Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 31/07/2014
Ngày cập nhật:
5/8/2014
Trong thời gian qua, giá hạt tiêu luôn ổn định ở mức trên 120.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 190.000 đồng/kg. Mức giá này đã khiến “cơn sốt” trồng tiêu tại địa phương “nóng” hơn bao giờ hết khi nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp những khuyến cáo của ngành chuyên môn đối với loại cây “khó tính” này.
Vườn hồ tiêu 3 năm tuổi của một nông dân ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song). Ảnh: Hồ Mai
Bạt đồi để trồng tiêu
Nhiều năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Lâm ở thôn 1, xã Chư K’nia (Chư Jút - Đắk Nông) quanh năm chỉ chăm sóc gần 1 ha hoa màu trên mảnh vườn trơ lì đá xám. Do đất vườn quá cằn cỗi nên ngoài cây ngô ra thì chẳng có cây gì sống được qua mùa khô quá khốc liệt nơi đây. Vậy mà năm vừa rồi, ông Lâm đã thuê máy san ủi, bóc đất đá đi nơi khác để lấy chỗ trồng tiêu.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn tiêu đã lên quá vai người, ông Lâm cho biết: “Năm ngoái, tôi trồng gần 300 trụ. Do đất trồng tiêu của gia đình tôi chủ yếu là đá xám nên việc cải tạo lại là rất khó khăn và tốn kém. Nhưng thấy giá tiêu cao, năm nay, tôi cũng cải tạo đất để trồng thêm 500 trụ nữa”.
Theo ông Lâm thì hiện tại, vườn tiêu của ông phát triển khá tốt. Ông nhẩm tính, với mức giá hiện tại thì một ha tiêu nếu cho năng suất tốt sẽ thu được khoảng 400 triệu đồng/năm, lợi nhuận gấp hàng chục lần so với cây hoa màu.
Còn gia đình ông Nguyễn Thanh Hải ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) cũng có 5 ha đất đồi. Những năm trước, hầu hết diện tích đất của gia đình ông hoàn toàn bỏ hoang vì xa nguồn nước, đất canh tác có độ dốc quá lớn. Vậy mà năm nay, thấy giá hồ tiêu quá “hấp dẫn”, ông đã thuê nhân công, máy móc về khoan giếng, bạt đất trên các lưng đồi để xuống giống tiêu.
Ông Hải cho biết: “Lâu nay thấy đất đai bỏ hoang lãng phí quá nên vụ này, tôi quyết định xuống giống muồng đen để trồng tiêu. Tuy mới đào hố, trồng trụ gỗ nhưng tôi cũng đã bỏ ra gần 400 triệu rồi đấy. Tôi dự tính là sau này nếu cây tiêu không sống được thì sẽ tiếp tục chăm sóc cây muồng đen để lấy gỗ”.
Không riêng gì ông Lâm, ông Hải bạt đồi để trồng tiêu mà hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ ở huyện Đắk R’lấp, Chư Jút, Krông Nô… còn chặt cà phê, cao su, điều… để trồng tiêu. “Cơn sốt” này không chỉ khiến cho đất sản xuất, trụ tiêu tăng giá đột ngột mà giống tiêu cũng trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.
Nếu hai năm trước, một đoạn thân dây hồ tiêu chỉ 10.000 đồng thì hiện nay giá đã lên đến 30.000-35.000 đồng. Còn đối với các bầu giống ươm sẵn, giá cũng tăng 2.000 - 3.000 đồng/bầu. Do giá tiêu giống tăng cao, nhà nhà đổ xô đi trồng tiêu đã khiến các cơ sở cây giống không cung cấp đủ nhu cầu nên nhiều nhà vườn còn kiêm luôn cơ sở bán tiêu giống.
Đặc biệt hiện nay, nhiều người chuộng mua dây thân cây hồ tiêu về trồng. Do đó, nhiều gia đình có vườn tiêu khoảng 1 năm tuổi, dây thân leo chưa phủ trụ, khi cắt bán đã mang lại nguồn thu nhập lớn.
Nhiều nông dân xã Đắk R'la (Đắk Mil) tiếp tục đầu tư tăng diện tích hồ tiêu mới. Ảnh: H.M
Cần sớm có giải pháp hợp lý
Tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu khiến ngành nông nghiệp tỉnh và giới chuyên môn lo lắng. Bởi nó không những gây thiệt hại trực tiếp đến lợi ích của người nông dân mà còn gây hệ lụy khôn lường đối với môi trường.
Hiệu quả kinh tế từ cây tiêu đã cho nhiều nông dân thu được tiền tỷ là thực tế nhưng không phải ai trồng tiêu cũng thành công. Bởi tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ kinh doanh cả hàng chục năm, vốn đầu tư ban đầu lớn.
Nhiều hộ gia đình đã ồ ạt đưa các giống tiêu không rõ nguồn gốc và nhiễm bệnh vào trồng, hoặc bố trí trồng trên những chân đất không thích hợp, thiếu quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… nên dẫn đến tiêu chết hàng loạt.
Còn đối với các hộ tự tạo hoặc mua giống thông qua người quen mà không có sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nên chất lượng không bảo đảm. Tình trạng này khiến cho năng suất, chất lượng hạt tiêu không đạt yêu cầu mà thị trường đòi hỏi.
Bên cạnh đó, lối canh tác tự phát theo kiểu “phong trào” sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là ở một số vùng, bà con đã chặt bỏ vành đai cây chắn gió trong khu vực sản xuất, vườn cà phê, phá rừng để dựng trụ trồng tiêu… khiến ngành nông nghiệp các địa phương không quản lý được.
Một vấn đề nữa là phần lớn các hộ trồng tiêu vì sợ tiêu nhiễm bệnh, giảm năng suất nên đã lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) thì đây chính là nguyên nhân khiến giá trị hạt tiêu Việt Nam thấp hơn so với Ấn Độ tới hàng chục ngàn đồng mỗi kilôgam.
Cũng theo VPA thì mới đây, nhiều nhà nhập khẩu gia vị lớn tại Đức, Hà Lan vừa gửi cảnh báo đến các doanh nghiệp Việt Nam về quy định siết chặt chất lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, thị trường châu Âu phát hiện trong hồ tiêu Việt Nam có dư lượng carbendazim khá phổ biến.
Đây là một chuyển hóa của chất benomyl được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm, rỉ sắt. Do đó, bắt đầu từ năm 2015, châu Âu sẽ đưa hoạt chất carbendazim vào danh mục cấm nhập. Nếu người trồng tiêu không sớm thay đổi, để tình trạng hồ tiêu nhiễm hoạt chất carbendazim còn kéo dài thì nguy cơ tiêu Việt Nam bị rớt giá, thậm chí bị tẩy chay ở châu Âu là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, đến năm 2015, tổng diện tích cây hồ tiêu trên toàn tỉnh sẽ là 6.000 ha. Tuy nhiên, đến nay, diện tích trồng hồ tiêu đã tăng vọt lên gần 13.000 ha. Những địa phương có diện tích hồ tiêu tăng lên nhanh chóng tập trung chủ yếu tại các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk R’lấp, Chư Jút…
Văn Tâm
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.