• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Buồn vui nghề nuôi tôm sú

Nguồn tin: ND, 29/5/2007
Ngày cập nhật: 31/5/2007

Khác với mọi nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề nuôi tôm sú công nghiệp thất bại có nghĩa là trắng tay. Sức hút lợi nhuận từ con tôm sú, khiến nhiều người dân buộc phải chấp nhận một cuộc chơi đầy rủi ro.

Vài năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng, vốn, tập huấn kỹ thuật lại được thiên nhiên ưu đãi, cùng tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, nên năng suất nuôi tôm sú ở Sóc Trăng bình quân đạt khá cao từ 4,2-4,5 tấn/ha với mô hình công nghiệp; từ 1,4-1,6 tấn/ha mô hình bán công nghiệp. Đặc biệt, khá nhiều hộ áp dụng quy trình nuôi công nghệ sinh học Vitedi cho năng suất kỷ lục từ 12-14 tấn/ha. Sau vụ nuôi có từ 80-85% hộ nuôi có lãi từ 70-200 triệu đồng/ha.

Niềm vui được mùa

Vùng nuôi tôm sú công nghiệp tập trung ở Sóc Trăng như xã Liêu Tú, Trung Bình (Long Phú), Thạnh Thới Thuận, Ngọc Tố (Mỹ Xuyên), Hòa Đông, Vĩnh Phước, Vĩnh Hiệp (Vĩnh Châu), những vuông tôm được thiết kế trông rất đẹp mắt. Những giàn quạt được bố trí đều khắp trong ao, luôn quay đều tung bọt nước trắng xóa. Những làng xóm nghèo xưa, nay được thay thế bằng nhà ngói, lót gạch men khang trang. Ruộng đồng giờ đây lùi xa, nhường chỗ cho ao đìa nuôi tôm bung ra san sát. Ít ai nghĩ rằng đất nơi này, ngày nào cho không chẳng ai dám nhận, nay tăng rất nhanh từ 150 - 200 triệu đồng/ha.

Chúng tôi ghé thăm trang trại nuôi tôm sú công nghiệp của anh Quách Hoàng Phong ở ấp Biển Trên, xã Vĩnh Phước, huyện Mỹ Xuyên. Vừa dẫn chúng tôi tham quan, anh Phong kể chuyện nuôi tôm sú thương phẩm theo quy trình GAP. Mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, bảo đảm chất lượng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng thuỷ sản theo HACCP. Với quy trình này, hai năm gần đây trên diện tích 90 ao ( 4.500-5000 m2/ao) đã cho anh doanh thu từ 20-22 tỷ đồng/năm. Theo thạc sĩ Phạm Hữu Lai - phó giám đốc Sở Thủy sản Sóc Trăng, hai năm trước, giữa lúc nghề nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL lâm vào tình trạng tôm sú chết hàng loạt trên diện rộng trong giai đoạn từ 30 - 60 ngày tuổi, thì các hộ nuôi tôm sú công nghiệp ở Sóc Trăng lại bội thu. Với mô hình khép kín, môi trường nước được quản lý chặt chẽ, chọn con giống tốt thông qua xét nghiệm, nên người nuôi rất ít bị rủi ro.

Cuộc sống ở các xã ven biển Mỹ Thanh đang thay đổi từng ngày. Từ những cánh đồng hoang hóa, nay trở thành những thành phố vuông tôm, thật là ấn tượng.

Nỗi buồn nghề nghiệp

Khác với mọi nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề nuôi tôm sú công nghiệp thất bại có nghĩa là trắng tay. Sức hút lợi nhuận từ con tôm sú, khiến nhiều người dân buộc phải chấp nhận một cuộc chơi đầy rủi ro. Anh Nguyễn Văn Sáu ở xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, giãi bày: “Tôi đã lỗ mấy chục triệu đồng để đi mua kinh nghiệm”. Thấy nhiều nơi nuôi tôm sú bán công nghiệp lãi nhiều theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, chỉ sau 3,5 - 4 tháng nuôi có thể thu lời lớn, anh liền đầu tư vào cải tạo 1,2 ha đất ruộng lúa, với vài ngày cho việc cải tạo đất, dẫn nước vào thả tôm giống ngay. Sau gần bốn tháng nuôi, kết quả tôm không lớn mà chết dần, con nào cũng nhỏ xíu đen bóng, vỏ bị sần lên bắt buộc phải thu hoạch. Các chuyên gia thủy sản xuống bắt bệnh được ngay, nguyên nhân là do cải tạo đất chưa tốt còn phèn nặng (PH), anh Sáu lỗ vốn cả trăm triệu đồng.

Đất mới khai phá, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh nuôi tôm sú thất bại đã đành. Nhưng “cơm đã lên mâm, chỉ việc cầm đũa” mà vẫn bại như trường hợp anh Phan Văn Sơn ở xã Vĩnh Hiệp-Vĩnh Châu. Anh kể: “… đi nhiều nơi thấy nuôi tôm sú công nghiệp, lợi nhuận thấy ham. Về nhà thiếu vốn anh vay thêm người thân, bạn bè, ngân hàng trên 150 triệu đồng, tập trung vào 2 ha (4 ao). Suốt gần 2 tháng mướn máy ủi, đào hơn 20.000 m3 đất, mua máy bơm, giàn quạt nước, thả 200.000 con tôm post…”. Nhưng niềm vui không đến với anh !. Sau 60 ngày thả, tôm phát bệnh chết dần và chết hàng loạt không thu được đồng nào, tôm cho không cũng không ai nhận!.

Ông vua tôm sú ở Sóc Trăng, Đinh Thiên Cần khẳng định “ không ai nuôi tôm sú công nghiệp mà thành công ngay”. Theo ông, nguyên nhân lớn nhất là do nóng vội. Bởi người nuôi muốn làm giàu ngay mà không nghiên cứu kỹ hệ thống thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật, con giống chất lượng không bảo đảm sạch bệnh, môi trường nước, thời tiết, mùa vụ… Ông Cần khuyên: "Nếu làm nhà tính một thành hai, còn nuôi tôm sú công nghiệp thì phải tính một thành bốn. Do vậy, không tính kỹ sẽ “đứt gánh”. Đừng nuôi tôm sú công nghiệp theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa và ỷ lại". Còn anh Tăng Văn Xúa ở xã Hòa Đông (Vĩnh Châu) thì cho rằng, chọn con giống tốt đã nắm chắc phần thắng khoảng 70% và không nên nuôi tôm sú mùa nghịch.

Thương mại


Thừa Thiên - Huế: Dư nợ vay nuôi tôm trên 136 tỉ đồng

Nguồn tin: NLĐ, 30/5/2007
Ngày cập nhật: 31/5/2007

Theo ông Ngô Văn Toàn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Thừa Thiên - Huế, đến nay dư nợ nuôi tôm trên toàn tỉnh vượt trên 136 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện: Phú Lộc 55 tỉ đồng, Quảng Điền 42 tỉ đồng, Phú Vang 41 tỉ đồng

Do những hộ nuôi tôm thua lỗ thực sự vì lý do khách quan, nên nếu có nhu cầu vốn chính đáng, ngân hàng vẫn xem xét giải quyết để tiếp tục cho vay.

Tr.Phương


Tỷ phú cá tra trở thành... chúa Chổm

Nguồn tin: KTVN, 30/05/2007
Ngày cập nhật: 31/5/2007

Về tỉnh An Giang, nói tới thị xã Châu Đốc, người ta nghĩ ngay đến làng cá bè. Ngoài giá trị kinh tế to lớn, làng cá bè còn là nét văn hoá đặc sắc của vùng sông nước.

Thế nhưng ba năm nay, làng cá bè suy sụp, nhiều người tiếc nuối, xót xa. Cá tra từ bè lên bờ, ồ ạt vào hầm, vào ao, lợi nhuận cao đã nhấn chìm làng bè Châu Đốc.

Cách đây gần chục năm, ngồi ở công viên đường Lê Lợi thị xã Châu Đốc nhìn qua làng cá bè bên kia bờ sông Hậu, hàng trăm, hàng ngàn nhà mái tôn nhấp nhô trên sông nước, chạy dài hút tầm mắt từ Tân Châu đến tận Long Xuyên. Đấy là thời kỳ hoàng kim của nghề nuôi cá bè, cá ba sa xuất khẩu cung không đủ cầu.

Cả Tân Phú và Châu Đốc không ai phát động mà rầm rộ phong trào đóng bè nuôi cá. Mặc dù ngày đó, đóng được một chiếc bè nuôi cá là cả một gia tài. Bè nhỏ nuôi khoảng 100 tấn cá giá trên dưới 200 triệu đồng; bè lớn nuôi 150-200 tấn cá giá 700-800 triệu đồng. Giá bè đắt vì phải đóng bằng gỗ đặc chủng (gỗ sao, gỗ trắc) ngâm nước không mục, đinh phải dùng loại chống rỉ.

Bè cá đắt vậy nhưng nhà nhà đua nhau đóng. Những chủ đã có 1-2 bè, gom góp vốn đóng thêm để có 2-3 bè; nhà chưa nuôi cá bao giờ thấy thiên hạ sục sôi với cá bè cũng “nhào zô”, vay vốn ngân hàng, nếu chưa đủ thì vay nóng bên ngoài đóng bằng được bè nuôi cá. Làng cá bè trên sông Hậu... bùng nổ. Vào những năm 1990, cả làng chỉ có 500-600 chiếc, đến năm 2000 tăng lên trên 4.200 chiếc. Bè cá ken kín sông. Riêng thị xã Châu Đốc, có tới 420 bè.

Nhưng rồi thời vàng son qua nhanh khi con cá ba sa thất thế, làng bè sống nhờ con cá tra. Cuối năm 2000, đến lượt con cá tra nuôi bè cũng điêu đứng vì giá rớt thê thảm. Trong lúc giá thành sản xuất đã là 9.000-10.000 đồng/kg, giá bán chỉ được 8.000-8.500 đồng/kg. Chủ bè lỗ trắng tay nhưng phải nghiến răng bán đổ, bán tháo. Từ đó đến nay, cá tra nuôi bè đuối sức dần, rồi chết chìm một cách nhanh chóng khi hiện nay cá tra nuôi hầm phát triển quá nhanh.

Cá tra lên bờ, vào ao, hầm, cả làng bè nhà trống trơ, bè không cá. Tháng 4 mùa nước cạn, trên sông Hậu, mấy trăm chiếc bè còn lại của An Phú, Châu Đốc vẫn dập dềnh trên sông nước nhưng cảnh hoang tàn. Nhiều nhà bè bỏ hoang, chiếc tốc mái, chiếc nghiêng, chiếc chìm không có chủ. Mới ngày nào đây, làng cá bè tấp nập, nhộn nhịp cảnh mua bán, hàng trăm chủ bè còn là tỷ phú. Giờ họ trắng tay, nợ nần chồng chất. Không ít tỷ phú trốn nợ, phải rời khỏi quê hương, dắt díu vợ con đi tha phương.

Theo thống kê của Sở Thuỷ sản An Giang, thời thịnh vượng của những năm 1999-2000, cả tỉnh có khoảng 4.200 bè cá lớn nhỏ, neo kín bờ sông Hậu. Đến tháng 3 năm nay chỉ còn khoảng hơn 2.200 chiếc (của 1.600 chủ bè), trong đó phần lớn đã bị các ngân hàng quản lý để thu hồi nợ. Số bè còn thực nuôi không nhiều. Hiện nay số nợ của các chủ bè với các ngân hàng thương mại ở An Giang gần 100 tỷ đồng, trong đó riêng Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Châu Đốc chiếm khoảng 25 tỷ đồng.

Theo Phó giám đốc Trần Thanh Hùng, khả năng thu hồi nợ rất thấp. Đây cũng là tình trạng chung của các ngân hàng khác. Lý do vì không phát mại được bè cá, bán không ai mua. Sau khi làng cá bè thất thế, ở An Giang xuất hiện một nghề mới là “xẻ thịt” bè cá. Những ông thợ này chỉ tìm mua những chiếc bè chất lượng gỗ còn tốt, 70- 80%; giá mua bằng 10-15% giá lúc đóng bè. Giá rẻ vì gỗ bè “xẻ thịt” chỉ bán được cho những người sửa chữa ghe thuyền.

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang, nuối tiếc trong bất lực: “Làng cá bè suy sụp, tìm ra giải pháp cứu làng bè là việc làm cấp bách, nhưng... khó quá”. Ông Trần Văn Ân nguyên Bí thư đảng uỷ xã Đa Phước (An Phú) và cũng là chủ bè cá thời hoàng kim thì quả quyết rằng “Vô phương cứu chữa. Sự suy sụp tức tưởi của làng cá bè là do nghề nuôi cá hầm phát triển quá nhanh”.

Bà Phan Thị Yến Nhi, Phó giám đốc Sở Thuỷ sản An Giang cùng quan điểm với ông Ân: “Hiện đang là thời hoàng kim của nghề nuôi cá tra hầm. Cá tra hầm giá thành thấp, chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 giá thành nuôi cá tra bè, tỷ lệ phi lê cao hơn... Nói đến chuyện khôi phục cá bè lúc này là chuyện bất khả thi”.

Có một thực tế ít ai nói tới, hoặc nói tới nhưng không có lời giải thích. Đó là hiện tượng cá tra nuôi bè hay chết hàng loạt. Nguyên nhân vì bè cá dày đặc, môi trường nước bị ô nhiễm nặng, trong khi đó đặc tính của loại cá này chưa thích nghi với môi trường nước liên tục thay đổi. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để cá tra lên bờ, làng bè xơ xác.

Đây có thể là một nghịch lý trong chăn nuôi mà người dân nuôi cá tra và cá ba sa, chưa phân biệt và nhìn ra, dẫn đến nghề nuôi cá ba sa đặc trưng của vùng sông nước bị nguôi lạnh.

Hồ Khánh Thiện


Nuôi tôm sinh thái ở Cà Mau- nhìn lại chặng đường 7 năm

Nguồn tin: Vasep, 29/5/2007
Ngày cập nhật: 30/5/2007

Nuôi tôm sinh thái là đề tài nghiên cứu đã được Bộ Thủy sản quan tâm đặc biệt với hy vọng đưa ra quy trình nuôi để áp dụng vào sản xuất hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước nuôi, tạo ra sản phẩm sạch, bền vững phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thực tế, trong 6 năm qua, hoạt động nuôi tôm sinh thái áp dụng theo mô hình giao đất, giao rừng ở Cà Mau đã thu được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Xuất phát từ nhu cầu và xu hướng tiêu dùng quốc tế và trong nước đối với sản phẩm sạch- thực phẩm sinh thái nói chung và thủy sản sinh thái nói riêng, được nuôi trồng và phát triển tự nhiên, không có tác động hóa chất kháng sinh độc hại và gây ô nhiễm, đầu năm 2000 nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh đã dẫn một đoàn các quan chức cao cấp và các thương gia EU đến thăm quan mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm ở Lâm ngư trường 184 (LNT 184) ở Cà Mau (nay là Công ty Lâm nghiệp 184) và được đánh giá cao về mặt môi trường sinh thái. Sau chuyến khảo sát này, vấn đề nuôi tôm sinh thái đã được một số chuyên gia ở Châu Âu đề cập với Bộ Thủy sản để nghiên cứu, lấy vùng ngập mặn Cà Mau làm thí điểm và áp dụng thực tế ở LNT 184. Sau hơn 2 năm thăm dò lấy mẫu, kiểm nghiệm, vùng này được đánh giá là hội tụ đủ các tiêu chí sản xuất tôm sinh thái theo tiêu chuẩn quy định của các tổ chức kiểm tra chứng nhận quốc tế như Naturland của Đức, Hiệp hội Kiểm tra Thụy Sỹ (SIPPO), và các tổ chức khác của cộng đồng Châu Âu.

LNT 184 và hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm sinh thái

Nằm trên địa phận hành chính xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, với diện tích tự nhiên 6.475ha, diện tích rừng hiện có là 3.190ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 2.879ha, từ những năm 1997-1998, LNT 184 đã thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho 1.197 hộ gia đình để kết hợp trồng rừng với nuôi tôm, nhằm mục tiêu khôi phục và phát triển vốn rừng.

Sau 10 năm thực hiện phương thức trên, LNT 184 cơ bản khôi phục lại được vốn rừng, đồng thời phát triển được tính đa dạng sinh học với 44 loài hệ thực vật, trong đó có 32 loài thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn (bao gồm 18 loài chính thức và 14 loài kết hợp). Đặc biệt có một số loài rất quý hiếm như cóc trắng, sú, cây trang... Về hệ động vật LNT 184 hiện có 17 loài thuộc 6 bộ và 8 họ trong đó có 2 loài trong sách đỏ IUCN 2000 và 4 loài có trong sách đỏ của CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp). Có nhiều loài có giá trị bảo tồn như rái cá móng, voọc bạc, chồn cái mèo, khỉ đuôi dài...; hệ chim có 73 loài cá thể, đặc biệt là đàn giang sen có 40 con, có quần thể lớn hiếm có trong vùng, và có khoảng 400 con Diệc Xám...

Đặc biệt hệ thủy sản ở đây rất đa dạng, phong phú với hơn 100 loài, nhất là những loài có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu như tôm, cua, cá bóng mú, cá lạt dây... Đây là cơ sở tạo tiền đề cho viết phát triển dư án nuôi tôm sinh thái từ năm 2000 đến nay.

Ngày 21/12/2001, LNT 184 đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn nuôi tôm sinh thái với các tiêu chí như: có tỷ lệ rừng nhất định trên 50% diện tích rừng trong ao nuôi và vùng nuôi, không dùng kháng sinh, ý thức xã hội về bảo vệ môi trường sinh thái... Để đạt được các mục tiêu là tạo ra được sản phẩm sạch và không gây ô nhiễm môi trường, kỹ thuật nuôi không cho phép sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ bệnh và hóa chất để xử lý môi trường. Thức ăn tự nhiên là nguồn thức ăn chủ yếu trong các ao, đầm nuôi tôm. Trong hệ thống nuôi sinh thái chỉ sử dụng phân hữu cơ để tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi. Tuy nhiên có thể sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước và tạo thêm nhiều thức ăn tự nhiên trong ao nuôi tôm.

Các tiêu chí mà các tổ chức kiểm tra chứng nhận đặt ra rất nghiêm ngặt, khắt khe, nhưng LNT 184 cơ bản đáp ứng được yêu cầu vì có mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm phát triển ổn định trong nhiều năm qua, con tôm cùng tồn tại và phát triển dưới tàn rừng, cân bằng được hệ sinh thái trong vùng, tuy năng suất chưa cao nhưng giá trị XK cao hơn so với tôm nuôi trong điều kiện bình thường, lại ít bị rủi ro, đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững.

LNT 184 đã kết hợp với Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CAMIMEX) tổ chức sản xuất chế biến xuất khẩu tôm sinh thái, đem lại giá trị kinh tế liên tục tăng: Năm 2002 đạt 17 tấn, trị giá 271.500 USD, năm 2003 đạt 24,5 tấn, trị giá 460.570 USD, năm 2004 đạt 134 tấn trị giá 2,32 triệu USD, năm 2005 đạt 131 tấn, trị giá 2,47 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2006 đạt 108,8 tấn, trị giá 2,04 triệu USD.

Qua xuất khẩu và thông qua các hội chợ quốc tế, cũng như trong nước, sản phẩm tôm sinh thái được các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng các nước biết đến ngày càng nhiều, thu hút được các khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật và các nước EU. Tuy nhiên, nguồn cung cấp tôm sinh thái của Việt Nam chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu vì còn nhiều vấn đề bất cập.

Những bất cập trong nuôi và thu mua tôm sinh thái

Ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc công ty LN 184 cho biết, qua 8 năm nuôi tôm sinh thái, LNT 184 đã nhận thấy vẫn còn một số mặt tồn tại: sự quan tâm của Nhà nước và các ngành, các cấp chưa cao; người dân chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bảo vệ và khôi phục vốn rừng, nhằm đáp ứng các tiêu chí nuôi tôm sinh thái, người sản xuất tôm sạch chưa tuân thủ các quy trình nuôi tôm sạch, đồng thời các nhà thu mua, chế biến cũng không có nguyên tắc chặt chẽ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cũng như giá trị xuất khẩu của tôm sinh thái Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Theo tiêu chí tôm sinh thái, vùng Cà Mau có khoảng 60% tôm nuôi đạt tiêu chí, song do vùng nuôi chưa được mở rộng và chưa được chứng nhận, nên nguồn cung cấp tôm sinh thái của Việt Nam không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.

Về phía công ty thu mua và chế biến tôm sinh thái, CAMIMEX cho biết, do việc sản xuất nuôi trồng thủy sản-thu mua tôm nguyên liệu sinh thái vẫn còn bất cập nên việc chủ động đề ra phương hướng và tìm giải pháp thực hiện, điều hành kế hoạch nói chung, cũng như việc đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong việc quản lý công nhận hộ nuôi sinh thái và tổ chức thu mua nguyên liệu nói riêng còn trong thế lúng túng, bị động.

Việc thu mua tôm sinh thái không bao gồm nhiều kích cỡ và đa dạng về chủng loại, từ đó dẫn đến nhiều thắc mắc của hộ dân sản xuất nuôi trồng tôm sinh thái. Thực tế, sản lượng tôm các loại, các cỡ bán cho trạm thu mua thì nhiều nhưng sản lượng được ghi mua và thanh toán chênh lệch thì ít, do chỉ tính theo loại và kích cỡ theo yêu cầu mua của khách hàng.

Bên cạnh đó, nguyên tắc thanh tra của IMO quá chặt chẽ, cứng nhắc đối với các hộ còn thiếu diện tích rừng không đáng kể. Cách tính tỷ lệ diện tích rừng trong tổng diện tích nuôi, trồng theo từng hộ là không hợp lý. Sự bất đồng ý kiến của IMO, CAMIMEX và khách hàng Thụy Sỹ dẫn đến việc tạm thời ngừng thu mua tôm sinh thái, gây ảnh hưởng đến niềm tin và sản xuất nuôi trồng của hộ nuôi sinh thái, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và thu nhập từ việc bán thương hiệu tôm sinh thái của công ty.

Và những kiến nghị nhằm đẩy mạnh sản xuất và quảng bá tôm sinh thái

Trước thực trạng đó, LNT 184 đã kiến nghị Đảng và Nhà nước cần quan tâm sâu sắc hơn nữa đến sản xuất và nuôi trồng tôm sinh thái, cần tuyên truyền vận động nhân dân có ý thức hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái, phát triển nuôi theo hướng bền vững.

Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng tiêu thụ sản phẩm sạch của quốc tế và trong nước ngày càng cao, nhằm ổn định và phát triển vùng nuôi tôm sinh thái, cần phải xây dựng thường hiệu tôm sinh thái chất lượng cao của Cà Mau, để có thể cạnh tranh trên thương trường quốc tế, cũng như thị trường trong nước.

Về phía chính phủ, CAMIMEX kiến nghị cần có chính sách ưu đãi về thuế nuôi trồng thủy sản trong vùng nuôi tôm nguyên liệu tôm sinh thái có ưu thế hiệu quả bền vững về kinh tế và bảo vệ môi trường; cần có chính sách hỗ trợ cho vay vốn để người dân san lấp kinh mương đảm bảo mặt bằng trồng rừng; có chính sách và hoạch định chiến lược về mở rộng phát triển vùng nuôi tôm sinh thái nhằm tạo môi trường và sản xuất mang tính bền vững.

Đối với vấn đề giá thu mua, CAMIMEX cho rằng cần định giá sàn thu mua tôm nguyên liệu hợp lý theo từng thời gian cụ thể, tương ứng với giá cả thu mua tôm của thị trường, để người nuôi tôm sinh thái không bị thiệt và không bị thất thoát nguồn cung cấp tôm sinh thái ra ngoài.

CAMIMEX cũng như LNT 184 rất mong VASEP có những động thái tích cực trong đàm phán với đối tác Thụy Sỹ để họ sớm nối lại chương trình thu mua-chế biến xuất khẩu tôm sinh thái và mua nhiều kích cỡ, nhiều chủng loại vì trong vùng nuôi tôm sinh thái do môi trường tốt, phần lớn tôm đạt trọng lượng 60-80 g/con mới chịu ra cống, sản lượng loại kích cỡ mới lớn nhiều, đồng thời linh hoạt hơn đối với việc đánh giá tiêu chí diện tích rừng cho các hộ nuôi.

(LH)


Quy hoạch hệ thống sản xuất giống thủy sản ở ĐBSCL

Nguồn tin: Nhân dân, 26/5/2007
Ngày cập nhật: 30/5/2007

đến năm 2010, các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ sản xuất 35 tỷ con tôm sú giống, hơn 3,5 tỷ con tôm càng xanh giống, hơn 2,7 tỷ con giống cá tra, basa

Theo Bộ Thủy sản, từ nay đến năm 2010, các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ sản xuất 35 tỷ con tôm sú giống, hơn 3,5 tỷ con tôm càng xanh giống, hơn 2,7 tỷ con giống cá tra, basa, hơn 500 triệu con giống cá rô phi đơn tính đực. Nhằm đạt mục tiêu đó, ngành đã xây dựng Trung tâm giống thủy sản nước ngọt miền nam tại tỉnh Tiền Giang, ba Trung tâm giống thủy sản cấp I tại Hòn Khoai (Cà Mau), Phú Quốc (Kiên Giang) và thị xã Bạc Liêu. Ba Trung tâm giống thủy sản nước ngọt cấp I khác cũng được xây dựng tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… Ngoài ra, Trung tâm giống thủy sản các tỉnh sẽ được nâng cấp, xây dựng mới, bảo đảm đến năm 2010 tiếp nhận, nuôi dưỡng giống mới chuyển giao công nghệ cho cơ sở sản xuất giống thủy sản hàng hóa.


1,2 triệu USD xây trại giống thủy sản ở Ninh Thuận

Nguồn tin: Vasep, 27/05/2007
Ngày cập nhật: 30/5/2007

Ngày 25/5, Công ty TNHH giống thủy sản Uni-President Việt Nam đã khởi công xây dựng trại sản xuất giống thủy sản tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư 1,2 triệu USD.

Trại giống có khả năng cung cấp khoảng 600 triệu con tôm giống mỗi năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 11 tới.

Công ty Uni-President Việt Nam dự định mở rộng qui mô trại giống để có thể sản xuất thêm cá giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.


Xuân Hải (Sông Cầu): Làng biển nay khác rồi

Nguồn tin: PY, 28/5/2007
Ngày cập nhật: 30/5/2007

Xuân Hải (huyện Sông Cầu) là xã cực bắc của Phú Yên. Trước đây, xã hai lần được công nhận là xã miền núi, nằm tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Tuy nhiên, sau khi có KCN Đông Bắc Sông Cầu, có cầu bê tông bắc qua đầm Cù Mông, cuộc sống ở Xuân Hải có nhiều chuyển biến tích cực.

DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN

Đêm Xuân Hải đèn điện sáng choang, nhiều loại hình dịch vụ hoạt động tấp nập, có cả điểm dịch vụ Internet thường xuyên có nhiều người truy cập. Nhìn “dãy phố” nằm sát mép biển giữa lồng lộng của gió, vị mặn mòi của biển, khó có thể nghĩ cách đây không lâu, làng biển này bị tách biệt hẳn với bên ngoài.

Tờ mờ sáng, từng đoàn người tấp nập kéo nhau về khu công nghiệp (KCN) Đông Bắc Sông Cầu. Một vùng cát trắng bừng lên sức sống với cảnh làm việc tấp nập, hối hả. Anh Trần Viết Nghĩa, sinh sống tại TP Quy Nhơn (Bình Định), nhưng làm việc trong KCN, kéo tôi làm một chuyến thưởng ngoạn. Con đường liên xã nối Xuân Hải với Xuân Bình tuy có hơi hẹp nhưng đi lại rất thuận lợi, đầm Cù Mông ngăn trở hai địa phương ngày nào đã được nối bằng cây cầu bê tông. Hai bên bờ đầm, bạt ngàn dừa quyện với màu xanh thẫm của mặt đầm. Nghĩa bảo tôi: Xuân Hải đổi khác, bừng lên sức sống mới, nhộn nhịp, nhưng đặc sản của đầm, của biển Xuân Hải vẫn còn nguyên. Con người cũng có nhiều đổi khác thích ứng theo sự phát triển mới. Để chứng minh, anh đèo tôi lên tuyến đường liên xã, qua mấy đụn cát cao khuất tầm nhìn, bỗng lộ ra thôn 5 mà hầu hết các hộ dân đều mở quán mua bán phục vụ công nhân KCN. Vượt cây cầu bắc qua đầm Cù Mông sang bên bờ tây thuộc địa phận xã Xuân Bình, nơi đây đã mọc lên mấy căn “nhà hàng nổi” phục vụ các loại đặc sản của vùng. Chủ “nhà hàng nổi” Chế Sen là anh Trần Văn Chế, sinh ra gắn bó với mặt đầm, lớn lên từ con nước của đầm, sau thời gian đi bộ đội, anh lại về với đầm. Thế mà đến cuối năm 2006, anh chuyển sang ngành kinh doanh dịch vụ. Anh Chế cho hay: “Sinh sống bằng nghề đánh bắt trong đầm bao nhiêu năm rồi, từng ngõ ngách của đầm mình thuộc như lòng bàn tay, đêm có thể vừa ngủ vừa đi sõng. Đến tháng 11/2006, tôi cùng gia đình quyết tâm bỏ mặt đầm lên bờ, mở quán dịch vụ ăn uống”. Chuyện kinh doanh của anh Chế tính đến giờ chưa “nổi” lắm, nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình và anh tin rằng có ngày sẽ “phát”.

Ở khu vực bờ đông, bờ tây của đầm đang chuẩn bị hình thành một khu dịch vụ trung tâm sống động khi giai đoạn hai KCN Đông Bắc Sông Cầu mở ra, thu hút nhiều công nhân, các dự án du lịch trong khu vực này được triển khai xây dựng.

CẦN THÊM TRỢ LỰC

Không như những làng biển khác của huyện Sông Cầu, Xuân Hải không có nhiều thế mạnh về nuôi trồng thủy sản có giá trị cao như tôm hùm, cá mú vì hướng mặt ra biển, không được che chắn. Đầm Cù Mông chỉ cho hơn 1.000 hộ dân của Xuân Hải nuôi tôm sú, đánh bắt các loại thủy sản trên đầm, nhưng nhiều năm gần đây giá trị kinh tế của những loại thủy sản này không còn cao như trước. Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp mới đây, xã này hiện có 1.791 hộ dân với 8.513 nhân khẩu nhưng chỉ có một hộ dân duy nhất sống bằng nghề lâm nghiệp. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn cũng theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng hộ sống bằng dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Thế nhưng GDP bình quân đầu người của Xuân Hải thấp hơn nhiều so với 6,6 triệu đồng/người/năm của huyện Sông Cầu.

Chủ tịch UBND xã Xuân Hải Phạm Chấn Hào cho biết: “Thực tế, Xuân Hải gặp nhiều khó khăn về nguồn thu. Không kể KCN không thuộc phạm vi quản lý của xã thì các điểm du lịch kề với Quy Nhơn như Bãi Bàu, Bãi Rạng, khai thác khoáng sản titan… nguồn thu không do xã quản lý. Hằng năm, số thu hơn 300 triệu đồng cũng chỉ là thu nợ thuế từ trước, trong đó số ngân sách xã được hưởng hơn 140 triệu đồng. Hiện tại, trụ sở thôn văn hóa cần được xây dựng, chợ cần được nâng cấp, chỉnh trang, nghĩa trang cũng cần được hoàn thiện nhưng vẫn không có kinh phí”.

Chuyện trăn trở về đầu tư xây dựng cơ bản của ông Hào có thể nhận biết dễ dàng qua thực tiễn. KCN được mở rộng, thu hút nhiều lao động, tự bản thân các loại hình dịch vụ cũng sẽ có bước chuyển để đáp ứng. Thế nhưng, hạ tầng sinh kế, hạ tầng cơ sở của xã nếu không đáp ứng đủ sẽ dẫn đến nhiều nỗi lo, có cả nỗi lo về tệ nạn xã hội. Vùng đất này cần được trợ lực mạnh mẽ để phát triển, không chỉ cho tự thân Xuân Hải mà còn cho nhiều vùng lân cận như Xuân Bình, Xuân Lộc…

LY KHA


ĐBSCL: Dân “kêu trời” vì giá thức ăn cho cá liên tục tăng cao

Nguồn tin: SGGP, 28/05/2007
Ngày cập nhật: 30/5/2007

Sáng nay, 28-5, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH AFA An Giang cho biết, dân nuôi cá tra, ba sa hiện đang khốn đốn vì giá thức ăn cho cá liên tục tăng cao. Hiện nay, giá cám tăng lên 3.000đ/kg; cá biển 4.000đ/kg; tấm 3.900đ/kg… bình quân tăng 200đ - 300đ/kg so tuần trước.

Trong khi giá thức ăn và các loại thuốc đều tăng, đẩy chi phí nuôi lên cao, nhưng giá cá tra nguyên liệu dừng lại ở mức 14.500đ - 15.000đ/kg. Dự báo, sắp tới giá thức ăn sẽ còn tăng, còn cá nguyên liệu khả năng giảm.

HUỲNH PHƯỚC LỢI


Tác động bước đầu của dự án Nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải (Ninh Thuận)

Nguồn tin: Ninh Thuận, 23/05/2007
Ngày cập nhật: 29/5/2007

Khởi công từ tháng 10-2001, Dự án Nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải có tổng mức đầu tư ban đầu là 42,892 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 26,539 tỷ đồng. Tuy nhiên do một số vấn đề phát sinh của dự án, ngày 19/8/2004 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 6303/QĐ điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 46,509 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, thời gian hoàn thành điều chỉnh tính từ năm 2000 đến năm 2005. Mục tiêu của dự án nhằm phục vụ cho việc chuyển đổi 151,8 ha đất trồng lúa kém hiệu quả ở Sơn Hải (Phước Dinh, Ninh Phước) sang nuôi tôm công nghiệp.

