Thủy sản vào Mỹ phải ổn định chất lượng
Nguồn tin: ND, 8/1/2006
Ngày cập nhật: 8/1/2007
Cá kèo hết… “bèo”
Nguồn tin: SGGP, 08/01/2007
Ngày cập nhật: 8/1/2007
Người dân các tỉnh ĐBSCL thường có câu cửa miệng là “bèo như con cá kèo”. Tuy nhiên, không ít nông dân miền Tây sau khi trắng tay vì con tôm sú thì hiện nay họ đã tìm đến với con cá kèo như một cứu cánh thoát khỏi cảnh nợ nần.
Bán giống cũng hái ra tiền
Từ khi con cá kèo được người dân ĐBSCL chọn nuôi theo mô hình tôm – cá hoặc chuyển đổi từ đất tôm kém hiệu quả sang nuôi cá kèo thì không ít người ở ven theo tuyến rừng phòng hộ ven biển từ Sóc Trăng chạy dài đến Bạc Liêu, Cà Mau có thêm nhiều của ăn, của để nhờ bán cá giống. Không chỉ vậy, nhiều trẻ em có được tiền mua tập viết, quần áo đến trường từ “nghề” bắt cá kèo giống.
Anh Tư Lanh là một trong những người kinh doanh cá kèo giống ở xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) cho biết: “Những ngày đầu mới mở đại lý vất vả lắm, không chỉ ít người mua mà họ còn không tin tưởng cá trong bể ươm của mình là cá kèo nên cứ vớt lên vớt xuống để coi cho kỹ làm chết cá nên dễ bị lỗ vốn. Còn bây giờ chỉ cần nói qua một vài đặc điểm đặc trưng của con cá kèo để người mua nhận dạng là họ yên tâm bắt giống. Những tháng thả cá chính vụ mỗi ngày bán được vài trăm ly, lời cũng được vài trăm ngàn đồng, có lúc lời đến 3 triệu đồng/ngày”.
Nguồn cá giống của trại anh Lanh mua lại từ những trẻ em chuyên sống bằng nghề bắt cá kèo giống ven theo bãi biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình (Bạc Liêu). Mỗi ngày trên tuyến bãi bồi này có hàng trăm người người dùng vợt bắt những con cá kèo chỉ lớn hơn sợi chỉ, dài khoảng 2cm bán cho đại lý với giá từ 30.000 đến 40.000đ/ly (loại ly nhỏ dùng để uống trà). Trung bình mỗi người bắt được từ 2-3 ly cá giống/ngày cho thu nhập từ 60.000 đến 80.000đ. Đây là nguồn thu nhập khá lớn đối với những gia đình di dân tự do thuộc diện nghèo ở vùng ven biển.
Anh Lanh bật mí: “Mỗi ly như vậy khi bán ra chỉ còn khoảng 700 con, bán với giá 45.000 – 50.000đ/ly, vừa lời cá vừa lời giá”. Lượng cá giống tồn đọng lại trên ba ngày anh Lanh sang bể ươm khác để chờ đạt trọng lượng khoảng 3.000 con/kg (dài từ 4 -5 phân) bán với giá 350.000 – 400.000đ/kg, loại 7 phân (khoảng 700 con/kg) giá 200.000đ/kg.
Nếu như Tư Lanh chuyên “mua đi bán lại” thì gia đình chị Năm Độ (P. Nhà Mát – TX Bạc Liêu) tự đi vớt cá kèo giống ở tận Cà Mau mang về bán để được lời “trọn gói”. Mỗi chuyến đi khoảng một tuần vợ chồng chị Độ vớt được khoảng 15-20 kg cá loại 3.000 con/kg, bán được khoảng 5 triệu đồng.
Tuy thu nhập cao nhưng theo chị Độ thì mùa cá kèo giống chỉ kéo dài vào những tháng cuối năm nên những tháng đầu năm rất hiếm làm cho thị trường cá kèo giống bị “sốt giá” từng ngày. Chị Độ cho biết: “Chưa năm nào cá kèo giống khan hiếm như hiện nay. Lúc trước loại cá giống như giá khoảng 35đ/con thì hiện nay đã tăng lên 50-55đ/con nhưng vẫn không đủ cá giao cho khách hàng”.
Cứu cánh cho người nghèo
Trong khi nhiều hộ nuôi tôm dở khóc dở cười vì điều kiện thời tiết, con giống không sạch bệnh... làm họ trắng tay thì những hộ nuôi cá kèo vẫn cứ vô tư thu hoạch theo từng con nước để thu lợi nhuận. Sau một thời gian nuôi thí điểm, đến nay diện tích cá kèo ở các tỉnh ĐBSCL đã vượt ngưỡng 1.000ha.
Ông Trần Nghiệp Đoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Nhiều người bảo con cá kèo nuôi không được nhưng sự thật không phải vậy. Sau một năm nuôi thí điểm, thấy “ăn chắc” nên hiện nay ở xã này đã có hàng chục hộ nuôi cá kèo."
Nhờ con cá kèo mà nhiều hộ bị thất tôm nhiều năm liền đã tìm được mô hình làm ăn mới. Qua thực tiễn cho thấy nếu nuôi cá kèo theo hình thức quảng canh với mật độ khoảng 15 con/m2 và không cần bổ sung thức ăn nhưng sau bốn tháng có thể thu hoạch được khoảng 700kg/ha. Với mật độ này thì người nghèo cũng có thể nuôi được vì đầu tư vào 1ha cá kèo chỉ tốn tiền cá giống khoảng 3 triệu đồng.
Cùng anh Út Điền ra tận ao nuôi cá kèo ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), chúng tôi mới thật sự thấy mô hình nuôi cá kèo vô cùng lý tưởng. Với mật độ thả giống khoảng 30 con/m2 mặt nước thì ao nuôi 3.000m2 chỉ tốn từ 4,5 đến 6 triệu đồng tiền cá giống. Theo anh Điền, thì chỉ cho cá ăn thức ăn công nghiệp trộn với cám trong tháng nuôi đầu tiên, từ tháng thứ hai trở về sau cho đến khi thu hoạch (3,5 đến 4 tháng) chỉ cho cá ăn cám.
Chỉ tay về phía ao rộng 3.000m2 đã cạn nước còn vài con cá kèo to hơn ngón tay cái đang lăn trên vũng bùn, anh Điền cho biết: “Ao này cậu tôi vừa thu hoạch xong với gần một tấn rưỡi cá thịt loại 50 con/kg. Bán tại vuông giá 40.000đ/kg, trừ chi phí con giống và thức ăn thu lãi khoảng 40 triệu đồng”.
Theo anh Điền thì dượng rể của anh ở huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) đã nuôi cá kèo công nghiệp (có dùng quạt tạo ôxy) thu hoạch đạt năng suất trên 5 tấn/ha và bán tại vuông cũng với giá 40.000 đồng/kg. Đây chỉ là giá bán tại ao nuôi, ngoài thị trường loại 30 con/kg giá trên 50.000đ nhưng cung không đủ cầu. Nhiều nhà hàng, quán ăn muốn có cá kèo cho các món kho, lẩu... đều phải đặt trước và giá các quán ăn bán ra là 4.000đ/con bởi cá kèo hiện đã là “đặc sản”. Nông dân vùng này khẳng định cá kèo đúng là cứu cánh cho nông dân nghèo.
Dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 38 từ huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) về đến biển Nhà Mát của tỉnh Bạc Liêu, chen với những trại tôm sú là hàng chục đại lý mua, bán cá kèo giống. Đây là nơi cung cấp cá kèo giống nhiều nhất cho các tỉnh ĐBSCL, vào mùa cá kèo giống chính vụ mỗi ngày ước có khoảng vài trăm ngàn con cá giống được bán về các tỉnh như: Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... Không cần đầu tư quy mô, hoành tráng như các trại tôm sú giống, những điểm bán cá kèo chỉ là một cái chòi canh và vài ao ươm cá rộng khoảng 2m, dài chừng 10m được ngăn thành 4-5 ô vuông.
HỒNG DÂN
Gắn kết ngư dân với Hiệp hội Nghề cá
Nguồn tin: TTXVN, 06/01/2007
Ngày cập nhật: 8/1/2007
Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh Hội Nghề cá Việt Nam cần đóng vai trò nòng cốt cung cấp dịch vụ, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho các thành viên nhằm tăng cường gắn kết ngư dân.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Hội Nghề cá Việt Nam, ngày 6/1, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh thách thức lớn nhất hiện nay của Hội nghề cá là sự thiếu gắn bó, phối hợp giữa các cấp hội, các doanh nghiệp thuộc hội nghề cá cả nước, các doanh nghiệp trực tiếp tham gia khai thác, nuôi trồng thủy sản với ngư dân. Tình trạng này đang gây nhiều khó khăn trong tập trung nguồn nguyên liệu, khai thác, chế biến, xuất khẩu và xúc tiến thương mại.
Tại Đại hội, các đại biểu nhất trí mục tiêu xây dựng Hội Nghề cá ngày càng vững mạnh, trở thành một tổ chức thực sự đại diện cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và các doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Nguyễn Hữu Khánh cho biết Hội đang trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển Hội nghề cá giai đoạn 2006-2010, trong đó đặt chỉ tiêu có 50.000 hội viên thuộc 35 tỉnh và thành phố, gắn kết trực tiếp ngư dân với các Hội khai thác, nuôi trồng, chế biến, cảng cá thủy sản trong cả nước và liên kết bảo vệ quyền lợi của ngành thủy sản Việt Nam./.
ĐBSCL: Tình trạng cá tra, cá basa chết hàng loạt đang giảm
Nguồn tin: SGGP, 08/01/2007
Ngày cập nhật: 8/1/2007
Chiều 7-1, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ cho biết: Tình hình cá tra, cá basa chết hàng loạt ở ĐBSCL trong những ngày qua đã thuyên giảm.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhiều cơn mưa trái mùa, chưa biết tình hình sẽ diễn biến ra sao trong những ngày tới vì cá tra, cá basa vốn rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường nước.
Theo một số hộ dân nuôi cá ở An Giang, Cần Thơ, tình hình cá tra, cá basa bắt đầu chết rộ sau khi bão quét qua ĐBSCL.
Ngoài con giống đang bị thoái hóa, cá nuôi chậm lớn, môi trường ngày càng ô nhiễm, việc sử dụng các loại thuốc trị bệnh vô tội vạ cộng với chất lượng thức ăn đang có vấn đề... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt.
C.H.P.
TPHCM: Thủy hải sản khô tăng giá mạnh
Nguồn tin: SGGP, 07/01/2007
Ngày cập nhật: 8/1/2007
Sáng nay tại chợ Bến Thành, Bình Tây các mặt hàng thủy hải sản khô đã bắt đầu tăng mạnh từ 3.000đ đến 10.000đ/kg, cụ thể giá tôm khô loại 1 tuần trước giá 260.000đ đến 370.000đ/kg, tuần này tăng lên 270.000đ đến 380.000đ/kg (tăng 10.000đ/kg), khô mực từ 135.000đ/kg đến 145.000đ/kg cũng vọt lên 150.000đ đến 180.000đ/kg (tăng 5.000đ/kg); khô cá tra 36.000đ đến 44.000đ/kg cũng lên 50.000đ/kg, tăng 6.000đ/kg; khô cá sặt bổi (Cà Mau) loại 1 giá cũng tăng lên 180.000đ/kg, tăng 8.000đ/kg… Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ cuối năm đang tăng cao.
L.M.TH
2,72 triệu vnđ/kg cá ngừ đại dương
Nguồn tin: NLD, 7/1/2007
Ngày cập nhật: 7/1/2007
Năm âm lịch sắp đến là năm Đinh Hợi nhưng con cá ngừ đại dương vẫn là con vật giữ vị trí ngôi vua ở Nhật.
Tại chợ cá ngừ Tsukiji, trong phiên bán đấu giá đầu năm một nhà hàng thuộc hệ thống Kiyomura đã dám bỏ ra 4,13 triệu yen (561,68 triệu VNĐ) để mua một con cá ngừ vây xanh nặng 206,6 kg đem về làm món sushi nổi tiếng. Tính ra một kg cá này lên đến 2,72 triệu VNĐ!
Nhật là thị trường tiêu thụ 1/4 cá ngừ đại dương đánh bắt trên thế giới và đang chịu sức ép của những tổ chức bảo vệ môi trường cắt giảm sản lượng tiêu thụ nếu không loài này sẽ bị tuyệt chủng. Vừa qua Nhật đã chấp nhận hình phạt cắt giảm mạnh quota đánh bắt cá ngừ vây xanh ở Thái Bình Dương sau một thời gian khai thác quá mức.
Theo nhà hàng Kiyomura, giá cá ngừ nói trên là trung bình vì càng hiếm thì giá cá ngừ vây xanh càng đắt hơn trong những năm tới.
P.THANH (Theo AFP)
Báo động trách nhiệm các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật
Nguồn tin: VTV, 06/01/2007
Ngày cập nhật: 7/1/2007
Thủy sản Bình Định: Năm mới, triển vọng mới
Nguồn tin: BĐ, 3/1/ 2007
Ngày cập nhật: 7/1/2007
Trong năm 2006, ngành Thủy sản (TS) tỉnh Bình Định đã từng bước khắc phục được những tồn tại, hạn chế cố hữu và phát triển hơn so với các năm trước. Từ cái nền này, bước vào năm 2007, ngành TS tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, chiến lược phát triển mới, nhằm phát triển một cách ổn định và bền vững hơn.
* Hành trình vượt khó
Năm 2006, tình hình sản xuất của các nghề khai thác TS ở tỉnh Bình Định không được thuận lợi hơn so với các năm trước, do thời gian đầu biển động kéo dài, tàu thuyền bị thiệt hại trong các cơn bão, ảnh hưởng các đợt tăng giá xăng dầu... làm cho thời gian bám biển của ngư dân ít hơn. Tuy nhiên, nhờ các tàu thuyền hoạt động khai thác xa bờ tăng cường đầu tư trang thiết bị, ngư lưới cụ, di chuyển ngư trường theo mùa vụ và thành lập các tổ đoàn kết trong khai thác... nên phần lớn những chuyến biển đều đạt kết quả khá, nhất là các nghề vây rút chì, câu mực, lưới chuồn, khai thác cá nổi…
Nổi bật nhất trong năm 2006 là việc phát triển các tổ đoàn kết trong khai thác xa bờ, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả tương đối cao. Từ 3 mô hình ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có gần 20 mô hình và hiện còn đang tiếp tục được nhân rộng. Trong năm qua, tổng sản lượng TS khai thác đạt trên 105.000 tấn, bằng xấp xỉ cùng kỳ; trong đó, sản lượng hải sản khai thác xa bờ chiếm 78,8%, tăng 20% so với năm 2005. Đặc biệt, nghề khai thác tôm hùm giống đạt sản lượng khá, tăng 66% so với năm 2005. Đa số ngư dân làm nghề này đều có lãi.
Bên cạnh khai thác, đánh bắt có hiệu quả khá, nuôi trồng TS cũng đạt kết quả khả quan nhất trong các năm gần đây. Nhờ thực hiện tốt việc nuôi tôm 1 vụ, giảm mật độ nuôi, chuyển đối tượng nuôi và đa dạng hóa đối tượng nuôi, nên diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Định giảm 52% so với năm 2005, sản lượng đạt 3.800 tấn, tăng 21%; trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 2.215 tấn, tăng 29,6% so với năm 2005.
Ở lĩnh vực chế biến TS xuất khẩu (XK), tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường cũng đã bước đầu được khắc phục. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã xúc tiến nhập khẩu nguyên liệu, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới thiết bị, công nghệ và tăng cường công tác xúc tiến thương mại... Nhờ đó, năm 2006 tổng giá trị xuất khẩu TS toàn tỉnh đạt 23,7 triệu USD, tăng 12,6%; trong đó, tổng kim ngạch XK đạt 16,7 triệu USD, tăng 16,9% so với năm 2005.
* Triển vọng mới
Những kết quả khả quan của năm 2006 đã tạo ra một khí thế, một động lực mới cho ngành TS tỉnh bước vào năm 2007 với nhiều kỳ vọng tốt đẹp hơn. Trong năm nay, ngành sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tổ đoàn kết sản xuất cho các nghề khai thác xa bờ; tập trung triển khai có hiệu quả công tác phòng chống xung điện, xiếc máy và chống sử dụng chất nổ, chất độc để khai thác TS. Tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền, chú trọng công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên và hướng dẫn ngư dân những kiến thức về phòng tránh trú bão, giúp ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Mục tiêu trong năm 2007 của ngành TS tỉnh là khai thác đạt 105.000 tấn hải sản các loại, trong đó chủ yếu là khai thác xa bờ.
Về nuôi trồng, sẽ tập trung triển khai hiệu quả việc nuôi tôm 1 vụ và đa dạng hóa đối tượng nuôi, chú trọng phát triển các đối tượng mới, như cua, hàu, ốc hương, rô phi đơn tính... kết hợp với phục hồi rừng ngập mặn nhằm cải thiện môi trường nuôi, đồng thời sẽ nhân rộng các tổ chức hợp tác, sản xuất cộng đồng trong các vùng nuôi tôm; tiếp tục đầu tư các trung tâm giống TS, đảm bảo năng lực sản xuất giống cung ứng cho nhu cầu nuôi trồng trong tỉnh. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm cũng được chú trọng hơn, và tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống, quan trắc môi trường nuôi, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dịch bệnh tôm xảy ra. Trong năm 2007, ngành TS phấn đấu tổng sản lượng nuôi trồng TS đạt 4.000 tấn, riêng sản lượng tôm nuôi đạt 2.100 tấn.
Riêng lĩnh vực chế biến TSXK, tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị các nhà máy chế biến TS, đẩy mạnh chế biến TS theo hướng đa dạng hóa mặt hàng; thực hiện chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tăng khả năng cạnh tranh; tích cực đầu tư xây dựng các khu chế biến TS tập trung ở các huyện, thành phố ven biển… Mục tiêu trong năm 2007, tổng giá trị xuất khẩu TS toàn tỉnh đạt 26 triệu USD, trong đó tổng kim ngạch XK đạt 18 triệu USD.
Ông Đinh Văn Tiên - Phó Giám đốc Sở TS: Mặc dù trong năm 2006, ngành TS tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền không số kết quả còn hạn chế. Tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy để khai thác TS còn tái diễn, chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng một số vùng nuôi tôm còn yếu kém. Tại một số vùng nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ, do lợi nhuận mang lại cao, đã xảy ra tình trạng các hộ dân tự phát phát triển diện tích nuôi, phá vỡ quy hoạch, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường trong thời gian đến. Năng lực xúc tiến thương mại của các DN còn thấp, việc xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, như hải sản khô, cá ngừ đại dương còn hạn chế. Lao động trong ngành TS thiếu và biến động, gây mất ổn định trong sản xuất. Trong năm 2007, chúng tôi sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế để đưa ngành TS tỉnh phát triển ổn định và mạnh mẽ hơn.
Ngoc Thai
Hội nghề cá Việt Nam đóng góp vào thành tựu xuất khẩu thuỷ sản năm 2006
Nguồn tin: VOV, 06/01/2007
Ngày cập nhật: 7/1/2007
Đây là thông tin đưa ra tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 2 Hội nghề cá Việt Nam diễn ra sáng 6/1, tại Hà Nội. Năm 2006, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt 3,25 tỷ USD.
Trong những năm qua, Hội nghề cá Việt Nam tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức hệ thống Hội từ Trung ương tới cơ sở; tổ chức lại sản xuất trong các Chi hội nuôi trồng; thực hiện các mô hình khuyến ngư tiên tiến, gắn kết sản xuất với tiêu thụ; mở rộng hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư của ngành.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, Hội nghề cá Việt Nam đã gặp phải không ít khó khăn. Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Việt Thắng cho rằng: “Đối với việc tổ chức hoạt động và phát triển Hội trong lĩnh vực khai thác hải sản vẫn còn là một bài toán khó giải. Đa số hội viên ngư dân đánh cá còn rất nghèo, trình độ thấp, thói quen làm ăn kiểu cá thể. Việc chuyển đổi thuyền nghề, tiếp cận nghề mới đòi hỏi vốn đầu tư lớn, đào tạo huấn luyện kỹ thuật và tay nghề cần có kinh phí và thời gian. Mặt khác, Hội còn thiếu các điều kiện cơ bản và cần thiết để hỗ trợ, giúp đỡ và tập hợp ngư dân vào tổ chức Hội”.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Chi hội trưởng nghề cá xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cho rằng để tăng cường hiệu quả khai thác, sản xuất thuỷ sản thì Hội nghề cá cần nâng cao vai trò là đầu mối trung tâm hướng dẫn khoa học, qui tụ hội viên. Đối với hoạt động đánh bắt xa bờ, Hội cần giúp ngư dân làm thế nào để sản xuất an toàn trên biển; các cấp hội cần có cơ chế phối hợp với các tổ chức tín dụng để bà con có đủ điều kiện tổ chức các chuyến ra khơi.
Thời gian tới, trước yêu cầu bức xúc của hội viên nông-ngư dân về giải quyết đầu ra, các đại biểu dự Đại hội cho rằng từng cấp Hội trên địa bàn phải chủ động nghiên cứu, dự báo nhu cầu và diễn biến thị trường-giá cả, thường xuyên thông báo cho người sản xuất và doanh nghiệp biết. Hội và hội viên chủ động ký kết thoả thuận, biên bản hợp tác, hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến, các đại lý thu mua sản phẩm ở địa phương. Cũng tại Đại hội, Hội đã mở đợt thi đua “Xây dựng Chi hội, hội viên sản xuất kinh doanh giỏi”.
Ông Nguyễn Hữu Khánh tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nhiệm kỳ 2006-2010./.
Vũ Hạnh
Bộ Thương mại tiếp tục cảnh báo các DN xuất khẩu tôm vào Nhật
Nguồn tin: LĐ, 06/01/2007
Ngày cập nhật: 7/1/2007
ĐBSCL: Không có cá chết hàng loạt
Nguồn tin: LĐ, 06/01/2007
Ngày cập nhật: 6/1/2007
Ngày 5.1, ông Trần Anh Dũng - Phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh An Giang - khẳng định với PV Báo Lao Động: "Không có chuyện cá tra chết hàng loạt như một số phương tiện truyền thông đã loan báo trong vài ngày qua".
Ông Dũng cho biết, tại một số hộ nuôi thuộc địa bàn huyện Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú và thị xã Châu Đốc... tỉ lệ cá chết chỉ ở mức 0,8-1%/ngày, tập trung vào số cá có nguồn gốc ngoài tỉnh mới thả nuôi. Còn tại các hộ đã nuôi được một vài tháng, cá vẫn khoẻ mạnh bình thường.
Theo ông Dũng, nguyên nhân chính là do chất lượng con giống không đảm bảo. Phần lớn số cá này được các cơ sở ươm giống tư nhân "vỗ béo", kể cả việc lạm dụng nhiều loại thuốc để tăng trưởng nhanh kịp phục vụ cho nhu cầu khát con giống trên thị trường. Vì tăng trọng giả tạo nên dễ bị sốc khi được đưa vào môi trường nước mới.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, hình ảnh mà các cơ quan truyền thông đăng tải minh hoạ cho chuyện cá chết hàng loạt ở địa bàn huyện Châu Phú, thực chất là cá chết do ngộ độc thuốc BVTV.
Lục Tùng
ĐBSCL: Nguy cơ cá tra chết lan rộng toàn vùng
Nguồn tin: NLĐ, 6/1/2007
Ngày cập nhật: 6/1/2007
Đến ngày 5-1, tình trạng cá tra nuôi của các hộ ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ chết nổi trắng ao vẫn đang tiếp diễn
Các cơ quan quản lý và người nuôi cá nhận định tình hình đang diễn ra hết sức báo động, có nguy cơ lan rộng ra toàn vùng.
Người nuôi trắng tay
Ông Tư Long, một trong những hộ nuôi lớn nhất nhì của huyện Thốt Nốt, Cần Thơ, than vãn: “Chín hầm cá của tôi với trên một triệu con được thả nuôi hơn hai tháng tuổi đều bị nhiễm bệnh. Cả tuần nay ngay sáng sớm sau khi cho cá ăn xong là nhân công phải... đi vớt xác cá chết. Mỗi ngày vớt hàng trăm ký cá chết do gan, thận bị mủ. Dù tôi đã bỏ ra hàng chục triệu tiền mua thuốc kháng sinh để điều trị nhưng vẫn không có kết quả”.
Theo ông Trần Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, trong 3 xã cù lao chuyên sản xuất cá tra giống của huyện, chỉ tính riêng xã Phú Thuận B đã có trên 1.000 hộ chuyên sản xuất cá tra giống với hơn 2.000 hầm cá lớn nhỏ. Có nhiều ao cá giống cỡ khoảng 1 phân chết từ 20% - 30%. Mức độ thiệt hại hiện nay chưa thể thống kê được. Tại tỉnh An Giang, hộ ông Nguyễn Văn Minh ở xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, nuôi khoảng 100.000 con cá tra, đạt kích thước khoảng 2 phân chuẩn bị bán thì bị thiệt hại gần hết sạch. Tại xã Mỹ Phú, hầm ương gần 100.000 con cá tra bột lên phân sắp tiêu thụ của ông Tám Xuyên cũng bị chết gần như trắng ao.
Nhà máy thiếu nguyên liệu
Trước tình trạng này, một số nhà máy chế biến thủy sản đã bắt đầu hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, phó giám đốc Nhà máy Chế biến Thủy sản đông lạnh xuất khẩu Cửu Long (An Giang) cho biết nhờ có nguồn nguyên liệu do những người thân trong gia đình cung cấp nên doanh nghiệp vẫn sản xuất ổn định. Nhưng với tình hình dịch bệnh này, nhà máy cũng chỉ cầm cự trong thời gian ngắn. Trong khi đó, một số nhà máy khác nằm ở cụm công nghiệp Mỹ Quý, TP Long Xuyên (An Giang) đang hoạt động cầm chừng, ngày làm ngày nghỉ vì thiếu nguyên liệu.
Mới chỉ dừng lại ở việc xác minh, điều tra
Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết hiện nay tình trạng cá chết tại Cần Thơ phần lớn là cá nhỏ tỉ lệ hao hụt từ 30% - 60%. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay đàn cá giống bố mẹ đang bị thoái hóa, bị khai thác quá mức, cho sinh sản ở mức độ quá dày dẫn đến tình trạng con giống không đạt chất lượng. Ngoài ra, do giá cá tra nguyên liệu cao (trên 15.000 đồng/kg), người nuôi ồ ạt không thể kiểm soát, mật độ nuôi dày khiến nguồn nước bị ô nhiễm cũng là nguyên nhân dẫn đến cá chết. Chỉ tính riêng năm 2006, ở ĐBSCL sản lượng cá tra nguyên liệu được thu hoạch 800.000 tấn (gần gấp đôi sản lượng năm rồi).
Hiện nay, giải pháp căn cơ trước mắt cần giải quyết là không cho sử dụng thuốc kháng sinh, tập trung đẩy mạnh vấn đề xử lý nước, bồi dưỡng để tạo sức đề kháng cho cá. Theo ông Trí, Nhà nước cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng con giống. Tới đây cần phải bắt buộc có ao lắng, xử lý nước trước khi thải ra sông để hạn chế bệnh.
Tại Đồng Tháp, ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết trước tình hình cá tra chết hàng loạt ở nhiều địa phương, để nắm rõ mức độ thiệt hại, cơ quan này đang chỉ đạo Chi cục Thủy sản kết hợp với các địa phương điều tra, thống kê lại cụ thể để đưa ra hướng khắc phục.
Sở Thủy sản An Giang cũng chỉ dừng lại ở việc... chỉ đạo cho thanh tra ngành tiến hành kiểm tra dư lượng kháng sinh, các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời rà soát nắm lại sản lượng cá bị thiệt hại trong mấy tuần gần đây để trình cấp có thẩm quyền công bố kết quả và bàn biện pháp khuyến ngư trong thời kỳ nguy hiểm này.
Môi trường bị ô nhiễm
Ở những vùng có cá chết nhiều, hiện nay đã bắt đầu bốc mùi hôi thối nồng nặc. Thay vì ngư dân phải tiêu hủy hay xử lý đúng cách, họ lại mang tiêu thụ khắp nơi. Một số bán cho các hầm nuôi cá lóc, cá chim. Một số bán cho các hộ làm mắm, làm khô bán sang Campuchia. Một số khác, cá chết không được vớt lên kịp thời làm nguồn bệnh lây lan khiến cho số cá còn lại bị nhiễm bệnh và tiếp tục chết. Nhiều hộ vớt xác cá chết bỏ rơi vãi trên thành ao hoặc vứt xuống kênh rạch gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đ. KHÁNH - B. DŨNG - T. HẰNG
ĐBSCL: cá nuôi chết hàng loạt lan rộng
Nguồn tin: TT, 06/01/2007
Ngày cập nhật: 6/1/2007
Tình trạng cá nuôi chết hàng loạt có nguy cơ lan rộng ở Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ.
Nhiều ao cá bất ngờ cá nhiễm bệnh rồi chết sạch. Điều đáng quan tâm hiện nay là việc xử lý xác cá chết, người dân không thực hiện vệ sinh tiêu độc mà thường vớt xác cá bỏ trên bờ, đổ xuống sông rạch hoặc bán cho các cơ sở làm khô, cho hộ nuôi khác dùng làm thức ăn nuôi cá chim trắng, trê, rô phi... khiến mầm bệnh tiếp tục phát tán, lan rộng...
Một số nguồn tin cũng cho biết cá chết có thể do việc sử dụng thức ăn được chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu kém chất lượng với giá rẻ, không loại trừ được sản xuất từ gia cầm và gia súc bị nhiễm bệnh từ đó lây sang cá nuôi.
ĐỨC VỊNH
Nuôi nghêu trên bãi bồi - Hướng đi bền vững
Nguồn tin: BCT, 5/1/2007
Ngày cập nhật: 6/1/2007
Chưa bao giờ người dân nuôi nghêu dọc các tỉnh duyên hải ĐBSCL phấn khởi như hiện nay. Giá nghêu thương phẩm loại 1 tăng lên mức kỷ lục, có thời điểm 15.000-16.000 đồng/kg... Nghêu lên giá, dù chỉ mới bước vào vụ nuôi, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đạt doanh thu hàng chục tỉ đồng. Dân cư vùng ven biển xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) vui mừng bảo nhau con nghêu đang lên ngôi, “ăn đứt” con tôm sú...
“Vàng” trong cát bãi bồi
Con đường từ trung tâm huyện Duyên Hải vào xã Trường Long Hòa được trải nhựa phẳng lì, xe chạy bon bon ra tận vùng ven biển. Những ngày này, THT nuôi nghêu Phương Đông (ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa) đang vào đợt thu hoạch rộ vụ nghêu nuôi năm 2006. Ông Lâm Văn Trận, Chủ nhiệm THT, vui vẻ khoe: “Giá nghêu giống lẫn nghêu thịt đều tăng, chỉ mới thu hoạch mấy đợt đã đạt doanh thu trên 12 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Từ nay đến cuối vụ, THT của chúng tôi có thể thu thêm hơn 100 tấn nghêu thương phẩm nữa, cầm chắc được 15 tỉ đồng”.
THT Thủy sản Phương Đông hiện có hơn 1.200 ha bãi bồi nuôi và khai thác nghêu, là nguồn lợi lớn của hơn 550 hộ xã viên. Theo báo cáo của Ban Chủ nhiệm THT, năm 2004 trong lúc phong trào “hợp tác” còn lận đận, THT đã nuôi thành công và đạt doanh thu xấp xỉ 300 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2000. Trong 3 năm gần đây, THT Phương Đông chia lãi hơn 10 tỉ đồng; bình quân mỗi xã viên được chia từ 0,5 - 20 triệu đồng/năm. Thêm vào đó, ngày công lao động còn đem lại thu nhập 4-5 triệu đồng/người/năm...
Anh Nguyễn Văn Rồi, Chủ nhiệm THT nuôi nghêu ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, nói: “Năm nay thắng đậm, chúng tôi mới cào được 150 tấn nghêu bán trên 2,2 tỉ đồng, những ngày tới còn cào thêm khoảng 50 tấn nữa. Giá nghêu càng lúc càng tăng, bà con ai nấy đều mừng. THT của tôi có 400 xã viên, được chia lãi từ 1-10 triệu đồng/người/năm”. Theo tính toán của các THT, giá nghêu hiện nay tăng gấp hàng chục lần so với 5 năm trước đây và dự báo có khả năng còn tăng cao trong thời gian tới.
Từ huyện Châu Thành sang huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đến Bến Tre, Bạc Liêu... người nuôi nghêu đều có chung niềm vui mừng. Ngoài việc khoanh vùng chăm sóc các bãi nghêu của THT, người dân chờ nước ròng, rủ nhau ra bãi tìm bắt nghêu bên ngoài cũng có thêm thu nhập mỗi ngày vài chục ngàn đồng/người.
Hợp tác - Hướng đi bền vững
Nghề nuôi nghêu đã có ở ĐBSCL hàng chục năm qua, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người dân vùng ven biển. Theo Sở Thủy sản Trà Vinh, từ khi con nghêu được thị trường châu Âu công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, thì nhu cầu chế biến xuất khẩu tăng vọt. Sản lượng không đủ cung cấp, giá nghêu thương phẩm tăng lên và nghề nuôi nghêu được mở rộng. Con nghêu từ chỗ chẳng ai quan tâm trở thành hàng “đặc sản” xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng từ đó phát sinh tình trạng “trộm nghêu” tràn lan, có nơi qui tụ hàng trăm người khai thác vô tội vạ, đe dọa hủy diệt bãi nghêu. Mô hình THT đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, lập lại trật tự ở các bãi nghêu ở Trà Vinh. Anh Lâm Văn Trận, Chủ nhiệm THT Phương Đông, nhìn nhận: “THT đặt lợi ích của bà con xã viên lên trên hết. Mọi việc từ thả nuôi đến chăm sóc, khai thác, lợi nhuận... đều để người dân cùng tham gia. Một khi họ tin tưởng và xem bãi nghêu là tài sản chung thì sẽ tận tâm, tận lực giữ gìn”.
Nhờ hiệu quả kinh tế cao, THT Phương Đông trích quỹ trên 8 triệu đồng xây dựng 2 căn nhà tình thương, đóng góp hơn 1 triệu đồng cho đồng bào bị thiên tai, bão lụt. Dự kiến năm nay sẽ vận động xã viên đóng góp khoảng 10 triệu đồng xây dựng thêm 2 căn nhà tình thương nữa. Qua đó, tăng thêm tình đoàn kết giữa bà con trong THT... Anh Nguyễn Văn Đào, Chủ nhiệm THT nuôi nghêu Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, khẳng định: “Khi mọi hoạt động được bàn bạc thống nhất cả tập thể, từng thành viên có ý thức bảo vệ và cùng hưởng lợi chính là cơ sở vững chắc để phát triển bãi nghêu”.
Theo đánh giá của Sở Thủy sản Trà Vinh, mô hình THT, HTX là hướng đi bền vững cho các bãi nghêu. Qua đó, xây dựng nên phương cách làm ăn chặt chẽ, từng thành viên có ý thức bảo vệ không để xảy ra tình trạng mất trộm nghêu. Đến kỳ thu hoạch nghêu, nhà máy thu mua tại chỗ, bà con có thêm việc làm, thu nhập... Một khi người dân cùng “đồng tâm hiệp lực”, bãi nghêu đã trở thành “mỏ vàng” trong cát bãi bồi ven biển. Đây cũng là nguồn lợi lớn cho xã hội, góp phần giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Bài, ảnh: QUỐC DŨNG
Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh: Sẽ giúp các địa phương kiểm tra, giám sát chất lượng thủy sản từ gốc
Nguồn tin: BCT, 6/1/2007
Ngày cập nhật: 6/1/2007
Tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản xuất khẩu
Nguồn tin: TTXVN, 03/01/2007
Ngày cập nhật: 6/1/2007
Thường xuyên kiểm tra ATVSTP tại các tụ điểm nghề cá
Nguồn tin: Vasep, 4/1/2007
Ngày cập nhật: 6/1/2007
Ngày 29/12/2006, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh đã ký công văn số 3075/BTS-CL, ATVS&TYTS triển khai hoạt động ngăn chặn và kiểm soát tạp chất trong thủy sản.
Theo đó từ ngày 1/1/2007 các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải có trách nhiệm thực hiện việc tự kiểm tra tạp chất trong 100% các lô thủy sản trước khi tiếp nhận đưa vào sản xuất chế biến. Các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn có quản lý thủy sản cần phải tổ chức các điểm kiểm tra thường xuyên về ATVSTP, trong đó có tạp chất tại các tụ điểm nghề cá: cảng cá, chợ cá, bến cá, các đại lý thu gom; kiểm tra định kỳ và đột xuất tạp chất trong thủy sản tại các nhà máy chế biến thủy sản.
Ngoài ra, Cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản phải tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ kiểm tra của cơ quan địa phương, doanh nghiệp, đại lý thu mua.... khi có yêu cầu.
Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý chất lượng thủy sản xuất khẩu
Nguồn tin: Vasep, 4/1/2007
Ngày cập nhật: 6/1/2007
ĐBSCL: Cá tra, cá basa chết rộ, “tôm tặc” lộng hành
Nguồn tin: SGGP, 04/01/2007
Ngày cập nhật: 5/1/2007
Sáng ngày 4-1, trao đổi với SGGP 12giờ, ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi & chế biến thủy sản An Giang, cho biết: Tình trạng cá tra, cá basa chết rộ trong những ngày qua đã thành chu kỳ trong nhiều năm qua khi thời tiết lạnh; nước cạn là cá chết hàng loạt. Năm nay mức độ cá chết tăng khoảng 5%-10% so với những năm trước, có nhiều ao cá chết đến 50%. Nguyên nhân có thể do việc xuống giống lúa đông xuân, nông dân dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, khi bơm rút nước ra sông làm môi trường bị ô nhiễm.
Hàng loạt vuông tôm ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đang bị nạn trộm tôm lộng hành gây thiệt hại nghiêm trọng. Bọn trộm tôm kết thành nhóm 4-5 người và sử dụng ghe, xuồng “luộc” tôm vào ban đêm. Thậm chí, sau khi nhiều vuông tôm thu hoạch xong, bọn trộm tôm ngang nhiên đem ghe, xuồng đến “cẩu luôn” các máy móc, cánh quạt nước ở các vuông tôm.
C.H.P
Công bố tên doanh nghiệp thủy sản vi phạm dư lượng kháng sinh
Nguồn tin: SGGP, 05/01/2007
Ngày cập nhật: 5/1/2007
ĐBSCL: Đằng sau chuyện cá tra, cá basa chết là gì?
Nguồn tin: SGGP, 04/01/2007
Ngày cập nhật: 5/1/2007
Trong 2 ngày qua (ngày 3 và 4-1), các phương tiện truyền thông – trong đó có Báo SGGP đã phản ánh tình trạng cá tra, cá basa chết hàng loạt ở ĐBSCL. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ.
Đằng sau chuyện cá tra, cá basa chết theo chu kỳ hàng năm là lời cảnh báo về những rủi ro đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Mấy ngày qua, hàng chục hộ dân nuôi cá ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang trở nên hoang mang. Nguyên nhân chủ yếu, mỗi ngày cá trong hầm chết khoảng 2%-3%. Cá chết kiểu này đã kéo dài gần 1 tháng qua.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều địa phương khác. Đây là hệ lụy tất yếu của sự phát triển bộc phát, thiếu quy hoạch. Tuy nhiên, một nét đáng chú ý là tình trạng cá chết năm nay tăng cao hơn những năm trước 5%-10%. Đây là điểm rơi đúng chu kỳ cá chết hàng năm.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, thời tiết cuối năm 2006 và đầu năm 2007 khá bất thường, lạnh kéo dài làm cá bị sốc nặng. Tỷ lệ cá chết phổ biến ở mức 25%-30%, trong đó nhiều ao lên đến 50% - 60%.
Song, nhiều ý kiến đã chỉ ra tỷ lệ cá tra, cá basa chết nhiều hơn mọi năm là do cộng hưởng nhiều nguyên nhân. Đặc biệt là môi trường nuôi cá ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng lấn đất trên sông Hậu, sông Tiền nuôi cá, một số doanh nghiệp vô tư cho chất thải ra sông Hậu.
Vừa qua, nông dân đồng loạt xuống giống lúa đông – xuân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên diện rộng, sau đó bơm nước ra sông làm cho mức độ ô nhiễm môi nước trường ngày càng gia tăng.
Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ báo động ở một khía cạnh khác, hiện có quá nhiều loại thuốc diệt côn trùng đang được bày bán tràn lan trên thị trường, giá nào bán cũng được. Trong khi đó, không ít người nuôi cá hiện nay sử dụng thuốc trị bệnh cho cá theo kiểu “truyền miệng”, thiếu sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Ông Bùi Hữu Trí chỉ ra hai vấn đề căn bản: Sản xuất cá giống gần như nằm ngoài sự kiểm soát; nhiều chỗ sản xuất cá giống đã cũ kỹ, lạc hậu. Trong khi đó, mật độ nuôi cá ở các hầm hiện nay quá dày, nhiều hộ đua nhau nuôi tạo áp lực về môi trường... khiến độ rủi ro tăng cao.
Xuất khẩu thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL – nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào. Việt Nam đã gia nhập tổ chức WTO, những yếu kém trong sản xuất cá tra, cá basa hiện nay không sớm khắc phục sẽ “vướng” ngay các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng là nguồn nhân lực phục vụ cho nuôi cá tra, cá basa lâu nay gần như chưa được xem xét nghiêm túc. Phần lớn các kỹ sư thủy sản được đào tạo hiện nay chuyên về con tôm, không mấy người chuyên về cá tra, cá basa.
Nhiều người “bàn tới, bàn lui” về chuyện thương hiệu cho con cá tra, cá basa ĐBSCL, thảo luận về sản lượng 1 triệu tấn cá tra, cá basa vào năm 2010. Thế nhưng, nguồn nhân lực, thị trường thức ăn, thuốc trị bệnh... lại để trôi nổi! Đây chính là lỗ hổng, mà cá chết hàng loạt là một hệ lụy tất yếu.
CAO PHONG
"Vua" cá thác lác miền Tây
Nguồn tin: SGGP, 04/01/2007
Ngày cập nhật: 5/1/2007
Sau vụ “sụp đổ” từ 25.000 con cá tra hồi năm 2001, thua lỗ nặng do giá cá rớt thê thảm - người ta gọi anh là gã “ngông”: lấy vốn liếng còn lại chơi sang, đi ẩm thực liên tục ở các nhà hàng. Mấy tháng sau chạy khắp chợ quê, lại chơi gàn: mua cá thác lác với bất cứ giá nào. Để rồi 3 năm sau đó dân miền Tây tặc lưỡi tôn vinh là: “vua cá thác lác”!
Anh Tám “chơi ngông”
Vua cá thác lác Tám Dũng bên cạnh những con cá thác lác “khai thủy công thần” dài hơn 2 gang tay!
Đó là một người đàn ông vừa bước qua tuổi bốn mươi. Tên khai sinh là Lê Văn Dũng, dân miền Tây gọi anh là Tám Dũng - người đang sở hữu 10.000 con cá thác lác bố mẹ độc nhất vô nhị ở vùng Tây sông Hậu.
Từ trung tâm huyện Vị Thủy tới xã Vĩnh Tường là đến xứ Tám Ngàn, hỏi nhà Tám Dũng ai cũng vui vẻ chỉ. Tiếp chuyện chúng tôi là người đàn ông 43 tuổi rụt rè, ốm nhách, đen nhẻm. Nhưng càng nói chuyện càng có sức hấp dẫn của một ông chủ trang trại cá. Từ trồng quýt, tiêu… thấy cây nào cũng tiêu điều… chuyển sang nuôi cá tra cũng không khá hơn. Đau nhất là năm 2001, 25 ngàn con cá tra bị thương lái “treo giá” anh lỗ nặng. Tám Dũng mất ngủ mấy ngày. Anh rong ruổi ở các nhà hàng để khảo sát thực đơn ưa thích của khách. Món cá thác lác muối sả đem chiên gần như có mặt mọi nơi. Rời nhà hàng, Tám Dũng đến các chợ quê để mua cá thác lác tự nhiên. Nghe ở đâu có 1 con 1kg, 10 con 10kg… anh mừng như bắt được vàng.
Anh cưng chúng như trứng mỏng. Khổ nỗi, cứ 10 con đem về vỗ béo lại chết 4 con. Mất 2 năm, số lượng cá thác lác bố mẹ chỉ bằng 3 bàn tay cộng lại: 15 con, trong đó có 3 con kiểng mà anh nài nỉ mua giá 400.000đ/kg! Song chỉ có 3 con lên trứng, mẻ cá đầu tiên chỉ vỏn vẹn ra đời 1.500 con cá con. Nhưng anh đã “ngửi” được mùi của thành công. Anh quyết định đào thêm 4 vuông nuôi rộng gần 10.000m2. Anh vỗ béo cá con và giờ đây chúng là thế hệ F.3 chủ lực trong số 6.500 con cá thác lác bố mẹ trong 5 vuông nuôi, khoảng 15 tấn. Tám Dũng cho biết: “Nuôi cá thác lác cực nhất là lúc chúng đẻ, chẳng khác gì heo nái trở dạ, phải túc trực thường xuyên”.
Nhờ một người bạn là kỹ sư thủy sản làm “quân sư”, Tám Dũng đã thọ giáo nhiều chiêu độc. Độc nhất có lẽ là dùng tay vuốt buồng trứng cá cái và nhanh chóng vắt tinh cá đực để phủ tinh hiệu quả. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, Tám Dũng cắt luôn túi tinh cá đực, khiến chúng thành “hoạn” và sau đó biến thành món cá thác lác chiên khoái khẩu trong bữa cơm gia đình.
Sau tự mò mẫm, chỉ cắt 1/3 túi tinh. Cá thác lác đực bị thiến, nhưng vẫn làm tốt chức năng giống đực cho mùa sau. Giờ con cá đầu đàn được xem là “khai thủy công thần” đã nặng 6kg; số còn lại tròm trèm 3-4kg. Cá thác lác chỉ lên trứng khi mùa mưa đông ken. Cứ 1kg cá bố mẹ, chúng cho khoảng 1.200 trứng, tỷ lệ đậu khoảng 900 con giống.
Định danh “vua cá”
Giờ danh “vua cá thác lác” xứ Tám Ngàn lan nhanh ra các tỉnh Tây sông Hậu. Người ta đổ xô mua cá, có người đặt trước nửa tháng vẫn không có hàng. Doanh thu của anh một năm bao nhiêu? “Một con cá thác lác giống dài 3 phân bán 3.000đ. Từ đầu năm 2006 đến nay, anh đã bán 800.000 con”. Làm một phép nhân doanh thu của anh đã vượt qua 2 tỷ bạc.
Dân Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ, Đồng Nai... đổ về nhà Tám Dũng mua cá giống. Mới đây, một vị lãnh đạo ở ĐBSCL đã mua hơn 30.000 cá thác lác về nuôi để học cách làm giàu. Đáng chú ý, ông Tư Hòn ở Tiền Giang đã mua hẳn 150.000 con về nuôi thương phẩm.
Cơ sở cá giống của Tám Dũng đã trở thành một mô hình lý tưởng. Tám Dũng khấp khởi hơn khi điểm sản xuất cá giống của anh được Trường Đại học Cần Thơ chọn lựa nghiên cứu.
… Mùa này, cá thác lác thịt của gần 40 hộ dân như Mười Lắm, Hai Chồn, Út Gòm… ở lân cận nhà Tám Dũng đã lên bằng 3 ngón tay. Mỗi người đầu vụ hốt 1-2 ngàn con từ nhà Tám Dũng nuôi “chơi”. Giờ họ mới biết, sự lợi hại của ông hàng xóm thuở nào mình cho là chơi ngông, chơi gàn. Giờ đây, khi nói đến Hậu Giang người ta nghĩ vựa cá thác lác – và không thể không nhắc đến “vua cá” thác lác miền Tây Tám Dũng.
Từ biển Hồ, cá thác lác cườm được cư dân bản địa gọi là Nàng Hai, theo dòng Mekong chúng vào Bắc Vàm Nao và lan đi khắp sông nước miền Tây. Những người cố cụ kể rằng: Mùa lũ cá đổ về rất lớn, đụng chướng ngại vật trên sông, chúng thường phóng lên và lướt trên mặt nước giống như con người dùng miểng sành đánh thác thác... Từ đó, cư dân miền Tây gọi chúng là cá thác lác. Trong các món khoái khẩu, cá thác lác muối sả đem chiên được xem là độc chiêu của miệt Hậu Giang.
Cao Phong
ĐBSCL, cá lại chết hàng loạt
Nguồn tin: TT, 05/01/2007
Ngày cập nhật: 5/1/2007
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang rối khi các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu trong khi cá lại bị nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Đau đầu vì cá chết
Ba ngày qua ao cá của Chiêm Hán Phú - ấp Hòa Bình, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân (An Giang) - bị chết hơn 2.000 con loại 0,5kg/con. Ông than: “Ngay khi phát hiện cá có vấn đề, đã thuốc men đủ thứ vậy mà cá cứ chết”. Anh Lý Công Tâm, chi hội trưởng chi hội nghề cá tại đây, cho biết: “Cá chết nhiều lắm, chết hàng loạt, nhiều ao có cá đã đạt bề ngang 1-2cm chết tới hơn 70%, vớt không kịp”.
Ông Nguyễn Văn Chín (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) cho biết nuôi 110.000 con, tuần qua mất đứt hơn 40.000 con loại 12 con/kg. Còn ở ao của chị Nhan Thị Ngọc Hân - ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú - hơn chục người đang mò vớt lên hàng tấn cá chất đống trên lề đường. Đi sâu vào các dãy ao nuôi nằm hai bờ tuyến kênh Tri Tôn, đó đây đều thấy cảnh người dân vớt cá chết. Cá chết nhiều đến nỗi không chỉ chủ nuôi mà cả người lớn, trẻ nhỏ quanh xóm cũng túa ra ao vớt xác cá chết để ướp làm mắm hoặc bán cho bạn hàng. Xác cá sình 1.000 đồng/kg, còn nguyên 2.500-3.000 đồng/kg.
Bên kia sông Tiền, một không khí hoang mang, âu lo bao trùm làng nghề chuyên nuôi cá tra giống Phú Thuận A, Hồng Ngự (Đồng Tháp). Nhiều ao nuôi cá để cung cấp cho người nuôi cá thịt trong vùng hiện trong cảnh trống không, một số ao để trơ đáy. Cá chết cũng làm náo động vùng nuôi dọc sông Hậu. Trong chín ao của hộ Lê Văn Liệt - ấp Mỹ An 1, Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên - có tới bảy ao bị nhiễm bệnh. Ông kể: “Hao mất hơn 400.000 con cá loại từ 2 phân (bề ngang 2cm) đến 0,5kg. Tốn trên 100 triệu đồng tiền thuốc mới tạm ổn”. Ông than thở: “Chưa năm nào cá bị bệnh và chết nhiều như năm nay! Mấy ao tôi nuôi nhờ phòng trị sớm mà còn vậy, nhiều ao khác hiện vẫn cứ chết liên tục”.
Theo ông Bùi Hữu Trí, ở Cần Thơ tỉ lệ cá hao hụt tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 30-40%. Nhiều ao cá có tỉ lệ hao hụt trên 70%, con số đáng báo động trong khi dịch bệnh có khả năng lan rộng.
Ông Phan Văn Danh, chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản An Giang, cũng cho rằng hiện tỉ lệ cá nuôi nhiễm bệnh ở tỉnh này cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Bó tay”
Theo một số kỹ sư thủy sản, “cá chết là do bị bệnh gan thận mủ, xuất huyết..., khi nhiễm các bệnh này cá thường chết nhanh, chết nhiều và lây lan. Nếu điều trị thì phải sử dụng thuốc đúng phác đồ trong thời gian gần cả tuần mới thuyên giảm”.
Tuy nhiên có nhiều ao nuôi cá vẫn chết dù đã mời nhiều “thầy” mà không rõ nguyên nhân. Ở Thuận Hưng, Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ) có vài ao nuôi đành phó mặc cho... trời. Người nuôi cá cho biết: “Thường điều trị kháng sinh trong năm ngày là bệnh giảm nhưng đằng này dùng thuốc liên tục mà cá vẫn... nổi lên mặt nước”.
Giải thích điều này, một số kỹ sư thủy sản cho rằng: “Có thể do kháng thuốc”. Anh Lý Công Tâm, chi hội nghề cá ở Phú Tân, cho làm kháng sinh đồ, “kết quả là 10 loại kháng sinh trong danh mục Bộ Thủy sản cho phép sử dụng đều đã bị kháng”. Ông Bùi Hữu Trí, chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, xác nhận đã nhờ một số đơn vị đến khảo sát, kết quả là hiện tượng kháng thuốc đáng báo động, nhiều loại kháng sinh đã không còn tác dụng.
Một số kỹ sư thủy sản cho rằng bên cạnh thời tiết lạnh làm cá nuôi giảm sức đề kháng, nguồn nước ô nhiễm là tác nhân gây bệnh cho cá. Hiện đang sản xuất vụ lúa đông xuân, nước từ đồng ruộng đổ ra sông mang theo nhiều mầm bệnh, hóa chất diệt ốc bươu vàng, rầy nâu... Ông Bùi Hữu Trí còn cho rằng có nguyên nhân cá giống có vấn đề. Chất lượng cá giống không đảm bảo do cá bố mẹ bị ép khai thác, dẫn đến tình trạng cận huyết làm giảm khả năng đề kháng do đó cá rất dễ nhiễm bệnh.
ĐỨC VỊNH
Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang với hành trình mới trong thời kỳ hội nhập
Nguồn tin: AG, 3/1/2007
Ngày cập nhật: 4/1/2007
Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) ra đời trong bối cảnh phải đương đầu cùng “sóng gió thị trường” bằng vụ kiện chống bán phá giá phi-lê cá tra, basa vào thị trường Mỹ – một sự kiện gây chú ý của các nước trên thế giới và đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống ngư dân An Giang và các tỉnh ĐBSCL.
Thế nhưng, càng gian nan càng làm cho con người mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn – Sau khi bền gan để vượt qua những chướng ngại, dù có phải xây xát, tổn thương, nhưng đến giờ nghề thủy sản nước ngọt của An Giang nói riêng và các tỉnh ĐBSCL đã thực sự lớn mạnh, đủ sức đi những bước vững vàng vào thị trường lớn toàn cầu. Có thể nói, bên cạnh những nỗ lực bản thân của doanh nghiệp, ngư dân, phía sau lưng họ là sự hỗ trợ tích cực của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản các tỉnh thành ĐBSCL, trong đó, nổi bật nhất là vai trò của Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA). Năm 2006 vừa qua, xuất khẩu thủy sản của An Giang đạt trên 200 triệu USD; phát triển 5 nhà máy mới đi đôi với nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện có, nâng công suất chế biến lên 600 – 700 tấn/ngày, tăng gấp 3 lần so năm 2003. Hiện nay, 8/10 nhà máy quy mô lớn và vừa đều đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO… và đã được cấp code thị trường EU.
Hiện tại, Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) đã vận động được 856 hội viên, thành lập 18 chi hội nghề cá và 1 chi hội nuôi tôm càng xanh với khoảng 100 hội viên và 3 hợp tác xã thủy sản, với sản lượng cá nuôi đạt khoảng 86.000 tấn. Qua đó, đã vận động hội viên góp vốn thành lập 3 công ty: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản, Công ty Dịch vụ thủy sản và Công ty TNHH Thương mại thủy sản.
Nhờ đó, hiệp hội đã bước đầu tạo được sự gắn kết trong hội viên thông qua tiêu thụ cá nguyên liệu, cung cấp thuốc thú y và thức ăn thủy sản, góp phần giải quyết được nhiều khó khăn đột xuất cho một bộ phận hội viên. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với Sở Thủy sản, Hội Nông dân, Ngân hàng NN&PTNT nhằm tổ chức triển khai việc nuôi thủy sản phù hợp quy hoạch và tạo điều kiện cho hội viên vay vốn sản xuất. Tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, phối hợp với các tổ chức Thụy Sĩ và Đức mở hướng nuôi cá tra sinh thái theo tiêu chuẩn Naturland. Kết hợp với các Viện, trường mở nhiều khóa huấn luyện cho hội viên theo chương trình SQF và GAP… tất cả nhằm tạo cho nghề nuôi cá nước ngọt ĐBSCL vươn lên một tầm cao mới, tạo ra những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao và giữ an toàn môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
Mô hình hoạt động của AFA hiện được xem là thành công nhất và được các tổ chức ngành nghề thủy sản trong và ngoài nước xem trọng và chủ động đặt vấn đề hợp tác. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chấp hành Hiệp hội, hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết một cách rốt ráo. Đó là việc quy hoạch vùng nuôi và sản lượng nuôi phải được tổ chức một cách chặt chẽ, quy mô hơn – nói cách khác là cần phải tổ chức lại sản xuất. Để qua đó, người nuôi được hướng dẫn cặn kẽ những giải pháp nuôi an toàn nhằm tránh thiệt hại, rủi ro. Bên cạnh đó, phải có sự tham gia điều hành của chính quyền các cấp và sự quản lý của các tổ chức cộng đồng, nhằm phát hiện và xử lý, chế tài các hành vi vi phạm làm thiệt hại đến lợi ích chung.
Mục tiêu mà Hiệp hội phấn đấu vận động hội viên đạt được trong nhiệm kỳ mới giai đoạn 2006-2010 theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, là đưa tốc độ phát triển mỗi năm từ 10-15%, đến 2010 có khả năng đạt sản lượng thủy sản 280.000 tấn. Phấn đấu đưa nghề nuôi tôm càng xanh đứng hàng thứ hai sau cá tra, basa, với sản lượng 1.500 – 2.000 tấn/năm. Kim ngạnh xuất khẩu thủy sản đạt từ 250 triệu đến 300 triệu USD/năm.
Các giải pháp mà hiệp hội đang đề ra nhằm nỗ lực mang đến thành tựu như mong muốn cho nghề nuôi thủy sản nước ngọt trong hướng tới, bao gồm phối hợp với các ngành, các cấp nhằm triển khai, áp dụng các biện pháp tổng hợp xây dựng Hội nuôi cá sạch theo các tiêu chuẩn quốc tế gắn với từng đơn vị người nuôi, doanh nghiệp. Phối hợp với các đơn vị chuyên môn để tư vấn, giám sát và phát động thi đua lấy chất lượng, uy tín và thương hiệu làm hàng đầu…
Hành trình mới tuy còn nhiều phấn đấu, nhưng với những gì mà hiệp hội đã làm và đạt được trong những năm qua, sẽ là một kho kinh nghiệm bổ ích được tích lũy để chọn lọc lấy những yếu tố thành công.
THANH NGUYÊN
Giá cá tra, cá basa đang tăng nhưng sẽ giảm
Nguồn tin: SGGP, 4/1/2007
Ngày cập nhật: 4/1/2007
Thừa Thiên - Huế: Nhiều loại cá chết chưa rõ nguyên nhân
Nguồn tin: NLĐ, 4/1/2007
Ngày cập nhật: 4/1/2007
Ngày 3-1, UBND xã Hương Vân đã có tờ trình gửi UBND và đơn vị chức năng huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị sớm kiểm tra, xác định nguyên nhân làm cá chết hàng loạt tại xã này.
Trước đó, vào tháng 12-2006, gia đình ông Hồ Thiệu ở thôn Long Khê, xã Hương Vân thả nuôi 2.000 con cá trắm cỏ tại hồ Nông Hội, nhưng một ngày sau đều bị chết. Những loài cá khác trong hồ cũng vậy. Ngày 2-1-2007, sau khi xử lý, vệ sinh hồ, ông Thiệu thay nước và tiếp tục thả 100 con cá mè, nhưng 30 phút sau cá chết hàng loạt. Thiệt hại qua hai lần thả cá khoảng 4 triệu đồng. Ông Hội cho biết, gần đây nước hồ luôn thay đổi màu sắc, từ trắng đục sang xanh lục, khi nước bắn vào mắt thấy cay. Ngay trên hồ cá là một khe nước nhỏ chảy từ cụm khu công nghiệp - làng nghề Tứ Hạ, nước có màu vàng đậm.
Ông Nguyễn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vân, cho biết nước hồ Nông Hội được hòa vào trạm cấp nước HươngVân phục vụ sinh hoạt của người dân toàn xã nên bà con rất lo lắng trước tình trạng này.
X.Hồng
Đồng bằng sông Cửu Long: Cá tra lại chết hàng loạt
Nguồn tin: NLĐ, 4/1/2007
Ngày cập nhật: 4/1/2007
Những ngày qua, tại nhiều tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, cứ tờ mờ sáng có nhiều người ra đứng trên bờ ao, tay cầm vợt để vớt xác cá tra chết. Hầu hết cá chết đều có hiện tượng gan, thận bị mủ.
Nhiều người trắng tay!
Ngày 3-1, chúng tôi đến hầm cá tra của anh Trương Văn Sang nằm ven vàm kênh xáng Vịnh Tre, ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Từ sáng sớm, anh đã huy động toàn bộ người trong gia đình ra vớt cá chết nổi lều bều trắng xóa trên mặt nước. “Cá bắt đầu chết từ ngày 31-12-2006 đến nay, mỗi ngày tôi phải vớt khoảng 70 – 80 kg cá chết. Những con cá chết còn chìm dưới đáy ao chưa thể đếm được. Toàn bộ hầm nuôi ước sản lượng khoảng 45 tấn, tôi dự kiến 2 tuần nữa sẽ thu hoạch, nhưng cá chết với mức độ này chẳng bao lâu trong ao chỉ còn có... nước” - anh Sang than thở.
Băng qua sông Hậu, chúng tôi đến vùng nuôi cá tra lớn nhất huyện Phú Tân, tỉnh An Giang là 2 xã Phú Bình và Hòa Lạc. Cảnh tượng nơi đây càng thê thảm. Tại tổ 9, ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình, trong ao nuôi 50.000 con giống của anh Võ Minh Lộ, cá chết gần nửa tháng nay, mỗi ngày đến cả ngàn con. Ao của anh La Văn Hạp, tổ 2, ấp Hòa An thả 150.000 con (cá đạt trọng lượng khoảng 5 con/kg) thì trên 25.000 con chết chỉ trong vài ngày. Đến ao nuôi cá của anh Chiêm Hán Phú, tổ 22, ấp Hòa Bình, chúng tôi còn nhìn thấy xác cá nổi lều bều trắng cả nước. Anh nói: “Trắng tay rồi mấy anh ơi! Cá đã đạt 2 con/kg, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là bán được rồi. Tiền thuốc đã tốn không biết bao nhiêu nhưng vẫn không trị nổi”.
Thiệt hại nặng nề
Tại cù lao Phú Thuận thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, vùng chuyên ươm nuôi và sản xuất cá tra giống lớn nhất của địa phương này, nhiều ngư dân thở dài, rầu rĩ vì cá chết. Anh Trần Hữu Nghị, chủ cơ sở sản xuất cá tra bột Hữu Nghị (ấp Phú Thạnh A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự), cho biết 90% dân cư xã Phú Thuận A sinh sống bằng nghề lai tạo, ươm nuôi và nhân giống cá tra cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh. Hiện nay đã có 30% cơ sở ươm cá giống bị thiệt hại nặng do cá chết. Gia đình ông Phan Văn Khởi thả ươm khoảng 1 triệu con giống, nuôi gần 2 tháng thì cá ngã bệnh và chết 300.000 con chỉ trong 2 ngày, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Xứ, cùng xã Phú Thuận A, thả ươm 200.000 con cá giống, nuôi được gần 3 tháng thì cá bị bệnh chết, nay chỉ còn khoảng 10.000 con, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hộ ông Nguyễn Hồng Khê ở ấp Thới Bình B, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ cũng có cá chết nhiều. Trong xã Thới Thuận, 2 ấp có số hộ bị thiệt hại nặng nhất là Thới Bình A và Thới Bình B. Hộ nào ít thì vài trăm con, hộ nhiều thì vài ngàn con.
Ăn không được, bán không xong, nhiều nơi phải vớt cá bỏ trên thành ao, gây ô nhiễm trầm trọng. Tại ao của anh Nguyễn Văn Tư (tổ 3, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang) có 2 hầm cá bị chết khoảng 50 kg trong một ngày. Hầm cá lớn chết anh vớt lên bán, còn ao cá nhỏ anh vớt bỏ thí trên thành ao, gây hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bu đầy.
Môi trường nước chưa được xử lý đúng
Ngày 3-1, ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở Thủy sản An Giang, cho biết chuyện cá tra chết hàng loạt rơi trúng vào thời điểm mà ngành thủy sản đã khuyến cáo ngư dân cần hạn chế thả nuôi vì dịch bệnh. Thông thường, trong một năm sẽ có 2 thời điểm nguy hiểm mà người nuôi cá tra cần quan tâm, đó là vào khoảng tháng 7 và tháng 12. Trong khoảng tháng 7, nước lũ bắt đầu lên (nước quay), môi trường có sự thay đổi lớn, dễ gây sốc cho cá nuôi. Còn thời điểm tháng 12 là giai đoạn nước lũ rút, các chất thải từ đồng ruộng như thuốc bảo vệ thực vật và nhiều tạp chất khác sẽ ra sông, kênh, rạch làm thay đổi môi trường nước dễ làm chết cá.
Việc cá chết có hiện tượng gan, thận bị mủ, do môi trường nước chưa được xử lý đúng.
Thúy Hằng
Sở Thủy sản Ninh Thuận vừa tổ chức tập huấn phổ biến một số quy định và kiến thức về nuôi tôm thẻ chân trắng.
Nguồn tin: NT, 31/12/2006
Ngày cập nhật: 3/1/2007
Tham dự tập huấn có trên 100 chủ hộ nuôi rôm trên cát tại xã An Hải và Phước Dinh thuộc huyện Ninh Phước. Trong thời gian tập huấn, các hộ nuôi tôm nắm được những vấn đề cơ bản như: Quy định của Nhà nước khi nuôi tôm thẻ chân trắng, cách hạn chế việc xuất hiện bệnh - lây lan bệnh trong vùng, cách xử lý môi trường, nguồn giống.
Đặc biệt, tỉnh đã nghiêm cấm toàn bộ những hộ dân nuôi tôm vùng Đầm Nại thả nuôi tôm thẻ chân trắng vì môi trường chưa được đảm bảo. Nếu hộ nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
N.H,Báo Ninh Thuận
Năm 2006 - Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến thủy sản Cần Thơ tăng trên 24%
Nguồn tin: CT, 02/01/2007
Ngày cập nhật: 3/1/2007
Việt Nam sản xuất thành công giống Trai Ngọc Nữ
Nguồn tin: Báo HP, 02/01/2007
Ngày cập nhật: 3/1/2007
(HP)-Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 vừa nghiên cứu, sản xuất thành công giống Trai Ngọc Nữ tại trại giống Cát Bà.
Trai Ngọc Nữ phân bố khu vực từ Hạ Long đến Thanh Hoá, Nghệ An có giá trị kinh tế cao. Đây là giống trai có kích thước lớn hơn nhiều so với các loại trai nuôi lấy ngọc hiện nay ở Việt Nam, có thể cấy từ 5-10 hạt ngọc, xà cừ nhiều màu sắc. Do bị khai thác bừa bãi nên sản lượng giảm sút nhanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy giống Trai Ngọc Nữ phù hợp với điều kiện tự nhiên Cát Bà. Hiện, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản sản xuất được khoảng 50 nghìn con giống để phục vụ nhu cầu của ngư dân cả nước.
Tăng lượng tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn
Nguồn tin: TTXVN, 02/01/2007
Ngày cập nhật: 2/1/2007
Bộ Thủy sản đã xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu cá khai thác xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên, với mục tiêu đạt 8.500 chiếc vào năm 2010.
Bộ cũng đặt mục tiêu giảm dần lượng tàu cá công suất nhỏ (dưới 90 CV), nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển.
Kế hoạch trên nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghề đánh bắt cá xa bờ theo hướng nâng cao chất lượng đánh bắt và đảm bảo cơ cấu khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ven bờ./.
Xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản: Hai nhóm giải pháp gỡ khó
Nguồn tin: VNECONOMY, 02/01/2007
Ngày cập nhật: 2/1/2007
Thuỷ sản sẽ tiếp tục thành công?
Nguồn tin: DNDN, 01/01/2007
Ngày cập nhật: 2/1/2007
An Giang: Cá tra nguyên liệu khan hiếm, giá cá cá tra nguyên liệu cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn tin: AG, 2/1/2007
Ngày cập nhật: 2/1/2007
Cùng phối hợp kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản
Nguồn tin: TT, 02/01/2007
Ngày cập nhật: 2/1/2007
Nông nghiệp - thủy sản: vẫn bấp bênh!
Nguồn tin: TBKTSG, 28/12/2006
Ngày cập nhật: 1/1/2007
Nhìn vào giá gạo xuất khẩu bình quân cả năm, rồi giá mía những tháng đầu năm và khoảng 3,3 tỉ đô la Mỹ thủy hải sản xuất khẩu tính của cả năm 2006, người ta dễ lầm tưởng vựa nông thủy sản ĐBSCL đang có một năm huy hoàng. Thực ra, đó chỉ là bề nổi.
Nay được, mai mất!
Cuối vụ lúa đông xuân 2005-2006, lão nông Phạm Quang Khải, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, như mở cờ trong bụng. Lúa gom bồ bao nhiêu, thương lái vét sạch. Tất nhiên không thể so sánh với giá 2.900-3.000 đồng/ki lô gam như hồi tháng 10-2006, nhưng mức giá 2.400 đồng/ki lô gam vào cuối vụ cũng giúp ông thu lãi khoảng 1,3 triệu đồng/công, tức 6,5 triệu đồng cho cả 5 công đất lúa mà ông đang có.
Nhưng niềm vui của những lão nông như ông Khải... không kéo dài lâu. Ngay vụ xuân hè năm 2006, dịch bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL- LXL) đã hoành hành ở ĐBSCL và các tỉnh miền Đông... Tính đến giữa tháng 10-2006, dịch bệnh đã lan đến 21 tỉnh, thành, gây thiệt hại khoảng 2.000 tỉ đồng cho nông dân... Bấy nhiêu đó đủ khiến một số nông dân ở Tiền Giang rơi vào cảnh thiếu ăn ngay trên vựa lương thực lớn nhất nước. Và đến thời điểm này, khi nhiều nơi đã xuống giống vụ đông xuân 2006-2007, theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Viện phó Viện Lúa ĐBSCL: “Thiệt hại vẫn không thể đoán trước được”.
Hạt lúa miền Tây đã tạo nên “kỳ tích” khi đạt mức giá cao nhất trong ba mươi năm qua vào tháng 10-2006 do tác động của quy luật cung cầu. Khi hàng loạt đơn hàng xuất khẩu phải giao ngay mà lúa lại cạn bồ, khi mà miền Tây phải nhập gạo từ Campuchia... thì mức giá cao ngất chỉ làm nông dân thêm đau đáu.
Hồi đầu năm 2005, nhiều người đã kỳ vọng con tôm xuất khẩu của ĐBSCL sẽ tiếp tục vươn lên trước thềm hội nhập WTO, nhất là sau khi vượt qua bao nỗi truân chuyên từ vụ kiện bán phá giá, bị trả về vì nhiễm dư lượng kháng sinh... Nhưng không phải vậy. Chính cái mô hình sản xuất còn nhiều bất cập đã dẫn đến những hậu quả khó lường. Ngay tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp chế biến tôm đón nhận “hung tin”: tôm Việt Nam có thể bị cấm cửa tại thị trường Nhật vì vẫn phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh. Cuối tháng 12 này, dự kiến một đoàn gồm các cơ quan chức năng của Nhật sẽ sang làm việc cùng Bộ Thủy sản và nếu phía Việt Nam không thể cung cấp những bằng chứng... để tạo dựng lại lòng tin về chất lượng con tôm Việt Nam, thì một thị trường tiềm năng về giá cả sẽ đóng kín.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Lượng tôm xuất khẩu năm nay chỉ bằng năm ngoái và trị giá trên 1,3 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, có thể an ủi phần nào là các sản phẩm từ cá da trơn đã tìm được nhiều thị trường mới, xuất khẩu đạt khoảng 0,7 tỉ đô la Mỹ trong năm nay”. Ông nói, đây cũng là năm đầu tiên sản lượng cá da trơn nguyên liệu ở ĐBSCL đạt trên 700.000 tấn.
Nhưng với ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Agifish (An Giang), sự tăng trưởng của con cá da trơn được nhìn nhận thận trọng hơn, khi mà chuỗi cung ứng vẫn còn gãy khúc. Ông Hậu nói: “Đó là tăng trưởng nóng. Những mối nguy vẫn còn tiềm ẩn rất lớn, chẳng hạn như môi trường có thể ảnh hưởng trở lại chất lượng cá. Ngoài ra, chuyện nuôi cá thân thiện với môi trường vẫn còn khoảng cách rất lớn!”. Đó là một thực tế. Và cách giải quyết, theo đề xuất của ông Nguyễn Đình Huấn, Phó tổng giám đốc Agifish, là nên xây dựng một khu công nghiệp riêng cho ngành thủy sản, ngay từ khâu nuôi trồng, để có thể xử lý dễ dàng chuyện ô nhiễm.
Vì con cá được nuôi không chuyên nghiệp nên giá mua cũng “trôi nổi” theo. Hồi đầu năm, giá cá trên 14.000 đồng/ki lô gam, đến tháng 5, tháng 6 bắt đầu giảm dần chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/ki lô gam. Đúng lúc nhiều nông dân bắt đầu vỡ nợ, như trường hợp các hộ nuôi ở An Giang lỗ trên 180 tỉ đồng, thì con cá lại “vụt dậy” với mức giá gần 15.000 đồng/ki lô gam vào những tháng cuối năm!
Khó, sẽ càng khó hơn!
Sắp tới, với thủy sản, tuy giá cả do thị trường quyết định, nhưng theo ông Hồ Quốc Lực “điều chúng ta phải làm được là cung cấp ngày càng nhiều thủy sản sạch, nhất là khi nguồn thủy hải sản khai thác ngày càng ít đi”. Ông Lực cho rằng, sự cạnh tranh của con tôm trong năm 2007 sẽ càng gay gắt, khi mà Thái Lan và một số nước trong khu vực đã có kế hoạch tăng sản lượng tôm nuôi lên 20% sau mùa vụ thất bát năm 2005. Trong khi đó tại Việt Nam, mức tăng trưởng từ 5-7% về sản lượng tôm nuôi đã là một thành công. Do đó, nếu các nước trên đồng loạt trúng vụ trong năm 2007, thì con tôm Việt Nam phải tụt giá là điều khó tránh.
Nhiều thông tin dự báo được đưa ra không khả quan chút nào cho các mặt hàng nông thủy sản chủ lực ở ĐBSCL. Như cây mía, theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cuối niên vụ 2006-2007, lượng đường tồn trong nước lần đầu tiên có thể lên đến 100.000 tấn. Trong khi cùng lúc, sản lượng đường thế giới có khả năng đạt 150 triệu tấn, có thể dư thừa 1-3 triệu tấn. Như vậy, giá mía nguyên liệu có nguy cơ chịu cảnh hẩm hiu do sự cạnh tranh của đường ngoại nhập.
Theo nhiều chuyên gia về nông nghiệp, chuyện cần làm của nông dân và các cơ quan chức năng bây giờ không chỉ là dự báo thị trường, mà phải làm tốt những phần việc của mình và chấp nhận luật chơi khi đã vào WTO. Trước hết, nông dân phải sản xuất, nuôi trồng đạt các tiêu chuẩn quốc tế. “Phải đạt cho được năng suất tối ưu đối với cây trồng và vật nuôi, giảm giá thành để tăng lợi nhuận”, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, khẳng định. Đó cũng là đúc kết của Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: “Phải làm sao có hàng chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm song song với việc quy hoạch vùng nguyên liệu”.
Hồ Hùng
Trà Vinh: Cấm sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và ương nuôi tôm thẻ chân trắng
Nguồn tin: TP, 30/12/2006
Ngày cập nhật: 1/1/2007
UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Chỉ thị nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất giống, kinh doanh, vận chuyển giống từ bên ngoài vào và nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh dưới mọi hình thức (trừ trường hợp nuôi khảo nghiệm tại vùng nuôi có kiểm soát).
Lý do của việc ban hành chỉ thị này là tôm thẻ chân trắng được Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh nuôi thử nghiệm tại Trại thực nghiệm nuôi thủy sản Hiệp Mỹ, huyện Cầu Ngang (vùng có độ mặn thấp 5 - 6 phần ngàn), cho thấy thường mắc những bệnh của tôm sú, nguy cơ tiềm ẩn hội chứng Taura có thể gây nên dịch bệnh lớn cho tôm sú và các loài tôm bản địa khác.
Diệu Hiền
Hội nghị nghiệm thu đề tài “ Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Lăng nha trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”
Nguồn tin: Đồng Nai, 22/12/2006
Ngày cập nhật: 1/1/2007
Sáng ngày 21-12, Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh đã đồng ý nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Lăng nha trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” do ông Phùng Cẩm Hà, Trưởng phòng Chi cục bảo vệ nông lâm thuỷ sản tỉnh Đồng Nai và ông Ngô Văn Ngọc, giảng viên Khoa Thuỷ sản, Đại học Nông lâm TP.HCM đồng chủ nhiệm.
Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo, quy trình nuôi cá Lăng nha thương phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, mang lại lợi ích cho nông dân trong tỉnh.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy: cho cá Lăng nha sinh sản theo hình thức gieo tinh nhân tạo bước đầu đạt kết quả tương đối tốt với sức sinh sản thực tế là 8.000 – 21.050 trứng/kg cá cái. Ở giai đoạn cá ương thì cá ương nuôi ở giai có tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhưng lại có tỷ lệ sống cao hơn nhiều so với cá ương trong ao đất với cùng loại thức ăn là trùn chỉ và thay thế dần bằng thức ăn viên. Còn ở giai đoạn nuôi thương phẩm thì thức ăn viên chưa thực sự là thức ăn ưa thích của cá Lăng nha nên tốc độ tăng trưởng của cá không cao.Nhóm tác giả đề tài mong muốn sẽ được tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá Lăng nha bằng nhiều loại thức ăn khác nhau để chọn ra loại thức ăn phù hợp nhất cho cá.
Thuỳ Liên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.