• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cảnh báo về loài ốc độc

Nguồn tin: VTV, 27/4/2007
Ngày cập nhật: 30/4/2007

Gần đây, tại vùng biển các tỉnh miền Trung đã xảy ra những trường hợp chết người do ăn ốc biển. Trong khi thông tin về độc tố có trong ốc biển vẫn còn xa lạ với người dân thì mới đây, Viện Hải dương học Nha Trang tiếp tục cảnh báo về độc tố trong một số loài ốc biển.

Nghiên cứu của Viện Hải dương học cho thấy, có khá nhiều loài ốc được ghi nhận là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Đó là những loài như ốc Mặt Trăng, ốc Đụn, ốc Tù Và, ốc Hương Nhật Bản, ốc Trám...

Điều đáng lưu ý, một số trường hợp, bản chất độc tố của ốc không hề bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao khi chế biến. Nghĩa là, độc tố vẫn tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể có nghiên cứu cụ thể về bản chất độc tố trong ốc biển. Đây cũng là điều khó khăn đối với khoa học biển Việt Nam. Trong khi chưa có công bố cuối cùng về độc tố trong ốc biển, lời khuyên từ phía nhà chuyên môn là: Cần thận trọng trước những loài ốc lạ hoặc những loài ốc từng có tiền sử gây chết người.

Tấn Quýnh


Khai thác du lịch từ việc nuôi cá sấu

Nguồn tin: ND, 28/4/2007
Ngày cập nhật: 29/4/2007


Còn đâu ốc gạo Phú Đa

Nguồn tin: Btre, 28/4/2007
Ngày cập nhật: 28/4/2007

Con ốc gạo Phú Đa là niềm tự hào của người dân Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung bởi hiếm có nơi nào ở Việt Nam thiên nhiên hiền hòa, môi trường trong lành là nơi sinh sản và phát triển của con ốc gạo – thủy đặc sản độc nhất vô nhị ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng giờ đây, con ốc gạo Phú Đa đang đứng truớc nguy cơ mai một do bị một nhuyễn thể hai mảnh vỏ lạ tấn công, gây hại. Hàng trăm xã viên Hợp tác xã Thuỷ sản Vĩnh Tiến thuộc xã Vĩnh Bình vô cùng lo lắng bởi nguồn lợi kinh tế của họ đã bị ảnh hưởng. Hình ảnh lúc bình thường của con ốc gạo Phú Đa là tròn trịa và óng ánh, nhưng khi đã bị nhuyễn thể hai mảnh vỏ lạ đeo bám thì thân hình trở nên xù xì và gai gốc. Ông Nguyễn Văn Ngói – Phó Chủ nhiệm HTX Thuỷ sản Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Bình cho biết, theo lệ kỳ, sau Tết Nguyên đán, HTX tổ chức khai thác mẫu để kiểm tra tình hình sinh trưởng của con ốc gạo thì phát hiện trên thân ốc có những vật thể lạ đeo bám. Sinh vật này có hình dạng giống như con hến sông nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều lần, có màu xám trắng. Qua kiểm tra cho thấy, mỗi con ốc gạo phải mang trên mình hàng chục nhuyễn thể lạ trở lên và tỷ lệ ốc gạo bị nhuyễn thể đeo bám chiếm hơn 90% trên tổng số mẫu khai thác. Khi bị nhuyễn thể khác đeo bám, ốc gạo rất khó di chuyển để tìm thức ăn. Do vậy không thể sinh trưởng được, những con ốc trong thời kỳ bán thịt thì gầy ốm, thậm chí có thể chết nếu bị nhuyễn thể đeo bám lâu ngày. Hợp tác xã Thủy sản Vĩnh Tiến thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách đang quản lý và khai thác 150 ha mặt nước sông Cổ Chiên. Đây là khu vực bảo tồn nguồn lợi con ốc gạo – thủy đặc sản độc nhất vô nhị ở Đồng bằng sông Cửu Long. Con ốc gạo Phú Đa đã có thương hiệu vang xa do chất lượng cao và hương vị đặc trưng chưa có nơi nào sánh được. Do quản lý và khai thác tốt, sản lượng ốc gạo Phú Đa năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, giờ đây, quyền lợi của hàng trăm xã viên Hợp tác xã Thuỷ sản Vĩnh Tiến bị đe dọa kể từ khi nhuyễn thể lạ xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Ngói – Phó Chủ nhiệm HTX Thuỷ sản Vĩnh Tiến cho biết, nguyện vọng của hàng trăm xã viên HTX hiện nay là được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, định danh và có biện pháp quản lý, hạn chế sự xâm hại của loài nhuyễn thể này nhằm bảo tồn và phát triển con ốc gạo. Bởi nếu để chúng phát triển tự do như hiện nay thì con ốc gạo Phú Đa không thể tiêu thụ được do có thân hình xù xì, gai gốc, vừa mất thẩm mỹ lại không có giá trị thương phẩm.

Lê Phết.


Phát triển thủy sản, tạo bước đột phá phát triển kinh tế

Nguồn tin: AG, 25/4/2007
Ngày cập nhật: 28/4/2007

Quy hoạch phát triển thủy sản ở An Giang đã được tỉnh phê duyệt. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, sản phẩm chế biến đa dạng, sản xuất ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu ổn định, đã góp phần đưa sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục tăng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng kinh tế xã hội chung của tỉnh.

Chợ Mới là huyện có điều kiện rất thuận lợi trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản nhờ nằm giữa sông Tiền và sông Hậu có nguồn nước ngọt dồi dào. 13/18xã, thị trấn có đất bãi bồi phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản bao gồm 8 xã có đất cặp sông Tiền và 5 xã có đất cặp sông Hậu. Nhiều năm trở lại đây ngành Thủy sản huyện Chợ Mới có bước phát triển đáng kể. Đặc biệt là trong năm 2006 vừa qua, sự phát triển nhảy vọt do nhu cầu xuất khẩu rất lớn đã góp một phần quan trọng làm tăng GDP của huyện lên con số 13,7%. Để khai thác lợi thế về tiềm năng đất đai, đặc biệt là đất cồn, đất bãi bồi, huyện đã khẩn trương quy hoạch tổng thể các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bà Trần Thị Yến Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Tổng diện tích đất bãi bồi có điều kiện thuận lợi nuôi trồng thủy sản trong toàn huyện là 929,90 ha, trong đó diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản là 265,31 ha, diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm là 580 ha. Thời gian qua, thực hiện chủ trương giao đất có thu tiền quyền sử dụng đất cho chủ doanh nghiệp và chủ đất tự thỏa thuận sang nhượng theo Luật Đất đai quy định, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm nuôi trồng và đầu tư kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Đồng thời họ chăn nuôi theo dạng công nghiệp, mang tính khép kín từ con giống, thức ăn, đến chế biến sản phẩm cho nên mang lại hiệu quả rất cao. Để đẩy nhanh phát triển thủy sản theo hướng tập trung nuôi công nghiệp và bảo đảm tốt môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, huyện Chợ Mới đã đề ra giải pháp tạo quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư nuôi trồng thủy sản. Cụ thể là đối với đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Nhà nước sẽ tạo quỹ đất thông qua hình thức vay vốn và tiến hành thỏa thuận với các hộ dân hoặc đấu giá quyền sử dụng để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Đối với đất bãi bồi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng hiện nay các hộ dân đang sử dụng hoặc được UBND xã cho thuê thì sẽ thu hồi đất và hỗ trợ công cải tạo cho các hộ dân. Đối với đất bãi bồi chưa được sử dụng, UBND huyện sẽ tổ chức cắm mốc xác định diện tích thực tế để quản lý.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện đã phát triển nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 2.000 ha, góp phần nâng GDP của ngành Thủy sản chiếm 4,67% GDP toàn tỉnh. Thời gian qua, thủy sản An Giang đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu vượt qua mặt hàng gạo. Với nhiều giải pháp khả thi nhằm tạo ra sản phẩm thủy sản sạch để xuất khẩu, tin rằng thời gian tới, thủy sản An Giang tiếp tục khẳng định vị thế của mình, góp phần tạo bước đột phá phát triển kinh tế địa phương.

HẠNH CHÂU


Báo động về những kiểu làm ăn gian dối ở ĐBSCL: Tiêm tạp chất vào tôm

Nguồn tin: NLĐ, 26/4/2007
Ngày cập nhật: 27/4/2007

ĐBSCL không chỉ thường xuyên đối mặt với nạn tôm chết, mà còn phải đau đầu trước tình trạng tiêm chích tạp chất vào tôm Nổi cộm nhất là chuyện xem thường sức khỏe của người tiêu dùng từ phía những người cung cấp tôm nguyên liệu và một loại nước giải khát khá quen thuộc vào mùa nắng nóng: rau má.

Chỉ qua thời gian ngắn, các ngành chức năng ở Bạc Liêu đã kiểm tra và phát hiện gần 20 trường hợp kinh doanh tôm nguyên liệu có chứa tạp chất, với số lượng hàng chục tấn. Trong 20 trường hợp có cả nhà máy, công ty chế biến xuất nhập khẩu thủy sản, đại lý thu mua tôm nguyên liệu và kể cả người nuôi tôm cũng tranh thủ làm... “bác sĩ” cho tôm (cách gọi khôi hài mà người dân nơi đây dành riêng cho những đối tượng tiêm tạp chất vào tôm). Đặc biệt, mới đây, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt quả tang 2 xe đông lạnh do hai đối tượng Tào Cường, Lương Hiếu Nghĩa chở gần 3.000 kg tôm sú có chứa tạp chất. Trước cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ lô hàng tôm sú đã bị tiêm chích tạp chất là của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) chở bán cho một doanh nghiệp chế biến thủy sản khá tên tuổi nằm trên địa bàn huyện Châu Thành A (Hậu Giang).

Không chỉ ở Bạc Liêu, tình trạng tiêm tạp chất vào tôm vẫn diễn ra... chóng mặt ở Cà Mau và Sóc Trăng với mức độ ngày càng công khai và tinh vi hơn.

Mặc dù các ngành chức năng ở Bạc Liêu và Cà Mau phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để để răn đe ngoài chuyện phạt vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Chính vì lý do này, hiện tại các nhà máy chế biến thủy sản dù đã biết rõ những lô tôm có tiêm chích tạp chất (có thể nhận biết được bằng mắt thường vì tôm có tạp chất thì rất đẹp, thẳng, đặc biệt là rất... bóng so với tôm thường) nhưng vẫn làm ngơ thu mua để chạy đua theo những hợp đồng xuất khẩu đã ký với đối tác trước đó. Bà Lê Việt Ánh, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bạc Liêu, cảnh báo: Tình hình xuất khẩu thủy sản (trong đó có con tôm) trong những tháng đầu năm 2007 đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi do các nước đã áp đặt các rào cản khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là Nhật Bản. Chỉ trong thời gian ngắn, Nhật Bản đã kiểm tra và phát hiện 32 lô hàng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam có nhiễm kháng sinh cấm (dư lượng AOZ), gây thiệt hại rất lớn đến tình hình xuất khẩu thủy sản của nước ta.

3 DN ở Bạc Liêu từng bị đình chỉ xuất khẩu tôm sú

Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và Thú y thủy sản (Bộ Thủy sản) từng có công văn đề nghị đình chỉ xuất khẩu sản phẩm tôm sú vào thị trường EU, Hàn Quốc và Trung Quốc trong thời gian 3 tháng đối với 3 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, gồm: Chi nhánh Công ty TNHH Grobest & Imei Industrial; Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Giá Rai (GIRIMEX) và Phân xưởng Chế biến thủy sản Hộ Phòng. Đồng thời, không cho phép 3 đơn vị này sơ chế tôm sú cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu vào các thị trường nói trên vì thu mua nguồn tôm có tiêm chích tạp chất, vi phạm nhiều lần. Ngày 6- 4, Tổng vụ Bảo vệ Sức khỏe và Người tiêu dùng (DG SANCO) thuộc Ủy ban châu Âu mới chấp thuận cho 3 DN này xuất khẩu trở lại vào thị trường EU.

T.C-T.H


Bình Định: Trên 95 ha tôm bị dịch bệnh

Nguồn tin: BĐ, 27/4/2007
Ngày cập nhật: 27/4/2007

Tỉnh Bình Định hiện đã thả nuôi 1.987 ha tôm, trong đó có 95,8 ha tôm nuôi đã bị dịch bệnh thân đỏ đốm trắng và bệnh do môi trường. Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh tập trung ở huyện Phù Mỹ 43,1 ha, Tuy Phước 23,6 ha, TP Quy Nhơn trên 20,1 ha, Hoài Nhơn 8,9 ha.

Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do môi trường nước bị ô nhiễm, nhiều hộ không kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi… Điều đáng lo ngại hiện nay là một số hộ có tôm nuôi bị dịch bệnh đã xả nước thải ra môi trường, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng là rất cao.

Tiến Sỹ


Vĩnh Long: Ba ba hút hàng, tăng giá

Nguồn tin: CT, 27/4/2007
Ngày cập nhật: 27/4/2007

Ông Châu Xuân Vũ, chủ trang trại nuôi ba ba ở xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Hiện nay, ba ba hoa Sông Hồng (giống bản địa) loại 1 được thương lái đặt mua với giá 260.000 đồng/kg, loại 2: 210.000đồng/kg, loại 3: 180.000 đồng/kg, tăng 30.000đồng/kg so với tuần trước. Ba ba hoa Đài Loan, Thái Lan giá bán dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với vài hôm trước. Theo nhận định của các thương lái, hiện nay nhu cầu tiêu dùng thịt ba ba, nhất là các giống ba ba bản địa đang tăng mạnh. Do nguồn cung rất hạn chế, nên dự báo giá bán sẽ còn tăng trong thời gian tới.

PHÚ KHỞI


Cần Thơ: Giá nhiều loại thủy, hải sản tăng 10-20%

Nguồn tin: CT, 27/4/2007
Ngày cập nhật: 27/4/2007

Sức tiêu thụ các mặt hàng hải sản tươi sống trong ngày 26-4-2007 đã tăng khoảng 20-30% so với 2-3 ngày trước. Bán chạy nhất là các loại cua, ghẹ, sò huyết, nghêu... Theo một số tiểu thương tại các chợ, cơ sở bán lẻ ở nội ô TP Cần Thơ, do nguồn cung khan hiếm, sức mua tăng mạnh, nên giá bán các mặt hàng này hiện cũng tăng khoảng 10-20% so với trước. Sò huyết loại 75-80 con/kg giá bán 23.000 đồng/kg; nghêu, sò dương, sò điệp giá dao động từ 18.000-30.000 đồng/kg; càng ghẹ 75.000 đồng/kg; tôm càng loại 1 giá 220.000 đồng/kg... Riêng cua buộc dây loại 0,3-0,5kg/con có giá bán 120.000-130.000 đồng/kg, loại không buộc dây giá 150.000-165.000 đồng/kg, nhưng do không còn chính vụ, nguồn cung không nhiều nên hút hàng.

Các loại thủy sản nước ngọt như cá điêu hồng, rô phi, cá he... sức mua ổn định; giá bán dao động từ 18.500-22.000 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với 2-3 tuần trước đây.

TR.D


Con cá phá Lung Ngọc Hoàng

Nguồn tin: TT, 21/04/2007
Ngày cập nhật: 25/4/2007

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần về thăm Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) đã chỉ đạo phải bảo tồn khu thiên nhiên này, bảo vệ hệ sinh thái vùng đất ngập nước còn sót lại và giữ “lá phổi” cho tiểu vùng tây sông Hậu. Nhưng giờ đây lãnh đạo khu bảo tồn này đang cho phá rừng để nuôi cá...

Định lấy thêm 100ha nuôi cá

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Sau đó tỉnh Cần Thơ thực hiện bằng việc sáp nhập Lâm trường Mùa Xuân với Lâm trường Phương Ninh. Diện tích khu bảo tồn trên 2.800ha, được phân thành các khu: bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái, hành chính, dịch vụ du lịch và khu thực nghiệm khoa học.

Nhưng gần đây ban giám đốc khu bảo tồn đã cho đào bới tại Lâm trường Mùa Xuân (cũ) để đào ao nuôi cá. Tại khu vực Kênh Lệch (thị xã Ngã Bảy), nhiều tốp nhân công khẩn trương đưa xáng cạp, máy thổi đất đào xới ầm ầm. Có đến 18 ao đã đào hoàn thành, mỗi ao rộng hàng ngàn mét vuông. Đê bao cũng được đắp hoàn chỉnh chạy dài tít tắp, bao quanh hàng chục hecta.

Một cán bộ có trách nhiệm của khu bảo tồn cho biết việc đào ao này có chủ trương của UBND tỉnh từ năm 2005 với diện tích cho phép khoảng 30ha. Tuy nhiên trong năm 2006 chỉ mới đào được ba ao, mỗi ao 5.000m2 để nuôi cá tra thử nghiệm. Năm nay, khi con cá tra bắt đầu sốt thì dự án này được triển khai nhanh hơn. Trong bước thực hiện dự án, một ý tưởng lấy thêm 100ha nữa để nuôi cá cũng đang được tính tới nhưng chưa có chủ trương của tỉnh.

Biến khu bảo tồn thành khu bảo vệ

Ông Năm Huynh, nguyên giám đốc Lâm trường Phương Ninh (cũ), bức xúc: “Rừng xác xơ hết rồi, từ năm 2003 đến nay ban giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã đốn khoảng 1.300ha rừng tràm và đốn sạch 71ha rừng keo tai tượng, bạch đàn, tràm bông vàng...”.

Ông Thọ, giám đốc khu bảo tồn, biện minh rằng khu vực đào ao biệt lập ấy trước đây chỉ toàn là mương, liếp trồng khóm, mía, không đem lại lợi ích gì. Vì vậy đào ao để ương cá giống phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, chị Xuân, đang chặt cây rừng thuê cho một tay thầu phá rừng nơi đây, tiết lộ: “Gia đình tôi cùng đoàn nhân công khai thác trắng khoảng 20ha tràm ở Lâm trường Mùa Xuân cho thầu Dân. Phải tranh thủ đốn để kịp cho xáng cuốc vô đào ao”.

Ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở NN & PTNT Hậu Giang, cho biết tỉnh có chủ trương cho đào ao khoảng 30ha, nhưng không phải đào trong rừng mà là trên đất mía; đồng thời phải thực hiện theo chức năng sản xuất nông - lâm - ngư kết hợp. Còn việc đào ao trên diện tích lớn và trong khu vực biệt lập như vậy có lập dự án và đánh giá tác động môi trường hay không thì ông Đồng nói chưa nhận được bất kỳ dự án nào về việc đào ao nuôi cá từ ban giám đốc khu bảo tồn.

Mặc dù Chính phủ có quyết định và UBND tỉnh Hậu Giang kiên định với chủ trương biến Lung Ngọc Hoàng thành khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng ban giám đốc khu bảo tồn lại có ý định chuyển sang xây dựng thành khu bảo vệ cảnh quan rừng đặc dụng với lý do diện tích rừng còn ít, động vật quí hiếm không còn... Trong khi đó, một nguồn tin cho biết kiểm lâm phát hiện có ba loài động vật nằm trong Sách đỏ đang còn trú ngụ trong khu rừng này.

Thầu “được lòng” cán bộ

Suốt những năm gần đây, việc khai thác rừng trong khu bảo tồn dường như được hợp thức hóa. Hằng ngày tàu ghe vào rừng chở gỗ ra ngoài ầm ầm. Qua tìm hiểu của chúng tôi, một số người dân vào đây làm ăn “được lòng” với cán bộ đã trở thành thầu khai thác gỗ.

Cách đây năm năm, thầu Tùng quay về khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng đóng một chiếc ghe 10 tấn để hợp đồng khai thác cây hầm than. Chỉ trong vòng vài năm, trên 70ha bạch đàn, tràm bông vàng, keo tai tượng được trồng từ hàng chục năm trước ở các tuyến bờ bao, kênh lô, kênh khoảng và kể cả khu vực bảo vệ nghiêm ngặt trong khu bảo tồn cũng bị đốn hạ. Nhiều người dân trong khu bảo tồn thắc mắc không biết vì sao mà thầu Tùng được mua cây với giá rẻ không ngờ. Một cây khoảng 10 năm tuổi, khi khai thác bán lại cho dân cất nhà, thầu Tùng lấy 250.000 đồng; trong khi đó giá mua thực tế chỉ có 4.100 đồng. Mười năm trước, để trồng các cây này Nhà nước phải bỏ ra 1.100 đồng/cây. Chính nhờ sự độc quyền khai thác đối với những loại cây khai thác trắng mà thầu Tùng phất lên như “diều gặp gió” với hàng chục lò hầm than, lượng gỗ khai thác trong khu bảo tồn được thầu Tùng vận chuyển ra thị trường các tỉnh.

Thầu Dân lúc đầu vào khu bảo tồn ươm cây giống bán lại cho lâm trường, nhưng từ khi có chủ trương “tỉa thưa” rừng thì ông đứng ra làm thầu. Bãi tập kết tràm “tỉa thưa” của thầu Dân nằm ngay trong khu bảo tồn nghiêm ngặt, trải dài theo kênh Long Phụng, lúc nào cũng tất bật tàu ghe vào chuyên chở. Nói là “tỉa thưa”nhưng khi vào rừng thấy cây nào to, đẹp là đội quân khoảng 40 người của tay thầu này tỉa trước. Chính vì thế bãi tràm của thầu Dân không lúc nào vơi.

Ông Ba Thành, một cựu chiến binh sống ở đây, nói chua xót: “Đây là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, người lạ mặt rất khó vào, vậy mà toàn bộ diện tích cây trồng ven bờ bao đã bị đốn gần hết rồi. Họ nói là tỉa thưa nhưng chúng tôi thấy nhân công toàn hạ những cây tràm lớn, suông. Khai thác kiểu này chừng hai mùa nữa là rừng của khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng sẽ không còn tồn tại”.

PHƯƠNG NGUYÊN - CẨM HOÀNG


Bình Định: Tuy Phước tái phát dịch tôm

Nguồn tin: Bình Định, 19/4/2007
Ngày cập nhật: 25/4/2007

Vụ nuôi tôm này, huyện Tuy Phước có trên 958 ha nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến. Hiện nay một số diện tích nuôi tôm ở đây đã bị dịch bệnh, phải thu hoạch sớm.

Anh Võ Văn Cẩn ở thôn Kim Đông (Phước Hòa) phải thu hoạch tôm sớm. Ảnh: T.S

* Nỗi buồn Kim Đông

Về các xã khu Đông huyện Tuy Phước vào những ngày giữa tháng 4, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về dịch bệnh tôm nuôi. Anh Võ Văn Cẩn, chủ một hồ tôm ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, buồn rầu cho biết: “Tôi đã cải tạo ao nuôi khá kỹ, kiểm dịch tôm đầy đủ, cho tôm ăn chế phẩm sinh học hẳn hoi, nhưng tôm cũng bị chết. Thật hết cách!”. Vụ tôm này, anh Cẩn thả nuôi 10 vạn tôm trên diện tích 5.000 m2, nhưng tôm nuôi được 45 ngày thì bị nhiễm bệnh thân đỏ đốm trắng, chết như ngả rạ. Anh đã thu hoạch 2 tạ tôm, bán với giá 38.000 đồng/kg, lỗ 14 triệu đồng.

Các hồ tôm của 3 hộ khác ở cạnh hồ tôm của anh Cẩn cũng đã bị dịch bệnh, tôm chết hàng loạt. Ông Nguyễn Hoàng Việt, người nuôi tôm ở đây, than vãn: “Gia đình tôi đã đầu tư 15 triệu đồng để cải tạo ao, mua 9 vạn tôm giống thả nuôi. Bao nhiêu của cải đã đổ dồn vào hồ tôm, hy vọng thắng lợi vụ này sẽ trả được một phần nợ cho ngân hàng, ai ngờ tôm lại tiếp tục bị bệnh. Nhìn tôm chết trôi dạt vào hai bên bờ ao mà đau cả ruột gan”.

Khu nuôi tôm Kim Đông có 25 ha mặt nước nuôi tôm, trong đó có hơn một nửa diện tích đã bị dịch bệnh. Nhiều hộ có hồ tôm chưa bị bệnh thì lo sợ tôm nuôi của mình bị “dính” bệnh, nên tìm mọi cách bảo vệ tôm nuôi. Ông Nguyễn Thành Trung, chủ một hồ tôm ở Kim Đông, cho biết: “Mấy ngày nay, tôi luôn túc trực bên hồ tôm, không dám lấy nước, cũng không dám thải nước từ hồ ra ngoài, vì sợ vi rút thân đỏ đốm trắng từ nơi khác đến lây nhiễm cho tôm của mình”.

Người nuôi tôm ở Huỳnh Giản (Phước Hòa); Hồ Úc, Cồn Chim (Phước Sơn) cũng đứng ngồi không yên vì nhiều ao tôm ở khu vực này đã bị dịch bệnh, tôm nuôi bị chết. Theo Trạm kiểm dịch Thú y và Thủy sản huyện Tuy Phước, toàn huyện có 23,6 ha tôm nuôi đã bị dịch bệnh thân đỏ đốm trắng, bệnh do môi trường. Trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Phước Hòa, với 21 ha nuôi tôm bị dịch bệnh; xã Phước Sơn có 2,6 ha. Điều đáng quan ngại là sau khi thu hoạch tôm, nhiều hộ đã thải nước từ ao tôm ra môi trường, nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất cao.

* Biết mà vẫn... “bị”

Theo người nuôi tôm ở đây, sở dĩ tôm bị dịch bệnh là do môi trường nước đã bị ô nhiễm, vi rút thân đỏ đốm trắng gặp điều kiện thuận lợi đã phát triển và gây hại tôm nuôi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là do chủ các hồ tôm chưa thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi tôm. Nhiều hộ cải tạo ao rất sơ sài; không kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi. Tại các vùng nuôi tôm đã xảy ra dịch bệnh, chỉ có 45% tôm nuôi được kiểm dịch trước khi thả nuôi. Người dân thả tôm nuôi khá dày, bình quân 30 con/m2, trong khi ngành chức năng khuyến cáo mật độ thả từ 15-20 con/m2 là hợp lý.

Một hộ nuôi tôm ở Cồn Chim, xã Phước Sơn cũng đã thu hoạch tôm sớm vì tôm nuôi bị dịch bệnh. Ảnh: T.S

Mặt khác, nhiều người nuôi tôm ở đây đã… cạn vốn, nên nuôi tôm theo kiểu cầu may, được chăng hay chớ. Hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi tôm quá yếu kém, nguồn nước nuôi tôm chứa chất thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi vịt đàn… nhưng người dân vẫn sử dụng để nuôi tôm. Tôm giống mang mầm bệnh, thả nuôi trong môi trường nước bị ô nhiễm, lại không được chăm sóc chu đáo, khả năng kháng bệnh thấp, dịch bệnh xuất hiện gây hại tôm là điều dễ hiểu.

Thực tế trên đã xảy ra nhiều năm nay, làm cho nhiều hộ nuôi tôm ở Tuy Phước khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất. Vụ nuôi tôm này, những hạn chế nói trên vẫn chưa được khắc phục.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Trạm kiểm dịch Thú y và Thủy sản huyện Tuy Phước: “Trước khi bước vào vụ nuôi tôm năm nay, Trạm đã phối hợp cùng ngành chức năng của tỉnh tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi tôm cho người dân; khuyến cáo bà con kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi. Trạm cũng thường xuyên thông báo kết quả quan trắc môi trường cho bà con để chủ động trong việc thay nước, phòng chống dịch bệnh tôm nuôi… Tuy vậy, nhiều hộ nuôi tôm không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Khi tôm bị dịch bệnh chết, họ không báo cho Trạm hướng dẫn xử lý, mà tự thu hoạch, thải nước từ ao tôm ra môi trường, rất dễ lây lan dịch bệnh cho các ao tôm khác trong vùng”.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là ngành chức năng của tỉnh và huyện Tuy Phước cần tăng cường vận động người nuôi tôm ở đây tuân thủ quy trình kỹ thuật và các biện pháp nuôi tôm cộng đồng, nuôi tôm thân thiện với môi trường. Có như vậy, mới có thể hạn chế dịch bệnh, tránh tình trạng dịch bệnh tôm lan rộng, gây hại các vùng nuôi tôm khác trên địa bàn.

Phạm Tiến Sỹ


Cá tra Sóc Trăng – nguồn lợi thủy sản hấp dẫn nhà đầu tư

Nguồn tin: Sóc Trăng , 24/04/2007
Ngày cập nhật: 25/4/2007

Sóc Trăng là tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp, từ lâu ngành thủy sản chiếm vị trí mũi nhọn so với các ngành kinh tế nông nghiệp khác, hàng năm cung cấp trên 100.000 tấn thủy hải sản các loại. Do có vị trí lợi thế về sông nước, Sóc Trăng có điều kiện để phát triển ngành ngư nghiệp toàn diện trên cả 03 vùng ngọt, lợ, mặn; đặc biệt là nghề nuôi tôm sú ngày càng mở rộng và phát triển mạnh năm 1992 diện tích nuôi tôm sú chỉ ở mức 16.778 ha đến năm 2000 đã tăng lên 33.280 ha và năm 2006 là 52.411 ha.

Bên cạnh nghề nuôi tôm sú, những năm gần đây Sóc Trăng có kế hoạch quy hoạch vùng nuôi cá tra để cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản của tỉnh, từ diện tích 66 ha năm 2005 đã nâng lên 100 ha vào năm 2007, tập trung ở các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung và thành phố Sóc Trăng.

Giá cá tra hiện nay trên thị trường dao động khoảng 16.500 đồng/kg đến 17.000 đồng/kg, với giá hiện tại bà con nông dân và một số doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã ồ ạt phát triển diện tích ao nuôi, tính đến nay diện tích nuôi cá tra của tỉnh đã thả nuôi trên 71 ha.

Theo hiệp hội nghề cá nhận định nếu tình trạng thả nuôi cá không theo quy hoạch sẽ dẫn đến cung vượt cầu, dự kiến trong những ngày tới giá cá tra sẽ sụt giảm từ 2.500 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg, người nông dân sẽ bị thiệt hại lớn, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh của các công ty chế biến xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới./..

Trang Hoàng Thọ


Giá cá tra bắt đầu giảm

Nguồn tin: Sóc Trăng , 24/04/2007
Ngày cập nhật: 25/4/2007

Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, từ đầu tháng 4-2007, giá cá tra nguyên liệu đã có dấu hiệu giảm. Đến ngày 18/04, cá tra loại 1 chỉ còn khoảng trên 14.000 đồng/kg giảm 3.000 đồng/kg so với 2 tháng trước đó. Theo dự báo của các doanh nghiệp, do có nhiều người ngày càng đổ xô mua đất để nuôi cá, nên nhiều khả năng từ tháng 8/2007 trở đi giá cá tra sẽ giảm dưới mức giá thành.

Diện tích nuôi cá tra của Sóc Trăng tính đến nay khoảng 72 ha, tập trung ở 2 huyện Kế Sách và Cù Lao Dung. Trước tết Dường lịch năm 2007, có thời điểm giá cá tra nguyên liệu được mua vào với giá 17.000 đồng/kg ; những người nuôi cá tra lời to, nên hiện nay có khá nhiều nông dân ở Sóc Trăng bỏ vốn đầu tư nuôi cá tra.

Theo đánh giá của Sở Thủy sản Sóc Trăng, trước tình hình giá cá tra biến động, chi phí đầu vào tăng mạnh, bà con nông dân cần bình tĩnh. Việc đầu tư nuôi cá tra phải được gắn kết với nhà máy tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy mới không dẫn đến thua lỗ.

Báo Sóc Trăng


Ninh Thuận: Chỉ thị tăng cường quản lý đối với tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh

Nguồn tin: Ninh Thuận, 21/04/2007
Ngày cập nhật: 25/4/2007

Ngày 13-4-2007, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra Chỉ thị số 17/CT-UBND về tăng cường quản lý đối với tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh. Nội dung chỉ thị nêu rõ:

Tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei hoặc Penaeus vannamei) có nguồn gốc từ châu Mỹ, có khả năng thích ứng rộng, tôm phát triển tốt cho năng suất cao, giá thành thấp. Song tôm chân trắng ngoài các bệnh thường gặp ở tôm nuôi, còn nhiễm một số bệnh không có ở Việt Nam như Hội chứng Tahura, bệnh này có thể lây nhiễm sang nuôi tôm sú và các loài tôm bản địa khác làm thiệt hại sản xuất thủy sản và môi trường tự nhiên.

Đối với tỉnh Ninh Thuận, việc phát triển tôm chân trắng cũng phải thận trọng; xét thấy vùng dự án nuôi tôm trên cát An Hải và dự án nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải được đầu tư cơ sở hạ tầng rất cơ bản, đồng thời để từng bước đa dạng đối tượng nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 455/QĐ-UBND ngày 24-01-2006 về việc phê duyệt đề án đa dạng đối tượng nuôi thủy sản tại dự án nuôi tôm trên cát An Hải và dự án nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải, trong đó có đối tượng tôm chân trắng. Tuy nhiên thời gian gần đây, một số hộ nuôi ở đầm Nại và các khu vực khác vì lợi ích trước mắt đã tự phát thả nuôi tôm chân trắng, bất chấp các quy định của nhà nước.

Để thực hiện nghiêm túc Quyết định số 176/2006/QĐ-BTS ngày 01-3-2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành một số quy định tạm thời đối với tôm chân trắng; Chỉ thị số 01/2004/CT-BTS ngày 16-01-2004 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc tăng cường quản lý tôm chân trắng ở Việt Nam và các văn bản khác có liên quan, đồng thời để phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh nhà hiệu quả, an toàn và bền vững; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Các tổ chức, cá nhân sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh thực hiện:

- Đảm bảo về điều kiện nuôi trồng thủy sản, sản xuất kinh doanh giống thủy sản theo quy định của Chính phủ, Bộ Thủy sản. Chấp hành đầy đủ các quy định của Bộ Thủy sản, UBND tỉnh có liên quan đến tôm chân trắng.

- Không tự phát sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm chân trắng tại các vùng ngoài quy hoạch hoặc chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh.

- Nuôi thương phẩm tôm chân trắng phải tuân theo đúng kế hoạch thời vụ, quy trình kỹ thuật nuôi, mật độ thả nuôi do Sở Thủy sản hướng dẫn hàng năm.

- Trước mắt, được phép nuôi tôm chân trắng theo đề án được phê duyệt tại Quyết định số 455/QĐ-UBND ngày 24-01-2006 của Chủ tịch UBND tỉnh. Xây dựng vùng nuôi tôm an toàn theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS ngày 10-4-2006 của Chủ tịch UBND tỉnh. Khi có nguy cơ bão, lũ xảy ra trên các vùng nuôi tôm chân trắng phải thực hiện theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng để di chuyển giống và tôm nuôi đến nơi an toàn, không để tôm chân trắng thất thoát ra ngoài tự nhiên.

- Được sản xuất giống tôm chân trắng tại khu quy hoạch của dự án vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung An Hải, huyện Ninh Phước nhưng phải thực hiện đầy đủ yêu cầu tại Quyết định số 176/2006/QĐ-BTS ngày 01-3-2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.

Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11-10-2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các quy định khác có liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố; Sở Thủy sản, các sở, ngành liên quan như Sở Tài nguyên - Môi trường, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, Hiệp Hội giống thủy sản, Hội Nông dân, Hội Nghề cá, Đài PT-TH, Báo Ninh Thuận theo chức năng tăng cường công tác quản lý đất đai, công tác kiểm tra, tuyên truyền pháp luật về quản lý tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh.

Báo Ninh Thuận


Cường “cá sấu”

Nguồn tin: BCT, 23/4/2007
Ngày cập nhật: 24/4/2007

Anh tên là Trịnh Đình Cường nhưng bây giờ nhiều người vẫn thích gọi anh là Cường “cá sấu”. Bề ngoài của anh tỉ phú cá sấu mới xấp xỉ tuổi 40, ở khu lấn biển TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang này có vẻ xuề xòa nhưng trong kinh doanh lại rất quyết liệt. Cường “cá sấu” có hai “cái ngông”: Mở rộng quy mô nuôi cá sấu khi thị trường cá sấu đang “đóng băng”; khi có chút tia hy vọng về thị trường thì lại tiếp tục “chơi ngông”: tạo sản phẩm thuộc da cá sấu 100% “Made in Kiên Giang - Việt Nam”...

CÁI “NGÔNG” THỨ NHẤT: BỎ TÀU BIỂN ĐẾN VỚI CÁ SẤU

- Biệt danh Cường “cá sấu” mà người ta đặt cho anh có phải bắt đầu từ cái “ngông” của anh?

- Khi tôi chuyển qua nuôi cá sấu, người thì nói là “ngông”, người thì nói là “liều mạng”, thậm chí có người cho rằng tôi bị “quẫn trí” vì lúc đó con cá sấu đang bí đầu ra. Thời vàng son, cá sấu xuất tiểu ngạch thoải mái sang Trung Quốc, giá “bèo” gì cũng phải 120.000-130.000 đồng/kg. Khoảng những năm 2000-2001, thị trường cá sấu chựng lại do sự kiểm tra nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng, vì cá sấu là động vật hoang dã cần được bảo tồn. Nhiều người nuôi cá sấu phá sản hoặc phải nuôi cầm chừng chờ thời. Đúng lúc đó, tôi lại vay tiền mở rộng quy mô từ bầy cá sấu nuôi thử nghiệm sau nhà thành trang trại cá sấu quy mô lớn. Làm vậy vì tôi vẫn tin vào thị trường tiềm năng của cá sấu. Bán qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch không phải là thị trường bền vững...

- Vì đâu mà anh lại “máu” với con cá sấu đến như vậy?

- Ban đầu tôi cũng chỉ nuôi phong trào, vài con thôi. Nhưng càng nuôi, càng thấy nó... hấp dẫn. Động vật hoang dã, dữ tợn mà nuôi được trong nhà thì “đã” lắm! Cứ thế, nuôi riết rồi “mê” nó hồi nào hổng hay. Nói ra thì có lỗi với gia đình, nhiều lúc tôi chăm chút cho cá sấu nhiều hơn cho vợ con. Cũng may mà vợ con tôi hiểu và thông cảm được cho tôi... (Nói tới đây anh nở nụ cười với ánh mắt long lanh).

- Có lúc anh đã từng ăn nên làm ra với cái nghề hoán cải hoán “tàu không số” thành tàu biển?

- Đó cũng là một thời vàng son của tôi. Xuất ngũ với hai bàn tay trắng, tôi bắt đầu sự nghiệp của mình bằng nghề cơ khí. Học lại ở thầy và bạn nghề, tích lũy được mớ vốn cũng là lúc UBND tỉnh Kiên Giang có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tàu sắt thay tàu cây vận chuyển hành khách, hàng hóa từ đất liền ra hải đảo. Xem như mình gặp may. Tôi trở về Bắc mua những chiếc “tàu không số” (tàu vận chuyển vũ khí tiếp viện vào Nam trong những năm chiến tranh) hoán cải thành tàu vận tải đường biển.

- Vậy sao anh lại bỏ nghề này?

- Làm cái gì cũng phải “mê” mới làm được. Hoán cải “tàu không số” tôi cũng rất “máu” nhưng việc đó giờ không còn hấp dẫn nữa. Doanh nghiệp thi nhau mua cao tốc phục vụ khách hàng, tàu sắt cũng lùi dần về phía sau. Làm ăn cũng phải biết lúc dừng.

- Nói như vậy thì đầu ra của con cá sấu hiện nay cũng đang là một “bức tranh có gam màu tối”. Sao anh không dừng lại ?

- Những năm đầu nuôi thử nghiệm, tôi mua 20 con cá sấu về nuôi ở sau nhà. Sau hơn 3 năm nuôi, tôi bán được 60 triệu đồng, xem như thành công bước đầu. Mua con giống giá cao, tôi tính đến việc nuôi cá sấu đẻ rồi nuôi vỗ béo sẽ giảm được giá thành, tăng lợi nhuận. Cũng chỉ được vài năm thì cá sấu rớt giá thê thảm, mất đầu ra. Năm 2004, trại cá sấu của tôi tồn hơn chục tấn. Khi đó, mọi người nói thị trường cá sấu là bầu trời xám xịt. Nhưng với tôi thì không hẳn là như vậy. Từ rất lâu, da cá sấu là thời trang quý giá của thế giới. Trước đây, người ta khai thác từ tự nhiên, ảnh hưởng đến sự sống còn của chúng. Bây giờ, người ta đã có thể “sống chung” với cá sấu rồi, luật cũng “nới rộng” hơn cho nghề này. Người nuôi cá sấu có quyền ước mơ cho nghề của mình. Tôi đang làm điều đó.

- Nhưng mà thị trường cá sấu đang “đóng băng”, thưa anh?

- Khi được giá, người người hè nhau nuôi cá sấu; rớt giá rồi thì mất phương hướng, bán tháo bán lỗ mong vớt vát chút ít vốn liếng. Trong thời gian đó, tôi vẫn cặm cụi công việc ở trại cá sấu. Có những đêm, tôi thức trắng ở trại để làm việc. Nói là làm việc chứ thật ra tôi đang trăn trở, suy nghĩ tìm hướng đi mới cho bầy cá sấu của mình. Sản phẩm bị “đóng băng” trên thị trường là điều đáng lo ngại. Nhưng điều quan trọng hơn là mình “xử sự” với tình hình đó như thế nào. Rối rắm lên chỉ làm rách việc. Lúc đó hãy thật bình tĩnh, tìm ra nguyên nhân, mở hướng đi khác cho sản phẩm của mình.

- Và hiện nay anh rất bình tĩnh?

- Nếu không thì đâu có trang trại cá sấu này (cười). Thị trường thuộc da cách đây 10 năm cung không đủ cầu. Mỗi năm, thị trường chỉ đáp ứng một nửa số tấm da cá sấu theo nhu cầu của các nhà sản xuất. Như vậy, con cá sấu đâu phải là không “sống” được với thị trường. Nghĩ vậy, tôi quyết tâm đi tìm nguyên nhân “đóng băng” của mặt hàng vốn rất “sốt” giữa lúc phong trào nuôi cá sấu đang phát triển rầm rộ. Không dừng lại ở ao nuôi, tôi tìm đến những “đại gia” trên thị trường cá sấu để tìm hiểu...

CÁI NGÔNG THỨ HAI: “GIẤC MƠ LÃNG MẠN”

- Đến nay anh đã có được “bí quyết” gì chưa?

- Cũng đơn giản thôi. Trước nay, dân mình bán cá sấu mà mình nuôi chứ không bán cá sấu thị trường cần. Ai cũng biết quý nhất trong con cá sấu là bộ da. Vậy mà khi nuôi, ít ai lại để ý chăm sóc bộ da tốt mà cứ nuôi thả, đến lớn thì đem bán. Mấu chốt là chỗ cá sấu vốn sống ở vùng đầm lầy, đất mềm mại đã nuôi dưỡng bộ da quý giá của chúng. Nhưng khi về chuồng nuôi, môi trường sống của cá sấu đã được bê tông hóa thì làm sao giữ da tự nhiên được. Hiểu được điều này xem như “gỡ” được một “nút thắt” trong nghề. Tôi đã tự tay sửa sang lại chuồng trại theo ý tưởng của mình....

- Nghĩa là anh phải làm “mềm” bê tông?

Đúng vậy! Cũng là bê tông hóa nhưng cốt yếu phải làm sao cho “mềm mại” như môi trường sống hoang dã của cá sấu vậy. Sàn gạch phải bằng phẳng. Các đường ron cũng được chăm chút hơn, đảm bảo không để lại tỳ vết nào dù rất nhỏ khi cá sấu bò lên đó. Thông thường, người nuôi để mặt sàn khô ráo để cá sấu phơi nắng. Theo tôi, lúc nào cũng có nước xăm xắp để tăng độ trơn láng, bảo vệ da bụng cá sấu khi di chuyển. Tất nhiên, nước chỉ đủ ướt phần bụng chứ không để ngập mình cá sấu...

- Cá sấu nuôi lấy da có được “chế độ đãi ngộ” gì hơn so với cá sấu nuôi bình thường?

- Phải khác chứ. Mỗi con phải được nuôi mỗi chuồng trong thời gian ít nhất 6 tháng trước khi “xuất chuồng”. Đây là thời gian quyết định chất lượng da cá sấu khi chúng đạt trọng lượng 10-15kg. Khu vực nuôi dưỡng da cho cá sấu luôn được che mát, có hệ thống mưa nhân tạo (phun sương) để “điều hòa” nhiệt độ. Khẩu phần ăn cũng được thay đổi bằng những món cá tươi...

- Anh nói nghe đơn giản nhưng quá trình tìm ra “bí quyết” có đơn giản không?

- Có ý tưởng không dễ. Nhưng thực hiện ý tưởng còn khó hơn. Tất cả các công đoạn trong xây dựng chuồng trại, từ thiết kế đến thi công đều do chính tay tôi làm. Có khi, vừa làm xong tôi lại không vừa ý rồi tháo dỡ ra làm lại. Thời gian đó, tôi ở trại cá sấu nhiều hơn ở nhà. Đã có những đêm tôi thức trắng chỉ để... nhìn con cá sấu! Có lẽ, từ sự quan tâm đặc biệt đó mà tôi đã “nghiệm” ra được nhiều điều. “Sáng kiến” nuôi dưỡng da con cá sấu cũng xuất phát từ đó.

- Và kết quả...

- Phía đối tác đã đến khảo sát mô hình và quyết định tiêu thụ cá sấu của tôi với giá 90.000 đồng/kg cá sấu hơi. Giá này không cao nhưng đảm bảo người nuôi có lời. Nuôi cá sấu đâu tốn nhiều công chăm sóc lại “kháng bệnh” rất cao nên không tốn nhiều chi phí. Nuôi có lời là sống được...

- Anh có chia sẻ kinh nghiệm của mình đối với những người có “máu” nuôi cá sấu khác không?

- Thấy được tiềm năng của con cá sấu, tôi đã phối hợp cùng ngành chức năng mời một số chuyên gia, doanh nghiệp ngành thuộc da tổ chức Hội thảo “Kỹ thuật nuôi cá sấu lấy da trong thời kỳ Việt Nam gia nhập WTO”. Người nuôi phải nắm bắt xem thị trường cần gì ở sản phẩm của mình chứ đừng thụ động làm theo thói quen, sản xuất và bán cái mình có. Nói tóm lại nuôi cá sấu cũng phải biết hội nhập...

- Anh sẽ không dừng lại ở chuyện bán da cá sấu chứ?

- Nếu dừng lại ở bán da cá sấu cũng đồng nghĩa với việc kết thúc sớm nghề này. Hội nhập thì phải chủ động. Làm ăn với đối tác một thời gian (bán cá sấu hơi) để nắm vững thị trường tôi sẽ chuyển sang nuôi cá sấu lấy da làm nguồn nguyên liệu sản xuất hàng mỹ nghệ. Khi đó, du khách đến với Kiên Giang sẽ tìm được một “đặc sản” khác từ những sản phẩm thuộc da cá sấu “Made in Kiên Giang - Việt Nam” 100%. Dân mình nuôi cá sấu nhiều nhưng có bao nhiêu người sở hữu được sản phẩm thuộc da cá sấu đâu? Tại sao mình không làm để giảm giá thành bán cho dân mình xài?

***

Nghe đến đây, có lẽ sẽ có người nói: Cường “cá sấu” lại “ngông” nữa rồi! Nhưng “tỉ phú cá sấu” Trịnh Đình Cường là vậy. Suy nghĩ táo bạo và nói là làm và khó có ai có thể ngăn cản được. Hy vọng “giấc mơ lãng mạn” của anh thành hiện thực.

THÀNH NGUYỄN


Bạc Liêu: Giá nghêu tăng gấp 3 lần so với đầu vụ

Nguồn tin: BCT, 24/4/2007
Ngày cập nhật: 24/4/2007

Tình trạng dầu loang ở khu vực ven biển gần đây đã làm ảnh hưởng đến các bãi nghêu khoanh nuôi ven biển phía Nam, đẩy giá nghêu thương phẩm tăng cao.

Hiện tại nghêu bán tại các chợ trong thị xã Bạc Liêu đã lên đến 20.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với đầu vụ. Giá nghêu tăng kéo theo giá sò huyết cũng đứng ở mức cao, 24.000 đồng/kg - 28.000 đồng/kg.

Tại vùng ven biển Bạc Liêu thuộc huyện Hòa Bình hiện nay, mỗi ngày có đến hàng trăm người dân đổ xô đi bắt nghêu giống, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền địa phương và hợp tác xã. Được biết, lượng nghêu giống năm nay không nhiều.

NHẬT HỒ


Tiền Giang: Triển khai Dự án nuôi thủy sản vùng lũ

Nguồn tin: Fisternet, 23/4/2007
Ngày cập nhật: 23/4/2007

Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Tiền Giang vừa triển khai dự án nuôi thủy sản vùng lũ dựa vào cộng đồng tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè).

Dự án này được thực hiện theo mô hình nuôi thủy sản trên nền đất lúa với diện tích 100 ha ruộng tại ấp Mỹ Tường B xã Hậu Mỹ Trinh. Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm về việc chuyển giao kỹ thuật từ khâu ương giống, đến chăm sóc quản lý diện tích nuôi trồng và thu hoạch. Trước mắt, Trung tâm cấp cho nông dân tham gia dự án 80 triệu con cá bột loại cá Sặc rằn và cá Rô đồng nuôi ở diện tích 06 ha ruộng sau 1,5 tháng bắt đầu thả trên diện tích 100 ha.

Hậu Mỹ Trinh huyện Cái Bè là xã có phong trào nuôi thủy sản mùa lũ phát triển rất mạnh với các loại cá nước ngọt và tôm càng xanh. Việc triển khai dự án này nhằm giúp nông dân tiếp cận được kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi thủy sản từ đó nhân rộng ra cộng đồng. Qua đó góp phần giúp cho nông dân có việc làm và nguồn thu nhập đáng kể trong mùa nước nổi.


Sóc Trăng: Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh

Nguồn tin: Sóc Trăng, 20/04/2007
Ngày cập nhật: 23/4/2007

Trong những năm gần đây, Sóc Trăng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú, diện tích hàng năm khoảng 61.500 ha, trong đó có 47.300 ha nuôi tôm sú, với tổng sản lượng bình quân đạt trên 50.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD; đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân và lực lượng lao động địa phương. Đặc biệt, tốm sú Sóc Trăng đã tạo được những thương hiệu uy tín trên thương trường.

Tuy nhiên gần đây đã xuất hiện việc nuôi tôm thẻ ( tôm he) chân trắng ở một số địa phương trong nước. Tôm thẻ chân trắng tuy đạt năng suất khá, nhưng chính là đối tượng dễ phát sinh bệnh, đặc biệt là hội chứng Taura gây bệnh lớn, làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản và môi trường tự nhiên. Nên thời gian qua Bộ Thủy sản đã có nhiều chỉ thị, công văn về việc tăng cường quản lý tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam. Riêng ở Sóc Trăn, để đảm bảo an toàn trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi tôm sú, UBND tỉnh đã chỉ thị: Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhấnản xuất, vận chuyển, mua bán, thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với mọi hình thức.

Thanh tra Sở Thủy sản, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP, ngày 11/10/2005, của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các qui định pháp luật khác có liên quan.


Huyện Phú Quý: Nuôi thử nghiệm cá bốp trong lồng bè...tín hiệu khả quan!

Nguồn tin: Bình Thuận, 23/04/2007
Ngày cập nhật: 23/4/2007

Một loại cá vừa được nuôi thử nghiệm thành công trong các lồng bè tại xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đó chính là loài cá bốp!

Những năm qua việc nuôi các loại cá giá trị kinh tế cao trong lồng bè ven biển ở đảo Phú Quý đã đem lại thu nhập khá cho người dân xã Long Hải, huyện Phú Quý. Gần một năm trở lại đây, bên cạnh các loại cá mú đỏ, mú cọp, cá chình, cá chim... thì trong các lồng bè đã xuất hiện thêm loại cá bốp. Theo số hộ nuôi, giống cá bốp con này được nhập từ Đài Loan do một người Trung Quốc, chủ một doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đưa về Cam Ranh (Khánh Hòa) gầy giống có quy mô lớn trên các lồng bè... Tháng 6 năm 2006, ông Trần Cấm, ở thôn Phú Long, xã Long Hải lặn lội ra Cam Ranh (Khánh Hòa) tìm mua đem về đảo Phú Quý và đã thả xuống lồng 1.000 con giống, mỗi con có kích cỡ bằng ngón tay út của người lớn. Qua hơn 8 tháng nuôi, đến nay trọng lượng đã đạt từ 3,5 đến 4 kg/con. Cá bốp con được mua với giá 20.000 đồng/con, rẻ gần 1/3 so với con giống cá mú đỏ. Loại cá bốp này thích nghi nhanh với môi trường nuôi ven bờ biển, ăn rất khỏe, chóng lớn và không phải chăm sóc nhiều và tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi tối đa khoảng 20%. Đây chính là những yếu tố mà người dân ở thôn Phú Long, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý chọn nuôi loại cá này. Ông Trần Cấm là người đầu tiên nuôi thí điểm loại cá bốp cho biết: “Năm ngoái nghe nhiều người nói ở Cam Ranh – Khánh Hòa có loại giống cá bốp rất dễ nuôi và phát triển nhanh lắm, sẵn đang có khoảng 30 ô lồng bè nên tôi quyết định tìm mua đem về thả nuôi gần 1.000 con giống. Mỗi ô lồng thả nuôi 100 con, theo hướng dẫn và học hỏi kinh nghiệm thì cứ khoảng 30 ngày là phải tắm cá một lần, tức là vây lưới dồn đàn cá sát lại từng ô kéo cá lên mép nước, rồi dùng máy bơm nước ngọt tưới bắn vào đàn cá để làm sạch những chất rong nhớt bám ở thân con cá. Loại cá này ăn dữ lắm, thức ăn cho nó lúc nhỏ là những con cá tạp (cá heo) được băm nhỏ, sau hơn 3 tháng thì không cần băm nhỏ nữa và mỗi ngày cho ăn 2 lần, đến nay đã gần 9 tháng, mỗi con vớt lên cân nặng được 3,5 ký”. Được biết lồng bè của ông Cấm có 30 ô, trong đó 10 ô nuôi cá bốp, còn lại ông nuôi cá mú, cá chình... Theo ông, khoảng 3 tháng nữa số cá bốp ông nuôi sẽ nuôi sẽ đình, các quán lẫu cá rất ưa chuộng cũng như phù hợp với túi tiền và sở thích trong chế biến các món ăn trong gia đình hàng ngày như: đầu cá bốp nấu canh chua, thân cá bốp kho tộ, chiên sốt cà chua...

Tuy chưa xuất bán, nhưng theo tính toán thì 1.000 con cá bốp thương phẩm trọng lượng trung bình 5 kg với giá bán 40.000 Tuy chưa xuất bán, nhưng theo tính toán thì 1.000 con cá bốp thương phẩm trọng lượng trung bình 5 kg với giá bán 40.000 dùng để đầu tư nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như mú đỏ, mú cọp. Ông Trần Văn Cừ - thôn Phú Long, xã Long Hải hiện đang nuôi 900 con cá bốp giống khẳng định: “Giá trị kinh tế loại cá bốp này sẽ mang lại không lớn so với loại cá mú đỏ, mú cọp, nhưng bà con chúng tôi đã và đang nưôi cảm thấy yên tâm, bởi nuôi giống cá này dễ chăm sóc hơn, tuy chúng rất tạp ăn nhưng không sợ bị dịch bệnh như loại cá mú. Lúc thả giống cá bốp con nó chỉ lớn hơn con cá cơm đôi chút, một tháng sau thấy nó phát triển rất nhanh và đến nay đã 9 tháng cân nặng 3,5 ký/con, chúng tôi dự tính nuôi đúng 12 tháng sẽ thu hoạch.

Hy vọng, với việc nuôi thử nghiệm thành công loại cá bốp, người nuôi cá lồng ở xã Long Hải huyện Phú Quý đã có thêm một sự lựa chọn để làm tăng thêm nguồn lợi kinh tế cho gia đình, xã hội.

NGỌC PHÚC


Nỗi lo khi con tôm hùm nuôi bị bệnh

Nguồn tin: ND, 21/4/2007
Ngày cập nhật: 23/4/2007

Từ cuối năm 2006 đến nay, bà con nuôi tôm hùm ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) khốn khổ vì con tôm mắc bệnh đục thân, chưa có thuốc đặc trị. Đang lo âu thì có nhà khoa học tìm đến, tự nguyện trị bệnh cho tôm, nhưng, tôm lại chết nhiều hơn.

Đang trên đà làm ăn ngon lành, lãi thu được sau mỗi chu kỳ nuôi hàng trăm triệu đồng, giờ đây, nhiều hộ nuôi tôm hùm ở Vĩnh Tân đang đối diện với nguy cơ “trắng tay”.

Trở lại Vĩnh Tân hồi giữa cuối tháng 4, chúng tôi nhận thấy nỗi lo âu, rầu rĩ bao trùm lên các hộ nuôi tôm hùm. Kỹ sư Lê Văn Tất , Trưởng trạm khuyến ngư huyện Tuy Phong, cho biết: Con tôm hùm nuôi tại một số lồng bè ở Vĩnh Tân đang mắc bệnh đục thân do một lọai bào tử trùng gây ra, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Khi con tôm đã nhiễm bệnh, bắt đầu bỏ ăn, yếu dần, thì ở khoang thân “nối” giữa đầu và đuôi tôm, chuyển sang màu đục hồng hồng.

Trạm đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm phải thường xuyên vệ sinh lồng bè thật kỹ; kiểm tra kỹ lưỡng nguồn thức ăn tươi hàng ngày của tôm; không thả con giống mới và không nên di chuyển lồng bè để tránh lây lan trên diện rộng.

Con tôm hùm được nuôi ở Vĩnh Tân từ năm 2001 và phát triển cực thịnh vào những năm 2004, 2005. Hiện nay, tòan xã Vĩnh Tân có 74 hộ đầu tư nuôi tôm hùm với khoảng 670 lồng (9 m2/lồng). So với Phú Yên và một số tỉnh ở Nam Trung Bộ, quy mô nuôi tôm hùm ở Vĩnh Tân không lớn bằng, nhưng đã giúp thoát nghèo cho nhiều hộ và có không ít gia đình giàu lên từ tôm hùm. Tôm hùm nuôi tại Vĩnh Tân có hai lọai : Tôm hùm bông (hoa) và tôm hùm xanh.

Một chu kỳ nuôi tôm bông, từ lúc thả con giống bằng đầu tăm đến khi đạt trọng lượng 1 đến 1,2 kg / con để xuất bán, kéo dài khoảng 18 tháng. Chu kỳ nuôi tôm xanh khoảng một năm, khi xuất bán, mỗi con cân nặng khoảng từ 3,5 đến 4 lạng. Năm vừa rồi, giá mỗi ký tôm bông ở Vĩnh Tân dao động từ 700 nghìn đến 720 nghìn đồng và từ 500 nghìn đến 530 nghìn đồng/kg tôm xanh. Năm 2006, hầu hết người nuôi hùm ở Vĩnh Tân đều có lãi, trong đó hộ có lãi cao nhất hơn 800 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi bắt đầu thả con giống cho chu kỳ nuôi mới, nhất là sau cơn bão số 9 hồi cuối năm 2006, hiện tượng tôm mắc bệnh đục thân phát sinh và lây lan, gây thiệt hại cho nhiều hộ nuôi. Hiện nay, những lồng đã có tôm nhiễm bệnh, mỗi ngày tiếp tục có vài con chết.

Theo ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch hội Nông dân xã Vĩnh Tân, từ năm 2001 đến trước tháng 11-2006, tôm hùm nuôi tại Vĩnh Tân chưa hề bị bệnh đục thân.

Do lợi nhuận cao, một số chủ lồng bè muốn rút ngắn thời gian nuôi đã ra Phú Yên mua lại tôm nuôi ở đó đã đạt trọng lượng từ 1 đến 1,5 lạng/con, về thả nuôi lại ở Vĩnh Tân, nhưng không kiểm tra mầm bệnh. Rất nhiều khả năng là số tôm ấy đã mang mầm bệnh đục thân và tiếp tục lây bệnh cho số tôm nuôi tại lồng bè ở Vĩnh Tân, đồng thời lan rộng đến nhiều lồng khác trong vùng .

Người nuôi tôm ở Vĩnh Tân đang rầu rĩ vì tôm bị bệnh “nan y”, thì cuối tháng 3 vừa qua , ông tiến sĩ N.V. K. từ Hà Nội vào Phan Thiết, rồi ra Vĩnh Tân tự liên hệ để trị bệnh cho tôm. Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, nhớ lại: Ngày 26-3, ông N.V.K đến trụ sở UBND xã Vĩnh Tân bằng xe của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận cùng với hai phóng viên của đài này, đề nghị được giúp địa phương trị bệnh cho tôm. Hôm ấy, HĐND xã Vĩnh Tân họp bất thường và xã đã cử một nữ nhân viên đưa ông N.V.K xuống trực tiếp liên hệ với các hộ nuôi tôm .

Hộ chị Vũ Thị Nga ở thôn Vĩnh Phúc là nơi ông N.V.K đã tìm đến. Chị Nga nhớ lại: “Hôm ấy, ông N.V.K đến nhà tôi có đem theo một thùng nhựa (lọai thùng 20 lít dùng đựng nước uống) có chứa chất lỏng và nói rằng đó là một lọai dung dịch do ông chế ra, sẽ trị hết bệnh cho tôm”. Đang trò chuyện với chúng tôi thì người nhà chị Nga mang bốn, năm con tôm bông chừng 5 lạng / con đã chết từ lồng vào, nét mặt chị càng thêm rầu rĩ.

Chị Nga kể tiếp: “Ông N.V.K mang theo thứ nước ấy ra bè tôm nhà tôi , đổ một ít ra chậu, pha thêm với nước biển rồi lần lượt “tắm” cho từng con tôm trong lồng. Người nhà tôi có đề nghị nên “tắm” thử vài con , nhưng ông N.V.K bảo cứ “tắm” hết cả lồng, có gì ông chịu .

Lúc đó, trong lồng này có hơn 100 con tôm bông đã đạt trọng lượng khoảng 5 đến 6 lạng / con. Hôm sau, theo lời dặn của ông N.V.K , gia đình tôi tiếp tục “tắm” cho lồng tôm xanh hơn 620 con còn nhỏ. Khi “tắm” xong, lặn kiểm tra lồng tôm bông được “tắm” hôm trước, thì tôm đã chết sạch.

Đến chiều hôm đó, gần 400 con tôm xanh cũng đã chết. Sau khi tôm chết, tôi có điện thọai cho ông N.V.K nhưng mãi đến nay đã gần một tháng, vẫn chưa thấy ông N.V.K trở lại”.

Chị Nga cũng cho chúng tôi biết thêm: Trước khi ông N.V.K “tắm” tôm trị bệnh, tôm của nhà chị cũng có chết do bệnh đục thân, nhưng mỗi ngày chỉ một vài con, có ngày không có tôm chết . Thiệt hại của nhà chị Nga từ việc “tắm” tôm trị bệnh của ông N.V.K lên đến gần 100 triệu đồng.

Vấn đề đặt ra là : Đã cảnh báo bệnh đục thân của tôm hùm chưa có thuốc đặc trị, vì sao các ngành chức năng ở Tuy Phong, Bình Thuận lại để cho ông N.V.K dễ dàng tự tìm đến các hộ nuôi tôm ở Vĩnh Tân để thử nghiệm “thần dược” của mình?

Cũng còn may là nhiều hộ nuôi tôm hùm khác ở Vĩnh Tân đã từ chối lời đề nghị của ông N.V.K: Nếu tôm chưa bị bệnh, thì nên “tắm” cho tôm để phòng bệnh (!)

Dương Hồng Lâm


Bình Thuận: Tôm chết hàng loạt sau khi dùng "nước ôzôn" trị bệnh

Nguồn tin: LĐ, 21/04/2007
Ngày cập nhật: 22/4/2007

Một hộ dân nuôi tôm hùm tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, sau khi sử dụng nước ôzôn để trị bệnh cho tôm theo hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (GĐ Trung tâm tư vấn đèn tiết kiệm điện năng & dung dịch hoạt hoá, điện hoá - Viện Công nghệ Môi trường), đã lâm vào tình trạng bi đát vì tôm chết hàng loạt. Có khả năng ông Khải sẽ bị kiện về vụ này.

Ông Nguyễn Thu - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân - cho biết: "Hôm ông Khải ghé UBND xã (ngày 26.3), ông Khải xưng là tiến sĩ, có khả năng trị hết bệnh cho tôm và đề nghị đưa đến các hộ dân. Nghe qua, ai cũng mừng". Chị Trần Thị Thanh Trang - cán bộ kinh tế xã, người trực tiếp đưa ông Khải đi gặp các hộ nuôi tôm - cho biết: "Chúng tôi đến nhà chị Vũ Thị Nga. Bà con kéo đến rất đông".

Chị Nga đưa ông Khải ra bè tôm. Trước sự chứng kiến của nhiều người dân, ông Khải pha nước ôzôn với nước biển vào chậu, bảo thả tôm vào. Ông Khải đòi thử hàng loạt, nếu tôm chết sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.

Cuối cùng, chị Nga đồng ý cho thử trên một lồng tôm lớn, khoảng 500-600gr/con, số lượng trên 100 con. Ông Khải ngâm tôm vào nước pha ôzôn trong vài phút và thả trở lại lồng. Lúc đó tôm chưa có biểu hiện gì bất thường. Sau đó ông Khải ra về, để lại một bình nước đang dùng dở và một bình còn đầy khoảng 20 lít, dặn chị Nga hôm sau làm tiếp trên các lồng tôm khác.

Sáng hôm sau, chị Nga lại "tắm" thêm một lồng tôm loại nhỏ số lượng hơn 600 con. Sau đó, khi xem lại lồng tôm lớn đã thử hôm qua, chị phát hiện hàng chục con tôm đã chết. Trong khoảng 3-4 ngày, lồng tôm lớn trên 100 con đã chết sạch, tôm nhỏ cũng chết lần lượt gần hết. Thiệt hại trên cả trăm triệu đồng.

Sau khi tôm chết, chị Nga liên tục gọi ĐT cho ông Khải. Ban đầu ông hứa sẽ đến xem, nhưng sau đó nói đã ra Hà Nội và đến nay không trả lời ĐT nữa! Chị Nga cho biết sẽ làm đơn kiện gửi đến các cơ quan chức năng.

Trung Phương


Tôm hùm chết vì tắm nước ozone + nước biển?

Nguồn tin: TP, 21/04/2007
Ngày cập nhật: 22/4/2007

" Khoảng 3 - 4 ngày sau khi tắm nước biển pha nước ozone, số tôm lớn chết sạch, còn số tôm nhỏ chết thì chị đếm đến con thứ 390 rồi không đủ can đảm đếm nữa…"chị Nga, chủ hộ nuôi tôm hùm ở Bình Thuận chua xót nói.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) Nguyễn Thu kể: “Khoảng 9 giờ sáng 26/3, tôi đang họp thì nhân viên báo có một ông Tiến sĩ và hai phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Thuận đến.

Ông Tiến sĩ này giới thiệu tên là Nguyễn Văn Khải, nghe tin tôm hùm nuôi bè ở xã nhiễm bệnh chết nhiều nên muốn giúp đỡ dân. Tôi bận họp nên không tiếp khách, nhờ cô Trần Thị Thanh Trang, cán bộ phụ trách kinh tế của xã đưa họ đến hộ nuôi tôm hùm Vũ Thị Nga ở thôn Vĩnh Phúc … ”.

Cô Trần Thị Thanh Trang cho biết, ở nhà chị Nga, ông Khải lấy nước chứa trong bình nhựa 20 lít, nói là nước ozone, dùng tắm cho tôm nhiễm bệnh thì tôm sẽ khỏi. Để chứng minh nước ozone vô hại, ông Khải uống trước một ly, vài người dân cũng uống thử xem mùi vị thế nào, riêng cô Trang không dám uống.

Chị Vũ Thị Nga dáng vẻ thất thần, kể : “Tôi bảo có tắm nước gì đó thì bắt vài con tắm thí nghiệm thôi, nhưng ông Khải không chịu. Ông Khải nói cứ tắm hết tôm hùm trong một lồng, tôm chết ông sẽ đền”.

Toàn xã Vĩnh Tân có 74 hộ nuôi 74 bè gồm 670 lồng tôm hùm (loại lồng 9m2 mặt nước). Theo kết quả xét nghiệm của Viện Nghiên cứu Thủy sản III, tôm hùm bị nhiễm vi bào tử trùng (Microsporidians) trong cơ và mang tôm với cường độ khá cao (+ +).

Ngoài ra, tôm hùm con bị nhiễm nấm Fusarium sp và vi khuẩn Vibrio với mức độ thấp. Đối với bệnh này, hiện chưa có loại thuốc hay phương pháp trị liệu có hiệu quả để điều trị bệnh này. (Nguồn: Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận)

Sáng hôm đó, trên bè tôm hùm của chị Nga, ông Khải đã pha nước ozone với nước biển vào trong một cái thau, dùng vợt xúc tôm cho vào. Có khoảng 100 con tôm hùm cỡ 500 - 600 gram/con đã được tắm để chữa bệnh. Lượng nước ozone còn lại trong can, ông Khải bảo dùng tắm tôm trong các lồng còn lại.

Chị Nga nước mắt lưng tròng: “Sáng hôm sau chúng tôi tắm cho 620 con tôm nhỏ bằng ngón tay. Xong việc, lặn xuống lồng tôm lớn thì thấy hơn 30 con đã chết. Ngay buổi chiều, mấy chục con tôm nhỏ cũng đã chết”.

Chị Nga cho biết, trong 3 – 4 ngày sau, số tôm lớn chết sạch, còn số tôm nhỏ chết thì chị đếm đến con thứ 390 rồi không đủ can đảm đếm nữa…

Với giá bán tôm lớn hiện nay là 680.000 đồng/kg và tôm giống giá 180.000 đồng/con, thiệt hại của chị Nga ước hơn trăm triệu đồng. Anh Trần Văn Thanh có bè ở gần bè chị Nga đã bơi thúng sang xem cảnh tắm cho tôm, xác nhận: “Ông Khải cứ khăng khăng bảo phải tắm cả lồng tôm thì tôm mới hết bệnh. Nếu tôm chết ông sẽ chịu trách nhiệm. May mà tôi không nghe lời…”.

Sau cơn bão số 9 không lâu, khoảng tháng 11/2006, ở Vĩnh Tân đã xảy ra hiện tượng tôm nhiễm bệnh và chết vài con/ngày/bè nuôi; đến nay hiện tượng tôm chết lai rai vẫn còn.

Thế nhưng, tôm chết nhanh và nhiều như ở bè của chị Nga là trường hợp đầu tiên. Tuy không hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng vì tắm nước biển pha nước ozone mà gây chết tôm rồi đổ tội cho ông nhưng chị Nga rất “oán” ông Khải.

Chị cho biết ngay sau khi tôm chết, chị điện thoại cho ông Khải (lúc này ông còn ở Phan Thiết), ông hứa sẽ ra bè tôm kiểm tra nhưng rồi sau đó ông về Hà Nội. Về sau, chị Nga gọi thì ông Khải không nghe máy.

Trước đó, ông Khải đã đến một số doanh nghiệp thủy sản ở Phan Thiết, dùng nước ozone để tẩy chất Chloramphenicol (kháng sinh) trên mực xuất khẩu nhưng không thành công.

Vào chiều 20/4, chúng tôi liên lạc điện thoại với chị Nga, chị cho biết đang xem xét khả năng khởi kiện tiến sĩ Nguyễn Văn Khải.

Phương Thảo

TS. Nguyễn Văn Khải: "Tôi sẵn sàng hỗ trợ bằng tiền"

Phóng viên Tiền phong đã phỏng vấn TS Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa & Đèn Tiết kiệm Điện năng.

Được biết chị Vũ Thị Nga, một chủ hộ nuôi tôm lớn của xã Vĩnh Tân (Tuy Phong - Thuận) sau khi được ông hướng dẫn dùng nước ozone để chữa bệnh tôm tại bè của chị bị chết. Diễn biến tắm cho tôm hôm ấy thế nào, thưa ông?

Khoảng 10 giờ 30 ngày 26/3, tôi cùng chị Nga và những người làm công của chị tắm cho tôm bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa được pha chế theo tỷ lệ 1/10 (1 phần dung dịch và 10 phần nước biển). Tất cả những con tôm được tắm đều bị bệnh. Có con còi không lớn được. Có con to bằng ngón tay cái rũ đầu xuống.

Cứ sau 5 phút, thợ lặn lại vớt được 1-3 con tôm. Sau một giờ làm việc, tôi không nhớ rõ số tôm được tắm là bao nhiêu. Nhưng với tiến độ, số tôm được tắm không thể vượt quá 40.

Sau đó tôi hướng dẫn chị Nga làm tiếp cho những con tôm còn lại nhưng tôi cũng lưu ý chị Nga phải xử lý thức ăn đồng thời vớt thức ăn thừa lên. Một người đàn ông lên tiếng trước mặt ống kính truyền hình Bình Thuận: “Thức ăn thừa có khi ba ngày chưa thèm vớt”.

Có ý kiến cho rằng, vì không thử nghiệm trước nên mới dẫn tới việc bè tôm của chị Nga chết đến hàng trăm con. Vậy tại sao ông lại quyết định tắm cho tôm hùm bằng nước đó?

Các tài liệu, trong đó có Nhật và Hàn Quốc, khẳng định nước hoạt hóa điện hóa có khả năng diệt vi khuẩn Vibro anguilarum và Aeromonas Salamonicida. Trong khi đó, theo Trung tâm khuyến nông Bình Thuận, tôm hùm ở đây được xác định nhiễm nấm Fusarium.sp, vi khuẩn Vibrio và nhiễm bào tử trùng trong cơ, máu và mang với cường độ khá cao.

Sau khi trực tiếp tắm cho tôm bằng nước hoạt hóa điện hóa, ông có nhận được thông tin nào về diễn biến của tình trạng tôm tại bè của chị Nga không?

Ngày 27/3, anh Điệp (chồng chị Nga) gọi điện cho tôi báo là tôm bị chết một số. Tôi nói, chết là bình thường vì quy trình xử lý nào cũng không thể chấm dứt ngay tình trạng thủy sinh chết.

Nếu như việc kiểm tra khẳng định số tôm chết là do rửa bằng nước hoạt hóa điện hóa, ông sẽ làm gì?

Tôi sẵn sàng hỗ trợ bằng tiền, những con tôm đó nếu được xác nhận chết do tắm bằng nước hoạt hóa điện hóa. Tôi vẫn đang phối hợp với một số nơi ở Bình Thuận để xử lý việc này chứ không hề bỏ chạy.

Một lãnh đạo cao cấp của Bình Thuận hẹn sau 20/4, tôi sẽ vào để làm việc khác liên quan đến việc ứng dụng nước ozone trong việc bảo quản hoa quả.

Tôi khẳng định là không hề có biểu hiện trốn tránh. Những ai nghi ngờ, tôi hẹn gặp lại họ ở chính nhà chị Nga vào một ngày gần đây.

Quyên Quyên -QD


Sò huyết nhiều nơi bị chết

Nguồn tin: BTre, 20/4/2007
Ngày cập nhật: 21/4/2007

Mấy ngày qua (đầu tháng 4-2007), nhiều bãi nuôi sò huyết tại xã Thừa Đức, Thới Thuận (Bình Đại, Bến Tre) đã xuất hiện tình trạng sò nuôi bị chết hàng loạt, các chủ nuôi sò đang vội vã thu hoạch sò đạt kích cỡ thương phẩm bán với giá 14.000-15.000 đồng/kg. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre, ngoài dầu vón cục tắp vào bờ (không nhiều), đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện dầu loang trên mặt nước biển Thừa Đức. Khác với các sân nghêu, các bãi bùn nuôi sò huyết nằm sâu trong bờ biển hoặc cặp theo hai bên bờ sông. Theo nhận định của HTX Thủy sản Đồng Tâm, sò huyết chết có thể là do thời tiết năm nay nắng nóng, thay đổi đột ngột (từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm), ít khả năng sò chết do ảnh hưởng dầu tràn.

Phan Lữ Hoàng Hà


Ốc Gạo ở Vĩnh Bình bị bệnh lạ tấn công

Nguồn tin: BTre, 20/4/2007
Ngày cập nhật: 21/4/2007

Ông Trần Văn Tặng, Phó Chủ nhiệm phụ trách kinh doanh HTX Ốc Gạo Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Bình, Chợ Lách) cho biết hơn tháng qua, 90% ốc gạo nuôi ở khu bảo tồn ốc gạo tại Vĩnh Bình đã bị một loại ký sinh tấn công, bám vào vỏ ốc một màu trắng phếu làm ốc chậm phát triển, bắt đầu chết rải rác. Số ốc trên đem luộc, ruột ốc rất ốm, ăn nhạt nhẽo! Trước tình hình trên, HTX Vĩnh Tiến đang khẩn bách yêu cầu Sở Thủy sản Bến Tre cử chuyên viên đến khu bảo tồn để thu mẫu, phân tích bệnh ở ốc. Được biết, khu bảo tồn ốc gạo do HTX Vĩnh Tiến quản lý rộng 150 ha, sản lượng hàng năm khoảng 50 tấn ốc thương phẩm. Đây là đặc sản được du khách ưa thích nhưng đang khan hiếm dần ở vùng sông nước ĐBSCL.

Phan Lữ Hoàng Hà


Sóc Trăng - Bạc Liêu: Giá trứng artemia tăng cao

Nguồn tin: CT, 21/4/2007
Ngày cập nhật: 21/4/2007

Thời tiết nắng nóng kéo dài lại tạo điều kiện thuận lợi cho artemia (một loài giáp xác) nuôi tại Bạc Liêu và Sóc Trăng phát triển tốt. Ông Cao Thành Văn, Chủ nhiệm Hợp tác xã artemia Vĩnh Châu-Bạc Liêu, cho biết: Hiện tại, giá trứng artemia dao động từ 350.000-380.000 đồng/kg, tăng 80.000-110.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đây là hợp tác xã duy nhất tại Bạc Liêu nuôi artemia lấy trứng cung cấp cho các trại sản xuất tôm, cá giống và xuất khẩu. Năm nay, hợp tác xã nuôi artemia trên diện tích 90 ha tại Bạc Liêu và huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

N.H


Khi con cá tra "lên bờ"

Nguồn tin: BCT, 20/4/2007
Ngày cập nhật: 20/4/2007

Cù lao Tân Lộc (huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được coi là mô hình minh chứng rõ nhất cho việc đưa thành công con cá từ dưới sông (nuôi bè) “lên bờ” những năm gần đây. Nghề nuôi cá tra hầm phát triển quá nhanh và chưa từng có năm nào con cá tra “lên ngôi” như năm 2006 và mấy tháng đầu năm 2007 này (có thời điểm giá cá tra thịt 17.000 đồng/kg). Ở Tân Lộc, giá đất đào ao nuôi cá cực nóng, tăng vọt từ 50-70 triệu đồng/công lên gần 200 triệu đồng/công, vẫn khó tìm.

Cùng thời điểm, báo chí dồn dập đưa tin: “Chết chìm” làng bè (An Giang), chìm “Thành phố nổi”, làng bè suy sụp, làng bè hết thời... Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hội nghề cá An Giang thừa nhận, số bè còn lại của tỉnh chỉ còn khoảng 1.500 bè (kể cả cá tra), giảm phân nửa so với hai năm trước. Và ông cho biết thông tin mới: Tập đoàn Alatis Group-Iceland, một tập đoàn đa quốc gia chuyên nuôi, chế biến, xuất khẩu cá, khi đầu tư 25 triệu USD cũng quyết định “bỏ bè lên cạn”, nhắm tới Chợ Mới - Tân Châu cho một khu nuôi 100ha...

Làng bè An Giang tan tác trước cơn lốc... bán bè. Tư nhân bán bè và doanh nghiệp cũng bán bè. Một người bán cá thì 10 người bán bè. “Bà Thủy” há miệng đớp, ngốn hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, đánh sập bao khát vọng đổi đời của cư dân dọc hai dòng châu thổ. Bãi xẻ thịt bè cá của bà Tám Điểm (ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, An Phú) như tụ cả u uất, hứng chịu “Nước mắt làng bè”. Nơi đây, “người giàu cũng khóc”. Nhiều tỉ phú cá da trơn một thời oanh liệt nay đang lâm vào bước đường khánh kiệt.

Cá tra “lên bờ” chỉ 2-3 năm đã dìm chết, soán ngôi một làng nghề tồn tại trên thế kỷ! Có nhiều nguyên nhân nhưng người ta phải thừa nhận đấy là sự lạnh lùng của quy luật thị trường. Khi tính cạnh tranh của con cá hầm hơn hẳn cá tra bè (vốn đầu tư 1,5 tỉ đồng chỉ nuôi được 100 tấn cá tra bè, trong khi cùng số vốn này có thể nuôi được vài trăm tấn cá tra hầm, thịt trắng, tỷ lệ phi-lê cao, ít bệnh...).

Cù lao Tân Lộc trở thành “cù lao tỉ phú”; nhiều “anh Bảy chị Ba” nằm nhà máy lạnh, mua xe hơi, lập trang web... Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, còn một thực tế khác. Từ “Nước mắt làng bè” đáng cho chúng ta suy ngẫm về đoạn kết của sự phát triển tự phát, vượt tầm quản lý. Đó là hậu quả của việc người ta đổ xô nhau mua đất; thiếu sự liên kết mang tính vùng; giá nguyên liệu lên xuống thất thường, phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường... Và tất cả những gì chúng ta đã thấy từ “nước mắt làng bè” cũng đã ẩn hiện thấp thoáng, rất cần cảnh báo.

800 triệu USD là con số thu về từ việc xuất khẩu cá tra của toàn khu vực trong năm 2006, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bởi sự biến động vô lường của thị trường. Trong khi điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, “chặt, trồng; trồng, chặt”, ổn định đầu ra thị trường, phát triển bền vững... vẫn đang làm cho nhiều nông dân đồng bằng đau đáu, bức xúc...

VŨ THỐNG NHẤT


Nhiều ao nuôi tôm sú, cua biển chết vì mưa trái mùa

Nguồn tin: BCT, 20/4/2007
Ngày cập nhật: 20/4/2007

Hai ngày qua, những cơn mưa trái mùa đã trút nước xối xả xuống các đầm tôm thuộc huyện Hồng Dân, Phước Long (Bạc Liêu) và một phần của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Do mưa bất thường trong mùa nắng nóng nên tôm sú nuôi khoảng một tháng tuổi bị “sốc” vì thiếu ôxy, chết rất nhanh. Ông Út Phến, ở xã Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu), cho biết: Không chỉ có tôm mà cua biển nuôi trong ao tôm cũng chết do nguồn nước bị xáo trộn bởi những trận mưa trái mùa.

Ngoài ảnh hưởng thời tiết, hiện nay hàng trăm hecta tôm sú thả nuôi khoảng một tháng tuổi ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Trà Vinh cũng chết mất xác dưới ao. Nguyên nhân do người dân không tuân theo lịch thời vụ của ngành thủy sản, mua giống trôi nổi không qua kiểm dịch và thả nuôi ngoài vùng quy hoạch.

SONG NGUYỄN


Phát triển nuôi cá tra ngoài quy hoạch tại An Giang: Làm sao xử lý?

Nguồn tin: CT, 19/4/2007
Ngày cập nhật: 20/4/2007

Thời gian qua việc giá cá tra ở ĐBSCL tăng giá đã trở thành động lực để những người nuôi cá tiếp tục đầu tư, phát triển mới diện tích. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt này nằm ngoài dự tính trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản, có nguy cơ phá vỡ các quy hoạch khác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

ĐE DỌA CÙ LAO DU LỊCH

Đầu tháng 4-2007, tại các vùng trọng điểm nuôi cá tra của An Giang như Phú Tân, Châu Phú, Mỹ Hòa Hưng, người nuôi rất phấn khởi sau một vụ thắng lớn. Từ đó, kế hoạch nuôi mới và mở rộng sản xuất được nhiều người nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Không chỉ nạo vét ao nuôi cũ, nhiều người tìm kiếm mua đất đào ao nuôi mới rất rầm rộ, làm cho việc phát triển thủy sản tại An Giang đứng trước nhiều mối nguy lớn.

Tại cù lao ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tình trạng người dân tại chỗ đào mới, người nơi khác đến mua đất nuôi cá tra đang sôi động. Hàng chục ha đất ruộng, bãi bồi nhanh chóng chuyển thành ao cá. Tuy nhiên, việc phát triển của cù lao ông Hổ từ lâu đã gắn với quy hoạch du lịch. Anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, bức xúc nói: “Tuy đã có quy hoạch tổng thể để phát triển du lịch, nhưng cứ đào ao nuôi cá như thế này thì tương lai môi trường ở đây phải tính sao?”.

Câu hỏi của anh Hoàng cũng là trăn trở chung của nhiều người dân trên cù lao này. Chú Dương Hữu Nghĩa, ngụ ấp Mỹ Thuận, cho biết: “Thời gian qua, việc nuôi cá quá nhiều đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước trong khu vực. Một số kinh mương bốc mùi hôi vẫn chưa được xử lý. Hơn một tháng nay lại nuôi cá ồ ạt thì sắp tới môi trường chưa biết ra sao nữa”.

Theo kiểm tra của UBND xã Mỹ Hòa Hưng, chỉ sau đợt cá tra lên giá như vừa qua, tại cù lao ông Hổ đã phát sinh 30 hộ nuôi mới với diện tích hơn 14 ha. Ông Ngô Công Danh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết: “Điều lo lắng nhất là đã có 2 ha phát sinh mới nằm trong quy hoạch du lịch tại cù lao ông Hổ. Hiện nay, các trường hợp phát sinh này xã đã có lập biên bản và đề nghị xử lý 20 trường hợp. Nhưng một số trong đó là người ở địa phương khác đến thuê hoặc mua đất để nuôi cá, nên rất khó xử phạt”.

Với đà này kế hoạch phát triển du lịch ở cù lao ông Hổ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Không những thế, tình trạng nuôi tự phát ngoài quy hoạch còn diễn ra ở nhiều nơi như Châu Thành, Châu Phú... Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay toàn tỉnh đã phát sinh đào ao nuôi mới trên 200 ha, nhưng thực tế còn nhiều hơn, trong đó có khoảng 70% nằm ngoài quy hoạch. Nhiều diện tích ao nuôi thậm chí nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm, dẫn đến sự xung đột lợi ích của những người nuôi trồng thủy sản khác. Ngoài ra, rất nhiều hộ nuôi cá không đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường, nên tình trạng tiếp tục xả nước bừa bãi sẽ dẫn đến việc phát triển không bền vững đối với ngành thủy sản trong tương lai”.

GIẢI PHÁP NÀO ỔN THỎA?

Việc phát triển ồ ạt diện tích nuôi cá tra ngoài quy hoạch còn đe dọa đến tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của toàn tỉnh. Ông Huỳnh Thế Năng thừa nhận: “Việc đào ao nuôi tự phát không chỉ đơn thuần phá vỡ quy hoạch phát triển thủy sản, mà sâu xa hơn là không kiểm soát được môi trường, nguồn nước, dịch bệnh sẽ phát sinh, gây nguy cơ đổ vỡ hàng loạt thiệt hại lớn đến lợi ích của toàn xã hội. Do đó, tỉnh đã quyết định tạm ngưng việc đào ao nuôi cá trên địa bàn kể từ tháng 4-2007. Quyết định này không có nghĩa là không cho phát triển, mà trước mắt để ngăn chặn các hành vi tự phát, không đảm bảo các điều kiện về nuôi trồng thủy sản, nhằm chấn chỉnh kịp thời, không để hậu quả xấu có thể xảy ra”.

Tuy từ đầu tháng 4-2007, UBND tỉnh An Giang đã có công văn tạm ngưng việc đào ao nuôi cá trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng tại nhiều khu vực như cù lao ông Hổ, tình trạng lén lút đào ao nuôi mới vẫn còn xảy ra. Ngoài ra, do nhiều hộ dân đã đổ hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng vào việc đào ao mới, nên nếu “treo đó” sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Ngô Công Danh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, nói: “Nếu xử lý đúng pháp luật thì các hộ phát sinh đào ao nuôi mới sẽ bị xử phạt và trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, bà con đã đầu tư vốn quá lớn sẽ rất khó khăn. Tại Mỹ Hòa Hưng, trong số diện tích phát sinh nuôi mới đang có khoảng 10 ha nằm trong vùng đất có thể chuyển đổi mục đích, do đó cần có chính sách hợp lý, nếu không các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc xử lý”.

Một lần nữa việc rầm rộ nuôi cá tra tự phát tại An Giang lại đặt các ngành chức vào thế lúng túng trong xử lý hậu quả. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là việc giải quyết cụ thể từng trường hợp phát sinh nuôi mới sao cho ổn thỏa. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, đề xuất: “Nếu xử lý đúng là rất khó khăn. Do đó khi người dân đã lỡ đào ao, nên chăng bắt cam kết không trồng cây lâu năm trên bờ, không cất nhà kiên cố, để khi Nhà nước có cần quy hoạch sử dụng thì trả lại. Chứ giờ bắt họ ban đất xuống trả lại hiện trạng cũ là rất khó khăn”.

Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Trước mắt, cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương phải xem xét cụ thể các trường hợp đã lỡ đào ao nuôi để xử lý, nếu phù hợp với quy hoạch, kể cả một số trường hợp ngoài quy hoạch nếu xét thấy phù hợp thì bổ sung quy hoạch, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, sử dụng đất thì tiếp tục cho thực hiện. Nếu thiếu thủ tục, điều kiện thì phải hoàn tất việc bổ sung các thủ tục, đảm bảo các điều kiện mới được cho tiếp tục đào ao và nuôi cá. Còn ngược lại, thì kiên quyết đình chỉ và xử lý”.

Việc phát triển nuôi cá ngoài quy hoạch là một vấn đề không mới, nó xuất phát từ lợi ích kinh tế từ nhiều phía mà trong đó có sự bức bách về nguyên liệu của các nhà máy. Việc thiếu nguyên liệu buộc phải đẩy giá cá lên là một trong những nguyên nhân làm nhiều người “liều” đầu tư đào ao nuôi mới. Như vậy để giải quyết vấn đề không chỉ là giải quyết cụ thể các trường hợp vi phạm mà phải có một quy hoạch ngành mang tính tổng quát và có khả năng dự báo được xu thế phát triển trong tương lai.

Hiện nay, trong lúc nhiều hầm nuôi cá được đào mới chưa kịp xử lý xong, thì giá cá nguyên liệu đang xuống liên tục. Không ai đoán trước được những gì sẽ diễn ra nếu như cá tra nguyên liệu lại tiếp tục khủng hoảng thừa.

BÌNH NGUYÊN


Ninh Thuận: Dầu loang làm người nuôi trồng thủy sản lo lắng

Nguồn tin: TT, 20/04/2007
Ngày cập nhật: 20/4/2007


Thiếu cá tra giống, giá tăng mạnh

Nguồn tin: CT, 18/04/2007
Ngày cập nhật: 19/4/2007

Dù giá cá tra nguyên liệu đang giảm mạnh nhưng nhiều người nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn tiếp tục thả nuôi đợt cá mới, làm cho cá tra giống ở nhiều địa phương tiếp tục tăng.

Hiện nay, cá tra 20-25 ngày tuổi có giá phổ biến 100-120 đồng/con- tăng 20 đồng/con. Cá tra giống cỡ 1 -1,5 phân giá 350 - 760/con- tăng 40-60 đồng/con. Riêng cá tra giống cỡ lớn đang rất hút hàng. Cá tra 2 phân hiện có giá 1.500 đồng/con - tăng 100 đồng/con; cá 2,5 phân: 2.300 đồng/con- tăng 150 đồng/con; cá 3 phân: 3.200 đồng/con- tăng 200 đồng/con.

Do có nhiều người tiếp tục đào ao nuôi mới cá tra trong khi lượng con giống sản xuất giảm đáng kể (bị ảnh hưởng các đợt mưa đầu mùa) nên có nhiều khả năng cá tra giống sẽ tiếp tục khan hiếm, đẩy giá lên cao hơn.

BÌNH NGUYÊN


ĐBSCL: Giá cá tra giảm mạnh

Nguồn tin: SGGP, 18/04/2007
Ngày cập nhật: 19/4/2007

Mấy ngày gần đây giá cá tra liên tục giảm mạnh. Sáng 18-4, thương lái An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… mua cá tra chỉ còn 14.000đ- 14.500đ/kg, bình quân giảm từ 3.000đ - 4.000đ/kg so với thời điểm đầu năm.

Theo các nhà chuyên môn, hiện sản lượng cá đến kỳ thu hoạch tăng cao, cung vượt cầu là nguyên nhân làm giảm giá. Dự báo, từ nay đến cuối tháng 6, giá cá tra sẽ còn tiếp tục giảm.

Giá cá giảm khiến nhiều hộ nuôi cá hoang mang lo lỗ vốn. Trước đây giá cá tăng 17.000đ - 17.300đ/kg nhưng nhiều hộ không bán để chờ giá tăng nữa, nay giá sụt, ai cũng ùn ùn kêu bán cá.

H.P.L


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang