• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tân Ân Tây (Cà Mau): Một người nuôi tôm, trăm người bức xúc

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 03/12/2015
Ngày cập nhật: 6/12/2015

Dân Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, bao đời nay sinh sống bằng nghề nuôi tôm, nhưng hơn năm nay, tại đây xảy ra chuyện rất lạ, một hộ nuôi tôm mà cả mấy ấp bức xúc, xảy ra nhiều dư luận không tốt. Chưa bao giờ con tôm sinh thái và con tôm công nghiệp lại xảy ra mâu thuẫn như vậy. Gần 100 hộ dân đang chờ câu trả lời thoả đáng của các cấp có thẩm quyền về vấn đề này.

Vào tháng 9/2014, bà con kinh Xẻo Đôi, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, phát hiện hộ ông Nguyễn Văn Bạch có những việc làm bất thường. Số là gia đình ông Bạch phá rừng, khoanh ô nuôi 3 hầm tôm thẻ chân trắng công nghiệp, khi bị “bể hầm” thì xả thải trực tiếp ra sông. Do bức xúc vì bị ảnh hưởng, một số hộ đã đứng đơn gởi đến Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, kế đến là UBND huyện Ngọc Hiển. Ngay sau đó, tháng 11/2014, UBND huyện kết luận, hộ ông Bạch đã tác động đến 790 m2 diện tích cây rừng, xâm hại 6.000 m2 đất trồng rừng. Ông Bạch bị xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng và bị buộc trả lại hiện trạng đất rừng theo quy định của đất giao khoán.

Phá rừng, nuôi tôm ngoài quy hoạch

Ông Nguyễn Văn Phèn, Bí thư Chi bộ ấp Tân Tiến, thông tin: “Tại buổi làm việc có sự chứng kiến của các bên, hộ ông Bạch hứa hẹn sẽ thực hiện đúng theo tinh thần quyết định của UBND huyện. Riêng bà con trong ấp, xét thấy 3 ao nuôi tôm của ông Bạch đang canh tác nên đồng ý để ông Bạch tiếp tục làm cho đến khi thu hoạch, sau đó phải chấm dứt việc nuôi tôm công nghiệp, trả lại hiện trạng đất rừng - tôm theo chủ trương Nhà nước”.

Phá rừng, đào hầm tôm công nghiệp, ông Bạch vi phạm quy định về giao khoán đất rừng. Ảnh: PHẠM NGUYÊN

Sự việc chưa dừng lại ở đó, ông Bạch tiếp tục đào thêm 6 ao nuôi tôm nữa, diện tích rừng bị phá lên đến gần 3 ha.

Ông Đỗ Gia Trình (Sáu Trình), ngụ cùng ấp, hết sức bức xúc: “Bản thân tôi cầm đơn lên tới Sở NN&PTNT, gởi tiếp tại Cơ quan tiếp dân của UBND tỉnh, sau đó qua trình bày tại HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về vấn đề này. Bởi trước đó, trong 1 lần tiếp xúc cử tri tại địa bàn, 1 đại biểu Quốc hội đã cam kết sẽ sớm xem xét, xử lý cho bà con”.

Phần ông Bạch, không hiểu lý do vì sao vẫn bất chấp pháp luật, tiếp tục phá rừng, đào ao nuôi tôm một cách lén lút vào ban đêm. Sau khi có kiến nghị của Nhân dân, các đơn, thư yêu cầu được gởi trở lại cho các cấp thẩm quyền huyện Ngọc Hiển thụ lý giải quyết. Tháng 6/2015, UBND huyện tiếp tục ra quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với ông Bạch, buộc khôi phục lại 3 ha đất rừng, san lấp lại 9 ao nuôi tôm và chấm dứt việc nuôi tôm công nghiệp trái quy hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây, cho biết: “Nơi ông Bạch nuôi tôm công nghiệp thuộc quy hoạch nuôi tôm sinh thái. Địa phương chưa có căn cứ cụ thể để cấm chuyện này. Tuy nhiên, việc xâm phạm rừng là sai phạm, thêm nữa, quy trình xả thải, xử lý tôm chết của ông Bạch không đảm bảo yêu cầu, gây ra sự bất bình của bà con”.

Cho đến thời điểm hiện tại, ông Bạch chỉ nộp phạt hành chính, còn việc trả lại hiện trạng chưa thực hiện.

Cần trả lời thoả đáng với người dân

Ông Đoàn Thiện Hoà, ở gần hộ ông Bạch thông tin thêm: “Mỗi khi “bể hầm” ông Bạch lại lén lút xả thải trực tiếp ra sông, cả một khúc kinh Xẻo Đôi thúi đen. Chúng tôi không phải là những nhà khoa học, nhưng đủ biết nó cũng ảnh hưởng không tốt đến việc nuôi tôm sinh thái của bà con”. Theo thống kê sơ bộ, khoảng gần 100 hộ dân ở các ấp Tân Tiến, Tân Trung, Duyên Hải chịu cảnh “nước thúi” như thế. Không biết có trùng hợp hay không, nhưng tất cả những hộ này hơn một năm nay tôm gần như thất trắng.

Theo ông Đỗ Gia Trình, trong việc xử lý vấn đề này, các cơ quan có thẩm quyền tỏ ra chậm chạp một cách khác thường. Ông Trình nói: “Gởi đơn lên Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, chúng tôi gần như không nhận được phản hồi nào, tiếp đó việc xử lý của UBND huyện tỏ ra không quyết liệt”.

Ông Trình dẫn ra, bà con ở địa phương chỉ cần sai phạm nhỏ về việc phá rừng thì các cơ quan chức năng lập tức có mặt xử lý, đằng này vụ việc ông Bạch diễn ra hơn nửa năm, hầu như không có sự can thiệp nào. Đây là một trong những điều kiện để ông Bạch tiếp tục phá rừng, đào thêm 6 ao nuôi tôm công nghiệp nữa. Điều bức xúc nhất là cho đến thời điểm hiện tại, 9 hầm tôm của ông Bạch vẫn ngang nhiên nuôi, bất chấp quyết định của UBND huyện. Và mới cách đây khoảng nửa tháng, vì “tôm bể”, ông Bạch lại tiếp tục xả thải vào ban đêm.

Ông Nguyễn Văn Đèo, ngụ cùng ấp, quyết liệt: “Phải giải quyết thấu tình đạt lý, lấy lại niềm tin trong Nhân dân. Một vụ việc đơn giản nhưng kéo dài như thế này khiến bà con chúng tôi thấy rất không công bằng. Ông Bạch phải chấm dứt việc nuôi tôm ngoài quy hoạch, xả thải trái phép. Chứ để thất tôm kéo dài, bà con riết rồi không có gạo để ăn”.

Cũng theo lời các hộ dân ấp Tân Tiến, hộ ông Bạch từ khi nuôi tôm công nghiệp xảy ra bất hoà với nhiều người, có những lần xảy ra mâu thuẫn căng thẳng, tình làng nghĩa xóm rạn nứt. Trong giải trình của UBND huyện, ông Lê Văn Kháng, Phó Chủ tịch huyện, khẳng định: “Việc xử lý phải đúng quy trình, quy định, địa phương sẽ sớm làm rõ và kết thúc vụ việc theo đúng pháp luật, nguyện vọng của Nhân dân”. Chỉ có điều cho đến thời điểm hiện tại, vụ việc vẫn chưa lắng xuống, người dân các ấp lại có ý định tiếp tục kiến nghị.

Với chức trách của mình, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT cũng đã khẳng định: “Vùng đất này quy hoạch cho con tôm sinh thái, việc nuôi tôm công nghiệp là ngoài quy hoạch. Thêm nữa, việc phá rừng là sai phạm và cần xử lý. Huyện Ngọc Hiển nhanh chóng rà soát và giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý”.

Từ một chuyện lạ: Một hộ nuôi tôm, mấy ấp phản đối, có vẻ như con tôm sinh thái và con tôm công nghiệp khó lòng “sánh bước” cùng nhau tại vùng đất Tân Ân Tây này. Con tôm là thế mạnh của Cà Mau, nuôi tôm mô hình công nghiệp đã được quy hoạch vào chiến lược phát triển của toàn tỉnh. Thế nhưng, nuôi công nghiệp một cách bất chấp, ngoài quy hoạch, ảnh hưởng đến đất rừng lại là chuyện hoàn toàn khác. Thiết nghĩ, vụ việc này cần nhanh chóng kết thúc, địa phương cũng có những thông tin rõ ràng, cụ thể về quy hoạch chung, trong đó có mối liên hệ giữa mô hình tôm sinh thái và tôm công nghiệp. Nhân dân nhiều ấp Tân Ân Tây đang mong mỏi một câu trả lời thoả đáng.

Ðiều tra của Phạm Nguyên

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang