Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 23/01/2015
Ngày cập nhật:
26/1/2015
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Hữu Hiệp
Năm qua, toàn tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi thủy sản trên 47 ngàn héc-ta, đạt 106%. Trong đó, diện tích nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh đã thả giống quay vòng được gần 10,7 ngàn héc-ta (tôm sú gần 1,5 ngàn héc-ta; tôm chân trắng trên 9,2 ngàn héc-ta); diện tích nuôi tôm quảng canh, tôm rừng, tôm lúa trên 25 ngàn héc-ta, đạt 100% kế hoạch năm.
Đề phòng tôm chết do bệnh
Tổng diện tích thiệt hại trên tôm biển nuôi thâm canh, bán thâm canh 1.226ha, chiếm 11,63% diện tích thả nuôi (tôm sú: 233ha; tôm chân trắng: 993ha) giảm 4,81% so với cùng kỳ. Tôm chết nhiều ở giai đoạn từ 25 - 40 ngày tuổi, một số ít ở giai đoạn từ 50 - 80 ngày tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh đốm trắng (WSSV), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô dưới vỏ (IHHNV) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Tôm nuôi quảng canh cải tiến, tôm rừng, tôm lúa, dịch bệnh xảy ra rải rác, nhưng không gây thiệt hại nhiều.
Nguyên nhân gây thiệt hại là do thời tiết đầu năm diễn biến phức tạp, có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và lây lan. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi thủy sản chủ yếu là hệ thống kênh cấp, kênh thoát chưa được đầu tư đồng bộ. Do giá tôm tăng cao và ổn định nên đa số các cơ sở nuôi nôn nóng thả giống để được nhiều vụ, không thực hiện đúng quy trình cải tạo và xử lý ao nuôi, thả giống liên tục 3 - 4 vụ/năm, mật độ rất cao, trên 80 con/m2.
Mặc dù có nhiều yếu tố bất lợi nhưng ngành Nông nghiệp cũng đã có nhiều giải pháp khắc phục. Tỉnh được Trung ương phân bổ vốn để đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Đến nay, các vùng nuôi tôm biển tập trung đã có hệ thống kênh cấp, kênh thoát tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi cho 5.483ha nuôi trồng thủy sản được cấp, thoát nước chủ động và đang kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất giống tập trung ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại và khu sản xuất giống tập trung ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã quan trắc cảnh báo môi trường 21 đợt; thu 952 mẫu giáp xác trên các tuyến kênh rạch chính. Qua kiểm tra phát hiện 169 mẫu nhiễm virus đốm trắng, chiếm 17,8%, giảm rất nhiều so với cùng kỳ.
Ngành cũng thực hiện tốt công tác dập dịch. Đã tiếp nhận 64 tấn hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho hộ dân nuôi tôm tiêu hủy mầm bệnh; triển khai, thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh như tổ chức thu mẫu định kỳ trên tôm giống, tôm thịt để phân tích và cảnh báo, khuyến cáo kịp thời. Phối hợp với địa phương xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh ở xã An Đức, huyện Ba Tri với tổng diện tích 100ha, diện tích mặt nước nuôi 76,8ha. Hiện đang chuẩn bị tổng kết rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện cho vụ nuôi năm 2015.
Bên cạnh đó, ngành thực hiện tái kiểm 100% lượng giống tôm biển nhập tỉnh bằng phương pháp PCR đối với bệnh đốm trắng và taura. Triển khai 125 đợt thanh kiểm tra hoạt động nhập giống về tỉnh; kiểm tra phát hiện 86 trường hợp vận chuyển giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tổng lượng giống tôm biển qua kiểm dịch đạt trên 6.652 triệu con, trong đó nhập tỉnh 6.014 triệu con, sản xuất trong tỉnh 638 triệu con.
Năm qua, toàn tỉnh đã củng cố và thành lập mới được 119 Ban quản lý vùng nuôi, trong đó có 83 Ban quản lý vùng nuôi hoạt động có hiệu quả, 36 ban không hoạt động. Các ban hoạt động có nề nếp, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất của các cơ sở nuôi thủy sản trong vùng.
Có thể nói, bên cạnh nỗ lực của ngành Nông nghiệp, các ngành có liên quan, còn một số địa phương thiếu sự quan tâm về tình hình dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi nên cập nhật số liệu báo cáo đôi lúc chưa xác với tình hình thực tế tại địa phương, gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Còn một số cơ sở và người nuôi chưa có ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, còn xả nước ra môi trường gây khó khăn trong việc dập dịch. Thức ăn, thuốc hóa chất phục vụ cho nghề nuôi không ổn định, giá cả tăng liên tục; việc lạm dụng kháng sinh nguyên liệu không rõ nguồn gốc trong phòng và điều trị bệnh tôm, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ngày càng nhiều.Công tác quản lý chất lượng đầu vào và giám sát quá trình sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động sản xuất giống tôm sú trong tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất không đáp ứng nhu cầu thực tế của nghề nuôi.
Giải pháp phòng bệnh cho tôm
Theo kế hoạch năm 2015, tổng diện tích nuôi thủy sản là 46,8 ngàn héc-ta. Trong đó, nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh 6,5 ngàn héc-ta (tôm chân trắng 4,5 ngàn héc-ta; tôm sú 2 ngàn héc-ta). Tổng sản lượng thủy sản nuôi 251,5 ngàn tấn, trong đó sản lượng tôm biển 56 ngàn tấn; kiểm dịch giống tôm biển 4.900 triệu con.
Để đạt kế hoạch trên, ngành Nông nghiệp đang tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân; vận động người dân thực hiện nuôi tôm biển theo đúng quy hoạch, tuân thủ lịch thời vụ, xử lý tốt dịch bệnh, nắm vững và thực hiện tốt các quy định của pháp luật, áp dụng tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nuôi thủy sản. Ngành tiếp tục hỗ trợ hoạt động cho Ban quản lý vùng nuôi, nhằm nâng cao năng lực và chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đồng thời, tiếp tục triển khai và hướng dẫn người dân nuôi thủy sản theo đúng quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ngành quan tâm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với quy hoạch thủy sản; công khai minh bạch quy hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy hoạch nuôi thủy sản theo đúng quy định. Tăng cường công tác nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống và nuôi tôm biển, trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ xử lý chất thải, nhằm giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tổ chức hội thảo về liên kết cung ứng giống, thức ăn, hóa chất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và người nuôi thủy sản. Liên kết với các trường, viện nghiên cứu để chuyển giao, nhân rộng các quy trình sản xuất giống, quy trình nuôi tôm biển đã thành công; thực hiện các đề tài nghiên cứu về khoa học kỹ thuật, môi trường, bệnh học, các mô hình trình diễn trong lĩnh vực nuôi và sản xuất giống thủy sản.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm biển tập trung; ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp, thoát. Đầu tư mở rộng khu sản xuất giống tập trung huyện Bình Đại, khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín đầu tư sản xuất giống tôm biển có chất lượng tại tỉnh. Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng mới hạ tầng khu sản xuất giống thủy sản tập trung xã Thừa Đức, huyện Bình Đại và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Nâng cao vai trò quản lý, điều hành của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thủy sản; Ban chỉ đạo vụ nuôi thủy sản các cấp. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường, dịch bệnh; nghiên cứu áp dụng lịch thời vụ nuôi tôm biển hàng năm phù hợp với điều kiện thực tế.
Ngành phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp nuôi tôm biển không đúng quy hoạch; xả chất thải, mầm bệnh ra môi trường tự nhiên không qua xử lý; giống tôm biển nhập tỉnh, xuất bán không qua kiểm dịch; kiểm tra chất lượng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản. Trên cơ sở kết quả mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm để nhân rộng ra địa bàn huyện Bình Đại và Thạnh Phú; từng bước tổ chức lại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Phát triển mạnh hình thức quản lý cộng đồng thông qua hoạt động Ban quản lý vùng nuôi để hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quản lý môi trường, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh.
Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển hình thức liên kết 4 nhà để nhà máy chế biến có nguồn nguyên liệu sạch, ổn định và thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người nuôi có vốn, có kỹ thuật và an tâm về đầu ra để mạnh dạn đầu tư. Tăng cường áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào nuôi tôm biển nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh; kiểm tra cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, điều kiện an toàn thực phẩm.
NVB
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.