Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị, 01/04/2015
Ngày cập nhật:
2/4/2015
Với diện tích mặt nước rộng, thị trường tiêu thụ lớn, Hà Nội là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Do đó, phát triển NTTS bền vững cũng được ngành nông nghiệp Thủ đô xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Hình thành nhiều vùng NTTS tập trung
Theo thống kê, tổng diện tích có tiềm năng phát triển NTTS của Hà Nội là 30.840ha, bao gồm cả ao, hồ, ruộng trũng. Những năm qua, ngành thủy sản Thủ đô đã hướng dẫn người dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, bước đầu đạt được kết quả khả quan. Diện tích, sản lượng, năng suất NTTS liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2009, diện tích NTTS của toàn TP chỉ đạt 19.519ha, thì đến năm 2014, đã tăng lên 20.838ha. Sản lượng thủy sản năm 2014 đạt 90.000 tấn, đáp ứng khoảng 37% nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của người dân Thủ đô.
Cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Nội thả cá giống ra sông Đáy tại xã Cao Dương, huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thiện
Ngay sau khi Quy hoạch phát triển thủy sản TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, trên địa bàn TP đã hình thành nhiều vùng NTTS tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Tiêu biểu là xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) diện tích 180ha, xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) 80ha, vùng Trung Tú - Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) 170ha, vùng Hùng Tiến - An Tiến - An Phú (huyện Mỹ Đức) 330ha, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) 70ha... Ông Vũ Văn Tuân - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín chia sẻ, toàn huyện có khoảng 1.000ha NTTS, tập trung tại các xã Nghiêm Xuyên, Thư Phú, Lê Lợi... Các mô hình này có hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, theo ông Tạ Văn Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội, hiện nay, đối tượng và hình thức NTTS cũng đa dạng hơn. Nhiều mô hình nuôi cá thương phẩm với đối tượng mới có hiệu quả cao như cá trắm đen, rô phi đơn tính, cá rô đầu vuông, chép lai... Công tác theo dõi, cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại một số vùng nuôi tập trung được triển khai qua hàng năm, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất.
Tích cực bảo vệ nguồn lợi
Một thuận lợi đối với phát triển NTTS của Hà Nội là có diện tích các hồ chứa thủy lợi lớn với môi trường nước thông thoáng, ít ô nhiễm là điều kiện lý tưởng để phát triển nghề cá hồ chứa. Những năm qua, nghề cá hồ chứa được phát triển rất đa dạng, nuôi lồng bè theo phương thức từ quảng canh đến bán thâm canh, thâm canh. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là một số loài thủy sản ngoài tự nhiên trên địa bàn TP đang có nguy cơ tuyệt chủng như cá chày đất, cá mòi cờ hoa, cá bỗng… Nhiều loài thủy sản khác cũng suy giảm mạnh về số lượng như cá chép, cá trê đồng, chạch bùn, lươn, cá rô đồng, cá diếc, cà cuống… Thêm vào đó, tình trạng sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, ngư cụ không đảm bảo theo quy định trong đánh bắt, khai thác thủy sản diễn ra ngày càng phức tạp. Bởi vậy, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên, hàng năm Chi cục Thủy sản Hà Nội đều tổ chức thả cá giống ra sông, hồ chứa, nhất là dịp hưởng ứng Ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4), Ngày môi trường thế giới (5/6). Đồng thời tuyên truyền cho người dân không dùng phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt như kích điện, ngư cụ có mắt lưới nhỏ... Hoạt động này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi, tăng sản lượng đánh bắt. Qua đó nâng cao đời sống cho người dân quanh các sông, hồ.
Ông Hoàng Tiến Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội chia sẻ, TP đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp, trong đó xác định thủy sản là mũi nhọn. Hiện, Chi cục Thủy sản đang xây dựng các chính sách thu hút DN đầu tư hạ tầng các vùng NTTS xa khu dân cư, quy mô khu hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn TP.
Trong 3 tháng đầu năm 2015, toàn TP sản xuất được 452 triệu con cá giống các loại. Sản lượng cá thu hoạch ước đạt 43.000 tấn, bằng 43% tổng sản lượng dự kiến thu hoạch cả năm 2015.
Thiện Quang
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.