Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 28/03/2015
Ngày cập nhật:
30/3/2015
Sau gần 9 tháng được lắp đặt thí điểm bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản trên 5 chiếc tàu cá tại huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) thì đã có 4 tàu trả lại các bộ thiết bị. Nguyên nhân ngư dân đưa ra là công nghệ quá phức tạp, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chưa tận tình, đúng quy cách, trong khi hiệu quả đánh bắt thấp, liên tục bị lỗ sau mỗi chuyến ra khơi.
Tại ai?
Đầu tháng 6-2014, tại xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) UBND tỉnh Bình Định tổ chức bàn giao 5 bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương nhập từ Nhật Bản trị giá 1,5 tỷ đồng cho 5 tàu cá của 2 ngư dân La Tình và Nguyễn Quê. Sau khi bàn giao, Hội hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai cử 2 chuyên gia sang hướng dẫn ngư dân sử dụng hệ thống máy câu. 5 tàu cá trên cũng đã được hỗ trợ chi phí cải hoán các hầm chứa trên tàu theo phương pháp của Nhật Bản. Từ khi được hỗ trợ đến nay, mỗi tàu ra khơi 2 chuyến nhưng chỉ đưa được 14 con cá ngừ đại dương đạt chất lượng bán đấu giá tại Nhật Bản.
Ngư dân Bình Định tiếp cận bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương.
Những tưởng rằng sau khi đã tiếp cận công nghệ khai thác mới ngư dân sẽ nhiệt tình tham gia và kiên trì học hỏi để nâng cao năng suất đánh bắt và chất lượng sản phẩm. Ấy vậy nhưng, những ngày đầu tháng 3-2015, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã quyết định thu hồi 4 bộ thiết bị câu của ngư dân La Tình.
Lý do được ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đưa ra là ngư dân La Tình và các thuyền viên không mặn mà áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm theo kiểu Nhật Bản đã được chuyển giao. Các chuyên gia thủy sản của Nhật Bản và đối tác thu mua sản phẩm cá ngừ cũng không hài lòng về cách làm của ngư dân La Tình.
Tuy nhiên, khi trao đổi với ngư dân La Tình, chúng tôi nhận được ý kiến khác rằng cán bộ của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định hướng dẫn chưa đúng kỹ thuật. Ông Tình dẫn chứng: “Về kỹ thuật muối cá, bên Nhật và bên chi cục hướng dẫn khác nhau. Theo hướng dẫn của Nhật Bản, cá sau khi vệ sinh xong thì ngâm nước muối ở nhiệt độ -27°C, sau đó đưa xuống hầm ngâm ở mức -18°C, rồi tăng lên mức -5°C, 0°C. Trong khi đó, cán bộ bên chi cục hướng dẫn chỉ đưa xuống một giai đoạn. Nghĩa là sau khi kéo cá lên làm vệ sinh, chọc tủy, làm mang, mổ nội tạng sạch sẽ rồi đưa xuống hầm bảo quản ở nhiệt độ -18°C. Chất lượng cá sau đó mới bị Nhật chê”.
Tạm dừng xuất khẩu
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định lý giải rằng, không phải tỉnh Bình Định thu hồi 4 bộ câu cá ngừ, mà tự ngư dân La Tình thấy không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng thiết bị hiện đại và phức tạp nên đã hoàn trả. Ông Hổ cũng cho rằng các ngư dân chưa tuân thủ đúng quy trình của công nghệ Nhật do đã quá quen với cách đánh bắt, bảo quản cá truyền thống.
Cùng quan điểm trên, ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General Office (Nhật Bản) nhận xét: Qua kiểm tra lô cá ngừ cho thấy ngư dân vẫn chưa tuân thủ triệt để đúng quy trình, kỹ thuật về đánh bắt, xử lý cũng như cách bảo quản cá đã được chuyển giao nên tỷ lệ cá đạt tiêu chuẩn đi Nhật thấp, hầu hết cá bị loại do thịt không đủ độ đàn hồi, thịt cá không cùng 1 màu, chỗ đỏ chỗ thâm đen.
Tiêu chuẩn cá ngừ đại dương xuất qua Nhật Bản, ngoài tuân thủ các quy trình đánh bắt, hầm bảo quản, thì cá đánh bắt khi đem vào bờ chọn đưa qua Nhật không quá 10 ngày. Tuy nhiên, thực tế hầu hết số cá không đạt tiêu chuẩn có thời gian đánh bắt đều hơn 10 ngày. Ngư dân La Tình thừa nhận, do không thể thực hiện chuyến biển dưới 10 ngày như quy định vì sẽ không đảm bảo thu nhập cho chuyến biển. Vì vậy, trong 10 ngày đầu đánh bắt không tuân thủ theo quy trình được chuyển giao, chấp nhận số cá này không đi Nhật. Chỉ 10 ngày cuối, mới đánh bắt theo quy trình nên tỷ lệ cá đạt tiêu chuẩn ít.
Theo ông Hổ, trước việc chất lượng cá không đảm bảo, tỉnh Bình Định đã quyết định tạm ngừng xuất khẩu qua Nhật Bản đến tháng 11-2015 để tiếp tục hướng dẫn, đào tạo hỗ trợ ngư dân khắc phục khuyết điểm để nâng cao hiệu quả đánh bắt và chất lượng cá ngừ vì sắp tới Bình Định sẽ mở rộng thêm mô hình này thêm 20 tàu đánh cá nữa.
Hiện Sở NN-PTNT Bình Định đã cử 4 cán bộ kỹ thuật sang Nhật, trong đó 2 cán bộ chủ yếu học về kỹ thuật khai thác, 2 cán bộ học về chất lượng, kiểm tra chất lượng cá, rồi về truyền đạt lại cho ngư dân. Trong thời gian tạm ngưng xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật, Công ty CP Thủy sản Bình Định, đơn vị ký hợp đồng tiêu thụ 50% cá ngừ đại dương, vẫn hỗ trợ 3.000 đồng/kg cho ngư dân.
HÀ MINH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.