• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tây Ninh: Thiết bị phun thuốc trừ sâu hại mía của kỹ sư Hoà

Nguồn tin:  Báo Tây Ninh, 24/11/2014
Ngày cập nhật: 25/11/2014

Thiết bị phun thuốc sâu cho mía của anh Hoà có thể phun nước đạt độ cao từ 20 đến 50 mét và có thể đẩy dung dịch thuốc đi xa khoảng từ 80 đến 100 mét tuỳ theo hướng gió, nếu xuôi chiều gió thì độ vươn xa có thể lên đến 200 mét. Với các đặc tính kỹ thuật đó, xe máy kéo chỉ cần đi vòng quanh các bờ lô của ruộng mía cũng sẽ phun thuốc được toàn bộ ruộng mía có diện tích 1 - 2 hecta.

“Vào thời điểm tháng 6, 7 và 8 năm nay, dịch hại sâu đục thân cây mía bùng phát trên diện rộng tại các vùng nguyên liệu mía của Tây Ninh và cả Campuchia, phá hoại trên 9.000 hecta mía của nông dân. Mỗi cây mía bị sâu có từ 50 đến 200 con, chúng phá hoại với tốc độ rất nhanh, chỉ trong vòng 3 - 5 ngày, ruộng mía bị sâu tấn công có thể bị thiệt hại từ 10 - 50%, thậm chí có nơi bị thiệt hại tới 100%.

Trước tình hình đó, tôi và các cộng sự đã vắt óc suy nghĩ để chế ra một thiết bị có khả năng diệt trừ lũ sâu độc hại này”- kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà, hiện là Giám đốc Nông trường mía Thành Long (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) giới thiệu về “tác phẩm sáng tạo” mới của mình.

Thiết bị phun thuốc trừ sâu cho cây mía của kỹ sư Hoà.

Kỹ sư Hoà mô tả thiết bị mà anh đã chế tạo như sau: một bình chứa nước có thể tích thay đổi tuỳ theo công suất của máy kéo, thông thường từ 700 - 1.000 lít; một máy nén cao áp; 8 béc phun nước; một quạt gió công suất mạnh, có thể tạo ra áp suất cao.

Về nguyên lý hoạt động, quạt và máy nén được truyền động bởi trục thu công suất máy kéo (nói cho dễ hiểu là thiết bị chỉ hoạt động khi được kết nối với động cơ máy cày), tốc độ quay của quạt phụ thuộc vào công suất của đầu máy kéo. Dung dịch thuốc được nén lên ở áp suất cao chuyển thành các hạt nhuyễn li ti giống như hạt sương. Các hạt này được quạt gió thổi sâu vào trong ruộng mía và phát tán thành một vùng mù sương, làm ướt toàn bộ mặt lá mía, thấm vào nách lá để giết lũ sâu hại.

Thiết bị phun thuốc sâu cho mía của anh Hoà có thể phun nước đạt độ cao từ 20 đến 50 mét và có thể đẩy dung dịch thuốc đi xa khoảng từ 80 đến 100 mét tuỳ theo hướng gió, nếu xuôi chiều gió thì độ vươn xa có thể lên đến 200 mét. Với các đặc tính kỹ thuật đó, xe máy kéo chỉ cần đi vòng quanh các bờ lô của ruộng mía cũng sẽ phun thuốc được toàn bộ ruộng mía có diện tích 1 - 2 hecta. Do khả năng bơm và đẩy nước đi xa, thiết bị chẳng những dùng được cho việc phun thuốc trừ sâu bệnh, dưỡng lá, bón phân qua lá cho mía mà còn phục vụ chữa cháy rất hiệu quả.

Xét trên phương diện kinh tế và sức khoẻ, thiết bị phun thuốc trừ sâu nói trên tiết kiệm được chi phí mà người sử dụng cũng được giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc trong quá trình chăm sóc cây mía, không bị ngộ độc thuốc như khi làm theo phương pháp cũ- cầm vòi phun trực tiếp.

Thiết bị phun thuốc trừ sâu vừa được kỹ sư Hoà sáng chế còn giúp tiết kiệm nhân lực do chỉ cần sử dụng một lao động lái máy kéo duy nhất. Chức năng chính của thiết bị là phun thuốc trừ sâu hại cây mía nhưng cũng có thể áp dụng vào một số lĩnh vực khác như phun thuốc cho các loại cây trồng, phun thuốc diệt cào cào.

Theo lời kỹ sư Hoà, hiện nay trên thế giới chưa thấy có loại máy chuyên dùng cho việc phun thuốc trừ sâu hại cây mía. Ở các nước tiên tiến thì người ta sử dụng máy bay để phun thuốc cho cánh đồng. Tại Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng, từ trước đến nay bà con nông dân chủ yếu vẫn dùng máy phun thuốc sâu có gắn động cơ máy nổ dạng đeo vai, dung tích khoảng 15 - 20 lít và chỉ phun xung quanh các bờ lô với chiều sâu vào trong ruộng mía khoảng 10 - 15 mét.

Với chiều sâu giới hạn như vậy cùng với lượng nước chỉ khoảng 150 - 200 lít dung dịch thuốc cho mỗi hecta mía thì không đủ để tiêu diệt các loại sâu đục thân, bởi thuốc không vươn tới những cây mía ở bên trong.

Kỹ sư Hoà khuyến cáo, để có thể tiêu diệt sâu mía một cách hiệu quả, người trồng mía nên phun thuốc vào buổi tối, khoảng từ 18 giờ tới 9 giờ sáng hôm sau là tốt nhất, vì trong khoảng thời gian này trời ít gió, thuận lợi cho lũ sâu bò ra ngoài cắn phá cây mía.

Tuy vậy, buổi tối thường có mưa nên cũng dễ làm rửa trôi thuốc, bà con nông dân nên cố gắng phun thuốc từ 3 giờ sáng tới 9 giờ sáng hôm sau là tốt nhất. Khi trời có gió, nên phun thuốc theo chiều xuôi gió để thuốc vào càng sâu trong ruộng mía càng tốt. Căn cứ kết quả thực nghiệm, kỹ sư Hoà cho rằng người trồng mía nên sử sụng loại thuốc đặc trị cho sâu đục thân (Dupont-Repathon) để vừa diệt được sâu vừa không gây ảnh hưởng tới loài thiên địch có lợi như ong mắt đỏ, bọ kìm, kiến 3 khoang…

Kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà là cái tên không còn xa lạ đối với nhiều bạn đọc báo Tây Ninh. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, chế tạo, đến nay anh đã cho ra đời hầu hết các thiết bị được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh. Tinh thần học hỏi, sự đam mê và tính sáng tạo không ngừng đã mang lại thành công cho người kỹ sư ham mê sáng tạo này.

Anh Hoà đã nhận được rất nhiều giải thưởng liên quan đến khoa học kỹ thuật ứng dụng. Năm 2012, tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Tây Ninh lần thứ VII, kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà cùng lúc giành được hai giải thưởng với 2 loại thiết bị do anh chế tạo ra, đó là thiết bị phun thuốc cao su (giải Nhì) và thiết bị cày sâu bón phân bằng mô tơ thuỷ lực (giải Ba). Năm 2013, anh Hoà tiếp tục chế tạo thành công nhiều thiết bị khác như: máy bón phân vi sinh không bụi, máy “tăng bo” mía thay cho xe bò và cải tiến máy bón phân cho cây cao su.

Những thành công có được từ sự say mê tìm tòi sáng tạo ấy không chỉ đem lại niềm vui, lợi ích kinh tế và cả danh tiếng cho kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà mà còn góp phần không nhỏ cho lợi ích xã hội, giúp bà con nông dân giảm bớt cường độ lao động và sự tiêu hao sức khoẻ trong sản xuất nông nghiệp. Anh cho biết, từ khi chế tạo thành công thiết bị phun thuốc trừ sâu hại mía nói trên, anh đã bán ra thị trường được 12 chiếc với giá trên dưới 65 triệu đồng mỗi chiếc.

VIỆT ĐÔNG

Các tin mới:

25/11/2014
25/11/2014
25/11/2014
25/11/2014
25/11/2014
25/11/2014
25/11/2014
25/11/2014
25/11/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang