• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

BẾN TRE: NUÔI CÁ TRA ĐẠT 400 TẤN/HA

Nguồn tin: PT-TH BT, 6/2/2007
Ngày cập nhật: 9/2/2007

Tổ hợp tác nuôi cá tra tăng sản xuất khẩu thuộc Sở thuỷ sản Bến Tre vừa tiến hành thu hoạch cá tại khu nuôi thuộc ấp 3 xã Châu Bình huyện Giồng Trôm

Khu nuôi có diện tích 10.100 m2 mặt nước được chia làm 3 ao, lượng cá giống thả nuôi 450.000 con, mật độ trung bình 45 con/m2, độ sâu ao nuôi hơn 4m, thời gian nuôi 195 ngày và sử dụng 100% thức ăn viên công nghiệp, trọng lượng bình quân cá thương phẩm là 1 kg 1 con. Với tỷ lệ nuôi sống đạt 90%, tổng sản lượng thu hoạch ước khoảng 405 tấn, năng suất bình quân đạt 400 tấn/ha. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu được các nhà máy thu mua trên 15.500 đồng 1 kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, chăm sóc, phòng trị bệnh, người nuôi còn lãi hơn 5.000đ/kg. Hiệu quả từ nghề nuôi cá tra tăng sản xuất khẩu đang góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ kinh tế đời sống của nhiều người dân vùng ngọt lợ ở Bến Tre.


Nuôi cá bằng ốc sên

Nguồn tin: BT, 6/2/2007
Ngày cập nhật: 9/2/2007

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc xuất hiện rất nhiều ốc sên. Chúng thường phát triển ở những nơi trồng nhiều thanh long như khu vực Hàm Chính, Hàm Liêm, Phú Long, Hồng Sơn, Hàm Thắng… và những nơi trồng chuối. Ban ngày chúng thường ẩn mình dưới gốc rơm rạ mục, ban đêm bò ra ngoài kiếm ăn. Loại ốc này thường đu bám trên trụ thanh long hoặc cây chuối cắn phá thanh long hoặc đọt chuối non. Điều này gây thiệt hại cho bà con nông dân.

Để diệt loài ốc này, anh Nguyễn Tiến Vũ xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) bắt về làm thức ăn nuôi cá. Đây là loại ốc có phần thịt nhiều với hàm lượng đạm cao, vỏ mỏng là thức ăn ưa thích của nhiều loài cá như cá lóc, cá trê, rô phi… Hàng đêm anh đi bắt ốc trong các vườn thanh long, vườn chuối ở nhà và những nơi khác. Ngoài ra anh còn thu mua từ những hộ dân trong xóm với giá 1.000 đồng/kg. Nhờ việc làm này anh đã giải quyết một phần công ăn việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên và các hộ dân khác những lúc nhàn rỗi. Hàng ngày anh thu mua cộng với gia đình đi bắt khoảng 20-30kg ốc, với lượng ốc này anh đập nát vỏ lấy phần thịt nấu chung với cám để nuôi 2.000 con cá trê và 500 con cá rô phi trên diện tích ao 300m2. Từ khi sử dụng loại thức ăn này đàn cá anh nuôi rất chóng lớn, sau 3 tháng nuôi cá trê đạt trọng lượng trung bình 200g/con, rô phi đạt 100g/con. Cách làm trên đã giảm chi phí sản xuất chỉ bằng 1/3 so với cho cá ăn các loại cá tạp và thức ăn khác. Anh Vũ dự định sẽ mở rộng diện tích ao nuôi cùng với việc mở rộng địa bàn thu mua ốc sang các địa phương khác. Hy vọng cách làm này sẽ được nhân rộng.

NGUYỄN NGỌC BẢY


Cá rô phi Tân Phước: "Lên đường" sang châu Âu

Nguồn tin: BR-VT, 7/2/2007
Ngày cập nhật: 9/2/2007

 


GHI NHẬN TỪ MÔ HÌNH NUÔI TÔM THÂM CANH BẰNG CHẾ PHẨM SINH HỌC EM.ZEO

Nguồn tin: Cà Mau, 8/2/2007
Ngày cập nhật: 9/2/2007

Ngày 6/2, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ Cà Mau có buổi đi thực tế mô hình nuôi tôm thâm canh bằng chế phẩm sinh học EM.ZEO tại xã Tân Hưng Đông- huyện Cái Nước.

Đây là mô hình thuộc dự án: Ứng dụng chế phẩm sinh học EM.ZEO xử lý môi trường nuôi tôm sú bán thâm canh. Cơ quan chủ quản là Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Cà Mau, do phòng kinh tế huyện Cái Nước chủ trì, đơn vị phối hợp là Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cà Mau.

Ở Cà Mau, việc triển khai công nghệ EM.ZEO đang được sử dụng rộng rãi trong nuôi tôm và đạt năng suất, chất lượng cao. Nhưng đây là lần đầu tiên mô hình này được đưa vào dự án. Vuông tôm của ông Nguyễn Văn Huệ- ở ấp Láng Tượng - xã Tân Hưng Đông - huyện Cái Nước là địa điểm được chọn thí nghiệm từ tháng 9/2006 với diện tích 4.000m2, mật độ nuôi 17 con/m2, thời gian thực hiện từ 4- 5 tháng và kinh phí của dự án gần 68 triệu đồng.

Nhìn chung, việc áp dụng mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm EM.ZEO bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, giữ cho môi trường của ao luôn sạch, tôm khoẻ mạnh mà hoàn toàn không sử dụng các hoá chất độc hại, kháng sinh. Trong suốt quá trình nuôi, tôm phát triển tốt và không bị nhiễm bệnh.

Đây là mô hình nuôi tôm công nghiệp mang tính bền vững vì quy trình của dự án sử dụng chủ yếu vi sinh EM.ZEO. Mong rằng, trong thời gian tới, cần nhân rộng mô hình này sẽ được áp dụng vào sản xuất để tôm nuôi đạt năng suất, sản lượng cao và tạo ra nguồn nguyên liệu đạt chất lượng ./.

Hồng Thắm


Quảng Ngãi phát triển thủy sản

Nguồn tin: ND, 7/2/2007
Ngày cập nhật: 8/2/2007

Gần đây, ngành thủy sản Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Với sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt khoảng trăm nghìn tấn hải sản các loại, sản phẩm hải sản xuất khẩu tăng nhanh đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh...

Quảng Ngãi có những lợi thế và tiềm năng kinh tế biển khá lớn. Tỉnh có hơn 130 km bờ biển, với sáu cửa biển lớn, nhỏ thuận lợi cho những con tàu ra khơi khai thác hải sản. Ngư trường đánh bắt rộng lớn, với nhiều loại hải sản phong phú. Nhiều vùng trong tỉnh có khả năng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả. Toàn tỉnh có năm huyện ven biển và một huyện đảo, với 32 xã và gần 20% số dân (khoảng 60 nghìn lao động) có kinh nghiệm hoạt động kinh tế thủy sản.

Trong năm năm gần đây, Quảng Ngãi đã có bước chuyển dịch kinh tế biển đáng kể. Với giá trị sản xuất của toàn ngành hiện chiếm hơn 28% giá trị của ngành nông, lâm, ngư nghiệp và chiếm khoảng 9% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, chế biến (theo đó khai thác chiếm 50%, nuôi trồng 26%, chế biến 24%). Ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn, bảo đảm di chuyển ngư trường, đánh bắt xa bờ, với tổng sản lượng khai thác trong năm 2006 đạt hơn 90 nghìn tấn hải sản các loại.

Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, hợp lý. Nhất là nuôi tôm trên cát đã thu hút hàng trăm hộ nông dân đầu tư, với sản lượng thu hoạch tôm hiện nay đạt gần 4.200 tấn, tăng 38,4% so với năm 2005. Nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành thủy sản đã và đang được đầu tư xây dựng như: trại sản xuất và cung ứng tôm giống Ðức Phong, các cảng cá Sa Huỳnh, vùng neo đậu tàu, thuyền và dịch vụ nghề cá Lý Sơn, cảng neo trú bão tàu cá Tịnh Hòa...

Ðánh giá về bước chuyển dịch kinh tế biển, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết: Cái lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay là đã tạo ra bước đột phá cơ bản trên lĩnh vực nâng cấp tàu, thuyền có công suất lớn đủ sức vươn ra khơi xa, tạo cho ngư dân ngành nghề mới, bảo đảm khai thác hải sản có hiệu quả; chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản hợp lý, với ưu thế sử dụng đa dạng hóa mặt nước và đối tượng nuôi, nhất là nghề nuôi tôm trên cát bằng giống mới đã thu hút nhiều nông dân đầu tư nuôi tôm. Các doanh nghiệp chế biến hải sản đã đầu tư thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, từng bước trực tiếp xuất khẩu hải sản ra thị trường thế giới...

Hằng năm, ngư dân trong tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải hoán, đóng mới nhiều đôi tàu có công suất lớn, bảo đảm đánh bắt xa bờ. Nếu như năm 2000 tỉnh chỉ có 65 chiếc công suất 90 CV trở lên thì đến nay đã tăng lên 550 chiếc, với đầy đủ các trang thiết bị như: máy định vị, máy dò cá, phương tiện thông tin liên lạc.

Tại HTX sửa chữa và đóng mới tàu thuyền Cổ Lũy (Tư Nghĩa), chúng tôi thấy hàng chục thợ đóng tàu đang lao động cật lực, cố gắng hoàn thành những con tàu đóng mới, với chất lượng cao, bảo đảm giao tàu cho khách hàng đúng hợp đồng. Người thợ có tay nghề cao trong tổ nói: Hiện nay nhiều ngư dân đến HTX hợp đồng đóng toàn tàu lớn, nhưng vốn chúng tôi có hạn không kham nổi... Với tàu đánh bắt hải sản của ngư dân trong tỉnh ngày càng hiện đại đã góp phần đưa sản lượng khai thác thủy sản tăng trung bình hằng năm gần 6%. Ngư dân làm ăn phát đạt, đời sống ổn định.

Tại cảng Sa Kỳ vào một chiều đầu năm 2007, hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân nối đuôi nhau ra biển khai thác hải sản thật nhộn nhịp. Một ngư dân ở thôn Ðịnh Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) tâm sự: Nhiều đôi tàu ở đây đi biển cả tháng mới trở về. Ở nhà chỉ còn phụ nữ, người lớn tuổi tham gia làm các dịch vụ, hậu cần nghề cá cũng có thu nhập khá.

Sự chuyển biến trong nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ngãi được coi là bước ngoặt quan trọng đối với hoạt động kinh tế biển. Trước đây, ngư dân các xã ven biển chỉ nuôi các đối tượng thủy sản ở vùng nước lợ, nước ngọt. Còn hiện nay nông dân đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị rất lớn. Ðến nay, diện tích nuôi cá nước ngọt có khoảng 670 ha, tăng 34 % so với năm 2004. Nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt có hiệu quả như: nuôi cá trong ruộng lúa, nuôi tôm xen cá rô phi, nuôi cá rô phi trong lồng, nuôi cá lóc, cá chình, ếch, ba ba. Gần đây, nuôi tôm trên cát đã trở thành phong trào, thu hút nhiều người đầu tư làm hồ nuôi tôm. Hiện nay, nhiều xã ven biển đã quy hoạch, đầu tư vùng nuôi tôm như: Ðức Minh, Ðức Phong, Ðức Chánh (Mộ Ðức), Phổ Khánh, Phổ An, Phổ Minh, Phổ Quang (Ðức Phổ), Bình Chánh (Bình Sơn)... Ði thăm vùng nuôi tôm trên cát Ðức Phong, với diện tích khoảng 25 ha, chúng ta thấy tiềm năng kinh tế biển đang được đánh thức có hiệu quả. Nông dân ở đây đã biết khai thác vùng đất cát ven biển, mạnh dạn đầu tư hàng chục hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, năng suất bình quân đạt gần 10 tấn/ha/vụ và sản lượng tôm thu hoạch năm sau cao hơn năm trước. Phát triển nuôi tôm không những tăng nhanh số hộ giàu, giảm được hộ nghèo mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các xã ven biển, tạo việc làm cho nông dân và ổn định cuộc sống cho nhiều người ở nông thôn. Vấn đề sản xuất và cung ứng giống thủy sản cũng không kém phần quan trọng. Nhiều dự án sản xuất giống thủy sản được nâng cấp, xây dựng bảo đảm cung ứng đủ giống thủy sản có chất lượng cao cho nông dân nuôi trồng. Mới đây, ngành thủy sản đã tổ chức hội nghị bàn thảo về cung ứng giống tôm sạch cho nông dân sản xuất. Các nhà quản lý, khoa học, các trung tâm sản xuất giống tôm trong khu vực miền trung và nông dân đã trao đổi thẳng thắn, đồng thời ký kết hợp tác chặt chẽ giữa ba nhà: cung ứng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Tuy nhiên, trong công tác quản lý sản xuất còn bộc lộ những yếu kém. Hình thức tổ chức sản xuất trên cả ba mặt đánh bắt, nuôi trồng và chế biến chưa đồng bộ; có mặt còn mang tính sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ thấp. Việc quản lý tàu, thuyền đánh cá còn nhiều bất cập, nhất là khi xảy ra thiên tai thường lúng túng không nắm chắc số tàu thuyền đi biển. Công tác quy hoạch nuôi trồng thủy sản chưa ổn định. Tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thường xảy ra chưa xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.

Khâu chế biến thủy sản phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu. Doanh nghiệp chế biến hải sản với quy mô nhỏ, chưa liên kết được với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, giá trị chế biến xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu ngành và dự án nuôi tôm tập trung không đạt yêu cầu đề ra... Sự yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là ngành triển khai thực hiện các chỉ tiêu thiếu đồng bộ. Một số cấp ủy địa phương chưa thật sự quan tâm đối với ngành thủy sản, có tư tưởng "dễ làm, khó bỏ". Nhiều xã, huyện trọng điểm nghề cá đội ngũ cán bộ chuyên trách thủy sản vừa thiếu lại vừa yếu, không bảo đảm triển khai công tác chuyên môn. Các xã ven biển và hải đảo không có cán bộ chuyên trách theo dõi thủy sản nên nhiều chương trình, dự án không triển khai đến nơi, đến chốn. Có dự án thủy sản thực hiện kéo dài nhiều năm gây lãng phí, hiệu quả kinh tế thấp...

Tỉnh Quảng Ngãi đề ra chương trình phát triển toàn diện ngành thủy sản trong giai đoạn 2006-2010, với mục tiêu được xác định là: Phát triển kinh tế thủy sản toàn diện trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến gắn với phát triển kinh tế biển theo hướng CNH, HÐH. Xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, phấn đấu tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm khoảng 7%. Trước mắt, toàn ngành tạo sự chuyển biến tích cực, bảo đảm thực hiện tốt các chương trình, dự án thủy sản. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, công chức chuyên ngành từ tỉnh đến cấp xã. Chú trọng công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và quy chế dân chủ trong cơ quan. Ðổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch, đồng thời tạo sự gắn kết đồng bộ giữa phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản phù hợp với cơ chế thị trường. Tạo cho được sự gắn kết chặt chẽ về lợi ích giữa ngư dân, nông dân với các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Tiếp tục thành lập các HTX nghề cá, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản, Hiệp hội chế biến thủy sản; củng cố và mở rộng tổ chức hội nghề cá ở các địa phương để phát huy sức mạnh cộng đồng trong quá trình phát triển kinh tế thủy sản. Ðẩy mạnh hoạt động khuyến ngư, nhân rộng điển hình tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về sản xuất giống thủy sản. Từng bước ứng dụng công nghệ sinh học để nuôi tôm trên cát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chống nhiễm mặn nguồn nước ngọt. Ngành chú trọng phát triển đóng mới tàu, thuyền có công suất 90 CV trở lên, chiếm hơn 30% so với tổng số tàu, thuyền hiện có, bảo đảm phục vụ đánh bắt xa bờ. Ðẩy mạnh chuyển đổi ngành nghề, hạn chế khai thác thủy sản ven bờ. Ðưa công tác quản lý tàu, thuyền đi vào nền nếp với hơn 95% số tàu, thuyền đăng ký, đăng kiểm đúng quy định, 100% số thuyền trưởng, 70% số máy trưởng và 50% số thuyền viên được tập huấn, đào tạo cấp bằng bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trên biển. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến thủy sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thủy sản phục vụ khách du lịch, Khu kinh tế Dung Quất. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và dịch vụ thủy sản. Ngành kết hợp tốt ba lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành thủy sản một cách đồng bộ, bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh...

MINH TRÍ


Sông Cầu: Tôm hùm bệnh chết hàng loạt

Nguồn tin: PY, 7/2/2007
Ngày cập nhật: 8/2/2007

Ngày 6/2, Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu Đinh Văn Sang cho biết: Hiện 117 hộ nuôi tôm hùm trên địa bàn Sông Cầu đang lao đao vì tôm bệnh chết hàng loạt. Mỗi hộ hàng ngày phải chịu thiệt hại hàng triệu đồng do có từ 5 – 7 con tôm hùm bị chết, tôm chết nặng khoảng nửa ký có giá từ 300.000 – 400.000 đồng.

Viện nghiên cứu thủy sản 3 (Nha Trang) đã xác định tôm bị bệnh chết là do vi khuẩn và nấm gây ra nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp nào để trị bệnh hiệu quả.

Nhận được tin trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã giao cho Giám đốc Sở Thủy sản phối hợp với huyện Sông Cầu kiểm tra ngay tình hình bệnh tôm hùm để có biện pháp khắc phục nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi tôm.

NHẬT NGHIÊU


Cá tra “sốt” giá, dân bán cả cá non; Bến Tre: cấm nuôi cá lồng bè trên một số sông

Nguồn tin: SGGP, 6/02/2007
Ngày cập nhật: 8/2/2007

Sáng 6-2, ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết: giá cá tra, ba sa tiếp tục lên cơn “sốt”.

Hiện tại, cá tra nuôi hầm thịt trắng được thương lái mua từ 16.000đ/kg trở lên. Do các nhà máy cạnh tranh nhau mua dẫn đến lượng cung không đủ cầu, nhiều nơi nông dân sẵn sàng bán cả cá “non” chỉ mới 0,8- 0,9 kg/con, bởi được giá cao.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cá tra, ba sa đang được mở rộng, giá xuất bình quân khoảng 3,4 USD/kg phi lê. Dự báo giá cá sẽ ở mức cao trong những ngày tới.

*Theo Sở Thủy sản Bến Tre, nhằm hạn chế tình trạng nuôi cá lồng bè tràn lan gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã tạm thời không cho phát triển nuôi cá lồng bè ở một số nơi như: khu vực cồn Cát Tiên, xã Tiên Long, huyện Châu Thành; khu vực cồn Cái Gà, xã Long Thới, huyện Chợ Lách; cồn Tân Mỹ A và cồn Tân Mỹ B, xã Phú Túc, huyện Châu Thành; cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình và cồn Lát, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách; khu vực ngã tư sông An Hóa đến cống đập Ba Lai, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại…

H.P. L – N. T


Cà Mau:Xuất hiện bãi sò điệp trữ lượng lớn

Nguồn tin: SGGP, 07/02/2007
Ngày cập nhật: 8/2/2007

Ngày 7-2, Sở Thủy sản Cà Mau cho biết, một bãi sò điệp có trữ lượng lớn vừa xuất hiện trên diện tích khoảng 50km2, cách cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) hơn 10km. Bãi sò điệp có chiều ngang 5-7km, chiều dài dọc theo bờ biển khoảng 10km, mật độ 2-3kg/m2, trữ lượng rất lớn hiện đang bị khai thác lén lút.

Để quản lý, khai thác hợp lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản này, vùng Bãi Bồi, tỉnh Cà Mau vừa đồng ý cấp phép cho 10 tàu khai thác biển của ngư dân khai thác khảo nghiệm trong thời gian ngắn tại bãi sò điệp này…

Trong khi đó, ngư dân vùng Bãi Bồi, Mũi Cà Mau cho biết, cách đây vài tháng cũng xuất hiện bãi sò điệp tương tự nhưng không được phép khai thác, bãi sò cũng từ từ biến mất.

B.Đ


Đẩy mạnh sản xuất thủy sản ngay trong tháng đầu năm mới

Nguồn tin: Ninh Thuận, 05/02/2007
Ngày cập nhật: 7/2/2007

Ngay trong tháng đầu năm 2007, hoạt động sản xuất thủy sản diễn ra khá sôi động. Về đánh bắt hải sản, mặc dù ngư trường không được thuận lợi nhưng ngư dân trong tỉnh đã đưa các nghề phù hợp với thực tế sản xuất như là nghề lưới cản, lưới ba màn, lưới quét, mành đèn, câu bủa…vào khai thác ở ngư trường trong tỉnh và các tỉnh bạn đạt hiệu quả cao với sản lượng khai thác trên 2.640 tấn chủ yếu là cá thu, cá ngừ, mực các loại có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt nghề mành tôm khai thác tôm hùm con rất hiệu quả lại các vùng biển Mỹ Tân, Vĩnh Hy và vùng vịnh Phan Rang với sản lượng ước đạt trên 2.000 con. Sản xuất tôm giống đang khởi động trở lại ngay trong tháng đầu năm mới. Hiện có trên 40% số trại sản xuất tôm giống đi vào hoạt động chủ yếu cung ứng giống cho khu vực miền Tây và sản xuất vụ đông trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã sản xuất được trên 430 triệu con, tăng 2% so với cùng kỳ.

MT, Báo Ninh Thuận


Đông Hòa: Thực thi nghiêm ngặt quy chế vùng nuôi tôm

Nguồn tin: PY, 6/2/2007
Ngày cập nhật: 7/2/2007

Huyện Đông Hoà vừa đề ra lịch thời vụ nuôi tôm năm 2007 và đề ra quy chế vùng nuôi.

Theo đó vùng hạ lưu sông Bàn Thạch thời vụ thả nuôi từ tháng 1- 3 (dương lịch), kết thúc tháng 6-7; mật độ thả nuôi từ 10-15 con/m2, nuôi 1/năm; vùng chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại xã Hoà Hiệp Bắc và Hoà Tâm, thời vụ thả nuôi được xác định từ tháng 12 năm trước đến tháng 9 -10 năm sau, nuôi 2-3 vụ/năm.Theo kế hoạch năm 2007, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của Đông Hòa là 1.050 ha, trong đó nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng là 850 ha.

UBND huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường biện pháp quản lý hành chính, theo dõi chỉ đạo quản lý thời vụ và mật độ thả nuôi, môi trường, tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời, có hiệu quả. Kiên quyết xử lý những hộ cố tình để ao tôm bệnh dây dưa kéo dài, xả thải ra môi trường xung quanh. UBND huyện giao nhiệm vụ cho các xã chịu trách nhiệm tổ chức quán triệt, chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế quản lý vùng nuôi một cách nghiêm túc.

THANH HỘI


Tỉ phú cá chình lồng bè

Nguồn tin: BCT, 5/2/2007
Ngày cập nhật: 6/2/2007

Hiện nay, trong số các loại cá nước ngọt thì cá chình được xếp vào loại đắt tiền và hiếm. Biết rõ giá trị đó, ở tỉnh An Giang, có một nông dân sống ở gần vùng biên giới đã dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư nuôi loại cá này trong lồng bè và trở thành “Tỉ phú cá chình”của vùng An Phú.

ĐEM CÁ CHÌNH VỀ VÙNG NƯỚC NGỌT

Ông là Võ Văn Linh, ở ấp 3, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Khi chúng tôi đến xã Phú Hội, hỏi thăm về ông thì ai ai cũng biết. Người dân trong vùng quen gọi ông với cái tên là “Tư Cá Chình”. Nhà ông Tư nằm cách cửa khẩu Khánh Bình (giáp Campuchia) chưa đầy 2km, nhưng con đường vào nhà ông phải qua nhiều đò dọc, đò ngang. Chúng tôi đến nhà trong lúc ông Tư đang lui cui cho cá chình ăn trong những lồng bè dưới sông. Cá chình nuôi trong lồng bè ngoi ngóp lên trên mặt nước ăn mồi túi bụi. Con nào con nấy lớn quá sức tưởng tượng, nhiều con đạt trọng lượng 13-15kg, có con lớn nhất lên đến 22 kg.

Ông Tư kể lại: Năm 1990, trong chuyến lên TP Hồ Chí Minh để bán cá bống tượng cho các cơ sở thu mua thủy sản, ông được người bạn giới thiệu về loại cá chình. Thấy cá chình lớn và nghe nói thuộc loại đắt tiền, dễ nuôi, ông nảy ý định nuôi loại cá này. Lúc đầu, ông Tư chỉ dám mua khoảng 10kg cá chình trọng lượng khoảng 4 con/kg đem về nuôi thử vào lồng bè ở dưới sông chung với cá bống tượng. Một năm sau, cá lớn đạt trọng lượng mỗi con khoảng 1,5-1,7 kg. Từ đó, ông Tư bắt đầu đam mê loại cá này. Ông cho biết: “Lúc tui mới mua cá về nuôi ăn ngủ không yên. Người dân trong xóm bảo tui là thằng “tửng” vì nào giờ đâu có thấy ai nuôi loại cá này. Hơn nữa, loại cá này chưa có ai thấy cá đẻ ra làm sao mà nhân giống và nuôi nhiều biết bán ở đâu?”.

Bỏ ngoài tai tất cả những lời đàm tiếu, năm 1996 ông Tư đem bán 3 cây vàng và hai cái máy dầu được trên 30 triệu đồng rồi lên TP Hồ Chí Minh. Ông đi khắp các chợ thủy sản để tìm mua cá chình giống nhưng lúc đó không có người đem cá đến bán. Ông phải ở lại gần 1 tháng trời để mua bằng được cá chình giống đem về. Cuối cùng, ông cũng mua được gần 300 kg cá chình giống và chở về đóng hai bè ván để nuôi. Sau hai năm, ông Tư bán cá lời trên 160 triệu đồng. Giá cá chình thương phẩm lúc đó được 170.000 đồng/kg và chỉ bán cho các nhà hàng ở Cần Thơ, Long Xuyên.

Bây giờ thì ông Tư Cá Chình đã có trong tay 8 bè cá chình với trên 2.000 con. Trong đó, có 2 bè cá lớn đạt trọng lượng 10-15 kg/con. Ông Tư nói: “Hai bè cá này tui quyết định o cho cá lớn hết cỡ, trên hai mươi ký một con tui mới bán”. Ông khoe: “Loại cá này dễ nuôi lắm mấy chú ơi, chỉ nặng vốn ban đầu khi mua con giống về nuôi. Tui nuôi trên 10 năm nay chưa có con nào mắc bệnh chết. Thức ăn cho chúng chủ yếu là tép, cá, ốc bươu vàng... một ngày chỉ cho chúng ăn một lần là đủ”.

Theo kinh nghiệm của ông Tư, nghề nuôi cá chình khó là khâu đóng bè gỗ. Khoảng cách nhau của thanh gỗ để cho cá dễ thở là 1-2 phân đối với cá mới bắt về nuôi, còn cá từ 2-3 năm tuổi thì khoảng cách là 2-2,5 phân. Bè nuôi phải cao hơn mặt nước từ 50cm trở lên, phải có nắp đậy. Trung bình bè nuôi cá chình bề ngang 4m, dài 6m, chiều sâu 3m, có thể thả nuôi 300 kg cá giống loại 4 con/kg.

XUẤT KHẨU CÁ CHÌNH

Hiện nay, mỗi năm ông Tư cho xuất bán cá chình hai lần. Cách nuôi cá chình của ông là luân canh nhau, lứa cá nào bán rồi thì ông tiếp tục đầu tư mua con giống khác về thả nuôi. Hiện giá cá chình ở mức cao, khoảng 260.000 -270.000 đồng/kg nhưng không đủ nguồn để đáp ứng cho thị trường. Đặc biệt, cá chình càng nuôi lâu thịt càng săn chắc, thơm ngon. Cá chình càng lớn giá trị càng cao, có lúc giá có thể lên đến 300.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, ông Tư có thể thu trên nửa tỉ đồng từ cá chình. Không dừng lại ở nghề nuôi, ông còn mở công ty thu mua cá chình, bống tượng, cá bông lau tại nhà đem lên thành phố liên kết với một công ty chế biến thủy sản tại TP Hồ Chí Minh xuất bán sang Nhật, Trung Quốc... Ông Tư khoe: “Tui mới vừa mua cá giống từ thành phố về thả nuôi chưa đầy một tháng là có người ở các nhà hàng trên thành phố xuống tận nhà để ký hợp đồng bao tiêu với giá 280.000 - 300.000 đồng/kg”.

Ông Cao Hữu Phước, Chủ tịch Hội Nông dân huyện An phú, cho biết: “Đây là huyện đầu tiên ở tỉnh An Giang nuôi cá chình trong lồng bè khá thành công. Mô hình nuôi cá của ông Linh là mô hình mới giúp nông dân làm giàu. Huyện đang phát động cho nông dân nên phát triển nghề nuôi cá chình trong lồng bè, vì chưa có loại cá nào đem lại nguồn thu cao như vậy”. Hiện tại, ở huyện An Phú, người nuôi cá chình vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Cái khó hiện nay của nghề nuôi cá chình là nguồn con giống rất khan hiếm. Người nuôi cá chình phải mua nguồn giống tự nhiên của các thương nhân ở các chợ thủy sản tại thành phố Hồ Chí Minh, giá thành rất cao.

LÊ VŨ


Cần Thơ: Triển khai kế hoạch nuôi cá trên diện tích 15.000 ha

Nguồn tin: Nhân dân, 5/2/2007
Ngày cập nhật: 6/2/2007

Tp. Cần Thơ vừa triển khai kế hoạch nuôi cá trên diện tích 15.000 ha (chủ yếu là cá tra, basa và các loại cá đồng), tăng 1.400 ha so với năm 2006, phấn đấu đạt sản lượng 155.000 tấn, nhiều nhất ở huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và quận Ô Môn. Thành phố đưa vào hoạt động hai trại giống thủy sản sạch có quy mô sản xuất 300 triệu con giống/năm, khắc phục được tình trạng thiếu con giống lâu nay.


Tp.HCM chỉ nuôi một vụ tôm sú

Nguồn tin: Tuổi trẻ, 5/2/2007
Ngày cập nhật: 6/2/2007

Sở NN&PTNT Tp.HCM vừa đề nghị UBND huyện Cần Giờ và Nhà Bè khuyến cáo người dân trên địa bàn chỉ nên thả giống tôm sú một vụ vào thời điểm thích hợp nhất, vụ còn lại nuôi cá hoặc các loại thủy sản khác. Theo đó, thời điểm từ tháng mười đến tháng hai năm sau và từ giữa tháng năm đến hết tháng sáu, thời tiết thất thường nên không thích hợp cho việc thả giống tôm sú.

H.Đăng


Mùa tôm hùm giống ở Cát Tiến (Bình Định)

Nguồn tin: BĐ, 5/2/2007
Ngày cập nhật: 5/2/2007

Từ tháng 12-2006 đến nay, ngư dân Cát Tiến (Phù Cát) đã vào vụ khai thác tôm hùm giống (THG). Hầu hết ngư dân chuyên khai thác THG ở đây đều làm ăn được. Bình quân mỗi thuyền doanh thu khoảng 4 - 5 triệu đồng/đêm. Cá biệt có thuyền thu được 30 triệu đồng chỉ trong một đêm ra khơi.

Vài tháng nay, một đoạn đường trên đèo Trung Lương thuộc địa bàn xã Cát Tiến đã trở thành chợ THG. Vào lúc 6 - 7 giờ sáng hàng ngày, có gần 50 thương lái từ nhiều nơi đi xe máy đến đây chờ thuyền khai thác THG cập bến. Chị Nguyễn Thị Vân, ở Quy Nhơn, cho biết, chị chuyên thu gom THG ở Cát Tiến, Nhơn Hải… để bán lại cho người nuôi THG ở huyện Sông Cầu - Phú Yên. Giá thu mua hiện nay khoảng 150 ngàn đồng/con; giảm hơn 10 ngàn đồng/con so cùng kỳ năm trước.

Ông Ngô Quang Phúc, chủ một thuyền khai thác THG ở đây cho biết: “Đầu vụ năm nay THG xuất hiện dày hơn năm ngoái. Số thuyền khai thác cũng tăng gần gấp đôi; mỗi đêm hành nghề, thuyền nào cũng trúng từ 30 - 80 con THG. Riêng thuyền của tôi đêm qua trúng được 50 con, bán với giá 150 ngàn đồng/con, tổng thu 7,5 triệu đồng; chủ thuyền hưởng 50%, phần còn lại chia cho 5 người đi bạn”.

Theo các ngư dân đang bán sản phẩm ở đèo Trung Lương, những thuyền hành nghề khai thác THG ở khu vực này hầu hết là của bà con ngư dân thôn Trung Lương, xã Cát Tiến. Mỗi thuyền như vậy đóng mới khoảng 150 - 200 triệu đồng, công suất 40 CV trở lên; thêm giàn lưới mành khoảng 10 triệu đồng và hệ thống đèn cao áp là có thể hành nghề. Trước đây chủ yếu khai thác gần bờ; nay thì phải đi xa hơn, hải trình đến ngư trường phải mất hơn 1 buổi. Sau 1 đêm hành nghề, thuyền trở về để bán sản phẩm; nếu khai thác được ít thì ở lại ngư trường thêm 1 ngày đêm nữa, nhằm tiết kiệm nhiên liệu.

Vào vụ khai thác THG năm nay, số thuyền ở Cát Tiến tham gia hành nghề lên đến gần 150 chiếc, thu hút trên 900 lao động. Chỉ tính riêng trong tháng 1-2007 này, ước tính tổng thu từ THG ở đây khoảng 2,7 tỉ đồng. Có thể nói rằng, nghề khai thác THG đã góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo ở Cát Tiến, giúp tăng trưởng kinh tế ở địa phương, làm cho bộ mặt nông thôn miền biển ngày thêm khởi sắc.

Xuân Thức


Quảng Bình: Nuôi thử nghiệm ốc hương trên cát

Nguồn tin: Vasep, 2/2/2007
Ngày cập nhật: 5/2/2007

Theo tính toán của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình , chỉ cần thả nuôi 20 vạn con trên diện tích 3.000m2 đất cát, sau 12 tháng nuôi sản lượng thu được là 1,5 tấn, lãi ròng 50 triệu đồng...

Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đang triển khai nuôi thử nghiệm ốc hương trên vùng cát ven biển tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.

Theo tính toán của Trung tâm, chỉ cần thả nuôi 20 vạn con trên diện tích 3.000m2 đất cát, sau 12 tháng nuôi sản lượng thu được là 1,5 tấn, lãi ròng 50 triệu đồng. Đây là tín hiệu vui đối với người nuôi thủy sản Quảng Bình, bởi hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi ốc hương là rất khả quan và có thể tận dụng được hơn 4.500ha đất cát trên địa bàn tỉnh để nuôi trồng thuỷ sản.


Hiệu quả từ mô hình lúa - tôm ở tiểu vùng II Thạnh Phú (Bến tre)

Nguồn tin: BtreTV, 30/1/2007
Ngày cập nhật: 4/2/2007

Trước đây, người dân ở các xã tiểu vùng II của huyện Thạnh Phú chỉ độc canh một vụ lúa không ăn chắc, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều năm thực hiện mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa một vụ, vùng quê này đã có nhiều khởi sắc. Thực tế này đã chứng minh, việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo Nghị quyết của Huyện ủy Thạnh Phú đề ra ở các xả tiểu vùng II là hoàn toàn đúng định hướng.

Trở về các xã tiểu vùng II, huyện Thạnh Phú vào những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những cánh đồng lúa mùa vừa gặt xong, những bờ đê cao ngút chạy dài dọc theo các tuyến kênh nội đồng và chân ruộng. Đó là những vuông nuôi tôm càng xanh nông dân chuẩn bị thu hoạch bán tết. Câu chuyện về con tôm ôm cây lúa tưởng như không bao giờ nói hết đối với người dân nơi đây mỗi khi có dịp gặp nhau. Sau nhiều năm thất bại nặng nề do nuôi tôm sú trên chân ruộng nhiễm mặn, đầu năm 2002, ông Nguyễn Văn Cáo ở ấp Thạnh Hưng, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú đã quyết định thử vận với con tôm càng xanh trên 2 ha đất trồng lúa một vụ. Vụ nuôi đầu tiên, gia đình ông Cáo thu được 120 kg tôm thịt, trị giá gần 12 triệu đồng. Bước sang vụ nuôi kế tiếp, nhờ có thêm kinh nghiệm và được tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi tôm do địa phương tổ chức, ông Nguyễn Văn Cáo đã thu được khoản lợi nhuận gấp đôi. Vốn cần cù và chịu khó, anh Nguyễn Hoàng Liêm ở ấp An Hòa, xã An Thạnh làm giàu từ con từ mô hình nuôi cá rô phi dòng Gift trên ruộng lúa. Năm 2002, anh Nguyễn Hoàng Liêm chuyển từ con cá rô phi qua con tôm càng xanh. Sau khi trúng 5 vụ nuôi liên tiếp, anh Nguyễn Hoàng Liêm cho biết, nuôi tôm tuy cực nhưng bù lại, năng suất cao, lợi nhuận thu được gấp 10 lần so với trồng lúa. Phong trào nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại các xã tiểu vùng II huyện Thạnh Phú bắt đầu từ năm 2002 - 2003. Tuy nhiên, thời gian này chỉ có một số hộ nuôi thí điểm với diện tích khiêm tốn. Bởi đây là một nghề khá mới mẻ lại chưa có mô hình. Từ thành công ban đầu của những mô hình, nghề nuôi tôm phát triển rất nhanh và đã trở thành phong trào mạnh mẻ ở các xã tiểu vùng II của huyện Thạnh Phú. Những năm gần đây, diện tích nuôi cũng như năng suất luôn năm sau cao hơn năm trước. Từ 150 kg/ha đến nay đạt hơn 400 kg/ha/năm. Nhiều gia đình đã đổi thay cuộc sống từ con tôm càng xanh. Bây giờ, đi đâu ở tiểu vùng II cũng nghe người dân bàn chuyện làm giàu từ con tôm càng xanh. Để có được những vụ mùa bội thu, huyện Thạnh Phú đã nổ lực đầu tư về cơ sở hạ tầng. Trong năm 2005, huyện đã hoàn thành việc đào mới và nạo vét 13 tuyến kênh có chiều dài gần 20 km, hàng chục cống ngăn mặn, dẫn nước ngọt từ sông Hàm Luông về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong vùng cũng được xây dựng. Trạm khuyến ngư huyện và các xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến tay người dân, đưa cho nông dân đi tham quan các mô hình nuôi tôm giỏi, có năng suất cao trong và ngoài tỉnh, hoặc tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề về con tôm càng xanh với sự tham gia của các chuyên gia, kỹ sư thủy sản và đại diện nông dân nuôi tôm giỏi. Những ngày cuối tháng 01/2007, các xã tiểu vùng II huyện Thạnh Phú đã kết thúc mùa vụ trên cả hai lĩnh vực: nuôi thủy sản và trồng lúa. Bà con đang tích cực làm đất, chuẩn bị ao hồ cho vụ sản xuất 2007. Không khí đón tết no ấm và đủ đầy đang tràn ngập khắp mọi nhà. Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa không những thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở các xã tiểu vùng II huyện Thạnh Phú, góp phần tăng thu nhập cho từng nông hộ, mà còn giúp nông dân sử dụng tài nguyên đất hợp lý. Đây là hướng đi đúng của huyện Thạnh Phú, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp chất lượng cao và bền vững.


Sinh sản nhân tạo thành công cá anh vũ

Nguồn tin: KHPT, 02/02/2007
Ngày cập nhật: 3/2/2007

Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ thủy sản) đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công giống cá sông quý hiếm nổi tiếng, từng là sản vật tiến vua: cá anh vũ. Giá cá anh vũ hiện rất cao, tùy loại lớn nhỏ lên đến vài trăm ngàn đồng một ký, tại các nhà hàng lớn giá lên đến 1 triệu đồng/kg. Cá anh vũ từng là huyền thoại đối với các ngư dân phía Bắc.

SẮP CÓ CÁ GIỐNG

TS. Phạm Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết, sau thời gian nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo, đến nay đã cho sinh sản hàng ngàn con giống cá anh vũ và đang nuôi làm cá bố mẹ. Khoảng vài tháng nữa sẽ có con giống cung cấp cho người nuôi có nhu cầu. Đây là giống cá cực kỳ quý hiếm, nằm trong danh mục cấm xuất khẩu của Bộ thủy sản. Nguồn cá giống ban đầu được thu mua từ các ngư dân chài lưới. Do tập tính của cá ngoài tự nhiên là ăn rêu đá, tảo nên khó thay đổi với thức ăn công nghiệp và nuôi trong ao, bể. Sau thời gian thuần hóa, cá thích nghi và tăng trưởng nhanh. Cá bố mẹ tuyển chọn, sau đó tiêm kích dục tố cho sinh sản. Tỷ lệ sống của cá bột đạt trên 70%.

TS. Tuấn cho biết, kết quả thành công này đã khôi phục loài cá quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đa dạng hóa loài cá nuôi bản địa. Các nhà khoa học đang nghiên cứu nguồn thức ăn phù hợp để cá tăng trưởng nhanh hơn, phù hợp với điều kiện nuôi thương phẩm trong ao, hồ. Chính tập quán còn ăn rêu đá của cá anh vũ nên chúng chậm lớn, đạt trọng lượng 500 - 600 g sau 18 tháng nuôi.

HUYỀN THOẠI CÁ ANH VŨ

Cá anh vũ là loài cá đặc hữu của vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và phía bắc Việt Nam. Cùng với sâm cầm (Cá rô Đầm Sét/Sâm cầm Hồ Tây), cá anh vũ xếp vào những món ăn dành cho vua chúa, ngày trước chúng xuất hiện ở vùng đất tổ Phú Thọ. Thịt cá thơm ngon nhưng cả những lão ngư dày kinh nghiệm cũng khó bắt được cá anh vũ. Chúng chỉ sống nơi nước trong, có những hang đá sâu khiến người ta không dám liều mình lặn vào vì sợ mất mạng. Như thử thách tay nghề ngư dân, cá anh vũ chỉ xuất hiện vào những ngày giá lạnh căm căm, sương mù dày đặc. Người săn cá phải uống nước mắm sống mà cắn răng lặn tìm cá anh vũ. Cũng phải là người thạo vây lưới mới bắt được. Chính sự gian khó trong quá trình săn tìm và vây bắt, những ai bắt được cá anh vũ coi như kỳ công hay trời cho. Nhưng không phải mấy ai cũng có cơ may bắt được cá anh vũ.

Cá anh vũ ăn uống cũng khó khăn, chỉ ăn mỗi rêu đá chứ không hề ăn tạp. Thịt cá có màu trắng, mềm, ít xương, giàu dinh dưỡng. Đầu cá anh vũ rất khác thường, miệng cá là lớp sụn dày giống như miệng heo, vì thế người dân còn gọi là cá heo. Do là loài cá cúng, dâng vua chúa, thần thánh nên mỗi khi bắt được cá người dân không dám cho dân làng biết. Cá anh vũ rất mau chết, nhất là khi thả chúng vào nguồn nước không sạch sẽ.

ĐẶC ĐIỂM CÁ ANH VŨ

Cá anh vũ sống ở tầng đáy của các sông, suối nước trong, nước chảy xiết, nơi nhiều rạn đá, nhiều tảo đáy. Cá di cư theo mùa, theo độ trong của nước, khi nước đục cá thường ở trong hang và cả mùa xuân, hè. Nhờ cặp môi sừng nên cá ăn chủ yếu là rêu đá, tảo. Ruột cá rất dài, gấp 10 lần chiều dài thân. Cá tăng trưởng chậm, nhưng con lớn nhất đạt tới 5 - 6 kg. Cá sinh sản từ năm thứ hai, chúng đẻ nơi đáy có đá, lắm hang hốc. Cá anh vũ có hình dạng rất giống cá dầm xanh (rầm xanh) nên thực khách rất dễ nhầm lẫn nếu không biết cách phân biệt. Ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng rất nhiều quán ăn quảng cáo cá anh vũ cho những khách du lịch muốn thử cho biết món cá tiến vua. Sẽ bị nhầm đấy! Cá dầm xanh giống như cá anh vũ nhưng có nhiều ở các sông, giá rẻ hơn. Đặc điểm dễ nhận biết cá anh vũ là ngoài miệng cá dày giống miệng “lão trư”, cá anh vũ có vảy óng ánh màu ửng đỏ còn cá dầm xanh thì ửng xanh.

KIỆN BÌNH


UBND tỉnh Bến Tre quy định tạm thời một số khu vực không được nuôi cá lồng bè

Nguồn tin: BtreTV, 31/1/2007
Ngày cập nhật: 3/2/2007

Sau khi xem xét công văn của sở Thủy sản Bến Tre về việc quy định tạm thời một số khu vực không được phát triển nuôi cá lồng bè, UBND tỉnh đã tạm thời không phát triển nuôi cá lồng bè tại 05 khu vực như sau:

Trên sông Hàm Luông, khu vực cồn Cái Gà xã Long Thới huyện Chợ Lách và khu vực cồn Cát Tiên, xã Tiên Long huyện Châu Thành. Trên sông Cổ Chiên, khu vực cồn Phú Đa, Phú Bình, xã Vĩnh Bình và khu vực cồn Lát xã Tân Thiềng huyện Chợ Lách. Trên sông Tiền, khu vực cồn Tân Mỹ A và cồn Tân Mỹ B, xã Phú Túc, huyện Châu Thành. Trên sông Ba Lai, từ ngã tư sông An Hóa thuộc ấp 1 xã Long Hòa, huyện Bình Đại đến cống đập Ba Lai thuộc ấp 3 xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại. UBND tỉnh Bến Tre giao trách nhiệm cho sở Thủy sản phối hợp cùng các đoàn thể, các cơ quan thông tin và UBND các huyện có liên quan vận động, khuyến cáo nhân dân không phát triển nuôi cá lồng bè trong các khu vực nói trên. Sau khi đề án quy hoạch chi tiết phát triển nuôi cá da trơn, cá lồng bè được lập và phê duyệt, UBND tỉnh sẽ ban hành chỉ thị cụ thể.


Cá mú mất giá - Người nuôi gặp cảnh lao đao

Nguồn tin: VOV, 31/01/2007
Ngày cập nhật: 3/2/2007

Đến thời điểm này, khi các ao đìa đang bước vào giai đoạn thu hoạch, giá cá mú trên thị trường bỗng dưng hạ quá thấp, trong khi đó, hàng ngày họ phải đầu tư cả triệu đồng để mua thức ăn khiến cho người nuôi cá gặp không ít khó khăn

Trong số hơn 400 ha ao đìa được người dân thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà đưa vào nuôi trồng thuỷ sản, cá mú chiếm tỷ lệ khá lớn với hơn 2/3 diện tích. Những năm qua, giá cá mú thương phẩm luôn đạt ở mức từ 90 đến 140 ngàn đồng/kg. Nhiều hộ dân nuôi cá mú thu lãi từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng.

Vụ mùa năm nay, ở Cam Ranh thời tiết diễn biến khá thuận lợi, cá mú nuôi ở các xã như: Cam Hải Tây, Cam Đức, Cam Thuận, Cam Phú, Cam Thịnh Đông… phát triển tốt. Người nuôi cá cứ ngỡ sẽ tiếp tục có một vụ mùa bội thu như mọi năm. Thế nhưng, đến thời điểm này, khi các ao đìa đang bước vào giai đoạn thu hoạch, giá cá mú trên thị trường bỗng dưng hạ quá thấp khiến cho người nuôi cá gặp không ít khó khăn. Cá mú thường được nuôi từ 10 – 12 tháng kể từ khi thả con giống cho đến lúc cá đạt trọng lượng từ 7 lạng đến 1,2 kg/con thì thu hoạch. Bình quân mỗi sào, người dân thả nuôi khoảng 500 đến 1000 con giống. Trong quá trình nuôi, do chịu tác động của nhiều yếu tố ngoại cảnh và có khi là dịch bệnh nên lượng cá giống thường bị hao hụt khoảng 40% trên tổng số lượng con giống đã thả. Nếu so sánh với tôm sú thịt, quy trình nuôi cá mú có phần đơn giản, không phức tạp và cầu kỳ, song với nguồn kinh phí để đầu tư mua con giống cũng như chi phí để mua nguồn thức ăn kể từ khi thả giống cho đến khi thu hoạch với cá mú cũng lớn không kém so với nuôi tôm.

Hiện nay, ở phần lớn các diện tích ao đìa, cá mú đã đạt trọng lượng từ 7 lạng đến 1,3 kg/con, song thị trường đầu ra tắc nghẽn, nhất là thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh. Giá cá mú loại I hạ chỉ còn 72.000 đ/kg, giảm hơn 1 nửa so với năm ngoái nên người nuôi cá không thể xuất bán được. Trong khi đó, hàng ngày họ phải đầu tư cả triệu đồng để mua thức ăn nên rất đỗi tốn kém. Hơn thế nữa, với cá mú, khi thời gian nuôi kéo dài cá đạt trọng lượng từ 1,5 – 2,5 kg/con, mà có bán được thì giá cũng rất thấp. Ông Nguyễn Tím, một người nuôi cá mú ở xã Cam Hải Tây cho biết: Ở Cam Ranh mặc dù cá mú đã được đưa vào thả nuôi khá lâu, song phần lớn người nuôi chưa được dự một lớp nào tập huấn về kỹ thuật nhất là khâu xử lý dịch bệnh mà chỉ dựa trên những kiến thức sách vở hay vốn kinh nghiệm được tích góp qua các vụ. Họ luôn gặp phải không ít khó khăn nhất là khi dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó việc tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm sau khi thu hoạch cũng là một thực tế nan giải. Một hộ nuôi cá mú ở xã Cam Thịnh Đông kiến nghị

Trước tình trạng điêu đứng hiện nay của những hộ nuôi cá mú, chính quyền và ngành chức năng ở thị xã Cam Ranh cần có sự quan tâm đúng mức để người nuôi cá có được định hướng đúng và an tâm xoay vòng vốn tiếp tục đầu tư cho vụ mùa sau, cũng như nhân rộng mô hình này để đem về nguồn thu cho ngân sách địa phương, cho kinh tế hộ, nhất là trong điều kiện thực tế nhiều năm liền nuôi tôm không hiệu quả./.

Anh Bằng


Hội nghị “bàn các giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững các tỉnh Nam Bộ”

Nguồn tin: Fistenet, 30/1/2007
Ngày cập nhật: 3/2/2007

Sáng ngày 29/01/2007, tại Hội trường UBND tỉnh Cà Mau, Bộ Thuỷ sản phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị “Bàn các giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững các tỉnh Nam Bộ”. Tham dự Hội nghị, có các Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản: Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Thị Hồng Minh và lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Thuỷ sản.

Ngoài ra, còn có đại diện của các Bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trường Đại học Cần Thơ, Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và PTNT có quản lý thuỷ sản của các tỉnh Nam Bộ, đại diện công ty, xí nghiệp chế biến thuỷ sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y thuỷ sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi đã tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Việt Thắng đã đánh giá khái quát thực trạng nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thuỷ sản tỉnh Cà Mau. Thứ trưởng nhấn mạnh, tỉnh Cà Mau có thế mạnh rất lớn để phát triển kinh tế thuỷ sản, cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế thuỷ sản của cả nước. Tỉnh Cà Mau hiện chiếm tới 18,4% diện tích nuôi thuỷ sản của cả nước; sản lượng thuỷ sản chiếm trên 8%, trong đó sản lượng tôm chiếm tới 28-29% sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh trong khu vực Nam bộ, lĩnh vực nuôi trồng thyủ sản của tỉnh Cà Mau còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, phát triển chưa thật sự bền vững. Chính vì thế, Bộ Thuỷ sản đã chọn tỉnh Cà Mau làm nơi đăng cai Hội nghị, để các tỉnh trong khu vực có điều kiện tìm hiểu thực trạng nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh, và qua Hội nghị này, nhằm tìm ra một số giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững tại các Nam Bộ trong thời gian tới.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi đánh giá cao tầm quan trọng của Hội nghị này, đồng thời thông báo những kết quả đạt cũng như hạn chế của tỉnh trong chỉ đạo phát triển kinh tế thuỷ sản những năm qua. Phó Chủ tịch Phạm Thành Tươi nhấn mạnh: “Trong những năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông – lâm – ngư nghiệp sang ngư – nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau được tiến hành mạnh mẽ và đã đạt được những kết quả đáng kể. Qua 6 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân hàng năm đạt 11,24%, thu nhập bình quân đầu người đạt 10,2 triệu đồng (tương đương 640 USD) vào năm 2006. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; so với năm 2005, tỷ trọng ngư-nông-lâm nghiệp giảm từ 53,6% xuống còn 51,45%, công nghiệp và xây dựng tăng từ 23,5% lên 24,05%, dịch vụ tăng từ 22,9% lên 24,5%. Tỷ trọng thủy sản trong tổng giá trị sản xuất ngư – nông- lâm nghiệp đã tăng từ 65,59% lên 84,4%, qua đó khẳng định thủy sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm gần 247.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến gần 178.500 ha, diện tích nuôi tôm công nghiệp là 1.017 ha, còn lại nuôi tôm quảng canh. Diện tích nuôi tôm luân canh và nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác như cá nước lợ, cua, cá nước ngọt đã tăng lên 160.000 ha; các khu vực nuôi tôm đều có thu hoạch khá, năng suất bình quân đạt 360 kg/ha, tăng 7,7% so với năm 2005. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2006 đạt 277.500 tấn, tăng 9%; trong đó sản lượng tôm 100.500 tấn, tăng 8,2% so với năm 2005. Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu năm 2006 đạt 66.000 tấn, tăng 12% so với năm 2005. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2006 đạt 580 triệu USD, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 13,9% so với năm 2005.

Mặc dù kinh tế thủy sản của tỉnh tiếp tục tăng trưởng nhanh nhưng việc phát triển còn thiếu bền vững. Nuôi trồng thủy sản vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, mức độ rủi ro cao, hiệu quả kinh tế còn thấp. Sản xuất còn mang tính tự phát; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; quy trình sản xuất ở một số nơi còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Chưa chú trọng đúng mức đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên, nhất là tài nguyên nước, vì vậy nguồn nước của nhiều vùng nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh đã bị ô nhiễm nghiêm trọng; tình hình tôm nuôi bị chết kéo dài, chưa khắc phục được. Nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản còn ít; chất lượng con giống thuỷ sản chưa đảm bảo; việc sử dụng hoá chất, kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thuỷ sản vẫn chưa được ngăn chặn triệt để”.

Về giải pháp chỉ đạo của tỉnh, Phó Chủ tịch Phạm Thành Tươi nêu rõ: “Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đề ra nhiều giải pháp, như: tiến hành đợt khảo sát, đánh giá hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh từ năm 2000 đến nay; triển khai lập Quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản và Quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển, đảo; ưu tiên phân bổ các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu; tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nuôi an toàn theo hướng sản xuất hàng hoá.v.v...”

Hội nghị “Bàn các giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững các tỉnh Nam Bộ”sẽ tiếp tục làm việc đến hết ngày 31/01/2007.

Trịnh Văn Lên (Cà Mau, 29/1/2007)


An Hải đổi thay nhờ tôm hùm giống

Nguồn tin: PY, 1/2/2007
Ngày cập nhật: 3/2/2007

Từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, tôm hùm giống xuất hiện nhiều ở dọc bãi biển xã An Hải (huyện Tuy An). Hàng trăm ngư dân ở đây đã tranh thủ khai thác nguồn lợi này để vươn lên làm giàu.

3 giờ chiều. Các làng biển ở An Hải trở nên sôi động, hàng trăm người khiêng thúng chai, vác lưới và các phương tiện khác hướng ra bãi neo đậu tàu thuyền. Mặc cho biển động, những ngư dân vẫn chèo thúng lướt sóng để lên tàu, nhổ neo, nổ máy chạy ra bãi, ra gành tìm vị trí thích hợp để giăng mành. Ngư dân Trần Văn Sinh ở thôn Xuân Hòa, đứng trước biển nói: “Giờ này tàu nào cũng tranh thủ đi thả mành cho kịp khi trời tối chong điện… đón tôm. Kinh nghiệm cho thấy hôm nào biển nhiều sóng, gió thì đánh bắt được nhiều tôm”. Gia đình ông Sinh vốn làm nghề đăng chấn, chài lưới trong đầm Ô Loan, thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Đầu năm 2006, ông vay mượn thêm vốn, đầu tư hơn 60 triệu đồng đóng mới chiếc tàu lắp máy hơn 10 mã lực và sắm dàn mành để khai thác tôm hùm giống. “Sau lần mở biển giăng mành, tôi là người đầu tiên ở An Hải may mắn được “lộc trời”, chỉ một đêm trúng đậm với số lượng hơn 300 con tôm hùm giống, thu lãi hơn 45 triệu đồng. Chỉ qua một mùa đầu tiên khai thác tôm, tôi đã thu lãi trên 100 triệu đồng, trả hết vốn vay mua sắm phương tiện. Từ đó, gia đình tôi được khá giả hơn và chuyển hẳn sang làm nghề tôm. Riêng trong thời gian ngắn đầu vụ tôm hùm năm nay, gia đình tôi cũng đã đánh bắt tôm thu được trên 35 triệu đồng.…” – ông Sinh cho biết.

Hàng trăm hộ ngư dân khác ở An Hải cũng thật sự đổi đời nhờ khai thác tôm hùm giống. Chủ tịch UBND xã An Hải Lê Văn Sâm cho biết, trước đây toàn xã chỉ có vài chục chiếc tàu thuyền có công suất nhỏ chủ yếu khai thác trong đầm Ô Loan. Từ khi có phong trào nuôi tôm hùm, bà con ở đây ồ ạt đầu tư phát triển phương tiện nghề khai thác tôm giống. Hiện địa phương có 203 chiếc tàu thuyền đều làm nghề này. Liên tiếp nhiều vụ tôm gần đây đều được mùa nên hộ nào cũng có thu nhập khấm khá. Chỉ riêng trong năm 2006, ngư dân đã đánh bắt được hơn 10 vạn con tôm với doanh thu hơn 15 tỷ đồng, chưa kể doanh thu của hơn 100 lồng nuôi ương khoảng 8.000 con tôm hùm mỗi năm. Nhờ đó, cuộc sống dân cư ở các thôn ven biển đổi thay nhanh chóng. Ai ai cũng thi nhau xây nhà mới, mua sắm tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Làng biển Phước Đồng vốn nghèo nhất trong các thôn ở xã An Hải, đường xá đi lại khó khăn, cách trở đò giang. Vậy mà, bây giờ, làng xóm bỗng chốc “lột xác” trở nên trù phú, nhiều nhà xây ngói mới đỏ tươi, có cả nhà cao tầng, nhà “biệt thự” mọc lên san sát. Ngoài việc Nhà nước quan tâm đầu tư điện, đường, trường, trạm, bà con ở đây đã biết tự lực vươn lên, sớm đầu tư chuyển toàn bộ 67 chiếc tàu thuyền chuyên giăng mành tôm hùm với thu nhập từ 20 – 100 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều ngư dân vốn nghèo khó, giờ đã trở thành những triệu phú tôm hùm như các ông, bà Trần Văn Ra, Võ Kia, Lê Văn Bùm, Bùi Thị Lương… Hộ ông Đỗ Ngọc Thanh cùng nhiều hộ khác đi làm ăn xa mấy chục năm, nay cũng trở về quê hương Phước Đồng phát triển làm nghề đánh bắt tôm với thu nhập khá cao, xây nhà mới khá khang trang…

Ban đêm, vùng biển An Hải với hàng trăm chiếc tàu thuyền chong điện sáng rực như thành phố “nổi”. Hàng trăm ngư dân căng mắt thức trọn với biển để vật lộn cùng sóng, gió, kéo dàn mành bắt từng con tôm hùm giống trắng, trong và nhỏ như que tăm. Dù vất vả, gian nan, nhưng bù lại cuộc sống của họ thật sự ăn nên làm ra và vươn lên làm giàu chính đáng.

NGUYÊN LƯU


Lợi hay hại từ việc chuyển đổi đất vườn sang NTTS ở Chợ Lách (Bến Tre)

Nguồn tin: BTreTV, 20/1/2007
Ngày cập nhật: 2/2/2007

Sau cơn bão số 9, hàng ngàn ha vườn cây ăn trái ở huyện Chợ Lách đã bị ngã đổ thì giờ đây, trước cơn sốt đất nuôi thủy sản, hàng trăm ha đất vườn ở đây tiếp tục bị người dân chặt phá để chuyển nhượng cho người khác nuôi cá da trơn. Lợi hay hại từ thực tế này ?

Khu vực cồn Lát, cồn Kiến và cồn Bùn thuộc xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, chưa đầy một tháng qua đã có hàng chục ha đất vườn, đất bãi bồi ven sông biến thành những ao, hầm nuôi cá da trơn. Không ai có thể nhận ra, nơi đây trước kia là vườn hay sông. Đây đó chỉ còn sót lại những cây ăn trái chưa bị chủ mới chặt bỏ. Chỉ với lý do đất đai luôn bị sạt lỡ, hàng hoá nông sản bấp bênh mà hàng trăm hộ dân ở đây đành lòng đốn bỏ những vườn cây ăn trái hàng chục năm tuổi, lấy đất bán cho người khác. Một công đất vườn tại những vị trí đẹp, giấy tờ hợp lệ có giá chuyển nhượng phổ biến từ 15 đến 20 triệu đồng, bằng phân nửa so với giá đất tính thuế do nhà nước quy định. Đối với bà con nghèo ở đây, số tiền này đã lớn, nhưng khi cầm đi nơi khác, họ khó có thể mua được một nơi ở mới chứ chưa nói đến việc mua đất để làm ăn. Bến Tre sẽ phải đối đầu với vấn nạn: nông dân thiếu đất sản xuất. Sông Cổ Chiên cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng nửa triệu dân của ba huyện Cù lao Minh. Tương lai không xa, sông Cổ Chiên sẽ trở thành dòng sông độc, bởi hàng trăm tạp chất cặn bả, chất kháng sinh thải ra từ các ao nuôi cá đều được xả trực tiếp ra sông rạch. Nguồn lợi kinh tế khổng lồ từ con cá da trơn lại chảy đi nơi khác. Bởi hầu hết những người đến đây thuê đất nuôi cá đều là dân từ các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Lợi ích kinh tế từ con cá da trơn mang lại người khác hưởng. Huyện Chợ Lách và tỉnh Bến Tre đang gánh chịu những hậu quả nặng nề về xã hội và môi trường. Chúng ta cũng đã làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng.


Kiên Giang: cá nước ngọt tăng giá mạnh

Nguồn tin: Vasep, 1/2/2007
Ngày cập nhật: 2/2/2007

Tại Kiên Giang, giá các loại cá nước ngọt đang có chiều hướng tăng mạnh. Cá nuôi công nghiệp ở vùng tứ giác Long Xuyên giá tăng từ 10 - 15% và cá nuôi tự nhiên ở vùng ven U Minh Thượng (huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận) tăng trung bình 20%.

Hai loại cá nuôi tự nhiên ở vùng U Minh Thượng tăng giá mạnh nhất là cá rô đồng và cá thát lát. Cá rô đồng loại 1 hiện có giá trung bình 75.000đ/kg, tăng 25%; cá thát lát loại 1 là 80.000đ/kg, tăng 30%. Ngoài ra, các loại cá đồng đặc sản như khô cá lóc, khô cá sặc rằn giá cũng tăng từ 16 đến 20%.

Theo ước tính, nguồn cá nước ngọt toàn tỉnh năm nay sẽ đạt khoảng 15.000 tấn, tăng hơn vụ năm trước từ 3.000 - 4.000 tấn nhờ môi trường nuôi ngày càng cải thiện, nhu cầu thị trường ổn định. Hiện tại có rất nhiều thương lái ở nơi khác, chủ yếu là ở những vùng thiếu cá nước ngọt, kể cả thương lái TP.Hồ Chí Minh đang đổ dồn về Kiên Giang tìm mua cá để kinh doanh trong dịp Tết. Tuy nhiên người nuôi chưa bán vội, chờ giá tăng thêm nữa.


Tuy An (Phú Yên): Vẹm xanh hút hàng

Nguồn tin: PY, 1/2/2007
Ngày cập nhật: 2/2/2007

Nguồn vẹm xanh thịt ở huyện Tuy An đang hút hàng do mức tiêu thụ thời gian gần đây tăng đột biến.

Hiện chỉ còn 2 trong số 7 hộ nuôi vẹm xanh ở xã An Hải còn nguồn vẹm thịt với khoảng 600 kg đang được thả nuôi tại khu vực đầm Ô Loan, chờ thu hoạch bán Tết. Giá vẹm xanh vì thế đã tăng khá cao, ở mức 8.000 – 12.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Với giá bán này, người dân nuôi vẹm xanh thu lợi nhuận khá.

Được biết, mô hình nuôi vẹm xanh mới được áp dụng thử nghiệm tại huyện Tuy An trong năm vừa qua. Đến nay, 7 hộ ở xã An Hải đã thả nuôi vụ đầu năm 2007 với khoảng 1,6 tấn giống.

PHƯƠNG HUYỀN


Sông Cầu: Dịch bệnh tôm hùm bông lây lan

Nguồn tin: PY, 2/2/2007
Ngày cập nhật: 2/2/2007

Ngày 1/2, Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu cho biết, gần đây, tôm hùm bông thả nuôi ở các vùng biển xã Xuân Phương, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2, thị trấn Sông Cầu… bị dịch bệnh chết và lây lan nhanh, gây thiệt hại cho người nuôi. Riêng tôm hùm nuôi của 117 hộ dân ở các thôn Mỹ Thành, Phước Hậu, Phú Vĩnh (xã Xuân Thọ 1) bị dịch bệnh chết với tỷ lệ từ 30 - 60%.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Nghiên cứu thủy sản 3 trên mẫu tôm hùm bị chết ở thôn Phú Vĩnh cho biết vi khuẩn Vibrio fluvialis trên gan tụy tôm khá cao và ký sinh trùng vi bào tử trùng trong cơ và trọng dịch dịch màu trắng đục của tôm ở mức (+ +) là nguyên nhân gây cho tôm hùm bệnh và chết. Hiện Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên đang hướng dẫn cho hộ nuôi các biện pháp phòng ngừa tổng hợp để hạn chế tôm hùm bị bệnh lây lan trên diện rộng

NGUYÊN LƯU


Giá cá đồng giảm, giá tép bạc đất "sốt"

Nguồn tin: SGGP, 01/02/2007
Ngày cập nhật: 2/2/2007

Sáng 1-2, các loại cá đồng ở nhiều chợ tại thị xã Sóc Trăng và thị xã Bạc Liêu tiếp tục giảm giá. Cụ thể, cá rô loại 10 con/kg vài ngày trước giá 40.000 – 42.000đ/kg đã giảm xuống còn 38.000đ/kg. Cá lóc ruộng loại 1 con/kg giảm thêm 2.000đ/kg nên hiện dao động ở mức 30.000đ/kg; cá lóc nuôi chỉ còn 18.000 – 20.000đ/kg.

Trong khi đó tép bạc đất tiếp tục “sốt” giá và khan hiếm. Sáng ngày 1-2 tép loại 1 đã tăng từ 60.000đ/kg lên 70.000đ/kg.


Làm giàu từ trồng rừng, kết hợp nuôi tôm ở huyện Hòa Bình

Nguồn tin: ND, 31/1/2007
Ngày cập nhật: 1/2/2007

Nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân ở Bạc Liêu ồ ạt nuôi tôm sú, nhưng lại thiếu hiểu biết về khoa học - kỹ thuật và không coi trọng bảo vệ môi trường, dẫn đến tôm chết hàng loạt. Gần đây, tại vùng ven biển huyện Hòa Bình xuất hiện hàng trăm hộ dân làm giàu nhờ áp dụng mô hình sản xuất tôm - rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Bí thư Huyện ủy Hòa Bình Ðoàn Ngọc Sai khẳng định: Mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm tại các xã ven biển của huyện áp dụng vài năm gần đây đem lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân vừa bảo đảm nguồn thu bền vững, vừa làm tốt việc bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ven biển. Từ mô hình này, Huyện ủy đang tiếp tục chỉ đạo nhân rộng đến các hộ ven biển. Hiện nay, không ít xã, thị trấn ven biển của tỉnh cũng đang áp dụng mô hình sản xuất tôm - rừng, mở ra một hướng làm ăn mới, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Bạc Liêu.

Những ngày đầu năm 2007, chúng tôi trở lại các xã ven biển Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A và Vĩnh Thịnh thuộc huyện Hòa Bình, để tìm hiểu rõ hơn hiệu quả về mô hình sản xuất tôm - rừng nơi đây. Dọc theo tuyến đê Trường Sơn, phóng tầm mắt ra hướng biển, chúng tôi chứng kiến hàng trăm ha rừng, chủ yếu cây đước, cây mắm độ ba, bốn năm tuổi, xanh non ngút ngàn đang vươn cao. Tiếng lá rừng xào xạc pha lẫn tiếng sóng biển rì rào, cùng với mùi thơm thoang thoảng của hương hoa cây mắm, cây đước, khiến cho bất kỳ ai đến đây cũng có cảm giác khoan khoái. Chỉ cách đây chừng năm năm thôi, khi ấy phong trào "Nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm" ở Bạc Liêu trở thành cao trào, cuốn hút nhiều hộ dân, kể cả cán bộ xã, đua nhau phá đập, dẫn nước mặn vào đồng lúa để nuôi tôm. Còn ở ven biển, người ta đua nhau chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất rừng, đào ao, mương để nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp. Vì vậy, hàng nghìn ha rừng phòng hộ ven biển Hòa Bình đang xanh tốt bỗng chốc bị chặt phá không thương tiếc, trở thành những đầm tôm... Nhưng đến nay, thì mọi chuyện đã khác hẳn. Có lẽ, chính quyền và nhiều hộ dân nơi đây đã nhận thức rõ hơn "cái giá phải trả" do chặt, phá rừng phòng hộ nên đã quan tâm bảo vệ và chăm sóc rừng.

Ông Vũ Quang Ngọc, ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, cho biết: Ấp Thống Nhất có gần 400 hộ dân, quê gốc huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh) vào xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm đất nước mới thống nhất. Những năm trước, bà con nơi đây từng cải tạo vùng đất ven biển này để trồng lúa, nhưng nhiều năm trồng lúa thất bại, cho nên đời sống của các hộ dân hết sức khó khăn. Khi chuyển sang nuôi tôm thì ào ào, nhiều hộ thiếu hiểu biết về kỹ thuật, ít kinh nghiệm; không có vốn cũng đua nhau vay vốn ngân hàng, kể cả vay bên ngoài với lãi suất cao để nuôi tôm... Kết quả, nhiều hộ điêu đứng, lao đao vì tôm nuôi bị chết, nợ nần như "Chúa chổm". Ðến nay, nhờ sản xuất theo mô hình tôm - rừng, đời sống đồng bào trong xã đã đổi khác. Những ngôi nhà mới xây trị giá hàng trăm triệu đồng, đã và đang mọc lên. Ông Ngọc cho biết thêm: "Căn nhà và hầu hết tài sản có giá trị này là nhờ gia đình tôi sản xuất theo mô hình tôm - rừng kết hợp. Từ năm 2000, khi mọi người còn "mê mẩn" với nuôi tôm sú công nghiệp, hộ thu lãi cao thì ít, mà hộ lỗ đậm thì nhiều, tôi đã bắt tay vào sản xuất tôm - rừng vụ đầu tiên năm ha. Buổi đầu cũng gặp không ít khó khăn, phải đem từng cây mắm, cây đước từ rừng phòng hộ về trồng theo mô hình tôm - rừng kết hợp. Cách làm này vừa giữ được rừng phòng hộ ven biển, vừa đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình này, chính quyền địa phương đang khuyến khích và nhiều hộ ven biển cũng đang thực hiện đạt hiệu quả. Ở xã Vĩnh Hậu, nói đến anh Nguyễn Văn Chinh, nhiều người đều biết. Bởi, anh là người có cá tính, thích tìm tòi cái mới trong làm kinh tế, mặc dù không ít lần thất bại, thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Ngay từ những năm 1993-1994, anh là người đầu tiên ở vùng biển này nuôi tôm sú, có năm thu lãi gần 500 triệu đồng. Anh vui vẻ cho biết: "Nuôi tôm sú công nghiệp cũng gần giống như "đánh bạc" với ông trời. Có năm thu lãi gần 500 triệu đồng đấy, nhưng cũng chẳng mấy chốc trắng tay, vì rủi ro cao. Còn sản xuất theo mô hình tôm - rừng kết hợp, tuy thu lãi hằng năm không cao bằng nuôi tôm sú công nghiệp, nhưng chắc ăn hơn, bền vững hơn, lại không phải hồi hộp, lo âu. Với diện tích hơn bảy ha sản xuất tôm - rừng kết hợp, mấy năm qua, chưa năm nào gia đình tôi bị thua lỗ, mỗi năm thu lãi ít nhất cũng gần 200 triệu đồng".

Ngoài mô hình của hộ ông Vũ Quang Ngọc và anh Nguyễn Văn Chinh, tại xã Vĩnh Hậu hiện có gần 400 hộ đang sản xuất theo mô hình tôm - rừng, với diện tích lên đến gần 700 ha đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Theo số liệu chưa đầy đủ của UBND huyện Hòa Bình, không chỉ xã Vĩnh Hậu, mà các xã Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh..., hàng trăm hộ dân đang áp dụng mô hình sản xuất tôm - rừng kết hợp. Thực tế cho thấy, việc trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng phòng hộ ven biển, không chỉ có tầm quan trọng ngăn sóng, gió biển, bảo vệ sản xuất và cuộc sống con người, mà nó còn có tác động quan trọng và trực tiếp đến môi trường, đến hiệu quả sản xuất của hàng nghìn hộ dân ven biển của huyện và tỉnh Bạc Liêu.

Bí thư Huyện ủy Hòa Bình Ðoàn Ngọc Sai phấn khởi thông báo với chúng tôi: Từ thực tiễn của mô hình sản xuất tôm - rừng kết hợp tại các xã ven biển, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện cũng ra Nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững đến năm 2010. Theo đó, đối với vùng phía nam, Huyện ủy chỉ đạo tiếp tục phát huy thế mạnh nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các mô hình nuôi tôm kết hợp như tôm - cá, cá - cua... phấn đấu đến năm 2010, đạt tổng sản lượng 43.000 tấn thủy sản trở lên, trong đó tôm đạt sản lượng 24.000 tấn. Ðối với vùng phía bắc của huyện thì quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, với quy mô tập trung 20.000 ha/năm (hai vụ). Ðặc biệt, huyện chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình lúa - cá, lúa - màu..., phấn đấu xây dựng ngày càng nhiều cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình sản xuất tôm - rừng kết hợp ở huyện Hòa Bình đã và đang được nhân rộng đến nhiều địa phương, mang lại sự phát triển ổn định, bền vững và niềm vui, hạnh phúc đến với nhiều hộ gia đình.

TRỌNG DUY


Sản xuất thuốc thú y thủy sản dỏm

Nguồn tin: SGGP, 01/02/2007
Ngày cập nhật: 1/2/2007

Chiều 31-1, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi đã bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH Giống thủy sản Việt Nam, địa chỉ tại khối 5, thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, do ông Bùi Văn Nam làm giám đốc. Qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp này đã sản xuất các loại thuốc thú y thủy sản không đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y.

Thuốc thú y thủy sản được tịch thu gồm vitamin C, dầu gan, thuốc tăng trọng, thuốc xử lý tảo, Oxizen, men vi sinh và men tiêu hóa.

A.V.


Kiên Giang: cá nước ngọt tăng giá mạnh

Nguồn tin: SGTT, 30/1/2007
Ngày cập nhật: 1/2/2007

Tại Kiên Giang, giá các loại cá nước ngọt đang có chiều hướng tăng mạnh. Cá nuôi công nghiệp ở vùng tứ giác Long Xuyên giá tăng từ 10 - 15% và cá nuôi tự nhiên ở vùng ven U Minh Thượng (huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận) tăng trung bình 20%.

Hai loại cá nuôi tự nhiên ở vùng u Minh Thượng tăng giá mạnh nhất là cá rô đồng và cá thác lác. Cá rô đồng loại 1 hiện có giá trung bình 75.000đ/kg, tăng 25%; cá thác lác loại 1 là 80.000đ/kg, tăng 30%. Ngoài ra, các loại cá đồng đặc sản như khô cá lóc, khô cá sặc rằng giá cũng tăng từ 16 đến 20%.

Theo ước tính, nguồn cá nước ngọt toàn tỉnh năm nay sẽ đạt khoảng 15.000 tấn, tăng hơn vụ năm trước từ 3.000 - 4.000 tấn nhờ môi trường nuôi ngày càng cải thiện, nhu cầu thị trường ổn định. Hiện tại có rất nhiều thương lái ở nơi khác, chủ yếu là ở những vùng thiếu cá nước ngọt, kể cả thương lái TP.Hồ Chí Minh đang đổ dồn về Kiên Giang tìm mua cá để kinh doanh trong dịp Tết. Tuy nhiên người nuôi chưa bán vội, chờ giá tăng thêm nữa.

Theo TTXVN


ĐBSCL: trời lạnh bất ngờ, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm cao ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi

Nguồn tin: TT, 31/01/2007
Ngày cập nhật: 1/2/2007


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang