Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 20/07/2015
Ngày cập nhật:
22/7/2015
Dọc vùng ven biển Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), những cánh rừng ngập mặn đã bắt đầu vươn lên xanh tốt. Dưới tán rừng, các loài thủy sản được người dân thả nuôi đang mang lại hiệu quả cao.
Phục hồi rừng ngập mặn
Trên chiếc ghe nhỏ đưa chúng tôi len lỏi dưới những tán rừng đước, ông Nguyễn Văn Sang - người dân thôn Tân Đảo cho biết: “Rừng ngập mặn Ninh Ích đang được phục hồi từng ngày. Ngày xưa, nhà nhà thi nhau phá rừng để nuôi tôm; bây giờ, người dân đã biết trồng và bảo vệ rừng ngập mặn”. Được sự vận động của chính quyền địa phương, ông Sang và nhiều hộ khác đã tiên phong trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Hiện nay, những vạt rừng ngập mặn đã hình thành trở lại, tán rừng rậm rạp là nơi trú ẩn và sinh sản cho nhiều loài hải sản...
Được biết, trước năm 1995, đầm Nha Phu có diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh hơn 200ha. Khi phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển, đìa tôm phát triển đến đâu, rừng ngập mặn bị đốn hạ đến đó. Năm 2006, xã được Tổ chức Tokyo Marine Minchido phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tài trợ để trồng tái tạo 5ha rừng. UBND xã vận động nhân dân tự trồng, khoanh nuôi bảo vệ thêm 10ha. Đến nay, diện tích rừng ngập mặn ở Ninh Ích đã được phục hồi hơn 20ha, nhiều cây đã có đường kính thân hơn 20cm, cao hơn 5m.
Ông Nguyễn Văn Hoàng trong đìa nuôi tôm có trồng rừng ngập mặn
Phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn, người dân Ninh Ích đang được rừng cho lộc. Từ ngày rừng đước được trồng và từng bước phục hồi, môi trường sinh thái ngập mặn ven đầm Nha Phu đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Vào mùa mưa bão, người dân ở đây không còn lo lắng bờ đìa bị sóng gió, bão lụt, thủy triều gây xói lở. Các loài thủy sản trong đầm và ở đìa nuôi tự nhiên của người dân cũng dần được phục hồi, sinh sôi. Chính vì vậy, nhiều ngư dân cho biết, họ sẽ tích cực bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn. Theo ông Phạm Thúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích, nhiều mô hình khôi phục rừng đước ở 2 xã Ninh Ích và Ninh Lộc được người dân triển khai. Việc khôi phục rừng ngập mặn được thực hiện ngay trên diện tích ao đìa nuôi tôm bằng cách trồng đước kết hợp nuôi tôm, cua, cá theo kiểu tự nhiên. Theo kế hoạch của UBND xã Ninh Ích, địa phương phấn đấu ít nhất 1 năm khôi phục được 1ha rừng ngập mặn bằng cách vận động người dân trồng đước ngay trên đìa nuôi thủy sản.
Nuôi thủy sản dưới chân rừng
Ông Nguyễn Văn Phai (thôn Tân Đảo) cho biết: “Gia đình tôi có 2ha đìa. Do nuôi tôm thua lỗ liên tiếp nên một thời gian dài tôi để đìa hoang. Được sự vận động của xã, tôi đã trồng rừng ngập mặn trong đìa và bắt đầu kết hợp nuôi một số loài thủy sản. Ban đầu, tôi chỉ thả một ít cua, cá; sau thấy có hiệu quả nên thả nuôi với số lượng nhiều hơn. Thủy sản nuôi dưới chân rừng ngập mặn ít bị dịch bệnh, cho thu hoạch quanh năm, tỷ lệ hao hụt thấp. Hàng ngày, tôi thu nhập khoảng 500.000 đồng từ việc bán cua, cá nên cuộc sống cũng ổn định...”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - một trong những hộ kết hợp trồng đước với nuôi tôm ở thôn Tân Đảo kể: Cách đây 4 năm, gia đình tôi đã đưa cây đước vào trồng ở đìa tôm, diện tích rừng ngập mặn được trồng chiếm 50% diện tích đìa nuôi. Cây đước đã giúp tôm ít bị dịch bệnh. Không những thế, các loại hải sản khác cũng sinh sôi rất nhiều dưới tán cây. “Ngoài việc thu hoạch tôm nuôi, gia đình tôi còn có thêm nguồn thu từ ốc, cua... sinh sản tự nhiên. Thủy sản nuôi theo kiểu tự nhiên bán giá cao hơn so với nuôi công nghiệp”, ông Hoàng nói.
Theo nhiều nông dân xã Ninh Ích, việc nuôi trồng thủy sản dưới chân rừng ngập mặn chi phí đầu tư rất ít, chỉ tốn tiền mua con giống; thậm chí có hộ chỉ lấy hải sản khai thác được ngoài biển để thả vào đìa nuôi; nguồn thức ăn đã sẵn có dưới tán rừng. Tuy nhiên, người dân lại gặp khó khăn trong khâu thu hoạch, họ không thể thu hoạch đồng loạt mà phải đánh bắt hàng ngày.
Ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Từ khi rừng ngập mặn được phục hồi dần, có 10 hộ ở thôn Tân Đảo đã nuôi thủy sản ngay dưới chân rừng theo kiểu nuôi tự nhiên. Hiện nay, diện tích nuôi theo cách này có gần 15ha, vừa giúp ổn định cuộc sống của người dân nhờ thu nhập khá, vừa bảo vệ được rừng ngập mặn. Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích người dân triển khai cách nuôi này”.
Theo thống kê, trước năm 1990, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.500ha rừng ngập mặn, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 80ha, phân bố rải rác ở khu vực đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, Cam Ranh… Việc khôi phục rừng ngập mặn gặp khó khăn do tỷ lệ cây ngập mặn mới trồng sống và phát triển được chỉ từ 50 đến 60%.
HẢI LĂNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.