Anh Phạm Ngọt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ngành Thủy sản cho biết, đến nay các hạng mục công trình giai đoạn I của dự án về cơ bản đã được đưa vào sử dụng. Có thể nói đây là một thắng lợi quan trọng của ngành Thủy sản nếu biết dự án được triển khai trong điều kiện đầy khó khăn, trắc trở. Ngay thời gian đầu, chỉ sau nửa năm thi công thì vào tháng 4-2002, dự án đã phải tạm dừng lại để giải quyết khiếu nại về đền bù giải phóng mặt bằng và xử lý kỹ thuật, thay đổi bổ sung một số hạng mục công trình. Mãi đến tháng 8-2004, dự án mới tiếp tục tái thi công, như vậy tiến độ thi công đã bị chậm lại bằng khoảng thời gian 16 tháng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hạng mục chính của dự án bao gồm: Hồ chứa nước Núi Một, hệ thống đê bao phòng lũ, kênh dẫn nước mặn, kênh dẫn nước ngọt, trạm bơm cấp nước mặn, hệ thống điện và nhà quản lý. Dự án được chia thành 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn I, dự án thực hiện thi công các hệ thống công trình sau đầu mối như: Trạm bơm cấp nước mặn số 1, số 2; kênh dẫn nước mặn N1, N2; kênh dẫn nước ngọt từ đầu mối về xi-phông số 1; kênh dẫn nước ngọt sau xi-phông số 1 về cuối tuyến; nhà quản lý dự án; hệ thống điện và cống tiêu nước nội đồng. Hiện nay các hạng mục trên đã bàn giao đưa vào sử dụng. Còn lại đoạn cuối kênh tiêu lũ đông nam và kè chắn sóng bảo vệ trạm bơm số 1 đang được ngành Thủy sản tổ chức đấu thầu, dự kiến các hạng mục này sẽ hoàn thành trong năm nay với tổng dự toán là 36,906 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị xây lắp là 23,727 tỷ đồng và đền bù giải tỏa, hỗ trợ sản xuất là 8,411 tỷ đồng. Giai đoạn II của dự án gồm hạng mục hồ chứa nước Núi Một, đã thi công xong tràn xả lũ, còn lại do phải xử lý kỹ thuật nên chưa thi công đập đất, cống lấy nước, đập phụ và các công trình phụ trợ.

Hồ chứa nước Núi Một là công trình quan trọng trong dự án nên được ngành Thủy sản tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Tháng 5 năm 2002, thực hiện thông báo số 74/TB của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý công trình hồ chứa nước Núi Một, sở Thủy sản đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án phối hợp cùng Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ trường Đại học Thủy lợi (Chi nhánh miền Trung) tiến hành thiết kế kỹ thuật - dự toán lại đối với công trình đập của hồ. Công trình còn được Trung tâm tư vấn Khoa học Công nghệ phát triển Tài nguyên nước và trường Đại học Thủy lợi thẩm tra thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, đồng thời phản biện đánh giá khả năng thấm mất nước sang lưu vực khác là rất ít và trong khả năng cho phép. Để đảm bảo an toàn cho công trình, ngày 3-4 năm nay, UBND tỉnh tiếp tục có công văn gửi Hội đồng thẩm định Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thỏa thuận giải pháp kỹ thuật công trình đầu mối - hồ chứa nước Núi Một. Sau cuộc họp Hội đồng thẩm định, ngày 11-4 Bộ NN&PTNT đã có văn bản tham gia ý kiến giải pháp kỹ thuật cho đập Núi Một, trong đó có nội dung kết luận các phương án chống thấm cho nền đập do đơn vị tư vấn thiết kế đề ra đều đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật. Theo đó hồ chứa nước Núi Một có tổng dự toán do đơn vị tư vấn lập theo phương án chọn lại thời điểm hiện nay là 26,347 tỷ đồng, trong đó riêng các hạng mục đã xây dựng (tràn xả lũ, đền bù giải tỏa, chi khác) có tổng dự toán là 4,742 tỷ đồng. Còn lại các hạng mục chưa xây dựng có: Đập chính, đập phụ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ với tổng dự toán là 21,6 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Ngọt nói: “Dự án nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải sau khi hoàn thành sẽ có ảnh hưởng to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trước mắt dự án giai đoạn I đang tác động làm thay đổi hẳn bộ mặt đời sống xóm thôn Sơn Hải”. Chúng tôi được biết hiện nay trong vùng dự án có 70 ha đìa tôm nuôi của dân đưa vào sản xuất và dự kiến sắp đến sẽ có thêm 80 ha đất chuyển sang đào đìa nuôi tôm. Theo một cán bộ của Ban Quản lý dự án ngành Thủy sản, trước đây người dân tự bơm nước biển vào rất tốn kém, chi phí đầu tư bơm bình quân cho 1 đìa tôm hàng năm không dưới 100 triệu đồng (bao gồm máy bơm, đường ống, nhiên liệu…), bây giờ dự án cung cấp nước đầy đủ chỉ thu 8 triệu đồng cho 1 ha/năm, giúp giảm rất lớn về chi phí. Điều thấy rõ nhất là nhiều ngưòi dân địa phương được hưởng lợi.

Bạch Thương, Báo Ninh Thuận


Sông Cầu (Phú Yên): 20 ha tôm sú bị dịch bệnh

Nguồn tin: Phú Yên, 29/5/2007
Ngày cập nhật: 29/5/2007

Trong 20 ngày qua, do những biến động thất thường của thời tiết, hơn 20ha nuôi tôm sú ở huyện Sông Cầu đã bị nhiễm bệnh. Số diện tích nuôi tôm này thuộc hai xã Xuân Lộc và Xuân Hải, bị các bệnh đen mang, mềm thân, thân đỏ... phải thu hoạch sớm hoặc mất trắng. Hiện Phòng Kinh tế Sông Cầu đang hướng dẫn bà con cách xử lý để tránh lây lan ra diện rộng.

Được biết, từ đầu năm 2007 đến nay, nhân dân huyện Sông Cầu đã thả nuôi tôm sú trên diện tích 402 ha, bằng 88% so với cùng kỳ năm trước.

KIỀU BA


Khởi công xây dựng trại giống Thủy sản tại An Hải

Nguồn tin: Ninh Thuận, 28/05/2007
Ngày cập nhật: 29/5/2007

Sáng ngày 25-5, tại khu tập trung sản xuất tôm giống An Hải (Ninh Phước), Công ty TNHH Giống Thủy sản Uni-President Việt nam đã tổ chức lễ động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng trại Giống thủy sản. Các đồng chí Trương Xuân Thìn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Thị Út Lan, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự.

Nhằm kết hợp chiến lược kinh doanh giữa trại sản xuất tôm giống với Nhà máy thức ăn Thủy sản, Công ty TNHH Giống Thủy sản Uni-President Việt Nam đầu tư tổng vốn 1,2 triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng trại sản xuất giống thủy sản tại tỉnh ta. Theo thiết kế, trại sản xuất có quy mô diện tích 3,5 ha gồm hai hạng mục chính là Văn phòng và 02 ao nuôi tôm, dự kiến cuối tháng 11 năm nay sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trại sản xuất tôm giống khi hoạt động sẽ có sản lượng hằng năm 600 trăm triệu con tôm giống sạch bệnh (bao gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú) cung cấp cho thị trường.

BT - Báo Ninh Thuận


Trà Vinh: Sản xuất thành công cá tra giống nhân tạo

Nguồn tin: TP, 28/05/2007
Ngày cập nhật: 29/5/2007

Trung tâm Giống thủy sản thuộc Sở Thủy sản tỉnh Trà Vinh vừa sản xuất thành công cá tra giống nhân tạo. Qui trình gồm tuyển chọn cá bố mẹ trọng lượng từ 2,5 - 6 kg/con tại địa phương, nuôi vỗ và sử dụng kích dục tố tiêm cho cá đực và cá cái để kích thích sinh sản.

Sau thời gian tiêm từ 46 - 48 giờ tiến hành vuốt trứng cá, cùng lúc sử dụng tinh dịch của cá đực để thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ nở khá cao từ 70 - 80%.

Sau đó cá bột được chăm sóc đến giai đoạn cá hương (cỡ 3 - 5 cm), tỷ lệ sống đạt từ 15 - 20%. Trung tâm đã sản xuất thành công 3 đợt trên 3,7 triệu con cá tra hiện đang ương dưỡng.

Lần đầu tiên tỉnh Trà Vinh sản xuất thành công giống cá tra nhân tạo và Trung tâm đã nhập trên 1.000 kg cá tra bố mẹ để tăng sản lượng giống.

Diệu Hiền


Thoại Sơn (An Giang): Kiểm tra tình hình đào ao nuôi cá

Nguồn tin: AG, 25/5/2007
Ngày cập nhật: 29/5/2007

Ông Đoàn Minh Triết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn cho biết, để hạn chế tình trạng tự phát đào ao nuôi cá không theo quy hoạch, gây thiệt hại cho người dân, ngành chức năng huyện Thoại Sơn đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình ở các xã, thị trấn, thông báo và hướng dẫn người dân đào ao nuôi cá phải theo quy hoạch của huyện, phải xây dựng hệ thống xử lý môi trường…

Từ đầu năm đến nay, diện tích đào ao nuôi cá ở Thoại Sơn phát triển rất nhanh, với hơn 60 ha. Theo kế hoạch, năm 2007, huyện Thoại Sơn dự kiến phát triển hơn 140 ha nuôi cá tra ao hầm.


Bình Định: Tăng cường bảo vệ tôm nuôi

Nguồn tin: BĐ, 28/5/ 2007
Ngày cập nhật: 28/5/2007

Ngày 23-5, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có chức năng liên quan và chính quyền các địa phương có nuôi tôm tăng cường các biện pháp phòng trừ, bảo vệ tôm nuôi.

Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Thủy sản phối hợp UBND các huyện, thành phố ven biển có nuôi tôm tổ chức kiểm tra những diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh, xác định nguyên nhân gây nên dịch bệnh và hướng dẫn người nuôi chăm sóc tôm đề phòng dịch bệnh, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, môi trường. Đối với những diện tích nuôi đã bị bệnh, nhất là bệnh thân đỏ đốm trắng cần có biện pháp hướng dẫn xử lý khắc phục, ngăn chặn dịch bệnh tôm lây lan. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân nuôi các loài thủy sản khác có hiệu quả hơn. UBND các huyện, thành phố phải chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương kiên quyết xử lý các hành vi lấn chiếm đất cát ven biển để nuôi trồng thủy sản. Sở Thủy sản, Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình nuôi tôm trên cát; môi trường nuôi, xử lý nước thải, việc khai thác nước ngầm để phát hiện và xử lý các đối tượng không tuân thủ pháp luật.

Được biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có trên 109 ha tôm nuôi bị dịch bệnh thân đỏ đốm trắng và bệnh do môi trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Tại các xã Mỹ An, Mỹ Thắng (Phù Mỹ), nhiều tổ chức, cá nhân “xí phần” đất của nhà nước, tự ý xây dựng ao hồ, khai thác nước ngầm để phục vụ nuôi tôm. Việc nuôi tôm trên cát tràn lan ở các địa phương đã phá vỡ quy hoạch của tỉnh, để lại hậu quả khó lường.

Tiến Sỹ


Nguồn lợi thủy sản đầm Đề Gi (Bình Định): Biết ra sao ngày mai?

Nguồn tin: BĐ, 28/5/ 2007
Ngày cập nhật: 28/5/2007

Đầm Đề Gi nằm ở phía Đông 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ có nguồn lợi thủy sản (NLTS) khá phong phú, là nguồn sống của hàng nghìn hộ dân ven đầm từ trước tới nay. Song do quá trình khai thác “vô tội vạ” nên NLTS ở đây đã dần cạn kiệt.

Để giàu nhanh, nhiều ngư dân đã sử dụng ghe máy trang bị gọng xiếc, bộ kích điện để hoạt đông khai thác thủy sản trái phép ở vùng nước sâu; còn vùng nước cạn và bãi bồi thì dùng xung điện 2 người kéo. Hai loại phương tiện này liên tục cày ủi theo con nước triều, “tận thu” tất cả các loài thủy sản lớn nhỏ trong đầm.

Theo một cán bộ xã Cát Minh (Phù Cát), vốn đầu tư sắm phương tiện xung điện xiếc máy (XĐXM) tuy có tốn kém, nhưng với nghề này mỗi ngày có thể kiếm được từ 200.000 - 500.000 đồng, có khi cả triệu đồng. Số người hành nghề XĐXM ai cũng giàu nhanh, nên rất khó vận động họ chuyển nghề. Hiện tại ở xã Cát Minh vẫn còn 38 phương tiện XĐXM thường xuyên hoạt động.

Được biết, huyện Phù Cát đã thành lập đội chống XĐXM, và cuối năm 2006 đã bắt xử lý 8 vụ vi phạm, tình trạng hành nghề trái phép trên đầm tuy có giảm so với trước đây nhưng không đáng kể. Nếu có tàu tuần tra trên đầm thì không có XĐXM; tàu tuần tra khuất bóng là ghe XĐXM lại có mặt.

Bên cạnh nghề XĐXM tàn phá môi sinh, môi trường trong đầm, việc bắt cá chua con, cá mú giống, cua giống... diễn ra thường xuyên một cách tự phát cũng là nguy cơ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản đầm Đề Gi. Khi con nước triều rút vừa lộ bãi là hàng trăm người ùa xuống đầm, người cào, kẻ đẩy, để… tận thu. Những con nghêu, sò huyết trước đây nhiều là thế, bây giờ tìm rất khó, kể cả con giống.

Cách đây 5 năm, mô hình nuôi nghêu, sò ven đầm Đề Gi đã được thực hiện với 6 ha, được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống. Mô hình này đã cho kết quả khả quan, nhưng đáng tiếc là không nhân rộng được. Theo ông Lê Đình Phong, ở xã Cát Khánh, người thực hiện mô hình, do giống sò huyết ngày càng cạn kiệt nên không đủ nguồn giống thả nuôi. Hơn nữa, khi nuôi thì XĐXM cày xới liên tục làm ảnh hưởng…

Ngoài việc khai thác vô tội vạ các loài thủy sản trong đầm, nghề đào trùn biển xuất hiện vài năm nay, với giá trùn biển phơi khô lên đến 120.000 đồng/kg cũng đã thu hút nhiều người đổ xô đào bắt; hậu quả là rừng ngập mặn ven bờ bị phá xơ xác, tan hoang... Chính vì khai thác theo kiểu tận diệt khiến cho NLTS nơi đây suy giảm trầm trọng, làm cho hàng trăm hộ ngư dân sống bằng các nghề đánh bắt truyền thống lâm vào cảnh khó khăn.

Để ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn XĐXM nhằm bảo vệ và tái tạo NLTS trong đầm, chính quyền, các ngành chức năng và các hội đoàn thể ở 2 xã Cát Khánh và Cát Minh cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để người dân địa phương tích cực tham gia phong trào bảo vệ NLTS. Mặt khác, các biện pháp về xử phạt hành chính, xử lý theo pháp luật cũng phải nghiêm khắc để đạt hiệu quả răn đe. Nên có kế hoạch cấm khai thác các loài thủy sản đang vào thời kỳ sinh sản để tái tạo lại NLTS trong đầm…

Ông Nguyễn Thanh Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, đề nghị: “Để chấm dứt nạn XĐXM và khai thác thủy sản vô tội vạ, ngành chức năng cần nhanh chóng quy hoạch khoanh nuôi những giống loài thủy sản có hiệu quả kinh tế và có sẵn trong đầm Đề Gi, giúp các hộ ngư dân có thu nhập ổn định, để không còn người vin vào lý do mưu sinh mà hủy hoại môi trường”.

Triều Châu-Văn Thý


Xuất khẩu thủy sản: Nguy cơ mất thị trường truyền thống

Nguồn tin: NLĐ, 27/05/2007
Ngày cập nhật: 28/5/2007


Quảng Nam: Tôm nuôi tiếp tục chết hàng loạt

Nguồn tin: Lao Động, 28/05/2007
Ngày cập nhật: 28/5/2007

Tin từ Sở Thuỷ sản ngày 27.5: Tình trạng tôm nuôi bị chết hàng loạt do nhiễm virus đốm trắng, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và bệnh môi trường tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.

Hiện đã có hơn 310ha tôm nuôi bị bệnh chết hàng loạt, ở tất cả các vùng trọng điểm huyện Núi Thành (hơn 110ha), thị xã Hội An (hơn 50ha) và các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, TP.Tam Kỳ, mỗi địa phương 10-20ha.

T.T.Thư


Giá tôm nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh

Nguồn tin: CT, 28/5/2007
Ngày cập nhật: 28/5/2007

Tuy chưa đến thời điểm thu hoạch tôm chính vụ, nhưng hiện nay giá tôm sú nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCl như: Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... đang tiếp tục giảm mạnh. Hiện thương lái mua tôm sú tại vuông loại 20 con/kg chỉ có 153.000 đồng/kg, giảm 27.000-30.000 đồng/kg so với nửa tháng trước; loại 30 con/kg giá cũng giảm 25.000 đồng/kg, chỉ còn 110.000 đồng/kg; loại 40 con/kg cũng giảm giá chỉ còn 88.000 đồng/kg.

Ông Phạm Hữu Lai, Phó Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nhận định: Nhiều khả năng các nhà máy chế biến thủy sản còn dự trữ tôm trong kho lạnh và các hợp đồng ký kết với nước ngoài đã thực hiện xong nên không cần thiết mua gom tôm nguyên liệu với số lượng lớn.

* Theo số liệu thống kê của Sở Thủy sản Trà Vinh: Từ đầu vụ đến nay, các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và Trà Cú có trên 22.300 hộ thả nuôi trên 1,7 triệu con tôm giống với diện tích hơn 21.000 ha, chiếm hơn 87,5% tổng diện tích nuôi toàn tỉnh. Tuy nhiên, từ hơn 1 tháng nay tình hình thời tiết và khí hậu diễn biến bất lợi làm cho môi trường nước vùng nuôi diễn biến phức tạp, nhiệt độ nước giữa ngày và đêm chênh lệch lớn. Đến nay, có hơn 3.573 hộ nuôi thu hoạch được 1.352 tấn tôm sú. Trong đó, có 1.120 tấn tôm thu hoạch trước thời gian dự kiến từ 2-2,5 tháng, chiếm 82,8%. Kích cỡ tôm thu hoạch non đạt từ 60-100 con/kg, giá bán 20.000-25.000 đồng/kg. Giá bán này chỉ bằng 20-25% giá bán tôm sú thương phẩm nên một số hộ thu hoạch tôm có lãi rất ít, còn lại là huề vốn hoặc bị thua lỗ.

Hiện đang vào chính vụ thả nuôi tôm sú năm 2007, nhưng mô hình tôm nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh vẫn còn tình trạng tôm bị chết rải rác tại nhiều địa phương. Thông tin dự báo thời tiết trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina sẽ còn tác động đến năng suất và sản lượng tôm nuôi.

S.N-Q.D


Nghịch lý cá tra: sản lượng tăng, thương hiệu giảm

Nguồn tin: VNN, 25/05/2007
Ngày cập nhật: 27/5/2007


1,2 triệu USD xây trại giống thủy sản ở Ninh Thuận

Nguồn tin: TTXVN, 25/05/2007
Ngày cập nhật: 27/5/2007

Ngày 25/5, Công ty TNHH giống thủy sản Uni-President Việt Nam đã khởi công xây dựng trại sản xuất giống thủy sản tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư 1,2 triệu USD.

Trại giống có khả năng cung cấp khoảng 600 triệu con tôm giống mỗi năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 11 tới.

Công ty Uni-President Việt Nam dự định mở rộng qui mô trại giống để có thể sản xuất thêm cá giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước./.


Mờ tỏ ngọc trai!

Nguồn tin: KTSG, 26/5/2007
Ngày cập nhật: 27/5/2007

Đến Phú Quốc (Kiên Giang), du khách sẽ choáng ngợp trước hàng loạt phòng trưng bày ngọc trai đủ kích cỡ, màu sắc. Nhưng giá trị thật của chúng tới đâu, chỉ có người bán mới biết!

Tại một phòng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở thị trấn Dương Đông, đập ngay vào mắt khách tham quan là hàng loạt xâu chuỗi ngọc, hoa tai, nhẫn... đính ngọc, đủ màu sắc. Dọ hỏi thử giá một xâu chuỗi lớn, giá 1,5 triệu đồng. “Rẻ như vậy bởi đây là ngọc trai nuôi xuất xứ từ Trung Quốc. Một con trai nuôi ở Phú Quốc chỉ thu được tối đa 40 viên ngọc, trong khi nuôi tại Trung Quốc có thể thu tới 60 viên”, người bán giải thích.

Ngọc trai ở Phú Quốc có giá khá cao, tùy theo hình dạng, màu sắc và nguồn gốc. Quý nhất là loại ngọc đen, có thể đạt mức giá trên 1.000 đô la Mỹ/viên loại 10-12 li. Còn loại ngọc trắng ngà thu được từ nuôi cấy nhân tạo cũng có giá vài chục đô la Mỹ mỗi viên...

Từ năm 2000 đến nay, khi du khách đổ về Phú Quốc ngày càng nhiều, nghề mua bán ngọc trai cũng ăn nên làm ra. Anh Tư Lương, ngụ tại thị trấn Dương Đông, vốn là thủy thủ đã bỏ nghề, lên bờ mở gian hàng bán ngọc trai... “Ngọc ở đây đủ loại giá. Nhưng bán chạy nhất là loại ngọc có giá trên dưới 1 triệu đồng/viên”, anh nói.

Những viên ngọc trắng ngà, xanh thẫm, đỏ nhạt, đen... được bày biện khắp nơi. Theo nhiều người kinh doanh ngọc, có giá nhất vẫn là ngọc khai thác từ tự nhiên. Những con trai sống trên biển tự tiết ra chất xà cừ bao bọc chống lại những tác nhân bên ngoài. Năm này qua tháng nọ, viên ngọc dần thành hình và có thể đạt đến kích cỡ 12-16 li... Ngọc tự nhiên càng đeo càng bóng, dù hình dạng không tròn lẳn như những viên ngọc trai nuôi. Chúng đạt độ bóng cao đến nỗi nếu lấy một cái búa đập thẳng vào, viên ngọc sẽ bay ngay đi chỗ khác mà không hề bị một vết xước. Còn viên ngọc nhỏ, lận vào bên trong mí mắt vẫn không thấy cộm, ngứa mắt. Tuy nhiên, khoan lỗ để xỏ là điều cấm kỵ đối với ngọc tự nhiên, bởi giá trị của chúng sẽ giảm ngay!

Ông Huỳnh Phước Huệ, chủ phòng trưng bày Cội Nguồn ở thị trấn Dương Đông, nói rằng tại Phú Quốc đã có viên ngọc tự nhiên có kích cỡ đến 18 li, bán được với giá 22 triệu đồng. “Theo tôi biết, còn có viên ngọc khác bán được với giá trên 50 triệu đồng!”, ông Huệ kể.

Hiện tại, anh Tư Lương còn sở hữu cặp ngọc tự nhiên màu hổ phách mà có người đã trả giá đến 1.900 đô la Mỹ. Mới đây, anh H., chủ một phòng trưng bày tại Phú Quốc, cũng bán được xâu chuỗi ngọc có giá trên 140 triệu đồng. Theo giới kinh doanh ngọc trai, với giá bán như vậy, anh H. thu lãi không dưới 70 triệu đồng.

Ngọc trai ngày càng có giá chính là do nhu cầu của du khách. Và từ năm 2001, đã lần lượt xuất hiện một số cơ sở nuôi cấy ngọc nhân tạo. Với những con trai mạnh khỏe, to hơn bàn tay đôi chút, người ta có thể cấy vào từ 20-40 phôi và thả về biển, nuôi trong những lồng sắt. Hàng tuần, người nuôi vớt trai lên để làm sạch những con hàu bám... giúp trai phát triển mạnh. Sau 1-2 năm, người nuôi có thể thu hàng chục viên ngọc trong mỗi con trai.

Anh Lương cho biết, ngọc bày bán được cung ứng từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể là từ các chủ trại nuôi ngọc trai tại Phú Quốc, cũng có thể là hàng trôi nổi. “Loại ngọc trôi nổi có lý lịch rất mơ hồ. Có người nói là ngọc của Trung Quốc, người khác lại cho là ngọc của Nha Trang... Với những người kinh doanh như chúng tôi, nguồn gốc không quan trọng mà chỉ cần kiểm định kỹ về màu sắc, độ bóng”, anh nói.

Phú Quốc hiện chỉ còn vài cơ sở nuôi ngọc và sản lượng cũng không lớn. Nơi nuôi nhiều nhất cũng chỉ còn khoảng 500 lồng (khoảng bốn con/lồng) và tỷ lệ thu ngọc cũng chỉ đạt khoảng 40%. Trong khi đó, nguồn ngọc thiên nhiên khai thác được ngày càng hiếm. “Tỷ lệ trai tự nhiên có ngọc bình quân là 1/10.000 con. Năm rồi, tôi còn mua được khoảng 20 viên, nhưng từ đầu năm đến nay chẳng mua được viên nào”, anh Lương khẳng định. Chính một số người trong giới kinh doanh ngọc ở đây thừa nhận, lượng ngọc có nguồn gốc Phú Quốc chiếm chưa đến 20% số ngọc đang được bày bán tại đây.

Anh P., người khá am hiểu về ngọc trai Phú Quốc, nói rằng từ lâu đã xuất hiện loại ngọc giả được làm bằng nhựa cao cấp, sau đó tráng một lớp men bóng trông không khác gì ngọc trai thật. Có viên được chỉnh sửa cho có vẻ hơi méo mó như những viên ngọc tự nhiên. “Người mua bán ngọc trai 1-2 năm chưa chắc phân biệt được thật giả”, anh Lương khẳng định. Giới cung cấp ngọc còn rất ma mãnh khi tuồn những viên ngọc giả cho những ngư dân mang đi bán, để khách hàng lầm tưởng rằng đấy chính là ngọc khai thác được từ tự nhiên.

Một chi tiết khác cũng đáng chú ý là hiện nay, chẳng có tiêu chuẩn thống nhất nào để đánh giá chất lượng ngọc trai. Do đó, giá ngọc hầu như do người bán chi phối. Trong khi đó, ngọc trai thuộc dạng hàng trang sức xa xỉ, chẳng thể trao đổi, mua bán dễ dàng như vàng, kim cương... Một viên ngọc mà khách mua với giá 10 triệu đồng, sau một thời gian có thể chỉ bán lại được cao nhất với giá 1-2 triệu đồng - dù bán cho chính nơi đã bán cho mình!

Hồ Hùng


Ngược sông Gâm, săn cá 'tiến Vua'

Nguồn tin: TP, 25/05/2007
Ngày cập nhật: 27/5/2007

Cá Anh vũ, cá Rầm xanh, cá Lăng, cá Chiên và cá Bỗng là năm loại cá quý của các dòng sông phía Bắc mà người dân quanh sông thường gọi là “ngũ quý hà thủy”.

Trên các triền sông miền núi phía Bắc nước ta vốn có nhiều loài cá quý (trong đó có loài cá trước kia được dùng để “tiến Vua”) nhưng hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng. PV Tiền phong đã theo chân các “phường săn” lùng tìm một số loài cá quý hiếm, với nhiều bất ngờ, lý thú…

Kỳ I: Vượt sương mù săn Anh vũ

Sau nhiều lần hẹn và qua nhiều người quen chắp mối, cuối cùng tôi cũng nhận được cái gật đầu của ông “Vua săn cá” sông Gâm, người dân tộc Dao - Tẩn Sân Chưn theo một chuyến cho thỏa chí tò mò. Cách thị xã Hà Giang gần 70 cây số nhưng mãi sau gần 4 tiếng đồng hồ ngược quốc lộ 34, tay lái xe ôm có thâm niên 20 năm mới đưa tôi đặt chân lên thị trấn Bắc Mê cũ, sát huyện Bảo Lâm (Cao Bằng).

Mấy ngày trước trời đang mát mẻ là thế nhưng khi tôi đặt chân lên Bắc Mê thì trời lại đổi tiết, nắng nóng bất thường. Thế là tôi lại phải ăn chực nằm chờ gần 4 ngày nữa, khi tiết trời dịu mát, nhiều sương mù, mới có thể bắt đầu chuyến du ngoạn ngược sông Gâm, săn cá quý.

Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, với đồ nghề tinh gọn nhất nhưng khi đặt chân xuống chiếc thuyền nan để xuất phát từ ngã ba của 3 tỉnh giáp ranh Bắc Mê (Hà Giang) - Bảo Lâm (Cao Bằng) - Na Hang (Tuyên Quang) vẫn không khỏi chợn gợn vì sương mù và những ẩn hoạ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào trên dòng sông với độ dốc rất lớn.

Cá Anh vũ, cá Rầm xanh, cá Lăng, cá Chiên và cá Bỗng là năm loại cá quý của các dòng sông phía Bắc mà người dân quanh sông thường gọi là “ngũ quý hà thủy”.

Nay, cá còn quý hơn, vì ngày càng khan hiếm. Vì thế, săn được chúng là gặp may mắn, trong đó nếu vớ được con Anh vũ hay Rầm xanh thì không gì tuyệt hơn… Đó là những thông tin ngắn gọn, đầu tiên anh Chưn nói với tôi khi bắt đầu chuyến săn.

Sông Gâm là một trong số rất ít còn có thể săn được các loại cá này. Sông Gâm bắt nguồn từ vùng núi cao gần 2.000 m, thuộc địa phận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại địa phận huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng), chảy qua Bắc Mê (Hà Giang), Na Hang và Chiêm Hóa (Tuyên Quang), nhập vào sông Lô ở Khe Lau (Tuyên Quang). Sông Gâm dài 297 km, trong đó phần chảy qua nước ta 217 km.

Với đặc điểm đó, có đến gần 10 tháng trong năm, sông Gâm luôn giữ mực nước nhất định, ngập các phiến đá hai bên bờ để rêu mọc quanh năm, môi trường tiện lợi cho cá Anh vũ sinh sống.

Năm giờ sáng, khi sương mù còn dày đặc, che khuất tầm nhìn, khí trời lạnh lẽo, chiếc thuyền độc mộc chín sức ngựa, chở chúng tôi lao vun vút, như xé đôi dòng nước yên lặng, hướng về thượng nguồn sông Gâm. Anh Chưn vừa điều khiển con thuyền vừa kể cho tôi nghe những chuyến săn cá không thể nào quên.

Cứ theo lời anh kể thì, trước đây, người dân tộc Dao, Tày, Nùng dọc hai bên bờ sông này chủ yếu sống bằng nghề săn cá. Cứ đến đầu mùa thu, khi khí trời dịu mát, nhiều sương mù, đám phường săn lại họp tại một phường cả thắp hương, khấn bái thần sông độ trì săn được nhiều cá và phù hộ cho những người săn cá an toàn trên từng khúc sông…

Mùa săn bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Có những chuyến đi, đám phường săn thu dăm bảy tấn cá... Con Anh vũ mà phường săn ở sông Gâm bắt được xem là to nhất nặng tới 5 kg, có lẽ nặng kỷ lục. Con Chiên nặng nhất tới gần 1 tạ, da đã mốc trắng, lờ đờ như con kình ngư.

Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, cá ở sông Gâm còn rất ít, do một số người dùng thuốc nổ đánh bắt; cùng với đó, sự thay đổi của khí hậu cũng làm các loại cá đặc sản ở khu vực này bị đe doạ nghiêm trọng…

“Nhất dạ, nhất giao, sinh quý tử!”

Sau gần 2 tiếng đồng hồ, thuyền chúng tôi đến một khúc cua, thắt vào như một cái eo để chuẩn bị mở ra một khoảng sông khá rộng nhưng âm u, lạnh lẽo vì cây cối hai bên bờ đổ xuống. Sau này tôi mới biết nơi đây nằm dưới chân Núi Đô, phía thượng nguồn sông Gâm.

Chưn tắt máy từ xa, nhẹ nhàng chèo thuyền vào giữa khúc sông. Ở đó, nhiều phiến đá mọc ra nham nhở, nước trong leo lẻo, nhìn rõ những đám rêu đá xòa theo làn nước. Tôi có cảm giác gờn gợn.

“Đây là nơi Anh vũ thường tụ tập sinh sống và chỉ số ít trong phường săn ở sông Gâm biết được vị trí đắc địa này. Nhưng cũng ít người trong số đó dám lặn xuống” - Chưn nói nhỏ với tôi.

Tôi chú ý quan sát, lấy chiếc đèn pin tự chế của Chưn soi xuống dòng sông. Những cái cửa hang lồ lộ, kỳ quái, âm u, chỉ rêu và rêu. “Khu vực này nhiều hang sâu, đá ngầm lởm chởm, là ổ cá Anh vũ từ xưa. Nhưng rất khó có thể bắt được Anh vũ ở đây vì hang quá sâu và ngoằn ngoèo”.

Cái chết của một phường săn dăm năm trước tại đây, vì sau khi vào hang không thể tìm được lối ra vẫn là một thách thức về sự gan dạ của các phường săn mỗi khi có ý định lặn xuống săn cá Anh vũ. Hang sâu và nguy hiểm đến nỗi mãi 3 ngày sau người ta mới có thể tìm và vớt được xác tay phường săn xấu số đó, lúc ấy xác vẫn chưa bị thối rữa vì dưới hang sâu quá lạnh…

Tôi đã định can Chưn chuyển sang chỗ khác nhưng anh vẫn húp bát nước mắm cốt để giữ ấm cho cơ thể rồi chuẩn bị thực hiện công việc nguy hiểm, chỉ vì để giúp tôi thỏa chí tò mò…

Tôi giúp anh đeo bình ô xy vào lưng, miệng anh ngậm chặt ống dẫn khí, mắt đeo kính lặn, một tay cầm xiên nhọn, tay kia cầm chiếc vợt. Anh bảo tôi cứ đợi trên thuyền và cầu cho anh may mắn kiếm được con Anh vũ mà… chụp ảnh cho thỏa!

Tôi vừa run vừa háo hức ngồi chờ… 30 phút trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì, ngoài những tăm khí ở trong hang sâu từ bình ô xy anh thở ra, nổi lên mặt nước.

Tranh thủ thời gian, tôi lôi mấy cuốn sách hôm trước vừa tranh thủ mượn của một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang có viết về loại cá này. Tìm mỏi mắt, tôi mới thấy được mấy dòng quý báu.

Sách Đại Nam thống nhất chí viết: “Cá Anh vũ còn có tên là Giả ngư. Hàng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà âm bổ”. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có dòng ngắn ngủi: “Cá Anh vũ được dùng làm vật cúng tế thần linh ...”, “hoặc dùng để tiến Vua”…

Đang lật giở nốt những trang sách thì nghe tiếng thở phì ngay bên mạn thuyền. Tôi hốt hoảng quay lại. Hú vía, hoá ra là Chưn. Trong cái vợt của Chưn không phải là cá mà là một đôi rắn khá to.

Miệng tím tái, Chưn nói run run: “Vợ chồng này đang tình tự bị tôi bắt được nên xử lý luôn! Loại này khá độc, nếu bị cắn mà trong vòng 48 tiếng không cứu kịp là đi ngay đấy”.

Nói rồi, Chưn khéo léo cho hai con rắn vào bao tải, vứt xuống lòng thuyền. Tôi kéo anh lên thuyền rồi đưa cho điếu thuốc đã được mồi sẵn. Chưn rít lấy rít để cho đỡ lạnh, rồi vừa hà khói vừa khoe: “Đã tìm thấy một đàn 6 con nhưng khá sâu. Chắc phải nghỉ lúc nữa mới đủ sức chiến đấu với chúng”.

Trong câu chuyện chắp vá mà anh kể, tôi mường tượng thấy những cái hang ngoằn ngoèo, uốn lượn, sâu hun hút. Ánh sáng từ chiếc đèn trên mũ lặn cũng chỉ đủ soi sáng một sải tay. Có lúc anh lặn vào một khoảng hang khá rộng, đến khi quay ra phải loay hoay mất mươi phút mới định hướng nổi. Chính vì thế, để lặn tiếp, anh lấy dây thừng đã chuẩn bị sẵn ở nhà buộc một đầu vào bình ô xy để lúc lên cứ lần theo đó…

Lần này, trước khi lên, anh giật giật dây thừng báo hiệu cho tôi biết. Dù chưa ngoi khỏi mặt nước nhưng anh đã giơ cao cái vợt với hai chú cá đang giẫy đành đạch. “Một cặp luôn nhá!”. Tôi hào hứng đón vợt cá từ anh.

Thoạt nhìn thấy giống cá trôi nhưng quan sát kỹ thì nhiều đặc điểm riêng biệt không thể lẫn được: Bộ vảy óng ánh, hơi ương ương vàng; cái đầu na ná như đầu lợn thu nhỏ. Ấn tượng nhất vẫn là cái miệng với bộ môi đặc thù: Môi toẽ rộng, dày như mõm lợn, gần giống môi của con cá dọn bể mà người ta vẫn thả trong tủ cá cảnh.

Tôi cầm máy ảnh chụp một kiểu đặc tả cái miệng kỳ quặc. Chưn lý giải: “Môi và miệng nó bằng sừng, khá phát triển vì phải lấy môi gặm rêu đá để ăn. Thú vị hơn, vào mùa nước nổi, khi nước trong hang quá đục, nó phải ra ngoài thì nó dùng môi bám trụ vào đá để ngủ cũng như chống lại dòng nước chảy”.

“Chài được con nào cũng thỏa công anh”. Đó là câu dân ca mà người dân vùng núi cao điệp trùng Đông Bắc, Tây Bắc thường đọc cho nhau nghe những khi vượt ghềnh thác chài cá.

Trong các sách về sự phân bố thủy sản nước ta, các nhà khám phá chỉ ghi nhận sự xuất hiện của các loài cá này trên các triền sông phía Bắc, trong hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.

Dọc sông Mã, chảy từ Trung Quốc qua Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa cũng từng xuất hiện nhưng thi thoảng mới có và chỉ có cá Lăng; còn Bỗng và Chiên thì tịnh không thấy! Thế nên, tôi đã cất công tìm bằng được phường săn có tiếng để đi theo và được kinh qua cái cảm giác bồng bềnh trên sông nước, và biết đâu tự tay mình bắt được con cá quý…

Rồi tôi cũng tìm được tay săn cá có nghề tên là Lò Văn Thắng ở thị trấn Na Hang (Tuyên Quang). Lần này, chúng tôi ngược sông Gâm từ trung tâm huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), bởi theo Thắng thì địa phận giáp ranh giữa Chiêm Hóa và Na Hang cũng là một trong những vùng mà “ngũ quý hà thủy” thường sinh sống. Lần này, Thắng kéo theo cả phường săn gồm 4 người nữa. Thắng bảo: “Phải quây, dồn thì mới bắt được chúng”.

Chập tối, chúng tôi lên đường. Ngược sông chừng một tiếng thì thuyền chúng tôi đến địa điểm đã định. Sau khi thống nhất phương án, cả nhóm cởi bỏ quần áo dài và lấy thính mồi ra nhử cá.

Thính được làm bằng sắn, ủ thối cùng mầm thóc nương, mùi khá nặng, thứ thức ăn mà cá Chiên, cá Lăng rất thích. Tôi và Thắng làm công việc tiếp theo là rải thính xuống sông, còn 4 phường săn khác tên là Phăn, Hòa, Lợi, Thế thì bẻ cành cây đánh dấu và cắm sào theo hình vuông để giăng chài.

Chài ở đây do các anh tự làm, khá rộng và giống như cái đáy lưới. Chúng tôi thả chài bằng cách thả 3 góc vào chỗ 3 cái sào đã cắm sẵn, còn một góc được nâng lên, có hòn chì khá nặng, có sợi dây nhỏ để phát hiện cá ăn mồi. Khi thấy có cá trong khu vực ô vuông thì lập tức hạ góc chài này xuống và nhấn sâu xuống đáy sông mới có thể bắt được cá.

Mười hai chiếc chài đã được chúng tôi giăng xong trong khoảng gần một tiếng rưỡi. Chúng tôi cùng bơi lại mỏm đá giữa sông, ngồi hút thuốc, tán gẫu và chờ đợi… Mất khá lâu, khi trời đã tối, cành cây đánh dấu, chiếc dây nối với cành cây cách chỗ chúng tôi ngồi không xa bỗng lay động. Rồi một tiếng quẫy mạnh, cành cây mất hút. Mọi người nhìn nhau rồi lao nhanh về phía đó, thoắt cái đã sập được chài, kẻ lặn người hụp, nước bắn tung toé.

Khi tôi bơi ra đến nơi thì cuộc chiến đang hồi gay cấn. Tiếng nói lao xao. Một con cũng khá đấy. Nhận chắc cục chì xuống đáy, không nó ra mất. Thằng Phăn nâng đều tay lên. Rồi, rồi, hai ba… Một con Lăng đã chễm chệ trong chài. Chắc không dưới 3 cân. Ai đó ướm. Tôi bơi lên bờ lôi máy ảnh ra xoạch, xoạch… rồi lại ngồi chờ.

Chờ mãi vẫn không thấy tiếng động nào. Tôi nghĩ chắc sự may cũng chỉ đến thế thôi. Như đoán được ý tôi, Thắng động viên Nhà báo cứ chịu khó chờ đợi. Bắt được con Chiên mới thú. Tôi thêm can đảm để chờ đợi nhưng cả tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Tôi có ý hỏi không có cách bắt cá nào khác thì Lợi và Phăn thay nhau kể. Có nhiều cách. Trước kia, người dân tộc thường dùng hom (giống như cái đó) để bẫy. Cũng có khi dùng cung tên để bắn.

Thậm chí, có thời kỳ nhiều người vì hám tiền mà dùng cả thuốc nổ để đánh bắt, tuy hiệu quả cao nhưng tàn sát môi sinh và cá bé nên cá sông, nhất là “ngũ quý” thì càng ngày càng hiếm.

Câu chuyện đang liên miên thì có tiếng anh Lợi Cá Chiên đấy! Nhanh như cắt, các anh đã buông ngay cái dây chài và đồng loạt lao ùm về phía chiếc chài có tiếng động. Con cá vướng chài lao thục mạng. Nếu các anh không kịp cầm chài thì có lẽ con cá đã làm bung mấy chiếc sào nứa và thoát ra ngoài. Biết được đặc tính hung hăng của con cá mới mắc chài nên các anh thả chài nhẹ nhàng theo hướng nó lao và lựa tay, kẻ hụp người lặn, làm khuấy động cả một khúc sông.

Điều lạ là, khi còn ở dưới nước, nó quẫy tung trời thế mà mới rời khỏi mặt nước đã nằm im. Đó là đặc tính riêng biệt của cá Chiên đấy -

Anh Thắng giải thích cho tôi. Con Chiên này khá to (sau này khi mang về nhà, chúng tôi cân được hơn 11 kg!), vây đã bắt đầu mốc, trên lưng phủ lớp rêu xanh, râu dài quá gang tay.

Cá Chiên càng lớn thì da và vây cá càng bị mốc. Tôi hoan hỷ lôi máy ảnh ra chụp nhưng các anh bảo đừng bật đèn vì loài cá này rất sợ ánh sáng, sẽ không có cơ hội để kiếm thêm con nào nữa…

Tôi ngồi ngắm nghía con cá khá lâu, mặc cho các anh vẫn tiếp tục công việc và bắt được thêm 2 con cá Lăng, 1 con cá Chiên nữa. Khi trời gần sáng cũng là lúc đã thấm mệt, chúng tôi thu dọn chài lưới và cho thuyền xuôi. Tôi đã thiếp đi trên thuyền lúc nào không biết nhưng vẫn văng vẳng câu hát nghe dang dở mà anh Thắng cất lên từ hồi nào Ai xuôi, ai ngược thuyền nan. Ai đi bắt cá cùng anh vui vầy. Anh đây ăn Chép, ăn Răm. Phần em con Bỗng, con Lăng…

Chuyện những người đầu tiên nuôi “ngũ quý”

Chẵn 10 năm trước, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I do nhóm tác giả Phạm Báu, Nguyễn Đức Tuân, Bùi Đình Đặng, Nguyễn Công Thắng, được giao thực hiện đề tài Điều tra nghiên cứu một số loài cá quý hiếm trên hệ thống sông Hồng: Các biện pháp bảo vệ và phục hồi. Đây là một trong những đề tài khó và tốn nhiều công sức, mặc dù số tiền chỉ vài trăm triệu đồng.

Muốn có mẫu phải mua cá, cá thì vừa đắt vừa khó mua. Nhóm tác giả đã phải đặt hàng chục tay săn cá chuyên nghiệp để có mẫu cá bố mẹ nhưng cũng phải mất gần 2 năm trời mới thu thập đủ mẫu để tiến hành nghiên cứu.

Sau thời gian dài, những đặc điểm sinh học của “ngũ quý hà thủy” lần đầu tiên tại Việt Nam được các nhà khoa học chỉ ra bằng công trình nghiên cứu công phu, đầy đặn; hơn nữa, từ đó có thể nhân tạo thành công hầu hết các loài cá quý hiếm này.

Riêng đối với loài cá Anh vũ đặc biệt quý hiếm, Thạc sỹ ngư học Phạm Báu cho biết, hiện trên sông Gâm có 3 mỏ cá: Một tại thị trấn Na Hang, một tại Thúy Loa (huyện Na Hang) và một tại xã Lạc Nông (huyện Bắc Mê).

Năm 1999, ông Báu đã tự bỏ tiền túi, lặn lội nhiều lần lên Na Hang và mua được 20 con cá Anh vũ con về làm giống. Lúc đầu, chúng cũng sống và lớn nhưng khi được 1 - 2 lạng thì cứ chết dần. Sau này, nghiên cứu kỹ, ông Báu mới biết, chúng chết vì môi trường trong ao chưa đủ điều kiện môi sinh của loài: Dòng nước chảy mạnh, nước trong, có hang đá, nhiều rêu và tảo…

Để tìm hiểu thêm, tôi đã lặn lội ngược trở lại Na Hang (Tuyên Quang) tìm gặp người đầu tiên ở Việt Nam nuôi được cá Anh vũ. Tại nhà riêng, anh Giàng A Sềnh kể: Khoảng năm 1995, anh bắt được một số cá Anh Vũ ở sông Gâm, thấy còn bé quá, chưa ăn được nên thả vào ao nuôi cùng với các loài cá khác. Sau gần 1 năm, anh thật bất ngờ thấy cá lớn đều và vẫn bảo tồn được số cá thể. Thế là, anh quyết tâm nuôi.

Mấy năm sau, hai con cá mẹ đầu tiên đã đẻ trứng và nở được gần 100 con cá giống. Hiện, trong ao nhà anh có vài trăm con trọng lượng 0,8 - 2,5 kg, mỗi năm cho thu dăm bảy chục triệu đồng. Quan sát, thấy ao nhà anh Sềnh tương đối gần gũi với điều kiện tự nhiên: Nhiều phiến đá ngầm có rêu bám, nước trong và chảy quanh năm do thông với một dòng suối…

Năm loài cá hiếm cơ bản đã được nuôi nhân tạo thành công và có thể nhân rộng nuôi thương phẩm, nhất là đối với cá Bỗng và Lăng. Theo tác giả Nguyễn Đức Tuân (Phòng Di truyền, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I), hiện Viện đã chuyển giao công nghệ nuôi cá Bỗng và cá Lăng cho nhiều người dân Nam Định, Hà Tây, Tuyên Quang, Hòa Bình, với hiệu quả cao.

Tìm hiểu được biết, ông Nguyễn Hữu Ninh - Giám đốc Trung tâm giống cá quốc gia, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Khai thác và tái tạo nguồn gien cá Anh vũ đã thành công trong việc nuôi sinh sản loài cá đặc biệt quý hiếm này. Nguồn gien cá Anh vũ đã có thể được bảo tồn và tái tạo.

Ở góc độ khác, giáo sư Mai Đình Yên cho biết: Việc chặn dòng xây dựng thủy điện Tuyên Quang sẽ tàn phá môi sinh của các loài cá này, nguy cơ diệt vong đã hiện hữu. Ngay bây giờ chúng ta cần có những biện pháp hữu hiệu để cứu các loài cá này.

Tôi đọc được đoạn dài trong phần Đề xuất của đề tài mà nhóm các nhà khoa học ngành thủy sản thực hiện: “Cần tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức các khu bảo tồn thiên nhiên. Xây dựng các trạm, trại tại các khu trọng điểm. Tiến hành nghiên cứu các mặt sinh học, nuôi dưỡng…”.

Tôi cũng chưa biết cụ thể các biện pháp đó rồi đây sẽ được triển khai ra sao. Nhưng cứ áy náy một điều, sẽ là rất tiếc nếu như chuyến săn tìm “ngũ quý hà thủy” ngược sông Gâm của chúng tôi cách đây ít ngày lại là một trong những chuyến săn cá cuối cùng trên dòng Gâm, trước khi mực nước sông Gâm có thể dâng lên đến dăm bảy mét, trở thành một hồ chứa nước rộng lớn, bởi chẳng còn lâu nữa sẽ chặn dòng thủy điện Tuyên Quang…

Đức Kế


An Giang: Tình hình chung về sản xuất và giá bán cá tra giống, cá tra thương phẩm (24/5/2007)

Nguồn tin: SNNAG, 25/5/2007
Ngày cập nhật: 26/5/2007

Giá bán cá tra giống và tình hình sản xuất, ương nuôi:

So với 3 tuần trước, giá cá tra bột, cá tra hương và các loại cá giống nhỏ hầu như không tăng giảm giá. Sự bình ổn giá chủ yếu là do giá cá tra thương phẩm đã không biến động nhiều. Riêng cá tra giống từ 2 phân trở lên đã giảm giá khá nhiều, bởi vì hộ nuôi đã không còn bằng mọi giá mua cá giống giá cao như một vài tháng trước.

Có thể điểm qua tình hình sản xuất, ương nuôi và giá cả cá tra giống tại các vùng nuôi trong tỉnh thời điểm ngày 24/5/2007 như sau:

- Cá tra bột có giá từ 1-1,5 đồng/con. Cá bột không tăng giảm giá, vì nhu cầu giữa người mua và người bán đã hầu như cân bằng.

- Cá tra hương có kích cỡ 3.000 con/kg giá từ 70-75 đồng/con, cá 2.000 con/kg giá khoảng 90 đồng/con, và cá 1.500 con/kg, giá khoảng 105-110 đồng/con. Mức giá nầy hầu như quân bình trong suốt 3 tuần qua, giá không tăng không giảm. Nguyên nhân là do địch hại phát triển nhiều trong ao nên tỉ lệ ương bột đạt thấp, đồng thời với nhu cầu mua vẫn còn khá cao.

- Cá tra giống có kích cỡ từ 1 phân–1,7 phân chiều cao: giá tăng giảm không đáng kể. Cá tra giống có kích cỡ từ 2 phân–3 phân giảm giá từ 10-30%.

Cụ thể giá bán cá tra giống theo bảng sau:

 

Ngày tuổi

Số con/kg

Chiều cao

thân cá

(cm)

Giá bình quân

(đồng/con)

(+) , (-)

Tăng, giảm

 so với

3 tuần trước

(đồng/con)

30 – 40

200 – 220

1

180 - 200 -10

45 – 50

120 – 140

1,2

250 - 260 +10

55 – 60

75 – 80

1,5

360 - 380 Không

70 – 75

30 – 35

1,7

500 - 520 -50

85 – 90

20 – 25

2

850 - 900 -200

100 – 105

16 - 18

2,5

1.200 - 1.300 -500

3,5 – 4

tháng tuổi

8 – 10

3

1.900  - 2.000 -300

Dự báo trong tuần tới, giá cá tra bột, hương và giống có thể không tăng giảm, vì hiện giờ phong trào ương nuôi cá tra giống đã hoà nhịp cùng tình hình trầm lắng của nghề nuôi cá tra thương phẩm.

2. Tình hình nuôi và giá bán cá tra thương phẩm:

Trong 3 tuần qua, giá cá tra thương phẩm đã có tăng lên chút ít, nhưng chỉ riêng cá có màu thịt trắng đẹp mới bán được với giá 15.000-15.500 đồng/kg. Nhiều ý kiến cho rằng, mức giá cá tra 15.000 đồng/kg là hợp lý. Nhưng khổ nỗi, khi mà cá đẹp bán được giá như thế, thì cá tra có màu thịt vàng, vàng chanh lại thường là phải bán với giá thấp hơn từ 1.000-2.500đ/kg, tuỳ vào sản lượng nhiều hay ít, tuỳ độ dài của tuyến đường vận chuyển, tức chỉ bán được với giá từ 12.500-13.500 đ/kg. Sự hao hụt con giống với tỷ lệ cao, sự tăng thêm của chi phí thuốc phòng trị bệnh cá cũng như chi phí tăng của giá thành thức ăn và các chi phí khác trong 6 tháng qua, nếu bán với giá trên thì đa số bà con bị lỗ vốn. Mà nếu sự thua lỗ dây chuyền nhiều tháng thì bà con lại nghỉ nuôi, và sự thiếu hụt nguyên liệu là điều sẽ xảy ra, vì hộ nuôi theo dạng nầy chiếm đến 80% tổng sản lượng, và doanh nghiệp lại không hoàn thành hợp đồng và lại bất ổn thị trường xuất khẩu. Đây lại là điều trớ trêu khó tưởng, cung không đủ cầu mà người cung lại chịu lụy người cầu !!!. Giống như hồi năm ngoái giá bán giữa cá tra nuôi bè và nuôi ao hầm thịt trắng lúc nào cũng chênh lệch như mức trên, trong khi giá thành cá tra nuôi trong bè thì cao hơn từ 1.000-2.000 đ/kg, và cuối cùng thì nghề nuôi cá tra bè đã hầu như không còn tồn tại. Như vậy, phải chăng nghề nuôi cá tra trong ao hầm nhỏ sẽ bị diệt vong trong nay mai, trong khi những ao nuôi dạng nầy thường bị kẹp sâu trong nội đồng, đâu có điều kiện xả thải trực tiếp làm ô nhiễm môi trường sông rạch ?!!.

Ngọc Diệp


Việt Nam tham dự Hội nghị Thương mại nuôi trồng toàn cầu tại Trung Quốc

Nguồn tin: SGGP, 26/05/2007
Ngày cập nhật: 26/5/2007


Tiền Giang: Khoảng 15 tấn cá chết do ngộ độc

Nguồn tin: SGGP, 26/05/2007
Ngày cập nhật: 26/5/2007

Sở Thủy sản Tiền Giang cho biết: nhiều bè cá điêu hồng ở cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành) đã xảy ra tình trạng chết hàng loạt trong những ngày qua là do ngộ độc. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn chưa tìm ra chất độc.

Một số chủ bè cho biết, họ vớt được các túi chứa khí đá tấp vào và nghi ngờ cá chết do ngộ độc khí đá. Theo Sở Thủy sản, hiện nay tình trạng cá chết đã hết, ước thiệt hại những ngày qua 10 - 15 tấn cá.

N.T.


Thừa Thiên - Huế: Một xã nợ 25 tỉ đồng tiền nuôi trồng thủy sản

Nguồn tin: TN, 24/05/2007
Ngày cập nhật: 25/5/2007


Công ty cổ phần Hùng Vương: Đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu

Nguồn tin: SGGP, 24/05/2007
Ngày cập nhật: 25/5/2007


Đầu tư 1,2 tỉ đồng thực hiện dự án trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi thủy sản

Nguồn tin: CT, 24/5/2007
Ngày cập nhật: 25/5/2007


Tăng cường quản lý việc phát triển diện tích nuôi cá tra

Nguồn tin: CT, 24/5/2007
Ngày cập nhật: 25/5/2007

An Giang: 600 ha đất nuôi thủy sản không có thủ tục chuyển đổi mục đích sản xuất

Ông Đoàn Văn Quân, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện mới phát triển thêm 20ha diện tích đào ao nuôi cá tra theo quy định của ngành thuỷ sản.

Theo quy định này, 1 ha đất sau khi đào ao chỉ được sử dụng 5.000m2 mặt nước để nuôi cá; diện tích còn lại dùng làm ao lắng lọc xử lý nước thải trước khi cho ra sông và xử lý bùn đáy ao nuôi. Phương án quy hoạch, thiết kế ao nuôi sẽ được Phòng Kinh tế và các phòng chức năng thẩm định mới được cấp phép đào ao.

Nếu căn cứ theo quy định mới này, trên địa bàn Thốt Nốt sẽ có hàng trăm ha đất đã đào ao nuôi cá không đúng quy định. Hiện nay, nhiều hộ nuôi cá trên địa bàn Thốt Nốt đang thiết kế lại ao nuôi để xin cấp phép đúng theo các tiêu chí này.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 750 ha đất phát sinh nuôi thủy sản mới. Trong đó có 450 ha trong vùng quy hoạch được tỉnh phê duyệt, còn khoảng 300 ha nằm ngoài quy hoạch. Tuy nhiên, hiện có khoảng 600 ha đất trong phần diện tích phát sinh mới này không có thủ tục chuyển đổi mục đích nuôi cá theo quy định, chưa làm thủ tục về đảm bảo vệ sinh môi trường và hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đang hướng dẫn các đơn vị, hộ nuôi thủy sản làm thủ tục đúng quy định, đặc biệt cam kết thực hiện hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường, để hợp thức hóa phần diện tích đã phát sinh mới.

THIỆN KHIÊM - BÌNH NGUYÊN


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang