qua các chương trình chuyển giao kỹ thuật của Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản An Giang, sẽ tăng thêm 10 đến 20% lượng giống; số còn lại đăng ký với các trại sản xuất trong và ngoài tỉnh. Do vậy, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng tôm giống, cần phải quan tâm để đảm bảo sạch bệnh và đúng lịch thời vụ. Chuẩn bị cho niên vụ mới, Trạm Khuyến nông Thoại Sơn cùng các xã, thị trấn và hợp tác xã, tổ liên kết, câu lạc bộ nông dân tổ chức huấn luyện quy trình kỹ thuật nuôi tôm, như: Vệ sinh đồng ruộng sau vụ lúa đông xuân, kiểm tra ươm dưỡng con giống, tu sửa hệ thống đê bao và cống đập, thường xuyên theo dõi nguồn nước, xử lý ngay các yếu tố thời tiết phát sinh, sử dụng thức ăn…

Tháng ba âm lịch, lúa đông xuân ở các cánh đồng quy hoạch đã cắt suốt dứt điểm, nông dân nhiều nơi ráo riết bắt tay chuẩn bị vụ tôm chuyển tiếp, với không khí phấn khởi quyết tâm giành thắng lợi trong niên vụ mới. Bởi lẽ, con tôm càng xanh không chỉ làm giàu cho người trực tiếp sản xuất, nó còn giúp ích đối với rất nhiều lao động “ăn theo” nghề chăn nuôi này. Tại xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn) cho thấy, trong năm 2005 đã giải quyết việc làm cho 4.767 lao động, trong đó 750 lao động trực tiếp làm thuê và có hơn 4.000 lao động khác được thu nhập từ việc bắt ốc bươu vàng làm thức ăn cho tôm.

T.A


Nuôi cá sạch

Nguồn tin: TT, 08/04/2006
Ngày cập nhật: 9/4/2006

TT - Người nuôi cá ở ĐBSCL dần quen với chương trình nuôi cá sạch, theo đó lợi nhuận sẽ gia tăng theo chất lượng sản phẩm.

Nuôi cá sạch cũng là hướng đi để tăng khả năng cạnh tranh của con cá tra VN khi có nhiều nước cùng xuất khẩu cá tra.

“Công nhân” nuôi cá

Dẫn chúng tôi ra trại nuôi cá nằm ven sông Hậu (Cần Thơ), ông Hải Thanh khẳng định: “Có thể truy xuất được nguồn gốc ở tất cả các khâu từ con giống, thức ăn, qui trình nuôi, thú y...”. Vào văn phòng có máy lạnh nằm ngay cạnh ao nuôi, ông Thanh bật vi tính diễn giải: “Số liệu, sổ nhật ký ao nuôi có ghi chi tiết cụ thể: cá 171 ngày tuổi, nồng độ pH: 6,5; NH3: 0,03; màu nước xanh, mực nước: 6m...; thức ăn đảm bảo. Mua cá giống ở đâu, thức ăn ra sao, thuốc thủy sản ai cung cấp đều có chứng từ nguồn gốc, ngày giờ đầy đủ!”.

Các thành viên phải chịu sự kiểm tra nội bộ ít nhất ba tháng/lần để đánh giá có đạt tiêu chuẩn quốc tế SQF-1000 hay không. Ông Thanh nói: “Khi đã được đảm bảo quyền lợi và ổn định lâu dài thì chúng tôi sẽ đảm bảo “sạch tận gốc” vì còn phải bảo vệ uy tín cho Liên hiệp cá sạch các năm tiếp theo”.

Nuôi cá theo tiêu chuẩn SQF-1000, những người nuôi không còn là nông dân mà đang trở thành những công nhân thực thụ. Theo ông Võ Phước Hưng - thư ký tổng giám đốc Công ty cổ phần Agifish An Giang, mặc dù vẫn có những thành viên còn sơ suất trong việc ghi chép sổ sách nhật ký ao nuôi do họ còn thói quen của người nông dân nhưng sẽ sớm được khắc phục.

“Thái Lan, Campuchia, Lào... cũng đang phát triển nuôi cá tra. Do vậy, nếu không qui hoạch và chấn chỉnh sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng thì về lâu dài thị phần cá tra VN sẽ bị ảnh hưởng” - ông Bửu Huy, phó giám đốc Công ty Afiex An Giang, đã nhận định như trên tại hội thảo “Nghiên cứu thị trường cá tra - ba sa ở ĐBSCL” vừa diễn ra tại Cần Thơ.

Theo ông Hưng, Liên hiệp cá sạch có hội đồng quản lý, giám sát và đánh giá người tham gia tuân thủ qui trình nuôi. Tất cả cơ sở nuôi phải có bác sĩ hoặc người thực hành thú y, phải trình được giấy phép nếu cơ quan chức năng yêu cầu.

Đến nay, Liên hiệp cá sạch thuộc Công ty Agifish đã thực hiện điều tra vẽ sơ đồ ao, diện tích, vùng nuôi và hệ thống cống cấp xả nước. Mỗi ao đều có mã số, dựa vào diện tích mực nước, tốc độ lưu tốc ao nuôi.

Dự kiến năm 2006, Liên hiệp cá sạch thu hoạch 50.000-60.000 tấn. Sản lượng này tương đương nhu cầu chế biến xuất khẩu của nhà máy. Tuy nhiên nếu thành viên nào lơ là, nuôi không đạt năng suất, chất lượng, liên hiệp sẽ chắt lọc bớt.

Còn nhiều việc phải làm

Dựa vào qui hoạch thủy sản của các tỉnh, Liên hiệp cá sạch chọn vùng nuôi độc lập xa nơi đô thị, khu công nghiệp.

Kỹ sư Nguyễn Văn Dẫn, trưởng liên trạm thủy sản Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh, cho biết TP Cần Thơ đang tổ chức điều tra để qui hoạch vùng nuôi thủy sản xuất khẩu bền vững. Trên 300ha ao nuôi cá tra dọc bờ sông Hậu (từ bờ vào trong khoảng 300m) nguồn nước rất tốt, nếu nông dân nuôi đúng qui trình thì cá luôn đạt chất lượng xuất khẩu và giá cá cũng cao hơn khu vực thượng nguồn sông Hậu.

Hiện Chi cục Thủy sản Cần Thơ đang thành lập chi hội thủy sản tập trung ở Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Ô Môn. Các tổ liên kết sản xuất sẽ được hình thành giúp nông dân nuôi cá theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế SQF. Mô hình này sẽ giúp người dân hạn chế được rủi ro, liên kết bảo vệ môi trường và chất lượng sản phẩm, đảm bảo cho 50.000 tấn cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều quan trọng là phải giữ gìn môi trường nuôi không bị ảnh hưởng bởi quá trình phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp, theo ông Dẫn.

Không chỉ lo về môi trường, người nuôi cá sạch còn lấn cấn chuyện cá không... sạch. Theo ông Lê Chí Bình - phó chủ tịch nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA), thực tế trên thị trường xuất khẩu vẫn có nhu cầu “ăn” cá tra truyền thống. Tại thời điểm này, do cá nguyên liệu khan hiếm, giá cá tra thường ở An Giang đã nhích gần bằng giá cá sạch, chỉ còn chênh 500-1.000 đồng/kg. Không ít người nuôi tiếc vì đã nuôi cá sạch. Đây cũng là nguy cơ phá vỡ vùng qui hoạch nuôi cá sạch.

TRẦN ĐỨC

 


Thanh Thủy - Phú Thọ làm giàu từ nuôi cá

Nguồn tin: ND, 7/4/2006
Ngày cập nhật: 9/4/2006

Từ thực tế các mô hình tận dụng diện tích mặt nước ao hồ, chuyển chân ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao, chính quyền huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã đề ra những giải pháp phát triển sản xuất phù hợp. Trong năm năm tới, Thanh Thủy xác định phát triển thủy sản là hướng giúp nông dân làm giàu.

Muốn giàu, nuôi cá...

"Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi bò" là câu nói thường được nông dân các xã Hoàng Xá, Ðoan Hạ, Bảo Yên, Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy) nhắc đến trong câu chuyện bàn cách làm ăn.

Chưa khi nào phong trào nuôi thủy sản trên địa bàn huyện lại phát triển mạnh như hiện nay. Nếu như cách đây mười năm, diện tích nuôi thủy sản của huyện chỉ vài chục ha (chủ yếu nuôi trong ao, hồ) thì nay đã tăng lên 1.300 ha (trong đó có 700 ha nuôi thủy sản quanh năm).

Nếu như trước đây, nông dân chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống, thì giờ đây đã mạnh dạn đưa các giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao như cá rô phi đơn tính, chim trắng, chép lai ba máu, tôm càng xanh...vào nuôi. Năm 2005, sản lượng thủy sản đạt 1.250 tấn, giá trị sản xuất trên một ha canh tác bình quân đạt 30,2 triệu đồng.

Mô hình cánh đồng thu nhập từ 50 triệu đồng/ha/năm, hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm trở lên, xuất hiện ngày càng nhiều. Ðến nay, trên địa bàn huyện Thanh Thủy có 43 trang trại tổng hợp quy mô sản xuất lớn, đều có mức thu nhập từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi thủy sản của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Thủy Chạm (xã Sơn Thủy), một trong những mô hình nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao của huyện Thanh Thủy.

Anh Sơn kể: "Trang trại được thành lập từ năm 1991, với diện tích 1,2 ha. Có được diện tích tập trung như vậy anh phải rất vất vả để thuyết phục bà con chuyển đổi chân ruộng cho mình. Trước đây, đồng đất Thủy Chạm chủ yếu là chân ruộng trũng, một năm cấy hai vụ lúa, năng suất thấp. Gần đây, do phong trào nuôi thủy sản phát triển mạnh, chân ruộng trũng lại có giá hơn chân ruộng cao. Với diện tích kể trên, tôi đào ao nuôi cá, trên bờ nuôi lợn và trồng cây ăn quả. Hơn mười năm làm kinh tế trang trại, tôi thấy nuôi cá vẫn là hiệu quả nhất. Từ năm năm trở lại đây, thu nhập từ trang trại đạt 100 triệu đồng/năm; trong đó, thu nhập từ nuôi cá là chủ yếu".

- Kinh nghiệm nào giúp anh nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao? Tôi hỏi.

- Ðể có được như ngày hôm nay, tôi đã phải trả giá rất nhiều. Không ai giỏi ngay từ lần nuôi cá đầu tiên. Ðối với tôi, hai khâu quyết định hiệu quả nuôi cá là chất lượng con giống và biện pháp phòng, chữa bệnh cho cá.

- Anh mua cá giống ở đâu? - Tôi tự sản xuất cá giống, kể cả các giống cá mới như rô phi đơn tính, chép lai ba máu, chim trắng.

- Làm thế nào anh sản xuất được cá giống và từ bao giờ?

- Năm 2000, tôi có đến Trung tâm thủy sản Hải Dương và được cán bộ kỹ thuật của trung tâm giúp đỡ. Tôi mua các loại cá trắm, chép, chim trắng bố mẹ với giá trung bình 50-70 nghìn đồng/kg về để nuôi vỗ, cho sinh sản nhân tạo. Cán bộ kỹ thuật của trung tâm về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật cho cá đẻ. Sau nhiều lần như vậy, tôi có thêm kinh nghiệm và đã cho cá đẻ thành công. Ðến nay, trang trại của tôi sản xuất trung bình 20 triệu con cá giống/năm.

- Làm thế nào để cá nuôi không bị nhiễm bệnh?

- Cách tốt nhất là phòng bệnh cho cá, hạn chế đến mức thấp nhất số cá bị nhiễm bệnh. Tôi còn nhớ năm 1991, vụ nuôi đầu tiên thất bại vì cá bị chết nhiều. Tôi điện thoại hỏi khắp nơi, nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân vì sao cá chết. Cuối cùng, tôi mới phát hiện ra cá chết do mật độ thả quá dày, nguồn nước bị ô nhiễm. Thực tế cho tôi thấy: thả 40 con cá chép giống, sau sáu tháng thu hoạch được 50 kg, nhưng có thả đến 200 con cá chép giống cũng chỉ thu hoạch được 50 kg. Cho nên, thả cá với mật độ phù hợp cũng là một trong những biện pháp quyết định năng suất cá nuôi.

Xã Sơn Thủy hiện có 1.000 hộ nuôi thủy sản, trong đó có hơn 500 hộ có diện tích nuôi từ một sào (360 m2) trở lên.

Ðây cũng là vùng sản xuất cá giống của huyện Thanh Thủy. Người dân địa phương chủ động con giống, cho nên chi phí nuôi thấp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Cá giống của Sơn Thủy cung cấp không chỉ cho người nuôi cá trong xã, mà còn cho cả các xã quanh vùng. Người dân năng động, tự chuyển đổi ruộng đất để quy vùng nuôi thủy sản tập trung

Trang trại tổng hợp của vợ chồng anh Sơn, chị Chính tại khu đồi Chuộn, xã La Phù (Thanh Thủy) có diện tích hơn 21 ha, trong đó diện tích cây rừng là chủ yếu. Mặc dù diện tích hồ nuôi cá chưa đến một ha, nhưng nguồn thu nhập từ nuôi cá đến 50 triệu đồng/năm.

Chị Dương Thị Chính cho biết: "Nuôi cá như là biện pháp lấy ngắn nuôi dài. Một năm hai vụ cá, nhanh thu hoạch, nguồn thu nhập này bổ sung, hỗ trợ các cây, con khác. Vì nguồn vốn đầu tư vào trang trại đến nay gần một tỷ đồng, trong khi cây rừng chưa đến thời kỳ thu hoạch, cho nên nguồn thu từ nuôi cá vẫn là chủ yếu".

Kết quả và những vấn đề đặt ra

Năm 2004, huyện Thanh Thủy triển khai kế hoạch "Xây dựng cánh đồng, khu đồi rừng, hộ thu nhập cao". Theo đó, từ cấp huyện đến cấp xã đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch này. Năm đầu, huyện chọn bốn xã Hoàng Xá, Ðoan Hạ, Bảo Yên, Tân Phương thực hiện các mô hình điểm.

Từ kết quả tại bốn xã này, huyện tổng kết, nhân rộng đến các xã khác. Xã Bảo Yên được huyện chọn thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh. Ðược sự giúp đỡ trực tiếp của cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện, ông Nguyễn Văn Huệ nuôi thành công tôm càng xanh.

Sau năm tháng thả nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, đạt trọng lượng 28-32 con/kg. Trừ các khoản chi phí, ông Huệ có lãi 27 triệu đồng/ha. Thành công của mô hình đã khẳng định con tôm càng xanh phù hợp đồng đất Thanh Thủy, cần được nhân rộng. Các mô hình nuôi cá chim trắng, chép lai ba máu lần lượt được triển khai đều đạt hiệu quả kinh tế cao, được nhiều hộ dân tích cực tham gia.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy đánh giá: Qua hai năm thực hiện kế hoạch "Xây dựng cánh đồng, khu đồi rừng, hộ thu nhập cao" trên địa bàn huyện bước đầu cho thấy đạt hiệu quả cao.

Từ những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, UBND huyện rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ khâu tuyên truyền đến lựa chọn mô hình, cây, con, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trong những năm tới, huyện ưu tiên đầu tư phát triển nuôi thủy sản và trồng cỏ nuôi bò. Ðây là hướng làm giàu của nông dân, phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương.

Trong ba năm (2003-2005), huyện đã chuyển đổi hơn 200 ha ruộng trũng cấy lúa bấp bênh sang nuôi thủy sản. Trong năm năm tới, huyện tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển đổi hơn 150 ha diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản; đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi thủy sản tập trung với quy mô 100-200 ha, tại các xã Hoàng Xá, Ðoan Hạ; thành lập các HTX nuôi thủy sản; có chính sách hỗ trợ về con giống, phí vận chuyển cá giống.

Mặc dù phong trào chuyển diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản của huyện Thanh Thủy phát triển, nhưng chưa bền vững. Nuôi thủy sản là hướng đi đúng, phù hợp điều kiện kinh tế của người dân, nhưng còn gặp nhiều khó khăn về diện tích, vốn sản xuất, chất lượng con giống, kỹ thuật nuôi, biện pháp phòng, chữa bệnh cho cá...

Anh Nguyễn Văn Sơn nhớ lại: "Năm 1991, khi nuôi cá bị chết nhiều, tôi lên UBND huyện nhờ các anh ở Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp, nhưng cả hai đơn vị này đều không có cán bộ kỹ thuật chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản. Việc nuôi cá khi đó như là đánh bạc với ông trời, không hoàn toàn chủ động". Mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Bảo Yên là mô hình đầu tiên huyện Thanh Thủy triển khai kế hoạch "Xây dựng cánh đồng, khu đồi rừng, hộ thu nhập cao" năm 2004. Nhưng, mô hình này vẫn chưa đạt hiệu quả cao do vốn đầu tư lớn (65 triệu đồng/ha), chưa chủ động về thị trường tiêu thụ. Hầu hết người nuôi thủy sản đều bị tư thương ép giá.

Ông Nguyễn Tưởng Thứ, Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy cho rằng: Phong trào nuôi thủy sản phát triển mạnh đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện. Những mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao chủ yếu do người nuôi nắm vững kỹ thuật nuôi, biện pháp phòng, chữa bệnh cho cá, chủ động con giống. Huyện đã có chủ trương khuyến khích người dân chuyển diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản; quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung; đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản; đề nghị tỉnh xây dựng trại sản xuất cá giống trên địa bàn huyện; tập huấn kỹ thuật và đầu tư, hỗ trợ người nuôi thủy sản.

Tạ Quang Dũng, Hồng Nghĩa

 


Picnic cuối tuần: Thưởng thức đặc sản hồ tôm

Nguồn tin: BĐ, 7/4/2006
Ngày cập nhật: 9/4/2006

 


Các DN “chơi xổ số” với Bộ thương mại Mỹ

Nguồn tin: Tiền phong, 7/4/2006
Ngày cập nhật: 8/4/2006

 


Bộ Thuỷ sản: Khai thác, nuôi trồng, xuất khẩu hải sản tăng

Nguồn tin: QĐND, 7/4/2006
Ngày cập nhật: 8/4/2006

 


Bến Tre: Con nghêu “lên đời”

Nguồn tin: BCT, 4/4/2006
Ngày cập nhật: 8/4/2006

Hiện nay, nghêu thịt được các thương lái đấu giá thu mua tại Hợp tác xã (HTX) thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận) và HTX Đồng Tâm (xã Thừa Đức) huyện Bình Đại với mức giá cao nhất từ trước đến nay: 16.500 đồng/kg. Giá nghêu giống cũng tăng gấp đôi so với năm 2005. Nghêu giống cỡ 1.000 con/kg giá 60.000 đồng/kg; cỡ 2.000 con/kg giá 70.000 đồng/kg. Dự báo trong thời gian tới, giá nghêu còn tiếp tục tăng...

Ở Bến Tre, giá nghêu tăng cao, con nghêu không về được tới các chợ như cách đây vài năm. Nguyên nhân là do thương lái tìm đến tận các bãi nghêu thu mua để chở đi bán cho những công ty chế biến thủy sản xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Nhu cầu nghêu xuất khẩu tăng.

Người dân vùng biển nuôi tôm sú công nghiệp có thắng có thua chứ dân ở xã Thới Thuận và Thừa Đức đang phấn khởi nhờ nghêu cao giá, thu nhập tăng. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ nhiệm HTX thủy sản Rạng Đông, phấn khởi cho biết: “Năm nay lượng nghêu giống tại bãi nghêu 900 ha của xã Thới Thuận rất nhiều. Ngoài việc bán giống cho các thương lái ở các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh đến mua về cung cấp cho người nuôi, chúng tôi đã bắt nghêu giống rải đều ra sân nghêu để tăng sản lượng nghêu thịt khi vào đợt khai thác vài tháng tới. Nhờ trúng mùa nghêu, quí I-2006, HTX Rạng Đông đã đạt doanh thu trên 12 tỉ đồng, xã viên được chia lãi 950.000 đồng/người”. HTX Đồng Tâm qua thăm dò cũng cho thấy lượng nghêu giống trên bãi nghêu 800 ha của HTX cũng nhiều hơn năm 2005. HTX để lại nuôi tất cả mà không bán giống.

Giá nghêu hiện tại đã tăng gần 20 lần so với năm 2001 và dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới. Năm 2005, giá bán nghêu thịt đầu năm chỉ ở mức 8.000-9.000 đồng/kg, cuối năm tăng lên 14.000-15.000 đồng/kg. Doanh thu của HTX Rạng Đông vì vậy cũng đạt gần 16 tỉ đồng; HTX Đồng Tâm cũng đạt doanh thu trên 12 tỉ đồng. Nhờ doanh thu từ nguồn lợi thủy sản thiên nhiên này mà trên 3.000 hộ xã viên ở 2 HTX được chia lợi nhuận bình quân 3, 8 triệu đồng/hộ. Đó là chưa kể những đóng góp về mặt xã hội được trích phần trăm từ doanh thu của HTX lên đến vài tỉ đồng như: quỹ đầu tư phát triển (4%), các công trình phúc lợi xã hội (4%), trích ngân sách cho địa phương (7%)...

Con nghêu thật sự “lên đời” ở Bến Tre, không còn “lẹt đẹt” mức giá 2.000-3.000 đồng/kg như 5-7 năm trước. Đời sống người dân vùng ven biển nơi đây cũng thay đổi nhiều. Nhờ hiệu quả kinh tế từ con nghêu mà xã Thới Thuận nghèo nổi tiếng ở huyện Bình Đại nhanh chóng xóa nghèo vào năm 2005 (theo tiêu chí cũ). Con nghêu ở Thừa Đức sau 2 năm HTX Đồng Tâm đi vào hoạt động ổn định cũng đã bắt đầu phát huy hiệu quả, giúp cho nhiều gia đình khó khăn của xã được no ấm. Thay vì những người nghèo, ít đất đai trước đây phải làm mướn vất vả để lo cho cuộc sống thì nay họ đã có một việc làm tương đối ổn định là bắt nghêu. Giá nghêu cao, thù lao cho người lao động tham gia bắt nghêu cũng tăng từ 20.000-40.000 đồng lên 50.000 đồng/người (chỉ tiêu từ 2-3 táo nghêu/người/chuyến).

HTX Rạng Đông có 500 lao động thuộc dạng khó khăn của xã mấy năm qua có được thu nhập ổn định với tiền công bắt nghêu bình quân trên 4 triệu đồng/người/năm. HTX Đồng Tâm cũng đã trích kinh phí trên 1,8 tỉ đồng để trả công lao động cho trên 32.000 lượt ngày công bắt nghêu cho những người nghèo trong năm 2005. Cộng lại khoản tiền bắt nghêu và tiền được hưởng theo nhân khẩu xã viên, thu nhập của người dân nơi đây đạt trên 7 triệu đồng/người/năm.

Chị Võ Thị Bình, ấp Thới An, xã Thới Thuận, người gắn lâu năm với nghề bắt nghêu tại HTX Rạng Đông, nói: “Nhà tôi có 6 nhân khẩu vừa bắt nghêu, vừa được hưởng tiền chia mỗi năm trên 20 triệu đồng. Cuộc sống hiện tại đã thoát khỏi cảnh túng thiếu so với hồi chưa có HTX”. Chị Lê Thị Cẩm Loan, ở ấp Thới Lợi 1, gia đình thuộc dạng khá, nên số tiền mà chị hưởng theo chế độ xã viên được đầu tư lâu dài cho 2 đứa con còn nhỏ bằng cách mua bảo hiểm dài hạn. Chị Loan cho biết: “Hai năm qua, vợ chồng tôi không cần bỏ đồng nào mà vẫn có tiền để đóng bảo hiểm mỗi quý vài trăm ngàn cho con. Tính ra, nhờ con nghêu mà các con tôi được mỗi đứa vài chục triệu để đầu tư cho việc học hành”.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Rạng Đông nhận định: “Giá nghêu thịt thời gian tới có thể tăng lên đến 20.000 đồng/kg, thậm chí có thể cao hơn. Từ khi HTX được thành lập (năm 2000) đến nay thì giá nghêu luôn tăng hàng năm. Giá nghêu tăng vì nghêu là loại thức ăn ngon, có nguồn gốc thiên nhiên sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng khi mà nhiều loại thức ăn khác dần mất tính tự nhiên vốn có”.

Giá cao, sản lượng tăng, con nghêu đã thật sự mang lại ấm no cho cư dân vùng ven biển Thừa Đức và Thới Thuận.

CAO DƯƠNG

 


Sáu Chừng - tỉ phú cá lóc

Nguồn tin: BCT, 6/4/2006
Ngày cập nhật: 8/4/2006

Với lưng vốn là 5 phân vàng 18k và một chiếc xuồng cui, vợ chồng anh Phan Văn Chừng (Sáu Chừng) từ An Giang vào tận vùng Đồng Tháp Mười hoang vu lập nghiệp. Từ cuộc sống cơ hàn của những ngày xuôi ngược tảo tần mua bán, làm thuê, thả lưới, giăng câu... vợ chồng anh đã tích lũy vốn đầu tư nuôi cá lóc và giờ đây trở thành tỉ phú.

Hồi đó, ở cái “rốn” của Đồng Tháp Mười (ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, Đồng Tháp), vợ chồng anh không người thân thích, không cục đất chọi chim... chỉ biết nương tựa nhau lao vào công việc để tìm kế mưu sinh... Nhờ biết tính toán làm ăn, chi xài tằn tiện, nên chẳng bao lâu hai vợ chồng anh sắm được ruộng đất, mua máy cày, máy xới, máy suốt lúa... để tăng gia sản xuất. Anh kể: “15 năm sau ngày vào đây lập nghiệp, vợ chồng tôi đã sở hữu hàng chục hecta đất ruộng canh tác lúa 2 vụ/năm”.

Trong thời điểm giá lúa bấp bênh, anh Sáu Chừng nạo vét ao cạnh nhà rộng 2.000m2, thả nuôi trên 35.000 con cá lóc giống. Sau gần 10 tháng nuôi, anh tát ao và thu hoạch hàng chục tấn cá lóc thương phẩm, bán được cả trăm triệu đồng. Phấn khởi, năm sau, anh quyết định thả nuôi tiếp 70.000 con cá lóc giống. Vụ nuôi 1997, vợ chồng anh thu lãi trên 140 triệu đồng, sau khi đã trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc. “Đó là một khoản lợi nhuận vượt ngoài mong đợi của tôi!” - anh Sáu Chừng nói.

Thấy nghề nuôi cá lóc mau giàu, năm 2000, Sáu Chừng quyết định nuôi cá lóc thâm canh, tăng vụ. Anh tiếp tục đầu tư hơn 1 tỉ đồng mở rộng hệ thống ao nuôi lên đến 9 cái lớn, nhỏ được thiết kế hệ thống cống thông nhau; trang bị máy nghiền thức ăn; bờ bao được xây cao ráo, trải bê tông bằng phẳng, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển thức ăn cho cá... Ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, nơi được mệnh danh là “vương quốc” nuôi cá lóc của miền Tây Nam bộ, thường nhiều người chỉ nuôi và thu hoạch cá lóc thương phẩm lúc chính vụ từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Còn anh Sáu Chừng chọn thời điểm nuôi cá lóc nghịch mùa, nghĩa là thời gian thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm. Anh tính toán: “Nuôi cá lóc mùa nghịch ít bị dội chợ, giá bán cao, lợi nhuận tăng đáng kể”. Anh còn mạnh dạn tham gia mua bảo hiểm rủi ro cho nghề nuôi cá lóc với mức đóng phí bảo hiểm hàng tháng lên tới 10 triệu đồng! Đến nay, gia đình anh đã có một cơ ngơi đồ sộ với một trang trại rộng lớn gồm 9 cái ao lớn, nhỏ có tổng diện tích mặt nước gần 4 ha nuôi cá lóc thâm canh - nằm cạnh bên Vườn Quốc gia Tràm Chim. Bình quân mỗi năm trang trại của anh đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn cá lóc thương phẩm, thu nhập trên dưới 3 tỉ đồng...

Về kỹ thuật nuôi cá lóc, anh Sáu Chừng cho biết: “Yếu tố thành công của nghề nuôi cá lóc quan trọng nhất là trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm từ khâu chăm sóc cá lóc giống đến thời điểm thả nuôi. Đặc biệt, phải thường xuyên theo dõi quá trình tăng trưởng của đàn cá để phát hiện những bệnh thường gặp ở cá lóc mà có biện pháp phòng trị kịp thời. Những năm qua, gia đình tôi nuôi cá lóc chưa bao giờ bị thất bại là nhờ nắm vững những nguyên tắc này”. Chỉ riêng vụ nuôi cá năm 2004, anh Sáu Chừng đầu tư gần 2,5 tỉ đồng thả nuôi tổng cộng 300.000 con cá lóc giống. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, anh tát ao thu hoạch trên 150 tấn cá lóc thương phẩm. Với bán giá bình quân 20.000 đồng/kg, anh thu vào hơn 3 tỉ đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư, công chăm sóc, anh Sáu Chừng còn lời trên 560 triệu đồng. Hiện tại, trang trại nuôi cá lóc thâm canh của gia đình anh Phan Văn Chừng là một trong những mối lớn tiêu thụ nguồn cá biển, cá tạp các loại để làm mồi nuôi cá lóc, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Ngoài ra, trang trại của anh còn phát triển nghề nuôi dê thịt và dê sinh sản với hàng chục con dê lớn - nhỏ để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình... Đây còn là một địa chỉ cung cấp nguồn cá lóc giống, dê giống và cung cấp cá lóc thương phẩm, dê thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Anh Phan Văn Chừng được công nhận là Nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, được UBND và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các cấp tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi...

Từ cuộc sống vất vả vươn lên với cơ nghiệp trị giá bạc tỉ, anh Sáu Chừng vẫn không quên những kỷ niệm của một thời nghèo khó. Trong khoản lợi nhuận hàng năm của gia đình, anh luôn trích ra để đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học ở địa phương; tham gia cất nhà tình thương tặng hộ nghèo; tài trợ cho các phong trào thể thao, văn nghệ... Anh Sáu Chừng tâm sự: “Tiền bao nhiêu xài cũng hết, cái quý nhất trên đời là tình người với nhau. Bà con ở vùng sâu này còn rất nhiều khó khăn, con em ở đây không có điều kiện đến trường... Tôi từ cảnh nghèo vươn lên nên thấu hiểu những khó khăn này và chỉ muốn góp một phần nhỏ công sức cho địa phương, cho bà con nơi đây”.

TRẦN TRỌNG TRUNG

 


Bến Tre: Nuôi cá mú mè thành công

Nguồn tin: BCT, 7/4/2006
Ngày cập nhật: 8/4/2006

Trung tâm khuyến ngư tỉnh Bến Tre vừa thu hoạch cá mú mè (tên khoa học: Epinnphelus malabaricus) sau 8 tháng nuôi thử nghiệm tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Tỷ lệ sống trên 70%, cá cân nặng 0,8 kg/con. Cá được các nhà hàng ở TPHCM thu mua tại ao giá 110.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi từ 50.000 – 70.000 đồng/kg (trong đó con giống: 20.000 đồng/con).

Ông Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc Trung tâm khuyến ngư tỉnh Bến Tre, cho biết: Cá mú mè thích nghi nuôi ở vùng nước mặn. Mật độ thả nuôi: 1m2/con. Cá có thể thả nuôi trong các ao nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi công nghiệp sau vụ chính và các vùng đất nhiễm khuẩn không còn nuôi tôm được. Cá ăn tạp, thức ăn có thể là thức ăn viên công nghiệp hoặc thức ăn tự chế từ cá biển vụn. Cá nuôi ít bệnh, thịt trắng, chất lượng ngon được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

L.T. N


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang