Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 11/12/2015
Ngày cập nhật:
14/12/2015
Là huyện nông nghiệp vùng trũng có nhiều sông, hồ, vì vậy nuôi cá lồng đang là hướng đi mới có hiệu quả đang được nhiều hộ nông dân ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) triển khai nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Theo thống kê, đến nay ở Hải Lăng có trên 120 lồng nuôi cá trên sông, trong đó có hơn 30 lồng nuôi cá chình, còn lại là lồng nuôi cá trắm cỏ, trê lai, rô phi đơn tính… tập trung ở các xã Hải Tân, Hải Chánh, Hải Sơn và Hải Trường. Trung bình mỗi mô hình cá lồng cho thu nhập từ 30 - 70 triệu đồng/vụ nuôi. Đặc biệt, phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông đã hạn chế việc người dân dùng xung điện để đánh bắt cá, qua đó bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường ở địa phương.
Nuôi cá lồng trên sông ở Hải Lăng
Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu cho cuộc sống, anh Phạm Văn Thiện cho biết: “Nhờ con cá chình cả đấy. Mấy năm nay cá chình được giá, được mùa nên đời sống người nuôi cá được cải thiện, mua sắm được vật dụng sinh hoạt gia đình, thoát khỏi cảnh lặn mò trên sông bắt tôm, bắt cá hàng ngày”. Anh kể, trước kia gia đình anh cùng hàng chục hộ dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Ô Giang. Nhưng cá tôm lúc đánh được nhiều, lúc đánh được ít, cuộc sống bấp bênh, do vậy cái đói, cái nghèo luôn là nỗi trăn trở thường nhật của gia đình. Sau đó gia đình chuyển qua nuôi cá trắm cỏ nhưng do dịch bệnh nên không mang lại hiệu quả, cá chết hàng loạt. Cơ hội đến với anh vào năm 2006 khi Trung tâm Khuyến ngư tỉnh (nay là Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư) thực hiện 2 mô hình nuôi cá chình lồng đầu tiên tại hộ ông Lê Văn Đằng và ông Mai Viết Phú.
Nhận thấy con cá chình rất dễ nuôi, chịu được nguồn nước khắc nghiệt, lại có giá thu mua cao nên anh Thiện quyết định đóng lồng nuôi thử. Với 3 lồng nuôi cá chình có thể tích 10 m3 mỗi lồng, thả nuôi hơn 400 con cá chình giống kích cỡ 5 - 10 con/kg. Theo anh Thiện nếu nuôi tốt thì bình quân 1 năm cá đạt trọng lượng từ 1 - 1,5 kg/con. Cá được nuôi theo phương thức đánh tỉa thả bù, hàng năm thu hoạch những con đạt kích cỡ thương phẩm (từ 1,5kg trở lên) đồng thời thả thêm cá giống để nuôi tiếp. Hiện nay mỗi lồng nuôi cá chình của anh một năm cho thu hoạch từ 1 - 1,2 tạ cá, với giá bán hiện nay khoảng 500.000 đồng/kg thì mỗi năm từ 2 lồng nuôi cá chình đã mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 100 - 150 triệu đồng. Bên cạnh 2 lồng nuôi cá chình, anh còn thả nuôi thêm 3 lồng cá trắm cỏ hàng năm mang về cho gia đình từ 10 – 12 triệu đồng mỗi lồng với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài và tận dụng nguồn rong cỏ sẵn có trên dòng sông Ô Giang.
Anh Thiện chia sẻ: Điểm “ưu việt” của nghề nuôi cá chình lồng là không phải quá lo lắng đến thời tiết. Thông thường, lồng nuôi cá được neo cố định vào hệ thống phao nổi bằng những sợi dây thừng lớn. Vào mùa nắng nóng, lồng được treo cố định. Khi mưa lũ, người nuôi có thể di chuyển lồng một cách dễ dàng vào gần bờ để tránh lũ. Tuy nhiên, theo anh Thiện khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển nghề nuôi cá chình là nguồn giống. Hiện nguồn giống cá chình hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác ngoài tự nhiên. Nếu không có kinh nghiệm sẽ không phân biệt được cá nào tốt, cá nào xấu. Chỉ sau khi thả nuôi từ 1 tháng trở lên cá mới bắt đầu chết hoặc chậm lớn. Còn đối với nuôi cá trắm cỏ lồng thì vào giai đoạn chuyển mùa cá thường bị chết do dịch bệnh.
Theo anh Nguyễn Khắc Mạnh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh, hiện nay chưa có cá chình giống được sinh sản nhân tạo mà hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Vì vậy, để mua được nguồn cá giống đảm bảo chất lượng người dân nên mua cá chình giống cỡ nhỏ (20 – 30 con/kg) đánh bắt theo hình thức cất rớ về ương nuôi lên. Tuy nhiên do cá giống cỡ nhỏ nên cần phải nuôi khoảng 2 năm cá mới đạt kích cỡ thương phẩm. Còn đối với cá trắm cỏ người dân nên thả giống có kích cỡ lớn (từ 0,7 - 1 kg/con) để giảm thất thoát do dịch bệnh vừa thu hoạch được cá thương phẩm có kích thước lớn.
Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Hải Tân có hàng chục hộ tham gia nuôi cá lồng trên sông với khoảng 30 lồng nuôi cá chình, xen kẽ với nuôi cá chình các hộ còn nuôi thêm gần 50 lồng cá trắm cỏ mục đích để lấy ngắn nuôi dài. Việc phát triển nuôi cá lồng đã giúp hàng chục hộ dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông thoát được cảnh nghèo khó, ổn định cuộc sống.
Ông Đào Văn Trẫm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng cho biết: “Từ những thành công của các hộ nuôi cá lồng trên sông, trong thời gian tới Phòng Nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND huyện Hải Lăng có chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình nuôi cá lồng ở các xã có hệ thống sông và hồ chứa nước. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trực tiếp cho các hộ, nhất là các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo để qua đó giúp người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế”.
THỤC QUYÊN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.