Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 25/07/2015
Ngày cập nhật:
27/7/2015
Để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, mở rộng ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác, bảo hiểm cho tàu thuyền và thuyền viên là vấn đề cần được quan tâm.
Ngư dân đã ý thức được
Không chỉ có nghề biển, mà bất cứ nghề nào cũng có những rủi ro nhất định. Với nghề đánh bắt xa bờ, suốt gần cả tháng lênh đênh trên biển, nếu không may gặp sóng to, gió lớn bất thường, hư hỏng thiết bị thì nguy cơ gặp rủi ro càng cao. Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng từng xảy ra một số vụ tàu thuyền gặp nạn trên biển, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng cho ngư dân. Tuy nhiên, do ngư dân không tham gia mua bảo hiểm nên đành chấp nhận thiệt thòi. Mấy năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng việc mua bảo hiểm nên nhiều ngư dân tích cực tham gia.
Ngư dân liên tục trúng đậm
Sau chuyến khơi xa, chủ tàu xa bờ có công suất 430 CV ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) - ông Nguyễn Văn Hòa cùng với các thuyền viên tất bật công việc neo đậu tàu và chuyển hải sản lên bờ. Ông Hòa rất phấn khởi trước chuyến đánh bắt thu được gần chục tấn cá. “Có điều kiện và yên tâm bám biển dài ngày để nâng cao hiệu quả đánh bắt, một phần là nhờ có tham gia bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên. Từ ngày hạ thủy chiếc tàu công suất lớn, mỗi chuyến vươn khơi kéo dài hơn trước, trung bình từ 15 ngày đến 20 ngày. Hầu như chuyến đánh bắt nào cũng có lãi từ 100 triệu đồng trở lên”, ông Hòa xởi lởi.
Ngư dân Ngô Đức Cư ở xã Phú Thuận (Phú Vang) chia sẻ: “Xu thế đánh bắt thủy sản ngày càng hiện đại, xa bờ như hiện nay mà không tham gia bảo hiểm tàu thuyền, tai nạn thuyền viên là quá lạc hậu. Mỗi bảo hiểm cho tàu xa bờ và cả thuyền viên chừng 12 triệu đến 13 triệu đồng mỗi năm, tùy thuộc vào công suất, nhưng so với giá trị chiếc tàu đến 5 - 7 tỷ đồng thì chẳng thấm vào đâu”. Hay giá trị mỗi bảo hiểm tai nạn thuyền viên đánh bắt gần bờ chưa đến 100 ngàn/năm thì chẳng đáng là bao. Điều quan trọng là tính mạng của ngư dân có được sự “bảo vệ”, chia sẻ của cộng đồng… Bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận - Nguyễn Văn Chường cho hay, ý thức của ngư dân được nâng cao, một phần là nhờ sự tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động của các cấp hội, đoàn thể địa phương.
Chính sách cho ngư dân
Trưởng phòng Quản lý - Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS), thuộc Chi cục KT&BVNLTS tỉnh - ông Võ Giang cho biết, bảo hiểm tàu thuyền và tai nạn thuyền viên trên địa bàn tỉnh được bắt đầu triển khai từ năm 2013. Ngay từ năm đầu triển khai đã thu hút nhiều ngư dân quan tâm, có đến 40 chủ tàu đánh bắt xa bờ tham gia và năm 2014, con số này tăng lên hơn gấp đôi với 90 chiếc. Đến nay, số chủ tàu tham gia bảo hiểm lên đến 130 chiếc trong tổng số 292 chiếc tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh. Giá trị mỗi bảo hiểm tàu công suất lớn từ 12 triệu đến 13 triệu đồng, bao gồm cả bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bình quân mỗi tàu khoảng 10 người. Có hai mức bảo hiểm, khi tai nạn chết người sẽ được các đơn vị bảo hiểm trả mức 10 triệu đồng và 20 triệu đồng/người. Tuy nhiên, hầu hết ngư dân đều tham gia mức bảo hiểm 20 triệu đồng.
Theo ông Võ Giang, hiện nay Nhà nước có hai loại chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tàu thuyền và tai nạn thuyền viên. Đối với tàu đánh bắt xa bờ đến các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa sẽ được hỗ trợ 50% giá trị bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ 100% bảo hiểm cho thuyền viên. Theo Nghị định 67 của Chính phủ, giá trị mỗi bảo hiểm tai nạn thuyền viên được hỗ trợ 100% và 70% giá trị mỗi bảo hiểm thân tàu. Tuy nhiên, ngư dân chỉ được chọn một trong hai loại hỗ trợ bảo hiểm trên… Khi chính sách mới ra đời, nhiều ngư dân tỏ ra ít quan tâm, sau khi được tuyên truyền, đến nay ngư dân đã ý thức cao và tích cực tham gia.
Bộ Tài chính chỉ định Công ty Bảo hiểm Bảo Việt chịu trách nhiệm triển khai thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu thuyền và tai nạn thuyền viên cho ngư dân. Tuy nhiên, người dân vẫn có quyền tham gia mua bảo hiểm ở các đơn vị kinh doanh bảo hiểm khác. Hiện nay, Công ty Bảo hiểm Bảo Long còn cử nhân viên về tận cơ sở để tiếp thị, hướng dẫn các thủ tục mua bảo hiểm cho ngư dân. Chi cục KT&BVNLTS tỉnh đang phối hợp với các công ty bảo hiểm, chính quyền địa phương vận động số tàu thuyền còn lại tham gia mua bảo hiểm.
Ngoài bảo hiểm cho tàu đánh bắt xa bờ, việc bảo hiểm tai nạn thuyền viên đánh bắt gần bờ đang được các cơ quan, ban ngành quan tâm. Vừa qua, Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đã tài trợ 500 thẻ bảo hiểm cho ngư dân các xã Phong Hải (Phong Điền), Quảng Công (Quảng Điền), Phú Thuận, Vinh Thanh (Phú Vang), Vinh Hiền (Phú Lộc), Hải Dương (TX Hương Trà). Giá trị mỗi bảo hiểm gần 100 ngàn đồng.
Hoàng Triều
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.