• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông nghiệp có còn là “trụ đỡ” nền kinh tế?

Nguồn tin:  Báo An Giang, 20/11/2014
Ngày cập nhật: 22/11/2014

“Về mặt lý luận, chúng ta nói nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế tỉnh nhà, nói thế không sai nhưng trên thực tế nông nghiệp có còn là “trụ đỡ” hay không khi đời sống của đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo, nông sản làm ra vẫn khó tiêu thụ?…” – ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh An Giang, nêu ý kiến.

Lúa, cá đều gặp khó

Đến thời điểm này, An Giang vẫn là tỉnh thuần nông. Diện tích đất sản xuất hàng năm trên 660.000 héc-ta. Lúa và cá tra vẫn là 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh. Thời gian qua, bằng sự nỗ lực đầu tư, phát triển 2 mặt hàng này, sản phẩm làm ra của nông dân An Giang đã có mặt trên toàn thế giới, xuất khẩu mang ngoại tệ về cho tỉnh trên 600 triệu USD/năm.

Theo Cục Thống kê tỉnh, năm 2014, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh xuất khẩu gạo ước đạt 540.000 tấn, tương đương 240 triệu USD, tăng 18,8% về lượng và 21% về kim ngạch so cùng kỳ. Giá xuất bình quân khoảng 480 USD/tấn, cao hơn cùng kỳ 16 USD/tấn. Song nhìn chung, tình hình “sức khỏe” các DN tham gia xuất khẩu gạo trong tỉnh đều kém hơn so với trước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, các DN tham gia xuất khẩu gạo của tỉnh gặp khó khăn về thị trường, về giá xuất. Hiện nay, các hợp đồng tập trung không còn là chiếc bánh “béo bở” cho DN như ngày nào.

Sự cạnh tranh trong phân khúc thị trường gạo cấp thấp giữa gạo Việt Nam và các nước tham gia xuất khẩu gạo trên thế giới ngày càng diễn ra khốc liệt, buộc các DN phải suy nghĩ tìm ra một hướng đi mới, phù hợp với bối cảnh chung của thế giới hiện nay.

Đối với mặt hàng cá tra, 9 tháng của năm 2014, các DN trong tỉnh xuất khẩu đạt 255 triệu USD, bằng 83% so cùng kỳ. Giá xuất bình quân hiện nay 2.273 USD/tấn, tăng bình quân 55 USD/tấn so cùng kỳ. Theo đó, ước bình quân năm 2014, xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 156.000 tấn, kim ngạch 365 triệu USD (bằng 91,8% về lượng và 89% về giá trị so năm 2013).

“Với mức giá xuất cá tra trong năm nay đi các thị trường Châu Âu, Châu Á, Mỹ thì DN xuất khẩu không lời vì giá xuất tăng không đáng kể, trong khi chi phí ngày một tăng. Cụ thể, từ lương công nhân cho đến các loại phụ gia, hóa chất phục vụ cho chế biến đều tăng; giá nguyên liệu luôn trong tình trạng “nóng lạnh” bất thường, làm cho nhiều DN thua lỗ. Cái khó của ngành Thủy sản hiện nay còn là vấn đề tiền mặt. DN không có tiền mặt thì không mua được cá của nông dân”- một chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh cho biết.

Đời sống nông hộ bấp bênh

Gia đình ông Trần Văn Giàu (xã vọng Đông, Thoại Sơn) có 8 công đất làm lúa 2 vụ. Gia đình có 5 người, trong đó ông Giàu và vợ là 2 lao động chính. Vậy mà đã 10 năm rồi, gia đình ông vẫn bị cái nghèo đeo bám. “Cha mẹ đặt tên cho tôi là Giàu với mong ước con mình sau này giàu có lên từ chính mảnh ruộng cha mẹ để lại. Vậy mà đã gần 20 năm qua, kể từ ngày ông bà qua đời, tôi cố gắng làm hết sức mình, vậy mà cũng chẳng giàu lên được, bởi năm nào “được mùa thì lúa rớt giá” – ông Giàu tâm sự.

Không chỉ có những hộ làm lúa mà hộ nuôi cá tra, sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh cũng cùng chung cảnh bấp bênh theo thời giá. “Chúng tôi rất bức xúc trước vấn đề giá nông sản hiện nay. Nhà nước đã nhìn thấy nhưng đến nay, các giải pháp khắc phục tình trạng được mùa rớt giá xem ra chưa phát huy hiệu quả” - ông Phan Văn Thanh, nông dân huyện Phú Tân, bộc bạch.

“Trong bối cảnh hiện nay, muốn sản xuất phát triển, nông dân làm ra sản phẩm phải có nơi tiêu thụ, DN có nguồn nguyên liệu ổn định để xuất khẩu thì giữa nông dân và DN cần nhận thức và quán triệt một cách sâu sắc rằng, hợp tác để phát triển là con đường tất yếu cải thiện tình trạng nêu trên. Nếu nông dân tự làm, doanh nghiệp “tự bơi” mà cả hai không thua lỗ mới là “chuyện lạ” – ông Lê Thành Lập phân tích.

“Để nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế, tôi cho rằng, có 2 vấn đề quan trọng mà chúng ta phải thực hiện cho bằng được. Thứ nhất, việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản địa phương để trên cơ sở đó tái cơ cấu lại nền sản xuất dựa trên phương châm “có thị trường thì mới tổ chức sản xuất”. Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng cho các loại nông sản hàng hóa, giúp nông dân dễ tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra” – ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu phú, nói.

MINH HIỂN

Các tin mới:

22/11/2014
22/11/2014
22/11/2014
22/11/2014
22/11/2014
22/11/2014
22/11/2014
22/11/2014
22/11/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang