Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 20/02/2014
Ngày cập nhật:
21/2/2014
Những ngày này, bên cạnh những nông dân có lúa Đông xuân chín sớm đang tất bật thu hoạch, thì nhiều ruộng lúa trong giai đoạn từ làm đòng đến trổ, bà con đang đối mặt với nhiều dịch bệnh gây hại, nhất là dịch rầy nâu bùng phát trên diện rộng và gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng trị.
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
Vào thời điểm này, dọc theo tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều ruộng lúa của nông dân đã xảy ra tình trạng cháy rầy do bị nhiễm rầy nâu với mật số cao. Theo bà con, để dịch xảy ra như thế này, một mặt là do sự chủ quan của nông dân, không xử lý kịp thời, để mật độ rầy tăng nhanh không kịp cứu vãn. Mặt khác, trong công tác xử lý còn thiếu chuyên môn, tính khoa học, khi phát hiện có rầy thì nông dân thường phun thuốc diệt trừ từ 4-5 lần, vừa tốn công, chi phí nhưng hiệu quả không cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và ô nhiễm môi trường, mà cháy vẫn hoàn cháy.
Nhờ làm tốt công tác quản lý rầy nâu bằng biện pháp sinh học mà gần 1ha lúa của anh Triều không bị rầy nâu tấn công.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện rầy nâu tuy có giảm so với lúc cao điểm (khoảng tuần trước), nhưng đây vẫn là đối tượng nguy hiểm gây hại trên lúa được ngành nông nghiệp và bà con nông dân đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương cùng với người dân đã nỗ lực tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phòng trừ rầy nâu như: đưa nước vào đồng ruộng kết hợp với phun các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng tình hình lúa bị nhiễm rầy nâu vẫn còn diễn biến phức tạp.
Anh Lê Vũ Minh, ở ấp 4, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy chia sẻ: “Thời gian đầu vụ, lúa phát triển rất đẹp, nhưng vào cuối vụ thì rầy nâu bùng phát và tấn công ồ ạt, khiến nông dân trở tay không kịp. Mặc dù đã phun thuốc phòng trừ rất nhiều lần nhưng đến nay rầy nâu vẫn tiếp tục hoành hành”.
Cùng với dịch rầy nâu đang hoành hành thì tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa Đông xuân đang có nguy cơ tăng mạnh do thời tiết xấu, đặc biệt là sương mù, không khí lạnh như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh lây lan, bất lợi cho lúa trong thời gian trổ bông, ngậm sữa… làm ảnh hưởng đến năng suất sau này.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Vụ lúa Đông xuân 2013-2014 toàn tỉnh xuống giống hơn 77.400ha, đạt 101,4% kế hoạch. Tuy nhiên, do nông dân xuống giống không đồng loạt, lựa chọn giống ít kháng sâu bệnh như: Jasmine 85, OM 4218, OM 4900, OM 5451, IR 50404… đã phát sinh sâu bệnh nhiều, nhất là rầy nâu. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây lúa, đến nay, tình hình rầy nâu có chiều hướng giảm nhưng với thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay thì khả năng bùng phát của dịch rầy nâu, cũng như nhiều loại bệnh hại khác sẽ khó tránh khỏi. Do đó, để có được vụ mùa thắng lợi, công tác chủ động phòng chống của cán bộ khuyến nông, người dân vào lúc này là rất cần thiết.
Hiệu quả từ giải pháp sinh học
Trong lúc nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh thời gian qua bị sâu bệnh gây hại, nhất là rầy nâu thì những chân ruộng ở hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thịnh Phát, ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A do có phương pháp phòng trừ rầy nâu hiệu quả nên cả ruộng lúa đều óng vàng, trĩu hạt, hứa hẹn một vụ mùa cho năng suất cao.
Anh Nguyễn Thanh Triều, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Các thành viên của HTX và hầu hết bà con khu vực này đều canh tác giống lúa jasmine, đây là loại giống nhiễm rầy nâu nặng nhất. Tuy nhiên, chỉ với biện pháp quản lý và phòng trị rầy nâu bằng thủ công nhưng hiệu quả mang lại rất cao, từ đó vấn đề cháy rầy không còn là nỗi lo của nông dân nơi đây”.
Phương pháp thủ công mà anh Triều cùng với nhiều bà con áp dụng chính là dùng nước để diệt rầy. Cụ thể, qua nhiều năm nghiên cứu, anh Triều hiểu được tập tính của rầy nâu là thường sinh sản sát chân ruộng, do đó, khi phát hiện có rầy nâu, anh tiến hành rút cạn nước trong ruộng ra và để khô khoảng 7 ngày. Thời gian trong ruộng không có nước, rầy di chuyển xuống sát chân lúa để sinh sản. Sau 7 ngày, anh Triều bắt đầu bơm nước vào ruộng với chiều cao mực nước khoảng 0,3m. Lúc này, trứng rầy sẽ bị hư, rầy cám sẽ chết do bị nhấn chìm trong nước. Sau 3-4 ngày bơm nước vào thì rút nước ra bình thường, tuy rầy không chết hoàn toàn nhưng lượng rầy còn sống sót chỉ là số ít nên không có khả năng làm ảnh hưởng đến lúa. Với cách làm trên mà 4 vụ Đông xuân đã qua, gần 1ha lúa của gia đình anh Triều không bị rầy nâu làm ảnh hưởng.
Do canh tác giống lúa dễ nhiễm rầy nâu nên anh Triều và các thành viên trong HTX thường xuyên được tập huấn về phương pháp phòng trừ rầy nâu, trong đó có biện pháp sử dụng nấm xanh theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, qua 2 lần sử dụng nấm xanh, anh thấy đây là cách làm tuy có hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều điều trở ngại. Chính vì vậy, hiện anh không còn dùng nấm xanh trong việc phòng trừ rầy nâu mà thay vào đó là cách làm thủ công của mình, tuy đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích.
Anh Triều cho biết thêm: “Khi áp dụng cách làm này, ngoài việc diệt trừ rầy nâu hiệu quả, nông dân còn bảo vệ được sức khỏe của mình, không làm ảnh hưởng môi trường, đặc biệt là giảm chi phí sản xuất. Bởi, trong suốt quá trình thực hiện, bà con không cần phun bất cứ loại thuốc trừ rầy nào”.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, nhất là giá lúa thường lên xuống bấp bênh, nhưng với cách sản xuất của anh Triều cùng nhiều bà con ở ấp Trường Hòa thật sự mang lại hiệu quả, qua đây góp phần làm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Thiết nghĩ, đây là cách làm cần được các ngành chức năng nghiên cứu, nhân rộng…
HỮU PHƯỚC
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.