Nguồn tin: Báo Nghệ An, 10/12/2015
Ngày cập nhật:
12/12/2015
Vụ cá Bắc năm nay được xem là “mùa vàng” của ngư dân Nghệ An. Những ngày này, ngư dân Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Diễn Châu… nhộn nhịp ra khơi đón “lộc biển”.
Có mặt tại cảng cá Lạch Cờn, phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai thấy tàu thuyền tấp nập cập bến, khoang đầy ắp cá trên gương mặt ngư dân đều rạng ngời niềm vui. Anh Lê Bá Kiên ở xóm Đồng Tâm, chủ con tàu trên 410 CV đang chỉ đạo công nhân vận chuyển cá lên bờ phấn khởi cho biết: Vụ cá Bắc được tính từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau, vụ này thời tiết ấm hơn so với năm trước, nên trong tháng chúng tôi tổ chức được nhiều chuyến ra khơi.
Cảnh mua bán tấp nập trên bến cá Quỳnh Phương Cảnh mua bán tấp nập trên bến cá Quỳnh Phương
Do có tàu công suất lớn nên chúng tôi đi khơi dài từ 5 - 7 ngày, ra tận đảo Cô Tô (Quảng Ninh), mỗi chuyến đi được từ 12 - 15 tấn cá, trong đó cá cơm chiếm trên 80%. Trừ chi phí mỗi chuyến đi biển có 12 lao động đạt thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/chuyến.
Ông Lê Bá Kỷ, Chủ tịch hội nông dân xã kiêm Phó Chủ tịch Hội nghề cá Quỳnh Lập cho biết thêm: Vụ cá Bắc năm nay rất được mùa, bình quân đạt gần 2.200 tấn/tháng, tăng hơn so với cùng kỳ 200 tấn/tháng. Do lợi thế tàu to, máy lớn nên 100% các tàu, thuyền đều đánh bắt ở các ngư trường xa, nguồn cá dồi dào.
Những ngày cuối tháng 10 âm lịch, chúng tôi có mặt sớm tại bến cá lạch Cờn, chứng kiến cảnh trên bến, dưới thuyền, người mua kẻ bán tấp nập, niềm vui “trúng” cá của bà con ngư dân xua đi bao vất vả khó nhọc. Tàu NA 93272 của ngư dân Nguyễn Văn Sỹ vừa cập bến. Các thuyền viên trên tàu đang hối hả chuyển cá từ hầm bảo quản lạnh dưới tàu lên để bán cho thương lái.
Cá hồng xuất khẩu một loại cá thu hoạch được nhiều trong những ngày vừa qua của ngư dân Quỳnh Phương.
Chuyến này đi chưa đầy 10 ngày, nhưng sản lượng đã lên tới 4 tấn, trong đó, phần lớn là các loại cá xuất khẩu như cá mú, cá rùi, cá dưa, mực nang. Ông Sỹ cho biết: “Chuyến biển này tàu tôi đi được hơn 4 tấn, cá đánh bắt được toàn cá ngon, tổng thu được 120 triệu, anh em rất phấn khởi, vụ Bắc năm nay làm ăn khấm khá hơn hẳn”.
Không chỉ riêng tàu ông Sỹ, mà phần lớn dịp cuối năm, các tàu cá ở Quỳnh Phương đều trúng đậm, đặc biệt là cá có giá trị cao. Có tàu mỗi ban lưới kéo dài từ một tuần đến 10 ngày thu về từ 4 – đến 5 tấn cá các loại, trong đó 90% cá xuất khẩu, thu từ 100 – 150 triệu đồng, mỗi lao động đạt 6 triệu đồng/chuyến. Mặc dù còn 2 tháng biển nữa mới kết thúc năm, nhưng có những tàu như tàu ông Sỹ, tàu anh Hồng Sơn, tàu ông Hồ Văn Sơn, thu nhập của lao động nghề biển đã đạt 80, 90 triệu đồng/người.
Ngư dân Nguyễn Văn Long, khối Ái Quốc, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai phấn khởi nói: “Chuyến biển này ngoài phần chia nhà nghề ra được 5 triệu thì tôi còn được thêm 2 triệu đồng từ câu mực ống. Nói chung thợ thuyền như chúng tôi, ngoài kéo lưới chung với cả tàu, làm thêm mỗi ban ai ít cũng từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, ai nhiều tầm 2 – 3 triệu đồng. Tổng thu có khi được 7, 8 triệu đồng trong 10 ngày”.
Những ngày vừa qua ngư dân Tiến Thủy được mùa cá hố xuất khẩu. Ảnh: Việt Hùng
Có được sự phong phú về các sản phẩm khai thác chính là kết quả của quá trình mạnh dạn đổi mới và du nhập nhiều ngành nghề của bà con ngư dân thị xã Hoàng Mai. Hiện nay, trên một phương tiện, bà con đã sắm từ 2, đến 3 nghề, nhiều nghề mới cho hiệu quả kinh tế cao như: nghề dê xù, lưới dưa, lưới hồng, bóng ghẹ, lưới sam… vì vậy sản lượng khai thác hàng năm luôn tăng, thu nhập bình quân nghề biển đạt 70 – 80 triệu đồng, các chủ tàu thu về từ 300 – 400 triệu đồng/ năm.
Bên cạnh đó, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng máy móc hiện đại vào khai thác như máy định vị, máy dò cá, bộ đàm, đầu tư kinh phí, sắm tàu to, máy lớn vươn khơi, vươn xa, làm chủ ngư trường khai thác. Các chủ phương tiện còn đoàn kết thành lập nên các tổ khai thác trên biển, chia sẻ thông tin cho nhau về ngư trường, kịp thời hỗ trợ nhau về lúc cần thiết. Đặc biệt, những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách trong ưu tiên hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện về vốn vay đóng tàu theo NĐ 67, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, tập huấn về luật biển, đảo…
Chuyển cá từ tàu lên bờ tiêu thụ ở bến cá Quỳnh Phương.
Xã Diễn Ngọc hiện có 383 tàu thuyền, công suất từ 90 - 450 CV, sản lượng hàng năm đạt trên 13.600 tấn hải sản. Riêng cá vụ Bắc tính từ tháng 10/2015 đến nay, đạt 1.500 tấn/tháng (tăng so với cùng kỳ 150 - 200 tấn/tháng). Cá vụ bắc trúng lớn, tạo điều kiện nghề hậu cần nghề cá phát triển, như kết hợp với sau khi các tàu vào cập bến cảng, cánh thương lái (chủ yếu là chị em phụ nữ) đổ về tiếp cận thu mua tại chỗ nhanh chóng, càng khích lệ ngư dân sớm ra khơi bám biển.
Chưa kể là tại Diễn Ngọc, Diễn Bích có trên 10 cơ sở sản xuất đá lạnh phục vụ tàu thuyền ướp cá, tại các làng nghề, Công ty CP nước mắm Vạn Phần và 3 cơ sở nghiền bột cá tại xã Diễn Ngọc mỗi năm tiêu thụ trên địa bàn hàng chục ngàn tấn hải sản, sản xuất gần 10 triệu lít nước mắm, 7.000 tấn ruốc và hàng chục tấn hải sản khô phục vụ cho thị trường trong, ngoài tỉnh và cả xuất khẩu. Tính từ đầu năm đến nay, Diễn Châu khai thác được 36.000 tấn hải sản các loại, riêng cá vụ Bắc đạt 3.400 - 3.600 tấn/tháng.
Ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò nhìn chung lượng hàng nguyên liệu cần cho chế biến sản phẩm tết đang tăng cao nên bà con ngư dân phấn khởi.
Cá được bảo quản chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Sản lượng khai thác, đánh bắt hải sản tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đạt trên 110.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ (riêng vụ cá Bắc đã đạt khoảng 70.000 tấn). Theo ông Trần Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở nông nghiệp nguyên nhân sản lượng cá tăng hơn năm trước là do tỉnh đang giảm dần khai thác gần bờ, phát triển khai thác xa bờ, Hiện tại, toàn tỉnh có số lượng tàu hơn 3.968 chiếc, trong đó tàu công suất trên 90CV lên 1.300 chiếc. Khai thác ngoài khơi ngoài việc tăng sản lượng còn nâng cao hiệu quả nghề khai thác, mang lại giá trị sản phẩm, gắn liền với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho vùng biển của tỉnh.
Để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo phục vụ tốt cho tàu yên tâm vươn khơi, bà con ngư dân mong chờ cần đẩy nhanh tiến độ nạo vét Lạch Thơi (Sơn Hải, Quỳnh Lưu) để thuận tiện cho tàu vào ra. Bên cạnh đó cần được Nhà nước tiếp tục đầu tư nạo vét thông thoáng Lạch Vạn ở Diễn Châu, Lạch Cờn, Lạch Quèn, Quỳnh Lưu…
Văn Trường – Nguyễn Vân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.