Nguồn tin: Báo Cà Mau, 10/03/2015
Ngày cập nhật:
12/3/2015
Lâu lắm rồi mới có dịp trở lại xã Đông Thới - một trong những vùng có diện tích nuôi sò huyết lớn nhất của Cà Mau. Nơi ấy, hộ dân vừa thu hoạch xong vụ sò huyết, số hộ còn lại thu mót những con sò sau cùng để kịp thả giống vụ mới.
Năm 2009, lần đầu tiên về vùng nuôi sò của ấp Kinh Lớn, anh Nguyễn Văn La, cán bộ khuyến nông, khuyến ngư xã Ðông Thới đưa tôi đến tận nhà anh Nguyễn Văn Tám, ở đầu kinh Thầy Tư. Hồi đó, anh là một trong những hộ đồng bào Khmer nuôi sò huyết đầu tiên và thành công của địa phương, dân trong vùng ngưỡng mộ đặt cho biệt danh “Tám sò”.
“Tám sò” lên đời
Ngày ấy, anh Tám chỉ có 6 công đất, nuôi tôm sú quảng canh thất lên thất xuống. Nhưng chỉ sau 4 vụ sò huyết thắng đậm, gia đình anh có tiền sửa chữa lại căn nhà lá thành nhà mái tol, còn dư tiền để làm vốn thu mua sò huyết giống và sò huyết thương phẩm. Cách làm ăn biết tính toán của anh Tám giúp gia đình anh từ chỗ khó khăn dần vươn lên khấm khá và hiện cận kề với ngưỡng giàu.
Nguồn sò huyết giống dưới kinh Thầy Tư giúp nhiều gia đình ở Đông Thới có thêm thu nhập.
Cạnh vuông nuôi sò huyết xưa kia của anh Tám hiện có thêm đầm nuôi tôm công nghiệp, chuẩn bị thu hoạch. Hỏi ra mới hay, cũng nhờ nuôi sò huyết lời nhiều mà anh Tám cất được cái quán nước và mở tiệm tạp hoá hoành tráng cặp kinh xáng Ðông Hưng, ngay ngã ba kinh Thầy Tư. Vợ anh Tám còn cho hay gia đình cũng mua thêm được gần 5 công đất và cố thêm hơn 4 công đất gần nhà để nuôi tôm sú, tính ra vàng cũng hơn chục cây. Xuất phát từ cảnh cơ hàn nên khi có thêm đất đai, vợ chồng "Tám sò” lại thêm cần cù, chịu khó để đất sinh lời.
Chia sẻ về chuyện làm ăn hiện tại, anh Tám thú thiệt rằng thời gian gần đây anh không nuôi sò huyết nhiều như trước và cũng thôi luôn nghề mua sò giống và sò huyết thương phẩm. Mục đích là để toàn tâm toàn ý cho đầm nuôi tôm thẻ công nghiệp mà gia đình anh đã “lỡ” đầu tư hàng trăm triệu đồng. Anh Tám khoe tôm phát triển tốt, vụ này thu không dưới 3 tấn và sẽ có tiền làm nhà mới. “Nuôi sò huyết tuy không bao giờ bị lỗ nhưng là nông dân, muốn giàu nhiều hơn và nhanh hơn thì chỉ có nuôi tôm công nghiệp. Song, có thất tôi cũng bớt lo vì còn có con sò huyết gỡ gạc lại”, anh Tám chia sẻ.
“Mỏ vàng” kinh xáng Đông Hưng
Kinh xáng Ðông Hưng hơn 9 km, trải dài ngang qua địa phận xã Ðông Thới đến ngã ba sông Bảy Háp của huyện Năm Căn. Dưới lòng kinh đặc quánh phù sa ấy, người mò lịch và cá ngát tình cờ phát hiện có nguồn sò huyết tự nhiên. Nguồn sò tự nhiên ấy được ví như “mỏ vàng” của hộ nghèo không đất canh tác hoặc không tư liệu sản xuất của địa phương. Số sò giống loại nhỏ không bán được, những người như anh Nguyễn Văn Tám nảy sinh ý tưởng thu gom lại để thả vào vuông tôm nuôi xen với cua và tôm sú. Thấy hiệu quả kinh tế kha khá nên từ năm 2007 trở về sau, hộ dân có đất vuông tôm ở Ðông Thới manh nha học cách làm theo rồi dần dà lan rộng qua một số vùng lân cận.
Cho đến nay, số liệu mà Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước cung cấp, cả huyện này có trên 6.600 ha nuôi sò huyết xen canh với các loài thuỷ sản khác trong vuông tôm, tập trung nhiều ở xã Ðông Thới và Trần Thới. Trong đó, xã Ðông Thới có trên 2.000 ha, tập trung nhiều ở 2 ấp có đông đồng bào Khmer của xã này là Khánh Tư và Kinh Lớn.
Ðể giúp nhà nông địa phương nuôi sò huyết đạt hiệu quả như mong muốn, thời gian qua, ngành chức năng huyện này mở nhiều lớp tập huấn chuyên môn giúp đông đảo hộ nuôi sò nắm bắt quy trình, kỹ thuật để giảm rủi ro, tăng hiệu quả. Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, chính quyền xã Ðông Thới cũng lần lượt thành lập được 2 tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm ở ấp Khánh Tư lấy tên là “Như Ý” và ở ấp Kinh Lớn lấy tên là “Nhà Thính B” với trên 30 tổ viên tham gia nuôi sò hơn 25 ha. Theo ông Danh Văn Ðô, Tổ trưởng Tổ hợp tác Như Ý, dù chưa chiết tính được cụ thể năng suất nhưng theo nhẩm tính kiểu nhà nông, bình quân thả 1 kg sò giống sau thời gian nuôi từ 6 - 12 tháng sẽ thu hoạch được từ 8 - 10 kg sò huyết thương phẩm.
Nếu nuôi mật độ vừa phải thì 1 ha thả được khoảng 200 kg sò giống (loại sò từ 1.000 - 2.000 con/kg). Sau 12 tháng sẽ thu hoạch, giá bán dao động từ 60.000 - 100.000/kg, mỗi héc-ta nuôi sò, sau khi trừ chi phí (khoảng 50.000 đồng/kg sò giống), người nuôi sò còn lời không dưới 100 triệu đồng. Ðó là chưa tính nguồn thu từ con tôm, con cua, con cá.
Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Thới Lê Hoàng Anh cho biết, toàn xã này có trên 2.000 hộ dân (125 hộ đồng bào Khmer). Nhờ nuôi sò huyết hiệu quả nên hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Hiện hộ nghèo toàn xã này còn 133 hộ (6,51%) và cận nghèo 97 hộ (4,74%). “So với năm 2010, hộ nghèo và cận nghèo giảm lần lượt là 7,72% và 3,09%. Ðời sống hộ dân trong vùng được cải thiện, đặc biệt là hộ đồng bào Khmer, nên có điều kiện góp phần chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”, ông Hoàng Anh chia sẻ./.
Hộ dân nuôi sò huyết ở Cái Nước phụ thuộc vào nguồn sò huyết giống được thu gom từ các hộ khai thác tự nhiên ở dòng kinh xáng Đông Hưng. Song, đây là một trong những mô hình nuôi hiệu quả vì vốn đầu tư khá thấp, không tốn tiền mua thức ăn cho sò và không tốn công chăm sóc. Tuy vậy, để nuôi sò đạt hiệu quả như mong muốn, Nhân dân địa phương nên thả sò giống vào những tháng có độ mặn cao, phù hợp là thời điểm sau Tết Nguyên đán và nên thường xuyên tháo nước ra vào vuông tôm để có thêm phù sa vì sò là loài 2 mảnh ăn lọc”, Kỹ sư Đoàn Văn Chính, Phó Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, lưu ý.
Hải Yến
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.