Nguồn tin: Lao Động, 01/03/2007
Ngày cập nhật:
1/3/2007
Mỗi năm cứ dịp xuân về, hàng trăm ngư ông sống dọc theo hai bên tả, hữu sông Mã lại chuẩn bị dụng cụ đi săn cá chép vào bờ đẻ trứng. Họ quan niệm những ngày đầu năm mới, ai may mắn úp được cá chép vật đẻ thì sẽ hanh thông trong làm ăn, gặp những điều lành trong cuộc sống. Song hiện nay trên dòng sông Mã đoạn qua huyện Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) mỗi khi đêm về lại xuất hiện những chiếc thuyền dùng máy nổ phát điện lưới để tàn sát nguồn cá, huỷ hoại môi sinh. Ngư tặc rất hung hãn, sẵn sàng tấn công bất cứ người hàng sông nào dám phản đối việc làm trái pháp luật của chúng.
Xem cá chép "tỏ tình"
Trời nhá nhem tối, ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn Cẩm Hoàng, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc bắt đầu lên gọng dập. Chiếc dập dùng để úp cá chép có hình thù gần giống cái vó, nhưng được làm vững chắc hơn. Màn đêm buông xuống, bóng tối bao phủ, tôi bước theo ông, tiến tới khu bãi đá Gò Bằng. Lúc này mới khoảng 20 giờ đêm, chẳng ai hẹn ai, nhưng dọc theo triền sông đã có rất nhiều ngư ông đang mai phục chờ vận may. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, ông Thuận khẳng định chắc chắn cá chép sẽ vào bờ vật đẻ. Rồi ông giảng giải rằng khi đi săn cá chép, còn gọi là cá gáy vượt xuân cũng phải chọn địa điểm. Tìm đúng vị trí thì mới có cơ hội úp được. Vì khi cá chép vào thường tìm nơi có rong, rêu, nước chảy rất chậm mới nhả trứng và rắc tinh trùng. Cá chép có thể vào bờ theo từng đôi, một con cái, một con đực. Nhưng cũng có lúc chúng vào theo tổ từ 7 đến 9 con. Và khi đã say trong "men tình" rồi thì chúng vùng vẫy như trâu vậy.
Đêm mỗi lúc một khuya, trời mưa phùn nặng hạt, gió rét. Tôi thắc thỏm ngồi chờ trong bóng đêm tĩnh mịch. Cái rét của đêm đầu xuân không còn cắt da, cắt thịt như những ngày chính đông nữa, nhưng cũng đủ làm cho lòng tôi cảm thấy bâng khuâng, trống trải. Không biết lúc này, các ngư ông đang nghĩ gì, riêng tôi thì chỉ muốn được chui vào chỗ nào đó đánh một giấc. Ông Thuận như đoán được suy nghĩ nên đưa chiếc áo bạt cho tôi ủ lên mình, mặc mưa phùn, gió bấc và đàn muỗi dày đặc vo ve bên ngoài. Ông bảo tôi, nếu ngủ cứ ngủ, khi nào có cá vào sẽ gọi dậy cho xem. Tôi co thân mình lại, nhưng kỳ lạ thật, nằm mãi mà vẫn không sao ngủ được.
Đâu đó vẳng lên tiếng rít thuốc lào kêu sòng sọc phá tan không gian vắng lặng. Cùng lúc, ông Thuận kéo tôi ngồi dậy nói rất khẽ vào tai, ngồi im và nhìn ra phía trước có một đôi "vợ chồng" cá chép đang dìu nhau vào bờ đấy. Thú thực với cặp kính hỗ trợ nhưng cũng phải mất ít phút sau tôi mới nhìn thấy hai chiếc vi ở trên sống lưng của đôi cá này nổi hẳn lên, rẽ sóng tình tứ đưa nhau vào mép nước. Chúng vô tư, thong thả bơi ngược với chiều nước chảy mà không hay biết đang có "kẻ thù" muốn săn bắt mình. Đôi cá tìm đến đám rêu cách chỗ chúng tôi ngồi khoảng 10m thì dừng lại quấn quýt lấy nhau. Tiếp theo một đôi khác, rồi 3 con nữa tiến vào bờ. Lúc này thì dường như bầy cá chép khoảng 7 con đang đứng trước nguy cơ nằm gọn trong dập của ngư ông có biệt danh "Thuận sát thủ". Ngay tức thì, ông Thuận cúi lom khom xách dập men theo mép nước, tôi rón rén đi theo sau. Tiếng đá sỏi kêu lạo xạo dưới lối bước chân không làm đàn cá bừng tỉnh. Chúng vẫn si mê bên nhau. Tôi nhìn thấy một con chép to như chiếc quạt mo bắt đầu nằm ngửa bụng trắng phau, rồi 2 con, 3 con... Chúng dùng vi đuôi vừa bơi ngược, vừa đập mạnh xuống đám rêu. Ông Thuận nói đó là lúc con cái đang nhả trứng ra từ đường lỗ rốn cho con chép đực bơi theo sau rắc tinh trùng.
Tôi đang thích thú nhìn đàn cá "yêu nhau" thì nghe rầm một cái. Ông Thuận đã "ra đòn" quyết định. Bên trong dập, tiếng cá vùng vẫy rất quyết liệt, chắc chắn đã có một vài chú không thể thoát nạn. Ông Thuận dùng đèn pin soi, trong dòng nước bị quấy đục ngầu vẫn nhìn thấy hai chú chép bị "dính bẫy". Cả hai con đều là chép cái, mỗi con nặng khoảng trên 3,5kg được ông Thuận buộc bởi một sợi dây dù to bằng đầu đũa ăn cơm rồi cột vào cây sào. Cứ tưởng trúng được 2 con rồi thì lão ngư sát cá sẽ về, nhưng không, ông tiếp tục quay lại chỗ cũ ngồi. Theo ông Thuận, khi con chép cái bị bắt rồi thì con đực vẫn tiếp tục vào bờ để thụ tinh cho trứng. Ngược lại, nếu con chép đực bị bắt, con cái thoát nạn thì trong đêm đó nó sẽ không vào nữa.
Tuyệt chủng cá chép
Cá chép thường đẻ trứng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12 âm lịch của năm trước cho đến hết tháng 2 âm lịch năm sau. Đó cũng chính là thời điểm mà hàng trăm hộ dân chài sống nhờ nghề sông nước mong chờ nhất. Với họ không đơn giản chỉ là đi săn cho vui, mà phía sau đó là cả một gia đình năm - bảy người chưa no cơm, lành áo. Từ đầu vụ đến nay, riêng ông Thuận đã úp được 50kg cá chép vượt xuân, bán được gần một triệu đồng. Khoản tiền đó đã giúp cả gia đình ông Thuận với 7 miệng ăn có một cái Tết đủ đầy. Một ngư ông ở xóm chài Thuyền Tôn thuộc thôn Tiến Ích, xã Vĩnh Quang than vãn rằng những người may mắn như ông Thuận chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
So với mấy năm trước thì năm nay cá chép vào bờ vật đẻ đã giảm đi một cách đáng báo động. Nhà ngư dân Nguyễn Văn Nhung cùng ở xóm chài Thuyền Tôn cũng đông con không kém gì vợ chồng ông Thuận. Mới hơn 40 tuổi, nhưng ông Nhung tiều tụy như cụ già ngoài lục tuần vậy. Ông không thể tiếp tục kiên nhẫn ngồi chờ đàn cá chép vào khu vực "phòng thủ" của mình nữa, vì đêm đã rất khuya, mưa mỗi lúc một nặng hạt. Lão ngư đứng lên về và buông lại một câu khá thê thảm: "Sáng mai không biết lấy gì cho mẹ nó đi chợ mua gạo cho bọn trẻ ăn đây". Không ai lên tiếng, nhưng tôi biết rất nhiều ngư ông đang chầu chực trên bãi sông này có cùng suy nghĩ với ông Nhung.
Ngư ông Nguyễn Văn Dũng kể: "Vụ cá cựa năm trước, tôi đánh được gần tạ, toàn chép bốn - năm cân. Năm nay, đêm mô cũng đi nhưng mới hai lần úp trúng cá. Nghề sông nước vốn dĩ rất nhọc nhằn nay lại tăng thêm phần khó khăn hơn bởi một số ngư tặc dùng điện lưới để huỷ diệt nguồn cá. Trứng cá chép mới đẻ ra bị dính điện là ung hết không thể nở thì sang năm lấy gì mà đi úp cá vượt xuân nữa". Ông Dũng đang phân bua với tôi trong đêm tối thì bỗng xuất hiện tiếng máy nổ. Lúc này khoảng 2 giờ sáng ngày 25.2, tức mùng 9 Tết, từ phía thượng nguồn có 3 chiếc thuyền thắp điện sáng trắng cả dòng sông Mã từ từ lao xuống. Những ngư ông đang ngồi dọc bờ săn cá chép vượt xuân tỏ vẻ rất tức giận. Một ngư ông nói: "Lại mấy thằng ở xóm chài Tân Tiến, xã Cẩm Tân dùng "củ điện" tận diệt cá". Tôi đếm, mỗi thuyền có khoảng 5 ngư tặc, toàn đàn ông. Ba chiếc thuyền này dùng máy nổ phát điện 220V, sau đó nối dây điện vào chân lưới đi hàng ngang giăng kín và quét xuống tận đáy sông.
Mỗi đêm như vậy, ngư tặc thu về không dưới một tạ cá các loại. Để tránh bị công an bắt, ngư tặc hoạt động không theo giờ giấc nào, hôm đánh ban ngày, hôm ban đêm. Đám ngư tặc này sẵn sàng chống cự lại những người dân chài dám lên tiếng phản đối hoặc báo cáo với cơ quan công an. "Nếu mình báo, chúng biết được thì chỉ có nước bỏ lên bờ sống. Đêm hôm giữa nơi hoang vắng này, chúng đi qua, luồn dây điện vào lồng cá nuôi của mình coi như xong. Ngày hôm sau tha hồ mà ăn cá chết. Không diệt được về mặt kinh tế thì chúng dùng đá ném nát nhà bè, cũng khó bề yên ổn làm ăn".
Qua tìm hiểu, được biết Công an huyện Cẩm Thuỷ đã nhiều lần ra quân truy quét những ngư tặc săn bắt cá bằng xung điện, "củ điện". Nhiều ngư tặc bị tịch thu thuyền, tịch thu máy móc sát hại nguồn cá. Nhưng rồi xong đợt truy quét, đâu lại vào đấy. Theo nhiều ngư dân phản ánh thì trước Tết, lực lượng công an huyện Cẩm Thuỷ đã bắt quả tang thuyền và "củ điện" của gia đình ngư tặc tên Liên ở xóm chài Tân Tiến, xã Cẩm Tân. Ngư tặc Liên không đến gặp cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc mà tiếp tục đầu tư tiền sắm luôn một bộ "củ điện" mới và hiện nay vẫn đang ngang nhiên tung hoành trên dòng sông Mã. Thú săn cá chép vượt xuân đối với các ngư ông bằng dụng cụ thủ công có ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của loài cá này. Nhưng nguy hại hơn vẫn là đám ngư tặc đang ngày đêm tàn sát dòng sông Mã.
Anh Tuấn
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản khác:
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 256 257 258 259 260 261 262 263 264 265 266 267 268 269 270 271 272 273 274 275 276 277 278 279 280 281 282 283 284 285 286 287 288 289 290 291 292 293 294 295 296 297 298 299 300 301 302 303 304 305 306 307 308 309 310 311 312 313 314 315 316 317 318 319 320 321 322 323
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.