Vụ cá chết hàng loạt tại Thừa Thiên - Huế: Do nước hồ nuôi bị nhiễm acid
Nguồn tin: SGGP, 22/05/2007
Ngày cập nhật: 24/5/2007
Sau khi Báo SGGP ngày 4-5-2007 thông tin về hiện tượng cá nuôi bị chết hàng loạt, với số lượng gần 5.000 con, tại hồ Nông Hội, xã Hương Vân (huyện Hương Trà), ngày 21-5, Sở Tài nguyên - Môi trường Thừa Thiên - Huế cho biết, cá chết có thể do nước hồ bị acid hóa.
Nguyên nhân xuất phát từ nguồn nước thải chứa hàm lượng acid cao từ Công ty cổ phần Puzolan Phong Mỹ (đóng tại KCN Tứ Hạ - Hương Trà) đổ vào hồ. Sở TN-MT Thừa Thiên- Huế yêu cầu Phòng TN-MT huyện Hương Trà giám sát chặt chẽ, chỉ cho phép Công ty CP Puzolan Phong Mỹ hoạt động trở lại khi hệ thống xử lý nước thải được hoàn thiện theo tiêu chuẩn cho phép.
NG.Q.
15 tỷ đồng “chôn” xuống cát
Nguồn tin: SGGP, 22/05/2007
Ngày cập nhật: 24/5/2007
Trên 15 tỷ đồng từ nguồn vốn vay, vốn ngân sách và vốn huy động đã được đầu tư vào dự án khu nuôi tôm công nghiệp trên cát ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án có quy mô 100ha nhưng mới chỉ có 4,5ha được đưa vào nuôi 1 vụ tôm trong năm 2006, phần còn lại gần như bị bỏ hoang đã 4 năm nay... Trong khi người dân địa phương không có đất sản xuất thì trên chính mảnh đất quê hương mình, “tấc vàng” đang bị lãng phí nghiêm trọng.
Hồ tôm bỏ hoang, dân đilàm thuê
Từ những hồ tôm bị bỏ hoang do thiếu vốn. Ảnh: H.M
Đứng trên bờ những hồ tôm, nhìn hàng kílômét bờ, đê bao nham nhở, sạt lở, hàng ngàn mét vuông mặt nước ao nuôi không có bóng... con tôm nào suốt nhiều năm qua, anh Võ Văn Tôn, 30 tuổi, cán bộ địa chính xã Đức Minh bức xúc: “Địa phương thì không có đất sản xuất, nhường đất cho dự án với hy vọng sẽ đem lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ dân trong xã và đưa kinh tế xã phát triển hơn.
Ấy vậy mà, phần đất còn lại đã quy hoạch cho các giai đoạn của dự án thì bị bỏ hoang, trong khi đó, người dân địa phương lâu nay vốn có truyền thống về nghề nuôi tôm do mất đất phải bỏ làng đi làm thuê, làm mướn cho các chủ hồ khác tận Phan Rang, Phan Thiết, Đồng Nai hoặc ngược ra Quảng Bình”.
Ông Võ Văn Hậu, người cùng xã, thì chua xót: “Từ khi có mấy ổng về, rừng dương bị phá bỏ hết, đồng tôm biến thành... đồng hoang. Người dân địa phương chưa thấy thoát nghèo lại càng nghèo thêm. Cha ông có câu tấc đất tấc vàng, bỏ hoang như vậy mà không cảm thấy có tội sao chứ? Mà nếu cảm thấy có tội thì mấy ổng làm xong từ lâu rồi! Đã thế, mấy ổng đã thỏa thuận là ưu tiên cho người địa phương thuê lại hồ để nuôi, nhưng bây giờ lại cho người địa phương khác đến thuê.
Chúng tui dân ở đây không có mảnh đất cắm dùi để sản xuất, phải trông chờ vào con tôm, con cá bắt từ biển”. “Người dân địa phương có mỗi con lạch chứa nước ngọt để tận dụng trồng lúa nước lấy gạo đắp đổi qua ngày, nhưng từ khi mấy hồ tôm được đưa vào thả nuôi, mấy ổng xả nước thải làm chết sạch, số diện tích đó giờ cũng bỏ hoang rồi” - chưa đợi đến tôi hỏi, bà Lê Thị Tám, 61 tuổi, đã tuôn ra một tràng xối xả như trút cơn giận dữ vì bị “cướp” mất nơi đã đem lại miếng ăn hàng ngày cho cái gia đình 5 nhân khẩu của bà hàng mấy chục năm nay.
Chỉ vì giao nhầm chủ đầu tư?
Khu nuôi tôm công nghiệp trên cát do Công ty Sản xuất thương mại và Dịch vụ Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Đây là dự án có quy mô lớn nhất (cả về diện tích và vốn đầu tư) trên địa bàn tỉnh này cho đến nay. Với việc quy hoạch cụ thể và phê duyệt số vốn đầu tư lớn, Quảng Ngãi đang nhắm tới một hướng nuôi tập trung, khoa học để cho hiệu quả kinh tế cao, phát huy đúng vai trò ngành kinh tế mũi nhọn thủy sản của tỉnh. Thế nhưng, sự tin tưởng và kỳ vọng đó đã bị đặt nhầm chỗ. Do năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, dự án đang đứng trước nguy cơ bị bỏ dở. Điều này đã được chính Giám đốc Đỗ Văn Hay thừa nhận: “Việc cơ cấu vốn cũng như xử lý vốn đầu tư, thi công chậm trong khi giá xăng dầu, sắt thép tăng vùn vụt, là nguyên nhân khiến tiền rót ra cho dự án đã đội lên gần gấp đôi, từ 14,5 tỷ đồng lên 23,6 tỷ. Vì chưa có kinh phí bổ sung nên dự án... tạm dừng”. Việc thiếu vốn đã dẫn đến tình trạng thi công thiếu trước, hụt sau.
Trước tình hình đó, mới đây, UBND huyện Mộ Đức đã nhắc nhở về việc thực hiện toàn bộ dự án: nếu công ty không đủ năng lực tài chính thì đề nghị cấp có thẩm quyền giao lại đất cho xã Đức Minh quản lý, sử dụng để phát huy tiềm năng về đất đai, phát triển kinh tế địa phương... Để lấy lại lòng tin của địa phương, ông Đỗ Văn Hay khẳng định sẽ thu xếp vốn, khi nào hoàn chỉnh giai đoạn 1 theo thiết kế mới đưa vào nuôi và triển khai giai đoạn 2. Thế nhưng, dù chưa xây dựng hồ xử lý, chưa giải phóng mặt bằng tuyến kinh thoát nước thải nhưng Công ty TM-DV Quảng Ngãi đã đi ngược lại những cam kết nói trên, vẫn thả nuôi tôm. Việc thả nuôi khi chưa có hệ thống xử lý nước thải đã dẫn đến việc thẩm thấu nước mặn và thải tràn lan ra khu vực Bàu Ốc, khu trồng lúa một vụ của nhân dân làm lúa chết hàng loạt. Trên 100 người dân khu dân cư số 13 đã bất bình kéo ra ngăn cản và gửi đơn, thư khiếu nại lên xã, huyện... khiến dự án ngừng thi công và dừng luôn cho đến nay.
Dư luận người dân xã Đức Minh rất bức xúc về việc phải đến khi nào dự án mới được hoàn thiện, trách nhiệm thuộc về ai? Hơn 10 tỷ đồng ngân sách đã chôn xuống cát suốt nhiều năm không hiệu quả, tính lãi suất ngân hàng thì đã lãng phí hàng tỷ đồng, chưa nói chuyện không biết bao giờ mới phát huy tác dụng.
Hà Minh
HTV9 - 23h30 tối 24/5 - Nông nghiệp và nông thôn: Nuôi cá công nghiệp bằng vi sinh
Nguồn tin: HTV, 24/5/2007
Ngày cập nhật: 24/5/2007
Mời bạn xem trên HTV9 - 23h30 tối 24/5 - Chương trình Nông nghiệp và nông thôn: Nuôi cá công nghiệp bằng vi sinh. Chương trình do HTV và Công ty TNHH Diên Khánh - đại diện nhãn hiệu Kaset Center tại Việt Nam - thực hiện.
