Nuôi cá tra, ba sa ven sông Cửu Long: Khả năng gây ô nhiễm vùng nuôi rất cao
Nguồn tin: SGGP, 29/06/2007
Ngày cập nhật: 30/6/2007
Trước tình trạng diện tích nuôi trồng thủy sản, nhất là con cá tra, ba sa tăng mạnh, dọc theo ven bờ sông Tiền và sông Hậu, các nhà khoa học phía Nam có buổi góp ý với Bộ Thủy sản về sức tải sinh học sông Cửu Long. Do phát triển ồ ạt và tự phát, việc nuôi cá tra, ba sa không chỉ ở thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp) mà đã lan xuống các tỉnh gần cửa sông như Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre… Do nuôi với mật độ dày đặc, ngay trên diện tích cây ăn trái trước đây và còn thêm việc lấn dòng, ảnh hưởng đến dòng chảy, có thể gây sạt lở nhiều khu vực.
Trường Đại học Cần Thơ nhận định, ô nhiễm tại vùng nuôi tập trung rất cao. Tình trạng ô nhiễm này, không chỉ do nuôi trồng thủy sản mà còn do sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…
Theo Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, Viện KH Công nghệ và quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TPHCM), phải kiểm kê toàn diện, đánh giá khả năng chịu tải hệ sinh thái lưu vực sông Cửu Long, không chỉ phục vụ quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nông-lâm nghiệp, rửa phèn-ngăn mặn mà còn phục vụ quy hoạch các cụm công nghiệp, khu dân cư.
Đ.P.
Hiện tượng cá tra chết sạch hầm ở Thốt Nốt: Dùng “thuốc độc” trị bệnh cho cá!
Nguồn tin: CT, 30/6/2007
Ngày cập nhật: 30/6/2007
Ngày 26-6-2007, gia đình ông Nguyễn Văn Tùng (Ba Tùng) ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt đã sử dụng thuốc trừ sâu thuộc danh mục cấm sử dụng của Bộ Thủy sản để trị bệnh cho cá tra. Kết quả, cả ao cá của ông Tùng đến thời kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng trên 100 tấn đã chết sạch. Sự kiện trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trình trạng sử dụng hóa chất một cách tùy tiện trong nuôi thủy sản.
TRỊ BỆNH CHO CÁ… BẰNG THUỐC ĐỘC!
Theo ông Ba Tùng, Dipterex là loại thuốc sâu nhưng diệt khuẩn rất tốt. Do đó, gia đình ông đã sử dụng loại thuốc này trị bệnh cho cá 3-4 năm nay rồi, những người nuôi xung quanh cũng xài. Ông Ba Tùng cho biết thêm đã thường xuyên sử dụng thuốc Dipterex để trị bệnh cho cá trong suốt quá trình nuôi. Ông Ba Tùng nói: “ Với hầm cá rộng 4.000m2, cứ 10 ngày tôi lại rải thuốc 1 lần (6-7 chai thuốc Dipterex) để cho cá khỏe mạnh và ăn nhiều. Thông thường tôi rải thuốc lúc 8 giờ sáng thì đến 1-2 giờ trưa cá ăn rất mạnh, còn lần này khoảng 8 giờ rưỡi tối tôi hay tin cá còn gom lại. Đến 11 giờ rưỡi khuya tôi đến hầm thì thấy cá bắt đầu chết và đến sáng hôm sau đã chết sạch hầm”.
Giải thích thêm về lần sử dụng thuốc này, anh Lập – con rể ông Ba Tùng cho biết: Do cá bị con bọ đeo mang nên ngứa khi ăn thường bị rộ, và gom cục. Tuy nhiên, khi rải thuốc xuống thì cá không hết bệnh như những lần trước đó mà chết hết. Ngoài việc thất thu tiền tỉ, gia đình ông Ba Tùng còn phải mất hàng chục triệu đồng để mướn nhân công vớt xác cá đem chôn và mua hơn 3 tấn vôi đá để xử lý hố chôn xác cá.
Sự kiện trên 100 tấn cá tra của ông Ba Tùng chết sạch đã tạo ra sự cố môi trường khá nghiêm trọng. Theo đề nghị của chính quyền địa phương, gia đình ông Ba Tùng đã vớt xác cá đem chôn, còn ao nuôi được đậy nắp bọng giữ nước lại. Đến chiều ngày 29-6-2007, nước trong ao nuôi cá vừa bị chết của ông đã chuyển sang màu đen cùng với một ít xác cá nổi lều phều trên mặt nước đã phát ra mùi hôi thúi khá nặng. Còn bãi chôn cá nằm cặp phía ngoài chân đê ao nuôi giáp mặt tiền sông Hậu. Có lẽ do lượng cá quá lớn, nên vẫn còn nhiều xác cá được rải vôi bột lên trên nhưng không được phủ kín ni lon và chưa được đắp đất lên trên. Ba mặt đê của ao nuôi còn lại tiếp giáp với các ao nuôi cá lân cận vẫn rải rác xác cá đã sình thúi và nhiều ruồi, dòi.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt cho biết thêm: Gia đình ông Ba Tùng đã nhiều lần sử dụng thuốc Dipterex để “tắm “ cho cá (đưa thuốc xuống ao nuôi cá-PV). Nhưng đợt này sử dụng thuốc quá liều làm cho cá chết sạch hầm. Khi chúng tôi hỏi các hộ nuôi cá tra ở Tân Lộc có sử dụng loại thuốc giống như ông Ba Tùng, không thì đồng chí Huấn nói: “Cái đó mình không nắm được. Tuy nhiên, từ trước đến nay ở Tân Lộc chưa từng xảy ra tình trạng cá tra chết sạch hầm. Đây là bài học cảnh báo cho bà con nuôi cá ở Tân Lộc không nên sử dụng thuốc trừ sâu để trị bệnh cho cá.
DỄ DÀNG MUA NÔNG DƯỢC CẤM
Ông Ba Tùng cho biết thuốc Dipterex mà gia đình ông đã thường mua để trị bệnh cho cá được bán phổ biến tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật. Theo chỉ dẫn trên, chiều ngày 29-6-2007, chúng tôi đã dễ dàng tìm mua được Dipterex ở thị trấn Thốt Nốt, huyện Thốt Nốt. Khi chúng tôi ghé một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp ở ấp Phụng Thạnh 1, thị trấn Thốt Nốt thì được người bán hàng cho biết không có bán loại thuốc đó và chỉ chúng tôi thử tìm mua ở cửa hàng thuốc thú y thủy sản gần đó. Chúng tôi tiếp tục ghé một cửa hàng bán thức ăn thủy sản cùng ở ấp Phụng Thạnh 1 thì chủ cửa hàng cho biết Dipterex là loại thuốc nằm trong danh mục cấm nên không có bán. Chúng tôi tiếp tục ghé một cửa hàng thuốc thú y- thủy sản cũng ở ấp này. Khi tôi vừa hỏi mua loại thuốc Dipterex về trị bệnh cho cá, cô bán hàng liền hỏi mua bao nhiêu chai và nhanh chóng vào nhà trong lấy hộp thuốc Dipterex được gói cẩn thận trong bọc ni lon, trước khi đưa cho chúng tôi. Chúng tôi kiểm tra tại chỗ thì phát hiện chai thuốc này là thuốc trừ sâu Diptecide thuộc dạng bột đựng trong chai nhựa màu trắng. Khi chúng tôi thắc mắc về tên gọi của lọ thuốc trên, người bán hàng giải thích thêm: thuốc Dipterex hay Diptecide vẫn là một?! Dù không có nhu cầu sử dụng nhưng chúng tôi vẫn đồng ý mua chai thuốc Diptecide có trọng lượng 1kg với giá 30.000 đồng. Trên nhãn chai thuốc này ghi rõ đây là thuốc trừ sâu Diptecide 90 WP dùng để trừ bọ xít hại lúa.
Theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BTS ngày 24-2-2005 của Bộ Thủy sản thì Trichlorfon (Dipterex) là 1 trong số 17 hóa chất kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh. Còn theo Quyết định số 25/2005/QĐ-BNN ngày 18-5-2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì thuốc Dipterex còn có tên gọi khác là Trichlorphon, Metriphonat… thuộc danh mục cấm sử dụng.
NHÓM PV
Sông Cầu (Phú Yên): Diện tích nuôi tôm sú tăng nhưng sản lượng giảm; Chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sú bền vững
Nguồn tin: Phú Yên, 28/6/2007
Ngày cập nhật: 30/6/2007
Theo Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu, 6 tháng qua, bà con nông dân trong huyện đã thả nuôi tôm sú trên diện tích 522 ha, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các xã có diện tích thả nuôi nhiều nhất là Xuân Lộc (gần 142 ha), Xuân Hải (118 ha), Xuân Cảnh (90 ha), Xuân Phương (40 ha)...
Tuy nhiên, do thời tiết diễn biết bất thường, môi trường nước một số vùng nuôi bị ô nhiễm, nên đã có 24 ha ao đìa nuôi tôm sú bị dịch bệnh, mất trắng; tôm trong 40 ha khác bị bệnh đóng rong, mang đen, thân mềm chậm lớn và chết rải rác nên phải thu hoạch sớm, năng suất chỉ đạt 0,5 tấn/ ha, vì thế sản lượng tôm sú của huyện vụ này khá thấp.
KIỀU BA
Chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sú bền vững
Trung tâm Nghiên cứu quan trắc- cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Phú Yên vừa tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sú bền vững cho nhân dân các xã Hòa Xuân Đông, Hòa Tâm, Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa).
Ông Bùi Đắc Thuyết (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) đã phổ biến cho người nuôi tôm các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, các yếu tố làm bùng phát dịch bệnh… đồng thời hướng dẫn các giải pháp phát triển nghề nuôi tôm sú bền vững ở ven biển.
NGUYÊN LƯU
Ninh Thuận: Sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 62,7% kế hoạch năm
Nguồn tin: Ninh Thuận, 28/06/2007
Ngày cập nhật: 30/6/2007
Từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết ngư trường thuận lợi, cá nổi áp lộng và xuất hiện dày, ngư dân tỉnh ta đã tổ chức khai thác hải sản đạt sản lượng 29.000 tấn, bằng 61,7% kế hoạch năm và tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Các nghề khai thác hiệu quả cao chủ yếu là pha xúc, vay rút chì, giã cào, lưới quét, lưới cản ở Cà Ná (Ninh Phước), Khánh Hội (Tri Hải), Mỹ Tân (Thanh Hải - Ninh Hải) và Đông Hải (Phan Rang - Tháp Chàm).
BT, Báo Ninh Thuận
Ninh Hải: Đầu tư phát triển bền vững kinh tế biển
Nguồn tin: NThuận, 25/06/2007
Ngày cập nhật: 29/6/2007
Với chiều dài gần 40 km bờ biển, huyện Ninh Hải là một trong những địa phương có nguồn lợi kinh tế biển trọng điểm của tỉnh ta. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X), Huyện ủy Ninh Hải xác định chiến lược phát triển kinh tế biển từ nay đến năm 2020. Toàn huyện tập trung đầu tư bảo vệ, khai thác nguồn lợi kinh tế biển theo hướng bền vững nâng cao toàn diện đời sống cho nhân dân vùng ven biển.
Ninh Hải hiện có 19.263 hộ với 95.756 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn 9 xã, thị trấn. Trong đó, có 16.304 hộ với 80.627 nhân khẩu thuộc 8 xã, thị trấn (trừ xã Xuân Hải) sinh sống liên quan đến nguồn lợi biển và mặt nước Đầm Nại nuôi trồng thủy sản. Nhà nước đã đầu tư xây dựng các cảng cá Ninh Chữ, Mỹ Tân phục vụ tốt nhu cầu hoạt động nghề cá. Đồng thời các chương trình kỹ thuật mới cũng đã được áp dụng cho việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, sản xuất muối. Tiềm năng du lịch biển cũng được các thành phần kinh tế đầu tư khai thác thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng. Kinh tế biển của Ninh Hải giai đoạn 2001-2005 có mức tăng trưởng bình quân 4,3% năm, chiếm tỷ trọng 28,6% trong cơ cấu GDP.
Điều đáng quan tâm về chiến lược phát triển kinh tế biển ở Ninh Hải hiện nay là quy mô đầu tư khai thác lợi thế biển còn thấp. Toàn huyện hiện có 660 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 20.646 CV, bình quân 31CV/thuyền. Do tàu thuyền công suất thấp chủ yếu đánh bắt cá nổi ven bờ nên sản lượng khai thác từ đầu năm đến nay được 4.600 tấn, đạt 65% so với kế hoạch cả năm 2007 là 7.000 tấn. Môi trường nước Đầm Nại bị ô nhiễm dẫn đến hệ quả nghề nuôi tôm sú ngày càng khó khăn do dịch bệnh. Du lịch biển Ninh Chữ và Vĩnh Hy bước đầu thu hút được du khách nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ninh Chữ và Vĩnh Hy được các nhà kinh tế biển xác định là những vùng biển đẹp, hấp dẫn du khách. Sản lượng muối công nghiệp và dân dụng hàng năm đạt 140 ngàn tấn, chiếm trên 70% sản lượng toàn tỉnh. Sản xuất muối là một trong những nguồn lợi đáng kể tạo việc làm cho người lao động nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải cho rằng đánh giá đúng thực trạng kinh tế biển địa phương hiện nay để đề ra chiến lược phát triển phù hợp với xu thế chung của toàn vùng đến năm 2020. Theo đó, cấp ủy huyện Ninh Hải xác định đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá để trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa ngành thủy sản phát triển ổn định và bền vững đến năm 2020. Phát triển kinh tế biển dựa trên cơ sở huy động mọi nguồn lực đầu tư khai thác tiềm năng gắn với bảo vệ vững chắc an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương.
Theo đó, toàn huyện tập trung đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác hải sản gắn với chế biến và dịch vụ du lịch. Đẩy nhanh việc quy hoạch và thực hiện dự án cải tạo Đầm Nại bảo đảm vùng nuôi tôm sú xuất khẩu an toàn có diện tích ổn định 500 ha. Nạo vét lòng lạch Ninh Chữ thuận lợi cho tàu thuyền ra vào kết hợp phát triển du lịch sinh thái biển vùng Đầm Nại. Chú trọng đầu tư phát triển vùng nuôi trồng các loại tôm hùm, ốc hương, vẹm xanh, rong sụn và các loại thủy sản khác. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 phấn đấu đạt 5.953 tấn (trong đó tôm sú thịt thương phẩm 1.4000 tấn), tôm sú giống chất lượng cao đạt 2,6 tỷ con.
Huy động các nguồn lực đầu tư và tạo điều kiện để ngư dân phát triển tàu thuyền có công suất lớn gắn với đa dạng hoá ngành nghề đánh bắt. Tăng cường công tác khuyến ngư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đánh bắt xa bờ. Chuyển đổi ngành nghề khai thác sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ cho xuất khẩu. Hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần và chế biến thủy sản ở Tri Hải và Thanh Hải. Tạo điều kiện cho công nghiệp đóng mới tàu thuyền và các dịch vụ khác phát triển. Đến năm 2020 đưa tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện Ninh Hải lên 18.000 tấn, tăng gấp 2,5 lần hiện nay. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến muối công nghiệp và muối thực phẩm đạt sản lượng hàng năm ổn định 140 ngàn tấn. Mời gọi và có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư khai thác tiềm năng du lịch biển Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Đầm Nại. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch biển gắn với du lịch sinh thái và truyền thống văn hoá lịch sử địa phương. Đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế biển hàng năm là 7,7%. Đến năm 2020 giá trị toàn ngành thủy sản Ninh Hải đạt 284,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,5% trong cơ cấu kinh tế địa phương. Giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người ở các xã ven biển Ninh Hải cao gấp hai lần so với bình quân chung của toàn tỉnh.
Huyện ủy Ninh Hải đề ra các giải pháp quan trọng thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế biển địa phương đến năm 2020 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn lực, tiềm năng, lợi thế kinh tế biển. Tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động đối với cán bộ và nhân dân. Chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ biển. Xây dựng các dự án từ nguồn vốn đầu tư các chương trình mục tiêu của Chính phủ, mở rộng quan hệ hợp tác và mời gọi các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế biển. Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ chuyên môn cao về nuôi trồng, khai thác hải sản, đây là một trong những khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư vào làm ăn ổn định, lâu bền tại địa phương.
(S.N - Báo Ninh Thuận)
Cần Thơ: 200 tấn cá tra “đột tử” vì thuốc trừ sâu
Nguồn tin: SGGP, 29/06/2007
Ngày cập nhật: 29/6/2007
Chiều 28-6, chúng tôi có mặt tại cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ để chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp: Hàng trăm ngàn xác cá tra trương phình, bốc mùi hôi thối, nổi lên mặt ao nuôi tại nhà ông Nguyễn Văn Tùng. Đây là hậu quả của việc người nuôi lén dùng thuốc trừ sâu trị bệnh cho cá!
Cá chết nổi đầy mặt ao nuôi của ông Tùng ngày 28-6.
Được biết, chiều 26-6, Trường Văn Thành, con rể ông Tùng, phát hiện cá bị bệnh, với triệu chứng bơi lờ đờ và xoay cuộn vào nhau nên đã dùng thuốc Diptecide – một loại thuốc trừ sâu bọ trên lúa cùng một số thuốc khác - đổ vào hầm. Kết quả là hầm cá “đột tử”, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước đó, chủ nuôi cá đã thông báo, kêu gọi nhiều ghe đến thu mua xác cá chết với giá 1.000đ/kg để lấy mỡ, chế biến dầu cá!? Khoảng 200 tấn cá chết được bán kiểu này khi nhiều người tỏ ra đồng cảm với chủ hầm, cố vớt vát chút thiệt hại. Song, không khỏi lo ngại khi trước đó hơn 80 tấn cá bị ngộ độc chưa chết đã được bán tống, bán tháo ra thị trường.
Hiện tại, chủ nuôi cá tra và các cơ quan chức năng đã thống nhất giải pháp huy động lực lượng vớt cá chết đem chôn và rắc vôi khử trùng. Chiều 28-6, ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Diptecide là loại thuốc bị cấm nhưng nhiều người nuôi cá tra vẫn lén sử dụng điều trị bệnh cho cá.
Lâu nay, người ta lên tiếng báo động về môi trường bị ô nhiễm của các dòng sông do các nhà máy thủy sản, các ao nuôi thải ra. Giờ đây, việc sử dụng thuốc sâu làm cá “đột tử” hàng loạt khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng hơn. Đây là lời cảnh báo về sự phát triển bộc phát thiếu bền vững của vùng nguyên liệu cá tra, cá basa ở ĐBSCL. Các cơ quan chức năng đã biết chuyện: Người nuôi cá lén sử dụng các hóa chất cấm – như một bài thuốc “bí truyền” trị bệnh cho cá nhưng gần như “bó tay”, không có cách nào can thiệp (!?). Nếu không có giải pháp hữu hiệu quản lý, chế tài đối với người nuôi cá tra, cá basa về sử dụng các loại hóa chất, chắc chắn trường hợp cá chết như ở ao nuôi của ông Tùng không phải là cá biệt.
Nhị Phong
Kinh doanh thuốc thú y thủy sản, nông dược cấm sử dụng: Phạt cứ phạt, bán cứ bán!
Nguồn tin: CT, 28/6/2007
Ngày cập nhật: 29/6/2007
Nghề nuôi cá tra đang phát triển mạnh ở các huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và các cù lao ven sông Hậu kéo theo sự ra đời của nhiều điểm chuyên doanh các loại thức ăn và thuốc thú ý thủy sản; cũng có cơ sở từ chỗ chuyên doanh vật tư nông nghiệp mở rộng sang lĩnh vực thuốc thú y thủy sản. Điều đáng nói là Đoàn Kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng tiêu dùng và chống thất thu thuế năm 2007 của huyện Thốt Nốt vừa kiểm tra 71 cơ sở doanh nghiệp ở địa bàn huyện Thốt Nốt, đã phát hiện và xử phạt 32 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật.
Trong 6 tháng đầu năm 2006, các cơ quan chức năng của huyện Thốt Nốt đã phát hiện và xử phạt 32 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật với tổng số tiền phạt lên đến hơn 210 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã tịch thu đến 4.017 kg thuốc thú y thủy sản. Trong đó, có đến 2.216 kg thuốc quá hạn sử dụng, 345 kg thuốc nhập lậu, 745 kg thuốc không công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, 671 kg nguyên liệu và 40 kg thuốc thú y thủy sản thuộc danh mục cấm sử dụng.
Ngày 8-2-2007, cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản và thức ăn gia súc Trí Thắng ở ấp Tân Quới, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt đã bị lập biên bản vi phạm hành chính. Theo biên bản nói trên, cơ sở vi phạm trong việc kinh doanh thuốc thú y thủy sản nhập lậu không rõ nguồn gốc, không có nhãn, quá hạn sử dụng và không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Với những sai phạm trên, cơ sở bị cơ quan chức năng xử phạt 21,8 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm. Tương tự, ngày 16-3-2007, cơ sở mua bán thức ăn và thuốc thú y thủy sản ở ấp Quy Thạnh 1, xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt đã phải ký vào biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y thủy sản nhập lậu, hàng không nhãn mác; kinh doanh hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; kinh doanh thuốc thú y, hóa chất dùng trong hoạt động thủy sản đã quá hạn sử dụng; kinh doanh thuốc thú y thủy sản, hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng; kinh doanh thuốc thú y và hóa chất không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Với những sai phạm trên, chủ cơ sở này đã bị các cơ quan chức năng của huyện Thốt Nốt phạt hơn 37 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ các hàng hóa vi phạm.
Riêng cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản Hữu Hiệp ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt mắc nhiều vi phạm như: địa điểm kinh doanh thực tế không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh thuốc thủy sản quá hạn sử dụng; kinh doanh hàng hóa không có nhãn theo qui định; kinh doanh thuốc thủy sản nhập lậu không rõ nguồn gốc; kinh doanh thuốc thủy sản thuộc danh mục hàng hóa cấm sử dụng; kinh doanh thuốc thủy sản không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Với những hành vi sai phạm cơ sở đã bị cơ quan chức năng huyện Thốt Nốt phạt 32 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Còn cơ sở kinh doanh thuốc thú y - thủy sản Kim Danh tại ấp Thới Thạnh, xã Thới Thuận, cũng vừa bị cơ quan chức năng của huyện Thốt Nốt phát hiện hành vi kinh doanh thuốc thú y thủy sản không có nhãn mác và quá hạn sử dụng. Do đó, đã bị phạt 15,5 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiêu hủy.
Trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, các cơ quan chức năng của huyện Thốt Nốt cũng đã phát hiện nhiều điểm kinh doanh hàng quá hạn sử dụng như cửa hàng bán vật tư nông nghiệp ở ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An. Cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật này vi phạm trong việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng. Tương tự, một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp khác cũng ở địa phương này vi phạm trong việc thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng. Tất cả các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng đều bị phạt tiền và bị tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Trung tá Bùi Thanh Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ thuộc Công an huyện Thốt Nốt - thành viên của Đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng tiêu dùng và chống thất thu thuế năm 2007 huyện Thốt Nốt, nói: “Số tiền xử phạt và giá trị hàng hóa bị tịch thu để tiêu hủy lên đến khoảng 1 tỉ đồng là khá lớn. Tuy nhiên, số tiền ấy sẽ rất nhỏ so với những tác hại đến môi trường, chất lượng thủy sản và sức khỏe cộng đồng khi lượng thuốc độc hại nói trên được sử dụng tùy tiện”. Còn theo ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Thốt Nốt kiêm Trưởng Đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng tiêu dùng và chống thất thu thuế năm 2007, dù các cơ sở vi phạm đã nộp phạt, nhưng Đoàn kiểm tra cũng đã có kế hoạch phúc tra các cơ sở vi phạm trước đây kết hợp với kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản va thuốc bảo vệ thực vật mới.
Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y thủy sản khá phổ biến ở địa bàn huyện Thốt Nốt. Nhiều người lo ngại tình hình này đang phổ biến ở địa bàn thành phố. Mặt khác, nếu chỉ có huyện Thốt Nốt tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật thì các loại thuốc thú y thủy sản quá hạn sử dụng hoặc thuốc cấm sử dụng sẽ tiếp tục tràn lan nếu các quận, huyện khác chưa quan tâm đúng mức.
NHẬT CHÁNH
Quảng Ngãi: Dừng thi công 4 dự án nuôi tôm với vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng
Nguồn tin: SGGP, 27/06/2007
Ngày cập nhật: 29/6/2007
Sáng nay, 27-6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ông Nguyễn Xuân Huế, chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định dừng 4 dự án nuôi tôm trên cát với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng đã thi công gần 5 năm nay, bao gồm: dự án nuôi tôm Đồng Tràm – Phổ Vinh (huyện Đức Phổ) có diện tích 197ha, 43 tỷ đồng; dự án nuôi tôm công nghiệp Hòa Hà (33,4 tỷ đồng) do BQL các dự án đầu tư và xây dựng (huyện Tư Nghĩa) làm chủ đầu tư; dự án nuôi tôm Gò Rớ, xã Nghĩa Hà (11,97 tỷ đồng); dự án nuôi tôm Châu Me do BQL các dự án huyện Bình Sơn làm chủ đầu tư với diện tích 262ha…
Nguyên nhân, do tính khả thi không cao, thời gian thực hiện dự án kéo dài, không liên kết hình thành được chủ đầu tư vì vốn quá lớn, công tác đền bù khó khăn... Đồng thời, giao cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành tổng kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ quá trình triển khai thực hiện các dự án và mức độ thiệt hại, xác định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, cơ quan thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án…
Hà Minh
Làm gì để bình ổn thị trường cá tra ở ĐBSCL?
Nguồn tin: CT, 26/6/2007
Ngày cập nhật: 28/6/2007
Hơn 3 tháng qua, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL sụt giảm thê thảm. Cá loại 1 có lúc chỉ còn 13.000-13.500đồng/kg; cá loại 2 từ 12.000-12.500 đồng/kg... bình quân giảm 3.000-4.500 đồng/kg so với 3 tháng trước. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là việc phát triển ồ ạt diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL dẫn đến cung vượt cầu. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), gần đây thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra đang bị ách tắc tại Nga vì nghi ngờ chất kháng sinh; tình trạng cá philê xuất sang châu Âu bị “trả lại” vì “độn nước”... Đâu là căn nguyên và làm gì để giải quyết bài toán ổn định thị trường cho con cá tra cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng? Đây là nội dung chính chúng tôi đã trao đổi với những người trong cuộc.
Lỗi tại ai?
Sản phẩm cá tra - cá ba sa của Việt Nam đã có mặt ở 65 nước (năm 2002 chỉ 17 nước). Theo VASEP nhận định, với tốc độ phát triển diện tích như hiện nay, sản lượng cá tra và ba sa của Việt Nam sẽ đạt 1 triệu tấn vào cuối năm 2007; kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 1 tỉ USD. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm mạnh là do doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở thị trường Nga, Ba Lan, Canada... Vì sao dẫn tới hiện tượng này?
* Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA): Khi giá cá tra nguyên liệu tăng kỷ lục, nhiều người đổ xô nuôi, dẫn đến sản lượng cá toàn vùng ĐBSCL tăng nhanh. Bên cạnh đó, theo chu kỳ hàng năm, đến cao điểm mùa hè, nguồn hàng thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu lớn đã chuẩn bị xong nên lượng khách hàng của các doanh nghiệp không còn. Doanh nghiệp phải chờ những hợp đồng mới. Thị trường Đông Âu, Nga tạm ngưng nhập khẩu thời gian qua đã tác động đến khả năng tiêu thụ cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL, nhất là đối với cá loại thịt vàng. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những trường hợp cá tồn, không bán được là do nuôi tự phát, không nằm trong một tổ chức vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp khó kiểm soát chất lượng. Nếu thị trường có vấn đề, lập tức doanh nghiệp không dám mạo hiểm thu mua các loại cá này...
* Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An (HTX Thới An), phường Thới An, quận Ô Môn- TP Cần Thơ: Phong trào nuôi cá tra phát triển rầm rộ dẫn đến việc phát triển diện tích ngoài quy hoạch là có thật. Chủ tiệm vàng, doanh nhân ngoài lĩnh vực thủy sản, những người có vốn mạnh... đều đổ xô đi nuôi cá tra. Vì thế, nhiều lúc, nhiều nơi, chất lượng cá tra nguyên liệu, nhất là đối với dư lượng chất kháng sinh không đáp ứng được cho chế biến xuất khẩu. Nhưng điều này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát hiện được trong quá trình thu mua nguyên liệu. Tuy nhiên, việc các container cá tra xuất khẩu bị trả về vì phát hiện dư lượng kháng sinh, hay chứa quá nhiều nước trong sản phẩm, trách nhiệm thuộc về ai? Doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt mà gian dối trong cách làm ăn, làm xuất khẩu bị đình trệ, mất uy tín sản phẩm con cá tra trên thị trường thế giới. Việt Nam đã gia nhập WTO, tình trạng này nếu không sớm khắc phục thì con cá tra, thủy sản Việt Nam làm sao phát triển bền vững, lam sao hội nhập? Và như vậy, hàng chục ngàn nông dân ở vùng ĐBSCL phải cùng gánh chịu hậu quả nặng nề này.
* Ông Nguyễn Đình Huấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Agifish, tỉnh An Giang: Thời gian qua, người nuôi cứ nhìn vào mức giá 17.000 đồng/kg mà đào ao nuôi tự phát, nhỏ lẻ nên dễ “phá sản” khi cá không bán được vì không bảo đảm chất lượng. Có nhiều ý kiến cho rằng, con cá tra rớt giá là do doanh nghiệp “làm giá”. Thực tế, doanh nghiệp không “làm giá” được. Giá cá lên, xuống hoàn toàn theo quy luật cung cầu và đúng theo quy luật hàng năm. Người nuôi lúc nào cũng muốn bán giá cao, còn doanh nghiệp lại muốn mua giá thấp. Ở đây, chúng ta không loại trừ một số doanh nghiệp “mượn gió bẻ măng” nhận giá mua. Nhưng chỉ là số ít và các doanh nghiệp này mua cá cũng chỉ dự trữ, không thể xuất được. Trong khi đó, hơn 10 năm nay, những tháng hè, lượng cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm đã trở thành quy luật. Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ là khủng hoảng cục bộ nên sẽ được giải quyết trong thời gian tới.
* Ông Tô Việt Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, tỉnh Hậu Giang: Giá cá tra trên thị trường chỉ còn 12.000 - 12.500 đồng/kg. Hồi đầu tuần trước, có lúc chỉ còn 11.500 đồng/kg. Nhưng hiện nay, giá con cá tra mua tại nhà máy có lúc lên 13.000 đồng/kg. Sự biến động này không thể đổ lỗi cho người nuôi hoặc nhà máy. Nguyên nhân chính là do thị trường. Các nhà máy không dám ký hợp đồng với số lượng lớn cá tra xuất khẩu, bởi vì khi người nuôi bắt chẹt giá, đầu ra cũng sẽ gặp khó. Nhà máy không o ép nông dân mà chỉ do thị trường. Bởi thị trường xuất khẩu phải phụ thuộc giá bán nước ngoài. Nếu các nhà máy đồng loạt ngừng thu mua cá tra nguyên liệu thì giá thị trường có thể tụt đến chỉ còn 10.000 đồng/kg. Hiện tại, nhiều nhà máy chỉ mua cầm chừng để duy trì sản xuất, nên giá cá tra nguyên liệu có tăng nhưng chậm.
Ổn định: cách nào?
Con cá tra xuất khẩu của ĐBSCL đang gặp nhiều rắc rối: thị trường xuất khẩu bị rào cản kỹ thuật làm thị trường nguyên liệu trong nước, cụ thể là ở ĐBSCL có nhiều biến động xấu. Điều này chưa nói đến những yếu tố khác như: chất lượng môi trường, quy trình - kỹ thuật nuôi... ảnh hưởng đến chất lượng cá tra nguyên liệu. Làm gì để ổn định thị trường, tiến tới phát triển vững nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL?
* Ông Nguyễn Đình Huấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Agifish: Thời gian qua, trong quá trình phát triển thị trường xuất khẩu con cá tra, dường như doanh nghiệp và người nuôi chưa chịu ngồi chung một chiếc thuyền để ra khơi. Chúng ta đang như con “nhà nghèo hay cãi lộn”. Cái gốc của vấn đề, ở đây theo tôi, chính là phát triển quá nóng vội. Đã đến lúc chúng ta phải quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu. Đặc biệt, người nuôi phải chủ động gắn kết với doanh nghiệp, phải tự học hỏi nâng cao tay nghề, kỹ thuật nuôi. Song song đó, các doanh nghiệp muốn có vùng nguyên liệu ổn định thì phải hướng dẫn cho bà con ngư dân cách thức nuôi theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, để có thể bảo đảm vùng nguyên liệu chất lượng thì sẽ gắn kết được với nhau.
* Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An: Theo tôi, cần phải có quy hoạch, nhưng các quy hoạch này phải sớm được công khai một cách cụ thể. Nhà nước phải thật sự vào cuộc để lập lại “trật tự kỷ cương” trong ngành nuôi thủy sản. Có nghĩa: chỉ được nuôi cá tra khi người nuôi có giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo nghề nuôi thủy sản, cụ thể là con cá tra. Nhà nước quản lý, kiểm soát vấn đề này thông qua hệ thống các ngân hàng, xem giấy chứng nhận này là giấy tờ bắt buộc để quyết định phê duyệt hồ sơ vay vốn. Nhưng để phát triển con cá tra bền vững, các doanh nghiệp bị phát hiện kháng sinh hay làm ăn “gian dối” với nước ngoài cần phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở đây, Nhà nước nên có biện pháp chế tài mạnh, nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục vi phạm, đóng cửa hoàn toàn để răn đe. Có như thế mới giữ được sức hấp dẫn của các sản phẩm cá tra Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trên thị trường thế giới.
* Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch AFA: Thực tế thị trường gần một tháng qua cho thấy chúng ta đừng ảo tưởng và hy vọng vào điều thần kỳ về giá con cá tra như những tháng đầu năm. Nhưng chúng ta cũng không quá bi quan vì theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn, hiện nay chỉ là sự khủng hoảng mang tính tạm thời. Sau Hội chợ thủy sản tại TP Hồ Chí Minh đã có một số doanh nghiệp ký được hợp đồng mới, nên hy vọng giá cá sẽ tăng trở lại. Con cá tra ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng, nhưng để phát triển bền vững chúng ta phải quy hoạch lại vùng nuôi, phải nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, chú trọng hơn đến chất lượng và hiệu quả kinh tế chứ không nên chạy theo số lượng như vừa qua. Hiệp hội sẽ là cầu nối gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp.
* Ông Nguyễn Văn Dẫn, Phó phòng Kinh tế huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ: Theo tôi, nếu chỉ vì lợi ích cá nhân trong thời buổi hội nhập kinh tế hiện nay thì không thể phát triển bền vững được. Người nuôi và nhà chế biến xuất khẩu phải thật sự đồng cảm nhau. Vai trò của Hiệp hội chính là tạo ra sự gắn kết, đồng cảm trong mối quan hệ này. Việt Nam gia nhập WTO rồi. Khi thực hiện cam kết thì không còn nhiều hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người nuôi như trước đây nữa. Vì thế, chính quyền cần quan tâm, củng cố và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của hiệp hội. Ngoài ra, cũng phải có sự gắn kết giữa người nuôi, nhà chế biến, nhà nước, nhà khoa học và sản phẩm phải chú ý vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thì mới có thể phát triển bền vững được.
* Ông Tô Việt Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex: Muốn xây dựng mô hình phát triển con cá tra bền vững ở ĐBSCL, tôi nghĩ, quan trọng nhất là sự phối hợp liên hoàn. Bởi các nhà máy nhỏ, cơ sở nhỏ mới có thể “bẻ kèo” lẫn nhau. Nhà máy lớn, cơ sở lớn không thể làm việc này. Từ đó, các nơi phải hợp nhất thực hiện nuôi với quy mô khép kín, kỹ thuật cao thì mới vượt qua ngưỡng trữ lượng kháng sinh. Có như vậy, nguyên liệu mới có thể đáp ứng nhu cầu chế biến; sản phẩm chế biến mới đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Ở đây, còn phải nói đến cái tâm và đạo đức trong nghề nghiệp kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu con cá tra.
***
Sự biến động thị trường cá tra xuất khẩu, phần do cơ chế thị trường thì đã rõ. Phần còn lại, doanh nghiệp và người nuôi cần nhìn nhận và xác định một cách nghiêm túc hơn về trách nhiệm của mình. Nếu làm được như vậy, cùng với việc quan tâm thỏa đáng của nhà nước về vấn đề quy hoạch, cơ chế chính sách, quản lý môi trường... thì mới mong con cá tra ở ĐBSCL ngày càng phát triển.
NHÓM PV KINH TẾ
Chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sú bền vững
Nguồn tin: PY, 25/06/2007
Ngày cập nhật: 27/6/2007
Trung tâm Nghiên cứu quan trắc- cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Phú Yên vừa tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sú bền vững cho nhân dân các xã Hòa Xuân Đông, Hòa Tâm, Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa).
Ông Bùi Đắc Thuyết (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) đã phổ biến cho người nuôi tôm các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, các yếu tố làm bùng phát dịch bệnh… đồng thời hướng dẫn các giải pháp phát triển nghề nuôi tôm sú bền vững ở ven biển.
NGUYÊN LƯU
Ngành Thủy sản tỉnh Ninh Thuận: sản xuất và tiêu thụ tôm giống tăng 33,3%
Nguồn tin: NT, 26/06/2007
Ngày cập nhật: 27/6/2007
Trong 6 tháng đầu năm qua, ngành Thủy sản tỉnh ta đã sản xuất và tiêu thụ được 3.400 triệu con tôm giống, trong đó có 3.100 triệu con tôm sú giống và 300 triệu con tôm thẻ giống, đạt 63% kế hoạch năm và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ phối hợp với ngành Thủy sản tỉnh Bến Tre và các tỉnh phía Nam, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm định giống gắn với thị trường tiêu thụ nên chất lượng, giá bán tôm giống được nâng lên.
B.T,Báo Ninh Thuận
Săn lùng cá “đại gia”
Nguồn tin: TT, 26/06/2007
Ngày cập nhật: 26/6/2007
TT - Với nhiều “đại gia” phía Bắc hiện nay, cá anh vũ đang là một đặc sản được săn lùng bởi đó là loài cá tiến vua ngày xưa, cực kỳ quí hiếm. Người ta đồn rằng từng có tay chơi bỏ ra 20 triệu đồng để biết mùi vị của cá.
Dọc các con đường, bờ sông ở TP Việt Trì, Phú Thọ, đâu đâu cũng thấy treo bảng “đặc sản cá”, “đặc sản cá anh vũ” và xe con từ khắp mọi nơi về đây để thưởng thức món ngon cực kỳ quí hiếm này. Hình của cá anh vũ được dán “tiếp thị” khắp các nhà hàng. Một con cá anh vũ được các nhà hàng ra giá ít nhất từ 700.000, 800.000 đến 1 triệu đồng/kg và thường phải đặt trước cả tháng may ra mới có.
Nhưng cũng phải khách quen và là các “đại gia” có máu mặt may ra mới có hàng. Khách vãng lai bao giờ cũng sẽ nhận được câu trả lời lịch sự của chủ quán là “hàng vừa mới hết ạ”. Tuy nhiên, một chủ nhà hàng thừa nhận khoảng chục năm nay họ không thu mua được bất kỳ con cá anh vũ nào nên chủ yếu chỉ phục vụ khách cá lăng, cá chiên là chính. Còn khách muốn thưởng thức cá anh vũ xin mời... xem ảnh được treo trên tường.
Huyền thoại về loài cá tiến vua
Làng chài Châu Hạ, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì nằm ngay cửa sông Lô, nơi có hàng trăm gia đình làm nghề chài lưới. Ông Nguyễn Bá Lưu, một ngư dân kỳ cựu, gia đình đã hơn chục đời làm nghề chài lưới ở ngã ba sông Bạch Hạc, cho biết mãi đến những năm sau này, thế hệ cha của ông, cá anh vũ cũng vẫn chỉ là đặc sản dành cho vua chúa, những người có quyền có chức...
Ông nói người ta thường chỉ đánh bắt được cá anh vũ vào thời điểm từ tháng mười đến tháng ba năm sau. Khi luồng nước trong vắt chảy xiết, thời tiết se lạnh thì cá anh vũ sẽ từ trong các hang ra kiếm ăn rất nhiều. Thức ăn của chúng là loài rêu, tảo bám trên các mỏm đá trơn trượt. Muốn bắt được cá anh vũ người ta phải dùng một cách duy nhất là đánh cụp. Cụp là loại rọ đặc biệt chuyên dùng riêng để thả sâu xuống lòng sông và đòi hỏi người thả phải có tay nghề mới có thể lặn xuống dòng nước sâu bắt được cá.
Vào mùa lạnh, mùa cá anh vũ ra kiếm ăn, nhiều ngư dân phải uống nước mắm, nín thở mà lặn thả cụp, mò cá.
Sau này, người ta nghĩ ra thêm nhiều cách khác để bắt cá như lặn xuống đáy sông, chui vào các hang động dùng xiên, vợt kích điện hoặc dùng cả cung tên bắn cá. Có nhiều nhóm ngư dân còn dùng cách nổ mìn để đánh bắt. Nhưng dù bằng cách nào thì số người bắt được cá này một vài lần vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo lời ông Lưu, những năm 1920 - 1960, ngư dân bắt được cá anh vũ nhiều nhất. Trong suốt mấy chục năm chài lưới, bản thân ông từng bắt được hơn chục con cá anh vũ. Mỗi con cá chỉ nặng hơn 1kg, con lớn nhất cũng chỉ nặng hơn 3kg. Bắt được con cá này mà đem thả vào nước không sạch vài giờ sau sẽ chết ngay.
Ông Lưu bảo cả cuộc đời mình ông từng thưởng thức được hương vị thịt cá anh vũ một lần. “Tiếc đứt ruột vì tiền nhưng lần đó tôi và gia đình đã quyết định ăn thử một lần để sau này có chết cũng không hối tiếc”.
Cá anh vũ cũng chỉ có một cách chế biến ngon nhất là hấp. Khi hấp không cần gia vị vì sẽ làm mất đi mùi thơm của con cá. Vi, vẩy cá mềm và rất giòn, ruột cá nhỏ như sợi chỉ, dài cả mét và ăn rất ngon. Cá ngon nhất là khối sụn môi như cái mõm lợn. Sụn rất giòn, thơm và tương truyền chữa được rất nhiều bệnh.
Sốt cá “đại gia”
Mấy năm gần đây, trong khi loài cá tiến vua này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và đi vào truyền thuyết thì lại đang có một “cơn sốt” săn lùng chúng rầm rộ để phục vụ nhu cầu tìm món lạ của các “đại gia” khắp nơi. Dân buôn cá thịt ở Việt Trì đặt cho cá anh vũ thêm một biệt danh mới: cá “đại gia”.
Chủ một nhà hàng đặc sản cá anh vũ ở ngã ba sông Bạch Hạc cho biết có nhiều “đại gia” ở Hà Nội gọi điện đặt hàng ông đòi thu gom tất cả cá anh vũ. Họ trả giá đến 3-4 triệu đồng/kg và sẵn sàng cho xe đến lấy cá ngay dù đêm hay ngày.
Mới đây, một “đại gia” ở TP.HCM bay ra Bắc, đến Việt Trì tìm cho được một con cá anh vũ để thưởng thức. Nghe đâu có một chủ quán hét giá đến 20 triệu đồng một con cá nặng gần 3kg nhưng “đại gia” này vẫn đồng ý mua ngay vì muốn biết loài cá cực kỳ quí này “nó như thế nào”.
Đầu bếp của một nhà hàng ở Bạch Hạc tiết lộ: số khách hàng may mắn được thưởng thức cá anh vũ thật cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi người ta “treo bảng cá anh vũ, bán cá dầm xanh” - một loài cá anh em với cá anh vũ. Chỉ khác nhau là anh vũ thì đuôi, vây có ánh đỏ, còn dầm xanh có ánh xanh nhiều hơn. Cá anh vũ quí hiếm hơn rất nhiều bởi giá trị dinh dưỡng, vị ngon và mức độ khan hiếm, còn cá dầm xanh vẫn có khá nhiều ở các con sông. Khách cũng mãn nguyện với món “tiến vua” được thưởng thức mà không biết mình vừa bị gạt vì làm sao biết chính xác được hình thù thật sự của loài cá này như thế nào.
Ông Nguyễn Bá Lưu nói: trước cơn sốt của loài cá “đại gia” hiện nay, để tạo thương hiệu cho nhà hàng mình, nhiều chủ nhà hàng đã sẵn sàng trả tiền công khá cao để mời ông ra đứng thuyết minh cho khách về cách đánh bắt cũng như kể các giai thoại về loài cá quí hiếm này trong lúc khách thưởng thức cá... dầm xanh. “Tôi không nhận lời vì không muốn lừa người khác làm gì” - ông bảo.
Chỉ tay về khu vực ngã ba sông, tàu bè đang qua lại, ông Nguyễn Văn Lãi, một ngư dân, nói ít ai biết được dưới đáy sông kia vẫn có mấy chục con người đang ngụp lặn trong dòng nước xoáy hi vọng tìm được một con cá anh vũ còn sót lại trong hang hốc nào đó. Theo ông, với “cơn sốt” cá tiến vua như thế này thì “những con cá anh vũ cuối cùng rồi cũng sẽ biến mất”.
Đã nhân giống thành công
Cá anh vũ có tên khoa học là Semilabeo obscurus, là loài cá cực kỳ quí hiếm, nằm trong nhóm bốn loài cá quí ở sông Hồng có nguy cơ tuyệt chủng, cùng với cá lăng chấm, cá chiên, cá bỗng, thuộc danh mục cấm xuất khẩu và 21 loài thủy sản bị cấm khai thác vô thời hạn theo danh sách của Bộ Thủy sản.
Theo nhiều giai thoại và các tài liệu từ xa xưa lưu truyền lại, cá anh vũ đã có từ hơn 4.000 năm trước và chỉ sống ở một nơi duy nhất là khu vực ngã ba sông Bạch Hạc - nơi ba con sông lớn gặp nhau là sông Lô, sông Thao và sông Đà ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Thịt loài cá này được xem là ngon hơn bất kỳ loài cá nào khác và cực kỳ quí hiếm, chỉ được dùng để tiến vua, còn thường dân mà dùng coi như phạm thượng.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Thủy sản) đang nghiên cứu và bước đầu đã thử nghiệm sinh sản nhân tạo thành công loài cá này.
VŨ BÌNH - QUỐC HỘI
Tuy Phước - Bình Định: Người nuôi tôm lại lao đao !
Nguồn tin: BĐ, 25/06/2007
Ngày cập nhật: 26/6/2007
Những cánh đồng nuôi tôm ở khu Đông Tuy Phước đang nóng. Sức nóng không chỉ do thời tiết mang lại, mà còn từ sự sốt ruột, ngán ngẩm, tuyệt vọng của người nuôi tôm nơi đây vì chuyện dịch bệnh tôm nuôi.
* Dịch tôm leo thang
Về Tuy Phước vào những ngày cuối tháng 6 này, vòng qua các xã thuộc khu Đông của huyện, vấn đề thời sự lúc này là nạn dịch tôm đang hoành hành. Dịch bệnh tôm đang làm đau lòng các hộ nuôi tôm và đau đầu các nhà quản lý, các cơ quan chức năng ở địa phương. Ở vụ nuôi tôm năm 2006, tình hình dịch bệnh tôm ở các vùng nuôi tôm thuộc huyện Tuy Phước đã phần nào lắng dịu, người nuôi tôm có lãi đôi chút. Bước sang năm 2007, mặc dù từ đầu vụ nuôi, bà con nuôi tôm đã chủ động tìm mọi cách phòng chống dịch bệnh tôm, song do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, dịch bệnh tôm nuôi đang ngày càng gia tăng.
Đến nay, các xã khu Đông Tuy Phước đã thả nuôi được 1.004 ha tôm, trong đó, nuôi bán thâm canh 111,6 ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến có thả xen thêm các loại thủy sản khác, theo khuyến cáo của ngành Thủy sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh đã lên đến 388,2 ha, chiếm gần 40% diện tích, tăng so với cùng kỳ năm ngoái 181,6 ha, chủ yếu tôm bị bệnh thân đỏ, đốm trắng và bệnh do môi trường. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng huyện Tuy Phước, dịch bệnh tôm năm nay bùng phát sớm và gây thiệt hại khá nặng nề cho người nuôi tôm ở địa phương này.
Đến xã Phước Hòa - một vùng có diện tích nuôi tôm khá lớn của Tuy Phước - chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được lãnh đạo xã thông báo: toàn xã đã có gần 85/327 ha ao nuôi tôm bị dịch bệnh tấn công phải thu hoạch sớm, và khả năng diện tích tôm bị dịch vẫn còn tiếp tục tăng. Ông Trần Phú Hữu, ở thôn Kim Đông, đang rầu rĩ bên hồ tôm đã bị dịch làm chết sạch. Ông không buồn tiếp chuyện khi chúng tôi hỏi về tình hình nuôi tôm. Được biết, hai tháng trước ông Hữu đã mở rộng diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến lên 10.000m2 với số lượng tôm giống thả nuôi là 6 vạn. Do thấy giá tôm tăng cao, khi tôm đạt trọng lượng khoảng 100 con/kg, ông bắt đầu bón thúc bằng thức ăn công nghiệp để sớm thu hoạch. Lập tức, tôm vừa lột vỏ đã lủi đầu vào mé nước rồi chết, thân đỏ như luộc. Số vốn vay mượn hơn 30 triệu đồng đầu tư cho hồ tôm đã bỗng chốc trở thành mây khói. Ông Hữu than thở: “Ngủ một đêm sáng dậy nhìn xuống ao tôm mà muốn… xỉu. Tôm chết nhanh lắm, không kịp trở tay”.
Ông Võ Thái Minh, cũng ở thôn Kim Đông, có ao rộng 5.000 m2, thả tôm giống được 20 ngày thì tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Ông cho biết: “Lúc đầu chỉ vài hồ tôm bị dịch bệnh, các trại tôm khác đã cảnh giác xử lý thuốc rồi thay nước… nhưng không ai cứu được con tôm. Từ đầu tháng 6 đến nay, hàng chục ao tôm trong vùng đều bị bệnh đen mang, thân đóng rong chết hàng loạt. Người bị thiệt hại ít nhất cũng mất 5 - 10 triệu đồng, cao nhất lên tới 30 - 50 triệu đồng vốn đầu tư”.
Còn tại xã Phước Thuận, đến thời điểm này cũng đã có gần 50/317 ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Ông Đặng Văn Mỹ, ở thôn Bình Thái, có diện tích nuôi tôm 1,5 ha, than thở: “Nuôi tôm bây giờ giống như đánh bạc vậy. Đã 3 năm nay tôi nuôi tôm nhưng chưa bao giờ biết mùi chiến thắng. Cứ sau mỗi mùa nuôi tôm thì nợ nần lại thêm chồng chất, nhưng đã lỡ theo nghiệp nuôi tôm thì phải quyết theo đến cùng”. Ngoài các địa phương nói trên, ở xã Phước Sơn diện tích tôm dịch đã lên đến 218/304ha; xã Phước Thắng 40/54ha.
* Vẫn trả phí cho bài học cũ!
Nghề nuôi tôm luôn ẩn chứa nhiều yếu tố may rủi. Con tôm nuôi bị dịch bệnh và chết hàng loạt là hiện tượng có vẻ như “đến hẹn lại lên” mà nhiều năm gần đây người nuôi tôm ở khu Đông Tuy Phước phải gánh chịu. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Kinh tế huyện kiêm Trưởng Trạm Kiểm dịch thú y thủy sản Tuy Phước: Nguyên nhân gây ra dịch bệnh tôm trong thời gian qua là do nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao; môi trường nuôi tôm lại đang bị suy thoái nghiêm trọng. Bên cạnh đó, người nuôi tôm vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của chất lượng con tôm giống trước khi thả nuôi, nên phần lớn số tôm giống thả nuôi đều chưa qua kiểm dịch. Ngoài ra, ở nhiều vùng nuôi tôm trong huyện, các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức, hệ thống cung cấp nước ngọt, xử lý nước thải vẫn chưa được quan tâm xây dựng, đã gây ra tình trạng dịch bệnh tôm lan rộng.
Một nguyên nhân khác cũng làm cho dịch bệnh tôm ở địa phương này bùng phát là do ý thức trong nuôi tôm cộng đồng của bà con chưa cao. Có hộ khi phát hiện tôm trong hồ bị dịch thì lén bơm nước ra ngoài làm lây lan dịch bệnh…
Khắc phục tình trạng dịch bệnh tôm nuôi là việc không hề đơn giản và cũng không thể từ phía riêng ngành Thủy sản, mà cần phải có sự hưởng ứng mạnh mẽ của cả cộng đồng nuôi tôm để thực hiện đồng bộ các biện pháp hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhà nước cần quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm để có thể triển khai các bước nuôi tôm bền vững…
Nguyễn Hân
ĐBSCL: ngư dân trúng mùa ghẹ biển
Nguồn tin: TT, 25/06/2007
Ngày cập nhật: 26/6/2007
TT - Mặc dù đang vào mùa mưa, biển thường xuyên động nhưng ngư dân ở Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau vẫn khai thác được rất nhiều ghẹ.
Hàng trăm tàu đánh bắt gần bờ “trúng lưới” với sản lượng 600-700kg/tàu/chuyến đi biển ba ngày. Ghẹ đã được ướp nước đá bán với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi tàu thu lãi ròng 8-10 triệu đồng. Một số tàu có trang bị hệ thống oxy để giữ ghẹ không chết, mang vào đất liền bán cho các nhà hàng với giá 50.000-60.000 đồng/kg (loại 2 con/kg).
Không chỉ khai thác ghẹ, ngư dân ven biển còn bắt ba khía sống bán cho các quán ăn. Do ba khía sống chế biến được nhiều món ngon như: nấu cơm mẻ, rang me, hấp bia... nên từ mức giá 10.000 đồng/kg đã đột ngột tăng lên 18.000-22.000 đồng/kg.
NGỌC DIỆN
Thủy sản Cà Mau: 6 tháng đầu năm 2007 đạt 160.000 tấn - 53,4% kế hoạch năm
Nguồn tin: CRTV, 20/6/2007
Ngày cập nhật: 25/6/2007
Tác động bước đầu của dự án Nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải (Ninh Thuận)
Nguồn tin: NT, 24/06/2007
Ngày cập nhật: 25/6/2007
Khởi công từ tháng 10-2001, Dự án Nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải có tổng mức đầu tư ban đầu là 42,892 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 26,539 tỷ đồng. Tuy nhiên do một số vấn đề phát sinh của dự án, ngày 19/8/2004 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 6303/QĐ điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 46,509 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, thời gian hoàn thành điều chỉnh tính từ năm 2000 đến năm 2005. Mục tiêu của dự án nhằm phục vụ cho việc chuyển đổi 151,8 ha đất trồng lúa kém hiệu quả ở Sơn Hải (Phước Dinh, Ninh Phước) sang nuôi tôm công nghiệp.
Anh Phạm Ngọt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ngành Thủy sản cho biết, đến nay các hạng mục công trình giai đoạn I của dự án về cơ bản đã được đưa vào sử dụng. Có thể nói đây là một thắng lợi quan trọng của ngành Thủy sản nếu biết dự án được triển khai trong điều kiện đầy khó khăn, trắc trở. Ngay thời gian đầu, chỉ sau nửa năm thi công thì vào tháng 4-2002, dự án đã phải tạm dừng lại để giải quyết khiếu nại về đền bù giải phóng mặt bằng và xử lý kỹ thuật, thay đổi bổ sung một số hạng mục công trình. Mãi đến tháng 8-2004, dự án mới tiếp tục tái thi công, như vậy tiến độ thi công đã bị chậm lại bằng khoảng thời gian 16 tháng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hạng mục chính của dự án bao gồm: Hồ chứa nước Núi Một, hệ thống đê bao phòng lũ, kênh dẫn nước mặn, kênh dẫn nước ngọt, trạm bơm cấp nước mặn, hệ thống điện và nhà quản lý. Dự án được chia thành 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn I, dự án thực hiện thi công các hệ thống công trình sau đầu mối như: Trạm bơm cấp nước mặn số 1, số 2; kênh dẫn nước mặn N1, N2; kênh dẫn nước ngọt từ đầu mối về xi-phông số 1; kênh dẫn nước ngọt sau xi-phông số 1 về cuối tuyến; nhà quản lý dự án; hệ thống điện và cống tiêu nước nội đồng. Hiện nay các hạng mục trên đã bàn giao đưa vào sử dụng. Còn lại đoạn cuối kênh tiêu lũ đông nam và kè chắn sóng bảo vệ trạm bơm số 1 đang được ngành Thủy sản tổ chức đấu thầu, dự kiến các hạng mục này sẽ hoàn thành trong năm nay với tổng dự toán là 36,906 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị xây lắp là 23,727 tỷ đồng và đền bù giải tỏa, hỗ trợ sản xuất là 8,411 tỷ đồng. Giai đoạn II của dự án gồm hạng mục hồ chứa nước Núi Một, đã thi công xong tràn xả lũ, còn lại do phải xử lý kỹ thuật nên chưa thi công đập đất, cống lấy nước, đập phụ và các công trình phụ trợ.
Hồ chứa nước Núi Một là công trình quan trọng trong dự án nên được ngành Thủy sản tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Tháng 5 năm 2002, thực hiện thông báo số 74/TB của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý công trình hồ chứa nước Núi Một, sở Thủy sản đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án phối hợp cùng Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ trường Đại học Thủy lợi (Chi nhánh miền Trung) tiến hành thiết kế kỹ thuật - dự toán lại đối với công trình đập của hồ. Công trình còn được Trung tâm tư vấn Khoa học Công nghệ phát triển Tài nguyên nước và trường Đại học Thủy lợi thẩm tra thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, đồng thời phản biện đánh giá khả năng thấm mất nước sang lưu vực khác là rất ít và trong khả năng cho phép. Để đảm bảo an toàn cho công trình, ngày 3-4 năm nay, UBND tỉnh tiếp tục có công văn gửi Hội đồng thẩm định Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thỏa thuận giải pháp kỹ thuật công trình đầu mối - hồ chứa nước Núi Một. Sau cuộc họp Hội đồng thẩm định, ngày 11-4 Bộ NN&PTNT đã có văn bản tham gia ý kiến giải pháp kỹ thuật cho đập Núi Một, trong đó có nội dung kết luận các phương án chống thấm cho nền đập do đơn vị tư vấn thiết kế đề ra đều đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật. Theo đó hồ chứa nước Núi Một có tổng dự toán do đơn vị tư vấn lập theo phương án chọn lại thời điểm hiện nay là 26,347 tỷ đồng, trong đó riêng các hạng mục đã xây dựng (tràn xả lũ, đền bù giải tỏa, chi khác) có tổng dự toán là 4,742 tỷ đồng. Còn lại các hạng mục chưa xây dựng có: Đập chính, đập phụ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ với tổng dự toán là 21,6 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Ngọt nói: “Dự án nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải sau khi hoàn thành sẽ có ảnh hưởng to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trước mắt dự án giai đoạn I đang tác động làm thay đổi hẳn bộ mặt đời sống xóm thôn Sơn Hải”. Chúng tôi được biết hiện nay trong vùng dự án có 70 ha đìa tôm nuôi của dân đưa vào sản xuất và dự kiến sắp đến sẽ có thêm 80 ha đất chuyển sang đào đìa nuôi tôm. Theo một cán bộ của Ban Quản lý dự án ngành Thủy sản, trước đây người dân tự bơm nước biển vào rất tốn kém, chi phí đầu tư bơm bình quân cho 1 đìa tôm hàng năm không dưới 100 triệu đồng (bao gồm máy bơm, đường ống, nhiên liệu…), bây giờ dự án cung cấp nước đầy đủ chỉ thu 8 triệu đồng cho 1 ha/năm, giúp giảm rất lớn về chi phí. Điều thấy rõ nhất là nhiều ngưòi dân địa phương được hưởng lợi.
Bạch Thương, Báo Ninh Thuận
Phú Yên: Triển vọng của mô hình nuôi tôm thâm canh
Nguồn tin: ND, 23/6/2007
Ngày cập nhật: 24/6/2007
Phú Yên có cơ hội phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững thông qua mô hình "xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm thâm canh bằng phương pháp sinh học". Ðó là kỳ vọng của một dự án khoa học đang được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Phú Yên thực hiện.
Dự án trên thuộc Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (GEF SGP) của Quỹ Môi trường toàn cầu có mục tiêu giảm thiểu những tác động của nghề nuôi tôm đến môi trường sinh thái vùng ven bờ và ngược lại, góp phần vào sự phát triển bền vững vùng ven biển Việt Nam.
Nhiều vùng nuôi tôm bị ô nhiễm môi trường phải bỏ hoang do không xử lý được nước thải là vấn đề bức thiết đối với người nuôi tôm, cũng là mục tiêu mà dự án này đặt ra để giải quyết. Ðó là hình thành công nghệ xử lý nước thải bằng tác nhân sinh học dùng cá rô phi và rong biển làm để giải quyết thức ăn thừa trong ao nuôi tôm mà không dùng bất cứ hóa chất nào và không phải xả nước thải ra bên ngoài nhằm hạn chế đến tác động môi trường.
Dự án được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện trong ba năm (2005-2007). Vào vụ nuôi tôm 2006, dự án đã triển khai xây dựng các mô hình trình diễn tại hai vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh là hạ lưu sông Bàn Thạch (Ðông Hòa) và đầm Cù Mông (Sông Cầu) với sự tham gia của tám hộ dân, là những người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm.
Các hộ tham gia dự án được dự án hỗ trợ thực hiện hai loại mô hình mẫu trên diện tích 5,5 ha. Ðối với loại mô hình 1, hồ nuôi tôm được ngăn lại một phần thả nuôi cá rô phi và rong biển, nước thải từ hồ nuôi tôm sẽ được chuyển sang ao nuôi cá rô phi và rong biển để xử lý. Ðối với loại mô hình 2, đăng lưới thả cá rô phi chung trong hồ nuôi tôm, giai lưới đăng đó có thể di chuyển trong hồ tôm để xử lý chất thải.
Trong quá trình thực nghiệm đó, hồ của ông Lâm Văn Chánh ở Xuân Hải (Sông Cầu) bị ảnh hưởng triều cường của cơn bão số 1 là vỡ hồ gây thiệt hại hoàn toàn và hồ của ông Nguyễn Văn Minh ở Hòa Xuân Ðông (Ðông Hòa) thả nuôi vào thời điểm tháng 5-2006, nằm trong vùng tôm đang bị dịch bệnh lây nhiễm không khống chế được nên sau hai tháng nuôi phải xả hồ chịu thất thu. Sáu hồ còn lại, thu hoạch cho năng suất từ 1,5 đến 3,6 tấn/ha. Những hồ dù có năng suất không cao nhưng nhờ chi phí đầu tư thấp nên đều có thu nhập khá.
Theo kỹ sư Hồ Văn Phước, Trưởng ban điều hành dự án, việc triển khai dự án trong thời gian qua được thực hiện ở hai địa bàn cách nhau khá xa nên việc theo dõi so sánh, đánh giá có những khó khăn nhất định. Tuy kết quả các hồ nuôi theo hai mô hình đều có hiệu quả, nhất là mô hình 1. Những hồ thả nuôi đợt đầu vào giữa tháng 3-2006 có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, chiếm từ 41 đến 71% so với vốn đầu tư, như trường hợp của ông Trương Công Khoa (Ðông Hòa) nuôi trên diện tích 0,9 ha thu 1,78 tấn tôm, 0,5 tấn cá và 0,8 tấn rong biển, lãi hơn 40 triệu đồng. Hơn nữa, nuôi theo phương pháp này sẽ cho sản phẩm tôm "sạch bệnh", đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của những thị trường "khó tính".
Dự án bước đầu cũng đã xác định được mật độ thả nuôi các tác nhân sinh học thích hợp để ứng dụng vào nuôi tôm thâm canh như đối với mô hình 1 là 3 cá rô phi và 300g rong biển/m2, và ba con cá rô phi/m2 đối với mô hình 2. Tại hội nghị sơ kết giữa kỳ của dự án, ông Nguyễn Văn Sáu ở Xuân Lộc (Sông Cầu), người tham gia dự án, cho biết: Mô hình 2 dễ làm, hồ tôm có mầu nước "đẹp" và ổn định nên trong vùng có 30 người học làm theo và đều có kết quả khả quan.
Bà Kim Anh, điều phối viên của GEF SGP cũng đánh giá cao triển vọng của dự án cả về hiệu quả kinh tế lẫn môi trường. Bà cho rằng, trong điều kiện môi trường nuôi tôm luôn biến động, những hồ tôm lân cận xảy ra dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt thì các mô hình thực nghiệm vẫn ổn định mặc dù các hồ nuôi tôm của dự án phải sử dụng chung nguồn nước, thì đó là một thành công đáng khích lệ, cần được đúc kết để nhân rộng.
Tuy có những kết quả bước đầu đáng phấn khởi song ở dự án vẫn còn những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời có luận cứ khoa học. Ðó là vì sao năng suất giữa các hồ nuôi chưa đồng nhất, phương thức thuần hóa cá rô phi từ nuôi nước ngọt sang nước mặn và thả vào thời điểm nào là thích hợp để cá có thể ăn hết chất thải, hoặc đăng lưới trong hồ với kích cỡ nào là phù hợp và khi cần thiết có thể di chuyển thuận lợi mà không bị hư hỏng. Mật độ tôm thả nuôi phù hợp với quy trình thâm canh để tăng hiệu quả kinh tế đồng thời ổn định môi trường cũng là vấn đề người nuôi tôm quan tâm.
Ở hồ tôm của ông Nguyễn Văn Lý ở Hòa Hiệp Nam (Ðông Hòa) có chỉ tiêu NH3 không ổn định và cao quá ngưỡng cho phép (có khi trên 4,2mg/lít) nhưng tôm vẫn phát triển và cho năng suất hơn 3 tấn/ha, chưa được lý giải. Một yêu cầu đặt ra nữa là làm sao việc thả nuôi trong cùng một vùng được thực hiện đồng loạt vào một thời điểm thích hợp để có sự đối chiếu, đánh giá chính xác hơn. Ðiều này cần có sự tham gia của cộng đồng thông qua tập huấn, hội thảo đầu bờ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.
Hy vọng trong thời gian còn lại, dự án có những thực nghiệm giải đáp được những vấn đề còn tồn tại, từ đó đúc kết thành quy trình mang tính khoa học để phổ biến rộng rãi cho người nuôi tôm dễ dàng làm theo. Ðiều này thành công chẳng những nâng cao hiệu quả của dự án mà quan trọng hơn sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho các vùng nuôi tôm gần 3.000 ha của Phú Yên nói riêng và nhiều vùng nuôi tôm khác của nước ta nói chung.
NGUYÊN TRƯỜNG
Sông Cầu (Phú Yên): 38 hộ dân đầu tư nuôi ba ba
Nguồn tin: PY, 23/6/2007
Ngày cập nhật: 24/6/2007
Tại huyện Sông Cầu hiện có 38 hộ ở 2 xã Xuân Cảnh và Xuân Hải đầu tư vốn thả nuôi trên 15.000 con ba ba giống. Đây là đôái tượng thủy sản nước ngọt mới được đưa vào nuôi ở huyện này.
Đánh giá bước đầu cho thấy nghề này phù hợp với điều kiện nuôi ở Sông Cầu. Ba ba sau 18 tháng nuôi trong hồ ximăng đã có thể xuất bán. Đã có hộ nuôi bán tỉa được khoảng 100 kg ba ba thương phẩm với giá 230.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, thu lãi trên dưới 100.000 đồng/kg.
KIỀU BA
Tuy An (Phú Yên): 65% hộ nuôi tôm có lãi
Nguồn tin: PY, 22/6/2007
Ngày cập nhật: 23/6/2007
Huyện Tuy An vừa cơ bản thu hoạch xong vụ tôm nuôi đợt một năm 2007 với tổng sản lượng được 300 tấn, trong đó riêng tôm thẻ chân trắng đạt 50 tấn. Năng suất bình quân của tôm sú đạt 8 tạ/ha, tôm thẻ chân trắng đạt 27 tạ/ha. Năm nay, nhiều hồ nuôi tôm thẻ chân trắng bằng phương pháp công nghiệp ở các xã An Ninh Tây, An Chấn và An Hải có năng suất đạt 140- 160 tạ/ha. Theo phòng Kinh tế huyện Tuy An, việc nuôi tôm ở huyện Tuy An đã tương đối ổn định do môi trường nước được cải thiện, dịch bệnh ít xảy ra. Mặc dù giá tôm bán ra năm nay không cao như những năm trước song nhờ năng suất cao nên 65% hộ nuôi tôm ở Tuy An có lãi, còn lại là hòa vốn hoặc lỗ không đáng kể.
KHẮC NHO
Bắt giữ hơn 3 tấn tôm nguyên liệu không đảm bảo chất lượng
Nguồn tin: SGGP, 22/06/2007
Ngày cập nhật: 23/6/2007
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu vừa kết hợp với Công an huyện Giá Rai kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát 83M1335 của Công ty Úc Xi (tỉnh Sóc Trăng). Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng vệ sinh thú y thủy sản đã phát hiện trên 3 tấn tôm nguyên liệu có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. Hiện các cơ quan chức năng đã tạm giữ số tôm chờ xử lý. Số tôm trên của Công ty Úc Xi mua từ Cà Mau đang trên đường về Sóc Trăng, đến khu vực ấp 1, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai thuộc địa bàn tỉnh Bạc Liêu thì bị phát hiện và bắt giữ.
Trần Minh Trường
Doanh nghiệp cạnh tranh giá, nông dân thiệt?
Nguồn tin: KTVN, 22/06/2007
Ngày cập nhật: 23/6/2007
ĐBSCL: giá tôm sú nguyên liệu giảm mạnh
Nguồn tin: TT, 21/06/2007
Ngày cập nhật: 23/6/2007
Giá tôm sú nguyên liệu ở các tỉnh khu vực ĐBSCL đang giảm 8.000-10.000 đồng/kg. Sáng 20-6, ở Bạc Liêu thương lái mua tôm tại các vuông nuôi quảng canh với giá 86.000 đồng/kg loại 40 con/kg. Loại 30 con/kg giá 106.000 đồng/kg và loại 20 con/kg chỉ còn 138.000-140.000 đồng/kg (giảm 25.000-30.000 đồng/kg).
Trong khi đó, do ảnh hưởng thời tiết mưa nắng bất thường, một số vuông tôm thả giống không sạch bệnh... nên tôm nuôi chính vụ khoảng hai tháng tuổi ở ĐBSCL đang thiệt hại nhiều. Tại Sóc Trăng, đến ngày 20-6 đã có trên 2.000ha tôm sú bị thiệt hại ở các huyện Mỹ Xuyên, Long Phú và Vĩnh Châu.
N.DIỆN
Tuy Phước (Bình Định): 83% diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh do môi trường ô nhiễm
Nguồn tin: Bình Định, 21/6/2007
Ngày cập nhật: 22/6/2007
Từ đầu năm đến nay, Tuy Phước có 388 ha tôm nuôi bị dịch bệnh, trong đó có 64 ha bị bệnh đốm trắng, còn lại 324 ha bị bệnh do môi trường, chiếm 83%. Một số vùng có diện tích tôm bị dịch lớn là Phước Thắng (75%), Phước Sơn (72%). Nguyên nhân của tình trạng này là do năm 2006 Tuy Phước không có lụt nên ao hồ không được tẩy rửa, nắng hạn nên độ mặn trong nước cao, nguồn nước ngọt ít và bị ô nhiễm do chăn nuôi vịt.
Diện tích nuôi tôm đã mắc bệnh dịch của Tuy Phước chiếm 64% diện tích tôm đã bị mắc bệnh dịch toàn tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, ngành thủy sản đã chỉ đạo các ngành chức năng Tuy Phước tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng hình thức nuôi tôm thân thiện với môi trường như: nuôi bán thâm canh ở những vùng trên đê, có nước ngọt; đối với vùng dưới đê thì nuôi tổng hợp tôm và các loại thủy sản khác kết hợp với trồng rừng ngập mặn; kết hợp nuôi trồng thủy sản với làm du lịch.
42% trong tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh thuộc về huyện Tuy Phước.
Nguyên Sương
Tiền Giang: Nghêu thịt bị ép giá; Thả Tôm sú xuống sông Cửa tiểu
Nguồn tin: Tiền Giang, 21/6/2007
Ngày cập nhật: 22/6/2007
Hiện nay, ngư dân vùng biển huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang bắt đầu vào vụ thu hoạch nghêu thịt. Tuy sản lượng nghêu thịt năm nay đạt khá nhưng ngược lại giá cả sụt giảm. Ở thời điểm này giá nghêu thịt chỉ ở mức 9000 đồng - 10.000 đồng/kg, giảm 6000 đồng/kg so với cùng vụ năm trước. Ông Huỳnh Văn Vinh, Trưởng Phòng Thủy sản huyện Gò Công Đông cho biết, nguyên nhân giá nghêu thịt sụt giảm là do các thương lái ép giá. Vì trước nay, người nuôi nghêu chỉ bán qua thương lái với giá cả do thương lái quy định. Địa phương chưa tìm được đầu ra ổn định cho con nghêu. Với mức giá này, người nuôi nghêu không có lãi. Tuy vậy, để hoàn trả các khoản chi phí, các ngư dân đành phải bán sân nghêu của mình .
Được biết, toàn huyện Gò Công Đông hiện có hơn 2400 ha nghêu, tập trung ở bãi biển Tân Thành. Qua thu hoạch, năng suất nghêu đạt khoảng 20 - 25 tấn/ha.
Thả Tôm sú xuống sông Cửa tiểu
Thực hiện chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi Thủy sản, ngày 15/6/2007, tại Cống Vàm Kinh, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Sở Thủy sản tỉnh Tiền Giang tổ chức thả 160.000 con tôm sú xuống sông Cửa Tiểu. Số tôm sú giống này do các Trại giống của các hộ dân ở huyện Gò Công Đông hỗ trợ. Việc thả nuôi thủy sản xuống sông rạch được Sở Thủy sản tổ chức hằng năm nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị cạn triệt và góp phần giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân khai thác thủy sản hợp lý. Được biết, Sở Thủy sản Tiền Giang còn có kế hoạch thả các loại cá nước ngọt vào Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười trong những ngày tới.
Chu trinh
Phải di chuyển lồng, bè nuôi thủy sản khi xuất hiện thủy triều đỏ
Nguồn tin: PY, 19/6/2007
Ngày cập nhật: 22/6/2007
UBND tỉnh Phú Yên vừa có công văn yêu cầu Sở Thủy sản, Sở Tài nguyên- môi trường, UBND các huyện ven biển Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa tăng cường theo dõi, chỉ đạo phòng tránh hiện tượng thủy triều đỏ (tảo biển nở hoa) nhằm hạn chế thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản. Theo đó, các địa phương ven biển tuyên truyền vận động nhân dân thường xuyên theo dõi chặt chẽ hiện tượng xuất hiện thủy triều đỏ; khi phát hiện hiện tượng này phải kịp thời báo ngay cho cơ quan chức năng biết để có biện pháp phòng tránh. Đối với chính quyền các địa phương, khi nhận được thông tin có hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện, di chuyển vào vùng biển của địa phương phải kịp thời thông báo và yêu cầu tất cả những người nuôi thủy sản trên biển chủ động di chuyển lồng, bè ra xa khỏi khu vực ảnh hưởng của thủy triều đỏ để tránh thiệt hại. Sở Thủy sản phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp phòng tránh, ngăn chặn hiện tượng thủy triều đỏ; phối hợp với Sở Tài nguyên- môi trường tổ chức quan trắc, kiểm tra, khuyến cáo khả năng xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ.
HOÀI THƯƠNG
Sông Cầu:Gần 24 ha nuôi tôm sú bị mất trắng
Nguồn tin: PY, 21/6/2007
Ngày cập nhật: 22/6/2007
Từ đầu vụ thả nuôi tôm sú đến nay, tại các vùng nuôi tôm thuộc các xã Xuân Hải, Xuân Lộc (huyện Sông Cầu) đã có gần 24 ha tôm sú thả nuôi bị mất trắng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Tôm thường bị chết sau khi được thả khoảng 15 - 30 ngày, do mắc các bệnh mang đen, thân đỏ, mềm thân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mực nước trong các đìa thấp, nhiệt độ biến động lớn giữa ngày và đêm, môi trường vùng nuôi ô nhiễm và tôm giống không qua kiểm dịch.
KIỀU BA
Cảnh báo ô nhiễm môi trường nuôi tôm
Nguồn tin: PY, 21/6/2007
Ngày cập nhật: 22/6/2007
Hiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho tảo ở các ao hồ nuôi tôm phát triển. Khi tảo tàn, xác tảo phân hủy gây ô nhiễm hữu cơ đáy ao. Một số mẫu tôm thu được ở hai huyện Đông Hòa, Sông Cầu bị ô nhiễm BOD5 cao gấp đôi ngưỡng cho phép. Tôm hùm lồng nuôi ở Vũng Rô bị bẩn thân, đen mang, đỏ thân chết rải rác. Ban phòng chống bệnh tôm đã thu mẫu kiểm tra để đánh giá nguyên nhân gây bệnh.
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa - Ảnh: P.V
KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM MẪU NƯỚC CÁC VÙNG NUÔI:
1. Về các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa thông thường (gồm độ mặn, nhiệt độ, pH, độ kiềm, tổng chất rắn lơ lửng):
Các vùng nuôi Xuân Cảnh, Phú Dương, Vũng Chào, Xuân Phương (Sông Cầu) có độ mặn cao trên 30%0; độ kiềm tại các vùng nuôi này ổn định ở mức thích hợp với các đối tượng nuôi, từ 115 – 120ppm; các chỉ tiêu khác cũng ở trong ngưỡng cho phép như nhiệt độ từ 29-310C, pH nước từ 7,95-8,2. Độ trong của nước biển trên 100cm. Tuy nhiên nắng nóng là nguyên nhân gây hiện tượng tảo trong các ao nuôi phát triển mạnh.
Các vùng nuôi ở vùng hạ lưu sông Bình Bá và đầm Ô Loan (Tuy An), vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) với các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa, độ kiềm… đều nằm trong ngưỡng cho phép.
2. Các chỉ tiêu về ô nhiễm môi trường:
Về ô nhiễm dinh dưỡng (gồm tổng Nitrat, Nitric, Amonia, Phosphat, tổng Phospho): Không phát hiện ô nhiễm dinh dưỡng trong các mẫu nước thu được.
Về ô nhiễm hữu cơ: Chủ yếu dựa vào các chỉ tiêu BOD5 và Chlorophyll-a: giá trị BOD5 trong các mẫu nước thu được ở Xuân Cảnh (Sông Cầu), Đa Ngư và Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) tăng cao hơn ngưỡng cho phép gần gấp đôi, chứng tỏ nước ao bắt đầu ô nhiễm. Có sự liên quan giữa BOD5 với chỉ tiêu Chlorophyll-a. Ở các ao có tảo phát triển mạnh, hàm lượng Chlorophyll-a tăng cao, thì giá trị BOD5 cao.
Về ô nhiễm Hydrosulfua: Tiếp tục phát hiện Hydrosulfua ở các mẫu nước trong ao ở mức cao, vượt ngưỡng cho phép. Việc giữ cho pH nước trong ngưỡng cho phép sẽ làm giảm tác hại của Hydrosulfua đối với tôm nuôi. Người nuôi cần sử dụng vôi định kỳ và đúng liều lượng để làm giảm ô nhiễm Hydrosulfua trong ao.
Về ô nhiễm vi sinh: Ở hầu hết các vùng nuôi không có ô nhiễm vi sinh, trừ mẫu nước thu được ở An Cư (Tuy An) có hàm lượng Vibrio tổng số tương đối cao, trên 10.102CFU/ml. Ở các hồ có sử dụng chế phẩm vi sinh thường xuyên, hàm lượng Vibrio tổng số trong nước thấp, trong khi hàm lượng tổng vi khuẩn hiếu khí rất cao.
LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ TÔM?
Qua phân tích các số liệu, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản khuyến cáo: Người dân cần sử dụng các loại hóa chất diệt tảo liều thấp định kỳ để giảm mật độ tảo, đồng thời sử dụng các chế phẩm vi sinh giúp phân hủy xác tảo và các chất bẩn ở đáy. Cần tăng cường bổ sung Vitamin C và các khoáng chất (Premix C) để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; sau các trận mưa rào phải nhanh chóng bón vôi để ổn định pH và tránh hiện tượng tảo tàn. Đối với nuôi lồng tôm hùm hoặc cá mú: Cần kiểm soát lượng thức ăn, treo túi vôi xung quanh lồng hoặc thường xuyên rải vôi xung quanh lồng để hạn chế chất vẩn cặn và sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Cần bổ sung thêm chất bổ và định kỳ dùng thuốc ngừa các bệnh nhiễm khuẩn. Hạ lồng tôm hùm ở mực nước sâu hơn và cách đáy biển ít nhất 1m; vớt riêng tôm bệnh tắm bằng các loại thuốc sát khuẩn như Anolyte, Formol, BKC, Formilan… theo liều lượng và thời gian hướng dẫn trên bao bì, đồng thời kết hợp trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn. Ngư dân cần quản lý tốt chất lượng thức ăn và số lượng thức ăn, cho thức ăn tươi sạch không dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước.
KS LÊ THỊ NỞ - Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.