Nguồn tin: Báo Bình Định, 05/03/2015
Ngày cập nhật:
8/3/2015
Năm 2014, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bình Định đều tăng cao, nhưng các hoạt động này vẫn còn mang tính tự phát, rủi ro lớn, giá trị đạt được chưa tương xứng với tiềm năng... Vấn đề trên đã được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị tổng kết công tác sản xuất thủy sản năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Sở NN&PTNT vừa tổ chức.
Tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn cập cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm. Ảnh: T.S
Theo Sở NN&PTNT, các chính sách hỗ trợ ngư dân theo tinh thần Quyết định (QĐ) 48 và Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản (KTTS). Nhờ vậy, năm 2014, sản lượng KTTS của tỉnh ta đạt 191 ngàn tấn, tăng 6,4% so với năm trước. Hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng đã đạt được kết quả khả quan. Tổng diện tích mặt nước đưa vào NTTS năm 2014 là 4.476 ha, sản lượng đạt 9.062 tấn, tăng 3,1%. Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, hoạt động KTTS và NTTS của tỉnh ta còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Nhiều tồn tại, hạn chế
Trên lĩnh vực KTTS, tại nhiều địa phương, tình trạng người dân hành nghề cấm và sử dụng chất nổ, xung điện xiếc máy vẫn còn diễn ra phổ biến. Việc này khiến nguồn lợi thủy sản trên các đầm phá, vùng biển ven bờ bị tận diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Tình trạng tàu cá của ngư dân tỉnh ta vi phạm lãnh hải, bị nước ngoài bắt giữ xảy ra ngày càng nhiều. Nếu năm 2014, toàn tỉnh có 12 tàu cá cùng với 86 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ thì riêng 2 tháng đầu năm 2015 đã có tới 9 tàu cá của ngư dân tỉnh ta bị nước ngoài bắt giữ.
Năm 2015, ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra mục tiêu: Tổng sản lượng thủy sản đạt 191.200 tấn, gồm sản lượng khai thác 182.200 tấn (trong đó sản lượng CNÐD 9.000 tấn); sản lượng NTTS 9.000 tấn (trong đó sản lượng tôm đạt 5.972 tấn). Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 75 triệu USD.
Chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác được cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định, cho biết: “Sản lượng cá ngừ đại dương (CNĐD) của tỉnh ta là rất lớn, nhưng do quy trình khai thác, xử lý, bảo quản lạc hậu, nên chất lượng cá ngừ thấp. Do đó, chúng tôi không thể mua sản phẩm với giá cao, giá trị xuất khẩu sản phẩm cá ngừ của công ty cũng bị hạn chế. Thực tế, công ty đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai mô hình khai thác, thu mua, xuất khẩu CNĐD theo chuỗi, nhưng có 4/5 tàu cá của ngư dân tham gia mô hình không mặn mà trong việc áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào thực tế, nên số lượng cá ngừ xuất khẩu qua Nhật Bản rất ít”.
Trên lĩnh vực NTTS, hạn chế dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức. Tại nhiều địa phương, hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh phát sinh gây hại vật nuôi. Tại các vùng nuôi tôm trên cát ở xã Mỹ Thắng, Mỹ An (Phù Mỹ)… có nhiều người dân đã lấn chiếm đất, xây dựng ao nuôi tôm trên cát, phá vỡ quy hoạch. Đáng lo ngại là người nuôi tôm đã thải trực tiếp nước thải và chất thải trong các ao hồ ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nuôi, khiến dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng. Nhiều hộ nuôi tôm cũng không tuân thủ việc kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi. Theo Chi cục Thú y tỉnh, có 35% con giống thả nuôi không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Năm 2014, toàn tỉnh có trên 27 ha nuôi tôm bị dịch bệnh, trong đó có 15 ha tôm nuôi bị vi rút đốm trắng gây hại và trên 12 ha bị bệnh do môi trường. Đáng lo ngại là vi rút đốm trắng tồn tại trong môi trường và sẽ tiếp tục phát sinh gây hại tôm nuôi.
Tăng cường các giải pháp phát triển
Phát biểu tại Hội nghị nói trên, ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho rằng, ngành Nông nghiệp tỉnh cần phải tính toán phát triển sản xuất thủy sản theo hướng bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất. Để làm được điều đó, Sở NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân theo tinh thần QĐ 48 và NĐ 67 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững; khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, chế biến thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Đối với những ngư dân vi phạm lãnh hải, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân, cần phải có biện pháp răn đe, giáo dục…
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Năm 2015, trên cơ sở kế hoạch tổng thể thực hiện NĐ 67 của Chính phủ đã được UBND tỉnh ban hành, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện từng chính sách riêng, ưu tiên thực hiện chính sách tín dụng đóng mới tàu cá. Phối hợp với các cơ quan hữu quan, các ngân hàng thương mại kịp thời tháo gỡ khó khăn về quy trình, thủ tục vay vốn, giúp ngư dân tiếp cận và vay vốn để đóng mới tàu cá. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần QĐ 48; củng cố và phát triển mô hình khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm CNĐD.
Sở NN&PTNT sẽ xây dựng quy hoạch chi tiết các khu NTTS công nghệ cao tại xã Cát Thành, Cát Hải (Phù Cát); Mỹ Thành (Phù Mỹ); xây dựng các tiêu chí nuôi tôm công nghệ cao (CNC) để giới thiệu và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các khu NTTS CNC đã quy hoạch. Tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ để các nhà đầu tư: Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Hokugan (Nhật Bản) sớm đầu tư xây dựng cơ sở NTTS CNC. Xây dựng chi tiết cụm công nghiệp chế biến thủy sản Cát Khánh (Phù Cát) và thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến thủy sản, gắn với bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp nói trên.
PHẠM TIẾN SỸ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.