Miền Trung: Diện tích nuôi tôm sú mỗi năm giảm 20-30%
Nguồn tin: LĐ, 31/05/2006
Ngày cập nhật: 31/5/2006
Ngày 30.5, Viện Nghiên cứu Thuỷ sản III cho biết, sau hơn 2 thập niên liên tục phát triển, từ đầu năm 2001 đến nay, nghề nuôi tôm sú tại các tỉnh miền Trung ngày càng sa sút do tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ cùng môi trường đất và nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Năm 2000 là thời điểm cực thịnh, khu vực miền Trung có đến gần 20.000ha ao đìa nuôi tôm sú, con số này hàng năm giảm từ 20-30% và hiện tại chỉ còn khoảng 6.000 - 7.000ha đang nuôi thả. Không ít cánh đồng tôm rộng hàng trăm hécta ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận đã hoá thành "cánh đồng chết", nhiều "làng tôm" ngày trước bây giờ là "làng nợ".
B.C
An Giang: Đầu tư trên 100 tỷ đồng phát triển thủy sản đến năm 2010
Nguồn tin: AG, 30/5/2006
Ngày cập nhật: 31/5/2006
Nhằm phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản và khai thác bảo tồn thủy sản thiên nhiên từ nhiều nguồn vốn tài trợ nước ngoài Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang phối hợp các ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển thủy sản đến năm 2010 với kinh phí trên 100 tỷ đồng.
Theo đó sẽ có 7 dự án đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản như: dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng tứ giác Long Xuyên, nâng cấp các trại giống đạt tiêu chuẩn, xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng mặt nước, huấn luyện đào tạo kỹ năng nuôi thủy sản an toàn và chất lượng theo tiêu chuẩn SQF1000 cho ngư dân và người lao động ngành nghề cá. Về khai thác và bảo tồn thủy sản thiên nhiên tiến hành thực hiện dự án khai thác tổng hợp hài hòa lượng thủy sản thiên nhiên trên 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, dự án bảo tồn thủy sản thuộc khu vực rừng tràm Trà Sư, huyện Tinh Biên, Búng Bình Thiên, huyện An Phú và sản xuất các loài cá bản địa bổ sung vào môi trường thủy sản thiên nhiên.
Nguyễn Hậu
Những chuyện buồn ghi được ở vùng tôm
Nguồn tin: BBD, 23/5/2006
Ngày cập nhật: 31/5/2006
Chừng bảy tám năm trước, đến vùng tôm ven đầm Thị Nại khu vực thuộc huyện Tuy Phước, bất cứ ngày nào, mùa nào bạn cũng sẽ được nghe khúc hoan ca mang tên tôm, liên quan đến con tôm. Thậm chí lời một ca khúc đã mời hẳn hoi "Mời anh đến vùng tôm quê tôi, nơi đồng xanh, sóng ru ngọt lời, con tôm sú ơi, tôm bạc, tôm đất... Mùa lại về đầm vẫn đưa nôi". Chuyện "nghề tôm" thất bát đã kéo dài từ mấy năm nay. Tôi không hy vọng được nghe nhiều chuyện vui trong chuyến công tác này. Nhưng cũng không ngờ rằng chuyện buồn lại nhiều và nặng trĩu đến mức ấy...
Thả tôm, gieo cả nỗi lo
Ông Đặng Văn M., 42 tuổi ở thôn Huỳnh Giản vừa thả lứa tôm giống thứ... 3 trong vụ tôm này và đặt hết hy vọng vào… trời, lòng cứ nóng như lửa đốt. Thả xuống một lứa tôm là thả theo mấy triệu bạc “mồ hôi nước mắt” và cả “lãi mẹ đang đẻ lãi con” nữa. Bởi đây là tiền vay “bốc nóng” - vay 1 triệu đồng trả lãi 60.000 đồng/tháng. Vay nóng chứ có còn ngân hàng nào cho người vùng tôm vay nữa đâu.
Gia đình ông M. đã nợ ngân hàng vài chục triệu đồng rồi. Không biết sẽ đào đâu ra tiền để trả vì những mùa tôm cứ nối nhau thất bát. Mang tôm ra thả lúc này, những tia hy vọng mong manh lắm. Mong manh nhưng lại gánh quá nhiều khát khao: là trả bớt nợ, là kiếm miếng cơm manh áo, là tiền học cho con, là tất tật… Chẳng còn dựa vào đâu khác bởi cuộc sống của gia đình 6 người của ông chỉ biết dựa vào mấy vuông tôm này. Trò chuyện với tôi, mắt ông M. ngân ngấn nước. Ông nói, như thì thầm với chính mình thì đúng hơn bởi nỗi đau: “Cứ bỏ xuống là… chết. Bỏ xuống… chết. Đỏ cả hồ!”. Nhưng, ông vẫn cứ “bỏ” và tôm vẫn chết.
Nỗi đau của ông giờ đã lan sang tôi. Tôi kêu lên xót xa như thể những con tôm kia đã "liền khúc ruột" với tôi: “Ông có biết vì sao tôm chết không? Không biết? Tại sao ông vẫn cứ thả tôm giống xuống?”. Nghe tiếng xẻ chia, đồng cảm, ông M. dốc bầu tâm sự: Thì nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm. Ai cũng lấy nước từ đầm Thị Nại. Tôm bệnh cũng lại xả nước ra đầm Thị Nại làm phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh. Cán bộ thủy sản nói, tôm chết là do môi trường bị ô nhiễm; thả nuôi không theo thời vụ, mật độ nuôi dày… Phải nuôi mỗi năm 1 vụ thôi, hoặc phải ngừng nuôi mấy năm để môi trường thuần. Ngừng mấy năm ư? Thì cơm áo gạo tiền trong lúc chờ nó thuần đào ở đâu ra. Đành thế. Biết rõ nguyên nhân như vậy, nhưng ông M. và cả những hộ nuôi tôm khác ở Huỳnh Giản vẫn cứ cầu may, lao vào nuôi tôm, như con thiêu thân. Bởi họ không biết làm thế nào để khắc phục trong khi cuộc sống vẫn cứ đòi hỏi họ phải làm, phải ăn, phải mặc và con cái vẫn phải học hành.
Không thả thì không biết làm gì hơn. Mà cũng chẳng có để thả nhiều. Thả chút ít, hy vọng chút ít. Cứ như mua vé số cầu may vậy. Mà cũng chẳng riêng gì ông M. ở huyện Tuy Phước, suốt một dải các xã ven đầm Thị Nại có rất nhiều hộ như vậy. Đó là những chuyện lo.
Buồn hơn một tiếng thở dài
Tại Huỳnh Giản tôi đã gặp một chuyện buồn. Một cậu bé đen đúa, áo quần lôi thôi, hai tay ôm cặp, vừa đi vừa khóc rưng rức. Hỏi ra mới biết chuyện: C- tên cậu bé- đang học lớp 1. Vì không có tiền nộp cho trường nên bị cô giáo đuổi về. Để chứng minh cho tôi tin vào câu chuyện vừa kể, cậu bé nọ lật ngay trang cuối của cuốn vở học trò xộc xệch chỉ cho tôi xem mấy dòng chữ cô ghi: “Đề nghị gia đình nộp tiền thêm 52.000 đồng. Nếu ngày mai (20-3) không nộp thì đề nghị gia đình gặp giáo viên chủ nhiệm lớp tại phòng học…”. Khi tôi đến gặp cô giáo chủ nhiệm của cậu bé để hỏi rõ chuyện này. Cô giáo thanh minh: Em C. học yếu lắm! Tôi rầy la nên tự ý bỏ về chứ nào phải đuổi học vì không nộp tiền… Nhưng còn dòng chữ mà C. đã đưa tôi xem thì sao? Tôi im lặng tạm biệt cô giáo. Thật ra chuyện đau lòng - học sinh vùng ven đầm phải bỏ học vì nghèo khó giờ đã là chuyện phổ biến. Phổ biến đến mức không làm mấy ai phải động lòng nữa. Ngay cả cô giáo nọ, lớp mất một học sinh cô vẫn dửng dưng đấy thôi.
Thế nhưng dù gì đi nữa thì có thêm một học sinh bỏ học, nghỉ học đối với vùng ốc đảo này cũng đang là một gánh nặng đối với công tác phổ cập giáo dục. Từ cái đà nghèo, học sinh sẵn sàng bỏ học vì bất cứ lý do gì. Cấp 1, học sinh có thể nghỉ học vì cha mẹ không nộp được một vài khoản phí nào đó cho trường. Học sinh nghỉ học lòng vô tư vì suy cho cùng các em còn bé quá. Nhưng người lớn. Người lớn, sau nhiều lần chứng kiến cảnh láng giềng cho con nghỉ học, đến phiên mình quyết định đưa ra cũng nhanh hơn. Những người phải quyết định sau, càng ngày lại quyết định càng nhanh. Không thể nói chuyện cho con cái nghỉ học là nhẹ nhõm, nhưng phụ huynh ở vùng tôm cũng ít dằn vặt, bớt ray rứt hơn. Câu chuyện giữa tôi với những phụ huynh có con buộc phải nghỉ vì gia cảnh buồn hơn một tiếng thở dài.
Mà làm sao không buồn sao được nhỉ, sau một ngày toan lo cơm áo, trước giấc ngủ, cứ nghĩ về tương lai sau này của con lại phải tặc lưỡi an ủi - Chừng có tiền, nó lại đi học... Chừng nào là chừng nào thì không ai rõ, không ai trả lời được. Cả một vùng dân cư rộng lớn sống theo nhịp sống của con tôm mà. Người ta nói - Sống chết với nghề... Gọi sống là những ngày vinh hiển, cơm ngon áo đẹp thì dân vùng tôm cũng từng có. Nay chắc đến hồi chết chăng?
Có thể lắm chứ khi mà chỉ vì không nộp được học phí vài tháng, học sinh cấp 2 có thể phải nghỉ học. Giáo viên ở đây đang phải chịu sức ép rất lớn khi tiêu chí thi đua buộc phải “hoàn thành nhiệm vụ thu tiền”. Tâm sự với tôi, không ít giáo viên trăn trở - nhiều khi cứ nghĩ, y như là mình ép học sinh bỏ học vậy. Hoàn cảnh gia đình của nhiều em thương ghê lắm. Thương ghê đến đâu thì cũng chỉ thương được một vài em. Có đâu mà thương cho hết. Nên chuyện buồn cứ buồn thêm khi những hộ nuôi tôm chưa tìm thấy lối thoát bằng ngành nghề khác, và họ đành buồn thêm theo những mùa tôm thất bát.
Không ai giúp được họ hay sao?
Lo cái ăn, cái mặc cho con cái là cái lo trước mắt. Lo cho chuyện học là nỗi lo mai sau. Có ai muốn đường con mình đi mai này gập gênh đâu. Nhưng, vâng tôi nghe rất nhiều tiếng nhưng như những tiếng nấc của nông dân khi nghe hỏi chuyện học của con em.
Đời sống kinh tế khó khăn, chuyện học ở Huỳnh Giản chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, thất học nhiều. Thất học thì trình độ dân trí thấp. Dân trí thấp nên không tiếp thu được kiến thức, ứng dụng được khoa học kỹ thuật và cũng rất khó “vượt lên chính mình”.
Không quá khó để nhận ra sợi dây liên hệ giữa cái sự học và sự làm ăn kia. Quả thật, nếu có trình độ, có học vấn cao hẳn những người nuôi tôm ở Huỳnh Giản sẽ không chỉ nuôi tôm một cách tự phát, hẳn sẽ không nuôi tôm theo kiểu “cầu may” và hẳn cũng sẽ không thất bại đến cay đắng như hiện nay.
Chỉ riêng những nỗi buồn quanh chuyện học ở vùng tôm đã khiến tôi âu lo cho những mùa gặt chữ nghĩa sắp tới. Chẳng lẽ không ai giúp được họ hay sao? Mỗi một chuyện dịch tôm mà sao lâu quá.
Quỳnh Hoa
Nhủi cua biển giống
Nguồn tin: BBD, 28/5/2006
Ngày cập nhật: 31/5/2006
Hơn nửa tháng nay, đầm Thị Nại vùng dọc theo các xã khu Đông Tuy Phước nhộn nhịp hẳn lên bởi những người đi nhủi cua biển giống. Năm nay, cua biển giống xuất hiện nhiều, giá thu mua của thương lái lại cao nên hàng trăm người dân đổ xô ra đầm nhủi cua.
Nhà nhà đi nhủi cua
Mới 4 giờ 30 phút sáng, người dân ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước đã có mặt tại các con lạch ven đầm Thị Nai để đi nhủi cua biển giống. Mỗi người một gọng nhủi (dụng cụ để bắt cua giống), một cái ca nhựa đựng mớ cỏ nước mặn làm dụng cụ đựng cua. Tất cả “đồ nghề” để đi nhủi cua biển giống chỉ bấy nhiêu.
Khi chúng tôi đến, trời chưa tỏ, nhưng đã có cả trăm người, lớn có, nhỏ có, trước, sau đến 4, 5 hàng và nối dài với nhau hơn 500m rà theo ven đầm. Bao nhiêu con người là bấy nhiêu gọng nhủi, cứ hướng xuống mặt nước mà nhủi. Tất cả cứ lầm lũi mà đi tới khoảng 5 - 10 m rồi nâng gọng khỏi mặt nước để thăm dò kết quả.
Chỉ sau 4 lần nhủi, anh Nguyễn Văn Tý, ở xóm Ân Tân, thôn Nhân Ân đã tóm được 6 con cua biển giống, nhỏ bằng đầu ngón tay út. Vừa bắt những con cua nhỏ xíu bỏ vào ca nhựa, anh Tý vừa quay đầu lên bờ nói với tôi: “Cua biển giống chỉ lớn như thế thôi, nhưng có giá lắm đó”.
Đang chăm chú theo dõi động tác nhủi của anh Tý, thì tôi nghe có tiếng la thật to “nhiều quá, nhiều quá” ... Rồi mọi người ngừng lại, vác gọng nhủi lao về nơi cậu bé Nguyễn Văn Trường, ở xóm Ân Tân, thôn Nhân Ân. Cú nhủi vừa rồi của Trường đã bắt được một lúc tới 15 con cua giống. Thế là mọi người chuyển hướng, cùng nhủi xung quanh chỗ Trường vừa... trúng mánh.
Do được mùa được giá nên mọi người đổ xô đi nhủi cua ngày một đông, nhiều học sinh nhân kỳ nghỉ hè cũng đi nhủi cua. Em Đỗ Xuân Hòa, ở thôn Nhân Ân (Phước Thuận) đang học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Siêu ngước mặt, gạt vệt mồ hôi trên trán, cho biết: “Gia đình em có tất cả 7 người, nhưng đã có 5 người đi nhủi cua. Mỗi ngày, riêng phần em cũng đã được 60.000 - 70.000 đồng. Chỉ vài ngày như vậy là em có đủ tiền để mua sách vở khi bước vào năm học mới”.
Còn em Võ Xuân Chí, học sinh lớp 8, Trường THCS Phước Thuận, thì trông có vẻ chuyện nghiệp hơn. Chí cho biết: "Ở đây, cứ đến hè là tụi đi bắt cua, cá, mò ốc bán kiếm tiền để đi học chứ nhà đứa nào cũng khó khăn lắm. Năm nay khá hơn mọi năm, đầu hè đã trúng mùa cua... Nhờ vậy, có thể năm nay sẽ được nghỉ hè chơi mấy bữa".
Ở xã Phước Hòa nhưng người đi nhủi cua biển giống thậm chí còn đông hơn so với Phước Thuận. Ông Trần Văn Bé, ở thôn Kim Đông (Phước Hòa) một người đang nhủi cua cho biết: “Dân ở đây chỉ sống nhờ vào nguồn thủy sản của đầm Thị Nại. Khi thì cua, khi thì tôm hùm, lúc thì vớt sứa... ”. Tùy theo con nước thủy triều lên xuống mà người dân đi nhủi nhiều. Chị Trần Thị Ba, ở thôn Huỳnh Giản (Phước Hòa) cho biết: “Đi nhủi như thế này, trung bình mỗi ngày chúng tôi phải 8sngâm mình dưới nước 8 giờ đồng hồ liên tục. Khi nước thủy triều xuống đến tầm dưới rúng một chút là đi nhủi, nước lên trên mức đó là phải vác gọng nhủi lên bờ ngồi đợi”.
Trúng mùa, được giá
Thật ra, cua biển giống trên đầm Thị Nại xuất hiện quanh năm, nhưng chỉ rộ từ tháng 4 cho đến tháng 7. Theo những người đi nhủi cua biển giống, năm nay cua biển giống xuất hiện nhiều hơn mọi năm. Trung bình mỗi ngày có người bắt được 40-50 con, thậm chí có người trúng mánh bắt được tới 70-80 con. Ông Võ Xuân Minh, ở thôn Nhân Ân (Phước Thuận), cho hay: “Năm nay cua giống xuất hiện nhiều là do năm rồi, Bình Định xuất hiện nhiều đợt lũ lớn, nên cua sinh sôi, nẩy nở nhiều. Điều kiện môi trường, thời tiết thuận lợi để loài cua sinh trưởng”.
Cua giống xuất hiện rộ, nhưng giá cua vẫn ở mức cao hơn so với mọi năm. Mức thu mua thấp nhất 600 đồng/con, cao nhất 1.500 đồng/con, tùy theo cua lớn, nhỏ. Cua giống xuất hiện nhiều lại được giá, mỗi ngày người dân khu Đông Tuy Phước thu nhập bình quân từ 50.000 đồng - 60.000 đồng/người từ nghề bắt cua. Theo chị Trần Thị Lạc, một đại lý thu mua cua giống tại xã Phước Thuận, mỗi ngày đại lý của chị thu mua khoảng 3.000 con cua giống nhưng vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Anh Trần Đình Du, một người thu mua cua biển giống ở xã Phước Thuận cho biết: “Do nuôi tôm thất bại, nhiều người chuyển sang nuôi cua thương phẩm. Nuôi cua ít bệnh, tiêu thụ đều nên lượng cua giống được tiêu thụ mạnh. Thậm chí cua giống của Bình Định được các con buôn ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam ra mua về bán lại cho các chủ nuôi cua khá lớn”. Bên cạnh lý do như anh Du kể, một lý do khác cũng quan trọng không kém là vì hiện nay nhiều nơi chưa sản xuất được nguồn cua giống. Bình Định cũng đã có kế hoạch nhưng đến nay thì vẫn chưa đi vào sản xuất và cung ứng cua giống ra thị trường.
Theo một cán bộ ngành thủy sản, chỉ nhẩm tính thôi thì hơn nửa tháng nay nguồn cua biển đã đem đến cho nhiều hộ dân một món tiền kha khá. Nhà nào cũng có thêm thu nhập, đỡ phần vất vả trong cuộc sống. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy, những cán bộ bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng không khỏi lo lắng vì với cách khai thác cua biển ồ ạt như vậy nguồn cua biển sẽ mất dần cơ hội sinh tồn và hoàn nguyên.
Nguyễn Phúc
Bến Tre: Theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên tôm và có biện pháp xử lý kịp thời
Nguồn tin: Btre, 30/05/2006
Ngày cập nhật: 30/5/2006
Chất lượng con giống kém, môi trường nuôi bị ô nhiễm, các hộ nuôi tôm không xử lý ao triệt để… đã làm cho hàng trăm ha diện tích nuôi tôm sú ở Bến Tre bị thiệt hại. Kể từ đầu tháng 3 - 2006 đến nay, toàn tỉnh có 436 ha diện tích nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại trên tổng số 3.600 ha diện tích tôm sú mà tỉnh đã thả nuôi. Huyện Bình Đại là nơi bị thiệt hại nhiều nhất với gần 370 ha.
Trước tình hình này, để khắc phục và ngăn ngừa tình trạng gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên tôm sú nuôi lây lan trên diện rộng ở các huyện ven biển, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo ngành chức năng và UBND các huyện Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên tôm và có biện pháp xử lý kịp thời. Chỉ đạo nghiêm cấm việc bơm bùn đáy ao nuôi tôm trực tiếp ra sông, kênh, rạch tự nhiên, chỉ được bơm vào ao chứa bùn để không gây ảnh hưởng đến môi trường chung. Khi tôm giống và tôm nuôi bị bệnh thì xác tôm và nguồn nước phải được tiêu hủy bằng hóa chất và lưu giữ đúng thời gian qui định, các ao nuôi tôm sú thâm canh phải thực hiện đúng qui định về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của UBND tỉnh. UBND huyện xem xét mức độ ô nhiễm tại các vùng nuôi trên địa bàn để ban hành quyết định khoanh vùng và tạm đình chỉ việc thả nuôi tôm trong một thời gian nhất định và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Cao Dương
Từ hậu quả đau xót của cơn bão số 1: Cần một cuộc điều tra toàn diện
Nguồn tin: LĐ, 30/5/2006
Ngày cập nhật: 30/5/2006
An Giang: nuôi tôm càng xanh trái vụ, thu lợi nhuận cao
Nguồn tin: AG, 30/05/2006
Ngày cập nhật: 30/5/2006
Đến nay, 25 ha nuôi tôm càng xanh trái vụ ở huyện Châu Phú và Thoại Sơn (An Giang) đã thu họach xong, sau khi từ chi phí người nuôi tôm lãi từ 36 đến 40 triệu đồng/ha trong 6 tháng nuôi, cá biết có hộ lãi 50 triệu đồng/ha.
Nuôi tôm trái vụ bán được gía cao hơn chính vụ từ 15.000 đến 25.000 đồng/ha. Do kỹ thuật nuôi ngày càng nâng cao nên tôm thương phẩm ngày một tốt hơn, năng suất tôm nuôi ngày càng cao, nếu như nuôi tôm trái vụ năm 2005 đạt năng suất từ 700 đến 900 kg/ha, thì vụ tôm trái vụ năm nay bà con nuôi đạt năng suất từ 1 tấn đến 1,4 tấn/ha. Các thương lái đến tận ruộng nuôi tôm mua với gía từ 88.000 đến 90.000 đồng/kg, cá biệt có hộ bán 95.000 đồng/kg.
5 năm qua phong trào nuôi tôm càng xanh ngày càng phát triển cả chính vụ và trái vụ do tính hiệu qủa kinh tế cao, nuôi tôm trên chân ruộng thu lãi gấp 4 đến 5 lần so trồng lúa trong mùa lũ. Vụ nuôi tôm chính vụ trong mùa lũ năm nay lên tới gần 900 ha, tăng gần 250 ha so năm 2005, tập trung cao ở huyện Thọai Sơn và Châu Phú.
Theo TTXVN
Thảm họa bão Chanchu: Đủ cơ sở để khởi tố hình sự
Nguồn tin: TP, 30/05/2006
Ngày cập nhật: 30/5/2006
Hậu quả bão Chanchu: 264 người chết và mất tích
Tính đến 17 giờ ngày 29/5/2006, theo tin từ Văn phòng thường trực PCLB TW tại miền Trung (TP. Đà Nẵng), hậu quả của bão Chanchu cho miền Trung:
- 20 người chết đã xác định (trong đó có 9 người quê ở Quảng Nam, 5 ở Đà Nẵng và 1 ở Quảng Ngãi cùng 5 thi thể chưa được nhận dạng).
- 244 người mất tích (nhiều nhất là Quảng Nam 146 người, Đà Nẵng 73 người, Quảng Ngãi 23 người ...)
- 18 tàu chìm và mất tích Trong đó có 13 tàu chìm (7 Đà Nẵng, 5 Quảng Ngãi, 1 Bình Định) và 5 tàu mất tích (3 Đà Nẵng, 2 Quảng Nam).
- Trên 600 ngư dân trở về sau bão , trong đó có 55 thuyền viên được cứu sống (27 Quảng Nam; 22 Quảng Ngãi; 4 Bình Định và 2 Đà Nẵng)
- 22 tàu trở về trong tổng số 40 tàu gặp nạn ở đảo Đông Sa
N.C
Hậu Giang: Cá thác lác giống Thái Lan nhập nhiều, giá thấp
Nguồn tin: CT, 30/5/2006
Ngày cập nhật: 30/5/2006
Ông Trần Văn Tuấn, chủ trại cá giống Minh Tiếp, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết: Hiện nay, cá thác lác giống của Thái Lan nhập vào rất nhiều, giá bán thấp. Con giống thác lác cườm chiều dài thân từ 6 phân đến một tấc giá chỉ 1.500 -2.000 đồng/con. Trong khi đó, cá thác lác giống cùng kích cỡ, do các cơ sở trong nước sản xuất có giá bán cao hơn từ 500-1.000 đồng/con. Tuy nhiên, do phải vận chuyển xa và không thích nghi với thời tiết, môi trường nước tại địa phương nên tỷ lệ chết giống ở các ao nuôi cá thác lác Thái Lan rất cao.
HUỲNH VĂN
TPHCM: Thả tôm sú giống ra biển
Nguồn tin: LĐ, 29/05/2006
Ngày cập nhật: 29/5/2006
Theo Sở NNPTNT, nhằm tái tạo nhanh nguồn lợi tôm sú và nguồn tôm sú bố mẹ trong tự nhiên, trong năm nay và năm 2007, TPHCM sẽ triển khai 2 đợt thả tôm sú giống ra biển với số lượng lớn, hàng chục triệu con mỗi đợt. Thời gian thả tôm sú giống vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. UBND TP đã cho sử dụng mỗi năm 116,2 triệu vào công việc này, trong đó ngân sách chi 70%, vận động 30%.
Tr.P
Sau vụ ông Bửu Huy bị bắt tại Bỉ: DN thủy sản lo lắng khi làm việc với đối tác Mỹ
Nguồn tin: NLĐ, 29/05/2006
Ngày cập nhật: 29/5/2006
Vì sao nghề tôm sú nuôi ở Trà Vinh thất bại?
Nguồn tin: ND, 29/05/2006
Ngày cập nhật: 29/5/2006
Từ tự phát, nghề nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đem lại thu nhập không nhỏ cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, do dịch bệnh ngày một nhiều, số hộ nuôi tôm không hiệu quả ngày càng nhiều.
Thực trạng nghề nuôi tôm sú ở Trà Vinh
Nghề nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đã hình thành cách đây gần 20 năm. Bắt đầu từ nuôi quảng canh (thả lan), thả con giống với mật độ thấp trên các đập bao vây tôm cá tự nhiên ở vùng nước mặn. Do giá tôm sú cao, cho nên thu nhập từ các chu vi có thả thêm giống tôm sú vượt trội so các chu vi khác. Từ đó nghề nuôi tôm sú ở Trà Vinh phát triển mạnh.
Phát triển mạnh, nhanh về số hộ tham gia, diện tích nuôi, quy mô, hình thức và cả vùng nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 hộ tham gia nuôi tôm sú, trên diện tích hơn 20.000 ha, trong đó có khoảng 2.000 trang trại; lượng giống thả nuôi khoảng 2 tỷ con.
Bắt đầu từ hình thức nuôi quảng canh đầu tư ít, thu về sản lượng thấp, qua thời gian, hình thức nuôi được nâng dần lên quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp với mức đầu tư cao để đạt năng suất, sản lượng cao. Vùng nuôi cũng mở rộng từ vùng ngập mặn ra các vùng nước lợ và cả vùng nước ngọt.
Thấy được hiệu quả kinh tế cao, tỉnh Trà Vinh đã chọn thủy sản là mũi nhọn kinh tế của tỉnh nhà, trong đó nuôi trồng thủy sản (tôm sú) là then chốt. Phải công nhận rằng việc xác định thủy sản là mũi nhọn kinh tế của tỉnh Trà Vinh trong giai đoạn này là hoàn toàn phù hợp. Bởi, trong thời gian qua nguồn lợi từ kinh tế thủy sản, mà nhất là nghề nuôi tôm sú đã mang về cho người nuôi tôm, cho các doanh nghiệp một khoản thu nhập không nhỏ, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động... Tuy nhiên, đầu tư cho nghề nuôi tôm sú rất cao và những rủi ro trong nghề này cũng rất lớn. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nuôi tôm sú bị mất trắng ngày càng cao, tỷ lệ lợi nhuận của những hộ nuôi thành công cũng không còn nhiều.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh, sáu tháng đầu năm 2005, toàn tỉnh có 20.311 hộ thả nuôi khoảng 1,7 tỷ con tôm sú giống, trên diện tích 18.738 ha mặt nước. Trong những tháng đầu năm, môi trường nước các vùng nuôi tôm không ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng tôm sú chết trên diện rộng, kể cả số tôm thả nuôi trước và trong lịch thời vụ; trong đó, số tôm thả nuôi trước lịch thời vụ có khoảng 90% bị chết sau 1 - 2 tháng nuôi. Cũng do tôm chết, cho nên trong 4.000 tấn tôm thu hoạch đầu vụ có đến 30% phải thu hoạch sớm, thu hoạch tôm nhỏ đã làm giảm giá trị thu nhập của người nuôi khoảng 90 tỷ đồng.
Theo Sở Thủy sản, năm 2005, toàn tỉnh có 23.566 hộ nuôi tôm sú, tăng hơn năm trước 4.782 hộ; thả nuôi hơn 2.682 triệu con giống, tăng hơn năm trước gần 800 triệu con; diện tích nuôi tôm là 23.402 ha, tăng hơn năm trước hơn 4.600 ha. Trong năm có hơn một tỷ con tôm nuôi bị chết trong giai đoạn 1 - 2 tháng tuổi, chiếm tỷ lệ 40% lượng giống thả nuôi; tỷ lệ hộ nuôi tôm bị thiệt hại chiếm hơn 47% số hộ nuôi. Số tôm nuôi đầu vụ 2006 (thả trước vụ) cũng gặp tình trạng bị chết hàng loạt trên diện rộng, gần như chết trắng.
Đối phó với tình trạng này, tỉnh Trà Vinh, các huyện trọng điểm vùng nuôi tôm đã thành lập Ban Chỉ đạo nuôi tôm vùng ngập mặn để điều tra tình hình tôm chết, đề ra các hướng xử lý tránh lây lan, đẩy mạnh công tác quản lý nuôi tôm vùng ngập mặn trong tỉnh, nhằm hạn chế những thiệt hại rủi ro cho người nuôi tôm... Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo nuôi tôm vùng ngập mặn huyện Cầu Ngang, đến ngày 20-4, toàn huyện có 5.061 hộ thả nuôi hơn 319 triệu con tôm giống, thì đã có 2.396 hộ (47,3%) bị thiệt hại; số lượng tôm chết trên 159 triệu con, chiếm 50% lượng giống thả nuôi.
Trải qua gần 20 năm phát triển nghề nuôi tôm sú, số hộ, diện tích, con giống thả nuôi ngày một tăng lên. Theo đó, tỷ lệ hộ không có lãi và thất bại ngày một tăng lên. Vì chu kỳ dịch bệnh xuất hiện ngày càng ngắn lại, diện càng rộng và gần đây, năm nào cũng có dịch bệnh. Một số số liệu không chính thức (chưa thấy trên các báo cáo), theo ước tính của các nhà quản lý, của một số người am tường về nghề nuôi tôm sú thì, qua nhiều vụ nuôi chỉ khoảng 10% số hộ nuôi tôm sú có lãi thật sự. Theo họ, những hộ được các báo cáo liệt kê vào phần hòa vốn, thì thực chất chỉ lấy lại được phần vốn lưu động là vốn mua con giống và thức ăn nuôi tôm; trong khi nguồn vốn cố định đầu tư vào đất đai, xây dựng ao nuôi, công chăm sóc không phải là nhỏ.
Nguyên nhân thất bại và các giải pháp khắc phục
Theo đánh giá của Sở Thủy sản, nguyên nhân dẫn đến tôm chết nhiều ở đầu vụ nuôi 2006 là do thời tiết và môi trường nước đầu vụ luôn biến đổi liên tục làm ảnh hưởng sức khỏe tôm bố mẹ làm chất lượng tôm giống không tốt, đa số tôm giống bị nhiễm bệnh đầu vàng và còi cọc. Do độc canh con tôm sú nhiều năm liên tục làm chất lượng môi trường ao nuôi bị suy thoái, bố trí công trình thủy lợi không bảo đảm, ô nhiễm hữu cơ trong nước sông rạch đầu vụ rất cao, nhiều loại tảo độc phát triển, xuất hiện tảo nở hoa, nước phát sáng, độ kiềm trong nước thấp. Thời gian cách ly giữa các vụ không đủ dài tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan. Nhận thức cộng đồng nuôi thủy sản ở một số hộ còn kém, khi tôm nuôi bị nhiễm bệnh không xử lý trước khi thải ra môi trường công cộng. Đầu vụ, giá tôm sú giống rẻ, cho nên nhiều hộ nuôi thả giống sớm, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, chất lượng giống không bảo đảm...
Về nguyên nhân làm tôm sú nuôi bị chết hàng loạt, các kỹ sư thủy sản Phòng Nông nghiệp - Thủy sản huyện Cầu Ngang nói rằng, nguyên nhân trúng mùa thì do sự lãnh đạo sâu sát... nếu thất mùa thì thời tiết, môi trường không thuận lợi, người nuôi không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật... Nhưng Trà Vinh đã đầu tư những gì để ngành thủy sản thật sự trở thành mũi nhọn kinh tế?
Việc quy hoạch chuyển đổi sản xuất, quy hoạch vùng nuôi tôm của tỉnh đã có, nhưng đó gần như vẫn còn là những quy hoạch trên giấy. Việc phát triển mở rộng vùng nuôi tôm hiện nay vẫn chủ yếu là do tự phát của người dân. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, vấn đề căng kéo nguồn vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản luôn là vấn đề bức xúc trong các cuộc họp, nhưng rõ ràng chưa thấy một sự ưu tiên số một cho việc đầu tư vào phát triển ngành thủy sản.
Nhìn lại quá trình phát triển lên hơn 20.000 ha nuôi trồng thủy sản, nhưng mức đầu tư vào các công trình thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa tương xứng, có thể nói là gần như không đáng kể. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm hiện nay hầu hết là từ hệ thống thủy lợi với mục đích ngọt hóa để trồng lúa, không phù hợp việc nuôi tôm nước mặn và đã bị bồi lắng, không được nạo vét thường xuyên, dẫn đến môi trường nước nuôi tôm ô nhiễm ngày càng nặng hơn. Tỷ lệ thiệt hại của những hộ nuôi tôm do thả nuôi không đúng lịch thời vụ là rất lớn. Từ đó, ngành chức năng hằng năm đều có đưa ra lịch thời vụ thả nuôi tôm cho từng khu vực cụ thể. Tuy nhiên lịch thời vụ này chỉ là khuyến cáo và để cho người nuôi tham khảo, chưa có một quy chế nào buộc người nuôi tôm tuân thủ đúng lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn đưa ra.
Chất lượng tôm giống cũng là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại trong nghề nuôi tôm sú. Hiện nay, việc sản xuất tôm giống tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu nuôi, 90% số còn lại đều phải nhập ngoài tỉnh vào. Sự khác biệt về điều kiện khí hậu, môi trường nơi sản xuất giống và nơi nuôi, đường vận chuyển xa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con giống. Đặc biệt là trạm kiểm dịch động vật thủy sản hiện chỉ thực hiện được chức năng trình kiểm, do đó tỷ lệ con giống qua kiểm dịch cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 21% số lượng đã thả nuôi, ngoài ra không loại trừ khả năng tiêu cực làm thiếu chính xác của mẫu kiểm dịch.
Nói về kỹ thuật nuôi tôm sú, ông Trần Văn Liền, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến ngư tỉnh, cho biết: Nhiều năm qua trung tâm đã mở hàng nghìn lớp tập huấn, các công ty bán thức ăn, hóa chất nuôi tôm cũng tham gia tập huấn kỹ thuật cho người nuôi tôm, nếu tính bình quân, mỗi hộ nuôi tôm đã dự 3 - 4 lượt tập huấn, ngoài ra còn có các chương trình khuyến ngư trên đài, báo, các sách, tài liệu hướng dẫn nuôi tôm. Nhưng số hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thì rất ít, vì chi phí rất cao.
Theo điều tra sơ bộ, trừ những mô hình nuôi công nghiệp, số còn lại chỉ khoảng 50% số hộ thiết kế ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, có ao lắng, ao lọc. Việc thực hiện đúng quy trình nuôi còn ít hơn, nhất là khi tôm chết việc xử lý môi trường trước khi thải ra hầu như không ai thực hiện.
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn chế, không thể cùng lúc đầu tư hoàn chỉnh các công trình thủy lợi phục vụ nuôi tôm. Nhưng việc triển khai quy hoạch vùng nuôi tôm cần phải được triển khai nhanh chóng, tránh tình trạng phát triển tự phát không đúng theo quy hoạch. Bên cạnh việc Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm, đầu mối phục vụ nuôi tôm, phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", vận động sự hợp tác đầu tư làm thủy lợi nhỏ cho từng khu vực nuôi tôm trong nhân dân cần được phát huy triệt để. Việc quản lý lịch thời vụ nuôi tôm, quản lý chất lượng, dịch bệnh trên tôm giống phải bắt đầu từ việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống cần phải có và thực hiện đúng cam kết chỉ được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian phù hợp lịch thời vụ nuôi tôm do cơ quan chức năng quy định. Khi dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ người nuôi về kinh phí để xử lý môi trường, cần phải được xem như các loại dịch bệnh khác.
ĐẶNG VĂN BƯỜNG
Triệu Phong: 1 ha nuôi cua lãi 60 triệu đồng
Nguồn tin: NNVN, 22/05/2006
Ngày cập nhật: 29/5/2006
Sau khi nuôi thử nghiệm thành công mô hình nuôi cua trên một số diện tích nuôi tôm thường xuyên bị nhiễm bệnh tại thôn Duy Phiên, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho giá trị cao, năm 2006, huyện đã chuyển đổi 40 ha mặt nước nuôi tôm không hiệu quả trước đây sang nuôi cua. Các diện tích nuôi cua tập trung nhiều ở các xã Triệu Phước 25 ha, Triệu Thành 13,5 ha, Triệu An 1,5 ha, Triệu Độ 1 ha... Đây là mô hình nuôi cua đầu tiên của Quảng Trị, cho nên để mô hình được phát triển và nhân rộng, DA phát triển 7 xã vùng ven biển huyện Triệu Phong (của Vương quốc Nauy) đã hỗ trợ 60% giá trị cua giống và 40% giá trị thức ăn cua cho các hộ nuôi. Phòng Nông nghiệp huyện Triệu Phong cũng thường xuyên cử cán bộ xuống các địa phương kiểm tra và tập huấn kỹ thuật nuôi cua cho bà con. Đến nay, toàn bộ diện tích 40 ha mặt nước nuôi cua của huyện đã được xuống giống và cua đang sinh trưởng tốt. Được biết, cua là loại thuỷ sản dễ nuôi, thức ăn của cua chủ yếu là cá mụn và hến (nguồn thức ăn này rất dễ kiếm và sẵn có tại địa phương), trong khi đó cua ít bị bệnh tật nên nuôi cua mang lại lợi nhuận cao. Cua sinh trưởng khá nhanh, thời gian từ khi thả giống đến thu hoạch chỉ từ 3-4 tháng. Theo tính toán, đến thời điểm thu hoạch trọng lượng trung bình của cua đạt 4-5 con/kg; ước tính, năng suất trung bình vụ thu hoạch cua năm nay đạt từ 1,2-1,5 tấn/ha và theo giá thị trường từ 80-120.000 đ/kg, thì mỗi ha người nuôi cua có thu nhập từ 120-130 triệu đồng, trừ mọi chi phí có lãi từ 50-60 triệu đồng.
Huyện Triệu Phong phấn đấu đến năm 2007 sẽ chuyển đổi thêm được 80 ha nuôi cua, nâng tổng diện tích nuôi cua của huyện lên 120 ha.
NGUYỄN ĐẠI HÙNG
Nuôi cá bống tượng
Nguồn tin: NNVN, 23/05/2006
Ngày cập nhật: 28/5/2006
Từ lâu, cá bống tượng luôn được ưa chuộng vì chất lượng thịt rất cao. Tuy nhiên nhiều năm qua loài cá này chỉ được khai thác chủ yếu từ đánh bắt tự nhiên. Còn nuôi thì luôn mắc phải một vấn đề hết sức nan giải là con giống. Nhưng từ năm 2005, tại tỉnh Bến Tre, một nông dân đã thành công trong việc cho cá bống tượng đẻ...
Anh Nguyễn Văn Bảo (Tám Bảo) ngụ ấp An Phú, xã An Quy (Tân Phú-Bến Tre) là nông dân chỉ có một công đất nông nghiệp. Năm 1998, vợ chồng anh thuê 20 công đất để nuôi tôm sú. Sau hai năm với một vụ huề vốn và mấy vụ lỗ, vợ chồng anh mất trắng mười mấy cây vàng, cuộc sống đã gần như bế tắc. Nhưng trong lúc túng quẫn anh Bảo đã nẩy ra việc nuôi cá bống tượng để cầu may. Không ngờ vụ đầu tiên, chỉ trên công đất vừa ở vừa nuôi cá, anh Bảo thu được 130 triệu đồng. Từ đó nghề nuôi cá bống tượng đã ra đời ở xã An Quy mà người tiên phong là anh Tám Bảo.
Là một nông dân cần cù và chịu học hỏi, ngay từ những năm còn nuôi tôm sú, anh Bảo đã để ý đến con cá bống tượng-một loài cá nước ngọt chỉ có ở miệt đầu nguồn sông Cửu Long. Một lần sau bão, vùng Tân Phú bỗng xuất hiện khá nhiều loài cá này. Rồi dường như con cá bống tượng cũng thích nghi được với môi trường nước lợ. Nuôi cá bống tượng, nguồn con giống là vấn đề quyết định cho thắng lợi một vụ nuôi. Bấy giờ, anh Bảo đi tìm mua cá con từ những hộ đánh bắt trên sông nhưng kích cỡ không đồng đều, cá con bị trầy xước, dễ gây bệnh… Năm 2000, với vụ cá thịt đầu tiên thắng lợi cùng những bức xúc từ con giống, anh bắt đầu nghiên cứu cho con cá bống tượng đẻ. Sau hơn 4 năm tìm tòi học hỏi và nghiên cứu, tháng 7/2005 con cá bống tượng của anh Bảo đã cho ra ổn định mỗi tháng hàng trăm ngàn con giống với chất lượng cao.
Theo bà con ở đây thì nuôi cá bống tượng không khó, chỉ cần có nguồn nước ngọt hoặc nước lợ, đảm bảo nguồn con giống là có thể nuôi được. Qui trình chăm sóc cũng khá đơn giản so với tôm hay các loại cá khác. Con giống khi mang về có kích thước gần bằng đầu đũa ăn, mực nước trong ao lúc bấy giờ chỉ cần khoảng 9 tấc là được, độ pH tốt nhất là từ 7.0 đến 8.0, ao phải được diệt cá tạp thật kỹ. Những tháng đầu cho cá ăn bằng các loại thức ăn tôm với số lượng nhỏ, chỉ đến tháng thứ 6 trở đi mới bắt đầu cho ăn bằng cá tươi cắt nhỏ tùy theo kích cỡ của cá. Thức ăn của cá được cho vào vó như tôm để dễ dàng kiểm tra, tránh dư thừa làm ô nhiễm ao nuôi. Bệnh chủ yếu của cá bống tượng là “trùng mỏ neo” bám vào mang cá. Thuốc trị hữu hiệu là sulphat đồng, cứ 1.000m2 ao thì xử lý 300 gram, định kỳ 15 ngày một lần. Khi cá đạt trọng lượng 400 gram thì điều chỉnh mực nước khoảng 1,4 mét rồi nuôi cho đến lúc cá đạt trên dưới 800 gram thì xuất bán. Hiện tại, giá thu mua tại vựa anh Tám Bảo là 300.000 đồng/kg.
Sau mấy vụ nuôi thành công, theo chân anh Tám Bảo một số bà con lân cận cũng nuôi cá bống tượng với nhiều cách khác nhau, có người nuôi xen với các loại cá khác hay tôm càng… Tuy nhiên,thực tế cho thấy chỉ những hộ nuôi chuyên biệt cá bống tượng thì hiệu quả mới cao. Điển hình như anh Bùi Tấn Năng ở xã An Thuận, huyện Thạnh Phú- Bến Tre nuôi 1.000m2 ao. Anh thả 5.000 con giống, tiền cho thức ăn là 4 triệu đồng, cùng với công nhà chăm sóc… tính tròn cả giống nữa hết khoảng 10 triệu đồng. Vừa rồi anh Năng thu hoạch đợt đầu được 90 kg cá loại 1, bán được 27 triệu đồng. Dự kiến tháng sau sẽ xuất số còn lại khoảng 200 kg nữa, như vậy tổng cộng ước tính anh Năng cũng lãi khoảng trên 70 triệu đồng.
Trở lại mô hình của anh Tám Bảo. Hiện nay ngoài việc nuôi cá thịt thì anh Bảo đang có 500 cặp cá bố mẹ đang đều đặn cho trứng. Ao nuôi cá giống cũng chỉ khác với ao thường là thêm hệ thống tạo mưa, dưới đáy ao anh đặt những tấm gạch Tàu được xếp chụm đầu như mái nhà để làm ổ cho cá đẻ. Cứ một hai tuần 1 con cá sẽ cho 35 ngàn trứng vào “mái nhà” gạch đó và vài bữa một lần anh Bảo lấy những tấm gạch ấy lên để đưa trứng vào bể ấp để vài hôm sau thì những chú cá bột ra đời. Hiện tại trại của anh Bảo mỗi tháng xuất sang thị trường Trung Quốc trên 200.000 con cá bống tượng giống, giá 1.200 đồng/con, riêng cá thịt vừa thu mua lại của bà con, vừa của nhà nuôi cũng đến vài trăm ký, giá ổn định 300.000 đồng/kg.
Anh Bảo tâm sự “Vì con này mới quá bà con còn ngại nên ít người nuôi, chứ thấy bên Trung Quốc họ nhập giống của mình về mà tiếc cho bà con mình. Vì sao họ phải nhập con giống từ bên mình để nuôi mà bà con mình lại ít người để ý. Một số người trước đây nuôi cá bống tượng thất bại là do nó bị ghẻ. Vì nguồn giống từ đánh bắt ngoài thiên nhiên, con cá bị trầy xước, mình không biết đem về nuôi chỉ mấy ngày sau là cá sinh ghẻ rồi chết, từ đó nản luôn. Còn nay có con giống rồi, kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh nên nuôi rất đạt”.
Nguyện vọng của anh là mong sao một số vùng nuôi tôm đã bị nhiễm bệnh của bà con ở Bến Tre hay bất kỳ đâu nên mạnh dạn chuyển sang nuôi cá bống tượng. Anh và những người bạn sẽ hỗ trợ về con giống, kỹ thuật trong suốt thời gian nuôi…để khẳng định rằng ngoài con tôm sú, Bến Tre và các vùng lân cận cũng có thể có một đối tượng khác đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện tại, bà con nào có yêu cầu ,chỉ cần ở đâu đó thả vài chục ngàn con giống là anh Tám Bảo sẽ đến tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật và thả giống cho bà con.
VÕ VĂN HUY
Phú Yên: "Treo" các dự án sản xuất giống thủy sản!
Nguồn tin: LĐ, 27/05/2006
Ngày cập nhật: 28/5/2006
Phong trào nuôi ếch Thái Lan đã chựng lại
Nguồn tin: SGGP, 27/05/2006
Ngày cập nhật: 28/5/2006
Ngày 26-5 tại buổi hội thảo về nuôi ếch Thái Lan do Trung tâm Nghiên cứu KHKT - KN TP. HCM tổ chức tại huyện Củ Chi, TP. HCM, Trung tâm Giống Củ Chi thuộc Kinh doanh nuôi trồng thuỷ sản (APT) cho biết, giá ếch giống Thái Lan bán sỉ chỉ còn 700 đồng/ con, bán lẻ 800 -900 đồng/ con giảm hơn phân nửa (2000 đồng/con) so với thời điểm này năm ngoái, nhưng không dễ bán. Phong trào nuôi ếch Thái Lan đang chựng lại sau gần 2 năm phát triển nóng với khoảng 300 hộ nuôi, hiện chỉ còn khoảng 200 hộ nuôi, giảm từ 17 trại giống xuống còn 10 trại giống, đơn vị nhập khẩu ếch giống từ 15 nay chỉ còn 3.
Theo Tiến sĩ Le Thanh Hùng, Phó khoa Thủy sản Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, việc nuôi ếch Thái Lan phát triển ồ ạt là điều khó tránh khỏi, vì chất lượng con giống không bảo đảm, nông dân chưa nắm vững kỹ thuật nuôi và phải tự tìm nơi tiêu thụ nên dễ bị ép giá.
Đ.C.P
Trà Vinh: Khan hiếm nghêu giống
Nguồn tin: NNVN, 22/05/2006
Ngày cập nhật: 28/5/2006
Mặc dù thời điểm này đang vào mùa vụ chính thả nuôi nghêu nhưng nguồn giống không đủ cung cấp cho các Hợp tác xã và Tổ hợp tác trong tỉnh. Năm nay nhu cầu nghêu giống thả nuôi rất lớn nhờ trong năm qua nhiều xã viên được ăn chia đạt lợi nhuận khá. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay các HTX và THT trong tỉnh chỉ mới thả được 256 tấn nghêu giống trên diện tích hơn 400 ha bãi bồi, do giá nghêu giống mua từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre,... chuyển về tăng mạnh. Hiện giá nghêu giống lên đến 50 đồng/con (tăng gần 2 lần) so với năm ngoái. Theo kế hoạch đến cuối năm 2006 các HTX và tổ hợp tác này thả nuôi trên 600 tấn nghêu giống, ước sản lượng thu hoạch trên 3.000 tấn nghêu thương phẩm. Được biết, từ đầu năm đến nay các HTX và THT thu hoạch được trên 350 tấn nghêu thương phẩm, đạt giá trị trên 4,5 tỷ đồng.
Q.D
Vẫn khan hiếm cá tra, basa nguyên liệu
Nguồn tin: VietNamNet, 26/05/2006
Ngày cập nhật: 28/5/2006
Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 500.000 tấn tôm vào 2008
Nguồn tin: TTXVN, 26/05/2006
Ngày cập nhật: 27/5/2006
Giải pháp bền vững cho con cá tra
Nguồn tin: BCT, 26/5/2006
Ngày cập nhật: 27/5/2006
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trước tác động của giá cá hấp dẫn, dự kiến trong thời gian tới diện tích nuôi cá tra tiếp tục tăng nhanh do đang có nhiều nông dân đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Tình hình này đã đặt ra vấn đề: Cần quy hoạch vùng nuôi thủy sản hợp lý và sự hỗ trợ gắn kết của doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, nhà cung cấp thức ăn, giống, cơ quan chức năng, để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, tránh tình trạng “dội hàng, rớt giá”như đã từng diễn ra.
Nỗi lo cảnh cũ
Ông Phạm Văn Nhiều ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, có 5.000m2 mặt ao thả nuôi cá tra thịt. Đến đầu tháng 4-2006, cá của ông đến thời kỳ thu hoạch, đạt trọng lượng trên 1kg/con, bán với giá khá cao, 13.500 đồng/kg. Ông Nhiều cho biết: “Thả nuôi 5.000m2, cuối vụ tôi thu hoạch được gần 300 tấn cá thịt. Với mức giá này, trừ mọi chi phí, tôi thu được lợi nhuận 3.500 đồng/kg. Tôi đang tiếp tục thả nuôi cá tra”. Không riêng gì gia đình ông Nhiều, hầu hết người nuôi cá tra ở các huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, quận Ô Môn cũng thu được lợi nhuận khá cao trong mùa thu hoạch từ đầu năm đến nay. Anh Nguyễn Thanh Phong ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt vừa thu hoạch được gần 400 tấn cá tra, bán với giá 14.500 đồng/kg. Anh Phong nói: “Cá bán giá khá cao, trừ các chi phí về thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, thuê nhân công quản lý... tôi thu được lợi nhuận 4.500 đồng/kg. Hiện nay, tôi đang tiếp tục nuôi cá tra vụ 2 của năm 2006”.
Toàn thành phố hiện có gần 750 ha mặt ao nuôi cá tra, tăng khoảng 100ha so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có diện tích nuôi nhiều nhất là huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, hiện có rất nhiều hộ dân chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang nuôi cá tra hoặc tự đào ao nuôi. Đồng thời, một số hộ nông dân ngưng nuôi cá do thua lỗ từ những năm qua cũng bắt đầu cải tạo ao thả nuôi.
Với diện tích nuôi cá tra ngày càng phát triển, tình trạng “dội hàng, rớt giá” như năm 2005 có khả năng xảy ra, nếu như các ngành chức năng chưa có biện pháp xây dựng mối liên kết sản xuất cá tra xuất khẩu bền vững. Ông Phạm Văn Nhiều, ngụ tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Năm ngoái, cá tra rơi vào tình trạng “dội hàng, rớt giá” nên tôi chỉ bán được 8.500 đồng/kg, lỗ gần 2.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi bán cá không được phải dự trữ trong ao và hàng ngày tốn hàng chục triệu đồng mua thức ăn cho cá. Chúng tôi chỉ mong giá cá bình ổn, đảm bảo có lợi nhuận cho người nuôi, tránh tình trạng lên xuống thất thường gây dao động đến người sản xuất”.
Diện tích ao cá tra tăng càng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước. Trong quá trình nuôi, một số hộ đã cho cá ăn các loại thức ăn tươi tự chế; trực tiếp thải nước thải, bùn nạo vét ao ra sông, rạch... khiến cho môi trường nước trên các sông, kinh, rạch ngày càng bị ô nhiễm... Theo dự báo của ngành thủy sản TP Cần Thơ, nếu môi trường nước nuôi cá cứ tiếp tục bị ô nhiễm, thì thời gian tới tình trạng sức khỏe của người dân khi sử dụng nước sông, rạch cho sinh hoạt không được đảm bảo. Cá nuôi trong ao sẽ bị chết hoặc kém chất lượng khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Giải pháp gắn kết
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Để hạn chế ô nhiễm nguồn nước từ các ao, mương nuôi cá, chi cục kết hợp cùng Liên trạm Thủy sản các quận, huyện hướng dẫn người dân nuôi cá tra bảo vệ môi trường nước và qui định mỗi ao mương nuôi cá phải xây dựng ao chứa bùn khi sên vét đất trong ao nuôi; có ao xử lý nước thải trước khi thải nước từ ao nuôi ra sông rạch. Đối với các hộ, cơ sở chuẩn bị nuôi mới phải liên hệ với Liên trạm Thủy sản các quận, huyện để được hướng dẫn điều kiện nuôi thủy sản và phải được chính quyền địa phương, cụ thể là Phòng Tài nguyên - Môi trường các quận, huyện thống nhất chuyển mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản. Thực tế, những hộ đào ao nuôi cá tra trong những tháng gần đây (trên diện tích khoảng 100 ha) chấp hành khá tốt điều kiện nuôi thủy sản, như có ao lắng lọc chất thải, bùn trước khi đổ ra sông rạch.
Song, vấn đề lớn và cấp thiết đang được đặt ra là cần có những giải pháp căn cơ cho việc phát triển nghề nuôi thủy sản ở TP Cần Thơ trong những năm tới. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ kết hợp cùng Phân Viện kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi thủy sản TP Cần Thơ trong thời gian tới và nuôi thủy sản theo vùng, phải phù hợp với đối tượng nuôi, đúng tiêu chuẩn qui định, đảm bảo vệ sinh môi trường và xuất khẩu được. Đồng thời, Sở cũng rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ mới (ozon, vi sinh...) trong xử lý môi trường, dịch bệnh...
Đầu tháng 5-2006, Sở NN-PTNT đã tổ chức hội thảo thành lập Ban liên kết sản xuất cá tra xuất khẩu trên địa bàn thành phố. Hội thảo đặt ra vấn đề cần thắt chặt mối quan hệ hữu cơ giữa cơ sở sản xuất giống, người nuôi cá, cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và hệ thống ngân hàng. Mối quan hệ này dựa trên cơ sở hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, khắc phục tình trạng nguyên liệu cá tra cung cấp chế biến xuất khẩu không ổn định, chất lượng chưa đều, sản lượng khi thừa khi thiếu dẫn đến giá cả thay đổi liên tục... Ban liên kết sản xuất cá tra xuất khẩu đầu tiên được ký kết thành lập, gồm: Đại diện Xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu - Công ty Cataco Cần Thơ, nông dân nuôi cá tra xuất khẩu, đại diện ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuy sản, doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y thủy sản và cơ sở sản xuất kinh doanh giống. Trong đó, các thành viên đảm bảo và chịu trách nhiệm về các điều khoản qui định và tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cá tra, tham gia đầu tư tín dụng, cung cấp đủ thức ăn nuôi cá, thuốc phòng trị bệnh, giống sạch bệnh... Chi cục Thủy sản là đơn vị giám sát kế hoạch thực hiện của Ban liên kết sản xuất cá tra xuất khẩu và tập huấn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ cho người nuôi...
Ông Trần Ngọc Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết thêm: “ Ngành nông nghiệp thành phố sẽ hướng dẫn, vận động mỗi doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa thành phố lập 1 ban liên kết sản xuất cá tra xuất khẩu với các thành phần như trên”. Hy vọng rằng cách làm này sẽ góp phần đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi; tránh tình trạng “dội hàng, rớt giá” khi thu hoạch; đồng thời bảo vệ được môi trường nước.
HÀ VĂN
Hậu Giang: 27 ha nuôi tôm sú có nguy cơ bị mất trắng
Nguồn tin: CT, 26/5/2006
Ngày cập nhật: 27/5/2006
Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Từ đầu năm đến nay nông dân xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), và xã Hỏa Tiến (thị xã Vị Thanh) đã thả nuôi 27 ha tôm sú. Do năm nay mưa sớm, các công trình “ngọt hóa” hạn chế được tình trạng xâm nhập mặn, nên hiện nồng độ mặn đo được tại các vuông nuôi tôm chỉ đạt 1-2‰, trong khi độ mặn thích hợp để tôm sú phát triển phải từ 4-6‰. Hiện nay, tình trạng tôm giống chết đã xảy ra ở nhiều ao; nguy cơ thiệt hại 100% con giống trong vụ nuôi tôm sú năm nay rất cao.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Nông dân 2 địa phương này đã phát triển diện tích nuôi tôm sú từ 5 ha năm 2002 lên 57 ha trong năm 2005. Mặc dù ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo nông dân không nên thả nuôi tôm sú nữa, nhưng vì thấy mấy năm trước nuôi có lời nên nhiều hộ vẫn tiếp tục nuôi.
P.K
Xuất khẩu thuỷ sản tăng 25,5%
Nguồn tin: TTXVN, 26/05/2006
Ngày cập nhật: 27/5/2006
Những dòng sông... trấu
Nguồn tin: TBKTSG, 25/5/2006
Ngày cập nhật: 26/5/2006
Hơn hai tháng qua, nhiều dòng sông ở ĐBSCL trải đầy xác trấu. Trấu ở giữa sông, trấu tấp đầy hai bờ, ngập tràn những bè nuôi cá...
Dịch... trấu
Tại các bến phà Châu Giang, Hà Bao (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang)... trấu phủ đều giữa những đám lục bình, tràn cả vào bờ sông. Những chiếc ghe cũng bị trấu bám đầy. “Hai tháng nay, trấu không biết từ đâu, trôi đầy trên kênh”, anh Mohamad, ở ấp Phủm Xoài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, lắc đầu chỉ về con kênh Xáng sau nhà. Đây là tuyến đường sông “huyết mạch” của ngành du lịch, nối sông Tiền và sông Hậu. Mới tháng trước, đoàn khách đầu tiên của chuyến tàu cao tốc Cần Thơ- Campuchia đã “sửng sốt” khi chứng kiến con kênh bị ngập trong trấu.
Nước ròng. Ở xung quanh bè cá của anh Hồ Chí Hùng tại xã Long An, cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện hàng loạt bong bóng nước. Ngay sau đó, từng bựng nước đen ngòm, đầy xác trấu, bốc mùi khó ngửi lại trào lên, trộn lẫn đám trấu nổi đầy trên mặt sông. Còn trên kênh xáng Xà No, đoạn đi qua huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, thỉnh thoảng vào buổi chiều trấu lại trôi đầy trên sông. Những “dòng sông trấu” cũng đã xuất hiện ở một số nơi tại Đồng Tháp, Cần Thơ...
“Không lấy nước được để xài vì đầy... trấu. Máy bơm cũng bị nghẹt ống vì trấu”, ông Nguyễn Công Ty, ở chợ Thới Lai, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), bức xúc. Còn ông Út Quí, ở xã Long An, huyện Tân Châu, vừa nghe hỏi về “dịch trấu” đã vội xắn hai tay áo để lộ hàng loạt vết mẩn đỏ còn in hằn sau những lần tắm sông. “Nhiều người trong xóm còn bị đau bụng vì uống nước lấy từ sông”, ông cho biết.
Hơn hai tháng nay, bè cá của anh Hùng và nhiều người ở Tân Châu phải cột thêm hai thanh tre chắp thành hình mũi thuyền để cản trấu trôi vào bè. “Cột cho đỡ vậy thôi chứ trấu chìm bên dưới trôi vào thì không cách gì cản nổi”, anh Hùng nói. Những ngày đầu tiên trấu xâm nhập vào bè cá, mỗi ngày có đến vài ba chục con cá lớn bị chết. “Bây giờ đỡ rồi vì có loại thuốc phòng bệnh cho cá. Nhưng cứ vài ngày lại tốn 900.000 đồng tiền thuốc”, anh Hùng nói.
Nhiều chủ bè cá ở vàm Châu Đốc, Cồn Tiên (xã Đa Phước, huyện Tân Châu) đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Cuối tháng 4 vừa qua, Chi hội Thủy sản Long Thành (huyện Tân Châu) cũng gửi đơn kiến nghị về tình trạng môi trường ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng xấu đến 121 bè cá trong vùng mà nguyên nhân cũng vì trấu.
Còn khách du lịch, theo anh Lê Văn Thủ, chủ bè cá ở huyện Tân Châu, cứ lắc đầu ngao ngán mỗi khi đi thuyền chạy ngang đoạn kênh Xáng. Nhiều khách nước ngoài yêu cầu ghe dừng lại để họ quay phim, chụp ảnh những đoạn sông trấu...
Vì sao?
Cách bè cá của anh Thủ chưa đầy 300 mét là một nhà máy xay xát đang hoạt động. Ngay sát bờ sông, một đống trấu cao ngút được chủ nhà máy che chắn tạm bằng vài miếng tôn, mà theo anh Thủ: “Nhằm thanh minh với đoàn kiểm tra của tỉnh hồi đầu tháng 5. Bởi trước đó, trấu được dẫn theo đường ống, xả thẳng xuống sông”. Anh Thủ nói bây giờ cứ 9 giờ tối hoặc đúng nửa đêm, trấu lại tuôn ào xuống dòng kênh.
Theo nhiều người dân, thủ phạm gây ra ô nhiễm trấu trên kênh Xáng ở Tân Châu và nhiều nơi ở ĐBSCL là các nhà máy xay xát. Riêng chỉ ở đoạn kênh Xáng từ Châu Đốc đến chợ Tân An - chưa đầy bốn cây số, đã có 18 nhà máy xay xát. Ở Hậu Giang, theo ông Nguyễn Quốc Định, quyền Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh: “Các nhà máy xay xát chủ yếu xả trấu vào ban đêm, đặt ống ngầm xả thẳng xuống sông nên khó phát hiện”.
Ngay sau khi có đơn kiến nghị của người dân, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra đến tận nơi xác minh. Trong tháng 3 và tháng 4, đoàn phát hiện 32 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, dù đã lập biên bản, xử phạt... nhưng đến ngày 4-5, đoàn kiểm tra vẫn phát hiện bốn nhà máy tiếp tục xả trấu ra sông. Nhiều chủ bè cá bức xúc, bỏ cả công việc để theo dõi hoạt động của các nhà máy ở Tân Châu và thống kê rằng, chỉ riêng 18 nhà máy ở ba xã Châu Phong, Vĩnh Hậu và Long An - trong đó có ba nhà máy là của người nhà một lãnh đạo xã Long An - bình quân mỗi ngày có 1.000 tấn lúa được xay xát, tức sẽ thải ra sông 200 tấn trấu...
Anh Trần Thanh Hơn, chủ nhà máy xay xát Đức Lợi tại ấp Long Hòa, xã Long An, huyện Tân Châu, giải thích: “Trấu không tiêu thụ được là nguyên nhân khiến các nhà máy phải trút xuống dòng sông. Mấy năm trước, có lúc thương lái phải năn nỉ chủ nhà máy để mua trấu với giá 70.000 đồng/tấn. Còn bây giờ, nhiều chủ nhà máy phải cho thêm tiền nhưng cũng chẳng ai thèm lấy trấu”. Anh Hơn nói, kho trấu 300 tấn của nhà máy đã chật ních, mà mỗi ngày lại phát sinh thêm 20 tấn trấu. Nếu xây thêm kho, phải tính đến chuyện mua đất và đầu tư hơn một trăm triệu đồng xây dựng. “Đầu tư để trữ trấu thì có nước chết vì biết bán cho ai!”, anh giải thích.
Trước đây, một đầu ra rất lớn của trấu chính là các bè cá. Bình quân bốn bè cá tiêu thụ một tấn trấu/ngày. Nhưng nay chủ bè cũng giảm dần việc nấu thức ăn và thay bằng những thức ăn dạng viên.
Theo Sở Công nghiệp An Giang, gần 1.000 nhà máy xay xát trong tỉnh vẫn thường bán trấu cho các cơ sở sản xuất gạch, lò đường. Nhưng nay lò đường lớn nhất tỉnh đã... dẹp tiệm, còn các cơ sở sản xuất gạch cũng đang thu hẹp hoạt động theo chủ trương của tỉnh.
Phải tính chuyện trấu!
Các cơ quan chức năng ước tính, sản lượng trấu hàng năm ở vùng ĐBSCL gần hai triệu tấn. Nhưng theo một số nhà máy xay xát, với sản lượng lúa cả vùng khoảng 17 triệu tấn, khi xay xát sẽ phát sinh 20% trấu, tức bình quân mỗi năm có đến 3,4 triệu tấn trấu đang bế tắc “đầu ra”. Hiện nay, một lượng rất lớn lúa từ Campuchia được chuyển sang An Giang, Đồng Tháp xay xát... khiến lượng trấu càng tăng. Như vậy, tính chuyện xử lý số trấu thải ra trong quá trình xay xát là chuyện cần tính ngay từ bây giờ để bảo vệ môi trường.
Theo Sở Công nghiệp An Giang, chuyện xử phạt chỉ là giải pháp tạm thời, trong khi lực lượng kiểm tra quá mỏng cũng khó phát hiện, ngăn chặn... Còn nếu đóng cửa các nhà máy vi phạm, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyện tiêu thụ lúa của nông dân. Do vậy, phải tính “đầu ra” cho trấu.
Ở An Giang, dự án xây dựng nhà máy điện công suất 10 MW, sử dụng năng lượng sinh khối từ nguyên liệu trấu đã được UBND tỉnh chấp thuận, nhưng vấn đề liên kết với đối tác nước ngoài vẫn chưa tính xong. Gần đây, một thiết bị đốt trấu để lấy tro, bán cho nông dân bón cây cũng được giới thiệu, nhưng theo anh Hơn: “Công suất quá nhỏ, mỗi ngày chỉ đốt được 1,5 tấn trấu. Nếu đầu tư mười thiết bị để tiêu thụ hết lượng trấu phát sinh ở nhà máy của tôi, phải mất trên 300 triệu đồng”.
Từ năm 1997, Viện Năng lượng (Tổng công ty Điện lực Việt Nam) đã thực hiện dự án “Công nghệ định hình sinh khối các phế thải - phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất thanh nhiên liệu có chất lượng cao”. Mới đây, viện đã chế tạo thành công máy ép trục vít dùng để ép các phế thải - phụ phẩm nông nghiệp thành thanh nhiên liệu với nhiệt năng cao, tiện lợi trong vận chuyển. Máy có các thông số kỹ thuật tương đương với máy của Thái Lan và Bangladesh nhưng giá thành chỉ bằng khoảng một nửa. Sản phẩm sau khi ép chắc - bóng, bề mặt được carbon hóa cao.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho rằng nên tính đến chuyện ứng dụng trấu để làm ván ép, phân bón... Một số nghiên cứu về chuyện này đã thành công, vấn đề là đưa vào ứng dụng. “Nguồn nguyên liệu dồi dào như vậy mà trút xuống sông, hoang phí đã đành mà còn gây ô nhiễm”, ông nói.
Hồ Hùng
Xã Khánh An, huyện An Phú có gần 50 cơ sở chế biến khô cá sặc bổi
Nguồn tin: AG, 25/5/2006
Ngày cập nhật: 26/5/2006
Hiện toàn xã Khánh An, huyện An Phú - An Giang có gần 50 cơ sở chế biến khô cá sặc bổi đang hoạt động rất có hiệu quả, tập trung nhiều nhất tại tổ 12 ấp IV.
Anh Huỳnh Văn Dũng và chị Trình Thị Thu là 2 cơ sở làm khô cá sặc bổi lớn tại tổ 12 ấp IV xã Khánh An cho biết, chế biến khô cá sặc bổi là nghề truyền thống được hình thành ở địa phương từ khá lâu. Ban đầu người dân làm manh múng nhỏ lẻ nhưng nay thì hùn vốn lại để cùng nhau phát triển và giữ vững nghề truyền thống này và ngày càng có nhiều hộ khá lên từ nghề chế biến khô cá sặc bổi. Hiện nay, chỉ riêng tại 2 cơ sở của anh Huỳnh Văn Dũng và chị Trình Thị Thu mỗi ngày mua khoảng 6.000 kg cá tươi từ Campuchia về để chế biến khô cá sặc bổi. Sau 3 ngày chế biến, cứ 2,5 kg cá tươi sẽ chế biến được 1 kg khô bán cho bạn hàng tại các tỉnh miền Tây và thành phố Hồ Chí Minh với gía khô loại 1 là 110.000 đồng/kg, loại 2 là 70.000 đồng/kg và loại 3 là 55.000 đồng. Mỗi ngày 2 cơ sở này giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động với thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 50.000 đồng/ngày trở lên.
Tuy nhiên 2 cơ sở chế biến khô cá sặc bổi của anh Huỳnh Văn Dũng và chị Trình Thị Thu cũng như các cơ sở chế biến khô cá sắc bổi khác ở địa phương đang gặp phải khó khăn về nguồn vốn để khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có mà không phải địa bàn nào cũng có được lợi thế này. Đây là một trong các ngành nghề truyền thống của xã Khánh An đang được nhân dân tập trung phát triển và là một trong những địa phương có số lượng cơ sở chế biến khô cá sặc bổi lớn nhất của tỉnh và có nhiều uy tín được khách hàng ưa chuộng.
Phan Tuấn
Phát triển diện tích rong sụn
Nguồn tin: BĐ, 26/5/2006
Ngày cập nhật: 26/5/2006
Tháng 2- 2005, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đã chọn hộ ông Nguyễn Văn Đông, ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát để xây dựng thí điểm mô hình trồng rong sụn trên đầm Đề Gi, với diện tích 3.000 m2.
Kết quả cho thấy, diện tích rong sụn của ông Đông phát triển tốt, thích nghi được với môi trường xung quanh. Từ thành công này, năm 2006 Trung tâm Khuyến ngư tỉnh tiếp tục nhân rộng diện tích trồng rong sụn trên đầm Đề Gi. Đến nay, đã có hàng chục hộ dân ở ven đầm thuộc 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát trồng rong sụn, với diện tích gần 10 ha và còn phát triển thêm nữa trong thời gian tới.
Được biết, mấy năm qua cây rong sụn phát triển mạnh ở các địa phương ven biển của các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa... và là cây xóa đói giảm nghèo cho ngư dân ở đây, với thu nhập bình quân 30-40 triệu đồng/ha/năm.
Ngọc Thái
Bình Định: Giá tôm sú tăng nhưng người nuôi không vui
Nguồn tin: BĐ, 24/05/2006
Ngày cập nhật: 25/5/2006
(BĐ) - Hiện nay giá tôm sú đang dao động ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg (180 con), tăng khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg so với mùa vụ năm trước nhưng người nuôi tôm không lãi, thậm chí có hộ bị lỗ. Theo những hộ nuôi tôm, do năm nay mọi khoản chi phí nuôi tôm tăng cao, dịch bệnh xảy ra nên phải thu hoạch sớm, sản lượng tôm giảm.
Ông Nguyễn Đình Du, chủ hộ nuôi tôm ở xã Phước Thuận (Tuy Phước) cho biết: Do dịch bệnh xảy ra nên 5 hồ tôm (mỗi hồ 5.000 m2) của tôi phải thu hoạch sau 70 ngày nuôi, trong khi thời gian nuôi tính cho đủ phải là 120 ngày nên sản lượng chỉ đạt 2 tấn tôm, giảm 7 tấn so với năm trước.
Nguyễn Phúc
Quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi thủy sản linh hoạt theo nhu cầu thị trường
Nguồn tin: PY, 24/05/2006
Ngày cập nhật: 25/5/2006
Liên tiếp từ năm 2001 đến nay, các vùng nuôi tôm sú tập trung ở Phú Yên bị dịch bệnh tràn lan do môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, mỗi năm có hơn 80% người nuôi tôm bị lỗ nặng. Thế nhưng việc đầu tư khôi phục đồng tôm hoặc chuyển đổi đa dạng hóa các đối tượng nuôi khác vẫn đang gặp nhiều lúng túng! Làm thế nào xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững lâu dài? Báo Phú Yên đã trao đổi với tiến sĩ Trần Thị Việt Ngân, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên xung quanh vấn đề này.
CẦN THAY ĐỔI “HỘI CHỨNG TÔM SÚ”
* Nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý qui hoạch các vùng nuôi tôm không theo kịp thực tế, bà nghĩ như thế nào?
- Đúng vậy, thực tế ở các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư, qui hoạch đúng hướng, tình trạng sản xuất tự phát trong dân rất cao. Điều này dẫn đến hệ quả là phong trào nuôi tôm phát triển thiếu căn cơ, sản xuất thiếu tập trung theo vùng, mùa vụ, gây khó khăn trong quản lý, kiểm soát. Trong khi đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm còn yếu, nên hiệu quả kém và không đảm bảo môi trường an toàn cho nuôi tôm.
* Tại sao đến nay ngành thủy sản vẫn chưa thể tìm ra các giải pháp để giúp dân đầu tư khôi phục lại các cánh đồng nuôi tôm?
- Thật ra, mấy năm nay ngành thủy sản đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản. Đồng thời xây dựng phương án sản xuất cho từng tiểu vùng, thời vụ, thông báo bệnh mới phát sinh để người nuôi tôm dập bệnh, hạn chế lây lan, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tuân thủ mùa vụ, xả nước hồ tôm bệnh ra ngoài… Ngoài ra, ngành còn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, vận động bà con làm mô hình, chuyển đổi nuôi một số loài thủy sản như cua, ghẹ, rô phi, cá mú… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao. Hiện nay, việc nuôi các đối tượng thủy sản khác đảm bảo ổn định, nhưng thu lãi thấp hơn nhiều so với tôm sú. Đây cũng chính là nguyên nhân mà phần lớn người dân vẫn còn lao theo “hội chứng tôm sú”, nghĩa là vẫn muốn “đánh bạc” với tôm để trúng “độc đắc”, chứ chưa mặn mà trong việc đầu tư thay đổi đối tượng nuôi khác. Điều này làm chậm quá trình chuyển đổi một số vùng tôm sang nuôi các đối tượng khác có hiệu quả. Một khi thay đổi được “hội chứng tôm sú” cho người nuôi, việc đầu tư đa dạng hóa các đối tượng thủy sản khác mới thực hiện nhanh, mạnh.
DÂN CÒN NGẠI NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG
* Tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản mới dễ nuôi, năng suất cao, ít bị dịch bệnh, theo bà vì sao người dân chưa nuôi trên diện rộng?
- Hiện nay phong trào chuyển đổi nuôi tôm thẻ chân trắng là phù hợp. Thời gian qua, Trung tâm Giống kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã vận động một số hộ dân nuôi mô hình tôm thẻ chân trắng, triển khai 13 mô hình nuôi tôm thẻ ở các xã An Hiệp, An Hoà, An Ninh Tây (huyện Tuy An) với tổng diện tích 7,5 ha. Từ đó rút ra kinh nghiệm và nhân rộng theo quy mô chắc chắn, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay nuôi tôm thẻ vẫn phát triển tự phát theo kiểu “da beo”, nằm rải rác xen lẫn trong các đồng tôm sú ở Đông Hòa, Sông Cầu, Tuy An. Nhiều người dân nhập giống kém chất lượng, chưa được kiểm dịch từ các nơi khác để thả nuôi. Nhiều hộ nuôi tôm thẻ trên cát ở Hòa Hiệp Bắc không có bể xử lý nên nguồn nước thải xả ra ngoài gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các vùng nuôi thủy sản khác. Ngoài ra, con giống kém chất lượng và mầm bệnh còn lại trong hồ nên nuôi tôm thẻ cũng bị dịch bệnh, lỗ vốn. Mặt khác, giá con giống tôm thẻ tương đối cao (gấp 2 – 3 lần so với giá tôm sú post), trong khi đó thị trường tiêu thụ tôm thương phẩm chậm, giá thấp… Vì vậy, người dân còn ngại nuôi tôm thẻ chân trắng.
Tôi nghĩ, để phát động nuôi tôm thẻ chân trắng, ngành thủy sản cần quy hoạch các vùng nuôi tôm thẻ, xử lý môi trường, chuyển giao kỹ thuật, kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất giống… Nơi nào có điều kiện thì xây dựng hệ thống thủy lợi, bể chứa xử lý nước sạch… riêng cho nuôi tôm thẻ. Chúng ta phải có trách nhiệm trong quản lý nuôi tôm thẻ chứ không thả lỏng cho dân nuôi không tuân thủ quy chế vùng nuôi, không theo mùa vụ, giống như nuôi tôm sú lâu nay. Để nuôi tôm thẻ hiệu quả, yếu tố đầu tiên là nguồn giống phải tốt, do vậy lực lượng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải ngăn chặn nguồn giống du nhập kém chất lượng, nhất là giống tôm thẻ của Trung Quốc, kiểm dịch nhằm khống chế hội chứng bệnh taura trên tôm thẻ.
XÂY DỰNG VÙNG NUÔI LINH HOẠT THEO THỊ TRƯỜNG
* Vậy theo bà, phải làm thế nào để nuôi tôm ổn định, bền vững?
- Sự thất bại nhiều năm liền làm cho người nuôi tôm kiệt quệ vốn nên rất khó có thể tự lực đầu tư khôi phục sản xuất. Đã đến lúc (nếu không muốn nói là quá muộn) cần phải liên kết lại các nhà cung cấp thức ăn, giống, ngân hàng, các nhà khoa học và người dân để có phương án tháo gỡ khó khăn, đầu tư sản xuất có lãi, chứ không để ao đìa bỏ trống. Tôi đề xuất hai giải pháp như sau:
Thứ nhất: cần xây dựng lại hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và ao hồ nuôi tôm, nhất là ở cánh đồng tôm Đà Nông. Theo đó, xây dựng kênh cấp, thoát nước riêng, mỗi hộ nuôi nhất thiết phải có 3 ao hồ liên hoàn với nhau gồm ao nuôi, ao chứa lắng, ao chứa thải, có phương án sản xuất cho từng tiểu vùng, thời vụ, kịp thời thông báo dịch bệnh phát sinh để mọi người cùng dập bệnh, tránh lây lan, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tuân thủ mùa vụ, xả hồ tôm bệnh ra ngoài… Trước mắt, có thể xây dựng các mô hình cổ đông nuôi tôm, giải quyết lao động, kêu gọi các nhà đầu tư thành lập công ty cổ phần sản xuất tôm theo kiểu trang trại ở từng khu vực ao hồ, xây dựng lưới điện ở đồng tôm, xây dựng nhà máy hữu cơ để xử lý phân thải từ tôm… Đây cũng là tiền đề để nuôi tôm công nghiệp có năng suất cao và bền vững.
Thứ hai: cần nghiên cứu qui hoạch, xây dựng các vùng nuôi thủy sản linh hoạt theo nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó, đầu tư quan trắc, khảo sát môi trường, cảnh báo dịch bệnh, tập huấn cho dân nắm bắt kỹ thuật nuôi nhiều loài thủy sản có giá trị. Liên tục cập nhật thông báo, dự báo thị trường thủy sản cho dân biết, nhằm chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp. Để làm được điều này, Nhà nước có chính sách khoanh nợ những hộ vay nuôi tôm sú bị dịch bẹânh trong thời gian qua và cho họ tiếp tục vay vốn để nuôi thủy sản trong thời gian tới.
NGUYÊN LƯU (thực hiện)
An Giang: Giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao
Nguồn tin: AG, 24/5/2006
Ngày cập nhật: 24/5/2006
An Giang: NAVICO phát triển thêm hội viên nuôi cá tra
Nguồn tin: AG, 23/5/2006
Ngày cập nhật: 24/5/2006
NAVICO (Công ty xuất khẩu thủy sản Nam Việt) phát triển thêm hội viên nuôi cá tra "sạch" theo tiêu chuẩn quốc tế SQF 1000CM, nâng số hội viên nuôi cá tra "sạch" của công ty từ 25 hội viên lên 38 hội viên với sản lượng nuôi 50.000 tấn cá nguyên liệu "sạch" năm 2006 (hội viên đăng ký).
Tháng 12/2005 Công ty NAVICO thành lập hội nuôi cá tra "sạch" với 25 hội viên tham gia ( những hội viên này là thành viên câu lạc bộ 20.000 tấn cá tra, cá ba sa của công ty). Hội viên nuôi cá tra "sạch" của Công ty được Hiệp hội chăn nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) tập huấn qui trình nuôi cá "sạch". Có sổ sách theo dõi chặt chẽ từ con giống chất lượng có nguồn gốc rõ ràng, thức ăn thủy sản và thuốc thú y… Sau quá trình nuôi đơn vị chuyên môn kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn thì cấp giấy chứng nhận. Công ty NAVICO bao tiêu mua cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn "sạch" với giá 13.000 đồng/kg, người nuôi lãi ổn định từ 2.500 – 3.000 đồng/kg.
Năm 2006 NAVICO có kế hoạch chế biến xuất khẩu 30.000 tấn cá tra chế biến thành phẩm, đạt kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD, tăng 25 triệu USD so năm 2005. NAVICO phối hợp với ngư dân nuôi cá quy họach thành lập vùng nguyên liệu nuôi cá "sạch", nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và số lượng để chế biến xuất khẩu khối lượng lớn vào các thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật, Hoa Kỳ... 5 tháng đầu năm 2005 NAVICO đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 65 triệu USD, tăng trên 70% so cùng kỳ năm 2005.
Tố Quyên
Phú Yên: Vì sao hai dự án sản xuất giống thủy sản bị “treo”?
Nguồn tin: PY, 24/5/2006
Ngày cập nhật: 24/5/2006
TP.HCM: xuất khẩu cá cảnh đạt 50 triệu USD vào năm 2010
Nguồn tin: SGTT, 23/5/2006
Ngày cập nhật: 24/5/2006
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.