Nguồn tin: Báo Cà Mau, 11/06/2015
Ngày cập nhật:
13/6/2015
Kinh tế biển được xác định là mũi nhọn vô cùng quan trọng đối với Cà Mau. Thế nhưng, với một lượng lớn tàu công suất nhỏ đang ngày đêm xâm hại nguồn lợi thuỷ sản ven bờ thì vấn đề phát triển bền vững vẫn là bài toán chưa có giải đáp hợp lý. Chuyển đổi ngành nghề nhằm giảm áp lực cho khu vực tái sinh ven biển đang cần thiết và cấp bách để tiến tới mục tiêu giàu lên từ biển.
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đội tàu đánh bắt của tỉnh khoảng 4.683 phương tiện thì đã có trên 560 phương tiện nhỏ, công suất dưới 20 CV. Theo ông Nguyễn Bửu San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đây là nhóm phương tiện khai thác xâm hại nguồn lợi thuỷ sản cần được chuyển đổi.
Gặp khó do thiếu vốn
Cần tổ chức tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương nhằm giảm áp lực cho vùng biển ven bờ.
Số lượng phương tiện cần được chuyển đổi ngành nghề là khá lớn, theo đó, nguồn vốn cũng là con số “khủng”, vượt khả năng ngân sách tỉnh. Thời gian qua, số lượng phương tiện được chuyển đổi còn khá ít. Thiếu vốn hiện nay thật sự là một bài toán đánh đố nghề khai thác biển, nhất là khai thác ven bờ, không thể vươn khơi. Phương án tổng thể và chi tiết đã được tỉnh xây dựng nhằm phát triển nghề biển một cách bền vững với nhiều mô hình sản xuất cụ thể, tuy nhiên vẫn phải nằm đợi vốn. Theo ông San tính toán, để một phương tiện nhỏ chuyển đổi hiện nay cần khoảng 250 triệu đồng trở lên, đây là số tiền vượt ngoài khả năng ngân sách tỉnh và khả năng của người dân.
Trong khi đó, việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ hiện nay vẫn còn khá chậm, mà sự chậm trễ này đa phần xuất phát từ nguồn vốn. Ngoài hỗ trợ nâng cấp tàu thuyền hoạt động khai thác xa bờ, đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh, trú báo thì Nghị định 67 còn đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ven biển. Ðây được xem là giải pháp nhằm chuyển đổi ngành nghề cho các ngư dân đang ngày đêm bám vào các vùng biển ven bờ.
Chuyển hướng từ khai thác sang xây dựng mô hình nuôi trồng thuỷ sản ven bờ được xem là cách giải quyết vẹn cả đôi đường, vừa bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, vừa giúp người dân có cuộc sống ổn định và an toàn trong mùa mưa bão.
Gia đình ông Lê Thanh Phương, khóm 2, thị trấn Sông Ðốc hiện có cuộc sống khá ổn định với khoảng thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm cũng chính nhờ mạnh dạn bỏ tàu, bỏ nghề khai thác ven bờ chuyển sang nuôi cá bớp lồng ở đảo Hòn Chuối. Ông Phương tâm sự, ban đầu chỉ đầu tư được 1 lồng, đến nay, sau 3 năm gia đình đã có 4 lồng nuôi cá bớp. Chiếc tàu ngày nào dùng để mưu sinh nuôi gia đình với nghề lưới ven bờ giờ phục vụ cho việc mua cá mồi phục vụ nghề nuôi.
Tuy nhiên, ông Phương cũng chỉ là một trong rất ít trường hợp đủ khả năng chuyển đổi ngành nghề để ổn định cuộc sống, đa phần người dân có nhu cầu nhưng lại thiếu vốn. Nghị định 67 của Chính phủ ra đời như một luồng gió mới cho nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Với nguồn vốn khoảng 1.887 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục công trình, dự án, trong đó có nuôi trồng thuỷ sản tập trung ven biển từ đây đến hết năm 2016, sẽ tạo ra bước phát triển khả quan cho ngành thuỷ sản của tỉnh nói chung và nghề khai thác nói riêng.
Cần đồng bộ và đồng lòng
Nghề khai thác thuỷ sản luôn được xem là một lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do đó, việc hình thành những hình thức khai thác mới, mô hình kinh tế hiệu quả ven biển được xem là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ðể nâng cao ý thức của ngư dân trong chuyển đổi ngành nghề, hạn chế xâm hại đến nguồn tài nguyên biển, thời gian qua, chi cục đã kết hợp với một số địa phương ven biển xây dựng những mô hình chuyển đổi điểm cho ngư dân. Ngoài ra, chi cục còn kết hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích sự tham gia cộng đồng trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt đối với ngư dân chủ yếu sinh sống dựa vào khai thác nguồn lợi ven bờ.
Trình độ và năng lực khai thác còn hạn chế cùng với nguồn lợi ngày một cạn kiệt đã đẩy nghề khai thác biển, nhất là khai thác ven bờ ngày một khó khăn hơn. Từ thực trạng đó, theo ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, cần nhanh chóng cơ cấu lại hoạt động trong khai thác theo hướng tăng dần sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, ông Hiền cho rằng, cần phải có một chế tài nghiêm hơn trong hoạt động khai thác, nhất là đối với vùng sinh sản của các loại thuỷ sản để bảo vệ nguồn lợi lâu dài.
Việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép, đặc biệt là các hoạt động khai thác thuỷ sản sử dụng xung điện, chất nổ, hoá chất; sử dụng các ngư cụ cấm khai thác… đã được các ngành chức năng thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, chỉ riêng ngành nông nghiệp hay một ngành nào vào cuộc là chưa đủ. Ðể bảo vệ nguồn lợi ven bờ và giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ và thống nhất cao của nhiều ngành, nhiều địa phương.
Như vậy, để hạn chế xâm hại nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, từng bước đưa nghề khai thác biển trở về đúng vị trí là một ngành kinh tế mũi nhọn thì còn rất nhiều việc phải làm trước mắt và lâu dài. Ngoài nhu cầu vốn thì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều địa phương mới có thể cho ra kết quả tốt nhất, hướng đến mục tiêu “giàu và mạnh từ biển”./.
Nguyễn Phú
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.