• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bà Rịa Vũng Tàu: Tăng đội tàu dịch vụ hậu cần thủy sản: Giải pháp gia tăng giá trị khai thác

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 16/06/2015
Ngày cập nhật: 17/6/2015

Tiết kiệm nhiên liệu, tăng giá bán sản phẩm, làm cầu nối giữa đất liền và tàu khai thác thủy sản xa bờ là ưu thế của tàu dịch vụ hậu cần. Nhưng, hiện nay số lượng tàu dịch vụ hậu cần thủy sản của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chưa đáp ứng đủ năng lực đánh bắt.

Tàu đánh bắt hải sản xa bờ hiện nay đi biển từ 2 đến 3 tháng mới vào bờ, vì vậy nhu cầu mang sản phẩm đánh bắt được vào bờ và các nhu yếu phẩm, thiết bị từ bờ ra biển để trao đổi giữa tàu dịch vụ hậu cần và tàu khai thác là rất cần thiết. Trong ảnh: Tàu đánh bắt xa bờ ra khơi.

Về bờ sớm, giá bán cao

Theo các ngư dân, mỗi chuyến biển của tàu đánh bắt hải sản xa bờ kéo dài trung bình từ 25 - 35 ngày, thậm chí có khi đến vài tháng. Do vậy, nếu sản phẩm đánh bắt được chuyển về bờ sớm sẽ giữ được chất lượng và giảm thiểu các chi phí đá ướp lạnh, kho trữ hải sản… Những ghe đánh cá, lưới ghẹ, rập ốc dù khai thác gần bờ nhưng cũng rất cần đưa hải sản tươi sống vào bờ để kịp ngày chợ, nhất là các mặt hàng tươi sống bán cho cửa hàng ăn uống, các vựa chuyên hải sản tươi sống bán cho du khách.

Ngư dân Phạm Văn Trọng (phường 2, TP. Vũng Tàu) chuyên đánh bắt ghẹ, ốc bằng rập cho biết: “Ghẹ, ốc hương khi đưa vào bờ phải còn sống bán mới có giá. Vì vậy, cứ khoảng 3 ngày đánh bắt, ghe tải sẽ giúp đưa sản phẩm vào bờ một lần. Vào các dịp lễ, tết, sản phẩm đưa vào sớm không chỉ bán được giá cao mà còn giữ được mối làm ăn lâu dài, nghĩa là duy trì được ổn định đầu ra cho sản phẩm đánh bắt của mình”.

Ông Nguyễn Văn Tý (phường 2, TP. Vũng Tàu), chủ ghe công suất 460CV chuyên nghề tải ghẹ, ốc hương (dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào bờ) cho hay: “Hiện nay giá vận chuyển các sản phẩm cho ghe, tàu đánh bắt hải sản ở vùng nước từ 60 hải lý trở vào là 10 ngàn đồng/kg và từ 60 - 80 hải lý là 15 ngàn đồng/kg. Trên thực tế, người làm nghề đánh bắt hải sản nhiều nhưng số ghe tàu tải còn rất ít, và mỗi chuyến chỉ chở được từ 3 đến 4 tấn hàng, chưa đáp ứng được nhu cầu đưa hải sản tươi sống đánh bắt được vào bờ sớm”.

Các tàu đánh bắt hải sản xa bờ hiện chủ yếu bảo quản cá bằng đá lạnh là chính chứ không có hầm cấp đông chuyên dụng nên khó bảo đảm chất lượng thủy sản khi đưa vào bờ. Trong ảnh: Bốc cá lên cảng tại cảng cá Cát Lở, phường 11, TP. Vũng Tàu.

Ngư dân Phạm Văn Trọng cũng xác nhận, ghẹ, ốc hương, cá thu, mực câu… sau khi đánh bắt nếu vận chuyển sớm vào bờ thì giá trị sản phẩm tăng từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/kg, tính ra giá vận chuyển như trên không hề cao. Còn nếu để lâu, số ghẹ, ốc chết ngộp, giá bán rẻ đi rất nhiều, thậm chí còn phải đổ bỏ. Vì vậy, các chủ tàu rập ghẹ, ốc phải thường xuyên liên lạc với ghe tải đưa sản phẩm đánh bắt của mình vào bờ, với giá tải như trên họ vẫn lãi nhiều so với chi phí tiền dầu chạy tàu vào bờ để bán. Đó là chưa kể, ghe tàu tải cũng trở thành cầu nối giữa đất liền và biển, cung cấp rau tươi, thịt, nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết cho tàu khai thác.

Còn quá ít so với năng lực đánh bắt

Theo thống kê của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tỉnh hiện có hơn 6.200 tàu đánh bắt hải sản với tổng công suất hơn 1 triệu CV, nhưng chỉ có khoảng 60 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Con số này so với nhu cầu là quá ít ỏi, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong việc vận chuyển sớm hải sản đánh bắt được về bờ.

Trong chuyến biển đầu tiên, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản Gia Hân 02 lấy 7.000 cây đá lạnh, đủ khả năng cung cấp cho 7 cặp tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Trong ảnh: Tàu dịch vụ Gia Hân 02 lấy đá lạnh tại cảng Cát Lở.

Theo Nghị định 67, Bộ NN-PTNT giao tỉnh BR-VT đóng 121 tàu (10 tàu dịch vụ - công suất từ 800 - 1.600CV/chiếc và 111 tàu khai thác). Con số này nếu hoàn thành vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu dịch vụ đánh bắt hải sản của ngư dân, nhất là nhu cầu chuyển hản sản tươi sống về bờ. Vì vậy, tỉnh BR-VT đã kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét tăng chỉ tiêu hay hoán đổi linh hoạt số lượng tàu dịch vụ hậu cần trong tổng chỉ tiêu mà Bộ NN-PTNT giao cho tỉnh BR-VT. Cụ thể là đóng mới 25 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, 96 tàu khai thác. Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết thêm: “Theo quy hoạch phát triển khai thác, cơ khí, cảng cá và dịch vụ hậu cần thủy sản tỉnh BR-VT giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh BR-VT sẽ cho phép đóng mới 27 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản. Như vậy, số lượng hoán đổi 25 tàu dịch vụ là phù hợp với quy hoạch phát triển khai thác thủy sản của tỉnh”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng nêu quan điểm: Cần khuyến khích, vận động ngư dân, DN đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không chỉ trong giới hạn quy hoạch số lượng loại tàu này từ nay tới năm 2020 đã được phân bổ cho địa phương. Vì hiện nay, số lượng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được quy hoạch là quá ít so với năng lực đánh bắt thủy hải sản.

Tôi có đội tàu 12 chiếc, trong đó có 4 cặp giã cào và 4 chiếc lưới rê. Qua kinh nghiệm đánh bắt hải sản xa bờ, tôi thấy, nếu tàu lưới kéo đi đánh bắt phải gần 2 tháng mới vào bờ, do thời gian bảo quản kéo dài, chất lượng cá bị giảm sút, nậu vựa mua sô (đồng giá các loại) khoảng 20 ngàn đồng/kg cá, thậm chí có loại cá đánh từ giác cá đầu tiên do bảo quản không tốt chỉ bán ở mức giá cá phân 5 ngàn đồng/kg. Nhưng khi gửi hải sản khai thác được cho tàu tải vào kịp thời, cá tươi, chất lượng cá tốt và giá mua sô của nậu vựa cũng tăng lên khoảng 30 đến 40 ngàn đồng/kg; ít hoặc không có loại cá nào đánh rớt xuống cá phân. Tăng giá bán và giảm số cá phế phẩm, trung bình 1 kg cá sẽ tăng thêm 10 đến 20 ngàn đồng, trong khi chi phí vận chuyển chỉ 5 ngàn đồng. Đó là cái lợi thứ nhất. Cái lợi thứ hai là hàng chuyển về bờ sớm vừa giữ được chất lượng sản phẩm, vừa giảm thiểu các chi phí đá ướp lạnh, kho trữ hải sản… (Ông Đỗ Tấn Công, chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền)

Bằng nguồn vốn vay ưu đãi theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ, tôi đã đóng mới con tàu vỏ thép mang tên Gia Hân 02, có khả năng chở 400 tấn thủy sản, chuyên làm dịch vụ hậu cần thủy sản từ vùng biển 200 hải lý trở vào. Trong đó hầm cấp đông công suất 200 tấn, lấy 7.000 cây đá lạnh, 100m3 nước ngọt, 250 ngàn lít dầu DO, vài tấn gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, rau cải… phục vụ hậu cần cho khoảng 3 cặp tàu đánh bắt hải sản trên biển. Hiện nay, tàu phục vụ cho 10 cặp tàu loại 400CV/chiếc của gia đình và làm dịch vụ tải thuê cho một số chủ ghe thân trong tỉnh. Với giá vận chuyển hiện nay là 5 ngàn đồng/kg, tàu tải cũng có nguồn thu tương đương với tàu khai thác. Tôi không ngại việc cạnh tranh về dịch vụ hậu cần thủy sản, vì số tàu có năng lực vận tải như Gia Hân 02 còn quá ít. Nếu có thêm nhiều chủ ghe khác được đầu tư vay vốn ưu đãi để làm tàu dịch vụ, giá trị hải sản đánh bắt sẽ gia tăng và người đánh bắt sẽ có thêm đồng lời sau những chuyến làm ăn xa khơi vất vả. (Bà Nguyễn Thị Kim Liên, chủ tàu dịch vụ hậu cần thủy sản Gia Hân 02, phường 12, TP.Vũng Tàu)

SA HUỲNH

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang