Nguồn tin: Báo Phú Yên, 20/10/2015
Ngày cập nhật:
21/10/2015
Theo Sở TN-MT, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện khoảng 543.000m2 đất rừng phòng hộ ven biển, đất bãi bồi ven biển, ven sông… trong tỉnh Phú Yên bị lấn chiếm để làm hồ nuôi tôm. Công tác xử lý thiếu kiên quyết nên số diện tích đất rừng bị lấn chiếm ngày càng nhiều và phức tạp hơn. Trước tình hình này, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các địa phương sớm xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) để làm hồ nuôi tôm - Ảnh: A.NGỌC
Nhiều diện tích rừng bị mất
UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tại một số xã, thị trấn ven biển như xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa); An Ninh Đông, An Mỹ (huyện Tuy An) xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân tự ý chặt phá rừng phi lao (dương), chặt phá vườn cây, xây dựng hồ nuôi tôm trái phép, làm phá vỡ chức năng rừng phòng hộ ven biển, khiến nước biển dễ xâm thực sâu vào đất liền. Ngoài ra, việc làm này còn gây ra hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm và gây ô nhiễm môi trường. Qua thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng phát hiện khoảng 543.000m2đất rừng phòng hộ, đất bãi bồi ven biển, ven sông… bị lấn chiếm để làm hồ nuôi tôm. Để xảy ra tình trạng này, chứng tỏ chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý đất đai.
Theo Sở NN-PTNT, hai địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ làm hồ nuôi tôm trái phép phức tạp nhất là xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) và xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa). Theo ông Đinh Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam, từ năm 1990, khi nghề nuôi tôm phát triển, xã cho phép người dân địa phương tận dụng mặt nước khu vực sông Ngọn để làm hồ nuôi tôm (khoảng 30 hồ). Khu vực sông Ngọn chưa được quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhưng đến năm 2010, khu vực này đã phát sinh thêm 101 hồ, với diện tích khoảng 66ha. Ngoài ra, từ đầu năm 2014 đến đầu năm 2015, một số hộ nuôi tôm ở đây tự ý dùng máy hút cát ven bãi bồi và lấn chiếm đất rừng phòng hộ để nâng cao đáy hồ lên thành hồ nuôi tôm cao triều với diện tích hơn 97.440m2… Còn ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, cho biết: “Từ năm 1992 đến nay có 48 trường hợp lấn chiếm đất nông - lâm nghiệp và sử dụng sai mục đích để làm 54 hồ nuôi tôm trái phép tại tiểu khu 228 rừng phòng hộ ven biển của xã với diện tích hơn 67.620m2…”.
Tăng cường quản lý và xử lý nghiêm
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ để nuôi tôm trái phép, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Đối với các trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở xã An Ninh Đông, huyện đã ra quyết định xử phạt 32 trường hợp, trong đó 17 trường hợp xử phạt hành chính, 15 trường hợp buộc khắc phục hậu quả. Ngoài ra, UBND xã An Ninh Đông cũng ra quyết định xử phạt 22 trường hợp, trong đó 12 trường hợp lấn đất và 8 trường hợp chiếm đất. Đến nay có 31 trường hợp chưa chấp hành quyết định xử phạt, tám hồ nuôi tôm đã tháo dỡ bạt và san lấp mặt bằng nhưng chưa khôi phục lại nguyên trạng như ban đầu, 18 trường hợp đã khắc phục nhưng chưa đúng diện tích và 26 trường hợp chưa khắc phục…
Còn ông Nguyễn Phi Hổ, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: “UBND huyện và Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành hai chỉ thị nghiêm cấm việc tự ý nạo vét, nuôi trồng thủy sản, khai thác cát trái phép tại khu vực sông Ngọn, xã Hòa Hiệp Nam. UBND xã Hòa Hiệp Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 30 trường hợp (37 hồ), nhưng đến nay chỉ có 15 trường hợp (17 hồ) chấp hành nộp phạt với số tiền 42 triệu đồng, còn lại 15 trường hợp (20 hồ) chưa chấp hành nộp phạt với số tiền 53 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm đến nay chưa khôi phục lại đất, rừng phòng hộ… UBND huyện sẽ kiên quyết giải tỏa triệt để các hồ nuôi tôm khu vực phía đông sông Ngọn; đồng thời trình UBND tỉnh bổ sung quy hoạch diện tích mặt nước phía tây sông Ngọn (khoảng 17ha) để nuôi tôm. Nếu được quy hoạch, các hộ dân sẽ làm thủ tục thuê đất và tự chịu kinh phí xây kè nhằm hạn chế sạt lở đất rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Đối với diện tích đã lấn chiếm làm hồ nuôi tôm trái phép, đề nghị các địa phương rà soát cụ thể và kiên quyết xử lý. Các trường hợp phá rừng phòng hộ, cần xử lý nghiêm, sau xử lý buộc phải phục hồi nguyên hiện trạng ban đầu và trồng lại diện tích rừng đã mất. Việc UBND huyện Đông Hòa đề nghị bổ sung quy hoạch diện tích mặt nước phía tây sông Ngọn để nuôi tôm, Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan đã kiểm tra thực địa, đang chờ báo cáo của huyện Đông Hòa về thực trạng đất lấn chiếm rừng tại khu vực này và hiệu chỉnh lại bản đồ cho phù hợp, sau đó báo cáo để UBND tỉnh quyết định”.
UBND tỉnh vừa chỉ đạo các địa phương tiếp tục xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển trái phép theo thẩm quyền; yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể lãnh đạo các UBND xã, phường, thị trấn và những cá nhân có liên quan trong công tác buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai đã để cho một số đối tượng tự ý lấn chiếm đất trái phép làm hồ nuôi tôm, trường hợp cán bộ vi phạm phải xử nghiêm đúng quy định. UBND tỉnh còn chỉ đạo các huyện Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa có kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng nuôi tôm trái phép trên địa bàn mình, chậm nhất đến cuối năm 2015.
ANH NGỌC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.