Nguồn tin: Báo Đà Nẵng, 22/02/2015
Ngày cập nhật:
23/2/2015
Ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị lưới cho mùa biển mới. Ảnh: TIỂU YẾN
Bên ly rượu liên hoan chiều cuối năm, mấy lão ngư nhẩm tính tuổi từng người để xem ngày giờ, hướng xuất hành tốt nhất cho con tàu đầu năm rời bến với mong muốn năm mới làm ăn phát đạt.
Với họ, biển cả như ruộng, như vườn cho chồi non xanh biếc mỗi mùa xuân và những chuyến hải trình chắc chắn sẽ còn dài mãi.
Màu lộc biển
Một ngày cuối tháng 12, ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông gọi điện nhắn chiều về ghé quán Long Vỹ uống ly rượu liên hoan cuối năm cùng anh em Tổ sản xuất số 7 với lý do tổ có sản lượng đánh bắt cao nhất phường biển, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 80 triệu đồng trở lên. Vui nên anh em ăn mừng sớm hơn nơi khác. Từ ngày chuyển hộ khẩu về làm con dân phường Nại Hiên Đông, tôi trở nên yêu mến chất thuần phác, hào sảng của những người con biển cả.
Nhớ lần đầu gặp ông Cao Văn Minh khai thác tư liệu viết bài Con thuyền trong đời sống tín ngưỡng, ông đón tôi trước hiên nhà, nói một tràng mà quên cả việc mời vào nhà. Lần ấy, ông còn cẩn thận cho tôi mượn bộ đĩa lưu lại những lễ hội nghề biển Nại Hiên Đông do ông làm chủ tế.
Chưa chạm tuổi 60 nhưng trong con mắt bà con ngư dân, Cao Văn Minh là chỗ dựa tinh thần, là “nhà ngư học” tài ba mà làng biển nào cũng phải có. Vốn bị tật ở chân, ông ít khi trực tiếp đi biển nhưng lại là chủ hai chiếc tàu công suất lớn chuyên đánh bắt dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài thời gian chuẩn bị ngư cụ, hậu cần và “nối sóng” với những đứa con tinh thần ngoài khơi xa, ông lúc nào cũng tất bật với việc làng, việc xóm, thuộc nằm lòng những nghi lễ thờ cúng trên tàu biển.
Ảnh: T.LÂN
Phường Nại Hiên Đông hiện có 406 tàu thuyền với tổng công suất 38.459 CV, tăng 13.493 CV so với đầu năm (trong đó có 41 tàu công suất 400 CV trở lên) chứng minh quyết tâm bám biển khai thác ngư trường xa hơn của bà con ngư dân. Tròn 60 tuổi, lão ngư Võ Tấn Trà, thuyền trưởng - chủ tàu ĐNa 90575 được mọi người gọi là “con ma bám biển” bởi một năm 12 tháng thì hết 9 tháng ông cùng tàu lênh đênh ngoài khơi lộng.
Đứng giữa Âu thuyền Thọ Quang lộng gió, lão ngư Võ Tấn Trà nói năm nay thuyền ông làm ăn khấm khá, thu nhập mỗi lao động khoảng 110 triệu đồng (trung bình mọi năm từ 50 - 60 triệu) nên vợ chồng quyết định nâng cấp đầu máy từ 230 CV lên trên 400 CV để sang năm “bám biển dài ngày hơn”. Gần nửa tháng cho tàu vào bờ tu sửa, làm nước (sơn), nâng cấp đầu máy kinh phí gần 400 triệu đồng, một số tiền không nhỏ nhưng theo ông, việc đầu tư nâng cấp máy tàu là chuyện đương nhiên nếu vẫn muốn ngẩng cao đầu trên biển. Trung bình mỗi năm, tàu được đưa lên bờ ba lần để làm nước, cạo hà. Ông Đặng Văn Cu (Nhựt), chủ tàu ĐNa 90332 nói vui rằng dịp cuối năm, ngôi nhà trên đất liền có thể cũ một chút, bừa bộn một chút nhưng không thể để con tàu cũ nát bởi đó là bổn mạng của người đi biển. Do đó dịp cuối năm, ngư phủ thường tranh thủ đưa tàu lên bờ sơn mới nhưng ít khi thay đổi màu sơn so với ban đầu vì “đó là màu làm ăn, màu lộc biển nên không thể thay đổi”, trừ khi màu sơn cũ không mang lại may mắn cho họ.
Trong tín ngưỡng của mình, ông Cu tin rằng, việc để một con tàu cũ nát, nằm bờ đồng nghĩa với việc chúng ta đang quay lưng lại với biển khơi. Với ông, con tàu có giá trị vật chất và tinh thần cao hơn ngôi nhà bởi đó là sống - chết, là cần câu cơm và là phương tiện bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thuyền trưởng Võ Tấn Trà bên “ngôi nhà thứ 2” vừa được sơn mới chào mùa xuân. Ảnh: TIỂU YẾN
Xích lại gần nhau
Cách đây chừng chục năm, tàu cá đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thường mạnh ai nấy làm, “được ăn cả, ngã về không”, mỗi khi tàu gặp nạn không biết bấu víu vào đâu nên mỗi chuyến ra khơi thường mang theo cả nỗi thắc thỏm, lo lắng của người ở lại bờ. Để giảm bớt rủi ro, ngư dân tại nhiều địa phương liên kết thành từng tổ, đội hỗ trợ nhau khai thác, nối vòng tay bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống của cha ông.
Đến Thọ Quang, chúng tôi nghe nhắc nhiều đến ông Huỳnh Bá Năm (tức Năm Tính), người hành nghề lưới cản thuộc hàng “chiến” ở phường biển này. Đầu năm 2005, sau nhiều lần một mình đối mặt với rủi ro trên biển, con tàu đánh bắt xa bờ công suất 90 CV của ông Năm liên kết với 5 chủ tàu 90 CV khác là Nguyễn Sanh, Ngô Em, Mai Mận, Lê Sung thành lập Tổ khai thác hải sản số 1 thu hút hơn 50 lao động, hoạt động theo nguyên tắc cùng nghề (lưới cản) và cùng chí hướng (tham gia trên tinh thần tự nguyện). Đây là tổ đánh bắt thủy sản trên biển đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.
Ông Năm chia sẻ, trước khi thành lập tổ, các tàu chủ yếu tự tìm và giữ bí mật ngư trường khai thác nên hiệu quả kinh tế bấp bênh. Năm đầu tiên hoạt động theo tổ, doanh thu các chuyến đi biển tăng 10 đến 15%, năm thứ hai, tổ đạt mức lãi ròng hơn 1,2 tỷ đồng khiến bà con ngư dân vô cùng phấn khởi. Một lão ngư nói rằng để thay đổi thói quen đi biển một mình là nỗ lực rất lớn của người đi tiên phong như ông Năm. Bởi người vùng biển quan niệm, cá cũng có linh hồn, có thể phù hộ người này mà không phù hộ người kia nên ngư dân thường giấu lộc, giấu nhau ngư trường đánh bắt, giấu sản lượng vì sợ phạm đến bà Thủy trong ngũ hành…
Sau một năm vươn khơi đầy nỗ lực, nhiều ngư dân đúc kết “trong cái rủi có cái may”, sự kiện giàn khoan HD-981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép vào vùng biển nước ta trở thành một thông điệp thật rõ ràng kéo họ xích lại gần nhau trong mục tiêu chung: bảo vệ ngư trường truyền thống cũng chính là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ miếng cơm manh áo của gia đình.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Xuân (38 tuổi), chủ tàu ĐNa 90118 công suất 500 CV có mặt ở vùng biển Hoàng Sa 28 ngày đêm trong thời gian này chia sẻ: Giữa biển khơi thi gan cùng tàu cá Trung Quốc, lòng anh luôn dâng lên nỗi tự hào là người con nước Việt, những chiếc tàu ngày thường chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là đánh bắt cá, nay trở thành những chiến mã cùng ngư dân ra sức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thời gian chồng đi biển, vợ anh - chị Hoàng Thị Hoa - thắc thỏm đứng ngồi không yên nhưng chị tin rằng, nơi biển khơi lộng gió ấy, chồng chị không hề cô đơn khi xung quanh anh là những ngư dân - những đồng đội - một đời dọc ngang trên biển.
Bên ly rượu liên hoan chiều cuối năm, mấy lão ngư nhẩm tính tuổi từng người để xem ngày giờ, hướng xuất hành tốt nhất cho con tàu đầu năm rời bến với mong muốn năm mới làm ăn phát đạt. Với họ, biển cả như ruộng, như vườn cho chồi non xanh biếc mỗi mùa xuân và những chuyến hải trình chắc chắn sẽ còn dài mãi.
Từ mô hình tổ, đội sản xuất đầu tiên ra đời năm 2005, đến nay toàn thành phố Đà Nẵng có 87 tổ khai thác, 4 nghiệp đoàn nghề cá gần 500 thành viên tham gia, phần lớn phân chia tỷ lệ lợi nhuận (sau khi trừ chi phí) như sau: chủ tàu 30%, chủ lưới 30%, bạn 40%. Các thành viên có trách nhiệm phối hợp, trợ giúp nhau trong những chuyến ra khơi dài ngày. Ngoài ra, tổ còn chia nhau nhiệm vụ vào bờ bán sản phẩm chung, tránh để lâu ngày cá kém chất lượng kéo giá thấp và mang lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết tiếp tế cho tàu còn lại.
TIỂU YẾN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.