Nguồn tin: Kinh Tế Sài Gòn, 28/09/2014
Ngày cập nhật:
29/9/2014
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho bắp (ngô) biến đổi gen (BĐG) MON 89034 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (thuộc tập đoàn Monsanto của Mỹ). Như vậy, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi giống bắp này sẽ được tung ra thị trường. Ngành chăn nuôi (bao gồm cả sản xuất thức ăn và chăn nuôi) Việt Nam được gì từ cuộc chơi này?
Được gì?
Trước đó, ngày 11 - 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm đối với bốn giống bắp BĐG, gồm NK 603, MON 89034 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam và MIR162 và Bt 11 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam.
Phía những người ủng hộ cho rằng trồng bắp BĐG sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (bảy tháng đầu năm 2014 nhập khẩu bắp của Việt Nam đạt trên 2,6 triệu tấn, trị giá gần 690 triệu đô la Mỹ, tăng gần 140% về lượng và gần 89% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái), góp phần tạo điều kiện đưa ngành chăn nuôi phát triển theo.
Xét khía cạnh Việt Nam đang thiếu và phải nhập hàng triệu tấn bắp/năm để phục vụ cho ngành chăn nuôi, rõ ràng việc đưa cây bắp BĐG (ưu thế đặc biệt là năng suất cao hơn hẳn so với bắp lai truyền thống) vào sản xuất là quyết định đúng. Ngoài ra, tại một hội nghị gần đây, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết 20 năm qua, ngành chăn nuôi luôn duy trì được mức tăng trưởng khá cao, khoảng 6 - 8%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Dương, có được kết quả trên là nhờ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn duy trì được mức tăng trưởng 10 - 13%/năm, đưa Việt Nam thành quốc gia đứng đầu ASEAN và đứng thứ 12 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp được sản xuất ra (năm 2013 sản xuất được khoảng 17 triệu tấn).
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, khi nhìn vào thực trạng ngành chăn nuôi và ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mà phần lớn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài (FDI) “làm mưa làm gió”, câu hỏi được đặt ra là: “Việt Nam đang tìm gì trong chiến lược phát triển cây bắp BĐG?”.
Thực tế, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cả nước hiện chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi FDI đang hoạt động, chiếm 25% số doanh nghiệp cả nước (200 doanh nghiệp) nhưng nắm giữ đến 65-70% thị trường cả nước.
Trong khi đó, đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, phần lớn thị phần đã rơi vào tay của CP (Thái Lan), Japfa (Indonesia), Emivest (Malaysia)... Cụ thể, thống kê của Cục Chăn nuôi, cho biết doanh nghiệp FDI hiện chiếm trên 70% thị phần gà công nghiệp của cả nước, trong đó riêng CP chiếm khoảng 50% thị trường trứng gà và 30% thị trường thịt gà công nghiệp và khoảng 7% thị trường thịt heo của cả nước...
Với thực trạng được nêu ở trên, rõ ràng rất khó xác định được lợi ích kinh tế thật sự cho Việt Nam nếu cây bắp BĐG được phát triển trong nước theo như quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều gì đến với Việt Nam?
Vào tháng 9 - 2012, tạp chí khoa học Food & Chemical Toxicology (Mỹ) đã đăng tải kết quả nghiên cứu của nhà sinh học phân tử người Pháp Gilles - Eric Séralini thuộc Đại học Caen (Normandy, Pháp), cho thấy chuột được nuôi bằng bắp BĐG NK603 suốt hai năm liên tiếp đã mắc bệnh ung thư, dù sau đó có một số thông tin cho rằng kết quả nghiên cứu này chưa có bằng chứng xác thực.
“Theo tôi được biết, trên thế giới hiện chưa có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy con người sử dụng cây trồng BĐG có ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, cũng không có bằng chứng cho thấy an toàn”, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, trường Đại học Cần Thơ, cho biết.
Trong khi đó, nếu được phép trồng và sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì có một điều chắc chắn sẽ xảy ra, đó là gia súc, gia cầm sẽ tiêu thụ thức ăn có thành phần làm từ cây trồng BĐG. Vậy điều gì sẽ xảy ra đối với sức khỏe con người, nếu kết quả nghiên cứu của nhà sinh học phân tử Gilles-Eric Séralini là đúng?
Trao đổi với TBKTSG, ông Đệ cho biết trên thế giới hiện có hai quan điểm đối với cây trồng BĐG, bên ủng hộ, bên phản đối dẫn đầu trường phái phản đối là các nước Liên hiệp châu Âu (EU), cho rằng việc sử dụng thực phẩm BĐG là mối nguy rất lớn đối với sức khỏe con người, do đó họ phản đối nhập khẩu và sử dụng thực phẩm BĐG, kể cả trực tiếp và gián tiếp.
“Chúng ta là quốc gia xuất khẩu nông sản, cho nên việc sản xuất cây BĐG dù chỉ để sử dụng cho chăn nuôi thôi cũng có thể tạo ra phản ứng dây chuyền, đặc biệt là ở các nước EU - những quốc gia phản đối cây BĐG”, ông Đệ cho biết.
Xét ở một vài khía cạnh nào đấy, rõ ràng việc trồng bắp BĐG chưa hẳn là một lựa chọn đúng cho sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt Việt Nam là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu nông sản (theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước tám tháng đầu năm 2014 đạt 20,22 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái).
Chính vì vậy, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, cảnh báo cần có những nghiên cứu sâu hơn về cây trồng BĐG.
Không lo độc quyền giống bắp biến đổi gen
TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, cho rằng một số người lo ngại việc sử dụng và trồng giống bắp biến đổi gen (BĐG) do các tập đoàn đa quốc gia cung cấp sẽ dẫn đến độc quyền, áp đặt giá bán tăng cao cũng là điều hợp lý.
Tuy nhiên, theo ông Hàm, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam chưa có công nghệ sản xuất giống bắp lai, lúc đó ngành nông nghiệp trong nước cũng mạnh dạn cho các công ty giống của nước ngoài vào. “Thời điểm đó, cũng từng có lo ngại xảy ra độc quyền vì trong nước không có công nghệ đó. Thế nhưng, thực tế chẳng những việc lo ngại đã không xảy ra mà còn thúc đẩy việc nghiên cứu bắp lai trong nước phát triển và cuối cùng Việt Nam cũng làm chủ được công nghệ sản xuất giống bắp lai”, ông cho biết.
Theo ông Hàm, ngay cả khi Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống bắp lai rồi, thì hiện nay các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ mới chủ động được khoảng 30% giống, 70% còn lại vẫn phải do các công ty đa quốc gia cung cấp nhưng cũng không hề có độc quyền xảy ra.
Theo ông Hàm, tương tự đối với công nghệ BĐG, nó sẽ giúp nông dân làm giảm chi phí thuốc trừ sâu (bắp kháng sâu đục thân), tăng năng suất. Thế nhưng, nếu công ty cung cấp giống bắp BĐG vì độc quyền mà tăng giá bán giống, hay nói cách khác cái tăng của năng suất và giảm chi phí thuốc trừ sâu vẫn không bù được so với chi phí tăng giá của hạt giống, tức thu nhập sản xuất bắp BĐG không bằng bắp lai truyền thống. “Đương nhiên, nông dân sẽ bỏ công nghệ mới (bắp BĐG) quay về công nghệ cũ (bắp lai)”, ông Hàm cho biết.
T.C
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.