Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 20/01/2015
Ngày cập nhật:
21/1/2015
Nguồn lợi thủy sản nước ngọt, đặc biệt là các loại cá đồng thiên nhiên vốn rất phong phú ở Hậu Giang, nhưng việc khai thác, đánh bắt vô tội vạ, nhất là việc sử dụng các dụng cụ mang tính tận thu nên nguồn lợi này đang ngày càng cạn kiệt.
Hậu Giang có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 8.000ha và hàng chục ngàn mét vuông mặt nước trên sông, rạch được người dân tận dụng để nuôi thủy sản trong mùng lưới, vèo. Đặc biệt là nguồn lợi thủy sản trên sông rạch, đồng ruộng ngoài tự nhiên cần được khai thác, bảo vệ hợp lý. Tuy nhiên, hiện nhận thức của người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao. Chính vì vậy, tình trạng khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh còn diễn ra khá nhiều, nhất là các hình thức đánh bắt mang tính tận diệt.
Tận diệt nguồn lợi thủy sản
Do quản lý lỏng lẻo của ngành chức năng, nên tình trạng người dân dùng xung điện bắt cá vẫn còn thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Một trong những dụng cụ đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt và nguy hiểm đến tính mạng con người hiện nay là dùng xung điện. Mặc dù đã có quy định cấm, nhưng tình trạng người dân sử dụng xung điện để bắt cá vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy không còn ngang nhiên nhưng vẫn còn nhiều người hoạt động lén lút, nhất là vào ban đêm ở các cánh đồng lúa, trên sông, rạch. Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: “Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác phản khoa học, phá hủy sinh cảnh lâu dài, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có hơn 500 bộ xung điện để đánh bắt cá, trong đó, huyện Châu Thành là địa phương có số lượng nhiều nhất (hơn 210 bộ), kế đến là huyện Châu Thành A (hơn 180 bộ), các địa phương còn lại cũng có từ 20 bộ trở lên. Tuy số người tham gia đánh bắt thủy sản bằng hình thức này còn khá nhiều, nhưng việc quản lý của ngành chức năng thì còn lỏng lẻo; việc phát hiện và xử lý còn ở mức độ khiêm tốn. Một phần do lực lượng chức năng ở cơ sở quá mỏng và chưa có sự vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt của chính quyền ở một số địa phương, mặt khác cũng chưa có một chế tài đủ mạnh để xử phạt, nghiêm cấm.
Ông Ngô Triều Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, nhìn nhận: “Sau khi phát hiện các đối tượng dùng xung điện bắt cá, thì ngành chức năng địa phương chỉ tịch thu phương tiện, nhắc nhở hoặc bắt làm cam kết không tái phạm, còn việc xử lý vi phạm hành chính thì ít. Bởi, những đối tượng này đa phần là hộ nghèo, đời sống khó khăn”. Tương tự với Vị Thủy, ông Nguyễn Văn Phiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho hay: Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện có xuất hiện nhiều ghe cào ở một số tỉnh lân cận đến các tuyến sông Hậu, Cái Côn hay Mái Dầm để hoạt động. Điều đáng quan tâm là hầu hết các ghe cào này đều có lắp đặt thêm bộ phận kích điện với hình thức rất tinh vi. Tuy nhiên, khi phát hiện thì ngành chức năng địa phương chỉ tịch thu thiết bị xung điện và hẹn ngày giải quyết, nhưng tất cả đều không đến nên rất khó trong công tác xử lý. Từ chỗ các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác thủy sản hiện nay chưa chặt chẽ, chế tài xử lý chưa có tính răn đe cao, nên các trường hợp vi phạm cứ tái diễn.
Bên cạnh xung điện, một hình thức khai thác khác cũng mang tính tận thu, tận diệt thủy sản hiện nay là dùng lưới có kích thước mắt nhỏ. Điển hình nhất là người dân sử dụng lờ dây (hay còn gọi là 12 cửa ngục), đây là loại ngư cụ có khả năng bắt được tất cả những con cá khi đi qua. Ngoài 12 cửa ngục còn có những chiếc dớn lưới với kích thước mắt lưới nhỏ li ti (dớn đuôi chuột) được người dân bẫy đầy trên các con sông, kênh, rạch và với dụng cụ này thì không tha bất cứ cá, tôm, tép lớn hay nhỏ. Mặc dù, các hình thức đánh bắt trên mang tính tận diệt, nhưng việc xử phạt hành chính đối với các loại hình đánh bắt này cũng chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó, công tác xử lý gặp nhiều trở ngại.
Cần có biện pháp hữu hiệu
Nhận thấy được tầm quan trọng của nguồn lợi thủy sản đối với cuộc sống, đặc biệt trước nguy cơ ngày càng bị cạn kiệt do sự đánh bắt mang tính tận thu, tận diệt đang diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây, đầu năm 2014, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở về chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt BCĐ 188) và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả. Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó BCĐ 188, cho biết thêm: Năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật trong việc khai thác thủy sản để người dân thấy và nhận thức được trách nhiệm của mình. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các hoạt động khai thác và bảo vệ thủy sản, từ đó có nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời răn đe, giáo dục trong cộng đồng nhân dân.
Cần nhân rộng mô hình thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng phát huy hiệu quả, các ngành chức năng của tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần kiến nghị với Bộ NN&PTNT có những quy định cụ thể hơn đối với các loại ngư cụ khai thác thủy sản đang được sử dụng trong thực tế và có hình thức chế tài mạnh hơn để răn đe trong xử lý vi phạm. Riêng đối với tỉnh, sớm ban hành những quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo tình hình thực tế của tỉnh, trong đó, có quy định kích cỡ mắt lưới như thế nào thì được sử dụng. Đặc biệt, có văn bản nghiêm cấm và hình thức xử phạt đối với các cơ sở mua bán dụng cụ đánh bắt sai quy định. Có như vậy, sẽ giúp cho công tác kiểm tra, xử lý của ngành chức năng được thuận tiện hơn.
Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy định, công tác thanh, kiểm tra, thì ngành chức năng ở các địa phương cần nhân rộng mô hình do Sở NN&PTNT tỉnh phát động trong năm 2014 là thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên. Qua đây, phần nào tác động đến nhận thức của người dân về trách nhiệm của mình trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ông Lê Hồng Việt, Phó phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho rằng: “Ngoài các giải pháp trên, theo tôi, chúng ta cần quan tâm hơn đến những đối tượng nghèo đang hành nghề khai thác thủy sản. Bằng cách có những chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề hợp lý… có như vậy, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ mang tính bền vững hơn”.
Bất luận vì mục đích mưu sinh hay lợi nhuận, tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt đang diễn ra trong thời gian qua đã hủy hoại không nhỏ đến môi trường sinh thái. Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường mặt nước… đã đến lúc cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành và tất cả người dân.
HỮU PHƯỚC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.