Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 27/03/2015
Ngày cập nhật:
28/3/2015
Kiểm tra, theo dõi dịch bệnh trên tôm ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Hữu Hiệp
Mặc dù đang cao điểm thả giống tôm biển nhưng do tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm lớn đã tạo điều kiện cho mầm bệnh đốm trắng trong ao phát sinh và có dấu hiệu bùng phát ở địa bàn một số xã nuôi tôm biển tập trung, chiếm trên 16% tổng diện tích thả nuôi. Mặt khác, theo kết quả phân tích mẫu tôm bệnh thực hiện công tác chống dịch của Chi cục Nuôi trồng thủy sản trong các ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2015 đã phát hiện 100% mẫu bị nhiễm bệnh đốm trắng và có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Đối với ao nuôi đã bị nhiễm bệnh đốm trắng
Để đảm bảo kế hoạch vụ nuôi tôm nước lợ năm 2015 và hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh đốm trắng, người nuôi cần áp dụng ngay một số giải pháp như: không thả giống vào thời điểm dịch bệnh đốm trắng đang bùng phát, tốt nhất chờ mưa xuống mới tiếp tục thả nuôi và lưu ý thả giống rải vụ trong suốt vụ nuôi; chấp hành nghiêm khung lịch thời vụ nuôi tôm biển năm 2015 do UBND tỉnh Bến Tre ban hành; thường xuyên theo dõi thông tin về điều kiện môi trường, thời tiết, kết quả quan trắc môi trường, khi nào môi trường nuôi thật sự ổn định mới thả giống và nên chọn thời điểm thả giống phù hợp.
Ngoài thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cải tạo ao nuôi, người dân đặc biệt chú ý các vấn đề sau: Vớt sạch xác tôm chết và đem chôn tại nơi an toàn; bơm hết lớp bùn đáy ao vào ao chứa bùn; rửa ao nhiều lần, nếu dùng máy bơm phun rửa ao thì hiệu quả sẽ cao hơn; rải vôi, phơi đáy ao ít nhất một tháng nhằm tiêu diệt mầm bệnh có trong ao. Lấy nước vừa ngập nền đáy ao, dùng Formol tạt đều khắp nền đáy ao, liều lượng 200 lít/1.000m3 nước, ngâm ít nhất 24 giờ sau đó xả cạn; sử dụng hóa chất Chlorine diệt hết dịch hại còn sót lại ở mương giữa và bờ ao. Tiến hành rửa và ngâm đáy ao 2 - 3 lần bằng vôi (CaO), liều lượng 50kg/1.000m2, sử dụng thêm vôi CaCO3 rải đều khắp nền đáy và bờ ao liều lượng 20 - 25kg/1.000m2. Sau đó tiếp tục phơi ao từ 5 - 7 ngày, phơi khô đáy ao, cày xới nhằm kiểm soát chất hữu cơ và các tác nhân gây bệnh. Tiệt trùng nguồn nước đầu vào trong ao lắng hoặc ao nuôi trước khi thả tôm bằng hóa chất Chlorine liều lượng 30 ppm (30kg/1.000m3). Sau đó sử dụng EDTA liều lượng thích hợp để khử Chlorine còn tồn dư trong ao nuôi.
Đối với ao nuôi đã lấy nước Chuẩn bị thả giống
Không nên thả giống vào thời điểm hiện nay do dịch bệnh đốm trắng đang bùng phát và có dấu hiệu lây lan. Theo dõi chặt chẽ điều kiện môi trường, thời tiết khi nào thật sự ổn định mới thả giống. Trước khi thả giống, cần lưu ý một số nội dung như gây màu nước và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường và mật độ vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus đảm bảo ổn định. Tôm giống phải có giấy kiểm dịch của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre và được xét nghiệm sạch bệnh các bệnh nguy hiểm khác. Mật độ và kích cỡ giống thả nuôi phù hợp với quy định của ngành (tôm chân trắng từ 40 - 50 con/m2, cỡ postlarvae ≥ 12mm; tôm sú từ 20 - 25 con/m2, cỡ postlarvae ≥ 15mm). Nếu có điều kiện, chủ cơ sở tiến hành thu mẫu nước, tôm hoặc giáp xác xét nghiệm kiểm tra bệnh trước khi thả nuôi nhằm phát hiện sớm mối nguy.
Đối với ao tôm đang nuôi
Cần quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như: duy trì mực nước ao nuôi > 1,2m; pH duy trì 7,5 - 8,2 (kiểm tra 2 lần/ngày, vào lúc 6 giờ sáng và 14 giờ chiều); độ kiềm ổn định 120-160mg/l (định kỳ 7 - 10 ngày kiểm tra/lần); tăng thời gian chạy quạt nước để đảm bảo oxy hòa tan > 5mg/l; mật độ tảo (định kỳ 3 ngày kiểm tra/lần) cần điều chỉnh trong ngưỡng thích hợp nhất, đặc biệt là màu nước cần giữ ổn định thường xuyên, tránh hiện tượng tảo bị nở hoa (độ trong duy trì ổn định từ 30 - 40cm).
Bón vôi CaCO3 quanh bờ ao trước khi trời mưa; sau khi mưa nhiều có thể tháo bỏ lớp nước tầng mặt hoặc bón vôi ao nuôi để tránh sự biến động độ mặn và các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao nuôi. Thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế sự xâm nhập của các vật chủ trung gian mang mầm bệnh như: kiểm soát nguồn nước cấp, rào lưới, đuổi chim, cò; hạn chế người, động vật vào khu vực nuôi.
Quản lý chặt chẽ thức ăn trong quá trình nuôi, tránh dư thừa thức ăn; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để giảm ô nhiễm môi trường đáy ao và hạn chế sự phát sinh mầm bệnh. Kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày như: màu sắc tôm, khả năng hoạt động, vỏ tôm, khối gan tụy, ruột, bộ phụ, lượng thức ăn.
Sau 1 tháng thả nuôi, định kỳ 1 - 2 tuần kiểm tra mật độ vi khuẩn 1 lần nếu vượt ngưỡng cho phép thì tiến hành diệt khuẩn, sau đó cấy vi sinh lại. Bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho tôm. Các sản phẩm sử dụng phải thuộc danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý thú y thủy sản tại địa phương. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh cấm để phòng và trị bệnh.
Tôm giống là yếu tố quyết định hàng đầu
Các cơ sở nuôi tôm biển nên liên kết với Hội tôm giống, cơ sở sản xuất giống trong việc cung ứng giống, ký kết các hợp đồng để tăng trách nhiệm của người sản xuất giống và chất lượng con giống. Đặc biệt, giống khi nhận phải có “Giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản vận chuyển trong nước” của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre và lưu giữ tại cơ sở nuôi. Đây là cơ sở làm căn cứ để được hưởng các chính sách của Nhà nước như: hỗ trợ hóa chất tiêu hủy dịch bệnh; hỗ trợ con giống khôi phục sản xuất.
Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc tôm bệnh chết bất thường, phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly, tuyệt đối không xả thải ra kênh rạch và khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam để được hướng dẫn cách ly xử lý.
NVB
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.