• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chọn tôm giống chất lượng là vấn đề then chốt

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 17/07/2015
Ngày cập nhật: 19/7/2015

Trong hoạt động nuôi tôm nước lợ, con giống là yếu tố giữ vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của một vụ tôm. Do đó, việc chọn tôm giống đúng quy cách phải được quan tâm hàng đầu để đảm bảo vụ tôm thắng lợi.

Tôm giống là yếu tố giữ vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của một vụ tôm

Tôm giống - yếu tố quan trọng nhất

TS. Đinh Thế Nhân - Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm Tp Hồ Chí Minh cho biết, trong xuất nông nghiệp (trong đó có thủy sản) cách đây hơn 10 năm người ta cho rằng “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì ngày nay con giống được đưa lên tầm quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, đối với nuôi tôm nước lợ chỉ cần chọn được con giống tốt thì coi vụ tôm đó đã thành công 50%.

Khảo sát thực tế tình hình nuôi tôm của bà con vùng ĐBSCL cũng cho thấy, người nuôi tôm nào chọn được giống tốt thì tôm nuôi vụ đó lớn nhanh, sức chống chịu của tôm với điều kiện môi trường tốt, ít dịch bệnh, khả năng thắng lợi vụ tôm đó là rất cao. Còn người nuôi tôm nào chẳng may chọn phải tôm giống kém chất lượng thì coi như vụ tôm đó thất bại.

Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân nuôi tôm nhiều kinh nghiệm ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, những tháng đầu năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, từ thời tiết lạnh chuyển sang nắng nóng kéo dài nên hầu như các ao tôm khu vực này đều bị dịch bệnh, phải thu hoạch sớm hay xổ tôm bỏ. Tuy nhiên, ao tôm của ông Hùng vẫn phát triển tốt, thu hoạch đạt sản lượng khá. Nguyên nhân tạo ra sự khác biệt này là ngoài vấn đề quản lý tốt môi trường, mầm bệnh ao nuôi thì việc quan trọng nhất là chú trọng việc chọn tôm giống chất lượng tốt tại cơ sở sản xuất tôm giống có uy tín, được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng giống trước khi chọn mua tôm giống.

“Mặc dù nghề nuôi tôm hiện nay rủi ro rất cao, thành bại trong nuôi tôm còn mang tính may rủi; nhưng dù sao đi nữa khi chọn được tôm giống tốt thì khả năng thành công của vụ tôm đó coi như rất cao. Còn nếu ham rẻ, chọn tôm giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, không được kiểm tra mầm bệnh, chất lượng giống đầy đủ trước khi mua giống thì coi như vụ tôm đó chắc chắn thất bại”, ông Hùng đúc kết.

Chất lượng con giống lẫn lộn

Dù rằng tôm giống quyết định 50% thành bại của nghề nuôi tôm nhưng đến nay một phần không nhỏ tôm giống trên thị trường có chất lượng không đảm bảo. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay cả nước có hơn 1.400 trại sản xuất giống tôm sú và hơn 100 trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong đó, số lượng trại sản xuất tôm giống tại 3 tỉnh trọng điểm là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận chiếm khoảng 40% số trại sản xuất giống tôm cả nước với tổng sản lượng tôm giống sản xuất khoảng trên 17 tỷ con.

Tuy nhiên, hiện nay tôm sú bố mẹ dùng để sản xuất tôm giống có nguồn gốc chủ yếu được khai thác từ vùng biển Rạch Gốc, tỉnh Cà Mau trong vùng nước gần bờ nên hệ số thành thục không cao. Phương pháp khai thác chủ yếu là giã cào làm tôm bị xây xát, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm và dễ dẫn đến nhiễm các loại bệnh. Phần lớn tôm bố mẹ khai thác không qua kiểm dịch, không xét nghiệm các bệnh nguy hiểm.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu đã tự gia hóa đàn tôm bố mẹ. Tuy nhiên, đàn tôm được sử dụng để nuôi thành tôm bố bố mẹ không xác định được là nhập từ Hawaii (Mỹ) hay sử dụng tôm bố mẹ từ đàn thương phẩm tại Việt Nam nên về mặt di truyền sẽ ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Nguồn giống tôm sú bố mẹ được khai thác từ tự nhiên ngày càng khan hiếm và chất lượng ngày càng giảm gây ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống. Đối với tôm thẻ chân trắng bố mẹ gia hóa chưa quản lý được nguồn gốc đàn tôm đưa vào gia hóa.

Tôm bố mẹ đem về sản xuất giống không đảm bảo thời gian cách ly trên 1 năm để theo dõi mầm bệnh nên khả năng các cá thể bố mẹ này mang mầm bệnh là rất cao. Tuy nhiên, khi đem tôm bố mẹ này sản xuất giống lại ít được các cơ sở kiểm tra xét nghiệm lại nên chất lượng tôm giống không đảm bảo. Hiện nay, thực trạng kinh doanh tôm giống trên thị trường cũng hết sức đáng báo động. Một số cơ sở ương giống mua naupli, post của các doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn trộn với tôm của mình sản xuất hoặc trộn với tôm giống không rõ nguồn gốc rồi lấy bao bì, nhãn mác của các công ty sản xuất tôm giống có uy tín để đưa lượng tôm giống này ra thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu, tỉnh này có hơn 390 cơ sở sản xuất và ương tôm giống. Tuy nhiên, số cơ sở đầu tư mạnh về quy mô, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm khoảng 20%. Thậm chí, có cơ sở gọi là công ty tôm giống nhưng chỉ đi thu mua tôm giống khắp nơi, sau đó đóng thùng với nhiều thương hiệu khác nhau để bán cho người nuôi tôm. Ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cũng nhận định, hiện nay công tác quản lý chất lượng tôm giống ở nhiều nơi chưa chặt chẽ. Chính tôm giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không sạch bệnh làm lan truyền mầm bệnh khắp nơi, gây thiệt hại lớn.

Cách chọn tôm giống đúng quy cách

Chất lượng con giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát bệnh đối với tôm nuôi. Do đó, tôm giống thả nuôi cần chọn mua từ các cơ sở sản xuất tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định; tôm Postlarva có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, IMNV, hoại tử gan tụy...

Về kích cỡ tôm giống, cần chọn tôm sú tối thiểu PL15 tương ứng chiều dài 12mm, tôm thẻ chân trắng tối thiểu PL12 tương ứng chiều dài 9-11mm. Do áp lực thiếu giống, nhiều bà con đã tiến hành thả giống chỉ đạt kích cỡ PL8 đến PL12 (tùy theo loại tôm) nhưng ở giai đoạn này tôm chưa phát triển hoàn chỉnh như tôm trưởng thành nên tôm không đủ sức chống lại điều kiện khắc nghiệt khi vận chuyển giống hay điều kiện thủy lý hóa, thổ nhưỡng tại ao nuôi.

Việc chọn tôm giống đúng quy cách phải được quan tâm hàng đầu

Bên cạnh đó, người nuôi tôm có thể sử dụng các biện pháp đánh giá cảm quan để chọn tôm giống chất lượng. Cảm quan đánh giá về kích cỡ, màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối. Tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt. Phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa. Phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám, đường ruột đầy thức ăn, không bệnh phát sáng.

Hay có thể dùng phương pháp ngừng sục khí bể giống trong 2 phút để quan sát tôm, tôm post bơi ngược dòng là tôm tốt, tập trung ở giữa là tôm xấu. Gan tụy to và có nhiều giọt mỡ khi quan sát dưới kính hiển vi là tôm tốt, còn nếu gan tụy nhỏ, có màu trắng, ít giọt mỡ là tôm nhiễm bệnh. Quan sát dưới kính hiển vi để có thể phát hiện sự bám bẩn trên tôm post bởi các loại ký sinh trùng và nấm. Sự hiện diện của ký sinh trùng và nấm trên tôm chứng tỏ chất lượng nước kém của bể ương giống.

Kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách gây sốc bằng formol trước khi thả. Cụ thể, thả 100 - 200 con tôm giống vào chén hoặc cốc thủy tinh đựng dung dịch formol nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống trên 95% là đạt yêu cầu. Ngoài ra, khi thả tôm giống vào thau, dùng tay khuấy đều, tôm khỏe thường bơi ngược dòng nước hoặc bám chung quanh thành thau, tôm yếu tụ lại ở giữa. Nếu có trên 5% tôm con thả trôi theo dòng nước là giống tôm yếu, tôm xấu không nên chọn mua.

Thành Công

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang