Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 28/10/2014
Ngày cập nhật:
30/10/2014
Nhiều giống trà hoa vàng quý bị người dân khai thác triệt để trong nhiều năm qua khiến loại cây này rơi vào nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn nguồn gen quý, Trung tâm Phát triển Lâm – Nông nghiệp Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư DIA (Hà Nội) triển khai Dự án “Trồng, bảo tồn, phát triển và ứng dụng sản phẩm cây trà hoa vàng” tại huyện Tam Đảo.
Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc đồng bộ, cây giống đạt chất lượng tốt, sinh trưởng và phát triển đồng đều.
Cây dược liệu quý
Trà hoa vàng (tên khoa học là Camellia Chrysantha) là loại cây dược liệu quý hiếm. Theo các nghiên cứu của Y học phương Tây, các hợp chất được chiết xuất từ lá và hoa của loại cây này có khả năng kiềm chế 33,8% sự sinh trưởng của các khối u, giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu, giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp, hạ đường huyết, chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu, điều trị tốt các bệnh về hô hấp, bài tiết. Hoạt chất của trà hoa vàng dùng trong điều chế thuốc kháng sinh, thanh nhiệt giải độc, tăng cường sức khỏe, tái tạo tế bào, làm tươi mới cơ thể. Ngoài ra, hạt của loại cây này có thể chiết xuất tinh dầu, dùng làm mỹ phẩm cao cấp, thực phẩm chức năng; gỗ cứng có thể làm hàng mỹ nghệ hoặc đồ dùng gia đình. Với hàng loạt công dụng, trà hoa vàng có giá bán rất cao trên thị trường. Hoa khô có giá trung bình là 15 triệu đồng/kg. Sau khi chế biến, đóng gói ở Trung Quốc, loại hoa này có thể được bán với giá 130 triệu đồng/kg, gấp gần 9 lần giá mua tại Việt Nam.
Trên thế giới, trà hoa vàng tự nhiên được tìm thấy ở các khu rừng có độ cao từ 100 – 1000m tại khu vực Quảng Tây - Trung Quốc và một số địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sơn Động (Bắc Giang), Ba Chẽ (Quảng Ninh), Ba Vì (thành phố Hà Nội),…Trong đó, Tam Đảo được các nhà nghiên cứu đánh giá là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của loại cây này. Quá trình điều tra tại Vườn Quốc gia Tam Đảo đã phát hiện và thống kê được có 16 loài trà hoa vàng, thuộc chi chè trong họ chè. Trà hoa vàng có dạng thân bụi đến gỗ nhỏ, cao từ 2 - 15 m, mùa hoa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Hoa của loại cây này có màu vàng tự nhiên rất đặc trưng, phân bố rải rác trong các khu vực rừng tự nhiên, ven khe suối...
Nguy cơ tuyệt chủng
Theo lời kể của ông Trần Văn Phượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Lâm – Nông nghiệp Vĩnh Phúc, bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, các thương lái Trung Quốc sang thu mua cây trà hoa vàng hoang dã của Việt Nam. Do chưa nhận thức được giá trị của loại cây này, người dân đã lên rừng thu hái hoa, thậm chí chặt hạ cành, đào nhổ cây bán cho thương lái Trung Quốc khiến việc tàn phá loại cây này diễn ra ở mức độ báo động.
Anh Nguyễn Ngọc Tú (Đại Đình, Tam Đảo) cho biết: “Trước kia, cây trà hoa vàng mọc rất nhiều ở bờ suối, ven rừng. Đến mùa đông, hoa nở vàng rất đẹp. Tuy nhiên, từ khi thương lái Trung Quốc thu mua, bà con lên rừng chặt về bán cho họ. Họ mua cả nụ, hoa, lá và cành, thậm chí mua cả cây chết. Cây gốc càng to thì giá càng đắt. Do bị khai thác quá nhiều, nên giờ người dân đi rừng không gặp nữa. Phải đi sâu vào trong rừng mấy ngày đường may ra mới có thể bắt gặp.” Thực tế, trà hoa vàng càng bị khai thác cạn kiệt thì giá của loại cây này càng cao. Tại thời điểm năm 2010, giá của nụ và hoa trà hoa vàng là 500 nghìn đồng/kg, đến năm 2012 tăng lên 2,5 triệu đồng/kg và giá bán hiện nay khoảng 5 triệu đồng/kg.
Dự án bảo tồn
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đảo chỉ có một số cơ sở, hộ dân thực hiện nhân giống trà hoa vàng theo hình thức thủ công cho hiệu quả thấp, tỷ lệ cây chết cao và chưa đưa được giá trị khoa học về mặt dược liệu ứng dụng vào thực tế.
Trước thực trạng đó, Công ty TNHH Đầu tư DIA đã đề xuất phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Lâm – Nông nghiệp Vĩnh Phúc thực hiện Dự án “Trồng, bảo tồn, phát triển và ứng dụng sản phẩm cây trà hoa vàng” tại huyện Tam Đảo. Anh Phạm Văn Tranh, Trưởng Ban Quản lý dự án cho biết, dự án bắt đầu được triển khai thực hiện vào tháng 6/2014, đến nay, đã giâm được trên 2 vạn gốc trà hoa vàng thuộc 5 loài: Tamdaoensis, Euphlebia, Camellia tienii, Camellia hakodae, Camellia Phanii. Dự án đang trong quá trình thực hiện thu gom, nhân giống, sàng lọc và trồng thử nghiệm, đánh giá kết quả (giai đoạn 1). Trong giai đoạn 2, sẽ tiến hành trồng nhân rộng và khai thác chính thức.
Về kỹ thuật giâm hom, anh Tranh cho biết: “Để giâm hom thành công phải thực hiện đầy đủ và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật cần thiết, từ khâu chọn cây mẹ lấy hom, giâm hom và tạo điều kiện thuận lợi để hom ra rễ và sinh trưởng tốt. Hom giống phải chọn từ các cành bánh tẻ không mang hoa và nụ của các cây trà hoa vàng khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh. Hom được cắt vào những ngày có nhiệt độ trung bình từ 20 - 30 độ C hoặc vào buổi chiều mát, nhằm mục đích để hom ổn định qua đêm. Chiều dài hom từ 5 - 7cm được cắt vát ở gốc, mỗi hom có từ 2 - 3 lá, được cắt bỏ 1/3 - 1/2 lá để giảm diện tích thoát hơi nước. Hom sau khi cắt được ngâm vào dung dịch Benlat nồng độ 0,15% nhằm giữ cho hom được tươi và tránh mất nước. Sau 10 - 15 phút vớt ra, ngâm phần gốc hom vào dung dịch kích thích sinh trưởng NAA trong một giờ, rồi cắm vào giá thể. Trà hoa vàng là loài cây ưa bóng nên cần đặt hệ thống giàn che có độ cao hợp lý tạo độ thoáng cho cây. Giàn che cần được phủ một lớp nilon để giữ nhiệt và ẩm, bên trên cần có lưới mờ với độ che bóng trong cường độ ánh sáng còn 40 - 50% để tránh ánh nắng trực xạ”. Đến nay, mô hình nhân giống cây trà hoa vàng bước đầu triển khai hiệu quả, tạo ra số lượng cây con có chất lượng tốt và đồng đều, có thể đáp ứng được nhu cầu về giống khi mở rộng diện tích trên quy mô lớn.
Dự án “Trồng, bảo tồn, phát triển và ứng dụng sản phẩm cây trà hoa vàng” tại huyện Tam Đảo được thực hiện nhằm mục đích ứng dụng sản xuất các sản phẩm có giá trị cao phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, do đặc tính cây trà hoa vàng có thể sinh trưởng và phát triển dưới tán rừng nên khi dự án triển khai rộng, có thể phủ xanh đất rừng, góp phần tăng giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Sau khi lựa chọn và nhân giống tốt, dự án sẽ cung cấp giống cho nhân dân địa phương, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hái; đồng thời thu mua sản phẩm của người dân, đảm bảo đầu ra, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nhân dân phương.
Bạch Nga
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.