• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

10 sự kiện ngành thủy sản năm 2014

Nguồn tin: Thương Mại Thủy Sản, 12/02/2015
Ngày cập nhật: 15/2/2015

Xuất khẩu thủy sản tiến sát mốc 8 tỷ USD, sự chung sức đồng lòng của các DN chế biến xuất khẩu... là một số sự kiện nổi bật của ngành Thủy sản năm 2014 do tạp chí Thương mại Thủy sản bình chọn.

1. Xuất khẩu thủy sản vượt xa mức dự kiến, đạt gần 8 tỷ USD

Tổng giá trị XK thủy sản chính ngạch của cả nước ước đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một thành tích đáng ghi nhận của ngành trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chưa thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài. Cơ cấu sản phẩm XK chủ lực của ngành gồm các mặt hàng chính như tôm (chiếm 50%) cá tra (22%) cá ngừ (6%) cá biển (12%) nhuyễn thể (7%) …

Mặt hàng tôm lập kỷ lục mới về giá trị XK, với trên 4 tỷ USD, tôm có đóng góp lớn nhất trong tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam nhờ nỗ lực khắc phục dịch bệnh EMS, nắm bắt được cơ hội thị trường và gia tăng sản lượng tôm chân trắng. Mặt hàng tôm là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh cho XK thủy sản trong năm nay và triển vọng cho năm tới. Xuất khẩu cá tra vẫn chưa có sự tiến triển tích cực, trong khi các mặt hàng cá biển, nhuyễn thể ….đã có bước tăng trưởng đáng kể, trừ mặt hàng cá ngừ vẫn giảm kim ngạch XK khá mạnh so với năm ngoái.

2. Doanh nghiệp thủy sản cả nước chung sức bảo vệ Biển Đông

Ngày 1/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, huy động 140 tàu, trong đó có tàu quân sự cùng máy bay hộ tống giàn khoan, dùng vòi rồng phun nước và tàu to đâm thẳng vào các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền hợp pháp, cố tình phá hoại tàu thuyền và đe dọa tính mạng của ngư dân đánh bắt trên biển.

Ban Chấp hành Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã kêu gọi tất cả các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân chung tay góp sức ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ biển Đông của Việt Nam”. Thể hiện tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân, nhiều doanh nghiệp và cá nhân ngành thủy sản đã nhanh chóng hưởng ứng cuộc vận động. Kết thúc gần 1 tháng phát động hướng về biển đảo, đã có 49 DN, tổ chức, cá nhân ủng hộ 3,367 tỷ đồng. Hiệp hội đã dành 2 tỷ đồng trao tặng trực tiếp cho lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển và trên 1,367 tỷ đồng được chuyển tới bà con ngư dân hoạt động trên vùng biển đảo Hoàng Sa.

Lãnh đạo Hiệp hội VASEP thăm hỏi và trao quà động viên lực lượng Kiểm ngư

3. Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra

Ngày 29/4/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra. Nghị định quy định cụ thể việc nuôi, chế biến cá tra: Quy hoạch nuôi, chế biến cá tra; điều kiện cơ sở nuôi cá tra thương phẩm; điều kiện cơ sở chế biến cá tra; điều kiện về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2014.

Tuy nhiên, một số điểm quy định trong Nghị định chưa phù hợp với thực tế sản xuất, chế biến của hầu hết các doanh nghiệp cá tra, nhất là phần quy định về hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng của philê cá. Các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều lần và Chính phủ đã phải quyết định hoãn thi hành hai nội dung này vào giờ chót. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và sửa đổi Nghị định trong năm nay.

4. Thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam bị áp mức ở cao nhất trong POR8

Ngày 19/9/2014, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính từ 01/02/2012 đến 31/01/2013 (POR8). Theo đó, các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp các mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cao nhất từ trước đến nay.

Điều đáng chú ý nhất là với POR 7 trước đó trong năm 2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã kết luận các doanh nghiệp tôm của Việt Nam không bán phá giá, không gây thiệt hại gì cho Mỹ và áp thuế bằng 0% cho tất cả 32 doanh nghiệp của Việt Nam. Năm 2014, với POR 8, DOC lại kết luận các doanh nghiệp Việt Nam đều bán phá giá với mức thuế rất cao, cao nhất trong 8 chu kỳ tính thuế của DOC.

Mức thuế cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh mặt hàng tôm của Việt Nam trên thị trường Mỹ.

5. Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển khai thác thủy sản

Ngày 07/7/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành, trong đó quy định các chính sách cơ bản nhất cho phát triển khai thác thủy sản, khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta. Nghị định qui định các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên. Đặc biệt Nghị định đã khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn vỏ thép/vật liệu mới, với thời gian vay 11 năm, lãi suất ưu đãi chỉ từ 1 - 3%/ năm. Nghị định 67 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2014.

Trang bị tàu vỏ thép cho ngư dân là một trong những mục tiêu nhằm hiện đại hóa ngành khai thác hải sản của Việt Nam trong những năm tới

Tuy nhiên việc thực hiện Nghị định còn gặp nhiều khó khăn. 21 mẫu tàu cá do Bộ NN&PTNT đưa ra chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, có nhiều vướng mắc trong việc thẩm định năng lực của ngư dân. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn đưa ra yêu cầu phải có tài sản thế chấp khác để ngư dân vay vốn lưu động phục vụ từng chuyến đánh bắt xa bờ hay nâng cấp ngư lưới cụ, thiết bị đi biển.

6. Cá tra chịu mức thuế thấp hơn trong Kết quả sơ bộ POR10

Ngày 9/7/2014, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đưa ra đánh kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10) đối với thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra phi lê nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 01/8/2012 đến 31/7/2013. Theo đánh giá trong kết quả sơ bộ POR10, các công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể sẽ chịu mức thuế là 0,58 đô la Mỹ/kg. So với kết quả chính thức của POR9, kết quả sơ bộ của POR10 có mức thuế thấp hơn nhiều.

Cụ thể, mức thuế bình quân mà 24 doanh nghiệp phải chịu là 0,58 đô la Mỹ/kg, thấp hơn mức 1,2 đô la Mỹ/kg hiện nay nhưng cao hơn mức 0,42 đô la Mỹ của lần công bố POR8.

7. Cam go cuộc chiến chống tôm tạp chất

Ngày 01/8/2014, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Chỉ thị nêu rõ các hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất sẽ được các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung thành tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự.

Cũng theo chỉ thị, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở nuôi, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất. Các cơ sở, doanh nghiệp cam kết thực hiện sẽ được thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tôm bơm tạp chất là vấn nạn của ngành thủy sản VN trong năm 2014

8. Thị trường Nga mở cửa cho 10 DN

Trung tuần tháng 8/2014, Nga và Liên minh Hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan đã dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Liên bang Nga và Liên minh Hải quan đối với 7 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp chế biến sản phẩm cá tra đông lạnh và 2 DN chế biến tôm đông lạnh. Sang đầu tháng 9/2014, Nga tiếp tục dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ NK đối với 3 DN thủy sản Việt Nam, trong đó có 1 DN cá tra nâng tổng số DN được phép XK vào thị trường này lên 10 DN.

Thủy sản là ngành hàng đang có nhiều DN muốn XK sang Nga nhất vì đây là thị trường hấp dẫn với ưu đãi thuế và sức tiêu thụ mạnh. Việc nới rộng một phần cho DN thủy sản Việt Nam là tín hiệu rất quan trọng, tích cực cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt là ngành cá tra và cũng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ngành surimi, vốn được ưa chuộng ở khu vực này. Bên cạnh đó, các DN thủy sản rất kỳ vọng sẽ nhanh chóng khôi phục lại thị trường Nga, sau một thời gian dài sa sút giá trị XK.

9. Thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản

Bình Định là một trong ba tỉnh có năng lực và sản lượng khai thác cá ngừ đại dương cao nhưng nghề cá ngừ đại dương vẫn chỉ mang lại những sản phẩm đạt chất lượng và giá trị thấp, chưa có đầu ra cho sản phẩm cá ngừ tươi nguyên con, kim ngạch xuất khẩu thấp, nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Phương pháp khai thác, xử lý, bảo quản, vận chuyển trên biển chưa phù hợp, (2) Chưa có sự liên kết giữa các bên liên quan trong quá trình khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương.

Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, nghề cá ngừ đại dương, Bình Định đã tiến hành xây dựng mô hình gồm: Các tàu khai thác, nhà thu mua, xuất khẩu và đại lý độc quyền cho nhà XK tại Nhật Bản. Tàu khai thác của Việt Nam được hỗ trợ tập huấn phương pháp, kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản cá ngừ đại dương và áp dụng các thiết bị câu công nghệ Nhật Bản (gồm máy tạo xung và máy thu câu tự động). Tỉnh Bình Định cũng hỗ trợ chủ tàu cải tạo hầm đông, áp dụng công nghệ bảo quản CAS (Cell Alive System) đã được Nhật chuyển giao cho Việt Nam.

Đợt đấu giá đầu tiên tại sàn giao dịch cá ngừ Osaka (Nhật Bản) chưa mang lại kết quả như mong muốn. Nhưng đây là một định hướng đúng của tỉnh Bình Định nhằm khắc phục nghề đánh bắt cá ngừ truyền thống lạc hậu và kém hiệu quả.

10. Goal được tổ chức lần thứ hai tại Việt Nam

Hội nghị Nuôi trồng thủy sản toàn cầu dành cho giới lãnh đạo năm 2014 (GOAL 2014) được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ 7-10/10/2014. Hơn 400 đại biểu là các học giả, chuyên gia, nhà quản lý quốc tế… tập trung bàn về tình hình sản xuất, nuôi thủy sản và phân tích các chuỗi giá trị của ngành, nhất là tập trung phân tích và đánh giá các dữ liệu về sản xuất và đưa ra các dự báo về ngành thủy sản toàn cầu.

Vấn đề dịch bệnh đang và sẽ là thử thách hàng đầu cho sự phát triển của ngành NTTS toàn cầu. Thực tế, năm 2013 sản lượng thủy sản nuôi toàn cầu đã giảm 4% do dịch bệnh tôm kéo dài, trong đó sản lượng tôm ước giảm 19% so với năm 2012 do dịch bệnh EMS, và sẽ tiếp tục giảm 8% trong năm 2014. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự đoán năm 2015 và 2016 sản lượng tôm sẽ hồi phục, và năm 2016 mức sản lượng sẽ quay về mốc của năm 2012, hay sản lượng tôm nuôi toàn cầu được dự kiến sẽ tăng từ 4 triệu tấn lên 8 triệu tấn trong thập kỷ tới. Sản lượng cá toàn cầu năm 2015 cũng sẽ có những sự hồi phục nhẹ và từng bước lấy lại đà tăng trưởng sau hai năm chững lại.

GOAL 2014 cũng đã tổ chức 2 sự kiện nhằm tôn vinh những thành tựu của thủy sản Việt Nam: Trao giải thưởng “Thành tựu Trọn đời” cho PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, một trong những nhà lãnh đạo có trình độ, tầm nhìn và đầy tâm huyết trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam; hội thảo “Tôn vinh lãnh đạo thủy sản Việt Nam” - một “sự kiện đặc biệt” nhằm xây dựng nhận thức về sự cần thiết của việc tăng cường các hoạt động có trách nhiệm giúp các trại nuôi thủy sản có quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng được vinh danh tại GOAL 2014

Thái Phương

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang