• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gò Công Đông Sự cố tràn dầu trôi vào bờ biển Tân Thành, xuất hiện nghêu chết rải rác

Nguồn tin: Tiền Giang, 20/3/2007
Ngày cập nhật: 21/3/2007

Nhân dân và chính quyền địa phương xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết hiện tượng tràn dầu trôi dạt vào bờ biển Tân Thành khoảng một tuần qua, chưa rõ nguyên nhân.

Sáng ngày 14/3/2007, cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cùng với huyện tiến hành khảo sát, lấy mẫu xác định để có biện pháp xử lý. Dầu vón cục khá nhiều ven bờ biển đoạn từ ấp Mới xã Tân Điền đến ấp Đèn Đỏ xã Tân Thành, dài khoảng 12 km, kích thước 1-2cm, có cục đến 20-30cm. Nhiều nhất là khu vực đoạn đê xung yếu giáp ranh xã Tân Điền và Tân Thành; dầu xuất hiện dày đặc bám vào bờ kè đá và các vật dụng trên bãi biển.

Qua khảo sát, ông Lưu Minh Mãnh - Trưởng Phòng Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Tiền Giang cho biết: Dầu vón cục gặp nắng tan chảy trong cát, bám vào các vật dụng trên bãi và hoà tan trong nước. Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ có báo cáo sự việc này gởi về Bộ Tài nguyên - Môi trường để có hướng chỉ đạo và tìm biện pháp khắc phục.

Điều đáng lo ngại nhất là diện tích nuôi thủy sản vùng bãi bồi ven biển, ven sông huyện Gò Công Đông. Chỉ tính trên bãi biển Tân Thành có đến hàng ngàn ha nuôi nghêu bị ảnh hưởng làm ngýời dân rất lo lắng. Đồng thời phát hiện nghêu chết trôi rải rác vào bờ nhưng chưa xác định được nguyên nhân.

Liên quan vấn đề này, ngành chức năng cùng chính quyền các xã ven biển Gò Công Đông và người dân nuôi thủy sản tích cực theo dõi báo cáo kịp thời cõ quan chuyên môn khi phát hiện các bất thường để có biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.

Ngọc Thanh


Chợ Lách (Bến Tre) quy hoạch tạm thời khu vực khai thác nuôi thuỷ sản nước ngọt

Nguồn tin: BtreTV, 21/3/2007
Ngày cập nhật: 21/3/2007

Trước tình trạng khai thác đất vườn và mặt nước ven sông, đất bãi bồi để nuôi cá da trơn một cách tự phát, trong khi chờ quy hoạch chung của tỉnh, huyện Chợ Lách đã tiến hành khảo sát và quy hoạch tạm thời những khu vực cho phép nuôi, khu vực bảo tồn và vùng hạn chế khai thác nuôi thủy sản. Đây được xem là biện pháp để ổn định, phát triển bền vững và giảm thiểu những tác động bất lợi đến môi trường trên sông Cổ Chiên và Hàm Luông.

Qua khảo sát của các ngành chức năng, bước đầu huyện Chợ Lách đã xác định dược 21 vị trí đất cồn, đất bãi bồi ven sông thuộc các xã Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung, Long Thới và Phú Sơn có thể cho phép khai thác mặt nước để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt, đăïc biệt là con cá da trơn. Ngoài những khu vực cho phép khai thác, huyện Chợ Lách cũng đã quy hoạch tạm thời 3 vị trí có thể nuôi thủy sản lồng bè, 2 khu vực bảo tồn con ốc gạo, vùng cấm khai thác để bảo quản nhuyễn thể ốc gạo và 6 khu vực hạn chế khai thác nuôi thủy sản.


Bến Tre: Sốt đất nuôi cá tra

Nguồn tin: SGGP, 20/03/2007
Ngày cập nhật: 20/3/2007

Hiện nay nhiều doanh nghiệp, cá nhân tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu đổ xô đến Bến Tre mua, thuê đất đào ao nuôi cá tra, khiến giá đất tăng gấp 2, gấp 3 lần so trước Tết Nguyên đán. Đất được săn tìm nhiều nhất là nơi các cồn bãi dọc sông Cổ Chiên thuộc huyện Chợ Lách (Tân Thiềng, Hòa Nghĩa, Sơn Định) và nơi thượng nguồn sông Hàm Luông thuộc huyện Châu Thành (Tân Phú, Tiên Thủy, Tiên Long). Chỉ riêng tại xã Tân Thiềng, hiện có 7 doanh nghiệp (DN) đang thương lượng mua đất, từ 5-10 ha/DN, đẩy giá đất từ 20 triệu đồng/công đất (1.000m2) lên 50-70 triệu đồng/công đất.

P.L.H.H


Vụ nuôi tôm năm 2007: Những tín hiệu mới

Nguồn tin: BĐ, 19/3/2007
Ngày cập nhật: 19/3/2007

Theo dự báo, năm 2007 thời tiết diễn biến thất thường, hiện tượng Elnino kéo dài làm nhiệt độ nước tăng cao. Bên cạnh đó, năm 2006 ở tỉnh Bình Định không có lũ, lượng chất thải tích tụ nhiều dẫn đến môi trường nhiều vùng nuôi tôm bị ô nhiễm. Bởi vậy, để vụ tôm năm nay thắng lợi, hạn chế dịch bệnh xảy ra, ngành Thủy sản (TS) tỉnh đã khuyến cáo người nuôi tôm chấp hành lịch thời vụ và thực hiện tốt việc nuôi tôm bền vững.

Một ao nuôi tôm thân thiện môi trường tại xã Phước Sơn (Tuy Phước).

* Những chuyển biến tích cực

Năm 2006, nhờ thực hiện tốt việc nuôi tôm 1 vụ, giảm mật độ nuôi, chuyển đối tượng nuôi và đa dạng hóa đối tượng nuôi, nên diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Định giảm 52% so với năm 2005, sản lượng đạt 2.215 tấn, tăng 29,6%. Qua kết quả chuyển đổi từ nuôi thâm canh - bán thâm canh (TC-BTC) sang nuôi xen các đối tượng TS khác cho thấy, môi trường nước ở những vùng nuôi tôm đã được cải thiện đáng kể và hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi này đem lại khá cao.

Theo tính toán của người nuôi tôm, để đầu tư nuôi 1 ha tôm TC-BTC phải mất khoảng 80 triệu đồng/vụ, nếu trúng thì thu lãi cũng chừng ấy. Còn nếu nuôi tôm xen cá, không phải tốn chi phí thức ăn, thuốc... cho cá, bởi cá sẽ ăn các loại côn trùng, rong, bã thực vật mà con tôm thải ra, nên chi phí thấp, môi trường nuôi lại được cải thiện. Trung bình 1 ha tôm nuôi xen cá chỉ đầu tư hơn 30 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, mức lãi trung bình của hình thức nuôi này trong năm 2006 là 30 triệu đồng/ha/vụ, cá biệt có hộ lãi đến 50 triệu/ha/vụ.

Từ kết quả này, cộng với những bất lợi do môi trường và thời tiết, chủ trương của ngành TS tỉnh trong năm 2007 là sẽ chuyển mạnh từ nuôi TC-BTC sang nuôi quảng canh cải tiến, giảm mật độ thả giống và kết hợp nuôi xen với các loại đối tượng TS khác nhằm cải thiện môi trường nuôi và hạn chế dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đã tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật, từ đầu vụ đến nay đã mở trên 10 lớp tập huấn kỹ thuật cho người nuôi tôm ở những vùng nuôi trọng điểm của tỉnh.

Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh thả nuôi 2.500 ha các loại TS nước lợ, trong đó nuôi tôm TC-BTC là 500 ha, số còn lại nuôi tôm xen với các loại TS khác. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi 492 ha tôm theo hình thức TC-BTC và 740 ha tôm nuôi xen. Nhìn chung người nuôi tôm chấp hành khá tốt lịch thời vụ. Mật độ tôm thả nuôi phù hợp với điều kiện của từng ao. Những vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, người dân đã chuyển sang nuôi tôm xen với các đối tượng TS khác. Đặc biệt, năm nay người nuôi tôm trong tỉnh đã ý thức hơn việc kiểm dịch tôm giống, tỉ lệ tôm giống qua kiểm dịch trước khi thả nuôi đạt 50%, tăng hơn 10% so với năm 2006.

* Hướng đến nuôi tôm bền vững

Theo đánh giá của ngành TS, vụ nuôi tôm năm nay đã đánh dấu sự đột phá trong chủ trương phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững mà ngành đã phát động trong mấy năm qua. Bên cạnh đó, người nuôi tôm trong tỉnh cũng đã nhận ra nguyên nhân dẫn đến thất bại của nghề nuôi tôm trong nhiều năm qua là do cách nuôi còn thiếu tính cộng đồng. Lâu nay, phần lớn người nuôi tôm mạnh ai nấy lo. Khi hồ tôm bị nhiễm bệnh, lẽ ra cần phải xử lý diệt mầm bệnh trước khi cải tạo để tiếp tục nuôi thì họ xả tràn ra các hồ lân cận, ra cả nguồn nước tự nhiên nên dịch bệnh nhanh chóng lây lan. Để giải quyết vấn nạn này, nhiều địa phương đã xây dựng những tổ chức nuôi tôm cộng đồng. Hiện nay, trên toàn tỉnh đã có gần 20 chi hội nuôi tôm cộng đồng. Mỗi chi hội có khoảng 20 hội viên với diện tích khoảng vài chục ha hồ nuôi.

Theo bà Trần Thị Thu Hà - Giám đốc Sở TS tỉnh, nghề nuôi tôm ở tỉnh Bình Định ngày càng khó khăn là bởi môi trường nuôi ngày càng suy thoái, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc nuôi tôm còn yếu kém. Từ năm 2004, chủ trương của ngành đã chú trọng việc đẩy mạnh nuôi tôm theo hướng bền vững, sản xuất đi đôi với việc phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những năm này do người nuôi tôm còn ám ảnh bởi nguồn lãi từ việc nuôi tôm khá cao, nên ít người mặn mà với hình thức nuôi mới mà tập trung vào nuôi TC-BTC. Bởi vậy, việc người nuôi tôm tích cực chuyển hình thức nuôi tôm theo hướng bền vững như hiện nay là một dấu hiệu đáng mừng cho nghề nuôi tôm ở tỉnh Bình Định. Mong rằng, trong thời gian tới, các mô hình này sẽ được đông đảo người nuôi tôm trong tỉnh áp dụng.

Theo khuyến cáo của ngành TS, đối với các vùng nuôi TC-BTC, nên thả tôm với mật độ từ 20-30 con/m2 và nuôi ghép cá rô phi đơn tính hay cá chua. Những ao chất đáy là bùn, bùn cát có độ dày lớn, không có ao lắng, nguồn nước lấy vào ao phụ thuộc chủ yếu thủy triều nên nuôi quảng canh cải tiến, với mật độ tôm thả từ 5-10 con/m2. Bên cạnh tôm, nên thả thêm cá rô phi đơn tính, cá chua để chúng ăn chất thải của tôm và thức ăn dư thừa, tạo môi trường nuôi được tốt hơn. Đối với những vùng thường xảy ra dịch bệnh, nên thả nuôi tổng hợp: tôm, cua, cá...

Ngoài ra, ngành TS cũng đã chủ động điều chỉnh lịch thời vụ thả tôm năm nay muộn hơn mọi năm, bắt đầu từ đầu tháng 3 để tránh điều kiện thời tiết bất lợi; khuyến khích nuôi 1 vụ tôm ăn chắc, nuôi 2 vụ chỉ áp dụng đối với các vùng nuôi tôm trên cát và những nơi nào chủ động nguồn nước.

Ngọc Thái


Phú Quốc và vịnh Hạ Long: Nuôi và thu hoạch hàng ngàn viên ngọc trai

Nguồn tin: SGGP, 18/03/2007
Ngày cập nhật: 19/3/2007

Vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) thích hợp nuôi trai cấy ngọc đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư trong nước cũng sớm học hỏi và tiếp nhận chuyển giao quy trình kỹ thuật khép kín từ cho trai sinh sản, nuôi cấy, chăm sóc và dinh dưỡng, thu hoạch ngọc.

3 năm qua, chỉ riêng ở Công ty Taiheiyo Shinju (Nhật) chuyên nuôi và cấy ngọc trai, đã xuất khẩu trên 870 kg ngọc trai (hàng ngàn hạt), thu trên 1 triệu USD. Tuy nhiên, hiện phần lớn ngọc trai thô đều buộc phải xuất khẩu do công nghệ chế tác trong nước còn thiếu và lạc hậu.

NG.Đ.


Nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long: "Cơn sốt" không thua thị trường chứng khoán

Nguồn tin: CT, 18/3/2007
Ngày cập nhật: 19/3/2007

Thốt Nốt là vùng nuôi cá tra nhiều nhất của TP Cần Thơ với hơn 500 ha. Với mức giá cá tra thành phẩm hiện tại trên 17.000 đồng/kg, nhiều vùng đất bãi bồi, rẫy mía, ruộng lúa đã biến thành những hầm nuôi cá tra. Liền theo phong trào tự phát rầm rộ này là giá đất tăng cao đến không ngờ. Dường như mọi khuyến cáo của các ngành chức năng, nhà khoa học về những rủi ro có thể xảy ra xung quanh con “cá vàng” này không làm người mê nó chùn bước...

Đất nuôi cá tra = đất vàng!

Tại phường Thới An, quận Ô Môn, cách nay khoảng 2 năm, khi con cá tra chưa lên ngôi, giá đất cặp sông khoảng 25-30 triệu đồng/công, bây giờ ít gì cũng phải có trong tay 90 triệu đồng mới dám hỏi mua một công đất. Tuy nhiên, chạy dọc sông Hậu từ Ô Môn lên Thốt Nốt gần như không còn nhiều đất có diện tích rộng vài héc-ta kêu bán, phần lớn là diện tích nhỏ lẻ hoặc không mấy thuận lợi để sử dụng nguồn nước mới có người bán.

Tại cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, giá đất cũng tăng chóng mặt. Anh Trần Phước Lợi, một người có thâm niên nuôi cá ở đây, cho biết: “Năm 2006, đất chỉ có giá 50 - 70 triệu đồng/công, vị trí tốt khoảng 100 triệu đồng/công, nay vọt lên 150 - 200 triệu đồng chưa chắc gì mua được”. Dọc cù lao Tân Lộc, từ bờ sông đến thâm hậu 200-300m, đất mía, đất rẫy ngày nào nay đã biến thành những ao cá san sát như những trang trại tập trung, xe gắn máy có thể chạy quanh thoải mái. Còn phía đối diện cù lao, tại những vị trí đất thuận lợi như ở xã Thới Thuận là gần nhà máy chế biến, khu vực ít bị sạt lở, thì cầm tiền tỉ cũng chưa chắc mua được. Mấy tháng trước Tết các đại gia ở An Giang, Đồng Tháp “trúng” giá cá tra đã “săn lùng” ráo riết những khu vực này. Tình trạng “sốt” đất nuôi cá cũng đang diễn ra tại các huyện Phú Tân, Châu Phú (An Giang); Lấp Vò, Châu Thành (Đồng Tháp); Long Hồ, Bình Minh (Vĩnh Long)... Tại khu vực ven sông Tiền, sông Cổ Chiên thuộc bốn xã cù lao Minh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) giá đất từ 15 triệu đồng cuối năm 2005 nay tăng lên 70 triệu đồng/công. Đất ven sông Hậu bờ Vĩnh Long cũng tăng từ 45 triệu đồng lên 100 triệu đồng/công.

Với lợi nhuận hấp dẫn trước mắt, nhiều hộ nông dân bỏ hẳn cây lúa vay tiền nuôi cá, người nghèo thì chấp nhận bán đất khi mà giá đất vọt lên trên giá đất đền bù ở các khu quy hoạch, công nghiệp, dân cư của Nhà nước. Lãnh đạo huyện Thốt Nốt cho biết dù đã ngăn cấm việc đào ao nuôi cá tự phát, phải nuôi theo quy hoạch, nhưng nhiều nguời vẫn bất chấp... Ngay cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 2 cây số là cồn Khương được quy hoạch thành khu đô thị nhà vườn hiện đại, nhưng hiện nay hàng chục ha nằm cặp sông Hậu cũng được người ta khai thác nuôi cá tra. Nếu giá đất cặp sông Hậu dành để nuôi cá cặp cồn Khương có giá 150 -180 triệu đồng/công, thì đất nằm giữa cồn dành để xây dựng khu dân cư kêu 120 -130 triệu đồng lại không có người mua. Còn đối diện cồn Khương phía Vĩnh Long, người dân có đất cặp sông cho thuê nuôi cá tới 8 triệu đồng/công/năm. Chuyện cánh đồng 50 triệu/ha coi như không phải bàn tới nữa! Nhiều người nói vui: “Hiện nay sức hút của con cá tra không thua kém gì sức nóng của thị trường chứng khoán”...

Ai “bảo hiểm” cho con cá tra?

Người nuôi cá tra đã không lạ với chuyện cá chết do dịch bệnh, trở mùa hay chỉ cần thay nước không đúng cách có thể thiệt hại hàng trăm triệu đồng, thậm chí phá sản cả gia nghiệp và những rủi ro khách quan khác. Đó là chưa kể đến tình trạng dội hàng, rớt giá, doanh nghiệp không tìm được đầu ra, hay việc kiểm định ngặt nghèo về dư lượng thuốc kháng sinh cũng làm người nuôi lao đao... Với diện tích nuôi cá tra năm 2007 của ĐBSCL, theo Ủy ban Cá nước ngọt (thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) dự báo, có thể sản lượng vượt 1 triệu tấn, trong khi năm 2006 chỉ đạt 800 ngàn tấn. Với giá cá tra hiện nay, bình quân người nuôi lời từ 4.000 - 5.000đồng/kg, đây là lý do làm diện tích và sản lượng cá tra tăng đột biến trong năm nay.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có nhiều hộ nuôi mới thiếu kinh nghiệm, không hợp đồng với nhà máy, không theo quy hoạch, nạn ô nhiễm môi trường nước không được kiểm soát là những rủi ro luôn rình rập. Ông Nguyễn Đình Huấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Agifish An Giang, cảnh báo: “Sẽ trả giá đắt nếu cứ mãi lo đào ao nuôi cá mà không tập trung xử lý môi trường. Hiện tại, chưa ai quan tâm đến thủy lợi cho con cá tra, việc lấy nước và xả nước cứ một chỗ nên rất dễ nhiễm bệnh và lây lan nhanh...”. Theo thống kê của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản thành phố Cần Thơ (CAFA), tỷ lệ hao hụt từ 5%-10% của cá tra cách nay 3 năm, nay tăng lên 30% và sẽ còn tăng thêm nếu không có biện pháp khống chế kịp thời. Nhiều ý kiến cho rằng: nên xác định việc nuôi cá tra, ba sa là kinh tế mũi nhọn chứ không phải để giảm nghèo. Người nuôi cá phải có vốn, có trình độ, tay nghề... do đó không nên phát triển tràn lan, một khi môi trường xấu thì người nuôi sẽ lãnh đủ. Có lẽ người nuôi cá tra đều biết rõ những rủi ro này, nhưng làm sao để buộc họ làm theo?

Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Nam Việt, cho biết: “Để đảm bảo chiến lược phát triển, chúng tôi phải xây dựng nguồn nguyên liệu tự cứu mình trước khi trông chờ vào nguồn cá của ngư dân. Hiện, công ty đang ráo riết tìm đất để xây dựng vùng nguyên liệu hơn 300ha. Chủ động như thế mới đảm bảo được nguồn nguyên liệu sản xuất, đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu, công ăn việc làm cho công nhân. Tránh được lời ra tiếng vào - doanh nghiệp ép nông dân...”. Còn Công ty thủy sản Bình An hiện nay cũng xây dựng xong vùng nguyên liệu khoảng 40 ha, đảm bảo 30% công suất nhà máy. Doanh nghiệp này cho biết sắp tới sẽ mở rộng vùng nguyên liệu để tiến tới đảm bảo 70% công suất nhà máy trong tương lai.

Đây cũng là cách đầu tư đúng đắn trong bối cảnh kinh tế hội nhập. Và khi các nhà máy đồng loạt chủ động lo đầu vào đầu ra (cũng là xu hướng tất yếu) thì người nuôi cá tra muốn tồn tại cũng phải tự lựa chọn: tập hợp lại để xây dựng nhà máy hay phải chấp nhận cách hợp tác với doanh nghiệp chặt chẽ...

Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng: Cần tổ chức mô hình liên kết sản xuất để nông dân cùng tham gia giám sát và có trách nhiệm điều chỉnh các biến động về sản lượng và chất lượng, tiếp tục giữ được mức tăng trưởng như hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cũng đề nghị sớm tổ chức thành lập Viện Nghiên cứu cung cấp thông tin, kỹ thuật nuôi, giá cả thị trường, cảnh báo môi trường để cung cấp cho nông dân nhiều thông tin hơn và đến với họ một cách kịp thời.

AN KHÁNH


Xảy ra nhiều vụ cướp giật tiền bán cá của người dân

Nguồn tin: TT, 17/03/2007
Ngày cập nhật: 18/3/2007

Gần đây trên địa bàn tỉnh An Giang liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp giật tiền bán cá của nông dân. Phần lớn nạn nhân là khách hàng của Công ty cổ phần thủy sản Nam Việt, đơn vị có nhiều khách hàng và có mức thu mua cá tra nguyên liệu cao nhất toàn vùng hiện nay.

Theo ghi nhận công ty này, có ít nhất năm trường hợp, trong đó có cả nhân viên hợp đồng giao nhận lương của công ty, cũng bị cướp giật.

Lâu nay việc thanh toán tiền bán cá cho người nuôi thường chi trả bằng tiền mặt tại các công ty. Số tiền bán cá khá lớn dễ gây sự chú ý, người dân nông thôn lại thường thiếu cảnh giác, nên bọn xấu đã nhắm vào họ để cướp giật và đa số vụ đều xảy ra lúc cuối buổi chiều.

ĐỨC VỊNH


Phú Yên: Dầu loang đe dọa vùng nuôi tôm trên cát

Nguồn tin: TT, 18/3/2007
Ngày cập nhật: 18/3/2007

Công nhân của AHV nhặt dầu vón cục trên bờ biển chiều 17-3 Các vệt dầu loang trên biển Phú Yên được phát hiện tại xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) vài ngày qua khiến những người nuôi tôm trên cát ở khu vực này lo đến mất ăn mất ngủ. Hôm qua (17-3), Sở Tài nguyên – Môi trường Phú Yên đã đi khảo sát và phát hiện ở nhiều vùng biển tỉnh này cũng có dầu loang

Dầu đe dọa 60 ha tôm trên cát

Ông Trần Tony Phúc Thành, Việt kiều Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures (AHV), cho biết mấy ngày qua ông đứng ngồi không yên kể từ khi trên bãi biển gần khu vực nuôi tôm của công ty xuất hiện ngày càng nhiều cục dầu lổn nhổn. Công ty của ông Tony Thành đã đầu tư nhiều triệu USD để nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm và ương giống tôm thẻ chân trắng tại xã Hòa Hiệp Bắc vài năm nay. “Cách đây khoảng một tuần, các công nhân của chúng tôi phát hiện các váng dầu và dầu đã vón cục xuất hiện trên bờ biển. Tôi đã huy động 200 công nhân đi thu gom và đến nay đã gom được khoảng 800 kg dầu. Điều tôi lo lắng nhất là nước biển trong khu vực này được công ty bơm vào để nuôi tôm, nếu bị ô nhiễm dầu thì có thể gây thiệt hại rất lớn” - ông Thành nói.

Anh Thể, một công nhân của AHV, cho biết: “Bằng mắt thường không thể nhìn thấy dầu dưới nước biển. Khi trời nắng nóng cũng không thấy dầu trên cát. Nhưng vào sáng sớm hoặc chiều tối, lượng dầu vón cục tấp vào khá nhiều và trong mấy ngày qua, chiều nào chúng tôi cũng đi nhặt bỏ vào bao. Lượng dầu vón thu được bây giờ đã thành đống rồi”.

Ở khu vực này, không chỉ có AHV nuôi tôm, mà còn có khoảng 10 ha nuôi tôm trên cát của Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên và một số người dân.

Chiều qua, ông Nguyễn Văn Do, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Phú Yên, đã đi nắm tình hình ở khu vực bị dầu loang. Ông Do cho biết: “Lo nhất là hợp chất ankyl phenol từ dầu sẽ nhiễm vào nước biển hoặc trên cát biển nơi mà các hồ nuôi tôm bơm nước vào. Chất này có thể khiến các loài máu trắng như tôm, cua, ghẹ... bị bệnh chết”.

Phát hiện dầu loang ở nhiều vùng biển Phú Yên

Hôm qua, 17-3, Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên đã khảo sát ở các vùng biển trong tỉnh. Ông Lê Văn Thứng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết: “Cho đến chiều 17-3, chúng tôi đã phát hiện được nhiều vùng biển trong tỉnh có hiện tượng dầu loang. Đó là vùng Bãi Bàng (xã Hòa Tâm), Bãi Môn (xã Hòa Xuân Nam) của huyện Đông Hòa và các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh của huyện Sông Cầu. Tất cả đều là dầu vón cục, bị sóng đánh dạt lên bờ. Chúng tôi cũng đang kiểm tra ở vùng nuôi tôm hùm thôn Vũng La (xã Xuân Thịnh, Sông Cầu) xem mức độ ảnh hưởng thế nào.

Về giải pháp trước mắt, ông Thứng cho biết, sở đã kiến nghị với các địa phương huy động lực lượng dân, thanh niên, bộ đội để thu gom số dầu vón cục đã tấp lên bờ biển, đựng trong các bao hai lớp chống thẩm thấu và chờ cơ quan chức năng xử lý. Ông cũng nói rằng Chi cục Bảo vệ môi trường miền Trung sẽ đến Phú Yên trong nay mai để đánh giá tình trạng ô nhiễm, thiệt hại...

Về lý do tại sao ở các vùng biển thuộc những tỉnh miền Trung khác đã phát hiện dầu loang cách đây vài tháng, còn bây giờ mới đến biển Phú Yên, ông Nguyễn Văn Do nói rằng có thể là do dòng hải lưu và do hướng gió. Tuy vậy, ông Do cũng tiết lộ rằng hiện tượng dầu loang trên biển xuất hiện lần đầu tiên tại vùng nuôi tôm giống thôn Phú Thọ 3 (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) từ tháng 12-2006 nhưng với số lượng không đáng kể nên không bị ảnh hưởng gì về kinh tế.

NGỌC QUYỀN


Ô nhiễm nguồn nước do nuôi cá tra ồ ạt ở Đồng Tháp: Nguy cơ “thiệt hại kép”

Nguồn tin: BCT, 15/3/2007
Ngày cập nhật: 18/3/2007

Giá cá tra liên tục tăng mạnh trong thời gian qua, lợi nhuận hấp dẫn đã khiến phong trào nuôi cá tự phát trở nên ồ ạt. Người có thâm niên trong nghề thì mở rộng quy mô, người chưa có nghề cũng náo nức tìm chỗ thuê đất hoặc bỏ làm lúa, vườn cây, đào ao nuôi cá. Nghề nuôi cá tra phát triển nóng đã phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm nguồn nước... ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, tác động trực tiếp đến nghề nuôi cá tra, ba sa ven sông.

HẬU QUẢ KHÓ LƯỜNG

Giữa năm 2006, cá tra thương phẩm có giá 12.000đ/kg. Sau đó tăng dần, đến nay đã trên 17.000đ/kg. Hiện nay, về những khu vực bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu, đâu đâu cũng nghe chuyện con cá tra lên ngôi, thu lời bạc tỉ. Mấy tháng trước tại khu vực gần cầu Đập Đá, ấp Hòa Vân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, ven tỉnh lộ 847, chỉ có vài ao nuôi cá tra giống, nay nhiều ruộng lúa đã trở thành ao nuôi cá thương phẩm. Thấy nhiều người nuôi cá trúng lớn, dù chưa có kinh nghiệm, anh Anh Dương Hoàng Hải (xã Nhị Mỹ) vẫn mạnh dạn mướn xe cạp đất, lên bờ bao 10 công đất lúa để nuôi cá. Chỉ riêng việc đào ao, anh Hải tốn khoảng 60 triệu đồng, kinh phí đầu tư con giống, thức ăn... anh phải vay vốn ngân hàng.

Phát triển diện tích nuôi cá tra mạnh nhất trong tỉnh có lẽ là huyện Châu Thành, tập trung ở vùng cồn ấp An Hòa, xã An Nhơn và xã An Hiệp. Qua điều tra tổng hợp gần đây, toàn huyện có diện tích nuôi cá tra tự phát ngoài vùng quy hoạch là 77ha. Dọc theo sông Cái Nhỏ thuộc địa bàn xã Mỹ Hiệp, Mỹ Long, Bình Hàng Tây đã có vài trường hợp đào ao nuôi cá tra trong khi hai bên bờ sông này có nhiều dân cư sinh sống, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ sông...

Theo Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, toàn tỉnh có 840 ha mặt nước nuôi cá tra, trong đó có 440 ha nuôi ở bãi bồi, còn lại nuôi ao ven kinh, rạch. Tuy nhiên, thực tế diện tích nuôi cá tra đã tăng mạnh vượt qua con số nói trên. Được biết, để có 1kg cá thịt cần phải sử dụng 1,6kg thức ăn, chất thải sẽ là 600gam, đối với cá giống thì 1,2kg thức ăn cho ra 1kg cá, chất thải là 200gam. Nuôi cá tra ồ ạt, lượng chất thải rất lớn nhưng chưa được xử lý, việc gây ô nhiễm môi trường nước là khó tránh khỏi.

Trước đây, cư dân sống tại khu vực rạch Cả Kích (ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước thải từ các ao nuôi cá của Dự án nuôi trồng thủy sản trên đất bãi bồi (do Công ty TNHH Vĩnh Hoàn làm chủ dự án). Đông đảo bà con nơi đây bức xúc, kiến nghị lên chính quyền địa phương giải quyết vì nguồn nước bị nhiễm bẩn, gây ngứa khi tắm nước từ con rạch này. Người dân phải tự khắc phục bằng cách lắng lọc nước 2-3 lần. Tuy nhiên, chỉ để khoảng 2 ngày nước sẽ có mùi tanh hôi không sử dụng được. Sau đó, Công ty TNHH Vĩnh Hoàn đã có phương án xử lý nước thải ở các ao nuôi cá. Theo ông Huỳnh Văn Mừng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, thì dù nuôi cá có sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, nhưng không xử lý nước thải từ các ao nuôi, làm ảnh hưởng đến môi trường thì vẫn chưa đảm bảo yêu cầu quy trình sản xuất...

Hiện tượng nuôi cá tra tự phát sẽ gây ra hậu quả khó lường như môi trường không được kiểm soát; do nuôi tự phát từng hộ cá thể nên trách nhiệm với cộng đồng sẽ không được giải quyết; vấn đề tiêu thụ sẽ gặp khó khăn. Để chấn chỉnh tình trạng trên, cuối tháng 12-2006, UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản về việc tạm ngưng thi công các công trình nuôi cá tra ngoài vùng quy hoạch tại các huyện, thị xã trong tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã kiên quyết không cho thi công các công trình nuôi cá không phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương... Thế nhưng, người dân vẫn ào ạt đào ao nuôi cá tra: Cấm ban ngày thì đào ao vào ban đêm!

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: CÁCH NÀO?

Nhiều chủ nuôi cá có tiếng ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, nhận định với tình hình nuôi cá ồ ạt như hiện nay, thời gian tới lượng cá tra thịt sẽ rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu. Nhiều người dự tính vụ tới sẽ không tiếp tục thả cá thịt mà sẽ chuyển sang nuôi cá giống. Mặc dù giá cá tra thịt hiện nay rất khả quan, nhưng giới nuôi cá tra bãi bồi ở đây cho biết, so với những năm trước, tình hình nuôi cá hiện nay gặp nhiều khó khăn hơn, cụ thể là tỷ lệ hao hụt cao hơn trước (nếu trước đây chỉ khoảng 10% thì hiện nay con số này đã lên đến xấp xỉ 20%). Nguyên nhân chính là do môi trường nước đã có dấu hiệu ô nhiễm.

Anh Trường ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh - người có thâm niên trong nghề nuôi cá tra bãi bồi- khẳng định: “Khi môi trường nước bị ô nhiễm thì chắc chắn những người nuôi cá chúng tôi cũng không còn cơ hội theo nghề được. Bản thân chúng tôi luôn ý thức được việc giữ gìn môi trường nước. Tuy nhiên, quy định cho cá ăn thức ăn công nghiệp thì dễ thực hiện, nhưng còn giải pháp làm ao xử lý nước thải quả thật là vấn đề nan giải, vì chi phí cao. Nếu thực hiện đúng theo quy định này thì giá cá thịt phải lên đến mức 25.000đ/kg, người nuôi mới mong kiếm được lời...”.

Ông Hồ Thiện Phước, Trưởng Phòng Môi trường - Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Tháp, cho biết: “Hiện tại, tình hình ô nhiễm môi trường nước tại các khu vực nuôi cá tra bãi bồi đang ở giai đoạn đầu, nếu không thực thi những giải pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường nước ngay từ bây giờ thì khó tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra trong thời gian tới. Theo chúng tôi, ngoài việc quy hoạch quản lý chặt các vùng chăn nuôi thủy sản, bắt buộc các đơn vị, cá nhân chăn nuôi thủy sản phải thực hiện nghiêm chỉnh những giải pháp xử lý ô nhiễm, cụ thể như xử lý nguồn nước thải, lượng bùn thải khi vét đáy ao tại những nơi nuôi các bãi bồi. Tuy nhiên, để việc thực hiện có hiệu quả, rất cần sự áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài các biện pháp mạnh, chặt chẽ từ UBND tỉnh, chính quyền địa phương, thì ý thức phối hợp của người trực tiếp chăn nuôi thủy sản đóng vai trò rất quan trọng để những giải pháp đề ra trong việc góp phần cho kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước có khả thi... Nếu không thì môi trường nước sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng, người nuôi cá tra sẽ bị thiệt hại kép.

Bàn về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước trong vùng nuôi cá tra bãi bồi, theo ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Quy hoạch cụ thể các vùng chăn nuôi thủy sản; tổ chức thực hiện đề án xử lý ô nhiễm môi trường do phát triển chăn nuôi thủy sản. Đối với những dự án chăn nuôi thủy sản trên 10 ha phải có giải pháp xử lý nước thải, (diện tích ao xử lý nước thải phải đạt 20% diện tích ao nuôi cá). Các khu vực nuôi cá bãi bồi, nuôi các tra ao hầm thâm canh phải sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi. Đơn vị chăn nuôi phải sử dụng các chế phẩm sinh học khi xử lý ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi trồng thủy sản... Những nơi nào thi công trái phép, không phù hợp với quy hoạch sẽ đình chỉ, xử phạt hành chính. Song song đó, tiếp tục hướng dẫn cho người dân nuôi thủy sản sạch theo các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, kiểm soát đàn cá bố mẹ tốt, kiểm soát các quy trình sản xuất, sử dụng hóa chất, tăng cường quản lý dịch bệnh, môi trường dịch bệnh, đồng thời kiểm soát chặt các vi lượng kháng sinh...

Đ.TÂM - THÀNH NAM


Tiền Giang nhân giống thành công cua đinh

Nguồn tin: CT, 17/3/2007
Ngày cập nhật: 18/3/2007

Lần đầu tiên tại Tiền Giang, anh Nguyễn Văn Ka, cư ngụ tại thị trấn Cái Bè nuôi và nhân thành công cua đinh giống trong môi trường nuôi nhốt, góp phần khôi phục loài bò sát đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hiện anh có hai ao nuôi 350 con cua đinh, trong đó có 150 con cua đinh trọng lượng từ 3 đến 10 kg/con có thể sinh sản. Số còn lại là cua đinh giống trọng lượng 2 đến 3 gr/con.

Anh Ka dựa theo tập quán trên theo dõi cua đinh đẻ thu lấy trứng và ấp nhân tạo với tỷ lệ nở khá cao, khoảng 37%. Cua đinh thả nuôi trong ao được cho ăn cá biển hoặc cá đồng mua ngoài chợ thị trấn. Thỉnh thoảng cho ăn thêm một ít thức ăn phụ khác như cơm nguội. Mùa sinh đẻ trong năm 2006, anh thu và ấp 800 trứng cua đinh thì nở được 300 con. Số cua đinh con này đang được chăm sóc và phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Từ thành công trên, anh đang hoàn chỉnh qui trình cho đẻ, ấp nở và ương dưỡng để có nguồn con giống cung cấp cho nhu cầu nuôi cua đinh trong tương lai.

MINH TRÍ (TTXVN)


An Giang ươm thành công cá tra giống theo tiêu chuẩn SQF 1000

Nguồn tin: AG, 16/3/2007
Ngày cập nhật: 17/3/2007

Ông Ngô Hồng Khương , trưởng phòng NN-PTNN huyện Châu Phú, cho biết: Vừa qua Phòng NN-PTNT huyện Châu Phú phối hợp với Trung tân nghiên cứu sản xuất giống thuỷ sản và Sở Thuỷ sản An Giang đã nghiên cứu thành công loại cá tra giống theo tiêu chuẩn sạch SQF 1000. Để đạt tiêu chuẩn SQF 1000, nguồn gốc giống cá bố mẹ phải rõ ràng; thức ăn có xuất xứ rõ ràng, còn trong hạn sử dụng, không pha trộn hoá chất bị cấm sử dụng, không có hormon tăng trưởng … Khi cá xuất hiện bệnh phải xác định được do thức ăn , do giống hay do nguồn nước không sạch. Về giống , không nên mua cá cùng 1 vùng ; 1 ấp hay 1 xã (tránh đồng huyết); khi thay nước chỉ thay vào nước lớn sạch hơn… Ông Khương cho biết thêm: Hiện tại huyện Châu Phú có 2 cơ sở sản xuất ươm con giống theo tiêu chuẩn SQF 1000 rộng 65ha, mỗi năm bán ra 120 triệu con cá giống , đảm bảo cung cấp đủ cho toàn huyện trên 364 ha nuôi cá tra hầm. Năm 2008 Phòng NN-PTNT huyện khuyến khích 100% hộ nuôi cá tra chuyển sang nuôi loại cá giống theo tiêu chuẩn SQF 1000.

Vào thời điểm này con cá tra nuôi hầm đang ở mức giá cao, đã kéo theo con cá tra giống cũng tăng cao.


Giá cá tra tăng cao, nông dân bán cả cá chưa đạt trọng lượng

Nguồn tin: AG, 16/3/2007
Ngày cập nhật: 17/3/2007

Trước nhu cầu thị trường đang tăng cao và doanh nghiệp phải hoàn tất các hợp đồng ký kết nên đã đẩy mạnh mua cá tra, ba sa chế biến xuất khẩu. Từ đó, giá cá tra nuôi hầm thịt trắng đã tăng kỷ lục với giá thương lái mua vào từ 16 đến 17 ngàn đồng/ kg, trong khi cùng kỳ chỉ 11 ngàn đồng/ kg. Nhiều nơi, nông dân sẵn sàng bán cả cá “non” khi chỉ mới đạt trọng lượng 0,8-0,9kg/ con nên dự báo sẽ càng làm thiếu hụt cá nguyên liệu chế biến trong thời gian tới.

Năng lực chế biến của các nhà máy trong tỉnh khoảng 18 ngàn tấn/ tháng nhưng trong tháng 2-2007 chỉ thu hoạch 14.300 tấn cá tra.

QUANG DUY


Bến Tre: Nuôi cá chẽm bằng thức ăn công nghiệp

Nguồn tin: CT, 15/3/2007
Ngày cập nhật: 16/3/2007

Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Ca Đét Bình Đại (xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, Bến Tre) thuộc Trung tâm Khuyến ngư Bến Tre đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá chẽm thực nghiệm bằng thức ăn công nghiệp. Các kỹ sư ở đây tiến hành nuôi cá chẽm trong ao cá diện tích 8.000m2, chia làm 4 lô, trong đó 3 lô nuôi bằng thức ăn viên công nghiệp và 1 lô đối chứng nuôi bằng thức ăn thủy sản tươi sống. Lượng cá giống thả nuôi là 6.380 con, tỷ lệ sống đạt 58%, thời gian nuôi 8 tháng, trọng lượng bình quân khi thu hoạch đạt 540 gam/con, sản lượng thu hoạch đạt 2 tấn. Với giá cá chẽm thương phẩm bình quân bán được 40.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về hơn 30 triệu đồng.

Cá chẽm thương phẩm nuôi thâm canh bằng thức ăn viên công nghiệp có nhiều ưu điểm hơn khi dùng thức ăn là thủy sản tươi sống, như: tăng trọng nhanh, màu sắc đẹp, đồng cỡ, ít ô nhiễm môi trường...

C.D


Sự cố tràn dầu ở Tiền Giang: Sân nghêu... kêu cứu!

Nguồn tin: TT, 16/3/2007
Ngày cập nhật: 16/3/2007

Hơn 1.300ha đất cồn bãi thả nuôi nghêu của huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang đối mặt với hiểm họa vết dầu loang trên biển. Nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỉ đồng hiển hiện trước mắt.

Tai họa từ phía biển

Sáng 15-3, chúng tôi về vùng duyên hải Gò Công (Tiền Giang). Trên suốt dải bờ biển dài hơn chục cây số, từ Tân Điền đến Tân Thành tới đâu cũng nghe người dân râm ran lo lắng chuyện dầu tràn bám đen trên bãi biển, chuyện nghêu chết, sò chết. Người dân vùng ven biển Gò Công âu lo.

Tại vùng đê biển xung yếu Tân Điền dầu bám đen trên đá bờ kè. Dọc bờ biển từ Tân Điền xuống Tân Thành dầu vón cục nằm vương vãi khắp nơi trên bãi cát, cách mép nước chưa đầy chục mét. Nhiều nơi như ở ấp Cây Bàng, dưới biển nước trong xanh nhưng trên bãi cát những vệt dầu lớn nhỏ đen sì trải dài ngút tầm mắt. Rải rác đó đây là những đám vỏ nghêu chết bị sóng biển đánh tấp vào bờ, nằm chỏng chơ dưới nắng.

Ông Ba Ra ở ấp Tân Phú (xã Tân Thành) cho biết gần tuần lễ nay người dân, đặc biệt là những người nuôi nghêu, hoang mang cực độ vì không biết dầu từ đâu trôi theo sóng biển tấp vào dày đặc trên bãi, dẻo quẹo và đen như hắc ín, nhiều nơi dầu nổi váng dập dềnh theo sóng biển đe dọa các sân nghêu rộng mênh mông. “Nghêu rất nhạy cảm với môi trường nước ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm dầu. Tình trạng này nếu kéo thêm vài ngày thì khả năng sân nghêu thiệt hại nặng khó tránh khỏi” - ông Ba Ra lo lắng. Ở khu vực giáp ranh giữa cồn Ông Liễu và cồn ông Mão thuộc ấp Cầu Muống, ông Nguyễn Minh Tân, chủ 3ha sân nghêu, cho biết đã bị nhiễm dầu hơn 50% diện tích. “Ba hôm nay đi thăm sân nghêu tui thấy đã có tình trạng nghêu chết nhả vỏ nổi đầy trên mặt nước, lo quá” - ông Tân rầu rĩ.

Ông Nguyễn Văn Ron, phó trưởng Ban quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông, đưa chúng tôi xuống bãi biển thuộc khu vực cồn ông Mão - nơi có hơn 300ha đất nuôi nghêu. Chỉ cho chúng tôi xem những vệt dầu đen bám dày đặc trên bãi cát rộng mênh mông, ông Ron nói: “Thật khó hiểu, ban ngày không thấy dầu trôi vào. Nhưng sau một đêm sáng ra thì dầu vón cục khắp nơi trên bãi cát, không thể biết dầu xuất hiện từ đâu mà mỗi ngày một nhiều”. Có người suy đoán: chắc do nhiệt độ ban đêm lạnh, dầu loãng trong nước cô đặc lại, vón thành cục.

Nguy cơ mất tiền tỉ

Sân nghêu Tân Thành, Gò Công có tổng diện tích trên 2.000ha bãi bồi nhưng hiện nay chỉ có hơn 1.300ha đang thả nuôi nghêu. Theo các chủ sân nghêu Tân Thành, hiện tại mỗi hecta nuôi nghêu đầu tư tối thiểu 200 triệu đồng, nếu không có điều gì bất trắc đến khi thu hoạch sẽ đạt năng suất khoảng 30 tấn/ha, bán với giá 15 triệu đồng/tấn, thu nhập khoảng 450 triệu đồng/ha. Hiểm họa tràn dầu đang buộc dân nuôi nghêu Tân Thành phải đối mặt với nguy cơ mất trắng hàng trăm tỉ đồng nếu nghêu bị chết do ô nhiễm dầu. Ông Nguyễn Văn Ron cho biết tuy khu vực cồn ông Mão và toàn bộ sân nghêu Tân Thành chưa xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt do nhiễm dầu nhưng điều này rất có thể xảy ra. “Hiện nay biển đang chuyển mùa nam, nước sẽ rút cạn xuống bãi, trời lặng gió và nắng nóng gay gắt. Năm nào đến mùa này cũng xảy ra hiện tượng nghêu chết do thời tiết bất lợi, nhưng năm nay nếu những yếu tố này kết hợp với ô nhiễm dầu trên diện rộng thì người nuôi nghêu sẽ thiệt hại rất nặng” - ông Ron nói.

Giải pháp nào để hạn chế ô nhiễm dầu trên sân nghêu giúp người nuôi nghêu không lâm cảnh trắng tay? Ông Huỳnh Văn Vinh, trưởng Phòng Thủy sản huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, lắc đầu: “Bó tay, dầu từ ngoài biển tràn vô, không có bất kỳ giải pháp nào gọi là khả thi để ngăn chặn”. Tuy nhiên ông Vinh cũng đưa ra vài khuyến cáo “có tính chữa cháy” nếu lượng dầu xuất hiện quá nhiều trên bãi biển thì các địa phương phải huy động lực lượng tổ chức thu gom, tuy không hiệu quả nhưng cũng giảm phần nào tác hại. Riêng các chủ sân nghêu, nếu không có khả năng cứu vãn tình thế thì nên thu hoạch nghêu sớm. “Thà thu hoạch non bán đổ bán tháo vẫn gỡ vốn được chút ít còn hơn để nghêu chết sạch, trắng tay, thua lỗ nặng nề” - ông Vinh nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Minh Tân cho biết hiện tại nghêu trên các sân chỉ mới đạt trọng lượng khoảng 80 con/kg, trong khi nghêu thịt có thể thu hoạch phải đạt trọng lượng 30-60 con/kg, bán lỗ là cái chắc. “Để xem tình hình vài hôm nữa coi sao, nếu không cứu được sân nghêu thì cũng phải bán non chứ không lẽ khoanh tay ngồi nhìn tiền tỉ trôi theo sóng biển” - nhiều chủ sân nghêu rầu rĩ nói.

HÙNG ANH


Dịch bệnh tôm sú tiếp tục bùng phát trên diện rộng

Nguồn tin: PY, 14/03/2007
Ngày cập nhật: 16/3/2007

Ngày 13/3, Sở Thủy sản Phú Yên cho biết, hiện diện tích tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở Phú Yên bị dịch bệnh đã lên đến 43,3ha, tăng 9 ha so với 4 ngày trước. Trong đó, diện tích tôm sú thả nuôi từ 10 ngày đến 1,5 tháng tuổi ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch bị bệnh chết trên 36ha, tương đương 50% diện tích đã thả nuôi trên toàn huyện Đông Hòa. Tại huyện Tuy An, tôm bệnh đã lây lan trên 7,3 ha, tập trung ở các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Ninh Đông và An Ninh Tây.

Trước thực trạng trên, Sở Thủy sản đã cấp tốc hỗ trợ 1 tấn Chlorine cho người nuôi tôm ở hai huyện Đông Hòa (720kg), Tuy An (280kg) để dập dịch; đồng thời lấy mẫu phân tích xác định nguyên nhân tôm chết chủ yếu do bệnh đốm trắng gây ra. Ngành thủy sản cũng đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động bà con tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho tôm. Tuy nhiên, dịch bệnh tôm vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, tiếp tục bùng phát lây lan trên diện rộng ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch.

NGUYÊN LƯU


Năm biện pháp quyết định hiệu quả nuôi tôm sú

Nguồn tin: ND, 15/3/2007
Ngày cập nhật: 15/3/2007

Từ năm 2000 đến nay, ông Châu Ngọc Tòng, nông dân ấp Trà Teo, xã Hòa Đông (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng), nuôi tôm sú đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Châu Ngọc Tòng, để nuôi tôm sú đạt hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần thực hiện tốt năm biện pháp sau:

- Cải tạo ao, đầm nuôi tôm: Phải bảo đảm đúng kỹ thuật, chỉ nên nuôi tôm một vụ trong năm để ao có thời gian nghỉ, tạo môi trường ổn định cho vụ nuôi sau đạt hiệu quả. Khi thả tôm giống cần quan sát thời tiết, môi trường nguồn nước và độ mặn.

- Bố trí diện tích ao nuôi tôm: Cần có hệ thống ao lắng tương xứng để bảo đảm cấp, thay nước khi cần thiết, cần có khu vực chứa bùn thải trong quá trình cải tạo ao để tránh ô nhiễm môi trường ao nuôi.

- Mật độ thả tôm giống: Không quá 20 con/m2, sẽ phù hợp trình độ quản lý, đặc điểm sinh trưởng của tôm nuôi, thời gian thả tôm giống đến khi thu hoạch tôm khoảng 120-140 ngày.

- Lắp đặt thiết bị trong ao nuôi: Phải tùy theo hiện trạng, hình dạng ao nuôi để gom được các chất thải theo mong muốn. Số cánh quạt nước trong ao nuôi để bổ sung ô-xy hợp lý nhất một cánh/2.000 con tôm.

- Quản lý chất lượng nước: Tùy theo nguồn nước mặn từng năm mà đưa ra quy trình nuôi và xử lý cho phù hợp, nhất là ứng dụng các chế phẩm vi sinh theo sự khuyến cáo của ngành thủy sản.

Trung tâm khuyến ngư Quốc gia


Bà Rịa - Vũng Tàu: tôm giống chết hàng loạt

Nguồn tin: TT, 15/03/2007
Ngày cập nhật: 15/3/2007

Trong quá trình khảo sát tác động môi trường sau sự cố tràn dầu (Tuổi Trẻ đã đưa tin), Sở Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận có dấu hiệu tôm giống chết hàng loạt.

Hiện tượng này xảy ra cùng lúc ở hàng chục trại nuôi tôm giống nằm ven biển khu vực Dinh Cô, Mộ Cô thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền. Sở Thủy sản đã lấy mẫu nước, mẫu vật phẩm gửi đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân.

Ông Nguyễn Thanh Cường, phó chánh thanh tra Sở Thủy sản, cho biết mặc dù chưa xác định được nguyên nhân tôm giống chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước hay dịch bệnh, nhưng sở vẫn đưa ra khuyến cáo các trang trại tạm ngưng kế hoạch nuôi trồng để chờ kết luận.

BÌNH MINH


Đổ xô săn đất làm ao

Nguồn tin: TT, 15/03/2007
Ngày cập nhật: 15/3/2007

TT - Cá tra, cá ba sa lên giá khiến dân ĐBSCL giờ đây cũng đang lên cơn sốt tìm đất nuôi cá. Ở các quán cà phê có wireless, dân đồng bằng ống thấp ống cao gõ laptop, vào Wikimapia “săn” những miếng đất đẹp dọc sông Tiền, sông Hậu.

Tìm đất trên... Wikimapia

Tôi theo Hòa - một tay đang “săn” đất - vào một quán cà phê. Nhiều người tụm năm, tụm ba vào một chiếc máy tính xách tay lướt web. Lọng cọng một chút nhưng mấy tay nông dân lướt web cũng chuẩn ra phết. Vào trang Wikimapia, những dải đất dọc sông Tiền, sông Hậu hiện ra. Đây là trang web địa hình được ghi lại bằng không ảnh. “Nhìn vào đây là thấy cả ĐBSCL, bao nhiêu cù lao, ở khu vực nào đầu tư, xây dựng ra sao biết hết” - Hòa nói. Cả nhóm chỉ trỏ, bàn tán và xem cận cảnh từng dải đất, “chấm” tên mình lên đó để đăng ký làm dấu. “Nhờ cái này tụi tôi mới hình dung được khu đất nào ngon, thuận lợi cho việc nuôi cá. Chấm được trên bản đồ rồi mới tính cách tiếp cận khu vực đó” - Hòa giải thích.

Nhóm của Hòa chọn rất nhiều vị trí, chủ yếu là các vạt đất cặp sông Hậu, đoạn từ Thốt Nốt (Cần Thơ) về đến địa phận tỉnh Trà Vinh, trong đó chủ yếu “chấm” các khu vực có cồn. Cứ chọn được một vị trí thì có người trong nhóm móc điện thoại gọi ngay cho người thân ở khu vực, nhờ tìm hiểu xem đất đai thổ nhưỡng, dòng nước ra sao; giá cả thế nào... Hòa hào hứng: “Chỉ cần click chuột là biết địa thế, vị trí, khỏi cần băn khoăn gì thêm. Cái còn lại là giá cả, thuận giá là “OK” liền”.

Cả nhóm đưa tôi đi “du lịch” các dải đất cặp sông Hậu bên bờ phía Đồng Tháp, cù lao Tân Lộc, bờ Vĩnh Long, cồn Khương, cồn Linh và nhiều cồn khác nữa rồi giải thích: chỉ có đất cặp sông Tiền và sông Hậu nuôi cá tra tốt nhất, trong đó đoạn từ Thốt Nốt về giáp tỉnh Trà Vinh là tuyệt vời. Theo Hòa, vì khu vực này có nguồn nước ổn định, tốt, dòng chảy mạnh tạo không khí cho cá thở, không bị ô nhiễm. Còn đoạn trên An Giang nước cạn hơn nên giá thành có thể cao hơn. Hòa cho biết: anh và các bạn vừa mua được 10ha đất tại Đồng Tháp (cặp sông Hậu) và hiện đang nuôi cá. Cả nhóm cũng đang “nghía” một cù lao khác trên tuyến sông Hậu và đang lập thủ tục thuê hẳn cù lao này trong vài chục năm.

Nhìn trên không ảnh thấy đất cặp sông Hậu, sông Tiền rộng mênh mông, các cù lao xanh rì nhưng muốn vào không phải chuyện dễ. Nhiều nhóm “chấm” vị trí hẳn hoi nhưng khi đến nơi thì đã có người khác nhảy vào trước, hoặc giá đất được “hét”... trên trời.

Giá đất ngất trời!

Năm 2006, giá cá tra lên 15.000 đồng/kg trong khi giá thành làm ra chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nên nông dân... đếm tiền mỏi tay. Nhiều nông dân tậu xe hơi, canô chạy nhoang nhoáng trên bờ, dưới nước. Đến thời điểm này, giá cá tra đã trên 17.000 đồng/kg càng làm cho đất hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu, nhất là các cồn, thêm nóng bỏng.

“Nóng” nhất có lẽ là cù lao Tân Lộc, có thể ví là cái lò lửa về giá đất cũng không ngoa. Đất nuôi cá tốt có giá 280 triệu đồng/công (1.000m2), tức gần 3 tỉ đồng mỗi hecta. Còn khu vực cồn Sơn khoảng 200 triệu đồng/công, những nơi khác khoảng 180 triệu đồng/công, tùy loại đất, vị trí thuận lợi như thế nào... Nông dân bán đất, cũng như người đầu tư mua đất, bây giờ không ai trả giá bạc triệu, chục triệu đồng mà mỗi lần lên xuống cũng cả trăm triệu đồng mỗi hecta.

Chị Lê Thị Thê ở cù lao Tân Lộc cho biết năm ngoái chị trúng đậm khoảng vài chục tỉ đồng từ nuôi cá tra. Thấy giá cá tra lên cao có lời lớn, nhiều người không kinh nghiệm, không vốn liếng cũng nhảy vào đầu tư mua đất. “Nhưng không dễ ăn đâu - chị Thê nói - Năm nay giá cá giống tăng từ 600đ lên gần 2.000đ/con. Cám, dầu, thức ăn cũng lên...

Cách đây ba năm, giá đất khoảng 50 triệu đồng/công, nay tăng lên 200 triệu đồng/công. Chỉ riêng mua đất, đào ao nuôi cá, 1ha đất tốn hơn 2,5 tỉ đồng, còn tiền đầu tư con giống, thức ăn, các chi phí khác, nếu tính ra nuôi 1ha cá tra phải đầu tư 3-4 tỉ đồng nữa, ngót nghét cũng 5-6 tỉ đồng từ khâu đất đai đến nuôi ra 1ha đạt 300 tấn cá”. Tuy nhiên theo chị, nếu suôn sẻ và giá cá như hiện nay thì có thể kiếm lãi 700 triệu - 1 tỉ đồng/ha.

Ở Tân Lộc, người chưa có đất nuôi cá thì phá vườn cây ăn trái để lên ao, dân ở xứ khác thì đến hỏi mua đất ào ào. Trước đây giá chỉ vài cây vàng (9999) một công đất thì nay đã lên đến 14 cây vàng/công, có nơi 18 cây vàng/công. Nhiều vườn nhãn bị đốn trụi, máy xúc đất đào xới ầm ầm. Đất mắc nhưng người ta vẫn mua vì tính với giá cá hiện nay thì sau một năm có thể thu hồi vốn.

Rảo một vòng sông Hậu, chúng tôi thấy hai bên bờ sông, từ Thốt Nốt đến địa phận tỉnh Trà Vinh, nhiều máy đào ao, máy xúc đất, xáng cạp hoạt động ầm ầm. Anh Lê Văn Thanh, một nông dân ở huyện Bình Minh, cho biết cứ để giá 180-200 triệu đồng/công đất ven sông Hậu thì bao nhiêu cũng hết.

Việc phát triển, đầu tư nuôi cá tra quá “nóng” như hiện nay khiến chính quyền lo âu. Nhiều nơi như cù lao Tân Lộc đã “vỡ” qui hoạch đất nuôi trồng thủy sản khi người dân rầm rộ đào ao. Một người nuôi cá lâu năm cho biết giá cá hiện tại hơn 17.000đ/kg nhưng giá thành làm ra cũng bị nâng lên trên 14.000đ/kg do mọi chi phí đều tăng theo. Chính vì thế giá cá biến động trong thời gian tới sẽ gây rất nhiều khó khăn cho người nuôi. Nhưng đó là chuyện chưa tới. Còn hiện tại người dân vẫn cứ lên mạng “săn” đất hằng ngày dù giá đất nông nghiệp đã được tính bằng tiền tỉ.

PHƯƠNG NGUYÊN


An Giang: Xây dựng công trình thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản khu vực giữa sông Tiền-sông Hậu

Nguồn tin: QĐND, 12/03/2007
Ngày cập nhật: 13/3/2007

Sở Thủy sản An Giang phối hợp với các huyện Cù lao An Phú, Tân Châu, Phú Tân và Chợ Mới triển khai dự án xây dựng công trình thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu với tổng diện tích quy hoạch 1.014ha, trong đó diện tích nuôi 561ha, tổng vốn đầu tư 47 tỷ 533 triệu đồng. Địa điểm dự án thuộc 4 huyện nói trên thực hiện từ nay đến năm 2010.

Dự án sẽ xây dựng hệ thống kênh tiêu nước riêng biệt với hệ thống cấp nước cho ao nuôi, thông ra sông bằng hệ thống cống, các hộ nuôi có ao xử lý nước thải (ao lắng) để xử lý nước thải trước khi thải ra sông, kênh; tập huấn công nhân chăm sóc cá để có chế độ cho cá ăn vừa đủ, không để lượng thức ăn dư thừa gây thất thoát và làm ô nhiễm môi trường nước và đất vùng nuôi. Hằng năm, cơ quan môi trường tổ chức quan trắc chất lượng nước, lấy mẫu nước để đánh giá chất lượng nước thải.

Dự án sau khi hoàn thành làm nền tảng phát triển vùng nguyên liệu cho ngành chế biến thủy sản theo xu thế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm cá tra theo các tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh mở rộng nhà máy, nâng cao công suất chế biến, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

TỐ QUYÊN


Quy hoạch làng cá bè trên sông Đồng Nai: Biện pháp phát triển bền vững làng nghề...

Nguồn tin: ĐN, 08/03/2007
Ngày cập nhật: 13/3/2007

Trước tình trạng các bè cá phát triển một cách tự phát trên sông Đồng Nai, góp phần gây ô nhiễm dòng sông, TP. Biên Hòa đã xây dựng và ban hành quy hoạch làng cá bè trên địa bàn thành phố. Đây được xem là biện pháp để ổn định, phát triển bền vững và giảm thiểu những tác động đến môi trường trên sông Đồng Nai.

Một góc làng cá bè trên sông Đồng Nai.(Ảnh : Đ.T)

* Sẽ giảm số lượng bè cá trên sông

Đoạn sông Đồng Nai qua TP. Biên Hòa dài khoảng 10km. Việc nuôi cá bè trên sông Đồng Nai phát triển khá mạnh do sông có lưu lượng nước lớn, dòng chảy thích hợp nhờ có sự điều tiết của các hồ thủy điện ở thượng nguồn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng nuôi cá bè dọc sông Đồng Nai, đoạn qua TP. Biên Hòa phát triển một cách tự phát, số lượng bè quá nhiều và vị trí đặt bè không phù hợp đã góp phần làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước sông Đồng Nai và mỹ quan đô thị. Theo thống kê mới nhất cho biết, thành phố hiện có 867 bè cá của 359 hộ tập trung chủ yếu ở 9 phường, xã ven sông. Đáng lưu ý là trong số này có khoảng 191 hộ sống trực tiếp trên bè, nước thải sinh hoạt được đổ trực tiếp xuống dòng sông. Mật độ bè dày đặc đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, góp phần gây ra ô nhiễm.

Qua khảo sát thực trạng sản xuất hiện tại, các đánh giá về chất lượng nước cũng như về cảnh quan dọc hai bờ sông, TP. Biên Hòa đã quy hoạch làng cá bè theo hướng thu hẹp, giảm số bè cá xuống 251 bè. Số lượng bè này sẽ được bố trí chủ yếu tại khu vực xã Hiệp Hòa (với 226 bè), còn lại 25 bè được bố trí tại phường Long Bình Tân. Các bè cá tại xã Hiệp Hòa được sắp xếp dọc theo bờ hữu ngạn sông Cái từ Rạch Cát đến bến đò Kho. 25 bè tại phường Long Bình Tân được sắp xếp về phía bờ thuộc cù lao Ba Xê và phía bờ tả ngạn sông Đồng Nai thuộc địa bàn phường. Phương án này được đánh giá là phù hợp với chương trình phát triển thủy sản của tỉnh đến năm 2010, giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo cảnh quan hài hòa, thời gian hoàn vốn đầu tư nhanh. Quy hoạch vừa được phê duyệt cũng quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật nuôi bè, trong đó có việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong suốt quá trình nuôi để giảm thiểu ô nhiễm. Số lao động trên bè chỉ từ 1 - 2 lao động, giảm thiểu tối đa chất thải xuống dòng sông; bảo vệ tốt môi trường và sinh thái, nhằm góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, đảm bảo cảnh quan của thành phố.

* Tạo điều kiện cho người nuôi cá thực hiện đúng quy hoạch

Quy hoạch mặc dù đã được phê duyệt và công bố, nhưng điều làm người dân quan tâm nhất vẫn chính là lộ trình thực hiện quy hoạch. Tại buổi công bố quy hoạch, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Phú Cường đã chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc sớm xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai quy hoạch này. Theo đó, các ngành chức năng của thành phố cần điều tra, xây dựng tiêu chí làng cá bè phù hợp, chuyển đổi ngành nghề cho các hộ ngưng nuôi cá bè. Số lượng bè hiện cao gấp 3 lần so với số lượng bè quy hoạch, do vậy sẽ có nhiều bè bị giải tỏa. Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng làm tốt công tác giải tỏa theo quy hoạch, tránh những tiêu cực trong triển khai thực hiện. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. Biên Hòa cũng yêu cầu Đảng ủy, UBND các phường, xã có liên quan phải quan tâm thực hiện đúng quy hoạch, không để người dân cảm thấy đây là quy hoạch "treo". Trong đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân ý thức thực hiện, chấp hành quy hoạch và nhất là phải tạo điều kiện để người nuôi cá ổn định, yên tâm làm ăn, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố theo đúng hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

Minh Chánh


Tuy An: dịch bệnh tôm tiếp tục lây lan

Nguồn tin: PY, 12/3/2007
Ngày cập nhật: 12/3/2007

Dịch bệnh tôm ở huyện Tuy An tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan nhanh. Hiện đã có hơn 4,4 ha tôm nuôi ở các xã An Hòa, An Cư, An Hiệp, An Ninh Tây và An Ninh Đông bị mắc bệnh thân đó, đốm trắng.

Trước đó, đã có hơn 1 ha tôm nuôi ở Tuy An bị chết. Huyện Tuy An đã hỗ trợ 140 kg Clorin để dập dịch tại các địa phương trên; đồng thời yêu cầu các địa phương, hộ nuôi tôm trong huyện tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan sang diện rộng.

KHẮC NHO


An Giang: Hội nghị phát triển giống thủy sản giai đoạn 2007-2010: Chất lượng giống thủy sản là vấn đề đáng lo ngại

Nguồn tin: AG, 9/3/2007
Ngày cập nhật: 12/3/2007

Sáng 5-3 vừa qua, Hội nghị phát triển giống thủy sản giai đoạn 2007-2010 tổ chức tại hội trường UBND tỉnh An Giang đã thu hút đông đảo các cơ sở sản xuất tôm và cá giống, các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thị. Đại diện Hội nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học An Giang và Sở Thủy sản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đến dự.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Thủy sản An Giang Nguyễn Văn Thạnh cho biết, năm 2006 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh An Giang đạt 253 triệu USD (tăng gấp đôi năm 2005), trong đó, sản lượng cá tra nuôi đạt 145.412 tấn và 750 tấn tôm càng xanh. Toàn tỉnh có 12 cơ sở ươm giống cá tra bột (2 tỷ cá bột/năm) và 600 cơ sở sản xuất cá tra giống cung ứng 200-300 triệu con giống/năm, đáp ứng 70% nhu cầu con giống thả nuôi của nông dân. Riêng giống tôm càng xanh, có 19 cơ sở sản xuất năng lực cung ứng 30-40 triệu con post/năm, đáp ứng 50% nhu cầu nuôi cho nông dân. Phần thiếu hụt, nông dân tự mua con giống ngoài tỉnh, trôi nổi trên thị trường, giống chưa qua kiểm dịch, kém chất lượng nên tỷ lệ hao hụt cao, làm tổn thất lớn cho nông dân.

Kế hoạch phát triển nuôi thủy sản của tỉnh An Giang đến năm 2010, sản lượng cá tra nuôi phải đạt 353.079 tấn và 2.688 ha tôm càng xanh. Vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận tại hội nghị là chất lượng con giống bố mẹ phải đảm bảo mới tạo ra con giống chất lượng cho người nuôi. Ngành Thủy sản kiến nghị với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cung ứng con giống bố mẹ và UBND tỉnh hỗ trợ vốn để ngành Thủy sản bổ sung đàn cá tra giống bố mẹ 17.500 con và đầu tư mới 12 trang trại sản xuất tôm post. Đồng thời, ngành Thủy sản huấn luyện quy trình sản xuất giống theo tiêu chuẩn SQF 1000, đeo thẻ và kiểm tra định kỳ con giống bố mẹ để loại bỏ con giống không đạt tiêu chuẩn, tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống xuất-nhập tỉnh nhằm đảm bảo con giống tốt cho người nuôi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thế Năng, chất lượng giống thủy sản đang là vấn đề lo ngại cho cả khu vực ĐBSCL. Hiện thời, cá tra nguyên liệu đang có giá, nên nông dân sẽ mở rộng diện tích nuôi. Năm 2007, sản lượng toàn vùng ước khoảng hơn một triệu tấn, nhu cầu con giống tăng sẽ kéo theo tăng giá nhưng chất lượng không đảm bảo cho người nuôi. Ông Huỳnh Thế Năng đề nghị, sắp tới ngành Thủy sản phải xây dựng hệ thống quản lý giống ba cấp, Nhà nước nắm giữ công nghệ để chuyển giao xã hội hóa nhân giống, đồng thời ghi nhận những kiến nghị của ngành Thủy sản.

HÒA BÌNH


Quảng Nam: Hơn 100ha tôm "đốt lịch" thời vụ

Nguồn tin: LĐ, 12/03/2007
Ngày cập nhật: 12/3/2007

Tin từ Sở Thuỷ sản ngày 11.3: Tuy lịch thời vụ ấn định từ ngày 10.3, nhưng vẫn có 110ha tôm đã được người dân thả nuôi trước lịch, tập trung tại Tam Kỳ (60ha) và Núi Thành (50ha).

Chính quyền địa phương đã lập biên bản, yêu cầu các hộ nuôi tôm "đốt lịch" ký cam kết trong quá trình nuôi, nếu có tôm bị bệnh thì tuyệt đối không được xả nước ra môi trường, thay vì buộc phải tiêu huỷ theo quy định.

T.T.Thư


Đồng bằng sông Cửu Long : Giá cá tra nguyên liệu tăng cao

Nguồn tin: SGGP, 12/03/2007
Ngày cập nhật: 12/3/2007


Phú Yên: Dịch bệnh đốm trắng trên tôm sú đang lan nhanh

Nguồn tin: SGGP, 09/03/2007
Ngày cập nhật: 11/3/2007

Dịch bệnh đốm trắng trên tôm sú (1,5- 2 tháng tuổi) ở vùng đồng tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) đang lây lan nhanh chưa từng thấy.

Theo thống kê, đến ngày 8-3, số diện tích tôm bị dịch đã lên đến 30ha, tăng gần gấp đôi so với tuần trước. Mức thiệt hại từ 25-30 triệu đồng/ha. Nguyên nhân tôm bị dịch bệnh bước đầu được xác định là do người nuôi thả tôm giống không qua kiểm dịch, trong khi đó thời tiết lạnh, tôm kém ăn, lượng thức ăn dư thừa trong ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước; khi bùng phát dịch, người nuôi tự ý tháo nước thải ra ngoài, khiến dịch lây lan nhanh.

Trước tình hình trên, huyện Đông Hòa đã ra thông báo dừng việc thả nuôi tôm sú ở vùng này.

Tr.L.V


Nuôi cá như leo lên lưng cọp

Nguồn tin: TT, 11/03/2007
Ngày cập nhật: 11/3/2007

“Đã nuôi cá là leo lên lưng cọp, được thì phất, còn không thì đi ăn mày...!”

Ở vùng nuôi 500ha cá tra ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ), đi đến đâu tôi cũng nghe bà con bàn chuyện về cá.

Từ đầu vàm kênh Bò Ót cho đến cuối ngọn các con kênh tẻ, ao liền ao, ao lấn ruộng, ao đẩy vườn tược nhà cửa ra xa bờ kênh để nhường chỗ cho các trang trại cá mọc lên.

Chị Năm bán cà phê ngay đầu vàm Bò Ót nói ai nuôi cá năm nay cũng phất lên, có xe hơi nhà lầu, “không còn ủ rũ sáng say chiều xỉn như thời trồng lúa chờ tới vụ mới ra đồng thu hoạch đâu. Đã nuôi cá là leo lên lưng cọp, được thì phất, còn không thì đi ăn mày...!”.

Trại cá của ông Tư Theo ở ấp Thới Thuận. Ông Tư một thời chăn vịt nghèo rớt mồng tơi. Hôm nay ngày rằm, ông Tư đã đánh xế hộp đi ăn giỗ xa nhà. Bà Tư xởi lởi chào khách rồi đưa tôi ra thăm trại cá rộng 5ha, có hệ thống máy bơm nước, cối xay tự chế thức ăn viên cho cá, có ao cá thịt, cá giống, có nhà mát cho nhân công nghỉ trưa. Gia sản của bà hiện đã trên 20 tỉ đồng và chắc chắn sẽ vọt lên 25-30 tỉ nếu vụ này giá cá còn ở mức trên 17.000 đồng/kg.

Kể về mình, bà Tư vui vẻ nói: “Hai vợ chồng và cả dòng họ tui nuôi ương cá giống có cỡ đó! Nhờ có cá tra mà gia đình tôi thoát cảnh nợ nần, nghèo khó chứ mười năm trước khổ lắm! Nuôi vịt như ăn mày, đi khắp đồng, từ Cà Mau lên Châu Đốc, qua Kiên Giang nơi nào có lúa là có vịt tôi. Lúc trứng rớt giá, khi bị dịch bệnh, năm bảy ngàn con vịt chết sạch, cuộc sống khốn đốn. Quanh đi quẩn lại tui thấy tài sản của gia đình chỉ còn mỗi chữ tín”.

Bà Tư kể tiếp: “Lúc khốn khó, đem bằng khoán mấy công đất lên ngân hàng vay vốn dự định tiếp tục theo nghề vịt đàn thì được chú Tuấn - cán bộ ngân hàng nông nghiệp huyện - khuyên tui nên nuôi cá. Lúc đó vùng này số người nuôi cá chỉ đếm trên đầu ngón tay, ai cũng sợ phá sản. Tui có “sản” đâu mà phá, thế là liều một phen. May mắn ngay vụ đầu nhờ nuôi cá kỹ như nuôi vịt nên có lời. Bán cá được bao nhiêu tui gom hết tiền trả nợ ngân hàng.

Vụ sau tui lại liều thuê ao nuôi 40 tấn, gấp bốn lần vụ trước. Tưởng đâu đổi đời ai dè cá rớt giá. Một lần nữa tui lâm cảnh nợ tứ phía, nợ thức ăn, con giống, nợ ngân hàng, chỉ còn mấy cái miễu thổ thần là không nợ. Cũng nhờ chữ tín mà các chủ nợ không bỏ mình. Lúc đó vừa bán cá xong có bao nhiêu tui gom hết trả các chủ nợ, không kỳ kèo xin bớt, không trách móc, trốn tránh. Nhờ vậy mà tui có vốn nuôi cá trụ vững với nghề tới hôm nay!”.

Vợ chồng bà và ba người con vẫn phải cực thân cùng con cá. Trưa nắng gắt bà vẫn lê dép rảo quanh trại cá dài hàng chục kilômet đôn đốc nhân công, tối về lại kiểm tra sổ sách thống kê tình hình cá sống chết hao hụt ra sao. Sáng sớm khi vừa thức giấc, việc đầu tiên của vợ chồng bà là ra xem cá chìm hay nổi.

Ông Út Phương và Đinh Hưng ở Thới Thuận, Tân Lộc đã thu hoạch trên 400 tấn, lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng

Anh Dương Công Thận, 28 tuổi, con trai lớn của bà Tư, than: “Con cá như trói chân mình. Mấy ngày tết người dân ở đây chỉ quanh quẩn ra cá, vào cá, bởi có biết bao nhiêu thứ rủi ro rình rập ập đến”. Thận thật thà: “Mình dốt chữ, không giỏi tính toán như các công ty, doanh nghiệp, nếu không chịu cực đeo bám, chỉ cần bơm lầm con nước, trị lầm thuốc cá là khốn đốn ngay!”. “Khốn đốn...!”.

Câu nói này luôn ẩn hiện trong các câu chuyện của người nông dân... sống chết với cá tra. Như ông Hai Kiềng, người có 3ha ao cá, một thời tưởng đã phải bỏ xứ ra đi vì bị xiết nợ. Hai năm trước gia đình Hai Kiềng cũng như hàng trăm hộ dân trong ấp đi theo tiếng gọi “nuôi cá siêu lợi nhuận”. Kiềng đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng thuê xe côbe móc ao khởi nghiệp.

Đầu vụ cá có giá, vợ chồng Hai Kiềng cùng xóm giềng phấn chấn, anh em ngọt xớt, nhưng đến cuối vụ cá rớt cái rẹc, cả nhà cả xóm ảm đạm, con cái nheo nhóc không màng quan tâm. Ruộng lúa đã thành biển nước, muốn trở lại trồng tỉa cũng khó nên Hai Kiềng nhắm mắt vay thêm tiền vàng lãi suất 2% tiếp tục lao theo với cá.

Cuối năm 2005, sáng sớm khi chuẩn bị thu hoạch, nghe mấy ông “thời sự” đứng ngoài cửa báo hung tin “cá rớt giá, công ty hoãn mua”, vợ Hai Kiềng quị xỉu. Hai Kiềng đứng như trời trồng nhìn ao cá đang bị ối động ngao ngán. Hàng chục nông dân khác như Hai Hùng, Ba Dũng, Tư Cuộc lâm nạn “bán thì lỗ, không bán thì tốn tiền thức ăn, rồi khấu hao do cá chết trắng hầm... càng lỗ thêm!”.

Lúc đó có một nhóm nông dân “nổi dậy” đòi công lý, yêu cầu công ty phải thực hiện hợp đồng tiêu thụ cá, phải giữ chữ tín với nông dân. Cuộc giằng co “kẻ nắm cán, người nắm lưỡi” cứ đẩy đưa đã làm tình hình căng thẳng gay gắt. Chính quyền địa phương, hội nghề cá dàn xếp mãi không xong, phải đến khi giá cá bắt đầu nhích lên tình hình mới sáng sủa.

Sau đợt khủng hoảng lần thứ hai liên tiếp, trong xóm có hàng chục nông dân cụt vốn không khả năng trả nợ đã bỏ xứ ra đi đến nay vẫn bặt tăm. Riêng Hai Kiềng, Tư Cuộc, Tư Yêm và nhiều nông dân khác còn đất vẫn đeo bám quyết tâm theo nghề. Với họ, nuôi cá giờ đây như một định mệnh, là cơ may thoát nghèo làm giàu. Đứng bên ao nước bạc trắng cá tra, Hai Kiềng thú thật: “Hên xui thôi, may mà hai vụ vừa qua cá có giá trở lại, trả được bạc tỉ tiền nợ, có lãi cũng bạc tỉ, chứ không thì...”. Khác với các nông dân đại gia khác, Hai Kiềng không dám tậu xe hơi, cất biệt thự mà gom vốn để thủ thế phòng khi hữu sự bất ổn.

Khu trại cá của ông Sáu Hữu rộng đến 10ha. Khác với nhiều nông dân khác, Sáu Hữu cởi mở hơn khi nói về nghề cá lúc đang lên: “Tui vừa xây nhà máy chế biến thức ăn CP theo công nghệ tiên tiến, kéo điện 3 pha, mua thêm 3ha đất đầu tư khép kín toàn bộ qui trình nuôi. Vốn liếng tài sản từ cá tra giờ đã trên 25 tỉ đồng rồi. Chú muốn biết cụ thể để ngày mai tui lấy canô đưa chú đi coi mới xuể, trang trại nhiều nơi rộng lắm!”. Sáu Hữu khởi nghiệp bằng nghề xay xát, rồi nghề lò gạch nhưng vẫn không khá lên được.

Năm 1999, ông quyết định tận dụng một số ao lỏm chỏm đã được móc đất làm gạch để nuôi cá tra. Sẵn có đầu óc kinh doanh, ông tiếp cận sớm với các doanh nghiệp uy tín để hợp tác bán cá và gia công chế biến cá nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy. Trang trại cá của ông bây giờ thuộc dạng bề thế nhất vùng, trang trại ấy có ngôi biệt thự và hệ thống ao cá xanh rì như vườn sinh thái.

Lúc tôi đến, ông Hữu đang tiếp các chuyên gia lắp ráp dây chuyền sản xuất thức ăn viên nổi. Khi máy đang vận hành thử thì đột ngột bị cúp điện. Ông Hữu sốt ruột: “Thế là hư mẻ đầu tiên. Muốn công nghiệp hóa nghề nuôi cá tra thì phải có hệ thống thủy lợi, có mạng lưới điện quốc gia thuận lợi. Nhà nước đầu tư qui hoạch vẫn chưa bắt kịp sức phát triển của nghề cá trong vùng!”. Sáu Hữu nói giống hàng chục đại gia cá tra trong vùng nói với tôi.

Khác với vùng sâu trong các con kênh tẻ, ở ngoài cửa vàm sông Hậu và dọc cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, các chủ trang trại đầu tư bài bản hơn, cuộc sống “mại bản” hơn. Rót trà mời khách, Hải Thanh, một chủ doanh nghiệp nuôi cá uy tín thành đạt mới 28 tuổi, tâm sự: “Cá tra đã làm cho cả vùng Thốt Nốt phát triển. Hầu hết doanh nghiệp xay xát có vốn trước đây đều chuyển sang nuôi cá tra và trở nên giàu có.

Không ít đại gia đã liên kết hình thành khu công nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu, không còn lệ thuộc các công ty chế biến nhiều như trước”. Mỗi trang trại nuôi cá ven sông là một khu vườn sinh thái cá tra thoáng rộng, cảnh quan bắt mắt. Sống với cá tra phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn từng giờ từng phút, nên hầu hết các đại gia nơi đây đều tổ chức cho mình nơi làm việc khá đặc biệt. Vườn sinh thái của Hải Thanh được bố trí khá hài hòa, hàng cây, ao cá, hồ tắm, chim muông.

Lọt vào vườn sinh thái cá tra là lọt vào một thế giới mới lạ, ở đó chủ trại có thể quan sát quản lý các trại nuôi cá gần xa bằng hệ thống vi tính nội bộ. Nơi làm việc của các kỹ sư có phòng quan sát như đài không lưu nhìn ra bờ sông lộng gió lúc nào cũng rì rào tiếng cá tra đạp nước. Khu sinh thái ca tra của ông Bảy Viễn, ông Hiệp Thanh, Ngô Quang Trường, Út Phương... còn có hệ thống ao nuôi, nhà máy chế biến thức ăn, giao thông nội bộ cây xanh được xây dựng như những công viên du lịch thoáng sạch.

Nghề nuôi cá tra ở Thốt Nốt không còn bó hẹp trong phạm vi của xã huyện mà đã có sự liên kết giữa người nuôi, các công ty toàn vùng và thế giới. Mỗi trang trại là một thương hiệu khẳng định hiệu quả làm ăn và tự giới thiệu mình với các đối tác. Thông qua hệ thống mạng chào bán hàng và cập nhật thông tin giá cả hằng ngày, cư dân nuôi cá đã dần làm chủ tình hình. Trong huyện đã có ít nhất mười nông dân trở thành doanh nghiệp có vườn sinh thái cá tra và trang web riêng.

Dù vậy theo ông Ngô Quang Trường, người mỗi năm xuất hàng chục ngàn tấn cá tra, cho biết để cuộc sống với cá tra bền ổn, các nhà chế biến xuất khẩu nên công khai giá xuất ngay khi ký kết với đối tác nước ngoài, để giúp cộng đồng yên tâm đầu tư sản xuất không bị thấp thỏm lo âu về giá.

... Từ bờ sông Hậu vào sâu các con kênh tẻ dẫn nước vào ruộng lúa, tôi nghe tiếng máy bơm nước vào ao cá lan tỏa như một khu công nghiệp “chói lóa” về đêm. Mùi thức ăn cá tra cũng át hẳn mùi hương lúa, mùi khói đồng đang vào mùa thu hoạch. Lại một vụ lúa, cá trúng giá sung túc tràn ngập vùng quê Hậu Giang.

Ông Phạm Viết Thuận, giám đốc Ngân hàng NN&PTNT huyện Thốt Nốt, cho biết: “Hiện ngân hàng đã cho trên 500 lượt hộ nông dân vay trên 150 tỉ đồng tiền nuôi cá, tăng 50% so với năm trước. Huyện cũng đã qui hoạch vùng nuôi và đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi tạo thêm nguồn nước cho nông dân nuôi cá. Đa số nông dân có đất, có uy tín, chí thú làm ăn đều có năng lực sản xuất và khả năng trả nợ.

Vay tiền càng nhiều uy tín càng lớn và chúng tôi luôn tin tưởng vào tiềm năng phát triển của con cá tra này!”. Ông Thuận nói năm nay nông dân sau khi bán cá có bao nhiêu tiền nhàn rỗi đều gửi ngân hàng, không để bị thụt két, chuẩn bị sẵn số vốn tái đầu tư sản xuất. Hiện ngành nông nghiệp huyện đang hỗ trợ vốn, kỹ thuật thông tin và cách thức kinh doanh phòng chống rủi ro cho các “chủ cá” thông qua các loại hình dịch vụ phát triển sản xuất.

QUANG VINH


Đông Hòa: Dịch bệnh tôm sú lây lan nhanh

Nguồn tin: Phú Yên, 9/3/2007
Ngày cập nhật: 11/3/2007

Theo Phòng Kinh tế huyện Đông Hòa, hiện diện tích tôm sú nuôi từ 1-1,5 tháng tuổi ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch bị bệnh chết đã lên đến 30ha, tăng gần gấp đôi so với tuần trước.

Trong đó, Hoà Hiệp Nam 13 ha, Hoà Tâm 15 ha, Hoà Xuân Đông 1,4 ha và Hoà Hiệp Trung 0,9 ha. Toàn bộ diện tích trên bị thiệt hại hoàn toàn với mức bình quân từ 25-30 triệu đồng/ha. Hiện tình hình dịch bệnh đang tiếp tục lây lan ra diện rộng, huyện đã ra thông báo tạm dừng việc thả nuôi trong thời gian này.

Qua lấy mẫu kiểm tra, Sở Thuỷ sản kết luận 2 mẫu ở vùng nuôi xã Hoà Hiệp Nam bị bệnh đốm trắng (tổng lượng Vibriô vượt quá giới hạn cho phép), 2 mẫu Hoà Tâm chưa xác định loại bệnh dịch nào. Theo Phòng Kinh tế Đông Hòa, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tôm bị bệnh dịch và lây lan rộng là do người nuôi thả tôm giống không qua kiểm dịch (nhất là kiểm dịch bệnh đốm trắng), trong khi đó do thời tiết lạnh, tôm kém ăn, lượng thức ăn dư thừa trong ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước; khi tôm bị bùng phát dịch người nuôi thiếu ý thức đã xả nước thải từ hồ bị dịch bệnh ra khiến dịch lây lan…

THANH HỘI


Nhân rộng mô hình xử lý nước thải ao nuôi tôm bằng phương pháp sinh học

Nguồn tin: Phú Yên, 3/3/2007
Ngày cập nhật: 11/3/2007

Ngày 2/3, tại xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Phú Yên đã tổ chức hội thảo đầu bờ vụ nuôi tôm sú năm 2007.

Đây là hội thảo thực hiện theo dự án “Xây dựng mô hình xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm thâm canh bằng phương pháp sinh học, góp phần bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vùng ven biển tỉnh Phú Yên” (ký hiệu VN/04/008), do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ.

Hơn 40 hộ nuôi tôm ở vùng cửa sông Đà Nông tham gia dự án được chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm bằng phương pháp sinh học (không sử dụng thuốc) liên hoàn khép kín đạt năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Được biết, trong năm 2006, dự án VN/04/008 được triển khai thực hiện 2 mô hình nuôi rong + cá + tôm sú (trên 3 hồ khép kín nguồn nước) và hồ thả tôm kết hợp đóng giai thả cá với tổng diện tích gần 4ha tại hạ lưu sông Bàn Thạch.

Kết quả có 5/6 hồ thu hoạch đạt năng suất cao, cá biệt có một hồ đạt năng suất 3,6 tấn/ha. Liên hiệp các hội KHKT Phú Yên vận động bà con nuôi tôm ở các xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông áp dụng và nhân rộng mô hình này.

Nguyên Lưu


Tiền Giang: Mở rộng diện tích nuôi nghêu xuất khẩu ở vùng bãi bồi ven biển

Nguồn tin: Tiền Giang, 9/3/2007
Ngày cập nhật: 11/3/2007

Theo phòng thủy sản huyện Gò Công Đông, năm 2007 huyện có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi nghêu phục vụ xuất khẩu ở vùng bãi bồi ven biển lên 2.300 ha, tăng 150 ha so với năm 2006, sản lượng nghêu đạt khoảng 20.000 tấn.

Ông Huỳnh Văn Vinh, trưởng phòng thủy sản huyện Gò Công Đông cho biết, phong trào nuôi nghêu vùng bãi bồi ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang thời gian gần đây ổn định, nhờ đầu vào đầu ra thuận lợi, nghêu nuôi phát triển tốt. Hiện nay, nghêu thịt đang trong giai đoạn thu hoạch và một số diện tích đang trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch. Giá nghêu thịt được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua ở mức 12.000 đến 15.000 đ/kg (cỡ nghêu 40 con/kg). Mặc dù, đã cho sinh sản thành công nghêu giống nhân tạo, nhưng vần đề nghêu giống phục vụ cho nhu cầu thả nuôi trên địa bàn huyện vẫn còn khá khan hiếm. Do đó, người nuôi phải mua nghêu giống ở các tỉnh như: Nam Định, Bến Tre, Vũng Tàu về thả nuôi.

Mới đây, Sở Thủy Sản tỉnh Tiền Giang được sự hỗ trợ của viện Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thủy Sản I đã tiếp nhận đề tài chuyển giao qui trình sản xuất nghêu giống. Bước đầu, Trại sản xuất giống Tân Thành đã sản xuất thành công 100 kg nghêu giống nhân tạo, mở ra hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi nghêu tại vùng ven biển Gò Công.


ĐBSCL thiếu cá tra giống

Nguồn tin: TT, 09/03/2007
Ngày cập nhật: 11/3/2007

Tình trạng khan hiếm cá tra giống ngày càng trầm trọng do người dân và các doanh nghiệp cùng phát triển thêm diện tích ao nuôi.

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh ước tính, với tốc độ đầu tư thả nuôi như hiện nay thì năm 2007 toàn vùng cần hơn 1 tỉ con cá tra giống, trong khi đó các cơ sở sản xuất giống mới đáp ứng khoảng 50-70%. Hiện nhiều ao nuôi đã bị bỏ trống do thiếu con giống. Cùng với nạn khan hiếm, cũng đã báo động tình trạng chất lượng giống kém.

ĐỨC VỊNH


Phú Yên: tôm hùm chết, thiệt hại trên 30 tỉ đồng

Nguồn tin: TT, 09/03/2007
Ngày cập nhật: 11/3/2007

Ngày 8-3, Sở Thủy sản Phú Yên cho biết hiện đã có hơn 3.800 lồng tôm hùm ở huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên - vùng nuôi tôm hùm lớn nhất miền Trung - bị dịch bệnh và đã có gần 83.500 con bị chết, tổng thiệt hại hơn 30 tỉ đồng.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Nghiên cứu thủy sản 3 (Bộ Thủy sản) cho biết nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt là do bệnh đục thân vì bị nhiễm vi bào tử trùng (Microsporidian) trong cơ với cường độ khá cao và ký sinh trùng (Hematodinium) trong máu.

C.N.P.Y.


Nuôi tôm sú ở ĐBSCL: những thay đổi cần thiết

Nguồn tin: ND, 10/3/2007
Ngày cập nhật: 11/3/2007

Rủi ro lớn nhất với nghề nuôi tôm các tỉnh ÐBSCL là tình trạng tôm chết chưa được kiểm soát. Thực tế cho thấy, nghề nuôi tôm sú ở ÐBSCL cần được tổ chức lại sản xuất.

Ðã bước vào thời điểm nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thả nuôi tôm sú. Những năm qua, nghề nuôi tôm sú ở vùng này đã nảy sinh nhiều khó khăn. Ðể phát triển bền vững nghề nuôi tôm sú ở ÐBSCL cần có sự định hướng và giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Lợi thế lớn

Vụ nuôi tôm năm 2006, anh Võ Quang Huy, nông dân xã Lưu Tú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) trúng đậm. Với 60 ha nuôi tôm sú công nghiệp, anh thu hoạch được 360 tấn tôm, lãi hơn 300 triệu đồng. Anh Huy phấn khởi: "Có được thành công như vụ nuôi tôm vừa rồi là do sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của mọi người. Nếu biết tổ chức lại, người nuôi tôm Sóc Trăng có thể khai thác tốt hơn tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS). Con tôm đã gắn bó với chúng tôi từ bao đời. Nếu không nuôi tôm, bà con không biết làm gì để kiếm sống. Vì vậy, chúng tôi đã liên kết, thành lập hiệp hội nuôi tôm, với hơn 100 hội viên, nuôi hơn 1.000 ha tôm."

Tỉnh Sóc Trăng có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển NTTS, có nhiều sông, bờ biển dài, có ba cửa sông lớn, địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa. Tỉnh hiện có hơn 100 nghìn ha mặt nước có thể đưa vào NTTS. Từ năm 1999, tỉnh đã quy hoạch tổng thể phát triển NTTS đến năm 2010. Theo đó, diện tích NTTS của tỉnh đến năm 2010 đạt 80 nghìn ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú chiếm 45 nghìn ha. Năm 2000, diện tích nuôi tôm sú đạt hơn 33 nghìn ha, năm 2006 lên gần 47.300 ha (trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp chiếm 871 ha). Năng suất nuôi tôm công nghiệp cũng tăng từ 2,1 tấn/ha (năm 2000) lên 3,2 tấn (năm 2006). Người nuôi tôm công vùng ven biển các huyện Vĩnh Châu, Long Phú, vùng cù lao Dung, các cửa sông Mỹ Thanh, Trà Niên, Cổ Cò, Nhu Gia năm 2006 đều trúng lớn.

Cà Mau từ nhiều năm nay luôn dẫn đầu cả nước cũng như ở vùng ÐBSCL về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu tôm sú. Nghề nuôi tôm sú ở đây phát triển rộng khắp, người nuôi tôm có nhiều kinh nghiệm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cho biết: Ðến hết năm 2006, tỉnh có gần 247 nghìn ha nuôi tôm, trong đó có gần 178.500 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, hơn 1.000 ha nuôi tôm công nghiệp. Năng suất tôm nuôi năm 2006 đạt 360 kg/ha, tăng 7,7% so năm 2005; sản lượng tôm đạt hơn 100 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 580 triệu USD, dẫn đầu cả nước.

Vùng ÐBSCL hiện vẫn là vựa nuôi trồng thủy sản của cả nước, với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, cá tra và ba sa. Ðến nay, diện tích nuôi tôm sú trong vùng đạt hơn 560 nghìn ha, sản lượng tôm đạt hơn 293 nghìn tấn; trong đó, tỉnh Cà Mau có gần 247 nghìn ha, Bạc Liêu 117.364 ha, Kiên Giang hơn 72 nghìn ha... Từ năm 2000 đến nay, các tỉnh đã chuyển hơn 300 nghìn ha ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS; riêng năm 2006, chuyển gần 6.500 ha.

Xuất hiện nhiều rủi ro

Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan, Viện nghiên cứu NTTS II cho rằng: Rủi ro lớn nhất với nghề nuôi tôm các tỉnh ÐBSCL là tình trạng tôm chết chưa được kiểm soát. Năm 2004 có 28% số hộ thả nuôi tôm sú bị thiệt hại nặng do tôm nuôi bị chết; năm 2005 có 34% số hộ và năm 2006 có 20% số hộ bị thiệt hại nặng do tôm nuôi chết. Hầu hết các hộ nuôi tôm bị thiệt hại là do không tuân thủ lịch thả tôm giống, thả tôm vụ hai.

Theo Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Kiên Giang Huỳnh Văn Gành, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm chết là do công tác kiểm dịch tôm giống còn hạn chế. Ðến nay, tỉnh mới tự túc 15-20% lượng tôm giống, số con giống còn lại chủ yếu di nhập từ các tỉnh miền trung. Ngoài ra, tại các vùng nuôi tôm vẫn chưa quản lý được mùa, vụ thả nuôi.

Quyền Vụ trưởng NTTS (Bộ Thủy sản) Vũ Văn Dũng cho biết: Phát triển NTTS các tỉnh ÐBSCL trong những năm qua đã góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai; tạo nghề mới (nuôi tôm) có mức thu nhập cao; ra đời các dịch vụ NTTS; thu hút nguồn vốn, tạo nhiều việc làm cho người dân; tăng sản lượng sản phẩm thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ven biển theo hướng CNH, HÐH... Tuy nhiên, phát triển nghề nuôi tôm vùng này cũng đã xuất hiện nhiều rủi ro, khó khăn lớn như: Thủy lợi chưa được đầu tư tương xứng so yêu cầu của sự phát triển; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng NTTS còn dàn trải, manh mún và chậm; trình độ về NTTS của người nuôi còn hạn chế; NTTS còn nhỏ lẻ, tự phát, chạy theo phong trào; công tác quản lý môi trường, dịch bệnh, thú y thủy sản còn nhiều yếu kém; đa số người nuôi tôm thiếu vốn sản xuất nên ít có khả năng đầu tư và áp dụng công nghệ nuôi tôm sạch và tiên tiến; sản xuất tôm giống còn phân tán, chưa chủ động nguồn giống tại chỗ; việc tập huấn, chuyển giao mô hình khuyến ngư còn chậm.

Nuôi tôm theo hướng nào?

Kết thúc vụ nuôi tôm năm 2006, tỉnh Kiên Giang có 72.736 ha nuôi tôm, sản lượng đạt hơn 23 nghìn tấn; trong đó, diện tích nuôi tôm kết hợp trồng lúa (tôm-lúa) chiếm hơn 51 nghìn ha, với sản lượng gần 12 nghìn tấn. Giám đốc Sở Thủy sản Kiên Giang Huỳnh Văn Gành đánh giá: Mặc dù năng suất tôm nuôi theo mô hình này chưa cao, nhưng qua ba năm áp dụng, mô hình này ít bị dịch bệnh, với mức lãi từ 20 đến 40 triệu đồng/ha. Hình thức nuôi tôm này không đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong những năm tới, tỉnh sẽ nhân rộng mô hình này.

Năm 2006, tiến sĩ Bùi Quang Tề (Viện nghiên cứu NTTS I) phối hợp Công ty TNHH sản xuất và thương mại Văn Minh AB triển khai đề tài KC-06-20. NN về chuyển giao công nghệ nuôi tôm sú bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại Cồn Cống, Phú Tân (Gò Công Ðông, Tiền Giang). Dự án có diện tích 20 ha, với 19 ao nuôi, nuôi thâm canh. Sau hơn bốn tháng thả nuôi, năng suất tôm đạt trung bình hơn năm tấn/ha, lợi nhuận đạt hơn 300 triệu đồng/ha. Theo tiến sĩ Bùi Quang Tề, giải pháp đầu tiên là cần phải lựa chọn được con giống đảm bảo chất lượng. Thời gian thả giống tốt nhất là sau tiết thanh minh (khoảng đầu tháng 4 dương lịch hằng năm).

Quyền vụ trưởng NTTS (Bộ Thủy sản) Vũ Văn Dũng cho rằng: Công nghệ nuôi, tổ chức sản xuất, lao động có trình độ là ba yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả nuôi tôm sú. Tại sao cũng ao đầm ấy mà người dân nuôi thất bại, nhưng một số doanh nghiệp vào đầu tư, nuôi lại có lãi? Thực tế cho thấy, nghề nuôi tôm sú ở ÐBSCL cần được tổ chức lại sản xuất. Thí dụ như việc đầu tư các trại sản xuất tôm giống nên tập trung tại một vùng như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa để dễ kiểm soát chất lượng. Theo đó, việc đầu tư của Nhà nước cũng như Bộ Thủy sản cần phải có trọng tâm, trọng điểm. Ðể phát triển nghề nuôi tôm đạt hiệu quả bền vững tại các tỉnh ÐBSCL cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về: quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và khuyến ngư, sản xuất tôm giống, thú y thủy sản, đào tạo nguồn nhân lực.

Ðể hạn chế đến mức thấp nhất mức độ rủi ro đối với nghề nuôi tôm, Bộ Thủy sản chỉ đạo các địa phương: Khuyến khích áp dụng các hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh với các mô hình nuôi hữu cơ, ít thay nước có sử dụng các chế phẩm sinh học, nuôi theo hệ thống tuần hoàn kín, nuôi luân canh. Những nơi có cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, trình độ công nghệ và khả năng tổ chức sản xuất còn hạn chế nên nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Ðối với những vùng nuôi tôm vụ trước bị bệnh hoặc môi trường đáy có dấu hiệu suy thoái nên chuyển sang nuôi các đối tượng khác. Mùa vụ thả nuôi tôm tùy theo từng địa phương mà hướng dẫn người nuôi tôm thả nuôi vào thời điểm thuận lợi. Giữa các địa phương trong tỉnh cần chỉ đạo nuôi rải vụ trong khung mùa vụ để tránh hiện tượng thiếu giống và thu hoạch tập trung. Bộ Thủy sản yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật nuôi tôm; tăng cường quản lý chất lượng tôm giống; hướng dẫn nông dân kỹ thuật cải tạo, chuẩn bị ao nuôi.

TẠ QUANG DŨNG


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang