Nguồn tin: Báo Phú Yên, 10/12/2015
Ngày cập nhật:
13/12/2015
Ngư dân TP Tuy Hòa “làm nước” tàu để chuẩn bị mùa biển mới - Ảnh: N.QUANG
Tháng 9 - 10 âm lịch, ngư dân đưa tàu lên bờ tu sửa cho chuyến biển mới vào cuối năm. Biển động, tàu nằm bờ “làm nước”, tiền của cứ thế “đội nón” ra đi. Bao nhiều âu lo bủa quanh xóm làng nghề biển trong mùa… ra tiền.
Gánh nặng chi phí tu sửa tàu
Làng biển Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên mùa mưa gió. Chộn rộn trong bao sự là câu chuyện chạy tiền để tân trang những con tàu gỗ qua một năm bôn ba sóng gió. Bà Trần Thị Liên, chủ một con tàu lưới rút 90CV, buông lời: “Tàu nhà tui lên bờ nửa tháng rồi. Ba, bốn trăm ngàn một ngày công thợ “làm nước” mà tìm không ra người. Cứ sửa túc tắc kiểu này, bao giờ cho xong! Muốn làm nhanh thì tiền đâu mà nâng công thợ? Giá cây gỗ sửa tàu cũng tăng dữ quá, lại khan hiếm nữa…”. Theo bà Liên, hàng mấy chục con tàu ở làng này cùng lúc sửa chữa, công thợ được dịp làm giá. Thường ngày, nhiều đàn ông nghề biển đi làm mướn tứ xứ; mùa biển động thì về quê xả hơi… Ai kêu làm thì phải nhiều tiền mới đi. Đã khó công thợ, lại còn căng thẳng túi tiền khi giá cả gỗ thay sửa vỏ tàu đang tăng 20 - 30% mà không dễ tìm mua. Chiếc tàu nhà bà dự định chi sửa cỡ 80 triệu đồng, mà giờ đã dội lên hơn 100 triệu đồng. “Mùa rồi, tàu nhà đánh chuyến được, chuyến mất. Tiền dành dụm chỉ kham được một nửa chi phí sửa tàu, còn lại phải đi “giật” nóng. Tui vừa chạy vay 50 triệu đồng với mức lãi 6%/tháng. Biết là phải trả lãi gấp chục lần so với vay ngân hàng nhưng sổ đỏ, sổ tàu cũng đang nằm ngân hàng rồi!”, bà Liên nói.
Lão ngư Nguyễn Kim Lai thì cho hay: “Chiếc tàu gỗ 135CV nhà tôi cũng vừa leo bờ “làm nước”; nhiều nơi trên thân đã bị xuống cấp, nội thất trên tàu cũng đã đến kỳ thay, sửa. Nhẩm tính sửa sơ sài nhất cũng phải mất hơn 100 triệu đồng. Nếu làm kỹ hơn thì phải 150 triệu đồng. Mùa biển rồi lỗ tổn quá; vật tư, công xá bạn tàu đều tăng cao, cá đánh được ít mà giá bán thì cứ bập bênh. Giờ phải ráng tu chỉnh lại tàu để ra khơi vào cuối năm nay. Vợ chồng tui vừa chạy “giựt” nóng 70 triệu đồng! Nghề biển mà, phải lo cho tàu bè bài bản mới có thể vươn khơi. Nếu kham không nổi thì kêu bán tàu…”. Ông Lai nhẩm tính, mùa rồi ở Hòa Hiệp Trung, cứ 10 tàu đi biển thì chỉ 2 - 3 tàu có lãi, còn lại hòa và lỗ tổn.
Canh cánh nỗi lo
Khu vực Cảng cá Phường 6, TP Tuy Hòa mùa biển động vẫn túc tắc có tàu ra khơi. Theo anh Phan Tấn Thịnh, Trưởng khu phố Bạch Đằng (phường 6, TP Tuy Hòa), nghề cá ngừ liên tục mất ăn, khoảng một nửa tàu ở đây đã chuyển sang nghề lưới cá chuồn, cá nhám (cá mập), cá hố… hoặc dùng “hai súng” (vừa câu cá ngừ, vừa đánh cá khác). Tàu xa bờ lúc này bám thông tin khá kỹ, có thể theo dõi dự báo thời tiết trước mười ngày. Biển mùa động nhưng lại có cá, nên nhiều chủ tàu canh chừng biển êm êm là ra khơi. Nghề đánh bắt xa bờ đang có chiều hướng giảm thu nên ngư dân thấy biển có ăn là tranh thủ “giật nóng” lên đường. Kỳ này, bà con đang lún vào lắm thứ nợ nần…
Theo anh Thịnh, liên tiếp nhiều chuyến cá ngừ thất thu, bà con chuyển sang đầu tư đánh bắt cá chuồn. Đã thiếu hụt vốn, lại phải mua sắm thêm ngư cụ lưới chuồn, mỗi giàn lưới và phụ kiện có giá vài trăm triệu đồng, nên hầu hết đều phải vay mượn. “Đánh bắt xa bờ rất cả vốn, ai không xoay nổi tiền thì đành chịu. Biển liên tục thua lỗ nên sức tích lũy của bà con yếu dần. 99% tàu cá vùng này đang mắc nợ ngân hàng, muốn có tiền tiếp tục ra biển thì phải cậy tín dụng bên ngoài. Khó có thể thống kê hết nhưng lúc nào dịch vụ vay nóng cũng sẵn sàng đáp ứng cho nghề biển. Biết là lãi mẹ, lãi con, ôm cục nợ ra biển nhưng nhiều tàu cũng nhờ vay nóng mà còn trụ được với nghề…”, anh Thịnh nói.
Ông Lê Vĩnh Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 6, TP Tuy Hòa, cho hay, chuyện vốn liếng tiền bạc lúc nào cũng “ong ong” trong làng đánh bắt xa bờ, vào mùa mưa lạnh lại càng “nóng rẫy”. Nhiều chủ trương hỗ trợ, ưu đãi tín dụng đã đến với hầu hết bà con nghề biển. Tuy nhiên, nghề biển thời gian qua gặp quá nhiều thử thách, rủi ro nên tỉ lệ ngư dân lỗ tổn rất cao, gia tăng nhu cầu vốn vay để tái đầu tư. Hầu hết nhà cửa, phương tiện đã được bà con thế chấp để vay ngân hàng, nợ chưa sạch nên không thể vay tiếp. Còn việc vay tín chấp qua các đoàn thể thì đồng vốn như muối bỏ bể đối với nghề đánh bắt xa bờ. Hàng loạt hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67/CP đang bị “ách” do ngư dân thiếu nhiều điều kiện theo quy định hiện hành… Bởi vậy, khi cần một khoản tiền “đơn giản, mau thấy” thì ngư dân cứ theo… đường mòn tín dụng đen. Liên tiếp vài chuyến biển thất bại thì… đen lại càng đen, không thể dứt ra được!
H.PHIÊN - P.NAM
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.