Nguồn tin: TT, 8/2008
Ngày cập nhật:
17/8/2008
Những ngôi nhà yến
Đó là những ngôi nhà hoàn toàn không có người ở. Bề ngoài nhà chỉ được xây xong phần thô rồi thôi, không cần tô trát hoặc sơn phết. Trong mỗi ngôi nhà đều có máy phát ra âm thanh gọi bầy. Chiều chiều, chim yến nườm nượp bay về. Người ta đã làm hẳn "khách sạn", "phòng hộ sinh"... cho chim yến.
Có người đã mở công ty chuyên nuôi, xây dựng nhà yến. Có người chế tạo máy ấp trứng chim yến tự động đã đoạt giải tại hội thi sáng tạo. "Công nghệ nuôi yến tại nhà” đã hình thành ở nhiều vùng trên cả nước.
Những ngôi nhà "bí ẩn"
Nhìn bề ngoài xóm nhà yến ở ấp Khương Ninh, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) có mặt tiền trông giống như những căn nhà phố kế bên, cũng xây cao 3-4 tầng lầu. Nhưng khi nhìn kỹ mới biết phía sau mặt tiền nhà phố, chủ nhà xây nối dài những vuông nhà bít bùng, vách không cần sơn phết, xung quanh có nhiều lỗ thông hơi hình tròn cỡ miệng chén.
Đặc biệt có những ô cửa vuông hun hút, bên trong tối om. Một người dân ở đây nói chiều nào cũng vậy, chim yến bay về nườm nượp, đặc biệt những lúc mưa dông yến tụ về xóm nhà đó đen kịt.
"Lộc trời cho"
Tôi lân la vô nhà chị Năm Dành - một trong những chủ nhà yến. Chị lắc đầu quầy quậy khi tôi vừa hỏi thăm về nhà yến. Qua nhà kế bên gặp anh Mến chủ nhà, anh cũng kiên quyết từ chối. May mắn là lúc ngồi uống nước giải khát ở căn nhà đối diện, tôi gặp anh Mười Hai - người từng ở trong ngôi nhà yến thời thơ ấu hơn 20 năm về trước. Câu chuyện của anh đã dần hé mở những "bí ẩn" trong ngôi nhà yến.
Những ngôi nhà chim yến ở thị xã Gò Công
Anh Mười Hai kể: "Ngày xưa xóm này chỉ có mỗi nhà tôi là xây tường, có lẽ cũng do ba tôi có nghề thợ hồ. Nhà xây khá rộng, trên nóc có một căn gác nhỏ, ba tôi thường lên đó nghỉ ngơi, đọc sách. Bẵng đi vài năm, ba tôi lo làm ăn xa nên căn gác bỏ không, ít người lui tới. Trên đó trở nên hoang vắng, ẩm thấp, mốc meo tùm lum.
Một bữa rảnh rỗi, tôi và mấy ông anh bò lên gác chơi, bỗng thấy sao có nhiều tổ chim mắc trên vách gỗ, trong tổ có nhiều trứng nhỏ xíu. Sẵn tính nghịch ngợm, tụi tôi lấy trứng chim đem xuống nhà. Dè đâu ba tôi phát hiện mắng cho một trận rồi nghiêm cấm không cho tụi tôi lên trên đó nữa.
Khoảng năm 1998, ba chia nhà, đất cho tụi tôi. Anh Mười Một, chị Sáu, chị Năm Dành ở bên đó, tôi qua ở bên đây. Lúc đó tụi tôi cũng không hề hay biết "lộc trời cho" đang ở trong nhà mình. Khoảng năm 2002, anh Mười Thiết (chồng chị Sáu) có việc lên TP.HCM chơi. Tình cờ anh biết được có một món ăn thượng hạng gọi là yến sào, anh thấy sao nó quen quen, giống cái tổ chim yến trong nhà mình.
Anh về bò lên gác nhà gỡ thử vài miếng ra coi, thấy đúng là món yến sào. Anh cạy đúng một bao đem bán. Kể từ đó cứ đều đặn mỗi tháng một lần, anh âm thầm thu hoạch món lộc trời cho ấy đem bán cho các nhà hàng yến sào ở TP.HCM. Sau đó, mấy anh em trong nhà cùng nhau bắt chước anh Mười làm thêm nhà, tạo cảnh hoang vắng, giữ yên tịnh cho yến bay về. Do ở bên cạnh nên mấy anh em cùng được hưởng lộc trời cho. Giờ đây, nhà kế bên của anh Mến cũng xây thêm ngôi nhà yến để dụ chim về. Nghe nói anh cũng kiếm được bốn năm chục cặp, bắt đầu có thu hoạch lai rai".
Anh Mười Hai nói: "Thật ra các chủ nhà yến muốn giữ bí mật cho mình cũng không có gì lạ. Trước tiên là do tập quán làm ăn ở quê, họ không muốn bị ai dòm ngó, nói ra nói vô. Lại nữa, loài chim yến vốn quen với thiên nhiên hoang dã, các chủ nhà muốn giữ yên tĩnh để đừng "động", sợ chúng bỏ đi thì mất nguồn thu lớn".
"Khách sạn" chim yến
Giữa khu trung tâm chợ thị xã Gò Công, đoạn đường qua ngã tư Hai Bà Trưng - Võ Duy Linh, có một khu nhà phố chỉ mới xây xong phần thô rồi đóng cửa im ỉm. Buổi chiều trời mát, đứng từ xa đã nhìn thấy từng đàn chim yến bay lượn quanh khu nhà.
Chị Lê Thị Hoa, ở sát khu nhà, nói cả ba căn liền nhau đều của một bà chủ giàu có ở TP.HCM. Bà không ở đây, cứ cách 2-3 tháng mới xuống một lần, mỗi lần xuống đem theo xe tải chở cả bao tổ yến đem đi. Chị Hoa cho biết phong trào xây nhà nuôi yến rộ lên ở Gò Công gần bốn năm qua. Đầu tiên, bỗng đâu chim yến bay về tấp nập làm tổ trên nóc chợ Gò Công, số lượng ngày càng đông đúc. Những người biết nuôi yến tận dụng cơ may này xây nhà kế bên để dẫn dụ chim yến vào ở. Hiện nay nhà yến ở Gò Công có chừng hơn chục căn.
Tôi đi bộ vào khu phố, cứ cách 2-3 căn lại có một nhà đóng cửa bít bùng, trên vách chỉ chừa những lỗ thông hơi hình tròn. Anh Trần Văn Quang, một người dân trong khu phố, nói: "Lũ chim yến sướng thiệt, chủ xây nhà cho chúng ở rồi trang bị bên trong như khách sạn vậy. Có đầy đủ tiện nghi như tổ yến nhân tạo làm giường cho yến ngủ, có hệ thống phun sương làm mát nhà như khách sạn gắn máy lạnh, có lỗ thông hơi cho chim thở, có đĩa phát tiếng chim gọi bầy như người ta nghe nhạc, thậm chí chủ còn bỏ cả phân của chúng trước trong đó để tạo cảm giác ấm cúng (!), rồi giữ khung cảnh xung quanh yên tĩnh cho yến ngủ. Trời ơi, riêng việc gắn trang thiết bị bên trong cho yến ở tốn kém như làm khách sạn, tính ra cả trăm triệu đồng".
Anh Mến, một chủ nuôi yến ở Gò Công Tây, tiết lộ phải trang bị bên trong đủ mọi điều kiện cần thiết - theo kiểu nói của dân nuôi yến là "sang như khách sạn" - mới dụ yến về được. Nói rồi anh mở đĩa cho tôi nghe. Máy phát ra âm thanh tiếng chim yến gọi bầy nghe thật da diết, vang vọng như đang ở trong vách đá ngoài trùng khơi. Anh Mến cho hay đó là "nhạc" để dụ yến, phát qua những cái loa nhỏ xíu gắn gần tổ yến, rồi phải gắn lên trần nhà những hộp vuông bằng gỗ chuyên dùng phù hợp với tập quán của yến. Nói nôm na là ngăn phòng cho từng cặp vô ở. Muốn cho yến làm tổ phải làm trước cái tổ giả y như thiệt, yến tưởng tổ của chúng mới chịu vô ở. Làm một căn nhà ba tầng, "bỏ hoang" hai năm sau, nếu dụ được 50-60 cặp yến về ở coi như bước đầu thành công.
Dụ chim yến bay về
Năm 2002, khi đang học năm 2 đại học ngoại thương, Lê Danh Hoàng vừa học vừa làm hướng dẫn viên du lịch. Nhân một hội chợ, Hoàng được giao phụ trách đoàn doanh nhân Indonesia sang VN tham gia, trong đó có gian hàng tiếp thị công nghệ nuôi chim yến của tiến sĩ Elisa Nugroho - chuyên gia hàng đầu về chim yến của Indonesia.
Chuyến tham gia hội chợ đem đến thất vọng cho tiến sĩ Nugroho: khái niệm nuôi yến còn quá mới mẻ với người VN, số người đến xem gian hàng chim yến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoàng chợt lóe lên ý nghĩ táo bạo: Sao mình không nắm lấy công nghệ này để phát triển tại VN.
Hành trình tìm yến
Năm 2005, trong một lần đi nhìn trời tìm yến ở Phan Rang, Hoàng phát hiện cả bầy chim yến tập trung về rạp hát Thanh Bình. Hỏi thăm người dân quanh vùng, bà con nói yến về đây ở lâu rồi, từ 20 năm trước, lúc đó yến làm tổ trong rạp hát 19-4. Tới năm 2000, rạp hát này sửa chữa, đàn chim chuyển sang làm tổ ở rạp hát Thanh Bình, cách đó chừng 1km. Hoàng tiếp tục khảo sát thì thấy có khả năng gọi yến vào nhà và bắt đầu xây dựng một ngôi nhà yến tại đây.
Hoàng làm đúng theo "bài bản" đã học: xây một căn nhà thô, lắp hộp gỗ dưới trần nhà, tạo các lỗ thông hơi, mở giếng trời, trang bị hệ thống phát "nhạc" yến gọi bầy, hệ thống phun sương, làm ẩm, gắn tổ giả, tạo "mùi yến" thu hút bầy đàn… Rồi sau đó bỏ "nhà hoang" trong sáu tháng trời. Tới tháng thứ bảy vẫn chưa thấy bóng chim, Hoàng hơi hoảng. Tới tháng thứ tám yến vẫn chưa về, trong khi sách nói chỉ cần 3-4 tháng là có. Hoàng sốt ruột cứ cuối tuần là đi xe tốc hành đêm ra thăm nhà yến.
Một buổi sáng tinh mơ, vừa mở cửa ra, Hoàng bỗng nghe thấy tiếng chim vỗ cánh bay phành phạch. Trời ạ, 4-5 cái tổ yến mới hình thành. Ba tháng sau thì chim về ngày càng đông. Hiện nay, khu nhà yến này đã qui tụ gần 200 con về ở.
Tiếp tục hành trình tìm chim yến, Hoàng quyết định đầu tư hẳn ba căn nhà yến tại Gò Công (Tiền Giang). Lần này, duyên đến với Hoàng sớm hơn, chỉ trong ba tháng là có yến về. Hiện nay, chỉ riêng một căn nhà yến bốn tầng đối diện chợ Gò Công đã có gần 2.000 con trú ngụ, mỗi tháng thu hoạch hơn 1kg tổ yến. Năm 2004, Hoàng hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học với đề tài "Phát triển nghề nuôi yến ở VN hướng tới xuất khẩu". Cùng năm này, Hoàng thành lập Trung tâm yến sào Hoàng Yến Việt Nam (Eka Việt Nam, tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM)).
Vậy là "chàng trai yến" Lê Danh Hoàng bước vào cuộc làm ăn lớn hơn: nhân rộng mô hình nhà yến tại huyện Nhà Bè, Q.3 (TP.HCM), khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), Long Khánh (Đồng Nai)…
Chuyên gia lắp đặt nhà yến
Một cộng sự đắc lực của Hoàng là Trần Quốc Dũng, 27 tuổi, chuyên gia lắp đặt nhà yến. Dũng đưa tôi đi xem một căn nhà yến mà Dũng đang triển khai ở Bình Dương. Chủ nhà là một doanh nghiệp, cũng có máu mê… chim yến. Khu nhà yến này nằm bên cạnh một cánh đồng trống trải. Kế đó, chủ nhà đã cho xây một khu đồi núi nhân tạo cao khoảng 20m.
Dũng kể chủ nhà dự định xây khu đồi núi này để làm cảnh coi chơi thôi, ai ngờ tự dưng yến thấy "mát mẻ” nên tự bay vào. Lúc đầu ông chủ cứ tưởng dơi về làm tổ nên cũng không thèm ngó tới. Sau hai tuần số lượng chim bay về càng nhiều, Dũng tư vấn cho chủ nhà nên đầu tư nhà yến. Vốn có máu làm ăn, ông chủ này liền đồng ý.
Tôi vào bên trong khu nhà yến. Dưới ánh sáng mờ mờ, nhóm thợ đã lắp đặt xong phần hộp gỗ trên trần nhà. Vài người đang gắn các tổ yến nhân tạo. Các lỗ thông hơi đã được gắn "co" như ống nước, trong có màng lưới nhỏ xíu bịt ngang lỗ. Dũng nói các "co" này có tác dụng ngăn ngừa chuột bọ, rắn rết, các loài chim khác bên ngoài xâm nhập, sợ ảnh hưởng sự yên tĩnh của yến. Mé phải căn nhà là giếng trời thông cao chót vót ra ngoài, thành giếng được đắp vật liệu trông giống như hang động ngoài biển khơi.
Mở máy phát tiếng chim, âm thanh chim hót vang lên nghe như vọng về từ một nơi xa xăm. Đứng dưới "hang" nhìn lên nghe tiếng chim ríu rít, tôi có cảm giác đang đứng giữa hang động trên biển cả. Tới một góc nhà, mùi ẩm mốc bay lên. Công tắc điện bật lên, bất ngờ một luồng hơi sương phả ra mát rượi từ trong bóng tối mịt mù. Lúc này, tôi cảm thấy như đang đứng giữa đảo yến ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Dũng cho biết tất cả những ngón nghề này Dũng đều học được ở các chuyên gia Indonesia và Malaysia, nơi có nghề nuôi yến nhân tạo phát triển mạnh nhất khu vực. Tuy nhiên, Dũng phải sáng chế thêm nhiều công đoạn: phải cài đặt hẳn phần mềm phát tiếng chim, hệ thống phun sương, máy đo nhiệt độ… bằng "mã” tự động. Cứ cách chừng hai giờ là máy tự vận hành, liên tục từ ngày này qua ngày khác mà chủ nhà không cần phải chạy ra vô đóng mở.
Chính đặc điểm này bảo đảm yên tĩnh cho yến tự bay vào nhà. Song cũng chính yếu tố tự động đó đã gây thắc mắc cho bao người dân trong khu vực: những ngôi nhà này sao bí ẩn quá, quanh năm suốt tháng không có người ở mà cứ nghe tiếng chim kêu tối ngày, lâu lâu lại nghe có tiếng động lục đục, tiếng con gì kêu nghe sè sè, hệt như ngôi nhà ma.
Dũng hiện đang "cai quản" khoảng 50 căn nhà yến ở Bình Dương, Long Khánh, Gò Công, Côn Đảo, Vũng Tàu… Cứ hai tuần phải đi thăm một lần để kiểm tra máy móc có chạy đều không, trục trặc chỗ nào là khắc phục sửa chữa ngay. "Cực mà vui. Cứ thấy một cặp yến về là có cảm giác như đội nhà sút tung lưới một bàn thắng", Dũng bộc bạch.
Theo số liệu của Trung tâm Công nghệ sinh học (Đại học Thủy sản), trong tổ yến (còn gọi là yến sào) có 18 loại acid amin, đặc biệt trong đó có acid syalic và tyrosine có tác dụng phục hồi nhanh chóng các tổn thương khi bị nhiễm xạ hay chất độc hại, kích thích sinh trưởng hồng cầu. Tổ yến có tác dụng làm sạch phổi và các cơ quan hô hấp, giảm bệnh cúm và các triệu chứng dị ứng, chống lão hóa, hồi xuân, tăng tuổi thọ…
Tổ yến là một trong những món ăn quý hiếm trong hàng "bát trân" của người xưa, riêng món yến sào được dùng cho các vương phi, hoàng hậu tẩm bổ, giữ gìn khuôn vàng thước ngọc. Ngày nay, tổ yến được bán với giá 35-50 triệu đồng/kg tùy lớn nhỏ. Chủ nhà yến nào dẫn dụ được yến vô làm tổ coi như có được "vàng trắng" trong nhà.
(DƯƠNG THẾ HÙNG)
"Vương quốc yến sào"
Với sản lượng tổ yến (yến sào) thu hoạch được hằng năm chiếm khoảng 2/3 của cả nước, từ lâu Khánh Hòa được xem là một "vương quốc yến sào" ở VN.
Đi trên đại lộ Nguyễn Tất Thành đến những quãng đường đèo ôm sát biển, nhìn ra hướng biển Đông thấy hòn Nội và hòn Ngoại, người dân địa phương quen gọi thành tên chung là đảo yến. Đó là hai đảo có số lượng chim yến và tổ yến khai thác được nhiều nhất nước và chiếm phần lớn trong số hơn 2 tấn yến sào thu được hằng năm của Khánh Hòa hiện nay. Do đó, hai đảo yến cũng được coi như là "thủ phủ” của "vương quốc yến sào".
"Mở cửa" yến sào
Việc bảo vệ các đảo yến trước đây - nhất là ở hòn Nội, hòn Ngoại - thật nghiêm ngặt. Ngay cả việc "chiêu dụ” chim yến để nuôi lấy tổ, theo người dân ở cồn Ngọc Thảo (Ngọc Hiệp, Nha Trang), chỉ cách đây ít năm là một việc cấm. Hiện nay, hòn Nội, hòn Ngoại và nhiều đảo yến do Công ty Yến sào Khánh Hòa quản lý đã được "mở cửa" khai thác du lịch, cho du khách tham quan. Tour du lịch này đã trở thành sản phẩm du lịch mới của tỉnh và khá hấp dẫn với nhiều du khách trong, ngoài nước khi đến Nha Trang. Yến sào và nhiều loại sản phẩm được chế biến từ yến sào sản xuất ngày càng nhiều, phục vụ rộng rãi hơn cho nhu cầu của nhiều đối tượng tiêu dùng chứ không còn là "món độc quyền" của những bậc cao sang như trước.
Việc khai thác yến sào ở Khánh Hòa trong những năm qua không còn theo phương thức "kinh tế hái lượm" như trước nữa, mà đã được đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm rất nhiều phương thức để phát triển đàn yến, tăng sản lượng yến sào.Việc nuôi chim yến và phát triển nghề yến sào ở Khánh Hòa cũng đã không còn do Nhà nước độc quyền quản lý như trước đây.
Theo chủ trương cho phép đầu tư của tỉnh, mấy năm gần đây Công ty Yến sào Khánh Hòa đã hướng dẫn, hỗ trợ, đầu tư, chuyển giao công nghệ nuôi yến sào cho hàng trăm hộ dân và một số doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố. Trong đó, có nhiều người nuôi đã thu hoạch được yến sào. Riêng tại Khánh Hòa, hiện đang có 32 hộ và cơ sở được công ty hỗ trợ, chuyển giao công nghệ nuôi yến. Danh sách đăng ký tại công ty để được hỗ trợ nuôi yến còn dài hơn.
Khách sạn cho người và cho yến
Chúng tôi đến một khách sạn năm tầng ở đường Bà Triệu (Nha Trang), sau khi nghe khách ngỏ lời muốn được cho xem chỗ nuôi chim yến, chủ khách sạn mời khách vào thang máy. Lúc ra khỏi thang máy, đến tầng trên cùng của khách sạn, chị giới thiệu: "Đây là chỗ nuôi chim yến của gia đình. Chim yến nuôi đúng là được ở sang như du khách!". Chị cho biết khách sạn được xây dựng năm 2006, khi xây xong nghe Công ty Yến sào Khánh Hòa giới thiệu, hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến, chị đã dành nguyên tầng trên cùng gồm ba phòng khá rộng và che luôn khoảng sân thượng để làm "khách sạn" cho chim yến. Tất cả các tầng còn lại dành làm khách sạn cho du khách. Năm ngoái chị đã thu được một số tổ, hiện trên các phòng nuôi vẫn còn nhiều tổ yến chưa thể gỡ để giữ cho chim yến con đang ở nhằm tăng thêm đàn.
Ở một gia đình khác, tại cồn Dê nằm giữa lòng sông Cái, thuộc khóm Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp (Nha Trang), cũng vừa mới xây xong ngôi nhà hai tầng dành cho chim yến. Chủ nhà kể từ hồi còn ở đảo Trường Sa cách nay hơn chục năm, khi thấy các loài chim vào trú ngụ trên đảo, sau đó được xem thêm một chương trình truyền hình giới thiệu về nghề nuôi chim yến ở Thái Lan, anh đã thấy rất thích nuôi chim yến. Vì thế, khi được hướng dẫn thiết kế nhà nuôi, anh đã đầu tư mấy trăm triệu đồng để xây ngôi nhà kiên cố này nuôi chim yến.
Anh cho biết nhân viên kỹ thuật của Công ty Yến sào Khánh Hòa chỉ mới đưa xuống thả nuôi trong ngôi nhà 20 con chim yến được nuôi ấp nhân tạo tại Trung tâm Kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến Sanatech từ hôm 2-8 vừa qua, thế nhưng chỉ sau mấy hôm đã có 60-70 con chim yến kéo về trú ngụ. Từ nóc ngôi nhà yến vang lên khá nhiều tiếng kêu của loài chim yến, một nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Sanatech cho hay đó là tiếng chim yến phát ra từ loa để dụ chim yến về, phía trên ngôi nhà có một số chim yến bay lượn rồi lao thẳng qua ô cửa sổ trống để chui vào bên trong...
Còn có nhiều hộ khác ở Nha Trang thuộc các đường Đồng Nai, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, xã Vĩnh Thái, Diên Khánh... cũng nuôi chim yến và số chim "định cư” tại mỗi nhà có từ mấy chục đến mấy trăm con. Nhiều hộ khác cũng bắt tay xây nhà chim yến với kỳ vọng có được "vàng trắng" trên vùng đất "vương quốc yến sào".
(PHAN SÔNG NGÂN)
Đất lành, yến đậu
Đầu năm 2004, các diễn viên của Đoàn Ca múa nhạc Ninh Thuận tình cờ phát hiện nhiều tổ chim yến trên trần nhà của trụ sở đoàn (592 Thống Nhất, thành phố Phan Rang). Hơn nửa năm sau, anh Võ Thái Lâm đã đề xuất với UBND tỉnh thực hiện dự án bảo vệ và phát triển đàn chim yến tự nhiên tại ngôi nhà này. Công ty TNHH Yến Việt ra đời vào tháng 4-2005. Ngôi nhà được cải tạo theo hướng dụ đàn chim: toàn bộ lỗ thông gió, cửa sổ được bít kín chỉ chừa một khoảng trống lớn trên cao để chim ra vào, tường vách được sửa chữa lại nhằm tăng độ cách âm, hệ thống máy phun nước dạng tia được lắp đặt ở nhiều vị trí trong ngôi nhà liên tục hoạt động... Anh Lâm giải thích: loài chim yến rất khó chịu nên muốn giữ chân chúng phải tạo được một không gian phù hợp về độ tối, nhiệt độ (khoảng 28 C), độ ẩm 95% và nhất là tránh tiếng ồn...
Đầu năm 2006, sau khi hơn 90% trứng chim yến của công ty được ấp nở nhân tạo với tỉ lệ chim con ra ràng lên đến 30%, giám đốc Lâm đã mạnh dạn khẳng định điều kiện phong thổ của Ninh Thuận hoàn toàn thích hợp để chim yến có thể di trú và định cư. Anh quyết định mua luôn ngôi nhà bên cạnh và tiếp tục cải tạo theo hướng xây tổ để dẫn dụ chim. Chỉ hơn tháng sau đó, khoảng 100 con đã tự động tách bầy sang sống ở tổ mới.
Với bầy đàn lên đến trên 4.000 con tại hai ngôi nhà yến hiện nay, giám đốc Lâm lại tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng thêm một ngôi nhà mới diện tích hơn 100m2 tại phường Tấn Tài (Phan Rang).
(LÊ TRƯỜNG)
Bí quyết tạo chim yến
Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng đưa chúng tôi tham quan "ngôi nhà bí quyết" của công ty. Đó là một trong năm cơ sở đang tạo ra chim yến hàng từ các máy tạo chim công ty đã nghiên cứu, áp dụng thành công.
"Phòng hộ sinh" chim yến
Căn phòng được đặt trên tầng hai một trong những ngôi nhà của Trung tâm kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến Sanatech thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa. Nhìn bên ngoài lẫn bên trong "phòng hộ sinh" chim yến đều có vẻ cũ kỹ, hóa ra do theo tập tính của loài chim yến nên phải thiết kế sao cho thật gần giống với môi trường sống của loài chim này ở những hang đá trên các đảo.
Vừa bước lên khỏi một đoạn cầu thang tối đã nghe vang đầy tiếng ríu rít của chim yến non đang phát ra. Đó là những chim yến được chào đời không phải bằng ấp ủ tự nhiên của chim bố mẹ, mà là nhờ các máy ấp trứng, máy nuôi chim và cả công lao chăm sóc từng giờ của những kỹ thuật viên Trung tâm Sanatech trong 52-57 ngày đêm, kể từ khi vừa nở ra khỏi vỏ trứng còn đỏ hỏn cho đến lúc chim chéo cánh, biết bay…
Trong thời gian đó, từng chim yến ấp nở nhân tạo đều được chăm sóc rất kỹ lưỡng, tất cả công đoạn đều lập thành chế độ, quy trình riêng theo số ngày tuổi của chim đã nở. Chẳng hạn như về nhiệt độ môi trường nuôi, thành phần và hàm lượng thức ăn, số lần cho chim ăn trong ngày (nhiều nhất là bốn lần/ngày đêm), chế độ dinh dưỡng khi chuẩn bị tập bay chờ ngày di đàn… đều khác nhau. Thế nhưng tất cả đều phải đảm bảo không thua môi trường tự nhiên thì chim mới sống, phát triển và hòa nhập khi di đàn đưa về với thiên nhiên hoặc đưa đến các nhà nuôi chim yến nhân tạo.
Các nhân viên kỹ thuật trung tâm phải làm thay thiên chức của chim yến bố mẹ, dùng những chiếc nhíp nhỏ gắp từng miếng mồi mớm tận miệng từng chim yến con đang nằm trong những chiếc ổ nhân tạo của máy nuôi chim hoặc gắn trên vách tường nhà có trộn cả dung dịch tạo mùi trong bêtông khi tô quét tường.
Máy tạo chim
Nhìn hình dáng bên ngoài máy ấp trứng trông giống như một chiếc tủ kính nhỏ với các bộ phận kèm theo có vẻ khá đơn giản. Thế nhưng đó chính là chiếc máy đã góp phần rất lớn trong việc mở ra các khả năng phát triển của công ty trong lĩnh vực nhân giống, nuôi chim yến nhân tạo. Chiếc máy này đã mang về cho công ty giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 9 (2006-2007).
Ngồi bên cạnh chiếc máy ấp trứng được đặt trong "phòng hộ sinh" chim yến nên chẳng mấy dễ chịu cho người, anh Nguyễn Khắc Thìn - phụ trách phòng khoa học công nghệ Công ty Yến sào Khánh Hòa - kể việc nghiên cứu nuôi chim yến nhân tạo của công ty được bắt đầu từ năm 2002. Khi đó, nhóm nghiên cứu kỹ thuật được giao nhiệm vụ phải tìm hiểu, nghiên cứu chế tạo cho được một chiếc máy ấp trứng có nhiệt độ thích hợp để ấp trứng chim yến thu nhặt ở các đảo được đưa về khi thu hoạch yến sào vụ 1 vào tháng tư hằng năm.
Theo tiến sĩ Lê Võ Định Tường - Phân viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên TP.HCM, VN đã có kết quả trong việc bảo tồn và khai thác bền vững chim yến hang, đặc biệt ở Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam…, song hầu như chưa có chiến lược phát triển nuôi chim yến công nghiệp trong nhà. Số lượng đàn chim yến hang hoang dã ở Khánh Hòa ước tính 500.000 con. Đàn yến Việt Nam có 750.000 con, trong khi Indonesia có đến 45 triệu con.
Thời gian qua, Phân viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên TP.HCM đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp nhà cũ vốn đã có chim yến ở TP.HCM và các địa phương. Phân viện cũng đã xây dựng được các mẫu nhà nuôi chim yến mới, đảm bảo các điều kiện sinh học, hóa học và khí hậu - vật lý, với các trang thiết bị điều khiển, bảo vệ hầu như hoàn toàn tự động đảm bảo tối ưu cho chim yến đến ở và làm tổ.
Đến năm 2005 chiếc máy ấy mới hoàn chỉnh sau khi mày mò nghiên cứu, thử nghiệm "gia - giảm" từng mức nhiệt độ thấp nhất là cộng (+) hoặc trừ (-) 0,10C. "Phải tìm ra rồi thử và ứng dụng với hơn hai mươi mấy thang nhiệt độ cách nhau rất nhỏ như thế mới đạt được kết quả”, giám đốc Lê Hữu Hoàng cho biết.
Nhóm cũng nghiên cứu được cả quy trình và tạo ra thiết bị công nghệ cảm biến tự động, thiết bị này sẽ ghi nhận nhiệt độ môi trường để phản hồi và tự điều chỉnh nhiệt độ của máy ấp trứng theo các thông số thích hợp đã được nghiên cứu thành công, đưa vào lập trình. Kể từ khi có chiếc máy ấp trứng với các chương trình tự động, các kỹ thuật viên làm nhiệm vụ theo dõi việc ấp trứng chim yến đã nhẹ gánh nhọc nhằn hơn rất nhiều.
Bởi ngay cả việc phải đảo bằng tay từng quả trứng được ấp như trước đây, bây giờ từng rãnh trong các khay đặt trứng để ấp đã tự động xoay trở theo đúng chu kỳ với nhiều kiểu xoay khác nhau đã được lập trình, cài đặt trong máy. Nhờ đó không chỉ giảm được công sức mà việc hấp thụ nhiệt độ trên từng tổ đã đạt được đồng đều và hiệu quả trứng nở đã được cao hơn.
Việc nghiên cứu, ứng dụng nuôi và ấp tự động hàng ngàn quả trứng chim yến vốn vẫn thường phải "hái tổ, đổ đi" khi thu hoạch yến sào, để nở thành những con chim yến hàng là một kỳ công. Nhưng để di dời số chim ấy sau khi biết bay đưa về các đảo hay các nhà nuôi chim yến để nuôi sống, gầy dựng, tạo đàn còn cần phải có nhiều bí quyết và kỳ công hơn nữa.
Chính nhờ những bí quyết và kỳ công ấy mà từ 40 hang yến sào tự nhiên trên tám đảo ban đầu, đến nay Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nhân giống, gầy được đàn chim yến hàng tại hơn 90 hang trên hơn 20 đảo trong toàn tỉnh. Ngoài ra công ty đang hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp chim giống cho hơn 100 hộ dân ở mười mấy tỉnh, thành phố trên cả nước.
(PHAN SÔNG NGÂN)
Sẽ thí điểm xây dựng làng yến
Ngày 5-8-2008, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đã trình UBND TP.HCM công văn xin chủ trương xây dựng đề án thí điểm nuôi chim yến trong nhà ở huyện Cần Giờ. Ông Nguyễn Trọng Liêm - phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM - cho biết:
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân sau khi làm việc với huyện Cần Giờ ngày 11-3-2008 về việc huyện xin được xây dựng làng nuôi chim yến, đã giao Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp với huyện Cần Giờ nghiên cứu và báo cáo cụ thể cho UBND TP xem xét quyết định. Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bên đi khảo sát thực tế về tình hình nuôi chim yến tại Bạc Liêu, Ninh Thuận, Khánh Hòa... Cần Giờ mới nuôi yến hai ba năm nay, chim yến đã đến làm tổ tự nhiên, vùng sinh thái này rất phù hợp với điều kiện nuôi chim yến.
Qua khảo sát, chúng tôi đã gửi báo cáo cho Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn TP.HCM và sở đã mời các sở ngành liên quan đến xin ý kiến về việc Cần Giờ đề xuất xây dựng làng nuôi chim yến. Các bên đều thống nhất đây là mô hình hiệu quả, cần thực hiện. Nhưng để làm tốt thì nên đi từng bước, không vội vàng phát triển hẳn thành một làng nghề mà chỉ bắt đầu ở giai đoạn thí điểm, để sau đó có những vấn đề gì nảy sinh thì nghiên cứu tiếp. Nếu việc thí điểm diễn ra tốt mới nhân rộng mô hình này ra.
* Việc nuôi chim yến trong nhà có ảnh hưởng gì đến việc bảo tồn thiên nhiên, môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là khi căn nhà bỏ hoang chỉ dành cho chim ở?
- Công ước quốc tế về động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng xác định chim yến là loài cần bảo tồn và phát triển. Theo Công ty TNHH Yến Việt tại Ninh Thuận - nơi chúng tôi khảo sát, tại các quốc gia nuôi chim yến trong nhà nhiều như Indonesia, Malaysia, Thái Lan…, người ta thường xuyên kiểm tra H5N1 trong phân cũng như huyết thanh của chim yến.
Cơ quan thú y của các nước cũng thường xuyên kiểm tra vệ sinh dịch tễ để phòng ngừa bệnh, bảo tồn phát triển cũng như thu lợi nhuận cao từ chim yến.
Riêng tại Ninh Thuận (nơi hiện đang phát triển chim yến nuôi trong nhà tương đối quy mô) cũng thường xuyên kiểm tra H5N1. Tại TP.HCM, cơ quan thú y đã đến lấy phân chim và huyết thanh về để kiểm tra thường xuyên, nhưng kết quả đều không có dương tính với H5N1.
Môi trường xung quanh khu vực nuôi chim yến trong nhà tại Ninh Thuận cũng như tại Tiền Giang mà chúng tôi khảo sát hoàn toàn không bị ô nhiễm. Mặc dù nuôi ngay trong khu dân cư ở trung tâm đô thị nhưng không có mùi, không tiếng ồn. Tiếng kêu của chim mỗi chiều về (như tiếng chuột kêu) phát tán trên trời nên không ồn ào gì lắm. Chim cũng không phát tán sang nhà khác do sinh sống tập trung theo bầy đàn. Các nhà nuôi chim lấy tổ thông thường cứ hai ngày một lần quét dọn để thu gom phân chim.
Từ khảo sát này chúng tôi thống nhất hiệu quả nuôi chim yến là rất tốt, nhưng cần quy hoạch khu vực nuôi chim yến cách biệt khu dân cư, chứ không ở lẫn với nhà dân như ở các nước hiện nay hoặc như tự phát tại một số địa phương ở VN.
* Tại sao khu vực nuôi chim yến phải nằm cách biệt khu dân cư, thưa ông?
- Vì ít nhiều mình vẫn còn e dè nguy cơ của dịch bệnh, lỡ có bùng phát trong khu dân cư thì việc xử lý sẽ hạn chế hơn so với khu vực riêng biệt. Chính vì vậy chúng tôi đã làm việc với Cần Giờ và chọn một khu vực riêng ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp. Đây là một khu vực mới hoàn toàn trên đất nuôi trồng thủy sản. Trước mắt chỉ thí điểm qui mô 10 căn. Hiện đã có bảy căn nhà nuôi chim yến đang nằm đan xen trong các khu dân cư do các doanh nghiệp và người dân tự nuôi. Nếu thành phố chấp nhận chủ trương, chúng tôi sẽ phối hợp với Cần Giờ xây dựng đề án thí điểm.
* Thực tế tại TP.HCM đã có nhiều nhà nuôi chim yến tự phát, chi cục có ý kiến gì về chuyện này?
- Chúng tôi chưa khảo sát, đánh giá xem trong nội thành TP.HCM có bao nhiêu nơi nuôi chim yến và hiệu quả ra sao. Riêng ở Cần Giờ, nếu để cách xa khu dân cư và thí điểm có kết quả tốt thì sau này việc mở rộng qui mô cũng dễ hơn. Nhà nước cũng dễ giúp các doanh nghiệp hình thành các khu vực nuôi chim, tiến tới hình thành làng nghề nuôi chim yến. Thái Lan đã xây dựng những khu riêng biệt như thế để nhà nước dễ quản lý dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh dịch tễ, cũng như đầu tư về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, tạo việc làm... tốt hơn nuôi rải rác. Việc nuôi rải rác như ở Cần Giờ hiện nay, mỗi nơi một vài căn, rất khó để Nhà nước quản lý.
* Vốn đầu tư nuôi chim yến cao, tính may rủi cũng nhiều vì có nhà chim không đến ở hoặc có người dụ được một thời gian thì chim bỏ đi. Trong khi đó vì lợi nhuận cao nên nhiều hộ lao vào nuôi chim yến như một phong trào. Vậy chi cục có khuyến cáo ra sao?
- Vấn đề này chúng tôi sẽ tính toán để đưa vào đề án tới đây nhằm phát huy cao nhất hiệu quả. Ví dụ đã xây nhà thì phải thu hút được chim, giảm thiểu rủi ro. Chúng tôi biết có những nhà nuôi không đúng kỹ thuật, nghề này nếu làm không đúng yêu cầu về mặt kỹ thuật cũng như chuyên môn thì không thể nào thành công. Các nhà chuyên môn đã nhận định không phải bất cứ ai cũng làm được, đây là một nghề đòi hỏi phải có kỹ thuật rất cao, những người tay ngang, không có điều kiện, không tiếp xúc học hỏi thì không thể nào đạt kết quả.
Đề án thí điểm buộc phải tính toán tới nhà đầu tư sao cho hiệu quả, kể cả các hộ dân cũng vậy. Một căn nhà nuôi chim yến xây ba tầng lầu, giá thành 600-700 triệu đồng, chưa tính tiền đất. Sở cũng đã nói rõ nếu TP chấp nhận chủ trương thì phải tính toán tới việc nhà đầu tư là ai, thật sự có năng lực và kỹ thuật cho dự án đạt hiệu quả.
VŨ THANH BÌNH thực hiện
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 256 257 258 259 260 261 262 263 264 265 266 267 268 269 270 271 272 273 274 275 276 277 278 279 280 281 282 283 284 285 286 287 288 289 290 291 292 293 294 295 296 297 298 299 300 301 302 303 304 305 306 307 308 309 310 311 312 313 314 315 316 317 318 319 320 321 322 323 324 325 326 327 328 329 330 331 332 333 334 335 336 337 338 339 340 341 342 343 344 345 346 347 348 349 350 351 352 353 354 355 356 357 358 359 360 361 362 363 364 365 366 367 368 369 370 371 372 373 374 375 376 377 378 379 380 381 382 383 384 385 386 387 388 389 390 391 392 393 394 395 396 397 398 399 400 401 402 403 404 405 406 407 408 409 410 411 412 413 414 415 416 417 418 419 420 421 422 423 424 425 426 427 428 429 430 431 432 433 434 435 436 437 438 439 440 441 442 443 444 445 446 447 448 449 450 451 452 453 454 455 456 457 458 459 460 461 462 463 464 465 466 467 468 469 470 471 472 473 474 475 476
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.