Tiền Giang: cá chết hàng loạt
Nguồn tin: TT, 24/05/2007
Ngày cập nhật: 24/5/2007
Chiều 23-5, ông Nguyễn Thanh Cẩn, giám đốc Sở Thủy sản Tiền Giang, cho biết cá bè chết với số lượng lớn bất thường trong hai ngày 22 và 23-5 tại cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành) không phải do bệnh mà có thể bị ngộ độc. Tuy nhiên, chưa biết chính xác ngộ độc chất gì.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 23-5, trên suốt chiều dài cù lao Thới Sơn khoảng 10km có hơn 200 bè cá điêu hồng xảy ra hiện tượng cá chết với số lượng lớn. Ông Lê Văn Đức, chủ ba bè cá ở gần công trình cầu Rạch Miễu, cho biết sau khi vớt hơn 3.000 con cá chết (tương đương 1 tấn), ông còn vớt được một túi chứa khí đá (đất đèn) đã sử dụng trôi dạt vào bè. Nhiều chủ bè khác cũng nói rằng nghi vấn lớn nhất là cá chết do bị ngộ độc khí đá đã qua sử dụng.
V.TR.
Vụ 'tắm tôm': Chủ bè tôm khởi kiện TS Nguyễn Văn Khải
Nguồn tin: TP, 23/05/2007
Ngày cập nhật: 24/5/2007
Chiều 22/5, bà Vũ Thị Nga, chủ bè nuôi tôm hùm tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đã đến TAND huyện Tuy Phong, Bình Thuận nộp đơn khởi kiện tiến sỹ Nguyễn Văn Khải (Hà Nội)
Bà Nga yêu cầu Toà án buộc ông Khải phải có trách nhiệm bồi thường 64 triệu đồng vì đã dùng nước ozôn “tắm” tôm hùm của bà nuôi làm chết một số con và 30 triệu tiền thiệt hại về tinh thần. TAND huyện Tuy Phong đã hướng dẫn bà Nga làm các thủ tục cần thiết.
Theo đơn, sáng ngày 27/3, ông Khải đi ô tô cùng một số nhà báo ở Bình Thuận đến nhà bà Nga, tự giới thiệu chữa được bệnh cho tôm hùm và yêu cầu đưa ra bè để “tắm tôm” bằng nước ozôn pha với nước biển. Trên bè, tiến sỹ Khải yêu cầu bắt tôm để ngâm trong nước pha ôzon khoảng 5 phút.
Nghi ngờ, bà Nga và gia đình can ngăn, đề nghị chỉ “tắm” từ 5-7 con nhưng ông Khải bảo bắt hết lồng tôm lớn có 100 con (0,6kg - 0,8kg/ con) để “tắm”. Sau đó ông Khải yêu cầu “tắm” cho 400 con tôm nhỏ khỏe mạnh để phòng bệnh. Ông Khải quả quyết nếu tôm chết thì ông sẽ bồi thường. Sau 3 ngày, số tôm lớn và tôm nhỏ được“ tắm” đều đã chết.
Phương Thảo
Thiệt mạng vì kích cá bằng điện
Nguồn tin: Dân trí, 23/05/2007
Ngày cập nhật: 23/5/2007
Trưa 21/5, anh Cao Xuân Dương, 20 tuổi, ở khối 11 thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An) đã bị điện giật chết khi dùng kích điện để đánh bắt cá ở ao nhà mình.
Thay vì đánh cá bằng điện trở ắc quy, anh Dương đã nối đầu dây điện trực tiếp lên đường dây điện trần. Trong lúc đang mải mê kích điện, anh vấp phải một chiếc cọc ngầm chôn dưới ao. Anh Dương ngã xuống kéo theo dây điện bị chập rơi xuống nước. Chưa kịp kêu cứu thì anh đã bị giật chết.
Được biết, trước đây anh Dương cũng đã từng bắt cá theo cách trên nhưng chưa xảy ra việc gì.
Gần đây một số địa phương trong tỉnh Nghệ An như Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành… có hiện tượng nhiều người dân dùng kích điện đi đánh cá. Lượng cá thu được không đáng kể, nhưng môi trường sinh vật bị phá vỡ. Đáng ngại hơn, nhiều người còn lấy điện trực tiếp từ đường dây 220kv nên rất dễ xảy ra sự cố.
Nguyên Nghĩa
Tôm sẽ không còn dư lượng kháng sinh
Nguồn tin: TN, 23/05/2007
Ngày cập nhật: 23/5/2007
Với những ai đã từng nuôi tôm, dù là nuôi trên cát, đều phải trải qua "những đêm mất ngủ những ngày quên ăn". Khi đang yên đang lành, đột ngột con tôm đang sức ăn sức lớn cứ đỏ quạch ra, từ chân lan tới... tóc, ấy là nguy, là gay rồi! Bệnh này của tôm gọi nôm na là bệnh "tôm đỏ", đã làm cho nhiều nhà nuôi tôm phải tán gia bại sản.
Tôi có dịp ngồi với kỹ sư Trần Trọng Huy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ (TTƯDKT&CN) thuộc Sở KH-CN Quảng Ngãi. Anh Huy vốn là kỹ sư điện, không biết theo con đường dích dắc nào của số phận, lại trở thành kỹ sư... tôm. "Kỹ sư tôm" bất đắc dĩ vừa rồi đã cùng tập thể nuôi tôm của mình đã xử lý thành công bệnh "tôm đỏ" mà không phải dùng tới một viên thuốc kháng sinh nào. Đó là điều thật đặc biệt, khi chúng ta biết, tôm Việt Nam xuất khẩu nhiều khi bị "thổi còi", thậm chí bị trả về vì có dư lượng kháng sinh quá lớn trong cơ thể tôm.
Với bệnh "tôm đỏ" thì lâu nay, cách chữa trị đơn giản và phổ biến nhất là dùng kháng sinh, thậm chí kháng sinh liều cao. Tôm có thể khỏi bệnh, nhưng dư lượng kháng sinh trong tôm thì không thể nào tẩy rửa cho tới khi vớt tôm lên bán. Cho tới khi tôm đã vượt đại dương đến những thị trường cách xa hồ tôm hàng vạn dặm thì dư lượng kháng sinh trong con tôm vẫn còn.
"Thiên hạ" họ kiểm dịch, kiểm dư lượng kháng sinh rất gắt. Quá tiêu chuẩn cho phép là lô hàng tôm xuất khẩu ấy coi như trả hoặc hủy. Vì thế, tôi đặc biệt vui mừng, dù mình chưa hề nuôi tôm, khi nghe anh Trần Trọng Huy nói về những biện pháp kỹ thuật mà TTƯDKT&CN của các anh đã xử lý thành công chống bệnh "tôm đỏ".
Không dùng tới kháng sinh. Cái này mới là chuyện quan trọng nhất. Sử dụng kết hợp giữa các biện pháp cơ học trong hồ tôm như dùng quạt nước sục khí, loại bỏ các loại khí độc trong nước ao nuôi, cung cấp oxy hòa tan dồi dào và đồng đều khắp ao nuôi, không cho các hợp chất hữu cơ (gọi nôm na là phân thải) lắng tụ xuống đáy ao nuôi... Nhưng quan trọng nhất, là bổ sung định kỳ một số lượng vi khuẩn có ích nhằm phân hủy tạp chất có hại cho sức khỏe con tôm đồng thời tăng khả năng tự đề kháng của con tôm để chống lại bệnh tật. Bệnh "tôm đỏ" đã được chữa khỏi chỉ nhờ vào những biện pháp kỹ thuật như thế, nhất là nhờ sử dụng vi khuẩn có ích đúng chu kỳ và liều lượng.
Những người nuôi tôm, nhất là tôm chân trắng, có thể trực tiếp gặp anh Trần Trọng Huy và các cán bộ của anh ở TTƯDKT&CN tỉnh Quảng Ngãi, số điện thoại: 055.201.333 để được tư vấn kỹ lưỡng thêm. Tôi chỉ xin làm một "cầu nối" để bà con nuôi tôm nếu gặp trường hợp tôm bệnh, nhất là bệnh "tôm đỏ", có thể nhận được sự giúp đỡ về kỹ thuật chữa trị phù hợp với yêu cầu "không dư lượng kháng sinh" trong con tôm thành phẩm khi xuất khẩu.
Thanh Thảo
Hà Nam xây dựng bốn khu chăn nuôi thủy sản tập trung
Nguồn tin: Nhân dân, 22/5/2007
Ngày cập nhật: 23/5/2007
Tỉnh Hà Nam tập trung triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2006 - 2010, phấn đấu đưa sản lượng thủy sản của tỉnh đến năm 2010 đạt 21 nghìn tấn/năm. Theo đó, Hà Nam đầu tư xây dựng bốn khu nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng số vốn là 113 tỷ đồng, từ nguồn vốn Nhà nước và vốn đối ứng của nhân dân.
Xuân Trình
A.P.T mở rộng sản xuất và vùng nuôi
Nguồn tin: VASEP, 22/5/2007
Ngày cập nhật: 23/5/2007
Năm nay, Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn (A.P.T) đầu tư gần 200 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản và thức ăn gia súc, công suất 12.000 tấn/năm ở Ðồng Tháp và mở thêm 20 ha nuôi cá tra và cá điêu hồng ở các tỉnh lân cận. 4 tháng đầu năm công ty đã thu hoạch 4.366 tấn cá tra và 1.109 tấn cá điêu hồng để chế biến và tiêu thụ nội địa.
5 tháng đầu năm, công ty XK trị giá gần 12,465 triệu USD. Hàn Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đến là Nhật, Mỹ, Hà Lan, Hồng Kông và các thị trường khác.
Hồng Nhung
Soi ếch mùa nổi nước & các mô hình nuôi ếch
Nguồn tin: TG, 23/5/2007
Ngày cập nhật: 23/5/2007
Đầu tháng 5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, dự báo: Mùa mưa có thể bắt đầu từ thời gian 10 - 15 trong tháng và mùa mưa 2007 đã đến thật, bắt đầu bằng những cơn mưa lớn, dai dẳng. Đối với người dân quê tôi, các cơn mưa đầu mùa vừa báo hiệu cho mùa gieo sạ lúa bắt đầu và cũng là thời điểm lý tưởng để đi soi ếch, bắt cá của mùa nổi nước.
Một đêm đi soi
Cơn mưa chiều ngày 12/5/2007 lớn, dai dẳng dài hơn 02 giờ làm mọi người có cảm giác bao nhiêu nước ở các đám mây trên bầu trời đều được trút xuống hết mặt đất. Mưa nặng hạt, tạnh rồi lại mưa. Dòng nước tràn đầy những đám ruộng đã khô nứt nẻ từ mấy tháng nay, chảy ào ào xuống các mương, đìa, ao, mương. Những người trong xóm vội vã xách tấm lưới ra chặn ở cái cống của ao nuôi cá nhằm ngăn lũ cá nuôi sẽ theo dòng nước dâng cao chạy ra ruộng hết. Mùa nước nổi ở quê tôi được báo hiệu như vậy. Ngồi trong nhà nghe mưa rơi và tiếng ếch kêu ộp ộp khắp nơi, tâm trạng tôi như trở lại thời còn nhỏ, háo hức mỗi khi mùa nổi nước đến để đi soi ếch, bắt cá thỏa thích.
19 giờ, Hận, thằng bạn thân từ thuở nhỏ nổi tiếng là có tài sát cá, ếch, gọi điện thoại hỏi qua tiếng mưa rơi: Nước nổi rồi, ông theo tui đi soi ếch không? Không cần phải suy nghĩ, tôi đồng ý ngay và chuẩn bị sẵn đồ nghề để chờ Hận vào là tháp tùng đi ngay. Đúng 21 giờ, Hận đã có mặt với dụng cụ soi ếch: một cái bình ăc - qui 12 Vôn và bộ đèn đội đầu, cái giỏ, cái nơm, cây chĩa 06 mũi có cán dài 02 thước... Hai đứa lội ra đám ruộng sau nhà. Dưới ánh đèn bình, mặt ruộng khắp nơi loang loáng nước. Lớp đất mặt khô bấy lâu nay gặp nước cứ mềm, xốp đi không lấm chân. Đây đó cơ man nào là ánh đèn bình sáng chói của những người đi soi bất chấp cơn mưa nhỏ hạt vẫn còn dai dẳng.
Khắp nơi vang lên tiếng ếch kêu rộn rã. Mưa đầu mùa là thời điểm loài ếch tập trung sinh đẻ mà người dân quê còn thường gọi là mùa ếch hội. Từ trong các hang, ngõ ngách trong các vuông, bụi rậm..., những nàng ếch cái chui ra, kêu vang để tìm các chàng ếch đực giao phối ngay trên những đám ruộng xăm xấp nước mưa. Đây là lúc người đi soi dễ bắt nhất vì các con ếch đang mải mê với chuyện ái ân nên quên mất cả việc đề phòng bị bắt. Khi vào mùa sinh sản, ếch đực thường kêu lên những tiếng kêu ầm ĩ bằng chiếc túi ở dưới cổ để kêu gọi ếch cái. Ếch là loài thụ tinh ngoài nên khi đẻ trứng, ếch đực leo lên lưng ếch cái để thụ tinh cho trứng vừa mới đẻ. Trứng ếch có lớp màng nhầy bao bọc để tránh kẻ thù và để giữ phôi thai luôn ẩm ướt. Cả đời ếch có thể đẻ tới 250.000 trứng. Thời điểm đầu mùa mưa là mùa sinh sản của ếch nên sau cơn mưa, người ta thường bắt gặp những đám trứng ếch đen nổi trên mặt ruộng. Rồi trứng ếch nở thành nòng nọc sống trong nước và ít lâu sau đó, nòng nọc rụng đuôi rồi bò lên bờ để bắt đầu cuộc sống của loài ếch trên cạn.
Người ta thường nói Con ếch chết tại lỗ miệng là đúng thật. Thằng Hận chỉ cần nghe tiếng kêu ở đâu thì pha đèn rọi vào đó, đi nhanh đến nơi dùng tay chụp hoặc dùng nơm chụp xuống và bắt bỏ vào giỏ. Nghe thì đơn giản nhưng từ lúc phát hiện ra con ếch qua tiếng kêu, ánh sáng đèn cho đến khi chụp được con mồi đòi hỏi người bắt phải hành động nhanh nhẹn, đặc biệt phải luôn giữ ánh đèn rọi vào mục tiêu. Ánh đèn pha của loại bóng 08 Vôn làm con ếch gần như bị thôi miên nên không kịp chạy trốn. Ngoài những con ếch lẻ, Hận còn bắt được vài cặp ếch đang đeo cặp với nhau. Những con ếch cái thường to gấp 03 lần ếch đực và thường mang đầy trứng. Những tay soi ếch giỏi còn phân biệt được mắt ếch màu đỏ so với màu mắt xanh của các loại ễnh ương, cóc nên không bị nhầm khi bắt. Một số tay bắt ếch giỏi có tiếng ở xóm ngoài như anh Tèo, Phong... thì còn có chiêu độc đáo là sau khi bắt được vài cặp ếch liền dùng các con này như ếch mồi để dụ các con ếch khác đến khi nghe tiếng kêu. Nhưng trong đêm đó, một chi tiết đáng buồn là sau khi để đùm ếch mồi, anh Tèo đã say mê đi bắt ếch ở đám ruộng kế bên, đến khi quay lại thì xâu ếch mồi đã bị ai đó lấy mất!?
Đi rình ở các đám ruộng gần các vuông và gò, nơi trú ngụ của ếch gần cả 04 giờ đồng hồ, Hận bắt được 13 con ếch. Còn nhóm Tèo, Phong, Út ở xóm ngoài cũng soi được từ 15 - 20 con. Tại xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây), các nhóm soi kỳ cựu như anh Ba Vũ, Ba Cuội soi trong cơn mưa chiều tối cùng ngày được từ 5 - 10 kg ếch, bán với giá 25.000 đồng/kg tại chợ Bình Tây (xã Thạnh Nhựt, Gò Công Tây). Nhưng theo các tay đi soi kỳ cựu thì ếch trong mùa mưa năm nay đã ít hơn so với những năm trước đây.
Để ếch đồng luôn tồn tại
Theo thói quen ẩm thực dân gian, thịt ếch ăn nên thuốc và có thể chế biến thành vài chục món ăn biến tấu từ sáu nhóm: xào lăn, hấp, luộc xé phay, nướng, bóp thấu và hầm thập cẩm. Ếch đầu mưa rất mập, béo ngậy, ruột ếch lại sạch, mang đùm trứng rất ngon là món ăn khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là cánh dân nhậu. Mấy ngày đầu của mùa nước nổi, đi đến các chợ đều thấy bán ếch. Các chú ếch da nâu, da xanh và có cả da vàng được người bán dùng sợi dây chuối, dây ny-lon cột ngang bụng thành từng xâu, liên tục chòi chòi hai đùi sau và thỉnh thoảng kêu ộp ộp. Một kg ếch hiện nay ở các chợ xã, huyện phía Đông được bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg tùy theo số lượng con/kg. Ếch loại I (5 - 7 con/kg) được bán với giá 25.000 đồng/kg, loại II (8 - 12 con/kg) có giá từ 20.000 đến 22.000 đồng/kg. Nếu như nhiều năm trước đây, thịt ếch chỉ tồn tại trên mâm cơm của các gia đình nông thôn với món ếch xào đọt chùm ruột, nấu cari, xào xả ớt, xào mướp,... thì nay đã xuất hiện trong thực đơn các nhà hàng, quán nhậu qua các món ếch chiên bơ, xào lăn có giá đắt từ 30.000 - 40.000 đồng/dĩa (tùy theo dĩa lớn, nhỏ). Cũng chính từ thịt ếch (dân nhậu còn thường gọi gà đồng) đang trở thành đặc sản, được ưa chuộng nên ếch có giá và ngày càng có nhiều người đi bắt ếch để bán. Điều này đã làm cho lượng ếch thiên nhiên ngày càng giảm đi.
Ba tôi, năm nay đã 65 tuổi, cũng là một tay đi soi ếch cừ khôi cách đây 20 năm, tiếc rẻ: Lúc đó, ếch ở ruộng nhiều vô số kể. Đầu mùa mưa như bây giờ, người ta đi soi chỉ cần dùng bó đuốc đốt sáng hoặc đèn lồng (cây đèn chong để vào thùng thiếc) thì bắt ếch cũng được vì chúng đeo cặp nhiều ở các đám ruộng xăm xấp nước. Lúc bấy giờ, ếch bắt về chỉ để dành ăn vì bán không bao nhiêu tiền trong khi ai cũng đi bắt nên khỏi mua bán.... Còn lý giải về nguyên nhân làm loài ếch đang ngày khan hiếm, nhiều lão nông tri điền khác trong xã cho biết là do ngày càng có nhiều người đi bắt ếch bằng cách câu, chỉa, nghéo ếch..., nghĩa là bắt suốt năm chứ không đợi đến lúc ếch trưởng thành hoặc đến mùa mưa. Hơn nữa, trước tình trạng sâu rầy tấn công cây lúa và làm đến 02 - 03 vụ/năm nên người dân phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu làm môi trường bị ô nhiễm chất hóa học, làm ảnh hưởng đến sự sinh sản và sinh trưởng của loài ếch. Nguy hiểm hơn, ở nhiều nơi khác, các thợ câu ếch còn dùng mồi thuốc (làm bằng loại thuốc tự chế) để câu ếch nên bắt sạch từ lớn đến bé làm số lượng ếch con cũng như bố mẹ giảm đi nhiều.
Đi soi ếch mùa nổi nước năm nay ở quê tôi, tôi thấy mừng khi vẫn còn nghe tiếng ếch kêu và thấy được sự tồn tại của những con ếch đồng vốn đã đi vào tâm khảm của mỗi người dân khi sinh ra và lớn lên ở đồng quê; và cũng mừng khi thấy nhiều người dân ở quê tôi khi bắt ếch cũng còn có một ý thức về sự khan hiếm của thứ đặc sản này khi họ thả đi những con ếch nhỏ hoặc vớt bỏ xuống nước những đám trứng ếch đã đẻ trong thùng nhốt ếch. Mặc dù hiện nay, việc nuôi, cho ếch sinh sản đã phổ biến nhưng việc con ếch đồng tồn tại trong thiên nhiên vẫn là một tín hiệu an toàn của việc cân bằng hệ sinh thái. Tuy nhiên, ý thức và hành động để bảo vệ loài ếch này của một số ít người dân hãy còn chưa đủ nếu như ngành chức năng không có những khuyến cáo cần thiết kịp thời trước khi loài ếch đồng tuyệt chủng.
* Các mô hình nuôi ếch:
+ Ở Việt Nam, năm 2002, TS Lê Thanh Hùng (ĐH Nông Lâm TP.HCM) cùng nhóm nghiên cứu đã nhập về Việt Nam(VN) 200 con giống ếch Thái Lan để nuôi thử nghiệm. Ếch được nuôi trong những bể xi măng có kích thước (3x2,5x1,2m) với mật độ nuôi 100 con/m2. Nuôi trong 60 ngày, mỗi con đã đạt tới trọng lượng hơn 1,5 lạng (167,5g)/con. Tỷ lệ nuôi sống đạt tới trên 70 %. Để so sánh, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành nuôi ếch đồng VN trong điều kiện tương tự như nuôi ếch Thái Lan, mật độ nuôi là 85 con/ m2. Sau nửa tháng nuôi, tỷ lệ sống chỉ có 36,2 %. Sau 03 tháng nuôi với thức ăn công nghiệp, giàu đạm hẳn hoi mà ếch đồng VN cũng chỉ đạt trọng lượng trung bình có hơn 20 gram/con.
+ Ở Thái Lan, người ta nuôi một loài ếch đồng Thái Lan (tên khoa học là Rana rugulosa). Loài ếch này được nuôi trong những bể xi măng và được cho ăn thức ăn viên công nghiệp. Thời gian nuôi từ 04 - 05 tháng, trọng lượng mỗi chú ếch có thể đạt đến 300 - 400g/con, gấp 03 lần so với ếch đồng VN.
+ Riêng Đài Loan cũng đang bắt đầu xuất hiện những trại nuôi công nghiệp ếch. Đây là loài ếch đồng của Đài Loan (có tên khoa học Rana tigrina pantheria). Ếch đồng Đài Loan cũng được nuôi bằng thức ăn viên công nghiệp cho đến khi thành ếch thương phẩm với thời gian nuôi và trọng lượng ếch tương đương như ở Thái lan.
NGUYỄN PHÙNG LONG
Bình Định: Đồng nuôi tôm Mỹ Trung - Nguy cơ dịch bệnh tôm lan rộng
Nguồn tin: BĐ, 22/5/2007
Ngày cập nhật: 23/5/2007
Đồng nuôi tôm Mỹ Trung thuộc thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (Tuy Phước) là vùng nuôi tôm chuyên canh, được đầu tư cơ sở hạ tầng khá chu đáo, gồm 2 vùng nuôi. Vùng nuôi cũ ở phía Đông có diện tích hơn 11 ha đưa vào khai thác năm 1998, và vùng nuôi tôm ở phía Tây có diện tích trên 13 ha thuộc dự án “nuôi tôm Nhơn Phước” mới đưa vào khai thác năm 2006.
Vùng đồng Mỹ Trung cũ.
Đến thời điểm cuối tháng 3 năm 2007, cả 2 vùng đều đã thả tôm giống vào nuôi hết diện tích trên 24 ha. Sau 35 - 45 ngày thả nuôi, dịch tôm đã bùng phát trên toàn bộ diện tích vùng đồng Mỹ Trung cũ, và lây sang vùng đồng Mỹ Trung mới 5 ha, gây thiệt hại ban đầu mỗi ha thua lỗ từ 20 - 25 triệu đồng.
Hiện tượng tôm nuôi chết rải rác đến hàng loạt và nguy cơ lan rộng cả vùng đồng Mỹ Trung khiến cho người nuôi tôm không khỏi lo lắng. Theo bà con nuôi tôm ở đây, dịch bệnh xảy ra trên con tôm nuôi trong vụ này trước hết là do yếu tố môi trường bất lợi: mùa mưa bão năm 2006 ở tỉnh Bình Định không xảy ra lũ lụt, quá trình cải tạo ao, đìa, cải thiện chất lượng môi trường dựa vào điều kiện tự nhiên không được diễn ra. Qua quan sát bằng cảm quan, những con tôm chết ở vùng đồng Mỹ Trung đều bị đóng rong trên thân; các phần phụ, mang… có nhiều chất bẩn bám vào; vỏ đầu và thân tôm có chấm trắng. Theo xác định của ngành chức năng, tôm bị bệnh đốm trắng.
Hơn nữa, thời tiết từ cuối tháng 4 đến nay diễn biến khá phức tạp, mưa nắng thất thường, các ao nuôi luôn bị mất màu, độ pH trong ao nuôi có nhiều biến động tạo môi trường không tốt. Các chất thải từ nông nghiệp, xác súc vật chết ở vùng đầu nguồn nước đều được đổ xuống các dòng sông, mương… gây ô nhiễm nguồn nước, nên việc cấp nước tự nhiên ngoài sông, mương vào ao nuôi cũng là tác nhân gây bệnh cho tôm.
Anh Đặng Minh Luyện, Chi hội trưởng nuôi tôm cộng đồng ở đây, cho biết: “Vùng đồng Mỹ Trung cũ đưa vào nuôi tôm từ năm 1998 đến năm 2006 liên tục được mùa; riêng năm 2006 mỗi ha thu lãi từ 100 triệu đồng trở lên. Ở vụ nuôi tôm năm nay bà con đều thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi bán thâm canh, cùng thả tôm giống vào cuối tháng 3, mật độ 20 con/m2. Do môi trường nước năm nay quá xấu, tôm nuôi đến 35 - 45 ngày thì đổ bệnh chết hàng loạt. Hiện giờ các chủ nuôi tôm đều cải tạo lại đáy ao, đã có 6 hộ mua cá rô phi về thả nuôi. Nếu trong thời gian tới dịch bệnh tôm được khắc phục thì bà con tiếp tục mua tôm giống thả nuôi, nhưng sẽ thả tôm với mật độ thưa, nuôi theo phương pháp quảng canh”.
Để cứu lấy vùng nuôi tôm đồng Mỹ Trung hiện còn hơn 8 ha chưa bị dịch bệnh, ngành chức năng đã hướng dẫn cho bà con nuôi tôm thực hiện các biện pháp khắc phục nhằm tránh lây lan sang các ao nuôi tôm khác. Đồng thời ngành chức năng cũng khuyến cáo người nuôi tôm ở đây cần thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chuẩn bị tốt các điều kiện chăm sóc và phòng bệnh cho tôm theo đúng các quy trình kỹ thuật trước khi thả lại tôm giống vào nuôi.
Xuân Thức
ĐBSCL: giá tôm sú nguyên liệu giảm mạnh
Nguồn tin: TT, 23/05/2007
Ngày cập nhật: 23/5/2007
Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch tôm chính vụ nhưng hiện nay giá tôm sú nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL đang giảm mạnh.
Tại Bạc Liêu, sáng 22-5 thương lái mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 153.000 đồng/kg, giảm 27.000 - 30.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Loại 30 con/kg cũng giảm 25.000 đồng/kg, chỉ còn 110.000 đồng/kg; loại 40 con/kg chỉ còn 88.000 đồng/kg. Tại Sóc Trăng, giá tôm nguyên liệu tuy nhỉnh hơn nhưng so với một tháng trước các kích cỡ đều giảm khoảng 20.000 đồng/kg.
NGỌC DIỆN
Khánh Hòa: Đã có thiết bị chẩn đoán bệnh đốm trắng trên tôm
Nguồn tin: KH, 17/05/2007
Ngày cập nhật: 22/5/2007
Bệnh virus đốm trắng trên tôm là một bệnh nguy hiểm gây chết tôm hàng loạt, làm thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi nhưng từ trước đến nay, Khánh Hòa chưa có thiết bị kiểm nghiệm virus đốm trắng (WSSV). Được sự tài trợ của Dự án SUMA (Đan Mạch), Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) Khánh Hòa vừa đưa vào hoạt động Phòng Kiểm nghiệm bằng kỹ thuật PCR. Từ nay, người nuôi tôm có thể yên tâm khi gửi mẫu kiểm tra bệnh đốm trắng.
Kỹ thuật PCR (viết tắt của từ Polymerase Chain Reaction) là kỹ thuật chẩn đoán virus đốm trắng trên các loài thuộc họ tôm He bằng cách sử dụng chuỗi các phản ứng nối tiếp nhau dùng để khuếch đại số lượng bản sao của một trình tự AND đích thông qua các chu kỳ gồm 3 bước: biến tính AND, bắt cặp bổ sung với mồi và tổng hợp mạch mới nhờ enzym AND polymerase. Đây là kỹ thuật mới, hiện đại dựa trên cơ sở di truyền học phân tử. Kỹ thuật trên cho phép trong một thời gian tương đối ngắn từ 5 - 6 giờ, kỹ thuật viên có thể đọc kết quả có hay không virus đốm trắng trên mẫu tôm. Điều đó cũng giải thích vì sao lâu nay chúng ta chưa thể xét nghiệm được virus đốm trắng trên tôm. Đó cũng là kết quả của sự hợp tác giữa ngành Thủy sản Khánh Hòa với Dự án Suma (Đan Mạch), một tổ chức phi chính phủ quan tâm hỗ trợ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đẩu, Phó Trưởng Chi cục BVNLTS Khánh Hòa cho biết: Nhờ nguồn vốn của Suma tài trợ, chúng tôi đã đưa thiết bị này vào hoạt động từ đầu năm 2007. Thiết bị có tổng trị giá hơn 800 triệu đồng, có thể kiểm nghiệm chỉ tiêu bệnh đốm trắng trên tôm sú cũng như tôm chân trắng. Hiện nay, việc mua bán, vận chuyển tôm giống trên thị trường, đặc biệt là đối với các tỉnh phía Nam đòi hỏi phải kiểm nghiệm virus bệnh đốm trắng, do vậy việc đưa thiết bị này vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho nghề nuôi tôm trong tỉnh. Tuy nhiên, việc xét nghiệm hiện nay vẫn còn mang tính bao cấp, có khi chỉ kiểm nghiệm 1 test cũng cho máy chạy, trong khi theo tính toán phải làm ít nhất 4 test mới huề vốn (1 test thu 160.000đ). Điều đáng mừng là từ khi đưa thiết bị này vào hoạt động, người nuôi tôm đã kịp thời phát hiện và tiêu hủy tôm mắc bệnh đốm trắng, ngăn chặn được bệnh dịch lây lan.
Qua 4 tháng hoạt động (từ tháng 1-2007 đến nay), Phòng PCR đã kiểm tra 99 mẫu tìm virus đốm trắng. Việc đưa Phòng PCR vào hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức của người nuôi tôm. Người nuôi nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và chủ động phòng chống. Tuy hiện đại, nhưng theo kỹ sư Thu, hiện nay Phòng PCR chưa thể phát hiện được bệnh đầu vàng trên tôm nuôi, vì thiếu thiết bị máy ly tâm lạnh.
Phòng PCR hoạt động liên tục trong giờ hành chính. Nếu có yêu cầu, các nhân viên có thể làm thêm giờ, ban đêm và cả ngày nghỉ (Thứ bảy, Chủ nhật).
QUANG VIÊN
Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản năng suất cao xã Tân Hạnh: Một mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả
Nguồn tin: Đồng Nai, 18/05/2007
Ngày cập nhật: 21/5/2007
Cuối năm 2006, để tạo điều kiện cho xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, Trung tâm khuyến nông Đồng Nai đã hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản năng suất cao...
Câu lạc bộ (CLB) nuôi trồng thủy sản năng suất cao xã Tân Hạnh có 15 thành viên với tổng diện tích nuôi trồng 35 hecta. Việc hình thành CLB này nhằm xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình khép kín, trong đó CLB tự cung cấp con giống, tổ chức hội thảo nhóm chăn nuôi, thực hiện các biện pháp kỹ thuật và xây dựng thương hiệu. Việc hình thành CLB nuôi trồng thủy sản năng suất cao có ý nghĩa quan trọng để cạnh tranh hàng nông sản, nhất là trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Chủ nhiệm CLB nuôi trồng thủy sản năng suất cao xã Tân Hạnh cho biết, gia đình ông có 3 hecta ao hồ nuôi cá rô thương phẩm, bình quân mỗi năm thu hoạch 2 vụ cá, trừ hết chi phí ông lãi gần 100 triệu đồng/hecta, lợi nhuận cao gấp hơn 10 lần so với trước đây trồng lúa nước. Ông Vĩnh nói: "CLB thủy sản năng suất cao ra đời nhằm mục đích hỗ trợ cho thành viên có tay nghề cao hơn. Hiện nay trong chăn nuôi thủy sản, đồng vốn đầu tư cũng rất lớn, nên khi các thành viên tham gia CLB sẽ được hỗ trợ vốn. Vì vậy, 1 hecta nuôi cá, tôi thu khoảng 30 tấn, lời khoảng 100 triệu đồng".
Theo các thành viên của CLB chăn nuôi thủy sản năng suất cao xã Tân Hạnh, từ khi tham gia CLB, hầu hết các hộ nuôi thủy sản đều không tham gia bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố, mà chủ yếu bỏ mối cho các thương lái tại TP. Hồ Chí Minh và các chợ đầu mối lớn trên địa bàn. Để nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng nông sản khác, trong thời gian tới CLB nuôi trồng thủy sản năng suất cao xã Tân Hạnh tiếp tục kết nạp hội viên, tổ chức đa dạng hóa mô hình chăn nuôi và đăng ký xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm. Mặt khác, CLB cũng đang dự kiến tiến tới xây dựng quy trình bao tiêu sản phẩm khép kín và thành lập HTX trang trại để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của hội viên.
Theo quy hoạch đến năm 2020, xã Tân Hạnh nằm trong vùng 4 của đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của TP. Biên Hòa, trong đó xã sẽ phát triển thành vùng kinh tế sinh thái, chuyển đổi 80 hecta diện tích trồng lúa nước tại cánh đồng Bà Nghè sang trồng bưởi và cây ăn quả lâu năm. Trên diện tích trồng cây lâu năm sẽ nuôi xen canh thủy sản và phát triển diện tích mặt nước lên thêm 30 hecta. Ông Lê Văn Thình, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh nói: "Theo Quyết định của UBND thành phố về ngưng chăn nuôi gia cầm, tiến tới ngưng chăn nuôi gia súc, thì cánh đồng Bà Nghè, xã Tân Hạnh có diện tích ao hồ sẵn, nên chỉ cần hỗ trợ cho một số bà con chăn nuôi gia cầm, thủy cầm sang chăn nuôi cá để hướng tới phát triển du lịch sinh thái tại cánh đồng Bà Nghè và cánh đồng Cây Mắm là rất khả thi".
Với sự ra đời của CLB thủy sản năng suất cao, đồng thời thực hiện quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mô hình kinh tế nông thôn mới, ngành nông nghiệp xã Tân Hạnh đang tiếp tục có những bước chuyển tích cực để định hướng cho nông dân sản xuất - kinh doanh hiệu quả.
Kim Cương (Đài TT Biên Hòa)
Sông Cầu (Phú Yên): Hơn 6.000 con tôm hùm chết đột ngột
Nguồn tin: PY, 19/5/2007
Ngày cập nhật: 21/5/2007
Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu cho biết, chỉ trong 2 ngày 16 – 17/5, tôm hùm xanh và tôm hùm bông thả nuôi ở các vùng biển xã Xuân Phương, Xuân Thọ 2… bị chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Cụ thể, tại xã Xuân Phương có 1.654 con tôm hùm bông thả nuôi được gần 15 tháng với trọng lượng từ 0,7 – 0,8kg/con của 46 hộ dân bị chết, ước thiệt hại gần 700 triệu đồng. Tại thôn An Thạnh (xã Xuân Thọ 2) có 4.450 con tôm hùm (trong đó có 4.090 con tôm hùm xanh, 360 con tôm hùm bông) thả nuôi ương từ 2 – 3 tháng tuổi với trọng lượng từ 0,01 – 0,1kg/con của 7 hộ dân bị chết, ước thiệt hại trên 350 triệu đồng. Đặc biệt, hộ ông Nguyễn Thanh Hùng ở xã Xuân Thọ 2 bị thiệt hại nặng nhất với 1.500 tôm hùm bị chết. Theo nhận định ban đầu của Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu, nguyên nhân dẫn đến việc hàng ngàn con tôm hùm chết đột ngột có thể là do thủy triều đỏ (hiện tượng nở hoa của các loài vi tảo biển) gây ra.
Chiều ngày 18/5, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên cho biết, đã lấy mẫu nước ở vùng tôm chết ở xã Xuân Phương gửi cho Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) để phân tích xác định chính xác nguyên nhân tôm chết hàng loạt. Hiện Chi cục đang hướng dẫn cho các hộ nuôi tiếp tục theo dõi hiện tượng thủy triều đỏ, đồng thời di dời các lồng nuôi cách xa vùng tôm bị chết và đặt lồng ở vị trí thích hợp nhằm hạn chế phát sinh tôm chết.
NGUYÊN LƯU
Phú Yên: tôm hùm chết do thủy triều đỏ
Nguồn tin: TT, 21/05/2007
Ngày cập nhật: 21/5/2007
Đến ngày 20-5 đã có hơn 6.200 con tôm hùm thả nuôi ở các xã Xuân Phương, Xuân Thọ 2 của huyện Sông Cầu bị chết hàng loạt, thiệt hại gần 2 tỉ đồng.
Theo nhận định ban đầu của Phòng kinh tế huyện Sông Cầu, nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt là do thủy triều đỏ (hiện tượng nở hoa của các loài tảo biển) gây ra. Hiện ngư dân đã di dời khẩn cấp các lồng nuôi tôm cách xa các vùng biển trên.
C.N.P.Y.
Dịch tôm bùng phát ở Hưng Hòa (Nghệ An)
Nguồn tin: Nghệ An, 18/05/2007
Ngày cập nhật: 20/5/2007
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cho đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh đã có hơn 25 ha tôm nuôi công nghiệp bị nhiễm bệnh đốm trắng, sau khi thả gần một tháng.
Qua kiểm tra, Chi cục đã phát hiện nguyên nhân gây bệnh là do thời tiết không thuận, gió mùa xen lẫn với các đợt nắng làm mầm bệnh trong tự nhiên bùng phát.
Trong số 25 ha tôm nhiễm bệnh thì Hưng Hoà (TP.Vinh) là vùng trọng điểm.
Vụ tôm năm nay, xã Hưng Hoà có 130 ha tôm nuôi công nghiệp. Đây là vùng thả giống sớm nhất trong tỉnh, từ đầu tháng 4, các hộ nuôi tôm đã thả giống xong. Chưa đầy một tháng sau, ngày 28/4 một vài hộ nuôi phát hiện tôm bị bệnh chết. Ngày 02/5 đoàn của xã đi kiểm tra, tại thời điểm đó 4 hồ nuôi có tôm bị chết. Sau khi lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, chính quyền địa phương đã đề ra các biện pháp khống chế dịch bệnh. Ngày 3/5, bảy hộ nuôi có tôm bị bệnh, đến sáng ngày 17/5 số hộ có tôm chết đã lên đến 43 hộ, với tổng diện tích 21,5 ha.
Theo ông Lê Văn Tuấn, thành viên của HTX Hưng Hoà 2 thì hiện nay dịch bệnh của tôm đã bùng phát ngoài tầm kiểm soát của HTX và nhiều khả năng đang phát triển chưa dừng lại. HTX mong chờ sự giúp đỡ của xã, thành phố, tỉnh để có kinh phí dập dịch. Trở lại việc ứng phó của Hưng Hoà đối với dịch bệnh tôm, ngày 3/5 sau khi có kết quả xét nghiệm tôm chết vì bệnh đốm trắng, xã đã mời Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xuống để bàn phương án dập dịch. Theo ông Đinh Văn Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã thì, xã tăng cường tuyên truyền dịch bệnh tôm trên các phương tiện thông tin, qui rõ trách nhiệm của các hộ vi phạm quy định nuôi tôm, giải quyết nhanh các thủ tục để giúp việc dập dịch được thuận lợi. Trong các nội dung của Uỷ ban đã đưa ra, chúng tôi có cảm giác rất chung chung, chưa đi vào những vấn đề cụ thể nên hiệu quả dập dịch không cao. Trong các biện pháp đề ra, xử lý các hộ vi phạm quy định của xã trong vùng nuôi, ngay khi quy định này vừa ban hành thì hộ anh Phạm Phượng, một trong bốn hộ có tôm chết đầu tiên đã tự ý xả ra môi trường. Có 13 ao phải xử lý thì có 8 ao chấp hành nghiêm quy định của xã là xử lý bằng vôi cục, 5 ao tự xả bỏ ra môi trường không qua xử lý. Một câu hỏi đặt ra, phải chăng từ việc xả bỏ nước tuỳ tiện đã dẫn đến nguồn bệnh phát tán nhanh, như hiện nay? Đối với 5 hộ vi phạm này, hiện nay vẫn chưa bị xử lý.
Theo các cơ quan chức năng, năm nay bệnh đốm trắng xuất hiện sớm ở Hưng Hoà, về mặt khách quan là do thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường. Mặt khác, do tâm lý chủ quan của dân sau 6 vụ nuôi tôm thắng lợi liên tục nên việc cải tạo ao đầm không tuân thủ quy định kỹ thuật. Do giá tôm lên cao, một số hộ thả tôm vào ao lắng dẫn đến không xử lý được nguồn nước một cách triệt để. Mặt khác, một số hộ thiếu ý thức đã xả bỏ tôm bệnh ra môi trường không qua xử lý. Trong chỉ đạo dập dịch chính quyền còn lúng túng, chưa thật quyết liệt. Cùng thời điểm, bệnh đốm trắng còn xuất hiện ở Nghi Thái (Nghi Lộc) trên diện tích 2 ha nhưng do chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ chính quyền địa phương nên bệnh đã được dập tắt.
Hiện nay, bệnh đốm trắng ở tôm đang bùng phát thành dịch ở Hưng Hoà, trong khi đó xã đang gặp nhiều khó khăn trong dập dịch. Đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc giúp xã để ngăn chặn không cho dịch tiếp tục phát triển.
P.V, Báo Nghệ An 18/05/07
Bạc Liêu: Cháy lớn thiêu rụi trụ sở Công ty Duyên Hải
Nguồn tin: TN, 20/05/2007
Ngày cập nhật: 20/5/2007
Nuôi cá hồi ở Sa Pa
Nguồn tin: ND, 18/5/2007
Ngày cập nhật: 19/5/2007
Ở độ cao hơn 1.800m so với mực nước biển, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 đã nuôi thử nghiệm thành công cá hồi tại Thác Bạc (Sa Pa, Lào Cai). Lên Sa Pa, du khách trong và ngoài nước không chỉ được thưởng thức các món ăn chế biến từ cá hồi mà còn được xem người dân bản địa nuôi cá hồi rất độc đáo.
Anh Nguyễn Thái Thịnh, hiện sống tại tổ 7, thị trấn Sa Pa, từ một người buôn cá giống trở thành nông dân đầu tiên ở Lào Cai nuôi cá hồi thành công. Khi đến xem mô hình nuôi cá hồi của anh, chúng tôi ngạc nhiên vì công nghệ nuôi rất đơn giản.
Từ sườn núi, anh san ủi thành năm ao từ trên xuống dưới, với diện tích chưa đến 100 m2/ao; dùng bạt chống thấm lót đáy; lắp ống nhựa dẫn nước từ khe xuống các ao; mua cá hồi giống và thức ăn từ Trung tâm nghiên cứu cá nước lạnh Thác Bạc (Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1).
Nhìn những con cá hồi cỡ 1,5-2 kg/con đang bơi khoẻ mạnh trong ao, tôi hỏi: Làm thế nào anh nuôi được cá hồi lớn thế này?. Anh Thịnh cười và trả lời: Tháng 8-2006, tôi nuôi thử nghiệm bảy nghìn con cá hồi.
Vừa nuôi mình vừa run vì cá nuôi bị chết một ít, nhưng mình nghĩ rất đơn giản vì chưa có kinh nghiệm nên cá nuôi bị chết là chuyện bình thường. Sau đó, mình sử dụng máy sục khí để bổ sung ô - xy trong nước thì cá nuôi phát triển tốt.
Sau sáu tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 1,5 kg/con. Mình vừa bán hai tấn cá cho các nhà hàng tại thị trấn Sa Pa, với giá tại ao nuôi 130 nghìn đồng/kg, hiện dưới ao còn khoảng sáu tấn cá.
Theo anh Thịnh, việc nuôi cá hồi thương phẩm ở Sa Pa rất đơn giản, chỉ cần có nguồn nước sạch, giống và thức ăn bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, mức đầu tư nuôi cá này cao hơn nhiều so với nuôi cá truyền thống.
Người biết rất rõ về hành trình của con cá hồi lên núi Sa Pa là ông Ma Quang Trung, Bí thu huyện ủy Sa Pa. Ông là một trong ba người ở nước ta sang Phần Lan để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, đưa công nghệ nuôi cá hồi về Sa Pa.
Ông Trung cho biết: Tháng 1-2005, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 triển khai dự án thử nghiệm sản xuất giống cá hồi tại Thác Bạc (Sa Pa), từ việc nhập trứng cá hồi từ Phần Lan về ấp nở, ương thành cá giống.
Ở độ cao 1.800 m so với mực nước biển, với điều kiện khí hậu và nguồn nước lý tưởng, tỷ lệ trứng cá nở rất cao (hơn 98%), tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống đạt hơn 70%.
Từ kết quả này, UBND tỉnh Lào Cai giao cho công ty TNHH Thiên Hà thực hiện dự án nuôi cá hồi thương phẩm tại xã Bản Khoang (Sa Pa), với số lượng cá giống nuôi 12 nghìn con/1.000 m2, từ tháng 7-2005 đến tháng 6-2006. Đến khi thu hoạch cá đạt trọng lượng trung bình 1,5 kg/con, sản lượng đạt 12 tấn.
Khi con cá hồi đã nuôi thành công trên đất Sa Pa, ông Trung vui mừng: Lên với Sa Pa bây giờ, du khách trong và ngoài nước còn có thêm cơ hội được thưởng thức các món ăn ngon được chế biến từ cá hồi. Tôi nghĩ đây cũng là một sản phẩm phục vụ du lịch, vì du khách đến Sa Pa không chỉ thưởng thức cá hồi mà còn được biết công nghệ nuôi cá hồi.
Theo Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, Viện trưởng nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1, cá hồi sống tốt ở nhiệt độ 10-17oC, hàm lượng ô-xy hoà tan từ 5,5 đến 6,5 mg/l, mật độ nuôi thích hợp 18-20 kg/m3, hệ số thức ăn tối thiểu trên một kg cá thương phẩm khoảng 1,5.
Các chuyên gia Phần Lan đến xem kết quả nuôi thử nghiệm cá hồi thương phẩm tại Sa Pa đều đánh giá cao công nghệ nuôi giống cá này. Họ cho rằng cá hồi nuôi ở Sa Pa còn lớn nhanh hơn ở Phần Lan.
Tiến sĩ Lựu cho rằng, nuôi cá hồi thành công ở Sa Pa còn mở ra triển vọng nuôi đại trà không chỉ ở Lào Cai mà có thể cả ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lâm Đồng...
Trung tâm nghiên cứu cá nước lạnh Thác Bạc đang nghiên cứu công nghệ cho cá hồi bố, mẹ đẻ trứng nhân tạo và sản xuất thức ăn cho cá. Nếu thực hiện thành công hai đề tài này thì triển vọng nuôi cá hồi ở nước ta rất lớn.
Ông Phan Duy Hạnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai nói: Trước đây ở Sa Pa, việc nuôi cá truyền thống là điều viễn tưởng vì khí hậu quá lạnh. Nhưng việc nuôi thành công cá hồi ở đây đã mở ra triển vọng lớn về tiềm năng nuôi cá nước lạnh, giúp bà con thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Năm nay, dự kiến sản lượng cá hồi ở Sa Pa đạt 100 tấn. Để mở rộng diện tích nuôi cá hồi thương phẩm, cần giải quyết tốt ba vấn đề lớn: con giống, thức ăn và thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, nước ta vẫn chưa cho đẻ nhân tạo được trứng cá hồi, phải nhập từ Phần Lan. Nguồn thức ăn cho cá cũng phải nhập khẩu. Do vậy, chi phí đầu tư nuôi cá hồi rất cao.
Việc nuôi cá hồi ở Sa Pa hiện vẫn có lãi cao, nhưng nếu nuôi đạt trà giống cá này mà không chủ động được con giống, nguồn thức ăn, thị trường tiêu thụ thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao.
Trước mắt, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ 20% giá giống cá hồi cho các hộ dân tham gia sản xuất; đầu tư xây dựng hồ thuỷ lợi tại Thác Bạc để bảo đảm nguồn nước cho nuôi cá.
TẠ QUANG DŨNG
Phú Yên: Hơn 6.000 con tôm hùm thả nuôi bị chết đột ngột
Nguồn tin: LĐ, 19/05/2007
Ngày cập nhật: 19/5/2007
Ngày 18.5, Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu cho biết, chỉ trong hai ngày 16 - 17.5, hơn 6.000 con tôm hùm xanh và tôm hùm bông của 53 hộ dân thả nuôi ở các vùng biển xã Xuân Phương, Xuân Thọ 2 (Sông Cầu) bị chết đột ngột, gây thiệt hại nặng cho người nuôi trên 1 tỉ đồng. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân tôm chết là do thuỷ triều đỏ (hiện tượng nở hoa của các loài vi tảo biển) gây ra. Chiều ngày 18.5, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Phú Yên cho biết, vừa lấy mẫu nước ở vùng tôm chết ở xã Xuân Phương và gửi xét nghiệm tại Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hoà).
Lưu Phong
Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn nuôi thủy sản 100.000 tấn/năm tại Tiền Giang
Nguồn tin: SGGP, 19/05/2007
Ngày cập nhật: 19/5/2007
Ngày 18-5, tại KCN Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Công ty TNHH Nhựt Thành Tân và Công ty Higashimaru VN (Nhật Bản) phối hợp tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà máy (NM) chế biến thức ăn nuôi thủy sản.
Công trình được chia thành 2 giai đoạn, trong đó công đoạn xây dựng tháp phối liệu 7 tầng cao 36m. Với số vốn đầu tư trên 20 triệu USD, sau khi hoàn thành, tổng công suất của NM đạt 100.000 tấn/năm, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho ngành nuôi trồng thủy-hải sản ở ĐBSCL.
Tân Hương là KCN được thực hiện theo thỏa thuận hợp tác giữa TPHCM và tỉnh Tiền Giang với diện tích hơn 197ha, đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
CH.B.
VN đứng thứ 5 thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản
Nguồn tin: TTXVN, 17/05/2007
Ngày cập nhật: 19/5/2007
Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 5 thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia và Philíppin.
Vị trí này được Việt Nam đã giữ trong suốt giai đoạn 2001-2005.
Cũng theo số liệu của FAO, giai đoạn 2001-2005, Việt Nam đứng thứ 12 thế giới về sản lượng thủy sản khai thác, thứ 9 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản.
Trong những năm qua, ngành thủy sản luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,4%/năm. Sản lượng thuỷ sản năm 2006 tăng khoảng 3,63 lần so với năm 1990; giá trị xuất khẩu tăng 16,4 lần; tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động, tăng 2,2 triệu người so với năm 1990.
Công nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận với trình độ công nghệ và quản lý tiến tiến của khu vực và thế giới, nhờ vậy chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên. Sản phẩm thuỷ sản Việt Nam đã chinh phục và đứng vững trên 140 thị trường của thế giới.
Nuôi trồng thủy sản từ chỗ là một nghề sản xuất phụ mang tính tự cấp, tự túc đã nhanh chóng trở thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển ở tất cả các thuỷ vực gồm nước ngọt, nước lợ, nước mặn.
Khai thác hải sản cũng đã phát triển từ một nghề thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động gần bờ chuyển sang phát triển theo hướng cơ giới hoá, tăng cường khai thác vùng biển xa bờ, đẩy mạnh công tác thăm dò tiềm năng ngư trường, ứng dụng công nghệ khai thác tiên tiến.
Cơ cấu sản phẩm của kinh tế thuỷ sản đã thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao. Nếu như năm 1986, tổng sản lượng thủy sản chỉ đạt hơn 800.000 tấn, trong đó, nuôi trồng hơn 200.000 tấn (chiếm khoảng 25% tổng sản lượng), kim ngạch xuất khẩu đạt mức 100 triệu USD, đến năm 2005, sản lượng thủy sản đạt hơn 3,4 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi đạt hơn 1,4 triệu tấn (chiếm trên 41%), giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,7 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc cho biết ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 4,5 đến 5 tỷ USD vào năm 2010.
Ngày 17/5, phát biểu tại lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng của ngành thủy sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ngành thủy sản trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững, chú trọng chất lượng, đồng thời, góp phần cải thiện đời sống ngư dân, đảm bảo an toàn cho bà con trên biển./.
Ngành thủy sản đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước
Nguồn tin: NLĐ, 18/5/2007
Ngày cập nhật: 18/5/2007
Liên hợp sản xuất cá sạch Agifish
Nguồn tin: KTVN, 12/05/2007
Ngày cập nhật: 18/5/2007
Bến Tre: Hội thảo mô hình tổ - đội khai thác thủy sản
Nguồn tin: BTreTV, 18/5/2007
Ngày cập nhật: 18/5/2007
Bến Tre: Trại cá Tân Xuân (Ba Tri) thu hoạch 1200 tấn cá tra
Nguồn tin: BTreTV, 18/5/2007
Ngày cập nhật: 18/5/2007
Sau 7 tháng chăm sóc, trại nuôi cá tra thuộc Công ty TNHH Phước Anh tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri đã thu hoạch .
Trên diện tích 11,2 ha mặt nước chia thành 5 ao nuôi, công ty đã thu hoạch được 1.200 tấn cá tra thịt, cung cấp cho các công ty chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu ngoài tỉnh. Với giá bán 15.000 đồng/kg, Công ty thu lãi khoảng 4.000 đồng/kg. Công ty TNHH Phước Anh hiện có 3 trại nuôi cá tra xuất khẩu ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Tiền Giang. Tại Bến Tre, ngoài trại nuôi cá tra ở xã Tân Xuân, công ty đang khởi công xây dựng thêm 1 trại nuôi cá tra có diện tích gần 6 ha ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm.
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.